Trung Quốc có thể xem xét lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài (VOA, 11/10/2017)
Trung Quốc và Djibouti, một quốc gia nhỏ bé ở Châu Phi, hồi tháng 7 đã đạt thỏa thuận cho phép Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Căn cứ quân sự trên bờ biển phía đông của Châu Phi sẽ giúp Trung Quốc vận chuyển hàng cứu trợ và nhân viên gìn giữ hòa bình đến các vùng khác của Châu Phi, theo trang mạng tin tức của China Daily.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, ngày 1/8/2017.
Căn cứ này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận quân sự chung và duy trì "sự an toàn của các tuyến đường thủy quốc tế có tính chiến lược".
Đây chỉ là một căn cứ và theo dự kiến Bắc Kinh sẽ không theo chân Hoa Kỳ để mở căn cứ quân sự tại 16 quốc gia trên khắp Châu Á, Châu Âu và các khu vực khác.
Nhưng chúng ta nên chờ đợi sẽ có thêm một số căn cứ quân sự Trung Quốc khác trên thế giới. Bắc Kinh có khả năng mở thêm các căn cứ quân sự bên bờ biển phía Đông Châu Phi, cũng như dọc theo Ấn Độ Dương và Biển Ả rập. Các căn cứ này có thể có nhiều chức năng hơn so với những gì tờ China Daily nói, đặc biệt là bảo vệ công dân Trung Quốc ở hải ngoại và đảm bảo các tuyến đường thủy tại khu vực Tây Á vẫn thông thoáng để tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho các mặt hàng quan trọng, như dầu thô.
Trung Quốc vẫn chưa loan báo việc thành lập thêm căn cứ quân sự nào khác ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson tại thủ đô Washington, nói tại thời điểm này Bắc Kinh có thể đang cân nhắc một sự hiện diện quân sự tại các cảng hiện đang do Trung Quốc quản lý dọc theo Ấn Độ Dương.
Còn Sri Lanka thì sao ? Hãng tin Al Jazeera và các cơ quan truyền thông khác cho biết vào tháng 7, cơ quan quản lý cảng biển của Sri Lanka đã đồng ý bán 70% cổ phần thuộc cơ sở cảng ở quận Hambantota cho Công ty China Merchants Ports Holdings. Hoặc như Myanmar : các hãng tin cho biết một tập đoàn Trung Quốc đang đấu thầu mua 85% thị phần cảng biển Ấn Độ Dương của Myanmar với đường ống dẫn dầu nối với Hoa lục.
tháng 4, chính phủ Pakistan cho biết các cơ sở tại Cảng Gwadar đã được công ty Trung Quốc China Overseas Port Holding Co. thuê trong thời hạn 40 năm. Trung Quốc có quan hệ thân thiện với Pakistan giữa lúc cả hai nước đều quan tâm về mối quan hệ với Ấn Độ. Vào tháng 3 năm nay, một phái đoàn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham gia các sự kiện Ngày Quốc khánh hàng năm của Pakistan.
Bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo cho Quốc hội : "Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự phụ trội ở các nước có quan hệ thân thiện lâu dài và lợi ích chiến lược tương tự như Pakistan, và trong đó có tiền lệ để đóng quân ở nước ngoài".
Ông Sun nói các cảng ở Myanmar, Pakistan và Sri Lanka, dọc theo Ấn Độ Dương hoặc Biển Ả Rập, sẽ bắt đầu như những hoạt động thương mại với "các tiện ích hải quân tiềm năng".
Ít nhất là cho đến bây giờ, Trung Quốc chỉ điều quân ra nước ngoài trong tư cách là một phần của Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Trung Quốc đưa lực lượng này ra nước ngoài vì những mục đích riêng, như chống cướp biển và học hỏi từ các nước khác.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Hoa Kỳ nói : "Như các nước khác, quyết định của Trung Quốc đưa quân đội ra nước ngoài là để bảo vệ các lợi ích quốc gia, thu thập thêm kinh nghiệm để hoạt động, và bảo đảm uy tín cũng như nâng cao vị thế của mình".
***************
Philippines "đảo trục" hướng về Mỹ ? (RFI, 10/2017)
Trong bối cảnh Hội Nghị Bộ Trưởng quốc phòng ASEAN và các đối tác, trong đó có Mỹ – gọi tắt là ADMM+ - sắp tiến hành cuộc họp thường kỳ vào ngày 24/10/2017 tại Philippines, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines vừa loan báo quyết định "nâng cấp" trở lại các cuộc tập trận chung với Mỹ cho năm 2018, vốn đã bị Manila cắt giảm sau khi tổng thống Duterte lên cầm quyền vào năm ngoái.
Philippines - Ảnh minh họa : Đại sứ Mỹ Sung Kim (T) và bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana họp báo tại căn cứ Aguinaldo, Quezon City, ngày 26/09/2017. Reuters/Dondi Tawatao
Câu hỏi nhiều nhà quan sát đặt ra là phải chăng sau khi tuyên bố "bỏ" Mỹ để xoay trục qua Trung Quốc, tổng thống Philippines đã lại đổi ý và quyết định đảo trục trở lại, nhất là khi vào tháng 11 sắp tới, ông sẽ gặp đồng nhiệm Mỹ Donald Trump khi tổng thống Hoa Kỳ đến Manila dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á.
Một cách cụ thể, các cuộc thao diễn quân sự Mỹ-Philippines trong năm 2018 sẽ có quy mô như thế nào ? Trong bài viết trên trang mạng chuyên san Nhật Bản The Diplomat, ngày 07/10 vừa qua, Prashanth Parameswaran, nhà báo am tường tình hình khu vực, đã chú ý phân tích yếu tố này để tìm hiểu thêm về triển vọng hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines cho năm tới đây.
Chủ trương "chia tay với Mỹ" chỉ có tiếng mà không có miếng
Nhận xét đầu tiên của tác giả bài viết là các tuyên bố hung hăng của tổng thống Philippines về chủ trương "chia tay với Mỹ" chỉ có tiếng mà không có miếng, và điều đó cũng áp dụng trên bình diện quốc phòng. Ban đầu quan hệ hai bên có giảm thiểu nhưng không hề bị cắt đứt. Các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp là một ví dụ điển hình.
Vào tháng 11 năm ngoái, tư lệnh quân đội Philippines lúc đó là tướng Ricardo Visaya đã cho biết là sau những cuộc thảo luận giữa giới chức quân sự và chính quyền của tổng thống Duterte về những ưu tiên của Philippines, Manila đã đề nghị giảm số lượng các cuộc giao lưu và tập trận chung với Mỹ từ 263 xuống còn 258.
Và sau cuộc họp của cơ chế hỗn hợp Mỹ-Philippines đặc trách hợp tác quốc phòng song phương Mutual Defense Board-Security Engagement Board (MDB-SEB) vào tháng 11, do tướng Visaya và đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương đồng chủ tọa, thì đã có một số hoạt động bị hủy bỏ hay giảm quy mô, rõ nét nhất là cuộc tập trận đổ bộ PHILBEX, và cuộc tập trận hải quân CARAT, cả hai đều được tổ chức hàng năm.
Tuy nhiên, ngay vào lúc đó, giới chức quốc phòng Mỹ và Philippines đều cho biết mặt dù có giảm thiểu về quy mô và số lượng, nhưng những cuộc tập trận này vẫn được điều chỉnh để phù hợp với thực tế chính trị đã thay đổi. Vào lúc đó, ông Duterte vừa mới lên cầm quyền, trong lúc một chính quyền mới cũng đang được chuẩn bị ở Mỹ, thành ra các kế hoạch đều có thể thay đổi với thời gian.
Tiến trình đang đảo ngược ?
Thế rồi trong năm 2017, một số dấu hiệu cho thấy là tiến trình được cho là giảm thiểu quan hệ quốc phòng, không chỉ chậm lại mà lại còn đảo ngược khi sắp qua năm 2018.
Theo tác giả bài phân tích, một số lý do nằm trong quan hệ rộng lớn hơn giữa Mỹ và Philippines, gắn liền với một chính quyền mới ở Washington và một tân đại sứ Mỹ tại Manila, ông Sung Kim, đã giúp tháo gỡ được những vướng mắc mà chính quyền Duterte quy kết cho chính quyền Obama.
Một số khác liên quan đến quan hệ quốc phòng và đặc biệt là trong tình hình quân đội Philippines phải đương đầu với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở thành phố Marawi phía nam, và giới lãnh đạo Philippines, kể cả ông Duterte, đã chính thức công nhận sự giúp đỡ cần thiết của Mỹ nhất là khi quân đội Philippines chỉ có khả năng giới hạn.
Nhìn lại thì số phận các vụ tập trận không còn lu mờ như người ta tưởng trong năm qua. Một số cuộc thao diễn bị ngưng đã không ngăn được hợp tác đi sâu hơn. Ví dụ như cuộc tập trận CARAT đã bị hủy bỏ, nhưng lại được tiếp nối với hoạt động luyện tập trên biển gọi là ‘Sama – Sama’bao gồm cuộc tuần tra phối hợp ở biển Sulu, điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh hợp tác đang thực hiện.
Người ta thường nêu lên khía cạnh ‘mất mát’ liên quan đến các cuộc thao diễn, nhưng bên cạnh đó phải thấy khía cạnh ‘gia tăng’, chẳng hạn như trường hợp cuộc tập trận chống khủng bố Tempest Wind, được thông qua vào năm ngoái và mang tính chất rất phức tạp, không chỉ thao diễn đơn thuần với nhiều cơ quan khác nhau, mà còn huy động thêm các phương tiện quân sự, được thực hiện ở mức độ quốc gia, có thêm nội dung… Cuộc tập trận đầu tiên theo mô hình đó vừa được tổ chức vào tháng 9 vừa qua.
Trong bối cảnh nói trên thì năm 2018 có gì mới ? Riêng về số lượng thì theo tướng Philippines Eduardo Ano, xu hướng chung là tăng trở lại : từ 263 vào năm 2016, số lượng các hoạt động đã giảm xuống thành 258 vào năm 2017, và sẽ tăng lên trở lại thành 261 trong năm tới, phản ánh đà đảo ngược so với tình trạng đi xuống đã được thấy.
Tuy nhiên tác giả bài phân tích cũng thận trọng, cho rằng cần phải cảnh giác trước những khẳng định là liên minh Mỹ-Philippines đang vươn lên trở lại từ đống tro tàn, tương tự như những kết luận trước đây là liên minh đó đã rơi xuống vực thẳm. Phải mất ít ra một năm mới có thể thấy rõ được những hệ quả về số lượng cũng như chất lượng của các hoạt động hợp tác.
Hơn nữa hai tổng thống Donald Trump và Rodrigo Duterte vẫn đang trong tiến trình xây dựng quan hệ, và với tính khí nổi tiếng là bất thường, khó lường của cả hai, thì rất khó mà đoán định được là liên minh Mỹ-Philippines sẽ ra sao. Dấu hiệu quan trọng nhất sẽ là cuộc gặp gỡ được chờ đợi nhân chuyến ghé Manila của ông Donald Trump vào tháng tới đây.
Tổng thống Philippines ‘xoay trục’, thân thiện với Mỹ ?
Cũng về xu hướng thân thiện trở lại của Philippines đối với Mỹ, một bài viết cũng vào thượng tuần tháng 10 trên trang mạng The Maritime Executive đã tự hỏi là "Phải chăng Philippines đang xoay trục ngược về phía Mỹ ?"
Tác giả bài viết đã nêu bật sự kiện tổng thống Philippines Duterte mới đây đã hàm ý cho rằng ông có thể hòa giải với Mỹ, trong bối cảnh có thêm nhiều thông tin về việc tàu Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều gần đảo Thị Tứ mà Philippines kiểm soát tại Trường Sa.
Ông Duterte đã làm mọi người ngạc nhiên khi cho rằng ông muốn thân thiện với Mỹ, một quan điểm hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ trước đây. Ông đã nhiều lần kêu gọi lực lượng đặc biệt Mỹ ở Philipppines cuốn gói về nước, khẳng định ông không muốn tập trận chung trên biển cũng như trên đất liền và còn mô tả Mỹ như một nước ‘tồi tệ’.
Nhưng ông Duterte đang đổi giọng, hai tháng sau khi trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) của Mỹ xác định đã có 11 tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển của đảo Thị Tứ, nơi có cả trăm người Philippines cư ngụ. Tin này đã làm cho nhiều nước ASEAN lo ngại rằng Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines đã không công khai lên tiếng phản đối việc tiếp nối các cuộc tập trận quân sự, cho phép 900 lính Mỹ diễn tập chung với quân đội Philippines ở miền Bắc Philippines.
Mặc dù không nêu rõ là cuộc tập trận chung nhằm vào Trung Quốc, nhưng đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila cho biết là sự kiện đó tăng cường năng lực sẵn sàng đối phó của Mỹ và Philippines, tăng cường khả năng phản ứng song phương trước các cuộc khủng hoảng trong khu vực để củng cố liên minh đã kéo dài hàng thập kỷ.
Cuộc tập trận quân sự hỗn hợp Mỹ-Philipines mở ra vào lúc có thông tin về việc tàu Trung Quốc đang sách nhiễu tàu Philippine ở gần đảo Thị Tứ. Lời báo động do dân biểu Philippines Gary Alejano tung ra, tố cáo việc tàu Trung Quốc có mặt tại đấy đã hú còi cảnh cáo mỗi khi tàu Philippines tiến vào vùng biển của Philippines ở Biển Đông.
Trong một động thái cũng mang ý nghĩa hòa giải, ở Washington, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano xác nhận với thượng nghị sĩ Mỹ Cory Scott Gardner rằng Manila muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ...
Trước đó, Trung Quốc đã cam kết viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ đô la vào Philippines. Các chuyên gia coi đây là cách Bắc Kinh dùng để ông Duterte dịu giọng trên vấn đề tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales ở Úc, Philippines và các nước ASEAN không thể dựa nhiều vào viện trợ của Trung Quốc, vì phần lớn các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào Mỹ về thương mại và quốc phòng. Đối với giáo sư Thayer, tình hình như thể là "việc dựa vào Trung Quốc đã bộc lộ những giới hạn".
Mai Vân
******************
Đài Loan quyết tâm bảo vệ nền tự do và hệ thống dân chủ (RFA, 10/10/2017)
Chính quyền Đài Loan sẽ bảo vệ nền tự do và hệ thống dân chủ của đảo quốc khi mà căng thẳng với Trung Hoa Đại lục mỗi lúc một gia tăng.
Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen (trái) và Phó tổng thống Chen Chien-jen trong buổi lễ Quốc khánh tại Đài Bắc vào ngày 10 tháng 10 năm 2017. AFP
Đó là tuyên bố của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhân ngày độc lập của đảo quốc này 10 tháng 10 hằng năm.
Trong bài phát biểu mừng quốc khánh, nữ tổng thống Thái Anh Văn lặp lại quan điểm Đài Loan sẽ tiếp tục bày tỏ thiện chí đối với Hoa Lục, nhưng không chịu áp lực của Bắc Kinh ; dẫu thế Đài Bắc không đi theo con đường thù địch.
Bà Thái Anh Văn trong bài diễn văn mừng ngày độc lập của Đài Loan còn nêu ra tầm quan trọng của tình trạng sẵn sàng về mặt quân sự, cùng với những biện pháp gia tăng tính hiệu quả của chính phủ, và thúc đẩy nền kinh tế công nghệ cao của đảo quốc Đài Loan.
Chính quyền Trung Quốc cắt đứt quan hệ với chính phủ Đài Loan chẳng bao lâu sau khi bà Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống đảo quốc Đài Loan.
Bắc Kinh luôn đe dọa sẽ dùng vũ lực trong trường hợp cần thu hồi Đài Loan ; ngoài ra trong suốt một năm rưỡi qua chính quyền Bắc Kinh còn gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Đài Bắc.
Bắc Kinh hôm 22/09/2017, chỉ trích kịch liệt việc cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s (S&P) đánh sụt hạng về nợ công, tố cáo đây là một "quyết định sai lầm", vì Trung Quốc đã có nỗ lực giám sát lãnh vực tài chính. Tuy nhiên, hôm nay S&P lại tiếp tục hạ điểm cả Hồng Kông, cảnh báo nguy cơ món nợ khổng lồ của Hoa lục đang đè nặng lên đặc khu kinh tế này.
Tiền yuan Trung Quốc - Reuters/Thomas White
Hôm thứ Tư 20/9, S&P đã đánh sụt hạng từ A+ xuống AA- về viễn cảnh nợ nần của Trung Quốc, nhận định rằng "một thời kỳ bùng nổ tín dụng kéo dài đã làm tăng rủi ro về tài chính và kinh tế". Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bị hạ điểm tín nhiệm kể từ năm 1999.
Thông cáo của bộ Tài Chính Trung Quốc hôm nay tố cáo S&P "không tính đến những đặc tính của thị trường tài chính Trung Quốc", và "tiềm năng phát triển" của nền kinh tế thứ nhì thế giới, nhấn mạnh đến "tỉ lệ tiết kiệm cao" của các hộ gia đình.
S&P còn cảnh báo về mức độ nợ nần của chính quyền các địa phương và các công ty quốc doanh, trong đó có nhiều tập đoàn kỹ nghệ bị tình trạng sản xuất dư thừa, chỉ sống nhờ vào tín dụng. Tuy nhiên thông cáo cho biết luật pháp Trung Quốc không coi nợ của các công ty quốc doanh là nợ công, và chính quyền địa phương không chịu trách nhiệm về số nợ này.
Bộ Tài Chính nhấn mạnh, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát lãnh vực tài chính, nhất là "tín dụng đen". Thật ra S&P cũng đã ghi nhận nỗ lực này, nhưng thấy rằng nhịp độ bùng nổ tín dụng ở Trung Quốc "vẫn ở mức độ làm trầm trọng thêm rủi ro tài chính" trong những năm tới.
Bên cạnh đó, hôm nay S&P còn đánh sụt hạng Hồng Kông từ AAA xuống còn AA+, do "các liên hệ về định chế và chính trị mạnh mẽ" với Hoa lục. Thông cáo của S&P cho biết việc hạ điểm tín nhiệm Trung Quốc "có tác động đến mức tín nhiệm của Hồng Kông".
Trước đó, cơ quan thẩm định tài chính Moody’s cũng đã đánh sụt hạng Hồng Kông từ Aa1 xuống Aa2, sau khi hạ bậc Trung Quốc từ Aa3 còn A1, lần đầu tiên từ 28 năm qua.
Thụy My
Trung Quốc và tham vọng bá chủ chính trị thế giới
Một Trung Quốc tham vọng trở thành siêu cường thế giới của Trung Quốc không phải là điều gì mới mẻ đối với dư luận báo chí quốc tế. Tuy nhiên, nhật báo Le Monde số ra hôm nay đề cập đến tham vọng bành trướng chính trị của Bắc Kinh trên thế giới với bài viết mang tựa đề "Trung Quốc, người khổng lồ chính trị phàm ăn".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) phát biểu tại Đại Hội Đồng LHQ, New York, 21/09/2017.Reuters
Mở đầu bài viết tác giả dẫn một chuyện đã được tạp chí The Economist nhắc đến trong số ra tuần này. Đó là hồi cuối tháng 8 đầu tháng 9, các cán bộ viên chức Trung Quốc được yêu cầu phải xem một chương trình của truyền hình Nhà nước mang tiêu đề : "Trung Quốc và chính sách ngoại giao đại cường". Theo Le Monde, đó chính là một mệnh lệnh của đảng để người dân nước này làm quen với thực tế mới : "Đất nước họ đang trở thành người khổng lồ của chính trị thế giới".
Để làm được như vậy Trung Quốc phải tỏ cho thấy có sức nặng trong mọi lĩnh vực và ở khắp mọi nơi. Bắc Kinh tự nghĩ rằng việc họ là tác nhân chiến lược toàn cầu sẽ giúp họ tạo dựng một thế giới thuận lợi cho việc bảo vệ lợi ích của họ. "Đã qua rồi cái thời kỳ chỉ chú tâm vào phục hưng kinh tế nên phải nhún nhường trong đối ngoại, giờ đây, Trung Quốc muốn trở lại như một siêu cường toàn cầu", bài viết nhận định.
Theo Le Monde, chỉ còn 1 tháng nữa đến Đại hội 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây sẽ là dịp để ông Tập Cận Bình thâu tóm toàn bộ quyền lực lãnh đạo. Điều ông ta muốn là đất nước Trung Quốc tìm lại vị thế thống trị ở bên ngoài khơi xa. Tác giả bài viết liệt kêm một loạt việc làm của Trung Quốc để phục vụ cho tham vọng này : "Ngân sách quân sự ưu tiên hải quân. Bồi đắp, quân sự hóa các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông, Bắc Kinh dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền đối với các láng giềng ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc dùng áp lực kinh tế đối với Malaysia, Philippines, Việt Nam và nhiều nước khác nữa để cuối cùng khiến họ từ bỏ chủ quyền trên biển của mình" và Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành bá chủ khu vực Đông Nam Á.
Chiến lược bành trướng kinh tế và ngoại giao siêu cường
Trong kinh tế, Trung Quốc đặt mục tiêu từ nay đến 2025 cũng sẽ trở thành "thủ lĩnh toàn cầu" trong các công nghệ tương lai, bán dẫn, trí thông minh nhân tạo… Để đạt được mục tiêu này, họ đã và đang làm gì ?
Theo bài viết, đó là một chính sách đầu tư tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm ở Châu Âu. Sau một thời gian mở rộng đón tiếp các nhà đầu tư có túi tiền vô biên, Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu lo ngại, nay đang tính chuyện kiểm soát chặt hơn các đầu tư Trung Quốc trên lãnh thổ của mình.
Về đối ngoại, Le Monde nhận thấy, Bắc Kinh theo đuổi đường lối ngoại giao siêu cường mang đặc thù Trung Hoa. Trước hết, từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đến với vùng "ngoại ô nghèo của hành tinh" như Châu Phi chẳng hạn. Đổi lại những tài nguyên vơ vét, Trung Quốc đổ tiền đầu tư hạ tầng cơ sở ở lục địa đen, nhưng cũng để cắm rễ sâu sự hiện diện.
Tiếp đó đến chiến lược "Con Đường Tơ Lụa" cả trên biển cũng như trên đất liền cùng hàng nghìn tỷ đô la đầu tư từ Trung Á đến Ấn Độ Dương qua tới tận Địa Trung Hải. Tất cả cũng chỉ nhằm phục vụ cho sự bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bài viết đặt câu hỏi : Liệu chiến lược này của Trung Quốc có thực sự tôn trọng tuyệt đối chủ quyền của các nước liên quan hay không ?
Le Monde ghi nhận, nhiều nước, như Cam Bốt bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đã đi theo lập trường của Bắc Kinh. Tương tự như Iran, đất nước được gọi là trục chính trong "Con Đường Tơ Lụa" cũng ngả theo Trung Quốc. Hy Lạp, được Trung Quốc đổ tiền đầu tư cho các hải cảng trong lúc khốn quẫn, trước Liên Hiệp Quốc đã ngăn cản EU lên án Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương hay Tây Tạng. Rồi đến dự án "con đường mới" nhằm vào các quốc gia nhỏ trên dãy Himalaya cũng đang làm Ấn Độ lo ngại. Trong khi Hoa Kỳ ve vãn Ấn Độ và bỏ rơi đồng minh Pakistan. Washington tố cáo Islamabad thông đồng với Taliban gây rối ở Afghanistan. Trong hoàn cảnh như vậy Islamabad nhận ngay được sự ủng hộ của Bắc Kinh. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư số 1 ở Pakistan…
Đường lối đối ngoại như vậy của Trung Quốc đang làm các quan hệ quốc tế trở nên rối tung và bài viết kết luận : "Siêu cường Trung Quốc đang làm đảo lộn thế giới. Đây mới chỉ là bước khởi đầu ".
Mập mờ với Bắc Triều Tiên
Tiếp tục với Le Monde, vẫn liên quan đến đường lối đối ngoại của Trung Quốc nhưng cụ thể trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tờ báo có bài phân tích thái độ "Mập mờ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng" trong việc thực thi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa.
Bắc Kinh vẫn bị nghi ngờ không áp dụng đầy đủ nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua hôm 11/09. Theo bài báo, cũng giống như Nga, Trung Quốc cho rằng trừng phạt càng nặng thì Bắc Triều Tiên càng kháng cự quyết liệt. "Bắc Kinh vẫn giằng xé giữa chuyện không khoan nhượng chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng đồng thời vẫn lo chế độ này sụp đổ".
Le Monde nhận thấy, lập trường hai mặt của Trung Quốc phần nào có thể giải thích bằng nhu cầu kinh tế của hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm, có đường biên giới dài 1400 km với Bắc Triều Tiên. Kinh tế của hai tỉnh này từ nhiều thập kỷ qua đã phụ thuộc nặng vào việc làm ăn buôn bán với Bắc Triều Tiên. Nếu áp dụng triệt để lệnh cấm của trung ương thì kinh tế của hai tỉnh có nguy cơ phá sản. Dân làm ăn ở địa phương này buộc phải quay sang tìm cách luồn lách và như vậy sẽ tạo điều kiện cho kinh tế ngầm phát triển.
Bên cạnh đó các vùng đông bắc Trung Quốc đang chuẩn bị rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với Bắc Triều Tiên. Đó là các tuyến đường sắt cao tốc, đường xe hơi, nối các đô thị lớn Trung Quốc đến sát biên giới từ đó có thể thông thương với Bắc Triều Tiên nhờ các công trình cầu lớn qua sông Áp Lục. Các công trình này sẽ giúp Trung Quốc đi trước đón đầu, trong trường hợp mở cửa với bắc Triều Tiên hay thống nhất bán đảo này thì Trung Quốc vẫn có thể chiếm lĩnh vị trí. Vì thế mà Bắc Kinh vẫn không muốn vô hiệu hóa hoàn toàn mạng lưới trao đổi với người láng giềng phương bắc này.
Bầu cử Đức : Chiến thắng trong tầm tay của Angela Merkel
Liên quan đến Châu Âu, nhiều báo dành trang nhất cho cuộc bầu cử lập pháp của Đức vào ngày Chủ nhật (24/09) mà hầu hết các dự báo đều cho rằng nhiều khả năng thủ tướng Đức Angela Merkel có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4. Với Libération đây là sự kiện đặc biệt. Trang nhất tờ báo đặt câu hỏi : "Cuối cùng thì Angela Merkel thắng ?".
Nhật báo Pháp dành tới 5 trang bài để khai thác các góc độ của cuộc bầu cử, của cá nhân bà thủ tướng Đức. Trong bài viết chạy tựa : Angela Merkel : "Một tầm cỡ không thể hạ bệ", Libération ghi nhận : "Thủ tướng Đức, 63 tuổi, đã khẳng định mình trong chính trị khá muộn và đã thành công gần 12 năm giữ vững quyền lực, bất chấp các cuộc khủng hoảng và chỉ trích".
Tờ báo trở lại sự nghiệp chính trị của người phục nữ, sinh ra và lớn lên ở phần đông nước Đức Cộng Sản, thành công rực rỡ ở nước Đức thống nhất.
Libération cho hay, Angela Merkel bước chân vào con đường chính trị ở tuổi 35, khi vừa tốt nghiệp tiến sĩ vật lý lượng tử. Chỉ sau khi bức tường Berlin bị phá bỏ đưa nước Đức tới thống nhất năm1990, thì Angela Merkel mới chính thức quyết định dấn thân vào sự nghiệp chính trị và sau đó không lâu bà đã thành công.
Bà là người phụ nữ Đông Đức đầu tiên và duy nhất đến lúc này trở thành thủ tướng của nước Đức, cường quốc phương Tây hàng đầu thế giới. Không những thế bà còn chèo lái suốt 3 nhiệm kỳ đưa nước Đức vượt qua nhiều thử thách, khủng hoảng.
Chỉ còn 2 ngày nữa đến cuộc bầu cử, thắng lợi được dự báo đang trong tầm tay của Angela Merkel. Xã luận Libération viết : Sau 12 năm cầm quyền, Angela Merkel chắc sẽ tái thắng cử. Điều đó không có nghĩa là bà là một thủ tướng hoàn hảo, vẫn còn nhiều vấn đề kinh tế, bất bình đẳng giữa phần đông và tây đất nước vẫn còn đó… Nhưng bà đã thành công kéo nạn thất nghiệp xuống tới mức tối thiểu, công nghiệp phát triển vững vàng, thặng dư thương mại lớn, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt...
Libération kết luận là có thể rút ra một "bài học đơn giản : Khi một nữ hay nam lãnh đạo, trong nhiệm kỳ của mình đạt được mục tiêu đề ra, nhân dân sẽ thuận lòng ủng hộ".
Người phụ nữ giàu nhất thế giới qua đời
Cuối cùng của mục điểm báo hôm nay xin dành cho một tin buồn và cũng là một trong những tựa lớn của nhiều tờ báo. Bà Liliane Betancourt, chủ tập đoàn hóa mỹ phẩm hàng đầu thế giới L’Oreal đã qua đời ngày hôm qua ở tuổi 94. Bà là người phụ nữ giàu nhất thế giới hiện nay với khối tài sản định giá khoảng 40 tỷ đô la, theo tạp chí Mỹ Forbes.
Là người kết thừa di sản của cha Eugène Schueller, người sáng lập ra tập đoàn l’Oreal, nhưng ở Pháp, bà tỷ phú Liliane Betancourt được đánh giá là người đã có nhiều đóng góp vào sự thành đạt của thương hiệu l’Oreal và phát triển doanh nghiệp Pháp trên thế giới. Về cuối đời Liliane Bétancourt cũng được dư luận báo chí Pháp chú ý nhiều đến những vụ kiện tụng ồn ào trong gia đình, liên quan đến tài sản và tài trợ cho các đảng phái chính trị một cách mờ ám.
Anh Vũ
Trong thời gian gần đây, thông tin về những thương vụ vũ khí mà Trung Quốc bán cho các nước Đông Nam Á rất nhiều, từ Malaysia với hệ thống pháo phản lực và radar, tàu cận chiến duyên hải, cho đến Thái Lan với 3 chiếc tàu ngầm quy ước, chưa kể đến hàng chục ngàn khẩu súng trường mà Bắc Kinh "biếu không" cho Manila.
Tổng thống Philippines Duterte tại căn cứ Không Quân Clark Air Base, phía sau là đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa. Reuters/Romeo Ranoco
Câu hỏi đặt ra là vì sao các nước Đông Nam Á lại có vẻ mặn mà với vũ khí Trung Quốc như vậy và hệ quả của việc du nhập vũ khí Trung Quốc có thể ra sao, đặc biệt đối với một số nước vốn đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo ? Ngày 30/08/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Châu Á tại Học Viện Quốc Phòng Úc đã phân tích sự kiện này dưới dạng hỏi đáp.
Trong bài "Các thương vụ vũ khí của Trung Quốc tại Đông Nam Á" (China’s Arms Sales to Southeast Asia) giáo sư Thayer trước hết giải thích lý do vì sao vũ khí của Trung Quốc lại thu hút khách hàng
Sức hút của vũ khí Trung Quốc : Giá rẻ
RFI : Vì sao các nước Đông Nam Á lại có vẻ mặn mà với vũ khí Trung Quốc như vậy và hệ quả của việc du nhập vũ khí Trung Quốc có thể ra sao, đặc biệt đối với một số nước vốn đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo ?
Carl Thayer : Vũ khí của Trung Quốc chắc chắn, giá phải chăng trên thị trường ; có thể được chuyển nhượng công nghệ và/hay được cấp tín dụng mà không cần theo thủ tục rườm rà mà Mỹ áp dụng cho việc bán vũ khí.
Trong một số trường hợp như đối với Indonesia sau vấn đề Đông Timor hay Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, thì Hoa Kỳ có thể từ chối không bán những phụ tùng hay thiết bị cần thiết khác. Điều đó đã mở cửa cho Trung Quốc bán vũ khí của họ.
Indonesia cân bằng giữa vũ khí Mỹ và Trung Quốc
RFI : Tại sao những nước như Thái Lan hay Indonesia từng mua vũ khí của Mỹ lại quay sang mua vũ khí Trung Quốc ? Tính toán chiến lược của các nước này như thế nào ? Nhất là trong trường hợp của Indonesia, tại sao Jakarta lại xích lại gần Bắc Kinh mặc dù theo truyền thống họ rất nghi kỵ Trung Quốc ?
Carl Thayer : Nếu điểm lại các thương vụ mua vũ khí của Indonesia và Thái Lan trong 10 năm qua, ta sẽ thấy là việc mua vũ khí Trung Quốc không phải là hiện tượng mới. Trong giai đoạn 2005- 2009 chẳng hạn, Indonesia đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, tên lửa phòng không cá nhân và radar của Trung Quốc. Indonesia có công nghiệp đóng tàu riêng của mình, nhưng cũng tìm mua vũ khí (Trung Quốc) để trang bị cho các chiến hạm, như súng và tên lửa chống hạm.
Hoa Kỳ đã và vẫn đang là nhà cung cấp lớn các vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Indonesia, như các loại máy bay hạng nhẹ, trực thăng Bell-412, hay trực thăng chiến đấu Apache, chiến đấu cơ F-16C. Indonesia cũng mua phụ tùng cho máy bay của họ. Ngoài ra Jakarta còn mua radar Longbow dùng cho trực thăng chiến đấu, hỏa tiễn chống tăng, thiết bị sonar để phát hiện tàu ngầm…
Các thương vụ mua vũ khí của Indonesia không phản ánh việc nước này xích lại gần Trung Quốc và xa rời Mỹ, mà thể hiện xu hướng pha trộn và phối hợp các hệ thống vũ khí mà họ có.
Về Thái Lan, trong năm qua, nước này đã mua tàu tuần dương của Trung Quốc cũng như hỏa tiễn chống tàu. Thái Lan cũng đã bắt đầu mua vũ khí của Trung Quốc từ sau những vụ xung đột ở biên giới với Cam Bốt năm 2008, như giàn phóng tên lửa, radar định vị trọng pháo, tên lửa phòng không. Từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan đã mua thêm nhiều radar định vị trọng pháo, tên lửa địa đối không và chiến xa.
Miến Điện cũng là một khách hàng quan trọng của Trung Quốc, mua từ hộ tống hạm, máy bay huấn luyện, súng trang bị trên tàu chiến, tên lửa chống hạm, radar và trang thiết bị cho lục quân ( giàn phóng tên lửa MRL, các loại thiết giáp và chiến xa…)
RFI : Có khả năng Singapore cũng đi theo con đường mua vũ khí Trung Quốc như các láng giềng hay không ?
Carl Thayer : Không có tài liệu chính thức nào về việc Trung Quốc bán vũ khí cho Singapore trong giai đoạn 2006-2016. Nhìn lại phía Mỹ thì những vụ bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Singapore đã được thật sự mở rộng bao gồm những loại chiến đấu cơ F-15SG, trực thăng Seahawk và tên lửa không đối không. Và việc này tạo ra cả một hệ thống hậu cần kèm theo, từ việc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho đến nâng cấp công nghệ. Với di sản lịch sử như thế thì Singapore khó mà mà quay sang ồ ạt mua vũ khí củaTrung Quốc.
Chưa thể giành được ưu thế của vũ khí Mỹ
RFI : Nhìn xa hơn, Trung Quốc sẽ là một nhà cung cấp vũ khí như thế nào cho khu vực ?
Carl Thayer : Trung Quốc sẽ bước vào một thị trường vũ khí Đông Nam Á đang có cạnh tranh rất mạnh. Trung Quốc đã có thị trường ổn định ở 7 trên 11 quốc gia Đông Nam Á : Indonesia, Miến Điện và Thái Lan, và ở mức độ thấp hơn là Malaysia, Cam Bốt, Lào và Timor Leste. Ngoại trừ trường hợp Malaysia, Trung Quốc có ít triển vọng bán được nhiều tại Cam Bốt, Lào và Timor Leste vì các lý do về ngân sách.
Bắc Kinh sắp có thể tranh thủ thời cơ Duterte thân thiết với Trung Quốc để xâm nhập vào Philippines. Đây sẽ là một thị trường mới nhưng là có hạn chế vì Hiến Pháp Philippines đòi hỏi ngân sách cho giáo dục phải lớn hơn quốc phòng. Bên cạnh đó, mặc dù Philippines có một di sản lớn là thiết bị và vũ khí Mỹ, nhưng Manila cũng đang chú ý đến các nguồn cung cấp mới như Hàn Quốc và Ý.
Trung Quốc sẽ không có khả năng thâm nhập sâu vào Brunei, Singapore hay Việt Nam. Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đồng thời mua vũ khí Mỹ, và Trung Quốc sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt.
Hoa Kỳ hiện bán thiết bị và vũ khí phòng thủ cho 6 quốc gia Đông Nam Á : Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Mỹ vừa bước vào thị trường Việt Nam với việc cung cấp một chiếc tàu lớp Hamilton, với triển vọng bán được thêm nữa. Hoa Kỳ đã gợi đến khả năng chuyển giao công nghệ quốc phòng và đồng sản xuất.
Điểm mấu chốt : Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn cho khu vực Đông Nam Á, nhưng sẽ không chiếm được ưu thế. Các thị trường lớn trong khu vực dường như đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đặt mua vũ khí từ cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Nga cũng đang khẩn trương mở rộng thị trường trong khu vực, tương tự như Hàn Quốc và một số nước Châu Âu.
RFI : Việc vũ khí Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau tại Đông Nam Á sẽ có hệ quả ra sao đối với an ninh khu vực ?
Carl Thayer : Các nước Đông Nam Á sẽ có thêm nhiều hệ thống vũ khí sát thương hiện đại, cho phép họ tung lực lượng đi xa. Sẽ có một sự tập trung ngày càng nhiều vào vấn đề giám sát hải phận và không phận. Còn các nước như Miến Điện và Thái Lan cũng sẽ củng cố lực lượng trên bộ của họ.
Vũ khí mà Trung Quốc và Hoa Kỳ bán cho khu vực sẽ tăng cường khả năng tự vệ của các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, bản thân việc Trung Quốc bán thêm vũ khí sẽ không tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu truyền thống, có nghĩa là các nước đổ dồn nguồn lực của mình để đuổi kịp hay vượt qua một quốc gia bị coi là mối đe dọa.
Việc du nhập các hệ thống vũ khí mới luôn đặt ra câu hỏi về những gì có thể xảy ra khi có khủng hoảng, liệu những hệ thống đó có được quản lý đúng đắn hay là lại bị sử dụng ngay lập tức để gây ra tàn phá ?
Mai Vân
Nguồn : RFI, 15/09/2017
Huấn luyện viên dở, thiếu hăng hái, tiền đầu tư không đúng chỗ… Đối với Trung Quốc, đã bị loại khỏi cuộc chạy đua World Cup 2018, con đường còn rất dài để có thể thực hiện được giấc mơ tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới.
Cổ động viên Trung Quốc trong trận đấu vòng loại World Cup 2018 với Uzbekistan trên sân Vũ Hán, ngày 31/08/2017. Reuters/Stringer
Đội tuyển quốc gia do huấn luyện viên Ý Marcello Lippi lãnh đạo từ cuối năm 2016, đã đánh bại Qatar 2-1 trong trận đấu cuối cùng vòng loại Châu Á, nhưng kết quả này không đủ để giành được chiếc vé đi tiếp.
Trên mạng xã hội, nhiều cổ động viên viết : "Lẽ ra ông Lippi phải đến sớm hơn". Từ khi ông nhận nhiệm vụ, đội tuyển Trung Quốc đã thắng được 3 trận, hòa 2 và thua 1 - ba trận thua và một trận hòa khác là dưới thời người tiền nhiệm Cao Hồng Ba (Gao Hongbo). Những tiến bộ khác trong những tháng gần đây rốt cuộc vẫn chưa đủ.
Ông Mads Davidsen, giám đốc kỹ thuật Shanghai SIPG, câu lạc bộ "thượng lưu" tập hợp các ngôi sao bóng đá Brazil như Oscar và Hulk, nhận định : "Vấn đề số một tại Trung Quốc là huấn luyện. Những gì các huấn luyện viên Trung Quốc dạy cho học viên là không thể cạnh tranh được với thế giới. Họ cần được đào tạo lại. Tôi không chê bai họ, nhưng một cầu thủ không được huấn luyện đúng đắn chỉ có 0% cơ hội đạt đến trình độ cao".
Chủ tịch Tập Cận Bình vốn yêu thích bóng đá, tuy vậy vẫn hy vọng một ngày nào đó Trung Quốc có thể tổ chức và giành được chiếc Cúp vô địch bóng đá thế giới. Hồi tháng Sáu, bộ Ngoại Giao nước này đã bình luận : "Đó là giấc mơ của nhiều người Trung Quốc, và chúng tôi hy vọng có thể trở thành hiện thực càng nhanh càng tốt".
Trung Quốc không còn giấu diếm tham vọng được trở thành nước chủ nhà World Cup 2030, mà Achentina, Uruguay và Paraguay vừa liên kết để ứng cử. Tham vọng này được nuôi dưỡng từ nhiều năm qua, với việc đổ tiền ồ ạt vào các giải vô địch quốc gia. Các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc chi ra nhiều triệu đô la để mua các tiền đạo nước ngoài (Carlos Tevez, Pato, Gervinho, Anthony Modeste…)
Tuy vậy đội tuyển quốc gia Trung Quốc chỉ đứng thứ 77 trong bảng xếp hạng của FIFA (thứ 8 Châu Á), sau cả một nước nghèo Châu Phi là Sierra Leone. Nhưng Bắc Kinh mơ sẽ xoay ngược được chiều hướng, muốn có được 40.000 trường dạy đá banh từ nay đến năm 2020, thay vì con số 13.000 hiện nay.
Angela Smith, chịu trách nhiệm về các dự án quốc tế ở Stoke City, câu lạc bộ tranh giải ngoại hạng Anh đã mở trường đá banh tại Trung Quốc phân tích : "Điều mà chính quyền Bắc Kinh muốn tránh né bằng mọi giá, là bị chế giễu khi trở thành nước chủ nhà World Cup".
Bà nhấn mạnh, vấn đề của các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc, là "họ chỉ mua về các cây làm bàn". Angela Smith nói : "Họ không hề nghĩ đến việc phát triển toàn ê-kíp. Trong khi đó, nếu không đào tạo tất cả các loại cầu thủ ở cơ sở, trong các câu lạc bộ và trường học, thì bóng đá Trung Quốc không thể tiến triển được".
Ông Luiz Ferreira, giám đốc huấn luyện lớp trẻ ở Tianjin Teda (thuộc các câu lạc bộ hạng nhất Trung Quốc), chỉ ra một vấn đề khác, đó là thiếu đam mê. Chuyên gia kỹ thuật người Bồ Đào Nha nói : "Tôi nhớ lại một cuộc tập huấn, khi đó tôi hỏi các cầu thủ xem họ có coi trận chung kết Cúp C1 hay không. Chỉ một phần ba trả lời là có ! Họ chẳng quan tâm đến".
Ông Ferreira tự hỏi : "Năm tôi lên bảy, tôi đã xem một trận đá banh ở sân vận động Maracana ở Rio, Brazil, với 180.000 khán giả. Niềm đam mê theo tôi từ đó đến giờ. Và ở Bồ Đào Nha, chúng tôi có những huyền thoại như Cristiano Ronaldo, Figo…Nhưng ở Trung Quốc thì có gì để mộng mơ ?"
Đối với ông, "bóng đá hãy còn quá mới", và người Trung Quốc "cần có thời gian" để nuôi dưỡng đam mê.
Môn bóng đá được chế độ Cộng Sản Bắc Kinh quản lý từ thập niên 50, và chỉ mới bắt đầu khởi sắc vào giữa thập niên 60, với việc thành lập một giải vô địch quốc gia và các câu lạc bộ chuyên nghiệp.
Mads Davidsen kể : "Có lần tôi đến xem các trẻ em 8 tuổi tập luyện tại một trường học Trung Quốc, trình độ các em ngang với Châu Âu, thậm chí nhỉnh hơn. Như vậy việc đào tạo đã được bắt đầu từ cơ sở. Nhưng một cầu thủ đạt được mức độ tối đa ở tuổi 28, có nghĩa là để có được một đội tuyển có thể cạnh tranh, thì Trung Quốc còn phải chờ đợi 15 hoặc 20 năm nữa".
Thụy My
Nhiều tướng lĩnh hàng đầu Trung Quốc vừa bị loại khỏi danh sách đại biểu quân đội tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp tới.
Sự vắng mặt của nhiều tướng lĩnh hàng đầu trong danh sách đại biểu của kỳ Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 khiến nhiều người Trung Quốc bất ngờ.
Điều này, theo nhận định của giới quan sát quốc tế, chắc chắn sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền kể từ Đại hội 18 (năm 2012), đưa những người ông tín nhiệm vào các vị trí quan trọng tại Đại hội 19, diễn ra từ ngày 18/10.
Hôm 6/9, tờ báo quân đội Trung Quốc, PLA Daily, công bố danh sách 303 đại biểu quân sự tham dự Đại hội. Trong danh sách này, nhiều tướng lĩnh hàng đầu như Thượng tướng Phòng Phong Huy-Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Ủy viên Quân ủy Trung ương, và Thượng tướng Trương Dương-Chủ nhiệm Công tác Chính trị của quân đội, lại không nằm trong danh sách đại biểu.
Đây là điều bất ngờ đối với nhiều người Trung Quốc, nhưng theo tờ The Diplomat, lại không mấy ngạc nhiên đối với giới quan sát quốc tế.
Tướng Phòng Phong Huy, 66 tuổi, là người đã tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến đi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida hồi tháng 4.
Cuối tháng trước, Trung Quốc bất ngờ "thay tướng" Lý Tác Thành vào vị trí Tổng tham mưu trưởng của ông Phòng Phong Huy. Bloomberg hôm 23/8 dẫn hai nguồn tin thông thạo cho biết về sự thay đổi này, mặc dù Trung Quốc không hề ra thông báo chính thức.
Ông Từ Quang Dụ, một quan chức cấp cao về hưu và cũng là nhà nghiên cứu cao cấp của Hiệp hội Giải giáp và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc, nhận định với Bloomberg rằng : "Nếu một thành viên trong Quân ủy Trung ương chưa đến tuổi nghỉ hưu mà lại không được tham dự Đại hội đảng, thì phải có một số lý do đặc biệt".
Sự vắng mặt của hai tướng cấp cao, theo Reuters và báo chí Hồng Kông, là do họ đang phải đối mặt với một cuộc điều tra tham nhũng.
Hôm 8/9, Reuters dẫn nguồn Tân Hoa Xã và PLA Daily bất ngờ đề cập đến Đô đốc Miêu Hoa, Chính ủy Hải quân Trung Quốc trong tư cách Chủ nhiệm công tác chính trị của quân đội, mặc dù không có thông báo chính thức nào về việc Tướng Trương Dương đã bị thay thế.
Tại Đại hội 18, không một tướng cấp cao nào vắng mặt trong danh sách đại biểu.
Trong danh sách đại biểu quân đội của Đại hội 19 còn vắng mặt nhiều tướng lĩnh thuộc diện "con ông cháu cha", theo tường thuật của tờ Hoa Nam Buổi Sáng ngày 7/9.
Trong số 5 "thái tử Đảng" bị loại khỏi Đại hội 19, đáng chú ý nhất là Thiếu tướng Mao Tân Vũ, cháu nội của Mao Trạch Đông.
Sự vắng mặt của nhiều "thái tử Đảng" trong danh sách đại biểu dự Đại hội 19 có khả năng là do ông Tập Cận Bình không yên tâm và tin tưởng họ có thể đảm trách các vị trí quan trọng, theo nhận định của nhà quan sát quân sự Anthony Wong Dong với Hoa Nam Buổi Sáng.
4 vị tướng "con ông cháu cha" khác không nằm trong danh sách gồm có : Thượng tướng Lưu Nguyên, con trai cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Đô đốc Lưu Hiểu Giang, con rể cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang, Thượng tướng Trương Hải Dương, con trai Trương Chấn - cố Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Thượng tướng Lưu Á Châu - con rể cố Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm.
Trong những tuần gần đây, ông Tập Cận Bình đã thay thế các chỉ huy của quân đội, hải quân và không quân Trung Quốc.
Tổng cộng sẽ có 2.300 đại biểu tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, trong đó có khoảng 300 đại biểu quân đội.
Hồi tháng 5, Bloomberg dẫn nguồn tin PLA Daily cho biết các đại biểu phải trải qua việc "kiểm tra sức khỏe chính trị" để đảm bảo rằng họ đi theo lý tưởng, trung thành và tôn trọng ông Tập và quyền lực của Đảng trên quân đội.
Muốn giúp các công ty nội địa cạnh tranh, cách đây 4 năm Trung Quốc tuyên bố mở các hành lang thương mại trên khắp Châu Á, và đặt tên cho dự án đầy tham vọng này là ‘Con đường Tơ lụa mới’, theo tên của ‘Con đường Tơ lụa’ mà 2.000 năm về trước, Trung Quốc đã sử dụng để kết nối với Trung Đông. Con đường Tơ lụa thời nay nhằm mục đích xây dựng các cấu trúc hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giúp Trung Quốc giao thương với 68 quốc gia.
Tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu buôn bán vũ khí dọc theo tuyến đường này ở Đông Nam Á. Theo các số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, kể từ năm 2006 cho đến nay, Trung Quốc đã bán vũ khí cho ít nhất 7 nước Đông Nam Á. Viện nghiên cứu này đánh giá tổng doanh số bán vũ khí của Trung Quốc cho các nước trong khu vực vượt quá nửa tỷ đôla Mỹ.
Bán vũ khí giúp các nhà sản xuất Trung Quốc, như Công ty Đóng tàu và Hàng hải Quốc tế, thu về lợi nhuận, đồng thời đào sâu các quan hệ thương mại với khu vực Đông Nam Á, nơi mà theo truyền thống Hoa Kỳ là nước bán vũ khí lớn nhất. Trung Quốc là cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Nga, –lại không quan ngại về nguy cơ bị các quốc gia láng giềng dùng các vũ khí đã mua của Trung Quốc để tấn công nước này, bất chấp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước thân chủ.
Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales của Úc chuyên nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Trung Quốc đang có tham vọng trở thành nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của khu vực Đông Nam Á. Hoa Kỳ bán thiết bị quân sự cho Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong một phúc trình ngày 30/8, Giáo sư Thayer nhận định : "Vũ khí của Trung Quốc mạnh, có giá cạnh tranh, có thể bao gồm phần chuyển giao công nghệ, và có thể được vay tiền khi mua, được cung cấp vũ khí mà không qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt như vũ khí của Hoa Kỳ".
Những khách hàng như Campuchia và Lào chưa gì đã nằm trong tay của Bắc Kinh. Việc các nước này mua sắm thiết bị quân sự như máy bay vận tải, chỉ tăng cường thêm quan hệ thương mại trong khi giúp hai nước này chống lại các cường quốc khác và dập tắt những tiếng nói bất đồng ở trong nước. Myanmar, một khách hàng lớn của Trung Quốc, có thể sẽ không sử dụng tên lửa chống hạm của Trung Quốc, chẳng hạn, để đẩy lùi một cuộc tấn công do Bắc Kinh chỉ đạo.
Nhưng các nước khác có lý do để lo ngại về lực lượng vũ trang của Trung Quốc, và ngược lại.
Indonesia chẳng hạn, đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, và các tên lửa đất đối không và radar từ Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2009. Trong khi Indonesia ngày càng muốn đẩy bật tàu Trung Quốc ra khỏi quần đảo Natuna gần đảo Borneo, nước này có thể dụng những vũ khí đã mua của Trung Quốc để chống lại Trung Quốc.
Cũng tương tự, Malaysia đang cộng tác với Trung Quốc để đóng bốn tàu đặc vụ tuần tra ven biển. Người Malaysia đã chán phải chứng kiến thấy tàu Trung Quốc và phải xua các tàu này ra khỏi vùng biển Borneo, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Thật là mỉa mai nếu một chiếc tàu do Trung Quốc sản xuất một ngày nào đó sẽ xua đuổi tàu tuần duyên của Bắc Kinh ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế dài 370 km của Malaysia trên Biển Đông.
Philippines được biết là đang cân nhắc việc mua vũ khí Trung Quốc với khoản vay 500 triệu đôla từ Bắc Kinh, vì mua vũ khí của Mỹ đi kèm với nhiều điều kiện gắt gao. Manila muốn hiện đại hoá quân đội. Trung Quốc là mối quan ngại hàng đầu của Philippines về mặt an ninh vì những yêu sách chủ quyền lãnh hải chồng chéo với Manila, cho đến khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ thân thiện hơn hồi năm ngoái.
Giới phân tích nói Trung Quốc vẫn giữ riêng cho mình một số thiết bị quân sự tiên tiến để phòng thủ khi cần. Trung Quốc có đủ khả năng để bán vũ khí ra nước ngoài thậm chí cho các nước bất mãn với những tham vọng chính trị của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu các vấn đề chính trị Châu Á Fabrizio Bozzato thuộc Hiệp hội nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, nhận định :
"Thật là mỉa mai, một nghịch lý nhưng vẫn hợp lý. Làm ăn là làm ăn. Tôi sẽ lo lắng hơn nếu Trung Quốc không chịu bán vũ khí. Làm như vậy là dấu hiệu về một thái độ thù nghịch cao độ".
Human Rights Watch tố cáo Trung Quốc phá hoại nỗ lực của Liên Hiệp Quốc (RFI, 05/09/2017)
Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch một mặt lên án Bắc Kinh cản trở nỗ lực phát huy nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, một mặt chỉ trích cơ quan quốc tế này thường xuyên đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc -Genève. Ảnh ngày 18/01/2017. Denis Balibouse/Reuters
Theo AFP, trong bản thông báo công bố ngày 05/09/2017, Human Rights Watch cho rằng Trung Quốc tham gia vào sinh hoạt quảng bá nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhưng kỳ thực là để ngăn chận các nhà hoạt động dấn thân bảo vệ nhân quyền tại Hoa lục. Nhìn nhận không phải chỉ có Trung Quốc hành xử như thế nhưng Human Rights Watch thẩm định với vai trò thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, với ảnh hưởng lớn trên thế giới, Trung Quốc là tấm gương xấu khi thực hiện chính sách trấn áp.
Trong bản thông báo, cơ quan nhân quyền Mỹ liệt kê một loạt hành động chống nhân quyền của Bắc Kinh từ truy bức hay cấm xuất cảnh những nhà hoạt động tìm cách tham gia sinh hoạt, hội thảo nhân quyền do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Đại diện của chính quyền Trung Quốc chụp ảnh những người tham dự, quay phim vi phạm các nguyên tắc của tổ chức quốc tế.
Bắc Kinh cũng gây áp lực buộc Liên Hiệp Quốc cấm các tổ chức phi chính phủ chỉ trích Trung Quốc tham gia sinh hoạt nhân quyền.
Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét trường hợp Trung Quốc vào năm tới 2018.
Tú Anh
***********************
HRW cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền (RFA, 05/09/2017)
Trong bản thông cáo mới phổ biến sáng nay tại Geneve, Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch cáo buộc Bắc Kinh tìm mọi cách để uy hiếp những nhà hoạt động muốn trình bày về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc trước Diễn Đàn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Hơn 200.000 người biểu tình ủng hộ dân chủ đối mặt với công an bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh hôm 22/4/1989. AFP photo
Bản phúc trình nêu lên những trường hợp các nhà hoạt động bị theo dõi, kiểm soát và uy hiếp có hệ thống, với mục đích ngăn cản không cho họ sang Geneve để tố cáo trước dư luận quốc tế về tình trạng đàn áp nhân quyền xảy ra tại Hoa Lục.
Phúc trình còn viết rằng tình từ năm 1989 khi biến cố Thiên An Môn xảy ra tới giờ, đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc đang ở mức tệ hại nhất.
Trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc vừa nói, gọi đó là các cáo buộc không chứng cớ.
Hôm Chủ Nhật mùng ba, Chủ tịch Tập Cận Bình khai mạc thượng đỉnh của nhóm BRICS với tư thế lãnh đạo năm quốc gia có nền kinh tế mới nổi của thế giới, nhưng thời sự thực tế lại cho thấy vài sự thật khác về nhóm quốc gia này. Tiết mục Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu tại sao….
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đối thoại những nước có nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển bên lề Thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc hôm 5/9/2017 - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm Chủ Nhật mùng ba vừa qua, nhóm BRICS gồm năm nền kinh tế mới nổi đã có thượng đỉnh thứ chín tại Trung Quốc dưới sự chủ tọa long trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng tình hình thế giới lại có nhiều biến động, kể cả vụ khủng hoảng vì Bắc Hàn, khiến ít ai chú ý đến sự kiện đó. Tiết mục Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông tổng hợp lại một số dữ kiện về nhóm quốc gia nói trên cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ Chủ tịch Tập Cận Bình hiện là người bất bình nhất !
Năm nay nhóm BRICS tổ chức thượng đỉnh tại thành phố Hạ Môn của Phúc Kiến là nơi mà Tập Cận Bình từng là Ủy viên Thường vụ Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố hơn 30 năm trước, rồi lên dần tới vị trí lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc như hiện nay. Chủ trì một hội nghị quốc tế với tâm trí chuẩn bị cho Đại hội khóa 19 của đảng vào ngày 18 tháng tới, ông ta có thể nghĩ đến sự vinh quang của đảng và sự nghiệp của bản thân sau năm năm lãnh đạo từ Đại hội 18 vào cuối năm 2012. Khốn nỗi thực tế lại cứng đầu hơn ước mơ viển vông, như ta đã thấy qua việc Bắc Hàn thử nghiệm võ khí hạch tâm loại mạnh nhất từ xưa đến nay, và làm đảo lộn nghị trình của nhóm khiến họ phải nhắc tới trong tuyên bố chung. Thật ra cả ước mơ về sức mạnh kinh tế của nhóm BRICS cũng là chuyện viển vông !
Nguyên Lam : Chúng ta khởi đi từ đó, thưa ông nhóm BRICS là gì mà ông gọi là viển vông ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có thời gian nhìn lại thì ta thấy các nước bị uống nước đường mà say !
Số là vào năm 2001 có ông Jim O’Neill là nhân viên người Anh của tập đoàn đầu tư Goldman Sachs tại Hoa Kỳ, tiên báo rằng mươi năm tới bốn nền kinh tế trong các nước loại tân hưng hay đang lên sẽ là đầu máy tăng trưởng của các nước. Bốn nền kinh tế đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, viết tắt theo Anh ngữ là BRIC. Sau đấy, bốn nước tưởng thật và muốn liên kết với nhau nên từ năm 2009 thì họp thượng đỉnh, qua năm sau thì mời Cộng hòa Nam Phi tham dự, cho nên nhóm BRICS ra đời và tuần qua có thượng đỉnh thứ chín tại Trung Quốc.
Một cách phũ phàng, tôi trộm nghĩ tập đoàn Goldman Sachs muốn quảng cáo cho việc đầu tư vào các nền kinh tế đang lên mà các nước này lại tưởng rằng họ sẽ trở thành một nhóm đầy thế lực khi nội tình lại có quá nhiều khác biệt khó dung hòa. Thật ra bốn nước kia đều muốn buôn bán với Trung Quốc mà ít buôn bán với nhau và khó đưa ra quan điểm thống nhất khả dĩ thay thế vai trò đầu máy về tư tưởng và sức mạnh của các nền kinh tế công nghiệp hóa.
Nguyên Lam : Ông có thể giải thích thêm về nhận xét bi quan này không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn trong dài hạn, mọi nền kinh tế vừa chuyển hướng đều tăng trưởng cao trong vài thập niên đầu, nhưng mà tăng trưởng chưa là phát triển hay sức mạnh bền vững về tài sản. Quả nhiên là từ hai năm nay, ba nền kinh tế của nhóm BRICS bị suy trầm, suy thoái, thậm chí khủng hoảng. Đó là Brazil, Liên bang Nga và Nam Phi. Còn lại, hai nước đông dân nhất Châu Á của nhóm BRICS thì vẫn đầy mâu thuẫn sâu sắc, thậm chí đụng độ quân sự dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn vào tháng trước, đó là Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự thật thì cả nhóm đều đề cao quy luật thị trường mà bên trong vẫn duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch để bảo vệ một số khu vực trọng yếu của họ chứ chưa xây dựng nổi cơ chế thống nhất cho một thị trường chung. Mặc cảm hay ác cảm của cả nhóm với Hoa Kỳ hay khối dân chủ Tây phương chưa là chất keo sơn gắn bó với nhau. Thứ nữa, nếu muốn là đầu máy kinh tế và có ảnh hưởng trong luồng giao dịch của thế giới thì đồng bạc của họ phải là ngoại tệ được các nước sử dụng một cách phổ biến, như đồng Mỹ kim, Euro hay đồng Yen Nhật, là điều chưa thể có, kể cả với đồng Nguyên của Trung Quốc. Tại thượng đỉnh của nhóm BRICS vừa rồi, khi Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga kêu gọi các nước trao đổi với nhau mà không sử dụng Mỹ kim thì ta thấy ngay sự viển vông đó. Người ta dùng một đồng bạc vì sự tiện dụng, mức an toàn khi dự trữ tài sản và vì khả năng giao hoán rộng rãi, không vì loại phản ứng duy ý chí của quốc gia phát hành.
Nguyên Lam : Trở lại vai trò trọng yếu của Trung Quốc trong nhóm BRICS, ông nhận xét ra sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Rốt cuộc, khái niệm BRICS chỉ cho Bắc Kinh diễn đàn và bệ phóng để tung ra vài sáng kiến phát huy ảnh hưởng, như Con Đường Tơ Lụa Nhất Đới Nhất Lộ hay Tân Ngân hàng Phát triển, New Development Bank, với tham vọng thay thế Ngân hàng Thế giới. Có lẽ vì vậy, từ Tháng Ba rồi, Bắc Kinh còn muổn mổ rộng nhóm BRICS để mời thêm nhiều nước khác tham dự, như Thái Lan, Mexico hay Ai Cập v.v…. Nhìn từ quan điểm chiến lược, Trung Quốc đang nuôi tham vọng lãnh đạo một trật tự mới của thế giới như một đối thủ của Hoa Kỳ và Chủ tịch Tập Cận Bình còn đề cao tự do mậu dịch và chủ trương toàn cầu hóa, trái ngược với lập trường hiện hành của Chính quyền Donald Trump là coi quyền lợi của Mỹ là trên hết sau khi triệt thoái khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Thành phốP.
Nhưng đấy chỉ là việc chiêu dụ và rao bán mà thôi. Thứ nhất, so sánh với những hứa hẹn hay cam kết từ năm ngoái thì đóng góp tiền bạc của Bắc Kinh cho các sáng kiến quy mô đó vẫn còn quá ít và gây thất vọng cho các nước đang cần đầu tư nước ngoài, điển hình trường hợp Brazil chưa ra khỏi khủng hoảng khi hai Tổng thống tiền nhiệm bị truy tố vì tham nhũng. Thứ hai là vụ Bắc Hàn tiếp tục hung hăng khiêu khích mà Bắc Kinh không kiềm chế nổi. Thứ ba, ngay trong nhóm BRICS, một đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ lại đang củng cố quan hệ với Nhật Bản và dự tính xây dựng một "Hành Lang Tự Do" nhắm vào Châu Phi với tư bản và kỹ thuật của Nhật và quan hệ kinh tế của Ấn Độ trong khu vực. Tháng Chín này, hai nước sẽ khai triển sáng kiến đó và sự bành trướng của Bắc Kinh ngoài Đông Hải rồi sự hung hăng của Bắc Hàn càng thúc đẩy sự hợp tác ấy, mà Bắc Kinh chẳng thể nào đẩy Ấn Độ ra khỏi nhóm BRICS !
Nguyên Lam : Khi nhìn vấn đề trên toàn cảnh như vậy, có lẽ thính giả của chúng ta cũng thấy rằng quan hệ giữa các nước không chỉ có yếu tố kinh tế mà còn bao gồm cả khía cạnh an ninh vì hành lang kinh tế mà Nhật Bản và Ấn Độ mong muốn thực hiện cũng mặc nhiên giảm tầm ảnh hưởng của Con Đường Tơ Lụa mà Trung Quốc đang muốn thực hiện. Thưa ông Nghĩa, kết luận ở đây là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các nước đang phát triển đã hão huyền tin vào khẩu hiệu viển vông mà không tự cải cách từ bên trong cho người dân của mình. Khi thấy thiên hạ vẽ ra nhãn hiệu dán lên một chai rỗng thì chui đầu vào chai. Vào trong rồi họ mới thấy quá nhiều khác biệt nên không thể sống chung, rồi mới bắt đầu lục đục. Với sản lượng kinh tế hạng nhì thế giới, Trung Quốc có thể dùng nhãn hiệu BRICS để tuyên truyền cho thế lực của mình qua một số sáng kiến huê dạng hào nhoáng. Nhưng màn tuyên truyền ấy lại gây nghi ngại cho nước khác. Vào đúng ngày khai mạc thượng đỉnh BRICS tại Hạ Môn thì Bắc Hàn lại gây rối với việc thử bom khinh khí và di chuyển hỏa tiễn liên lục địa khiến an ninh lại trở thành một ưu tiên cho các nước. Người ta có thể chơi chữ mà gọi nhóm BRICS là một đống gạch, nhưng lại thiếu xi măng và bị trái bom của Bắc Hàn thổi vào cõi ảo !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầy tính châm biếm kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 05/09/2017
Đóng góp khiêm tốn của Trung Quốc (RFI, 04/09/2017)
Khai mạc thượng đỉnh nhóm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy tại Hạ Môn (Xiamen), chủ tịch Trung Quốc kêu gọi đẩy mạnh tự do mậu dịch và thông báo đầu tư thêm 80 triệu đô la cho các chương trình hợp tác của nhóm BRICS. Giới quan sát coi đây là một sự đóng góp quá nhỏ so với kế hoạch Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại buổi khai mạc thượng đỉnh BRICS, ngày 3/9/2017 - © Reuters
Theo hãng tin Reuters, trong ngày làm việc chính thức đầu tiên 04/09/2017 tại Hạ Môn với nguyên thủ bốn nước còn lại gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh đóng góp 500 triệu nhân dân tệ, tương đương với 76,4 triệu đô la vào kế hoạch hợp tác kinh tế và kỹ thuật của khối BRICS. Ngoài ra Trung Quốc sẽ tài trợ 4 triệu đô la cho dự án thành lập Ngân Hàng Phát Triển Mới (NDB).
Khoản đầu tư trên 80 triệu đô la này, không thấm vào đâu so với con số 124 tỷ đô la đã được lãnh đạo Trung Quốc thông báo hồi tháng 5/2017, nhân thượng đỉnh Bắc Kinh, quy tụ 29 nước tham gia sáng kiến "Một Vành Đai, Một Con Đường".
Trong diễn văn gần 45 phút ngày hôm qua 03/09/2017, ông Tập Cận Bình một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh tự do mậu dịch. Bắc Kinh quan niệm, một nền kinh tế mở rộng là chìa khóa đem lại thịnh vượng chung. Trung Quốc đưa ra lập trường như trên vào lúc tại Mỹ đang xét lại các thỏa thuận tự do mậu dịch với các đối tác thương mại chính. Tổng thống Trump đắc cử với khẩu hiệu "America First" và Nhà Trắng thiên về một chính sách bảo hộ.
Trong cương vị chủ nhà, lãnh đạo Trung Quốc có ý định mở rộng nhóm BRICS đến nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy khác. Thái Lan, Mexico, Ai Cập… được mời đến Hạ Môn với tư cách quan sát viên. Trong lúc tổng thống Trump đòi xét lại thỏa thuận tự do mậu dịch NAFTA với hai đối tác Bắc Mỹ là Canada và Mexico, ông Tập Cận Bình tiếp đón trọng thể tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto với hai hồ sơ chính là thương mại và đầu tư.
Thanh Hà
**********************
Thượng đỉnh BRICS khai mạc trong bầu không khí ảm đạm (RFI, 03/09/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 03/09/2017 khai mạc thượng đỉnh nhóm BRICS tại Hạ Môn, Trung Quốc. Cuộc họp quy tụ lãnh đạo năm nền kinh tế mới trỗi dậy, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và Nam Phi, kéo dài đến ngày 05/09. Thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc thượng đỉnh BRICS, Hạ Môn (Xiamen), ngày 03/09/2017 - Reuters
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường thuật :
"Chỉ còn có 7 tuần nữa là diễn ra đại hội Đảng quan trọng để có được một nhiệm kỳ mới, Tập Cận Bình sẽ không để vuột mất niềm vui đảm nhiệm thêm một chức danh mới ưa thích : đó là nghiễm nhiên trở thành chủ nhân một nước Trung Quốc hùng mạnh, tông đồ của toàn cầu hóa.
Lãnh đạo 5 nước họp tại Hạ Môn đại diện cho 40% dân số toàn cầu và chiếm đến 50% tăng trưởng thế giới, với hai đầu tàu là Ấn Độ và Trung Quốc.
Và cũng vì thế mà mọi cặp mắt giờ đây sẽ đổ dồn về hai nguyên thủ đó. Liệu rằng thủ tướng Ấn Độ Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột biên giới đã đầu độc quan hệ song phương trong hai tháng vừa qua ?
Một câu hỏi khác : Năm nước này sẽ thông qua những biện pháp nào để tái thúc đẩy nền kinh tế của mình ? Brazil vô vọng tìm kiếm các nhà đầu tư, Nam Phi đang bị suy thoái, Nga hụt hơi vì lệnh cấm vận của quốc tế, trong khi mà cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc cũng không có được tăng trưởng ngoạn mục.
Do đó, thượng đỉnh tại Hạ Môn lần này phải mở ra những hướng phát triển mới, nhất là cho các doanh nghiệp của Trung Quốc".
RFI tiếng Việt