Mỹ phủ nhận Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam
Laura Bicker, BBC, 11/09/2023
Tổng thống Joe Biden đã phủ nhận việc Mỹ đang cố gắng ngăn chặn sức ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc, sau khi ký thỏa thuận lịch sử mới với Việt Nam.
Việt Nam, đồng minh trung thành của Trung Quốc, đang tiến gần hơn với Mỹ
Laura Bicker, BBC News, 11/09/2023
Hơn 50 năm kể từ ngày người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, ông Biden đã tới Hà Nội để ký thỏa thuận đưa hai cựu thù xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam là bước nâng cấp quan hệ to lớn đối với Mỹ. Đây là cực điểm từ nỗ lực không ngừng nghỉ của Washington trong suốt hai năm qua, nhằm tăng cường quan hệ với Việt Nam - quốc gia được xem là chủ chốt để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á.
Đó cũng là một thành công không hề nhỏ.
Quan hệ đối tác với Washington là mức quan hệ ngoại giao cao nhất được Việt Nam nới rộng, quốc gia vốn là một trong những bằng hữu lâu đời và trung thành nhất của Trung Quốc.
Ông Biden nói với các phóng viên ở Hà Nội rằng, hành động của Mỹ không phải nhằm kiềm chế hay cô lập Trung Quốc mà nhằm duy trì sự ổn định theo luật lệ quốc tế.
Trả lời câu hỏi của BBC hôm Chủ nhật, ông Biden nói với các phóng viên tại Hà Nội : "Tôi nghĩ chúng ta đã tư duy bằng nếp nghĩ của Chiến tranh Lạnh. Vấn đề không phải là như vậy. Đó là việc tạo ra sự tăng trưởng và ổn định kinh tế".
Ông nói : "Tôi muốn thấy Trung Quốc thành công về mặt kinh tế, nhưng tôi muốn thấy họ thành công dựa trên luật lệ".
Những dấu hiệu về mối quan hệ được cải thiện đã gây khó chịu cho Bắc Kinh, nước gọi đó là bằng chứng rõ ràng hơn về "tâm lý chiến tranh lạnh" của Mỹ.
Nhưng Hà Nội đã suy nghĩ thấu đáo về điều này, Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho biết, nói thêm rằng thỏa thuận với Mỹ là "mang tính biểu tượng hơn là thực chất".
Giấc mơ Việt Nam
Tên gọi này có thể mang tính biểu tượng nhưng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Việt Nam có thể đồng nghĩa với việc giao thương tốt hơn và ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao. Nước này cũng đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khiến nó trở nên rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Mỹ - đặc biệt là những người đang muốn chuyển cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.
Những tên tuổi lớn như Dell, Google, Microsoft và Apple đều đã chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam trong những năm gần đây. Mỹ cũng coi đây là thị trường đầy hứa hẹn về vũ khí và thiết bị quân sự khi Hà Nội cố gắng bớt đi sự phụ thuộc vào Moscow.
Washington cũng mong muốn giúp Việt Nam trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn của thế giới và phát triển lĩnh vực điện tử - những lĩnh vực gây tranh cãi khi Mỹ cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể không coi mối quan hệ đối tác mới với Mỹ là việc chọn phe. Khi nền kinh tế Bắc Kinh chậm lại, mối quan hệ chặt chẽ hơn của Hà Nội với Washington chỉ mang tính thực dụng.
Nguyễn Hữu Phước Nguyên, đồng sáng lập và CEO của Selex Motors, cho biết : "Tôi ở Mỹ được bảy năm, tôi biết về giấc mơ Mỹ và tôi đã có được cơ hội đó. Nhưng tôi nghĩ, mình có một giấc mơ lớn hơn. Giấc mơ Việt Nam".
Phước Nguyên đang đứng trong nhà máy của công ty và chỉ vào dây chuyền sản xuất xe tay ga điện tử của mình.
Nguyên đã bắt đầu kinh doanh cách đây 5 năm. Hiện anh đã có hợp đồng với các hãng giao hàng lớn từ Grab cho đến Lazada.
Anh lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở miền Trung Việt Nam, nơi không có điện. Trong cuộc đời của mình, anh đã chứng kiến đất nước mình phát triển từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á.
"Tôi muốn góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng và bền vững, tận dụng tối đa các cơ hội và tiềm năng của mình. Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Nhưng tôi cảm thấy đây là thời điểm thích hợp và chúng ta là thế hệ phù hợp để biến điều đó thành hiện thực".
Trong khi anh nói chuyện, các ông chủ của một công ty giao hàng Trung Quốc đang chờ đợi để bàn về một thỏa thuận. Đồng hành với chúng tôi còn có các nhân viên Bộ Ngoại giao - theo sát BBC trong chuyến tác nghiệp hiếm hoi của BBC ở Việt Nam.
Đó là dấu hiệu rõ ràng về thách thức mà ông Biden sẽ phải đối mặt, tung hứng giữa lợi ích chiến lược với việc bảo vệ nhân quyền và tự do.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những người chỉ trích chính phủ Việt Nam phải đối mặt với sự đe dọa, sách nhiễu và bỏ tù.
Đảng cộng sản đang kiểm soát các phương tiện truyền thông và nhà nước kiểm duyệt tất cả các cơ quan in ấn và phát sóng.
Sân sau của Trung Quốc
Nhưng ông Biden có thể nhìn sang hướng khác bởi vì có rất nhiều điều quan trọng đang phụ thuộc vào điều này đối với Washington.
Thắng lợi lớn nhất là mối quan hệ hợp tác này đặt nó ở sân sau của Bắc Kinh.
Chính quyền Biden đã làm việc cật lực để thuyết phục được Hà Nội. Ông Biden đã cử phó tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và những quan chức khác đến để lấy lòng Việt Nam trong hai năm qua. Tàu sân bay Mỹ cũng ghé cảng Việt Nam.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, cho biết trong cuộc họp ngắn trước chuyến thăm của ông Biden : "Điều đó phản ánh vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong mạng lưới quan hệ đối tác ngày càng tăng của chúng tôi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi chúng tôi hướng tới tương lai".
"Mạng lưới quan hệ đối tác" trên khắp Châu Á chắc chắn đã phát triển trong vài tháng qua. Washington đã đàm phán về việc sử dụng bốn căn cứ quân sự mới ở Philippines và đáng chú ý là họ đã đạt được thỏa thuận ba bên với các đồng minh đối địch nhau ở Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngay cả việc đưa những nhà lãnh đạo cùng ngồi một bàn đã là điều tưởng chừng như không thể. Mỹ cũng đã ký các hiệp định an ninh ở Thái Bình Dương với Quần đảo Solomon.
Tiến sĩ John Hemmings, giám đốc cấp cao của Chương trình Chính sách An ninh và Đối ngoại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Diễn đàn Thái Bình Dương, cho biết tốc độ của chính sách ngoại giao này dường như đã "làm cho Trung Quốc phải kinh ngạc".
Tiến sĩ Hemmings nói : "Bắc Kinh có lẽ đã không nhận ra rằng Washington sẽ tận dụng những thành công này nhanh đến mức nào". "Washington không muốn nói rằng mình đang trong Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, họ đang đưa ra lời kêu gọi đối với các nước có nền dân chủ tự do hoặc những nước đang bị đe dọa về chủ quyền. Cách tiếp cận hai đầu này đang trở nên hấp dẫn hơn đối với khu vực".
Việt Nam cũng có thể gửi một phát súng cảnh cáo tới Bắc Kinh nếu Bắc Kinh tiếp tục xâm phạm các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Mới tuần trước, truyền thông nhà nước đưa tin ngư dân Việt Nam tường thuật rằng một tàu tuần duyên Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào tàu của họ gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.
Lực lượng lao động trẻ của Việt Nam biến nơi này thành trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc
Nhưng Việt Nam không muốn cắt đứt quan hệ với Trung Quốc để sang làm bạn với Mỹ, ông Lê Hồng Hiệp nói.
Ông nói thêm : "Theo tính toán của Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không dẫn đến việc làm xấu quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi đã thấy một số dấu hiệu cho thấy Việt Nam thậm chí có thể sẽ sớm tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình".
Hà Nội chắc chắn đã có động thái để chặn trước phản ứng của Trung Quốc. Trước chuyến thăm của ông Biden, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tới biên giới Trung Quốc, gặp đại sứ Trung Quốc và ca ngợi tình hữu nghị giữa hai nước.
Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á Thái Bình Dương, cho biết : "Không nước thứ ba nào muốn chọn phe trong cuộc cạnh tranh giữa hai đại cường, nhưng hầu hết các nước trong khu vực đều rất cần sự hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực quan trọng cho sự thịnh vượng và an ninh của họ".
Ông nói thêm : "Tận dụng những nhu cầu này của các nước trong khu vực là chìa khóa cho các cường quốc đua tranh với nhau".
Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ và Việt Nam đã trở thành những bằng hữu tốt hơn khi Washington chiêu mộ được nhiều đồng minh hơn ở Châu Á.
Các cuộc thăm dò cho thấy Mỹ rất được ca tụng ở Việt Nam. Nỗi kinh hoàng của một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất thế kỷ 20 không bị lãng quên, nhưng sự tin tưởng lẫn nhau đã tăng lên kể từ khi quan hệ ngoại giao được bình thường hóa vào năm 1995.
Cả hai nước đã hợp tác để giúp tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh và Washington cũng hỗ trợ Việt Nam xác định hài cốt binh sĩ của mình.
Và mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học và điều đó đã trợ giúp cho con đường hòa giải.
"Chúng tôi là sinh viên HUST, chúng tôi xán lạn, chúng tôi trẻ, chúng tôi có sự mạnh mẽ", một nhóm sinh viên hô vang khẩu hiệu tại Đại học Bách khoa Hà Nội, dưới sự giám sát của các nhân viên chính phủ đi theo hộ tống BBC.
Ở một nơi khác, một chàng trai trẻ đã lấy một cây đàn guitar và chơi một bài hát nổi tiếng của Việt Nam về việc trân trọng những gì mình đang có.
"Các hãng công nghệ Hàn Quốc, Nhật Bản đang đổ tiền vào Việt Nam để phát triển các trung tâm công nghệ, giờ đến Mỹ", Lương Hồng Dương, sinh viên năm thứ hai, cho biết.
"Tôi có thể thấy trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành một Thung lũng Silicon khác của Mỹ và mọi người sẽ đến đây làm việc. Tôi rất nóng lòng chờ đợi điều đó xảy ra".
Laura Bicker
Nguồn : BBC, 11/09/2023
*************************
Tại Hà Nội, Tổng thống Biden nói Mỹ không muốn ‘kiềm chế’ Trung Quốc
VOA, 11/09/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Hoa Kỳ không muốn "kiềm chế" Trung Quốc khi phát biểu tại Hà Nội, nơi ông vừa có chuyến thăm cấp nhà nước để nâng tầm quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược toàn diện giữa lúc Washington ngày càng nỗ lực gắn kết với khu vực trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo hôm 10/9 ở Hà Nội trong ngày đầu tiên ông tới thăm Việt Nam giữa lúc Trung Quốc ngày càng tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Nói tại buổi họp báo sau khi hội đàm với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 10/9, ông Biden cho biết chuyến thăm Việt Nam của ông để thể hiện mối quan hệ bền chặt hơn với Hà Nội không phải nhằm mục đích khơi mào một "cuộc chiến tranh lạnh" với Trung Quốc, mà là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm mang lại sự ổn định toàn cầu bằng cách xây dựng các mối quan hệ của Mỹ trên khắp Châu Á vào thời điểm những căng thẳng của Washington với Bắc Kinh ngày càng cao, theo AP.
Vài ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cườngcảnh báo về tâm lý "Chiến tranh Lạnh" trong bối cảnh địa chính trị ngày càng gay gắt trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Indonesia hôm 6/9, ông Lý kêu gọi tránh "Chiến tranh Lạnh mới" khi xử lý xung đột giữa các nước trong khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người đến dự thượng đỉnh thay ông Biden, nói Mỹ "cam kết lâu dài đối với Đông Nam Á và nhìn chung là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
"Vấn đề không phải là kiềm chế Trung Quốc", Tổng thống Biden được AP trích lời nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ. "Tôi nghĩ chúng ta nghĩ quá nhiều về… thuật ngữ chiến tranh lạnh. Không phải về vấn đề đó. Đó là về việc tạo ra sự tăng trưởng và ổn định kinh tế ở mọi nơi trên thế giới. Và đó là điều mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện".
Tổng thống Biden cho biết thêm rằng Mỹ "có cơ hội tăng cường liên minh trên toàn thế giới để duy trình sự ổn định", theo AP. "Đó chính là mục đích của chuyến đi (đến Việt Nam)", ông Biden nói.
Cùng ngày 10/9 khi ông Biden đến Hà Nội, tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Đảng cộng sản Trung Quốc đưa rabài xã luận, trong đó nói rằng "Việt Nam đang tìm cách có tiếng nói và ảnh hưởng nhiều hơn trong các vấn đề khu vực bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, đặc biệt trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)". Tờ báo này còn nói rằng "trong khi đó đối với Mỹ, mối quan hệ chặt chẽ hơn khiến Việt Nam trở thành quân cờ quan trọng để kiềm chế Trung Quốc".
Ngoài Tổng bí thư Trọng, ông Biden đã gặp ba người khác trong số các nhà lãnh đạo "tứ trụ" cao nhất của Việt Nam, gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông Biden gọi Việt Nam là "người bạn, đối tác đáng tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Trong khi đó, theo AP, ông Trọng cam kết rằng Việt Nam sẽ thực hiện thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện mới được đưa ra với Mỹ và nói rằng "chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói đó là một thành công".
Với việc nâng cao vị thế của Mỹ lên ngang tầm số ít các đối tác chiến lược toàn diện khác, gồm Trung Quốc và Nga, Việt Nam được cho là muốn bảo vệ mối quan hệ gắn kết với các công ty Mỹ và Châu Âu hiện đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho các nhà máy của họ ở Trung Quốc. Theo AP, với sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc và việc Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực chính trị, ông Biden nhận thấy cơ hội đưa nhiều quốc gia hơn vào quỹ đạo của Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Trả lời một câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo ở Hà Nội, ông Biden nói rằng ông đã gặp Thủ tướng Lý khi ở Ấn Độ. Theo AP, cuộc gặp này là sự tiếp xúc cấp cao nhất giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc kể từ khi ông Biden và ông Tập hội đàm tại G20 vào năm ngoái ở Indonesia. Ông Tập bỏ qua cuộc họp thượng đỉnh ở Ấn Độ lần này và cử ông Lý đi thay.
"Chúng tôi thảo luận về sự ổn định… Đó không phải là sự đối đầu chút nào", ông Biden được AP trích lời nói tại Hà Nội về cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc ở Ấn Độ.
Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2019 lên 127 tỷ USD hàng năm. Nhưng theo AP, Việt Nam, với dân số 100 triệu người, khó có thể sánh ngang với quy mô sản xuất của Trung Quốc, với số dân 1,4 tỷ người, và có lượng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ gấp 4 lần Việt Nam.
Nguồn : VOA, 11/09/2023
Trung Quốc muốn khuấy động không khí chiến tranh lạnh mới với Mỹ ?
Bên cạnh chiến tranh Ukraine, quan hệ Mỹ - Trung là một đề tài được Le Monde khai thác với hai bài viết "Trung Quốc điều chỉnh rõ ràng chiến lược chống Mỹ" và "Bắc Kinh và Washington đối đầu trực tiếp".
Cờ Mỹ và Trung Quốc. Ảnh minh họa Reuters
Từ Bắc Kinh, thông tín viên báo Le Monde, Frédéric Lemaitre, cho biết Trung Quốc mới công bố hai tài liệu. Tài liệu đầu tiên có tên gọi "Quyền bá chủ của Mỹ và những mối nguy hiểm" được bộ ngoại giao Trung Quốc công bố hôm thứ Hai, giống như một bản cáo trạng dài về chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước tới nay.
Tài liệu thứ hai là "Sáng kiến An ninh Toàn cầu" của Trung Quốc, với tham vọng "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của các xung đột quốc tế, cải thiện an ninh toàn cầu, khuyến khích các nỗ lực chung của quốc tế nhằm mang lại sự ổn định và bền vững hơn trong thời kỳ rối ren nhiều thay đổi, thúc đẩy hòa bình và sự phát triển bền vững trên thế giới". Trong một số phần, không có quốc gia cụ thể được trích dẫn, nhưng tài liệu có sử dụng những thuật ngữ mà Trung Quốc thường dùng để mô tả chính sách của Mỹ.
Le Monde nhận định việc Trung Quốc công bố 2 tài liệu nói trên, lên án gay gắt "tâm lý chiến tranh lạnh" của Washington và coi Moskva là nạn nhân của các thủ đoạn của phương Tây, có thể khuấy động căng thẳng và củng cố bầu không khí "chiến tranh lạnh mới" giữa Washington và Bắc Kinh.
Chiến tranh Ukraine và làn sóng di dân ở Châu Âu lớn nhất tính từ Đệ nhị Thế chiến
Theo thường lệ, chiến tranh Ukraine vẫn là đề tài được Le Monde quan tâm. Trang nhất báo Le Monde chạy tựa "Joe Biden đến Kiev : Nền dân chủ vẫn trụ vững". Cũng như Libération, trong số ra hôm nay, Le Monde quan tâm đến số phận của người Ukraine tị nạn và dành 3 bài viết cho chủ đề này.
Hơn 8 triệu người Ukraine phải ra nước ngoài tị nạn từ 1 năm qua, làn sóng di dân ở Châu Âu lớn nhất tính từ Đệ nhị Thế chiến đến nay, cao hơn nhiều so với làn sóng tị nạn người Syria, Venezuela và Afghanistan. Hơn 90% là phụ nữ và trẻ em. 3 nước đón nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất là Ba Lan, Đức và Cộng hòa Czech.
Theo Le Monde, có nhiều yếu tố khiến người Ukraine dễ được Châu Âu đón nhận hơn : yếu tố địa lý, trình độ học vấn : 71% có trình độ đại học (theo số liệu của OCDE) nên hội nhập khá dễ dàng vào thị trường lao động ở các nước. Thêm vào đó là sự hỗ trợ của cộng đồng người Ukraine ở Liên Âu, vốn dĩ cũng đã khá đông : 1,35 triệu người, chủ yếu là di dân kinh tế. Tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ, năng lực chuyên môn, nhà trẻ, trường học cho con cái … Chính vì thế, có đến 81% muốn trở về nước.
Viện trợ Ukraine : Các nước Đông Âu trên tuyến đầu
Về viện trợ cho Ukraine chống quân Nga xâm lược, Les Echos cho biết các nước Đông Âu vẫn ở tuyến đầu. Nếu tính theo GDP, chính các nước thuộc khối cộng sản cũ đã viện trợ cho Kiev nhiều nhất về tài chính trong một năm qua, theo báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Đức.
Estonia và Latvia đã dành hơn 1% GDP trong năm qua cho nước láng giềng Ukraine. Tiếp theo là Ba Lan và Litva (0,8% GDP). Bulgaria, Slovakia và Cộng hòa Czech cũng trong nhóm nước dẫn đầu, cùng với hai nước Tây Âu là Đan Mạch và Hà Lan. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Đức hoặc Pháp thì thua xa, so với quy mô kinh tế của các nước này (gần 0,4% GDP).
Còn nếu tính theo giá trị tuyệt đối, về mặt logic, các quốc gia lớn nhất viện trợ nhiều nhất cho Kiev, trong đó phải kể đến Hoa Kỳ, nhưng chủ yếu là viện trợ quân sự.
Chiến tranh Ukraine : nước Nga chảy máu chất xám
Nhìn sang nước Nga, Le Monde nói về nạn "chảy máu chất xám". Kể từ khi Putin điều quân xâm lược Ukraine, hàng trăm ngàn người Nga đã rời khỏi đất nước. Những người "lưu vong tạm thời" này thuộc tầng lớp xã hội có trình độ và có điều kiện để mua những tấm vé máy bay đắt đỏ.
Vào tháng 11/2022, cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển Châu Âu, Frontex, ước tính có hơn 1,45 triệu người dân Nga đã vào Liên Âu kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, trong đó có hơn 500.000 người đến Phần Lan. Về phía chính quyền Nga, Moskva đã không tiết lộ bất kỳ kết quả nghiên cứu nào về sự ra đi của người Nga, vốn đa phần liên quan đến giới trí thức, nhà báo, sinh viên đã tốt nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người làm công ăn lương có trình độ. Theo Le Monde, họ bị thúc đẩy ra đi bởi lòng thù hận nhà cầm quyền.
Về phía doanh nghiệp, họ tìm cách hạn chế phương thức làm việc từ xa để chống chảy máu chất xám. Trước Hạ Viện, hồi tháng 12/2022, bộ trưởng Phát triển công nghệ số, Maksut Chadayev, đã cố gắng ngăn cản việc thông qua dự luật cấm làm việc từ xa trong các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm, bởi "hiện nay có khoảng 100.000 chuyên gia công nghệ thông tin đang ở bên ngoài đất nước", "có tới 10% nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin không trở về nước", tuy nhiên "80% số họ tiếp tục làm việc cho các công ty Nga ở các nước bạn hữu".
Đối với chính phủ Nga, một lệnh cấm hoàn toàn phương thức làm việc từ xa sẽ có tác động quá tiêu cực đến hoạt động kinh tế của đất nước. Thế nhưng, một số biện pháp kiểu "cây gậy và củ cà rốt" cũng đã được đưa ra, chẳng hạn như miễn động viên quân dự bị, thưởng tiền hoặc thêm vào hợp đồng lao động các điều khoản mới hạn chế làm việc từ xa. Khi được trang RBK hỏi, Grigory Kocharov, chủ tịch - tổng giám đốc của công ty công nghệ cao IBS, cho biết ông đã lập một danh sách các quốc gia "bị cấm" (thành viên NATO hoặc Liên Âu), các nước "được phép" và "bạn hữu". Đối với những nhân viên rời Nga để đến các nước thuộc nhóm nước "bị cấm" và "được phép", họ có thời hạn để quay về nước làm việc, nếu không sẽ bị sa thải.
Chiến tranh Ukraine : Không dễ cô lập Nga, nền kinh tế thứ 9 trên thế giới về GDP
La Croix hôm nay cũng quan tâm đặc biệt đến nước Nga : Bên cạnh bài viết "Vladimir Putin duy trì sự đối đầu với Phương tây", La Croix giải mã "Nước Nga lách các đòn trừng phạt kinh tế thế nào ?".
Theo báo Công giáo, kinh tế Nga gặp khó khăn nhưng chưa sụp đổ. Đó là nhờ Nga đã tự giải phóng mình khỏi các quy tắc thương mại quốc tế, sử dụng nhiều chiến lược, tạo ra các tuyến thương mại mới, thiết lập các hệ thống "nhập khẩu chui", tạo ra các doanh nghiệp ở "các nước bạn hữu". Các công ty này, được thành lập hợp pháp, chịu trách nhiệm mua các sản phẩm của Châu Âu bị cấm xuất khẩu sang Nga, sau đó, thông qua hàng loạt trung gian, đưa sản phẩm đến Nga, cho dù thời gian giao hàng lâu hơn và giá cả tăng.
La Croix trích dẫn Tom Keatinge, giám đốc CFCS (Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm Tài chính và An ninh), theo đó trung tâm của các tuyến thương mại này là Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Ngoài ra, còn có Armeni, Kazakhstan hoặc Gruzia. Nhưng theo giám đốc CFCS, hệ thống này hoạt động được cũng là nhờ sự lơ là ít nhiều có chủ ý của các công ty phương Tây, bởi họ không muốn hy sinh lợi ích của mình.
Các quốc gia liên quan đến việc Nga lách lệnh trừng phạt không phải đều là đồng minh của Nga, đôi khi họ hành động hoàn toàn do chủ nghĩa cơ hội. Gruzia là một ví dụ. Không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nằm trên tuyến đường bộ ngắn nhất chuyển hàng từ Thổ Nhỹ Kỳ đến Nga nên Gruzia tận dụng được tối đa tuyến thương mại mới này. Các máy bay chở hàng từ Iran đến Nga cũng bay qua không phận Gruzia.
Về phần mình, Nga đã thông qua luật chính thức cho phép hệ thống "nhập khẩu chui", do đó tự giải phóng mình khỏi các quy tắc quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thậm chí, để lách lệnh trừng phạt nhắm vào hoạt động buôn bán dầu lửa, Moskva còn tạo ra một "hạm đội tàu ma" để xuất khẩu dầu. Đó là các tàu đã hết hạn sử dụng, tàu có số đăng ký giả, bị đổi tên hiệu, ngụy trang, cắt mọi liên lạc khi đi qua một số nước … Từ khi Châu Âu ngưng nhập dầu lửa Nga, Moskva đã xoay sang Ấn Độ. Chỉ sau vài tháng, New Delhi đã trở thành khách hàng lớn nhất của Nga. Trung Quốc cũng trở thành một khách hàng lớn của Moskva.
Từng chút một, các nước phát triển đang cố gắng bịt những lỗ hổng trong hệ thống các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng La Croix kết luận là vẫn rất khó để cô lập nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới về GDP, một trong những nhà sản xuất nguyên vật liệu thô lớn nhất thế giới và chiếm đến 1/8 diện tích đất toàn cầu.
Biden và Putin : Cuộc đấu tay đôi từ xa
Khác với các đồng nghiệp, báo Libération dành cả trang nhất, bài xã luận và 4 trang bài vở trong mục Sự kiện để vinh danh đạo diễn tài ba Steven Spielberg và bộ phim Fabelmans của ông, bộ phim lấy cảm hứng từ tuổi thơ của Steven Spielberg.
Tuy nhiên, Libération vẫn dành chỗ để nói về "Cuộc đấu tay đôi từ xa giữa Biden và Putin". Vào ngày thứ 362 của cuộc chiến tranh phi nghĩa của Putin tại Ukraine, chênh nhau 7 tiếng đồng hồ và ở khoảng cách 1.000km, Putin và Biden đã lần lượt cho thấy nhãn quan của họ về Ukraine, về thế giới, về các đồng minh và kẻ thù - dù là có thực hay chỉ là trong giả định - đều là "không thể hòa giải được".
Chẳng hạn, trong bài phát biểu dài gần hai giờ trước Quốc hội, ông chủ điện Kremlin đã mô tả nước Nga như một thành trì bị bao vây, phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, mà trên hết Washington là hiện thân. Putin nhấn mạnh : "Giới tinh hoa phương Tây không che giấu mục tiêu của họ : gây ra một thất bại chiến lược cho Nga, nghĩa là kết liễu chúng ta vĩnh viễn". Libération nhận định Putin đang muốn hồi sinh cú va chạm giữa các khối, về ý thức hệ, thậm chí là giữa các nền văn minh.Trong khi đó,tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ và Châu Âu "không tìm cách kiểm soát hay hủy diệt nước Nga" bởi "cuộc chiến đó không cần thiết. Đó là một thảm kịch".
Hay như trong khi tổng thống Mỹ tự hào là các nước đã phối hợp để ra những đòn trừng phạt lớn nhất từng được được áp đặt nhắm vào một quốc gia, thì ngược lại, Vladimir Putin đã mô tả một nền kinh tế chiến tranh đầy thắng lợi, thậm chí còn xem đó là một thời điểm mang lại cơ hội để kinh tế Nga tăng trưởng, để Nga củng cố quan hệ với các nước Châu Á.
Và trong khi Putin kêu gọi người dân siết chặt hàng ngũ phía sau ông, thì Joe Biden từ Warszawa tuyên bố "một nhà độc tài quyết tâm tái thiết một đế chế sẽ không bao giờ có thể làm xói mòn tình yêu tự do của người dân, sự tàn bạo sẽ không bao giờ đè bẹp được ý chí của những người muốn có tự do. Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng dành cho Nga".
Cũng quan tâm đến "bộ đôi" Putin và Biden, báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất "Chiến tranh lạnh" trên nền tấm hình hai nhà lãnh đạo quay lưng lại nhau, mỗi người nhìn đi một hướng. Nhìn sang Le Figaro, tờ báo thiên hữu trên trang nhất chạy tựa "Cú va chạm giữa hai thế giới". Trong bài xã luận "Bức màn sắt", Le Figaro cũng khắc họa sự tương phản trong các phát biểu của hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, ai cũng chắc chắn mình mới là hiện thân của "sự thật".
Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ : 3 nước chịu tác hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu vào năm 2050
Về môi trường, khí hậu, Libération giới thiệu một bảng xếp hạng thế giới về 100 khu vực mà các công trình xây dựng bị tình trạng biến đổi khí hậu (hỏa hoạn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, những cơn mưa như trút nước…) đe dọa nhiều nhất vào năm 2050.
Bảng xếp hạng thế giới mà Libération công bố là do XDI, một công ty phân tích rủi ro của Úc, chuyên tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp hoặc ngân hàng, thực hiện. Nghiên cứu này tập trung vào các tòa nhà dễ bị tác động nhất : nhà ở, khu công nghiệp hoặc khu thương mại tại tổng cộng hơn 2.600 vùng lãnh thổ, giả định nhiệt độ toàn cầu tăng 3°C vào cuối thế kỷ này.
Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là 3 nước đứng đầu danh sách. Hơn một nửa số khu vực được xếp hạng trong top 100 có nguy cơ cao nhất vào năm 2050 là ở 3 nước nói trên. Trong top 20, có tới 16 tỉnh của Trung Quốc (Giang Tô, Sơn Đông, Hà Bắc, Quảng Đông...), chủ yếu nằm ở miền đông và nam Trung Quốc, đặc biệt là ở đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang, nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế.
Nhìn sang Mỹ, bang Florida đứng thứ 10 trên thế giới, tiếp theo là California (19) và Texas (20), 3 bang có tỉ lệ đô thị hóa và trọng lượng kinh tế cao. Tiếp theo là nhiều vùng của Ấn Độ, Indonesia và Pakistan. Pháp cũng không phải ngoại lệ, với 8 địa phương nằm trong số 10% khu vực bị đe dọa nhất trên thế giới.
Thùy Dương
Chúng ta đã từng tưởng rằng chiến tranh lạnh đã chấm dứt với sự sụp đổ của Liên Xô cách đây hơn 30 năm, nhưng chúng ta đã nhầm. Tất nhiên chiến tranh thì không bao giờ có thể hết được trên trái đất này, chiến tranh cũng là một quy luật. Trái đất bao la với hàng tỷ con người, với hàng ngàn sắc tộc và với những con người điên điên khùng khùng, nhiều tham vọng thì làm sao có thể hết được chiến tranh. Tuy nhiên các cuộc chiến tranh lẻ tẻ giữa các sắc tộc thì không có tính toàn cầu và không đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại. Nhân loại đã biết đến hai cuộc đại chiến thế giới làm thiệt mạng hơn 100 triệu người, không kể số người bị thương. Tuy nhiên, sau hai cuộc chiến này, vẫn không có nguy cơ tiệt chủng giống người trên trái đất.
Thế giới thở phào nhẹ nhõm vì hết cộng sản và hết chiến tranh lạnh.
Nhưng rồi khoa học kỹ thuật phát triển, con người chế ra được vũ khí hủy diệt hàng loạt - bom nguyên tử. Tư duy cũng phát triển hơn, con người cũng lại nghĩ ra được và vận dụng sáng tạo "vũ khí lừa đảo hàng loạt" - đó là chủ nghĩa cộng sản. Hàng tỷ con người trên hành tinh này đã bị lừa. Nhân loại bị đẩy vào một cuộc đối đầu ý thức hệ : Cộng sản và Chống Cộng sản. Từ đó sinh ra chiến tranh lạnh. Chiến tranh của hai khối đối nghịch nhau, chiến tranh không tuyên bố nên nó có vẻ lạnh nhưng thực ra rất nóng và một vài lần nhân loại đã chỉ còn gang tấc dẫn đến chiến tranh hạt nhân hủy diệt.
Trải qua hơn 40 năm đánh nhau không trực tiếp (nếu kể từ năm 1945, kết thúc đệ nhị thế chiến), phe cộng sản đã tự thất bại với sự tan rã của Liên bang Xô viết. Chiến tranh lạnh biến mất (tôi tạm gọi là chiến tranh lạnh lần thứ nhất). Thế giới thở phào nhẹ nhõm vì hết cộng sản và hết chiến tranh lạnh.
Chiến tranh lạnh thứ hai với ban đầu là một thành công của thế giới khi chiến tranh lạnh thứ nhất kết thúc.
Ngày 14/07/2015, sau 12 năm khủng hoảng và 21 tháng đàm phán căng thẳng, tại Vienne, Iran cùng với các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp) và có cả sự tham gia của Đức ký kết Hiệp ước hạt nhân. Theo hiệp ước này, các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran sẽ được giảm nhẹ. Đổi lại việc này, Iran phải giảm thiểu đáng kể chương trình hạt nhân của mình, chấp nhận sự giám sát chặt chẽ của Liên Hiệp Quốc và đảm bảo là không tiến hành sản xuất bom nguyên tử nữa. Đây là một thành tựu vô cùng to lớn của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, Mỹ, lại là Mỹ, ngày 08/05/2018, là kẻ phá hoại hiệp ước này với chính quyền Donald Trump. Trump đã đơn phương rút ra khỏi hiệp ước vì kết tội Iran là nhà nước tài trợ khủng bố. Mỹ đã áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Iran làm cho nhiều doanh nghiệp quốc tế phải ngừng các hoạt động ở Iran…
Để tránh dài dòng tôi không đi vào chi tiết này mà chỉ thấy vô cùng đáng tiếc về sự kiện này. Nói về sự phá hoại của ông Trump thì có mà nói cả ngày. Các bạn tự tìm hiểu. Mà tôi nói câu này thì khối bạn không đồng ý với tôi, sẽ loại tôi ra khỏi danh sách friends. Ok No problem.
Để đáp trả, bắt đầu từ ngày 08/05/2019, Iran đương nhiên là không tôn trọng thỏa thuận của mình nữa, vượt ngưỡng tỷ lệ làm giầu Uranium, nước nặng và số lượng các máy ly tâm, tuyên bố đã sản xuất được Uranium 60%, gỡ bỏ các camera theo dõi của Liên Hiệp Quốc… (90% thì làm được bom nguyên tử).
Ánh sáng le lói cuối đường hầm khi Trump thất cử, chính quyền Joe Biden mong muốn quay trở lại với hiệp ước. Nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra với sự tham gia của Mỹ từ đầu tháng 4/2021.
Vào tháng 02/2022, khi các bên đã gần đạt tới một thỏa thuận, vấn đề chỉ còn là thủ tục hay một vài chi tiết nhỏ thôi, thì Nga xua quân xâm lược Ukraine.
Tôi đã viết một bài rất dài về cái họa cộng sản, tôi không nói lại ở đây, nhưng tóm lại là cái họa này nó chưa tha nhân loại đâu : Putin chính là cái bóng ma của chủ nghĩa cộng sản, một thứ chủ nghĩa vẫn chưa chết hẳn. Không có một chế độ chính trị nào, nhất là độc tài cộng sản lại chết đánh đùng. Nó sẽ chết nhưng chưa ngay được và cũng chính vì thế mà xảy ra chiến tranh lạnh.
Nga xâm lược Ukraine mà Iran lại là đồng minh của Nga. Iran cung cấp vũ khí cho Nga, đặc biệt là các phương tiện bay không người lái UAV, các tên lửa hàng ngày bay đến các thành phố của Ukraine để đánh vào dân thường, gây biết bao nhiêu tội ác. Do vậy Mỹ lại càng tăng cường các biện pháp trừng phạt. Hiệp ước hạt nhân với Iran hoàn toàn bế tắc.
Chiến tranh lạnh thứ hai thực sự đã nổ ra các bạn ạ và lại còn rất nóng.
Trung tâm thử nghiệm làm giàu chất uranium có thể để chế tạo bom nguyên tử của Iran tại Natanz Pilot Fuel Enrichment Plant, ảnh chụp ngày 2/7/2020
Nga đương nhiên, không nói ra nhưng ngấm ngầm ủng hộ Iran chế tạo bom nguyên tử. Mỹ và đồng minh Israel tuyên bố sẽ tìm mọi cách để phá hoại chương trình hạt nhân của Iran, nếu cần sẽ dùng cả các biện pháp quân sự dùng bom xuyên núi đá để phá các trung tâm sản xuất hạt nhân mà Mỹ biết vô cùng rõ tọa độ của nó. Putin thì tuyên bố "thằng nào" đụng đến Iran là đụng đến nước Nga. Đúng là thế giới đại loạn.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 8/7/2020 tại Nhà máy làm giàu nhiên liệu thí điểm Natanz mà Iran tố cáo đã bị Israel dội bom. Nguồn: Nathan Ruser/Maxar Technologies.
Nhắc lại để các bạn biết là hai cuộc chiến tranh thế giới mà nhân loại biết đến đều nổ ra theo cùng một kịch bản : Nước A mâu thuẫn, tranh chấp với nước B.
A có đồng minh C, D, E.
B có đồng minh F, G, H…
Khi A và B tuyên chiến đánh nhau, các nước đồng minh cũng nhẩy vào. Thế là đại chiến thế giới. Thế thôi rất đơn giản.
Lịch sử đang lặp lại một cách vô cùng nguy hiểm. Chiến tranh lạnh thứ hai đang thực sự nổ ra.
Tôi viết bài này chỉ để nói lên cái tai hại vô cùng to lớn của viêc Putin xua quân xâm lược Ukraine. Cuộc xâm lược này không chỉ còn là cuộc xung đột giữa hai nước, nó đang lại đẩy nhân loại vào một cuộc đối đầu mới mà không phải không có nguy cơ hủy diệt.
Giời ơi là giời. Còn hô Putin đại đế muôn năm nữa không ?
Hoàng Quốc Dũng
(07/01/2023)
Minh Anh, RFI, 11/11/2021
Những căng thẳng giống như thời Chiến Tranh Lạnh đang trở lại vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 11/11/2021 đưa ra lời cảnh báo như trên khi tham dự trực tuyến một hội nghị, bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, được tổ chức tại Wellington, New Zealand.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi, tại Bắc Kinh, ngày 09/10/2021. Reuters – Carlos Garcia Rawlins
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh : "Mọi mưu toan vạch ra những đường biên ý thức hệ hay hình thành những nhóm nước nhỏ dựa trên địa chính trị đều sẽ đi đến thất bại".
Lãnh đạo Trung Quốc còn cho rằng, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương "không thể và cũng không nên một lần nữa rơi vào những cuộc đối đầu và những chia rẽ của thời Chiến Tranh Lạnh".
Như tỏ một cử chỉ hòa dịu về phía Mỹ, chiều tối thứ Ba, 09/11, ông Tập Cận Bình, trong một thông cáo được đại sứ quán Trung Quốc công bố trên mạng xã hội Twitter, cho rằng "mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay đang trong thời điểm quyết định lịch sử. Cả hai nước sẽ được lợi trong hợp tác và chỉ có thiệt trong đối đầu". Trong bối cảnh này, "Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ để tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác trong mọi chủ đề".
Cuối cùng, nguyên thủ Trung Quốc kêu gọi tất cả các nước trong khu vực phải cùng hành động trước những thách thức chung, từ đại dịch Covid-19, thương mại cho đến cả hành động vì khí hậu.
AFP lưu ý những tuyên bố này được đưa ra khi chỉ còn có vài ngày nữa là diễn ra thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Tập Cận Bình với nguyên thủ Mỹ Joe Biden.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng do các hoạt động quân sự dồn dập của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan và vùng Biển Đông trong thời gian gần đây.
Việc Bắc Kinh hồi đầu tháng 10/2021, ồ ạt điều chiến đấu cơ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan buộc Washington có phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hôm qua, 10/11, khẳng định Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ sao cho Đài Loan có thể tự bảo vệ nhằm tránh bất kỳ ai "tìm cách đảo lộn nguyên trạng bằng vũ lực".
Còn tại Biển Đông, trước những yêu sách chủ quyền ngày một quá đáng của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh và Úc hồi tháng Chín thông báo thành lập một liên minh quốc phòng cho phép Úc sở hữu tầu ngầm hạt nhân theo công nghệ Mỹ. Quyết định này đã khiến Bắc Kinh nổi dóa và gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Pháp với Mỹ và Úc.
Minh Anh
***********************
Trung Quốc cảnh báo nguy cơ căng thẳng "thời chiến tranh lạnh" ở Châu Á-Thái Bình Dương
RFA, 11/11/2021
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo về nguy cơ căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh tái diễn ở Châu Á-Thái Bình Dương vào khi căng thẳng về an ninh ở Đài Loan gia tăng.
Ông Tập Cận Bình nói trong video gửi đến diễn đàn bên lề Hội nghị APEC lo ngại căng thẳng ở Châu Á, trong khi trong tháng 10 Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan - Reuters, Weibo- RFA edited
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden được dự kiến diễn ra vào đầu tuần tới, ông Tập hôm 10/11 đã phát biểu như trên, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực phải cùng nhau giải quyết những thách thức chung, từ đại dịch Covid-19 đến thương mại. AFP loan tin này trong ngày 11/11/2021.
AFP dẫn lời phát biểu của ông Tập Cận Bình, tại một hội nghị kinh tế trực tuyến bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do New Zealand tổ chức, rằng "Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương không thể và không nên trở lại tình trạng đối đầu và chia rẽ của thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
Lời kêu gọi của ông Tập được đưa ra vài giờ sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ công bố một hiệp ước bất ngờ nhằm đẩy nhanh hành động vì khí hậu tại một hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow, nơi các nước đang cố gắng thống nhất các biện pháp để hạn chế sự nóng lên của Trái đất.
Tuy vậy, ông Tập được cho là đã không đề cập trực tiếp đến thỏa thuận, nhưng nhấn mạnh"tất cả chúng ta có thể theo con đường phát triển bền vững, phát thải carbon thấp, xanh".
Nguồn tin của AFP cũng cho biết, theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc gặp trực tuyến sớm nhất vào tuần tới.
Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xác định khí hậu là một lĩnh vực quan trọng để hợp tác tiềm năng với Trung Quốc, thì căng thẳng lại tăng lên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đài Loan, một nền dân chủ tự trị do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Từ đầu tháng 10, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan, với số lượng kỷ lục máy bay bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ các tuyên bố chủ quyền từ Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Mặc dù vậy, trong lời phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao APEC, lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi nỗ lực chung trong toàn khu vực để thu hẹp "khoảng cách tiêm chủng", giúp vắc-xin Covid-19 dễ tiếp cận hơn với các quốc gia đang phát triển.
Ông Tập nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC :"Chúng ta nên chuyển sự đồng thuận rằng vắc xin là hàng hóa công cộng toàn cầu thành các hành động cụ thể để đảm bảo sự phân phối công bằng và hợp lý".
Ông nói, các quốc gia trong khu vực nên đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm và công nhận vắc xin để "thoát khỏi cái bóng của đại dịch và sớm đạt được sự phục hồi kinh tế ổn định".
Covid-19 : Chiến tranh lạnh giữa hai kẻ thâm hiểm
Nhiều nước trên thế giới sắp dỡ biện pháp phong tỏa cho dù khủng hoảng y tế chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Sau bốn tháng đương đầu với Covid-19, chúng ta biết được gì và... chưa biết gì về SARS-CoV-2, thủ phạm làm hơn 250 ngàn người chết ? Nhưng tìm thuốc trị liệu và vác-xin chống kẻ thù chung đang biến thành cuộc đua vì lợi nhuận lồng trong bầu không khí tiền chiến tranh lạnh Mỹ-Trung. Đó là chủ đề của các tạp chí Pháp cuối tuần.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương bên lề thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản, 29/06/2019. Reuters - Kevin Lamarque
Trump-Tập đều muốn căng thẳng ?
Với tựa "Trận đụng độ giữa hai kẻ thâm hiểm" Donald Trump-Tập Cận Bình, bài xã luận của tuần báo L'Obs nhắc lại là vào năm 1949, khi Cộng sản Mao chiến thắng ở Hoa Lục, thì tại Mỹ nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt : Ai làm mất Trung Hoa ? Bây giờ, 70 năm sau, Trung Quốc lại trở thành trung tâm điểm của cuộc tranh luận tại Mỹ nhưng với một câu hỏi khác : Ai đủ cứng rắn đối đầu với Trung Quốc ? Bởi vì chế độ độc tài cộng sản vẫn còn đó nhưng Trung Quốc hiện đang là đại cường thứ hai, sau Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh toàn thế giới đương đầu với đại dịch siêu vi corona, với những hệ lụy kinh tế khốc liệt nhất, Donald Trump đã tìm ra thủ phạm lý tưởng, đó là Tập Cận Bình. Chủ nhân Nhà Trắng thâm hiểm mà Tập Cận Bình cũng chơi trò ma giáo, gian dối để tranh thủ thời gian, sau đó tung ra một chiến dịch tuyên truyền thô bạo chuyển cuộc khủng hoảng thành cơ hội giành lợi thế ngoại giao.
Donald Trump và Tập Cận Bình, mỗi người đều có lý do để mở lại chiến tranh lạnh, một cuộc chiến không thể tránh khỏi vì hai bên đều cần nó để tồn tại.
Kết quả bầu cử tháng 11 có thể làm thay đổi giọng điệu của mỗi bên nhưng quỹ đạo vẫn cố định. Bởi vì ở Washington, dù là Cộng hòa hay Dân chủ, không một phe nào muốn bị mang tiếng nhu nhược, không khống chế được Trung Quốc. Trong cuộc chiến này, Châu Âu ít cơ may có chỗ đứng, tuần báo thiên tả kết luận.
Vũ Hán : Mê hồn trận virus corona
Tiếp tục đề tài Trung Quốc và Covid-19, tuần báo L'Obs đưa độc giả đến Vũ Hán, nơi những phòng thí nghiệm, nghiên cứu siêu vi bị nghi ngờ là cội nguồn gây đại họa.
L'Obs tổng hợp các nghi vấn, các giả thuyết, suy đoán, những phân tích ít nhiều có cơ sở cho đến những "fake news" chiếm ngự các trang truyền thông quốc tế. Giả thuyết cho rằng siêu vi lây lan từ thiên nhiên được nhiều khoa học gia chấp thuận nhất. Tuy nhiên, nếu thế, thì nó truyền nhiễm bằng cách nào ?
Lúc đầu, giáo sư Thạch Chính Lệ, chuyên gia "sư tổ" siêu vi của Trung Quốc tự hỏi có phải siêu vi thoát ra từ phòng thí nghiệm hay không. Nhưng sau đó bà "thề bán sống bán chết" là không thể xảy ra được.
Sự kiện Bắc Kinh khẩn cấp đưa một viên tướng quân đội xuống nắm viện nghiên cứu P4 là dấu hiệu có quân đội sau lưng. Để làm gì ?
Theo tuần báo Pháp, để xóa hết các nghi vấn, giải pháp tối ưu là để cho một ủy ban khoa học gia độc lập đến tận nơi điều tra. Thế nhưng, Trung Quốc, nhân danh nguyên tắc không để nước ngoài can dự, từ chối hợp tác quốc tế. Mọi dấu tích lúc siêu vi corona mới bắt đầu lây lan cũng bị xóa sạch theo lệnh của chính quyền trung ương.
Tương lai đầy bất trắc hay ganh đua lành mạnh ?
Tuần báo Le Point với hai câu hỏi trên trang bìa : Liệu Macron có đưa chúng ta ra khỏi khủng hoảng y tế và kinh tế ? Phải chăng khủng hoảng địa ốc đang chờ trước mặt ? Theo kinh nghiệm quá khứ, khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới trong thập niên 1990, giá một mét vuông nhà ở Pháp sụt giảm 42%.
Trong chiều hướng "ôn cố tri tân", mượn kinh nghiệm lịch sử để tìm hiểu chuyện ngày nay, Le Point đặt câu hỏi với sử gia Niall Ferguson qua một bài phỏng vấn dài.
Về chuyện xung khắc Washington và Bắc Kinh, theo ý tác giả, có lý do để không bi quan : cuộc chiến tranh lạnh mới này có thể sẽ tạo ra một cuộc "tranh đua lành mạnh" giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bởi lẽ, chế độ độc tài cho phép Trung Quốc che mắt thế giới về dịch bệnh trong một thời gian và tranh thủ thời giờ khống chế dịch trong nước. Trong khi đó, các chế độ dân chủ Tây phương chậm phát hiện nguy cơ và chậm đối phó.
Nhưng nói đến Trung Hoa thì phải nói rõ Trung Hoa nào ? Bởi vì Trung Hoa Dân Quốc, tức là chế độ dân chủ ở Đài Loan mới là chế độ ngăn dịch hiệu quả nhất, chứ không phải chính quyền Hoa lục.
Cũng theo sử gia Niall Ferguson, liệu Hoa Kỳ có qua được năm 2020 một cách an toàn hay không ? Đó mới là câu hỏi then chốt. Trong điều kiện bình thường thì không có gì nguy hiểm nhưng cuộc khủng hoảng này xảy ra đúng vào năm bầu cử mà nội bộ Mỹ thì đang bị chia rẽ.
Nếu Mỹ qua được năm 2020, không bị khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, thì tương lai sẽ tốt đẹp. Ngược lại thì sẽ đáng lo. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có hệ thống chính trị tự do, tản quyền nên hiệu năng cao hơn chế độ độc tài Trung Quốc : 2020 là năm quyết định cho cả hai nước.
Cũng không kém tính thời sự, Le Point tìm hiểu giới nhà hàng, quán giải khát có "công thức nào để tồn tại" một khi mà ai nấy đều phải đeo khẩu trang, ngồi xa nhau trong trạng thái cảnh giác ? Thành phần doanh nghiệp này rất nhạy bén, cho biết tôn chỉ hậu phong tỏa như sau : tiệm cà phê không phải chỉ là nơi bán cà phê mà sẽ là một tụ điểm tạo ra mối dây quan hệ trong xã hội thời hậu Covid-19. Chờ xem khả năng thích nghi của khách hàng.
Đừng tin quảng cáo
Courrier International dành 10 trang báo để tổng hợp tài liệu kiến thức nghiên cứu dịch Covid-19 cho đến cuối tháng 4 gồm những điều đã biết, biết lầm và chưa biết và những nghi vấn.
Trước tiên, người ta đã sai lầm khi so sánh Covid-19 với cúm. Một khi xâm nhập, nhất là qua đường hô hấp, mắt, miệng, siêu vi corona chủng mới tấn công vào mọi bộ phận cơ thể từ phổi, tim, gan, thận, bộ máy tiêu hóa, não, mạch máu. Mỗi lần sinh sôi nẩy nở là mỗi lần có biến thể ít nhiều làm gia tăng xác suất tái diễn đợt hai.
Nếu mỗi ngày có viện bào chế này, nhóm nghiên cứu kia loan báo tìm ra một hướng trị liệu đầy hứa hẹn hay đạt tiến bộ trong nghiên cứu vác-xin, thì phải biết chưa có gì chắc chắn. Những loại thuốc được quảng cáo đều là hoạt chất trị bệnh khác như Hydroxy Cloroquine chống sốt rét (bác sĩ Raoult, Pháp), Remdesivir trị dịch Ebola (Mỹ) và Tocilizumab trị viêm khớp (Pháp) được "tái định vị" để thí nghiệm chống Covid-19. Điều chắc chắn là còn lâu lắm mới có thuốc ngừa, dù Mỹ và Trung Quốc tuyên bố này nọ.
Trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung và xu hướng mạnh được - yếu thua hiện nay, tinh thần hợp tác quốc tế chống kẻ thù chung đang lui bước, nhường chỗ cho lợi nhuận riêng. Để tránh chiến tranh vác-xin, Liên Hiệp Châu Âu và tổ chức thiện nguyện Bill Gates tung ra sáng kiến lập quỹ nghiên cứu chung với mục tiêu là tìm kiếm và chế tạo thuốc ngừa cho cả nhân loại. Hy vọng họ sẽ thành công.
Với tỷ lệ tử vong 3%, dịch siêu vi corona chủng mới có thể để lại tàn tích lâu dài với một dịch khác là "suy nhược kinh niên". Nhiều bác sĩ đã nghĩ đến hiện tượng này. Chưa hết, phổi bị tác hại còn có thể biến chứng thành suyễn mạn tính, thiếu dưỡng khí tác hại đến não bộ...
Jacinda Ardern : sức mạnh đồng cảm của nữ thủ tướng New Zealand
Về các khuôn mặt tiêu biểu chống dịch Covid-19, Courrier International dành một bài cho nữ thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, qua ngòi bút của nhà báo Mỹ Uri Friedman.
Ưu điểm của Jacinda Ardern là không bao giờ lên giọng dạy bảo dân chúng. Trái lại, bà đặt mình vào vị trí của người dân. Chẳng hạn, để khuyến khích dân tôn trọng biện pháp cách ly, phong tỏa, nữ thủ tướng New Zealand chỉ nói "bạn đi tìm nơi xa xôi để làm gì nếu trên đường xe bị hỏng thì làm sao ?".
Cá tính của nhà lãnh đạo này là có tinh thần đồng cảm để tạo điều kiện cho người dân phát huy sáng kiến của chính họ. Trước làn sóng ngưỡng mộ quốc tế, trang mạng Stuffen ở New Zealand phải cảnh báo : "Không phải bà ấy là thủ tướng có tài mà lúc nào cũng có lý đâu nhé".
Van Jackson, giáo sư đại học Wellington, nguyên là cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng thận trọng : Trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu không tránh được, nữ thủ tướng New Zealand sẽ đối phó ra sao ? Quản lý giỏi cuộc khủng hoảng virus corona là một chuyện nhưng thế hệ trẻ lãnh đạo quốc gia có đủ bản lĩnh đối phó với tình thế hậu Covid-19 hay không, đó là chuyện khác.
Bởi lẽ, theo giáo sư Van Jackson, chiến lược cơ hội chủ nghĩa của Tập Cận Bình không có giới hạn. Những kẻ độc tài trên địa cầu sẽ khai thác tối đa đại dịch Covid-19 để khống chế mọi xã hội. Thế giới sẽ biến chuyển một cách tồi tệ hơn khi các tổ chức đa quốc gia (Liên Hiệp Quốc) không giữ được cam kết. Thoát ra khỏi đại dịch an toàn chỉ là bước khởi đầu, trên con đường xa tắp, tiến về một tương lai tốt đẹp hơn.
Tú Anh
Đánh giá 30 năm Chiến tranh Lạnh kết thúc : Nước Nga tiếp tục bị chia rẽ
Báo chí Pháp hôm nay dành nhiều bài vở để nói về dịp 30 năm Bức tường Berlin chia rẽ Đông – Tây sụp đổ, ngày 09/11/1989, mở đầu cho sự chấm dứt của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Sự kiện thì chỉ có một, nhưng có rất nhiều đánh giá khác nhau.
East Side Gallery, mảng lớn nhất còn lại của bức tường Berlin, 21/10/2014. Reuters/Fabrizio Bensch
Les Echos ghi nhận : Berlin kỉ niệm 30 năm trong không khí trầm lắng, trong bối cảnh cách biệt giữa hai miền nước Đức còn rất lớn. Libération nhấn mạnh : Chiến tranh Lạnh chấm dứt không hề đồng nghĩa với việc Lịch sử cáo chung, như một số tiên đoán, mà là sự lên ngôi của "các hình thức thống trị mới" trên phạm vi toàn cầu.
Trước hết xin giới thiệu bài phân tích trên Le Monde, mang tựa đề "Giữa Nga và phương Tây, bất đồng tiếp tục về giai đoạn chấm dứt Chiến tranh Lạnh", do phóng viên Benoit Vitkine gửi về từ Moskva. Nói về những khác biệt giữa Nga và Phương Tây, trên thực tế, Le Monde nhấn mạnh nhiều hơn đến những chia rẽ sâu sắc trong chính nội bộ nước Nga, về giai đoạn chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Đối với phương Tây, vấn đề Chiến tranh Lạnh kết thúc, thắng lợi thuộc về ai là điều ít còn gây tranh cãi. Sự kiện Bức tường Berlin - biểu tượng của Chiến tranh Lạnh - sụp đổ lâu nay vẫn được kỷ niệm như chiến thắng của nền dân chủ tự do và sự phá sản của chế độ cộng sản Xô Viết.
Thế nhưng tại Nga, giai đoạn 1989-1991 (tức từ khi Bức tường Berlin sụp đổ đến khi Liên Xô giải tán) vẫn được nhìn nhận một cách hết sức khác nhau. Theo một thăm dò dư luận gần nhất về chủ đề này, hồi 2009 (do viện VTsIOM thực hiện), có đến 44% người được hỏi đã không thể trả lời câu hỏi "Ai là bên chiến thắng", 27% trả lời : Không có bên nào. Chỉ có 8% cho rằng Hoa Kỳ thắng, 6% khẳng định bên thắng là Liên Xô.
Le Monde ghi nhận việc đa số người Nga không khẳng định chỉ có một bên chiến thắng trong sự cáo chung của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh đã phản ánh đúng quan điểm của cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Chiến tranh Lạnh chấm dứt là "chiến thắng chung"
Ngược lại với quan điểm phổ biến ở phương Tây, Chiến tranh Lạnh là cuộc đối đầu giữa hai hệ thống, hai ý thức hệ (sự sụp đổ của Liên Xô đồng nghĩa với việc khối cộng sản thất thủ), giới lãnh đạo Nga thời đó, đứng đầu là ông Gorbachev, nhìn nhận Chiến tranh Lạnh là cuộc đối đầu giữa hai siêu cường sở hữu vũ khí hạt nhân. Chiến tranh hạt nhân không xảy ra đồng nghĩa với việc "trận đấu không có tỉ số".
Theo cách nhìn nhận này, tiến trình kết liễu Chiến tranh Lạnh đã khởi đầu với một loạt thỏa thuận nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev, giải Nobel Hòa bình 1990, lưu ý : "Chiến tranh Lạnh chấm dứt là một chiến thắng chung, đạt được thông qua đối thoại và thương lượng, về những vấn đề rất khó khăn, liên quan đến an ninh và giải trừ vũ khí".
Riêng về sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, đối kháng trong nội bộ xã hội Nga thể hiện rõ : có đến 22% người được hỏi coi đây là một biến cố tích cực với nước Nga (cơ hội để giải phóng Nga khỏi chế độ toàn trị), ngược lại 18% cho đây là "biến cố tiêu cực".
Thái độ hai mặt của chính quyền Putin
Theo nhà phân tích Tatiana Stanovaia, giám đốc Viện tư vấn R. Politik, chính quyền Putin có một thái độ hai mặt với giai đoạn lịch sử này. Một mặt ông Putin và các đồng sự không công khai phủ nhận "thất bại của cuộc Chiến tranh Lạnh", mặt khác đặc biệt kể từ năm 2014, điện Kremlin muốn lờ đi giai đoạn lịch sử này, để phổ biến trong công luận một quan điểm có lợi hơn cho chính quyền.
Hai luận điểm chính mà chính quyền Putin muốn dân chúng tin tưởng là : Phương Tây đã bội ước trong cam kết không mở rộng NATO về phía đông, và đặc biệt điều thứ hai, tổng thống Gorbachev đã "quỳ gối trước các đối thủ". Trên các kênh truyền thông chính thức của Nhà nước Nga, ông Gorbachev bị lên án là kẻ hèn hạ, và bị coi là tội đồ làm Liên Xô tan rã, thậm chí bị coi là có trách nhiệm còn hơn cả Hitler trong việc làm đế chế Đức sụp đổ.
Trên thực tế, trong nội bộ giới thân cận với tổng thống Putin, cũng có nhiều giải thích trái ngược về ý nghĩa của việc Liên Xô tan rã. Dân biểu Viatcheslav Nikonov, cháu của một bộ trưởng thời Stalin và một "đệ tử" của Putin, coi việc chấm dứt chiến tranh Lạnh là một quyết định của nước Nga, "cho phép Nhà nước Nga được hồi sinh".
Nhà nghiên cứu Nga Andrei Zoubov, một lãnh đạo đảng Dân chủ Parnas (Nga), nhấn mạnh việc quy tội cho ông Gorbachev trong việc làm cho Liên Xô bị giải thể có nhiều nét giống với tư tưởng của phong trào phục thù của một số thế lực chính trị tại Đức, sau Thế chiến thứ nhất (phong trào tiền thân của chủ nghĩa phát xít sau này). Cựu giáo sư Viện Nhà nước về Quan hệ quốc tế, ở Nga, nhấn mạnh cổ vũ cho tư tưởng phục thù này chính là "các cựu nhân viên KGB".
"Ảo ảnh" Cách mạng tháng 10
Về sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, tờ L’Humanité đưa trên trang nhất hàng loạt hình ảnh lưu trữ cho thấy người dân Berlin phấn chấn trong cái ngày lịch sử, chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh trong hòa bình. Nhật báo của Đảng cộng sản Pháp khẳng định với nhiều hoài niệm : "Chấm dứt một ảo ảnh của thế kỷ XX", khi người ta từng tin là mặt trời mọc lên từ nước Nga, với cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1917. Ảo ảnh từng được nuôi dưỡng với vai trò của Liên Xô với chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Trên toàn thế giới, rất nhiều người đã từng tin theo lý tưởng của nước Nga, sẵn sàng hy sinh cuộc sống và tự do của chính mình.
Về sự kiện 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ, báo Libération có bài phỏng vấn nhà chính trị học kỳ cựu Bertrand Badie, nhấn mạnh đến việc các nước phía Nam trở thành trung tâm của một đấu trường mới, với sự lên ngôi của chủ nghĩa tân tự do và những phản kháng chống lại "những hình thức thống trị mới".
Nước Đức trầm lắng
Berlin đón mừng dịp 30 năm Bức tường sụp đổ trong "không khí không hân hoan" là tựa đề một bài viết trên Les Echos. Tổng cộng khoảng 200 sự kiện được tổ chức trong đợt kỷ niệm này. Ngày mai, một nghi thức trọng thể sẽ diễn ra tại Berlin, với các khách mời là lãnh đạo Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary. Chính quyền Đức muốn tôn vinh đóng góp của các quốc gia Trung Âu cho "cuộc cách mạng hòa bình" năm 1989.
Tuy nhiên, không khí được đánh giá trầm lắng, đặc biệt do tâm trạng của người dân Đông Đức cũ, nơi đảng cực hữu được đến 12% cử tri ủng hộ. Les Echos chỉ ra nhiều lý do khiến cho người dân miền đông nước Đức cảm thấy thất vọng, trong đó có việc 80% các vị trí lãnh đạo do người miền tây phụ trách, và miền đông vẫn tụt hậu trong các lĩnh vực công nghiệp truyền thống, cho dù "thách thức về khí hậu" có thể mở ra các triển vọng mới cho các bang miền đông, với sự hình thành các ngành nghề mới.
Một nhân chứng khác, nhà báo Alain Auffray thuật lại với Libération về những kỉ niệm sống động về ngày Bức tường sụp đổ, mà ông vẫn coi là "cái ngày dài nhất, vui sướng nhất" trong đời mình. Ông đưa ra cái nhìn lạc quan hơn khi thừa nhận, chỉ một thế hệ không thể nào thống nhất được hai miền nước Đức, như mong muốn.
La Croix cũng nhắc đến khoảng cách lớn giữa hai miền nước Đức, khoảng cách mà theo nhiều chuyên gia sẽ khó lòng lấp được. Theo một thăm dò dư luận của Viện kinh tế IFO, 69% chuyên gia Đức không tin là miền đông sẽ không bao giờ có thể bắt kịp miền tây do "các bất lợi mang tính cấu trúc", như về mạng lưới công nghiệp, hay tình trạng dân cư thưa thớt, đặc biệt bên ngoài các thành phố lớn.
Tăng trưởng 1,1% : Gáo nước lạnh với Châu Âu
Trở lại thời sự quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến viễn cảnh tăng trưởng của Liên Âu dự kiến trong năm nay chỉ là 1,1% GDP, so với 1,9% hồi năm ngoái. Số liệu được công bố hôm qua được coi là một gáo nước lạnh đối với các lãnh đạo Châu Âu
Trở về nước sau chuyến công Trung Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức khẳng định Liên Âu phải điều chỉnh tận gốc rễ chính sách phát triển, tăng cường đầu tư cho các công nghệ mũi nhọn, như đám mây điện toán, mạng viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo… Chỉ có như vậy Liên Âu mới thoát khỏi nguy cơ bị Trung Quốc và Mỹ đè bẹp. Theo nguyên thủ Pháp, đầu tư quá thấp cho lĩnh vực công nghệ là thách thức kinh tế lớn nhất của châu lục.
Tổng thống Pháp dường như đang thúc đẩy những thay đổi lớn trong chính sách của Châu lục. Les Echos cũng chú ý đến một phát biểu khác của tổng thống Macron, khi ông khẳng định khối NATO trong "tình trạng chết não" gây sốc, nhằm thúc đẩy Liên Âu nỗ lực phát triển năng lực phòng thủ riêng, điều hoàn toàn trái ngược với quan điểm của thủ tướng Đức. Đối với bà Angela Merkel, NATO tiếp tục là một trụ cột của nền an ninh Châu Âu, trụ cột này "cần được tiếp tục cải thiện".
Hiểm họa Trung Quốc đánh thức khát vọng Liên Âu
Việc Liên Âu đứng trước thách thức sống còn phải thay đổi chính sách công nghệ để không bị Trung Quốc và Mỹ bỏ rơi là chủ đề một phân tích đáng chú ý khác trên Les Echos. Bình luận gia Eric Le Boucher, trong bài viết mang tựa đề "Khi Trung Quốc buộc chúng ta tỉnh dậy… chúng ta sẽ có những việc làm thực sự".
Phân tích tập trung nhấn mạnh đến mặt trận cách tân công nghệ mũi nhọn gần như bị bỏ trống của Liên Âu. Theo tác giả, sau Anh, Đức, đã đến lúc nước Pháp và cả Châu Âu xác định rõ vai trò trọng yếu của Nhà nước, trong việc hỗ trợ hoặc trực tiếp phối hợp với các tập đoàn kinh tế. Trọng trách hoạch định chính sách chung của Châu Âu, trong lĩnh vực cách tân sống còn này, sẽ đặt lên vai tân ủy viên về công nghệ và kỹ thuật số của Liên Hiệp Châu Âu. Một người Pháp, ông Thierry Breton (cựu lãnh đạo tập đoàn công nghệ số Atos, đứng tốp 10 thế giới), có khả năng được bổ nhiệm vào chức vụ này.
Trọng Thành
Tổng thống Putin : Nếu Mỹ phát triển tên lửa bị cấm, Nga cũng làm như vậy (VOA, 05/12/2018)
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/12 cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ rút khỏi một hiệp ước vũ khí quan trọng và bắt đầu phát triển loại tên lửa bị cấm, Nga cũng sẽ làm như vậy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/12/2018
Phát biểu của ông Putin được đưa ra với các cơ quan thông tấn Nga hôm 5/12, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố tại một cuộc họp của NATO rằng Washington sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình nêu trong Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) trong 60 ngày tới, với lý do là Nga "gian lận".
Hoa Kỳ đã chia sẻ bằng chứng tình báo với các đồng minh NATO, mà theo lời Mỹ, bằng chứng đó cho thấy tên lửa hành trình phóng từ mặt đất SSC-8 mới của Nga có thể mang lại cho Moscow khả năng tiến hành tấn công hạt nhân ở Châu Âu mà hầu như không dấu hiệu báo trước nào. Nga đã phủ nhận những cáo buộc đó.
Hôm 5/12, ông Putin cáo buộc Hoa Kỳ đang "bịa ra lý do" để rút khỏi hiệp ước, nói rằng trước hết Hoa Kỳ quyết định rời khỏi hiệp ước rồi sau đó mới "bắt đầu tìm kiếm lý do biện minh cho việc họ nên làm điều đó".
Đức, đồng minh của Hoa Kỳ, muốn duy trì hiệp ước và đã kêu gọi Nga cố gắng cứu hiệp ước khi vẫn còn thời gian.
(FOX, Sputnik)
********************
NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước tên lửa (BBC, 05/12/2018)
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Nato đã chính thức lên tiếng cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung năm 1987 (INF), vốn cấm các tên lửa hạt nhân mặt đất ở Châu Âu.
Nga phủ nhận xây dựng các loại tên lửa vi phạm hiệp ước
Các bộ trưởng ngoại giao của NATO vừa ban hành một tuyên bố ủng hộ Mỹ cáo buộc các vi phạm của Nga theo sau một buổi họp.
Hoa Kỳ từng đe dọa rút khỏi hiệp ước này vì các hành động của Nga.
Nga phủ nhận việc đã vi phạm thỏa thuận INF, nói rằng Moscow "nghiêm túc tuân theo" các điều kiện của Hiệp ước.
Hiệp ước này cấm các loại tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km.
"Các nước đồng minh đã kết luận rằng Nga đã phát triển và đưa ra 9M729, một hệ thống tên lửa vi phạm Hiệp ước INF và tạo những rủi ro đáng kể đối với an ninh vùng Âu-Đại Tây Dương", tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao Nato viết.
"Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ kết luận của Hoa Kỳ rằng Nga vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước INF.
"Chúng tôi kêu gọi Nga phải khẩn trương trở lại việc tuân thủ hiệp ước một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được. Hiện tại, trọng trách bảo tồn INF là của Nga".
Tên lửa tầm trung mới mà Hoa Kỳ - và bây giờ NATO - cáo buộc là Nga đã triển khai có thể khiến cho Nga bắn ngay vào các quốc gia Nato trong một thời gian rất ngắn.
Giới phân tích nói rằng Nga thấy vũ khí này là một lựa chọn tiết kiệm hơn các vũ khí thông thường.
Phát biểu sau tuyên bố của NATO, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Nga có 60 ngày để tuân thủ hiệp ước trở lại, sau thời gian đó Mỹ cũng sẽ đình chỉ sự tuân thủ.
Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký Hiệp ước INF vào 1987
"Trong 60 ngày này, chúng tôi sẽ vẫn không thử nghiệm hay sản xuất hoặc triển khai bất kỳ hệ thống nào và chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra trong khoảng thời gian 60 ngày này", ông Pompeo nói.
"Chúng tôi đã đối thoại với phía Nga rất nhiều. Chúng tôi hy vọng họ sẽ thay đổi, nhưng cho đến giờ không có dấu hiệu nào cho thấy họ có ý định làm như vậy".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã được hãng tin Interfax trích lời đáp : "Nga tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của hiệp ước [INF], và phía Mỹ biết điều này".
Trước đó vào 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF sau khi có cáo buộc Nga đã thử nghiệm một tên lửa hành trình trên mặt đất.
Obama nói ông quyết định không rút khỏi hiệp ước vì các áp lực từ các nhà lãnh đạo Châu Âu, những người cho rằng động thái này có thể tái khởi động một cuộc chạy đua vũ trang.
Lần cuối cùng Hoa Kỳ rút khỏi một hiệp ước vũ khí lớn là vào 2002, khi Tổng thống George W. Bush kéo Mỹ ra khỏi Hiệp ước Vũ khí chống Tên lửa đạn đạo.
Chính quyền của ông Bush muốn thiết lập một lá chắn tên lửa ở Châu Âu và điều này đã đánh động điện Kremlin. Chính quyền Obama đã loại bỏ kế hoạch này vào 2009 và thay thế bằng một hệ thống phòng thủ khác vào năm 2016.
'Thế là quá đủ'
Phân tích của phóng viên quốc phòng Jonathan Marcus, tại trụ sở Nato ở Brussels
Hiệp ước INF là điểm nhấn quan trọng trong việc kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh lạnh vì nó bãi bỏ toàn bộ một loại tên lửa dựa trên đất liền.
Nhưng trong nhiều năm nay, Hoa Kỳ ngày càng quan ngại rằng Nga đang vi phạm hiệp ước này. Theo Mỹ, Nga hiện đã triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa mới đang đe dọa các mục tiêu ở Châu Âu.
Và bây giờ Washington đã quyết định rằng thế là đã quá đủ, và cho Moscow 60 ngày để tuân thủ trở lại hoặc Mỹ sẽ tự chấm dứt cam kết của nó với INF.
Các đồng minh của NATO cũng chia sẻ mối quan tâm của Washington và ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ, cũng hy vọng trong thời gian ngắn này, Nga sẽ thay đổi ý định.
Nhưng cơ hội đó rất mỏng manh. Và mối lo sợ là sự sụp đổ của thỏa thuận INF có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống hiệp ước kiểm soát vũ khí, vốn rất quan trọng trong việc duy trì ổn định chiến lược.
Được ký kết năm 1987 bởi Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Hiệp ước INF cấm các loại tên lửa hạt và không hạt nhân có tầm bắn ngắn và trung, trừ các vũ khí trên biển.
Vào 1991, gần 2.700 tên lửa đã bị phá hủy. Hai quố gia cũng được phép kiểm tra việc hệ thống lắp đặt của nhau.
Đến 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng hiệp ước này không còn phục vụ cho lợi ích của Nga.
Putin ký luật xem báo nước ngoài 'là đặc vụ' (BBC, 26/11/2017)
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một đạo luật cho phép chính phủ liệt kê bất kỳ cơ quan truyền thông nước ngoài hoạt động tại Nga vào danh sách đặc vụ nước ngoài.
Đài RT của Nga bị cáo buộc dính líu vào việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ
Dự luật được quốc hội Nga thông qua nhằm trả đũa cho việc Đài RT (Russia Today) do Kremlin hậu thuẫn được thông báo đăng ký vào danh sách đặc vụ nước ngoài tại Mỹ.
Ít nhất chín đài phát thanh do Mỹ tài trợ, gồm Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và Đài Âu Châu Tự Do có thể bị ảnh hưởng bởi luật này.
RT bị cáo buộc dính líu vào việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Đài này bác cáo buộc.
Luật mới của Nga ảnh hưởng đến các cơ quan truyền thông nước ngoài nhận kinh phí hoạt động từ bên ngoài nước Nga.
Các cơ quan này phải chịu các yêu cầu bổ sung và nếu không đáp ứng yêu cầu thì có thể bị đình chỉ hoạt động.
Nếu phải đăng ký, các cơ quan này phải thông báo trong chương trình phát sóng và trên website rằng họ là đặc vụ nước ngoài.
Một luật tương tự đang được thi hành nhắm vào các tổ chức từ thiện và các nhóm xã hội dân sự.
Bộ Tư pháp Nga giờ đây có thể quyết định cơ quan nào bị áp luật này và trong những trường hợp nào.
RT cho biết hồi tuần trước họ đã đăng ký vào danh sách đặc vụ nước ngoài tại Mỹ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ.
**********************
Putin ký luật truyền thông cho phép định danh ‘đại diện nước ngoài’ (VOA, 26/11/2017)
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy đã ký thành luật những dự luật mới cho phép nhà chức trách định danh các cơ quan truyền thông nước ngoài là "đại diện nước ngoài" để đáp lại điều mà Moscow nói là áp lực không thể chấp nhận được của Mỹ đối với truyền thông Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy ký thành luật những dự luật mới cho phép nhà chức trách định danh các cơ quan truyền thông nước ngoài là "đại diện nước ngoài".
Luật mới đã được cả hai viện quốc hội của Nga nhanh chóng phê chuẩn trong hai tuần vừa qua. Giờ nó sẽ cho phép Moscow buộc truyền thông nước ngoài xác định tin tức mà họ cung cấp cho người Nga là công tác của "các đại diện nước ngoài" và phải tiết lộ các nguồn tài trợ của họ.
Một bản của luật này đã được đăng lên cơ sở dữ liệu pháp luật trực tuyến của chính phủ Nga hôm thứ Bảy, nói rằng nó có hiệu lực kể từ ngày công bố.
Hành động của Nga nhắm vào truyền thông Mỹ xuất phát từ các cáo buộc nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.
Các quan chức tình báo Mỹ đã cáo buộc Điện Kremlin sử dụng các tổ chức truyền thông Nga để gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ, và Washington đã buộc đài RT của nhà nước Nga phải đăng ký một công ty con đặt ở Mỹ dưới tư cách "đại diện nước ngoài".
Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử và nói những hạn chế đối với các đài của Nga tại Mỹ là một cuộc tấn công nhắm vào tự do ngôn luận.
Bộ Tư pháp Nga tuần trước đã công bố danh sách gồm chín hãng tin được Mỹ tài trợ mà họ nói là có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này.
Bộ nói rằng họ đã viết thư thông báo cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Âu Châu Tự do/ Đài Tự do (RFE/RL) do chính phủ Mỹ tài trợ cùng với bảy cơ quan tin tức tiếng Nga hoặc tiếng địa phương do RFE/RL điều hành.
********************
Tổng thống Nga ký sắc luật xem truyền thông nước ngoài là "đặc vụ" (RFI, 26/11/2017)
Để trả đũa Washington buộc đài truyền hình nhà nước Nga RT đăng ký với quy chế " người đại diện của nước ngoài", Moskva đặt giới truyền thông quốc tế vào tầm nhắm. Chiều thứ Bảy, 25/11/2017, tổng thống Putin ký sắc lệnh ban hành bộ luật mới xếp báo chí quốc tế tại Nga vào danh sách "đại diện của nước ngoài" vừa được Quốc Hội Nga thông qua cách nay vài hôm. Vấn đề là theo thuật ngữ thời Stalin, cụm từ này mang ý nghĩa "đặc vụ", hàm ý "gián điệp".
Ảnh chụp từ màn hình trang internet của Radio Svoboda (Radio Tự do), đài phát thanh tiếng Nga do Mỹ tài trợ. https ://www.svoboda.org
Theo AFP, đạo luật mới của Nga, là tiếp nối của một đạo luật khác ban hành từ 2012, kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự hoạt động tại Nga. Từ nay, đến lượt các cơ quan báo chí bị xem là "đối tượng" phải "khai rõ" về nguồn tài chính nếu bộ tư pháp Nga yêu cầu.
Các đài phát thanh như Tiếng Nói Hoa Kỳ, đài Châu Âu Tự Do và Radio Liberty, do Quốc hội Mỹ tài trợ, đã được Moskva cảnh báo sẽ phải đăng ký với danh xưng "đại diện của nước ngoài".
Phản ứng của các phóng viên ra sao ? Ghi nhận của thông tín viên Daniel Vallot từ Moskva :
Đài phát thanh Svoboda là một trong những cơ quan truyền thông đầu tiên có thể sẽ là đối tượng nhắm tới của bộ luật mới và bị đưa vào quy chế "đại diện nước ngoài". Tại đài phát thánh Svoboda, các nhà báo đang rất lo ngại.
Cô Mariana Torochesnikova, người dẫn chương trình một buổi phát thanh hàng tuần chuyên về các vấn đề pháp lý cho biết : "Ở Nga, khái niệm "đại diện nước ngoài" mang nghĩa rất tiêu cực.
Trong tâm trí của mọi người ở đây cụm từ đại diện nước ngoài có nghĩa là "gián điệp", điều này có thể gây ra thái độ thù nghịch đối với chúng tôi. Nhất là khi điều này được khẳng định trên các phương tiện truyền thông và tuyên truyền".
Tại trụ sở của Đài Svoboda, các nhà báo đang chuẩn bị buổi phát thanh tối. Chủ đề của buổi phát thanh là thượng đỉnh Sotchi về Syria. Phó trưởng ban biên tập đài, bà Eugénia Nazarets khẳng định phải tiếp tục làm việc như bình thường.
Bà nói : "Chúng tôi sẽ không thay đổi gì về cách làm việc. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa ra các quan điểm khác biệt. Việc làm này hoàn toàn độc lập. Chưa bao giờ kể từ khi làm việc đến giờ tôi nhận một chỉ thị nào từ chính phủ Mỹ".
Hiện tại, các nhà báo của Đài Svoboda trong tình trạng bất an hoàn toàn. Bộ luật được Hạ Viện Nga Duma thông qua. Sau khi được tổng thống Vladimir Putin ký ban hành, sẽ đến lượt bộ Tư Pháp lập danh sách các truyền thông thuộc diện đối tượng điều chỉnh của luật mới.
Tú Anh
**********************
Liên Âu tăng cường quan hệ đối tác với 6 nước Liên Xô cũ (RFI, 24/11/2017)
Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu và sáu nước thuộc Liên Xô cũ đã gặp nhau ngày 24/11/2017 tại Bruxelles để tăng cường "quan hệ đối tác phương Đông". Tuy nhiên, thượng đỉnh lần này tránh đề cập nhiều chủ đề có thể gây tranh cãi, như cuộc xung đột tại miền đông Ukraine, và cũng không cam kết kết nạp thêm thành viên vào Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tới dự thượng đỉnh Quan hệ Đối tác Đông Âu, Bruxelles, ngày 24/11/2017 -Reuters
Khi cùng với lãnh đạo các thành viên Liên Hiệp Châu Âu tiếp sáu nước khách mời Ukraine, Moldova, Gruzia, Belarus, Armenia và Azerbaidjan, thủ tướng Đức đánh giá : "Quan hệ đối tác phương Đông đóng vai trò quan trọng cho an ninh của chúng ta". Còn thủ tướng Anh Theresa May đã phát biểu thẳng thắn : "Chúng ta phải rất chú ý đến các hành động của các nước thù nghịch như Nga, vốn thường đe dọa đến sự phát triển tiềm tàng của các đối tác phương Đông và cố tìm cách hủy hoại sức mạnh tập thể của chúng ta (Liên Âu)".
Tuy nhiên, theo AFP, quan ngại của các nước trong các nghi vấn Nga can thiệp vào quá trình bầu cử, ảnh hưởng của Moskva đến các nước "vệ tinh" thuộc Liên Xô cũ, cuộc xung đột tại miền đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vẫn là những chủ đề "kiêng kị"tại thượng đỉnh 2017.
Thậm chí, khác với tại thượng đỉnh Riga 2015, thông cáo chung lần này không nhắc đến các cuộc xung đột ly khai tại các nước thuộc Liên Xô cũ mà phương Tây vẫn cáo buộc là Nga yểm trợ, như giữa Armenia và Azerbaidjan tại Nagormy-Karabakh, giữa Gruzia và phe ly khai thân Nga tự tuyên bố hai nước cộng hòa độc lập, hoặc tại vùng Transnistria ở Moldova.
Lần này, Bruxelles nhấn mạnh đến bản danh sách gồm 20 "lợi ích cụ thể cho các công dân" mà Liên Âu hứa ủng hộ, đồng thời yêu cầu các đối tác thuộc liên bang Xô Viết cũ phải đấu tranh chống tình trạng tham nhũng, củng cố dân chủ và một có nền tư pháp độc lập hơn.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định : "Đây không phải là thượng đỉnh để mở rộng hay kết nạp thêm thành viên vì không phải là thời điểm thích hợp. Chúng ta đang có Brexit và phải giải quyết các vấn đề nội bộ".
Thu Hằng
Bóng ma Trung Quốc lởn vởn trên cuộc tập trận Zapad 2017 (RFI, 14/09/2017)
Nga tung ra cuộc tập trận với Belarus bắt đầu từ hôm nay 14/09/2017, và điều dễ hiểu là nhiều nhà quan sát tỏ ra lo ngại, trước một sự biểu dương sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. Nhưng theo tác giả Nicholas Trickett trên The Economist, ít ai để ý đến những hậu quả không lường trước, một khi các hành động của Nga gây bất ổn cho Belarus, Ukraine hay các nhân tố khác trong khu vực.
Các xe quân sự tham gia cuộc tập trận Zapad 2017 tại một địa điểm ở Belarus, ngày 14/09/2017. Vayar military information agency/Belarussian Defence Ministry/H
Đa số không hình dung ra sự hiện diện của một tay chơi mới tại Đông Âu, đó là Trung Quốc. Những hành động khiêu khích của Moskva có thể làm phương hại đến lợi ích Trung Quốc trong khu vực, và mối liên hệ với Bắc Kinh, đối tác được coi là "chiến lược".
Trung Quốc và Crimea
Ukraine chính là cửa ngõ vào Châu Âu trước tiên của Trung Quốc, khi dự án "Một vành đai, một con đường" (Con đường tơ lụa mới) được công bố năm 2013. Tổng thống lúc đó là Viktor Yanukovych đến Bắc Kinh với hy vọng vay tiền, sau khi thỏa thuận liên kết với Châu Âu bị bác bỏ. Bên cạnh món tín dụng chưa bao giờ thành sự thực này, đại gia ngành viễn thông Trung Quốc là Vương Tĩnh (Wang Jing) còn đề nghị xây dựng một cảng nước sâu trị giá 3 tỉ đô la tại Sevastopol – cảng nhà của Hạm đội Hắc Hải tại Crimea – cùng với 7 tỉ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Thêm vào đó, là thỏa thuận cho thuê 3 triệu hecta đất nông nghiệp Ukraine, và thương lượng mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số nông sản xuất khẩu của Ukraine. Bắp đặc biệt được ưa thích, vì lâu nay Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào bắp Mỹ. Ukraine nhanh chóng trở thành một đối tác quan trọng về an ninh lương thực, lượng bắp xuất đi khoảng 1,4 triệu tấn trong năm nay, chiếm gần phân nửa nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, theo ước tính của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ năm 2017.
Từ đó đến nay, Bắc Kinh đã mở dần thị trường cho các sản phẩm sữa của Ukraine và một số mặt hàng thực phẩm khác. Nỗi lo sâu sắc về an ninh thực phẩm của Trung Quốc đã biến Ukraine với tiềm năng nông nghiệp thành đối tác quan trọng, một cách lôgic.
Việc Nga sáp nhập Crimea và can thiệp quân sự vào vùng Donbass là một thử thách cho chính sách "không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác" của Trung Quốc. Liên Hiệp Châu Âu (EU) vốn là đối tác lớn nhất của Bắc Kinh. Trao đổi thương mại lên đến 1,4 tỉ euro một ngày trong năm 2016, và từ tháng 11/2013 đôi bên bắt đầu thương thảo một hiệp định đầu tư. Vì vậy lúc đó Trung Quốc không thể công nhận vụ sáp nhập Crimea, mà chọn cách vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh ủng hộ "giải pháp hòa bình mang lại lợi ích cho tất cả các bên", trong lúc thừa biết là một giải pháp như thế không thể có được trong tương lai gần.
Ukraine, trung tâm trung chuyển hàng Trung Quốc
Kế hoạch đầu tư vào Crimea nhanh chóng rơi rụng. Làm như thế chẳng khác nào công nhận việc sáp nhập của Nga, gây giận dữ cho các đối tác phương Tây và chắc chắn là quan hệ với Kiev sẽ chẳng êm ái chút nào. Việc thương lượng đầu tư cảng nước sâu ở bán đảo Crimea bị chìm nghỉm, thương mại và đầu tư Trung Quốc nay hướng về nội địa Ukraine.
Ukraine đạt được thỏa thuận về Hiệp định tự do mậu dịch toàn diện (DCFTA) với EU năm 2015, được giảm đến 98,1% thuế hải quan cho hàng hóa và dịch vụ của Ukraine. Để trả đũa, Nga ra một loạt lệnh cấm sử dụng các tuyến đường bộ và đường sắt từ các nước khác đi ngang qua lãnh thổ mình, và Ukraine cũng đáp trả tương tự.
Những lệnh cấm này tạo đà cho hành lang thương mại xuyên Biển Caspi, được hỗ trợ bởi tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars (BTK) ở Nam Kapkaz. Chuyến tàu đầu tiên dự kiến sẽ khởi hành vào tháng tới, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc qua khu vực này. Việc chuyển tải thông qua cảng Alat của Azerbaijan, vốn lệ thuộc vào BTK, đã tăng 43,5% trong năm nay, và các cảng ở Hắc Hải như Constanta của Rumani nối liền với tuyến đường xuyên Caspi. Tất cả các nước thành viên của hành lang này thương mại này đã bắt đầu công việc đồng bộ hóa thuế quan và thủ tục ở biên giới.
Nhờ xâm nhập được thị trường, đầu tư vào việc dịch chuyển sản xuất sang Ukraine trong tương lai, cũng như việc làm đường, xây cảng trở nên hấp dẫn hơn đối với Trung Quốc. Công ty Công trình Cảng Trung Quốc (CHEC) đã giành được một hợp đồng nạo vét và nâng cấp cảng Yuzhny ở phía bắc Odessa. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sắp sửa tài trợ cho một dự án cầu ở Kremenchuk. Ukraine hy vọng sang năm xây dựng được 2 tỉ đô la đường sá, dường như đang thương lượng với tập đoàn Cầu Đường Trung Quốc (CRBC) để xây xa lộ bê tông đầu tiên nối Odessa với Kherson.
Ukraine nới lỏng việc cấp visa cho các doanh nhân Trung Quốc, doanh số buôn bán tăng 5,3% trong năm 2016, đạt 6,51 tỉ đô la, và hai nước có ý định hợp tác an ninh ở cấp thấp. Con số này là nhỏ đối với Trung Quốc, nhưng những dự án trên giúp gắn chặt lợi ích và luồng vốn vào đây. DCFTA khiến Ukraine trở thành thị trường hấp dẫn hơn so với Nga. Khác với các đối tác phương Tây, Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề cải cách, khiến Ukraine cảm thấy thoải mái, một khi thương mại xuyên Caspi tăng lên và các dự án cảng thành hiện thực trong tương lai.
Bệ phóng Belarus
Tầm quan trọng của Belarus cũng tăng lên, trong lúc Trung Quốc đang nhắm đến Đông Âu với sự gia tăng đầu tư, thương mại và quan trọng nhất là việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc đến Châu Âu bằng đường sắt. Lượng hàng Trung Quốc quá cảnh thông qua hệ thống đường sắt Belarus đã tăng 30,4% trong 7 tháng đầu năm 2017, gần như tương đương với lượng xuất khẩu qua đường hỏa xa của Belarus.
Sau khi bị giảm sút mạnh do cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine, doanh số thương mại giữa Belarus với Kiev đã tăng 26% năm nay. Trung Quốc có thể sử dụng cả hai nước này làm bàn đạp cho các chuỗi cung ứng ở Baltic và Ba Lan, mà không bị giám sát cao độ theo đòi hỏi của các nước thành viên EU.
Belarus từ năm 2013 bắt đầu trông cậy vào đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để giảm lệ thuộc vào Nga, và né tránh những chỉ trích về nhân quyền của Châu Âu. Các dự án nổi bật nhất là khu công nghiệp Great Stone ở gần Minsk và trung tâm hậu cần ở Bolbasovo.
Bolbasovo được dự kiến trở thành một trung tâm thương mại để Trung Quốc dịch chuyển sản xuất vào đây, nhưng hiện chỉ mới được khởi động. Great Stone nhằm tận dụng giá lao động rẻ của Belarus, để các công ty Trung Quốc có thể sản xuất xe hơi và các sản phẩm cao cấp hơn, với giá thành rẻ. Nhờ liên minh thuế quan Belarus-Nga, Bắc Kinh vừa tránh phải thương lượng vất vả để xâm nhập thị trường Nga, vừa bán được hàng cho các nước Đông Âu là thành viên EU.
Trung Quốc và Belarus dự định thành lập một quỹ đầu tư chung 585 triệu đô la để thu hút các công ty vào Great Stone. Trong số 15 công ty hiện diện tại đây, có đến 11 công ty Trung Quốc. Tổng thống Lukashenko còn đi xa hơn, đề nghị các công ty quốc phòng Trung Quốc mở cửa hàng tại khu này – một dấu hiệu nhắm vào Moskva.
Cũng như với Ukraine, Trung Quốc muốn nhập nông sản của Belarus. Thị trường thịt bò và thịt gà đã được mở cửa cho Belarus năm nay, và các nhà đầu tư Trung Quốc cho biết sẵn sàng đầu tư đến 1 tỉ đô la vào lãnh vực này. Như vậy Belarus có thể đạt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2020, nhưng quan trọng hơn nữa là hai nước đã ký bản ghi nhớ hợp tác biên giới.
Những hậu quả không lường được
Theo tác giả Nicolas Trickett, thật ra những nguy cơ từ Nga trong cuộc tập trận Zapad là không cao. Tuy vậy những động thái khiêu khích có thể làm Nga bị cô lập, vì đang lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Trước hết về tài chính, đối với các công ty cũng như nền kinh tế Nga. Hàng tỉ đô la từ các hợp đồng tín dụng Trung-Nga đã lấp được lỗ hổng ngân sách của Moskva, như thỏa thuận mới đây tài trợ cho Quỹ đầu tư trực tiếp và Vneshekonombank (VEB), hai định chế bị phương Tây trừng phạt. Tập đoàn dầu lửa Rosneft đang tìm kiếm vốn từ Trung Quốc để bù vào những thua lỗ, và có thể bán cổ phiếu cho các đối tác Trung Quốc. Tiền của Bắc Kinh còn giúp duy trì được dự án LNG của Novatek. Quỹ đầu tư Nga-Trung (RCIF) được hỗ trợ để bơm 500 triệu đô la vào các dự án của Nga trong năm nay. Ngân hàng trung ương Nga mở văn phòng ở Bắc Kinh, và có ý định phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ.
Tất cả hàng vận chuyển bằng xe lửa đi qua Nga nay phải chuyển sang Belarus vì bị Ukraine cấm vận. Bất kỳ sự cố nào làm ngưng luồng vận chuyển qua Belarus sẽ buộc Trung Quốc phải tập trung hơn vào thương mại xuyên Caspi. Một sự mất ổn định trầm trọng tại Ukraine có thể làm thiệt hại cho ngõ vào thị trường Châu Âu từ Hắc Hải của Trung Quốc, và cả một chuỗi đầu tư trải rộng từ Tân Cương đến Gruzia. Nga có thể bị mất các khoản đầu tư vào đường sắt đang hết sức cần đến, nếu các con đường quá cảnh bị ngưng trệ hoặc bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhưng vấn đề không chỉ là kinh tế. Trung Quốc có thể rút bớt những đầu tư vào hạ tầng Nga, chuyển qua các nước thành viên EU hoặc các nước Châu Âu khác. Trung Quốc đã mua được sự im lặng của Châu Âu trên Biển Đông, thông qua việc đầu tư vào Hy Lạp và Hungary, nhưng sẽ phải hành xử thận trọng hơn. Châu Âu đang quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc, có thể dẫn đến việc xem xét lại các dự án ở Hy Lạp, Balkan và Trung Âu. Bắc Kinh ngày càng bị coi là mối đe dọa cho sự đoàn kết của Châu Âu, cũng như Nga - một mối đe dọa ngày càng đè nặng với cuộc tập trận tháng Chín này.
Tác giả cho rằng Nga sẽ bất lợi nếu làm phương hại đến chiến lược kinh tế của Trung Quốc ở Đông Âu, buộc Bắc Kinh phải giữ thể diện với các đối tác chính Châu Âu. Trung Quốc không thể im lặng mãi khi một đối tác chiến lược bị đe dọa về chủ quyền và an ninh, và tốt nhất là các lãnh đạo Nga không nên quên rằng ông Putin có thể mạnh tay chi cho phúc lợi xã hội trong năm bầu cử, là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính của Bắc Kinh.
Thụy My
********************
Vì sao NATO lo lắng cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga ? (RFI, 14/09/2017)
Kể từ ngày hôm nay 14/09/2017, Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận có quy mô lớn, kéo dài cho đến hết ngày 20/09. NATO lấy làm lo lắng và theo dõi sát sao cuộc tập trận này. Vì sao ?
Binh sĩ và thiết bị quân sự NATO tới cảng Gdansk, Ba Lan, ngày 13/09/2017-Reuters
Cuộc tập trận lần này mang tên "Zapad 2017". Trong tiếng Nga, "Zapad" có nghĩa là "phía tây" hay "phương Tây", tức nói đến những vùng lãnh thổ phía tây của Nga, Belarus và Kaliningrad, vốn dĩ nằm lọt thỏm giữa Ba Lan và các nước vùng Baltic. Địa điểm tập trận diễn ra ngay sát biên giới với Ba Lan và Litva, thành viên của khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO.
Sự kiện quân sự lớn này đang khiến nhiều quốc gia lân cận với Nga và khối NATO lo lắng. Liên Hiệp Châu Âu và NATO xem cuộc tập trận này hoặc như là một hành động khiêu khích từ Moskva, hoặc đó là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công quân sự.
Đáp trả những lo lắng trên của NATO và Liên Âu, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Nga Alexandre Fomine khi trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Welle ngày 29/08, nhắc lại rằng chính NATO đang đe dọa Nga qua việc cho triển khai binh sĩ ngay sát biên giới với Nga.
"Thứ nhất, chính NATO đang đóng quân gần biên giới của chúng tôi. Quý vị có thể thấy điều đó, Nga không triển khai quân ở biên giới Đức hay Pháp. Trong trường hợp đó, ai sẽ là động lực thúc đẩy ? Chúng ta hãy nhìn thẳng những gì đang diễn ra từ một khía cạnh khác : cuộc tập trận "Zapad 2017" không phải là một lý do để NATO triển khai lực lượng ở biên giới Nga".
Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định cuộc tập trận này đơn thuần mang tính phòng thủ, đồng thời cáo buộc "các giả thuyết của một số truyền thông cho rằng tập trận nhằm sắp xếp "một điểm đầu cầu" để xâm chiếm Litva, Ba Lan hay Ukraine là dối trá".
Chuyên gia Igor Delanoe, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp-Nga cho rằng có một luận điểm thường xuyên được lặp lại trong một số phân tích khi nói về mối đe dọa của Nga. Theo đó, "quân đội Nga đã từng tiến hành tập trận quy mô lớn trước khi xảy ra chiến tranh với Gruzia năm 2008 hay khi xảy ra khủng hoảng Ukraine năm 2014. Do đó, họ thường nhấn mạnh : "Chắc gì Nga không tái diễn lại cùng một kịch bản và không xâm chiếm một trong số các nước vùng Baltic hay một phần lãnh thổ Ba Lan ? ""
Dù vậy, những giải thích của Moskva vẫn chưa thể nào trấn an NATO và các nước vùng Baltic. Ngoài việc, không chắc chắn về mục đích cuộc tập trận, NATO cáo buộc Nga thiếu minh bạch trong việc tổ chức "Zapad 2017".
Litva tố cáo Nga muốn huy động hơn 100 000 binh sĩ cho cuộc tập trận với ý đồ để lại một bộ phận quân đội trên lãnh thổ Belarus một khi cuộc tập trận kết thúc. Về phần mình, Nga cho đến lúc này vẫn khẳng định có 12 700 quân nhân tham gia (7 200 binh sĩ Belarus và 5 500 lính Nga).
Với Moskva, con số này có một tầm quan trọng, vì điều đó cho phép Nga không bị bắt buộc phải mở cửa cho các nhà quan sát nước ngoài đến thanh sát tập trận, theo như con số ấn định của Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE từ 13 000 quân trở đi.
Căng thẳng giữa Nga và NATO xung quanh "Zapad 2017" có lẽ cũng khó mà hạ nhiệt trong suốt thời gian cuộc tập trận. Trước nỗi bất an của nhiều nước vùng Baltic và Ba Lan, Hoa Kỳ đã quyết định gởi 7 chiến đấu cơ F-15 tiến hành tuần tra trong không phận các nước Baltic.
Minh Anh