Mỹ phát hiện Việt Nam xuất hàng dính tới lao động cưỡng bức ở Tân Cương nhiều hơn cả Trung Quốc
Hải quan Hoa Kỳ mới đây tuyên bố rằng Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa dính dáng đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) lớn nhất trong năm 2023, vượt qua cả Trung Quốc.
Một công nhân thu sợi bông tại một nhà máy dệt may ở Aksu thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây Trung Quốc, ngày 20/4/2021.
Theo công bố của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP), hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam bị phát hiện vi phạm Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) nhiều nhất trên thế giới trong năm ngoái, cũng như kể từ khi luật này được Quốc hội Mỹ ban hành vào năm 2021.
Đạo luật UFLPA cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác vào Hoa Kỳ. Hành động này là câu trả lời cho các báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan trong Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc.
Vào cuối tháng 1/2024, CBP công bốsố liệu thống kê thực thi Đạo luật UFLPA cho thấy tính đến cuối tháng 12/2023, Việt Nam có giá trị sản phẩm lớn nhất bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ, cao hơn của Malaysia và Trung Quốc kể từ khi luật này được thực thi.
Theo cơ quan này, họ từ chối thông quan 1.197 lô hàng, trị giá 220,3 triệu USD từ Việt Nam từ tháng 6/2022 đến ngày 4/12/2023 do vi phạm UFLPA. Malaysia có 454 lô hàng, trị giá 164 triệu USD bị từ chối trong khi Trung Quốc có 808 lô hàng, trị giá 69 triệu USD bị từ chối.
Riêng các sản phẩm may mặc, giày dép và dệt may của Việt Nam bị phát hiện vi phạm trị giá 19,14 triệu USD, trong đó 10,22 triệu USD bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023. Con số này của Trung Quốc là 17,70 triệu USD hàng hóa bị phát hiện vi phạm, trong đó 1,91 triệu USD hàng hóa bị từ chối.
Các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam bị hải quan Mỹ từ chối nhập khẩu theo Đạo luật này bao gồm điện tử (704 lô), vật liệu công nghiệp và chế biến (391 lô), dệt may-giày dép (242 lô).
VOA đã liên lạc Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các con số thống kê trên của CBP, nhưng chưa được trả lời.
Trao đổi với VOA qua email, bà Rushan Abbas, người sáng lập và giám đốc điều hành của Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ (Campaign for Uyghurs) có trụ sở tại Virginia, cho biết rằng Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu từ Đông Turkistan, tên gọi của người Duy Ngô Nhĩ cho Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, sang các nước láng giềng, bao gồm cả Việt Nam, và đã sử dụng chiến thuật nhằm che giấu nguồn gốc tự nhiên của sản phẩm.
"Việt Nam là một trong những quốc gia bị Trung Quốc lợi dụng để che đậy tội ác của mình", bà Abbas nhận xét. "Số liệu thống kê của CBP Hoa Kỳ cho thấy Chính phủ Việt Nam, dù cố ý hay vô tình, đã tìm cách lách luật UFLPA, từ đó tự dính líu đến sự đồng lõa với tội ác diệt chủng của Đảng cộng sản Trung Quốc".
"Báo cáo này trình bày một diễn biến rất đáng chú ý rằng hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương đang ngày càng được chuyển hướng sang Việt Nam để tái xuất khẩu sang Mỹ", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu nhận định qua email với VOA.
Đại diện của HRW đánh giá thêm : "Trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị Hoa Kỳ đã nói về việc giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng bằng cách chuyển chúng ra khỏi Trung Quốc, thì rõ ràng điều đó không đơn giản như vậy. Những chuyển hướng này là không thể chấp nhận được và Hoa Kỳ cần sử dụng mối quan hệ song phương mới được nâng cấp với Việt Nam để gây sức ép với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội nhằm ngăn chặn những hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức được vận chuyển từ cảng của họ sang Mỹ".
Hồi tháng 4/2023, hãng tin Reuters cho hay các quy định ngày càng chặt chẽ của Mỹ trong việc cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc đang gây áp lực nặng nề lên các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép của Việt Nam, với gần 90.000 lao động mất việc làm kể từ tháng 10/2022 trong bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu chậm lại.
Theo Đạo luật UFLPA, có hiệu lực từ tháng 6/2022, chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty chứng minh rằng họ không sử dụng nguyên liệu thô hoặc linh kiện được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.
Reuters dẫn lời ông Sheng Lu, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Thời trang và May mặc tại Đại học Delaware, Mỹ, nói : "Sự phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào nguyên liệu dệt bông từ Trung Quốc đề ra nguy cơ đáng kể về khả năng sản phẩm chứa bông Tân Cương, vì tỉnh này sản xuất hơn 90% lượng bông của Trung Quốc".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội, người theo dõi các chính sách kinh tế-xã hội ở Việt Nam, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA :
"Có một số công ty nhập sợi, vải, nguyên liệu để làm hàng dệt may… có thể người ta không để ý đến những quy định của Mỹ. Khi Mỹ giám sát thực thi luật pháp của họ thì họ phát hiện ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam vi phạm đạo luật UFLPA. Đây là một cảnh báo cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam có dùng nguyên liệu thô hay bán thành phẩm liên quan đến hay có xuất xứ từ những vùng bị Mỹ cấm".
Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, nói với VOA rằng từ dữ liệu của hải quan Mỹ có thể cho thấy một điều là doanh nghiệp ở Việt Nam đã mua nguyên liệu thô từ Trung Quốc và sau đó sử dụng lao động giá rẻ ở Việt Nam qua hình thức gia công để sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
"Sẽ rất ngạc nhiên nếu Việt Nam không thực hiện điều này", ông Khanh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nhận thấy điều này, nhưng nói rằng : "Tôi không nghĩ rằng đây là một âm mưu của Trung Quốc để lách quy định của Mỹ", vì theo ông vẫn chưa thấy có thống kê đầy đủ trong số hàng bị từ chối có bao nhiêu phần trăm hàng hóa do doanh nghiệp Trung Quốc có chi nhánh ở Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Khanh cho rằng điều cần thiết là các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ của Việt Nam phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng bông của họ khỏi nguồn cung cấp từ Trung Quốc bằng cách sử dụng nhiều hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ.
Nguồn : VOA, 06/02/2024
Các công ty Mỹ cần thẩm định kỹ càng hơn và đây là một đòi hỏi mang tính đạo đức, pháp lý và quản lý - nghiên cứu nhấn mạnh.
Một báo cáo nghiên cứu vừa được công bố cho biết hàng trăm công ty lớn của Mỹ, trong hoạt động sản xuất của mình, có thể đang vô tình sử dụng vàng được khai thác bởi người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động tại khu vực Tân Cương thuộc vùng viễn Tây của Trung Quốc.
AP và Reuters
Báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến, hay còn gọi là Center for Advanced Defense Studies (C4ADS), cũng cho biết các công ty tài chính như Vanguard, Fidelity, JPMorgan Chase và Blackstone đã khiến người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc điều hành các mỏ vàng ở Tân Cương thông qua các quỹ đầu tư theo chỉ số của họ.
Mặc dù chúng ta đã công bố rộng rãi nhiều báo cáo về việc cưỡng bức lao động đối với người Ngô Duy Nhĩ ở Trung Quốc nhưng vẫn "chưa có sự quan tâm đầy đủ" đối với việc khai thác mỏ ở Tân Cương – báo cáo được công bố hôm thứ Tư nhận định. Cũng theo báo cáo này, khai thác mỏ hiện chiếm 43% tổng sản phẩm kinh tế của Tân Cương và bản thân khu vực này là địa điểm sản xuất về than, khí gas, vàng, đồng và sắt hàng đầu của Trung Quốc.
Tập trung vào lĩnh vực khai thác vàng, báo cáo cho hay bốn trong số 10 công ty khai thác vàng lớn nhất của Trung Quốc có hoạt động ở Tân Cương – vùng viễn Tây mà theo Chính phủ Mỹ, đang diễn ra nạn diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ thông qua triệt sản cưỡng bức, đồng hóa, bỏ tù và lao động nô lệ.
Bốn công ty này là Tập đoàn Vàng Lingbao, Công ty Zhaojin Mining Industry, Tập đoàn Zijin Mining và Tập đoàn Vàng Sơn Đông (Shandong Gold), doanh nghiệp vàng lớn thứ hai của Trung Quốc.
C4ADS cho rằng vàng được sản xuất bởi các công ty này và các công ty khác ở Tân Cương "có thể đang xâm nhập vào Hoa Kỳ và các chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà bán lẻ lớn". Vì vậy, C4ADS kêu gọi các nhãn hàng " hãy tiến hành việc thẩm định kỹ càng hơn để bảo đảm chắc chắn rằng họ không mua vàng hoặc các khoáng sản khác [có nguồn gốc từ Tân Cương]".
Đạo luật Phòng chống Cưỡng bức Lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ năm 2021 cấm các công ty Mỹ nhập bất cứ loại hàng hóa nào sản xuất tại Tân Cương trừ khi họ có thể chứng minh rằng lao động cưỡng bức đã không được sử dụng – điều mà theo báo cáo của C4ADS là "không thể khi có sự hạn chế trong việc tiếp cận" khu vực này.
C4ADS lưu ý rằng cả Good Delivery Lists (Danh sách các nhà cung ứng tốt) của Hiệp hội Thị Trường Vàng thỏi Luân Đôn và Responsible Mineral Initiative (Sáng kiến Khai khoáng Có trách nhiệm) đều chứng nhận rằng các công ty giao dịch vàng trên các sàn giao dịch lớn hơn – nơi kết nối họ với thị trường toàn cầu, có tuân thủ với các tiêu chuẩn nhân quyền.
Những thợ mỏ trở về sau một ngày làm việc khai thác vàng dưới lòng đất tỉnh Tư Xuyên - Ảnh minh họa
Nhưng có bằng chứng cho thấy trên thực tế, họ có sử dụng lao động bị cưỡng bức là người Duy Ngô Nhĩ, báo cáo này cho biết.
Thứ nhất, các công ty này sử dụng các chương trình "giới thiệu việc làm" cho người Duy Ngô Nhĩ do chính phủ điều hành. Chính phủ lại thường tìm kiếm việc làm cho người Duy Ngô Nhĩ tại các công ty do người Hán điều hành và người Duy Ngô Nhĩ "không thể tự do từ chối".
Các công ty này [công ty của người Hán] cũng công khai tham gia hoạt động "đồng hóa cưỡng bức" của chính phủ và được chính quyền khen ngợi là đóng vai trò chủ động trong đồng hóa cưỡng bức - báo cáo của C4ADS cho biết.
Mặc dù vậy, hàng trăm công ty Mỹ đã báo cáo các chuỗi cung ứng của họ có tiếp xúc với bốn công ty nói trên của Trung Quốc. Luật hiện hành buộc công ty Mỹ phải báo cáo cho các nhà quản lý về các cơ sở tinh chế nơi cung ứng vàng cho họ.
Mattel, Macy's, Nordstrom, Starbucks, Home Depot, Apple và Tesla nằm trong số 397 công ty đã báo cáo tiếp xúc với Tập đoàn Zijin Mining. Trong khi đó, American Eagle, Sony và Amazon nằm trong số 399 công ty được báo cáo tiếp xúc với Tập đoàn Vàng Sơn Đông.
Ngoài ra còn có T-Mobile, General Motors, Hasbro và Columbia Sportswear nằm trong số 409 công ty đã báo cáo tiếp xúc với Công ty Zhaojin Gold và Ford, Dolby, Best Buy và Kohl's nằm trong số 277 công ty được báo cáo tiếp xúc với Tập đoàn Lingbao Gold.
Đài Á Châu Tự do (RFA) đã liên lạc với Apple, T-Mobile, Mattel và Starbucks để hỏi về các biện pháp thẩm định của họ nhưng chưa nhận được hồi âm.
C4ADS lưu ý trong báo cáo rằng sự "tiếp xúc" với các mỏ có nghi vấn được các công ty này báo cáo với các cơ quan quản lý Mỹ với "ngôn ngữ chuẩn hóa". Theo đó, có thể hiểu là có khả năng vàng có nguồn gốc từ những mỏ này và không nhất thiết có nghĩa là vàng đó đã được sử dụng trên thực tế.
"Tuy nhiên, nguy cơ có tiếp xúc/liên quan với vàng [Tân Cương] của bất kỳ công ty nào tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc là rõ ràng" – báo cáo viết. "Việc các công ty tiến hành thẩm định tốt hơn để đảm bảo họ không mua vàng hoặc các khoáng sản khác của [Tân Cương] là một đòi hỏi mang tính đạo đức, pháp lý và quản lý".
Có thể người tiêu dùng Mỹ không chỉ đã hỗ trợ tài chính cho những chuỗi cung ứng – nơi vàng được khai thác bởi những nô lệ người Duy Ngô Nhĩ.
Báo cáo của C4ADS cũng chỉ ra rằng mặc dù hàng hóa sản xuất tại Tân Cương rõ ràng bị cấm nhập vào Mỹ nhưng "đầu tư vào các công ty được đăng ký hoặc đang có hoạt động sản xuất tại khu vực của người Duy Ngô Nhĩ thì không".
Điều đó có nghĩa rằng nhiều thể chế tài chính của Mỹ đang cung cấp các quỹ đầu tư theo chỉ số nhắm vào các thị trường mới nổi hoặc thậm chí cụ thể là thị trường Trung Quốc, đã đưa cổ phiếu của các công ty vàng hoạt động ở Tân Cương vào chỉ số của mình.
"Nhiều công ty khai khoáng của Trung Quốc có mỏ [ở Tân Cương] được giao dịch công khai" - báo cáo cho biết và thêm rằng các nhà đầu tư "có thể vô tình bỏ tiền của họ vào các công ty đồng lõa với việc đàn áp và bóc lột người Duy Ngô Nhĩ thông qua các sản phẩm đầu tư như quỹ đầu tư theo chỉ số".
Theo báo cáo, các tập đoàn Zijin Mining, Shandong Gold và công ty Zhaojin Mining "đã được đưa vào trong các quỹ đầu tư khác nhau của Vanguard, Fidelity, Blackstone, WisdomTree, USAA, JPMorgan Chase và nhiều công ty tài chính khác" cũng như trong các quỹ hưu trí cơ bản.
Ilshat Hassan Kokbore - Phó chủ tịch Ủy ban điều hành của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, nói với RFA rằng người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều thập kỷ đã bị buộc phải làm các công việc khai thác nguy hiểm cho Trung Quốc, bắt đầu bằng việc khai thác uranium mà theo ông, đã khiến nhiều người bị ung thư.
"Chính phủ Mỹ đã trừng phạt nhiều công ty Trung Quốc có liên quan tới với việc cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ nhưng không nhiều công ty khai khoáng nằm trong số bị trừng phạt" – ông Kokbore nói và thêm rằng nhiều người Duy Ngô Nhĩ giờ đang buộc phải khai thác lithium dùng trong pin phục vụ các ngành công nghệ cao cấp.
Bên cạnh việc kêu gọi sự can thiệp của cơ quan quản lý, ông đồng thời kêu gọi các thương hiệu/nhãn hàng tự nguyện gia tăng hoạt động thẩm định để tránh mua khoáng sản do người Duy Ngô Nhĩ khai thác, từ đó sẽ làm giảm khả năng sinh lời của việc sử dụng lao động nô lệ Duy Ngô Nhĩ.
"Nếu các tập đoàn Mỹ như Apple và Tesla cũng tẩy chay các sản phẩm làm bởi lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ thì sẽ tạo ra một tác động rất lớn đối với Trung Quốc, buộc họ phải dừng sự tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ".
Nguồn : RFA, 11/10/2023
Việc Biden gọi Tập là ‘nhà độc tài’ đã đe dọa kế hoạch cho chuyến thăm San Francisco.
Không rõ tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lại chọn Tần Cương làm ngoại trưởng, vì ông này không phải là chuyên gia về Hoa Kỳ. (Nikkei dựng phim/Reuters)
Trong một diễn biến bất ngờ, tối thứ Ba vừa qua (25/07/2023), Trung Quốc thông báo rằng Tần Cương đã bị cách chức Ngoại trưởng, và thay thế bằng Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu đất nước, đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vương là người tiền nhiệm trực tiếp của Tần trong tư cách là Ngoại trưởng, và còn là thành viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng. Không có lý do nào được đưa ra cho việc sa thải Tần.
Điều này không hề bình thường. Mới đây, vào tháng 4, Tần còn cảnh báo Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi không được "giúp kẻ xấu làm điều ác," ám chỉ Mỹ. Thế rồi, sau một tháng im lặng không xuất hiện trước công chúng, ông đã bị sa thải.
Việc Tần vắng mặt một thời gian dài rõ ràng đã có tác động đáng kể đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Ngoại trưởng Anh James Cleverly vừa hoãn chuyến đi dự kiến tới Trung Quốc vào cuối tháng 7. Vương Nghị và Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triêu Húc đã thay thế Tần tại các sự kiện ngoại giao gần đây ở ASEAN và BRICS, bằng cách xuất hiện trực tiếp hoặc trực tuyến.
Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải chật vật xoay sở trước các câu hỏi của phóng viên nước ngoài, khi không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng về lý do chính xác khiến Tần vắng mặt.
Vương Nghị tại Hungary hồi tháng 2. Ông đã được tái bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Trung Quốc, thay thế Tần Cương vào ngày 25/07. © Reuters
Khi những nhân vật chủ chốt của ĐCSTQ biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong một thời gian dài, thường có nhiều lý do được đưa ra. Trong trường hợp của Tần, ban đầu, Bộ Ngoại giao đã dùng lý do sức khỏe. Nhưng đôi khi, lời giải thích công khai chưa chắc đã đúng sự thật.
Điều chắc chắn là thông báo hôm thứ Ba về việc sa thải Tần đã không đề cập đến sức khỏe. Hơn nữa, thông báo của Tân Hoa Xã còn lưu ý rằng Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đích thân ký quyết định miễn nhiệm Tần.
Dòng thông báo của Tân Hoa Xã rất đáng chú ý, vì nó cho thấy rằng Tập là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho sự thay đổi nhân sự này, báo hiệu rằng chính Tập đã coi Tần là một kẻ thất bại.
Khi các nhân vật chủ chốt của ĐCSTQ bị sa thải, lý do thường là về chính trị. Và trong thời đại ngày nay, tất cả các vấn đề chính trị đều phụ thuộc vào một điều : Tập cảm thấy thế nào ? Không ngạc nhiên khi Bộ Ngoại giao chẳng có gì để nói, bởi những vấn đề chính trị kiểu này không thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.
Một số phương tiện truyền thông nhắc đến khả năng Tần ngoại tình. Nhưng có lẽ chuyện đó không phải là mấu chốt vấn đề.
Tần Cương được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Trung Quốc ở tuổi 56 vào cuối năm 2022, ngay sau đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng. Ông lên kế nhiệm Vương Nghị, theo đó vượt qua nhiều đối thủ cấp cao hơn, những người đều là ứng viên có năng lực. Hơn nữa, Tần còn được thăng chức Uỷ viên Quốc vụ viện, tương đương cấp phó thủ tướng, vào tháng 3 năm nay.
Trong hệ thống nhân sự của ĐCSTQ, quá trình kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt sẽ được tiến hành trước khi cá nhân được thăng chức. Những cuộc kiểm tra này, do bộ máy an ninh quốc gia thực hiện, được cho là kỹ lưỡng hơn nhiều so với những cuộc kiểm tra lý lịch mà các bộ trưởng nội các Nhật Bản phải vượt qua trước khi được bổ nhiệm.
Trong trường hợp của Tần, điều tra về lý lịch có thể bao gồm cả thời gian ông giữ các chức vụ được giao ở nước ngoài.
Cách sắp xếp chỗ ngồi tại cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã làm lu mờ bất kỳ lời lẽ tích cực nào giữa hai người tại cuộc gặp ngày 19/06. © Tân Hoa Xã/Kyodo
Nếu có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào liên quan đến Tần, dù là tham nhũng hay ngoại tình, nó cũng phải được báo cáo lên các quan chức cấp cao của đảng từ rất sớm. Điều đó nghĩa là người ta không phát hiện được điều gì đáng báo động, chí ít là cho tới khi Tần được thăng chức Ngoại trưởng vào tháng 12 năm ngoái.
Một nhà quan sát quan hệ Mỹ-Trung chỉ ra rằng sự biến mất bí ẩn của Tần có thể liên quan đến hai vấn đề : xử lý quan hệ với Mỹ – vốn chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng – và việc Tần thiếu kinh nghiệm đảm nhận một trách nhiệm quan trọng như vậy.
Nếu chúng ta lần theo những diễn biến dẫn đến sự biến mất của Tần, vấn đề sẽ dần sáng tỏ.
Ngày 20/06, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây sốc cho giới lãnh đạo Trung Quốc khi gọi Tập Cận Bình là "nhà độc tài" trong bài phát biểu vận động tranh cử ở California. Thời điểm tuyên bố này xuất hiện là đặc biệt có vấn đề. Nhận xét của Biden được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tập gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Cách sắp xếp chỗ ngồi khác thường, nhưng rõ ràng là có chủ ý, đã làm lu mờ những lời lẽ tích cực mà Tập và Blinken trao đổi với nhau.
Khi ấy, Tập ngồi ở một đầu chiếc bàn hội nghị dài hình chữ U, còn phái đoàn Mỹ do Blinken dẫn đầu, và phái đoàn Trung Quốc, bao gồm Vương Nghị và Tần Cương, ngồi ở hai bên, đối diện nhau, như thể họ đang nghe giảng từ Tập. Đây là cách sắp xếp chỗ ngồi được sử dụng ở Trung Quốc mỗi khi hai nhóm khác nhau báo cáo cho ông chủ.
Cách sắp xếp này đã làm nhục Blinken. Người Trung Quốc đã đối xử với phái đoàn Mỹ như thể họ là một quốc gia chư hầu.
Bất chấp sự xúc phạm, Blinken đã không rời khỏi cuộc họp. Nhưng ở quê nhà Mỹ, người ta không chấp nhận chuyện này. Các nhà bình luận đã tức giận trước cách nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ bị đối xử.
Nhận xét "độc tài" của Biden có thể là một đòn đáp trả đối với Trung Quốc. Bắc Kinh không xem đó chỉ là lỡ lời, và kết quả cuối cùng đã khiến hai bên đều đắng họng.
Tập Cận Bình và nhóm thân tín của ông muốn chứng tỏ cho người dân Trung Quốc thấy rằng quyền lực toàn cầu của Chủ tịch nước lớn đến mức ngay cả Ngoại trưởng Mỹ cũng phải báo cáo với ông. Đây là lý do tại sao Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước điều hành đã phát sóng một video Tập "giảng dạy" Blinken trong chương trình thời sự buổi tối quan trọng.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang quan tâm đến cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại San Francisco vào tháng 11 này. Trung Quốc muốn câu chuyện phải là Tập tham dự vì người Mỹ đã tha thiết yêu cầu, chứ không phải vì Trung Quốc háo hức đến đó.
Trung Quốc cũng kỳ vọng vào một cuộc gặp trực tiếp thu hút nhiều chú ý giữa Tập và Biden bên lề hội nghị APEC.
Báo chí Trung Quốc đưa tin rầm rộ về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Mỹ Blinken, cũng như cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Blinken. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Kịch bản mà Trung Quốc mong muốn cũng được phản ánh trong báo cáo của các phương tiện truyền thông nước này. Ngày 19/06, Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đưa tin trên trang nhất rằng cuộc gặp ngày hôm trước giữa Tần và Blinken đã thành công tốt đẹp.
Ngày hôm sau, tức ngày 20/06, Tin tức Tham khảo, một tờ báo do Tân Hoa Xã xuất bản, cũng đưa cái bắt tay giữa Tập và Blinken trong cuộc gặp trở thành câu chuyện hàng đầu trên trang nhất.
Điều này cho thấy rằng, tính đến thời điểm đó, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc vẫn ca ngợi những đóng góp lớn của Tần cho chính sách ngoại giao với Mỹ của Tập.
Đối với phía Trung Quốc, nhận xét "độc tài" của Biden đã xuất hiện vào thời điểm tồi tệ nhất. Bắc Kinh không thể lật ngược tình thế và nổi cơn thịnh nộ mà không khiến chuyến thăm của Blinken trông giống như một thất bại hoàn toàn. Bộ Ngoại giao do Tần đứng đầu không thể để điều đó xảy ra, theo đó làm chậm phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với nhận xét của Tổng thống Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tiết lộ vào ngày 22/06 rằng một ngày trước, Tạ Phong, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua các quan chức cấp cao của họ, nhưng đó là một phản ứng kiềm chế.
Các nguồn tin cho biết các cấp lãnh đạo của Trung Quốc vô cùng không hài lòng khi Bộ Ngoại giao nước này đã không phát động một cuộc phản công hiệu quả chống lại Mỹ sau khi quyền lực của nhà lãnh đạo hàng đầu Tập Cận Bình bị tổn hại nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden chuẩn bị chào đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng vào ngày 21/06. Việc Biden gọi Tập là "nhà độc tài" đã khiến các quan chức Trung Quốc tức giận. © Getty Images
Trong khi đó, Biden tỏ ra rất bình thản và điềm tĩnh. Khi được hỏi về hậu quả có thể xảy ra đối với quan hệ Mỹ-Trung do nhận xét "độc tài" của mình, Biden nói, "Tôi không nghĩ nó có bất kỳ hậu quả thực sự nào". Lúc đó, ông đang phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng vào ngày 22/06.
Người Trung Quốc đang thất vọng vì không thể kiểm soát và quản lý mối quan hệ với Mỹ.
Ai là người chịu trách nhiệm cho tình hình hiện tại ? Sự thật là không ai có lỗi, nhưng trong hệ thống phân cấp của Trung Quốc, phải có ai đó chịu trách nhiệm. Một số người trong cuộc ở Trung Quốc tin rằng nhiều khả năng Tần đã bị chọn.
Nếu được đích thân Tập đề cử, thì Tần không nhất thiết phải là người được yêu thích mới có thể trở thành Ngoại trưởng. Lý do ông bị nhắm tới vẫn còn là một bí ẩn. Nhìn chung, nhiệm vụ lớn nhất mà Ngoại trưởng Trung Quốc phải đối mặt hiện nay là quản lý quan hệ với Mỹ. Nhưng Tần, cựu phát ngôn viên của bộ, lại không phải là chuyên gia về Mỹ.
Đúng là Tần đã từng đảm nhiệm một chức vụ danh giá – Đại sứ tại Mỹ. Nhưng trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, việc xây dựng các quan hệ chính trị mới ở Washington là một chặng đường gập ghềnh đối với ông. Một nguồn tin ngoại giao châu Á quen thuộc với quan hệ Mỹ-Trung cho biết : "Rất khó để Tần, người không có nhiều mối quan hệ ở Mỹ, đạt được những thành tựu ở Mỹ".
Tập Cận Bình, người đưa ra sự chấp thuận cuối cùng để đặt Tần vào ghế Ngoại trưởng, giờ đây đã quyết định tái bổ nhiệm Vương nhằm xoa dịu tình hình.
Nhưng không có khả năng Vương Nghị, một ủy viên Bộ Chính trị, sẽ vẫn là Ngoại trưởng trong vòng bốn đến năm năm tới. Công luận chắc chắn sẽ tập trung vào việc ai sẽ kế nhiệm ông với tư cách là người đứng đầu Bộ Ngoại giao.
Nhưng trong thời điểm hiện tại, sự mơ hồ ngoại giao của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : Did rocky China-U.S. ties doom Qin Gang as foreign minister ?," Nikkei Asia, 26/07/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 31/07/2023
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Ở nước Mỹ, một cô gái 14 tuổi đi mất tích ; các bản tin trên mạng đăng hình cô lên ; cả nước hỏi nhau : Có ai thấy cháu gái ở đâu không ? Ai gặp cô cháu lần chót ? Có nghi ngờ ai bắt cóc cháu không ? Cho tới khi, mấy năm sau, bỗng cô tái xuất hiện ; tìm đến sở cảnh sát ở một tiểu bang cách nhà mấy ngàn cây số ! Cháu đến nhờ báo tin cho gia đình, chờ được đưa về nhà, được mẹ ôm, khóc thút thít !
Đó là một chuyện gần như "thường ngày" ở nước Mỹ.
Khuôn mặt của Tần Cương nổi quá, che khuất cả "cấp lãnh đạo" của mình. Tần Cương cao lớn, đẹp trai, có vẻ như đã được Tập Cận Bình ưu ái, cất nhắc.
Chuyện ở Trung Quốc đặc biệt hơn. Một người đàn ông 57 tuổi bỗng dưng biến mất. Cả nước thắc mắc, lên mạng hỏi nhau, hơn một tháng trời không ai biết ông ta ở đâu. Chỉ gọi tên, không cần đăng hình, vì khuôn mặt ông quen thuộc, ai cũng biết. Một hôm, bỗng dưng, báo, đài của nhà nước loan tin rằng Ban Thường Vụ Quốc hội đã quyết định có người lên thay thế chức vụ của ông.
Nhân vật đó là ông Tần Cương (Qin Gang) nguyên bộ trưởng ngoại giao, mới nhậm chức được nửa năm. Bản tin vắn tắt không giải thích tại sao ông "thất tung," bị cách chức vì lầm lỗi gì, và ông giờ này ông vẫn ở nhà với vợ hay đã bị bắt giam ? Các dấu vết của Tần Cương bị xóa sạch trên mạng tin học của Bộ Ngoại Giao, trong một tháng trời. Không thấy tên, không còn đăng tiểu sử, thành tích, không giữ hình ảnh nào của ông bộ trưởng – như thể con người đó chưa bao giờ có mặt.
Bí Mật ! Đảng Cộng sản cầm quyền trong bí mật. Chính quyền thay đổi, hơn 1.4 tỷ dân không cần được báo tin, không cần phải hiểu lý do. Cả guồng máy gần trăm triệu công chức không chịu trách nhiệm trước dân chúng. Họ chỉ chịu trách nhiệm với Đảng. Đúng ra, chỉ chịu trách nhiệm với một người : Tập Cận Bình.
Khi một ông bộ trưởng ngoại giao biến mất mà cả hệ thống truyền thông im hơi lặng tiếng thì bộ máy tin đồn được khởi động, bàn tán ồn ào. Người ta phao tin rằng ông bộ trưởng mất chức vì đang gian díu với một cô xướng ngôn viên đài truyền hình. Cô này vốn rất hoạt động trên các mạng xã hội, mỗi ngày đều đăng tin cập nhật ; bỗng dưng cũng mất hết dấu tích, cùng một thời gian như ông bộ trưởng.
Nhưng ở nước Trung Quốc, quan chức "có mèo" không phải chuyện lạ. Nhà nước kiểm soát hết hệ thống truyền thông, sẵn sàng cắt bỏ những tin tức bất lợi cho các lãnh tụ.
Năm 2021, cô Bành Soái (Peng Shuai,彭帅), một đấu thủ quần vợt 35 tuổi, đã viết trên mạng tố cáocựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), là người phụ trách các môn thể thao, đã cưỡng ép cô suốt mười năm trời không thoát được.Lời cáo giác xuất hiệntrên mạng Weibo, giống như Twitter ở Mỹ, chỉ trong vòng 20 phút lập tức bị cắt bỏ.Bành Soáibỗng nhiên "mất tích" trong mấy tuần. Dư luận xôn xao vì cô đã chiếm nhiều giải lớn ; Tổ chức Thế Vận Hội Thế giới phải hỏi thăm, lúc đó mới được gặp cô qua điện thoại. Bành Soái nói, "Không có chi ! Không có chi !"; Trương Cao Lệ, già gấp đôi tuổi cô, vẫn tiếp tục làm trưởng ban tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2022.
Như thế thì nếuông bộ trưởng Tần Cươngcó "vụng trộm" với một cô xướng ngôn viên truyền hình, đó cũng chỉ là một "chuyện nhỏ," đôi bên thỏa thuận, không ai ép uổng. Vậy tại sao Tần Cương bỗng nhiên phải mất tích ?
Chắc chỉ một người biết câu trả lời, là Vương Nghị ; được đưa lên nhậm chức tạm thời thay thế Tần Cương.
Địa vị của Vương Nghị cao hơn nhiều bậc. Hiện ông đang đứng đầu Ủy ban Ngoại giao của Trung ương Đảng, nắm quyền giám sát và quyết định chính sách cho Tần Cương thi hành. Ông đã làm bộ trưởng ngoại giao trước đây, cũng từng làm giám đốc Đài Loan Vụ. Nhưng đối với công chúng, không mấy người biết đến ông. Báo, đài, dư luận hầu như chỉ nói đến người thừa hành, quên luôn ông thủ trưởng.
Khuôn mặt của Tần Cương nổi quá, che khuất cả "cấp lãnh đạo" của mình. Tần Cương cao lớn, đẹp trai, có vẻ như đã được Tập Cận Bình ưu ái, cất nhắc.
Khi làm phát ngôn viên bộ ngoại giao, Tần Cương đóng một bộ mặt cứng rắn, bênh vực đến cùng các chính sách của đảng Cộng sản, bác bỏ các lời tố cáo vi phạm nhân quyền, dùng tiền mua chuộc và lấn áp các nước nhỏ. Nhưng các nhà báo quốc tế cũng mô tả một khía cạnh khác của Tần Cương : Hoạt bát, hấp dẫn, có lúc cũng hài hước, dám bước ra ngoài những khuôn khổ bài bản cứng nhắc.
Được Tập Cận Bình nâng lên làm đại sứ ở Washington, Tần Cương có dịp biểu diễn hình ảnh một con người thân thiện, tự tin. Nói tiếng Anh thông thạo, Cương còn biết sử dụng thứ ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu nhất đối với dân Mỹ : Thể thao ! Cương tới dự mấy trận đấu bóng chày (baseball) ; có lần được mời ra ném trái banh khai mạc một trận đấu ! Cương "làm ngoại giao" với phong cách quen thuộc của các chính trị gia bản xứ ! Sau đó, còn đưa hình ảnh lênTwitter cho mọi người coi.
Một nhà báo đài BBC công nhận Tần Cương có óc thực tế, không tự ái vặt. Một lần hai người nói đến chuyện đội túc cầu của Trung Quốc, một đội banh không làm sao ngóc đầu lên nổi. Nhà báo tỏ ý lạc quan, nói an ủi, "Phải chờ một thời gian !" Tần Cương gạt ngay, nói thẳng sự thật : "Bọn đó vô dụng !"
Khi Tần Cương được đưa từ Washington về Bắc Kinh, thăng lên làm bộ trưởng ngoại giao, nhiều người phỏng đoán Trung Cộng muốn bắt đầu một chính sách mềm dẻo với Mỹ. Nhưng cả guồng máy ngoại giao của Đảng và Nhà nước Cộng sản chưa sẵn sàng chấp nhận. Các quan chức trong bộ ngoại giao có thể còn ganh tị đối với một đồng nghiệp quá nổi bật lại mang một bộ mặt ôn hòa. Họ phải đặt câu hỏi : Đảng có thay đổi chính sách đối với Mỹ hay không ?
Vương Nghị là câu trả lời : Không thay đổi.
Tập Cận Bình có thể sủng ái, nâng đỡ Tần Cương ; nhưng Vương Nghị có cách lý luận không thể bác bỏ được.
Joe Biden và Tập Cận Bình có hai cơ hội gặp nhau trong năm nay. Nên gặp mặt, khi Tập Cận Bình qua San Francisco họp APEC vào tháng Mười Một sắp tới. Vì cần "bình thường hóa" việc giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hai bên nên xác định rõ ràng, những gì có thể hợp tác và những gì nhất thiết không. Chính phủ Mỹ đã cấm bán các thứ chíp tối tân, cần thiết để cải tiến công nghiệp Trung Quốc. Bắc Kinh đã trả đũa, cấm vận không bán mấy khoáng chất hiếm cho Mỹ, nhưng hậu quả không nặng bằng. Kéo dài tình trạng mập mờ, bất định, vì mỗi bên có thể đánh và trả đòn bất cứ lúc nào, thì giới đầu tư quốc tế không dám bỏ tiền vào Trung Quốc như mươi năm trước đây nữa. Cho nên, Tập Cận Bình cần gặp Joe Biden, cùng quyết định rõ ràng, dứt khoát.
Nhưng trước khi gặp Biden, Tập Cận Bình phải biểu diễn một thái độ cứng rắn, không khoan nhượng. Không nên để cho chính quyền Mỹ nghĩ rằng Bắc Kinh đã thấm mệt, sẵn sàng nhường nhịn ! Cho nên, Tần Cương không thích hợp trong lúc này. Một khuôn mặt thân thiện, hòa hợp, đến mức được mời ném banh khai mạc một trận baseball, coi hơi "Mỹ hóa" quá !
Tần Cương (Qin Gang), một nhân vật được Tập Cận Bình trọng dụng, đã bị thay thế bởi Vương Nghị, một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, để lại nhiều câu hỏi chưa có lời đáp về sự thất sủng của Tần.
Tần Cương trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào tháng Ba.
Chỉ mới 5 tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc, Tần Cương, còn giữ vị trí trung tâm trong nhiệm vụ khôi phục quan hệ ngoại giao cấp cao Mỹ-Trung : Ông đã bắt tay với Ngoại trưởng Antony J. Blinken tại Bắc Kinh và nhận lời mời tới thăm Mỹ.
Nhưng trong một dấu hiệu minh hoạ cho sự thất thường của chính trị cung đình Trung Quốc, Tần đã đột ngột bị cách chức Ngoại trưởng vào thứ Ba, sau khi biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng suốt 30 ngày. Động thái này đã chấm dứt sự nghiệp của một nhà ngoại giao từng vươn lên vị trí hàng đầu, với tư cách là một trong những ngôi sao đang lên được Chủ tịch Tập Cận Bình tin cậy nhất.
"Sự đột ngột và mơ hồ xung quanh việc cách chức Tần cho thấy bất ổn giờ đây đã trở thành một đặc điểm của hệ thống chính trị Trung Quốc dưới thời Tập", Jude Blanchette, Giám đốc Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định.
Quyết định chính thức thay thế Tần bởi cựu Ngoại trưởng Vương Nghị đã kết thúc nhiều tuần đồn đoán về số phận của ông. Ban đầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Tần có vấn đề về sức khỏe. Nhưng thông báo miễn nhiệm ngắn gọn từ Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan cao nhất của Quốc hội Trung Quốc, nơi chính thức bổ nhiệm các quan chức cấp cao của chính phủ, lại không đề cập đến sức khỏe hay bất kỳ lý do nào khác.
Chắc chắn, sự thiếu rõ ràng này sẽ làm dấy lên đồn đoán của các nhà bình luận Trung Quốc, về hoàn cảnh đằng sau cú ngã ngựa kịch tính nhất của một quan chức cấp cao Trung Quốc trong thời gian gần đây. Số phận của Tần Cương đã trở thành một chủ đề gây xôn xao mạng xã hội, với nhiều người tập trung vào đời sống cá nhân của ông và khả năng ông duy trì một mối quan hệ không phù hợp khi còn là đại sứ tại Mỹ.
Bất kể mức độ xác thực của những đồn đoán đó, việc loại bỏ Tần đã gây khó xử cho Tập, người đã chọn Tần cho vai trò bộ trưởng một bộ quyền lực và bỏ qua các nhà ngoại giao lớn tuổi hơn và có thâm niên hơn.
"Nếu mọi người muốn chứng kiến sự mơ hồ của hệ thống Trung Quốc và cách mà nó có thể – dù chỉ là tạm thời – cản trở việc thực thi chính sách, thì họ đã có một ví dụ điển hình ngay trước mắt", Richard McGregor, nghiên cứu viên cấp cao của Viện Lowy ở Sydney, chuyên về chính sách đối ngoại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Tuy nhiên, ông nói thêm, Tập Cận Bình quá quyền lực nên sẽ không bị thiệt hại nhiều sau sự sụp đổ của Tần.
"Nếu có chút gì chính xác trong các lời đồn, thì nó là một lời nhắc nhở rằng, trong hệ thống của đảng, cuộc sống riêng tư của bạn cũng bị giám sát nhiều như nghĩa vụ công của bạn. Dù, trong trường hợp này, hành vi của một đại sứ có liên quan đến an ninh quốc gia", McGregor nói.
Tần Cương, 57 tuổi, được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Washington vào tháng 7/2021. 17 tháng sau, ông được thăng chức Ngoại trưởng – một dấu hiệu cho thấy ông là người được Tập bảo trợ. Thế rồi, vào tối thứ Ba vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xóa trang viết về Tần và các thông tin chi tiết khác khỏi trang web của họ. Tuy nhiên, trang web vẫn chưa có thông tin về người thay thế ông, Vương Nghị.
Bonnie Glaser, giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall của Đức, tin rằng việc Tần bị sa thải là "dấu hiệu cho thấy Tập có thể phán đoán sai lầm và mắc lỗi". Bà cũng gọi việc bổ nhiệm Vương là một "nước đi thông minh" giúp ổn định ngoại giao Trung Quốc.
Trong một ví dụ khác về việc chính trị cấp cao đã trở nên bí ẩn như thế nào dưới thời Tập, trong tuần này, các nhà chức trách của Đảng Cộng sản đã thông báo rằng Trung tướng Vương Thiếu Quân (Wang Shaojun), cựu Cục trưởng Cục An ninh Trung ương, lực lượng chuyên bảo vệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã qua đời ba tháng trước. Không có lời giải thích nào cho sự chậm trễ trong việc thông báo về cái chết của ông.
Người kế nhiệm Tần, Vương Nghị, dường như là một lựa chọn an toàn sau những sóng gió hậu trường của tháng trước. Vương, 69 tuổi, là một nhà ngoại giao cấp cao, đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương của Đảng, vị trí giúp ông trở thành cố vấn chính sách chính của Tập. Ông cũng đồng thời là thành viên Bộ Chính trị, cơ quan gồm 24 quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc.
Vương từng là Ngoại trưởng cho đến khi Tần được bổ nhiệm vào cuối năm ngoái, và việc ông trở lại vị trí này sẽ không làm thay đổi định hướng chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ, vốn do Tập đề ra. Tuy nhiên, lịch sử những cuộc gặp không mấy tốt đẹp gần đây giữa Vương với các quan chức chính quyền Biden sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ xoa dịu căng thẳng của ông. Vương và Blinken từng có một cuộc họp gây tranh cãi tại một hội nghị an ninh ở Munich vào tháng 2, sau khi máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc đi vào vùng trời nước Mỹ.
Christopher K. Johnson, chủ tịch của công ty tư vấn China Strategies Group và là cựu chuyên gia phân tích chính trị Trung Quốc của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc "dường như đánh giá rằng tình hình tại Bộ Ngoại giao đã nghiêm trọng đến mức họ không còn có thể tin tưởng bất kỳ ai ở đó có thể đảm nhận công việc này. Chúng ta đã từng chứng kiến điều này trước đây, với các vụ án lớn trong đó một thành viên Bộ Chính trị được cử đến để ổn định tình hình và xử lý những kẻ phản bội. Tôi cho rằng đó là nhiệm vụ mà Vương sẽ được giao".
Các quan chức Mỹ có mặt trong cuộc họp và bữa tối kéo dài tổng cộng 7 tiếng đồng hồ giữa Tần với Blinken tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh vào ngày 18/06 đã không nhận thấy bất cứ điều gì bất thường vào thời điểm đó. Các quan chức này nói rằng Tập sẽ không để Tần gặp Blinken nếu các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã hay biết về những rắc rối, vì vậy các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Tần có thể đã bắt đầu ngay sau đó trong tháng 6.
Về mặt công khai, Tần vẫn luôn trung thành với Tập. Trước đó, Tần từng là Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Đại sứ ở London, và Vụ trưởng Vụ Lễ tân, công việc đã giúp ông được Tập tín nhiệm trong các chuyến công du nước ngoài. Tần tốt nghiệp Đại học Quan hệ Quốc tế, một trường đại học ở Bắc Kinh có liên hệ với cơ quan an ninh Trung Quốc, và từng làm trợ lý tại văn phòng Bắc Kinh của hãng tin United Press International trước khi gia nhập Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào năm 1992.
Từ cuối năm 2022, với tư cách là Ngoại trưởng, Tần là người đi đầu trong nỗ lực kéo Trung Quốc ra khỏi sự cô lập ngoại giao trong giai đoạn hậu Covid, đồng thời cố gắng xoa dịu căng thẳng với Mỹ và các nước phương Tây khác. Nhưng ông cũng là người ủng hộ tầm nhìn của Tập – rằng Trung Quốc là một cường quốc tự tin trên thế giới, thiếu kiên nhẫn trước những lời chỉ trích từ các chính phủ khác, và hiếm khi bỏ lỡ cơ hội để đề cao Tập.
"Nhân loại một lần nữa đứng trước một ngã ba lịch sử", Tần nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 3. "Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra con đường đúng đắn cho quản trị toàn cầu từ tầm cao của thế giới, lịch sử, và nhân loại".
Pavel Slunkin, nhà ngoại giao Belarus tham gia chuẩn bị cho chuyến thăm Belarus năm 2015 của Tập, nhận xét rằng, khi còn phụ trách lễ tân cho Tập, Tần cực kỳ chỉn chu. Trong chuyến thăm, Slunkin cho biết Tần đã gọi điện cho ông vào khoảng 2 giờ sáng và yêu cầu được ngay lập tức đến bảo tàng mà Tập dự định đến thăm, để Tần có thể kiểm tra lại mọi chi tiết của kế hoạch, kể cả thời điểm chính xác mà nhạc sẽ nổi lên khi Tập bước lên bậc thang.
"Cấp dưới và các nhân viên đại sứ quán đều rất sợ tiếp cận ông ấy. Vì vậy, việc giao tiếp với ông ấy đã được phân cấp nghiêm ngặt", Slunkin, hiện là nghiên cứu viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nói về Tần trong cuộc phỏng vấn qua email. Ông nói thêm, "rõ ràng là Tần rất thích vị trí đặc biệt của mình, người thân tín với lãnh đạo hàng đầu, với Tập".
Chris Buckley & David Pierson
Nguyên tác : "China’s Foreign Minister Is Removed After a Month of Silence", New York Times, 25/07/2023.
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/07/2023
Chris Buckley là phóng viên chính của New York Times tại Trung Quốc, nơi ông đã sống gần 30 năm qua. Trước năm 2012, ông là phóng viên tại Bắc Kinh của Reuters.
David Pierson là phóng viên đưa tin về chính sách đối ngoại, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc.
Bị đói và bị bỏ mặc vì phong tỏa chống Covid-19, dân Tân Cương cầu cứu trên mạng
Mùa thu đang đến và Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp y tế để ngăn không cho dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Với chủ trương từ chối sống chung với virus corona, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa trong khuôn khổ chiến lược zéro Covid-19. Tại tỉnh Tân Cương, người dân bị cách ly trong nhà trong 40 ngày, từ tháng 8 vừa qua, đã kêu cứu trên mạng xã hội do thiếu thức ăn và người chăm sóc.
Chợ tự phát tại Urumqi, Tân Cương, trong bối cảnh phong tỏa chống dịch Covid-19, Trung Quốc, ngày 05/09/2022. © cnsphoto / via Reuters
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường thuật :
"Rất khó để biết chính xác điều gì đang xảy ra ở thành phố Y Ninh, tên tiếng Kazakhstan là Ghulja - nhưng những hình ảnh được phát tán trên mạng xã hội cho thấy rõ ràng nỗi tuyệt vọng và tức giận của cư dân thành phố thuộc châu tự trị Kazakh Ili ở vùng Tân Cương, miền tây Trung Quốc.
Cuối tuần qua, nhiều video đã gợi lên những vụ xuống đường vì nỗi bất bình sau gần 6 tuần bị phong tỏa trong khuôn khổ chính sách zero-Covid. Nhiều người đã sử dụng mạng Vi Bác để cầu cứu, đặc biệt cho những người già, bị cách ly nhưng không thể tự ăn, cho những phụ nữ mang thai phải ăn những khẩu phần không phù hợp. Nhiều người khác thì lo lắng do có tin là người thân của họ bị đưa đến trung tâm cách ly.
Ngoài ra, còn có vấn đề thiếu chăm sóc sức khỏe, và về điểm này, chính quyền địa phương đã xin lỗi về tác động của các biện pháp y tế. Chính quyền tuyên bố sẽ huy động thêm nguồn lực y tế cần thiết để đối phó với các trường hợp khẩn cấp, đồng thời tăng cường kiểm duyệt. Các bình luận về tình trạng thiếu thức ăn bị đặc biệt theo dõi.
Hôm Chủ Nhật 11/09, sở công an Y Ninh đã cảnh cáo cư dân mạng về việc "tung tin đồn trên mạng và phá hoại chính sách phòng chống dịch bệnh". Đã có 4 người trong số này bị phạt tạm giam hành chính".
Trọng Nghĩa
Trung Quốc có thể phạm tội ác chống lại loài người ở Tân Cương
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc, BBC, 01/09/2022
Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc Trung Quốc "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" trong một báo cáo vốn được chờ đợi từ lâu về những cáo buộc việc lạm dụng, ngược đãi ở tỉnh Tân Cương.
Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ lên đến một triệu người Uyghur và người Hồi giáo khác trong các trại tạm giam ở Tân Cương
Trung Quốc đã thúc giục Liên Hiệp Quốc không công bố báo cáo, và Bắc Kinh gọi đây là "trò hề" do các cường quốc phương Tây dàn dựng.
Báo cáo đánh giá các tuyên bố về việc ngược đãi người Hồi giáo Uyghur và các dân tộc thiểu số khác - điều mà Trung Quốc phủ nhận.
Nhưng các nhà điều tra cho biết họ đã lần ra những "bằng chứng đáng tin cậy" về việc tra tấn có thể tới mức gây "tội ác chống lại loài người".
Báo cáo do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết rằng các tù nhân đã phải chịu "các hình thức đối xử tệ bạc". Trong đó có "các vụ bạo lực tình dục và bạo hành dựa trên giới".
Những người khác, họ nói, phải đối mặt với việc điều trị y tế bắt buộc và "thi hành các chính sách kế hoạch hóa gia đình mang tính phân biệt và kiểm soát sinh sản".
Liên Hiệp Quốc khuyến nghị Trung Quốc thực hiện ngay các bước để trả tự do cho "tất cả các cá nhân bị tước đoạt tự do một cách tùy tiện" và cho rằng, một số hành động của Bắc Kinh có thể bị quy vào "tội ác quốc tế, bao gồm cả tội ác chống lại loài người".
Trong khi Liên Hiệp Quốc nói họ không thể chắc chắn có bao nhiêu người bị chính phủ giam giữ, các nhóm nhân quyền ước tính rằng, hơn một triệu người đã bị bắt nhốt tại các trại ở khu vực Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc.
Có khoảng 12 triệu người Uyghurs, chủ yếu là người Hồi giáo, sống ở Tân Cương. Liên Hiệp Quốc cho biết các thành viên không theo đạo Hồi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề nêu trong báo cáo.
Một số quốc gia trước đây đã mô tả các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là diệt chủng.
Nhưng Bắc Kinh - bên đã xem trước báo cáo này - phủ nhận các cáo buộc ngược đãi và cho rằng các trại này là công cụ để chống khủng bố.
Phái đoàn của họ ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva đã bác bỏ những phát hiện trong báo cáo, cho đó là "bôi nhọ và vu khống Trung Quốc" và xía vào chuyện nội bộ của đất nước.
"Cái gọi là 'đánh giá' này là một tài liệu chính trị hóa đã phớt lờ sự thật và phơi bày hoàn toàn ý định của Mỹ, các nước phương Tây và các lực lượng chống Trung Quốc sử dụng nhân quyền như một công cụ chính trị", tuyên bố viết.
Báo cáo được công bố vào ngày làm việc cuối cùng của bà Bachelet - sau bốn năm bà ở Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Nhiệm kỳ của bà hầu như bị chi phối bởi các cáo buộc ngược đãi nhắm vào người Uyghurs.
Văn phòng của bà Bachelet cho biết, một cuộc điều tra về các cáo buộc diệt chủng ở Tân Cương đã được tiến hành hơn một năm trước.
Tuy nhiên, việc xuất bản đã bị trì hoãn nhiều lần, dẫn đến việc một số nhóm nhân quyền phương Tây cáo buộc Bắc Kinh đang giục bà ém đi những phát hiện gây hại trong báo cáo.
Và ngay cả trong những giờ phút cuối cùng trước khi báo cáo được công bố, Trung Quốc đã gây áp lực buộc bà Bachelet không được tung ra báo cáo.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước, bà thừa nhận mình đang phải chịu "áp lực rất lớn về việc công bố hay không công bố" bản báo cáo.
Nhưng bà bảo vệ cho sự trì hoãn rằng, nói rằng phía bà tìm kiếm đối thoại với Bắc Kinh về bản báo cáo không có nghĩa là bà "nhắm mắt ngó lơ" trước nội dung của báo cáo.
Sophie Richardson, Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói những phát hiện của báo cáo cho thấy "lý do tại sao chính phủ Trung Quốc làm tới cùng để ngăn việc công bố báo cáo".
"Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên sử dụng báo cáo này để bắt đầu một cuộc điều tra toàn diện về tội ác chống lại loài người của chính phủ Trung Quốc nhắm vào người Uyghurs và những nhóm khác - và bắt họ phải chịu trách nhiệm", bà nói thêm.
Và Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Agnès Callamard, đã lên án "sự chậm trễ không thể lý giải được" trong việc tung ra các phát hiện.
Bà Callamard nói : "Chính phủ Trung Quốc phải có trách nhiệm giải trình cho những tội ác chống lại loài người, bao gồm cả việc xác định danh tính và cuối cùng truy tố những cá nhân bị nghi ngờ có trách nhiệm".
Đầu năm nay, BBC đã thu được các tài liệu bị rò rỉ, vén màn một hệ thống có tổ chức gồm các vụ hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn người Hồi giáo Uyghurs có tổ chức tại một mạng lưới các trại giam.
Được gọi là Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương - đã được chuyển cho BBC và hé lộ một chuỗi mệnh lệnh được đưa ra từ lãnh đạo cao nhất, ông Tập Cận Bình.
Vào năm 2020, Ngoại trưởng Vương quốc Anh khi đó là Dominic Raab đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền "thô bạo và nghiêm trọng" đối với cộng đồng người Hồi giáo sau khi một video được phát tán cho thấy người Uyghur bị bịt mắt và dẫn đến tàu hỏa.
Đoạn ghi hình đã gây ra sự phản đối kịch liệt của quốc tế, nhưng ông Lưu Hiểu Minh, khi đó là đại sứ Trung Quốc tại Anh, khẳng định rằng "không có trại tập trung nào như vậy ở Tân Cương" khi xuất hiện trên chương trình Andrew Marr của BBC .
Trung Quốc nói gì ?
Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Hồi đáp về Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với BBC rằng, các tài liệu này là "ví dụ mới nhất về những tiếng nói chống Trung Quốc đang cố gắng bôi nhọ Trung Quốc".
Ông cho biết Tân Cương được hưởng sự ổn định và thịnh vượng và người dân đang sống hạnh phúc, viên mãn.
Trung Quốc nói rằng, cuộc đàn áp ở Tân Cương là cần thiết để ngăn chặn khủng bố và nhổ bỏ tận gốc chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Các trại này là công cụ hiệu quả để cải tạo tù nhân trong cuộc chiến chống khủng bố.
Bắc Kinh khẳng định rằng các chiến sĩ Uyghur đang mở một chiến dịch bạo lực cho một nhà nước độc lập bằng cách âm mưu đánh bom, phá hoại và gây bất ổn trong dân chúng. Nhưng luận điệu này bị cáo buộc là phóng đại mối đe dọa để biện minh cho việc đàn áp người Uyghur.
Trung Quốc cũng bác bỏ tuyên bố việc họ đang cố gắng làm giảm dân số Uyghur thông qua việc triệt sản hàng loạt là "vô căn cứ", và nói rằng những cáo buộc về lao động cưỡng bức là "hoàn toàn bịa đặt".
Liên Hiệp Quốc : Trung Quốc có thể đã phạm tội chống lại loài người ở Tân Cương
Reuters, VOA, 01/09/2022
Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR).
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 31/8 cho biết trong một báo cáo rằng "việc giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử" của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) và những người Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương của nước này có thể cấu thành tội ác chống lại loài người, Reuters loan tin.
Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), người đã phải đối mặt với chỉ trích từ một số nhà ngoại giao và các nhóm nhân quyền vì quá mềm mỏng với Trung Quốc, công bố báo cáo này chỉ vài phút trước khi nhiệm kỳ 4 năm của bà kết thúc. Bà đến thăm Trung Quốc vào tháng 5/2022.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết trong báo cáo dài 48 trang rằng "các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã được thực hiện" ở Tân Cương "trong bối cảnh chính phủ áp dụng các chiến lược chống khủng bố và chống ‘chủ nghĩa quá khích’".
"Mức độ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với các thành viên người Uyghur và các nhóm chủ yếu là người Hồi giáo khác... có thể cấu thành tội phạm quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người", văn phòng Liên Hiệp Quốc cho biết.
Cơ quan này khuyến nghị chính phủ Trung Quốc thực hiện các bước nhanh chóng để trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ trong các trung tâm đào tạo, nhà tù hoặc cơ sở giam giữ.
Văn phòng cho biết : "Có những dấu hiệu đáng tin cậy về việc vi phạm quyền sinh sản thông qua việc cưỡng chế thực thi các chính sách kế hoạch hóa gia đình kể từ năm 2017".
Một nơi được cho là giam giữ người Uyghur ở Tân Cương, Trung Quốc.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh có những hành vi ngược đãi đối với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi với số lượng khoảng 10 triệu người ở khu vực phía tây Tân Cương, bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức hàng loạt trong các trại giam giữ. Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc diệt chủng.
Trung Quốc phủ nhận bất kỳ hành vi xâm hại nào ở Tân Cương và đưa ra phản hồi dài 131 trang đối với báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân mô tả báo cáo của Liên Hiệp Quốc là "hoàn toàn bất hợp pháp và vô hiệu".
Ông Uông nói trong cuộc họp báo hôm 1/9 tại Bắc Kinh : "Điều này một lần nữa chứng minh rằng OHCHR đã trở thành tên côn đồ và kẻ đồng lõa của Mỹ và phương Tây".
Phát biểu trước khi báo cáo được công bố, ông Trương Quân (Zhang Jun), Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở New York, cho biết Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Ông nói rằng người đứng đầu nhân quyền của Liên Hiệp Quốc không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Ông Trương nói với các phóng viên hôm 31/8 rằng: "Tất cả chúng ta đều biết rõ rằng cái gọi là vấn đề Tân Cương là một lời nói dối hoàn toàn bịa đặt vì động cơ chính trị và mục đích của nó chắc chắn là phá hoại sự ổn định của Trung Quốc và cản trở sự phát triển của Trung Quốc".
Ông nói : "Chúng tôi không nghĩ nó sẽ mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, nó chỉ đơn thuần làm suy yếu sự hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và một quốc gia thành viên".
Lần đầu tiên Sayragul Sauytbay nghe những tiếng kêu thét lên sau hai hay ba ngày ở trại giam. Chị bị đưa đến làm giáo viên ở một trong những trung tâm nơi Trung Quốc "cải tạo" những người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm sắc tộc khác ở tỉnh tây bắc, thuộc Tân Cương.
Bà Sayragul Sauythbay, 44 tuổi, đang ở Thụy Điển. Nguồn: Karlsson Lundgren/Times Magazine
Trước đó, chị đã nhìn thấy những người tù trông như "những tử thi biết đi", với đầu cạo trọc, mắt sưng bầm và những ngón tay bị rút móng. Họ bị xiềng chung lại với nhau trong những xà lim đông nghẹt, hôi hám.
Âm thanh đau đớn tột cùng vang vọng qua khắp các hành lang của cỗ "quan tài bằng bê tông" giam cầm họ. Về sau chị viết : "Tôi suốt đời chưa bao giờ nghe những tiếng như thế. Những tiếng kêu thét lên như thế ta không thể nào quên được. Lúc tôi nghe chúng, tôi biết ngay người ta đang đau đớn xiết bao. Những tiếng kêu thét này vang lên giống như những tiếng kêu thảm thiết của con thú sắp chết".
Chị biết những tiếng kêu thét lên xuất phát từ "phòng đen", một căn phòng có gắn những dây xích trên tường và không có camera, nơi những người tù bị công an lôi vào vì đủ mọi thứ tội mà họ cho là vi phạm. Nhiều người tù ra khỏi phòng máu me đầy mình, nhiều người khác thì ta không bao giờ thấy lại nữa.
Sauytbay biết, nếu chị biểu lộ sự lo lắng thất vọng trước những gì chị nghe, hay chỉ cần sơ sẩy một chút, thì chính chị cuối cùng cũng sẽ vào phòng đấy. Rồi một ngày nọ, một nhóm tù mới đến trại, trong đó có bà cụ 84 tuổi từ một gia đình chăn cừu ở một vùng miền núi. Nhận ra Sauytbay, một đồng hương người Kazakh trong rất đông những khuôn mặt người Trung Quốc, bà cụ run rẩy chợt ôm chầm lấy chị và cầu cứu.
Sauytbay nghĩ chị có thể ôm lại bà chỉ trong giây lát. Bà cụ bị dẫn đi còn Sauytbay, bị nghi ngờ là có âm mưu, bị đưa ngay vào phòng đen.
***
Năm 2018, tên của Sayragul Sauytbay xuất hiện trên báo chí quốc tế khi chị nói công khai về tình trạng trong trại. Trung Quốc đã phủ nhận sự tồn tại của những trung tâm này, bất chấp những báo cáo cho rằng họ đã phát triển thành một mạng lưới rộng khắp trải dài trên hàng trăm địa điểm.
Bây giờ chị kể lại toàn bộ câu chuyện tù của chị, những cuộc tra tấn chị nói chị đã trải qua, những chuyện kinh hoàng chị đã chứng kiến ở trong trại, và cuộc trốn thoát ngoạn mục của chị ra khỏi Trung Quốc.
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh (nhóm sắc tộc lớn thứ hai trong vùng) và những người thiểu số khác, chủ yếu là người Hồi giáo, đã bị giam cầm. Đã có nhiều báo cáo đáng tin về những tù nhân đang bị bắt lao động như nô lệ và về phụ nữ bị bắt buộc triệt sản. Trung Quốc đã nói, những trại này được thiết lập để dạy nghề nhằm chống lại chủ nghĩa quá khích tôn giáo và họ đã phủ nhận bất kỳ sự ngược đãi nào. Vào năm 2019, một viên chức tuyên bố rằng, tất cả những người bị giam giữ đều đã "tốt nghiệp" và đều đã có công việc ổn định, và trong tương lai việc theo học ở những trung tâm này sẽ là tự nguyện.
Trung Quốc đã nói, những trại này được thiết lập để dạy nghề nhằm chống lại chủ nghĩa quá khích tôn giáo và họ đã phủ nhận bất kỳ sự ngược đãi nào. Vào năm 2019, một viên chức tuyên bố rằng, tất cả những người bị giam giữ đều đã "tốt nghiệp" và đều đã có công việc ổn định, và trong tương lai việc theo học ở những trung tâm này sẽ là tự nguyện.
Tại cuộc họp báo được tổ chức ở Luân Đôn và Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, vào đầu năm nay – mà một người tham dự mô tả là "thô thiển một cách mê muội" – các viên chức Trung Quốc khoe khoang về "đất đai tuyệt diệu" của Tân Cương. Những người trẻ trong cuộc họp báo kể về việc họ nhận được sự đối xử rất tốt ở các trung tâm dạy nghề này nơi cuộc đời họ đã thay đổi tốt hơn nhiều.
Một "trung tâm dạy nghề" ở Tân Cương. Nguồn : Reuters
Cùng với Hoa Kỳ và Liên Âu, vào tháng Ba năm nay Anh đã tuyên bố trừng phạt bốn viên chức Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Tuần qua, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị tuyên bố rằng, nạn diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người thiểu số khác.
Kiến nghị này không mang tính ràng buộc và lập trường của chính phủ Anh là các tòa án phải quyết định khi nào nạn diệt chủng đã diễn ra. Antony Blinken, ngoại trưởng Hoa Kỳ, nói Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại ở Tân Cương. Công ước Liên Hiệp Quốc về diệt chủng định nghĩa diệt chủng là "ý định tiêu diệt toàn bộ hay một phần một nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo".
Sauytbay cho rằng, "các trại tập trung" này là chương trình giam giữ lớn nhất kể từ thời Quốc Xã Đức và những dân tộc bản xứ là "thuộc địa nô lệ". Giống như những người khác, chị vẫn gọi Tân Cương là Đông Turkestan và coi đây là "nhà tù lộ thiên lớn nhất thế giới".
Sauytbay 44 tuổi sinh ra trong túp lều trong một gia đình chín người con. Gia đình chị là gia đình chăn nuôi bán du mục ở trong một thung lũng sát biên giới với Kazakhstan. Gia đình theo một môn phái đạo Hồi rất trung dung, cùng với những người khác, đã đến định cư ở dưới chân dãy núi Thiên Sơn và từ đấy dựng nên làng mạc.
Chị đã học xong bác sĩ. Về sau chị học nói tiếng Trung lưu loát và trở thành giáo viên. Chị dạy tiếng Trung cho trẻ em người Kazakh và sau đó phụ trách năm nhà trẻ. Sau khi lập gia đình với Uali, họ có một trai và một gái. Ngoài công việc phụ trách các nhà trẻ ra, chị còn mở các tiệm bán áo quần và lập ra một nông trại.
Từ thập niên 1980, Trung Quốc đã đưa dân đến Tân Cương, khai thác tài nguyên trong vùng, khuyến khích rất nhiều người Hán di dân đến đây và cấm các hoạt động văn hóa của các dân tộc bản xứ.
Không đâu mà sự mở rộng kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh lại thâm hiểm cho bằng nỗ lực của nhà cầm quyền để khiến cho họ phải im lặng. Khi Ulagat, con trai chị lên ba tuổi rưỡi, Sauytbay phát hiện một thầy giáo đã lấy băng keo dán kín miệng con chị lại, chỉ vì con chị bị bắt quả tang đang nói tiếng bản xứ với những đứa bé khác. "Họ thực hiện chính sách tiêu diệt tận gốc này ngay từ nhỏ và chúng tôi là cha mẹ thấy vậy, thật sự đau lòng. Nhưng chúng tôi buộc lòng phải chấp nhận điều này".
Chúng tôi nói chuyện qua cuộc gọi video, với sự giúp đỡ của người thông dịch. Sauytbay hiện ở Thụy Điển, tại đây chị viết cuốn sách, tựa đề "Nhân chứng Chính", về nỗi đoạn trường chị trải qua. Tuy nhiều tình tiết gây sửng sốt nhưng nói chung chị trả lời một cách bình thản và rõ ràng. Chỉ thỉnh thoảng, chẳng hạn lúc chị kể lại những gì con chị đã phải trải qua, mặt chị lúc ấy đanh lại vì căm thù chế độ Bắc Kinh.
Gia đình chị đã tính đến chuyện di cư sang Kazakhstan nhưng rồi đi đến quyết định định mệnh là hoãn lại. Căng thẳng đã đưa đến bao cuộc xung đột giữa người Kazakh và quân đội Trung Quốc và những cuộc đánh bom tự sát, và rồi cuối cùng họ quyết định đi đến Kazakhstan, thì họ gặp phải một trở ngại lớn. Là người làm việc trong khu vực nhà nước, chị bị bắt buộc phải nộp lại hộ chiếu. Vào tháng 7/2016 chồng và con chị đi trước sang Kazakhstan, còn chị cố gắng xin lại hộ chiếu.
Những người bị giam giữ nghe diễn thuyết trong trại cải tạo ở huyện Lop, Tân Cương, tháng 4 năm 2017. Có tới một triệu người Ngô Duy Nhĩ đã bị đưa đến trại tập trung ở Tân Cương. Ảnh : Wikimedia Commons
Vào mùa hè năm ấy nhà cầm quyền Trung Quốc bắt đầu biến Tân Cương thành một nhà nước giám sát cùng với sự xuất hiện của viên bí thư tỉnh ủy mới, Trần Toàn Quốc, là người trước đó đã đưa ra những chính sách cực đoan nhằm kiểm soát Tây Tạng. Theo lời đồn, ông ta đã bảo với cơ quan an ninh ở Tân Cương là "hãy vây bắt tất cả những ai nên bị vây bắt".
Những ai không bị bắt thì bị quay phim và giọng nói họ bị thu âm để nâng cao hệ thống định vị theo dõi, được ủng hộ bởi mạng lưới camera giám sát cực kỳ lớn. Sauytbay phải đến kiểm tra nhà của các nhân viên nhà trẻ mà chị phụ trách, để chắc chắn rằng họ không có bất kỳ cái gì liên quan đến tôn giáo. Nhiều người, đặc biệt là thanh niên trẻ, bị bắt và rồi biến mất vào các trại. Sau khi bị cấm liên lạc với Kazakhstan, chị không thể nào nói chuyện với gia đình được nữa.
Chị tin là chị bị tình nghi kết hôn với gián điệp cho nên chị đã bị bắt cóc vào ban đêm với một cái bao trùm trên đầu và bị hỏi cung về chỗ ở của chồng. Họ nói với chị rằng, chồng chị là kẻ phản quốc và bảo chị nên ly dị chồng. Chị bị đánh trong một lần tra hỏi, từ đó chị nhận thức rằng, chị bị giữ lại ở Trung Quốc để làm con tin.
Theo chính sách mới "trở thành một gia đình", người bản xứ phải đến sống chung với gia đình người Trung Quốc trong nhiều ngày liền, hay chấp nhận họ đến sống với gia đình mình. Điều này có nghĩa là làm công việc nhà cho chủ nhà và nhiều phụ nữ phải ngủ với đàn ông người Trung Quốc. Chị đã hối lộ cho người đàn ông Trung Quốc mà chị có nhiệm vụ sống chung để tránh phải ngủ lại qua đêm trong nhà ông.
"Thật buồn vô cùng. Chuyện đang xảy ra với người bản xứ ở Đông Kazakhstan là thân thể họ, trí óc họ, cuộc đời họ, số phận họ, không thuộc về chính họ, mà thuộc về Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Người bản xứ sống giữa sống và chết, và họ sống trong sợ hãi. Họ biết nhà nước sẽ làm chuyện gì đó hại họ, nhưng họ không biết khi nào nó xảy ra, vì vậy họ sống hàng ngày trong nỗi sợ hãi khôn cùng: Khi nào nó sẽ xảy ra ?".
Tháng 11/2017, chị bị trùm bao lên đầu rồi đưa đến trại và được bảo rằng, chị phải dạy tiếng Trung cho những người tù ở trại. Hợp đồng làm việc của chị ghi rằng vi phạm luật lệ sẽ bị phạt tử hình. Chị cũng bị cấm nói chuyện với những tù nhân, và cấm cười, cấm khóc hay trả lời các câu hỏi nếu không được cho phép.
Nhà mới của chị bây giờ là xà lim 6 mét vuông có gắn camera ở mọi góc. Về sau chị biết những người tù trong trại mỗi người chỉ được một mét vuông trong những xà lim bẩn thỉu và khi họ ngủ, họ bị cùm với nhau. Chị ước tính, trại giam giữ khoảng 2.500 tù nhân.
Chị viết, khi chị gặp học viên trong lớp, họ trông giống như một "đạo quân tử thi biết đi, mới đội mồ bước ra". Họ được gọi bằng số tù và bị bắt ngồi thẳng lưng khi hô vang, "Tôi tự hào là người Trung Quốc" và "Tôi yêu mến Tập Cận Bình" – Chủ tịch Trung Quốc.
Tù nhân được bảo là, nếu họ học tập tốt họ sẽ được thả ra sớm, nhưng trong thời gian năm tháng chị ở trong trại, chị chưa từng biết ai được thả ra. Những tù nhân theo đạo Hồi bị bắt phải ăn thịt heo, hát nhạc ca tụng Đảng, trong khi họ bị xiềng tay chân và bị dẫn đi quanh trại và học cách thú nhận sai lầm bằng tiếng Trung Quốc, cho dù họ không làm gì sai. Còn nếu họ cứ khăng khăng cho rằng mình vô tội, thì người nhà họ cũng sẽ bị bắt luôn, vì vậy mọi người đều "thú nhận" là đã đi thăm người thân ở Kazakhstan hay đi nhà thờ Hồi giáo.
Ngày nọ, Sauytbay nhận ra một tù nhân và công an nhận ra phản ứng kinh ngạc của chị. Chị liền bị thẩm vấn, còn người tù ấy biến mất tăm. Những người trẻ khỏe mạnh biến mất và chị tự hỏi phải chăng họ đã bị dùng để lấy nội tạng hay bị bắt lao động khổ sai.
Một ý tá dặn chị đừng uống thuốc của trại đưa, nói thầm với chị rằng chị sẽ không bao giờ có con nữa. Người tù cũng bị tiêm thuốc, mà theo lời chị "đây chỉ là một trong những biện pháp của chính sách diệt chủng tra tấn, tàn bạo, dã man".
Vào ngày chị bị đưa vào phòng đen, chị thấy trong phòng có một cái bàn đầy những công cụ và dụng cụ tra tấn, trong đó có súng điện, dùi cui, và những thanh sắt để đặt tay và chân vào những tư thế đau đớn. Tường treo là liệt những vũ khí như những vũ khí vào thời trung cổ: Dụng cụ rút móng tay; giáo mác; ghế có đai, thanh chắn và những cái lỗ trông đáng sợ. Chị bị bắt ngồi vào ghế điện và hai người tra hỏi chị, trong đó có một người bịt mặt, về bà cụ chăn cừu.
Khi chị không chịu nhận bất kỳ tội gì, họ giật điện vào người chị và đánh tới tấp trên đầu chị. Chị bất tỉnh liên tục và, nhận thức chị phải nói với họ những gì họ muốn nghe, chị thú nhận rằng trước đây chị có quen biết bà ấy.
Những kẻ tra tấn chị cuối cùng không quan tâm nữa và chị được đưa trở lại xà lim. Sauytbay nói, bà cụ chăn cừu bị tố cáo là gián điệp và khi bà không nhận tội, bà bị đưa vào phòng đen và tại đây họ đã rút những móng tay bà.
Một ngày nọ Sauytbay cùng với 100 tù nhân bị gọi đến một căn phòng, nơi một phụ nữ độ 20-21 tuổi bị buộc phải thú nhận là đã gởi tin nhắn chúc may mắn đến một người bạn nhân một ngày lễ tôn giáo. Người phụ nữ ấy bị xô ngã xuống đất rồi ba người đàn ông thay nhau hãm hiếp ngay trước mặt mọi người. Công an trong lúc ấy theo dõi xem những người tù khác phản ứng như thế nào. Những ai có biểu hiện phản đối thì bị bắt đi ngay lập tức. Sauytbay nói, họ làm như vậy để xem ai là người đã hoàn toàn bị khuất phục.
Chị lúc ấy đã cố gắng không biểu lộ phản ứng gì trước cảnh tượng khủng khiếp ngay trước mặt, nhưng chị nói, chị sẽ không bao giờ quên chuyện này và không thể nào chấp nhận được cảnh chị chứng kiến. "Tôi đau lòng khi thấy những người vô tội khác bị tra tấn và những gì họ đã làm với những con người vô tội ấy, đã tác động rất xấu đến tôi".
Những cựu tù nhân khác cũng tuyên bố phụ nữ ở các trại đã bị hãm hiếp tập thể một cách có tổ chức bài bản. Sauytbay tin chắc rằng những gì chị đã chứng kiến không phải chỉ là hành vi của vài người xấu. "Tôi tin điều đó nằm trong chính sách tiêu diệt hoàn toàn dân tộc bản xứ của Đông Turkestan cho nên công an ở trại đó được ban cho quyền lực vô tận và quyền hành vô tận để làm bất kỳ điều gì họ muốn. Họ sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm. Mục tiêu chính của họ là tiêu diệt hoàn toàn dân tộc bản xứ đã sống ở đó hàng ngàn năm. Từ Thế Chiến thứ Hai đến nay đã hơn 70 năm. Bây giờ lịch sử đang lặp lại". Mặc dù chị thấy những người tù biến mất, nhưng chưa thấy ai bị giết. Chị nói chị thấy những người gần chết nằm trên mặt đất.
Hai điều giúp chị chịu đựng được. Đó là niềm hy vọng ngày nào đó chị sẽ cùng đi dạo với con ở Kazakhstan và quyết tâm sống để nói với cả thế giới về những gì đang xảy ra với những tù nhân. "Mắt của họ như van xin giúp đỡ. Và họ đặt nhiều hy vọng vào tôi. Mắt của họ như nói với tôi rằng, bằng mọi cách tôi cần phải giúp đỡ họ".
Một tháng sau vụ cưỡng hiếp tập thể ấy, chị được thả ra. Chị nói "Họ muốn bắt tôi phải chịu trách nhiệm và trừng phạt tôi như tội phạm. Vì vậy, đó là lý do họ thả tôi ra".
Rồi đến những cuộc thẩm vấn liên tiếp sau khi ra tù và chị được bảo rằng, chị sẽ trở lại trại với thân phận tù nhân chứ không còn như là một giáo viên. Xác tín rằng, lần này mình sẽ không còn sống để ra khỏi tù, chị trốn đi vào nửa đêm, qua khu vườn của căn hộ chị ở, lẩn tránh công an đang canh bên ngoài và đi nhờ xe đến Khorgos, khu vực tự do thương mại ở biên giới giữa Trung Quốc và Kazakhstan. Chị dùng giấy phép chợ đen để vào khu vực nhưng không có hộ chiếu hay kế hoạch vượt qua biên giới. Khi một công an biên phòng lơ đễnh, chị cúi thụp người xuống bên dưới ô cửa của trạm kiểm tra hộ chiếu và lẻn vào Kazakhstan.
Ở đó, chị đoàn tụ với chồng và các con sau hơn hai năm xa cách. Nhưng mặc dù cảm thấy chị đã trở lại với những đồng bào thật sự của mình, nhưng chị biết Trung Quốc sẽ tạo áp lực lên nhà cầm quyền Kazakhstan.
Chỉ một vài ngày sau, những người mà chị tin là mật vụ Kazakhstan đã đến bắt chị. Họ đánh đập chị và nói chị sẽ bị trục xuất về Trung Quốc, còn chồng chị sẽ đi tù và con chị bị đưa vào trại mồ côi. Tuy nhiên, trong lúc chị ngồi trong xà lim chờ quyết định của tòa án về số phận của mình, một video về tình cảnh của chị đã lan truyền rộng rãi trên mạng, nhờ đó, gây áp lực lên các viên chức và cứu chị thoát khỏi cảnh bị âm thầm trao trả lại cho Trung Quốc.
Sau hơn một tháng ở tù, chị ra tòa và chị dùng tòa án xử chị tội nhập cảnh bất hợp pháp, để kể lại những gì xảy ra trong trại. Lời kể của chị được tường thuật trên khắp thế giới. Những đám đông khen ngợi chị khi chị được thả ra. Chị nói "Tôi được cứu thoát là nhờ cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế, các nhà báo và dân chúng Kazakhstan đã yêu cầu cho phép tôi ở lại Kazakhstan và không phải bị trục xuất về Trung Quốc".
Sauytbay tại tòa án ở Kazakhstan. Nguồn : Getty Images
Chị vui mừng chưa được bao lâu thì nghe tin mẹ và chị đã bị bắt trở lại Trung Quốc sau khi tòa tuyên án.
Những người lạ mặt đột nhập vào nhà chị ở Kazakhstan và, sau khi chị trốn đến chỗ ở khác, gia đình chị vẫn bị quấy rầy và mật vụ bảo chị chấm dứt trả lời phỏng vấn của các nhà báo.
Cuối cùng vào tháng 6/2019 chị được đi tị nạn chính trị ở Thụy Điển.
Chị đã ra bộ ngoại giao Thụy Điển và nghị viện châu Âu ở Brussels để làm chứng về thời gian chị ở trong trại. Vào tháng Ba năm ngoái, chị được ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo trao tặng giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế. Ông khen ngợi chị đã "can đảm" nói về các trại tập trung này và khích lệ những người khác cùng lên tiếng.
Một viên chức Trung Quốc nói, giải thưởng này là "sự nhạo báng nhân quyền" và nói chị bị truy nã về tội lừa gạt nợ và vượt biên bất hợp pháp. Viên chức này cũng tuyên bố chị đã thường xuyên bôi nhọ Tân Cương bằng "những lời nói láo" và lừa dối truyền thông quốc tế.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tường thuật rằng, một trong những chị em ruột của Sauytbay đã nói, chị mình chưa bao giờ làm việc ở bất kỳ trại nào. Sauytbay nói, một người chị và một người anh của chị đã bị buộc phải nói xấu chị trong một video. Chị nói : "Họ hoàn toàn bị giám sát. Chính quyền Trung Quốc dùng những người trong gia đình để chống đối lẫn nhau. Nếu họ muốn người ở nước ngoài phải im lặng, họ dùng đến những người thân vẫn còn sống ở Trung Quốc. Họ thúc ép người thân và dùng họ như công cụ để kiểm soát người sống ở bên ngoài Trung Quốc. Không may là người thân của tôi cũng phải nói láo như thế vì nếu họ không làm vậy, họ sẽ bị nguy hiểm".
Bây giờ chị không thể nào nói chuyện với gia đình chị ở Trung Quốc. Chị nói : "Không may là tôi không có bất kỳ sự liên lạc trực tiếp với họ, nhưng qua nhiều người khác, tôi cũng có những thông tin gián tiếp về họ". Tôi nói thật là hoàn cảnh rất buồn. Chị buồn bả đáp : "Vâng, đúng vậy".
Chị nói : "Đảng Cộng sản Trung Quốc là mối nguy hiểm lớn nhất đối với dân chủ và tự do tương lai của thế giới". Nhưng chị cũng phấn khởi là hiện nay nhiều nước đang nhận thức rằng, một cuộc diệt chủng đang diễn ra. "Ta thấy rõ ràng là thế giới dần dần bắt đầu tỉnh thức và bắt đầu lên tiếng về sự ác độc của Trung Quốc". Chị hy vọng người ta sẽ nghĩ đến chuyện không mua hàng hóa Trung Quốc và các nước sẽ quyết định tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh vào năm 2022.
Ở Thụy Điển, chị và chồng đang học tiếng Thụy Điển và tiếng Anh, hy vọng bắt đầu đi làm sớm. Con gái họ, Ukilay, 16 tuổi, và Ulagat, con trai 11 tuổi của họ, đang bắt đầu cảm thấy thoải mái với cuộc sống mới. "Cả hai con tôi đều đã hội nhập khá tốt vào xã hội Thụy Điển, chúng học hành và mọi thứ đều tốt. Chúng tôi nhớ quê hương, nhưng sau tất cả bao gian khổ này, cuối cùng gia đình chúng tôi lại đoàn tụ. Và ngay bây giờ, chúng tôi trân quý những giây bên nhau trong thế giới riêng của chúng tôi. Chúng tôi quý mến Thụy Điển và chúng tôi rất hạnh phúc ở đây".
Tuy nhiên chị vẫn còn bị ám ảnh bởi những gì chị đã trải qua và những suy nghĩ về những gì hiện đang xảy ra với gia đình và bạn bè ở quê nhà. "Tôi không thể nào ngủ ngon ; tôi không thể nào ăn ngon. Và khi tôi đi ngủ, tôi thường có những ác mộng là tôi trở lại trại. Tôi đang dùng nhiều thuốc và đang làm việc với một nhà tâm lý".
Đôi khi chị thấy mình thật sự ngoái nhìn lại sau lưng, không biết có gián điệp Trung Quốc nào đang theo dõi chị không. Nhưng bây giờ chị cảm thấy an toàn ở Thụy Điển chăng ? "Tôi không thể nào nói 100 phần an toàn. Họ có nhiều gián điệp ở bên trong châu Âu. Họ dùng nhiều phương cách khác nhau". Sau những cuộc phỏng vấn, chị nhận những cú điện thoại bảo chị : "Hãy câm miệng lại. Hãy nghĩ đến con cái".
Chị nói : "Tôi vẫn còn nhận những lời đe dọa kiểu này, nhưng dù sao tôi cũng đã nghe chúng quen rồi. Nhưng thật ra điều ấy cũng chứng tỏ việc làm của tôi rất có ý nghĩa và tạo ra kết quả tốt. Vì nếu như không tốt, họ sẽ không quan tâm đến tôi. Cho nên sự đe dọa này thật ra lại khích lệ tôi, càng cho tôi nhiều sức lực hơn để tiếp tục đấu tranh".
Một trại tập trung ở Shufu, Tân Cương. Ảnh chụp qua vệ tinh ngày 26/4/2020. Những hình tròn là tháp canh, bức tường chính có hai lớp kẽm gai. Người dịch sưu tầm và chú thích.
‘Bị nhốt trong quan tài bằng bê tông’ : Một ngày trong trại tập trung
Từ 7-9 giờ sáng : Dạy học cho những tử thi biết đi
Tôi vừa đặt chân vào phòng thì 56 học viên của tôi đứng lên, những xiềng chân ở mắt cá chân họ kêu chói tai và họ hô to : "Chúng tôi sẵn sàng !". Tất cả họ đều mặc áo quần màu xanh. Đầu họ bị cạo trọc, da họ trắng bệch như da xác chết.
Tôi đứng nghiêm trước tấm bảng, hai công an mang súng đứng hai bên. Mọi người phải ngồi thẳng lưng trên ghế đẩu, mắt phải nhìn đăm đăm thẳng trước mặt.
Không ai được phép cúi đầu. Bất kỳ ai không làm theo những nội quy này lập tức bị lôi đi. Đến phòng tra tấn.
Chính nhiệm vụ của tôi là dạy những con người bị đối xử tàn tệ và đáng thương này về Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và về phong tục Trung Quốc. Ngày nọ trong "lớp học", tôi được lệnh nói xấu Hoa Kỳ – mà Trung Quốc cho là nước thù địch số một. Đảng đã soạn ra danh sách 21 nước, phân loại theo những nước nào là thù địch nhất với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.
Số 1: Hoa Kỳ. Số 2 : Nhật Bản. Số 3 và 4 : Đức và Kazakhstan. Bất kỳ ai có quan hệ với những nước này đều bị coi là kẻ thù của nhà nước. Mọi khó khăn ở Trung Quốc đều là hậu quả của những chính sách của Mỹ nhằm chống lại nhân dân Trung Quốc và với ý đồ gây chia rẽ. Tôi giảng giải như thế bằng cách lặp lại những gì quản lý trại tù bảo tôi. Thậm chí, nếu như người Trung Quốc có tra tấn người Hồi giáo chăng nữa, thì Mỹ cuối cùng vẫn đáng trách, vì chính họ là người đã khiến cho những người theo tôn giáo khác suy nghĩ lầm lạc và hành động xấu xa. Theo Bắc Kinh, dân chủ theo kiểu Phương Tây là một mô hình thất bại mà chỉ rơi vào khủng hoảng và hỗn loạn.
Từ 9-11 giờ sáng : Những hình phạt hà khắc
"Đến giờ kiểm tra bài vở !", một công an bảo tôi, và tôi dịch lại cho những tù nhân. Thỉnh thoảng, công an gọi một số tù nhân đứng lên để trả bài. Những ai học tập tiến bộ thì được điểm. Họ được hứa hẹn là "Nếu ai học tốt sẽ được thả ra sớm". Vì thế mọi người đều cố gắng tiếp thu bài vở đầy đủ.
Hầu hết các học viên đều không biết tiếng Trung Quốc hay biết rất ít. Có thể thấy họ đánh vật rất khổ sở với bài vở. Sau đó, nhân viên người Trung Quốc sẽ chấm các câu trả lời của họ để quyết định ai sẽ xuống lớp.
Bất kỳ ai vi phạm luật lệ ở bên ngoài lớp cũng bị mất điểm, mà cuối cùng có thể khiến họ bị đưa đến tầng khác. Theo nội quy trại, những vi phạm sẽ bị phạt càng ngày càng nặng hơn. Những vi phạm này bao gồm, đi không đúng đường, không biết điều gì đó, hay kêu lên vì đau đớn.
Từ 11 giờ sáng đến trưa : ‘Tôi tự hào là người Trung Quốc !’
Vào 11 giờ sáng, công an phát cho mỗi tù nhân một cái hộp các tông cỡ giấy A4, trên mỗi hộp có ghi một câu viết bằng chữ màu. "Số 1" nâng hộp của mình lên trên đầu rồi đọc to câu viết trên hộp, và mọi người lặp lại vài lần liên tiếp. "Tôi tự hào là người Trung Quốc !". Rồi đến người kế tiếp nâng cao hộp của họ lên. "Tôi yêu mến Tập Cận Bình !".
Những ai không phải là người Hán đều bị Đảng và chính quyền Trung Quốc coi không phải là con người. Không chỉ người Kazakh và người Duy Ngô Nhĩ, mà tất cả dân tộc khác trên khắp địa cầu. Những lúc ấy tôi cũng phải nói hùa theo tiếng hô vang của mọi người. "Cuộc đời tôi và những gì tôi có được tất cả đều nhờ ơn Đảng !". Trong khi ấy, ý nghĩ quay cuồng trong đầu tôi là : Toàn bộ thành phần tinh hoa của Đảng đã mất trí. Tất cả họ đều là những người hoàn toàn điên rồ.
Trưa đến 2 giờ chiều : Bắt ăn thịt heo
Công an đưa tất cả những tù nhân về lại xà lim, còn nhân viên trại trở về phòng họ. Tù nhân hầu như bị bỏ đói và họ buộc lòng ăn thịt heo vào mỗi thứ Sáu. Thoạt đầu, một số người Hồi giáo không chịu ăn thịt heo. Đáp lại sự phản kháng của họ là tra tấn. Sau một thời gian, những người này cũng ăn thịt heo luôn.
Từ 2-4 giờ chiều : Hát ca ngợi Đảng
Tất cả những tù nhân đều trở lại lớp học để hát những bản nhạc về Đảng trong hai giờ. Đầu tiên, tất cả họ hát quốc ca trước. Sau đó, có một bài hát "đỏ" khác. "Nếu không có Đảng, những trẻ em mới này sẽ không tồn tại… Đảng ra sức phục vụ tất cả các dân tộc ở trong nước. Đảng đã dùng tất cả sức mạnh của Đảng để cứu nước…". Ngày hôm sau, khi tù nhân lê bước vào nhà bếp, họ phải hát những lời nhạc họ vừa học.
Từ 4-6 giờ chiều : Thú tội
Hai giờ kế tiếp, chủ yếu là ngồi im để suy tư về lỗi lầm của bản thân. Rõ ràng cho rằng tù nhân không biết tại sao họ lại vào trại cho nên các nhân viên trại phải giải thích. Chẳng hạn, tù nhân có thể có tội là cầu nguyện, có những quan điểm tôn giáo rất bình thường, hay có những suy nghĩ tiêu cực về ngôn ngữ Trung Quốc, phong tục Trung Quốc hay người Trung Quốc nói chung.
Khi một nhân viên hỏi một em bé 13 tuổi ở hàng đầu : "Tại sao em ở đây ?", em bé gái vội vàng trả lời. "Tôi đã phạm lỗi lầm rất nặng là đã đi thăm người bà con ở Kazakhstan. Tôi nhất định sẽ không bao giờ làm chuyện như vậy nữa !".
Từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối : Bị xiềng
Để ăn, tù nhân xếp hàng bên ngoài xà lim : nữ một bên, nam một bên. Một vạch đỏ kẻ thẳng ở giữa nền nhà. Họ phải bước đi dọc theo đúng vạch đỏ này. Bị xiềng ở mắt cá chân và bị xiềng ở cổ tay, cho nên họ chỉ có thể lê từng bước nhỏ. Ai vấp ngã sẽ bị tra tấn.
Từ 8-10 giờ tối : ‘Tôi là tội phạm’
Tù nhân được cho về lại xà lim của họ để "nhận tội trong lòng". Điều này có nghĩa là bằng giọng thì thầm họ nói lặp đi lặp lại tội của họ. "Tôi là tội phạm vì tôi đã cầu nguyện. Tôi là tội phạm vì tôi đã cầu nguyện. Tôi là tội phạm…".
Từ 10 giờ tối đến nửa đêm : ‘Tôi không còn là người Hồi giáo’
Từ 10 giờ tối đến nửa đêm, mỗi tù nhân phải gò lưng trên nền xà lim của họ đến hai tiếng đồng hồ để viết bản thú tội. Nếu viết như thế này : "Tôi phạm tội tôn giáo, vì tôi nhịn ăn trong tháng Ramadan. Nhưng hôm nay tôi biết không có Chúa", thì họ có nhiều cơ hội được tăng điểm. Sáng hôm sau họ phải nộp lại bản thú tội.
Một câu đặc biệt quan trọng, và phải luôn luôn ghi trong bản thú tội : "Tôi không còn là người Hồi giáo. Tôi không tin Chúa nữa".
Ngay cả lúc họ cuối cùng được để yên, họ phải ngủ ép sát vào nhau, phải nằm nghiêng về bên phải, và lúc ngủ cũng vẫn bị xiềng ở cổ tay và mắt cá chân. Lật người qua là tuyệt đối cấm và sẽ bị phạt nặng.
Nửa đêm đến 1 giờ sáng : Phận sự cảnh gác
Vào nửa đêm, tôi phải đứng canh gác một giờ đồng hồ. Cầu thang cũng gần "phòng đen", nơi họ tra tấn người. Sau hai hoặc ba ngày ở trại, lần đầu tiên tôi nghe những tiếng kêu thét thất thanh vang vọng khắp đại sảnh rất rộng và thấm qua từng lỗ chân lông trên người tôi. Trong đời mình, tôi chưa từng bao giờ nghe những tiếng kêu thét như thế.
Từ 1-6 giờ sáng : Không thể nào ngủ
Sau khi hết phiên gác, tôi nằm thu mình lại trên tấm đệm nhựa, co hai đầu gối lên và kéo tấm chăn lên đầu. Khí lạnh từ nền xi măng tiết ra thấm vào tận xương. Không thể nào ngủ được. Mùi hôi thối của nhà vệ sinh, những tiếng kêu thất thanh vẫn còn vang vọng bên tai, những chuyện không thể chịu đựng nỗi tôi đã thấy trong ngày.
Rồi đến lúc nào đó tôi dần dần bắt đầu ngủ và hai giờ sau chuông lại vang lên chói tai. Cuộc sống ở trong trại chính xác là như vậy, ngày nào cũng như ngày nào. Ánh sáng nhân tạo 24 giờ mỗi ngày. Bị nhốt trong cỗ quan tài bằng bê tông.
Damian Whitworthy
Nguyên tác : "My escape from a Chinese internment camp", The Times, 30/4/2021. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
Bài này được trích từ tác phẩm "The Chief Witness : Escape from China’s Modern-day Concentration Camps" của Sayragul Sauytbay, nhà xuất bản Scribe ấn hành vào ngày 6 tháng Năm 2021.
Phan Minh, RFI, 12/02/2022
Cơ quan Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc muốn thúc đẩy tỷ lệ sinh con ở nước này bằng cách giảm số ca nạo phá thai. Họ dự tính sẽ "can thiệp" để thuyết phục những phụ nữ chưa kết hôn và các thiếu nữ sau này đừng phá thai.
Lo ngại về tỷ lệ sinh con giảm, chi Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tỉnh Sơn Đông nay đảm nhiệm cả vai trò mai mối, ngày 17/10/2021. AFP - NOEL CELIS
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
Chúng ta vẫn chưa biết cơ quan kế hoạch hóa gia đình có ý định "can thiệp" như thế nào, nhưng hiện tại Trung Quốc vẫn chưa ra luật cấm phá thai. Theo kế hoạch được công bố vào cuối tháng Giêng, mục tiêu là "cải thiện sức khỏe sinh sản" và giảm thiểu số ca mang thai ngoài ý muốn thông qua các chiến dịch giáo dục và tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân Trung Quốc sinh thêm con.
Lý do là vì trong vài năm qua, Trung Quốc phải đối mặt với cơn "địa chấn dân số". Theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia, Trung Quốc ghi nhận gần 11 triệu ca sinh trong năm 2021 và gần 9 triệu trường hợp nạo phá thai, trong đó có 4 triệu, tức 40% là trong lứa tuổi thiếu niên. Đối tượng của chiến dịch "can thiệp" này là những phụ nữ trẻ "không kết hôn", như các phương tiện truyền thông chính thức vẫn gọi. Kế hoạch này sẽ nhấn mạnh vào "các giá trị truyền thống của gia đình" và tăng cường các buổi giáo dục giới tính trong trường học.
Trước tình hình tỷ lệ sinh tụt dốc, các cơ quan chức năng đã cho phép người dân sinh con thứ ba, ra quy định là các cặp vợ chồng phải chờ 30 ngày trước khi có thể ly hôn và kéo dài thời gian nghỉ thai sản đối với các bà mẹ mới sinh, nhưng những biện pháp trên vẫn chưa đem lại hiệu quả.
Đối với các nhà hoạt động nữ quyền, những biện pháp này không nên khiến cho các thiếu nữ muốn phá thai cảm thấy bị kỳ thị hơn.
Phan Minh
***********************
Phan Minh, RFI, 12/02/2022
Trong một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được hãng tin AFP trích dẫn hôm 11/02/2022, một nhóm các chuyên gia hàng đầu về luật lao động bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về cách Trung Quốc đối xử với các cộng đồng thiểu số sắc tộc và tôn giáo, đặc biệt ở Tân Cương, và kêu gọi Bắc Kinh thay đổi chính sách.
Một nông dân hái bông trên cánh đồng ở Hami, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, ngày 1 tháng 11 năm 2012. © Reuters Marketplace - Reuters Foundation Online Report
Đây là báo cáo thường niên tổng kết về việc tuân thủ các công ước của ILO ở từng nước. Ủy ban này, gồm 20 chuyên gia độc lập đặc trách đánh giá việc áp dụng các công ước của ILO, bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về các định hướng của những chính sách được liệt kê trong nhiều văn bản chính thức của Trung Quốc.
Ủy ban của ILO cũng yêu cầu chính quyền Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về những chính sách đã được thực hiện để tuân thủ các cam kết quốc tế về đối xử bình đẳng tại các trung tâm dạy nghề ở Tân Cương.
Trong phản hồi chi tiết đính kèm báo cáo, Bắc Kinh một lần nữa bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc nói trên, đặc biệt là cáo buộc về lao động cưỡng bức do Tổng liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC) đưa ra trong nhiều tài liệu được các tổ chức phi chính phủ chứng thực. Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng đây là những cáo buộc "sai trái và mang tính chính trị".
Theo các tổ chức nhân quyền, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người sắc tộc thiểu số nói tiếng Thổ, chủ yếu là người Hồi giáo, đã hoặc đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở miền tây bắc Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn khẳng định đó chỉ là những trung tâm dạy nghề nhằm giúp họ tránh xa chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai.
Phan Minh
Trọng Thành, RFI, 22/10/2021
Tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, hàng chục quốc gia đã ra một tuyên bố chung chỉ trích chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức để các quan sát viên độc lập tới khu vực này.
Ảnh tư liệu chụp ngày 03/12/2018 tại Trung tâm Dạy nghề Artux, tỉnh Tân Cương, Trung Quốc. AP - Ng Han Guan
Theo hãng tin AFP, tại cuộc họp của Ủy ban phụ trách nhân quyền của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (tên chính thức là Ủy ban thứ Ba, phụ trách các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa), hôm qua 21/10/2021, đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, ông Nicolas de Rivière, đã thay mặt 43 quốc gia đọc bản tuyên bố chung, bày tỏ "mối quan ngại đặc biệt về tình hình tại vùng tự trị Tân Cương".
Tuyên bố của nhóm 43 nước nêu lên các thông tin đáng tin cậy về tình trạng "giam cầm một cách độc đoán" hơn một triệu người trong "các trại cải tạo". Tuyên bố nhấn mạnh đến các hành động tra tấn, cách đối xử độc ác, phi nhân tính và hạ nhục con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và kỳ thị giới tính, cũng như tách trẻ em khỏi gia đình, nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác. Tuyên bố kêu gọi chính quyền Trung Quốc "cho phép ngay lập tức và không gây trở ngại các quan sát viên độc lập, bao gồm Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền và các thành viên của Phủ Cao Ủy vào khu vực Tân Cương".
Tuyên bố chung lên án Bắc Kinh xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương có sự tham gia của Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu, châu Á và châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 43 nước ký tên. Từ nhiều năm nay, các xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc tại Tân Cương đã liên tục bị lên án tại diễn đàn của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, cách nay hai năm, mới chỉ có 23 quốc gia ký tên vào tuyên bố chung. Hồi năm ngoái, bản tuyên bố đã được 39 nước ủng hộ. Đến năm nay, có thêm ba quốc gia mới tham gia, là Thổ Nhĩ Kỳ, Eswatini (châu Phi) và Cộng Hòa Séc.
Ngay sau tuyên bố chung của nhóm 43 nước, đại sứ Trung Quốc Trương Quân (Zhang Jun) đã lên án "các vu cáo" và "một mưu đồ nhằm gây tổn hại cho Trung Quốc". Theo đại sứ Trung Quốc, Tân Cương đang phát triển và "người dân Tân Cương luôn tự hào về các tiến bộ đã đạt được". Đại sứ Cuba bảo vệ Bắc Kinh, chỉ trích 43 nước can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Bắc Kinh lên án ngược lại Mỹ, Pháp và Anh về"những xâm phạm nhân quyền khủng khiếp",chuyển đến báo chí một tài liệu lên án Hoa Kỳ tình trạng "thanh lọc sắc tộc chống lại thổ dân" và "sự gia tăng các hành động quấy nhiễu nhắm vào các công dân Mỹ gốc Á"tại Mỹ. Trung Quốc còn cáo buộc Pháp "thảm sát hàng chục nghìn người vào thời kỳ thực dân", "phạm tội ác chống nhân loại". Tài liệu nói trên cũng nhấn mạnh đến "nạn bài Hồi giáo" và "tình trạng tồi tệ trong các nhà tù" tại Pháp.
Theo nhiều nhà ngoại giao, hàng năm, chính quyền Trung Quốc vẫn liên tục gây áp lực lên các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nào ký tên vào bản tuyên bố chung về tình hình Tân Cương.
Haiti và Thụy Sĩ rút khỏi tuyên bố chung
Theo AFP, Haiti và Thụy Sĩ đã rút khỏi tuyên bố chung nói trên: Haiti vì đang trong giai đoạn quan hệ tế nhị với Trung Quốc, từ khi chính quyền nước này công nhận Đài Loan. Thụy Sĩ vì muốn tạo điều kiện cho đối thoại Mỹ - Trung, sau khi làm nơi tổ chức cuộc gặp giữa hai phái đoàn cao cấp Mỹ - Trung mới đây.
Trọng Thành
**********************
Thanh Phương, RFI, 21/1/2021
Hôm 21/10/2021, Trung Quốc đã hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa nhiều trường học và đẩy mạnh xét nghiệm đại trà để cố ngăn chận sự lây lan từ một ổ dịch mới xuất phát từ một nhóm du khách.
Xét nghiệm Covid-19 trong dân cư sau khi xuất hiện cá nhiễm mới tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, ngày 20/10/2021 via Reuters - Stringer
Theo hãng tin AFP, ổ dịch mới liên quan đến một cặp vợ chồng lớn tuổi đã từng đi du lịch theo đoàn rất đông người. Họ đã đi từ Thượng Hải đến thành phố Tây An, tỉnh Cam Túc và vùng Nội Mông. Đã có hàng chục ca nhiễm được phát hiện có liên quan đến chuyến đi của họ, tại ít nhất 5 tỉnh và vùng, trong đó có khu vực thủ đô Bắc Kinh.
Để ngăn chận sự lây lan từ ổ dịch nói trên, các chính quyền địa phương đã tiến hành xét nghiệm đại trà, đóng cửa nhiều địa điểm du lịch, giải trí, nhiều trường học tại các vùng đang có dịch, đồng thời phong tỏa một số khu chung cư.
Một số nơi như Lan Châu, thành phố khoảng 4 triệu dân ở miền tây bắc Trung Quốc, đã yêu cầu người dân không nên ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Những ai ra đường đều phải trình kết quả xét nghiệm âm tính.
Trong khi đó, các sân bay tại những vùng bị dịch đã hủy hàng trăm chuyến bay. Khoảng 60% số chuyến bay đến hai sân bay chính ở Tây An và Lan Châu đã bị hủy.
Theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, hôm nay đã có 13 ca nhiễm mới trong nước được ghi nhận.
Theo thông báo của thống đốc vùng Tokyo Yuriko Koike hôm thủ đô Nhật Bản sẽ dỡ bỏ các hạn chế về giờ mở cửa các quán bar, nhà hàng, do số ca nhiễm Covid-19 tại thành phố này đã giảm xuống mức thấp nhất từ 16 tháng qua.
Tính trên toàn quốc, số ca nhiễm mới từ mức kỷ lục 25.851 ngày 20/08 đã giảm xuống chỉ còn 387 ca hôm qua. Riêng Tokyo, thành phố có đến 14 triệu dân, trong tuần qua chỉ ghi nhận trung bình mỗi ngày 47 ca nhiễm mới.
Theo các chuyên gia, tình hình dịch tễ được cải thiện như vậy chính là nhờ Nhật Bản đã đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, sau khi khởi đầu rất chậm.
Thanh Phương