Đêm bầu cử, như những kỳ tổng tuyển cử trước đây, tôi thức để theo dõi kết quả.
Phòng phiếu ở California trong ngày tổng tuyển cử 5/11 (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Trước ngày 5/11, thăm dò ý kiến cử tri trên toàn quốc và tại 7 tiểu bang chiến địa cho thấy Kamala Harris và Donald Trump nhận được sự ủng hộ ngang nhau và trong biên độ sai số thì cả hai đều có cơ hội thắng cử, dù ban vận động của hai ứng viên và cử tri ủng hộ hai bên ra rả bôi xấu, công kích nhau với những từ ngữ hiếm có trong sinh hoạt chính trị Mỹ là "cộng sản" để chỉ ứng viên Dân chủ và "phát xít" dành cho ứng viên Cộng hòa.
Tuy nhiên, đó là nếp sinh hoạt dân chủ ở Mỹ. Mọi người có quyền nói lên suy nghĩ, quan điểm mà không lo sợ bị nhà nước làm khó dễ hay bắt giam tù, ngay cả khi có những lời nói rất khó nghe, làm khó chịu cho một số người.
Dù ủng hộ ai, khi một cử tri bỏ lá phiếu vào thùng là hành động cuối cùng có giá trị nhất để nói lên quan điểm và chọn lựa của mình trong mùa bầu cử mỗi hai hay bốn năm.
Dù đã nhận phiếu mấy tuần trước nhưng tôi quyết định không bỏ phiếu bằng thư mà đích thân đến phòng phiếu gần nhà xem thế nào, vì sau Covid-19 luật lệ về bầu cử của California cũng như tại các tiểu bang khác trên toàn nước Mỹ đã thay đổi.
Mấy hôm trước, một người quen đã đi bỏ phiếu sớm kể rằng khi đến phòng phiếu nhân viên không hỏi căn cước hay bất cứ giấy tờ gì để chứng minh nhân thân. Tìm hiểu qua mạng của cơ quan tổ chức bầu cử tiểu bang, theo đó, khi cử tri đến phòng phiếu tham gia bầu chọn, họ không phải trình căn cước và nhân viên không được phép hỏi căn cước của người đi bầu.
Đến địa điểm bỏ phiếu, nhân viên hỏi tên tôi và địa chỉ nhà. Ông bấm vào máy trông như iPad rồi đưa cho tôi xác nhận và ký tên.
Tôi nhận phiếu và bầu chọn những ứng cử viên mình ủng hộ bằng cách bôi đen ô trước tên. Tôi cũng phải quyết định ủng hộ hay không một số đề nghị luật tiểu bang và địa phương.
Lúc đó là khoảng 2 giờ chiều ngày 5/11. Phòng phiếu luôn có người ra vào tham gia bầu cử, nhưng không đông như trước Covid-19.
Luật hiện hành của bang California cho phép mọi cử tri được bầu bằng cách gửi thư. Vài tuần trước ngày tổng tuyển cử, phiếu bầu sẽ được gửi đến nhà của tất cả cử tri đã đăng ký tham gia bầu cử. Trước ngày bầu cử chính thức 29 ngày, một số nơi trong quận hạt có địa điểm bỏ phiếu cho những ai muốn tham gia bầu chọn sớm.
Covid-19 đã làm thay đổi cách người dân Mỹ tham gia bầu cử. Trước đó hầu hết các tiểu bang không cho bầu khiếm diện, trừ trường hợp chứng minh được vì sao không thể đến phòng phiếu trong ngày bầu cử, như điều kiện sức khỏe không cho phép hay là quân nhân phục vụ xa gia đình.
Từ 2020, là năm Covid-19 đang lây lan, các tiểu bang đã cho cử tri bầu bằng thư mà không cần điều kiện.
Rời phòng phiếu, về nhà tôi đã sẵn sàng chờ đợi một đêm dài. Không biết sẽ dài bao lâu, đêm nay thôi hay kéo dài nhiều ngày.
Năm giờ chiều, tôi nhận email từ văn phòng bầu cử xác nhận tôi đã đi bỏ phiếu tại chỗ và lá phiếu của tôi sẽ được đếm.
Nhớ kỳ bầu tổng thống năm 2000, khi Al Gore và Geroge W. Bush (con) không ai đạt con số 270 phiếu đại cử tri vì số phiếu cách biệt giữa hai ứng viên quá sít sao ở Florida nên đã có việc đếm phiếu lại và tranh tụng trong việc kiểm phiếu.
Làm sao quên được hình ảnh những nhân viên phụ trách bầu cử phải dùng kính lúp xem xét những lá phiếu để xác định sự lựa chọn của cử tri, vì cách bầu phiếu ở quận hạt Miami-Dade là cử tri đến phòng phiếu, nhận phiếu rồi ấn vào lỗ bên cạnh tên ứng viên mình bầu chọn. Vấn đề là có cử tri ấn không đủ mạnh để rớt miếng "chad" ra, tạo thành lỗ nhỏ hình chữ nhật trên phiếu bầu. Giống như những tấm thẻ IBM mà bạn nào đã từng học thảo chương ba thập niên trước thì hiểu rõ.
Đếm đi, đếm lại. Các luật sư đại diện Gore và đại diện Bush kiện qua kiện lại lên đến Tối cao Pháp viện. Cho đến khi tòa ra phán quyết chấm đứt việc đếm phiếu, Bush chỉ hơn Gore 537 phiếu, trong số 5 triệu 825.000 phiếu bầu của cử tri Florida và Bush thắng cử, sau mấy tuần nước Mỹ hồi hộp chờ kết quả.
Năm 2020, ứng viên Donald Trump là tổng thống đương nhiệm tái tranh cử, không chấp nhận kết quả ở một số bang dao động, đã yêu cầu đếm phiếu lại, kiện ra tòa vì cho rằng có gian lận. Mấy chục vụ kiện được xét xử đều không làm thay đổi kết quả và Joe Biden đã trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, dù rằng Trump không bao giờ thừa nhận kết quả.
Lo ngại đêm bầu cử 5/11 cũng sẽ kéo dài vì từ trước bầu cử Trump đã cho rằng có gian lận đếm phiếu.
Khi phòng phiếu các tiểu bang miền đông đóng cửa lúc 19 giờ miền đông, bên bờ tây là 16 giờ và phòng phiếu còn mở cửa cho đến 19 hoặc 20 giờ tối.
Chỉ vài phút sau 19 giờ ở miền đông, đài Bloomberg đưa tin Harris thắng ở bang Vermont và Trump thắng ở Indianna. Hai bang này theo xanh, đỏ truyền thống nên không có gì ngạc nhiên với kết quả.
Đến 19 giờ 30, truyền hình PBS ghi nhận Trump được 23 phiếu đại cử tri và Harris được 3. Ứng viên nào đạt tới số 270 phiếu đại cử tri sẽ thắng cử.
Cùng lúc một số kết quả bầu chọn dân biểu và nghị sĩ cũng được cập nhật. Thượng viện : Cộng hòa 40, Dân chủ 29. Vì chỉ có 34 trong số 100 nghị sĩ được bầu lại kỳ này nên kết quả là đếm cả những nghị sĩ còn trong thượng viện.
Đến 20 giờ tối giờ miền tây, phòng phiếu ở California đóng cửa. Các đài truyền hình lập tức cộng 54 phiếu đại cử tri cho Harris mà không cần chờ đếm phiếu vì biết chắc California là bang xanh. Nhiều tiểu bang miền đông cũng đã kiểm đa số phiếu bầu.
Số liệu trên truyền hình PBS lúc đó ghi nhận :
- Phiếu cử tri đoàn : Harris 179, Trump 214 (đạt 270 sẽ thắng)
- Thượng viện : Dân chủ 39, Cộng hòa 48 (51 chiếm đa số)
- Hạ viện : Dân chủ 105, Cộng hòa 156 (218 chiếm đa số)
22 giờ 5 phút giờ California, CNN cập nhật kết quả số phiếu đại cử tri Harris được 187, Trump 246.
Lúc này kết quả cho thấy Trump đã thắng ở Bắc Carolina và Georgia. Ba tiểu bang chiến địa khác là Pennsylvania, Wisconsin và Michigan đang đếm phiếu và sẽ có kết quả trong vòng một giờ nữa.
Năm 2020, Trump cáo buộc có gian lận đếm phiếu ở Pennsylvania, tuy sau nhiều khiếu kiện và tòa xử cũng không thay đổi kết quả, nên đêm nay các nhân viên bầu cử đã làm việc dưới sự giám sát của nhiều quan sát viên để đảm bảo tính minh bạch và trung thực cho kết quả.
22 giờ 30 : Đài News Nation, một đài truyền hình rất ủng hộ Trump, đưa tin Trump thắng cử với 270 phiếu đại cử tri và Harris được 213. Đài cũng loan tin Trump sắp nói chuyện với người ủng hộ từ nơi ông đang theo dõi kết quả bầu cử ở Palm Beach, Florida.
22 giờ 50 : Đài Fox News, cũng là một đài ủng hộ Trump, loan tin Trump thắng cử, trong khi các đài CNN, MSNBC và PBS vẫn còn chờ kết quả từ Wisconsin và Pennsylvania là nơi Trump đang hơn phiếu Harris.
Kết quả bầu cử quốc hội cũng không lạc quan cho Đảng Dân chủ vì Cộng hòa sẽ lật ngược chiếm đa số ở Thượng viện. Bên Hạ viện Cộng hòa đang có đa số mong manh và còn nhiều nơi chưa rõ kết quả nên đêm nay không biết đảng nào sẽ nắm đa số.
Quá nửa đêm, Trump và gia đình xuất hiện trước đám đông ở West Palm Beach, Florida tuyên bố chiến thắng và cám ơn những người ủng hộ. Ông nói thời gian sắp đến sẽ là "Kỷ nguyên vàng son cho nước Mỹ".
Trong lịch sử nước Mỹ, đây là lần thứ hai một tổng thống sau khi phục vụ một nhiệm kỳ, thất bại khi tranh cử một nhiệm kỳ kế tiếp và được cử tri đưa trở lại vào Nhà Trắng bốn năm sau.
Trump là một hiện tượng chính trị lạ lùng của nước Mỹ, một doanh nhân tỷ phú lần đầu ra tranh cử và thành công vào năm 2016 với chủ trương dân túy, Làm nước Mỹ hùng mạnh trở lại, Make America Great Again.
Năm nay dù Trump là ứng viên có nhiều bản án và còn đang bị truy tố nhưng vẫn được đa số dân Mỹ ủng hộ. Theo AP, tính đến chiều ngày 7/11, Trump được 295 phiếu đại cử tri, 73.376.041 phiếu phổ thông (50,7%) ; Harris được 226 phiếu đại cử tri, 69.040.347 phiếu phổ thông (47,7%).
Hai ngày sau bầu cử, Trump đã thắng ở năm tiểu bang chiến trường, còn hai bang khác Trump cũng đang hơn phiếu Harris. Sóng đỏ đã xô đổ tường xanh.
Hôm sau ngày bầu cử, Harris gọi điện chúc mừng Trump, trước khi nói chuyện với những người ủng hộ tụ họp tại Đại học Howard, là trường cũ của bà. Bà kêu gọi không nên bỏ cuộc, tiếp tục theo đuổi những lý tưởng đã tranh đấu và bảo vệ trong cuộc vận động vừa qua và sẽ "chiến đấu nơi phòng phiếu, nơi tòa án và tại quảng trường công cộng".
Không cần bà nhắc nhở, tại Đại học Berkeley và thành phố San Jose là lãnh địa của đảng Dân chủ trong hai ngày qua đã có những cuộc biểu tình phản đối Trump đắc cử, tuy không đông như tám năm trước đây.
Trump thắng cử thì cũng có triệu người vui, triệu người buồn. Nhưng rồi hầu hết sẽ trở lại sinh hoạt bình thường trong cuộc sống. Làm việc, đóng thuế, vui chơi. Không mấy ai vì Trump hay Biden mà buồn đến mức trầm cảm, hay phải dọn ra khỏi nước Mỹ như có người từng nói thế khi Trump thắng năm 2016, vì e ngại Hoa Kỳ sẽ trở thành chế độ phát xít, hay khi Biden thắng năm 2020 vì nước Mỹ sẽ thành cộng sản.
Nửa thế kỷ ở Mỹ và đã theo dõi nhiều lần bầu cử tổng thống, tôi thấy trong chừng chục năm trở lại đây, có nhiều người Việt trở nên cuồng tín theo một đảng và ứng viên thì gọi nhau là "cộng sản", là "phát xít".
Nước Mỹ không thể là những chế độ như thế. Cứ đem cộng sản với phát xít, là những gì thế giới ghê tởm, ra hù nhau. Dù gì nước Mỹ vẫn là nơi đáng sống nhất. Trump làm lãnh đạo 4 năm trong nhiệm kỳ đầu, có độc tài là độc tài với những người làm việc dưới quyền, ông không thích là ông đuổi việc. Còn với dân, làm sao ông có thể độc tài, cấm đoán được. Trump không thể đạp lên Hiến pháp.
Bốn năm kế tiếp với Biden, cộng sản ở chỗ nào không thấy vì dân biểu tình phản đối Biden trong các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine mà có bị bắt đâu hay cấm xuống đường. Có ai bị tịch thu tài sản vì giàu quá đâu. Chính phủ chỉ tăng thuế để có thêm tiền cho ngân sách.
Bốn năm trước dân chán Trump nên cho về vườn, đưa Biden lên. Năm nay dân chán Biden, đưa Trump về lại Nhà Trắng.
Bên Quốc hội cũng thế. Cứ hai năm, mấy ông bà dân biểu nghị sĩ mà không được lòng dân, dân cũng cho về vườn nên không có đảng nào độc quyền lâu dài.
Từ ngày có người Việt tị nạn đến Mỹ đã qua nhiều đời tổng thống, Dân chủ có Jimmy Carter, Bill Clinton, Barack Obama, Joe Biden. Cộng hòa có Gerald Ford, Ronald Reagan, George H.W. Bush (cha), George W. Bush (con), Donald Trump.
Kết quả bầu cử 5/11 vừa cho cho thấy Cộng hòa sẽ kiểm soát cả hành pháp, Thượng viện và có thể cả Hạ viện vì hiện nay Cộng hòa đạt 210, Dân chủ 198 và còn 27 ghế nữa chưa xác định kết quả. Để chiếm được đa số, Dân chủ phải thắng 20 trong số 27 ghế còn lại thì thật là khó.
Nhưng ý dân thường không thích một đảng nắm hết. Nhiệm kỳ đầu của Trump, hai viện Quốc hội do Cộng hòa nắm đa số. Hai năm sau Hạ viện chuyển qua Dân chủ.
Khi Biden được bầu làm thổng thống, Dân chủ cũng chiếm đa số cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Hai năm sau, Hạ viện chuyển đa số qua Cộng hòa.
Bốn năm của Carter, hành pháp và lập pháp đều của Dân chủ, nhưng chính sách của Carter không được lòng dân nên ông chỉ làm tổng thống được một nhiệm kỳ.
Như thế cho thấy cử tri rất nhạy bén và có nhận thức chính trị khi lựa chọn những người lãnh đạo cho đất nước. Trong nửa thể kỷ qua, ít khi cử tri muốn chỉ một đảng nắm cả hành pháp và lập pháp lâu hơn 4 năm.
Về kết quả của các ứng viên gốc Việt, thắng thua có cả Dân chủ và Cộng hòa. Đã 50 năm qua nhưng sức mạnh chính trị vẫn còn ở cấp tiểu bang. Hiện nay không có người Việt đại diện trong Quốc hội Hoa Kỳ.
Tiểu bang Virginia có cựu Đại tá Hải quân Cao Hùng, Cộng hòa, đối đầu với Nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm Tim Kaine và không thành công.
Ở California có hơn 50 ứng viên gốc Việt tranh cử nhiều chức vụ. Đáng chú ý nhất là :
- Derek Trần, Dân chủ, tranh chức dân biểu liên bang Địa hạt 45 thua Dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Michell Steel ở Quận Cam, thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ.
- Jennifer Trần, Dân chủ, không thành công chạy đua vào Hạ viện liên bang Địa hạt 12, vùng Vịnh San Francisco
- Dân biểu tiểu bang Tạ Trí, Cộng hòa, tái đắc cử ở Quận Cam.
Dân biểu Tiểu bang California Trí Tạ, bên trái, và Stephanie Nguyễn (Ảnh : trang mạng ứng viên)
- Dân biểu tiểu bang Stephanie Nguyễn, Dân chủ, tái đắc cử ở khu vực Sacramento.
- Dan T. Trần, Cộng hòa, chạy đua vào Hạ viện tiểu bang, Địa hạt 48 không thành công
- Janet Nguyễn đắc cử giám sát viên Quận Cam
- Betty Dương đắc cử giám sát viên Quận Santa Clara, bao gồm thành phố San Jose.
Giám sát viên Betty Dương, bên trái, và Janet Nguyễn (Ảnh : trang mạng ứng viên)
Những kết quả bầu cử tạm thời ghi trong bài là tính đến 5 giờ chiều ngày 7/11. Sau hơn hai ngày kiểm phiếu, nhân viên cơ quan tổ chức bầu cử đang đếm những lá phiếu cuối cùng để trong vòng vài tuần tới kết quả sẽ được chứng thực.
Đầu năm 2025, nước Mỹ sẽ bước sang giai đoạn của những chính sách mới. Không đồng ý người dân có quyền lên tiếng, qua truyền thông, qua mạng xã hội, hay xuống đường nói lên quan điểm của mình.
Cứ hai năm bầu lại Quốc hội, bốn năm chọn chủ nhân cho Nhà Trắng chỉ vì dân không muốn lãnh đạo không được lòng dân ở đó quá lâu. Đó là nếp sống dân chủ ở Mỹ.
Bùi Văn Phú
(08/11/2024)
Tác giả là giảng viên đại học cộng đồng và là nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California
Bầu cử tổng thống 2024 : Thử thách chưa từng thấy cho dân chủ Mỹ
Ngày quan trọng của cuộc bầu cử được theo dõi nhất hành tinh đã đến, chiếm trang đầu tất cả các báo Pháp hôm nay 05/11/2024. Le Figaro nói về "Trump-Harris, hai nước Mỹ quay lưng với nhau". Le Monde coi đây là "một thử thách chưa từng thấy cho nền dân chủ Mỹ".
Mèo "Skye" tại một phòng phiếu ở Pittsburgh, Pennsylvania trong ngày bầu cử tổng thống Mỹ 05/11/2024. Reuters - Quinn Glabicki
Cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ trên trang nhất báo Pháp
La Croix nhận xét "Nước Mỹ nín thở chờ đợi" cuộc bầu cử mà kết quả được báo trước là rất khít khao. Les Echos nhấn mạnh "Hoa Kỳ, giờ phút chọn lựa". Cuộc bầu cử sát nút sẽ được quyết định tại bảy bang "nghiêng ngả", số người đi bầu có thể đạt kỷ lục. Các cơ quan thăm dò lo sợ trước ý tưởng đánh giá thấp Donald Trump. Le Monde nhận xét "Hoa Kỳ : Harry-Trump, nền dân chủ được đánh cược". Libération chạy tít trang nhất "Harris-Trump, nền dân chủ dậy sóng" và dành đến 11 trang trong để phân tích, cùng với những bài phóng sự tại các bang chiến địa.
Trump-Harris, hai nước Mỹ đối nghịch
Le Figaro nói về "Trump-Harris, hai nước Mỹ quay lưng với nhau". Trên 200 triệu người Mỹ trong đó 1/3 đã bỏ phiếu sớm, sẽ chọn giữa cựu tổng thống Cộng Hòa và phó tổng thống Dân Chủ, sau một chiến dịch gay gắt và bầu không khí căng thẳng, báo trước sẽ không êm ả. Le Monde coi đây là "một thử thách chưa từng thấy cho nền dân chủ Mỹ".
Những dấu hiệu đều cho thấy số người đi bầu một lần nữa sẽ rất cao. Hồi năm 2020, tỉ lệ này đã cao nhất kể từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên ý thức công dân vừa tìm lại không nên dẫn đến sai lầm, đây là mặt tích cực duy nhất của tình trạng phân cực trong xã hội Mỹ, mà người chịu trách nhiệm chính là Donald Trump. Đảng Cộng Hòa hiện nay và các thẩm phán bảo thủ ở Tối cao Pháp viện cũng về phe với ông. Trump được lợi khi cử tri đã quên nhiệm kỳ ồn ào của ông, những chỉ trích đối với chính quyền mãn nhiệm dồn vào bà Harris. Phó tổng thống đã vào cuộc trễ tràng sau khi Joe Biden rút lui cuối tháng 7, thời gian quá ngắn để có được một chương trình tách biệt với Biden.
Le Figaro cho rằng cách đây bốn năm, người Mỹ mệt mỏi với nhiệm kỳ Donald Trump qua vô số tweet, cả ngàn lời nói dối, đã đưa ông cụ Joe Biden vào Nhà Trắng với hy vọng tìm lại đôi chút thanh thản. Nay họ thất vọng, dường như đang chuẩn bị trao một cơ hội mới cho ứng cử viên Trump dù cựu tổng thống chẳng mấy thay đổi. Nước Mỹ chia làm hai phe đối địch, và như vậy cuộc bầu cử khó thể diễn ra êm thắm. Cần phải có một chiến thắng áp đảo, và chỉ có ứng cử viên Dân Chủ cho biết sẵn sàng công nhận kết quả dù bất lợi cho mình.
Trump đã ấn định luật chơi được ăn cả ngã về không, đội quân ủng hộ ông chờ đợi giờ ca khúc khải hoàn hay nổi dậy. Thế nên tại Hoa Kỳ các phòng phiếu và trung tâm kiểm phiếu được bảo vệ chặt chẽ, với các drone và tay súng tinh nhuệ. Bị mưu sát hai lần, cựu tổng thống đưa ra một danh sách dài những "kẻ nội thù" - chưởng lý, viên chức, nhà báo - mà ông hứa sẽ trả đũa. Phó tổng thống kêu gọi "tất cả, trừ Trump". Nhưng trong trò chơi "Game of Thrones" này, bà có đủ tầm vóc để hạ được con rồng ?
Chưa hẳn là hồi kết
Libération cảnh báo, đây chưa phải là hồi kết của bầu cử Mỹ, mà tình hình vẫn có thể lộn xộn cho đến ngày 20 tháng Giêng, khi người kế nhiệm ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng. Những ngày cuối cùng của chiến dịch cho thấy căng thẳng dâng cao. Donald Trump biết rằng đây là cơ hội cuối cùng để quay lại với quyền lực, và những rắc rối tư pháp đang chờ đợi nếu không được hưởng quyền đặc miễn của tổng thống. Ông không có gì để mất, trong một nước Mỹ bị cắt làm đôi, trong đó phân nửa quyết tâm chiến đấu với nửa kia nếu ứng cử viên của mình không được bầu.
Bi kịch này vượt lên trên số phận của hai nhân vật, hai ê-kíp hay hai đảng ; cho thấy nền dân chủ đang bị lung lay, và cao hơn nữa, là vận mệnh thế giới. Nếu Donald Trump đắc cử, đại cường hùng mạnh nhất rơi vào tay một người sẵn sàng cổ vũ nội chiến, chối bỏ tình trạng biến đổi khí hậu để làm vui lòng các tập đoàn dầu lửa, bắt tay với Vladimir Putin để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, không coi trọng quyền của phụ nữ. Cả hành tinh đều hồi hộp trước một cuộc bầu cử chưa bao giờ sát nút đến thế.
hông khí căng thẳng đầy ngờ vực trong kỳ bầu cử
Năm nay đã có trên 77 triệu cử tri bỏ phiếu sớm qua bưu điện hay tại các thùng phiếu công cộng, hoặc tại phòng phiếu. Tuy những kết quả đầu tiên có được tối nay tại một số bang, tên người chủ mới của Nhà Trắng khó thể biết được trong nhiều ngày tới. Le Figaro ghi nhận đã có khoảng 180 đơn kiện trong những tháng gần đây, chủ yếu từ phe Cộng Hòa, phản đối các điều kiện tổ chức.
Mấy trăm lá phiếu đã biến thành tro khi một hộp thư dùng để bỏ phiếu sớm bị bốc cháy ở Oregon, bang Washington và Nevada. Tình báo phát hiện có sự can thiệp của Nga, Iran và Trung Quốc. Đồng minh Elon Musk, vốn có 200 triệu người theo dõi trên mạng xã hội X, cũng hòa giọng với ông Trump tố cáo những dấu hiệu gian lận, càng gieo rắc ngờ vực. Theo thăm dò của Viện Gallup được Le Figaro dẫn lại, chỉ có 28% cử tri Cộng Hòa tin tưởng vào thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu, so với phe Dân Chủ là 84%.
Trong bối cảnh đó, khó thể loại trừ việc Donald Trump tuyên bố chiến thắng mà không chờ đến kết quả chung cuộc, như ông đã làm trong đêm 3 rạng 4/11/2020. Vào thời kỳ đó, phải mất bốn ngày màn sương mù mới tan, và Joe Biden chiếm đa số đại cử tri. Trump và các luật sư bèn tung ra chiến dịch "Stop the Steal" (Chấm dứt đánh cắp), kiện tụng, vận động các đại biểu địa phương không xác nhận... và cuối cùng là vụ bạo động đồi Capitol ngày 06/01/2021.Bốn năm sau, Quốc hội đã thông qua một dự luật lưỡng đảng bổ túc cho luật 1887 về kiểm phiếu và chuyển giao quyền lực, buộc các bang phải xác nhận danh sách đại cử tri trễ nhất là ngày 11/12, siết chặt các điều kiện phản đối.
Nước Mỹ khó yên tĩnh sau ngày 05/11
Những người có trách nhiệm tổ chức bầu cử, tư pháp, truyền thông, cơ quan an ninh đều đã chuẩn bị đối phó với bạo động. Các điều kiện cũng không giống hồi tháng 11/2020, lúc nước Mỹ vừa ra khỏi đại dịch và phải đối phó với các vụ bạo loạn, nhưng căng thẳng vẫn rất cao, như hai vụ mưu sát Donald Trump bất thành.
Thông tín viên RFI tại Hoa Kỳ David Thompson cho biết, cách đây vài ngày, ông tháp tùng một tổ chức ủng hộ đảng Dân Chủ đi gõ cửa từng nhà ở ngoại ô Atlanta để huy động người da đen đi bỏ phiếu. Nhà báo bỗng nhận ra rằng người phụ trách mang theo đến ba khẩu súng : một trong túi xách, một trong xe và một giấu trong người ; và được giải thích là để phòng thân trong trường hợp người ủng hộ ông Trump tấn công. Thompson không tin rằng mọi chuyện sẽ ổn thỏa sau ngày 05/11.
Đảng Cộng Hòa hứa sẽ gởi mấy chục ngàn tình nguyện viên và luật sư giám sát cuộc bầu cử và việc kiểm phiếu ở các bang quan trọng. Mọi cái nhìn đều hướng về bang Pennsylvania với 19 đại cử tri, vốn là trung tâm phản kháng hồi năm 2020. Một lực lượng "đặc nhiệm bầu cử" được thành lập gồm các đại diện nội vụ, vệ binh quốc gia và nhân viên liên bang về tình hình khẩn cấp, cảnh sát được tăng cường ở các phòng phiếu và địa điểm kiểm phiếu được dời sang một nhà kho rất an ninh ở phía bắc Philadelphia.
Le Figaro lưu ý là cuộc chiến truyền thông cũng vô cùng gay gắt. Ở Georgia, chính quyền tố cáo việc phổ biến một video giả mạo trong đó một người Haiti nhập cư giơ cao nhiều thẻ căn cước, nói đã đi bầu nhiều lần. Một deepfake dàn dựng cảnh một học trò cũ cáo buộc Tim Walz quấy rối tình dục, tuy bản thân đương sự đã cải chính. Cuộc chiến tư pháp có thể được quyết định ở Tối cao Pháp viện, nơi 6/9 thẩm phán đựoc các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm.
Donald Trump và Kamala Harris, ai sẽ là tổng thống ?
Về hai ứng cử viên, Le Figaro nhận thấy sự quay lại của Donald Trump là ngoạn mục. Chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ ba của ông cũng độc đáo. Tám năm sau khi bất ngờ đắc cử, con đường trở lại Nhà Trắng của ông cũng giàu kịch tính. Đối mặt với Trump là bà Kamala Harris, ứng cử viên vào phút chót. Một lần nữa ngấp nghé cánh cửa quyền lực, Donald Trump đại diện cho mẫu người mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ vẫn lo ngại : một nhân vật cá tính mạnh mẽ được ủng hộ bởi một phong trào bình dân.
Về phía Kamala Harris, mới cách đây sáu tháng chỉ là nhân vật phụ trên chính trường nước Mỹ. Trước đây khi chọn người đứng chung liên danh, Joe Biden đã chọn một người mờ nhạt không thể vượt qua được ông. Sự kiện Joe Biden bất ngờ rút lui khỏi đường đua khiến Harris nhanh chóng nắm lấy cơ hội : chưa đầy 48 giờ với hàng trăm cuộc điện đàm, bà đã chốt được cuộc tranh cãi về người lên thay thế Biden.
Trên chính trường Mỹ trước thời Trump, một ứng cử viên là phụ nữ, da màu, xuất thân từ California và đảng Dân Chủ, được coi là tổng hợp những yếu tố đầy rủi ro. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng đã đưa Kamala Harris trở thành ứng cử viên của một đảng đã tập hợp được số lượng nhiều hơn số cử tri của Dân Chủ : đó là tất cả những người Mỹ từ chối trao nhiệm kỳ thứ hai cho Donald Trump. Chỉ trong bốn tháng bà đã đuổi kịp ứng cử viên của đảng Cộng Hòa. Không có nhiều kinh nghiệm chính trị như các ứng cử viên Dân Chủ từng đối đầu với Trump là Hillary Clinton và Joe Biden, Harris biết rằng số phận được quyết định bởi vài chục ngàn lá phiếu tại một ít bang chiến trường.
Elon Musk, từ Hỏa tinh đến Donald Trump
Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến bầu cử tổng thống Mỹ lần này, các báo đều chú ý đến vai trò của người giàu nhất thế giới. Chuyên gia kỹ thuật số Jen Schradie trên Le Monde nhấn mạnh : "Trong tay Elon Musk, X không chỉ là mạng xã hội mà còn là vũ khí". Trong bài "Elon Musk, từ Hỏa tinh đến Donald Trump", Les Echos nhận xét trong khi đa số báo chí nghĩ rằng sự quay lại của Trump là mối đe dọa, nhà tỉ phú cho rằng cựu tổng thống là người cứu vãn nước Mỹ.
Ông viết vô số bài ủng hộ trên mạng X, sử dụng thuật toán để đạt hiệu quả tối đa – Washington Post đã đếm được 300.000 chữ. Một số người coi đây thuộc về gu thích thử thách của Musk : Space X, Tesla, x-IA, Neuralink… Tất cả những đột phá nổi bật trong công nghệ lệ thuộc vào các hợp đồng công, hoặc như trong lãnh vực xe điện, vào các biện pháp bảo hộ mà ứng cử viên Cộng Hòa đã hứa.
Những người khác tự hỏi phải chăng vụ một trong số 12 người con của Musk chuyển giới từ nam sang nữ cách đây hai năm, đã khiến người cha tức giận muốn dùng mọi cách để hạ gục con quỷ "wokisme" mà theo ông phe Dân Chủ là đại diện. Musk không ngần ngại tổ chức xổ số để khuyến khích cử tri các bang "nghiêng ngả" đi bầu, mỗi ngày có một người may mắn trúng được 1 triệu đô la. Với tài sản của ông, đây chỉ đơn giản là hoạt động "những đồng xu màu vàng" tiền lẻ.
Thụy My
Các thăm dò ý kiến cử tri do nhiều cơ quan thực hiện, đến cuối tuần trước ngày tổng tuyển cử cho thấy hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump vẫn ngang ngửa nhau.
Trước ngày tổng tuyển cử, hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump vẫn ngang ngửa nhau.
Theo mạng 270toWin.com, thông số ghi nhận ngày 3/11 như sau :
- NBC News : Trump 49%, Harris 49%
- ABC News/Ipsos : Harris 49%, Trump 46%
- New York Times/Siena College : Harris 49%, Trump 47%
- Emerson College : Trump 49%, Harris 49%
Với sai số từ 3% đến 4% thì những kết quả thăm dò trên được xem như không phân thắng bại. Cho tới khi cử tri tham gia bầu chọn và từng lá phiếu đã được kiểm đếm mới biết ai thắng.
Tại bảy tiểu bang chiến trường (swing states) là Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Georgia, Nevada, Bắc Carolina và Arizona, kết quả cũng như trên, hai ứng viên được cử tri ủng hộ bằng nhau, hay hơn kém nhau chỉ từ 2% đến 4%.
Nhật báo USA Today số cuối tuần 1-3/11 chạy tít lớn nền đen chữ trắng chiếm gần hết trang nhất : "The United States of Anxiety" – Nước Mỹ lo lắng (chơi chữ từ tên chính thức The United States of America, USA), vì người dân không biết ai sẽ thắng trong ngày bầu cử và rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho đất nước đang phân cực cao độ.
Nhật báo này, trong tổ hợp báo chí Gannett với hơn 200 nhật báo địa phương, đã quyết định không đề xuất ủng hộ ứng viên tranh chức tổng thống năm nay, dù các lần bầu cử trước đây báo này đã ủng hộ Joe Biden năm 2020 và kêu gọi không bỏ phiếu cho Donald Trump năm 2016.
Hai nhật báo lớn Washington Post và Los Angeles Times cũng lấy quyết định không ủng hộ Harris hay Trump trong kỳ bầu cử sắp tới.
Sự kiện các nhật báo lớn tại Mỹ lên tiếng ủng hộ một ứng viên tranh cử tổng thống là chuyện bình thường, như đã có trong quá khứ. Nhưng không phải cứ được một tờ báo lớn, có uy tín lên tiếng ủng hộ là sẽ thắng cử. New York Times luôn ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ, vì thế tờ báo này được cho là theo cánh tả.
Nhìn lại những cuộc bầu cử tổng thống trước đây sẽ thấy không phải trong mọi kỳ bầu cử tổng thống, lựa chọn của báo này đều đúng. Tài liệu của báo New York Times ghi nhận :
- 2020 ủng hộ ứng viên Dân chủ Joe Biden. Biden thắng ứng viên Cộng hòa Donald Trump
- 2016 ủng hộ ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Clinton thua ứng viên Cộng hòa Donald Trump
- 2012 ủng hộ ứng viên Dân chủ Barack Obama. Obama thắng ứng viên Cộng hòa Mitt Romney
- 2008 ủng hộ ứng viên Dân chủ Barack Obama. Obama thắng ứng viên Cộng hòa John McCain
- 2004 ủng hộ ứng viên Dân chủ John Kerry. Kerry thua ứng viên Cộng hòa George W. Bush (con)
- 2000 ủng hộ ứng viên Dân chủ Al Gore. Gore thua ứng viên Cộng hòa George W. Bush (con)
- 1996 ủng hộ ứng viên Dân chủ Bill Clinton. Clinton thắng ứng viên Cộng hòa Bob Dole
- 1992 ủng hộ ứng viên Dân chủ Bill Clinton. Clinton thắng ứng viên Cộng hòa George H.W. Bush (cha)
- 1988 ủng hộ ứng viên Dân chủ Michael S. Dukakis. Dukakis thua ứng viên Cộng hòa George H.W. Bush (cha)
- 1984 ủng hộ ứng viên Dân chủ Walter Mondale. Mondale thua ứng viên Cộng hòa Ronald Reagan
- 1980 ủng hộ ứng viên Dân chủ Jimmy Carter. Carter thua ứng viên Cộng hòa Ronald Reagan
- 1976 ủng hộ ứng viên Dân chủ Jimmy Carter. Carter thắng ứng viên Cộng hòa Gerald R. Ford
Năm nay, cũng như 12 lần bầu tổng thống kể từ 1976, New York Times cũng ủng hộ ứng viên Dân chủ là Kamala Harris. Nhưng trong 12 lần vừa qua, cũng chỉ có 6 lần ứng viên được tờ báo này ủng hộ đã thắng cử.
Nhật báo Washington Post cũng thế, từ bầu cử 1976 đến nay báo này đều ủng hộ ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, ngoại trừ năm 1988 tờ báo không ủng hộ George H.W. Bush (cha) hay Michael Dukakis.
Bầu cử tổng thống năm nay, ban biên tập Washington Post đã thảo lá thư ủng hộ Kamala Harris, nhưng chủ của báo này là Jeff Bezos đã không cho công bố sự ủng hộ. Hàng trăm ngàn độc giả mạng của Washington Post đã hủy mua báo và nhiều biên tập viên đã từ chức để phản đối.
Truyền thông báo chí trong cộng đồng Việt ở California, nơi có đông người Việt sinh sống nhất tại Hoa Kỳ, với hai tờ nhật báo Việt ngữ lớn nhất ở Quận Cam là Người Việt và Việt Báo cũng có quan điểm ủng hộ ứng viên Dân chủ Kamala Harris và hầu như không có bài viết ủng hộ ứng viên Cộng hòa Donald Trump.
Vài ngày trước đây, Phó Tổng thống Harris đã gửi một tâm thư cho cử tri gốc Việt, nói về các chính sách sẽ theo đuổi nếu thắng cử, như giảm chi phí khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ, giảm chi phí y tế nhất là cho các cụ cao niên, cắt giảm thuế, giúp gia đình có trẻ nhỏ, giúp dân mua nhà lần đầu, sửa đổi chính sách di dân, trừng phạt những kẻ bạo động kỳ thị người gốc Á, v.v…
Lá thư được phổ biến trên nhật báo Việt Báo ngày 31/10, có đoạn :
"Nhân khi chúng ta sắp tưởng niệm 50 năm ngày Sài Gòn thất thủ, hãy cùng nhau suy ngẫm về hành trình phi thường của cộng đồng của các bạn, cộng đồng người Mỹ gốc Việt hải ngoại, hiện đã có hơn hai triệu người. Khả năng phục hồi của các bạn đang tỏa sáng qua những thành công của cộng đồng mà các bạn đã xây dựng được. Câu chuyện của các bạn chính là câu chuyện của nước Mỹ. Từ câu chuyện này, mỗi chúng ta đều phải ý thức được, và đều phải nhớ rằng : tự do là điều mà tất cả chúng ta phải hết sức trân trọng và bảo vệ".
Bà so sánh người Việt đến Hoa Kỳ định cư giống như câu chuyện của chính gia đình mình, khi cha mẹ của bà cũng là những di dân đến Mỹ vào đầu thập niên 1960, với cố gắng vươn lên để thành công trên miền đất mới.
Tuần trước đó, cựu Tổng thống Bill Clinton đã đến quán cà phê Factory ở Quận Cam gặp gỡ, vận động cử tri gốc Việt bỏ phiếu cho Derek Trần, ứng viên Dân chủ đang đối đầu với dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Michelle Steel để giành chức đại diện cho Quận hạt 45 trong Hạ viện Hoa Kỳ.
Bên bờ Đông nước Mỹ, cuối tháng 8 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã đến nhà hàng Trường Tiền trong trung tâm thương mại Eden ở quận Fairfax, Virginia để vận động cho ứng viên Cộng hòa là cựu Đại tá Hải quân Cao Hùng tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ, đối đầu với ứng viên Dân chủ là Thượng nghị sĩ Tim Kaine, từng là ứng viên phó tổng thống của Hillary Clinton.
Theo dõi các mạng xã hội, cộng đồng người Việt cũng ồn ào chọn lựa và bày tỏ quan điểm chính trị của mình. Có những nghệ sĩ đã công khai chọn người lãnh đạo nước Mỹ. Ca sĩ Ái Vân ủng hộ Kamala Harris, trong khi ca sĩ Hương Lan chọn Donald Trump.
Kỳ bầu tổng thống năm nay truyền thông Mỹ đã chọn ứng viên để ủng hộ và không còn đưa thông tin khách quan. Thí dụ, các chương trình của MSNBC cho thấy Trump là người ăn nói lỗ mãng, chửi không chừa một ai không ủng hộ ông, chính sách bất nhất và đài này ủng hộ ứng viên Dân chủ Harris.
Trên đài Fox News thì Kamala trở thành tâm điểm, cho rằng bà chỉ là sự kéo dài thất bại trong chính sách của Biden, hay còn giống như Barack Obama trước đây, là phe cực tả muốn đưa nước Mỹ theo con đường xã hội chủ nghĩa. Fox luôn ca ngợi Trump là lãnh đạo có tầm, sẽ phục hồi nước Mỹ.
Sống ở Mỹ gần nửa thế kỷ, tôi quan sát thấy cuộc vận động tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump được phản ánh qua câu ca dao của người Việt : "Yêu nhau yêu cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng".
Ngày bầu cử 5/11 đã tới mà các thăm dò dư luận không rõ thắng thua làm tôi nhớ lại cuộc bầu cử tổng thống năm 1980 giữa hai ứng viên là Tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter và cựu Thống đốc Ronald Reagan mà gần ngày bầu cử các thông số đưa ra cũng không phân thắng bại, với Reagan hơn một chút và vẫn trong biên độ sai số.
Năm giờ chiều ngày tổng tuyển cử 4/11/1980, lúc đó tôi cùng các bạn sinh viên đang ăn cơm trong ký túc xá. Bỗng dưng một bạn chạy từ dưới nhà lên la lớn : "It’s not my fault ! It’s not my fault !" – Không phải lỗi của tôi. Bạn này vừa xem ti vi và các đài truyền hình đã đưa tin Ronald Reagan thắng, dựa vào các "Exit Poll", là kết quả thăm dò bên ngoài phòng phiếu ngay sau khi cử tri vừa bầu chọn. Lúc đó phòng phiếu tại các tiểu bang miền Tây như California, Oregon, Washington vẫn còn mở cửa cho cử tri bầu chọn đến 8 giờ tối.
Đó là kết quả bầu tổng thống được biết sớm nhất do truyền thông đưa ra. Kết quả chính thức Ronald Reagan đạt chiến thắng địa chấn với 489 phiếu đại cử tri, Jimmy Carter được 49.
Với kết quả bầu cử năm 2000 và 2020 không rõ thắng thua trong đêm bầu cử, năm nay cũng sẽ không có kết quả trong đêm 5/11 nếu số phiếu không nghiêng hẳn về một ứng cử viên để tạo chiến thắng địa chấn.
Cách cử tri bầu chọn cũng đã khác so với trước, khi có rất ít cử tri có thể bỏ phiếu qua đường bưu điện. Bầu cử năm nay, hai ngày trước ngày tổng tuyển cử đã có 75 triệu cử tri bỏ phiếu bằng thư hay tham gia bầu chọn sớm.
Cũng không quên sự kiện ứng viên Donald Trump đã cho rằng có gian lận và sẽ khiếu kiện, như ông đã làm bốn năm trước đây.
Đúng là nước Mỹ đang trong trạng thái "The United States of Anxiety". Không biết sẽ kéo dài bao lâu sau ngày tổng tuyển cử 5/11.
Bùi Văn Phú
Nguồn : BBC, 04/11/2024
Tác giả Bùi Văn Phú là giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California
Bầu cử Tổng thống Mỹ không chỉ là cuộc so tài giữa các ứng cử viên đối thủ mà còn là cuộc đua giữa hai đảng lớn nhất của Mỹ là Cộng hòa và Dân chủ.
Thế nào là đảng Cộng hòa ? Thế nào là đảng Dân chủ ? Lịch sử hình thành ra sao? Những sự khác biệt chính giữa họ là gì ? Ưu thế của mỗi đảng như thế nào ?
Cùng VOA tìm hiểu và đặt câu hỏi trong phần bình luận để được giải đáp trực tiếp, với Luật sư Steven Điêu, công tố viên Quận Harris, Thành phố Houston, bang Texas, nguyên công tố viên Bộ Tư pháp tiểu bang Texas, người nhiều chục năm tham gia vận động cho các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ.
Nguồn : VOA, 04/11/2024
Tuần trước, các cuộc thăm dò cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump đã tạo ra đà gia tăng cử tri ủng hộ, trong khi Phó Tổng Thống Kamala Harris dường như đang chựng lại tại vài tiểu bang tranh chấp. Đồng thời, các trang mạng cá cược hiện nay cũng đang có xu hướng đặt cược cho chiến thắng của Donald Trump đông đảo hơn.
Ai sẽ là người chiến thắng cuộc bầu cử ngày thứ Ba 5/11 này ?
Điều này phần nào gây lo ngại cho một nhóm cử tri ủng hộ bà Harris. Rồi ở đôi ngày cuối cùng này, các thăm dò lẫn thị trường cá cược bỗng đảo chiều về phía bà, tâm lý hai bên lại chao động và phấn khích.
Thật ra, các cuộc thăm dò chỉ là những chỉ số đo lường ý kiến cử tri vào một thời điểm nhất định và có mức chênh lệch khá nhỏ, chỉ trong vòng sai số của các cuộc thăm dò. Nó luôn biến động và không mang tính dự báo kết quả tương lai. Còn các trang cá cược lại càng không mang tính dự báo mà đơn giản chỉ là mức chênh lệch số tiền cá độ giữa những người tin rằng bên này hoặc bên kia sẽ chiến thắng nhằm củng cố niềm tin của họ.
Ở đây, thử dùng các số liệu bầu cử tổng thống năm 2020 để nhìn về cuộc bầu cử năm nay như thế nào.
Năm 2020, Tổng thống Joe Biden đã thắng áp đảo Donald Trump cả số phiếu phổ thông lẫn phiếu cử tri đoàn. Được 81 triệu phiếu phổ thông, Tổng thống Joe Biden đã hơn Donald Trump đến 7 triệu phiếu, tức khoảng 4% số phiếu, còn số cử tri đoàn Biden đạt được là 306 so với 232 của Donald Trump vì Biden chiến thắng tại hầu hết các tiểu bang tranh chấp, trong đó có những tiểu bang vốn thuộc về đảng Cộng Hòa như Arizona và Georgia với tỉ lệ khít khao, buộc phải tái đếm phiếu nhiều lần theo luật tiểu bang.
Cũng nói thêm là vào năm 2016, các tiểu bang với hàng triệu hay hàng chục triệu phiếu bầu nhưng Trump thắng bà Clinton với số phiếu rất sát sao, chỉ từ vài ngàn đến đôi ba chục ngàn phiếu nhưng không bị tranh tụng chuyện bầu cử gian lận như năm 2020, vốn được Trump đưa ra và người ủng hộ Trump tin như vậy mà thiếu bằng chứng, cũng như tất cả các khiếu kiện đã bị tòa án bác bỏ. Các bước di chuyển của Trump trong năm nay cho thấy sự việc sẽ xảy ra tương tự với hình thức khác nhau nếu Trump thất cử.
Với khoảng 156,5 triệu cử tri đã tham gia bầu cử vào năm 2020, đây là số người tham gia bỏ phiếu kỷ lục trong cuộc tổng tuyển cử cho đến năm 2020. Mức phiếu này được dự báo sẽ không thua kém trong năm nay trước các chiến dịch vận động tranh cử đầy tốn kém của hai bên và được xem là cuộc bầu cử quan trọng và lịch sử, mỗi lá phiều đều có khả năng góp phần vào kết quả chung cuộc.
Về mặt phổ thông đầu phiếu (Popular Vote), bên cạnh mức gia tăng ủng hộ từ phụ nữ, giới trẻ và cử tri da màu muốn có sự thay đổi lịch sử dành cho bà Kamala Harris, thì ngược lại, từng có sẳn một nhóm cử tri Cộng Hòa quay lưng với Donald Trump từ trước, nay càng đông thêm qua sự vận động và kêu gọi mạnh mẽ từ một số chính khách đảng Cộng Hòa, tỉ lệ cử tri ủng hộ cho Trump không thể cao hơn năm 2020. Đồng thời, việc Trump bị kết tội hay đã và đang đối diện các truy tố dân sự và hình sự, không được nhóm cử tri độc lập bỏ qua như người ủng hộ ông ta. Do vậy, Phó Tổng Thống Kamala Harris có cơ hội sẽ tiếp tục chiến thắng số phiếu cử tri phổ thông Hoa Kỳ.
Do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là theo thể thức cử tri đoàn (Electoral College), với tổng cộng 538 phiếu đại biểu, phân chia cho các tiểu bang, tùy thuộc vào dân số và khu vực hành chánh nên ứng viên thắng phiếu phổ thông không bảo đảm sẽ đắc cử tổng thống nếu thua phiếu cử tri đoàn, điều đã xảy ra với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton khi thất cử trước Donald Trump vào năm 2016. Do vậy, cần điểm lại số phiếu cử tri đoàn mà cả hai bên có khả năng đạt được.
Kết quả tại các tiểu bang Dân Chủ hoặc Cộng Hòa thông thường đã định trước, còn lại là các tiểu bang được xem là các tiểu bang tranh chấp (swing states) có số cử tri ủng hộ ứng viên Dân Chủ hay Cộng Hòa khá tương đương, kết quả theo từng mùa bầu cử tùy thuộc vào các lá phiếu cử tri độc lập cũng như tỉ lệ người tham gia bầu cử thuộc bên này hay bên kia cao hơn.
7 tiểu bang tranh chấp (swing states) có số cử tri ủng hộ ứng viên Dân Chủ hay Cộng Hòa khá tương đương
Với bảy tiểu bang chiến địa trong năm nay, các thăm dò hiện cho thấy Donald Trump đang chiếm lại ưu thế các tiểu bang như Arizona và Georgia, ngang ngửa cùng bà Kamala Harris tại các tiểu bang như Nevada, Wiscosin, Michigan và North Carolina, tiểu bang duy nhất Trump chiến thắng vào năm 2020 trong số bảy tiểu bang tranh chấp này. Về phía bà Harris hiện đang và phải chiến thắng tại tiểu bang Pennsylvania rất quan trọng. Như nói trên, mức chênh lệch tại các tiểu bang này khá thấp, có thể thuộc về ứng viên này hay kia và mỗi kết quả từng tiểu bang đều mang tính quyết định đến kết quả chung cuộc.
Dựa vào các thăm dò cùng đặc tính nhân khẩu, lịch sử chính trị và cử tri tại các tiểu bang tranh chấp, chúng tôi dự đoán bà Kamala Harris có khả năng chiến thắng tại Pennsylvania (19 phiếu), Nevada (6) và Wisconsin (10), còn Donald Trump có cơ hội chiến thắng tại Arizona (11 phiếu), Georgia (16) và North Carolina (16). Theo dự đoán này thì bà Harris sẽ có 226 phiếu (các tiểu bang Dân Chủ) cộng thêm 35 phiếu, tức 261 phiếu cử tri đoàn, còn Donald Trump sẽ được 219 phiếu (tiểu bang Cộng Hòa) cộng thêm 43 phiếu, tức 262 phiếu.
Như vậy Michigan với 15 phiếu sẽ trở nên tiểu bang quyết định, ứng viên nào chiến thắng tiểu bang này sẽ giành được chiến thắng.
Michigan vốn là một tiểu bang vùng Trung Tây Hoa Kỳ, từng được xem là "Bức tường Xanh" (Blue Wall) thiên về đảng Dân Chủ nhưng bất ngờ lọt vào tay Donald Trump trong cuộc bầu cử 2016 với tỉ lệ rất nhỏ là 0,23%. Năm 2020, Tổng thống Joe Biden đã lấy lại Michigan với tỉ lệ cao hơn gần 3%, một tỉ lệ khá an toàn. Đây cũng là tiểu bang chiến địa có cộng đồng Ả-rập rất đông vốn không mấy thiện cảm, thậm chí ghét Donald Trump vì các sắc lệnh lẫn tuyên bố không mấy thân thiện với các quốc gia Hồi giáo. Mùa bầu cử năm nay, bà Kamala Harris cũng gặp phải thử thách với cộng đồng này từ cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas tại Trung Đông hiện nay. Một số tin tức cho thấy cộng đồng Ả-rập sẽ không dồn phiếu cho bà Kamala, nếu vậy họ cũng không chuyển sang bỏ phiếu cho Trump. Từ kết quả 2020 và mức độ ủng hộ hiện tại, cơ hội bà Kamala Harris sẽ thắng cử tại Michigan nhiều hơn Donald Trump và sẽ được 276 phiếu để đắc cử tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đời thứ 47.
Nhà Trắng (White House) là nơi làm việc và cũng là nơi cư ngụ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Số phiếu cử tri đoàn sẽ thay đổi nếu các tiểu bang dự đoán sẽ thuộc về Donald Trump hay bà Kamala Harris có thay đổi, ví dụ bà Harris thắng thêm Georgia và/hay North Corolina và Donald Trump lại chiến thắng tại Wisconsin. Hiện tại thì tại Georgia, mức ủng hộ hai bên khá sát, tuy nhiên trong hai cuộc bầu cử 2020 và 2022, phía Dân Chủ đều chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và cuộc đua vào Thượng Viện nên cơ hội bà Harris chiến thắng tại Georgia rất cao. Nếu điều này xảy ra, bà sẽ được 292 phiếu cử tri đoàn, dẫu có thua Wisconsin bà Harris vẫn chiến thắng vẻ vang.
Theo mô hình phân tích trên, như vậy Phó Tổng Thống Kamala Harris, ngoài việc thắng phiếu cử tri phổ thông đã tham gia bầu cử, bà có thể chiến thắng với số phiếu cử tri đoàn để đắc cử tổng thống đời thứ 47, trở thành người phụ nữ đầu tiên trở thành tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Nhã Duy
(04/11/2024)
Trận cuồng phong Donald Trump trong một thế giới đầy hiểm nguy
Vào tuần lễ cuối cùng trước khi bước vào cuộc bỏ phiếu quan trọng, bầu cử tổng thống Mỹ và các hệ quả với thế giới được các tuần báo bàn luận nhiều nhất. Trang bìa The Economist nhấn mạnh "Một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ tồi tệ như thế nào".
Ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump và trên màn hình phía sau là ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris, trong một cuộc mít-tinh tranh cử ở Michigan, Hoa Kỳ ngày 01/11/2024. Reuters - Brian Snyder
Nhiệm kỳ thứ hai của Trump : Những rủi ro khó chấp nhận
The Economist công khai ủng hộ bà Kamala Harris vì "một nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump đi kèm với những rủi ro không thể chấp nhận được". Tuần tới mấy chục triệu cử tri Mỹ sẽ đi bầu. Một số bỏ phiếu vì căm ghét, cho rằng bà Harris là một người mác-xít cực đoan sẽ phá hoại đất nước. Số khác vì lòng tự hào quốc gia, tin rằng với Trump nước Mỹ sẽ vững vàng.
Nhưng một số vẫn điềm tĩnh bầu cho Trump, coi như một rủi ro đã được tính toán. Tuy không thần tượng ông Trump, nhưng họ cho rằng trong nhiệm kỳ trước ông đã làm được nhiều điều tốt hơn là điều xấu, những cáo buộc dành cho ông là phóng đại. Nhưng khi đưa Donald Trump lên làm lãnh đạo thế giới tự do, người Mỹ đã đánh cược với kinh tế, Nhà nước pháp quyền và hòa bình thế giới.
Đã hẳn là những lo sợ trong nhiệm kỳ đầu đã không thành sự thực. Trump giảm thuế và các quy định rắc rối, giúp tăng trưởng nhanh hơn nhiều nước giàu khác. Chính quyền của ông đáng được khen ngợi vì đã tài trợ cho việc tìm kiếm vac-xin chống Covid. Về đối ngoại, đó là hình ảnh một nước Mỹ hùng mạnh, đối đầu với Trung Quốc, xúc tiến thỏa thuận Abraham giữa các nước Ả rập với Israel, thúc đẩy các đồng minh tăng chi quân sự.
Chính sách tệ hại hơn, thế giới nguy hiểm hơn
Nhưng nếu vậy tại sao phải gióng lên hồi chuông cảnh báo trong kỳ bầu cử năm nay ? Đó là vì chính sách của Donald Trump tệ hại hơn, thế giới nguy hiểm hơn và những nhân vật tỉnh táo, có trách nhiệm đã kềm chế được ông, nay bị thay thế bằng những người đa số là cực đoan, nịnh hót, hoặc cơ hội – theo The Economist. Trump nay muốn đánh thuế 20% lên tất cả hàng nhập khẩu, thậm chí 200% đến 500% đối với xe hơi từ Mexico, trục xuất hàng triệu di dân bất hợp pháp, giảm thuế dù ngân sách thâm thủng nặng.
Chính trị có thể làm suy giảm những yếu tố đã làm nên sự thịnh vượng của Mỹ. Hồi năm 2017-2021 thế giới vẫn yên bình, nhưng tổng thống sắp tới sẽ phải đối mặt với nguy cơ hai cuộc chiến tranh, khi Vladimir Putin đe dọa Châu Âu và tại Trung Đông một cuộc xung đột với Iran có thể nổ ra. Bối cảnh này đặt Trump vào thách thức chưa hề có trước đây, những tuyên bố của ông về chiến tranh Ukraine và việc cổ vũ Israel tấn công các cơ sở nguyên tử Iran không làm người ta an tâm.
Đáng lo hơn nữa là Trump không bị trói tay trong nhiệm kỳ thứ hai, như vậy mọi sự đều tùy thuộc vào tính cách của ông. Trong khi đó Kamala Harris đại diện cho sự ổn định, tuy bà là một cỗ máy chính trị đáng thất vọng. Bà không có chính sách rõ ràng, tỏ ra bất định, nhưng điểm cộng là đã từ bỏ những ý tưởng cực tả, vận động tranh cử bên cạnh những người cánh trung của cả hai đảng. Tuy chẳng phải xuất sắc, nhưng Harris khó thể gây ra thảm họa.
Nghịch lý tạo ra từ nỗi sợ
Cũng về bầu cử tổng thống Mỹ, Le Nouvel Obs cho rằng đây là một cuộc bỏ phiếu mà nỗi sợ thống trị. Nền dân chủ Mỹ sẽ ra sao khi phân nửa số công dân sẵn sàng đưa vào Nhà Trắng trở lại một tỉ phú tính tình bất nhất, bị tư pháp coi là tội phạm - và theo cựu chánh văn phòng John Kelly, thì có phần nào ngưỡng mộ Hitler ? Chiến thắng chỉ được quyết định bởi vài chục ngàn lá phiếu quý giá tại một ít bang "nghiêng ngả" như Pennsylvania. Và một chiến thắng khít khao như vậy có thể dẫn đến phản kháng thậm chí bạo động, trong trường hợp ông Donald Trump thua sát nút.
Chỉ có một điều chắc chắn là rất đáng ngại trước làn sóng ủng hộ cựu tổng thống - người không tiếc những lời thóa mạ đối thủ, tuyên bố phân biệt chủng tộc, không coi trọng quyền phụ nữ và người thiểu số, vấn đề môi trường, đe dọa bỏ rơi Ukraine trước kẻ xâm lăng Nga... Làm thế nào đảng Cộng Hòa một lần nữa lại ủng hộ một nhân vật như vậy ? Và tại sao Trump lại dấy lên được nhiệt tình nơi nhiều người Mỹ bị ám ảnh trước nguy cơ xuống dốc, tuy kinh tế Hoa Kỳ vô cùng năng động ?
Đó là một trong những nghịch lý của cuộc bầu cử, mà sâu thẳm bên trong là nỗi sợ : sợ bị xuống cấp, sợ một thế giới đang thay đổi, sợ tương lai. Những nỗi sợ bị phóng đại bằng đủ loại tin giả về đủ các chủ đề, lan tràn với tốc độ ánh sáng trên các mạng xã hội, được hỗ trợ bằng các "kỹ sư của hỗn loạn" - theo tên tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Giuliano da Empoli - các robot Nga và Trung Quốc, những ông chủ trong lãnh vực công nghệ như Elon Musk, và bản thân ông Trump. Phải chăng Hoa Kỳ là nạn nhân của ảo tưởng tập thể ? Tuần báo vẫn hy vọng người Mỹ dù chia rẽ vẫn không rơi vào một cuộc chiến chống lại nhau, trong cuộc bầu cử quá quan trọng cho tương lai thế giới. Đây cũng là lời cảnh báo cho các nền dân chủ Châu Âu. Như triết gia Pháp Tocqueville đã nói : "Chính trị thế giới thay đổi, cần phải tìm những phương thuốc mới cho những căn bệnh mới".
Yếu tố giới tính và "trận cuồng phong Trump"
L’Express nói về "nhân tố phụ nữ" trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này : chưa bao giờ yếu tố giới tính lại quan trọng đến thế. Hồi năm 2020, có 82,2 triệu cử tri nữ và 72,2 triệu cử tri nam, và xu hướng lâu nay của giới nữ là bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân Chủ. Theo thăm dò của USA Today, 56% phụ nữ sẽ bầu cho Kamala Harris, chỉ có 36% cho Donald Trump. Ngược lại, Trump chiếm được 56% phiếu của nam giới, và Harris chỉ được 37%. Khoảng cách này còn cao hơn đối với các phụ nữ trẻ tuổi.
Nhưng trong một bài viết khác, tuần báo cho rằng "Kamala Harris đã bị sụp bẫy trước ‘trận bão Trump’". Bà coi như đã thất cử. Vì sao ? Với tỉ lệ ngang ngửa 48% cho mỗi người, đó là một thất bại. Năm 2016, Hillary Clinton dẫn trước Donald Trump 2 điểm nhưng vẫn thua, cần phải ít nhất 3 điểm mới thắng được đối thủ. Làn sóng ủng hộ lúc bà bước vào cuộc đua đã hạ nhiệt, sự ủng hộ của vợ chồng Barack Obama là con dao hai lưỡi, cho thấy bà không tài năng bằng họ.
Nhất là câu hỏi, phải chăng việc chọn Tim Walz làm phó là đúng đắn ? Thống đốc Minnesota tuy dễ mến nhưng bang này vốn theo Dân Chủ. Theo L’Express, lẽ ra nên chọn thống đốc Pennsylvania, Josh Shapiro vốn rất được lòng dân, lại là một bang chiến địa có đến 19 đại cử tri. Thật khó chọn lựa thái độ trong một đất nước chia rẽ, được mạng xã hội làm đậm thêm, và "trận cuồng phong Trump" đang tàn phá.
Trục độc tài lăm le tấn công phương Tây
Nhìn rộng ra thế giới, L’Express nói về "Trục độc tài tấn công vào Hoa Kỳ". Vào lúc cuộc bầu cử ngày 05/11 vẫn khó đoán, liên minh chống Mỹ Nga-Trung Quốc-Iran-Bắc Triều Tiên tiếp tục những hoạt động nhằm làm phương Tây yếu đi. Trong cuộc xâm lăng Ukraine, Putin được Kim Jong-un cung cấp hàng triệu quả đạn pháo và mới đây đưa cả chục ngàn binh lính sang ; các drone Shahed-136 của Iran rơi như mưa xuống thường dân Kharkiv, Odessa… Sau gần ba năm, tội phạm chiến tranh Vladimir Putin còn nghiễm nhiên chủ tọa hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Ở Trung Đông, tình hình luôn dễ bùng nổ giữa Israel với Iran và các lực lượng tay sai của Tehran là Hamas, Hezbollah, Houthi. Tại Châu Á, Trung Quốc quấy nhiễu đồng minh Philippines của Hoa Kỳ và giương oai diễu võ với Đài Loan ; hai nước Triều Tiên căng thẳng với nhau, Bắc Triều Tiên sở hữu khoảng 50 đầu đạn nguyên tử… Tóm lại, chưa phải là thế chiến, nhưng một mạng lưới các nhân tố có cùng tham vọng là đẩy lùi sự thống trị của Hoa Kỳ và phương Tây.
Sức mạnh của Hoa Kỳ đã suy yếu dần kể từ sau các sự kiện ngày 09/11, chiến tranh Iraq, Afghanistan, nhưng đặc biệt từ khi Barack Obama từ chối can thiệp năm 2013 dù Assad đã vượt qua lằn ranh đỏ, dùng vũ khí hóa học giết hại chính người dân nước mình ở Syria. Sa hoàng Putin coi đây là việc bật đèn xanh, bèn xua quân sang tấn công Donbass, chiếm Crimea, và cả với cuộc xâm lăng này, Obama vẫn tỏ ra do dự. Và tại Ukraine, Joe Biden đã sai lầm khi từ đầu đã tuyên bố Mỹ sẽ không can thiệp. Tuy nhiên vẫn không nên coi thường Chú Sam.
Trong khi phương Tây sững sờ trước những khiêu khích của Putin, các kẻ thù của dân chủ lao vào cuộc chạy đua vũ trang. Ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức 20/01/2025, tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ phải đối đầu với một liên minh hổ lốn các chế độ độc tài (cộng sản, dân tộc chủ nghĩa, thần quyền). Tất cả các thành viên của "trục độc tài thế kỷ 21" đều trực tiếp hoặc gián tiếp yểm trợ cho Putin ở Ukraine, thế nên kết cục của cuộc chiến là cốt yếu cho tương lai các nền dân chủ.
Ít quân hơn, Ukraine chiến đấu để tồn tại chứ không phải để chiến thắng
Trên chiến trường, The Economist đánh giá Ukraine đang phải vất vả để giữ vững tình hình hiện nay, không phải để giành chiến thắng. Quân đội Ukraine đã thành công trong việc giữ được Pokrovsk, thành phố ở miền đông bị bao vây lâu nay, khiến Putin mất mặt. Tại Kupiansk ở miền bắc, quân Nga đã cắt lực lượng Ukraine làm đôi ở sông Oskil, qua được kênh chính ở Chasiv Yar sau sáu tháng tấn công. Ở tỉnh Kursk của Nga, Ukraine mất khoảng phân nửa số đất đã chiếm được.
Vấn đề không phải là chuyện mất đất, vốn không nhiều và khiến Nga phải nướng vô số mạng lính – 600.000 thương vong từ đầu cuộc chiến, và từ đầu năm nay đến tháng 10, đã có 57.000 lính Nga bỏ mạng. Nhưng Nga cứ gặm nhấm mãi, còn Ukraine thiếu phòng không, đạn pháo, thiết giáp… Hỏa lực, xe tăng càng ít thì càng lệ thuộc vào bộ binh, và thiệt hại càng nhiều.
Nga không thể chiến đấu mãi mãi. Nhưng mối lo ngại của các quan chức Mỹ, Châu Âu và Kiev ở chỗ, do là nước nhỏ, dân số ít hơn, nên Ukraine sẽ đuối trước. Chuyên gia Jack Watling của Royal United Services Institute nhận xét : "Moskva dường như đang đánh cược rằng họ có thể đạt được các mục tiêu của mình ở Donbas vào năm tới, và áp đặt tỉ lệ thương vong đủ cao để quân đội Ukraine không còn khả năng ngăn chặn quân Nga tiến xa hơn nữa". Ông cảnh báo rằng điều này sẽ tạo đòn bẩy cho Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán nào sau đó.
Lính Bắc Triều Tiên tại Nga vấp phải rào cản ngôn ngữ
Trong bài "Ukraine : Khi Bắc Triều Tiên lại chinh chiến ở nước ngoài", Libération cuối tuần ghi nhận đến hai bước nhảy vào vô định và đồng tham chiến. Từ nhiều ngày qua, tình báo Ukraine và Hàn Quốc ước tính Bình Nhưỡng đưa từ 10.000 đến 12.000 quân sang giúp Nga, và đến 31/10, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định đã có 8.000 lính Bắc Triều Tiên ở Kursk.
Tình báo Ukraine cho biết trong số 12.000 quân Bắc Triều Tiên đã hiện diện tại Nga có 500 sĩ quan, được huấn luyện tại năm trung tâm ở vùng Viễn Đông như Ussuriysk, Ulan-Ude, Yekaterinoslav, đa số thuộc lực lượng "Bão táp". Theo nhật báo Hàn Quốc Hankyoreh, lực lượng này chuyên xâm nhập, đánh tập hậu, phá hoại cơ sở hạ tầng, ám sát ; hồi năm 1968 đã toan ám sát tổng thống Park Chung-hee nhưng không thành công. Kiev với sự hỗ trợ của Seoul, chỉ rõ ba tướng lãnh Bắc Triều Tiên đã đến Nga.
Đó là Kim Yong-bok, chỉ huy lực lượng đặc biệt ; Ri Chang-ho, phó tổng tham mưu trưởng chuyên về thám báo ; Sin Kum-cheol, phụ trách các hoạt động chung. Phía Nga do thứ trưởng quốc phòng, tướng Yunus-bek Yevkurov điều hành. Một trong những thách thức lớn trong sự hợp tác chưa từng thấy này là rào cản ngôn ngữ. Những người lính của Kim Jong-un bị đưa vào một chiến địa mà họ không biết tiếng, trong khi hai đối thủ tại đây đều hiểu ngôn ngữ của nhau. Tình báo Hàn Quốc (NIS) giải thích là quân đội Nga đã dạy trên 100 từ ngữ quân sự tiếng Nga, nhưng vẫn xảy ra các vấn đề về liên lạc.
Từ lái Mig-17 cho Bắc Việt đến Ukraine : Bước leo thang nguy hiểm
Đội quân này được sử dụng vào việc gì vẫn chưa biết được. Nếu gởi ra mặt trận, Bắc Triều Tiên sẽ trở thành bên trực tiếp tham chiến, ngoài ra còn có nguy cơ lính đào ngũ và bị bắt làm tù binh. Chắc chắn là Bình Nhưỡng cũng đưa theo người đi kèm để giám sát, đồng thời đe dọa thân nhân của họ ở Bắc Triều Tiên. Trang web 38North đoán rằng có thể Putin cho triển khai số lính này tại Donetsk, do Nga mất quá nhiều quân ở Chasiv Yar và Pokrovsk, hoặc đóng tại tỉnh Kursk. Khả năng khác là yểm trợ về vận chuyển và bảo trì.
Libération nhắc lại trong chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc gởi sang 310.000 quân tham chiến với Mỹ, thì Bắc Triều Tiên đưa 1.000 quân nhân sang giúp Bắc Việt. Đó là các phi công lái những chiếc Mig-17 chiến đấu cho miền Bắc từ 1966 đến 1972, đã bắn hạ được 26 phi cơ Mỹ. Ít nhất 14 lính Bắc Triều Tiên đã tử trận ở Việt Nam. Bình Nhưỡng cũng gởi sang Hà Nội các sĩ quan để tiến hành chiến tranh tâm lý với quân nhân Hàn Quốc, những vụ bắt cóc nhằm nghiên cứu chiến thuật và tình hình của lực lượng Hàn.
Một cuộc chiến giữa hai anh em Triều Tiên, nhưng tại nước ngoài và ngay trong thời chiến tranh lạnh. Bình Nhưỡng cũng từng gởi cố vấn quân sự sang Ai Cập, Libya, Uganda, Congo, Syria. Nhưng lần này Bắc Triều Tiên huy động số lượng lớn binh lính, lao vào một cuộc chiến ở rất xa. Một hành động leo thang đầy rủi ro.
Trang nhất các tuần báo Pháp
Hồ sơ Courrier International tuần này dành cho "Nhập cư : Châu Âu nhường bước cho dân túy" : Các nước trở nên cứng rắn hơn với chính sách kiểm soát biên giới, trục xuất di dân, lập các trung tâm tạm giữ ở nước khác…. Le Point đăng ảnh tổng thống Macron, chạy tít "Hồi kết kỳ lạ của sự ngự trị" ở điện Élysée trong buổi hoàng hôn, Le Nouvel Obs điều tra về tỉ phú Bernard Arnault, nhân vật quyền lực nhất nước Pháp. L’Express nêu vấn đề "Trump, Putin, Macron, nhập cư, dân số… làm sao để tránh hỗn loạn".
Thụy My
Theo nghiên cứu của Pew Research thì năm nay có 15 triệu công dân Mỹ gốc Á châu có thể đi bầu, tăng thêm 2 triệu người so với 4 năm trước. Bản tin của AAPI (Người Mỹ gốc Á châu và Thái Bình Dương) ước tính đảng Dân Chủ sẽ được 42% ủng hộ, Cộng Hòa 22%. Người Mỹ gốc Việt có khuynh hướng khác. Hơn một nửa (51%) thường ủng hộ đảng Cộng Hòa, chỉ có 42% bầu đảng Dân Chủ, theo Pew Research năm 2023.
Hình ghép 2 ứng viên tổng thống năm nay : Bà Harris phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở Rochester, hôm 18/8. Ông Trump phát biểu tại buổi vận động hôm 19/8 ở York. Cả hai thành phố đều ở Pennsylvania, bang chiến trường.
Người Việt ở Mỹ quan tâm đến chính trị hơn các sắc dân thiểu số khác. Vì đại đa số chúng ta qua Mỹ để tị nạn chính trị. Người Việt thích bàn chuyện chính trị. Nhất là trong năm bầu cử tổng thống và quốc hội Mỹ. Chỉ còn trên năm tuần nữa sẽ đi bỏ phiếu, thế nào khi gặp nhau quý vị cũng có lúc nói đến chuyện chính trị. Xa hơn một chút, nhiều người sẽ tranh luận nên bầu cho ai.
Đó là một chuyện rất nhức đầu. Nếu tránh được thì tốt. Trước hết, tốt cho sức khỏe ! Nói là một hoạt động tốn năng lượng. Khi tranh luận thì phải suy nghĩ, bộ óc tiêu hao rất nhiều năng lượng khi phải nghĩ.
Cho nên hãy tránh cãi lộn. Tránh nhất là chuyện bầu ai làm tổng thống Mỹ ! Chuyện này quan trọng thật, nhưng bình thường dù cãi thắng mình cũng không gây được ảnh hưởng trên người khác. Vả lại, phần lớn ngôi tổng thống Mỹ không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của cá nhân mình (lợi tức, hạnh phúc gia đình, con cái học hành, mua nhà, mua xe, vân vân). Không ảnh hưởng được mà còn gây chia rẽ giữa người Việt với nhau.
Ai cũng biết năm nay nước Mỹ đang chia rẽ rất nặng trong cuộc tranh cử tổng thống. Trước đây tôi đã biết những cặp vợ chồng Mỹ bao giờ cũng bỏ phiếu khác nhau. Trong nhà, họ không nói chuyện chính trị, sống với nhau đến hết đời. Bây giờ nhiều người Mỹ đã thay đổi. Ông Donald Trump và bà Kamala Harris mỗi người đều có một số cử tri nhiệt liệt ủng hộ. Người ủng hộ một ứng cử viên này có thể ghét người phía bên kia thậm tệ, có khi coi nhau là thù địch. Chính người đang ứng cử cũng có lúc gọi ai chống mình là "kẻ thù !" Người Mỹ gốc Việt, nếu không khéo, cũng bị lôi cuốn trong cơn sóng chia rẽ đó.
Chúng ta nên tránh trao đổi hoăc bàn luận chính trị, dù rất nóng trong lòng ! Thường chúng ta biết điều gì, có ý kiến nào, cũng muốn có người nghe. Nếu đó lại là một điều đắc ý, thì nhu cầu chia sẻ càng mạnh. Biết một ngã tư không cho phép quẹo trái khi đèn đỏ, hoặc biết một chợ bán món trái cây nào hạ giá 40%, ai cũng muốn truyền bá kiến thức của mình. Nhưng chuyện bầu tổng thống năm nay thì nên tránh.
Trước hết, không nên nói đến chuyện bầu cử với những người mình không biết ý họ sẽ bỏ phiếu cho ai. Người dưng cũng như bạn bè, anh chị em, giữa cha mẹ và con cái cũng vậy. Không nhắc đến, không bàn bạc về lời nói hay việc làm của các ứng cử viên. Không nhắc lại các tin tức mình mới đọc về ông Trump hay bà Harris. Bởi vì chỉ cần loan báo tin tức thôi cũng có thể có lợi hoặc bất lợi cho một người. Người nghe sẽ coi là mình đang tìm cách gây ảnh hưởng ! Sẽ gây phản ứng, dù không nói năng mà chỉ ghi đậm trong lòng. Cuối cùng, chỉ nên chia sẻ các tin tức, ý kiến với những người quen thân mà mình biết cũng chọn giống mình.
Theo các đề nghị trên đây, hy vọng quý vị sẽ giữ được hòa khí với mọi người. Nhưng còn một vấn đề quan trọng hơn : Cần giữ chính mình tâm an, không xáo động trước các tin tức tranh cử hàng ngày !
Nhiều người thiết tha với một ứng cử viên nên mỗi ngày lại coi, đọc tin tức, trên báo, trên truyền hình, nhất là tin trên mạng Internet. Hơn 67 triệu người Mỹ đã theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên, sau đó các báo đài loan tin về phản ứng của họ.
Tin tức những cuộc nghiên cứu thăm dò dư luận xuất hiện liên tiếp hàng tháng không nghỉ, ai cao ai thấp tùy theo mỗi cuộc nghiên cứu. Kết quả trên toàn quốc, rồi đến kết quả ở từng địa phương. Các tiểu bang như Michigan, Wisconsin, Georgia, Pennsylvania, North Carolina và Nevada, được coi là "đóng vai trò quyết định" vì mức chênh lệch khít khao, được theo dõi nhiều nhất. Kết quả lên xuống từng ngày, tùy theo mỗi cuộc nghiên cứu. Báo đài đua nhau loan tin về một câu nói hay một cử chỉ của các ứng cử viên. Những chuyện về bà Harris hay ông Trump được nhà báo tìm ra dù từ nhiều năm cũ cũng trở thành tin nóng hổi. Mỗi câu chuyện được người đọc "tiêu hóa" theo ý thích của mình. Người đọc có khuynh hướng tin tưởng vào những kết quả hợp với ý thích của mình, nhưng mỗi ngày có thể lúc vui lúc buồn khi đọc tin rồi vui mừng sung sướng hoặc đau khổ tuyệt vọng ; lòng không mấy lúc yên ổn ! Một cách tránh, là đừng quá tin tưởng vào các con số đó !
Chúng ta cần thận trọng về kết quả những cuộc nghiên cứu dư luận. Cần tìm hiểu mỗi công ty hay cơ sở nghiên cứu đóng vai trò độc lập hay có quan hệ nhiều ít đến các ứng cử viên hoặc các tổ chức hỗ trợ họ, thường gọi là PAC (Political Action Committee). PAC là những tổ chức nhắm mục đích gây quỹ và phân phối tiền tranh cử. Luật pháp quy định hoạt động của họ và quy định cụ thể số tiền các cá nhân có thể đóng góp cho một PAC, hay một PAC đóng góp cho một PAC khác hay các ứng cử viên hay cho một đảng. Khi thấy kết quả nghiên cứu dư luận của một PAC chúng ta phải tìm hiểu trong quá khứ họ đã công bố những kết quả như thế nào, có độc lập hay nghiêng hẳn về một đảng hay một người.
Một cách giảm bớt tình trạng lệch lạc khi đọc những kết quả nghiên cứu dư luận là tính con số trung bình do nhiều cuộc nghiên cứu độc lập trong cùng một thời gian. Mỗi cuộc nghiên cứu đều phải công bố "sai số" tức "biên độ sai lầm" (margin of error) theo phương pháp thống kê. Thí dụ, nếu kết quả cho thấy tỷ số dân chúng ủng hộ hai ứng cử viên là 48% và 45%, mà sai số là 5% thì mức chênh lệch "thật sự" có thể là 53% (cộng thêm 5%) và 40% (trừ bớt 5%) hoặc 43% (trừ bớt 5%) và 50% (cộng thêm 5%). Cuộc nghiên cứu càng nhiều người tham dự thì sai số càng nhỏ nhưng khi nào cũng vẫn còn một biên độ sai lầm.
Những người làm công việc nghiên cứu phải chọn một số công dân Mỹ để đặt câu hỏi về ý định bỏ phiếu của họ. Quan trọng là chọn được một "mẫu nghiên cứu" ngẫu nhiên, không lệch lạc (random sample). Phải chọn làm sao để số người được phỏng vấn, trong mỗi địa phương, theo tiểu bang và trên toàn quốc, có tính chất tiêu biểu cho tất cả những công dân có ý định đi bỏ phiếu. Mẫu người được nghiên cứu phải theo những tỷ lệ nam – nữ ; lợi tức cao thấp, màu da, sắc tộc, tuổi tác, vân vân, phù hợp với số dân tương ứng. Các cơ sở nghiên cứu lâu đời và có thành tích tiên đoán trúng thường do kinh nghiệm đã chọn phỏng vấn một số người trong "mẫu nghiên cứu" phù hợp.
Một cách thẩm định kết quả nghiên cứu có đáng tin hay không là coi các ứng cử viên họ làm gì. Nếu thấy nói một ứng cử viên đang thua sít sao tại một tiểu bang đồng thời thấy ứng cử viên đó tăng rất nhiều tiền chi tiêu cổ động ở tiểu bang đó, thì có thể đoán rằng ứng cử viên này đang lo lắng thật, qua các cuộc nghiên cứu của chính họ.
Ngoài ra, chúng ta cứ theo dõi tin tức về cuộc tranh cử, cho mỗi câu chuyện, mỗi điểm số một trọng lượng, cất vào trong trí nhớ của mình ; để đó, sẽ nghe ngóng và xét lại sau ! Không cách nào mình dùng các sự kiện, các con số đó để tiên đoán trúng 100% ai thắng ai thua ! Cuối cùng, chuyện ai sẽ thắng, ai sẽ thua cũng không phải là yếu tố chính khiến mình lựa chọn khi bỏ phiếu. Chúng ta đều quyết định bỏ phiếu cho người theo đuổi cùng một mục đích với mình. Không nên thay đổi hàng ngày tùy theo các tin tức !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 26/09/2024
Những lá phiếu đầu tiên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ được bỏ vào thùng phiếu vào ngày thứ Hai 15/1 tại bang Iowa, khi Đảng Cộng hòa tiến hành chọn ứng viên đại diện tranh cử với Tổng thống Joe Biden từ Đảng Dân chủ. Cuộc bầu cử tổng thống không chỉ đang được theo dõi chặt chẽ tại Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Cuộc bầu cử tổng thống không chỉ đang được theo dõi chặt chẽ tại Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Sau vài tuần gần đây tôi ở Châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã trở thành chủ đề thường trực thu hút sự chú ý và quan tâm mạnh mẽ từ những người mà tôi nói chuyện. Và không có gì ngạc nhiên.
Mỹ hiện đang liên quan tới hai cuộc chiến tranh nóng trên thế giới, đó là Ukraine và Gaza. Cùng lúc, quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi và căng thẳng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã gia tăng.
Gần với nước Mỹ hơn, các quốc gia vùng Trung Mỹ cũng trở thành tâm điểm khi mà ngày càng có nhiều người di cư tìm cách vượt biên đến Mỹ qua tuyến biên giới đang ngày càng trở nên lỏng lẻo. Và tuần này đã xảy ra các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào quân Houthi ở Yemen.
Hầu như không có khu vực nào trên thế giới mà vai trò lãnh đạo của Mỹ không có sức ảnh hưởng.
Viễn cảnh về một Donald Trump từ Đảng Cộng hòa quay trở lại Nhà Trắng, với chính sách ngoại giao ‘Nước Mỹ trên hết’, đã thêm tính bất định vào bức tranh vốn đã hỗn độn.
Một số quốc gia trông chờ vào việc Donald Trump quay trở lại. Nhưng nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ ngày càng lo sợ về khả năng quay trở lại của một vị tổng thống ‘không giống ai’ mà họ từng thấy khó khăn trong quan hệ.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, Chris Coons, thuộc Ủy ban Đối ngoại và đồng Chủ tịch chiến dịch tái tranh cử của ông Biden, cho tôi biết rằng vào mỗi buổi sáng ông họp với các lãnh đạo nước ngoài hoặc các bộ trưởng ngoại giao, vào một thời điểm nào đó, họ đã đặt câu hỏi về khả năng các cử tri của Mỹ có thể thật sự một lần nữa, xoay sang lựa chọn Donald Trump làm tổng thống.
Vì thế, dù đây là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các quốc gia khác cũng rất quan tâm đến kết quả.
Không có thủ đô nào trên thế giới theo dõi chiến dịch tranh cử này chặt chẽ như tại Kyiv. Số phận cuộc chiến tranh Ukraine được cho là phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
"Nếu chính sách của vị tổng thống tiếp theo – bất kể người ấy là ai – khác biệt đối với Ukraine, lạnh lẽo hơn hoặc hướng về bên trong hơn… thì tôi nghĩ những tín hiệu này sẽ ảnh hưởng mạnh đến diễn tiến của cuộc chiến tranh", Tổng thống Volodymr Zelensky gần đây đã nêu ý kiến.
Ông Zelensky đã không nêu tên nhưng ông Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh "trong vòng 24 giờ" sau khi được bầu làm tổng thống, mặc dù không giải thích ông sẽ làm cách nào. Người dân Ukraine lo ngại Donald Trump sẽ thúc đẩy đàm phán không theo hướng có lợi cho đại nghĩa mà họ đang theo đuổi.
Điều này sẽ có lợi cho Nga, nơi truyền thông vẫn đặc biệt ủng hộ Trump, và một số cơ quan truyền thông đã chỉ trích các nỗ lực loại ông Trump trong các cuộc bỏ phiếu tại 16 bang của nước Mỹ.
Kênh truyền hình NTV do Điện Kremlin kiểm soát đang tiến hành công kích. "Đây là sự can thiệp thật sự vào cuộc bầu cử và chính người Mỹ làm xói mòn nền dân chủ. Không có người Nga hay người Trung Quốc nào từng dám mơ về điều này", phóng viên của NTV Anton Ponomaryov nói với khán giả xem đài, không có dấu hiệu mỉa mai.
Triển vọng xoay chiều trong chính sách ngoại giao của Mỹ có thể được cảm nhận bên ngoài biên giới Ukraine và sẽ đặc biệt khiến các nước Châu Âu nằm gần Nga quan ngại.
Xa hơn, các đồng minh khác của Mỹ có thể đi đến kết luận rằng Mỹ không phải là một đối tác an ninh đáng tin cậy. Một thượng nghị sĩ của Mỹ đã đưa ra viễn cảnh về việc Nhật Bản phát triển kho vũ khí hạt nhân của chính họ nếu Mỹ ngừng hỗ trợ Ukraine. Ông ấy nói với tôi rằng Tokyo có thể kết luận rằng ‘chiếc dù’ an ninh hạt nhân của Mỹ có quá nhiều lỗ hổng.
Cũng có viễn cảnh là ông Donald Trump nếu tái đắc cử sẽ tiếp tục thực hiện mong muốn rút Mỹ khỏi NATO, căn bản làm suy yếu sức mạnh của liên minh quân sự này. Hai người nắm vấn đề trong chiến dịch của Trump nói với tôi là ông ấy có kế hoạch thực hiện điều đó.
Thượng nghị sĩ Coons nói rằng việc các quốc gia Châu Âu lo ngại là đúng.
"Mỹ và các đồng minh Châu Âu có cùng chung một thách thức đáng kể. Chúng ta phải cùng nhau cho thế giới thấy rằng Putin không thể tồn tại lâu hơn chúng ta và tầm nhìn của Chủ tịch Tập về chủ nghĩa chuyên chế không phải là điều tốt nhất cho thế giới".
Một cuộc chiến tranh nóng khác, xung đột ở Trung Đông, rõ ràng đã làm rung chuyển nền chính trị của Mỹ theo những cách khác nhau – người Mỹ trẻ tuổi hơn và người Mỹ gốc Ả rập phản đối sự ủng hộ của Nhà Trắng dành cho Israel – điều có thể khiến ông Joe Biden thậm chí mất một bang ủng hộ trong cuộc bầu cử bởi vì yếu tố này.
Thế nhưng, phản ứng của người Israel đối với nền chính trị Mỹ có lẽ thậm chí còn gây ngạc nhiên hơn. Người Israel thường ủng hộ Trump hơn Biden với tỷ lệ đông đảo, nhưng một cuộc thăm dò hồi tháng 12/2023 của Midgam cho thấy sự chuyển biến đáng kể trong sự ủng hộ dành cho ông Biden.
Một cuộc điều tra trên truyền thông Israel cho thấy một nghịch lý mà người dân Israel không hiểu, đó là tình cảm mà họ dành cho Joe Biden có thể sẽ gây tổn hại đến khả năng ông tái đắc cử. Nhật báo chuyên về kinh doanh Calcalist đã chạy dòng tít "Sự ủng hộ mà Biden dành cho Israel đã giúp củng cố sức mạnh cho Trump trước cuộc bầu cử".
Tuy nhiên, những quốc gia Trung Đông khác có thể mong sự thay đổi ở Washington.
Chẳng hạn, trong chiến dịch năm 2020, ông Joe Biden đã gọi Ả Rập Saudi là một nhà nước bất trị. Rồi nhiều tháng sau khi ông lên nắm quyền tổng thống, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan một cách đầy thảm họa đã giúp Taliban củng cố quyền kiểm soát.
"Tôi nghĩ các quốc gia đối tác ở Trung Đông nhìn chung sẽ thích một tổng thống từ phe Cộng hòa hơn ông Biden", Matthew Kroenig, một cựu quan chức từ Bộ Quốc phòng Mỹ, người hiện đang làm việc tại cơ quan nghiên cứu Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương), nói.
Đối với một số lãnh đạo nhà nước ở Trung Đông, một sự chuyển tiếp rời xa Joe Biden có thể đồng nghĩa với việc ít có sự can thiệp và chỉ trích hơn từ Washington.
Ông Kroenig nói một tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa có thể ít chỉ trích Israel hơn về cách tiến hành cuộc chiến tranh tại Gaza hoặc rao giảng cho Ả Rập Saudi về hồ sơ nhân quyền của quốc gia này.
Thượng nghị sĩ độc lập Angus King vừa trở về từ phái đoàn lưỡng đảng của Thượng viện đến Trung Đông. Ông ấy nói với tôi rằng sự tê liệt chính trị tại Mỹ đang gây chú ý ở nước ngoài.
"Hamas và Putin hiện có chiến lược giống nhau – đợi chờ Phương Tây đánh mất ý chí và đợi nước Mỹ bị đánh bại bởi chính nền chính trị gây chia rẽ của mình".
Từ Bắc Kinh đến Buenos Aires, người dân theo dõi cơ hội thắng cử của các ứng viên và chờ đợi kết quả.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có một lượng khán giả toàn cầu không giống bất kỳ cuộc bầu cử nào khác. Bởi vì nước Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng hơn bất kỳ quốc gia nào.
Thế nhưng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ sáu mà tôi đã trải qua này dường như thu hút sự quan tâm của toàn cầu mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Lý do một phần là vì nước Mỹ đã can dự vào quá nhiều khu vực trên thế giới, và cũng bởi điều đã diễn ra sau cuộc bầu cử vừa qua. Cuộc bạo loạn vào ngày 6/1/2021 đã cho thấy tính chất mong manh của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Hiện nay, thế giới muốn biết nước Mỹ sẽ ra sao trong phép thử dân chủ lớn nhất kế tiếp.
Cũng như những cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ đang phải đối mặt, vị tổng thống kế tiếp sẽ phải đương đầu với những điều không ngờ.
Năm 2023 là năm nóng kỷ lục. Năm 2022 xảy ra chiến tranh ở Châu Âu. Năm 2020 xảy ra trận đại dịch mà không ai ngờ tới.
Nước Mỹ không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong số này mà không có các liên minh mạnh mẽ trên toàn cầu – đây là lý do mà phản ứng của thế giới đối với cuộc bầu cử này không chỉ có sức ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Mà còn quan trọng đến cả nước Mỹ nữa.
Tường thuật bổ sung do BBC Monitoring thực hiện với các công đoạn việc theo dõi, dịch thuật và phân tích truyền thông trên thế giới cho BBC News, các chính phủ, các cơ quan phi chính phủ và các tổ chức quốc tế khác.
Katty Kay
Nguồn : BBC, 14/01/2024
Năm nay nước Mỹ có tổng tuyển cử vào ngày 5 tháng 11. Quan trọng nhất là bầu chọn tổng thống, toàn thể 435 dân biểu Hạ viện và 33 nghị sĩ, tức một phần ba của số 100 dân cử tại Thượng viện. Kết quả sẽ định hình cho chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ trong bốn năm từ 2025 đến 2029.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 : Trump-Biden tái đấu hay sẽ có bất ngờ ?
Cũng vào ngày 5/11 còn có bầu chọn thống đốc cho 11 tiểu bang và rất nhiều dân cử từ lập pháp tiểu bang, lãnh đạo quận hạt, thành phố đến các ủy viên hội đồng địa phương về giáo dục, giao thông, tiện ích.
Đảng Dân chủ với Tổng thống Joe Biden đang nắm hành pháp. Trong Quốc hội, Cộng hòa và Dân chủ có số thượng nghị sĩ ngang nhau, vì thế khi biểu quyết không đạt đa số quá bán thì Dân chủ sẽ thắng với lá phiếu của Phó Tổng thống Kamala Harris.
Tại Hạ viện, Đảng Cộng hòa chiếm lại đa số sau bầu cử 2022 nhưng cũng rất mong manh. Tổng thống Joe Biden đã gặp nhiều cản trở từ phía đối lập trong các dự luật về kinh tế, di dân, quân sự và đối ngoại với cuộc chiến ở Ukraine, ở Israel và quan hệ với Trung Quốc.
Tuần tới được xem như chính thức bắt đầu tiến trình tiến cử cho Đảng Cộng hòa tại tiểu bang Iowa vì đây đã là nơi đi tiên phong trong việc bầu tổng thống Mỹ từ năm 1972.
Với phía đảng cầm quyền mà tổng thống đang ở nhiệm kỳ đầu tiên thì việc tiến cử ứng viên cho đảng coi như không có tranh đua vì tổng thống đương nhiệm sẽ là người được đảng đưa ra tái tranh cử. Năm nay, ứng cử viên Đảng Dân chủ sẽ là Tổng thống Joe Biden, trừ khi có thay đổi trước Đại hội đảng vào mùa hè tại thành phố Chicago.
Tạo chú ý nhất trong thời gian qua là phía Đảng Cộng hòa với cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ra tranh cử, hiện đang dẫn đầu trong số các ứng cử viên Cộng hòa. Thăm dò cũng cho thấy ông Trump hơn điểm Tổng thống Joe Biden, dù ông đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc, kiện tụng liên quan đến lừa đảo tiền bạc, tấn công tình dục, cất giữ tài liệu tối mật quốc gia tại nhà riêng, có hành động để làm thay đổi kết quả bầu cử 2020 tại một số tiểu bang và ông sẽ ra hầu tòa trong năm nay.
Ông Trump cũng bị cáo buộc khích động dân tham gia vụ nổi loạn vào ngày 6/1/2021 để phản đối kết quả bầu cử tháng 11/2020 mà ông thua. Ông không thừa nhận kết quả đó và cho là có gian lận, tuy giới chức trách nhiệm đã chứng minh ngược lại. Hàng trăm người tham gia vụ tấn công vào trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ cách đây ba năm đã bị đem ra tòa xét xử và bị án tù.
Donald Trump có lối hành xử xem mình như đang là tổng thống nên đã từ chối tham gia các cuộc tranh luận với các ứng cử viên Cộng hòa được tổ chức trong hai tháng qua.
Nhiều tổ chức đã đứng ra yêu cầu cơ quan bầu cử của hơn chục tiểu bang không đưa tên ông Trump vào danh sách ứng cử viên trong kỳ bầu sơ bộ sắp tới, trong đó dư luận đang chú ý nhất đến hai tiểu bang Colorado và Maine.
Dựa vào Tu chính án số 14 của Hiến pháp ngăn cấm bất cứ ai tham gia nổi dậy hay nổi loạn chống lại chính quyền liên bang giữ các chức vụ dân cử, vì thế Tòa án Tối cao Colorado đã có phán quyết không cho tên ông Trump vào danh sách ứng cử viên ở tiểu bang này.
Donald Trump đã kiện để đảo ngược quyết định của Colorado và vụ việc sẽ được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xét xử vào ngày 8/2 hầu giải quyết gấp vấn đề pháp lý này.
Tuy từ chối tham gia các cuộc tranh luận với ứng viên Cộng hòa trong thời gian qua, nhưng các thăm dò cho thấy ông Trump vẫn được cử tri Cộng hòa ủng hộ nhiều nhất và nếu là cuộc tranh tài giữa Trump và Biden một lần nữa, Trump hiện đang hơn điểm Biden.
Theo FiveThirtyEight.com, hiện nay Donald Trump đang dẫn đầu với 61,8% và các ứng cử viên Cộng hòa theo sau là Ron DeSantis 12,1%, Nikki Haley 11,2%, Vivek Ramaswamy 4,8% và Chris Christie 3,4%.
Riêng tại tiểu bang Iowa nơi có bầu chọn ứng viên Cộng hòa vào ngày 15/1, Trump đang dẫn đầu với 50%, DeSantis 18,4%, Haley 15,7%, Ramaswamy 6% và Christie 3,7%.
Tháng 11 năm ngoái, theo một thăm dò do báo New York Times và Siena College thực hiện tại 6 tiểu bang mang tính quyết định thì Trump đang dẫn trước Biden tại 5 tiểu bang. Nevada : Trump 52%, Biden 41% ; Georgia : Trump 49%, Biden 43% ; Arizona : Trump 49%, Biden 44% ; Michigan : Trump 48%, Biden 43% ; Pennsylvania : Trump 48%, Biden 44%. Trump chỉ thua Biden ở Wisconsin với số điểm 45% so với 47%.
Trang mạng 270toWin.com tổng kết các thăm dò bầu cử vào trung tuần tháng 12 vừa qua với kết quả cũng gần giống như thăm dò của New York Times/Siena là Trump đang dẫn đầu, chỉ khác là Trump và Biden bằng điểm ở Pennsylvania và Trump hơn Biden ở Wisconsin.
Những con số của 270toWin.com gồm Nevada : Trump 47%, Biden 44% ; Georgia : Trump 49%, Biden 44% ; Arizona : Trump 48%, Biden 41% ; Michigan : Trump 48%, Biden 41% ; Pennsylvania : Trump 44%, Biden 44% và Wisconsin : Trump 45%, Biden 41%.
Giới quan sát đang chú ý đến việc tiến cử ứng viên Cộng hòa vào ngày 15/1 của "Iowa Caucus". Hình thức "caucus" có thể được gọi là bầu sơ bộ trong nội bộ đảng. Đây là cuộc bầu chọn do đảng Cộng hòa tổ chức, không phải do cơ quan lo về bầu cử của tiểu bang Iowa chịu trách nhiệm.
Lúc 7 giờ tối hôm đó, các cử tri ghi danh theo Đảng Cộng hòa sẽ họp mặt tại 1.600 địa điểm trên toàn tiểu bang. Mỗi nơi sẽ có đại diện của các ứng cử viên Cộng hòa phát biểu quan điểm và sau đó cử tri sẽ bỏ phiếu kín tại chỗ. Không có việc bỏ phiếu bằng thư hay qua đường bưu điện.
Ai sẽ được Đảng Cộng hòa đề nghị ra tranh cử chức vụ Tổng thống Mỹ tháng 11/2024 sắp tới ? Thống đốc Florida Ron DeSantis, Thống đốc South Carolina Nikki Haley hay cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ?
Theo một bài viết ngày 8/12/2023 của Robin Opsahl trên trang mạng Iowa Capital Dispatch (iowacapitaldispatch.com), cử tri tham gia việc tiến cử của Đảng Cộng hòa phải là thành viên của đảng này hay vẫn có thể ghi danh vào đảng tại chỗ trong ngày 15/1 với giấy tờ chứng minh là công dân Hoa Kỳ và giấy xác minh nơi cư ngụ như hóa đơn điện nước, ngân phiếu thu nhập hay báo cáo tài chánh của ngân hàng.
Không có gì chắc chắn để khẳng định rằng nếu Trump về nhất tại đây thì cũng sẽ được Đảng Cộng hòa tiến cử trong đại hội đảng diễn ra vào trung tuần tháng 7 tại thành phố Milwaukee, tiểu bang Wisconsin.
Cũng theo trang này, Đảng Dân chủ cho phép đảng viên của mình được tiến cử ứng viên qua việc bỏ phiếu bằng thư với dấu bưu điện ghi thời gian trước hay trong ngày 5/3/2024 là "Super Tuesday" với 16 tiểu bang có bầu cử sơ bộ, trong đó có Iowa.
Kết quả của Iowa Caucus trong những năm trước đây cho thấy điều đó.
Năm 2012, Rick Santorum về nhất và Mitt Romney về nhì. Tới đại hội Đảng Cộng hòa thì Romney được tiến cử ra đối đầu với Tổng thống Dân chủ Barack Obama.
Năm 2016, hai chính đảng phải đưa người mới ra tranh cử và tại Iowa Caucus, đảng Dân chủ với Hillary Clinton về nhất, Bernie Sanders về nhì và sau đó Clinton được đảng tiến cử. Bên phía Cộng hòa, Ted Cruz về nhất, Donald Trump về nhì và đến đại hội đảng thì Trump được tiến cử tranh đua với Clinton.
Năm 2020, Joe Biden về thứ tư, sau Pete Buttigieg, Bernie Sanders và Elizabeth Warren nhưng đến đại hội Đảng Dân chủ thì Biden được tiến cử ra tranh cử đối đầu với Donald Trump.
Xét từ lịch sử, một ứng cử viên về nhất, nhì hay ba tại Iowa Caucus thì có nhiều hy vọng được đảng tiến cử nhưng không chắc sẽ được bầu làm tổng thống.
Pete Buttigieg năm 2020, Hillary Clinton và Ted Cruz 2016, Barack Obama 2008, Mike Huckabee 2008, John Kerry 2004, Al Gore 2000, George W. Bush (con) 2000, Bob Dole 1996, Tom Harkin 1992, Richard Gephardt 1988, Walter Mondale 1984 đều là những ứng cử viên dẫn đầu ở Iowa Caucus của hai đảng và nhiều người như Obama, Kerry, Gore, Bush (con), Mondale được tiến cử làm ứng viên tổng thống của đảng, nhưng chỉ có Barack Obama và George W. Bush (con) được bầu làm lãnh đạo nước Mỹ.
Iowa Caucus 1980 đã gây chú ý vì tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter quá yếu kém nên trong nội bộ Đảng Dân chủ tìm cách đưa một ứng cử viên khác ra thay là Thượng Nghị sĩ Edward Kennedy và đây là một sự kiện ít có đối với một tổng thống đương nhiệm.
Năm đó, tuy Carter vẫn thắng Kennedy tại Iowa Caucus với 59% - 31% nhưng cuộc đối đầu gây nhiều chia rẽ còn kéo dài cho đến Đại hội Đảng Dân chủ, khi Tổng thống Carter được tái tiến cử ra tranh cử nhiệm kỳ hai.
Kết quả là tại cuộc bầu cử tháng 11/1980, Jimmy Carter thua đậm, chỉ thắng ở 6 tiểu bang và vùng thủ đô Washington trong số 50 tiểu bang và Ronald Reagan đã đại thắng, đạt 489 trong số 538 phiếu đại biểu cử tri.
Tại cuộc bầu cử năm nay, vì vai trò của Donald Trump, một cựu tổng thống với nhiều rắc rối pháp lý, giới quan sát chính trị của Hoa Kỳ và thế giới đang chú ý đến kết quả của Iowa Caucus vào ngày 15/1 tới.
Tổng thống Biden từng phát biểu vì có Trump mà ông phải tranh cử. Giả sử vì bất cứ lý do nào Donald Trump không thể là ứng viên của đảng Cộng hòa thì sẽ có bất ngờ gì từ đảng Dân chủ hay không ? Joe Biden và Donald Trump đã xấp xỉ 80 tuổi mà tuổi tác cũng là quan tâm của nhiều cử tri trong bầu chọn năm nay.
Có hy vọng gì cho một cuộc tranh tài giữa những lãnh đạo Cộng hòa trẻ tuổi như cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley hay Thống đốc Florida Ron DeSantis với lãnh đạo Dân chủ cũng còn trẻ là thống đốc California Gavin Newsom ?
Bùi Văn Phú
(11/01/2024)