Ukraine : "Anh hề" Zelensky, tổng thống mỵ dân mới hay nhà cải cách ?
Về thời sự quốc tế, vụ khủng bố kinh hoàng tại Sri Lanka đúng vào dịp lễ Phục Sinh tiếp tục là chủ đề lớn. Một chủ đề trung tâm khác : Chính trị Ukraine với thắng lợi áp đảo của diễn viên hài Zelensky ngày Chủ Nhật 21/04/2019, với tỉ lệ chưa từng có kể từ khi quốc gia này độc lập với Nga. Lịch sử Ukraine đang sang trang : Hy vọng lớn xen với hoài nghi cao độ.
Ứng cử viên tổng thống Volodymyr Zelensky tại trụ sở tranh cử, Kiev, ngày 21/04/2019. Sergei GAPON / AFP
Thách thức vô cùng lớn với tân tổng thống. Nhiều người đặt hy vọng vào một thay đổi ngoạn mục sẽ đến với Ukraine, quốc gia nằm ở tâm điểm cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga, nhưng không ít người lo ngại nhân vật tân binh trong chính trường này sẽ bị chính quyền Nga thao túng, cũng như bị thao túng bởi chính một số thế lực tài phiệt Ukraine.
Les Echos, trong bài "Ukraine, giữa hy vọng và bất an sau khi Volodymyr Zelensky đắc cử", trước hết nhận xét : thắng lợi lịch sử, với tỉ lệ 73% phiếu bầu của doanh nhân trẻ, anh hài Zelensky, 41 tuổi, là một thất bại đau đớn của tổng thống mãn nhiệm Porochenko. Kết cục nói trên cho thấy đông đảo dân chúng muốn đoạn tuyệt với giới chính trị truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề trong hiện tại là tổng thống tân cử, "người hùng của các mạng xã hội", sẽ làm gì với những công trình ngổn ngang người tiền nhiệm để lại.
Đối với nhiều người, trước mặt tổng thống là "một trang giấy trắng tinh", nơi người ta có quyền đặt mọi hy vọng vào các cải cách và thay đổi. Nhưng đối với nhiều người khác, với "anh hề" Zelensky rất có thể Ukraine "sẽ lún thêm vào bất ổn định, nếu tân tổng thống bị láng giềng Nga chi phối".
Vào thời điểm này, với chiến thắng của Zelensky, "tương lai của Ukraine là vô cùng bất trắc", bởi một mặt, tân tổng thống không có đa số trong Quốc hội, mặt khác, các mục tiêu cũng như các phương thức hành động của Zelensky hoàn toàn không rõ ràng. Trong suốt thời gian tranh cử, Zelensky chỉ nêu ra một số hứa hẹn chung chung về "một nền dân chủ trực tiếp, thường xuyên mở cửa cho các cuộc trưng cầu dân ý toàn dân, cải thiện quan hệ với Nga và chống tham nhũng".
Ukraine – Một "hoa tiêu dân chủ" trong khu vực hậu Xô Viết
"Thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống, anh hề Zelensky chuẩn bị lột xác" là một bài phân tích đáng chú ý trên Le Figaro.
Le Figaro đặc biệt chú ý đến mục tiêu đầy tham vọng của tổng thống tân cử. Ngay sau khi kết quả được công bố, ông Volodymyr Zelensky tuyên bố : "Tôi chưa phải là tổng thống, tôi có thể hướng đến mọi công dân tại tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ (bao gồm cả nước Nga) : Mọi sự đều có thể !".
Các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tranh cử tổng thống Ukraine được theo dõi tại nhiều quán bar ở Minsk, Belarus, cũng như được truyền hình tại Nga. Với phát biểu nói trên, ông Zelensky lần đầu tiên khẳng định quan điểm của ông về ý nghĩa lịch sử của bầu cử Ukraine, ý thức rõ ràng về "tính chất định hướng" của nền dân chủ Ukraine đối với khu vực.
Sau một giai đoạn nghỉ ngơi ngắn, để phục hồi sức lực sau cuộc tranh cử quyết liệt ba tháng, đối với Le Figaro, thách thức đầu tiên với tổng thống tân cử là tìm được một đội ngũ cộng sự vững vàng, đủ sức hóa giải các thách thức phức tạp. Trong hàng ngũ cộng sự này, chắc chắn sẽ có cựu bộ trưởng Kinh Tế của chính quyền tiền nhiệm. Ông Aivaras Abromavacius, một quan chức cao cấp Litva, tham gia chính trường Ukraine từ năm 2014. Nhân vật này đã từ chức bộ trưởng Kinh Tế để phản đối các chính sách của tổng thống Porochenko, tạo thuận lợi cho tham nhũng.
Một cộng sự đắc lực khác của Zelensky là dân biểu Serhiy Leshenko, nổi tiếng với lập trường chống tham nhũng. Chính dân biểu trẻ tuổi này đã tư vấn cho ứng cử viên Zelensky về một số nét lớn trong cương lĩnh tranh cử. Vị cộng sự này dự đoán tân tổng thống ngay lập tức sẽ có các biện pháp mạnh tại Quốc hội, với các đề xuất như thiết lập nhanh chóng thể thức phế truất tổng thống, ra luật để đưa trở về nước các khoản tiền bị chuyển ra ngoài một cách bất hợp pháp, hay bỏ quyền miễn trừ với các nghị sĩ.
Nhiều nhân vật cải cách uy tín
Trong những ngày gần đây, giới thân cận với ứng cử viên tổng thống để lọt ra ngoài ý tưởng, nếu đắc cử, ông Zelensky sẽ xây dựng một chính phủ của các chuyên gia, với nhiều nhân vật độc lập, hay các nhà kỹ trị có quan điểm cải cách, nắm rõ từng lĩnh vực. Một trong những nhân vật nặng ký trong hàng ngũ này là cựu bộ trưởng tài chính Oleksandrs Danylyuk.
Theo Le Figaro, cựu bộ trưởng Oleksandr Danylyuk, vừa có chuyến công du Paris tuần trước, "là người được cộng đồng quốc tế đánh giá như một nhà cải cách có uy tín". Hồi 2016, chính ông là người đã chủ trì chương trình quốc hữu hóa Privat, tập đoàn ngân hàng tư lớn nhất nước (chiếm 20% cổ phiếu của người Ukraine). Tỉ phú Ihor Kolomoisky từng bị cáo buộc biểu thủ 5,5 tỉ đô la của Privat.
Quan hệ gây hoài nghi với tỉ phú Kolomoisky
Quan hệ của tổng thống tân cử với nhà tỉ phú Kolomoisky là điều gây hoài nghi nhất. Le Figaro chú ý đến sự có mặt đồng thời, hôm Chủ Nhật vừa qua, của nhà cải cách Oleksandr Danylyuk và luật sư của nhà tỉ phú Kolomoisky trong số những người thân cận với diễn viên hài/ứng cử viên tổng thống.
Theo tổng biên tập tuần báo Novoe Vremia, Vitaly Sytch, một trong những ẩn số lớn nhất của nhiệm kỳ Zelensky là khả năng tân tổng thống giữ khoảng cách với nhà tỉ phú, hiện đang tạm cư ở Israel, và đang nằm trong tầm ngắm của FBI, do nghi vấn tham nhũng.
Nghị Viện : Thách thức lớn nhất trước mắt
Theo La Croix (trong bài "Cái khó nhất với tân tổng thống"), rào cản lớn đầu tiên mà tổng thống Zelensky phải vượt qua là Nghị Viện. Trả lời báo Pháp, ông Rouslan Stefantchouk – người được xem là nhà tư tưởng của đảng của tổng thống – cho biết có hai kịch bản. Thứ nhất là tổng thống có được một Quốc hội hợp tác và thứ hai là một Quốc hội đối địch. Những bước đi đầu tiên của chính quyền Zelensky phụ thuộc vào việc kịch bản nào sẽ xảy ra.
Trong trường hợp kịch bản thứ hai xảy ra, tổng thống tân cử sẽ lâm vào "tình trạng bất lực", tương tự như tổng thống Viktor Yuchtchenko, người lên nắm quyền sau cuộc Cách mạng màu Da Cam năm 2004. La Croix kết luận với hình ảnh so sánh : "Nếu như nhân vật (người giáo viên) mà diễn viên hài Zelensky thủ vai trong loạt phim truyền hình "Người phục vụ nhân dân" cuối cùng đã vượt qua được sự chống đối của các nghị sĩ tham nhũng, thì nhiệm vụ giờ đây sẽ phức tạp hơn bội phần đối với vị tổng thống thực".
Nga hài lòng, nhưng thận trọng
Về quan điểm đối ngoại của tân tổng thống Ukraine, Le Figaro có bài "Thái độ hài lòng thận trọng của Moskva trước thất bại của Porochenko". Ngay sau thắng lợi của diễn viên hài, chính quyền Nga có một số phản ứng tích cực. Ngoại trưởng Nga tuyên bố Ukraine bước sang một thời kỳ "chấn hưng". Thủ tướng Nga nói đến khả năng cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Trên thực tế, quan điểm của ông Zelensky với nước Nga mang khá mâu thuẫn và nước đôi. Ứng cử viên Zelensky không chống Nga quyết liệt như tổng thống tiền nhiệm, nhưng ông cũng sẵn sàng thừa nhận Putin là "kẻ thù". Dù không đòi lấy lại bán đảo Crimée, Zelensky cũng tuyên bố trưng cầu dân ý do Nga tổ chức là "phi pháp".
Nhưng dù sao, nhiều quan điểm của tân tổng thống Ukraine cũng được Moskva cho là khả dĩ. Cụ thể như không đòi hỏi áp đặt tiếng Ukraine, đẩy lùi tiếng Nga. Bản thân anh hề Zelensky vẫn thường sử dụng tiếng Nga. Những lời bông đùa bằng tiếng Ngacủa ông được dân Nga, và dân nói tiếng Nga vùng Donbass nói riêng, thích thú.
Tuy nhiên, trên hết, Le Figaro ghi nhận lập trường thân Châu Âu của tân tổng thống Ukraine, tự coi mình là người thừa kế di sản cuộc Cách mạng Maidan 2014, đã buộc tổng thống thân cận với điện Kremli, Victor Yanukovych, phải tháo chạy.
Sri Lanka : Khủng bố khiến các quan hệ sắc tộc - tôn giáo càng thêm mong manh
Cuộc thảm sát kinh hoàng nhắm vào nhiều nhà thờ Công giáo tại Sri Lanka hôm Chủ Nhật là chủ đề trang nhất của Libération, với hàng tựa "Khủng bố tại Sri Lanka : Địa ngục trần gian". Libération dành nhiều trang cho thảm nạn này, trước hết là bài phóng sự mang hàng tựa "Sri Lanka : Gần nhà thờ, gia đình nào cũng có người thiệt mạng". Ít nhất 290 người chết, trong đó 35 người nước ngoài, cùng khoảng 500 người bị thương.
Theo Libération, các cuộc tấn công khủng bố được tổ chức kỹ lưỡng, chính quyền bị phê phán là đã không ngăn được khủng bố, cho dù đe dọa được báo trước. Theo Alan Keenan, Hiệp hội International Crisis Group, các cuộc tấn công khủng đến từ bên ngoài, chứ chắc chắn không có liên hệ gì với các xung đột nội bộ của Sri Lanka.
Theo xã luận Libération, các vụ khủng bố tại Sri Lanka đã báo động với cộng đồng quốc tế là, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, cho dù bị đánh bại tại Iraq và Syria, nhưng khủng bố và nạn Hồi giáo cuồng tín tiếp tục là mối đe dọa tiềm tàng đáng sợ ở khắp nơi. Libération nhấn mạnh đến tính chất gây chia rẽ, kích động hận thù của những kẻ chủ mưu khủng bố. Cuộc nội chiến đẫm máu tại Sri Lanka vừa khép lại ít năm. Quan hệ giữa các cộng đồng Phật giáo chiếm đa số dân cư với các cộng đồng thiểu số Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo đang vẫn còn rất mong manh.
Les Echos cho biết hiện tại một tổ chức Hồi Giáo địa phương đang nằm trong tầm ngắm của cơ quan điều tra. Hôm qua, bộ ngoại giao Mỹ cảnh báo không loại trừ có thể có thêm các mưu toan khủng bố mới. Cũng hôm qua, cảnh sát Sri Lanka phát hiện được khoảng 90 kíp nổ ở khu vực gần nhà thờ Thánh Antoine, một nơi bị khủng bố.
Về phần mình, báo La Croix, cho biết chính quyền Sri Lanka, hôm qua, khẳng định tổ chức Hồi giáo National Thowheeth Jama’ath (NTJ) là thủ phạm. Nhật báo Công Giáo cũng có bài phân tích nhấn mạnh đến tình trạng cộng đồng Thiên Chúa giáo, tại một số khu vực ở Sri Lanka, là đối tượng truy bức từ nhiều năm nay. Cũng như người Thiên Chúa giáo, người Hồi giáo thiểu số tại Sri Lanka thường duy trì một lối sống ôn hòa, tại một quốc gia nơi xung đột và căng thẳng kéo dài giữa hai cộng đồng sắc tộc Sinhala (chủ yếu theo đạo Phật) và sắc tộc Tamul (chủ yếu theo Ấn Độ giáo). Cũng như Libération, La Croix thừa nhận các tấn công khủng bố khiến khả năng đoàn kết dân tộc tại Sri Lanka vốn đã mong manh, càng trở nên mong manh hơn.
Chính trị Châu Âu : Rất cần một "ngân hàng dân chủ"
Về các chủ đề trang nhất khác hôm nay, đáng chú ý có tựa trang nhất của Le Figaro về việc "Các đảng phái khó tìm được nguồn tài chính" cho cuộc tranh cử Nghị Viện Châu Âu.
Đúng một tháng trước tranh cử Nghị Viện (khai mạc 23/05, kết thúc ngày 26/05), Le Figaro ghi nhận tình trạng nhiều ngân hàng không muốn cho các đảng phái vay tiền, cho dù về nguyên tắc, Nhà nước sẽ bồi hoàn tiền vận động tranh cử cho các đảng có được từ 3% cử tri ủng hộ trở lên. Tình thế này buộc nhiều đảng phải quay sang nhờ cậy đến những người ủng hộ. Theo Le Figaro, hậu thuẫn tài chính cho các đảng phái chính trị nói chung, dù tả hay hữu, cực tả, hay cực hữu, đều là điều hệ trọng đối với nền dân chủ, và hệ thống tài trợ hiện nay của Nhà nước hoàn toàn có thể cải cách được. Cụ thể là với dự án "Ngân hàng dân chủ", từng được lãnh đạo đảng cánh trung Modem, François Bayrou, đề xuất trong thời gian ông tham gia chính phủ Macron, mùa hè năm 2017.
"Văn hóa chung" : Cội rễ sức mạnh của Châu Âu
La Croix cũng dành một phần trang nhất cho chủ đề Châu Âu, với bài xã luận "Châu Âu của chúng ta". Đối với La Croix, trong bối cảnh Châu Âu chia rẽ sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, điều quan trọng hiện nay là hướng sự chú ý đến "nền văn hóa chung", mà dân chúng Châu Âu khắp các quốc gia chia sẻ, dù ý thức hay không. Trong nền hóa chung đó, Thiên Chúa giáo đóng góp phần đặc biệt quan trọng, nhưng không phải độc tôn.
Đối với La Croix, nền văn hóa chung của Châu Âu "đặt tự do và phẩm giá con người ở tầm rất cao", nhưng cùng lúc đó, đây cũng là một nền văn hóa "mong manh", trước sự tấn công của các thế lực cuồng tín. Trong những tuần lễ tới trước thềm bầu cử, La Croix sẽ lần lượt giới thiệu về những giá trị tích cực của nền văn hóa chung này với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, và không chỉ với Châu Âu.
Loạt bài về Châu Âu của La Croix mở màn hôm nay với bốn bài viết. Luật sư Pháp Daniel Soulez Larivière nổi tiếng trong ngành luật hình sự có bài "Những giá trị của Châu Âu".
Nhà văn người Ý Erri de Luca, giải thưởng Văn học Châu Âu 2013, có bài viết thâm trầm, đầy cảm xúc với tựa đề "Dự án Châu Âu thống nhất, điều không thể bàn lùi". Mở đầu với những kinh nghiệm khủng khiếp của một Châu lục, "nơi xuất khẩu ra toàn bộ phần còn lại của thế giới các vũ khí và các cuộc chiến tranh", mà đỉnh cao của sự hủy diệt là Thế chiến Hai. Bài viết kết luận : "Mỗi lần tôi nói về Châu Âu, là tôi lại nhắc về một lục địa được dựng lên từ đống tro tàn, nhờ những tư tưởng lớn, những tưởng tượng vĩ đại". Đối với nhà văn, dịch giả người Ý, các nước Châu Âu đang trên đường đi đến một Nhà nước Liên bang, dù chưa tới đích.
Tu sĩ Alois Prieur - lãnh đạo cộng đoàn đại kết Thiên Chúa giáo Taizé có bài "Xây dựng một Châu Âu, nơi tứ phương hội ngộ", nhấn mạnh đến giá trị "của đối thoại, của suy tư tập thể" trong dự án xây dựng Châu Âu, một Châu Âu mở rộng cho sự tham gia của cả những quốc gia nằm ngoài biên giới Liên Âu hiện tại. Cộng đoàn đại kết Taizé, do các tu sĩ Tin lành lập ra từ năm 1940 tại Pháp, ngay trong thời gian Thế chiến 2, là một thể nghiệm cho tinh thần đối thoại đó. Taizé mở rộng không chỉ với mọi truyền thống Thiên Chúa giáo, mà với cả các truyền thống tâm linh khác, như Phật giáo hay Hồi giáo. Mỗi năm, cả trăm nghìn người đến nơi đây để tĩnh tâm, tu tập, giao lưu…
Trong bài "Khoa học thuộc về bản sắc Châu Âu", nhà vật lý gốc Séc Lenka Zdeborova – giải thưởng Nghiên cứu của Hội Đồng Châu Âu 2016 – làm việc tại CNRS (Pháp) từ năm 2010, kể lại đường đời của chính mình. Đối với nhà vật lý gốc Czech, lớn lên dưới chế độ cộng sản, Châu Âu về đa văn hóa, đa ngôn ngữ là một cơ may lớn. Ý định làm luận án tại Pháp và cuộc gặp bất ngờ với người chồng tương lai, một nhà vật lý lý thuyết gốc Ý yêu mến nước Pháp, đã thúc đẩy Lenka Zdeborova đến Paris. Giải thưởng của Hội Đồng Châu Âu cho phép nhà vật lý gốc Séc tuyển mộ một ê-kíp 7 người, với bốn quốc tịch Ý, Pháp, Đức và Bỉ. Đối với Lenka Zdeborova, sự đa dạng về nguồn gốc xuất thân địa lý, văn hóa, giáo dục, thậm chí cả gia tài về triết học, tâm linh của mỗi thành viên của cộng đồng khoa học là những điều vô cùng quý giá. Sự hòa hợp và hội tụ này chính là một thế mạnh của Châu Âu, khiến Châu Âu tiếp tục đóng một vai trò trung tâm trong đời sống khoa học quốc tế.
Liên Hiệp Châu Âu : Mô hình nhân loại vô cùng cần đến
Trong đóng góp mở đầu cho loạt bài một tháng trước kỳ tranh cử Nghị Viện Châu Âu, luật sư Daniel Soulez Larivière nhận xét : Liên Hiệp Châu Âu – với nền móng từ Hiệp ước Roma năm 1957 - là một kinh nghiệm hoàn toàn mới không chỉ với Châu Âu. Sự hình thành một liên minh tự nguyện giữa các quốc gia Châu Âu cũng chính là quá trình xây dựng và thử nghiệm lâu dài nhiều thiết chế mang tính liên bang "đầu tiên trên thế giới" giữa nhiều quốc gia (không kể kinh nghiệm quy mô nhỏ của Thụy Sĩ), với các ngôn ngữ khác nhau, với các truyền thống khác nhau. Với một nghị viện, một bộ máy hành pháp, một cơ quan tư pháp, Châu Âu gần như có đủ các thành tố của một Nhà nước Liên bang.
Liên Hiệp Châu Âu có thể là một mô hình cho một tổ chức toàn cầu mà nhân loại chúng ta đang vô cùng cần đến. Không có một định chế như vậy, luật sư Daniel Soulez Larivière dự báo "nhân loại sẽ tiêu vong". Bởi các thách thức toàn cầu hiện nay là vô cùng ghê gớm. Và cho dù, một bộ phận dân cư trên Trái đất có di cư được sang một hành tinh khác, thì họ cũng sẽ gặp phải cùng một loại vấn đề : Sai lầm sẽ lặp lại, nếu các giải pháp không được tìm ra ngay từ bây giờ, ngay trên Trái đất này.
Trọng Thành
Lãnh đạo nước Cộng Hòa Donesk tự phong, Alexander Zakharchenko, tại Donetsk, 11/8/2014. Reuters/Sergei Karpukhin/File Photo
Ai giết "tổng thống" Cộng hòa Donetsk tự phong Alexander Zakharchenko ?
Tất cả báo Pháp đều đặt câu hỏi này và về hệ quả sau vụ lãnh tụ Ukraine ly khai cuối cùng ở miền đông Ukraine bị ám sát bằng chất nổ trong một quán caphê cạnh "phủ tổng thống" Cộng hòa Nhân dân Donetsk hôm thứ sáu 31/08/2018.
Trước hết, Alexander Zakharchenko là nhân vật như thế nào ?
Theo Le Monde, Alexander Zakharchenko, 42 tuổi, không phải là thủ lĩnh phe ly khai đầu tiên bị ám sát. Từ khi miền đông Ukraine, với sự ủng hộ của Nga, tuyên bố ly khai vào mùa xuân 2014, ít nhất 15 thủ lĩnh quân sự và chính trị bị giết chết. Phe ly khai lên án "khủng bố" và "bọn phá hoại" người Ukraine. Moskva cũng gián tiếp cáo buộc Kiev giựt dây. Một trong những cận vệ của "tổng thống" quá cố biến mất. Biên giới với Nga và phần lãnh thổ còn lại của Ukraine đã được phong tỏa. Tuy nhiên, tại Kiev, Igor Gouskov, một trong những chỉ huy của tình báo (SBU) tuyên bố "vô can" : Alexander Zakharchenko là nạn nhân của tình trạng tranh giành quyền lợi nội bộ và của người bảo hộ Nga.
Báo chí Kiev, hồi tháng 6 năm nay, cho biết ngôi sao của thủ lĩnh phe ky khai đã mờ nhạt vì hậu thuẫn chính ở điện Kremlin là Vlasdilov Sourkov cũng bị hạ tầng công tác, bị Mỹ và Châu Âu trừng phạt như Alexander Zakharchenko. Cũng theo Le Monde, Alexander Zakharchenko, là một thủ lĩnh liều lĩnh, cứng rắn và thủ đoạn. Ông thành công trong việc loại hết những đối thủ có thế lực trong phe ly khai thân Nga kể cả đồng sự "tổng thống Cộng hòa Luhansk" vào tháng 11/2017.
Từ một thợ máy và tham gia vào một đường dây buôn lậu với Nga, Alexander Zakharchenko trở thành doanh nhân thân cận với cựu tổng thống (bị lật đổ) Viktor Yanukovitch, rồi trở thành thủ lĩnh quân sự đứng đầu một tiểu đoàn dân quân, chiếm được lòng tin của điện Kremlin, kiểm soát tất cả các nguồn thu nhập từ viện trợ kinh tế của Nga cho đến "tiền hoa hồng" của doanh nghiệp.
La Croix, cũng thiên về giả thuyết của giới quan sát cuộc chiến Ukraine, theo đó thủ lĩnh ly khai bị nội bộ thanh toán. Le Figaro, trích lời bình luận của một doanh nhân Donetsk cũng nghi ngờ đây là một vụ thanh toán nội bộ hoặc là một cuộc thanh trừng do Moskva chủ trương. Nhưng điều chắc chắn, theo ba nhật báo Pháp, tình hình bất ổn sẽ bất ổn thêm, thỏa thuận hòa bình ký năm 2015 tại Minsk khó có thể tồn tại.
Ống dẫn khí đốt gây căng thẳng ở Châu Âu
Dòng Bắc hải lưu số 2 bắt đầu được xây dựng để cung cấp khí đốt cho Châu Âu vào cuối năm 2019. Nhưng vì liên quan đến Ukraine, hồ sơ này gây căng thẳng giữa Nga và một số nước Liên Hiệp Châu Âu. Mỹ dọa sẽ không đứng ngoài.
Theo Les Echos, vào giữa mùa hè nắng cháy, và 8 năm sau dòng Bắc hải lưu số 1, đường ống dẫn khí đốt thứ hai vận chuyển khí đốt từ Nga cho Châu Âu, không qua Ukraine, bắt đầu được xây dựng. Một chiếc "bắc" của một công ty Ý khởi công đặt móng cho con đường 1.230 cây số dưới đáy biển : dự án trị giá 10 tỷ đôla của tập đoàn Nga Gazprom.
Tuy nhiên, nếu bốn nước Nga, Phần Lan, Thụy Điển và Đức cấp giấy phép thì Đan Mạch từ chối cho đi ngang qua lãnh hải. Hệ quả là đường ống phải dài hơn. Dự án cung cấp nhiên liệu cho 26 triệu hộ gia đình trên thực tế không phải nước nào cũng ủng hộ. Đức và Áo rất muốn dòng Bắc lưu số hai, nhưng Ý chống lại, Pháp không ý kiến, có lẽ để trao đổi gì đó với Đức. Bruxelles cũng có ý riêng : khối lượng khí đốt, 77 tỷ mét khối, từ Nga chuyển đến Châu Âu trong năm 2017, đã giúp cho Ukraine thu được 3 tỷ đôla tiền thuế trung chuyển. Với hệ thống thứ hai, và nếu nhu cầu tiêu thụ của Châu Âu không tăng, thì Ukraine không có đồng nào, theo nhận định của một chuyên gia. Ủy Ban Châu Âu muốn Ukraine có tiền cho ngân sách, thu của Gazprom, thay vì lấy từ ngân sách viện trợ của Bruxelles.
Hoa Kỳ cũng đang "phục kích". Theo Les Echos, Quốc hội Mỹ sẽ chụp lấy dòng Bắc hải lưu số 2 để bài Nga còn Donald Trump sẽ chụp cơ hội này để làm khó chính phủ Đức, bị chỉ trích là không đóng góp nhiều cho NATO và không ưu tiên mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ.
Trung Quốc muốn nhạc "rap" khen đảng
Thời sự Châu Á nổi bật nhất là chuyến công du Israel của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Le Figaro quan tâm bởi vị tổng thống thích cường điệu này buộc phải xin lỗi quốc gia Do Thái từng bị ông đụng chạm cách nay hai năm với lời so sánh : Hitler giết "3 triệu" người Do Thái, nếu Philippines có 3 triệu con nghiện ma túy thì tôi cũng rất sung sướng giết hết. Thực ra thì thủ tướng Israel không quên ơn tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vì trong thời gian qua, ở Liên Hiệp Quốc, Manila nhiều lần không bỏ phiếu bất lợi cho Israel.
Trung Quốc muốn nhạc "rap" không vượt ra khỏi chủ trương của đảng cộng sản : cấm nhạc sĩ, ca sĩ xâm mình, bắt buộc trong lời ca phải tôn vinh đảng. Theo phóng sự của nhật báo cánh tả Libération, nhạc "rap" và các ban nhạc "rap" ở Trung Quốc bị kiểm duyệt làm phong trào "mất trớn". Năm 2017 là năm vàng son.
Chương tình China Has Hip Hop "tài năng mới" thành công vượt mức với 100 triệu khán giả xem trực tuyến hôm đầu tiên và 2,94 tỷ lượt người xem trong tháng tranh tài. Thế nhưng những lời lẽ của ban nhạc chiến thắng là PG One ở Hắc Long Giang như "bột trắng trên bàn" hay là "đây là tiền mặt quà cho bạn" không làm cho đảng cộng sản bằng lòng. Nhạc "rap" bị phê bình là tuyên truyền cho "văn hóa đồi trụy" phương tây, ban nhạc PG One "dẹp tiệm". Một ban nhạc khác ở Tứ Xuyên "nối nghiệp", nhưng chấp nhận tự kiểm duyệt "thích nghi với thời đại, với Đảng".
Đĩa nhạc "Đây là Trung Quốc", do đảng cộng sản bảo trợ biến ban nhạc "CD Rew" thành phát ngôn viên cho các chính sách "lợi ích" của chính quyền. Lời dịch sang tiếng Anh cũng được thu để "tác động" đến công luận quốc tế. Libération kết luận hóm hỉnh : không phải giới lãnh đạo Bắc Kinh chướng tai vì nhạc "rap", mà chính là "những giá trị bị xem là đồi trụy" của Tây phương làm họ khó chịu.
Brazil trước tương lai bất định
Lula bị bác đơn ứng cử, chính trường tái phối trí. Còn năm tuần là đến bầu cử tổng thống tại Brazil. Đảng Người Lao động phải đề cử một ứng cử viên mới gần như vô danh, vì cựu tổng thống Lula ngồi tù và bị bác đơn tranh cử. Theo Le Figaro, cánh tả Brazil đã trù liệu giải pháp B, còn nước còn tát dùng uy tín của Lula để giúp cho nhân vật mới Haddad cơ may vào được vòng hai. Khẩu hiệu "Lula là Haddad, Haddad là Lula" đánh cược vào tâm lý "hoài cổ" của một phần công luận mà theo thăm dò ý kiến, vẫn còn 39% ủng hộ cựu tổng thống cho dù tai tiếng tham ô. Còn theo Le Monde, ứng cử viên mới của cánh tả có ít nhiều cơ may chiến thắng, nếu chinh phục được cử tri cánh trung với diễn văn ôn hòa chừng mực.
Trái đất có thể hồi sinh, nhưng loài người thì không
Trong hồ sơ môi trường, Le Monde dành nhiều trang để mở đầu loạt phóng sự "7 vùng bị ô nhiễm vĩnh viễn" trên địa cầu : Dấu hiệu một hành tinh không sự sống.
Trong phần mở đầu, hai sử gia lịch sử khoa học phát họa diễn tiến của tệ nạn con người gây ô nhiễm từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. Thoạt đầu, những phát minh công nghệ mới gây hưng phấn. Đời sống được cải thiện, mức sống lên cao nhưng không ai ngờ là những hóa chất, những hợp chất mang lại tiện nghi từ quần áo, giày dép là những hàng hóa cơ bản nhất cho đến thuốc diệt cỏ trừ sâu, thực sự là chất độc hoặc thải ra chất độc trong quá trình điều chế. Tiếp theo đó dã tâm che giấu sự thật cúa giới doanh nghiệp với sự tiếp tay của một số khoa học gia bị mua chuộc, giới luật sư chỉ biết có tiền… đã làm cho tình hình nghiêm trọng thêm mà nạn nhân đầu tiên là các thành phố nghèo của người Mỹ da đen, theo bài phóng sự đầu tiên của Le Monde. Nhật báo độc lập trong các số tới sẽ đưa độc giả đến nhiều nước khác.
Tựu trường năm nay có gì lạ ?
Tại Pháp, hôm nay 12 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 đi học trở lại sau hai tháng nghỉ hè. Báo chí khen chê chính phủ :
La Croix hoan nghênh chương trình mới, học sinh tiểu học phải viết chính tả mỗi ngày : đó là bài tập xưa nhất có tương lai hứa hẹn nhất, bởi vì cho phép học sinh đạt được khả năng viết đúng một cách tự nhiên và thói quen đọc lại mỗi khi làm bài.
Trái lại Libération "lật tẩy" chính phủ : bên cạnh chính tả, bộ giáo dục cũng nói đến biện pháp "khảo sát" trình độ học sinh thường xuyên. Nghe qua thì lý tưởng, nhưng ngay trước tựu trường, bộ trưởng giáo dục nói đến "tưởng thưởng giáo chức xứng đáng". Tờ báo đặt câu hỏi : phải chăng khảo sát trình độ học sinh là một cách để khảo sát khả năng giáo viên ?
Tú Anh
Nga chỉ trích Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine (RFI, 24/12/2017)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 23/12/2017 kêu gọi các bên ở Ukraine thi hành các hiệp định Minsk càng sớm càng tốt, vào lúc một lệnh hưu chiến mới nhân dịp lễ bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm thứ Bảy. Trong khi đó, Nga lên án Hoa Kỳ cổ vũ cho xung đột, sau khi Washington loan báo tăng cường khả năng phòng thủ cho Kiev.
Lính Ukraine tại vùng Donetsk. Ảnh minh họa. OLEKSANDR RATUSHNIAK / AFP
Từ Moskva, thông tín viên RFI Etienne Bouche cho biết thêm chi tiết :
"Đối với ông Serguei Riabkov, một lằn ranh đã bị vượt qua. Trong thông cáo đưa ra hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Nga tố cáo Hoa Kỳ kích động hận thù tại Ukraine. Nhà ngoại giao này phản ứng lại trước việc Mỹ loan báo viện trợ quân sự cho Nhà nước Ukraine.
Washington khẳng định việ trợ đó là nhằm giúp cho Kiev bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, còn quan điểm của Moskva hoàn toàn trái ngược. Ông Serguei Riabkov tuyên bố : "Những người muốn trả thù ở Kiev không chịu thương lượng hòa bình, mơ xóa sổ những người dân bất khuất. Và Hoa Kỳ lại quyết định trao cho Kiev để làm điều đó".
Theo phía Nga, quyết định này đã phá hoại việc thực hiện hiệp định Minsk, được thương thảo trong năm 2015, với Pháp và Đức đóng vai trò trung gian hòa giải.
Nhưng Nga lại bị Ukraine và các đồng minh phương Tây lên án là đã yểm trợ quân sự cho phe đòi độc lập ở Donbass, điều mà Moskva luôn bác bỏ. Trong cuộc xung đột này, điện Kremlin muốn tổ chức đàm phán trực tiếp giữa chính quyền Ukraine và chính quyền vùng Donbass - vốn không được quốc tế nhìn nhận".
Thụy My
******************
Merkel, Macron : không có giải pháp nào khác về đông Ukraine (VOA, 23/12/2017)
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các bên dính líu vào các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn đang ngày càng tăng ở Đông Ukraine hãy thực hiện các quyết định mà họ đã đồng ý càng sớm càng tốt.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel tại một hội nghị của EU mới đây ở Brussels.
Các quan chức Ukraine, các nhân viên giám sát an ninh, và các bên nước ngoài hậu thuẫn cho Kiev đã cảnh báo hôm 20/12 rằng quyết định của Moscow rút khỏi một nhóm kiểm soát ngừng bắn Ukraine-Nga có thể làm tồi tệ thêm cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Hai ông bà Macron và Merkel nói trong tuyên bố của họ rằng không có gì thay thế cho một giải pháp hòa bình duy nhất và kêu gọi các sĩ quan Nga quay lại với Trung tâm Kiểm soát và Điều phối Chung. Nga đã cáo buộc phía Ukraine cản trở công việc của họ và hạn chế việc tiếp cận tiền tuyến.
"Trước tình hình an ninh bấp bênh, họ [các lãnh đạo Pháp, Đức] yêu cầu các bên có các biện pháp tức thời và kiểm chứng được để khắc phục tình trạng này", tuyên bố của ông Macron và bà Merkel viết.
"Cần phải thực hiện các thoả thuận về ngừng giao chiến và rút vũ khí hạng nặng về phía sau các ranh giới rút quân đã được thoả thuận, rút xe tăng, pháo binh và súng cối về các vị trí kho bãi đã được thống nhất".
"Các khía cạnh khác của các hiệp định Minsk, như việc rút quân nước ngoài hoặc trả lại quyền kiểm soát biên giới Nga-Ukraine, cũng cần được giải quyết một cách nghiêm túc".
Chiến sự ở miền đông Ukraine đã leo thang đến mức tồi tệ nhất trong nhiều tháng, các quan chức giám sát cuộc xung đột cho biết hôm 19/12.
********************
Mỹ gia tăng trợ giúp Ukraine vũ khí tự vệ (RFI, 23/12/2017)
Hôm 22/12/2017, chính phủ Mỹ thông báo sẽ tăng cường cung cấp phương tiện để giúp Kiev "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ", trong bối cảnh quan hệ phương Tây và Nga tiếp tục căng thẳng trong hồ sơ Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tham dự một cuộc trưng bày xe quân sự trước ngày Quốc Khánh, Kiev, 23/08/2017. Reuters/Gleb Garanich
AFP dẫn thông báo của người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ, Heather Nauert, theo đó : "Hoa Kỳ đã quyết định cung cấp cho Ukraine nhiều phương tiện phòng vệ hiệu quả hơn (…) để giúp Ukraine xây dựng nền quốc phòng về dài hạn, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại mọi can thiệp trong tương lai". Phát ngôn viên Mỹ cũng nhấn mạnh : "các trợ giúp của Mỹ hoàn toàn mang tính phòng thủ". Theo kênh truyền thông ABC, Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm cho Kiev nhiều tên lửa chống tăng tân tiến.
Washington đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của các thỏa thuận Minsk, có mục tiêu lập lại hòa bình tại miền đông Ukraine, hiện một phần do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Hồi đầu tháng 12, Hoa Kỳ cảnh báo Moskva : bất đồng sâu sắc về cuộc khủng hoảng Ukraine gây "trở ngại cho mọi nỗ lực bình thường hóa" quan hệ giữa hai nước, vốn được coi là xấu nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Hôm nay, sau thông báo nói trên, Moskva tố cáo ý đồ của Washington hậu thuẫn cho "một cuộc tắm máu mới" tại miền đông Ukraine. Một thứ trưởng ngoại giao Nga ra thông cáo, lên án việc "những kẻ thù hận Kiev đang bắn phá hàng ngày tại vùng Donbass, họ không muốn thương thuyết hòa bình, và chỉ mơ tưởng đến việc tiêu diệt toàn bộ những ai không vâng lời".
Liên Âu triển hạn trừng phạt
Thông báo gia tăng hỗ trợ quốc phòng của Mỹ cho Ukraine được đưa ra đúng một ngày sau khi Liên Hiệp Châu Âu quyết định kéo dài, thêm sáu tháng, các trừng phạt kinh tế nặng nề đang nhắm vào Nga. Moskva bị cáo buộc can thiệp vào Ukraine, ủng hộ phe ly khai từ hơn 3 năm nay.
Trong một thông điệp về gia tăng trừng phạt nói trên, Liên Hiệp Châu Âu lấy làm tiếc là các thỏa thuận Minsk, mà Nga là một bên tham gia, đã "không được tôn trọng đầy đủ". Người phát ngôn Liên Âu nhấn mạnh là kể từ tháng 2/2017, tình hình an ninh tại miền đông Ukraine càng trở nên tồi tệ hơn, với nhiều vụ vi phạm lệnh ngừng bắn.
Việc Nga thông báo rút người khỏi một trạm kiểm soát đa phương, hồi đầu tuần qua, cũng bị lên án khiến cho tình hình xấu đi hơn nữa. Kiev lo ngại, phe ly khai thân Nga chuẩn bị một đợt phản công mới.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm thứ Năm, 21/12, trong năm 2017, mỗi ngày có một em nhỏ Ukraine là nạn nhân của chiến sự tại miền đông. Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, mạng sống của hai trăm nghìn em bị đe dọa, khi buộc phải sống tại một trong những khu vực được coi là nhiều bom mìn nhất thế giới.
Nga lên án Chiến Lược An Ninh quốc gia mới của Mỹ
Vẫn về quan hệ Nga – Mỹ, theo AFP, hôm qua, trong một cuộc họp với các giới chức quân đội, được truyền hình trực tiếp, tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án tính chất "gây hấn" của Chiến Lược An Ninh quốc gia mới của Washington, vừa được công bố hồi đầu tuần. Lãnh đạo Nga cũng tố cáo Mỹ "vi phạm" thỏa thuận Mỹ-Xô hồi 1987 về các lực lượng hạt nhân tầm trung (FNI), đe dọa an ninh "tại Châu Âu và trên toàn cầu".
Ông Putin khẳng định lực lượng hạt nhân răn đe của Nga hiện tại là đáng tin cậy, nhưng cần được tăng cường. Chiến lược quân sự của Moskva sắp tới sẽ là tập trung phát triển các vũ khí "có độ chính xác cao… cùng với các hệ thống tình báo và thông tin hiện đại hơn", để Nga tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu.
Trọng Thành
Ukraine tiếp tục thanh toán di sản Liên Xô
Với tựa đề : "Ukraine vĩnh biệt Lênin", nhật báo Công giáo La Croix ghi lại một thực tế đang diễn ra ở đất nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ, đó là việc chính quyền ra đời từ sau cuộc cách mạng Maidan đang muốn xóa đi ký ức về Liên Xô, bắt đầu là từ hình ảnh của Lênin, cha đẻ ra cuộc cách mạng Nga tháng 10/1917 dẫn đến hình thành Liên Bang Xô Viết.
Tượng Vladimir Lenine bị những người biểu tình thân Ukraine lật đổ ở thành phố phía đông Kharkiv ngày 28/09/2014. Reuters/Stringer
Tác giả bài viết ghi nhận : "Ở Ukraine Lênin đã rơi khỏi bệ. Những bức tượng bán thân, đầu, thân bằng đồng, sắt, đá hay thạch cao của nhà cách mạng đã bị cơn gió của một cuộc cách mạng khác cuốn đi, đó là cuộc cách mạng Maidan (2013-2014)". Từ các thành phố đến vùng nông thôn, các cơ quan chính quyền mới thân Châu Âu đang xóa đi các biểu tượng của ký ức Liên Xô sau khi thông qua bộ luật về ký ức hồi tháng 4/2015. Chính sách phi cộng sản đã hạ 1.500 bức tượng Lênin và đặt tên lại 22.000 đường phố. Một chương trình được tiến hành rầm rộ, nhưng không diễn ra nhẹ nhàng.
Tác giả bài phóng sự của La Croix đưa độc giả đến Korji, một làng nhỏ cách thủ đô Kiev 80 km. Dân làng nơi đây cũng là những người ái quốc không kém những người Ukraine khác. Họ nói tiếng Ukraine thường ngày, quyên góp tiền ủng hộ các binh sĩ đang chiến đấu ở miền Đông chống lại phe ly khai thân Nga. Tuy nhiên khi luật phi cộng sản được thông qua, việc hạ tượng Lênin đã gây chia rẽ trong người dân. Dân làng đã quyết định cứu bức tượng Lênin bán thân bằng sắt duy nhất ở địa phương ra khỏi bãi rác bằng cách sơn lại bức tượng bằng màu vàng và xanh, màu cờ Ukraine. Họ muốn bán lại bức tượng Lênin để lấy tiền hoàn thiện ngôi nhà thờ của xã với cái giá 10 nghìn euro. Nhưng đến giờ vẫn chưa có ai hỏi mua.
Trở lại Kiev, tác giả bài viết gặp giám đốc viện Ký Ức Quốc Gia trong văn phòng làm việc từng là tổng hành dinh của Tcheka, cơ quan an ninh chính trị của cách mạng Bolsevik. Tại đó ông Volodymyr Viatrovitch chỉ đạo tiến trình phi công sản ở Ukraine. Ông nhận định : "Nhiều nước đã rũ bỏ hết, từ tội ác Lênin cho đến phá bỏ bức tường (Berlin), hãy xem chúng tôi giờ đang ở đâu. Ở miền Đông, những phần tử ly khai thân Nga đang bảo vệ bản sắc Xô Viết. Phi cộng sản là vấn đề an ninh đất nước".
Sau tượng Lênin, theo bài viết, mục tiêu sắp tới của tiến trình phi cộng sản đó là các biểu tượng búa liềm trên đại lộ Viktor ở Kiev. Đây cũng không phải là vấn đề được nhất trí hoàn toàn. Vẫn còn có người nhận thấy đó không phải là cách tốt nhất để hòa hợp dân tộc trong lúc người Ukraine đang chia rẽ.
"Lênin cũng hung bạo như Stalin ?"
Đó là tiêu đề bài viết ngắn cùng chủ đề của La Croix. Bài viết ngược dòng lịch sử với nhận định : "Cuộc cách mạng Bolsevik chiến thắng trong máu và trong một cuộc nội chiến kinh hoàng". Theo tác giả bài viết, dưới cái nhìn của Lênin, cần phải tước bỏ vũ khí của tất cả những bộ phận xã hội chống lại cải cách, đó là : Nhà thờ, giới quý tộc, những người nông dân ngang bướng, giới tư sản và những người Xã Hội-Dân Chủ…. Để làm được việc đó, Lênin sẵn sàng dùng các biện pháp như hành quyết hàng loạt, bắt đi đày vào các trại tập trung. Cuộc nội chiến tiếp theo sau khi những người Bolsevik lên nắm quyền tháng 11/1917 là một chiến trường đầy bạo lực kinh hoàng của tất cả các bên tham chiến.
Theo đánh giá của nhà sử học, François-Xavier Néard, được bài báo trích dẫn : "Bạo lực theo kiểu Lênin hướng ra vòng ngoài, những người chống chế độ Bolsevik. Bạo lực của Stalin lại là vô lối và nhằm vào tứ hướng để trở thành một hệ thống quản lý xã hội. Khi Stalin phát động cuộc đại thanh trừng (1936-1938) gây ra gần một triệu nạn nhân, ông ta không hề có kẻ thù thực sự hay cụ thể trước mặt".
Pháp : Luật lao động, cải cách gây nhiều chú ý
Ngày 31/08/2017, chính phủ Pháp công bố 5 nội dung cải cách luật lao động bằng sắc lệnh, một hồ sơ nóng liên quan trực tiếp đến nền kinh tế nói chung cũng như công ăn việc làm, đời sống người lao động Pháp. Sự kiện này đã được dư luận Pháp mong đợi từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron và đây cũng là một trong những lời hứa tranh cử quan trọng của ông. Bởi thế mà cải cách luật lao động là chủ đề phủ kín các trang báo Pháp hôm nay. Hầu hết các báo đều dành dung lượng lớn để khai thác mổ xẻ nội dung cải cách luật lao động với các ý kiến ủng hộ và chống, những cái được và mất của người lao động, của các doanh nghiệp.
Điểm qua những hàng tựa lớn trang nhất của một số tờ báo, ta thấy : "Việc làm : Cuộc cải cách làm thay đổi ván bài", tựa của Le Figaro. Trong khi đó Libération, một tờ báo có xu hướng thiên tả thì ghi nhận nội dung cải cách lần này mang lợi nhiều cho giới chủ. Trang nhất của tờ báo đăng hình lớn chủ tịch nghiệp đoàn giới chủ bắt tay tổng thống Macron cùng hàng tựa : Luật lao động : "Cảm ơn Macron". Libération tập trung chủ yếu vào phản ứng của các công đoàn vẫn coi nội dung cải cách luật nhằm chiều lòng giới chủ.
Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : Luật lao động : "Chìa khóa của một cuộc cải cách lớn". Nhật báo công giáo La Croix cũng ghi nhận bằng hàng tựa trang nhất : "Lao động : những động lực của một cuộc cải cách". Tờ báo nhận định, các nội dung cải cách luật lao động bằng sắc lệnh vừa thông báo tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quyền lợi của người lao động và công ăn việc làm sẽ đến theo sau những phát triển của các doanh nghiệp. Tờ báo nhận định, nhìn chung những nội dung cải cách là giúp luật lao động trở nên linh hoạt hơn.
Đàm phán Brexit vẫn trong ngõ cụt
Về thời sự nổi cộm của Châu Âu. Nhật báo Le Figaro chú ý đến tiến trình ly dị giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu với bài "Các cuộc đàm phán về Brexit sa lầy".
Tờ báo ghi nhận đảo quốc Anh và Liên Âu lục địa đã kết thúc vòng 3 của cuộc thảo luận để chia tay nhau, nhưng không đạt được một tiến bộ quyết định nào. Trong khi đó, thời điểm ấn định cho cuộc chia tay là ngày 29/03/2019. Đến giờ đã qua 3 vòng đàm phán, nhưng "mỗi bên vẫn cứ tố cáo nhau là phủ nhận thực tế và giữ cho mình các lá bài trước khi đến thời điểm sự thật dự kiến vào giữa tháng 10 tới (Thượng đỉnh thường niên Liên Hiệp Châu Âu)".
Trưởng đoàn đàm phán của Châu Âu, ông Michel Barnier khẳng định, vòng đàm phán kéo dài 4 ngày vừa qua, không thu được tiến bộ quyết định nào. Còn đại diện của nước Anh, ông David Davis thì cho biết, các cuộc trao đổi đã diễn ra "rất căng thẳng" và "khó khăn kinh khủng", nhất là trên các khoản nợ tồn đọng mà Liên Hiệp Châu Âu muốn Luân Đôn phải thanh toán, ước chừng từ 50 đến 100 tỷ euro. Thời điểm ấn định cho cuộc ra đi chính thức của nước Anh, ngày 29/03/2019 không phải là quá xa. Tại cuộc gặp Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu thường kỳ vào ngày 19/10, hai bên hy vọng sẽ ấn định được các quy định để chuyển qua bước mới cho cuộc ly dị. Đó là mối quan hệ thương mại hậu Brexit giữa Anh Quốc và Châu Âu.
Với tiến trình đàm phán như hiện nay, những người trong cuộc đều nhận thấy khó có thể lịch trình chia tay sẽ được bảo đảm. Tóm lại, theo Le Figaro, không một bên nào thấy được lối ra cho cuộc ly dị đầy toan tính vào lúc này.
Bảo hộ mậu dịch : Tổng thống Mỹ dọa dẫm và đàm phán
Chuyển qua bên kia bờ Đại Tây Dương, báo chí Pháp tiếp tục dành sự chú ý đến vụ thiên tai lớn ở bang Texas. Tuy nhiên chủ đề được nhật báo Le Monde quan tâm là các động thái của chính quyền Trump với hồ sơ kinh tế đối ngoại.
Theo Le Monde, "tiếp theo các hứa hẹn trong tranh cử của ông Donald Trump, giờ là lúc chuyển qua hành động. Tổng thống Mỹ, trong mùa hè này đã tấn công vào hai hồ sơ thương mại lớn : Đàm phán lại Thỏa thuận tự do trao đổi Bắc Mỹ (Alena) với Canada và Mexico mà vòng hai của cuộc đàm phán mở ra hôm nay (01/09). Bên cạnh đó, là mở điều tra về những nghi ngờ Trung Quốc cưỡng đoạt sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ qua đòi hỏi chuyển giao công nghệ để đổi lại việc được cắm chân vào thị trường Trung Quốc".
Le Monde nhận thấy trên hai hồ sơ Trung Quốc và Alena : "Trump đe dọa nhưng vẫn phải đàm phán". Đã không ít lần tổng thống Mỹ, dọa đơn phương dẹp bỏ Thỏa thuận Alena hay đánh thuế nặng vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng cuối cùng Hoa Kỳ vẫn cứ phải ngồi vào đàm phán với các đối tác khó chịu của tổng thống Trump. Bởi trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, Hoa Kỳ dù có là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cũng không thể hành động đơn phương mà không có sự đáp trả lại tương tự.
Mỹ : Donald Trump vẫn còn rất đông fan
Le Figaro có bài viết với tựa đề đáng chú ý : "Các fan của Trump vẫn luôn ở bên ông". Theo Le Figaro, mặc dù gây ra không ít tranh cãi, chỉ trích từ khi lên lãnh đạo nước Mỹ, tổng thống Trump không bị mất đi sự ủng hộ của các cử tri cơ sở.
Le Figaro nhận thấy, "khi xem phần lớn các kênh truyền hình Mỹ từ Washington, người ta có cảm giác chính quyền Trump đang sắp chết chìm trong những vụ lùm xùm. Thế nhưng thực tế tại các tiểu bang từng bỏ phiếu cho ông Trump, những cử tri ủng hộ ông vẫn còn rất đông" . Tờ báo trích dẫn khá nhiều ý kiến của người dân bênh vực bảo vệ ông trước các chuyện lùm xùm xung quanh các phát ngôn của ông từng bị báo chí Mỹ không ngớt lời lên án, bêu riếu.
Thế nhưng không ít cử tri hoàn toàn tin rằng những lời mắng nhiếc của tổng thống Trump đối với giới báo chí gần đây là hoàn toàn đúng. Tờ báo dẫn một người dân nói, nếu ngày mai ông Trump ra tái cử tổng thống, ông ta không ngần ngại bỏ phiếu cho Donald Trump. Le Figaro cho biết : ở thành phố Orange thuộc bang Virginia, gần 75% cử tri của đảng Cộng Hòa vẫn ủng hộ tổng thống.
Bóng đá Pháp : Thế hệ trẻ thể hiện
Một tin thể thao mà tất cả các báo Pháp hôm nay đều hân hoan đăng tải. Đó là chiến thắng đậm đà 4-0 của đội tuyển quốc gia bóng đá Pháp tối qua trước đội tuyển Hà Lan trong khuôn khổ vòng loại khu vực Châu Âu cho Cúp bóng đá Thế giới 2018.
Các báo đều chạy những tít lớn bằng những câu cảm thán hoan hỉ : "Một buổi tối trong mơ", tựa của nhật báo Le Parisien. Báo thể thao L’Equipe thì ngắn gọn "Huy hoàng !". Các báo đều đồng thanh ghi nhận màn trình diễn của các cầu thủ Pháp, đặc biệt là lớp cầu thủ trẻ, là rất thuyết phục, đẹp mắt và đem lại những hy vọng cho người hâm mộ Pháp. Đội tuyển Pháp đang tiến gần đến chiếc vé đi dự vòng chung kết Cúp Thế giới 2018 tại Nga.
Anh Vũ
Sau Liên Hiệp Châu Âu, đến lượt Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, hôm qua, 01/02/2017, kêu gọi "các bên tôn trọng lệnh ngưng bắn" và yêu cầu Moskva gây áp lực với phe nổi dậy để chấm dứt bạo động ở biên giới đông Ukraine. Từ đầu tuần, chiến sự gia tăng đã làm 19 người thiệt mạng tại thị trấn Avdiyvka.
Xe của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu ( OSCE ) và xe tăng tại thành phố Avdiyvka, Ukraine, ngày 01/02/2017. Reuters
Về phía Moskva, đêm hôm qua rạng sáng hôm nay, bộ Quốc Phòng Nga đã triệu đại diện quân sự Ukraine để phản đối việc máy bay Ukraine bay ngang qua không phận ngoài khơi bán đảo Crimea. Đây là nơi có nhiều cơ sở dầu khí của Nga. Bộ Quốc Phòng Nga coi việc máy bay dân sự của Ukraine bay ngang qua khu vực này là mối "đe dọa đối với an ninh của các cơ sở và nhân viên" làm việc cho ngành dầu khí của Nga.
Sự kiện nói trên xảy ra trong bối cảnh từ Chủ Nhật 29/01/2017 xung đột gia tăng giữa phe nổi dậy Ukraine thân Nga và quân đội trung thành với chính quyền Kiev. Moskva và Kiev quy trách nhiệm lẫn nhau về việc không tôn trọng lệnh ngưng bắn.
Thông tín viên Muriel Pomponne từ Moskva cho biết thêm :
"Moskva bác bỏ kết luận từ các báo cáo viên Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE, lên án chính quyền tự xưng là nước Cộng Hòa Donbass và Nga đẩy chiến sự leo thang trong vùng Donbass. Phát ngôn viên phủ tổng thống Nga cho rằng, chính quân đội Ukraine và một số các đơn vị tự nguyện mới là những thành phần đã khiêu khích. Theo ông Dmitri Peskov chính thứ trưởng Quốc Phòng Ukraine mới là người đã ‘mở chiến dịch tấn công’ khi tuyên bố : ‘Lính Ukraine đã oai hùng tiến bước trên từng tấc đất’.
Cố vấn tổng thống Nga, ông Iouri Ouchakov, thì cho rằng Kiev muốn thăm dò về ý định của chính quyền mới ở Washington xem Mỹ có sẵn sàng ủng hộ những quyết định quá đà của quân đội Ukraine nữa hay không. Vẫn theo nhân vật này, có thể là chính quyền Kiev muốn nhân cơ hội này đả xé rào ra khỏi thỏa thuận Minsk.
Trong bối cảnh đó, điện Kremlin cho rằng các bên lại càng cần nhanh chóng nối lại đối thoại về hồ sơ Ukraine và hợp tác Nga-Mỹ là cần thiết. Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump đã đề cập đến Ukraine trong cuộc điện đàm đầu tiên hôm thứ bảy vừa qua, nhưng hai bên đã không đi sâu vào chi tiết".
Thanh Hà
****************
Romania : Biểu tình phản đối việc giảm nhẹ trừng phạt tội tham nhũng (RFI, 02/02/2017)
Quang cảnh cuộc biểu tình tại Quảng trường Thắng Lợi, Bucarest, 01/02/2017. Reuters
Hôm qua, 01/02/2017, tại Romania, hàng trăm ngàn người đã xuống đường phản đối một nghị định của chính phủ giảm nhẹ các trừng phạt đối với một số tội danh như tham nhũng, lạm dụng quyền lực.
Theo Reuters, người biểu tình tố cáo sự thụt lùi về tư pháp chưa từng thấy kể từ khi Romania gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Riêng tại thủ đô Bucarest, khoảng 100 đến 150 ngàn người đã tập hợp trước trụ sở chính phủ để phản đối. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Romania năm 1989.
Từ Bucarest, thông tín viên RFI Benjamin Ribout gửi về bài tường trình :
"Người biểu tình hừng hực khí thế tụ tập trước trụ sở chính phủ, ở quảng trường Thắng Lợi, thủ đô Bucarest, để bày tỏ sự chán ngán của họ. Nghị định phi hình sự hóa các tội danh tham nhũng, mà chính phủ xã hội -dân chủ thông qua cách nay hai ngày, đã làm dấy lên làn sóng công phẫn.
Một người biểu tình nói : Tôi nghĩ là mọi người cần ở lại trên đường phố để tiếp tục phản đối. Nếu không, chính phủ, nghị viện và các định chế sẽ dần dần sụp đổ, kể cả Tòa Bảo Hiến. Cần phải liên tục cảnh giác để bảo vệ quyền tự do.
Đến 22g30, tình hình xấu đi. Một số người biểu tình quá bực bội bắt đầu ném gạch đá, pháo, chai lọ vào cảnh sát. Lực lượng an ninh đáp trả, bắn lựu đạn khói và dần dần chiếm lại quảng trường Thắng Lợi.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người biểu tình đều ủng hộ bạo lực. Một người biểu tình nói : Cần phải tuân thủ các biện pháp hợp pháp, không nên dùng bạo lực. Giải pháp là phải minh bạch và sử dụng các biện pháp hợp pháp. Nếu dùng lựu đạn khói và kích động hận thù thì sẽ không giải quyết được việc gì cả. Những hành động này chỉ làm hạ thấp ý nghĩa cuộc biểu tình.
Tổng thống Klauss Iohannis, thuộc phe trung-hữu, đã đề nghị Tòa Bảo Hiến cho ý kiến trước khi nghị định của chính phủ có hiệu lực trong 8 ngày nữa.
Trước áp lực của làn sóng biểu tình, không chắc là chính phủ chấp nhận rủi ro kéo dài cuộc đọ sức".
Thanh Hà
Một quân nổi dậy thân Nga canh gác địa điểm chuyến bay MH17 bị rơi gần Hrabove tại vùng Donetsk ở Ukraine, hôm 18/07/2014. REUTERS/Maxim Zmeyev
Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 16/01/2017 cho biết là đã kiện Nga ra trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice – ICJ) ở La Haye (Hà Lan) về các tội vi phạm các công ước quốc tế về việc chống khủng bố và chống phân biệt chủng tộc.
Trong một tuyên bố chính thức, Ukraine xác nhận là đơn kiện đã được đệ trình theo chỉ thị của Tổng thống Petro Porochenko, theo đó việc Nga chiếm đóng vùng Donbass, và bán đảo Crimea, cũng như tiến hành chính sách phân biệt chủng tộc trên bán đảo này đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo Ukraine, Nga đã vi phạm Công Ước quốc tế về chống tài trợ khủng bố "thông qua việc cung cấp vũ khí và các phương tiện khác cho các nhóm vũ trang bất hợp pháp tiến hành một số hành vi khủng bố trên lãnh thổ Ukraine.
Đơn kiện liệt kê một số vụ như " tai nạn máy bay Malaysia Airlines MH17, bắn phá các khu dân cư của Mariopol và Kramatorsk, phá hủy các xe buýt chở khách dân sự gần Volnovakha và vụ nổ chết người tại Kharkov".
Phía Nga dĩ nhiên là đã phủ nhận mọi cáo buộc, nhắc lại rằng Moskva không phải là một bên lâm chiến ở Ukraine, cũng không hề dính líu đến các sự kiện ở miền đông nam Ukraine Donbass.
Trọng Nghĩa