Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng cộng sản Việt Nam, cùng đoàn tùy tùng vừa kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ kéo dài bảy ngày và đã trở về Hà Nội, để lại vô số những phát ngôn vô tiền khoáng hậu về cái tầm của quan chức lãnh đạo Việt Nam : xảo ngôn và ngạo mạn.

nguoiviet1

Người gốc Việt biểu tình phản đối ông Phạm Minh Chính, thủ tướng cộng sản Việt Nam, sang Mỹ dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ vào sáng 13 tháng Năm trước Tòa Bạch Ốc tại thủ đô Washington, DC. (Hình : RFA)

Trong lúc chờ được gặp ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, ông Chính đã bốc phét với các thuộc hạ mà không ngờ bị nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quay phim và phát trực tiếp trên mạng Internet. Câu chửi thề của ông Chính "Mẹ nó, sợ gì !" cùng những ngôn từ hạ cấp mà ông và các quan chức cấp bộ trưởng trong chính phủ cộng sản dùng để trò chuyện với nhau đã gây phẫn nộ và khinh bỉ trong dư luận người Việt.

Sau đó tại đại học Harvard University, ông Chính đã tiếp nối "truyền thống" từ thời ông Nguyễn Minh Triết khi cất giọng ví von rẻ tiền, ví nước Mỹ rất giàu có là một chàng trai khỏe mạnh, còn ASEAN năng động như một cô gái đẹp, hai bên đều tìm hiểu, gắn kết với nhau. Về quan hệ Việt-Mỹ, ông Chính gọi đó là "mối lương duyên có lúc thăng trầm có lúc đột phá. Như món ăn có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, nhưng mang lại một bữa ăn ngon", theo trích dẫn của báo Tiền Phong.

Nhưng đáng phẫn nộ nhất là phát biểu của ông Chính tại buổi gặp cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ và cán bộ Đại Sứ Quán Việt Nam tại thủ đô Washington DC, tối 14 tháng Năm. Ông Chính nói "Thành công của người Việt Nam tại Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, giá trị Việt Nam", theo trích dẫn của báo Thanh Niên ở trong nước.

Thậm chí, cũng theo báo Thanh Niên, ông Phạm Minh Chính giao trách nhiệm cho đại sứ quán thúc đẩy, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt với tinh thần tốt nhất có thể, phát triển nhanh nhất có thể. "Liệu chúng ta có thể đề nghị phía Mỹ xem có thể công nhận người Việt ở Mỹ là cộng đồng dân tộc thiểu số không, như đã làm được ở Cộng hòa Séc ?", ông Chính nói.

Thành công của người Việt và đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam

Chuyện chửi thề, nói năng bỗ bã trong lúc không biết đang bị quay phim, chuyện ví von trai gái thể hiện bản chất văn hóa kém cỏi của một quan chức hàng nguyên thủ quốc gia như ông Chính thôi thì cũng có thể rộng lượng cho qua vì ai cũng biết, quan chức cộng sản không mấy người được giáo dục tử tế, "học ăn, học nói, học gói, học mở". Nhưng còn nhận định của ông ta về người Việt Nam tại Mỹ là một sự báng bổ, xuyên tạc không thể chấp nhận được.

Hẳn ông Chính không thể không biết quá trình đầy máu và nước mắt gần nửa thế kỷ qua hình thành nên cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, nói chính xác là cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Khởi thủy từ những đoàn người miền Nam bỏ nước ra đi khi Sài Gòn thất thủ hồi Tháng Tư, 1975, trong hàng triệu người vượt biển tìm tự do và cuộc sống giữa cái chết đã có hàng trăm ngàn người làm mồi cho cá dưới đáy đại dương ; hàng trăm ngàn người khác ra đi theo các chương trình H.O. ; ODP ; tị nạn chính trị, kinh tế, giáo dục, môi trường… Từ bàn tay trắng và mang đầy thương tích cả về thể chất và tinh thần, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã dần ổn định, phát triển, gặt hái được nhiều thành công cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ.

Thành công của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, nếu nói nguyên nhân, thì đó là do nỗ lực vươn lên không bờ bến của người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất, thứ hai, sự bảo bọc nâng đỡ của xã hội Hoa Kỳ và môi trường tự do bình đẳng, nhiều cơ hội ở quê hương thứ hai này. Thành công của người Mỹ gốc Việt liên quan gì tới "đường lối đối ngoại của đảng và nhà nước" như Chính huênh hoang ?

Nếu có một sự "liên can" nào đó thì chỉ có thể nói rằng, chính sách cai trị tàn bạo của đảng và nhà nước cộng sản đã đẩy dân tộc Việt Nam vào chỗ chết, làm người dân bỏ nước ra đi và từ đó mới sinh ra những cộng đồng người Việt Nam ở khắp các nước trên thế giới mà cộng đồng người Mỹ gốc Việt chỉ là một trong số đó.

Nếu như sau cuộc nội chiến năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản không trả thù một cách hèn hạ và độc ác với những người thất trận và gia đình con cái họ ; nếu đảng và nhà nước cộng sản không áp đặt một chế độ độc tài đảng trị thuộc loại chuyên chế nhất thế giới, bóp nghẹt tự do và quyền làm người của người dân thì hàng triệu người Việt đâu phải bỏ quê hương ra đi và đang vẫn tiếp tục ra đi bằng mọi phương cách có thể. Những cộng đồng người Việt Nam tha hương, bị bứt khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để phải ngày ngày"trông về quê mẹ ruột đau chín chiều" là một bằng chứng sống về tội ác của đảng và nhà nước chứ công lao gì mà đảng huênh hoang.

Ấy thế nhưng tại thủ đô nước Mỹ, thủ tướng cộng sản Việt Nam trâng tráo kể công cho đảng và nhà nước, đánh đồng thành công của cộng đồng người Việt tại Mỹ với thành công của chế độ mà ông ta đại diện. Từ thủ phạm trở thành ân nhân – sự tráo trở đó chỉ có thể có trong cái tư tưởng bệnh hoạn và hoang tưởng của những người cộng sản.

"Khúc ruột xa ngàn dặm" là thần dân của đảng ?

Một nỗi hoang tưởng nữa là ông Chính dường như nghĩ rằng cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ – đúng ra là người Mỹ gốc Việt vì phần lớn thành viên cộng đồng là công dân Mỹ – vẫn còn là "thần dân" trong chế độ cai trị của ông ta.

Lời ông chỉ đạo cho đàn em "đề nghị phía Mỹ xem có thể công nhận người Việt ở Mỹ là cộng đồng dân tộc thiểu số không" bộc lộ một sự ngu dốt và ngạo mạn thậm tệ. Ông ta không thấy, không biết người Mỹ gốc Việt là công dân của một quốc gia tự do dân chủ ; họ không phải là thần dân bị chính quyền của ông chăn dắt để ông có thể thay mặt cho họ đưa ra đề nghị ngớ ngẩn như vậy "với phía Mỹ".

Là công dân Mỹ, họ có quyền bầu ra các nhà lãnh đạo chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương và đóng thuế để hệ thống chính quyền đó vận hành ; hệ thống chính quyền đó, đến lượt mình, có trách nhiệm phục vụ người dân Mỹ, trong đó có các cộng đồng người Mỹ gốc Việt ; đa số hay thiểu số không là vấn đề trong xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Chính quyền cộng sản Việt Nam của ông lấy tư cách gì để "đề nghị công nhận người Việt ở Mỹ là cộng đồng dân tộc thiểu số ?". Đây là một lời đề nghị hết sức khiếm nhã, xúc phạm sâu sắc đến danh dự và lòng tự trọng của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Tuy mang dòng máu Việt trong huyết quản nhưng người Mỹ gốc Việt không phải là dân Việt để các ông tự cho mình quyền đại diện cho họ, định đoạt vị thế và số phận của họ.

Có người sẽ nói, sở dĩ ông Chính nói như vậy vì gần đây Đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi quan điểm, coi người Việt ở nước ngoài là "khúc ruột ngàn dặm", từ năm 2004 đã ra Nghị quyết số 36/NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ; lập cả 'Hội Người Việt Nam ở nước ngoài để chăm sóc cho bà con Việt kiều', tạo thuận lợi để kiều bào ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống nước sở tại".

Mới đây, trong buổi liên hoan "Xuân Quê Hương 2022" tiếp người Việt ở nước ngoài về quê ăn Tết hồi Tháng Giêng, 2022, ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước, còn "xúc động" đọc hai câu "vè" :

"Mỗi năm Tết đến Xuân về

Quê hương đất mẹ đề huề mong con" (!)

Tuy nhiên, dù thường xuyên ca ngợi người Việt ở nước ngoài là "khúc ruột ngàn dặm" rất thân thương nhưng thực tế cái mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhắm tới chỉ là túi tiền của họ, là những triệu những tỷ đô la kiều hối đổ vào nền kinh tế để các quan chức có cái mà bòn rút và hoan hỉ khoe khoang mỗi dịp cuối năm.

Một số người khác cho rằng, sau bao nhiêu năm, quan điểm và thái độ của người Việt ở nước ngoài đối với Việt Nam cũng đã thay đổi, hàng triệu người đã về thăm quê hương xứ sở, nhiều người mang vốn liếng và tri thức về đầu tư, kinh doanh ; các nghệ sĩ về Việt Nam ca hát, hoạt động nghệ thuật, nhiều bạn trẻ Việt kiều về Hà Nội, Sài Gòn làm việc dù thu nhập có thể không bằng ở Mỹ, v.v…

Quả là người Việt ở nước ngoài đã về thăm quê hương ngày càng nhiều, nhưng đừng lẫn lộn giữa việc trở về thăm viếng mồ mả tổ tiên, thân nhân họ hàng, xóm giềng bè bạn với việc "hòa giải hòa hợp" với nhà cầm quyền trong nước ; hai chuyện đó khác hẳn nhau.

Còn muốn làm việc, đầu tư ở Việt Nam thì không thiếu những tấm gương của người đi trước như vụ án xuyên thế kỷ của "vua chả giò" Trịnh Vĩnh Bình, người Hòa Lan gốc Việt đem tiền về nước đầu tư rồi bị truy bức tù tội. Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đã làm hẳn hai chuyên đề "Trịnh Vĩnh Bình – người hạ bên thắng cuộc" và "Trịnh Vĩnh Bình vs chính phủ Việt Nam" với hàng chục bài tường thuật chi tiết hiện vẫn còn trên trang nhà của đài, rất đáng tham khảo.

Cần phải phản đối

Người Việt ra đi mang theo quê hương trong hành trang tinh thần nên có dịp thì họ về thăm quê ; nghĩ rằng họ trở về tức là họ chấp nhận, họ phục tùng nhà cầm quyền hiện thời là một lối suy diễn ác ý.

Đảng cộng sản Việt Nam đã mập mờ đánh lận con đen, buộc người dân trong nước đồng nhất hai khái niệm chế độ và tổ quốc, "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" ; họ tưởng có thể tiếp tục đánh đồng tình yêu quê hương xứ sở của người Việt Nam ở nước ngoài với sự thần phục đảng và chế độ của họ. Không hề có sự thần phục như vậy, trừ đôi người – rất ít ỏi – về cộng tác với chính quyền Việt Nam hoặc phát ngôn những điều mà Đảng cộng sản Việt Nam mong muốn.

Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc ở Úc tâm sự ông luôn bị ám ảnh về Việt Nam và nhận xét : "Nỗi nhớ cố hương và tâm trạng lạc lõng là hai trong số những đặc điểm nổi bật nhất của các cộng đồng di dân. Từ người giàu đến người nghèo, từ người thành công đến người thất bại, ai ai cũng đau đáu nhớ về gốc gác cũ". Nhớ quê hương, yêu đất nước, người ta quan tâm đến độc lập, chủ quyền và sự phát triển của đất nước.

Hầu hết người Việt ở nước ngoài đều có nỗi ám ảnh như vậy, đều có mối quan tâm như vậy và đó là lý do tại sao người Việt Nam ở nước ngoài thường chống đối chế độ cộng sản hiện tại ; Đảng cộng sản Việt Nam là một ổ tham nhũng và độc tôn quyền lực, không thể bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước, đem lại tự do và phẩm giá cho người dân Việt Nam.

Dù mới nghe qua, người ta dễ tưởng ông thủ tướng cộng sản Việt Nam quan tâm lo lắng tới cộng đồng người Việt ở Mỹ nhưng thực ra ông Phạm Minh Chính đã rất xảo quyệt khi gắn thành công của họ với đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam, khi coi họ là một bộ phận thần dân của nhà nước cộng sản Việt Nam. Sự xảo quyệt của ông ta cần phải bị vạch trần và phản đối ; chuyện đó còn quan trọng và thiết thực hơn là chỉ nhạo báng hoặc chê cười những tiếng chửi thề của ông ta tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hiếu Chân

Nguồn : Người Việt, 20/05/2022

Additional Info

  • Author Hiếu Chân
Published in Diễn đàn

Tôi đọc được dăm tâm tình chia sẻ của một anh bạn trên Facebook nhân kỷ niệm ngày 20 năm gia đình anh đến Mỹ. Một gia đình hai con nhỏ đến Mỹ khi hai vợ chồng đã quá tuổi 30 với tay trắng, hạn chế ngôn ngữ và xa lạ văn hóa để tạo dựng một đời sống mới trên xứ người.

nguoiviet1

"Kỷ niệm 20 năm ngày đặt chân đến Mỹ, chúng tôi biết ơn nước Mỹ và sẽ sống một cách xứng đáng với những gì nước Mỹ đã ban tặng cho chúng tôi".

Cần mẫn vừa học vừa làm toàn thời gian đầy vất vả, anh ra kỹ sư sau năm năm đến Mỹ và chị cũng tốt nghiệp đại học sau anh ba năm. Cuộc sống bắt đầu ổn định để lo cho con cái và rồi cây trái đã trổ bông. Hai con trai bé nhỏ ngày nào đã ra trường, lại trường danh tiếng là UC Berkeley và Harvard, một luật sư và một chuẩn bị hoàn tất cao học.

Một câu chuyện đáng ngưỡng mộ và thành công nhưng không phải hiếm hoi bởi một khuôn mẫu gia đình như vậy cũng là câu chuyện của nhiều gia đình Việt tại Mỹ. Nhưng điều đáng quý nơi họ là tâm tình cảm tạ và đầy trách nhiệm với nước Mỹ.

Anh viết, "Kỷ niệm 20 năm ngày đặt chân đến Mỹ, chúng tôi biết ơn nước Mỹ và sẽ sống một cách xứng đáng với những gì nước Mỹ đã ban tặng cho chúng tôi. Tôi vẫn hy vọng rằng nước Mỹ sẽ mãi mãi mở rộng vòng tay cho những người di dân đến sau chúng tôi" (trích từ FB Đoản Kiếm).

Còn câu chuyện gia đình thứ nhì mà tôi biết và qua những điều họ tự kể. Họ đến Mỹ đã gần 30 năm khi tuổi quá 20 rồi gặp nhau, có hai con còn đi học. Cũng cần mẫn tạo dựng, hai vợ chồng làm chủ được một tiệm nails nhỏ, tôi đoán đời sống của họ cũng khá ổn định với công việc.

Những câu chuyện như vậy khá nhiều và khá phổ biến. Bất kể công việc và hành trình ra sao, sự cố gắng vươn lên và lo cho tương lai con cái để trở thành những công dân trách nhiệm của người Việt tại Mỹ là mẫu số chung đáng trân trọng của nhiều gia đình. Nhưng câu chuyện có điều khác hơn để kể tiếp.

Chạy xe sang, ngoài căn nhà đang ở còn có căn nhà nhỏ khác cho thuê, nhưng qua lời kể, gia đình chủ tiệm nails này khoe rằng mỗi năm vẫn được cho tín thuế EITC (Earned Income Tax Credit) năm, sáu ngàn đô la dành cho các gia đình thu nhập thấp. Tôi ước lượng ngay thu nhập khai thuế trên giấy tờ của cả hai vợ chồng chỉ ở mức dưới 30 ngàn mỗi năm mới được vậy.

Đó là lý do gia đình họ được hưởng các phúc lợi xã hội và y tế miễn phí cho đến vài năm qua, khi những điều kiện để xin không còn dễ dãi như trước kia nên đã chuyển sang mua bảo hiểm Obamacare được tài trợ gần như toàn bộ. Còn con cái thì không biết được Medicaid hay CHIP, một chương trình y tế cho trẻ em giá cũng rất rẻ, cũng như họ đủ tiêu chuẩn nhận chương trình tem phiếu thực phẩm (Food stamp/SNAP).

Câu chuyện gia đình thứ nhì cũng không thiếu trong cộng đồng Việt tại Mỹ vì theo thống kê dân số Hoa Kỳ (American Community Survey 2019) (*) thì có đến 9,9 % gia đình Việt nhận trợ cấp tem phiếu thực phẩm, 3% nhận trợ giúp tiền mặt và 8,4% nhận tiền SSI, loại trợ cấp tiền mặt cho người trên 65 hay được chứng nhận tàn tật. Cũng như có đến 31,8% dân số cộng đồng, tức khoảng 600 ngàn người lớn nhỏ được hưởng miễn phí hay mua bảo hiểm y tế giá rẻ các loại từ chính phủ.

Việc nhận các phúc lợi xã hội không phải là điều để bàn bởi đây là chương trình nhân đạo của chính phủ, có ngân sách hàng năm để giúp đỡ các gia đình nghèo, những người thật sự cần sự giúp đỡ hay người già không có thu nhập. Nó từng là một sự giúp đỡ to lớn cho hầu hết người Việt định cư tại Hoa Kỳ bước đầu để tạo dựng cuộc sống mới rồi đi lên, đóng góp, đáp trả lại cho xã hội.

Nhưng điều đáng nói ở đây là sự lạm dụng. Có những người ở nhà lớn, đi xe sang, xài hàng xa xỉ, vài năm vẫn "áo gấm về làng" bên Việt Nam và họ vẫn thuộc diện "nghèo", không những chưa từng đóng thuế mà còn được nhận thêm tiền về.

Đừng hỏi tại sao họ làm được ? Họ biết và dám làm những điều người khác không biết hay không dám làm. Trong vụ dịch vụ khai gian tiền thất nghiệp liên quan đến hàng ngàn người Việt tại Nam Cali, văn phòng biện lý Quận Cam bảo rằng những người làm dịch vụ bị bắt đã xin được tiền thất nghiệp cho cả cụ già trên 90 tuổi không còn sức làm việc đã từ lâu hay cho tu sĩ trên 70 tuổi đang nhận tiền SSI.

Để có thêm một chi tiết khi kể về hai gia đình này và chắc chắn cho suy đoán của mình, tôi nhắn riêng anh kỹ sư để hỏi về những số tiền cứu trợ chính phủ. Đúng vậy, gia đình anh chỉ có đóng thuế. Thu nhập vợ chồng anh cao hơn mức để nhận được tiền trợ giúp trong các gói cứu trợ từ chính phủ, so với những gia đình có hai con nhỏ đủ điều kiện như gia đình thứ nhì được nhận 14.000 đô trong năm nay (2.000 USD mỗi người từ chính phủ và 3.000 USD tín thuế cho mỗi trẻ em), không kể thêm các tín thuế EITC cùng các phúc lợi, trợ cấp học phí khác như đã kể trên.

Không lấy cái riêng để nói điều chung và chẳng thể vẽ trọn vẹn qua đôi câu chuyện nhưng hai gia đình Việt, hai câu chuyện không hiếm, hay thậm chí khá phổ biến cũng ít nhiều góp thêm một phần về chân dung cộng đồng Việt tại nước Mỹ. Có những công dân trách nhiệm và có những người lạm dụng hệ thống. Tôi tin rằng nhìn quanh mình thì ắt không khó bắt gặp những gia đình tương tự, cả ở ngoài đời và theo như các số liệu đã dẫn.

Có thêm điều khác biệt là anh bạn kỹ sư nói trên là một người không-Trump, là một ngòi bút sắc bén để chống lại Trump. Còn gia đình thứ nhì là một gia đình mê Trump, chửi đảng Dân chủ và những người đã bầu cho tổng thống Joe Biden. Họ "lo" Biden mở tung biên giới để cho di dân lậu tràn vào làm gánh nặng xã hội, họ chỉ trích Biden sẽ tăng thuế người dân. Tựa như trong thế giới những người Việt-Trump vẫn thường đăng đàn bảo rằng, những người ủng hộ Biden, ủng hộ Dân chủ chỉ là những người "ít học, ăn trợ cấp" (!?). Sự thật cứ để mỗi người tự trả lời.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ có những điều tích cực lẫn tiêu cực như vậy, cái nhìn sẽ đầy đủ hơn khi soi từng góc nhỏ khác nhau. Nhưng dẫu thế nào thì cũng sẽ khó lòng được trọn vẹn hay hiểu hết chân dung của nó. Có thể đó là lý do tại sao mà câu thơ "Ở chỗ nhân gian không thể hiểu" của thi sĩ Du Tử Lê vẫn thường được người ta nhắc đến nhiều hay chăng ?

Nhã Duy

(30/03/2021)

--------------------

(*) American Community Survey 2019

Additional Info

  • Author Nhã Duy
Published in Diễn đàn

Việt-Trump, tâm lý mâu thuẫn và xung đột

Nhã Duy, 27/03/2021

Nếu những cuộc tuần hành ủng hộ Donald Trump từng cờ xí ồn ào và liên tục trước kia trong cộng đồng người Việt tại Mỹ thì ngoài một nhóm nhỏ các cá nhân và tổ chức cấp tiến người Việt, hầu như các tổ chức cộng đồng đều im bặt hay gượng gạo lên tiếng trước nạn tấn công vào người gốc Châu Á hiện nay.

asianhate1

Nguyễn Thanh Việt, nhà văn người Mỹ gốc Việt đoạt giải Pulitzer, cho biết : "Chuyện bài người gốc Á ở Mỹ không có gì mới. Lịch sử chống người gốc Á bằng bạo lực ở Mỹ sẽ còn kéo dài chừng nào người châu Á vẫn tiếp tục nhập cư vào đất nước này"

Các bản tin về các cuộc tuần hành hay thắp nến bày tỏ thái độ chống lại nạn kỳ thị và bạo lực nhắm vào người gốc Á, trong đó người Việt cũng là nạn nhân cho thấy chỉ có một số nhỏ người gốc Việt tham gia. Nếu những cá nhân, cơ quan truyền thông Việt từng ủng hộ Trump cuồng nhiệt, liên tục đăng hình ảnh, tin tức ủng hộ Trump trước kia thì hiện nay có vẻ né tránh sự việc này, một phần vì công luận cho rằng Trump là nguyên nhân. Cộng đồng Việt-Trump dường như luôn đứng bên lề, hay đúng hơn là luôn đi ngược lại với xã hội Mỹ mà họ đang sống.

Cộng đồng người Việt-Trump tại Hoa Kỳ vốn là một cộng đồng tự mâu thuẫn trong nhiều vấn đề. Là những người di dân, họ chống đối người di dân. Là người thiểu số, họ kỳ thị các sắc dân thiểu số khác. Là người phụ thuộc vào các chính sách dân sinh lâu đời của đảng Dân Chủ, họ chống đối đảng Dân chủ. Là sắc dân nghèo, họ ủng hộ các chính sách dành cho người giàu. Là nhóm bị kỳ thị, họ ủng hộ những nhóm kỳ thị. Nhóm nhỏ có học vấn và thành đạt hơn thì ích kỷ, không muốn san sẻ những gì họ từng được giúp đỡ trước đây để có được hôm nay. Có thể kể thêm vô số điều khác nếu cần phải kể thêm.

Đó là lý do trong khi các cộng đồng thiểu số, kể cả người Mỹ bản xứ đã phản đối và truất phế Donald Trump, cũng như tỉ lệ người dân đồng thuận với tổng thống Joe Biden tăng cao thì trong cộng đồng Việt, nhiều người vẫn còn đang hoang tưởng về Trump và tiếp tục phản đối vô cớ tổng thống Joe Biden cùng hệ thống chính trị và an sinh xã hội nước Mỹ, dù chỉ là những lời lẽ bất nhã hay dăm câu chuyện tiểu tiết trên mạng xã hội.

Hãy thử phân tích hiện tượng này qua những xung đột tâm lý của nhóm người Việt này với ba yếu tố mâu thuẫn và xung đột nội tại, cộng đồng và vô thức ra sao.

Xung đột nội tại xảy ra khi sống và thừa hưởng tất cả quyền công dân và quyền lợi trên đất nước Hoa Kỳ này nhưng trong vài thập niên qua, những người Việt-Trump này xem như không thuộc về nó, không quan tâm mà chỉ chú ý, hô hào vô vọng ở bề nổi cho các vấn đề không thuộc về đất nước này. Nước Mỹ với họ chỉ là con bò sữa để lạm dụng mọi quyền lợi cùng các phúc lợi xã hội có thể, để tìm kiếm cơ hội thăng tiến cá nhân và gia đình. Người tha hương thường có xu hướng nhớ về quê hương nhưng với Việt-Trump, họ quên đi đất nước này mới chính là quê hương của con cháu cùng các thế hệ kế tiếp chứ không phải nhằm thỏa mãn cảm xúc cá nhân bộc phát của riêng mình, chỉ quan tâm đến Donald Trump từ khi ông ta bất ngờ trở thành tổng thống.

Xung đột cộng đồng, tức với người khác là điều dễ nhìn nhận. Nhút nhát, sợ hãi với kẻ mạnh nhưng lại hung dữ, cao ngạo với người thua mình, một đặc tính tâm lý khó có thể giúp nhóm người Việt-Trump thật sự hòa nhập vào đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc này. Họ kỳ thị chính với cộng đồng mình khi phân biệt vùng miền, gốc gác, đến Mỹ bao lâu, thuộc diện nào. Các vụ tranh chấp, tấn công hay kiện tụng đã xảy ra khá nhiều giữa các tổ chức cộng đồng tại hầu hết các thành phố nào có người Việt sinh sống. Trong bốn năm qua, nhóm người Việt này đã chia rẽ và tấn công chính con cái, thân nhân, bạn hữu của mình chỉ vì sự ủng hộ cuồng nhiệt Donald Trump thì liệu có ai khác họ có thể chung sống ? Nhiều người đi xa hơn khi công khai sỉ nhục các cộng đồng bạn và những lãnh đạo da màu khác, tấn công vào giới trẻ khác chính kiến trong chính cộng đồng mình và ủng hộ các nhóm thượng tôn sắc tộc. Đó là điều gây rủi ro chung cho cả cộng đồng gốc Việt.

Và cuối cùng là xung đột vô thức, điều xảy ra khi các yếu tố về nhận thức, tri thức bị loại trừ. Bị xem là nhóm di dân sống quần tụ (communitarianism) nên có sự hạn chế về ngôn ngữ và văn hóa bản xứ, họ dễ tin vào các thông tin được nhào nặn có ý đồ và phù hợp với ý họ hơn là sự thật. Niềm tin vô thức thiếu tính lý trí và nhận thức dễ đưa nhóm này vào các suy nghĩ và hành động phản xã hội mà chính họ không nhận ra. Tất nhiên vẫn có một nhóm nhỏ những người mê Trump có học vấn và am hiểu ngôn ngữ thì điều này càng đáng tiếc hơn. Bởi họ đã phản bội lại nền giáo dục khai phóng, đề cao các giá trị dân chủ và con người mà họ từng theo học nhưng không thụ đắc. Bằng cấp cuối cùng chỉ còn là tay nghề chứ không phải nhân cách lẫn tư cách cần có.

Nhưng dẫu thuộc nhóm nào, sự tham lam, ích kỷ là một trong những đặc tính lớn và nguy hiểm nhất của không ít người Việt, làm suy thoái xã hội từ trong ra đến nước ngoài nói chung. Đến được Mỹ vào những thời gian kinh tế phát đạt và những chính sách an sinh dễ dàng đã được chính phủ hào phóng giúp đỡ, cũng như may mắn được thừa hưởng những điều mà các cộng đồng khác đã tranh đấu trước kia, nhóm này dường như không có những ý niệm và kiến thức lịch sử cùng tấm lòng để có thể có tâm tình cảm tạ và sống bao dung, giúp đỡ lại người khác và những người đến sau mình. Nước Mỹ chưa bao giờ mở tung biên giới dưới bất cứ nhiệm kỳ tổng thống nào như cáo buộc, các chính sách chỉ thể hiện sự nhân đạo khác nhau mà thôi.

Mặt khác, lấy sự thành công cá nhân của một nhóm người Việt cần mẫn và có trách nhiệm với đất nước này, cũng như sự thăng tiến của thế hệ trẻ để xem như thành công của mình nên nhóm Việt-Trump này tỏ ra cao ngạo và hãnh tiến về chuyện "vẻ vang dân Việt", dù thực chất là một cộng đồng có quá nhiều điều tiêu cực và yếu kém cần phải thay đổi.

Muốn phát triển và thăng tiến cộng đồng thì không chỉ thôi ảo tưởng về những điều không có thật mà cho dù khó khăn hay khó nói hơn, cộng đồng Việt cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về sự yếu kém của mình với hiện tượng cuồng mê Donald Trump đã phô bày trọn vẹn. Đó là bước đầu tiên để có thể trở thành một cộng đồng có trách nhiệm trên xứ người trước khi có thể đi xa hơn.

Nhã Duy

(27/03/2021)

********************

Lá cờ vàng ở đâu trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ?

Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 21/03/2021

Không hề thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong các buổi biểu tình chống kỳ thị người Châu Á diễn ra trên khắp nước Mỹ trong tuần qua, sau vụ thảm sát ở Thành phố Atlanta, bang Georgia. Tôi theo dõi màn ảnh nhỏ, mạng xã hội, các kênh lớn của truyền thông Mỹ mà không thấy. Ngay cả ở những nơi tập trung đông đúc người Việt Nam như Houston (Texas), Quận Cam (California) cũng không thấy.

asian1

Không hề thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong các buổi biểu tình chống kỳ thị người Châu Á diễn ra trên khắp nước Mỹ trong tuần qua

Trên trang báo tiếng Việt lớn nhất ở hải ngoại là báo Người Việt, có đến hai bài, một bài nói về cuộc biểu tình do một số vị dân cử người Việt tổ chức tại khu Little Sài Gòn, Nam California, bài khác nói về một cuộc đi bộ phản đối kỳ thị chủng tộc chống người Châu Á, trong các hình ảnh ghi nhận được cũng không thấy lá cờ vàng.

Trong khi đó, lá cờ này lại xuất hiện rất nhiều trong các cuộc biểu tình ủng hộ cựu tổng thống Trump, và đặc biệt là trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ.

Điều gì đang xảy ra ?

Lá cờ vàng ba sọc đỏ, đại diện cho cộng đồng tị nạn của người Việt ở Mỹ sau năm 1975. Nó thường xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống chế độ cộng sản trong nước, nhất là vào ngày tưởng niệm 30/4, là ngày Sài Gòn sụp đổ.

Hình ảnh lá cờ vàng hầu như đồng nhất với người Việt, tại các khu người Việt cư trú đông đúc, từ những lá cờ lớn treo giữa khu thương mại, cho đến những lá cờ nhỏ treo trong các tiệm ăn, cơ sở thương mại, nhà riêng Nhiều địa phương ở Mỹ đã chấp nhận lá cờ này là đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại địa phương.

Lá cờ vàng của cộng đồng người Việt làm nên điều khác biệt so với các cộng đồng thiểu số khác, vì ta thường ít khi thấy cờ của các cộng đồng này trong các sự kiện có tính công cộng, so với người Việt với rất nhiều cờ vàng.

Bốn năm cầm quyền của Donald Trump có lẽ ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến số phận lá cờ này. Nó đã trở thành một biểu tượng hầu như riêng biệt của những người Việt Nam ủng hộ ông Trump.

Tại các cuộc biểu tình ủng hộ tổng thống Biden, trước ngày bầu cử 3/11/2020, hay sau đó vào dịp ông đăng quang tuyên thệ tổng thống, cũng có lá cờ vàng, nhưng ít hơn rất nhiều, thường là kèm trong các biểu ngữ.

Quan sát các buổi lễ chống cộng sản, các cuộc biểu tình ủng hộ Trump, khi lá cờ vàng xuất hiện nhiều, thì những người tham gia, đa số là những người lớn tuổi, thường đã về hưu.

Các cuộc biểu tình ủng hộ ông Biden của người Việt, có nhiều người trẻ tuổi hơn, cũng như trong các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc, những người Mỹ gốc Việt, đa số là thế hệ 1,5 hoặc thế hệ thứ 2, sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

Trong một bài phóng sự của kênh NBC về sự tham gia của cộng đồng gốc Á Châu ở Georgia trong cuộc bầu cử vừa qua, một nhà hoạt động dân sự người Việt nói rằng, những nơi người Việt ủng hộ cựu tổng thống Trump, người ta nghe thấy người nói tiếng Việt rất trôi chảy và tiếng Anh rất tệ. Tại các cuộc biểu tình ủng hộ ông Biden của người Việt, lại là điều ngược lại.

Như vậy, phải chăng lá cờ vàng của Việt Nam Cộng hòa ngày xưa đang mất chỗ đứng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, từ đây trở đi ? Thế hệ trẻ tuổi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, và thế hệ di dân mới sẽ không còn xem lá cờ đó là đại diện cho mình nữa, một khi họ tham gia vào dòng chính của xã hội Mỹ ?

Hoặc có thể đi đến một nhận định khác, là những người hay biểu tình chống cộng sản trong nước, ủng hộ tổng thống Trump tại Mỹ, không cảm thấy họ cần biểu tình để phản đối sự phân biệt chủng tộc chống người Châu Á, tức là phản đối những người chống lại chính họ ?

Một trong những nạn nhân người Việt trong làn sóng kỳ thị chủng tộc vừa qua lại là một người lớn tuổi, cụ Ngọc Phạm ở San Francisco, là người bị chế độ cộng sản bỏ tù cải tạo đến 17 năm, theo thông tin từ trang Meaww.

asian0

Sau bốn năm cầm quyền của Donald Trump, lá cờ vàng có lẽ đã trở thành một biểu tượng hầu như riêng biệt của những người Việt Nam ủng hộ ông Trump.

Sau vụ bạo loạn ngày 6/1, hình ảnh lá cờ vàng xuất hiện ở điện Capitol gây sửng sốt cho truyền thông dòng chính của Mỹ, và có nhiều bài viết liên quan đến lá cờ đó, vì nó thoát ra khỏi khuôn khổ cộng đồng để đi đến 1 sự kiện mang tầm vóc quốc gia và thế giới.

Giáo sư Tuấn Hoàng, là một giáo sư gốc Việt, dạy tại đại học Pepperdine, có một bài phân tích về chuyện này, trong đó ông có nói tới việc lá cờ được nhiều người Việt thuộc các thế hệ trẻ xem là di sản, căn cước của họ.

Thế tại sao nó lại không xuất hiện trong các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc chống người Châu Á vừa qua ?

Nếu như trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc của người da đen bùng nổ vào tháng 6/2020 không thấy lá cờ đó, là một điều hoàn toàn dễ hiểu, vì sự việc khá xa với cộng đồng người Việt, nhưng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc của người Châu Á, lại là sự việc có liên quan trực tiếp đến người Việt.

Nếu như nhận xét của ông Tuan Hoang là đúng, thì trách nhiệm không vinh danh lá cờ đó thuộc về những người Việt trẻ tuổi tham gia các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, họ đã để cho lá cờ đó bị nhóm lớn tuổi, ủng hộ Trump, ủng hộ những cuộc tấn công vào nền dân chủ của ông ta, giành lấy như của riêng.

Nhưng như vậy có phải là họ không có một nhu cầu mang lá cờ đó vào dòng chính của chính trị xã hội Mỹ ?

Những người Mỹ gốc Việt nói chung và người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi nói riêng, nên suy nghĩ về vấn đề này.

Sau cuộc bạo loạn ngày 6/1, nhà văn người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt có bài viết trên báo Washington Post, nói rằng lá cờ vàng, cũng như lá cờ Confederate của miền Nam nước Mỹ trước kia, là đại diện cho những lý tưởng đã mất (the lost cause). Nếu ông nói đúng thì quả là điều đáng buồn.

Jackhammer Nguyễn

Nguồn : Tiếng Dân, 21/03/2021

Additional Info

  • Author Nhã Duy, Jackhammer Nguyễn
Published in Diễn đàn

Truyền thông Việt ngữ Quận Cam trong cơn bão tin giả

Thanh Phương, RFI, 22/02/2021

Có thể nói cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, đặc biệt là tại Quận Cam (Orange County), bang California, giống như là một nước Việt Nam thu nhỏ. Những người sống ở những khu vực như Little Saigon không cần biết tiếng Anh mà họ vẫn có thể biết tin tức thời sự cộng đồng, Hoa Kỳ và quốc tế qua vô số các đài phát thanh, truyền hình phát 24 giờ/24, và qua một số báo giấy vẫn còn tồn tại.

quancam1

Nhà báo Hoàng Trọng Thụy trong một chương trình của đài Little Saigon, Quận Cam, California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 04/02/2021.  © RFI

Riêng về truyền hình, cách đây gần 20 năm có hai đài truyền hình là Little Saigon TV và Saigon TV và sau này có thêm đài SBTN, nhưng từ 5, 6 năm trở lại đây có hơn 30 đài tại Quận Cam. Các đài đều phát free to air, tức là không cần đăng ký thuê bao, hoặc phát qua hệ thống vệ tinh để phủ sóng trên toàn nước Mỹ và cả Canada, hoặc phát qua các ứng dụng và phát trên mạng.

Nhưng trong thời gian gần đây, nhất là trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, truyền thông Việt ngữ tại Hoa Kỳ đã phải đối phó với cơn bão tin giả tràn ngập các mạng xã hội, nhất là qua các Youtuber tự nhận là truyền thông, gây nhiễu thông tin và gây thêm chia rẽ trong cộng đồng người Việt.

Hoàng Trọng Thụy, nhà báo kỳ cựu của Little Saigon TV, đài truyền hình đầu tiên của người Việt tại Quận Cam, hoạt động từ hơn 20 năm nay, cho biết, các phương tiện truyền thông tại đây cũng đã bị cuốn vào sự phân hóa trong cộng đồng người Việt về bầu cử tổng thống :

"Cuộc bầu cử này là vô tiền khoáng hậu. Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ có một vị tổng thống tạo nên những vụ tranh cãi, ủng hộ thì cũng mạnh mẽ, mà chống cũng mạnh mẽ. Thêm một điểm nữa là chưa bao giờ hệ thống Facebook, Youtube, Instagram của nước Mỹ làm việc mạnh như vậy. Cho nên, người ta có đủ các phương tiện để lên đồn thổi với nhau các tin tức, rồi mắng chửi nhau.

Cơ quan truyền thông cũng bị kéo theo làn sóng phân hóa giữa người ủng hộ và người chống ông Trump. Nhiệm vụ của truyền thông là làm sao đưa những tin tức trung thực nhất, nhưng những người ủng hộ ông Trump thì lại không muốn nghe những tin này ! Hễ đụng đến ông Trump là họ chửi rủa. Mặc dù cơ quan truyền thông chúng tôi phải làm việc nhiều hơn để cung cấp những tin tức về ông Trump, nhất là trong cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng "làm dâu trăm họ", chúng tôi phải chịu những lời răn đe, đủ hết mọi chuyện.

Khi truyền thông Việt Ngữ nói về những chỉ trích phe ông Trump không tin vào kết quả bầu cử, đồn thổi về hệ thống bầu cử "gian lận", thì những người ủng hộ ông Trump lại lên trên mạng như Facebook để chỉ trích những ai không loan những tin đó. Họ vẫn loan tải những tin không đúng sự thật. Trách nhiệm của cơ quan truyền thông là phải gởi đi cả hai luồng tin đó, thế nhưng những người ủng hộ tổng thống Trump thì vẫn không muốn nghe những tin tức sự thật đó, và vẫn nghĩ rằng ông Trump sẽ ở lại làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa".

quancam2

Nhạc sĩ Trúc Hồ tại trụ sở đài truyền hình SBTN, Quận Cam, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 08/02/2021.  © RFI

Về phần nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc đài truyền hình SBTN, ông cũng ghi nhận những khó khăn mà làn sóng tin giả gây ra cho những cơ truyền thông Việt Ngữ nào chỉ đưa những thông tin sự thật :

"Trúc Hồ đã cố gắng giữ vai trò của một người làm truyền thông là chỉ đưa những dữ kiện sự thật. Thời gian qua khó khăn vô cùng. Khán giả của SBTN trong vòng 4 năm qua phần lớn là những người Việt Nam Cộng Hòa, rất yêu nước Việt Nam Cộng Hòa, ủng hộ đảng Cộng Hòa và những gì tổng thống Trump nói thì những người lớn tuổi tin. Nhưng là người làm truyền thông, Trúc Hồ và ban giám đốc đài SBTN vẫn theo lập trường là đưa tin tức đúng đắn, chứ không thể chuyện không có mà nói thành có. Cho nên chúng tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Rất nhiều khán giả của SBTN trong 4 năm qua mỗi ngày email cho Trúc Hồ. Những người đã từng đồng hành với Trúc Hồ trong các công tác thiện nguyện, tham gia Đại nhạc hội "Cám ơn anh", cũng như đấu tranh cho những nhà dân chủ bị cầm tù ở Việt Nam thì lần lần đều chia tay với SBTN, không có ngày nào Trúc Hồ không nhận được những lời chia tay, đôi khi là lời trách móc, hoặc những lời hơi nặng với mình. Nhưng Trúc Hồ thông cảm hết, vì những người lớn đa số là những người yêu nước, không thích Cộng Sản, muốn chống Cộng, cho nên nghĩ rằng ông Trump sẽ giúp đánh Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam cho chúng ta. Các mạng xã hội đã làm cho người lớn tuổi thiếu những thông tin từ những cơ quan truyền thông uy tín".

quancam3

Ông Khôi Nguyên, tổng thư ký tòa soạn báo Người Việt, Quận Cam, Califorina, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 06/02/2021.  © RFI

Nhật báo Người Việt, tờ báo duy nhất ở Quận Cam vẫn còn phát hành 7 ngày trên 7, cũng không thoát khỏi vòng xoáy của tin giả trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Nhưng theo nhận xét của ông Khôi Nguyên, tổng thư ký tòa soạn, sự căng thẳng giữa phe ủng hộ và phe chống Donald Trump đã dịu bớt kể từ khi tổng thống Dân chủ Joe Biden lên cầm quyền :

"Nước Mỹ đã bị chia rẽ trước đó, nhưng thể hiện rõ nhất là trong cuộc bầu cử. Hai bên, một bên ủng hộ Donald Trump, một bên ủng hộ Joe Biden. Báo Người Việt chúng tôi đưa tin là ở giữa hai bên, ở cái lằn ranh đó, nhưng đôi khi cũng bị những người ủng hộ tổng thống Donald Trump nói báo Người Việt chống Trump, ủng hộ Dân chủ, hoặc là ngược lại. Nhưng quan điểm của chúng tôi là đưa thông tin trung thực, chứ không đứng về một phe nào cả.

Theo quan sát của một tờ báo cộng đồng, số người "ấm ức" vẫn còn, nhưng nó cũng phai nhạt dần. Theo tôi nghĩ, cái sự phai nhạt dần này có liên hệ trực tiếp đến việc chính phủ của tổng thống Joe Biden thực hiện các chính sách ra sao trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Thứ hai là cho đến thời điểm này, dịch bệnh tại vùng Nam California bắt đầu thuyên giảm khi có vac-xin và khi chính phủ mới lên cầm quyền thì cũng bớt những hành động như biểu tình, tụ tập. Cho đến hôm nay, đã có những dấu hiệu tích cực đó là số người bị nhiễm đã giảm, trong cộng đồng Việt Nam, khá nhiều người trên 65 tuổi đã được chích, tạo được sự tự tin cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư và tình cảm của các cử tri. Họ cũng đã nhận thấy là vì mục đích chung của một nước Mỹ đoàn kết, những người mà chúng tôi hay gọi là "fan cứng" của tổng thống Trump một phần nào đó cũng nguôi ngoai. Phía chống tổng thống Trump nay cũng đã nhìn thấy thành quả của mình. Cho nên giữa hai bên bây giờ không có căng thẳng nữa".

Tuy vậy, ngay cả sau khi ông Biden đã nhậm chức ngày 20/01, tin giả về Donald Trump không chấm dứt, thậm chí gần đây còn có tin là ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng ngày 04/03 ! Để tiếp tục "giải độc" cho khán giả người Việt về những tin giả này, nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết đài đã lập hẳn một chương trình riêng :

" Cộng đồng chúng ta chia rẽ nặng đến mức trong gia đình có nhiều người khác ý kiến nhau và đôi khi bạn bè không muốn gặp mặt nhau. Trúc Hồ có rất nhiều người bạn ủng hộ Trump, những người em ca sĩ của Trúc Hồ phần đông ủng hộ Trump. Việc ủng hộ một tổng thống hay đảng nào là quyền tự do căn bản của mỗi người mà chúng ta phải tôn trọng. Cho nên, Trúc Hồ không có vấn đề với những người ủng hộ Trump, mà là có vấn đề với tin giả.

Tin giả nguy hiểm vô cùng, nó giống như là thuốc độc đối với những người không có cách để tìm những nguồn thông tin từ những cơ quan truyền thông uy tín. Họ dễ bị nhiễm độc của những người làm tin chỉ để kiếm view trên Youtube hoặc Facebook. Hơn bao giờ hết cộng đồng chúng ta cần phải hàn gắn, đối diện với sự thật, cho nên ngay sau ngày bầu cử xong, Trúc Hồ đã kêu gọi một số anh em thế hệ trẻ, có khả năng tiếng Anh và tiếng Việt thực hiện một chương trình "Đối diện với sự thật". Là những người quen dùng Instagram, Facebook, Google, các em biết tin nào là tin giả và các em phải đi tìm sự thật, mang tin thật đến để "giải độc" cho khán giả".

Bên cạnh việc gây nhiễu thông tin, sự xuất hiện của những kênh Youtube chỉ có một hoặc hai người tự điều hành còn gây khó khăn cho một số đài truyền hình lớn ở Quận Cam, theo lời ông Michael Nam Nguyễn, chủ nhân Saigon TV, một trong những kênh truyền hình lâu đời của người Việt tại Mỹ :

"Để mang đến những tin tức, những chương trình đâu ra đó cho khán thính giả mỗi ngày, chúng tôi phải tốn rất nhiều chi phí. Riêng phần tin tức thôi, chúng tôi phải mua tin của Reuters, mướn xướng ngôn viên, mướn người make-up cho xướng ngôn viên, mướn người quay tin tức, rồi edit chương trình. Cho nên, riêng một chương trình tin tức hàng ngày của đài, chúng tôi đã phải bỏ ra rất nhiều tiền. 

Trong lúc đó, trên những kênh Youtube hay Facebook, họ chỉ có một người và chỉ lấy tin tức từ bất cứ chỗ nào, rồi họ tự làm. Và như vậy họ đã gây rất nhiều khó khăn cho những đài lớn ở đây".

Ngoài sự cạnh tranh đó, các cơ quan truyền thông của người Việt tại Quận Cam nay còn bị tác động của dịch Covid đe dọa đến hoạt động của họ, nhất là doanh thu nhờ quảng cáo đã sụt giảm rất nhiều do các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 22/02/2021

*********************

Blogger Điếu Cày : Tin giả gây phân hóa phong trào dân chủ Việt Nam

Thanh Phương, RFI, 16/02/2021

Nhà tranh đấu nhân quyền blogger Nguyễn Văn Hải, biệt danh "Điếu Cày" đã sống lưu vong tại Hoa Kỳ từ hơn 6 năm. Từ đó đến nay, anh vẫn tham gia quản trị trang mạng của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Ngoài ra, anh còn tham gia vào một chương trình của đài truyền hình SBTN tại Quận Cam (Orange County). Nhân dịp đến thăm đài SBTN trong chuyến đi Quận Cam đầu tháng 2/2021 vừa qua, đặc phái viên Thanh Phương đã có dịp phỏng vấn blogger Điếu Cày.

quancam3

Blogger Điếu cày (giữa) biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa.  © Ảnh tư liệu : Tổ chức Phóng viên Không biên giới

Trong bài phỏng vấn với RFI Việt ngữ, anh Nguyễn Văn Hải đã nêu lên những khó khăn của việc đấu tranh trên mạng hiện nay và nhất là sự phân hóa của phong trào dân chủ tại Việt Nam do tác động của những tin giả, đặc biệt tập trung trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn.

RFI : Xin anh cho biết đôi nét về cuộc sống của anh hiện nay thế nào ?

Blogger Điếu Cày : Từ khi tôi sang đến nay, tôi vẫn tập trung theo dõi tình hình trong nước, và quản trị một số trang do Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do thành lập, và cùng với một số anh em trong nước quản trị một số diễn đàn. Mạng lưới truyền thông do chúng tôi lập ra cũng tạo được lượng truy cập khá lớn, và hoạt động trong nhiều năm. Mới đây trang group "Lều của Đầy Tớ", vào lúc cao điểm đã có hơn 74.000 thành viên, và có lúc còn khoảng 62.000, thì đã bị Facebook đóng. Hiện nay chúng tôi cũng vẫn chưa lấy lại được. Nhưng về tình hình đấu tranh trên mạng xã hội, cũng gặp nhiều khó khăn, vì sự quản lý của Facebook, cũng như tác động của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với Facebook, nên cũng bị hạn chế nhiều.

RFI : Như vậy, chắc là anh có theo dõi về tình hình Việt Nam trong thời gian qua, nhất là thời gian trước Đại hội Đảng, với việc rất nhiều người đã bị bắt bớ, bị truy tố. Nhìn từ bên ngoài, theo anh, lý do gì dẫn đến sự bắt bớ như vậy, hay đó là một sự diễn tiến bình thường mỗi khi có Đại hội Đảng ?

PUBLICITÉ

Blogger Điếu Cày : Trước khi diễn ra Đại hội Đảng, họ đều tìm cách ngăn chặn những tiếng nói tự do, mà điển hình là những vụ bắt bớ. Nhưng trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang lên đến bây giờ, chính quyền cộng sản Việt Nam chuyển sang công an trị rõ ràng nhất, và sự đàn áp là khốc liệt nhất. Những kỳ Đại hội Đảng người ta thấy là nhiều người có tiếng nói trên các diễn đàn tự do đã bị khống chế, bị bắt bớ. Nhưng đặc biệt là trong năm nay, đàn áp là khốc liệt hơn. Các nhà báo bị đàn áp với những bản án rất nặng, như vừa rồi, Hội Nhà Báo Độc Lập với ba thành viên, là anh Phạm Chí Dũng, anh Nguyễn Tường Thụy và anh Lê Hữu Minh Tuấn. Tổng cộng là 37 năm tù cho ba người. Rồi một số nhóm như nhóm Hiến Pháp, và một số nhóm nữa cũng bị truy tố, với những bản án cao. Cho nên phong trào gặp rất nhiều khó khăn.

RFI : Những vụ bắt bớ như thế ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của tờ báo của Hội Nhà Báo Độc Lập ?

Blogger Điếu Cày : Trang của Hội Nhà Báo Độc Lập được quản trị từ bên ngoài, một số tiếng nói chủ lực bị bắt, nhưng trang của Hội Nhà Báo Độc Lập vẫn tiếp tục hoạt động.

RFI : Vũ khí chính của những người đấu tranh dân chủ là các trang mạng xã hội, như anh có nói lúc đầu, nhiều trang mạng, nhiều bài viết bị Facebook chặn, có phải là họ chặn theo lệnh của chính quyền Việt Nam ?

Blogger Điếu Cày : Chính quyền Việt Nam sử dụng nhiều công cụ, không những chỉ gây sức ép với Facebook về việc đặt máy chủ ở Việt Nam, họ còn yêu cầu Facebook phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, và thậm chí Facebook cũng nói là họ tuân thủ pháp luật địa phương, trong một số vấn đề. Đó là cái khó khăn cho những người đấu tranh dân chủ. Gần đây nhất là chính quyền cộng sản còn sử dụng một biện pháp kỹ thuật nữa. Khi máy chủ Facebook thuê băng thông để chuyển tải thông tin vào trong nước, băng thông đã bị bóp để gây sức ép với Facebook, khiến Facebook phải đối phó, phải đặt máy mới bên Đài Loan.

RFI : Đấy là chưa kể trên thế giới nói chung, và đối với các mạngxã hội của Việt Nam nói riêng, có rất nhiều tin giả. Đã có rất nhiều trang youtube, trang Facebook về tình hình chính trị Mỹ, và tình hình bầu cử Mỹ, với hai ứng viên Cộng Hòa, ông Donald Trump, và Dân Chủ, ông Joe Biden. Những tin giả có gây tác động nhiều đến các trang mạng của các nhà đấu tranh dân chủ hay không ?

Blogger Điếu Cày: Nó gây tác động rất là nhiều, mà gây tác động rất nặng nề. Tại vì nó làm phân hóa phong trào. Kể cả xã hội Việt Nam và xã hội Mỹ. Cộng đồng ở Mỹ cũng bị phân hóa, xã hội Mỹ cũng bị phân hóa, bởi những nguồn tin giả, những nguồn tin độc hại như vậy. Chúng tôi ở đây, có tham gia với SBTN làm chương trình "Đối diện với Sự thật". Mỗi một kỳ của chương trình, đều đưa lên chi tiết về vấn đề, cách lan truyền tin giả trong cộng đồng, tác hại của tin giả đối với cộng đồng như thế nào. Một cái nữa là, cũng thông qua những trang của anh em ở hải ngoại, anh em trẻ họ thành lập ra trang "Người thông dịch", để dịch các bản tin của các tờ báo lớn trên thế giới, chuyển tải các thông tin đến cộng đồng. Nó như là thông tin dòng chính, để đối phó với tin giả.

Còn cách thức của chính quyền Việt Nam, chính quyền Nga, Trung Quốc, Iran, là họ xâm nhập vào trong mạng lưới tin giả này, họ khuếch đại tin giả đó, chủ yếu để làm lũng đoạn xã hội Mỹ, phân hóa xã hội Mỹ, trong đó có mục tiêu phân hóa các cộng đồng sắc tộc. Mà người Việt Nam là một trong những cộng đồng bị phân hóa nhiều nhất bởi tin giả.

RFI : Tôi thấy đặc biệt là có sự tham gia rất nhiều của một tờ báo tiếng Việt gọi là Đại Kỷ Nguyên. Tờ báo này xuất phát từ đâu, do ai chủ trương, tại sao họ lại tuyên truyền những tin giả như vậy ?

Blogger Điếu Cày : Trên báo New York Times, có bài điều tra liên quan đến mạng lưới của Epoch Times, trong đó có tức Đại Kỷ Nguyên, Trí Thức Việt Nam, Tân Đường Nhân, đều là mạng lưới tin giả của Epoch Times cả. Câu hỏi đặt ra ở đây là nguồn lực ở đâu mà Pháp Luân Công có thể làm được việc như thế ? Kể cả việc mua quảng cáo hàng triệu đô trên Facebook.

Chúng ta thấy rằng, thứ nhất là trong cuộc điều tra của New York Times cũng đặt câu hỏi nguồn lực ở đâu ra, và Pháp Luân Công với Epoch Times có liên hệ với nhau thế nào. Những người đấu tranh trên mạng nhiều năm, có kỹ năng, đều hiểu rằng, khi Epoch Times hoạt động ở Mỹ, nó cần hai cái mũ. Cái mũ thứ nhất là cái mũ chống Cộng, nó núp vào Đại Kỷ Nguyên, hoặc nó mượn danh Đại Kỷ Nguyên. Thứ hai là nó phải mượn một cái mũ khác, với chiêu bài ủng hộ tổng thống Donald Trump. Nhưng tuyến bài vở chủ yếu của nó là tấn công vào các đảng đối lập. Trong rất nhiều kỳ bầu cử, các ứng cử viên đối lập Cộng Hòa hay Dân Chủ, việc ủng hộ bên này hay bên kia là chuyện bình thường, và sau bầu cử xã hội vẫn trở lại bình thường, với sự cầm quyền của hai đảng. Thế nhưng trong đợt này, do tác động của tin giả, kể cả bầu cử đã qua rồi, tin giả vẫn lan truyền, và gây ra sự xáo lộn xã hội Mỹ, gây phân hóa xã hội Mỹ rất nhiều. 

Như vậy, mục tiêu của tin giả là để cho người dân, thứ nhất là mất niềm tin vào hệ thống báo chí Hoa Kỳ, và thứ hai là mất niềm tin vào chính phủ Hoa Kỳ, mất niềm tin vào nền dân chủ, và phân hóa xã hội Mỹ. Tất cả những mục tiêu đó, khi họ đạt được, thì ai được lợi ? Chỉ có các chính quyền cộng sản Trung Quốc, Nga và Việt Nam được hưởng lợi trong vấn đề đó. Câu hỏi đặt ra là, mạng lưới Epoch Times sử dụng những thủ thuật gì ?

Trong điều tra của New York Times cũng chỉ ra, như sử dụng công nghệ IA, để vượt qua giai đoạn xác định danh tính, để lập ra hàng ngàn trang Facebook giả, sử dụng các trang đó phát tán tin giả, đồng thời sử dụng kỹ thuật "click farm" để tạo ra nhiều lượng view, nhiều lượt coi. Nhưng thực ra số lượng người coi đó là giả. Họ dùng những trang đó để người xem kích ngược vào website của trang mẹ. Chính vì thế, Đại Kỷ Nguyên trở thành một trang có lượng người truy cập lớn nhất ở Việt Nam, mà đây lại là truy cập vào một cái trang của người Tàu. Tôi thấy đây là một khuyết tật trên truyền thông, mà chúng ta cần phải để ý.

RFI : Anh đã nói là tin giả tác động rất nặng nề đến các nhà đấu tranh dân chủ, cũng như các mạng xã hội, trang thông tin của những người đấu tranh dân chủ. Cụ thể điều này làm phân hóa như thế nào ?

Blogger Điếu Cày : Việc các ứng cử viên tổng thống được người này, được người kia ủng hộ là chuyện rất bình thường trong xã hội, nhưng vấn đề là mạng truyền thông tin giả, nó dẫn dắt người ủng hộ đi theo hướng nào, và cái xu hướng dẫn dắt như thế nào mới là cái nguy hiểm. Nguy hiểm là vì, núp dưới chiêu bài ủng hộ tổng thống Donald Trump, nhưng cái đích ngắm là làm mất niềm tin vào xã hội Mỹ, vào nền dân chủ Mỹ, và một số anh em đấu tranh dân chủ ở trong nước, một số blogger nổi tiếng đã chia sẻ những tin giả từ Epoch Times, Đại Kỷ Nguyên và Tân Đường Nhân, cùng với những "thuyết âm mưu" rất vô lý. Đồng thời với việc làm lan truyền những tin giả như vậy, một số anh em quay sang tấn công những người đưa tin thật. Bởi vì, để lan truyền tin giả, phải tấn công người đưa tin thật. Điều này là đương nhiên thôi.

Nhưng nếu Đại Kỷ Nguyên, hay các nick ảo, các nick của dư luận viên của chính quyền cộng sản họ làm việc đó, thì là một chuyện. Nhưng nick của những người đấu tranh dân chủ mà làm chuyện đó, thì là tiếp tay cho nó. Gây thiệt hại rất lớn cho phong trào, làm phân hóa phong trào, và từ đó làm yếu phong trào đi. Đấy là điều nguy hiểm.

RFI : Sau những đợt bắt bớ, truy tố như vậy, người hoạt động dân chủ ở nước ngoài có thể giúp thêm cho phong trào trong nước hay không ?

Blogger Điếu Cày : Trong môi trường Internet tự do, anh vẫn có thể đóng góp được, miễn là anh có còn quan tâm đến phong trào hay không. Về việc đóng góp, chúng tôi vẫn liên lạc với gia đình của các tù nhân lương tâm, những anh em bị bắt. Chúng tôi không bỏ qua vấn đề đó, mà thường truyền tải thông tin đến các vị dân biểu Hoa Kỳ.

Ví dụ như khi vụ Đồng Tâm xảy ra, tôi cùng với những anh em trong nước, cũng như anh Nguyễn ở Houston, có tham gia vào nhóm Hành động vì Đồng Tâm. Ở trong nước, anh em làm những báo cáo về Đồng Tâm, thông qua nguồn tin của bà con Đồng Tâm đưa ra cho gia đình chị Cấn Thị Thêu và Phạm Đoan Trang ở trong nước. Chúng tôi ở ngoài này chuyển tải các thông tin như vậy đến các vị dân biểu, cũng như việc đàn áp, bắt bớ anh em. Mình chuyển thông tin đến các tổ chức quốc tế, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, để vận động cho anh em.

RFI : Hiện nay, nước Mỹ có một tổng thống mới, tổng thống đảng Dân Chủ Joe Biden. Chính quyền mới có thể giúp thúc đẩy phong trào dân chủ ở Việt Nam hay không, giúp thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam hay không ?

Blogger Điếu Cày : Tôi nghĩ đây là một tin mừng cho những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Bởi trước đây, trong thời kỳ chính quyền Dân Chủ thời ông Obama cầm quyền, rất nhiều người Việt Nam đã được thoát khỏi nhà tù. Vì những cam kết của chính quyền Mỹ và chính quyền Việt Nam đều có đặt điều kiện nhân quyền trong đó. Và nhờ đó, nhiều anh em được thoát khỏi nhà tù cộng sản. Chính quyền của ông Obama cũng rất quan tâm đến vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Điều thứ hai là, trong chính quyền mới sắp tới này, bên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trước có người là thứ trưởng, bây giờ làm bộ trưởng. Và một số bạn bè tôi trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã trở lại làm việc. Họ là những người rất am hiểu về tình hình Việt Nam, và khi họ quay trở về, thì những vấn đề Việt Nam không phải là mới với họ. Và đó là điều thuận lợi, chúng ta có thể đề đạt các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền với họ. Họ chính là những người hiểu sâu những vấn đề đó trong nhiệm kỳ 8 năm của tổng thống Obama trước đây. Đây là một tin mừng.

Hy vọng vấn đề dân chủ sẽ được quan tâm hơn nhiều. Như chúng ta thấy, tổng thống Joe Biden đã lên tiếng ngay sau cuộc đảo chính ở Miến Điện, hay về những vấn đề ở Hồng Kông, Tân Cương ở Trung Quốc. Chúng ta thấy là đang có chiều hướng thuận lợi.

RFI Xin cảm ơn Blogger Điếu Cày.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 16/02/2021

Additional Info

  • Author Thanh Phương
Published in Diễn đàn

Người Việt tại Mỹ cũng bị chia rẽ vì bầu cử tổng thống

Thanh Phương, RFI, 31/10/2020

Theo thẩm định, hiện nay tổng số người Việt sống ở nước ngoài là khoảng 4,5 triệu, trong đó cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ là chiếm số đông nhất, với khoảng 1,3 triệu người. Cho tới nay, cử tri Mỹ gốc Việt nói chung vẫn có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ.

congdong1

Người dân tại Sandiego, bang Califorrnia, Hoa Kỳ, xem tranh luận truyền hình giữa hai ứng cử viên Trump và Biden ngày 22/10/2020.  Reuters – Mike Blake

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay cũng không ra ngoài thông lệ đó. Thế nhưng, giống như xã hội Mỹ nói chung, cộng đồng người Việt cũng bị chia rẽ nặng nề giữa một bên là những người ủng hộ Trump, chiếm đa số và bên kia là những người theo ứng cử viên Dân chủ Joe Biden.

Một cuộc thăm dò do các tổ chức APIAVote, AAPI Data and Asian Americans Advancing Justice thực hiện, kết quả được công bố vào tháng 9, cho thấy là trong số những người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Việt có vẻ ủng hộ Trump nhiều hơn cả. Cụ thể là có đến 48% cử tri Mỹ gốc Việt cho biết sẽ bỏ phiếu cho tổng thống Trump, và chỉ có 36% ủng hộ ứng cử viên Dân chủ Joe Biden. Trong khi đó, những người Mỹ gốc Á khác (gốc Hoa, Ấn, Hàn, Nhật, Phi) thì lại ủng hộ ông Biden nhiều hơn (54% so với 30% ủng hộ ông Trump).

Kết quả một cuộc thăm dò tương tự do hai tổ chức APIAVote và AAPI Data thực hiện năm 2018 cũng cho thấy người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất khen ngợi thành tích về kinh tế của tổng thống Trump (64%).

Lý do ủng hộ Donald Trump

Đối với những người ủng hộ Trump, có hai lý do chính. Thứ nhất, vị tổng thống tỷ phú là lãnh đạo Hoa Kỳ chống Trung Quốc quyết liệt nhất. Thứ hai, dưới thời tổng thống Trump, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại, cho đến khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Ông Hà Ngọc Cư

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành trung tâm CISS chuyên về di dân và tị nạn, Houston, Texas, trước hết nhắc lại xu hướng bỏ phiếu của cử tri gốc Việt tại Mỹ trong những năm qua :

Kể từ năm 1980 cho đến năm 2000, số người Việt Nam theo đảng Cộng hòa đông hơn bên phía ủng hộ Dân chủ, nhưng kể từ năm 2010 cho đến bây giờ, thì phía người Việt nghiêng về đảng Dân chủ thì cao hơn bên phía ủng hộ Cộng hòa một chút.

Lý do là vì 60% người Việt có bằng cử nhân và những người học đại học Mỹ, hội nhập với xã hội Mỹ, thì thường nghiêng về phía đảng Dân chủ. Còn những người ủng hộ đảng Cộng hòa và riêng về những người ủng hộ Trump thì nghĩ rằng đảng Cộng hòa chống cộng mạnh hơn đảng Dân chủ. Cũng có những người nghĩ rằng đảng Dân chủ có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và không chống cộng như đảng Cộng hòa.

Thứ hai là có những người chống chuyện phá thai, cho nên họ nghiêng về phía đảng Cộng hòa. Rồi có những người nghiêng về phía Cộng hòa là vì họ muốn bảo vệ truyền thống văn hóa Việt Nam, chống hôn nhân giữa những người đồng tính, chuyển giới, cho đó là phản văn hóa.

Thứ ba là vấn đề những người Mỹ gốc Phi Châu xuống đường, phong trào Black Lives Matter. Họ cho là người da đen "quậy" xã hội Mỹ và cái đó là do đảng Dân chủ tạo ra. Cho nên, họ chống đảng Dân chủ. Họ sinh ra ở nước Mỹ, chỉ có nước Mỹ là tổ quốc của họ, cho nên họ nhìn tương lai của nước Mỹ là tương lai của họ. Họ quan tâm về vấn đề học phí đại học, y tế, biến đổi khí hậu, môi trường. Họ có cái nhìn thoáng hơn về văn hóa.

Ngay cả con cháu chúng tôi, sinh ra ở đây, chúng nó không phân biệt da trắng, da đen, da màu. Giới trẻ đó có khuynh hướng chống bất công về kinh tế, bất công về pháp luật. Những người ủng hộ ông Biden còn đặt vấn đề về nhân cách lãnh đạo. Lãnh đạo nào trung thực hơn, nhân đạo hơn thì họ nghiêng về phía đó.

Phe ủng hộ ông Trump thì rất hăng hái xuống đường, trong khi phe theo Biden thì có vẻ thầm lặng hơn, cũng biểu lộ sự ủng hộ nhưng một cách kín đáo hơn, không rầm rộ như phe ông Trump".

ÔngVõ Đăng Khoa

Cũng là một cư dân gốc Việt sống tại bang Texas, luật gia Võ Đăng Khoa giải thích lý do vì sao ông sẽ bầu cho tổng thống Cộng hòa Donald Trump :

Tôi sống tại Houston, Texas, mà Texas là thành trì của đảng Cộng hòa. Lý do mà tôi chọn bầu cho ông Trump không phải là vì tôi là người của đảng Cộng hòa, mà thật sự tôi là người theo đảng Dân chủ. Tôi không đồng ý với ông Trump về một số chính sách, như chính sách về di dân, về xây tường rào ở phía nam nước Mỹ. Mặc dù vậy, những chính sách khác lại đúng hơn, cho nên tôi sẽ chọn bầu cho ông Trump.

Thứ nhất, trong khi bên đảng Dân chủ không hề dám đụng đến nguyên nhân của Covid-19, thì ông Trump đã thẳng thẳng vạch mặt vai trò của Trung Quốc trong việc phát tán virus corona. Đảng Dân chủ chỉ chĩa mũi dùi vào phía ông Trump. Thật sự đó là sai lầm lớn của đảng Dân chủ. Thứ nhất, nước Mỹ theo thể chế liên bang, có những quyền hạn của tiểu bang mà liên bang không được đụng tới, ví dụ như những vấn đề về đời sống thường nhật của người dân. Mỗi tiểu bang được quyền quyết định đeo khẩu trang hay không đeo, được ra đường hay không được ra đường, được tụ tập hay không.

Thứ nhì, nếu như liên bang có quyền đó, thì Quốc hội phải làm ra luật, vì theo cơ chế của nước Mỹ, tổng thống chỉ là người thi hành, chứ không phải là người làm ra luật. Cho nên, không thể nói là ông Trump đã không làm gì hết để ngăn ngừa dịch Covid-19, vì Quốc hội không đưa luật lên để ông Trump ký phê chuẩn.

Lý do thứ hai : thái độ của ông Trump đối với Trung Quốc rất là thẳng thắn, rất quyết liệt. Là một người Việt Nam, tôi nghĩ điều đó rất là đúng, vì trong khi cả thế giới không ai dám đụng đến Trung Quốc thì chỉ có một mình tổng thống Trump vạch mặt Trung Quốc về các chiêu trò, về những chuyện không được trong sạch.

Lý do thứ ba là về vấn đề người da đen. Trong cái chết của George Floyd thì cảnh sát Minesota hoàn toàn có lỗi, nhưng không thể vì chuyện đó mà dấy lên một phong trào để mà phá đi những heritage (di sản), đi đập phá các bức tượng, ngay cả tượng của Abraham Lincoln, người đã khở xướng phong trào giải phóng nô lệ, hoặc đập phá tượng của tổng thống Washington, người cha của nước Mỹ.

Đó là những lý do tại sao tôi bầu cho tổng thống Trump, thật sự thì tôi bầu cho các chính sách của đảng Cộng hòa hơn là bầu cho tổng thống Trump".

Theo luật sư Võ Đăng Khoa, đa số người Việt ở Texas cũng sẽ bầu cho tổng thống Donald Trump :

Do việc tổng thống Trump chống Trung Quốc, cho nên người Việt ở Texas nói chung và ở Houston nói riêng ủng hộ ông rất nhiều. Tại vì, nói nôm na là nếu ủng hộ ông Trump chống Trung Quốc thì Việt Nam sẽ được ăn theo. Nhưng điều đó thì cũng không nói được, vì nước Mỹ chỉ làm những gì có lợi cho nước Mỹ. Họ có thể chống Trung Quốc, nhưng chưa chắc là Việt Nam có lợi.

Người Việt ở Houston và vùng phụ cận, thì sự ủng hộ của người Việt đối với tổng thống Trump sôi nổi hơn là sự ủng hộ ông Biden. Ví dụ như có những rally, những cuộc tụ tập, những đoàn xe ủng hộ có số người tham gia hơn hẳn số người ủng hộ phó tổng thống Biden.

Bà Lý Kim Khoa

Khác với Texas, California là bang mà từ nhiều năm qua vẫn có truyền thống bầu cho đảng Dân chủ. Nhưng quận Cam, Orange County, nơi tập trung cộng đồng người Việt, thì ủng hộ tổng thống Trump nhiều hơn. Tuy vậy, tại California, cũng có không ít người Việt chọn Joe Biden, trong đó có bà Lý Kim Khoa, hiện làm việc trong ngành bảo hiểm :

Thứ nhất, chủ trương của đảng Dân chủ là theo chủ nghĩa nhân bản, vì con người, chứ không phải là vì mục đích show off (phô trương) nước Mỹ hay bản thân mình. Joe Biden là người rất khiêm nhường, nói ít làm nhiều.

Thứ hai, Joe Biden hứa sẽ trở lại hiệp ước TPP (hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương) để loại Trung Quốc ra khỏi hiệp ước thương mại thế giới, tức là đánh về kinh tế. Muốn đánh tàu về kinh tế thì phải có đồng minh. Joe Biden hứa sẽ nối lại các liên minh của Mỹ như WHO, Liên Hiệp Châu Âu.

Joe Biden hứa sẽ duy trì Obamacare (bảo hiểm y tế phổ quát) cho người dân Mỹ, giúp cho những người thuộc thành phần trung lưu có bảo hiểm. Tôi thấy những lời hứa của Joe Biden rất thực tế. Những điều mà Trump đã phá hoại, như hiệp ước TPP, làm cho Trung Quốc lớn mạnh, rồi lại làm cho Mỹ lệ thuộc Trung Quốc trong thời đại dịch, khiến không có đủ thiết bị y tế.

Chưa kể là từ thời tổng thống George W. Bush, mỗi năm ông ấy dành ra 7 tỷ đôla để đối phó với đại địch, vì theo ông, 100 năm đại dịch sẽ trở lại một lần, thành ra chúng ta phải chuẩn bị. Khi ông bàn giao cho Obama kế thừa chương trình này. Vào thời Obama, vẫn có dịch, 60 triệu người nhiễm, mà chỉ có 12 ngàn người chết.

Đến thời Donald Trump, ông Trump không quan tâm đến healthcare, không quan tâm đến chương trình này, vì vậy khi dịch tới trở tay không kịp, giấu thiết bị y tế rồi đổ thừa cho đảng Dân chủ. Tôi thấy điều này không có fair. Ông tổng thống Trump nói láo nhiều quá, làm sao mà chọn được !".

Chính sách kinh tế của Donald Trump

Bà Lý Kim Khoa

Theo cái nhìn của bà Lý Kim Khoa, chính sách kinh tế của tổng thống Trump cũng không có hiệu quả gì trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ :

Nếu nói về các lợi thế kinh tế, việc đem công ăn việc làm về Mỹ lầ một cái chuyện không hợp lý, do đó tới giờ này đâu có đem được công ăn việc là về nước Mỹ. Thứ nhất, giá nhân công ở nước Mỹ rất cao, đội giá thành lên. Sản phẩm cung ứng của Mỹ, nếu đem về đây rồi khi xuất cảng trở lại thì chi phí vận chuyển và các chi phí khác lại cao.

Trong khi nếu chúng ta sử dụng hiệp ước TPP của Obama hồi trước, ví dụ như người dân bên đó sản xuất một cái áo, một giờ họ có thể sản xuất 10 cái, trong khi công nhân bên Mỹ tay nghề không thạo thì sản xuất chừng một cái thôi. Công nhân Mỹ giỏi về điện tử hơn.

Trump nói như thế vì ông mà một người buôn bán, chứ không phải là một nhà kinh tế và một nhà chính trị. Thành ra ông ấy hứa rồi cố gắng thực hiện. Đâu phải chính trị nào đắc cử cũng giữ được lời hứa, tại vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ông ấy hứa là hứa bừa, không có một chính sách nào hết. Nói đánh kinh tế Tàu, ai là người chịu ? Người dân Mỹ phải trả thuế, chứ ai chịu ? Giá thành đội lên cao mà không có lợi lộc gì cả.

Thế hệ trẻ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có quan điểm xã hội và chính trị khác với các thế hệ đàn anh

Thật ra, cũng như nhiều cộng đồng gốc nước ngoài khác ở Mỹ, thế hệ trẻ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt có quan điểm xã hội và chính trị khác với những người lớn tuổi. Rất nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt gặp tình trạng bố mẹ theo Trump, nhưng con cái chỉ thích Biden, hay nói chung là nghiêng về phía đảng Dân chủ.

Cho nên, nhiều khi trong gia đình rất khó nói chuyện với nhau về bầu cử tổng thống Mỹ, như nhận xét của ông Hà Ngọc Cư.

Ông Hà Ngọc Cư

Trong gia đình bạn bè tôi và ngay cả trong gia đình tôi, giới trẻ có suy nghĩ độc lập. Học ở đại học, nên tư duy của nó là tư duy của giới trẻ Mỹ, độc lập, cho nên bố mẹ nghĩ thế nào là chuyện của bố mẹ, còn nó nghĩ thế nào là chuyện của nó, bố mẹ không thể tác động lên tư duy của con cháu mình. Cho nên, trong nhiều gia đình, có khi bố mẹ ủng hộ ông Trump, con cái lại ủng hộ Biden. Trong nhiều gia đình, để giữ hòa khí, không ai dám nói chuyện chính trị".

Theo ông Hà Ngọc Cư thì sự khác biệt quan điểm này chính là do ảnh hưởng của các trường đại học ở Mỹ nói chung và ở Texas nói riêng :

"Đa số các giáo sư đại học có tinh thần dân chủ là tại vì họ cho rằng xã hội liberal là để bảo vệ quyền tham dự của mọi sắc tộc. Ví dụ như tại Houston, nhất là quận Harris County, 45% là người gốc Mỹ Latinh, thành thử tại Houston, đảng Dân chủ luôn luôn thắng, nhưng ở vùng ngoại ô, thì đảng Cộng hòa thắng. Cho nên, Texas vẫn được coi là tiểu bang "đỏ rực". Lần này, theo các cuộc thăm dò, ông Trump vẫn được nhiều phiếu hơn đảng Dân chủ".

ÔngVõ Đăng Khoa :

Luật sư Võ Đăng Khoa cũng đưa ra một giải thích tương tự về lý do tại sao giới trẻ trong các gia đình người Việt có xu hướng thiên tả hơn :

Tôi thấy giới trẻ trong các trường đại học có vẻ thiên tả hơn một chút. Giới khoa bảng bên Mỹ là giới rất là thiên tả, trong đó có các trường đại học nổi tiếng như Yale, Stanford, Berkeley hay University of Texas, là những trường mà sinh viên và giáo sư rất là thiên tả. Trong khi đó Houston thật sự là một thành phố Dân chủ trong một tiểu bang Cộng hòa, nhưng người Việt tại Houston ủng hộ đảng Cộng hòa. Có những cái khúc mắc như vậy.

Mặc dù là khoa bảng, nhưng thế hệ trước, thế hệ một hay một rưỡi trong cộng đồng người Việt ở đây thì lúc nào cũng ủng hộ đảng Cộng hòa vì những quyết định rất là cứng rắn đối với các đảng độc tài. Trong khi đó, phe Dân chủ đúng ra phải là những người ủng hộ người dân nhiều hơn, nhưng tôi không biết tại sao trong các trường đại học lớn ở đây, người ta lại cỗ võ cho mác-xít. Đó là nguyên nhân tại sao thế hệ trẻ hơn thế hệ cha anh".

Dầu sao, thì như đã nói ở phần dẫn nhập, có lẽ chưa bao giờ mà cộng đồng người Việt lại bị phân hóa mạnh như trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ lần này. Càng gần đến ngày bầu cử, mâu thuẫn giữa hai phe ủng hộ Trump và ủng hộ Biden càng thêm gay gắt, đến mức một số người ngại công khai bày tỏ quan điểm, nhất là bên phía ủng hộ Biden tại quận Cam, có người thậm chí không dám trả lời phỏng vấn RFI, sợ ảnh hưởng đến việc làm của mình, vì tại nơi đây số người ủng hộ Donald Trump chiếm đa số !

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 31/10/2020

************************

Bu c Little Saigon : ng h Trump rm r, ng h Biden âm thm

Ngọc Lễ, VOA, 31/10/2020

Little Saigon Qun Cam, California, th đô’ ca người Vit t nn M, lâu nay vn quen thuc vi các hot đng lên án chính quyn Hà Ni nhưng nhng ngày này đang dn hết năng lượng chính tr vào cuc bu c 2020. n dưới không khí chính tr cung nhit là s phân hóa, chia r và thù đch da trên nim tin sâu sc ca mi bên vào ng viên ca mình.

congdong2

Các cuc tun hành ng h ông Trump din ra rm r vùng Little Saigon

Mt sáng cui tun cui tháng 10, cũng như nhiu dp cui tun khác, trước ca Thương xá Phước Lc Th, đám đông chng trên trăm người Vit vi c hoa, băng rôn, biu ng php phi tp hp đ ng h đương kim Tng thng Donald Trump. H hô to Four more years (Bn năm na) và nhng khu hiu lên án ng viên Joe Biden ca Đng Dân ch là bán nước, hèn h, làm nô l cho Tàu Cng.

Mt bà c 79 tui tên là Trúc Minh bc xúc nói vi chúng tôi rng bà rt ‘đau lòng khi con cháu bà không nghe li bà mà bu cho ‘Đng quỳ’, cách bà gi Đng Dân ch, và rng khi nào chúng nó nếm mùi cng sn ri mi thm thía.

Đó ch là mt trong s hàng chc cuc tp hp ln nh trong thi gian qua Little Saigon đ biu dương lc lượng cho ông Trump. Trong khi đó, ch mi có mt cuc tp hp đ ng h cho cu Phó Tng thng Joe Biden.

Cách đó không xa, ti công viên Mile Square, mt nhóm khong 10 người đang có mt cuc hp như thường l đ trao đi nhng cách thc vn đng cng đng người Vit ng h ông Joe Biden. Cuc hp din ra lng l, yên ng trái hn vi bu không khí cung nhit, n ào trước Thương xá Phước Lc Th.

‘Hết sc phn khi

Ông Ngô Đình Lượng, 51 tui, mt ch ca hàng hoa và đã ghi danh theo Đng Cng hòa k t khi nhp tch M, là mt trong nhng người có li hiu triu đám đông trong cuc tun hành đó. Ông Lượng cho biết đây là ln đu tiên ông tích cc tham gia vn đng chính tr như vy.

Tiếp chúng tôi ti nơi làm vic có xưởng in băng rôn, biu ng ng h Trump mà ông Lượng t b tin túi ra làm đ phát cho mi người, ông cho biết sau 5 cuc tun hành mà ông là mt trong nhng người t chc, s người tham d ngày càng đông và hin thu hút khong 300-500 người.

"Mình có cm giác rt phn khi, mình vui ging như trước kia Đc Giáo hoàng đến Denver và chúng tôi cũng có cm giác y chang như vy", ông Lượng giãi bày vi VOA.

Ông Lượng vượt biên đến M dưới thi c Tng thng Cng hòa Ronald Reagan và tr thành cm tình viên Cng hòa do chính sách ca ông Reagan cng rn vi Liên Xô. Ông nói điu làm ông yêu thích ông Trump là ‘ông y đã ha là làm và làm mi ngày.

congdong3

Ti ca hàng ca mình, ông Lượng đã t b tin túi ra in n các băng rôn ng h ông Trump và phát min phí cho mi người

Theo li ông thì trong nhà các anh ch em ca ông ‘đu đi ng h ông Trump rt là cung nhit. "Nhng ai nói hay v ông Trump chúng tôi thích nghe lm", ông nói và cho biết thêm là xung quanh ông không thy ai ng h ông Joe Biden.

Ông Lượng ca ngi vic ông Trump đánh thuế vào hàng hóa nhp khu ca Trung Quc mà ông cho rng giúp đem vic làm tr li M và làm nước M tr li rt nhiu. Trong khi đó ông than phin Đng Dân ch đt ra các lut l bo v môi trường kht khe, như đánh thuế vào túi nylon hay tăng thuế xăng, là gây khó khăn cho người dân và doanh nghip.

"Tôi chưa thy vn đ gì mà ông Trump chưa làm được", ông Lượng, người bác b vic mình cung Trump, nói. "Ngay c dch Covid-19 nếu không có tng thng gii như ông Trump thì nước M đã tan nát như nước Ý vì ông y đã nhanh l, kp thi giao cho các hãng xưởng làm máy tr th, khu trang".

‘Phân hóa tàn khc

Ti bui hp ca nhóm vn đng cho ông Biden công viên Mile Square, ông T Trung, vn tng là k sư làm vic trong ngành quc phòng, không gian M và hin đã ngh hưu, gii thích lý do ông ng h Đng Dân ch là chế đ Trump đã đy nước M đến mc phân hóa và chia r chưa tng thy.

"Ngay c trong cng đng người Vit trước đây không có xy ra như vy, nhưng bây gi đã có s phân hóa phi nói là rt tàn khc gia nhng người Cng hòa và Dân ch", ông Trung nói.

Theo gii thích ca ông thì nước M chia r như vy là có s khuyến khích ca ông Trump bng cách hành x ca ông ta.

"Chúng tôi nghĩ rng ch có ông Joe Biden đã nói rng ông s là tng thng không ch ca Đng Dân ch mà là ca tt c người dân M nên chúng tôi ng h ông", ông nói thêm.

Ông T Trung hin là ch tch Hi người M gc Vit ng h ông Biden vn ra mt vào ngày 3/9 vi 500 người trên toàn nước M.

Theo li ông thì vùng Little Saigon cách nay 20 năm có đến 90% dân gc Vit theo Cng hòa, ch có 10% thành phn thm lng là theo Dân ch. Nhưng sau thi gian vn đng t l này hin nay ‘đã là 60-40%, ông nói.

Ông cho biết hin con s thành viên hi ca ông ‘đã lên đến hàng chc ngàn, trong đó ch yếu là giáo sư đi hc, bác s, k sư, lut sư, kiến trúc sư, cu quân nhân Vit Nam Cng hòa và rt đông các em tr có bng đi hc và thành công trong s nghip.

"Bên cnh đó cũng có nhng người ln tui sau mt thi gian đã nhn thc được nhng chính sách ca Đng Dân ch như Medicare, an sinh xã hi mi giúp ích cho h ch không phi Đng Cng hòa vn không bao gi quan tâm đến nhng người thp c bé hng như h", ông cho biết thêm.

Trong khi ông Lượng biết ơn Tng thng Ronald Reagan, ông Trung li nói nhng người t nn như ông đến M ch có hai bàn tay trng ch nh các chương trình giúp đ người t nn ca Đng Dân ch mà h mi được hc hành thành tài như ngày nay.

‘Không s lép vế

Hi ca ông Trung va t chc mt cuc tp hp ng h ông Joe Biden trên toàn nước M nhưng riêng ti Little Saigon cuc tun hành đã xy ra s c. Theo li k ca mt người tham gia thì nhng ng h viên ca ông Trump đã tn công h bng ngôn t nng n.

"Chính là nhng người ln tui đã chi ra chúng tôi bng nhng danh t rt thm t. H còn giơ mt h không đeo khu trang vào anh em chúng tôi rt là nguy him", ông Trung k và cho biết sau đó ông đã quyết đnh hy các cuc tun hành tiếp theo min Nam California và không mun to s căng thng.

"H có quyn ng h ông Donald Trump thì chúng tôi cũng có quyn ng h ông Joe Biden trong tinh thn thng thn và tôn trng ln nhau", ông Trung bc xúc và lên án nhng người ng h ông Trump là vô cùng n ào và hung hăng. lp tr nhìn thy h tht vng vô cùng v nhng người cha chú", ông nói.

congdong4

Biu ng ng h ng c viên Joe Biden là hình nh hiếm hoi Little Saigon

Mc dù không còn tun hành rm r như phe ng h ông Trump na, nhưng ông Trung nói rng phe Dân ch ca ông đã to được hình nh rt tt trong lòng công chúng và không s b lép vế.

"Nếu chúng tôi chng t được mình là có trí thc, có trình đ đàng hoàng, ôn hòa, có căn bn chính tr thì chúng tôi nghĩ rng mình không cn phi n ào lên tiếng. Nếu n ào lên tiếng mà to nhng hình nh xu xa như vy thì s b hiu ng ngược", ông phân tích.

Ông cho biết nhng người gc Vit theo Dân ch vùng Little Saigon cho đến gi vn còn cm giác rt s và không mun công khai mình theo Đng Dân ch và bn thân ông là mt trong nhng người Dân ch đu tiên ‘đường đường chính chính công khai.

Theo li v cu k sư này thì các bn tr tham gia trong hi ca ông có than phin vi ông v h sâu ngăn cách vi cha m. Theo như ông gii thích thì các bn tr khi mun tranh lun đã nghiên cu, tìm hiu rt k nên không chp nhn cách suy nghĩ áp đt, cm tính, phi logic ca cha m. "Các bc ph huynh mun thuyết phc được con cái ca mình phi có lp lun, d liu khoa hc vì các em bây gi gii lm", ông khuyên.

Có nhng gia đình người cha và người con vì bt đng quan đim chính tr mà không ngi ăn cùng nhau na, theo li ông Trung, đến ni mt s bn tr dù còn đi hc phi dn ra riêng. "Người con thì cho rng cha mình cung tín còn người cha nói con mình có đu óc cng sn", ông cho biết.

‘Trump hy dit đt nước

Trước nhng lp lun ca nhng người ng h ông Trump rng ông Joe Biden và Đng Dân ch là cng sn và tay sai cho Trung Quc, ông Trung phn bác hoàn toàn.

"Tôi là nhà khoa hc, tôi phi da vào thc tế, vào bng chng ch không phi cm tính", ông din gii.

Ông cho rng chính Đng Cng hòa dưới thi ca Tng thng Richard Nixon và Ngoi trưởng Henry Kissinger mi là người b rơi Vit Nam Cng Hòa cho cng sn.

"Hãy nhìn vào công vic kinh doanh, tài khon ca ông ta Trung Quc", ông phn bác lp lun Trump ‘đánh Trung Quc. "Đánh Trung Quc hay không là chính sách ca nước M ch không phi ch ông Trump mi đánh được mà các tng thng khác không làm được vì đó là quyn li nước M".

Còn v vic ông Biden không cho người t nn Vit vào M, ông Trung nói hoàn toàn là ba đt đ tuyên truyn. "Chính ông Biden và nhng người đng nhim đã đưa ra d lut giúp 183 ngàn người t nn vào M vào có nhng đo lut giúp người t nn có đi sng tiêu chun ca dân t nn", ông làm rõ.

Trong đi dch Covid-19, ông Trung lên án ông Trump là ‘vô trách nhim vì nếu ông y xem trng vn đ này thì chúng ta có th có thêm 40-50 ngàn người M không phi chết theo s liu ca Đi hc John Hopkins.

Ông cũng than phin ông Trump đã làm đánh mt v thế nước M khi xa lánh các đng minh trong khi li gn gũi vi k thù ca nước M như Kim Jong Un và đc bit khúm núm trước Tng thng Nga Vladimir Putin.

Trên h sơ kinh tế, ông Trung cho rng Tng thng Trump ‘đã tha hưởng nn kinh tế đang lên t thi Obama và vic ct gim thuế ca ông ch có li cho nhng thành phn đi t phú như ông Trump và bn bè ông khiến cho thâm ht ngân sách ngày càng cao

‘Dân ch là cng sn

Chúng tôi mang nhng lp lun ca ông T Trung đến gp ông Đng Văn Âu, 80 tui, mt cu phi công ca quân lc Vit Nam Cng Hòa, người đã đng ra thành lp hi người M gc Vit ng h Tng thng Donald Trump.

Trong căn nhà có treo nhiu hình nh ca ông Trump cùng gia đình, ông Âu cho biết trong thi gian qua ông đã tích cc viết nhiu bài nói v cái hay, cái tt ca ông Trump, b tin túi thuê người làm các chương trình tung lên Youtube và đã t chc được 10 cuc tun hành ng h ông Trump.

congdong5

Ông Đng Văn Âu ngày nào cũng mit mài viết bài bin lun cho ông Trump đ đăng lên mng vi hy vng thuyết phc thêm nhiu c tri

Ông lp lun rng ‘Đng Dân ch bán nước cho Trung Quc vì ông Biden đã tuyên b rõ ràng rng Trung Quc là đi tác ca M và s phát trin ca Trung Quc phù hp cho s phát trin ca M.

ng Dân ch bt chước cng sn ch m dân. H đưa ra nhng chương trình xã hi rt tt đp nhưng phi ly tin đâu ra", ông Âu nói thêm.

"Vi hiu biết thông thường ca mt người đã mt nước vào tay cng sn thì tôi thy con đường Đng Dân ch đi là tai ha cho nước M. Không có quc gia nào xóa b ngân sách cnh sát. Không có quc gia nào m ca biên gii cho nhng thành phn bt ho vào M mà được hưởng nhng quyn li như y tế, gia cư, thc phm", ông bc xúc.

Ông Âu cho biết ông chưa bao gi đng ra vn đng cho mt ai c nhưng vì trong thi gian ông ‘quá bc xc vì các đài truyn thông ca người Vit đây toàn là chi Trump.

"Có khi 1-2 gi sáng tôi ngi dy viết bài", ông nói. "Giá như tôi có đài phát thanh truyn hình riêng tôi s lên đó c đng đng bào hàng đêm".

Hi ng h ông Trump mà ông lp ra tp hp nhng người cùng chung chí hướng hot đng cho đến ngày bu c và ch có mc đích là vn đng mi người bu cho ông Trump đc c nhim k hai mà thôi, ông cho biết.

Mi tun hi ca ông hp trc tiếp mt ln, ông nói. Chiến thut ca hi, theo li ông, là ‘đưa ra lp lun ng h ông Trump đ thuyết phc mi người, làm thành vết du loang t người này đến người kia.

"Có nhng ch em hot đng rt hăng say, theo dõi tin tc ca hai đng trên đài ri trong cuc hp đem ra nói cho các anh em biết là nên đem lp lun này đi thuyết phc qun chúng".

Còn v các cuc tun hành, ông Âu cho biết là ngày càng đông người tham gia’ và dù đã 80 tui ông vn đích thân lái xe ch người đi tun hành. "Mi ln tun hành xe hơi là c qut ng h Tng thng Donald Trump tràn ngp c đường ph", ông nói.

Ông nhc đến mt cuc tun hành ròng rã t Bc kéo v Nam California ri kéo thêm mt s người ng h Nam California làm mt cuc hành trình dài t California sang tn th đô Washington D.C

"Trong lch s Hoa K chưa tng có v tng thng nào được ng h nhiu như thế", ông Âu bình lun.

ng h Trump đ chng Cng

Ông Âu nói rng do ông là chiến s chng Cng quyết lit nên ông thy cn phi bu cho ông Donald Trump.

"Bây gi dù tt c người Vit t nn cng sn trên khp thế gii đoàn kết vi nhau thì cũng không có kh năng lt đ cng sn được. Ch có Hoa K vì s sng còn ca mình h s kết hp vi Âu Châu, n Đ, Nht, Úc bao vây Trung Quc làm cho h chết đói và tan rã bi vi Trung Quc sng da vào sn xut và xut khu", ông phân tích.

"Mt khi cng sn Trung Quc tiêu thì Đảng cộng sản Vit Nam cũng tiêu", ông cho biết và do đó ông s bu cho ai làm nước M giàu mnh vì khi đó mi đương đu Trung Quc được.

Ông Âu cũng mnh m bin h cho nhng ch trích nhm vào ông Trump : ng Trump nói di có hi gì cho nước M ?"

"Chuyn đo đc không quan trng vì đâu có ai hoàn ho", ông Âu lp lun. "Mt người có đo đc như Jimmy Carter nhưng tài lãnh đo đt nước không có thì có cũng như không".

Ông nói vic ông Trump có tài khon Trung Quc là điu bình thường mt doanh nhân có tài khon khp thế gii.

"Trong 4 năm cm quyn, ông Trump đã làm nhiu hơn tt c các tng thng khác thì ti sao li không bu ông na", ông Âu lp lun.

Ông không đng ý vi ông Trung là người t nn Vit Nam phi biết ơn Đng Dân ch vì nếu Đng Dân ch đi theo con đường ca cng sn thì tôi có phi mang ơn và quý trng na không ?

‘Dùng lý l thuyết phc

Ông Âu nói ông không ch trương dùng bo lc tn công nhng người bên phe Dân ch vì trong xã hi dân ch phi dùng lý l và kh năng thuyết phc da trên nhng thành qu ông Trump đã làm cho nước M.

Tuy nhiên, ông cũng than phin v vic trong gia đình người anh ca ông có người con c nhm mt đi theo Đng Dân ch.

"Tht đau đn cho nhng người qua đây theo din HO, h chng Cng, b tù b đày, đem con qua đây, nuôi con ăn hc, phi lo đi làm đ nuôi con mà con vô trường đi hc ca M là đi theo Đng Dân ch hết", ông than th.

Ông nói nhng trường hp như vy thì cha m cũng phi chu vì không th thay đi được con em h. "Bn tr là có bng cp, tiếng Anh gii nên nghĩ rng h thông minh hơn b m nhưng h quên rng h có ngày hôm nay là đng trên vai ai ?"

Mc dù các cuc thăm dò dư lun đu cho thy ông Biden đang dn trước ông Trump, ông Âu vn tin chc chn rng ‘ông Trump s thng.

Ông dn ra vic hi năm 2016 ông Trump thế yếu mà vn thng c và khng đnh rng ‘ý dân là ý Tri.

"Tôi tin là ông Trump s thng vì ông y là người được Chúa đnh đ cu nước M và ông y đã nói cái gì thì làm hơn điu ông nói thì làm sao người dân không tin cho được", ông din gii.

‘Bt bình vì s di trá’

Là người thường xuyên sinh hot vi gii tr, ông Nguyn Thế Ngc, 87 tui, mt cu giáo viên Toán dưới thi Vit Nam Cng hòa, cho biết ông vn là người theo Cng hòa nhưng trong k bu c ln này ông quyết đnh ng theo Dân ch đ bu cho ông Biden vì thy phe Cng hòa gc Vit toàn tuyên truyn di trá’.

" đây (Little Saigon) người nào mà nói không bu cho ông Trump là b hành hung, chi bi và làm nhng chuyn k khôi lm", ông Ngc cho biết. "Do đó tôi mun ct lên tiếng nói ca mình chng li s cung tín".

congdong6

Các cuc tun hành ca nhng người Vit ng h Biden thường gp phn ng d di t nhng người ng h ông Trump

Ông cũng lên án nhng người ng h ông Trump "bóp méo s tht". "Chính sách ca Đng Dân ch toàn là có li cho người t nn, t ưu đãi nhà , hc hành, y tế - cái đó được công b công khai trong h sơ lưu tr ca Quc hi". ông cho biết.

"Ti sao li nói sai s tht ? Chng thà nói rng mình không thích bu cho ông Biden", ông phân tích. "Làm như vy là có ti vi nhng người đã cưu mang, giúp đ mình".

" đây nhiu người c chp mũ ông Biden là kỳ th người t nn, chi bi ng, chi bi ông Obama là M đen này kia n. Tôi không đng ý chuyn đó. Người ta làm sai đim nào thì mình vch ra ch không phi nhm màu da người ta mà chi".

Khi được hi liu có s hay không khi đi đu vi đám đông cung nhit ng h ông Trump, ông Ngc nói ông không s vì M còn có lut pháp.

Theo li ông thì ông hc theo người M là tôn trng s tht và tôn trng quyn t do ngôn lun ca người khác nhưng không được nói di, không được chp mũ’.

Ông lp lun là nếu nói cái gì Cng hòa cũng đúng thì không công bng vi Đng Dân ch. "Cái gì ông Trump không đúng thì mình phi nói. Ti sao cái gì cũng nht đnh là ông Trump đúng ?" ông đt vn đ.

Ông Ngc ch ra nhng sai lm ca ông Trump như nói láo là Covid-19 là trò lường gt, tn công Tiến s Anthony Fauci, t chc s kin siêu lây lan virus Nhà Trng.

"Nước M dn sc vô cha tr cho nhà ông Trump thì dĩ nhiên ông mi hết bnh còn người dân thì vn chết như r", ông bc xúc.

‘Trump s giúp kinh tế M

Tng thng Trump luôn coi vn đ kinh tế là lá bài ch giúp ông tái đc c. Cô Phm Nguyn Đan Thư, mt giáo viên 24 tui, cho biết do cô quan tâm đến vn đ kinh tế nên s bu cho ông Trump.

"Tôi s m cơ s kinh doanh riêng nên s ng h Đng Cng hòa vì tôi thích chương trình kinh tế ca h", cô gii thích.

Theo quan sát ca cô thì kinh tế M trước khi có Covid-19 là đang đi lên vì không có nhiu người tht nghip.

Cô cho biết mc dù ng theo Đng Cng hòa nhưng tùy theo vn đ mà cô có lp trường t do hay bo th, chng hn cô ng h quyn phá thai nhưng không đng ý vi chính sách phúc li xã hi hào phóng ca Đng Dân ch vì bn thân cô ‘đóng thuế thu nhp cao.

Vn tng là mt di dân, cô Thư nói lúc đu cô có cm thông vi nhng người vượt biên vào M bng đường b nhưng dn dn cô đi theo lp trường ca Đng Cng hòa v di dân vì h đem vào M nhng điu không tt.

Cô cho biết khi còn đi hc trường thì nghe bn bè xung quanh nói chuyn vi nhau, cô đã ng h Đng Dân ch vì nhng câu chuyn v ông Barack Obama và bà Michelle Obama to nhiu cm hng cho gii tr.

Nhưng do gia đình cô đã tng tri qua cuc khng hong tài chính tin t vào năm 2008 nên cô rt không mong mun kinh tế nước M đi xung.

Hin ti vùng cô đi làm San Jose, San Francisco đa s mi người đu có tư tưởng t do, cô cho biết, nên cô cm thy áp lc nếu công khai cô là người ng h ông Trump. "Tôi s mt bn bè", cô nói.

"Tôi s giu lp trường ca mình mà ch th hin khi đi b phiếu", cô nói thêm.

Theo nhn đnh ca cô thì ông Joe Biden hơi yếu vì ‘ông y tranh c da trên mt chiến dch tình cm như cm thông vi các nn nhân Covid-19, hay nhng người biu tình Black Lives Matter.

Nim tin chiến thng

Trái vi ch Thư, cô Nguyn Minh Hà, mt thành viên tích cc trong hi ca ông T Trung, khen ngi ‘ông Biden quan tâm đến mi người dân điu này trái ngược vi ông Trump vn ch quan tâm đến bn thân ông y.

"Ông Trump đã nói dch Covid-19 là vy đó nên ráng phi chu (it is what it is). Chúng tôi thy vy là không có nhân tính vì ông y không quan tâm đến chúng tôi thì làm sao làm lãnh đo ca chúng tôi được ?" cô đt vn đ.

Cô Hà, người tng làm tư vn v dch v dân sinh, cho biết gi đây cô tích cc lên mng xã hi tranh lun vi nhng người ng h ông Trump cho dù có b chp mũ, lăng m vì cô hy vng nhng người trung lp s nhn ra s tht.

Hu hết các thành viên trong hi ca ông Trung mà VOA tiếp xúc đu bày t bc xúc v vic h b chp mũ là cng sn. H cho biết h là nhng người đã có chng b tù ti trong nhà tù cng sn suýt chết, hoc có thân nhân chết trên chiến trường Vit Nam nên h là nhng người chng Cng quyết lit và không th nào thân Tàu được hết.

Cô Hà dn ra trường hp l đi là mt người em được anh trai bo lãnh qua M đòi ‘đui anh v Vit Nam vì dám ng h Joe Biden mà không ng h ông Trump như người em.

Ông T Trung nói sau ngày bu c này dù kết qu như thế nào thì ông hy vng người Vit hai phía s ngi li vi nhau đ hàn gn quan h vì li ích chung ca người Vit trên đt M.

Các thành viên trong hi ca ông va làm mt video clip 50 Ph n chng Trump tung lên mng và rt được ng h, cô Minh Hà cho biết. H cũng sáng tác bài hát c đng Hãy bu cho Biden bng c tiếng Vit ln tiếng Anh và đang chun b sáng tác mt bài hát ‘ăn mng chiến thng ca ông Joe Biden.

V phn mình, ông Đng Văn Âu cho biết ông đã đt mt ba tic ti nhà hàng vào ngày 8/11 đ ‘ăn mng ông Donald Trump tái đc c. Theo li ông thì 25 bàn tic vi 250 người tham d ‘đã hết sch vé’. Ông Âu khng đnh rng s không có ri ro vì ‘ông Trump chc chn s thng.

Ngọc Lễ

Nguồn : VOA, 31/110/2020

*******************

H bt đng sâu sc v chính trị * Tình ch em níu h khi s chia r

Hoàng Long, VOA, 31/10/2020

GLENDALE, Ariz. — Nhng ngày này cuc đua tranh c tng thng M gn như chiếm trn s quan tâm ca ch Nguyn Anh Thư. Bt c khi nào rnh ri ch li đem đin thoi ra lướt Facebook ri chia s li nhng bài viết hay nhng video bình lun chính tr. Ch làm điu đó gn như mi ngày và ch không che giu quan đim và lp trường chính tr ca mình. Ch ng h mnh m Tng thng Donald Trump.

congdong7

Ch Nguyn Anh Thư (phi) nói chuyn vi ch gái Nguyn Anh Thúy trong mt ln đến thăm nhà mi ca ch Thúy Glendale, bang Arizona, ngày 25 tháng 10, 2020.

Mến m v tng thng Đng Cng hòa bao nhiêu ch càng dè bu nhng người ch trích ông và gii truyn thông by nhiêu. Ch không ngn ngi tranh lun và đp chát vi nhng người mà ch nói là coi thường nhng người theo Đng Cng hòa và ng h ông Trump như ch. S khinh th ca ch đi vi h tràn ngp trang Facebook cá nhân và ch không quan tâm nhng li đ kích ca ch làm mích lòng ai.

Nhưng có mt ngoi l : ch s gi im lng hoc tránh nói v chính tr vi ch gái ca mình, người chng đi ông Trump quyết lit và ng h ng c viên tng thng Đng Dân ch Joe Biden.

Cm ci bên bàn làm móng trong mt tim nail bên ngoài thành ph Phoenix, bang Arizona mt sáng Ch nht gn đây, ch Thư, 47 tui, nói v s khác bit quan đim chính tr gia hai ch em vi mt v khách người M ln tui, người cũng ng h Tng thng Trump. Ch cho biết ch gái ca ch ng h "nhng th min phí" như y tế và giáo dc trong khi cá nhân ch thì ngược li, và rng ch không bao gi tranh lun v s khác bit quan đim vi ch mình.

"Ch tôi là người tt", ch nói bng tiếng Anh vi v khách.

S phân cc chính tr đã tr nên sâu sc hơn M trong nhng năm gn đây khi s đi đu đng phái ngày mt gay gt và nhng tranh cãi bùng lên không ngt Washington, vi tâm đim là mt v tng thng quyết không lùi bước trong nhng cuc đu khu kch lit vi nhng người ch trích.

Trên mng xã hi, nhng cuc tranh lun chính tr mau chóng nhường ch cho nhng li l đ kích, gièm pha và mit th gia nhng người có quan đim đi lp. Trong gia đình và gia bn bè, s khác bit quan đim chính tr tr thành ngun cơn gây chia r và làm rn nt các mi quan h lâu năm, đ li ni bc dc, tht vng và tiếc nui cho nhiu người.

Mt cuc khảo sát ca Trung tâm Nghiên cu Pew đu năm nay cho thy gn ba phn tư người M nói rng xung đt gia nhng người theo Đng Dân ch và Đng Cng hòa hin gi là rt mnh và t l này đã tăng cao đáng k trong gn mt thp niên. Vin nghiên cu chuyên thăm dò dư lun v các vn đ xã hi cho biết khi h đt câu hi đu tiên vào tháng 12 năm 2012, 47% người M mô t xung đt đng phái là rt mnh. Bn năm sau, vào tháng 12 năm 2016, 56% nhn đnh như vy, và t l này hin nay là 71%.

Xu hướng này nht quán vi s gia tăng ác cm v đng phái trong nhng năm qua, bao gm mt b phn ln nhng người trong mi đng gán nhng đc tính tiêu cc cho nhng thành viên ca đng đi lp và đánh giá h mt cách tiêu cc, Pew cho biết.

Ch Thư nói s khác bit quan đim chính tr gia hai ch em bt đu tr thành mt đim nóng trong mi quan h ca h vào năm 2016 cũng trong mùa vn đng tranh c tng thng. Ch nh tng cht vn ch gái trên Facebook v vic ng h phá thai trong tư cách mt người Công giáo. Sau đó ch nói ch nhn thy hai người không còn là bn trên mng xã hi này na.

K t khi ông Trump nhm chc tng thng và bt đu làm đo ln nhng l thói và khuôn mu lâu năm Washington, ch Thư tr thành người ng h nhit thành ca ông, người mà ch nói ch không biết gì nhiu vào năm 2016 khi b phiếu cho ông và rng lá phiếu ca ch dành cho Đng Cng hòa nhiu hơn. Phn ln các thành viên khác trong gia đình ch đu ng h Tng thng ngoi tr người ch th hai. Xung đt gn như là điu không th tránh khi.

Ch k mt trong nhng tranh cãi bùng lên trong mt ba cơm gia đình liên quan đến s người chết vì dch Covid-19. Người ch bày t lo ngi v con s t vong tăng cao và s lây lan ca dch bnh trong khi ch Thư t ra nghi ng con s tht s, dn ra nhng ngun tin mà ch đc nói rng mt s bnh vin lit kê sai s người chết đ nhn được tin h tr ca chính ph.

"B la mình lin, Nói tm by tm b, vy là mày nghe nhng đài fake news ri. Mình biết lúc đó là nóng ri đó nên mình nói, OK, vy thôi không nói na,’" ch k.

Đó là s nhún nhường mà ch s không bao gi chp nhn trong nhng cuc tranh lun vi người ngoài, ch nói. Ch biết tranh cãi vi người trong nhà, đc bit là người có quan đim mnh m như ch gái ca mình, không nhng không thuyết phc được h thay đi ý kiến mà thm chí còn làm cho tình cm gia đình st m. Ch không mun điu đó xy ra vi mt trong nhng người mà ch gn bó nht sut hơn 20 năm đu đi.

Ch Thư k hai ch em sng chung vi nhau t nh cho đến khi h theo m sang M đnh cư vào năm 1991 nh ba ch bo lãnh. Khong thi gian đu h đến sng bang Alaska ho lánh gn Bc Cc ri sau đó dn vào trong lc đa ca M B Tây. Hai ch em thuê mt căn h sng cùng nhau trong nhng năm tháng hc đi hc. Dù tính tình, li sng và s thích ca h gn như trái ngược nhau, h hiu nhau, đùm bc và yêu thương nhau.

S khác bit quan đim chính tr ít nhiu khơi lên căng thng trong mi quan h ca h trong nhng năm gn đây, nhưng ch Thư xác đnh tình ch em ca h quan trng hơn nhng khác bit đó và ch nói sn lòng gi im lng hoc lùi bước đ gi hòa khí gia đình. mt mc đ nào đó, s nhún nhường này phn ánh mt nguyên tc sng ca ch.

"Con người ca mình không phi lt lng hay gi di hay không gi vng lp trường nhưng mà mình nghĩ đôi khi mình sng trong cuc sng mình phi linh đng, có nghĩa là ging như mt cái cây đng có cng quá nó s gãy", ch nói, nhc ti vic ch biết mình có th đ cp ti nhng vn đ chính tr vi ai và vào lúc nào đ tránh gây nên căng thng không cn thiết.

"Mình đi vi gia đình thì mình phi dùng s giao thip ca gia đình. Mình biết người đó không thích cái đó, mình dù sao cũng là ch em, mt cái gì đó mà trong trong tương lai hoc ngày mai mình không th ct đt b được. Ti sao người ta không thích cái đó mình làm cái đó làm chi ?"

Ch Nguyn Anh Thúy, người ch gái có quan đim chính tr đi lp, đã dn ra khi nhà ca ba m ch sau mt khong thi gian sng chung k t khi ch dn v t California vài năm trước. Ch nói ch không th chu được vic hàng ngày phi nghe nhng bình lun chính tr t các kênh YouTube ca mt s người Vit mà ba ch theo dõi. S xung khc v quan đim chính tr cũng làm cho s giao tiếp gia ch và người nhà thêm khó khăn, ch nói.

Nhưng ch Thúy vn gi liên lc thường xuyên vi ch Thư và gn như không có s rn nt nào trong mi quan h ca h bt chp nhng khác bit sâu sc v quan đim chính tr. Ch Thúy thm chí th hin mt s tin tưởng nht đnh vào kh năng ca ch Thư thu xếp mt cuc hp mt gia đình mà ch e ngi có th khơi lên nhng bt đng trên bàn ăn.

"Tht ra ch không mun bên đó, nếu em qua được ch s theo em", ch Thúy, 51 tui và là chuyên viên x lý hóa đơn y tế cho Amazon Pharmacy, viết trong tin nhn bng tiếng Anh gi cho ch Thư vài tun trước. "Nói tht bây gi ch tránh xa chính tr. Chc ti ngày 3 tháng 11".

"Thư nó là người tt", ch Thúy nói vi phóng viên VOA trong mt cuc gp g vào tun trước. Ch khen em gái mình v nhng phát biu "tiếu lâm" đôi lúc khiến ch bt cười.

Nhn xét v ch mình, ch Thư nói ch phc tính cách "kiên cường" ca Thúy. Không ch là s kiên cường trong nhng cuc tranh lun mà ch nói "gây đến khi nào phi thng, không thng thì gin b đi", mà còn là s kiên cường dn thân hc hi và tri nghim.

"B hc nhiu lm, ngày xưa b làm cho Honeywell nghe nói là b hc ly bng lái máy bay, b hc làm cô giáo, hi xưa b cũng m tim nail mà cũng tht bi, ri b m tim git khô, ri b hc ly bng chăm sóc em bé", ch Thư lit kê. "Mình không biết b ly đâu ra nhiu năng lượng vy".

Mt bui chiu Ch nht cui tháng 10, ch Thư ghé thăm căn nhà mi mà ch Thúy dn vào sau khi dn đi khi nhà ba m my tháng trước. Ch trm tr khen gian phòng m cúng vi ban-công nhìn ra khong không gian rng m gia lòng đô th. Hai con chó poodle và chihuahua ca ch Thúy qun quít theo bước ch Thư. Tiếng cười nói rn rã xua tan s tĩnh lng ca căn nhà lúc chiu tà.

Ch Thư đến r ch Thúy đi ăn ph nhưng ch Thúy vn chưa sn sàng. Ch còn vài vic lt vt mun gii quyết xong trước khi đi nhưng vn chưa có thi gian. Ch Thư ôm gi qun áo tiến đến ch đt máy git.

"Em s b đ ca ch vào máy git cho ch, OK ?" ch Thư nói ln bng tiếng Anh.

Không rõ ch Thúy có nghe thy gì không. Trong phòng ng ch vn bn bu lc li trong t đ th mà ch đã gi gìn cn thn gn 30 năm nay. Mt bài báo cũ viết v mt tri hè dành cho các thanh niên Công giáo người Vit mà ch và Thư tng tham gia. Nhng trang báo ng màu thi gian lưu gi nhng k nim ca hai ch em khi h sng cùng nhau.

"Làm ơn ct phn này đ dành li cho con !" hàng ch viết bng bút lông đen vn in đm trên trang báo vàng. Mt bc hình các bn tr tham gia sinh hot tri in ngay chính gia trang báo. Bút mc đ khoanh tròn hai cô gái tr ngi quây qun cùng nhng tri viên khác.

Nhng hot đng như vy đã giúp kết ni hai con người khác bit "mt tri mt vc", ch Thư nói.

Tình ch em ca h tr thành ch da tinh thn cho mi người khi h bt đu tìm kiếm nhng con đường ca riêng mình trong cuc đi.

Gi nó là cht keo hàn gn nhng rn nt trong thi đi chia r chính tr trm trng.

Hoàng Long

Nguồn : VOA, 31/10/2020

***********************

Việt Nam : Mối lo Trung Quốc khiến một bộ phận giới trẻ đặc biệt quan tâm bầu cử Mỹ

Trọng Thành, RFI, 28/10/2020

Giới trẻ tại Việt Nam quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 không ? Người quan tâm đến bầu cử Mỹ có quan điểm ra sao ? Điểm nổi bật là mối lo ngại, thậm chí thái độ thù nghịch với chính quyền Trung Quốc, khiến một bộ phận thế hệ 8X, 9X đặc biệt quan tâm đến bầu cử Mỹ, và ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Thái độ ủng hộ mạnh mẽ này đang gây chia rẽ sâu sắc trong giới trẻ tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ.

congdong8

Sinh viên, học sinh Việt Nam chào đón đoàn của tổng thống Mỹ Donald Trump, dự thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên lần thứ hai, Hà Nội, ngày 27/02/2019.  © Reuters/Leah Millis

Nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) đưa ra một nhận định chung : "Tỉ lệ các cháu quan tâm đến bầu cử ở Mỹ không cao lắm đâu. Thứ nhất là do tình hình giáo dục, chính sách tuyên truyền, quản lý thông tin… của Nhà nước, ở trong một chế độ gọi là "công an trị", làm cho mọi người, đặc biệt là các cháu thanh niên rất ngại quan tâm đến chính trị. Số trẻ quan tâm đến chính trị, đến thời vận của đất nước, của thế giới… đến các giá trị như nhân quyền, là không nhiều".

Một số bạn trẻ cũng chia sẻ với chúng tôi cảm nhận chung, là cuộc bầu cử tại Mỹ còn rất ít được giới trẻ nói chung ở Việt Nam quan tâm, trong lúc thông tin không hẳn đã thiếu. Cùng với cuộc tranh cử 2016, tranh cử 2020 là cuộc tranh cử thứ hai tại Mỹ được đưa tin khá phong phú tại Việt Nam, ngay trên truyền thông Nhà nước.

Đối đầu Mỹ - Trung : Tâm điểm tranh luận

Dù sao, cũng có một số bạn trẻ, kể cả người trẻ làm việc trong bộ máy Nhà nước, sẵn sàng bày tỏ quan điểm mình về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Anh Vinh Thu (Hà Nội), một nhà báo trẻ làm việc trong truyền thông Nhà nước, trong một trao đổi qua thư điện tử với chúng tôi, với tư cách cá nhân, chia sẻ : "Trong số bạn bè tôi và những người tôi biết, chỉ những người trên 35 tuổi có hứng thú nhiều hơn khi trao đổi về những khía cạnh khác nhau của cuộc bầu cử. Có vẻ họ ấn tượng hơn về ông Donald Trump, nhưng người nào ghét thì cũng đặc biệt ghét".

Lý do chính nào khiến nhiều người trẻ ở Việt Nam đặc biệt quan tâm đến bầu cử Mỹ ? Giáo sư Hoàng Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đến thế đối đầu Mỹ - Trung : "Thực ra không phải bản thân vấn đề ông Trump và ông nào đó, mà là do họ nhìn cuộc bầu cử qua góc độ của người Việt, xem cái này có ảnh hưởng đến Việt Nam không ? Tôi nghĩ rằng người trẻ mà quan tâm đến việc này cũng không ngoài quỹ đạo đó đâu. Xem xét cuộc bầu cử này có lợi hay không có lợi cho Việt Nam, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hiện nay"

Tin Trump có thể "chặn đứng" Trung Quốc về kinh tế

Nhà báo Nguyễn Thiện Nhân (Bình Dương), Hội Nhà Báo Độc Lập, một tổ chức xã hội không thuộc Nhà nước, nhận xét : "Tôi nghĩ rằng số người Việt Nam quan tâm đến tổng thống Mỹ trên tổng dân số không phải là con số lớn… Tôi có sự quan sát với giới trẻ, thông thường nhiều người muốn tổng thống Trump tái đắc cử, vì ông ấy là người có thể chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc, vì sự trỗi dậy đó là không lành mạnh. Sự trỗi dậy đó là gian dối. Người ta nói là sự gian dối đó có thể phá hủy nền kinh tế thế giới. Điều đó ông Trump muốn chặn đứng".

Anh Thang Chu (Bắc Ninh), làm việc trong ngành xây dựng, chia sẻ : "Với tư cách là một người Việt Nam, tôi rất mong ông Trump là người chiến thắng. Bởi vì ông ấy đã đưa ra các quyết sách xoay trục. Không như ông Obama trước đây chỉ là nói hướng đến xoay trục, nhưng trong hai nhiệm kỳ loay hoay không xoay được trục sang Châu Á. Khi ông Trump ông ấy lên làm, không cần nói nhiều, mà ông ấy đã thực thi quyết sách hướng về Châu Á".

Trao đổi với chúng tôi qua thư điện tử, chị Vân Anh, làm việc trong một ngân hàng nhà nước (Hà Nội) cho biết quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng chủ yếu là về mặt kinh tế, đặc biệt là tác động của biến động chính trị đến chứng khoán. Theo chị Vân Anh, nhìn chung, chính sách quyết liệt của ông Trump chống Trung Quốc ảnh hưởng "tốt" đến kinh tế Việt Nam. Quan điểm của chị Vân Anh cũng khá giống với nhận định chung của Bạch Huệ, phóng viên trẻ, báo kinh tế VnEconomy, được nhiều người trẻ dùng Facebook ở Việt Nam chia sẻ : "Khi đại dịch nhấn chìm thế giới, Trump điên cuồng chống Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị khiến dòng vốn chạy khỏi Trung Quốc không ngừng. Trump làm địa chính trị thế giới thay đổi như chong chóng, giấc mơ Trung Hoa bị kìm hãm… Nói chung là ủng hộ Trump, cứ cái gì lợi cho Việt Nam là ủng hộ thôi".

Quan điểm phản bác

Về quan điểm cho rằng chính sách của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump chống Trung Quốc rất có lợi cho Việt Nam, chị Trang Nhung (Hưng Yên), một kỹ sư tin học, có nhìn nhận hoàn toàn ngược lại :

"Tôi không thấy như vậy, tôi thấy rằng, trong nhiệm kỳ của Trump, Trung Quốc có vẻ mạnh lên, và lấp đầy những chỗ trống mà Mỹ đã bỏ lại. Ví dụ, bây giờ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc đã tăng dần, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc trong các nước nằm trong khu vực chịu sự chi phối của Bắc Kinh. Ngoài ra, Mỹ cũng không làm cho quan hệ với các đồng minh tốt hơn (như Canada, Đức…).

Còn đối với Việt Nam, Việt Nam cũng sẽ không được lợi nhiều, khi Trump trở thành tổng thống. Trump sẽ không đánh Trung Quốc cho Việt Nam, như rất nhiều người đang ảo tưởng. Ông ta cùng lắm là đưa ra một số chính sách, biện pháp giống như kiểu rung cây, dọa khỉ vậy, chẳng có tác dụng gì về lâu về dài, cũng không biểu hiện ra đấy là một chiến lược gì, để làm giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trên thế giới cả. Biện pháp tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, có tác động tiêu cực với kinh tế Trung Quốc một phần, nhưng nó cũng có tác động tiêu cực đến chính nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa là biện pháp ông ta áp thuế lên Trung Quốc cũng không nhất quán, không có chính sách rõ rệt".

Chị Trang Nhung tỏ ra rất bi quan khi thấy "đại đa số" ủng hộ ông Trump trong thời gian qua. Đối với chị, điều này rất "đáng chê trách, đáng thất vọng", vì như vậy "sẽ còn rất lâu nữa mới có thể hy vọng "dân chủ hay văn minh" cho Việt Nam", bởi hai lý do, đạo đức cá nhân của ông Trump, và khả năng chính trị của lãnh đạo mãn nhiệm Mỹ. Chị Trang Nhung cũng khẳng định trong thời kỳ ông Trump làm tổng thống, "tình hình nhân quyền tại Việt Nam không được cải thiện, thậm chí còn xấu đi". 

Kỳ vọng Trump tấn công chế độ toàn trị Trung Quốc

Nếu như về mặt kinh tế hay về Biển Đông, nhiều người nhìn Việt Nam và Trung Quốc trong thế cạnh tranh, đối địch, thì về mặt chính trị, nhiều bạn trẻ lại coi Trung Quốc và Việt Nam là đồng minh ý thức hệ và chiến lược với Trung Quốc của tổng thống mãn nhiệm được hy vọng là có thể tạo ra các biến chuyển có lợi cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Chị Hằng Lê (Hà Nội), kinh doanh tự do, là người có quan điểm như vậy :

"Bởi vì hai chính quyền Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh, khả năng cao là ông Trump mạnh tay tấn công Trung Quốc, như thế thì bản thân chính quyền Việt Nam cũng cảm thấy sợ hãi, như vậy thì nó cũng tốt cho sự thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam, thúc đẩy các hệ thống chính trị Việt Nam biến đổi theo kịp xu hướng các nước phát triển. Nếu tôi là người Mỹ, tôi e rằng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Mặc dù ông ấy có những thứ không được hay ho lắm. Cả hai ông, Joe Biden và ông Trump, là hai sự lựa chọn không tốt cho nước Mỹ bây giờ, đều là tệ cả. Nhưng nói theo góc độ bộ mặt chung của thế giới, nếu 4 năm tới gọi là phẳng lặng, nếu như ông Joe Biden lên thì như vậy. Nếu như ông Trump lên thì cái này rất khó đoán biết".

Anh Quyết Hồ (Hà Nội), một nhà hoạt động nhân quyền, lưu ý đến một hệ quả bất lợi của cuộc tranh cử Mỹ, đó là làm gia tăng không khí đối nghịch trong nội bộ giới trẻ Việt Nam, và tâm lý đặt kỳ vọng quá nhiều vào một nhà lãnh đạo Mỹ, trong chiến lược với Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nội lực của Việt Nam :

"Cuộc bầu cử lần này của nước Mỹ có điểm tốt là nó làm cho người Việt Nam chúng ta quan tâm đến các cuộc bầu cử, đến chính trị nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, nó đã làm phân cực rất nhiều trong những người quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam. Các cuộc tranh luận với nhau dễ trở thành xung đột. Những người từng là bạn bè trên Facebook, hoặc trong đời sống, có thể dễ dàng tuyệt giao với nhau, hoặc là chửi bới nhau, chỉ vì họ ủng hộ người khác với mình.

Còn việc chống Trung Quốc hay là chúng ta muốn thoát Trung hay không, phải dựa vào nội lực của Việt Nam trước tiên. Nếu không có nội lực, không thể thoát Trung được. Cho nên, dù là ông Donald Trump, ông ấy có chống Trung Quốc triệt để đi chăng nữa, mà cái tâm lý, cái suy nghĩ, cái tư duy của người Việt trong nước mình, không có ý muốn thoát Trung, thì một ông Trump, chứ mười ông Trump thì có lẽ cũng không làm được gì mấy".

Thiếu thảo luận về chính sách của nước Mỹ trong ôn hòa

Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 không mấy được giới trẻ ở Việt Nam quan tâm, theo cảm nhận chung của nhiều nhà quan sát. Hiện tại, thăm dò dư luận độc lập về các vấn đề chính trị không được phép ở Việt Nam, do vậy khó có được một hình ảnh chính xác về quan điểm của công chúng.

Tuy nhiên, thông tin về bầu cử Mỹ không thiếu. Điều thiếu hụt quan trọng là các thảo luận đa chiều về bầu cử Mỹ, về chính trị Mỹ, chính sách của Mỹ với Trung Quốc, với Việt Nam, trên các phương tiện truyền thông chính thức. Nhiều người cho rằng tâm trạng khá thờ ơ với bầu cử Mỹ cũng gắn liền với tâm lý thờ ơ hoặc tránh né đụng chạm đến chuyện chính trị nói chung tại Việt Nam, còn rất phổ biến trong giới trẻ.

Trong số ít những người trẻ quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, động cơ hàng đầu của đa số họ là do tác động rất lớn đến Việt Nam, của các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. "Chống" hay "không chống" Trung Quốc, "chống" có hiệu quả hay không, là thước đo chính để nhiều người lựa chọn Trump hoặc Biden. Ghi nhận được nhiều người chia sẻ là, đông đảo người quan tâm đến bầu cử Mỹ ủng hộ ông Donald Trump. Đối với họ, chính trị gia này là người cứu nguy cho thế giới, chống lại chế độ cộng sản toàn trị Trung Quốc. Ngược lại, những người phản bác coi đây là một ảo tưởng, một thái độ cuồng tín rất nguy hiểm, bất lợi cho việc xây dựng dân chủ, khẳng định nhân quyền.

Ủng hộ hay chống Trump, các lập trường đối kháng nói trên đang gây phân hóa mạnh mẽ trong xã hội nhỏ bé của giới trẻ tranh đấu dân chủ ở Việt Nam. Một cách đánh giá về chính sách của nước Mỹ không quá tập trung vào vai trò cá nhân của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump khó hình thành trong xã hội Việt Nam, nơi dường như việc trao đổi, thảo luận bình tĩnh để tìm ra cái dở, cái hay trong quan điểm của mỗi bên chưa trở thành một nhu cầu thiết thân của nhiều người, và nhất là trong bối cảnh việc thảo luận về các chủ đề chính trị "nhạy cảm" dễ bị chính quyền can thiệp. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, phải chăng mối đe dọa thường trực, sự lấn lướt, thao túng của Trung Quốc đã đáng sợ đến mức mà nhiều người trẻ Việt Nam chấp nhận đặt niềm tin vào Donald Trump, như một vị cứu tinh, cho dù không phải là không biết những mặt xấu của chính trị gia này.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 28/10/2020

Additional Info

  • Author Thanh Phương, Ngọc Lễ, Hoàng Long, Trọng Thành,
Published in Diễn đàn

Kho sát : Đa s người gc Vit nghiêng v Trump ; người gc Á nói chung thích Biden

VOA, 17/09/2020

Các c tri người M gc Á có v như đang ng h cho ông Joe Biden nhiu hơn Tng thng Trump, theo mt cuc kho sát được liên minh các nhóm người M gc Á công b hôm 15/9/ Tuy nhiên, mt vài hãng truyn thông M cho rng con s kho sát không nói lên "toàn b câu chuyn".

chonai1

ng c viên tng thng ca Đng Dân ch Joe Biden (trái) và Tng thng Donald Trump - ng c viên ca Đng Cng hòa.

Cuc kho sát được APIAVote, AAPI Data và Asian American Advance Justice-AAJC thc hin vi 1.569 c tri người M gc Hoa, n Đ, Hàn Quc, Vit Nam, Nht Bn và Philippines trên khp nước M.

Kết qu kho sát cho thy 54% người M gc Á chn b phiếu cho ông Biden, trong khi khong 30% chn bu cho Tng thng Donald Trump. 15% khác nói h chưa quyết đnh được.

Các t chc thc hin kho sát cho rng c tri người M gc Á đang đóng mt vai trò ngày càng quan trng ti các bang chiến trường như Arizona, Pennsylvania và North Carolina.

Trong s các sc dân được kho sát, người M gc n là nhóm ng h đng Dân ch nhiu nht, vi 54% xác đnh chn phe Dân ch và 16% bu cho Cng hòa.

Đi vi người M gc Vit, kho sát cho thy người Vit vn là nhóm ng h Đng Cng hòa nhiu nht trong cuc thăm dò ý kiến. 38% xác đnh chn đng Cng hòa so vi 27% bu cho đng Dân ch. Đây vn được xem là mt "truyn thng" trong nhóm người Vit đến M t nn Cng sn.

NBC News dn li Giáo sư Karthick Ramakrishnan, chuyên v chính sách công và khoa hc chính tr ti Đi hc California, Riverside, và cũng là giám đc AAPI Data, nhn đnh rng trong các cuc bu c trước đây, người M gc Á đã có s chuyn hướng đáng k v phía Đng Dân ch, nhưng kết qu kho sát năm nay cho thy mt s nhóm đang chuyn sang cánh hu.

Giáo sư Ramakrishnan cho rng Tng thng Trump thc s đã to ra nhng du n đáng k cho s thay đi này trong nhim k tng thng ca ông, đc bit có th thy rõ s thay đi c tri người M gc Vit.

Ông Ramakrishnan dn chng mt cuc kho sát trước bu c năm 2016 cho thy người M gc Vit là nhóm sc dân ít ng h nht cho vic tiếp nhn người t nn Syria so vi các nhóm khác. Theo ông Ramakrishnan, chính quyn Trump đã đưa ra ý tưởng tâm lý v "người nhp cư tt đi chi vi người nhp cư xu" và điu này có th đã nh hưởng đến b phn c tri người M gc Vit vn được xem là bo th.

Cuc kho sát mi nht cho thy khong 48% người M gc Vit nói h s b phiếu cho ông Trump, trong khi 36% cho biết h s b phiếu cho ông Biden nếu h phi bu chn hôm nay.

Kết qu t các c tri người M gc Hoa cũng rt đáng chú ý. Cũng như người M gc n, người M gc Hoa có t l ng h đng viên ca Đng Cng hòa thp nht, mc 16%.

Trong khi đó, ông John C. Yang, giám đc điu hành ca AAJC, nói vi NBC News rng c hai ng c viên tng thng vn "còn nhiu vic phi làm" đ giành được phiếu bu ca người M gc Á. Ông nhn mnh rng các cuc kho sát trước đây cho thy có th s có nhiu thay đi trước bu c.

Khu vc bu c ca người M gc Á, vi hơn 11 triu c tri đ điu kin, đã tăng lên đáng k (130%) trong hai thp niên qua. T chc nghiên cu Pew cho rng tc đ thay đi nhanh chóng này đã khiến người M gc Á tr thành nhóm dân có s lượng c tri đ điu kin tăng nhanh nht so vi tt c các sc tc ln khác.

Additional Info

  • Author VOA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Trên số báo Cal Matters vào ngày 19/08/2019, dân biểu tiểu bang California Tyler Diệp thuộc đảng Cộng hòa đã kể lại cùng ký giả Dan Morian rằng, "Tôi còn nhớ tấm chi phiếu trợ cấp cho chúng tôi là 800 USD. 500 USD để trả tiền thuê nhà, 100 USD trả tiền vé máy bay và 200 USD tiền chợ. Tôi không nhớ có tem phiếu thực phẩm hay không nhưng có (nhận) trợ cấp xã hội và Medicare".

tyler1

Ngày 29/04/2019, Dân biểu Tyler Diep cho biết Hội đồng thành phố Westminster, bang California, nhất trí thông qua nghị quyết ACR 60 ghi nhận rằng tháng 4 năm 2019 là "Tháng tưởng niệm Tháng tư đen" để tưởng nhớ những người đã chết trong và sau hậu quả của Chiến tranh Việt Nam.

Đến Mỹ năm 1991 lúc 8 tuổi, dân biểu Tyler Diệp trở thành Giám đốc Sở Vệ sinh thành phố Midway sau khi tốt nghiệp đại học, rồi nghị viên, Phó Thị trưởng thành phố Westminster cho đến khi đắc cử vào Hạ Viện California vào năm 2018. Đó là một câu chuyện thăng tiến tiêu biểu khá phổ biến trong các gia đình tị nạn và di dân đến Mỹ trong vài thập niên qua, cách riêng là trong cộng đồng gốc Việt.

Nhắc đến câu chuyện của Dân biểu Tyler cùng vấn đề phúc lợi xã hội để thấy rằng, ông cùng gia đình cũng như phần lớn làn sóng người tị nạn gốc Việt cho đến các gia đình HO, ODP đến Mỹ, đã từng thụ hưởng những phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục trong những năm đầu tiên đến Mỹ rồi từng bước tạo dựng, đi lên và đáp trả, đạt được thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau ra sao.

Theo như bài báo có tựa "More Vietnamese Immigrants Reaching End of Benefits" trên tờ Los Angeles Times vào năm 2003 khi California thay đổi luật trợ cấp CalWORKs (
California Works Opportunity and Responsibility to Kids) trước đó, thì có đến 80% số người trưởng thành nhận trợ cấp đã liên tục trên năm năm là thuộc cộng đồng Việt Nam, cho dù người Việt chỉ chiếm khoảng 5% tại Quận Cam lúc bấy giờ.

tyler2

Cho tới năm 2003, có đến 80% số người trưởng thành trong bang California nhận trợ cấp đã liên tục trên năm năm là thuộc cộng đồng Việt Nam - Ảnh wcc.yccd.edu/student/calworks

Các chương trình phúc lợi xã hội sau này có phần giới hạn với những ràng buộc khác nhau nhưng với riêng cộng đồng gốc Việt thì số gia đình vẫn còn đang nhận phúc lợi xã hội là khá cao so với tỉ lệ chung tại Mỹ.

Theo số liệu từ Cục Dân số Hoa Kỳ thì có khoảng 16% hay 60.949 gia đình gốc Việt (theo American Community Survey - ACS 2018) bị xem thuộc nhóm nghèo khó trên giấy tờ để có thể đủ tiêu chuẩn hưởng một phần hay toàn bộ các chương trình phúc lợi xã hội.

Bảo rằng trên giấy tờ vì bên cạnh nhóm người Việt cao niên đang được hưởng chương trình trợ cấp bổ sung lợi tức SSI (Supplemental Security Income) trợ cấp lợi tức cho người già hay tàn tật, thì trên thực tế cần ghi nhận rằng, một số gia đình có nghề nghiệp tự do hay cơ sở thương mại tư nhân không khai báo thu nhập đầy đủ và thật sự vẫn có thể được xem là "nghèo khó" để được nhận trợ cấp tiền mặt (Temporary Assistance to Needy Families - TANF), thực phẩm (Supplemental Nutrition Assistance Program for  Women Infants and Children – SNAP WIC), chương trình gia cư (Section 8) hay y tế (Medicaid, Children's Health Insurance Program-CHIP hay Obamacare), giáo dục (Financial Aid ; Free Application for Federal Student Aid- FAFSA). Đó là tình trạng khá phổ biến, dễ bắt gặp trong cộng đồng.

Chẳng những không phải đóng thuế thu nhập, hàng năm các gia đình này còn được cho thêm một khoảng tiền mặt khá lớn qua chương trình tín thuế cho các gia đình có thu nhập thấp (Earned Income Tax Credit - EITC). Dù rằng, cộng đồng gốc Việt lại là nhóm sở hữu nhà với tỉ lệ 68 %, cao nhất so với tỉ lệ chung và bất cứ sắc dân nào (theo ACS 2019) 

Đến Mỹ khi các đạo luật về phúc lợi xã hội đã ra đời nên nhiều người từng hay đang thụ hưởng những phúc lợi nói trên có lẽ không chú ý chúng đã có ra sao, lúc nào và những ai đã tranh đấu để mình được thừa hưởng. Tìm hiểu về điều này không chỉ để nhìn lại hành trình của mình trên đất Mỹ mà còn hiểu hơn về các chính sách liên đới đến các tuyên truyền chính trị ra sao.

Luân phiên điều hành và bổ sung cho nhau trong các chính sách quốc gia, nhìn chung thì đường hướng của hai đảng phái chính trị chính tại Hoa Kỳ không giới hạn ở một vài điểm chính yếu có thể kể ra. Nếu đảng Cộng hòa thường thiên về quốc phòng, đối ngoại và kinh tế thị trường thì đảng Dân chủ chú tâm vào các vấn đề dân sinh, cải tổ y tế, giáo dục. Đó là lý do hầu hết các đạo luật về an sinh xã hội hay chương trình phúc lợi xã hội nói trên thường được các dân biểu cùng đảng Dân chủ đề xướng.

Như việc trợ cấp thực phẩm qua chương trình tem phiếu thực phẩm là do dân biểu Leonor Sullivan thuộc đảng Dân chủ trình dự luật (H.R. 10222) và được quốc hội thông qua, ký thành sắc lịnh năm 1964 (Food Stamp Act on 1964) mà hiện nay được gọi là SNAP.

Năm 1965, chương trình trợ cấp y tế quan trọng nhất cho đến nay là Medicare và Medicaid ra đời, do dân biểu Wilbur Mills của đảng Dân chủ trình dự luật (H.R. 6675). Hiện có khoảng 31,8 % người gốc Việt đang có bảo hiểm y tế các loại từ các chương trình chính phủ (theo ACS 2019).

Chương trình trợ cấp tiền mặt và y tế SSI (Supplemental Security Income) cho người già trên 65 tuổi hay người tàn tật được Giám đốc Sở An sinh xã hội là Robert M. Ball thuộc đảng Dân chủ soạn thảo và trình quốc hội thông qua và ký thành luật vào năm 1972 (Public Law 92-603). Không có phúc lợi SSI này thì chắc chắn giới cao niên gốc Việt sẽ rất khó khăn khi không có thu nhập lẫn bảo hiểm y tế miễn phí cho tuổi già nhiều bịnh tật.

Về trợ giúp giáo dục thì những người đã quay lại trường lớp khi đến Mỹ ắt không quên chương trình hỗ trợ tài chính Pell Grant, được đặt theo tên Thượng nghị sĩ Claiborne Pell của đảng Dân chủ đưa ra năm 1975 (S.2657). Đây là một trong những trợ giúp quan trọng bậc nhất để giúp những người tị nạn gốc Việt cùng con em mình có được thành công hôm nay thông qua con đường học vấn. Hiện nay chương trình này vẫn đang giúp cho vô số gia đình gốc Việt tiếp tục xin tiền học cho con cái mình dựa theo tình trạng thu nhập gia đình.

Một số chương trình quen thuộc và có nhiều người Việt thụ hưởng như TANF tiền mặt (hay CalWORKs tại California), CHIP, WIC... cũng đã ra đời dưới thời tổng thống Bill Clinton hoặc do các dân biểu đảng Dân chủ đệ trình.

Kể từ sau chương trình cải tổ y tế Obamacare ra đời 10 năm trước cùng các ý định về miễn phí giáo dục bậc đại học cộng đồng hai năm thì phía đảng Cộng hòa bắt đầu chỉ trích và gán đặt đảng Dân chủ là đang muốn đưa nước Mỹ vào con đường "xã hội chủ nghĩa".  Điều này ngày càng mạnh mẽ hơn trong bốn năm qua dưới thời tổng thống Donald Trump cùng chiến dịch tranh cử đang diễn ra.

Bởi đơn giản rằng, với đường hướng kinh tế thị trường và biện pháp cắt giảm ngân sách nhắm vào các chương trình dân sinh, việc miễn phí y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội... là bị xem là đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa, một hệ thống dân sinh mà Canada, Úc... cùng một số nước Châu Âu giàu có đang thực hiện cho người dân mình.

Đây là vấn đề dân sinh, xã hội hơn là đường hướng chính trị như nhiều người được nghe hay hiểu lầm. Nhưng đáng tiếc là một số người gốc Việt dù đã từng hay vẫn còn đang nhận các phúc lợi xã hội này lại tin theo để tấn công ngược lại đảng Dân chủ đã và đang bảo vệ quyền lợi cho chính họ.

Chính vì vậy, điểm lại một số chương trình dân sinh này là điều cần thiết và để thấy rằng hành trình phát triển của cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ đã có được, bên cạnh sự cố gắng thì một phần cũng nhờ vào các chính sách, sự trợ giúp bước đầu từ nhiều đời tổng thống tiền nhiệm khác nhau trong suốt 45 năm qua.

Hãy thực lòng trả lời rằng nếu cộng đồng gốc Việt đến Mỹ và khởi dựng lại từ đầu ngay vào thời điểm từ bốn năm qua với vô số những chính sách kỳ thị di dân và cắt giảm quyền lợi dân sinh thì liệu họ có tạo dựng được những gì như đang có hay không ?

Những câu chuyện lịch sử cần được kể lại và lắng nghe để không biến chúng ta thành những kẻ vô ơn. Từ những trải nghiệm được đánh đổi bằng máu và nước mắt, từ những vòng tay đón chào và cưu mang đầy tình người trên xứ lạ cho đến sự thành công hôm nay, cộng đồng Việt đã có cơ hội để thể hiện sự công bằng và bác ái hơn so với dăm thái độ đang xảy ra trên đất Mỹ hiện nay.

Nhã Duy

(17/09/2020)

Additional Info

  • Author Nhã Duy
Published in Diễn đàn

Biệt đi’ các bà các cô may khẩu trang cho cộng đng yếu thế Mỹ (VOA, 12/07/2020)

Duyen Tran và Mai-Linh Hong là hai trong số nhng thành viên gc Vit ca nhóm Auntie Sewing Squad, mt mng lưới vi hàng trăm tình nguyn viên trên khp nước M tham gia may khu trang cho nhng cng đng d tn thương và ít được quan tâm.

viet1

Duyen Tran hàng đêm dành khoảng 3 tiếng đng h đ may khu trang cho nhóm Auntie Sewing Squad, một mng lưới vi hàng trăm tình nguyn viên trên khp nước M cung cp khu trang min phí cho nhng cng đng d tn thương và ít được quan tâm.

"Hàng ngày sau bữa ti, tôi dành khong 3 đến 3 tiếng rưỡi đ may", Duyen, mt người nhp cư cùng gia đình vào M năm 1992 khi cô mi 4 tui và hin đang sng Los Angeles, California, nói. "Tôi luôn mong ch lúc đó bi vì nó giúp tôi cm thy được kết ni vi nhng người khác trong lúc chúng ta phi cách ly toàn xã hi và đ biết rng tôi đang đóng mt vai trò thông qua chiếc máy may ca mình".

Duyen đã may 1.200 khẩu trang min phí cho nhng người có nhiu nguy cơ, như nhng công nhân nông tri Oxnard, California, hay những người th dân ca cng đng Navajo Nation cũng như nhng gia đình không giy t Maryland và các gia đình đang xin t nn Texas.

Duyen chưa bao gi hc may nhưng cô ln lên vi s quan sát cũng như giúp đ khi m cô, là mt th may, và b, cùng làm trong một ca hàng may đ, nên đã nhanh chóng phát trin được k năng may vá, mà cô gi là di sn ca gia đình, đ đóng góp vào nhóm Auntie Sewing Squad.

Dù đã bận bu vi vic may khu trang min phí hàng đêm trong 3 tháng qua nhưng Duyen, tng có 10 năm làm về giáo dc sc khỏe cng đng, không cm thy b đo ln trong cuc sng mà trái li, cô cm thy cuc sng có ý nghĩa hơn khi làm ra nhng thiết b giúp bo v cuc sng ca người khác trong đi dch.

viet2

Mai-Linh Hong và con trai 4 tuổi bên chiếc máy may mà cô dùng đ may khu trang cho nhóm Auntie Sewing Squad. (Photo courtesy of Mai-Linh Hong)

Cũng như Duyen, Mai-Linh dùng k năng may vá mà cô hc t m mình, người đã đưa gia đình cô ti M t nn vào đu thp niên 1980 khi cô mi vài tui, để đóng góp cho nhóm.

Mỗi ngày, Mai-Linh may được khong 20 khu trang và các sn phm ca cô được chuyn t Pennsylvania ti nhiu cng đng d tn thương trên khp nước M, gm người th dân M, người nhp cư và người đang tìm cách được t nn.

Mẹ ca Mai-Linh, hiện đang sng Virginia, cũng tham gia may khu trang cho nhóm. Mai-Linh còn đang truyn cm hng cho đa con trai 4 tui ca mình v k năng may vá, và là mt giáo viên, cô nói s kết hp k năng này vào vic ging dy ca cô trường. Mai-Linh lấy cảm hng t Giáo sư Grace J Yoo ca trường Đi hc Tiu bang San Francisco, người đang dùng khóa hc hè ca mình đ dy các sinh viên may khu trang đóng góp cho nhóm Auntie Sewing Squad.

"May vá là kỹ năng sinh tn", Mai-Linh nói. "Qua may vá, tôi thông hiểu được vic m tôi đã phi xoay x thi t nn".

Cả Duyen và Mai-Linh tham gia nhóm Auntie Sewing Squad qua mng Facebook t đu tháng 4.

‘Biệt đi các bà cô may vá’

Khi Kristina Wong, một ngh s bin din Los Angles, đăng mt tm hình ca bn thân đeo 1 chiếc khu trang t chế kèm nhng li nhn trên trang Facebook cá nhân trong đó viết "Nếu bn b suy gim min dch mà không có khu trang, tôi có th gi cho bn mt chiếc nếu bn không n hà nhng đường ch ln xn. Nó được may bng máy Hello Kitty của tôi", cô không nghĩ rng đó là khi đim ca mt mng lưới ca hơn 800 thành viên trên toàn nước M.

Chỉ vài ngày sau khi Kritina Wong đăng li gi tng khu trang min phí, cô nhn được khong 200 đ ngh, trong đó có nhng "li đt hàng" t người làm công tác xã hội và y tá, ti thi đim California đang bt đu "bế quan tỏa cng" vì đi dch virus corona bùng phát. B ngp vì "đơn hàng" ào t đ v, Kristina Wong phi tìm kiếm s giúp đ qua Facebook. "Bn có th may không ?" là dòng đăng ti ca Kristina Wong trên Facebook đánh dấu s ra đi ca ‘Auntie Sewing Squad’ – nhóm nhng ch em may vá vi các tình nguyn viên ch yếu là ph n ca các sc dân thiu s trên khp nước M.

Ban đầu nhóm may khu trang cho các bnh vin nhưng gi đây khi các y tá đã được trang b đy đ, Kristina Wong nói, nhóm chuyn sang cung cp cho các cng đng không th tiếp cn được khu trang, thm chí nhng loi r tin, vì đói nghèo hoc trong nhng tình trng như không có đin, nước.

"Họ là nhng người làm trong các trang trại, nhng người va ra khi tri giam, nhng người vô gia cư, các cng đng người th dân như Navajo Nation, nhng người không có giy t đang tìm nơi lánh nn ti biên gii", Kristina Wong nói và cho biết danh sách yêu cu c dài ra mãi.

Kristina Wong ước tính nhóm Auntie Sewing Squad may khong hơn 5.000 khu trang mi tun.

"Tôi nhớ là có ngày thi đim năng sut nht ca mình tôi may đến 35 khu trang mt ngày và tôi đã kit sc", Kristina Wong nói. "Gi đây các ch em có người có th may đến 100 chiếc mt ngày. H tht là đáng kinh ngc".

Giờ đây, cô hu như không may khu trang na vì bn bu vi vic điu hành nhóm mà cô gi là mt "nhà máy", đang vn hành hoàn toàn t ngun đóng góp tài chính ca nhiu cá nhân và t chc qua Donor Box.

Trong những ngày đu hot đng, cách đây khong 3 tháng, các ca hàng vi phi đóng ca vì vy nhóm phi cht vt v ngun cung, Kristina Wong cho biết. T ngun hiến tng ca bn bè bng qun áo cũ, vi vn, dây chun hay băng đô t bn bè, cô cho biết nhóm đã dùng chúng để làm thành khu trang.

Giờ đây, quy trình được chuyên nghip hóa hơn khi mt s ch em tìm ngun nguyên liu, nhng người khác chuyên ct vi và lun dây chun, và mt s khác thì chuyên may. Có nhng "bà cô" được giao nhim v chuyên giám sát việc chuyn đ đ đm bo khu trang được đưa đến nơi.

Khi các cuộc biu tình sau cái chết ca người đàn ông M gc Phi, Goerge Floyd, dưới tay cnh sát da trng, Auntie Sewing Squad đã cung cp khu trang min phí cho nhng người tham gia biu tình. Với vic làm đó, Mai-Linh cho rng Auntie Sewing Squad còn là mt nhóm rt có "nhn thc v chính tr và xã hi".

Đối vi Duyen, cô nhn thy ý nghĩa ca nhng gì mà Auntie Sewing Squad mang li theo cách nhìn ca đo Pht. "Khi tôi may khu trang cho nhng công nhân nông trại Oxnard, tôi thy cm đng vì biết rng nhng khu trang tôi may s được đeo trên mt nhng người thu hoch thc phm mà sau đó s được đưa lên bàn ăn ca tôi".

Auntie Sewing Squad là một ví d đin hình v s kết ni và theo Duyen, "nó là bài học tt nht đ thy tt c chúng ta cùng kết ni thế nào gia đi dch này".

Đối vi Kristina Wong, gn 4 tháng va qua là mt cuc chy đua marathon và cô không biết Auntie Sewing Squad s tiếp tc bao lâu na nhưng mt điu cô biết chc là chng nào còn nhn được yêu cu t nhng cng đng d tn thương thì nhóm còn tiếp tc may khu trang min phí. Đó là cách đ Auntie Sewing Squad nói rng : "Tôi mun bn có được s bo v này. Tôi mun bn thy được s chăm sóc ca chúng tôi".

Duyen nói cô sẽ tiếp tc may khu trang cho ti khi đi dch kết thúc. Còn Mai-Linh cũng s dành nhng thi gian rnh ri ca cô đ tiếp tc may nhng chiếc khu trang đy ý nghĩa cho đến khi nào chúng không còn cn na.

*********************

Người Việt tại Mỹ chung tay góp sức vì đại dịch (VOA, 11/07/2020)

Một t chc phi li nhun ca người M gc Vit vùng th đô Washington t chc bui phát thc phm tươi min phí, tiếp tc đáp ng phn nào nhu cu ca người dân trong mùa dch.

viet3

Tìm nhau trong đại dịch : Kết nối nhà hàng gặp khó khăn với người khốn khó

Chương trình mang tên "Grab & Go" do Nhà Vit Nam bang Maryland t chc vào th By tun này s cung cp 300 thùng nông sn tươi cho cư dân thành ph Silver Spring. Đây s là ln đu tiên mà đi tượng nhn tr giúp được m rng đ không ch bao gm người gốc Vit mà còn nhng sc dân khác, người ph trách chương trình cho biết.

Ông Nguyên Lê, Giám đốc Chương trình ca Nhà Vit Nam Maryland, nói t chc ca ông đã thc hin 12-13 đt phân phát thc phm min phí ch yếu phc v cng đng người Vit. K t khi đại dch Covid-19 bùng phát, t chc ca ông đã hp tác vi nhà chc trách Qun Mongomery đ tăng cường các hot đng t thin này và m rng đi tượng phc v.

"Theo dự tính s bao gm cng đng người nói tiếng n Đ, người nói tiếng Tây Ban Nha và nói tiếng -rp", ông nói.

Ông cho biết thêm cách thc phân phát cũng khác nhng ln trước vì nhng lo ngi v s lây lan ca virus. Người nhn s lái xe đến đa đim phân phát đ nhn h tr thay vì các tình nguyn viên ca t chc đến tng nhà như trước đây. Mọi người cũng được yêu cu tuân th quy đnh v giãn cách xã hi.

Những thc phm được phân phát là nhng nông sn tươi do nông dân cung cp trc tiếp t nông tri ca mình, ông Nguyên nói. Chúng bao gm các loi rau c qu tùy theo mùa và tt c đu là sản phm tươi mi.

Ông cho biết trong nhng thùng hàng đã được đóng gói đ phân phát ln này có các loi trái cây như dâu tây, mâm xôi đen (blackberry), táo, đào và anh đào cùng vi các loi rau c như bí, ci xoăn (kale), xà lách, cà rt và khoai tây.

"Thông thường mt thùng có ít nht ba loi rau qu tr lên. Theo ước tính ca chúng tôi, mt thùng đ cho hai v chng và hai đa con s dng trong mt tun. Đó là lý do ti sao bên Qun Montgomery thông qua Nhà Vit Nam cung cp thc phm đnh kỳ hàng tun", ông Nguyên nói.

Ông giải thích thêm :

"Chính phủ đa phương mua trc tiếp t nông dân đ h có thu nhp và yên tâm sn xut. Sau đó nhng thc phm này được đóng gói và đm bo cht lượng và thông qua nhng t chc như Nhà Vit Nam phân phát cho cng đng".

Ông Nguyên nói nhu cầu thc phm trong mùa dch hin ln hơn s lượng thc phm được cung cp, căn c trên s người đến các bui phân phát thc ăn trước đây mà Nhà Vit Nam đã t chc cũng như nhng người người liên lc vi t chc đ xin thêm thc phẩm.

Ông cho biết ban t chc s da vào s lượng người đến bui phân phát đ t đó có th cân nhc điu chnh s lượng thc phm cung cp.

Nhà Việt Nam hin đang làm vic vi Ngân hàng Thc phm ca khu vc th đô đ m rng ngun cung ng trong tương lai.

"Trong thời gian ti, Nhà Vit Nam s có cơ hi đ cung cp thc phm cho cng đng mang tính thường xuyên hơn và ngun thc phm s n đnh hơn rt nhiu. Nó không ch dng li trong mùa dch mà sut quanh năm", ông nói.

Additional Info

  • Author VOA tổng hợp
Published in Việt Nam

Người Việt gốc Phi trong vòng xoáy bạo lực và biểu tình ở Mỹ (VOA, 04/06/2020)

Một cu quân nhân Mỹ có m là người Vit và cha gc Phi nói vi VOA Vit ng rng ông "chưa bao gi cm thy s hãi" vì là người da màu Hoa Kỳ, đng thi cho rng cái chết ca ông George Floyd khi b cnh sát bt là mt "thm kch" và công lý cn phi được thc thi.

viet1

Đại úy James Văn Thch, cu quân nhân Hoa Kỳ gc Vit tng hai ln b thương Iraq, nói rng ông ng h các cuc biu tình ôn hòa và hp pháp M.

Còn về nhng người biu tình b cáo buc gây ri và cướp bóc, cu quân nhân này cho rng h đang đánh mt danh dự và gây tn thương cho nước M cũng như gia đình họ.

Kể t khi xut hin đon video cho thy ông Floyd b mt cnh sát da trng ghì gi vào c trong nhiu phút ri sau đó t vong, nhiu cuc biu tình phn đi đã n ra khp các thành ph ln M nhiều ngày qua.

Theo quan sát của phóng viên VOA Vit ng, cũng xy ra tình trng cướp phá các ca hàng và mt s ch s hu gc Vit cũng tr thành nn nhân.

Tình trạng bo lc này đã khiến nhiu thành ph phi tuyên b tình trng gii nghiêm và Tng thng Trump đe da trin khai quân đi đ vãn hi trt t.

Là một người Vit gc Phi M, Đi úy Thch cho biết rng ông cũng tng vp phi tình trng phân bit chng tộc, nhưng may mn là chưa tng b đe da ti tính mng. Ông cho hay thêm rng k t khi xy ra các cuc xung đường rm r, m ông cm thy lo lng cho ông.

"Mẹ
bo tôi phi bo trng và nói tôi nhà. M lo lng cho tôi nhiu lm, k t khi tôi tham chiến Iraq hay tôi ti Afghanistan [đ chia s kinh nghim chiến đu vi binh sĩ M] và k c khi tôi đi li Hoa Kỳ hay v Vit Nam vì đâu cũng vy, có người tt, k xu", Đi úy Thch nói.

"Không phải là vì màu da mà vì trái tim ca h có nhân hu hay xấu xa hay không thôi. Chúng ta không nên nhìn vào màu da ca h. M nói vi tôi rng bà đánh giá con người qua cách h hành đng, ch không phi màu da".

Cùng quan điểm vi m con ông Thch, mt người Vit gc Phi khác, ch công ty gii trí D&D Entertainment ở California, ông Clarence Dũng Taylor, viết trên Facebook cá nhân vi hơn 150 nghìn người theo dõi rng "không có màu da xu, ch có người xu".

Ông cũng đăng kèm hình ảnh mà ông cho là "nhng thanh niên da đen làm hàng rào bo v mt nhân viên cnh sát bị nhóm biu tình bo đng hành hung".

"Muốn hàn gn hay to thêm vết nt hoàn toàn trong kim soát ca chúng ta", doanh nhân có cha gc Phi và m người Vit nói, cho biết thêm rng ông "ng h người M da đen biu tình không bo đng đòi công lý và bình đẳng".

Tin cho hay, các công tố viên hôm 3/6 đã truy t ông Chauvin, 44 tui, người đã ghì gi lên c ông Floyd nhiu phút dù người đàn ông da đen này nói "Tôi không th được", thêm ti giết người cp đ 2, cng vi ti giết người cp đ 3 và ti ngt. Tội danh mi này có th dn ti án lên ti 40 năm tù giam, tc là 15 năm dài hơn án tù ti đa cho ti giết người cp đ 3. Ba cnh sát khác liên quan ti v này b truy t ti tr giúp và tiếp tay giết người.

"Tất c người M bao gm tôi không ng h và lên án những k mượn cơ hi trm, cướp git, đp phá. Khi chúng ta quơ đũa c nm và gi tt c người M da đen là mi, kh thì chính chúng ta đ thêm du vào cho la kỳ th", ông Clarence Dũng Taylor bình lun.

*********************

Cơ sở kinh doanh của người Việt bị đập phá giữa bạo động ở Mỹ (VOA, 03/06/2020)

Khi làn sóng biểu tình quét qua khắp nước Mỹ liên quan tới cái chết hôm 25/5 của một người đàn ông da đen khi ông này bị một cảnh sát da trắng khống chế, các vụ bạo động cũng bùng lên ở các thành phố lớn kèm theo những hành động đập phá, cướp bóc các cơ sở kinh doanh, trong đó có những cửa hàng do người Việt Nam làm chủ.

kythi1

Một người biểu tình giơ tay trước một siêu thị đang bốc cháy trên Đại lộ Chicago, ở St. Paul, bang Minnesota, ngày 30 tháng 5, 2020.

Trong một số những vụ việc thu hút sự chú ý, các bản tin tiếng Anh trên truyền thông địa phương trong những ngày qua đưa tin về việc Nhà hàng Việt Nam Saigon Bay bị thiêu rụi trong một cuộc biểu tình bạo động hôm thứ Bảy tuần trước ở thành phố Tampa, thuộc bang Florida.

Trên Facebook, một chủ tiệm làm móng ở thành phố Chicago, bang Illinois, chia sẻ một đoạn video quay cảnh tượng tan hoang trong tiệm của ông, với các cửa kính bị đập nát và các chai nước sơn bị cướp bóc gần hết, thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ và những lời an ủi từ những người ủng hộ.

Tại thành phố St. Paul, bang Minnesota, một khu kinh doanh của người Việt bị nhắm mục tiêu khi một số cá nhân lợi dụng các cuộc biểu tình để đập phá và hôi của tại nhiều cửa hàng.

1’55 "Cũng may mắn là người Việt Nam mình không bị nặng, đa số là họ đập phá các cửa hàng lớn như Target", ông Thomas Tân Cao, chủ tịch cộng đồng người Việt ở Minnesota, nói.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với VOA, một chủ tiệm chuyên bán trang thiết bị cho ngành làm móng cho biết khu thương xá Kim Hùng của người Việt nơi bà đặt cửa tiệm "bị đập banh hết".

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói may mắn là tiệm của bà không bị thiệt hại gì, nhưng một số cửa hàng trên đường chính bị đập phá và phóng hỏa, khiến cảnh sát không có đủ lực lượng để điều tới bảo vệ những tiệm nhỏ như tiệm của bà.

Trên trang Facebook của Cộng đồng Người Việt Minnesota, một dịch vụ chuyên lau dọn do người Việt làm chủ, đề nghị cung cấp dịch vụ này miễn phí cho những cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng.

Ông Nam Nguyễn, chủ sở hữu Brady’s Cleaning Services ở thành phố Minneapolis, cho biết đã có bốn doanh nghiệp liên lạc với ông về lời đề nghị này, trong đó có một tiệm làm móng và một văn phòng kinh doanh do người Việt làm chủ.

"Người ta khổ quá, bị đập phá không có lí do gì cả. Mình không muốn lấy tiền của người ta, chỉ muốn giúp vì lòng tốt thôi", ông giải thích.

Các vụ đập phá và cướp bóc diễn ra trong bối cảnh nhiều cơ sở kinh doanh mới bước ra khỏi giai đoạn phong tỏa kéo dài vì đại dịch Covid-19, vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng và các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến cho khách hàng và doanh số sụt giảm mạnh.

Sự sợ hãi và lo lắng giờ đang bao trùm hoạt động kinh doanh của một số cơ sở do người Việt làm chủ, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi chứng kiến nhiều vụ bạo động trong những ngày qua.

Bảy ngày liên tiếp, tính tới tối 1/6, tình hình bất ổn vẫn còn căng thẳng trên khắp nước Mỹ kể từ cái chết của người Mỹ gốc Phi tên là George Floyd tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota.

Hơn 20.000 Vệ binh Quốc gia đã được điều động tại 29 bang để đối phó với những vụ bạo động.

Biểu tình nổ ra và lan rộng cả nước sau khi các đoạn video quay trên điện thoại di động lan truyền rộng rãi trên internet cho thấy ông Floyd, 46 tuổi, thở hổn hển và liên tục rên rỉ, "Làm ơn, tôi không thở được", trong khi ông bị cảnh sát khống chế bằng cách đè đầu gối lên cổ.

Cảnh sát Derek Chauvin, người bị ghi hình quỳ gối trên cổ ông George Floyd, đã bị truy tố về tội giết người cấp độ ba và tội ngộ sát.

Ông Chauvin và 3 cảnh sát tại hiện trường đã bị Sở Cảnh sát Minneapolis sa thải hôm 26/5. Thành phố cho biết tên của ba cảnh sát kia là Thomas Lane, Tou Thao và J Alexander Kueng.

******************

Nỗi kinh hoàng của người Việt trong trận cướp phá ở Minnesota (VOA, 02/06/2020)

Một s người Vit làm ăn nh Minnesota đã chng kiến nhng đoàn người vào các cơ s kinh doanh đp phá, cướp bóc và có người đã phi t dùng vũ khí chng tr trong bi cnh được mô t là ‘không có chính quyn’, theo tìm hiu ca VOA.

kythi1

Đại l Chicago St. Paul, Minnesota chìm trong khói l vi các tòa nhà và xe b đt trong cuc biu tình

Kể t ngày th Năm 28/5, các cuc biu tình ‘Tôi không th th’ (I can’t breath) đã bùng phát trên các thành ph ln khp nước M đ phn đi bt bình đng chng tc và nn cnh sát s dng vũ lc thái quá. Mi chuyn bt đu vi cuc biu tình ôn hòa sau cái chết ca mt người đàn ông da đen, George Floyd, trong lúc ông này b cnh sát khng chế ti Minneapolis hôm th Hai 25/5 va qua.

Một s các cuc biu tình này sau đó đã tr thành bo đng khi người biu tình tn công cnh sát. Có nơi đã xy ra tình trạng đt phá, cướp bóc và hôi ca trong khi nhiu bang ca M đang thn trng m ca tr li sau thi gian chng chi vi dch bnh virus corona.

Đêm kinh hoàng

St. Paul, th ph ca bang Minnesota và là thành ph ‘song sinh’ (twin cities) vi Minneapolis, cộng đng tiu thương người Vit đây đã có mt bui ti kinh hoàng vào đêm 28/5.

Siêu thị Little Saigon ca ông S Nguyn nm ngay trung tâm St. Paul cũng là mt trong nhng nơi b nhng k hôi ca nhm đến nhưng may mn không b thit hi nh s chống trả ca ch tim.

Ông Sỹ cho biết ông ‘đã dùng súng’ đ răn đe nhng k tn công. "Chúng tôi không n súng, nhưng chúng tôi cm trong tay vũ khí đ nói rng nếu ti bây dám xông vào thì tao s bn", ông nói.

"Tôi đã được hun luyn và được phép mang súng bên người. Tôi biết cách s dng, biết khi nào nên bn và khi nào không nên bn", ông phân trn.

Nhờ ông quyết đnh li kháng c đ gi gìn tài sn nên ‘nhóm hôi ca chy đi’ trong khi ‘tt c các tim khác đu b vô đp phá và có tim còn b đt’.

Khi được hi ti sao không kêu cu cnh sát, ông S nói : "Ai sng trong cnh này mi biết. Gi đó nó hn lon, không có chính quyn".

"Chúng tôi gọi 911 ti cháy máy nhưng không có ai bt. Tt c các đường dây cnh sát đu b cúp hết", ông nói thêm và cho biết rằng ‘cnh sát b quá ti’.

"Họ lo bo v cho nhng ch ln, còn nhng tim nh như mình đu không có s bo v".

"Hầu hết các ch tim khác đu b đi hết không dám li. Tt c nhân viên cũng khuyên tôi nên v nhà đi. Nhưng tôi thy ti nó ăn hôi nhng tiệm kia. Tôi nghĩ tài sn ca mình mình đã làm, đã dành dm biết bao nhiêu năm nay sao li đ b cướp được".

Ông Sỹ nói do ông ‘đã tng vượt biên thoát khi chế đ cng sn nên ông không còn s gì na’.

Theo lời k ca ông thì đêm hôm đó ông đã ‘ li gi tim sáng đêm’ và ‘kêu gi bn bè và nhân viên ca ông ai có gan ra gi tim cùng ông và được tr tin theo gi’.

"Tụi tôi có dí ti nó (nhóm hôi ca) chy xa tim ca mình. Nhng người hàng xóm xung quanh thy vy h cũng cm gy bóng chày ra khi nhà giúp tôi", ông kể.

"Nếu b trn này tôi nghĩ chc mình s b phá sn", ông phân trn. "Bo him s bi thường nhưng mà công vic kinh doanh s b gián đon vài ba tháng. Còn nếu không may mà b nó đt thì phi ngh đến hai năm".

Về tình hình hôm 28/5, ông S cho biết ‘lúc đu có người biu tình ôn hòa, hô khu hiu’ nhưng sau đó đám đông chuyn sang đp phá.

"Hầu như ti nó đi trên ngàn người đ hôi ca. Hu như ti nó không phi là biu tình. Không có lãnh đo, không có biu ng gì hết. Ti nó đi trên xe tải chở người (pick-up truck), khong 5-10 đa ngi trên đó la hét. Ri nó mun vào ch nào thì ngng li, ào vô, ly xà beng cy ca ri ào vô hôi ca. Hết nhóm này xong đến nhóm kia. Mt tim có th b hôi ca c chc ln", ông S thut li vi VOA.

m nớp theo dõi tin tức

Ông Sỹ cho biết đến ngày hôm sau, tc 29/5, tình hình St. Paul có yên tĩnh hơn vì các cuc biu tình tp trung Minneapolis, nơi khi phát v vic, nhưng ‘vn còn nhng thành phn đi vào hôi ca tiếp nhng ca tim đã b đp phá ngày hôm trước’.

"Chúng tôi đi vòng vòng con đường buôn bán chính thy ti nó vô hôi không còn sót li th gì", ông cho biết.

Hiện ti, ông đã cho đóng ván dày khp mt trước ca tim đ phòng trường hp b đp phá ln na.

Đến th Hai ngày 1/6, ch ca ông S đã mở ca tr li nhưng ‘m tr, đóng sm’. Ông s theo dõi tin tc xem đoàn biu tình đi đến đâu và tùy vào tình hình đ quyết đnh s đóng hay m, ông cho biết.

"Lúc này đã có vãn hội trt t, đã có quân đi can d. Nên nếu có gì thì có th gi h đến bảo vệ", ông nói.

"Bà con cũng sợ. H hi h đi ch cho nhanh ri v", ông cho biết v tình hình kinh doanh ti siêu th Little Saigon mà ông làm ch.

Theo lời ông thì sau my chc năm sng M đây là ‘ln đu tiên ông b nh hưởng trc tiếp bi tình trng bạo lon và cướp bóc như thế’. "Trước đây tôi ch nghe qua tin tc thôi", ông nói.

Ông Sỹ nói ông ng h biu tình đòi công lý và bình đng, nhưng ‘chng li nhng k li dng biu tình đ bo lon và hôi ca’.

Ông cho biết hôm Ch nht ngày 31/5, St Paul đã có cuc biu tình ca c chc ngàn người ‘nhưng rt ôn hòa, có cnh sát dn đường phía trước, đi rt trt t, có biu ng đàng hoàng, hô vang khu hiu’.

"Trong thời đim này, h quên Covid đi", ông nói và cho biết ‘có khong 60% người biu tình đeo khu trang’.

Ông nói bạo đng ch kéo dài trong thi gian ngn ri s hết, trong khi đó Covid-19 đi vi ông ‘đáng s hơn nhiu’ vì ngày nào ông cũng phi ra ch buôn bán và tiếp xúc hàng trăm người.

‘Bị đp banh hết’

Cũng tại St. Paul, bà Nguyn Th Hng Hnh, ch tim Twin Cities Nail Supplies chuyên bán trang thiết b cho ngành làm móng, cho biết khu thương xá Kim Hùng ca người Vit nơi bà đt ca tim ‘b đp banh hết’.

"Đập xong ri ti nó 5-7 người vô cùng một lúc. Ti nó g tng cái tivi ri ly đi hết. Có tim bán đin thoi ti nó vô ly đin thoi đi hết", bà k.

Bà cho biết lúc đó bà khóa ca tim li và đng bên trong gi tim. Bà có gi cho cnh sát nhiu ln ‘nhưng không có ai ti’.

"Ở ch đường chính bị đp phá quá nhiu, h đt tùm lum nên cnh sát lo trên kia. Tim tôi nh quá li dưới này nên cnh sát không có đ lc lượng xung bo v cho mình", bà nói và cho biết tim ca bà không b cướp nên cũng không thit hi gì.

"Do sợ quá nên ai cũng bỏ chy. Tôi tiếc ca nên ngi li. Nếu mà ti nó có vô tim tôi đi na thì tôi cũng van xin ch biết làm sao", bà nói.

Bà Hạnh d tính ngày 1/6 là ngày đu tiên m ca tr li kinh doanh sau thi gian ngh tránh dch, nhưng gi đây bà ‘cũng không dám m ca mà khách cũng không dám ti’.

"Cái thứ nht b dch mình chưa được m ca ri bây gi li đến bo lon này na", bà than th.

"Đập phá kiu này thì ai cũng s và hoang mang hết", bà Hnh nói thêm.

Theo mô tả ca bà thì nhng người đi hôi ca ‘chnhập chung vào đoàn người biu tình nhưng không phi đi biu tình mà dường như ch ý là đi ly đ, đi ăn cướp’.

"Biểu tình thì tôi đng ý nhưng tôi không đng ý vì v này mà đp này đp n. Bo lc không gii quyết được vn đ. Ch ti nghip cho người dân và các doanh nghiệp nh", bà cho biết lp trường ca mình v cuc biu tình ‘Tôi không th th’.

Khác với ông S, bà Hnh nói bà s bo lon hơn dch bnh.

"Dịch bnh mình đã mt rt nhiu, nhưng mình s an toàn hơn nếu mình nghe li chính ph, biết nhà để t bo v mình. Còn bo lon thì không biết sng chết lúc nào", bà gii thích.

Bà Hạnh cũng lên án s kỳ th đi vi người da màu và nhn xét là ‘có tình trng này’ M.

Tuy nhiên bà nói rằng ‘nếu mình làm đúng lut l thì hng ai kỳ th mình, ch khi mình làm sai người ta mi kỳ th.

*********************

Việt Nam đề nghị Mỹ bảo vệ cộng đồng Việt trước tình trạng kỳ thị người gốc Á (VOA, 29/05/2020)

Đại s Vit Nam ti M Hà Kim Ngc va bày t quan ngi v s gia tăng kỳ th người gc Á, gm c Vit Nam, trong thi gian qua liên quan ti ngun gc xut x ca đi dch Covid-19 và đ ngh chính ph M có bin pháp bo đm an toàn cho người Vit ti đây.

kythi2

Sheila Vo (đầu tiên t phi) cùng nhng người M gc Á khác trong Ủy ban người M gc Á ca tiu bang Massachusetts biu tình bên ngoài toà quc hi tiu bang Boston hôm 12/3, đ phn đi s kỳ th và thông tin sai lch nhm vào cng đng người Á M gia đi dch Covid-19.

Người đng đu phái đoàn ngoi giao Vit Nam ti Washington DC đưa ra quan đim trên trong mt cuc đin đàm vi Đi biu Quc hi M Ami Bera – hin là ch tch Tiu ban Châu Á-Thái Bình Dương và Chng ph biến vũ khí ht nhân thuc Ủy ban Đi ngoi H vin v quan h Đi tác Toàn din Vit Nam-Hoa Kỳ và hp tác ng phó vi đi dch Covid-19, hôm 21/5.

Kể t khi bùng phát dch virus corona, có ngun gc t Vũ Hán ca Trung Quc, người Châu Á và gc Á tr thành mc tiêu ca nhng v tn công bng ngôn t trên các phương tin truyn thông và trong c các tuyên b ca các chính tr gia cũng như trên mng xã hi, theo t chc theo dõi nhân quyn quc tế Human Rights Watch.

Tổ chc có tr s New York cho biết hôm 12/5 rng các v bài Châu Á tiếp tc din ra Mỹ k t khi bùng phát dch Covid-19, vi nhiu trường hp được nghi nhn trên truyn thông vào tháng 2 và tháng 3 v các v tn công vì kỳ th liên quan ti virus corona. Ti cui tháng 4, mt liên minh các nhóm hot đng người M gc Á cho biết đã nhn được gn 1.500 báo cáo v các v kỳ th và tn công thân th nhm vào người Châu Á và người M gc Á.

Trong cuộc đin đàm vi Dân biu Bera, Đi s Ngc "bày t quan ngi v tình trng kỳ th người gc Châu Á, trong đó có người Vit Nam, gn đây gia tăng tại Hoa Kỳ liên quan đến ngun gc xut phát ca SARS-CoV-2", theo thông tin v cuc đin đàm đăng ti trên trang web chính thc ca Đi s quán Vit Nam ti M.

Đại s Ngc đã "đ ngh Quc hi (M) và Chính quyn cũng như các cơ quan s ti có bin pháp hữu hiệu bo đm an ninh, an toàn cng đng người Vit ti Hoa Kỳ" thông qua ông Bera.

Nghị sĩ Dân ch Bera, đi din bang California, cho đi s Vit Nam ti Washington biết ông phn đi nhng hành vi kỳ th chng tc và s lưu tâm đến thc tế này.

Các thuật ngữ "virus Trung Quc" và "virus Vũ Hán" được mt s quan chc M và mt s cơ quan truyn thông M dùng trong thi gian đu ca cuc khng hong virus corona, và chính ph Trung Quc đã lên tiếng phn đi.

Tổng thng M Donal Trump hi tháng 3 đã gi virus corona là "virus Trung Quốc" nhưng sau đó nói rng đó "hoàn toàn không phi là kỳ th" và phn đi s tuyên truyn ca Trung Quc khi cho rng virus này bt ngun t M.

Giữa tháng này, Thượng ngh sĩ M Kamala Harris đã đưa ra mt d lut trong đó lên án việc dùng thut ng "virus Trung Quc" là kỳ th chng tc và kêu gi các quan chc phn đi nhng tuyên b như vy. D lut này còn kêu gi các quan chc thc thi pháp lut điu tra, ghi nhn và truy t nhng người phm ti thù ghét v sc tc đi vi người M gc Á.

Theo HRW, Cơ quan Điu tra Liên bang M (FBI) và các cơ quan liên bang khác chưa có hành đng c th nào đ gii quyết tình trng gia tăng các v tn công kỳ th liên quan đến ngun gc dch Covid-19, dù mt s chính quyn liên bang và đa phương đã thiết lp các đường dây nóng cũng như ch th cho các gii chc điu tra các v tn công kỳ th và phân bit chng tc.

Additional Info

  • Author VOA tổng hợp
Published in Việt Nam

Người dân Mỹ đang hành động

Chỉ hơn 10 ngày kể từ khi Donald Trump nhậm chức Tổng Thống, thế giới đã kịp chứng kiến một sự khủng hoảng từ nước Mỹ lan rộng ra nhiều nước khác do những việc làm, những sắc lệnh mà Tân Tổng thống vừa ký.

nguoiviet0

Hoa hậu thế giới Đoàn Kim Hồng chụp ảnh chung với Donald Trump tại New York năm 2007

Nói về Donald Trump, có lẽ nhiều người Việt và nhiều bài báo, ý kiến của các nhà bình luận, các nhà báo Mỹ và quốc tế đã nói rồi. Ở đây, trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến phản ứng của nhiều người dân Mỹ, người Châu Âu và người Việt đối với "hiện tượng" Donald Trump.

Khi Donald Trump đắc cử, những người ủng hộ, bỏ phiếu cho ông ta đã reo mừng chiến thắng và ngược lại, những người đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, đối thủ của ông ta thì sửng sốt, buồn rầu. Chính cựu Tổng thống Barack Obama cũng shocked và chắc chắn là cũng buồn nhiều hơn vui, vì ông biết rằng nếu Donald Trump lên, toàn bộ di sản của ông trong 8 năm ngồi ở Nhà Trắng sẽ bị Trump vứt vào sọt rác (thực tế diễn ra đúng là như vậy). Nhưng ông đã giấu đi những cảm xúc của mình, an ủi nhân viên trong Nhà Trắng, an ủi người dân Mỹ đại ý dù ai lên làm Tổng thống, nước Mỹ rồi cũng sẽ ổn, vì sức mạnh của một xã hội dân chủ, và vì ông tin vào người dân Mỹ.

Với lòng yêu nước, với niềm tin vào người dân Mỹ vào sức mạnh của một xã hội Mỹ, cựu Tổng Thống Barack Obama, những nghị sĩ của cả hai đảng đã từng phản đối Donald Trump và ngay cả bà Hillary Clinton, người bị thua đau đớn, đã gạt bỏ tị hiềm, đến dự lễ nhậm chức của Donald Trump và mong mỏi rằng Tổng thống mới sẽ tìm cách hàn gắn những chia rẽ, sẽ hành động vì nước Mỹ và nhân dân Mỹ.

Nhưng ngay trong bài diễn văn nhậm chức, Tân Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump đã khiến cho họ cũng như những người Mỹ từng không ủng hộ ông và thế giới sững sờ. Bởi vì trong cái bài diễn văn ấy Donald Trump lại tiếp tục ngôn ngữ, giọng điệu y như lúc đang tranh cử, tiếp tục chỉ trích, chê bai những người tiền nhiệm (những người đang ngồi ngay ở dưới, cách ông chỉ chừng mươi thước) và giới chính trị Washington, hô hào một chính sách bảo hộ bảo thủ về kinh tế lẫn đường lối ngoại giao "co cụm", tất cả vì nước Mỹ "America first", không nói gì nhiều đến vai trò của nước Mỹ với thế giới hay những giá trị chung của nhân loại.

Rồi Donald Trump ngồi vào Nhà Trắng. Và bắt đầu một loạt hành động, biện pháp, sắc lệnh gây tranh cãi, thực hiện đúng như những gì Trump đã từng tuyên bố lúc tranh cử, đó là bãi bỏ Obamacare, rút khỏi Hiệp định TPP, "đóng băng" mọi hoạt động nghiên cứu về biến đổi khí hậu, tiến hành xây tường ngăn giữa biên giới Mexico và nước Mỹ, ban bố sắc lệnh cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo vào Mỹ trong 90 ngày và cấm người tị nạn, vào nước này trong 120 ngày, kể cả những người có thị thực còn thời hạn và được tị nạn hợp pháp…

Ngay sau đó chúng ta thấy gì ? Sự hỗn loạn, chia rẽ tăng lên trong xã hội Mỹ, sự bất bình, hoang mang, mất lòng tin vào nước Mỹ, vào các giá trị Mỹ và các mối quan hệ lâu đời từ các nước đồng minh của Mỹ ở Canada, Úc, Châu Âu, cho tới khối NATO, EU…

Nhưng chúng ta cũng thấy gì ? Người dân Mỹ thuộc mọi tầng lớp ngay lập tức phản ứng, hành động. Ngay sau lễ nhậm chức của Donald Trump là hàng triệu người ở các bang, các thành phố khác nhau đã xuống đường trong ngày Women’s March để biểu tình phản đối, trong đó có rất nhiều khuôn mặt nghệ sĩ, người nổi tiếng, với những hình ảnh đầy ấn tượng được truyền thông ghi lại. Cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy, và không chỉ ở nước Mỹ mà còn lan ra nhiều nơi khác trên thế giới, thậm chí ở cả… Antarctica, Bắc Cực.

Sau khi sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump vừa ban ra, hàng nghìn người đã biểu tình phản đối tại các sân bay lớn trên khắp nước Mỹ như Los Angeles, New York, Chicago…

Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates từ chối bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cảnh nhằm vào công dân 7 nước Hồi giáo và bị Trump sa thải.

Bất chấp lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Trump ban hành, giấy nhập cảnh do Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa Mỹ ban hành đã cho phép gần 1000 người tị nạn nhập cảnh vào nước này trong tuần trước.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra hôm 29.1, tổng chưởng lý của 16 bang tại Mỹ, bao gồm California, New York và Pennsylvania khẳng định "sẽ dùng tất cả mọi công cụ trong quyền hạn để chống lại sắc lệnh vi hiến này".

Bốn hãng công nghệ lớn nhất Mỹ là Google, Aple, Microsoft, Amazon vừa có văn thư cảnh báo nhân viên về sắc lệnh trên, cam kết cung cấp "sự tư vấn và trợ giúp pháp lý" cho những nhân viên có thể bị ảnh hưởng. Các công ty này. mà từ các CEO hàng đầu cho tới đội ngũ nhân viên đông đảo đang có rất nhiều người là dân nhập cư, nên đều chỉ trích sắc lệnh trên.

CEO Apple Tim Cook, nhà đồng sáng lập Google là ông Sergey Brin hay CEO của facebook Mark Zuckerberg đều lên tiếng.

CEO Starbucks Howard Schultz tuyên bố công ty ông sẽ có kế hoạch tuyển dụng 10.000 người tị nạn tại 75 quốc gia trong 5 năm, hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh trên.

Các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng trong ngày thứ 2 sau sắc lệnh của ông Trump ở các sân bay trên khắp nước Mỹ và cả ở trước Nhà Trắng, tòa nhà Trump Tower ở New York.

Hàng trăm luật sư Mỹ đổ về các sân bay trợ giúp miễn phí cho người nhập cư.

San Franciso, bang California thì nộp đơn kiện Tổng thống Donald Trump do Trump chỉ đạo chính quyền liên bang từ chối cấp tài chính cho các "thành phố trú ẩn", tức là những nơi bảo vệ người nhập cư không có giấy tờ khỏi việc bị trục xuất. Họ nói thẳng rằng sắc lệnh đó là trái với Hiến pháp và trái với nước Mỹ.

Hơn 900 nhân viên ngoại giao Mỹ đã ký vào bản ghi nhớ phản đối lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Theo họ chính sách nhập cư mới này không chỉ không giữ cho nước Mỹ an toàn mà còn làm cho "kẻ thù" là bọn khủng bố có lý do để căm ghét và các nước trong khối Hồi giáo giận, không hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, trong khu vực và toàn cầu.

(Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (European Council), thậm chí còn xếp chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những mối nguy với Châu Âu !)

Chưa kể, đang có những lập luận cần phải đưa Trump ra tòa luận tội nữa kia.

Tất cả những điều đó nói lên cái gì ?

Đó là sức mạnh của một xã hội dân chủ. Người Mỹ không ngồi yên khi nhìn thấy những giá trị lâu đời của nước Mỹ bị đe đọa. Họ xuống đường, họ lên tiếng, họ phản kháng, theo những gì mà lương tâm, lý trí, lòng yêu nước và yêu đồng loại mách bảo. Đối với họ, Tổng thống là do người dân bầu ra để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân và nếu Tổng Thống sai thì họ có quyền biểu tình, chỉ trích, thậm chí yêu cầu Quốc hội phế truất hoặc luận tội, đưa ra tòa. Bởi vì họ, người dân Mỹ mới chính là chủ nhân của đất nước.

Còn người Việt Nam ?

********************

Phần 2

Người Việt với Donald Trump

Kể từ khi Donald Trump trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa rồi Donald Trump đắc cử trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người Châu Âu khác nhau ở Na Uy và một vài nơi khác, từ người Na Uy, người Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh, kể cả người Mỹ nhưng đang sống và làm việc ở Na Uy… tôi chưa hề thấy ai thích Trump cả !

nguoiviet2

Cộng đồng người Việt tại Mỹ

Trong khi đó, có rất nhiều người Việt đang sống ở nước Mỹ hay đang ở trong nước lại ủng hộ Trump, bênh vực Trump một cách khác thường ! Ủng hộ một ứng cử viên hay một Tổng thống nào đó là chuyện bình thường nhưng khi ủng hộ đến mức bất cứ ai viết gì, nói gì là vào cãi bất chấp lý lẽ, bất chấp những dữ liệu, bằng chứng mà người khác đưa ra, thậm chí thóa mạ, miệt thị người khác vì không đồng quan điểm với mình, thì đó là bất bình thường.

Tôi đã thấy trên facebook mỗi khi một ai đó viết bài chỉ trích Trump thì rất nhiều người vào ném đá, thóa mạ…Họ không phân tích tại sao bài viết đó đúng sai chỗ nào, họ chỉ tấn công cá nhân bằng đủ thứ từ ngữ. Kinh hoàng thật. Nếu những phản ứng như vậy là từ những người bênh chế độ cộng sản, đám dư luận viên khi ai đó động đến nhà cầm quyền Việt Nam, đến ông Hồ thì còn hiểu được, đằng này là Donald Trump-Tổng thống Mỹ. Tại sao thế nhỉ.

(Nói như vậy không có nghĩa là người Mỹ giữa hai phe anti-Trump và pro-Trump không có những biểu hiện quá khích, thậm chí đánh nhau lỗ máu, nhưng bên cạnh đó, như vừa kể trên, vẫn còn có đông đảo những người Mỹ hành động vì lẽ phải, vì Hiến pháp)

Có phải vì đa số người Việt không giỏi tiếng Anh nên không đọc được những nguồn thông tin chính thức, không đối chiếu, fact-check được những thông tin báo này nguồn kia đưa ra ? Cũng không hẳn. Có những người ở lâu trên đất Mỹ, sử dụng tiếng Anh không khác gì người bản xứ kia mà.

Sự khác biệt ở đây có lẽ vì phần lớn dân Châu Âu vốn quen sống trong một môi trường xã hội tự do dân chủ, tôn trọng phụ nữ, tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tôn trọng sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, đa văn hóa, đề cao sự trung thực, dị ứng mọi biểu hiện của sự độc tài… nên khó có thể chịu được một lãnh đạo quốc gia đang đi ngược lại tất cả những giá trị trên như Donald Trump. Đặc biệt khi Trump lại là người đứng đầu một cường quốc vốn được ngưỡng mộ vì những sức mạnh mềm và những giá trị làm nên một nước Mỹ tự do, dân chủ, công bằng, đa văn hóa, đa chủng tộc.

Còn đối với người Việt ? Có lẽ, những giá trị trên còn chưa thấm vào đa số người Việt.

Chẳng hạn, nhiều người Việt vẫn chưa có thói quen tôn trọng tự do ngôn luận, thói quen tranh luận một cách tử tế.

Người Việt ở trong nước thì chưa trải nghiệm sự cọ xát, va chạm, xung đột đề rồi biết chung sống hòa bình, vị tha giữa các chủng tộc, tôn giáo, văn hóa khác nhau ; còn nhiều người Việt dù ra bên ngoài sống một thời gian nhưng lại có đầu óc, tư tưởng rất kỳ thị chủng tộc, gọi dân da đen (kể cả Cựu Tổng thống Barack Obama) là dân nhọ, giống khỉ hơn người, gọi người Pakitan là "bọn ba khía", dân Ả Rập là "bọn rệp", dân Mexico là "bọn Mễ", dân Hồi giáo là "bọn khủng bố’ nói chung…

Nhiều người khi có quốc tịch Mỹ thì lại suy nghĩ như mình là người Mỹ trắng mà quên rằng mình cũng là di dân và nếu trước đây chính phủ Mỹ khó khăn, hẹp hòi trong chính sách di dân-một điều mà chính phủ của Tổng Thống Donald Trump đang dần dần áp dụng-thì làm gì có cộng đồng Việt Nam đông đúc và khá thành đạt hiện nay như nhiều cộng đồng khác trên đất Mỹ ?

Người Việt lại từng quá quen với những nhân vật lãnh đạo nói dối, nói mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào, quá quen với một chế độ độc tài nên những nét tính cách, những biểu hiện trên ở Trump đâu có mùi mẽ gì !

Có lẽ lý do lớn nhất mà nhiều người Việt trong hay ngoài nước ủng hộ Trump là vì tin/mong rằng Trump sẽ đánh bại Trung Cộng giùm Việt Nam trong khi Obama theo họ là quá yếu mềm với Bắc Kinh, bị Bắc Kinh coi thường ? Nhưng với quan điểm "America first", nếu Donald Trump có làm gì đó như bao vây Trung Cộng về kinh tế (chứ còn chiến tranh giữa hai quốc gia thì rất ít có khả năng xảy ra) ; hay ngược lại, Donald Trump và Bắc Kinh tìm được cách thương lượng với nhau rồi Trump lại quay sang chơi với Bắc Kinh thì cũng là vì quyền lợi của nước Mỹ (đừng quên đầu óc, tư duy của Trump là của một người làm kinh doanh, thực dụng), Việt Nam chả đáng một milligram nào ở đây cả. Vả chăng, chuyện của nước mình mà mình không tự lo lại đi chờ nước khác lo giùm thì khác nào chờ sung rụng ?

Điều đáng nói là trong khi tranh luận lại những ý kiến khác mình, có những lập luận thường được những người ủng hộ Donald Trump đưa ra là "nước Mỹ bao giờ cũng đúng", "dân trí Mỹ rất cao, nên họ đã bầu ai làm Tổng thống là người đó phải giỏi", hoặc Donald Trump không giỏi sao là một nhà kinh doanh "thành đạt", là tỷ phú Mỹ được ? Đó là một tâm lý đáng buồn của những người dân một nước nhỏ và quen sống trong một xã hội độc tài, cái gì của Mỹ cũng là nhất, và một khi đã là Tổng Thống Mỹ thì không thể có gì khiếm khuyết để mà chỉ trích !

Những cái tâm lý kiểu ấy không có trong phần lớn những người dân Châu Âu, Úc, Canada…, hay trong chính người dân Mỹ bởi như đã nói ở trên, Tổng thống hay Thủ tướng, Ngoại trưởng, Chánh Án tối cao gì thì cũng là con người, có khiếm khuyết, có sai lầm, người dân có quyền chỉ trích, biểu tình phản đối, kể cả đòi truất phế nếu cần.

Một lập luận thứ hai dành cho những ai đang sống ở Việt Nam hoặc đang sống ở nước khác mà nói về Trump là "lo chuyện nước mình đi, đừng xía vào chuyện nước khác", hoặc "biết gì về nước Mỹ mà nói". Nói như vậy tức là không hiểu rằng không chỉ riêng người Việt, mà cả thế giới đều quan tâm theo dõi ai là Tổng Thống Mỹ và những diễn biến trên nước Mỹ. Bởi vì Hoa Kỳ là một cường quốc, đóng một vai trò đầu tàu của thế giới tự do, mỗi một hành động, chính sách của Tổng thống Mỹ, và của nước Mỹ nói chung sẽ ảnh hưởng tới cả thế giới. Nói người khác đừng quan tâm chuyện nước Mỹ cũng không khác mấy với luận điệu của nhà nước Việt Nam bào người dân đừng quan tâm đến chính trị vậy.

Chúng ta đang sống trong một mái nhà chung là Trái Đất, và thời đại này không một quốc gia nào có thể hoàn toàn biệt lập với thế giới. Tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến nhau.

Và ơn trời, thời đại này cũng không phải dễ gì cho những cường quốc định theo đuổi con đường hung hăng bá đạo kiểu Trung Cộng hay chủ nghĩa dân túy, phát xít kiểu mới như Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump.

Chỉ buồn là qua những chuyện tranh cãi như cờ vàng cờ đỏ hay Trump, càng thấy người Việt mình còn lâu mới bao dung, dân chủ, còn lâu mới tập tôn trọng sự khác biệt hay biết nghĩ chung cho đồng loại, thay vì chỉ nghĩ đến ai làm lợi cho Việt Nam thì ủng hộ bất chấp dù người đó có ra sao, có gây hại gì cho những giá trị chung của nước Mỹ hay của nhân loại.

Song Chi

Nguồn : RFA tiếng Việt, 01/02/2017

(songchi's blog)

Additional Info

  • Author Song Chi
Published in Diễn đàn