So với Việt Nam, Nam Hàn có nhiều điểm tương đồng : Sau Tết âm lịch, số ca nhiễm Covid-19 tăng (khoảng 600/ngày, gấp đôi so với trước Tết), diễn biến dịch bệnh có vẻ phức tạp hơn. Tuy nhiên cách hành xử của chính quyền Nam Hàn trong đại dịch mang tính toàn cầu này lại rất khác.
Tại một trung tâm xét nghiệm covid ở Seoul, South Korea.
***
Ông Moon Jae-in, Tổng thống Nam Hàn vừa tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp phòng ngừa vào 1 tháng 3. Thay vì áp đặt các biện pháp có tính cưỡng ép, chính quyền Nam Hàn muốn dân chúng tự giác phòng ngừa bằng ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng vì chống dịch bền vững cuộc chiến trường kỳ.
Theo ông Moon, duy trì các biện pháp có tính cưỡng ép (hạn chế đi lại, cấm ăn uống tại chỗ…) sẽ gia tăng gánh nặng cho tiểu thương cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ. Bởi thời tiết sẽ ấm hơn, nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, song song với việc nâng cao mức phạt nếu vi phạm (chẳng hạn không mang khẩu trang, tụ tập qua số lượng đã được ấn định…) vừa giúp giảm gánh nặng này để hỗ trợ các thành phần yếu thế, vừa giúp nền kinh tế có thể hồi phục.
Nam Hàn đang suy tính cách thức bù đắp cho những thành phần yếu thế bị thiệt hại vì chính sách phòng ngừa dịch nghiêm ngặt của chính phủ. Những thành phần yếu thế sẽ sớm nhận được gói hỗ trợ khẩn cấp lần thứ tư. Nam Hàn cũng sẽ chi 110 ngàn tỉ Won (tương đương 91 tỉ Mỹ kim) để giúp khoảng 900.000 người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, vốn phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng đã mất việc.
Ông Moon khẳng định, chính quyền Nam Hàn sẽ sớm tổ chức chích ngừa trên diện rộng. Chính quyền sẽ giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng, chi phí lao động, hỗ trợ đào tạo nghề để đạt mục tiêu tái tạo 900.000 việc làm ngay trong quý này (1).
***
Nhìn một cách tổng quát, thông điệp của ông Moon nói riêng và chính quyền Nam Hàn nói chung có những mốc rất rõ ràng về thời gian, những con số rất cụ thể về tái tạo việc làm, những chính sách mà đa số thường dân có thể dễ dàng xác định ngay là thiệt hay giả, nên rất dại vì trách nhiệm sẽ rất nặng nề, áp lực sẽ rất lớn !
Cho dù Việt Nam cũng công bố các gói hỗ trợ cho cả những thành phần yếu thế lẫn doanh giới từ đầu năm ngoái nhưng đến nay, bởi dịch vẫn còn, thành ra giới nào cũng được tạo điều kiện chờ đợi hỗ trợ khẩn cấp. Trong đại dịch, chính quyền Nam Hàn thua xa Việt Nam về việc xây dựng tinh thần lạc quan cho đối tượng mà họ phục vụ. Dân Nam Hàn không có cơ hội đùa cợt theo kiểu :Lên TV mà nhận !
Đầu năm ngoái, Nam Hàn từng khiến cả thế giới choáng váng về mức độ lây lan Covid-19 nhanh và mạnh, chỉ thua Trung Quốc. Đó cũng là lý do Nam Hàn trở thành quốc gia tiêu biểu trong phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh hết sức hiệu quả nhưng chính quyền Nam Hàn – vốn không có người nào tốt nghiệp Cao cấp Lý luận chính trị ở Học viện Chính trị Hồ Chí Minh – biết cách để đề cao sự tài tình, sáng suốt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Nam Hàn.
Việt Nam thì khác ! Trong khi nền kinh tế của rất nhiều quốc gia ngả nghiêng bởi tác động từ Covid-19, Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng kinh tế là 2,91% và được xếp vào nhóm có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020. Ngay lập tức, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đồng thanh tán tụng, đại loại :Năm 2020, hai từ Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất với những ngợi ca và mỹ từ đẹp nhất trên truyền thông quốc tế từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và thắng lợi mùa xuân năm 1975, khi chúng ta khống chế thành công đại dịch Covid-19, bảo đảm cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân(2).
Dẫu đã có khá nhiều chuyên gia như ông Phạm Thế Anh vừa lý giải, vừa cảnh báo : Tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam trong năm vừa qua không dựa trên các "trụ cột" thật sự của tăng trưởng. Tỉ lệ tăng trưởng được ca ngợi là "độc nhất vô nhị" ấy là nhờ chi tiêu nhiều (đầu tư công), đồng thời nhờ kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Phải lưu ý cả hai đều có giới hạn(3) song những ý kiến loại này không đáng để đếm xỉa vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chỉ cần có gì đó để xiển dương sự tự hào, bất kể người nghèo điêu đứng thế nào, doanh giới cũng như thành phần trung lưu tuyệt vọng vì bế tắc ra sao !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/02/2021
Chú thích
(1) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=48976
(2) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thanh-tich-dac-biet-trong-nam-ban-ron-nhat-cua-Chinh-phu/420546.vgp
Biến chủng vi rút mới lần đầu xuất hiện ở Việt Nam nguy hiểm ra sao ?
RFA, 13/02/2021
Hôm 12/2/2021, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới công bố kết quả giải mã bộ gene của chủng vi rút SARS-CoV-2 từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy đây là chủng vi rút mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Các mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Việt Nam hôm 29/1/2021 Reuters
Theo kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy cả ba bộ gene SARS-CoV-2 thu nhận được đều thuộc chủng A.23.1, tương tự với biến thể phổ biến nhất ở thủ đô Kampala của Uganda (Trung Phi) và có đột biến giống như biến thể lây lan nhanh ở Anh.
Báo chí nhà nước không nói về độ nguy hiểm của loại đột biến mới này mà chỉ cho biết nó không thuộc loại vi rút đột biến ở Anh (dòng B) và chủng vi rút đột biến ở Nam Phi đang khiến thế giới lo lắng.
Tuy nhiên, bài báo của tờ Business Insider hôm 12-2 dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến Toàn cầu về Chia sẻ Dữ liệu Dịch cúm Gia cầm (GISAID) gọi đột biến A.23.1 là dòng có một số biến thể của "mối quan tâm sinh học tiềm ẩn".
Từ tháng 6 đến tháng 10 năm ngoái, vi rút dòng A chỉ chiếm 25% số vi rút ở thủ đô Kampala của Uganda.
Tuy nhiên đến tháng 12 năm 2020, 49 trong số 50 mẫu được giải trình tự gen từ vùng Kampala (ở 9 địa điểm lâm sàng) thuộc dòng A.23.1 mới tương tự với biến chủng ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tác giả cho biết.
Đến nay, có hơn 39.000 người Uganda bị nhiễm Covid-19, trong đó có 328 người đã qua đời theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Điều quan trọng, biến thể A.23.1 có những thay đổi di truyền trong protein đột biến của vi rút mà nó sử dụng để lây nhiễm lên tế bào người.
Các tác giả của báo cáo đã xác định một đột biến nhất định trên biến thể A.23.1 là P681R, có thể có hoạt động tương tự như biến thể ở Anh (B.1.1.7) cũng có đột biến tương tự trong protein đột biến của nó : P681H.
Biến thể ở Anh được cho là có khả năng lây lan cao hơn 30-50% và đang lan nhanh trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ, nơi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã dự đoán nó có thể trở thành loại vi rút corona phổ biến nhất vào tháng 3 năm nay.
Các nhà khoa học cũng xác định những thay đổi trong một phần của protein đột biến được biết đến là mục tiêu của hệ thống miễn dịch. Bài báo vẫn chưa được các chuyên gia khác xem xét kỹ lưỡng trong một cuộc bình duyệt.
GISAID cho biết, A.23.1 là "mối quan tâm tiềm ẩn về sinh học." Tuy nhiên, tác động có thể xảy ra của các đột biến của nó vẫn chưa rõ ràng.
Các biến thể A.23.1 đã được phát hiện ở các quốc gia khác bao gồm Anh, Rwanda, Canada và Campuchia và đến nay là Việt Nam.
Tại Anh, A.23.1 đang được Cơ quan Y tế Công cộng Anh chính thức điều tra vì nó có đột biến E484K - đột biến được tìm thấy trong một biến thể ở Nam Phi, mà các nhà khoa học tin rằng giúp nó tránh được kháng thể.
Có 43 trường hợp nhiễm đột biến A.23.1 của vi rút corona được báo cáo ở Anh, theo Public Health England.
Biến thể A.23.1 với đột biến E484K khác với biến thể ở Anh (B.1.1.7), dường như cũng đã phát triển thành đột biến E474K.
Đã có 22 người bị nhiễm biến thể B.1.1.7 có đột biến E484K, theo cơ quan Public Health England.
*********************
Việt Nam ghi nhận thêm 49 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trong ngày mùng 2 Tết
RFA, 13/02/2021
Việt Nam vừa ghi nhận thêm 53 ca nhiễm Covid-19 mới bao gồm 49 ca nhiễm trong cộng đồng trong ngày 13/2 tức mùng 2 Tết Tân Sửu, theo thông tin cập nhận trên trang web của Bộ Y tế.
Nhân viên y tế cầm lọ mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội hôm 29/1/2021 - Reuters
Trong số những ca nhiễm mới trong cộng đồng, 2 ca nhiễm được xác định là ở thành phố Hồ Chí Minh, 49 ca còn lại được phát hiện ở tỉnh Hải Dương, điểm nóng của đợt dịch thứ ba.
Như vậy, tính từ ngày 28/1 đến chiều ngày 13/2, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng ít nhất 604 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Điểm nóng Hải Dương, nơi bùng phát dịch bệnh, hiện có 430 trường hợp, tiếp theo là Quảng Ninh với 59 trường hợp, Thành phố Hồ Chí Minh - 36 trường hợp, Hà Nội - 30 trường hợp, Gia Lai -27.
Theo truyền thông Nhà nước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người đứng đầu công tác chống dịch Covid-19 ở Việt Nam hôm 13/2 nói rằng Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và tình hình chung trong dịp Tết là tốt.
Trong ba ngày Tết tính từ ngày 11/2 tức 30 Tết đến ngày 13/2, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 82 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Hoa Kỳ hiện là quốc gia có số tử vong vì dịch Covid-19 nhiều nhất thế giới, nay đã vượt ngưỡng 450.000, trong đó bang California đã có trên 45 ngàn ca, tính đến ngày 05/02/2021. Thuộc bang California, Quận Cam (Orange County), nơi tập trung cộng đồng người Việt đông nhất tại Mỹ, vẫn là vùng được tô màu tím, với tình dịch Covid – 19 thuộc loại "widespread" (lây lan rộng), số người chết tính đến ngày 05/02/2021 cũng đã lên tới 3.279.
Trong thời gian gần đây, số người Việt qua đời đã tăng vọt đến mức mà các nhà quàn, nhà hòm phải làm việc liên tục mà không đáp ứng kịp và rất nhiều gia đình phải chờ đến 3,4 tuần mới chôn cất hoặc hỏa táng được người thân.
Nhưng vì sao lại có nhiều người Việt tại Quận Cam chết nhiều như thế, bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ, một bác sĩ nổi tiếng trong cộng đồng Little Saigon, giải thích :
" Một phần là vì người Việt mình hay sống chung đụng với nhau, share phòng nhiều. Thứ hai là người Việt mình có nhiều tin đồn là người Việt Nam có sức đề kháng giỏi. Thứ ba, tôi vẫn nghĩ cái chính là ông tổng thống Trump. Tôi có rất nhiều bệnh nhân không tin là bệnh này có thật. Khi tôi khuyên họ nên chích ngừa cúm đi vì nếu chẳng may mình bị Covid thì nó sẽ nhẹ hơn, thì họ nói : "Bác sĩ đừng có lo, cái bệnh này người ta đòn bậy bạ để chống ông Trump". Do đó, họ cũng bắt đầu không đeo khẩu trang.
Cho đến khi chết nhiều thì họ sợ, cuống lên ; Họ cuống lên thì có cái nguy hiểm là họ giấu cái bệnh đó. Tôi có nhiều bệnh nhân thậm thụt đến khám rồi bảo :" Bác sĩ đừng có nói cho ai biết". Tôi nói : "Không được. Bà phải cho người nhà biết để mà cách ly chứ". Ngay cả khi đến khám chỗ chúng tôi, họ cũng giấu chúng tôi, cho đến khi chúng tôi thấy đo nhiệt độ, làm test mới thấy positif. Nhân viên chúng tôi có một số người bị lây, tôi sợ nên phải xin thuốc chích ngay cho nhân viên của mình.
Họ bị nhiễm rất nhiều, người chết cũng rất nhiều. Ở nhà thương Foutain Valley, nhà thương chính mà tôi dùng, họ nói là người chết nhiều ghê lắm. Ngay cả bác sĩ cũng bị chết. Mấy bác sĩ rất là popular ( nổi tiếng ) ở đây cũng đều chết, vì popular tức là có nhiều người đến khám, mà khổ một nỗi là họ đến khám mà không cho mình biết là họ bị nhiễm. Sau này, khi thấy bắt đầu chết nhiều họ mới sợ thiệt".
Trong những ngày này, ông Nguyễn Thiêm, chủ công ty Tobia Casket, chuyên bán quan tài, bia mộ, bận túi bụi, làm không kịp thở, điện thoại khách hàng reo liên tục, đến mức mặc dù trước đó đã nhận sẽ trả lời phỏng vấn RFI, nhưng rốt cuộc ông đành từ chối. Ông chủ nhăn nhó nói : "Người ta chết nhiều quá anh ơi !", trước khi trả lời cú điện thoại không biết là thứ bao nhiêu trong ngày, dưới chân ông dựng sắp lớp nhiều tấm bia mộ đang chờ được mang đi.
Những người Việt tại Quận Cam khi qua đời được chôn cất hoặc hỏa táng tại Westminster Park Memorial, một công viên - nghĩa địa mênh mông, được quy hoạch, thiết kế rất đẹp, nằm trên đường Beach Boulevard, thành phố Westminster. Tại đây có một khu vực dành riêng cho người Việt gọi là Peek Family, là nơi yên giấc ngàn thu của từ những người bình thường cho đến những nhân vật nổi tiếng như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và gần đây nhất là nghệ sĩ Chí Tài. Đây cũng là nơi đặt công ty của ông Thạch Hoàng, chuyên "lo trước hậu sự" cho những gia đình có người thân vừa qua đời, hoặc biết chắc là không thể qua khỏi. Ông cho biết chưa bao giờ gặp tình trạng như vậy :
" Chưa bao giờ gặp một tình trạng bi đát, kinh hoàng như vậy, vì số lượng người chết vì Covid tăng vọt mà không có chổ chứa thi hài. Người ta phải sử dụng hai container lớn như chiếc xe truck ( xe tải ) tại vì trong nhà xác không đủ chổ, dù có thể chứa hàng chục, cả trăm. Không có ngày nào mà Thạch Hoàng không được báo :" Gia đình chúng tôi có người vừa qua đời hoặc sắp qua đời. Ngày nào cũng như ngày nào, từ hồi tháng 11 cho đến giờ".
Về phần ông Sean Hadad, giám đốc Peek Funeral Home, một người Mỹ nói tiếng Việt rất sõi, ông cũng ghi nhận số người chết vì dịch Covid-19 tại Quận Cam đã tăng vọt từ thời điểm tháng 11 :
"Sau tháng 10, bắt đầu từ tháng 11, nhà quàn bắt đầu nhận thấy rất là nhiều người Việt Nam mất vì Covid-19, thì nhà quàn bắt đầu phục vụ nhiều người cùng lúc. Có thể nói 70 những người qua đời ở đây là vì Covid-19. Số người chết nhiều gấp 2 đến 3 lần so với bình thường".
Westminster Park Memorial trong những ngày này luôn vang dậy những tiếng cầu kinh cho linh hồn người quá cố sớm được siêu thoát hoặc sớm về với nước Chúa. Một người đàn ông 69 tuổi từ trần cách đây một tháng nhưng đến nay gia đình mới được làm lễ hỏa táng cho ông. Chiếc quan tài được nhanh chóng đưa vào một trong hai lò thiêu, mà trong nhiều ngày qua vẫn nhả khói liên tục, đưa con người trở về với kiếp bụi tro.
Trước khi nói chuyện với tôi, ông Thạch Hoàng đã phải vội tiếp một cặp vợ chồng trẻ đến nhờ dịch vụ của ông, vì có bà mẹ vừa qua đời do dịch Covid-19, nhưng ông nói ngay là phải đợi cả tháng mới có thể chôn cất hay hỏa táng được. Đây là tình hình chung đối với các gia đình có người thân chết trong lúc này. Kể cả nữ danh ca Lệ Thu, qua đời từ ngày 15/01, mới làm lễ phát tang và cầu nguyện hôm 29/01, nhưng nghe nói gia đình phải đợi đến cuối tháng 2 mới hỏa táng cho bà được. Ông Thạch Hoàng ghi nhận :
"Không có chỗ chứa thi hài thì làm sao bây giờ ? Nhân viên làm việc 7 ngày trên 7. Chưa bao giờ mà một ngày mười mấy người được chôn, mười mấy người được thiêu !"
Việc phải chờ nhiều tuần mới có thể chôn cất hay hỏa táng người thân càng làm tăng thêm nỗi đau của các gia đình đó, theo lời ông Sean Hadad, giám đốc Peek Funeral Home.
Như vậy là nhiều gia người Việt năm nay sẽ ăn một cái Tết rất buồn, những tang tóc càng khiến cho không khí đón Tết Nguyên Đán của Little Saigon thêm tiêu điều, hay ít ra là không nhộn nhịp như những năm trước.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 09/02/2021
Châu Âu nhốn nháo với vac-xin ngừa covid-19, chiến dịch triển khai tiêm chủng trong Liên Hiệp thất bại, giữa lúc dịch diễn biến phức tạp. Nước Pháp chậm chân trong bào chế vac-xin, chuyển hướng sang gia công sản xuất thuốc chủng, Nga mạnh tay xử nhà đối lập nổi tiếng Alexei Navalny, trấn áp biểu tình thách thức phương Tây…. Đó là những chủ đề chính được các báo Pháp ra hôm nay mổ xẻ phân tích nhiều.
Trên nhiều trang báo là những câu hỏi đặt ra xung quanh chuyện vac-xin và chiến lược tiêm chủng ngừa Covid của Liên Hiệp Châu Âu như : Châu Âu đã đàm phán về vac-xin thế nào, tựa của Le Monde hay "Vac-xin : Làm sao Châu Âu bị bỏ xa ?", tựa trang nhất của Le Figaro. Nhật báo Le Figaro dành hồ sơ lớn nhằm lí giải vì sao trong khi các nước khác đang tăng tốc tiêm chủng cho dân, thì Châu Âu bị tụt lại rất xa.
Tờ báo nhắc lại, hôm 21/12 bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hân hoan thông báo chiến dịch tiêm chủng trong toàn Liên Hiệp bắt đầu, lạc quan hy vọng sẽ chiến thắng virus corona. Đến giờ, một tháng rưỡi trôi qua, điểm lại chỉ thấy những "thất bại", "trục trặc", "khan hiếm" và cả những bê bối hết nơi này qua nơi khác trong Liên Âu.
Những chỉ trích, phẫn nộ nổi lên khắp các nước thành viên, đòi bà chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu phải xem lại chiến lược tiêm chủng. Nỗi phẫn nộ cùng dễ hiểu, vì tất cả đang hy vọng vào vac-xin để có thể thoát khỏi đại dịch. Trong khi đó ngay từ đầu Liên Hiệp Châu Âu đóng vai trò điều hành phân phối vac-xin, một việc đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước.
Le Figaro đưa ra các con số để so sánh : "Đến lúc này, 9,5% dân Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vac-xin. Ở Anh Quốc là 14%, vô địch thế giới là Israel 55%. Trong khi đó Liên Âu mới chỉ có 2,8%. Một cảm giác nghèo nàn, thiếu thốn bao trùm khắp Châu Âu".
Tờ báo nhìn lại quá trình từ đầu đại dịch, khi các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm liều thuốc chủng quý giá này, thì chính phủ nhiều nước cũng lao vào cuộc cạnh tranh có được liều thuốc chủng bằng cách đổ tiền, thương lượng với các phòng thí nghiệm có triển vọng sẽ sớm sản xuất được vacxin. Các nước lớn trong Liên Âu cũng rục rịch chuẩn bị, nhưng trong khi đó, Liên Hiêp Châu Âu - đóng vai trò bao sân - thì lại chậm trễ. Le Figaro nhấn mạnh nguyên nhân là Liên Âu đã không dự tính trước và không dám mạnh tay bỏ tiền đầu tư trước. Xã luận Le Figaro chỉ thẳng nguyên nhân, đó là căn bệnh khó chữa của Liên Âu là quan liêu hành chính với một bộ máy cồng kềnh nặng nề, không có năng lực và không dám làm…
Trong khi Boris Johnson và Donald Trump chấp nhận rủi ro đầu tư ồ ạt từ cả năm nay (gấp từ 4 đến 7 lần Liên Âu). Họ tham gia vào ngay từ giai đoạn đầu tiên nghiên cứu vac-xin, trở thành một bên liên quan trong tiến trình sản xuất vac-xin. Còn Bruxelles thì vẫn hài lòng làm một khách hàng đơn thuần, tùy thuộc vào các nhà phân phối. Để đến giờ hình ảnh mà người ta có thể chia sẻ ở Châu Âu là các trung tâm tiêm chủng bị đóng cửa vì thiếu thuốc.
Liên Hiệp Châu Âu đang lâm vào lúng túng, không lẽ lại trở về mạnh nước nào nước đó chạy theo khả năng tài chính của mình. Bruxelles đang cố gắng tìm nguồn cung ứng vac-xin chắc chắn, như với tập đoàn dược AstranaZeneca, nhưng lại vấp phải những bất đồng với chính phủ của Boris Johnson. Một hướng mới mở ra là quay sang với vac-xin Nga Sputnik V, trong khi mà quan hệ Bruxelles-Moskva lâu nay chưa khi nào mặn mà, giờ lại đang có cơ căng thẳng hơn ?
Le Figaro có bài phân tích "Sputnik V, loại vac-xin mang tính chính trị cao của Nga". Sau khi Sputnik V được tạp chí khoa học The Lancet thừa nhận công hiệu tới 91%, Moskva có ý đồ sử dụng liều thuốc chủng để mở rộng ảnh hưởng trên thế giới và như một thứ vũ khí tư tưởng.
Nhất là trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng của Liên Hiệp Châu Âu đang gặp trục trặc, nếu không muốn nói là thất bại, thì Sputnik có thể là một cơ hội cho Châu Âu. Các nước lớn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha đã đánh tiếng sẵn sàng mở cửa cho sản phẩm của Nga. Liên Âu cũng hé mở cánh cửa với khẳng định của bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen : "Nếu các nhà sản xuất Nga, Trung Quốc mở hồ sơ, chứng minh mọi dữ liệu minh bạch thì sẽ được cấp phép sử dụng trên thị trường Châu Âu như những sản phẩm vac-xin khác" .
Tờ báo nhắc lại, trong cuộc chạy đua vac-xin trên thế giới, sản phẩm Sputnik trong một thời gian dài đã không được đánh giá tốt, vì bị cho là cắt đứt công đoạn thử nghiệm lâm sàng, không bảo đảm quy trình an toàn… Giờ đây Sputnik V của Nga đã phục thù được. Sputnik V đang tiếp cận quỹ đạo Châu Âu, như hàng tựa nhiều hình ảnh của báo Libération.
Sự phục thù được bài báo đề cập đó là với Mỹ và các nền dân chủ phương Tây. Tổng thống Pháp đã khẳng định việc sử dụng vac-xin Nga là "không phải là quyết định chính trị mà là một quyết định khoa học". Theo Le Figaro, điều này có thể đúng với Pháp, Đức hay các định chế Châu Âu, nhưng với nước Nga thì không. "Trái lại Nga coi vac-xin của họ là một công cụ gây ảnh hưởng chính trị và là thứ vũ khí tư tưởng" như cái tên rất gợi cảm được đặt cho sản phẩm.
Từ khi lên nắm quyền, ông Vladimir Putin đã không ngừng nỗ lực để đưa Nga trở lại trường quốc tế với vai trò một cường quốc. Lần này việc Sputnik V thành công được coi như là một sự phục thù với Mỹ và các nền dân của phương Tây, vốn vẫn luôn lên lớp chế độ toàn trị Nga. Vì thế tổng thống Nga đã huy động sức mạnh khoa học của cả nước hóa giải thách thức đó.
Le Figaro phân tích, vac-xin Sputnik V một lần nữa là minh chứng Nga đã trở lại sân chơi của các nước lớn, ngay cả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, được cho là bị sụp đổ sau chiến tranh lạnh và tan hoang vì khủng hoảng kinh tế và nạn tham nhũng.
Theo bài báo, tính chất chính trị của vac-xin Nga được thấy trong bản đồ phân phối vac-xin Nga. Trước tiên là trong các vùng ảnh hưởng của Kremlin, những nước Cộng hòa trong Liên Xô cũ vẫn còn gần gũi với Moskva như Belarus, Kazakhstan, rồi đến các nước bạn bè của Nga như Iran, Venezuela, Algeria hay Serbia. Vac-xin Nga đã len lỏi vào trong Liên Âu. Tại đó, nước duy nhất phá vỡ khối đoàn kết ngay từ khi Sputnik chưa được xác nhận công hiệu là Hungary của Viktor Orban.
Giờ đây, Kremlin càng có cơ hội sử dụng Sputnik V để mở rộng ra khắp thế giới. Cũng làm theo cách như Trung Quốc, Nga tìm cách gắn điều kiện có vac-xin với các hồ sơ đa phương lớn liên quan trực tiếp đến lợi ích của mình. Moskva đã cấp miễn phí vac-xin cho các vùng ly khai ở Ukraina.
Vac-xin Nga bắt đầu xuất hiện ở Châu Âu cùng lúc đang xảy ra vụ Navalny, khi mà Bruxelles đang dự tính trừng phạt Kremlin. Một nhà ngoại giao Châu Âu được trích dẫn đã nhận xét : "Trong bối cảnh các nước Châu Âu đang khẩn cấp cần có vac-xin, Paris, Berlin và Bruxelles khó có thể duy trì được lâu chính sách cứng rắn trong vụ Navalny".
Thành công của Sputnik V lại làm dấy lên chia rẽ các nước Châu Âu. Nhưng khẩn cấp lúc này là vac-xin, màu sắc chính trị không quan trọng, bài báo kết luận.
Liên quan đến nước Nga, những ngày qua, vụ Navalny đang khuấy động dư luận và cả chính giới Châu Âu. Đây là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với hàng tựa lớn trang nhất : "Kết án Alexei Navalny : Putin trấn áp đối lập và thách thức Châu Âu".
Tờ báo trở lại với thời sự, hôm thứ Ba, chính quyền Nga nhất quyết mạnh tay trấn áp với kẻ thù số 1 của chế độ Alexei Navalny bằng bản án tù giam 3 năm rưỡi, đồng thời thẳng tay đàn áp những người biểu tình ủng hộ nhà đối lập, bất chấp phản ứng của quốc tế, nhất là của Châu Âu.
Le Monde ghi nhận "trấn áp của Nga đặt Phương Tây trước thách thức". Sau khi Moskva kết án tù nhà đối lập Navalny, Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đã nhất loạt lên tiếng đòi "trả tự do ngay lập tức" cho nhà hoạt động đối lập. Moskva phớt lờ những phản ứng coi đó là chuyện nội bộ của Nga.
Le Monde nhận thấy trong vụ việc này sẽ trở thành vấn đề lớn cho tương lai quan hệ giữa Châu Âu và Nga. Hôm nay, lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu, Joseph Borrell công du Nga. Kremlin đã cảnh báo EU đừng có "dại dột" vì một tù nhân mà làm hỏng tương lai quan hệ với Nga. Châu Âu đã có các quyết định trừng phạt những quan chức an ninh Nga liên quan đến vụ đầu độc vụ Navalny, giờ liệu có đi xa hơn nữa ? Tờ báo đặt câu hỏi.
Có lẽ là Châu Âu không mong đánh mất đi những kênh liên lạc với Nga trong lúc mà nước này đang đóng một vai trò không thể phủ nhận được trong các hồ sơ quốc tế lớn như hạt nhân Iran, Bắc Triều Tiên, xung đột Ukraine… và giờ đây là viễn cảnh Nga cung cấp vac-xin Sputnik V cho các nước Châu Âu.
Cùng chủ đề này, nhật báo Les Echos có bài "Vụ Navalny : Liên Hiệp Châu Âu tìm câu trả lời đúng trước Putin". Trích dẫn nhiều nhà quan sát bài viết cho rằng, Châu Âu không có sự lựa chọn nào khả dĩ để có thể thay đổi cách ứng xử của ông Putin, trong cũng như ngoài nước. Nga đã sống quen với các trừng phạt của phương Tây tù lâu nay rồi. "Châu Âu chỉ có thể làm tròn nghĩa vụ đạo đức cho mình bằng những những đòi hỏi tôn trọng các giá trị nhân bản, nhưng ít có cơ hội được lắng nghe", Les Echos kết luận.
Về thời sự Châu Á, Le Monde tiếp tục quan tâm đến cuộc đảo chính quân sự diễn ra tại Miến Điện với bài xã luận mang tiêu đề : "Miến Điện : Ván cược bị thua của Aung San Suu Kyi"
Le Monde nhận thấy qua vụ đảo chính vừa qua, do đặt cược vào sự hợp tác có thể với quân đôi để đưa Miến Điện trên con đường phát triển kinh tế và hòa bình trong nước. Đây là hành động rất can đảm, nhưng đã thất bại. Bà Aung San Suu Kyi đã đánh giá quá cao khả năng giới quân nhân có thể chuyển biến để rồi phải trả giá bằng việc chính đối tác, tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội, quay lại chiếm quyền và bắt giam bà hôm mùng 1 tháng Hai.
Từ khi lên nắm quyền lãnh đạo tại Miến Điện, bàn Aung San Suu kyi đã cố gắng chiều theo ý của giới quân nhân, nhất là trong các vụ truy bức, tàn sát người thiểu số theo Hồi giáo Rohingya. Chính vì vụ này mà hình ảnh của Aung San Suu Kyi đã xấu đi trước cộng đồng quốc tế. Nhưng cũng vì sự im lặng né tránh trách nhiệm của Miến Điện trước các cáo buộc diệt chủng người Rohingya mà bà giữ được uy tín ở trong nước để đảng của bà thắng cử đến 82% ghế ở Quốc Hội. Trớ trêu là chiến thắng này của bà Aung San Suu Ky là quá mức đối với giới quân nhân Miến Điện và điều gì phải đến đã đến. Bà Aung San Suu Kyi đã thua ván đặt cược, đồng thời mất luôn cả hào quang của một nhà bảo vệ nhân quyền, từng được trao giải Nobel Hòa bình.
Trở lại với thời sự của nước Pháp, vấn đề vac-xin và tiêm chủng vẫn là chủ đề chính được khai thác, xung quanh tuyên bố đầy quyết tâm của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên truyền hình rằng đến hết hè năm nay, Pháp sẽ hoàn thành tiêm chủng cho toàn bộ dân Pháp. Khởi đầu chiến dịch tiêm chủng chậm chạp bị dư luận chỉ trích, chính phủ Pháp đã tăng tốc, đến nay đã đạt được con số gần 2 triệu người được tiêm chủng trong vòng một tháng rưỡi. Nhưng tiêm chủng cho toàn bộ 70 triệu dân Pháp đến cuối mùa hè quả là một mục tiêu gây nhiều hoài nghi.
Nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : "Làm thế nào tiêm chủng cho tất cả người dân Pháp ?". Mục tiêu này là một thách thức cho chính phủ Pháp, nhưng không phải là không thể, theo La Croix. Để bảo đảm được lịch trình đề ra, rất sít sao này, trong khi mà việc sản suất và giao hàng đang gặp nhiều trục trặc, chính phủ Pháp phải thay đổi chiến lược bằng cách huy động các cơ sở trong nước tham gia sản xuất vac-xin do các hãng dược nước ngoài bào chế. Song song đó, nhiều hãng công nghệ sinh học của Pháp vẫn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chế vac-xin của riêng mình cũng như nghiên cứu các loại thuốc điều trị Covid-19.
Trong bài xã luận La Croix, có một quan sát khá thú vị : Pháp là nước duy nhất trong các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không chế được vac-xin. Thật là xấu hổ, nhưng có quá muộn không ? Theo La Croix, không có gì là muộn, Pháp hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa, nhưng hãy biết tự đặt câu hỏi tại sao cho chính mình và tiếp đó tìm ra các giải pháp, thay vì cứ than vãn về những hào quang đã mất, La Croix bình luận.
Anh Vũ
Giulio Terzi di Sant’Agata, Italy’s former Foreign Minister. Courtesy of Ambassador Giulio Terzi.
Nhà ngoại giao nổi tiếng nhất của Ý, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Giulio Terzi di Sant’Agata, trong cuộc phỏng vấn ngày 29/01/2021 với ký giả Stefano Filippi (1), đã cho biết quan điểm của ông về dự án bá chủ toàn cầu của Tập Cận Bình và cách họ Tập sử dụng đại dịch để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.
Giulio Terzi di Sant’Agata được coi là nhà ngoại giao Ý xuất sắc nhất. Ông từng là Đại diện Thường trực của Ý tại Liên Hiệp Quốc năm 2008–2009, Đại sứ Ý tại Hoa Kỳ năm 2009–2011 và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý năm 2011–2013. Ông tiếp tục hoạt động tích cực trong các lĩnh vực an ninh quốc tế và nhân quyền. Ông đã rất chú ý quan sát Trung Quốc trong suốt thời gian dài làm việc trong ngành ngoại giao của mình, và cũng tích cực thúc đẩy đối thoại liên tôn và tự do tôn giáo.
--------------------------
- Thưa Đại sứ, ông đã nhiều lần trả lời phỏng vấn về Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Covid-19, cho rằng Covid-19 đã trở thành "vũ khí hoàn hảo" cho chế độ Trung Quốc. Xin ông nói rõ hơn.
- Tôi không có ý nói rằng con virus này là một vũ khí sinh học.
Điều tôi muốn nói là Tập Cận Bình đã sử dụng đại dịch để thúc đẩy dự án bá chủ toàn cầu của ông ta.
Đây là thực tế : trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình bằng cách thông tin sai lệch, tuyên truyền và áp dụng một chính sách ngoại giao rất hung hăng. Họ đã xoay xở thuyết phục được một số người rằng loại virus này không sinh ra ở Vũ Hán. Thậm chí có người còn tin rằng nó có nguồn gốc từ Ý.
Và họ cũng đã thành công trong việc loan truyền lý thuyết rằng chỉ có Trung Quốc mới thành công kiềm chế dịch bệnh, trong khi các nền dân chủ tây phương đã chứng minh một cách ngoạn mục rằng họ đang bệnh họan và suy đồi. Điều nghịch lý nhất là chúng ta đều quên rằng, sau đại dịch SARS, năm 2005, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận quốc tế, buộc tất cả các nước ký kết chia sẻ thông tin về các loại virus mới xuất hiện trong vòng 24 giờ đồng hồ. Họ đã ngang nhiên vi phạm thỏa thuận này, chờ hàng tuần và có thể hàng tháng trước khi thông báo cho thế giới những gì họ biết về Covid-19. Chưa kể bây giờ, phải sau hơn một năm họ mới cho phép một phái đoàn của WHO đến nước họ điều tra. Và trong phái đoàn thì chỉ có các chuyên gia mà Trung Quốc chấp thuận.
Như tôi đã nói, một vũ khí hoàn hảo !
- Vũ khí dùng trong việc gì ?
- Tôi vừa đọc cuốn sách của nhà kinh tế học người Mỹ David Goldman (công nhận, rất bảo thủ), "Bạn sẽ bị đồng hóa" (You Will Be Assimilated).
Điểm đáng chú ý là thái độ của Trung Quốc đã thay đổi như thế nào dưới thời Tập Cận Bình. Trong nhiều thế kỷ, chú tâm của Trung Quốc, dưới các chế độ khác nhau, là an ninh nội bộ và bảo vệ biên giới. Lần đầu tiên, với Tập Cận Bình, xuất hiện một dự án thống trị toàn cầu rõ ràng. Điều này hoàn toàn mới. Chúng ta không cần chờ các nhà phân tích tây phương, hoặc Goldman, để hiểu điều này. Đọc chính các bài phát biểu của Tập Cận Bình, cho đến bài mới đây tại Diễn đàn Kinh tế Davos, là đủ.
Tập cho biết ông ta hoàn toàn kỳ vọng Trung Quốc sẽ dẫn đầu về các công nghệ tiên tiến trong vòng 5 năm tới. Ý của Tập là những loại công nghệ mở cửa cho việc kiểm soát thông tin, chính trị và kinh tế. Trước đây, ông ta cũng từng nói rằng quyền bá chủ toàn cầu của Trung Quốc phải trở thành hiện thực vào ngày kỷ niệm 100 năm Đảng cộng sản Trung Quốc. Ngày đó là ngày 1 tháng 7 năm 2021. Tuy nhiên, cũng trong các bài phát biểu khác, ông ta đã đề cập đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tính như vậy thì là năm 2049, có vẻ thực tế hơn.
- Thực tế hơn ?
- Đúng vậy, và cách để đạt được điều đó chủ yếu không phải thông qua các sáng kiến chính trị hoặc quân sự. Các chủ đề chính được thảo luận trong các hội nghị thượng đỉnh của Đảng cộng sản Trung Quốc là quản lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchains). Năm ngoái, Tập Cận Bình nói rằng đã phối hợp kế hoạch phối để Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo. Kế hoạch này được quản lý chặt chẽ bởi chính phủ. Tập tin rằng những người tiên tiến nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ ở vị trí thuận lợi để kiểm soát thế giới. Chúng ta nói nhiều về 5G nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã thử nghiệm 6G thông qua công ty Baidu. 6G sẽ mạnh hơn 5G gấp 100 lần và Trung Quốc rõ ràng đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.
- Chẳng phải phương Tây từng là những quốc gia dẫn đầu thế giới về các công nghệ tiên tiến nhất sao ? Trung Quốc đã vượt qua chúng ta như thế nào ?
- Trung Quốc thành công ngay trên lãnh vực mà Liên Xô đã thất bại. Không phải Liên Xô không cố gắng, nhưng thật ra họ chưa bao giờ thực sự nắm bắt được công nghệ tiên tiến nhất cũng như tài sản trí tuệ của phương Tây, để sử dụng chúng cho mục đích của riêng họ. Trong khi đó, do có rất nhiều công ty phương Tây tận dụng lợi thế của chi phí lao động thấp để đặt các nhà máy ở Trung Quốc, nên việc đánh cắp công nghệ của những công ty này trở nên dễ dàng hơn nhiều. Hoa Kỳ tuyên bố rằng giá trị của công nghệ bị đánh cắp này là từ 400 đến 600 tỷ đô la – mỗi năm. Và chưa hết, còn nữa.
Trung Quốc thường xuyên trả tiền thuê một số nhà khoa học phương Tây làm thành viên các hội đồng và ủy ban Trung Quốc, mời họ ăn uống, và hơn thế, mời họ thường xuyên đến giao lưu văn hóa. Điều này không hề cần che giấu, và thậm chí không phải là bất hợp pháp. Nhưng hậu quả lại quá rõ ràng.
- Ông đã nhiều lần tố cáo các chính sách của chế độ Trung Quốc đối với các tôn giáo và dân tộc thiểu số là diệt chủng. Từ ngữ này hiện đã được Hoa Kỳ chính thức sử dụng…
- Có nhiều định nghĩa khác nhau về tội diệt chủng. Những gì đang diễn ra ở Tân Cương là một cuộc diệt chủng cổ điển theo kiểu Đức Quốc xã, với các trại tập trung và cưỡng bức triệt sản phụ nữ. Ở Tây Tạng, nó đã bắt đầu từ trước đó, bằng cách chú tâm loại bỏ ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo Tây Tạng, đẩy người Tây Tạng ra khỏi đất nước của họ, và nhập khẩu tiếng Hán vào, đó là điển hình của chính sách diệt chủng. Cướp nội tạng từ các tín đồ Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác cũng là một hành vi diệt chủng.
- Tập Cận Bình tuyên bố rằng ông ta đã thành công lớn trong việc xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là tuyên truyền ?
- Cách đây vài năm, chúng tôi cũng có một nhà lãnh đạo Ý tuyên bố như thế. Và đúng vậy, đó chỉ là tuyên truyền và dựa trên các định nghĩa về nghèo đói có mục đích gây lợi cá nhân. Tập Cận Bình cũng nói rằng một nửa dân số Trung Quốc sống đủ với thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ, khoảng dưới 130 Euro. Họ "sống đủ", nhưng họ không thoát cảnh nghèo khó. Chưa kể, nếu nhắc đến người Duy Ngô Nhĩ, thì họ bị buộc phải làm việc không công và được nuôi bằng một chế độ ăn uống hầu như chỉ cho phép sống sót, để sản xuất 20% lượng bông gòn trên thế giới.
- Dự án của Tập có bất khả chiến bại không ? Hay thế giới dân chủ có thể chống lại ?
- Chúng ta nên nhìn rằng trên thực tế, ngay cả khi không tính các cường quốc Châu Á khác, nếu chúng ta gộp Bắc Mỹ, Úc, New Zealand và Châu Âu lại, thì kết quả là một nền kinh tế lớn hơn Trung Quốc gần bốn lần. Khi đối đầu với Trung Quốc, ý tưởng phương Tây là David chống lại Goliath là một phần tuyên truyền của Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta phải có ý chí chính trị và quyết tâm chống lại Trung Quốc, một điều mà tôi không chắc, kể cả tại nước Ý của tôi.
Mặt khác, những thông điệp đầu tiên phát ra từ chính quyền Biden cho thấy đường lối chính trị kềm chế Trung Quốc sẽ tiếp tục. Khi còn là Đại sứ Ý tại Washington DC, vài lần tôi đã gặp Kurt Campbell, nhà ngoại giao sẽ cộng tác với Biden về vấn đề Trung Quốc. Đó là một chuyên gia lão luyện về mọi mặt, và tôi tin rằng ông ta sẽ làm công việc của mình một cách tốt đẹp. Tôi cũng tin rằng Ủy viên (phụ trách thị trường và công nghệ) của Liên Hiệp Châu Âu, Thierry Breton, cũng có một sự hiểu biết vững vàng về những vấn đề với Trung Quốc.
Thục Quyên dịch
Nguồn : VNTB, 07/02/2021
Ông Mai Tiến Dũng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chức vụ tương đương Bộ trưởng nên còn được gọi là Bộ trưởng – vừa "chỉnh nặng" thượng cấp của mình : Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bấm nút khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia ngày 9/12/2019
***
Hôm 2 tháng 2, tại buổi họp báo định kỳ của tháng 1, trả lời thắc mắc của báo giới về khả năng Việt Nam có thể dập được đợt dịch Covid-19 vừa bùng phát trong vòng mười ngày, ông Dũng – trong vai trò Phát ngôn viên Chính phủ, chủ trì cuộc họp báo, nói thế này : Chính phủ không công bố thông tin mười ngày dập được dịch. Đây là ý kiến cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19. Ai công bố thì trách nhiệm của người đó, không phải danh nghĩa chính phủ (1) !
Thành viên nào củaBan Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 đã tuyên bốsẽ dập được đợt dịch Covid-19 mới bùng phát trong mười ngàykhiến ông Dũng hậm hực, nặng lời, tách"y" ra khỏi chính phủ để cột trách nhiệm vào"y" ?
Người duy nhất trongBan Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 đề cập đến việcdập được đợt dịch Covid-19 mới bùng phát trong mười ngày là ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế, cấp trên của ông Dũng.
Tuy nhiên ông Đam không tuyên bố sẽ… dập được đợt dịch Covid-19 mới bùng phát trong mười ngày.Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam vềđợt dịch Covid-19 mới bùng phát,ông Đam thay mặt chính phủ nhận địch :Virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơnvà do vậy, ông đề nghị : Chúng ta phải có những biện pháp nhanh hơn virus này, nhanh hơn trước đây và quyết tâm phấn đấu mười ngày sẽ dập tắt dịch(2).
Bởi sự khác biệt về tính chất giữa… đề nghị "phấn đấu mười ngày sẽ dập tắt dịch" với… tuyên bố"dập tắt dịch trong mười ngày" rất lớn, nên báo giới mới hỏi lại ông Dũng cho tỏ tường tại cuộc họp báo mà ông chủ trì. Thay vì giải thích để tránh ngộ nhận, có thể ảnh hưởng đến uy tín của cả ông Đam lẫn chính phủ, ông Dũng làm ngược lại : Cố tình biến ngộ nhận thành sai lầm của ông Đam !
***
Không rõ quan hệ giữa ông Dũng và ông Đam thế nào nhưng việc một thành viên trong nội các dùng báo giới để công khai chỉ trích, hạ thấp uy tín của một trong những cá nhân lãnh đạo chính phủ cho thấy, tôn ti trật tự trong công vụ là thứ không hề tồn tại trong nội các Việt Nam, thành ra ông Dũng mới thản nhiên hành xử như vậy. Vì sao lại thế ?...
Cứ xem xét các qui định hiện hành và đối chiếu với thực tế sẽ thấy, Thủ tướng hay các Phó Thủ tướng trong chính phủ Việt Nam không có… quyền đụng đến… ông Dũng – thuộc cấp của họ ! Tuy chỉ giữ vai trò Chánh Văn phòng của chính phủ, song ông Dũng lại là Ủy viên BCH TƯ Đảng cộng sản Việt Nam suốt hai nhiệm kỳ (11 và 12), thành ra lãnh đạo chính phủ không có… quyền đụng đến ông Dũng nếu… BCH TƯ đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị chưa… nhất trí xử lý kỷ luật ông Dũng !
"Đạo đức" và "văn minh" của Đảng cộng sản Việt Nam đã tạo ra… nề nếp kỳ quái đó trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Cộng hòa XHCN Việt Nam ! Nề nếp ấy cho phép các thành viên trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hành xử không giống ai, đồng thời cũng là một trong những yếu tố khiến Đảng cộng sản Việt Nam hãnh diện, liên tục khẳng định tổ chức chính trị này chính là chuẩn mực của… "đạo đức" và "văn minh" !
Có thể do quá tuổi, không được giới thiệu tái ứng cử vào BCH TƯ nhiệm kỳ 13, lại không đủ thế lực để được công nhận là… trường hợp ngoại lệ, rất… đặc biệt như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc, sắp phải về vườn, chẳng còn gì để mất nên ông Dũng nói cho… hả dạ ! Đảng không dùng ông thì ông sẽ ngưng, không… xài đảng nữa ! Đâu phải tự nhiên mà đảng phải cảnh báo, tình trạng đảng viên đồng loạt bỏ sinh hoạt sau khi nghỉ hưu, lẳng lặng… thoát ly khỏi đảng đang là vấn nạn nghiêm trọng (3) !
Xét cho đến cùng, ông Đam – dù được nhiều người, nhiều giới dành cho nhiều thiện cảm vì "tả xung, hữu đột" chống dịch suốt năm vừa qua – cũng chỉ là một… Ủy viên BCH TƯ đảng như… ông Dũng. Chưa kể, so với ông Dũng, dường như ông Đam yếu thế hơn vì dường như ông chẳng thuộc về phe nào. Ông Dũng có chỉ trích ông Đam nặng hơn thì cũng chẳng thành… điều ! So với lẽ chung, "đạo đức" và… "văn minh" của đảng dẫu quái gở song vì bất bình mà chỉ trích coi chừng không còn đất dung thân !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/02/2021
Chú thích
Covid-19 tiếp tục là từ khóa chi phối trang nhất các tạp chí phát hành tuần cuối tháng 01/2021. Trong khi Courrier International đánh giá lại cách chống dịch của Trung Quốc và L’Express báo động về những tên "lang băm" rao bán thần dược chống Covid, thì Le Point, một cách rất nghiêm túc, nhìn về tương lai, ghi nhận những triển vọng tươi sáng đến từ nhân tố RNA thông tin (mRNA hay ARNm) dùng cho vac-xin chống Covid-19.
Như thông lệ, L’Obs tập trung trên nước Pháp, nêu bật hồi ức của một số nhân sĩ trí thức Pháp và Algeria về cuộc chiến tranh Algeria, một giai đoạn quan trọng trong lịch sử cận đại Pháp, nhân dịp nhà nghiên cứu Benjamin Stora đệ trình báo cáo về vấn đề này lên cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Và cũng như thông lệ, tuần báo Anh The Economist mở rộng tầm nhìn ra thế giới, chú ý đến mối đe dọa ngày càng tăng của vũ khí nguyên tử đối với hành tinh chúng ta.
Courrier International dành một hồ sơ đặc biệt 12 trang cho vấn đề dịch Covid-19 tại Trung Quốc, một năm sau Vũ Hán. Chiếm trọn trang bìa là ảnh chụp một cảnh chẳng khác gì trong phim khoa học giả tưởng với một nhân viên y tế người trùm kín mít trong bộ quần áo bảo hộ y tế, cả khuôn mặt được che bằng một tấm kính, dẫn đầu một toán người phía sau, chìm hẳn trong một làn sương mù mịt của thuốc diệt khuẩn mà họ phun ra. Bên trên bức ảnh là hàng tựa lớn : "Covid-19 – Phương pháp Trung Quốc", kèm theo lời chú giải "Bắc Kinh đã ‘thành công’ trong việc ngăn chặn đại dịch như thể nào".
Theo Courrier International, vào lúc dư luận tại Pháp đang xôn xao về khả năng phong tỏa lần thứ ba, tạp chí muốn trở lại nơi mà tất cả bắt đầu, Vũ Hán, một năm sau khi đại dịch đã giết chết hơn 2 triệu người trên toàn thế giới, để tìm hiểu xem chế độ Bắc Kinh đã quản lý như thế nào để ngăn chặn được sự lây lan của virus.
Đối với tờ báo Pháp, ngay cả khi nguồn gốc của virus Sars-CoV-2 chưa được làm sáng tỏ, đã có một điều chắc chắn : Trung Quốc, hơn bất kỳ một nước nào khác, có vẻ như là đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus trong thời gian kỷ lục nhờ những biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt và thô bạo.
Trên tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia, một nhà quan sát chính sách công đã viết : "Ngay khi nhận ra mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp, nhanh chóng huy động các nguồn lực có trong tay… Trong mười tuần, chính quyền đã thành công trong việc kiềm chế sự lây lan của virus".
Theo Courrier International, dĩ nhiên là cần phải thận trọng với số liệu thống kê của Trung Quốc. Số tử vong ở Trung Quốc rất thấp, so với phần còn lại của thế giới. Trong vòng một năm, đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 73.000 người ở Pháp, 421.000 người ở Mỹ, hơn 2 triệu người trên thế giới, và không đầy 5.000 người ở Trung Quốc, bất chấp những hình ảnh đáng ngờ ở Vũ Hán về những hàng người đông đảo đi nhận lọ tro của người thân sau khi thành phố "mở cửa trở lại", trái ngược với số liệu chính thức.
Tạp chí Pháp đã trích dịch những lời chứng trên trang mạng Trung Quốc Vi Tín (Weixin) của Trung Quốc cho thấy là nếu chính quyền tự hào về kết quả của mình, thì người dân vẫn chưa hết khủng hoảng..
Phương pháp mà Trung Quốc áp dụng là gì ? Tạp chí Courrier International đã lược qua từ kiểm soát đại trà, lấy nhiệt độ, giám sát bằng drone, cho đến phong tỏa nghiêm ngặt, cưỡng ép cách ly. Câu hỏi đặt ra là các biện pháp đó đã mang lại kết quả, nhưng với giá nào ?
Để trả lời cho câu hỏi trên, Courrier International đã đăng lại bài ký sự của thông tín viên của nhật báo Ý, Repubblica tại Trung Quốc, kể lại những gì ông đã phải trải qua lúc bị cách ly.
Khi từ Ý trở lại Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua, nhà báo Filippo Santelli đã bị "nhốt" trong một khách sạn ở Nam Kinh. Thoạt đầu Santelli nghĩ là điều đó cũng tốt và ông sẽ chỉ mất hai tuần. Nào ngờ, do bị phản ứng dương tính với Covid, ông đã bị đưa ngay đến bệnh viện và bị cách ly hơn một tháng.
Santelli đã không ngần ngại so sánh hệ thống các lớp kiểm soát mà Trung Quốc đề ra để chống dịch như là "9 tầng địa ngục", mà người bị nhiễm virus bị đẩy xuống tầng cuối cùng.
Đối với Courrier International, lời chứng hiếm hoi của nhà báo Ý cho phép người ta hiểu được do đâu mà Trung Quốc rốt cuộc đã thoát ra khỏi dịch bệnh một cách tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 đang có dấu hiệu bùng lên trở lại ở Trung Quốc, và chính quyền cũng đang áp dụng biện pháp mạnh để dập dịch, lần này là ở Hà Bắc, với thành phố Thạch Gia Trang, 11 triệu dân, đã bị hoàn toàn cô lập.
Vấn đề đáng ngại, theo tạp chí Pháp, là dịch bệnh lan rộng tại vùng nông thôn, "mắt xích yếu nhất của hệ thống y tế Trung Quốc". Tạp chí Tài Tân của Trung Quốc đã nêu ý kiến của một chuyên gia thuộc cơ quan kiểm soát dịch bệnh quốc gia, theo đó thì "điều kiện phòng ngừa tốt không hội đủ ở nông thôn và việc dân chúng đi lại vào dịp Tết Nguyên Đán, ngày 12/02 tới đây, càng làm mọi việc thêm khó khăn".
Lúc ấy, theo Courrier International, người ta sẽ rõ là phương pháp chống dịch của Trung Quốc có bền vững hay không.
Như nói ở trên, tạp chí Pháp L'Express tuần này vẫn quan tâm đến hồ sơ Covid-19, nhưng đặc biệt chú ý đến "Những tên lang băm Covid", tựa lớn ngay trang bìa, đề cập đến đủ loại thành phần, từ những người tự nhận là "guru" hay lãnh tụ tinh thần, những kẻ mang danh bác sĩ, cho đến những phần tử lan truyền thuyết âm mưu, những người chống vac- xin… Theo tạp chí Pháp, đó là những kẻ rêu rao những liệu pháp thần kỳ để đối phó với một dịch bệnh mà họ cho là không tồn tại. Những thành phần này, theo L’Express, là mối đe dọa cho khoa học và nền dân chủ.
Tạp chí Pháp đã nêu bật hiện tượng bùng nổ của số lượng "tín đồ" đi theo một số nhân vật như Thierry Casasnovas, Tal Schaller hoặc Jean-Jacques Crèvecoeur, những người tự tôn mình thành "guru", tức là bậc thầy hướng dẫn tinh thần.
Đó là những "thánh phán" mới, phát tán các loại thuyết âm mưu chống việc tiêm chủng, cho rằng việc chích ngừa là nhắm tiêm vào người dân những con rận điện tử cực nhỏ để dễ theo dõi, hoặc là để triệt sản nhằm giảm dân số thế giới. Những người có thể gọi là lang băm đó một mặt phủ nhận sự tồn tại của dịch Covid-19, một mặt khác lại rêu rao là chỉ cần dùng thực phẩm tự nhiên là đủ sức "tăng cường" hệ thống miễn dịch của mình.
Điều đáng ngại là trong giới "lang băm" cũng có những bác sĩ thật như giáo sư Perronne hay nghị sĩ Martine Wonner, những người sẵn sàng quảng bá cho các loại "thần dược" như hydroxychloroquine, ivermectine, hay bác bỏ sự tồn tại của làn sóng dịch bệnh thứ hai và thứ ba, từ chối các biện pháp y tế (đeo khẩu trang, phong tỏa...) hoặc gây nghi ngờ về vac-xin RNA.
Theo ông Rudy Reichstadt, giám đốc hiệp hội theo dõi các loại thuyết âm mưu Conspiracy Watch, rốt cuộc thì chính phủ Pháp đã nhận thức được mức độ nguy hại của hiện tượng này. Đối với ông Reichstadt, đã đến lúc phải ngăn chặn, không cho những luận điệu sai lạc đó lan rộng trong một xã hội Pháp vốn đang có xu hướng chạy theo các loại y học phi truyền thống.
Tạp chí Pháp đặc biệt ghi nhận là báo chí dành cho phụ nữ là mảnh đất màu mỡ cho các phần tử gọi là khoa học kể trên.
Cũng khai thác chủ đề Covid-19, nhưng tạp chí Le Point đã có một cái nhìn rất lạc quan, tìm hiểu sâu hơn về phân tử RNA thông tin (mRNA) được dùng trong các loại vac-xin đầu tiên chống Covid-19 của Pfizer hay Moderna. Trang bìa tạp chí nêu bật trong hàng tựa : "Virus và biến thể (ngày nay), ung thư và đột quỵ ngày mai : Phân tử RNA sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào".
Theo Le Point, "được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, công nghệ học RNA thông tin đã cho ra vac-xin chống Covid đầu tiên, hứa hẹn sẽ chữa khỏi mọi căn bệnh, hoặc gần như vậy".
Trong một hồ sơ 12 trang, bao gồm 6 cuộc phỏng vấn, tạp chí Pháp nêu bật khả năng theo đó, bên cạnh việc sử dụng trong vac-xin, phân tử RNA trong dài hạn có thể chữa khỏi vô số bệnh, chẳng hạn như xơ nang, ung thư và thậm chí cả các bệnh thoái hóa thần kinh.
Le Point gợi lên một kỷ nguyên mới của y học, bởi vì từ hai năm qua, những loại thuốc đầu tiên dựa trên nhân tố RNA "can thiệp" (iRNA) đã đạt được những kỳ công, như giải thích của giáo sư David Adams, người đứng đầu Trung tâm Tham khảo Quốc gia về bệnh lý thần kinh dạng amyloid tại bệnh viện Bicêtre, vùng Paris, đặc biệt là đối với bệnh thoái hóa gan di truyền.
Trái với các đồng nghiệp, tạp chí L’Obs tập trung nói về quan hệ thật gắn bó giữa nước Pháp với vùng thuộc địa cũ Algeria trong một hồ sơ dài 14 trang, được tạp chí nêu bật trên trang bìa qua hàng tựa : "Ký ức về Algeria của chúng ta".
Khoảng bảy triệu người ở Pháp được cho là có mối liên hệ với Algeria. Bất chấp lệnh ngừng bắn ký kết ngày 19/03/1962, trong tâm trí và cơ thể của mọi người, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc đối với những người nhập cư gốc Algeria, những người Pieds-Noirs, tức là dân Pháp trước đây định cư ở thuộc địa cũ, những người harki, tức là dân quân người Algeria theo Pháp, những cựu quân nhân, con và cháu của họ…
Nhân dịp nhà sử học Benjamin Stora vừa đệ trình lên tổng thống Pháp bản báo cáo về vấn đề Algeria, kêu gọi hòa giải, tuần báo Pháp đã gặp gỡ nhiều nhà văn, nghệ sĩ, trí thức hai bên bờ Địa Trung Hải để ghi nhận cảm nghĩ của họ.
Trong số các nhân vật được phỏng vấn có chính khách tên tuổi Arnaud Montebourg, đảng Xã hội Pháp, xuất thân từ một gia đình harki, nhà toán học và dân biểu Pháp Cédric Villani, một người gốc Pied-Noir, hay nữ ca sĩ kiêm diễn viên Camélia Jordana, cháu gái của các chiến binh Algeria chống Pháp trước đây.
Ngay trên trang nhất, The Economist chạy thành tựa lớn câu hỏi : "Ai sẽ trở thành cường quốc hạt nhân tiếp theo ?" bên trên hình vẽ một cây nấm hạt nhân ở cuối một con đường thẳng tắp. Đối với tờ báo, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng vũ khí hạt nhân ngày càng phổ biến hơn, và để ngăn chặn điều này, các cường quốc hạt nhân cần phải nhanh chóng hành động.
Theo ghi nhận của tuần báo Anh, ngày nay, vẫn chỉ có chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, không có thêm nước nào so với 25 năm trước đây. Đó là năm nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc, đều tham gia Hiệp Ước Chống Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân NPT, cùng với 4 quốc gia nằm ngoài hiệp ước, vì không ký kết hay phê chuẩn như Ấn Độ, Pakistan và Israel, hoặc là vì đã rút ra khỏi NPT như Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh trường kỳ để ngăn chặn loại vũ khí sát thương dữ dội nhất trên thế giới phát tán sắp trở nên khó khăn hơn. Trong thập kỷ tới, mối đe dọa có thể đến từ các nước nặng ký về kinh tế và ngoại giao với tham vọng khó có thể bị kềm chế.
Đối với The Economist, đà thống trị khu vực đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc và kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên sẽ đè nặng trên Hàn Quốc và Nhật Bản, hai trong số các cường quốc lớn nhất Châu Á. Ở vùng Trung Cận Đông, sự hiếu chiến của Iran và chương trình hạt nhân của nước này sẽ phủ bóng lên cả Saudi Arabia lẫn Thổ Nhĩ Kỳ.
Đà phổ biến vũ khí hạt nhân không phải là một phản ứng dây chuyền, nhưng rất dễ lây lan. Nếu trật tự hạt nhân bắt đầu suy yếu, sẽ gần như không thể chặn đứng dịch bệnh phổ biến vũ khí nguyên tử. Đó là lý do vì sao, theo The Economist, điều quan trọng là phải hành động ngay từ hôm nay.
Mai Vân
Trọng Thành, RFI, 23/01/2021
Hôm 23/01/2021, chính quyền Hồng Kông ra lệnh phong tỏa một khu phố hàng chục nghìn dân. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu dịch Covid-19, chính quyền đặc khu ra quyết định phong tỏa như vậy.
Theo AFP, do số lượng ca nhiễm gia tăng tại khu phố Tá Đôn (Jordan), chính quyền quyết định xét nghiệm toàn bộ dân cư khu này trong vòng 48 giờ, để hướng đến mục tiêu "không còn một ca lây nhiễm nào" tại quận Jordan. Kể từ hôm nay, dân cư khu Jordan xếp thành những hàng dài chờ đến lượt xét nghiệm tại 51 xe xét nghiệm lưu động.
Lãnh đạo bộ Y Tế Hồng Kông cho biết tất cả cư dân phải ở trong nhà, cho đến khi nào có kết quả xét nghiệm. Khoảng 3.000 cảnh sát được huy động để bảo đảm lệnh phong tỏa được tôn trọng. Khu Jordan có khoảng 150 chung cư.
Từ vài tuần nay, tình hình dịch bệnh trở nên đáng lo ngại. Tại khu Tá Đôn đang bị phong tỏa, có 162 ca dương tính được ghi nhận, kể từ đầu tháng đến ngày 20. Nhiều ổ dịch xuất hiện tại quận nghèo Du Tiêm Vượng (Yau Tsim Mong), nơi có các căn hộ được coi là thuộc loại chật hẹp nhất thế giới. Chính tại đây đã có 24 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, 22/01, trên tổng số 61 ca dương tính tại Hồng Kông.
Hồng Kông được coi là một trong những thành phố giàu có nhất thế giới, nhưng bất bình đẳng cao. Giá thuê nhà ở Hồng Kông rất cao, thành phố thường xuyên trong tình trạng thiếu chỗ ở trầm trọng. Về mặt chính thức, diện tích trung bình của một căn hộ ở Hồng Kông là 46 m². Tuy nhiên, nhiều căn hộ như vậy được phân nhỏ, nơi nhiều gia đình chung sống cùng chia nhau nhà vệ sinh, phòng tắm. Chính trong những căn hộ chật hẹp đông người này đã xuất hiện nhiều ổ dịch trong những tuần gần đây.
ừ hơn một năm nay, kể từ khi đại dịch bùng phát, 7,5 triệu dân cư Hồng Kông thường xuyên sống trong không khí cảnh giác cao với dịch bệnh. Nhiều biện pháp siết chặt phòng dịch khi được tăng cường, khi được nới lỏng. Các biện pháp phòng dịch của Hồng Kông tỏ ra hiệu quả. Tính đến nay, Hồng Kông có khoảng 10.000 ca dương tính, và khoảng 170 người chính thức được ghi nhận tử vong do Covid-19.
Trọng Thành
*********************
Thanh Hà, RFI, 22/01/2021
Càng gần Tết Nguyên Đán, áp lực càng lớn tại Trung Quốc. Chiến dịch xét nghiệm Covid-19 ở quy mô lớn được mở ra tại thủ đô Bắc Kinh kể từ ngày 22/01/2021. Còn Thượng Hải bắt đầu phong tỏa hai khu vực gần các bệnh viện. Trung Quốc thông báo trên toàn quốc có thêm 103 bệnh nhân Covid-19. Nhật Bản phạt nặng trong trường hợp vi phạm các biện pháp chống virus corona.
Thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc mở chiến dịch xét nghiệm quy mô tại nhiều quận. Riêng thành phố Thượng Hải bắt tất cả nhân viên kiểm tra sức khỏe và phải có giấy chứng nhận âm tính với virus corona để tiếp tục làm việc. Biện pháp này được đưa ra do có 6 ca nhiễm được phát hiện ở Thượng Hải. Ngoài ra, khu vực bao quanh hai bệnh viện nổi tiếng của thành phố bị phong tỏa ngay từ hôm nay do bị coi là hai ổ dịch được phát hiện trong hai ngày liên tiếp thứ Tư và thứ Năm.
Còn tại Nhật Bản, sáu tháng trước ngày khai mạc Thế Vận Hội Olympic, tình hình không mấy khả quan. Ngày 22/01/2021 bộ Y tế Nhật xác nhận có thêm 1.775 ca nhiễm Covid-19. Như vậy là trong 10 ngày liên tiếp Nhật Bản không thể rút con số ngày xuống dưới ngưỡng 1.000. Chính phủ của thủ tướng Yoshihide Suga bị chỉ trính mạnh mẽ, đã đề xuất hai dự luật nhằm tăng cường hiệu quả của các biện pháp chống dịch.
Một là xử phạt tù những người vi phạm và hai là nâng mức nộp phạt lên tới 500.000 yen, gần 4.000, euro nhắm vào các hàng quán vẫn mở cửa sau 8 giờ tối. Hạ Viện được yêu cầu "nhanh chóng thảo luận" về hai dự luật này trong những ngày sắp tới. Đối lập Nhật Bản chỉ trích đây là những biện pháp "quá khắt khe".
Từ đầu mùa dịch tới nay, Nhật Bản được coi là một trong những quốc gia ít chịu tác động của Covid-19 với khoảng 4.700 ca tử vong. Nhưng từ/11/2020 tình hình đã xấu đi đáng kể. Hệ thống y tế đứng trước nguy cơ bị quá tải. Theo hãng tin Pháp AFP, một số bệnh viện tư chủ trương từ chối bệnh nhân nhiễm virus corona.
Thanh Hà
*********************
Tú Anh, RFI, 19/01/2021
Chính quyền Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới WHO bị tố cáo đã không phản ứng ngay tức khắc khi dịch siêu vi corona chủng mới xuất hiện. Trong bản báo cáo thứ hai được công bố hôm 19/01/2021, tại Genève, nhóm chuyên gia độc lập khẳng định như trên, dựa theo trình tự thời gian của giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh.
Nhóm chuyên gia độc lập, do cựu thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark và cựu tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sireaf điều hợp, có nhiệm vụ thẩm định các nỗ lực toàn cầu chống đại dịch Covid-19, cho biết "lẽ ra chính quyền địa phương và chính quyền trung ương Trung Quốc phải thi hành một cách quyết liệt các biện pháp y tế công cộng vào tháng 01/2020".
Phản ứng chậm trễ của Tổ chức Y tế Thế giới cũng được nêu rõ : chậm triệu tập ủy ban tình trạng khẩn cấp, ngập ngừng không tuyên bố ngay tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế.
Trung Quốc chắc chắn sẽ bất bình trước những lời phê phán này trong bối cảnh một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đã đến Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc của siêu vi thủ phạm.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :
"Nếu tin vào truyền thông Trung Quốc thì cho đến hôm nay mọi việc đều tốt đối với phái bộ chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới. Báo chí Nhà nước lấy lại và phát tán rộng rãi những hình ảnh, thông tin mà tổ chức của Liên Hiệp Quốc đưa lên trang mạng Weibo của Trung Quốc trong những ngày gần đây.
Trong các thông điệp này, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới khen ngợi cách tiếp đón tại thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, kèm theo những bức ảnh mặt trời mọc hay thực đơn "hài hòa", có trái thanh long, có cà-phê trong buổi điểm tâm tại khách sạn, nơi cách ly.
Báo chí phát hành hôm nay không hề nói đến lời cáo buộc chính quyền Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới phản ứng thiếu nhanh chóng lúc đại dịch bắt đầu xuất hiện. Tố cáo này chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh nổi giận. Từ khi khống chế được dịch, chính quyền Trung Quốc đã thay đổi giọng điệu, không nhắc đến phản ứng chậm hay thông tin mù mờ nữa. Trái lại, họ nói đến giả thuyết siêu vi có nguồn gốc từ bên ngoài và lây lan vào Trung Quốc.
Thế mà, việc Trung Quốc phản ứng trễ nải đã được giáo sư Chung Nam Sơn và các chuyên gia Trung Quốc ghi nhận trong cuộc điều tra tại Vũ Hán hồi mùa đông năm trước. Chính cuộc điều tra này đã gây ra phản ứng từ chính quyền trung ương, buộc họ phải ra lệnh phong tỏa Vũ Hán ngày 23/01/2020 và trừng phạt các lãnh đạo địa phương.
Từ khi phát hiện hàng trăm ca nhiễm mới trong những tuần qua, 19 triệu dân miền đông - bắc Trung Quốc đã bị phong tỏa. Tỉnh Cát Lâm hôm qua phong tỏa thêm hai thành phố sát biên giới Bắc Triều Tiên với 3 triệu dân. Hà Bắc giảm nhẹ biện pháp ngăn dịch, nhưng 12,5 triệu dân địa phương tiếp tục được khuyên nên ở nhà.
Tú Anh
********************
Thanh Hà, RFI, 18/01/2021
Là trung tâm của ổ dịch Covid-19 nhưng kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng phục hồi : GDP tăng 2,3 % cho cả năm 2020. Mặc dù đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ hơn 40 năm qua, nhưng Trung Quốc là một trong những nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng ở số dương.
Thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh giải thích :
"Các con số vừa được tổng cục thống kê công bố cho thấy hai điều. Trước hết là thế bất cân đối trong đà phục hồi của Trung Quốc. Tháng 12/2020 sản xuất công nghiệm tăng 7,3%. Với đại dịch Covid-19, các nhà máy của ‘công xướng thế giới’ hoạt động tối đa. Xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế tăng vọt và giờ đây đến lượt xuất khẩu kim tiêm. Đó là chưa kể những mặt hàng điện tử như máy tính hay điện thoại cho phép những người bị cách ly trên thế giới vẫn được kết nối.
Ngược lại mức tiêu thụ chưa lấy lại phong độ. Chỉ số bán lẻ tháng trước tăng 4,6%, thấp hơn so với dự phóng. Điểm thứ nhì đáng chú ý là mặc dù tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức thấp nhất kể từ cuối cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1976, nhưng Trung Quốc là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có GDP tăng trong năm vừa qua. Đà này sẽ tiếp tục trong năm nay.
Trung Quốc phát hiện một số ổ dịch Covid-19 mới ở khu vực miền bắc và chính quyền đã phải ban hành các biện pháp phong tỏa y tế trước dịp nghỉ Tết nguyên đán và đây thường là dịp người dân có thói quen mua sắm cho gia đình. Thế nhưng trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng viễn cảnh kinh tế của Trung Quốc vẫn tiến triển tốt".
Thanh Hà
Trung Quốc báo động tối đa, Pháp tăng cường giới nghiêm, kiểm soát biên giới, sinh viên khủng hoảng tinh thần, siêu vi diễn biến khó lường, luồn lách các biện pháp đối phó của con người là mối ưu tư của báo chí Pháp trong ngày 15/01/2021.
Ngày tàn của Donald Trump ? Trang nhất của Le Monde ghi tựa lớn : Donald Trump đối mặt với thủ tục "Impeachment" lần thứ hai. Hạ viện thông qua bản luận tội chủ nhân Nhà Trắng "kích đông bạo lực".
Tại Pháp, Le Figaro tập trung vào các biện pháp chống dịch loan báo chiều 14/01/2021 : Giới nghiêm kể từ 18 giờ để tránh phong tỏa. Tăng cường kiểm soát biên giới, trợ giúp thêm cho xí nghiệp. "SOS, giới chủ nhân doanh nghiệp túng quẫn", La Croix báo động.
Libération, mở đầu bốn trang phóng sự với ảnh chụp sau lưng một nữ sinh viên trên phông đen : Sinh viên, nỗi cô đơn tuyệt vọng. Tâm trạng chơi vơi của giới trẻ, vừa không có "cua" ở giảng đường vừa bị các biện pháp cách ly chống dịch trói chân. Công đoàn giáo chức, hội đoàn sinh viên báo động tình trạng khủng hoảng tinh thần của sinh viên, báo chí nhập cuộc.
Sau nhiều vụ tự tử hụt, giới chức đại học và Nhà nước Pháp phải hành động. Tin phấn khởi đầu tiên là thủ tướng và bộ trưởng đặc trách lĩnh vực đại học tiếp đại diện sinh viên và giáo sư trong ngày 15/01/2021. Tình trạng tinh thần của giới sinh viên rất đáng lo, theo phóng sự của nhật báo thiên tả : Giảng bài qua cầu truyền hình là một sự khó khăn khủng khiếp. Chúng tôi làm hết sức nhưng sinh viên vẫn bỏ cuộc, nhiều vị thầy than thở. Trợ lý tâm lý ở đại học cũng bị "quá tải".
Các biện pháp đối phó, từ vac-xin cho đến nghiêm cấm triệt để tự do đi lại dường như vô hiệu trước con siêu vi tinh quái. La Croix và Le Monde phân tích vì sao sau 8 tháng định hướng thông tin, Trung Quốc ra lệnh báo động tối đa trước đợt tấn công mới.
Với tựa "Đợt tấn công mới của siêu vi tại Trung Quốc, Bắc Kinh nhìn nhận một ca tử vong đầu tiên từ tháng 5, ra lệnh phong tỏa 22 triệu dân", Le Monde cho là tin xấu này rơi xuống không đúng lúc. Vì chính vào thời khắc này, Trung Quốc cuối cùng chấp nhận cho phái đoàn chuyên gia Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến Vũ Hán điều tra cội nguồn siêu vi thì Bắc Kinh phải đối phó với Covid-19 bùng lại tại Hà Bắc. Chiến lược không thay đổi, 22 triệu dân trong vùng bị cách ly tại nhà. Xét nghiệm và tiêm ngừa toàn thể. Tập Cận Bình tỏ ra tự tin nhưng trên internet, kiểm duyệt ngăn chận mọi thông tin hoài nghi chính quyền trung ương.
Một vài chỉ trích hiếm hoi nhắm vào chính quyền địa phương còn được dung thứ nhưng với mục đích giúp chính quyền trung ương áp đặt uy thế. Nhà báo Hoa lục được chỉ thị dùng các từ "liên đới, lòng trắc ẩn" nhưng tránh dùng từ "cách ly, tử vong". Bản án tù 14 năm trừng phạt nhà báo Trương Triển là lời cảnh cáo gửi đến những công dân muốn báo động tình trạng đại dịch.
Theo đặc phái viên của Le Monde, siêu vi bùng lên trở lại có lẽ là do chính quyền Trung Quốc "tuyên bố chiến thắng quá sớm" và tự tin đến mức tổ chức triễn lãm với chủ đề "Nhân dân trên hết, sinh mạng trên hết". Cho đến nay, chế độ Trung Quốc hưởng lợi trong cách quản lý đại dịch, so với Tây phương. Nhưng nếu tình hình y tế đảo ngược thì chấn động có thể rất nặng nề.
Qua bài "Trung Quốc báo động tối đa trước Tết âm lịch", La Croix cho biết thêm về các biện pháp phong tỏa tại Hà Bắc : đóng cửa trường học, giao thông hàng không, đường sắt, đường bộ đều ngưng hoạt động. Đảng viên, công nhân viên Nhà nước được lệnh không du hành vào dịp Tết để làm gương. Điều làm chính quyền y tế Trung Quốc lo lắng nhất là siêu vi biến chủng của Anh Quốc đã lọt lưới kiểm dịch.
Giáo chủ Khamenei quyết định cấm sử dụng vac-xin của Tây phương. Dân chúng và giới y sĩ Iran phẫn nộ. Tại Trung Đông, Iran là nước bị siêu vi gây tang tóc nặng nề nhất với gần 57 ngàn nạn nhân, con số thấp hơn nhiều so với thực tế. Tuy nhiên, giáo chủ Ali Khamenei, với lập luận vac-xin của Tây phương không hiệu quả, hàm chứa chất độc, cấm nhập khẩu các thuốc chủng của Anh và Mỹ. Trong chiều hướng này, Tehran không nhận kiện hàng 150.000 liều Pfizer-BioNtech mà cộng đồng người Iran tại Hoa Kỳ quyên góp hỗ trợ cho dân trong nước.
Trên mạng tràn ngập lời than oán của dân chúng nhất là trong bối cảnh từ nhiều tháng qua, chính quyền Iran không ngừng lên án Mỹ cấm vận khiến cho Tehran không mua được vac-xin. Một sinh viên 23 tuổi viết trên mạng : vấn nạn của chúng ta không chỉ có Mỹ cấm vận mà còn do một người muốn cấm vac-xin. Một cách khéo léo, báo chí Iran nhắc lại rằng thuốc tiêm chủng của BioNtech là kết quả nghiên cứu của Ugur Sahin, nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ mang quốc tịch Đức, từng được giải thưởng khoa học gia giỏi của thế giới Hồi giáo do Iran tổ chức vào năm 2019 (giải Mostapha). Trong buổi lễ trao giải có sự hiện diện của bác sĩ Alizera Marandi, bác sĩ riêng của giáo chủ lãnh đạo tối cao.
Le Monde trích lời nhận xét chua chát của một bác sĩ Iran : Mỗi sáng thức giấc nghe thấy đâu đâu cũng tăng tốc tiêm ngừa chỉ có Iran là bị cấm. Chúng tôi như một đứa bé mồ côi nhìn ra đường tìm một người hảo tâm cứu giúp trong khi ở ngay trong nhà chẳng có ai quan tâm.
Về nhân quyền, nhà đối lập Nga Alexei Navalny, sức khỏe phục hồi sau vụ đầu độc, quyết định "tổ chức" chuyến hồi hương, kêu gọi thân hữu đến đón ở phi trường vào ngày 17/01/2021. Le Monde gọi đây là một hành động thách thức phải làm trong bài xã luận "Một thách thức cho Putin, một bài học cho Châu Âu".
Alexei Navalny chọn con đường trở về sau 5 tháng điều trị tại Đức Theo nhật báo độc lập, khắc tinh của tổng thống Putin nhất định không để bị cắt cánh, sống xa phong trào tranh đấu trong nước như một số nhân vật khác như nhà tỷ phú Mikhail Khodokovski, cũng đang lưu vong tại Đức sau khi lãnh án 10 năm tù vì muốn mở rộng hệ thống chính trị của Nga. Mikhail Khodokovski khen ngợi quyết định của Alexei Navalny với cảnh báo "rủi ro".
Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày 17/01/2021 khi chuyến bay DP 936 đáp xuống phi trường quốc tế Moskva ?
Nhưng với bất cứ rủi ro nào, Alexei Navalny là một thách thức thật sự đối với chính quyền Nga trong bối cảnh 2021 là năm bầu cử Quốc hội. Nhà tranh đấu chứng tỏ ông không sợ hãi và tiếp tục vai trò chống tham ô và tố giác những sai trái của chế độ Vladimir Putin với Hiến Pháp tu chính, nắm quyền đến năm 2036.
Công kích Nga nhưng không quên trách nhiệm của Châu Âu. Le Monde nhắc đến thách thức của Châu Âu và của Hoa Kỳ dưới thời Joe Biden. Châu Âu cưu mang nhà đối lập nhưng ngoài các biện pháp trừng phạt Moskva, tỏ ra bất lực đối với cả Nga lẫn Belarus, nơi mà đối lập anh dũng tiếp tục bị đàn áp. Nếu không có cách chế tài thì tối thiểu Châu Âu phải ngưng dung thứ Putin và thêm vào đó là phải giúp xã hội công dân được thông tin, mở rộng hoạt động một cách mạnh mẽ, càng nhiều sinh lực càng tốt.
Cũng đồng điệu với Le Monde, nhưng liên quan đến quan hệ Châu Âu-Trung Quốc, báo thiên tả Libération dành trang Ý kiến cho đại biểu nghị viên Châu Âu Bernard Guetta. Trong bài "Lẽ ra không nên có thỏa thuận thương mại Châu Âu-Trung Quốc". Bernard Guetta đặt câu hỏi "Làm sao có thể thỏa thuận với một chế độ không tôn trọng các quyền cơ bản mà không đánh mất giá trị của chính mình ?".
Sau khi dứt khoát cho biết sẽ bỏ phiếu chống, tác giả phân tích các sai lầm chính trị và thua thiệt về quyền lợi khi "chơi" với Bắc Kinh, tác giả nhận định : Thay vì đoàn kết với Hoa Kỳ đối phó với Trung Quốc, chế độ độc tài hùng mạnh và đông dân nhất địa cầu, thì Liên Hiệp Châu Âu lại bắt tay với Trung Quốc.
Đó là lý do quan trọng nhất mà Nghị Viện Châu Âu và Quốc hội của từng 27 thành viên sẽ biểu quyết chống thỏa thuận, nghị sĩ của khối "Châu Âu mới" xác quyết.
Châu Âu xem vậy mà có thế lắm đó ! Trang quốc tế của Le Figaro cho biết tổng thống Erdogan xuống giọng với Bruxelles bởi vì điểm tín nhiệm trong nước xuống thấp. Với nền kinh tế thảm hại, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố với đại sứ 27 thành viên Châu Âu trong cuộc họp hôm thứ Ba là ông muốn "tái lập tình trạng bình thường" trong quan hệ với Châu Âu.
Trở lại thời sự quốc tế, sự kiện tổng thống Mỹ bị luận tội vào giờ thứ 25 chiếm nhiều trang báo với các câu hỏi : Đảng Dân chủ thật sự muốn gì ? Đảng Cộng hòa mưu tính gì ? Và liệu có thể vô hiệu hóa được Donald Trump hay ngược lại ?
Theo Le Monde, phe đa số Dân chủ hy vọng đồng nhiệm Cộng hòa góp sức "đập tan ảnh hưởng của Donald Trump".
Còn La Croix, với tựa "Donald Trump đi vào lịch sử với tai tiếng hai lần bị đe dọa phế truất". Tuy nhiên, theo nhật báo công giáo, các kết quả thăm dò ý kiến và tranh luận tại lưỡng viện cho thấy tổng thống Donald Trump vẫn còn được ủng hộ vững chắc trong nội bộ đảng Cộng hòa và cử tri.
Les Echos tìm hiểu vì sao xu hướng cực hữu ngày càng nguy hiểm tại Mỹ. Chủ nghĩa dân túy mang tên Trump sẽ tồn tại và phong trào cực đoan không biến mất một sớm một chiều.
Cam kết hàn gắn mối chia rẽ trong xã hội Mỹ, tổng thống tân cử Joe Biden đứng trước một thách thức lớn lao.
Le Monde giới thiệu chân dung một nhà thơ trẻ Mỹ gốc Việt Ocean Vương, 31 tuổi trên trang văn học. Công thức "không có bom đạn = không có gia đình = không có tôi" nói lên tâm trạng và cội nguồn phức tạp của một nhà thơ trẻ Mỹ gốc Việt tự cho là sản phẩm của chiến tranh, tuy sinh năm 1988.
Tâm tình này bàng bạc trong tập thơ On Earth We’re Briefly Georgus, vừa được dịch sang tiếng Pháp, Un bref instant de splendeur (Một thoáng huy hoàng). Nhà xuất bản Gallimard phát hành.
Tú Anh
Covid-19 tác động đến các tranh chấp ở Biển Đông theo hai cách. Thứ nhất, không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc thông qua Nhóm công tác chung để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (JWG-DOC). Do JWG-DOC đã thúc đẩy các cuộc đàm phán về Biển Đông, các cuộc đàm phán vốn đã phức tạp hơn và không có tiến triển nào về Bộ Quy tắc ứng xử (COC), nhằm quản lý quan hệ liên quốc gia và tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển tranh chấp.
Thứ hai, thủy thủ đoàn của tàu USS Theodore Roosevelt nhiễmi Covid-19 sau khi đến Việt Nam vào đầu tháng 3. Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đã ngưng hoạt động trong hai tháng. Trong khi hệ thống tuyên truyền Trung Quốc nói đến các vấn đề này liên tục, Hoa Kỳ phản đối bằng cách buộc tội Trung Quốc lợi dụng đại dịch corona để bắt nạt và đe dọa các quốc gia yêu sách.
Việc phát triển lớn liên quan đến luật pháp quốc tế là Trung Quốc đã thành lập hai khu hành chính mới ở Biển Đông vào ngày 18 tháng 4 – một trên Quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield, một trên quần đảo Trường Sa. Cả hai quận đều thuộc thẩm quyền của thành phố Sansha trên đảo Phú Lâm. Việc thành lập các khu hành chính này đã thúc đẩy sự phản đối của Việt Nam và Philippines.
Nhưng về luật pháp không có tiến triển nào quan trọng hơn công hàmđược đệ trình lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về Giới hạn thềm lục địa (CLCS) hoặc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để đáp lại việc Malaysia đệ trình sơ bộ về một thềm lục địa mở rộng vào ngày 12 tháng 12 năm 2019. Công Hàm của Malaysia đã bác bỏ cơ sở pháp lý của các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách yêu cầu Ủy ban Liên Hợp Quốc về Giới hạn thềm lục địa thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Malaysia.
Năm 2019 đệ trình của Malaysia đã kích hoạt các phản ứng của Philippines (hai công hàm vào ngày 6 tháng 3), Việt Nam (30 tháng 3 và hai công hàm vào ngày 10 tháng 4), Indonesia (26 tháng 5), Hoa Kỳ (1 tháng 6), Úc (23 tháng 7), Malaysia (29 tháng 7) và một công hàm đồng ký tên của Pháp, Đức và Vương quốc Anh (16 tháng 9). Trung Quốc đã đệ trình từng phản ứng một đối với các công hàm trên.
Ba chủ đề nổi lên từ các cuộc trao đổi ngoại giao này – một sự bác bỏ hoàn toàn các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, ủng hộ các yêu sách đối với các khu vực hàng hải chỉ dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và ủng hộ Phán quyết của Tòa trọng tài đối với các tuyên bố của Philippines phản đối Trung Quốc. Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 22/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ‘Phán quyết[của tòa trọng tài] hiện là một phần của luật pháp quốc tế, ngoài sự thỏa hiệp’.
An ninh hàng hải ở Biển Đông bị ảnh hưởng bởi các tàu thực thi pháp luật hàng hải và một loạt các cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia để quấy rối một tàu khoan dầu hoạt động theo hợp đồng với Petronas, công ty dầu khí nhà nước Malaysia, từ cuối tháng 1 đến tháng 2/2020.
Năm 2020 cũng được đánh dấu bởi hai sự cố của tàu chiến Trung Quốc, sự hiện diện hải quân liên tục của Washington và các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS), một sự thay đổi trong sự hiện diện của máy bay ném bom Mỹ có trụ sở tại Guam, cũng như các cuộc tập trận hải quân chưa từng có của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chính quyền Trump đã nâng số lượng FONOPS hàng năm do hải quân Hoa Kỳ tiến hành, đáng chú ý nhất là tiến hành hai FONOPS liên tục vào cuối tháng 4.
Trong tháng 4 và tháng 5, Trung Quốc tìm cách tận dụng sự bất lực đối với covid-19 của tàu USS Theodore Roosevelt bằng cách phái Đội đặc nhiệm tàu sân bay Liêu Ninh đến phía bắc Biển Đông để tiến hành các hoạt động bay và một loạt các cuộc tập trận. Washington đã đáp trả vài tháng sau đó bằng cách khẳng định mạnh mẽ nhất về sức mạnh hải quân ở Biển Đông kể từ năm 2014 bằng cách điều động ba nhóm tấn công tàu sân bay.
Trung Quốc đã đáp trả sự hiện diện của các tàu sân bay Mỹ bằng cách điều động bốn máy bay chiến đấu và bốn máy bay ném bom đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa vào đầu tháng 7. Bắc Kinh sau đó tiến hành một loạt các cuộc tập trận hải quân trùng với cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ngoài khơi Hawaii từ ngày 17 đến ngày 31 tháng 8.
Trong cuộc phô trương quyền lực đáng chú ý, Trung Quốc đã bắn hai tên lửa đạn đạo từ các địa điểm riêng biệt trên đất liền vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và Hoàng Sa. Trong tháng 9, Trung Quốc tiến hành bốn cuộc tập trận hải quân đồng thời ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Hoàng Hải và Vịnh Ba Tư. Vào tháng 11, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành hai cuộc tập trận riêng biệt ở Biển Đông. Lần đầu bao gồm bốn tàu đổ bộ đổ bộ, trong khi lần thứ hai bao gồm một chi hạm đội tàu tên lửa tàng hình. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Dân quân Biển Trung Quốc tiếp tục các cuộc tuần tra ‘như thường lệ’ và quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí do các quốc gia duyên hải tiến hành trong đường chín đoạn của Trung Quốc.
Nhìn về phía trước, căng thẳng ở Biển Đông khó có thể lắng xuống khi Trung Quốc và Mỹ tiếp tục chu kỳ hành động-phản ứng với các cuộc tập trận quân sự. Trung Quốc sẽ quấy rối bất kỳ việc tái thăm dò dầu mỏ nào của các quốc gia yêu sách trong vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc sẽ tăng áp lực lên các thành viên ASEAN để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử vào năm 2021. Chính quyền Biden sẽ tái tham gia với ASEAN và cung cấp đối trọng với Trung Quốc.
Carlyle A Thayer là Giáo sư danh dự tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales, Canberra.