Học viên cai nghiện bị kết án tù với cáo buộc trốn trại (RFA, 31/05/2017)
Ba học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục- Lao động và Dạy nghề Bà Rịa - Vũng Tàu bị đưa ra xét xử trong một phiên xử lưu động trong ngày 31 tháng 5 với cáo buộc gây rối, kích động học viên cai nghiện khác trốn trại.
Cảnh sát cơ động ngăn chặn học viên cai nghiện trốn trại tại trung tâm cai nghiện bắt buộc ở tỉnh Đồng Nai vào ngày 7 tháng 11 năm 2016. AFP photo
Kết quả phiên xử tòa tuyên học viên Nguyễn Thanh Hùng 4 năm rưỡi tù giam, Nguyễn Thanh Xuân 4 năm tù giam và Nguyễn Trọng Tiền 3 năm rưỡi tù.
Theo cáo trạng cả ba người, đều là học viên bị bắt buộc cai nghiện ma túy, vào ngày 8 tháng 11 năm ngoái tiến hành bàn bạc, lối kéo, kích động những học viên khác sử dụng vũ khí uy hiếp, tấn công cán bộ quản lý của Trung tâm Giáo dục- Lao động và Dạy nghề Bà Rịa- Vũng Tàu để trốn ra ngoài.
Sang ngày 9 kế hoạch được thực hiện. Theo đó có 195 học biên bỏ trốn ; trong quá trình đó những học viên phá 15 mét vuông tường rào của trung tâm.
Nguyễn Thanh Xuân và Nguyễn Trọng Tiền bị tạm giam ngay trong tháng 11, còn Nguyễn Thanh Hùng bỏ trốn đến tháng 2 năm nay mới bị bắt.
Tại Việt Nam lâu nay xảy ra một số vụ học viên cai nghiện ma túy trốn trại. Tại Đồng Nai, vào tháng 10 và tháng 11 năm ngoái, cả trăm học viên cũng trốn trại. Nhiều người lên tiếng than phiền về hành xử của những người phụ trách trung tâm cũng như điều kiện sinh hoạt tại những trung tâm cai nghiện.
*******************
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (RFA, 30/05/2017)
Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016- 2020" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cổng vào của công ty Than - Khoáng sản của Nhà nước (Tập đoàn Vinacomin) tại Hà Nội chụp hôm 17/1/2013. AFP photo
Tin trong nước ngày 30/5 cho biết mục tiêu của đề án là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để các doanh nghiệp nhà nước trọng tâm vào các lĩnh vực quan trọng như dịch vụ xã hội, quốc phòng an ninh, độc quyền tự nhiên, khoa học công nghệ,…
Cũng theo đề án này, các điểm yếu kém của doanh nghiệp nhà nước cần được giải quyết công minh theo quy định của pháp luật. Đồng thời sẽ sớm tách việc đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước với việc quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Tin cho biết thêm nhiệm vụ trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 của đề án là cổ phần hóa 137 doanh nghiệp và Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp.
*******************
Nhập siêu của Việt Nam gần 2,7 tỷ USD trong 5 tháng (RFA, 30/05/2017)
Trong lĩnh vực kinh tế, tính đến hết tháng 5/ 2017, Việt Nam nhập siêu gần 2,7 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5 thâm hụt 800 triệu USD.
Các bộ trưởng thương mại tham dự một cuộc họp báo trong khuôn khổ APEC MRT 23 tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Tổng cục Hải quan ngày 30/5 cho biết trong 5 tháng đầu năm tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước đạt hơn 161 tỷ đô la Mỹ tăng 20,7%, so với cùng kỳ năm 2016 và tổng giá trị nhập khẩu ước chừng 82 tỷ tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng 12%, hàng dệt may tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016.
Về nhập khẩu, nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 38,8%, nhóm điện thoại, linh kiện tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, nợ xấu có thể gấp hơn ba lần báo cáo (VnEconomy, 03/04/2017)
Một lần nữa, mức độ thực tế của nợ xấu ngân hàng được đánh giá có thể hơn rất nhiều so với báo cáo...
Trước đây nợ xấu ngân hàng báo cáo phổ biến đều dưới 3%, nhưg sau khi đánh giá lại và sát thực hơn thì con số tại 9/2012 từng lên tới 17,21%.
Theo tài liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, trong khuôn khổ đề án xây dựng dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, mức độ nợ xấu một lần nữa được đánh giá lại.
Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, trong những năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu.
Tính đến 31/12/2015, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã đưa ra đánh giá thận trọng hơn về mức độ nợ xấu, ở một cấp độ khác so với con số 2,46% nói trên (con số theo báo cáo của các tổ chức tín dụng).
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Và tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ, do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Như trên, mức độ đánh giá của Ngân hàng Nhà nước không dừng lại ở con số tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, mà còn ở lượng mà VAMC đang quản lý, và đặc biệt là cả dạng "nợ tiềm ẩn thành nợ xấu".
Trước khi có chủ trương tái cơ cấu và có đề án xử lý nợ xấu, từ năm 2011 trở về trước, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam được báo cáo phổ biến dưới mốc 3%, có thời điểm tăng lên 3,4%. Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng Nhà nước đánh giá lại, từ báo cáo của các thành viên và qua kênh giám sát từ xa, mức độ thực của nợ xấu được thống kê lên tới hai con số.
Cụ thể, tại thời điểm tháng 30/9/2012, nợ xấu toàn hệ thống từng được xác định lên tới 17,21%.
Minh Đức
**************************
Phó thủ tướng : Không để tái diễn hiện tượng biến động lãi suất (VnEconomy, 30/03/2017)
Biến động lãi suất tiền gửi Việt NamD vừa qua là một hiện tượng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu không để tái diễn...
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm lành mạnh trong công tác huy động vốn giữa các tổ chức tín dụng - Ảnh : VGP/Thành Chung.
Tối 29/03, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia tổ chức phiên họp thường kỳ quý 1/2017. Đợt biến động lãi suất tiền gửi Việt NamD đầu tháng 3 vừa qua được các thành viên Hội đồng chú ý.
Ở đợt biến động trên, một số ngân hàng thương mại phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, từ 8,2-9,2%/năm. Tuy nhiên, những mức lãi suất này tập trung ở các kỳ hạn dài.
Tại cuộc họp trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đó chỉ là hiện tượng cục bộ, đã nhanh chóng được bình ổn, trong khi một số ngân hàng thương mại vẫn giảm lãi suất huy động Việt NamD ở các kỳ hạn ngắn.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, trong quý 1/2917 cũng như ở đợt biến động lãi suất cục bộ nói trên, có những áp lực nhất định bên trong và bên ngoài.
Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần thứ hai trong vòng ba tháng qua tăng lãi suất cơ bản đồng USD ; nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao ngay trong quý đầu năm, với khác biệt thể hiện rõ khi tín dụng tăng mạnh nhất trong 6 năm trở lại đây. Những yếu tố này cùng gây áp lực lên lãi suất.
Như trên, theo Thống đốc, nhìn chung lãi suất huy động không có biến động lớn và thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình để tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhìn lại, trong ba tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất sát tình hình thế giới và chủ động điều tiết thanh khoản của hệ thống ngân hàng để không gây áp lực tăng lãi suất và tăng tỷ giá. Việc điều hành chủ động, kịp thời đã có tác dụng điều tiết, giảm thiểu mức độ tác động từ bên ngoài, hạn chế áp lực tăng tỷ giá trong nước. Tỷ giá USD/Việt NamD từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định.
Trong quý 1/2017, cung tiền cho nền kinh tế có tăng lên nhằm phục vụ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhưng ở mức độ hợp lý và Thống đốc khẳng định hoàn toàn kiểm soát được. Cùng đó, tín dụng có mức tăng trưởng ngay từ đầu năm. Nhưng, lạm phát cơ bản có mức bình quân theo tháng trong quý 1 vừa qua rất ổn định. Điều này cho thấy, việc điều hành chính sách tiền tệ hiện tại là đúng hướng và không làm cho lạm phát tăng lên.
Tại cuộc họp, đánh giá chung cũng nhìn nhận những tác động chính nói trên đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, cũng như sự hợp lý và kết quả trong điều hành. Với sự ổn định của tỷ giá, lãi suất được bình ổn, lạm phát được kiểm soát, việc điều hành chính sách tiền tệ được đánh giá là đúng hướng, cũng như đã có sự phối hợp hợp lý với chính sách tài khóa.
Tuy nhiên, như trên, đợt biến động của lãi suất Việt NamD từ đầu tháng 3 vừa qua được các chuyên gia và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý về một hiện tượng xáo trộn.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đó là hiện tượng cá biệt, không phải là phổ biến và hiện lãi suất thị trường đã ổn định trở lại. Song, ông yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, không để hiện tượng này tái diễn và bảo đảm lành mạnh trong công tác huy động vốn giữa các tổ chức tín dụng.
Nhật Nam
************************
"Đua lãi suất sẽ báo trước cái chết trong tương lai" (VnEconomy, 28/03/2017)
"Có áp lực đối với lãi suất, nhưng tôi thấy chủ yếu do các ngân hàng tự gây ra", Phó chủ tịch LienVietPostBank nói...
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank
Sáng ngày 28/03, đồng thuận với thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) quyết định giảm lãi suất huy động Việt NamD trên toàn hệ thống.
Trước lần giảm này, lãi suất huy động Việt NamD của LienVietPostBank nhỉnh hơn khối "Big 4" - các ngân hàng thương mại lớn có sở hữu Nhà nước chi phối. Nhưng sau khi giảm từ 0,1-0,4%/năm, biểu mới của họ đã về sát khối này, xuống nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có lãi suất huy động thấp nhất.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực LienVietPostBank nói, đặt trong mặt bằng chung, quyết định giảm lãi suất trên toàn hệ thống nói trên phần nào cho thấy thực tế là áp lực với lãi suất trên thị trường hiện nay không lớn.
Áp lực chủ yếu ngân hàng tự tạo
Ông đánh giá thế nào về áp lực tăng lãi suất nói chung hiện nay ?
Nói không áp lực thì không phải, nói áp lực cũng không hẳn vậy.
Có áp lực nhưng tôi thấy chủ yếu do các ngân hàng tự gây ra. Ngân hàng nào cũng sợ thiếu nguồn, nên cứ muốn nhích lên hơn các ngân hàng khác một chút để thu hút khách, chứ chưa phải do nhu cầu thực sự.
Cũng có một số biểu hiện như một số tổ chức tài chính huy động vốn qua trung tâm, huy động nhỏ lẻ, huy động theo hợp đồng, lãi suất có cao hơn các ngân hàng thương mại.
Nhưng nhìn chung, tôi thấy đó không phải là áp lực từ nền kinh tế, áp lực từ chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn định hướng có thể giảm được lãi suất nếu các ngân hàng đồng lòng.
Còn với một số trường hợp tăng lãi suất, thì trước mắt có thể mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng nó báo hiệu một dấu hiệu nguy hiểm trong tương lai.
Tức là, từ đó có những trường hợp khách hàng rồi đây phải vay lãi suất cao, thậm chí lãi suất cho vay tăng lên, cao hơn nữa họ cũng vay. Hiện tại những người vay đó vẫn trả được, nhưng vài năm tới thì dễ chết.
Bản thân LienVietPostBank chúng tôi không muốn đẩy lãi suất lên, vì như trên chúng ta đã có nhiều bài học trước đây rồi. Doanh nghiệp mà vay trên 50% nhu cầu vốn thông thường và lãi suất nào cũng vay thì báo hiệu cái chết trong tương lai.
Còn diễn biến một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao gần đây thì sao ?
Đó là một hình thức huy động vốn dài hạn. Huy động được nguồn vốn dài hạn này để cho vay trung dài hạn, đáp ứng yêu cầu hiện nay là thực hiện giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nó là một cách làm của ngân hàng. Nó có ảnh hưởng nhưng không lớn đối với thị trường.
Bởi vì hiện nay khách hàng có tiền nhàn rỗi gửi ngắn hạn mới là lượng lớn. Còn nguồn để gửi trung dài hạn không nhiều lắm, nên việc thu hút được lượng vốn trung dài hạn này là cần cho bất cứ ngân hàng nào.
Nhưng chúng ta cũng cần xem xét, nếu không cẩn thận thì đây lại có thể là một sự biến tướng. Ngân hàng thu hút vốn trung dài hạn nhưng thời hạn thực tế có khi lại ngắn, hoặc tính lãi cho các kỳ ngắn. Ví dụ như huy động 3 năm, tính lãi và rút cuối kỳ thì khác, nhưng nếu cho rút định kỳ hoặc bất cứ lúc nào thì lại rất khác.
Nhưng ở diễn biến trên, rõ ràng là có áp lực khi có khá nhiều ngân hàng tham gia vào đợt huy động lãi suất cao này ?
Nó có áp lực nhất định. Có những ngân hàng thời gian trước cho vay ra khó khăn, họ tìm khách, hứa và ký trước các hợp đồng. Nay cần nguồn đề bù đắp cho các hợp đồng đã ký trong quá khứ.
Thêm nữa, có áp lực để cân đối giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Mặt khác, người ta thấy triển vọng phát triển của nền kinh tế tốt hơn, cầu tín dụng mạnh hơn. Họ dự tính trước và chủ động cho nguồn cung. Và có những dự án dài hạn chấp nhận vay lãi suất cao, một số ngân hàng cũng cho vay vào đó để cải thiện đầu ra, cũng như để có lãi biên cao hơn.
Nếu có những dự án như vậy thì tiềm ẩn sự nguy hiểm, vì vay với lãi suất cao rồi có thể chết bất cứ lúc nào. Chúng tôi thấy nếu họ sẵn sàng vay lãi suất cao thì lại không dám cho vay.
Đồng thuận, sẽ giảm được lãi suất
Ở trên ông có nói đến tình huống các ngân hàng nói chung vẫn có thể giảm được lãi suất nếu đồng lòng…
Vẫn có thể giảm được lãi suất nếu các ngân hàng đồng thuận, vì hiện nay chưa có áp lực lớn để buộc phải đẩy mạnh huy động vốn. Lạm phát, các yếu tố xoay quanh tiền tệ, hay kinh tế thế giới… chưa có gì thực sự gây áp lực lớn cả.
Nếu có thì theo, tôi là do chúng ta tự gây nên mà thôi !
LienVietPostBank không chạy theo xu hướng đẩy lãi suất lên. Nhà điều hành hẳn cũng nhìn thấy rõ, hiện nay chưa có gì để chạy đua lãi suất. Đến lúc nào đó lãi suất rồi sẽ điều chỉnh, và chúng tôi giảm trước thì đỡ mất chi phí nhiều hơn, không mất chi phí chạy đua.
Nhưng giảm lãi suất huy động lúc này sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu vào, như với quyết định hôm nay của LienVietPostBank, thưa ông ?
Có thể có ảnh hưởng, nhưng rất ít. Chúng tôi vẫn cạnh tranh mạnh về các tiện ích, cạnh tranh các dịch vụ chứ không phải chỉ cạnh tranh bằng lãi suất huy động. Làm sao để người gửi tiền thấy rằng không vì một chút lãi suất thôi mà đi khỏi LienVietPostBank.
Chúng tôi cũng nói với khách hàng của mình rằng, những ngân hàng kia tăng lãi suất chỉ là tức thời, chứ không phải là xu hướng. Mặt khác, khách hàng gửi vào rút ra như vậy thì lợi ích thực cũng bị hạn chế.
Chưa nên bỏ trần ngắn hạn
Liên quan đến diễn biến lãi suất huy động gần đây, cơ chế trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đang áp ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đối với Việt NamD, theo ông có tiếp tục thực hiện hay không, thời gian qua một số chuyên gia có kiến nghị bỏ ?
Về lý thuyết, theo cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán. Việt Nam vẫn theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.
Thực tế vẫn có những doanh nghiệp, ngân hàng không chơi sằng phẳng, họ vẫn có những tiểu xảo nhất định. Nên trần lãi suất vẫn là một công cụ quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Theo tôi nghĩ trước mắt là chưa nên bỏ.
Vì hiện nay mình vẫn chưa có một sân chơi sằng phẳng, tất cả các thành viên trên sân chơi này không phải là văn hóa giống nhau, có những người vẫn nghĩ về mình quá nhiều mà không nghĩ về người khác, không nghĩ về xã hội. Nếu có quá nhiều người như thế thì xã hội bị ảnh hưởng.
Và chúng ta cũng thấy, thỉnh thoảng thị trường lại có những cơn sóng. Nếu như không có công cụ như trần lãi suất nói trên thì không kiểm soát được.
Tất nhiên, tôi thấy sự đồng thuận vẫn là quan trọng nhất. Sự đồng thuận trước tiên cần có ở các ngân hàng lớn. Nếu có 10-12 ngân hàng lớn nhất trong hệ thống đồng thuận, thì nếu có ngân hàng nào đó phá rào thì chẳng có tác dụng gì.
Còn triển vọng lãi suất Việt NamD thời gian tới, ông nhìn nhận thế nào ?
Tôi vẫn đánh giá rất cao sự đồng thuận trong hệ thống về bình ổn lãi suất. Như vậy cũng chính là giúp cho ngân hàng, vì nếu cho vay lãi suất cao có thể thu lãi tốt dăm ba tháng một năm, nhưng như trên, sẽ lại hẹn cái chết trong tương lai.
Như hiện nay tôi thấy, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 10% trở lên là một gánh nặng rất lớn. Có thể họ vẫn trả được, bóc cái này gối cái kia để trả, nhưng trong tương lai lâu dài với gánh nặng đó rất dễ bị khựng lại, rồi nảy sinh nợ xấu.
Liên quan thì về giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, thực tế thời gian qua và hiện nay, nhu cầu vốn trung dài hạn lớn và nhô lên khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi và phát triển, ngân hàng đáp ứng, nay phải co về để tuân thủ.
Tôi nghĩ, nên chăng Ngân hàng Nhà nước xem xét nới việc hạ giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 50% đầu năm 2017, giãn ra xét bình quân cả năm là 50% chứ không áp luôn từ đầu năm mà có phần áp lực.
Và tôi cũng mạnh dạn đề xuất Ngân hàng Nhà nước, để tránh áp lực cho vốn Việt NamD thì phải hút thêm ngoại tệ, giảm tải cho cầu vốn Việt NamD, bằng việc đưa lãi suất USD "lên mặt đất".
Trần lãi suất huy động USD 0%/năm hiện nay có thể lên 0,25-0,5%/năm, như vậy vừa "đào đô la dưới đất lên", vì nhiều nhà chôn cất thật, và nữa là thu hút kiều hối.
Minh Đức
Alyssa Young, 28 tuổi, đến từ bang Texas đã bật khóc ngon lành tại buổi lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump ngày 20/1 (theo giờ địa phương) vừa qua. Lý do là chiếc mũ "Make America Great Again" của cô được sản xuất tại Việt Nam.
Nước mắt tủi thân người Mỹ…
Hãng tin Reuters đã phát hiện một chuyện vô cùng thú vị trong ngày nhậm chức của ông Donald Trump. Đó là những chiếc mũ lưỡi trai của người ủng hộ ông với dòng chữ "Make America Great Again" (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) tương ứng với kêu gọi của vị tân Tổng thống "Hãy dùng hàng Mỹ và hãy thuê người Mỹ" có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc và Bangladest thay vì ở được sản xuất ở Mỹ.
"Alyssa Young, 28 tuổi đến từ bang Texas đã mua chiếc mũ từ một người bán rong với giá 20 USD. Ban đầu cô không hề để ý đến nguồn gốc xuất xứ của chiếc mũ. Tuy nhiên sau khi phát hiện chiếc mũ "Make America Great Again" lại được sản xuất tại Việt Nam cô đã bật khóc", Reuters viết.
Xuất xứ của chiếc mũ có chút mâu thuẫn với tuyên bố của ông Donald Trump ? Cũng có thể. Nhưng nó cũng có thể là áp lực khiến cho tân Tổng thống Mỹ càng phải kiên quyết thực hiện lời hứa "đặt người Mỹ lên hàng đầu bằng việc thực hiện hai nguyên tắc cơ bản : Mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ làm việc" mà tuyên bố chính thức rút khỏi TPP là hành động đầu tiên, Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung Tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) nhận định.
Sẽ là khó khăn với Việt Nam ?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên tới 38,5 tỷ USD, chiếm 22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi theo hướng không tích cực trong những năm tiếp theo.
Tổng sản lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2016
"Tự tôn dân tộc, việc người Mỹ sẽ ưu tiên dùng hàng Mỹ, lao động Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam bên cạnh những lo ngại về giảm bớt động lực phát triển khi TPP không còn", ông Khôi cho biết.
Cũng theo ông, mặc dù Việt Nam vẫn còn nhiều Hiệp định thương mại song phương quan trọng với các quốc gia khác, nghĩa là còn nhiều dư địa phát triển nhưng không thể phủ nhận được câu chuyện của ông Trump đang có ảnh hưởng lớn đối với chủ nghĩa dân tuý và chống toàn cầu hoá đang nổi lên.
"Những thách thức và những yếu tố bất định của thế giới trong năm 2017 là rất lớn mà Việt Nam lại là nước có nền kinh tế có độ mở thuộc hàng nhất thế giới, gấp 4 lần Trung Quốc, do vậy, bất cứ diễn biến nào của thương mại, đầu tư,… toàn cầu đều ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta", ông nói.
Do đó, Tiến sĩ Lương Văn Khôi cho rằng trong tương lai, Việt Nam cần phải tăng nội lực của chính bản thân, khai thác hiệu quả thị trường trong nước. Đồng thời, chủ động hội nhập và khai thác có hiệu quả những hiệp định thương mại song phương, đa phương hiện có và sắp ký kết để bù đắp những tác động tiêu cực của việc Hiệp định TPP bị hủy bỏ và xu hướng chống toàn cầu hóa và để phân tán rủi ro, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào bất cứ một thị trường nào.
Tương lai quan hệ Việt Mỹ trước đó cũng đã được doanh nghiệp Mỹ băn khoăn ngay tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2017. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của Tổng thống Donald Trumps : "Ông Phúc phải tới Mỹ, dù là Washington hay New York thì tôi tiếp ông bất cứ lúc nào ông muốn".
Về phần TPP, Thủ tướng cũng nói thêm : "Nếu không có TPP thì Việt Nam và Mỹ sẽ thảo luận để có hiệp định thương mại đầu tư mới… Không có gì là bi quan khi ông Donald Trump lên nắm chính quyền mới".
Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, có không ít người tin rằng không có TPP cũng đem đến những hiệu ứng tích cực. Như chia sẻ của bà Lê Hoài Anh, Chủ tịch HAL Group : "TPP chưa bao giờ là giấc mơ của mình. Giấc mơ của mình là Việt Nam sẽ không phụ thuộc vào bất cứ cường quốc nào".
Đức Minh – Linh Bùi
Nguồn : Cafef, 22/01/2017 - Theo Trí thức trẻ
*********************
Mũ ‘made in Vietnam’ đắt khách ở thủ đô Mỹ (VOA, 22/01/2017)
Một số người ủng hộ tân Tổng thống Mỹ đã bất ngờ khi phát hiện những chiếc mũ được sản xuất từ các nước khác.
Một trong những tiếng hò reo lớn nhất mà tân Tổng thống Donald Trump nhận được lúc phát biểu nhậm chức hôm 20/1 là khi ông nói về chuyện "mua hàng Mỹ và tuyển dụng nhân công người Mỹ".
Nhưng theo Reuters, nghịch lý là, nhiều người trong số các ủng hộ viên của ông Trump lại đội mũ được sản xuất ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc và Bangladesh.
Trên chiếc mũ màu đỏ là biểu tượng của chiến dịch tranh cử của ông Trump có in những chữ như "USA" hay "Make America Great Again" (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại).
Ông Trump đã nhiều lần đội chiếc mũ kiểu này, và giá bán chính thức là khoảng 25 tới 30 đôla Mỹ một chiếc.
Nhưng giá trên đường phố thủ đô Washington dịp lễ nhậm chức chỉ là khoảng 20 đôla, thấp hơn so với giá bán niêm yết trên trang web của ông Trump.
Một số người ủng hộ tân Tổng thống Mỹ đã bất ngờ khi phát hiện những chiếc mũ được sản xuất từ các nước khác.
Reuters dẫn lời cô Young, 28 tuổi, từ Texas nói về chiếc mũ "Make America Great Again" màu hồng mà cô đã mua : "Tôi không biết nó được sản xuất ở đâu. Để tôi kiểm tra. Ôi không, nó được sản xuất ở Việt Nam".
Không chỉ có mũ "made in Vietnam", theo the New York Times, quần áo mang thương hiệu của con gái ông Trump, cô Ivanka, cũng được sản xuất ở nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Hồi tháng Hai năm ngoái, trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump từng cáo buộc Việt Nam cũng như một số các nước Châu Á khác "đánh cắp" việc làm tại Mỹ.
Ông sau đó cũng nêu đích danh Việt Nam, gọi đây là "một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới".
Theo giới quan sát, chính quyền Việt Nam hiện vẫn tiếp tục tìm cách "giải mã" tân Tổng thống trực ngôn của Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng uống trà với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/01/2017 tại Bắc Kinh. (Ảnh : TTXVN)
Hơn phân nửa trong tổng số 15 văn kiện về "hợp tác kinh tế" mà Việt Nam vừa ký kết với Trung Quốc trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy nền kinh tế của Việt nam càng ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, từ lĩnh vực ngân hàng, hàng không cho đến nông nghiệp.
Theo thông cáo chung mà hai bên đưa ra trong chuyến đi của ông Trọng tới thăm Trung Quốc, Việt Nam sẽ kết nối với Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế "Hai hành lang, một vành đai" và lên "phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới". Theo phương án này, bảy tỉnh phía Bắc và 20 cửa khẩu của Việt Nam sẽ hoạt động tất bật hơn để đón lượng hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc. Chưa kể dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng cũng sẽ phục vụ cho mục tiêu này.
Ngoài ra, dân Việt Nam có khả năng sẽ trồng lúa Trung Quốc khi hai bên "tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lai tạo các giống lúa". Hơn nữa, không loại trừ khả năng Việt Nam nhận thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD. Cuối cùng, ông Trọng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc xúc tiến các dự án hạ tầng tại Việt Nam.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là "đối tác thương mại lớn nhất" của Việt Nam. Năm 2015, kim ngạch song phương đạt hơn 66,6 tỷ USD ; 10 tháng năm 2016 đạt 57,6 tỷ USD (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015). Tuy nhiên, việc Việt Nam xuất khẩu hơn 17 tỷ USD, nhập khẩu hơn 40 tỷ USD phản ánh sự mất cân bằng trong trao đổi thương mại Việt – Trung.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế của Đại học George Mason, đồng thời là một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (CSIS) nhận định về sự lệ thuộc về kinh tế của Việt Nam đối với Trung Quốc :
"Vấn đề kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc thì nhiều người ở Việt Nam, kể cả các kinh tế gia đều phàn nàn về cán cân mậu dịch không cân bằng và lo là Việt Nam phụ thuộc rất nhiều trong tương lai với Trung Quốc".
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam cần đa đạng hoá hơn nữa các quan hệ kinh tế quốc tế, bên cạnh mối quan hệ với Trung Quốc :
"Họ theo chính sách ngoại giao đa phương đa diện hóa, tìm cách quan hệ với các nước khác. Không có TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) thì sức đẩy kinh tế bớt đi. Việt Nam có thể ký hiệp ước song phương với Mỹ, sử dụng những điều khoản thỏa thuận trong TPP. Đó là một giải pháp. Hoặc ký hiệp ước hợp tác với các nước Á Châu khác".
Trung Quốc đang muốn tận dụng cơ hội Mỹ rút khỏi TPP để thúc đẩy hai hiệp định lớn khác để thay thế TPP, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Thương mại Tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Báo Kinh tế Đô Thị trích lời tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, nói rằng Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ mậu dịch, xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc là tất yếu trong khi Mỹ sắp tới đây có thể tăng cường bảo hộ mậu dịch trong nước.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng quan hệ mậu dịch giữa hai nước hiện nay chủ yếu dựa trên đồng USD, tuy nhiên, hiện đồng Nhân dân tệ (NDT) đã vào giỏ tiền tệ của IMF và đồng tiền này ngày càng mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, việc thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc có thể sẽ bằng đồng NDT thay vì USD.
Chương trình hợp tác kinh tế "Một vành đai, một con đường" được Việt Nam cho là tâm điểm của "chiến lược toàn diện giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới trong bối cảnh tình hình mới". Nhưng trước thực tế địa lý Việt Nam và Trung Quốc "núi liền núi, sông liền sông", giới quan sát nói rằng những gì trao đổi tại cuộc "trà đàm" kéo dài tới 80 phút giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần vừa rồi là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam khó ‘thoát Trung’.
Nguồn : VietnamNet, Kinhtedothi