Cuộc tổng công kích năm 1968 của Bắc Việt đã chuyển những thắng lợi quân sự của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa thành những thất bại về chính trị và tâm lý.
Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson (1908-1973)
Với tất cả những lạc quan MACV báo cáo về Ngũ Giác Đài ; với những tuyên bố đầy niềm tin của Westmoreland trước báo chí trong lần viếng thăm Hoa Thịnh Đốn vào cuối năm 1967, nhưng dư luận nội địa Hoa Kỳ vẫn không tin Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đang nắm thế thượng phong vào mùa xuân năm 1968 ở Việt Nam.
Làm sao dư luận tin được khi thấy hình ảnh cái quốc ấn của Hoa Kỳ nằm dưới đất, bên cạnh là xác những người lính Mỹ chết để bảo vệ nó. Làm sao tin được tình hình an ninh ở miền Nam bắt đầu an toàn và cộng sản đang quay trở lại giai đoạn chiến tranh du kích vì bị thiệt hại nặng ở chiến trường, khi tòa đại sứ Mỹ ở trung tâm thủ đô Sài Gòn bị xâm nhập và bắn nát.
Từ đầu năm 1968, Tổng thống Johnson đã quyết định nhiều thay đổi về phương diện quân sự và ngoại giao liên quan đến tình hình Việt Nam. 19/01/1968, Johnson đề cử Clark Clifford thay McNamara ở chức tổng trưởng quốc phòng ; ngày 22/03, Johnson triệu hồi Wesmoreland trở lại Mỹ thay thế tướng Harold K. Johnson làm Tư lệnh Lục quân, và bổ nhiệm tướng Creigton Abrams thay Westmoreland ở MACV.
Không phải vì cuộc tổng tấn công vào đầu năm làm cho tổng thống Johnson có những quyết định này : ông đã có hai quyết định đó từ tháng 11/1967 sau khi McNamara thay đổi ý định theo đuổi cuộc chiến và đề nghị Johnson ngưng dội bom, tìm cách thương lượng với Hà Nội.
Lúc đầu, các cố vấn quan trọng của Johnson kể luôn vị tân tổng trưởng quốc phòng Clifford không đồng ý với đề nghị của ông tổng trưởng bỏ cuộc McNamara.
Nhưng đến tháng 3/1968, trừ giới quân nhân, tất cả những cố vấn có ảnh hưởng với Johnson đều khuyên Johnson nên xuống thang cuộc chiến và tìm giải pháp thương lượng.
Rồi chuyện khó khăn này dẫn đến chuyện khó khăn khác : Cuộc tổng tấn công của Bắc Việt ; Westmoreland xin thêm hơn 200 ngàn quân để dứt điểm đối phương ; và những cuộc trưng cầu dân ý của năm bầu cử tổng thống cho thấy đa số cử tri không còn ủng hộ Johnson thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Chiến tranh Việt Nam đến giai đoạn này là một ung nhọt mà tổng thống Johnson không thể làm lơ.
Sự lo lắng của tổng thống Johnson không phải không có lý do.
Đến cuối năm 1967 đầu năm 1968, lòng dân và thế lực chính trị tại nội địa Mỹ thay đổi.
Nhiều khó khăn quốc nội làm ảnh hưởng đến những quyết định của Johnson đối với chiến tranh Việt Nam.
Những người ủng hộ kế hoạch và đường lối chính trị của Johnson trong quá khứ lần lược lên tiếng phản đối. Mục sư Martin Luther King, một trong những người ủng hộ các chương trình xã hội và dân quyền của tổng thống Johnson từ năm 1964, bắt đầu lên tiếng phản đối, tuyên cáo Johnson đã bỏ rơi chương trình Đại Xã Hội, một chương trình nâng cao quyền bình đẳng và mức sống cho dân nghèo ở Hoa Kỳ, vì quá chú tâm về vấn đề Việt Nam.
Clark Clifford trở thành tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu năm 1968
Năm 1967 ngân sách quốc gia Hoa Kỳ bị thâm thủng gần 30 tỉ, và Johnson phải quyết định hoặc là tăng thuế, hoặc là giảm ngân sách quốc phòng.
Nhưng tăng thuế thì mất lòng cử tri ; giảm chi phí quân sự thì lại càng không được đối diện với cuộc chiến ở Việt Nam và tình hình an ninh chung trên thế giới.
Những dân biểu nghị sĩ thủ lãnh ở quốc hội, trước đây vẫn trung thành với Johnson, bây giờ chỉ trích Johnson và cuộc chiến ở Việt Nam.
Họ nói chiến tranh Việt Nam làm đổ vỡ nhiều kế hoạch quốc nội và quốc ngoại.
Nghị sĩ William J. Fulbright, chủ tịch ủy ban ngoại giao thượng viện hăm dọa ông sẽ đình trệ ngân khoản quốc phòng khi vấn đề được đem lên thượng viện bàn thảo.
Theo Fulbright, không những chương trình Đại Xã Hội của Johnson không thành công, ngược lại xã hội Hoa Kỳ đang trở thành một xã hội bệnh hoạn. Ông nghĩ Hoa Kỳ không có đủ tiền để chiến thắng hai cuộc chiến : cuộc chiến chống cộng ở Việt Nam và cuộc chiến chống bất bình đẳng và nghèo đói cho dân hạ lưu ở nội địa Mỹ.
Trong hai cuộc chiến đó, chẳng những Johnson không thắng được trận nào, mà không chừng thua luôn cả hai.
Ngoài Fulbright ra, những dân biểu, nghị sĩ có ảnh hưởng ở quốc hội bắt đầu đặt câu hỏi về sự thành công của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. "Quân chúng ta đông, nhưng đối phương đánh theo sự lựa chọn [chiến trường] của họ", nghị sĩ Stennis thổ lộ với nghị sĩ Hollings.
Trong khi đó, xã hội Mỹ càng ngày càng rối thêm. Từ mùa hè năm 1967, bạo động đã xảy ra ở nhiều thành phố trên đất Mỹ, phần lớn là những thành phố có dân da đen cư ngụ. 26 người chết ở Newark, New Jersey ; 40 ở Detroit, Chicago.
Bạo động càng dữ dội hơn khi mục sư Martin Luther King bị bắn chết vào đầu tháng 4/1968. Thẩm quyền an ninh dân sự và quân sự phải vận động 75 ngàn lính để tái lập trật tự.
Kết quả những cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của King có 39 người chết và hơn 2.500 người bị thương, phần lớn là dân da đen. Nhưng đó chỉ là những bạo động nhỏ so với cuộc bạo động ở Chicago vào tuần lễ nghị hội đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ (Democratic Nomination Convention) vào mùa Hè năm 1968.
William J. Fulbright, chủ tịch ủy ban ngoại giao thượng viện
Với những biến chuyển dồn dập, tổng thống Johnson phải quyết định.
Trưa ngày 26 tháng 3-1968, một số nhân vật quan trọng và thân cận với tổng thống Johnson họp lại ăn trưa tại tòa Bạch Cung và đồng thời thảo luận, cho ý kiến về vấn đề Việt Nam.
Những người trí giả đang tụ họp vào buổi trưa thứ Ba này là những công thần của nước Mỹ họ đã phục vụ nước Mỹ từ ngày đầu của Đệ nhị Thế chiến cho đến ngày đầu của Chiến Tranh Lạnh, cho đến giai đoạn khó khăn đang đối diện Hoa Kỳ ngày hôm nay.
Có mặt trong bữa ăn đó là những công thần lão thành của Mỹ quốc như Dean Acheson, Douglas Dillon, John McCloy, Arthur Dean, Robert Murphy.
Trước khi gặp các trí giả cố vấn, sáng hôm đó Johnson đã gặp tham mưu trưởng liên quân Wheeler và đại tướng Abrams tại Tòa Bạch Ốc để nghe họ tường trình.
Khi nghe Wheeler và Abrams xin Johnson thêm quân, xin được đánh qua Lào và Cam Bốt, xin gia tăng dội bom Bắc Việt... để dứt điểm dối phương trong lúc đối phương đang bị thiệt hại nặng và hấp hối, Johnson trả lời họ bằng một giọng rất buồn và đau khổ.
Ông nói cho hai sĩ quan cao cấp là ông muốn làm cho đúng, dù ông bị thất cử trong nhiệm kỳ tới. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra cho chuơng trình Đại Xã Hội khi ông lấy bớt ngân quỹ dùng để xây cất gia cư cho dân ngèo, ngân quỹ của chương trình giáo dục và chương trình nâng đỡ giai cấp lao động ?
Ông nhấn mạnh năm nay là năm bầu cử mà ngân sách thì cần thêm tiền, phải tăng thuế, trong khi Việt Nam thì cần thêm quân.
Ông nói ông có thể có thể chịu đựng áp lực chính trị để thỏa mãn những đòi hỏi của giới quân nhân. Nhưng dù như vậy, ông vẫn chưa có thể nói cho người dân biết được tương lai cuộc chiến Việt Nam sẽ ra sao nếu Hoa Kỳ tiếp tục đi theo con đường đang đi.
Ông kết thúc cuộc nói chuyện với Wheeler và Abrams bằng lời hứa hẹn, là nếu đại tướng Westmoreland cần thêm 206 ngàn quân nữa thì ông sẽ cho nếu quân đội có dư được số quân đó.
Tổng thống Lyndon Johnson và Tướng William Westmoreland ở Washington DC tháng Tư 1968
Nội dung những gì Johnson muốn nói, chúng ta có thể đoán được, là dân Mỹ không còn ủng hộ cuộc chiến ở Việt Nam nữa.
Cuộc họp trưa ngày 26/01/1968 giữa các trí giả và tổng thống Johnson xảy ra như dự định.
Và chúng ta có thể đoán được những lời cố vấn của họ sẽ nói ra.
McGeorge Bundy, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Kennedy và Johnson đại diện cho phía muốn ngưng đánh, phát biểu vắn tắt : "Chúng ta không còn thì giờ để đạt được mục tiêu đã định ; đa số trong buổi họp này nghĩ chúng ta không nên gia tăng cường độ cuộc chiến, hay kéo dài cuộc chiến. Gia tăng hay kéo dài cuộc chiến là đi ngược lại quyền lợi quốc gia".
Johnson nghe những lời cố vấn trong sự ngỡ ngàng và có thái độ giận dữ khi nói chuyện trong phòng riêng với hai bộ trưởng Clifford và Rusk.
Dù thất vọng với những lời cố vấn của đa số trí giả, Johnson biết mình không thể nào đi ngược lại ý dân.
Sau buổi họp với những trí giả cố vấn, Johnson có khoảng năm ngày để soạn thảo một bài diễn văn, nói cho dân Mỹ biết ý định của ông về chiến tranh Việt Nam. Ông dự định sẽ đọc một bài diễn văn trước quốc dân vào ngày 31/03/1968 một chiều Chủ Nhật.
Một trong những người có nhiều ảnh hưởng đến các tổng trưởng, cố vấn, và chính Tổng thống Johnson về đường lối chiến tranh Việt Nam là Clifford người thay McNamara ở Bộ quốc phòng từ đầu năm 1968.
Theo nhiều sử liệu và hồi ký, tổng trưởng quốc phòng Clifford đã có ác cảm về cuộc chiến Việt Nam ngay trong những ngày đầu nhậm chức. Ông đã tỏ thái độ chống lại chiến tranh Việt Nam ngay sau trận tổng công kích Mậu Thân, và khi Westmoreland yêu cầu viện thêm 206 ngàn quân để thanh toán chiến trường.
Dựa vào phản ứng bi quan của dư luận, Clifford muốn, (1) quân đội Hoa Kỳ ngừng đánh và nhường chiến trường đó lại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa ; (2) tìm một thương lượng trên mặt trận ngoại giao để đem Hoa Kỳ khỏi cuộc chiến.
Và khi Clifford đã quyết định thì khó có tướng lãnh nào ở Ngũ Giác Đài từ chối, hay cãi lại. Làm sao cãi lại với một người đã viết ra bộ luật đẻ ra chức Tổng trưởng quốc phòng, chức Tham mưu trưởng Liên quân, Quân chủng Không quân, CIA, hay Hội đồng An ninh quốc gia.
Trong chiến tranh Việt Nam, nếu Henry Kissinger là người bắt buộc Việt Nam Cộng Hòa phải ký vào tờ giấy khai tử của chính mình vào năm 1973, thì năm 1968 Clark Cliford là người đã bắt buộc Việt Nam Cộng Hòa phải tự đơn thân gánh vác cuộc chiến.
Như một điềm xấu, rạng sáng ngày 31/01/1968 (rạng sáng mùng 2 tết ở Sài Gòn ; trưa ngày 30 ở Hoa Thịnh Đốn) khi Việt Cộng tấn công vào thủ đô Sài Gòn, thì buổi trưa ở Hoa Thịnh Đốn quốc hội Mỹ biểu quyết chấp thuận Clifford vào chức vụ Bộ trưởng quốc phòng.
Rồi trong hai tuần lễ liên tiếp, những tin tức dồn dập từ MACV gởi về chẳng những không làm cho Bộ quốc phòng và Tòa Bạch Ốc lạc quan, trái lại càng làm cho giới thẩm quyền bên nhà rối loạn vì những tin tức trái ngược.
Quân đội Hoa Kỳ đụng trận trên bốn vùng chiến thuật. Căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ ở Lang Vei, 10 cây số nam Khe Sanh bị tràn ngập vào 7 tháng 2. Trong trận này, lần đầu tiên cộng sản dùng xe tăng để áp đảo một căn cứ. Căn cứ Khe Sanh thì bị áp lực dồn dập từ ngày 20 tháng 1 ; và từ tháng 2 trở đi căn cứ chỉ có thể nhận tiếp liệu bằng cách thả dù, vì phi trường không còn an toàn cho phi cơ lên xuống.
Tổn thất Mỹ trong hai tuần lễ đầu tiên là 400 và 416 tử thương. Tuần lễ thứ ba, 17/2/1968, Hoa Kỳ có 543 tử thương và 2.547 bị thương năm lần số thương vong trung bình hàng tuần trước tết (tuần lễ có số thương vong cao nhất của năm 1967 là 232 chế ; 1.381 bị thương).
Từ 6 tháng 1 đến 30 tháng 3, Hoa Kỳ có 4.778 tử thương. Chính con số tử thương này làm cho thẩm quyền Hoa Kỳ bên nhà ngạc nhiên, khi so sánh tình hình hiện tại và tình hình trong hai tường trình của Westmoreland và đại sứ Bunker trước đó hai tháng.
Tháng 11/1967, Westmoreland báo cáo với Hoa Thịnh Đốn : "quân đội Đồng Minh nắm thế thượng phong, dần dần có thêm sức mạnh để ngăn chận đối phương mở những cuộc tấn công có cấp số cao".
Với báo cáo và tin tức hoàn toàn trái ngược, ngày 28 tháng 2, Johnson ra lệnh cho tân tổng trưởng quốc phòng Clifford lập một ủy ban để duyệt xét lại tất cả kế hoạch về Việt Nam. Ông yêu cầu Clifford trong năm ngày làm việc, phải trả lời cho ông biết một số câu hỏi về tình hình Việt Nam để ông có thể quyết định. Một trong những câu hỏi quan trọng là có nên cung cấp quân theo lời yêu cầu của Westmoreland không ; và, những quyết định quân sự sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với công luận và quốc hội.
Sau năm ngày làm việc và hội họp để thâu thập ý kiến của các cố vấn dân sự, hỏi chuyện các tư lệnh quân sự, Clifford đi đến một quyết định trung dung khi trình bày cho tổng thống Johnson : gởi một số ít quân để thỏa nhu cầu chiến trường ; duyệt xét tình hình quân sự hàng tuần ; chú trọng đến tình hình chính trị và quân sự của Việt Nam Cộng Hòa ; và duyệt xét lại tất cả kế hoạch quân sự và chiến lược của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Trong buổi họp ngày thứ Hai, 4 tháng 3-1968, với sự có mặt của tham mưu trưởng ban tham mưu liên quân, Clifford lý luận với tổng thống và các tổng bộ trưởng quan trọng đang hiện diện : "Chúng tôi xin đề nghị trong bản báo cáo này là chỉ cung cấp đủ quân để đối phó với những cấp bách đang xảy ra ở mặt trận trong vòng ba, bốn tháng sắp đến... Chúng ta chỉ có thể giúp được như vậy".
Tiếp theo lời của Clifford, Bộ trưởng Tài Chánh Joe Flower cho tổng thống Johnson những tiên đoán về tình hình tài chánh quốc gia. Ông bộ trưởng tài chánh cho biết chính phủ phải quyết định giữa cuộc chiến Việt Nam và các chương trình xã hội kinh tế tại nội địa.
Sau khi nghe những tường trình và đề nghị của Clifford và Fowler, tham mưu trưởng liên quân Wheeler và bộ trưởng ngoại giao Rusk - hai người duy nhất đại diện cho phía quân sự và có lập trường cứng rắn với Bắc Việt - trình bày ý kiến của họ.
Đại tướng Wheeler trở nên nhân nhượng hơn với đòi hỏi của Ngũ Giác Đài và MACV : ông vẫn đề nghị cho thêm 205 ngàn quân, nhưng không cần gởi liền tất cả mà có thể trải số quân này ra trong một giai đoạn 9 tháng.
Khi đến phiên Dean Rusk, ông bộ trưởng ngoại giao cũng bắt đầu có thái độ hòa hoãn : thay gì giữ quyết định không ngưng oanh tạc miền bắc, ông đề nghị Hoa Kỳ ngưng oanh tạc vào những tháng mưa để có thể dọ xét thái độ của Hà Nội, coi họ muốn thương lượng hay không, mà Hoa Kỳ vẫn giới hạn được lưu lượng xâm nhập từ miền Bắc (mùa mưa giới hạn vận chuyển xâm nhập vào Nam rất nhiều).
Thái độ nhân nhượng của đại tướng Wheeler dễ hiểu : trong nhiều lần nói chuyện với Clifford trước buổi họp, Wheeler chưa lần nào cho Clifford một xác định rõ ràng về tình hình và tiến trình cuộc chiến.
Trong lần họp cuối cùng ngày 2 tháng 3 hai ngày trước khi đúc kết bản tường trình cho tổng thống, Clifford có một số câu hỏi và nhận được những câu trả lời như sau : Liệu 205 ngàn quân nữa có giải quyết được chiến trường không ? Không chắc chắn được.
Nếu 205 ngàn quân vẫn chưa đủ, thì cần thêm bao nhiêu nữa và khi nào thì cần ? Không cách gì tuyên đoán được.
Đối phương có thể gia tăng quân số nếu chúng ta gia tăng thêm quân ? Có thể.
Chúng ta có thể kết thúc cuộc chiến bằng cách dội bom ? Dội bom gây nhiều thiệt hại về nhân mạng cho đối phương, nhưng dội bom không, thì không thể chấm dứt cuộc chiến. Nếu chúng ta gia tăng dội bom thì thương vong bên ta có thể hạ xuống không ? Rất ít, nếu nói là không thay đổi nhiều, vì phần lớn thương vong của chúng ta xảy ra trên chiến trường ở miền Nam.
Hoa Kỳ phải tiếp tục gởi quân gánh vác cuộc chiến bao lâu nữa ? Chúng tôi không biết đến khi nào thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa có thể thay thế gánh vác cuộc chiến.
Và với những câu trả lời như vậy, chúng ta có thể tạm hiểu được sự khó khăn của Clifford khi ông không muốn tăng thêm quân theo lời yêu cầu của MACV.
Với 90 phần trăm lực lượng quân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị tiêu diệt, với toàn thể cơ sở hậu cần bị khám phá và hủy hoại, Westmoreland và tư lệnh quân đội Hoa Kỳ Thái Bình Dương, đô đốc Sharp, thấy rõ đây là cơ hội cuối cùng và duy nhất để triệt tiêu sinh lực của đối phương.
Ngày 1 tháng 3, đô đốc Sharp thỉnh cầu Ngũ Giác Đài cho phép ông được dội bom tất cả các mục tiêu, trừ nhà thương, trường học, dân cư, và thuyền bè ngoại quốc.
"Không thể để cho đối phương đánh theo ý của họ, vì như vậy, trong ý nghĩa chiến lược, họ sẽ nắm lấy thế công trong khi chúng ta giữ thế thủ. Phải nhớ chúng ta đang dối diện với một đối phương rất lì", Sharp viết trong điện văn gởi về ban tham mưu liên quân.
Ngày hôm sau, 2 tháng 3, đại tướng Westmoreland xin phép được đánh qua Lào để cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh. Đồng thời ông thông báo hoạt động của cộng sản ở Thượng Lào rất nguy hiểm cho tình hình chung ở Đông Nam Á. Westmoreland đề nghị Hoa Kỳ can thiệp vào Thượng Lào qua lời yêu cầu của Thái Lan như được ghi ở các điều khoản trong hiệp ước Liên Phòng Đông Nam Á.
Ngày 4 tháng 3, đô đốc Sharp đánh thêm một điện tín về Hoa Thịnh Đốn nữa. Lần này, giọng văn trong điện tín quyết liệt hơn. "chúng ta đang đứng trước ngả tư của những quyết định : Chúng ta có thể xử dụng sức mạnh quân sự với tất cả hiệu lực chúng ta có thể cung ứng. Chúng ta có thể tiếp tục kế hoạch gia tăng áp lực từng nấc và chờ cuộc chiến kéo dài ra một cách vô hạn. Hoặc là chúng ta có thể rút quân ra khỏi Đông Nam Á như bại trận, để lại đồng minh chúng ta một mình đối diện với kẻ thù... Đến lúc chúng ta phải cứng rắn bằng lời nói và hành động - đó là phương cách duy nhất mà cộng sản hiểu được".
Nhưng, hoặc giới thẩm quyền dân sự ở Hoa Thịnh Đốn không thấy rõ kế hoạch quân sự cần phải áp dụng lập tức theo đề nghị của hai vị tư lệnh tiền phương, hoặc lời thỉnh cầu của giới quân sự bị loãng chìm trước những kêu gào phản chiến ở bộ quốc phòng. Đại tướng Wheeler biết mọi kế hoạch quân sự cần có quyết định chính trị để thi hành. Nhưng đến lúc này ông cũng nhận thấy các chính trị gia nghĩ cuộc chiến Việt Nam đã đi quá xa quyền lợi của nước Mỹ.
Sau khi mọi người trong buổi họp trình bày ý kiến của mỗi người, Johnson chấp nhận những đề nghị chính của Clifford : cho thêm liền 22 ngàn quân ; tuyên bố với Hà Nội Hoa Kỳ sẽ giới hạn oanh tạc trên vĩ tuyến 20, và ngưng oanh tạc vào mùa mưa trên miền Bắc. Những giới hạn đó tùy thuộc vào thái độ của Hà Nội ở chiến trường trong tương lai.
Như vậy, vào đầu tháng 3 năm 1968, khi Sài Gòn và những thành phố lớn ở Việt Nam vẫn còn mịt mù trong khói lửa, khi người dân Huế đang bàng hoàng bởi những cuộc thảm sát ghê rợn, và trong khi quân dân Việt Nam Cộng Hòa đang xả thân sống chết với những người cộng sản hiếu chiến, thì chính phủ Hoa Kỳ quyết định bỏ cuộc. Họ bỏ cuộc ngay thời điểm quan trọng và quyết liệt nhất đối với sự sống còn của Việt Nam Cộng Hòa.
Tối Chủ Nhật 31/03/1968, 9 giờ đêm tại tòa Bạch Ốc, tổng thống Johnson đọc một bài diễn văn làm mọi người sửng sốt ngay đối với những người thân cận soạn bài diễn văn đó.
Ông bắt đầu bài diễn văn bằng câu, "Đêm nay tôi muốn nói với quốc dân về cuộc chiến ở Việt Nam và nền hòa bình ở Đông Nam Á…".
Rồi ông thông báo ông sẽ không ra tái tranh cử lần thứ nhì, và Hoa Kỳ sẽ đơn phương ngừng dội bom ở miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở xuống, để chờ thái độ của Hà Nội về một thương lượng đình chiến.
Bài diễn văn của Johnson đêm 31 tháng 3 đưa cuộc chiến Việt Nam đến một giai đoạn hoàn toàn mới.
Nguyễn Kỳ Phong
Nguồn : BBC, 07/03/2018
Tác giả Nguyễn Kỳ Phong, định cư ở Mỹ từ 1975 và hiện sống ở Washington DC, đã viết nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam như Vũng lầy Tòa Bạch Ốc : Người Mỹ và Chiến tranh Việt Nam. Ông hiện đang soạn tác phẩm Những tài liệu tối mật về Chiến tranh Việt Nam.
Cuộc phỏng vấn linh mục Phan Văn Lợi được thực hiện trong tháng 1/2018, nhân dịp 50 năm trận Tết Mậu Thân.
"Tại giáo xứ Phủ Cam, trước đây cứ đến khoảng ngày mùng 6, mùng 7 Tết là nhiều linh mục của giáo xứ lên núi Bân để làm lễ", linh mục Phan Văn Lợi từ Huế nói với BBC.
"Ở khu mộ tập thể trên núi Bân có hai bàn thờ, một bên cho Phật giáo, một bên cho Thiên Chúa giáo. Nhưng sau 1975, người ta đã phá hủy hai bàn thờ đó và để cho nấm mộ hoang tàn, cỏ mọc um tùm".
Số hài cốt tìm được trong "vụ thảm sát Khe Đá Mài"
Núi Bân, còn có tên là núi Ba Tầng, nằm về phía nam thành phố Huế. Nơi đây có khu nghĩa trang chôn cất hơn 400 bộ hài cốt, đa phần là được tìm thấy tại Khe Đá Mài hồi cuối năm 1969.
Việc phát hiện ra hàng trăm bộ hài cốt lộ thiên, dồn đống với những dấu hiệu giống như bị giết chết khiến địa điểm nằm sâu trong rừng rậm, cách thành phố Huế chừng 15km về phía nam, được nhắc tới như sự kiện bi thảm nhất xảy ra tại cố đô.
Phát hiện ra hàng trăm bộ hài cốt lộ thiên, dồn đống với những dấu hiệu giống như bị giết chết khiến địa điểm nằm sâu trong rừng rậm, cách thành phố Huế chừng 15km về phía nam
Số hài cốt tìm được trong "vụ thảm sát Khe Đá Mài" vẫn là điều chưa rõ ràng, tuy tin tức về vụ việc được loan tải rộng khắp trên truyền thông Sài Gòn.
Con số chính thức mà Ngũ Giác Đài nêu tại thời điểm ban đầu là 250 bộ hài cốt, nhưng Douglas Pike, chuyên gia của Phòng Thông tin Mỹ điều tra về vụ việc, đưa ra sau đó vài tháng là 428, theo Gareth Porter, người giảng môn chính trị Đông Nam Á của trường American University's School of International Service.
Trận chiến thành Huế
Ngày 30/1/1968, lực lượng Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng bất ngờ đồng loạt tấn công trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Trong lúc ở hầu hết các tỉnh thành, làn sóng tấn công nhanh chóng bị bẻ gãy sau vài ngày, thì riêng ở Huế, phe cộng sản đã chiếm giữ thành phố được cho tới cuối tháng Hai.
Sau khi Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tái chiếm cố đô, hơn 10 mồ chôn tập thể được phát hiện ở quanh Huế.
Ước tính tổng số người bị giết trong thời gian quân Bắc Việt và Việt Cộng làm chủ thành phố là từ hàng trăm cho tới hàng ngàn người.
Vào 9/1969, "theo lời khai của một số người Việt Cộng, người ta đã lên Khe Đá Mài để tìm", linh mục Phan Văn Lợi nói, và đã "tìm được những bộ xương".
Tại đây, "bên cạnh các bộ xương, người ta đã tìm được y phục, những chuỗi tượng của người Công giáo và những thẻ căn cước".
"Sau đó, người ta đem tất cả các bộ xương này, các vật dụng còn sót lại, y phục, thẻ bọc nhựa về trường tiểu học Nam Hoà".
"Rất nhiều người tại Phủ Cam đã đến trường đó và có những người may mắn nhận ra được những vật dụng của thân nhân họ".
Câu chuyện của nhân chứng
Linh mục Phan Văn Lợi nói ông đã "may mắn thoát khỏi biến cố".
"cộng sản tấn công Huế vào ngày mùng 1 Tết. Sáng hôm đó tôi đã về làng quê, làng Dương Sơn, cách Huế chừng 8 km. Nếu họ tấn công vào đêm 30 Tết như ở các khu vực từ Quảng Nam tới Khánh Hòa thì chắc chắn tôi không thể thoát ra khỏi thành phố được".
Sau khi cộng sản rút lui, linh mục Phan Văn Lợi trở về thành phố và "làm trong một văn phòng cứu trợ của tôn giáo, cứu trợ những nạn nhân Tết Mậu Thân".
"Tôi đã gặp rất nhiều người. Họ tường thuật lại những chuyện đã xảy ra và sự khốn khổ của họ".
Linh mục Phan Văn Lợi nói ông lần đầu tiên tình cờ gặp nhân chứng vụ Khe Đá Mài vào năm 2007, và vẫn giữ liên hệ với nhau kể từ đó tới nay
Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là lần gặp gỡ tình cờ giữa ông với một người, 40 năm sau khi ông có các hoạt động cứu trợ Mậu Thân, và là khi những người Cộng sản đã làm chủ cả nước được hơn 30 năm.
Cuộc gặp diễn ra vào năm 2007.
"Người này là nhân chứng duy nhất còn sống sót của vụ thảm sát tại Khe Đá Mài".
"Tôi đã mời ông ấy đến nhà, nghe ông ấy tường thuật và sau đó tôi viết lại theo lời của ông ấy".
Hiện hai người vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên, linh mục Phan Văn Lợi cho BBC biết.
Tuy nhiên, vì lo sợ cho sự an toàn bản thân nên nhân chứng, một thanh niên mới 17 tuổi vào thời điểm Tết Mậu Thân, từ chối tiếp xúc với BBC.
Người thứ hai chạy thoát cùng nhân chứng đã chết trong những năm chiến tranh sau đó.
Lời kể giúp dựng lại những gì đã xảy ra, "từ lúc đoàn người bị bắt đi" cho tới lúc nhân chứng sống sót "nghe thấy tiếng đạn" và những âm thanh cuối cùng từ các nạn nhân, linh mục Phan Văn Lợi nói.
Nhân chứng nói với ông Lợi rằng người đó là một trong những thanh niên bị bắt đi từ nhà thờ Phủ Cam hôm mùng 6 và mùng 7 Tết Mậu Thân.
"Họ bị dẫn lên chùa Từ Đàm. Ở đó có thêm một số người khác nữa, nhưng đại đa phần là người từ giáo xứ Phủ Cam, những thanh niên đã trốn trong nhà thờ".
Trước đó, khu vực nhà thờ được một số nghĩa quân địa phương và binh lính (Việt Nam Cộng Hòa) "canh tất cả các đường đi vào", nên phía cộng sản đã không thể vào được trong mấy ngày đầu.
Do không có tiếp viện, các quân nhân này sau đó phải chạy đi, theo lời nhân chứng.
Lực lượng cộng sản nói với những người bị gom, "Anh em đừng lo, cách mạng tới giải phóng cho nên đi học tập ba ngày rồi sẽ về", linh mục Phan Văn Lợi thuật lại lời nhân chứng.
"Khi họ bị giam tại chùa Từ Đàm, cán binh Việt Cộng đã cho một vài người về nhắn với gia đình của những người ở Phủ Cam là hãy gửi đồ tiếp tế lên để cho họ có thể ăn uống".
"Vì vậy, rất nhiều những thân nhân của những người bị bắt đó đã gánh gồng lên chùa Từ Đàm".
"Tuy nhiên, khi lên tới nơi họ biết rằng đoàn người đã không còn ở đó nữa. Các cán bộ bảo hãy để lại đồ để tiếp tế".
Số đồ đó không bao giờ đến tay người nhận, theo lời nhân chứng, bởi họ đã bị dẫn tới vùng rừng núi "không rõ là ở đâu".
'Cần giải oan'
"Trong hoàn cảnh chiến tranh, chuyện tên bay đạn lạc là chuyện bình thường, điều này đã xảy ra ở nhiều nơi trong chiến trận Mậu Thân như ở Sài Gòn".
"Nhưng tại Huế, lực lượng cộng sản chiếm 26 ngày".
Người dân chạy nạn trở về Huế sau khi binh lính Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm thành phố (hình chụp 13/3/1968)
Hàng trăm thanh niên trong nhà thờ Phủ Cam khi đó "tất cả đã đi không trở lại", linh mục Phan Văn Lợi nói.
"Đây không thể nói là lầm lẫn hay là tên bay lạc đạn trong chiến tranh được".
"Tại Phủ Cam, có những người vẫn giữ được kỷ vật của thân nhân mà họ đã lấy được, đã thu được trong sân trường tiểu học Nam Hoà".
Những gì được biết, được chứng kiến, được nghe kể là lý do khiến ông "có một chiến dịch cầu nguyện", linh mục Phan Văn Lợi nói với BBC.
"Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho các oan hồn, cho những người đồng bào của chúng ta được giải thoát".
"Tôi cũng cầu nguyện cho những người cán binh cộng sản đã bị đẩy vào một trận chiến mà chắc chắn họ không ngờ rằng lại gây ra bao nhiêu tai hại cho đồng bào của mình, cho đất nước".
"Những gia đình có thân nhân chết trong Mậu Thân là chết oan. Bây giờ họ chỉ mong là nhà nước này lên tiếng nhận trách nhiệm để cho các vong hồn được giải oan".
"Đó là điều mà 50 năm rồi người ta không thấy".
Nguồn : BBC tiếng Việt, 10/02/2018
Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một thất bại về mặt quân sự đối với các lực lượng chính quy miền Bắc và Việt Cộng, theo nhận định của các chuyên gia quân sự, giáo sư sử học và cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.
Rạng sáng ngày 31/1/1968, giữa lúc người dân Việt Nam đang đón Tết thì các lực lượng Cộng sản phát động một đợt tấn công bất ngờ trên toàn miền Nam. Chiến dịch này được coi là cuộc tấn công lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam đã dẫn đến nhiều thương vong tại nhiều thành phố và thị trấn trên khắp miền Nam.
"Về mặt quân sự, Bắc Việt đã thua to. Toàn bộ các cơ sở hạ tầng của Việt Cộng bị quét sạch", William Ridley, cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam nói với VOA-Việt ngữ.
Binh sĩ hải quân Mỹ trong lúc nghỉ giữa các trận đánh ở Huế trong khuôn khổ cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 của quân Bắc Việt.
Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Bing West và giáo sư sử học của Đại học Tiểu bang San Diego Pierre Asselin cũng nhận định tương tự với VOA sau một cuộc hội thảo tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS tại Washington hôm 31/1.
Trong khi đó Hà Nội tuyên bố đây là một thắng lợi về chiến thuật và là một trận đánh gây tiếng vang lớn, "một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị" – theo lời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn. Chính quyền Hà Nội không công bố con số thương vong chính thức nhưng theo ước tính của phía Mỹ, con số này có thể lên tới 58.000 sau toàn bộ chiến dịch kéo gần hết năm 1968. Theo truyền thông trong nước, quân "giải phóng" Bắc Việt đã hoàn thành một trong những mục tiêu quan trong được đề ra là "đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng".
Một nửa thập kỷ sau cuộc tổng tiến công bắt đầu từ Tết Mậu Thân 1968 và kéo dài hơn 300 ngày ở nhiều nơi, gồm cả Huế và Sài Gòn, người Mỹ vẫn bàn luận về những bài học được rút ra từ cuộc tấn công được coi là đã thay đổi cục diện của chiến tranh Việt Nam.
"Tôi cho rằng bài học lớn nhất là nếu anh là Tổng thống, nếu anh là Tổng Tư Lệnh và đưa quân vào một cuộc chiến thì phải có ý chí để quyết thắng", ông West nói. "Đừng nhụt chí như cách mà Tổng thống Lyndon Johnson đã làm. Ông ấy đã quay lưng bỏ đi chỉ vì (cuộc tấn công) Tết Mậu Thân. Ông ấy lẽ ra không nên làm như thế".
Theo cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Bing West dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, trong thời gian Tết Mậu Thân sau khi đánh bại quân miền Bắc, Tổng thống Johnson đã có cơ hội để đánh bom hệ thống đê miền Bắc và cảng Hải Phòng cũng như cắt đường cứu viện từ Trung Quốc và Nga.
"Chúng ta đã có thể nện cho họ tơi tả cho tới khi họ hiểu rằng họ không thể cưỡng chiếm miền Nam".
Lyndon B. Johnson trở thành tổng thống Mỹ sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị sát hại vào năm 1963. Ông Johnson là người khởi sự cuộc chiến tranh ở Việt Nam vào năm 1965.
Theo nhận định của cựu quan chức Bộ Quốc phòng này, Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội để chiến thắng và quân miền Bắc lẽ ra cũng không nên tấn công bởi vì cuộc tấn công đó "không hiệu quả như họ mong muốn".
Ông West nhận định "cả 2 phía đã mắc sai lầm" nhưng thừa nhận ảnh hưởng tiêu cực của cuộc tấn công này đối với phía Mỹ.
"Chúng tôi đã mất tinh thần. Tổng thống mất tinh thần khi nói ‘Trời, tôi chỉ muốn rút ra khỏi cái nơi đó.’"
Một bài học khác mà ông West rút ra từ cuộc tấn công này là "các quyết định quan trọng chỉ do một số người đưa ra". Cựu quan chức Bộ Quốc phòng cho biết điều này "đúng trước đây và bây giờ vẫn đúng", ám chỉ các quyết định của những nhà lãnh đạo Mỹ tại Afghanistan hiện nay.
Phía Bắc Việt, những quyết định quan trọng cũng do một số người đưa ra, theo nhận định của giáo sư sử học Asselin, người nghiên cứu về Đông Nam Á và Việt Nam. Ông cho rằng Tổng bí thư Lê Duẩn, chứ không phải ông Hồ Chí Minh hay Tướng Võ Nguyên Giáp, là người điều hành chiến tranh Việt Nam, và là người quyết định trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân, cùng với tướng Văn Tiến Dũng.
Nhà sử học Asselin so sánh Lê Duẩn là giống lãnh tụ Kim Il Sung của Triều Tiên về mặt "độc tài" khi đưa ra các quyết định, và giống như Stalin khi quyết định hy sinh hàng triệu quân để dành chiến thắng.
"Đối với Lê Duẩn, Việt Nam đã bị Pháp đô hộ, và trong suốt chiều dài lịch sử luôn bị Trung Quốc hăm dọa. Và Lê Duẩn sẽ làm thay đổi điều đó, làm thay đổi 2.000 năm lịch sử", Giáo sư Assalin nói với VOA. "Tôi nghĩ ông Lê Duẩn cho rằng không có sự hy sinh nào là quá lớn. Đối với ông, nói đến 1 triệu hay 2 triệu người Việt hy sinh trong chiến tranh, thì đó là cái giá và là cái giá cần thiết bởi vì khi đã đạt được mục đích thì mọi thứ sẽ được chấp nhận trong lịch sử".
Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng West đồng ý với quan điểm đó.
Tổng bí thư Lê Duẩn (thứ 2 từ bên phải) cùng các lãnh đạo miền Bắc Việt Nam vào năm 1966. Ông Duẩn được coi là người điều hành cuộc tổng tiến công Mậu Thân, chứ không phải Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp.
Theo tôi, Lê Duẩn cũng giống như Stalin. Ông ấy không quan tâm về chuyện có bao nhiêu người bị giết. Ông ấy là người có ý chí sắt. Stalin là người có ý chí sắt. Hitler là người có ý chí sắt.
Năm mươi năm sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, cuộc tranh cãi trên mạng xã hội Việt Nam vẫn tiếp diễn về những tác động của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và liệu quyết định của ông Lê Duẩn và tướng Văn Tiến Dũng là đúng hay sai.
Cũng như những nhận định trong loạt phim tài liệu "Cuộc Chiến tranh Việt Nam" của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick được công chiếu năm ngoái, nhiều người cho rằng cuộc tấn công này do miền Bắc phát động vào các thành phố ở miền Nam nhắm vào người dân thường, bất chấp hai miền thường ngừng bắn để cùng ăn Tết. Rất nhiều thường dân đã bị giết chết trong cái gọi là "vụ thảm sát Tết Mậu Thân".
Luật sư Lê Công Định nhận định trên một bài viết trên trang Facebook cá nhân rằng "cuộc tấn công lén lút đó lại biến thành cuộc thảm sát thường dân vô tiền khoáng hậu trong ký ức và tâm khảm người dân miền Nam".
Theo thống kê mà US News thu thập được, thương vong của phía đồng minh là gần 9.000 người, trong đó hơn phân nửa là binh sĩ Việt Nam Cộng hòa.
Tết Mậu Tuất năm nay là đúng nửa thế kỷ đã qua kể từ Tết Mậu Thân. Với nhiều người Việt, Mậu Thân 1968 là niên lịch khó quên vì nó ghi dấu một biến cố kinh hoàng trong chiến sử Việt Nam.
Hình ảnh về Tết Mậu Thân trong Bảo tàng Tổng thống Lyndon Johnson ở Austin, Texas (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Đúng vào ngày Tết cổ truyền năm đó, dù có lệnh tạm ngưng chiến, cán binh cộng sản đã đồng loạt mở các cuộc tấn công vào hầu hết những thị thành miền Nam. Chiến tranh đã đến với người dân thành phố và để lại trong ký ức nhiều cảm xúc khó quên về "Tổng công kích Tết Mậu Thân".
Tôi đang học lớp 7. Buổi sáng ngày Mồng Hai Tết, cùng với những đứa trẻ trong xóm tụ họp nơi ngã ba đường gần nhà để chơi bầu cua tôm cá. Pháo vẫn tiếp tục nổ, nhưng nghe người lớn nói với nhau sao tiếng pháo thanh và giòn hơn.
Chập sau có anh lính hải quân phóng xe từ trung tâm thành phố về nhà ngay trong xóm, tay cuốn băng cứu thương còn đẫm máu. Anh nói Việt Cộng đang tấn công vào Bộ Tư lệnh Hải quân, vào thành phố.
Nghe thế, một bác nói những tiếng nổ giờ không phải tiếng pháo mà là đạn AK rền vang và yêu cầu mọi người giải tán, ai về nhà nấy. Một nhóm dường như không nghe, tiếp tục chơi trò đỏ đen, bác bực mình cầm bàn bầu cua hất tung lên. Các trò vui chơi coi như chấm dứt. Mọi người về nhà. Đó là năm với sinh hoạt đón tết ngắn ngủi nhất cho tôi, cho người miền Nam.
Người lớn quây quần bên chiếc radio chờ ngóng tin tức nhưng chỉ là tiếng rè rè. Các chương trình phát thanh bị gián đoạn một quãng thời gian, vài giờ sau mới có lại. Đêm về trong xóm lo tổ chức canh gác. Những con ngựa gỗ và vòng kẽm gai được làm ngay, đem ra chắn ở các ngã tư đường. Người lớn chia nhau canh gác vào ban đêm.
U tôi lấy vải cuốn thành vài cái ruột tượng với ít quần áo trong đó, viết tên con lên, để nếu phải chạy loạn sẽ đưa cho các con đeo bên mình. Chiến tranh và loạn lạc thày u tôi đã trải qua nhiều với những lần tản cư từ làng quê lên thành phố Nam Định. Sau ngày di cư vào Nam, cùng đồng hương quê bắc sống yên bình bên nhau nơi vùng đất mới trong hơn một thập niên, lo lắng về chiến tranh không còn canh cánh ở bên. Cho đến Tết Mậu Thân.
Tôi nhớ tin tức lúc đó làm kinh ngạc mọi người vì khắp nơi trên toàn lãnh thổ đã bị Việt Cộng tấn công. Riêng tại Sài Gòn những nơi bị tấn công là Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân, đài phát thanh, tòa đại sứ Mỹ. Việt Cộng đã chiếm một căn nhà mấy tầng đang xây ngay trước Dinh Độc Lập làm bàn đạp tấn công vào trung tâm quyền lực của miền Nam.
Khi đó chiến tranh đã vào thành phố những vẫn còn cách nơi tôi ở dăm bảy cây số.
Đợt tấn công thứ nhì vào tháng 5, chiến tranh đã đến gần hơn vì những nơi có giao chiến là khu vực Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Bà Quẹo nằm trong vòng đai an ninh phi trường Tân Sơn Nhất, chỉ cách nhà một, hai cây số.
Một buổi chiều, đứng trước sân nhìn thấy phóng pháo cơ xà xuống bỏ bom. Nghe tiếng nổ lớn, ít giây sau có miểng bom văng rớt ngay dưới chân. Tinh nghịch tôi vồ lấy, nhưng sức nóng của cục sắt còn như lửa, nên phản xạ tự nhiên khiến tôi vất nó xuống.
Có lửa cháy, khói đen bốc lên từ phía Ngã tư Bảy Hiền. Trận chiến ở Lăng Cha Cả đã làm Đại tá Lưu Kim Cương tử trận vì trúng đạn B-40 và tin được loan truyền đi rất nhanh. Rồi tin trực thăng phe ta bắn vào trường học nơi tôi đã đi thi vào đệ thất làm thiệt mạng nhiều sĩ quan cấp tá.
Mấy ngày sau, khi tiếng súng đã ngưng tôi được một anh hàng xóm chở đi xem hậu quả của chiến tranh. Truờng Thánh Tâm nơi tôi học đã trở thành trạm tiếp cư đón người lánh nạn cộng sản. Khu Bảy Hiền có những căn nhà bị cháy đen, xa hơn về phía căn cứ Nhảy dù Hoàng Hoa Thám, Bà Quẹo, hai bên đường còn nhiều xác chết. Một xe cứu hỏa chở đầy xác Việt Cộng nghe nói đem chôn trong mồ tập thể ở Nghĩa trang Đô Thành.
Năm 1968 Thủ đô Sài Gòn và nhiều tỉnh thành trải qua hai đợt tấn công của Việt Cộng. Huế bị chiếm đóng trong ba tuần lễ. Rồi những mồ chôn tập thể được tìm thấy. Nhưng không nơi nào người dân đã nổi lên cướp chính quyền.
Richard Nixon được bầu làm tổng thống Mỹ năm 1968. Ảnh chụp từ Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon ở thành phố Yorba Linda, California (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Sau chiến trận ít lâu là lần đầu tiên tôi thấy súng đại liên phòng không, súng B-40, B-41 và AK-47 được trưng bày nơi sân trường trong một lần triển lãm chiến lợi phẩm tịch thu được cho dân chúng xem.
Chiến tranh không còn vào thành phố sau hai đợt tấn công, nhưng có đêm thành phố bị Việt Cộng pháo kích. Nghe tiếng nổ xa xa, rồi tiếng rít trên không khi đạn 122 ly bay ngang thì chỉ còn biết cầu xin Chúa giữ gìn. Nhiều lần đạn đã rớt vào khu dân cư nhà tôi, nổ tung toé những xác người không còn nguyên vẹn.
Lệnh tổng động viên được ban hành, nhiều thanh niên trong xóm ngõ từ giã gia đình lên đường nhập ngũ, tòng quân. Năm đó tôi lên lớp 8 và biết đến nhạc Trịnh Công Sơn với "Diễm xưa" do bạn Nguyễn Đức Bảo hát trong giờ sinh hoạt hiệu đoàn và "Người già và em bé" qua giọng ca trầm buồn của thày Trần Văn Thuận dạy văn.
Sau này đến Mỹ định cư, học hỏi thêm về lịch sử tôi nhận ra niên lịch 1968 cũng là ký ức khó quên trong lòng người dân Mỹ, trong đó có Tết Mậu Thân được gọi là "Tet Offensive".
Tổng thống Lyndon Johnson với chính sách leo thang chiến tranh, từ năm 1965 đã đưa nửa triệu lính Mỹ vào miền Nam Việt Nam nhưng không ngăn chặn được những cuộc tấn công của bộ đội cộng sản. Tổng Công kích Mậu Thân là một cuộc tấn công quân sự bất ngờ, làm mất uy tín Tổng thống Johnson và niềm tin của dân Mỹ vào chiến thắng, ngày 31/3/1968 ông tuyên bố không ra tranh cử và cũng sẽ không nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ.
Nước Mỹ năm đó trải qua hai vụ ám sát chính trị. Mục sư tranh đấu cho dân quyền Martin Luther King Jr. bị ám sát vào tháng 4. Thượng Nghị sĩ Robert Kennedy đang tranh cử tổng thống bị bắn chết vào tháng 6.
1968 với Đại hội Đảng Dân chủ ở Chicago có nhiều bạo loạn. Phong trào chống chiến tranh lan rộng và trở nên quyết liệt hơn.
Năm đó Richard Nixon của Đảng Cộng hòa thắng cử, đưa nước Mỹ vào một khúc quanh lịch sử với nhiều kết cục không tốt đẹp. Từ Hồ sơ Ngũ Giác Đài được công bố, phơi bày sự thiếu minh bạch của chính phủ trong chính sách về chiến tranh Việt Nam, đến Hiệp định Paris 1973 để Mỹ tháo chạy, phản bội đồng minh và vụ nghe lén Watergate khiến Tổng thống Nixon phải từ chức năm 1974.
Đi thăm bảo tàng của các Tổng thống Lyndon Johnson, Richard Nixon và Ronald Reagan, người xem thấy niên lịch 1968 là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp chính trị của lãnh đạo Mỹ và đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ.
Bùi Văn Phú
Nguồn : VOA, 29/01/2018
Chưa bao giờ tên ông Lê Duẩn, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được nói đến nhiều như trong dịp kỷ niệm 38 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung (17/02/1979 - 17/2/2017), nhưng không phải để ca tụng lập trường chống Tầu của ông mà để công khai nói lên sự nhu nhược của lớp lãnh đạo bây giờ trước âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.
Khi nhận xét mục đích cuộc chiến Việt Nam vừa qua, Lê Duẩn, bí thư thứ nhất Đảng Lao động, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày nay nói : "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc..." (nguồn : Danlambao, 15/08/2016)
Cảm nhận này đã được rút ra từ nội dung các cuộc nói chuyện của hai người con trai ông Lê Duẩn là Tiến sĩ thương gia Lê Kiên Thành và Thiếu tướng Lê Kiên Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an với báo chí Việt Nam, kể cả báo An Ninh Thế Giới của Bộ Công an. Tuy nhiên trong những phát biểu đề cao tinh thần lúc nào cũng phải cảnh giác với Trung Quốc của cha mình, hai ông Thành và Trung đã không xóa được trách nhiệm lịch sử đẩm máu của ông Lê Duẩn đối với nhân dân Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân và sau ngày 30/04/1975.
Thảm sát Mậu Thân
Trước tiên, hãy nói về cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 mà đảng và báo chí cộng sản vẫn ba hoa gọi là "cuộc tổng tiến công và nổi dậy". Không có bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa đã có các cuộc nổi dậy của dân ủng hộ quân cộng sản khi cuộc tấn công bắt đầu đêm Giao thừa ngày 31/1/1968. Cũng không có bất cứ nhóm dân nào đã bỏ phía quốc gia chạy về phía cộng sản trong thời gian giao tranh mà chỉ thấy hàng ngàn người dân đã gồng gánh, tay xách nách mang nối đuôi nhau chạy bạt mạng về phía quốc gia (1).
Sau trận Mậu Thân, Bộ Chính trị đã họp để kiểm điểm và đã có lời khiển trách một số người về tổn thất nhân mạng quá nặng đã gây ra cho một số đơn vị chủ lực của miền Bắc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng chỉ trích chiến lược và chiến thuật của miền Bắc đã tiêu diệt gần hết lực lượng "quân giải phóng".
Sau năm 1975, bà Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Bộ trưởng Y tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tức Chính phủ Việt Cộng) đã công khai tố cáo các sĩ quan chỉ huy miền Bắc đã chủ tâm xua các đơn vị du kích miền Nam làm bia đỡ đạn cho họ !
Vì vậy, Phóng viên Lan Hương của báo An Ninh Thế giới mới hỏi ông Thành rằng : "Ông có biết có quyết định của Tổng bí thư Lê Duẩn đến giờ vẫn gây tranh cãi. Như cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 chẳng hạn...".
Lê Kiên Thành : "Nói về Tết Mậu Thân năm 1968, chúng ta phải nhớ đó là thời điểm Westmoreland đề nghị Mỹ tăng gấp đôi số lượng quân Mỹ tại Việt Nam lên 1 triệu quân và đưa chiến tranh ra miền Bắc. Khi đó Chính phủ Mỹ đang đứng giữa hai lựa chọn hoặc là tăng quân viện trợ, tiếp tục cuộc chiến, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hoặc dần rút khỏi chiến tranh Việt Nam.
Nếu chiến tranh mở rộng ra miền Bắc, nếu ta mất Hải Phòng, mất Quảng Bình, nghĩa là mất tất cả những con đường chi viện cho miền Nam thì đó sẽ là điều vô cùng tồi tệ. Và cú đánh Tết Mậu Thân - một trận chiến tổng lực, đánh vào cả Đại sứ quán Mỹ và Dinh Độc Lập đã làm người Mỹ choáng váng. Cú đánh đó đã khiến người Mỹ quyết định ngồi vào bàn đàm phán và tính đến phương án rút quân khỏi Việt Nam. Tức là cuộc chiến đã bẻ ngoặt sang một hướng khác hoàn toàn có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Chúng ta đã phải trả giá không ít cho bước ngoặt ấy. Nhưng sẽ phải đặt một vấn đề như thế này : Chúng ta sẽ trả giá cho đợt tổng tấn công đó, hay chúng ta sẽ trả giá cho hai mươi năm nữa, hoặc thậm chí lâu hơn mới giải phóng miền Nam ? Có gì đảm bảo sự trả giá lâu dài đó sẽ bớt đắt đỏ hơn ?" (An Ninh Thế Giới, 10/07/2016).
Lễ cải táng các nạn nhân tết Mậu Thân 1968 tại Huế
Lập luận của ông Lê Kiên Thành không chỉ phản ảnh quan điểm bênh cha của ông ta mà là của Bộ Chính trị thời bấy giờ muốn bênh vực lập trường "vũ trang bạo lực" của ông Lê Duẩn, dù phải trả bất kỳ bằng giá nào. Nhưng trong chiến lược gọi là "Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị", như câu nói của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thời 1968, phía Cộng sản và quân Giải phóng (du kích địa phương) cũng đã phải trả giá với 44.842 lính tử thương, 61.267 bị thương, 4.511 mất tích và 912 bị bắt, theo Bách Khoa toàn thư mở.
Cũng tài liệu này cho biết phía Hoa Kỳ, có 16.511 chết, 87.388 bị thương. Việt Nam Cộng Hòa : 28.800 chết, 172.512 bị thương. Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, New Zealand : khoảng 2.000 chết, vài nghìn bị thương.
Ngoài giao tranh trên chiến trường, quân đội cộng sản và Bộ Chính trị do ông Lê Duẩn điều hành sau lưng Hồ Chí Minh đã phạm tội sát hại dân lành tại mặt trận Huế-Thừa Thiên trong 26 ngày đêm chiếm đóng thành phố này.
Tài liệu của Bách khoa Toàn thư mở viết : "Trong những tháng và những năm tiếp theo sau Trận Mậu Thân tại Huế, bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày, hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong và xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh. Số liệu từ các nguồn khác nhau có sự không thống nhất".
Theo Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên, trong 22 địa điểm tìm được các mồ chôn tập thể, người ta đếm được 2.326 sọ người. Sau Tết, các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4.000 gia đình. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì đưa ra danh sách 4.062 nạn nhân được họ xác định là đã bị bắt cóc hoặc bị giết. Theo các báo cáo của Việt Nam Cộng Hòa, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra tấn và đôi khi còn bị chôn sống.
Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike, lúc bấy giờ là nhân viên Cục Tâm lý chiến của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970 :
"Câu chuyện (về Huế) chưa chấm dứt. Nếu ước đoán của giới chức Huế được coi như gần đúng, khoảng 2.000 người vẫn còn mất tích. Tổng kết về người chết và mất tích như sau :
- Tổng số dân sự tử vong : 7.600 chết lẫn mất tích ;
- Chiến trường : 1.900 bị thương vì chiến cuộc ; 944 thường dân chết vì chiến cuộc.
- Nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể :
* 1.173 tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968 ;
* 809 tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-7 năm 1969 ;
* 428 tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) - tháng 9 năm 1969 ;
* 300 tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phủ Thứ, tháng 11 năm 1969 ;
* 100 tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969 ;
* 1.946 mất tích (tính đến năm 1970)".
Bắt tù và chết biển
Sau khi chiếm được miền Nam, em của ông Lê Kiên Thành, Tướng Lê Kiên Trung nói : "Trong nhiều cuộc chiến tranh, phe thắng cuộc đã có sự trả thù với những kẻ thất bại. Nhưng sau khi giải phóng xong, Đảng ta mà người đứng đầu là ba tôi đã đưa ra mệnh lệnh : Bằng bất cứ giá nào cũng không được động chạm đến những người thuộc chính quyền cũ. Và, thay vì một cuộc tắm máu như báo chí nước ngoài đã dự đoán trước giải phóng, những người thuộc chính quyền cũ chỉ bị đưa đi cải tạo, giáo dục…" (An Ninh Thế Giới, 27/07/2016).
Nhưng "cải tạo, giáo dục" của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong số 4 tội ác mà ông Tổng bí thư Lê Duẩn có trách nhiệm lúc bấy giờ.
Thứ nhất, nhà nước đã đánh lừa để bắt hàng trăm ngàn quân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa đi tù lao động dài hạn dưới danh nghĩa "học tập cải tạo".
Thứ hai, Chính quyền cộng sản đã tiến hành chiến dịch đánh tư sản mại bản và đuổi dân thành phố đi vùng "kinh tế mới" để đầy đọa người dân, đánh phá và tiêu diệt toàn diện nền kinh tế thị trường phồn thịnh của miền Nam.
Thứ ba, hủy diệt các di sản văn hóa và giáo dục văn minh của miền Nam.
Thứ tư, đẩy trí thức và hàng trăm ngàn người miền Nam phải bỏ nước trốn ra nước ngoài tìm tự do khiến cho hàng chục ngàn người chết trên Biển Đông.
Và cũng từ chính sách trả thù báo oán, bóc lột và hủy hoại miền Nam của Bộ Chính trị do Lê Duẩn lãnh đạo cho đến ngày qua đời 07/10/1986 đã gây chia rẽ, tạo hận thù dân tộc giữa hai miền Nam-Bắc cho đến bây giờ (2017) vẫn chưa hàn gắn được.
Vậy Thiếu tuớng Lê Kiên Trung đã bênh vực cha mình ra sao khi nói về "kinh tế thị trường" của miền Nam bị đánh sập ?
Ông Trung nói : "Nhiều người phê phán cha tôi về việc duy trì nền kinh tế bao cấp quá lâu. Nhưng ngay sau khi giải phóng xong, khi mà nhiều người trong chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, ba tôi đã giao cho Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Mỹ, bằng mọi giá thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Ba tôi đã muốn giữ nguyên nền kinh tế thị trường ở miền Nam, song song với nền kinh tế bao cấp ở miền Bắc, vì chính ông cũng muốn so sánh ưu điểm và nhược điểm của hai nền kinh tế đó. Vì ba tôi và các đồng chí của mình khi đó đều được giáo dục và trưởng thành trong hệ thống lý luận về xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô-viết của Stalin.
Nhưng ông cảm nhận được, nền kinh tế thị trường có những ưu điểm của nó, và ông muốn có cơ hội để so sánh giữa hai mô hình đó, để tìm được con đường tốt nhất cho đất nước.
Dù chuyện này chưa bao giờ được ông công khai trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, nhưng trong chỉ đạo của ba tôi và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng với ông Nguyễn Cơ Thạch trước chuyến thăm Mỹ sau giải phóng, tôi biết rằng đã có nội dung đó. Tiếc là cuộc đàm phán đó đã không thành công. Vì khi đó, nhiều người bên phía chúng ta vẫn còn coi Mỹ là kẻ thù, và bản thân người Mỹ cũng có suy nghĩ ngược lại.
Với họ, việc một nước lớn như Mỹ thất bại trong cuộc chiến với một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam đã làm tổn thương nặng nề lòng tự tôn của họ. Không thể dễ dàng để hai nước có thể ngay lập tức nối lại quan hệ ngoại giao, bình thường hóa quan hệ. Thậm chí, sau đó Mỹ còn cấm vận Việt Nam nhiều năm liền. Nên cuối cùng, chuyến đi của ông Nguyễn Cơ Thạch đã thất bại".
Tướng Lê Kiên Trung nói như thế vì ông chỉ biết một nửa câu chuyện Việt-Mỹ lúc bấy giờ. Nguyên do chính vì phía Việt Nam cứ nằng nặc đòi Mỹ phải bồi thường chiến tranh trị giá 3,25 tỷ USD, mặc dù Hà Nội đã vi phạm Hiệp định Paris 1973 khi đem quân xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa.
Vì vậy, báo An Ninh Thế Giới mới hỏi tiếp : "Cứ cho là chuyến đi đó thất bại, thì tôi nghĩ, vẫn có nhiều cách để duy trì và phát triển mô hình kinh tế thị trường ở miền Nam song song với mô hình bao cấp ở miền Bắc, nhưng như chúng ta đã biết, ngày đó, nền kinh tế bao cấp đã được nhân rộng ở cả hai miền. Tại sao ba ông không làm điều đó ?".
Tướng Trung : "Bối cảnh lịch sử lúc đó có lẽ đã khiến ba tôi không dễ thực hiện khát vọng và mục đích của mình. Khi mà Mỹ từ chối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và bản thân những nhà lãnh đạo trong nước thời đó đều tin theo hệ thống xã hội chủ nghĩa mô hình Xô-viết của Stalin, thì việc đưa ra một ý tưởng như thế là trái với lý tưởng của nhiều người".
Ai sợ Trung Quốc ?
Về lập trường của ông Lê Duẩn đới với Trung Quốc, tướng Trung nói : "Ba tôi không sợ Mỹ, vì ông hiểu Việt Nam có thể thắng Mỹ. Còn chuyện không sợ Trung Quốc là một câu chuyện dài.
Ba tôi là người yêu thích lịch sử. Ông đọc đi đọc lại những câu chuyện về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Và vì thế, ông biết, trong những cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy nghìn năm đất nước tồn tại, ngoài hai lần chống Pháp và Mỹ, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống quân xâm lược từ phương Bắc kéo xuống.
Và dù trong thời gian ngắn hay dài, thì cuối cùng, chúng ta cũng đều đánh đuổi được giặc ngoại xâm phương Bắc. Dân tộc này trong lịch sử chưa từng sợ phương Bắc, và tôi nghĩ ba tôi thấm nhuần truyền thống ấy".
Từ khi còn rất sớm, ba tôi đã nhận ra, dù họ viện trợ cho chúng ta rất nhiều, dù tiếng là hai nước cộng sản anh em, thì họ vẫn mang những ý đồ không khác gì những triều đại trước đây".
Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm Diễn Châu (Trung Quốc)
Tại sao Tướng Trung lại nói nhiều về người cha của mình luôn luôn đề phòng Trung Quốc vào lúc "nhạy cảm" hiện nay dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ? Nhưng không chỉ một mình Tướng Trung nói mà anh ông, Tiến sĩ Lê Kiên Thành cũng nói nhiều về chuyện dưới đây.
Ông Trung kể : "Ngay cả trong các cuộc gặp với ba tôi, một lãnh đạo của bạn (chú thích của Phạm Trần : Mao Trạch Đông năm 1960) đã nói : "Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Các đồng chí không cần làm cách mạng, tôi là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á".
Ông Trung kể tiếp : "Khi nghe câu nói đó ba tôi đã cảm nhận ra ngay ý đồ của họ và dặn lòng mình luôn phải cảnh giác với dã tâm ấy. Ba tôi từng viết về một cuộc đối thoại giữa ông và một lãnh đạo của họ như thế này (Phóng viên báo An Ninh Thế Giới không dám viết lãnh đạo này là Mao Trạch Đông) :
"Ông ta hỏi tôi : Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất ?
Tôi (Lê Duẩn) trả lời : Khoảng 200.000 cây số vuông.
Ông ta hỏi : Dân số của họ bao nhiêu ?
Tôi trả lời : Khoảng 3 triệu !
Ông ta nói : Như vậy là không nhiều ! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà !
Ông ta hỏi : Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan ?
Tôi trả lời : Khoảng 500.000 cây số vuông.
Ông ta hỏi : Có bao nhiêu người ?
Tôi trả lời : Khoảng 40 triệu !
Ông ta nói : Một tỉnh của nước tôi có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan !
Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta nói với tôi : "Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên ?". Tôi nói : "Đúng". Ông ta hỏi : "Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh ?". Tôi nói : "Đúng". Ông ta nói : "Và quân Minh nữa, phải không ?". Tôi nói : "Đúng, và cả các ông nữa. Nếu các ông tìm cách xâm lược đất nước tôi. Các ông có biết điều đó không ?...".
Kể lại như thế rồi Tướng Trung kết luận : "Vì nhận thức được ý đồ của họ, cũng như các tiền nhân, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta và ba tôi cũng giữ tinh thần cảnh giác, ngay cả khi họ là nước viện trợ rất lớn cho chúng ta trong kháng chiến chống Mỹ.
Có lần, họ đề nghị viện trợ cho chúng ta 500 xe tải chi viện cho tuyến đường Trường Sơn, với điều kiện họ sẽ cử lái xe đi kèm. 500 xe hồi đó là vô cùng quý giá với Việt Nam. Nhưng chúng ta đã kiên quyết từ chối.
Khi đó có đồng chí lãnh đạo đề nghị ba tôi "nhận vài chiếc cho người ta vui", nhưng ba tôi và lãnh đạo không đồng ý. Ba tôi cũng báo cáo với Bác Hồ : "Chúng ta muốn thắng Mỹ, thì không được sợ Mỹ, nhưng nhất định cũng không được sợ Trung Quốc". Câu nói ấy của ông hẳn đã đến tai người Trung Quốc…".
Tại sao Tầu đánh Việt Nam năm 1979 ?
Sau đó, báo An Ninh Thế Giới hỏi : "Hầu hết những nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, Tổng bí thư Lê Duẩn là nhà lãnh đạo Việt Nam có đường lối cứng rắn nhất với phương Bắc. Anh có đồng ý với ý kiến của nhiều người, khi họ cho rằng sự cứng rắn của ông Lê Duẩn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc ?".
Tướng Trung đáp : "Ba tôi cứng rắn với họ thì đúng. Nhưng những người nói ông là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 có lẽ là không hiểu lịch sử. Suốt thời phong kiến của chúng ta, họ đã vì ghét ông vua nào mà đem quân xâm lược mảnh đất này ? Không vì cha tôi, họ vẫn tìm cách chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, rồi bây giờ là âm mưu chiếm toàn bộ Biển Đông. Họ chẳng ghét ai cả.
Chỉ có một lý do duy nhất, ý đồ xâm lược của họ là không bao giờ thay đổi. Ba tôi, mang trong mình bản năng của người Việt suốt chiều dài lịch sử : không cần biết họ mạnh thế nào, nhưng anh cứ xâm phạm biên giới chúng tôi là chúng tôi đánh…
Ba tôi, như bao người Việt yêu nước bằng cả trái tim mình, đã luôn hiểu rằng, họ là mối đe dọa truyền kiếp, là dân tộc mà trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, bất cứ triều đại nào, chế độ nào, cũng không từ bỏ ý đồ xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử xâm lược của họ là lịch sử mở rộng lãnh thổ về phương Nam.
Và, cho đến tận ngày hôm nay, với những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông, về đường lưỡi bò, vẫn có thể chứng minh một điều, những nhận định của chúng ta về dã tâm của họ chưa bao giờ sai lầm. Khi còn nắm quyền, ba tôi vẫn cố gắng giữ một mối quan hệ ngoại giao mềm mỏng với họ".
Vậy phải chăng vì Trung Quốc đã nuôi thù với ông Lê Duẩn nên đã tìm cách áp lực phía Việt Nam không được nhắc đến tên Lê Duẩn trong nhiều năm qua ?
Nếu đúng như vậy thì cũng không ngạc nhiên vì nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người thân của Lê Duẩn từng bị phía Tầu buộc Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (đảng khóa VI) loại ra khỏi Bộ Chính trị và mất luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao tại Đại hội đảng VII thời Đỗ Mười.
Vậy phản ứng của tướng Trung ra sao, báo An Ninh Thế Giới hỏi : "Và cảm giác của anh - một người con, như thế nào trong suốt giai đoạn ấy, giai đoạn mà tên tuổi ông ít được nhắc đến như thế ?".
Tướng Trung đáp thẳng thừng : "Dĩ nhiên là tôi buồn. Không chỉ buồn cho cá nhân tôi, gia đình tôi. Vì tôi cho rằng đã có những việc, câu chuyện của ba tôi đã không được đề cập chính xác, đầy đủ, khoa học. Tôi cũng rất buồn và mãi trăn trở một điều, tại sao có những sự thật mà sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn nhất định phải giấu kín ? Và tôi cho rằng, đó không phải là cách hành xử khách quan, minh bạch và khoa học".
An Ninh Thế Giới hỏi tiếp : "Nói thế thì hẳn là anh khao khát đến một ngày, tất cả tư liệu về cuộc đời của Tổng bí thư Lê Duẩn, về những quan điểm cũng như quyết định của ông trong những thời điểm lịch sử và cả những đánh giá về vai trò của ông trong giai đoạn ông nắm quyền sẽ được công bố ?".
Ông Trung đáp : "Đó chính xác là mong ước lớn nhất của tôi và những người thân trong gia đình suốt nhiều năm qua. Cha tôi và nhiều nhà lãnh đạo đất nước thời kỳ đó đã mất mấy chục năm trời. Và tôi không hiểu lý do vì sao, có những điều đến giờ này chúng ta vẫn cần giữ bí mật.
Nhưng tôi nghĩ, những người làm công tác nghiên cứu, những người làm báo như chị, phải được tiếp xúc với những sự thật đó, để có cái nhìn chính xác và đầy đủ nhất về lịch sử. Và nhân dân cũng có quyền được biết, những nhà lãnh đạo của họ đã làm gì, đã ứng xử thế nào, trong những thời khắc lịch sử của đất nước".
(trích An Ninh Thế Giới, 27/07/2016)
Với những lời nói như những kẻ "điếc không sợ súng" của tướng Lê Kiên Trung và anh ông, Tiến sĩ Lê Kiên Thành về lập trường lúc nào cũng phải "đề phòng Tầu xâm lược" của nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn, hiển nhiên hai ông đã gửi một thông điệp chính trị khá lý thú cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có tiếng thân Trung Quốc.
Phạm Trần
(22/02/2017)
--------------------