Ukraine tự tin chuẩn bị thời hậu chiến, Nga bắt đầu lao đao vì cấm vận
Tình hình Ukraine tiếp tục là đề tài được các báo đề cập nhiều hôm nay. Le Figaro nhận thấy "Tin tưởng vào chiến thắng chung cuộc, người Ukraine đã nghĩ đến thời hậu chiến". Trong khi đó Les Echos ghi nhận biện pháp cấm vận dầu lửa của Châu Âu bắt đầu có tác động rõ rệt lên nền kinh tế Nga.
Một khu nhà bị phá hủy ở Mariupol, thành phố của Ukraine đang bị Nga kiểm soát. Ảnh chụp ngày16/03/2023 Reuters – Alexander Ermochenko
Không còn sợ, kể cả vũ khí nguyên tử
Họp lại lần thứ hai kể từ đầu cuộc chiến, Diễn đàn Pháp-Ukraine do IFRI và New Europe Center (NEC) của Kiev đồng tổ chức, phía Ukraine đã nhắm đến hai mục tiêu tái thiết và tham gia vào thế giới phương Tây. Le Figaro dẫn lời Aliona Getmanchuk, giám đốc NEC ? tóm tắt quyết tâm của xã hội dân sự Ukraine : "Chúng tôi không còn sợ gì nữa, ngay cả việc Nga dùng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật ! Đối với người Ukraine, thà chịu đựng hỏa tiễn Nga còn hơn bị Moskva chiếm đóng".
Người dân càng thêm kiên quyết trước sự chiến đấu anh dũng của những người lính, đã chống cự được những đợt tấn công dữ dội của Nga ở Bakhmut. Nay họ chờ đợi chi viện của phương Tây để tung ra những đợt phản công lớn. Một số xe tăng đã được đưa đến, các phi công Ukraine được huấn luyện tại nhiều nước phương Tây. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) vẫn hỗ trợ mạnh mẽ.
Về đạn dược, Les Echos cho biết Châu Âu đang chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp để giúp Ukraine. Kiev đề nghị cung cấp 250.000 quả đạn một tháng, nhưng con số này cao gấp đôi so với năng lực của EU. Nhà sản xuất hàng đầu EU là tập đoàn Đức Rheinmetall khẳng định có thể xuất xưởng từ 450.000 đến 600.000 quả một năm nếu có hợp đồng, tập đoàn thứ nhì là Nexter của Pháp không thể vượt được con số 40.000 đạn pháo cỡ lớn/năm vì lâu nay chỉ tập trung xuất khẩu. EU dự định huy động khoảng 15 công ty ở 11 nước sản xuất thêm đạn pháo với khoản trợ cấp một tỉ euro.
100% dân Ukraine tin cậy quân đội và chính phủ
Ý hướng thương thảo của một số nước Châu Âu không còn nữa, trước sự ngoan cố của Moskva và nỗi lo một nền hòa bình được thương lượng sẽ không kéo dài, dẫn đến chiến tranh lan rộng tại châu lục. Có người còn không tin vào khả năng đàm phán với Nga khi chiến tranh kết thúc. Nhà nghiên cứu Pierre Haroche, đại học Queen Mary ở Luân Đôn, lý luận : "Nhiều cuộc chiến kết thúc mà không qua đàm phán, Hoa Kỳ và Liên Xô đã giải quyết những bất đồng sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt".
Hơn nữa, quân đội, chính quyền và nhân dân Ukraine vô cùng đoàn kết trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Cả 100% dân Ukraine hiện nay tin tưởng vào lực lượng vũ trang và các định chế nhà nước, đối với họ, Nga đã bại trận. Hanna Hopko, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Centre international khẳng định : "Cho dù ngày mai Nga chiếm được Bakhmut, 95% dân Ukraine vẫn tin vào chiến thắng".
Nếu vào đầu cuộc xâm lăng, tổng thống Volodymyr Zelensky tạm gác lại vấn đề Crimea thì từ nhiều tháng qua Kiev đặt mục tiêu tái chiếm bán đảo. Yehor Cherniev, phó chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội Ukraine, nhấn mạnh : "Kịch bản duy nhất là thu hồi lại tất cả những vùng đất bị chiếm". Các nhà lãnh đạo Ukraine và xã hội dân sự vẫn luôn hướng về NATO. Theo Cherniev, Liên minh sẽ có lợi khi có thêm một quân đội hiệu quả, đầy kinh nghiệm chiến trường và được huấn luyện theo các tiêu chuẩn của NATO.
Thảm họa môi trường từ cuộc chiến
Theo Le Figaro "Cuộc xâm lăng còn gây thảm họa môi trường cho Ukraine". Có thể kể một số vụ : Tháng 9/2022, tám hỏa tiễn Nga đã phá hủy đập thủy điện Kryvyi Rih ở miền trung làm hơn 100 ngôi nhà bị ngập lụt. Tháng 11/2022, quân Nga đặt chất nổ phá đập Kakhovka khổng lồ ở miền nam. Hơn một triệu dân vùng Zaporijia sắp tới có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Về lâu về dài, nông nghiệp sẽ Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề vì 200.000 hecta hướng dương, ngũ cốc, rau quả không còn nước tưới.
Tuy chỉ bằng 6% diện tích Châu Âu, nhưng Ukraine chiếm đến 35% đa dạng sinh học. Những trận đánh khiến nhiều con thú bị chết hoặc phải chạy trốn khỏi khu vực sinh sống. Hàng ngàn con cá heo ở Hắc Hải và vùng duyên hải Ukraine bị chết vì mìn hay ô nhiễm âm thanh từ radar tàu ngầm.
Nhiều vùng nông nghiệp và khu bảo tồn rộng lớn nay đầy mìn và hố bom, muốn khử kim loại nặng trong đất phải mất mấy chục năm nữa. Rừng bị cháy vì bom đạn, hóa chất để chữa lửa ngấm vào nước ngầm. Ngay cả vùng tương đối yên bình nhất là Lviv, ammoniac trong nước sông cao gấp 165 lần so với bình thường. Chính phủ Kiev ước tính thiệt hại môi trường do cuộc xâm lăng lên đến 43 tỉ euro, và muốn Moskva phải bồi thường sau chiến tranh.
Lính Ukraine học điều khiển Leopard : hai năm rút còn 6 tuần
Về quân sự, La Croix cho biết thêm "Tại Đức, quân nhân Ukraine được huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard". Những người lính đầu tiên đã kết thúc khóa học tại căn cứ Basse-Saxe (Neddersassen) sắp sửa có mặt trên chiến trường, điều khiển những chiến xa Leopard 2A6 do Đức chuyển giao. Tướng Đức Björn Schulz nhận xét : những quân nhân này vô cùng hăng hái, nắm vững được kiến thức kỹ thuật cũng như cách sử dụng.
Chương trình huấn luyện hết sức dày đặc, từ hai năm rút lại chỉ còn sáu tuần, nên chỉ tập trung vào những vấn đề cơ bản. Họ làm việc suốt bảy ngày trong tuần, từ 8 đến 20 giờ, mỗi một phút đều quý báu. Có những buổi huấn luyện thâu đêm, vì một trong những đặc điểm của Leopard hai là có thể bắn được trong đêm tối.
Bên cạnh bất đồng ngôn ngữ, một số người lính Ukraine phải bắt đầu từ số không vì chưa bao giờ điều khiển xe tăng, trong khi chiến xa này phức tạp hơn nhiều so với các loại xe tăng Liên Xô. Phó đô đốc Hervé Bléjean, điều phối viên của chương trình ở Bruxelles, nhận định những xe tăng này sẽ là yếu tố chính trong các cuộc phản công sắp tới của Ukraine để chọc thủng những phòng tuyến, nhất là có thể vừa chạy vừa bắn.
Răn đe nhưng tránh leo thang : Cả một nghệ thuật !
Về sự cố mới đây giữa drone Mỹ với máy bay Nga, Le Figaro đặt vấn đề, phương Tây làm thế nào làm chủ được tình hình, tránh leo thang trong cuộc chiến tranh ở Ukraine ? Tháng 9/2022, một tiêm kích Su 27 của Nga đã bắn một hỏa tiễn sát bên một phi cơ thám sát của Anh, được cho là sự cố kỹ thuật. Tháng 11, một hỏa tiễn Ukraine bay chệch hướng làm hai người chết tại Ba Lan, khiến mọi người đều lo ngại trong vài tiếng đồng hồ. Đến hôm thứ Ba, căng thẳng đã tăng lên một cấp độ mới khi một chiếc máy bay không người lái Reaper MQ 9 của Mỹ bị rơi do hai phi cơ Nga ngăn chặn phía trên Hắc Hải, cách Sevastopol khoảng 40 hải lý.
Hoa Kỳ vẫn thường xuyên thu thập thông tin cho Ukraine, Nga trả đũa bằng cách dọa nạt. Đôi bên đều không muốn tỏ ra yếu kém. Một nhà phân tích nhận xét, Moskva muốn tỏ ra thoải mái trước việc leo thang, nhưng Washington cũng thế. Khi khai mạc cuộc họp của nhóm tiếp xúc về Ukraine hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo : "Không nên phạm sai lầm, Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động ở tất cả những nơi luật pháp quốc tế cho phép". Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng cố xoa dịu bằng cách quy trách nhiệm cá nhân của phi công thay vì bộ tham mưu của đối thủ. Còn Nga phía sau những lời đả kích cũng tránh khiêu khích.
Từ đầu cuộc xâm lăng, phương Tây luôn lo ngại xung đột bị mở rộng. Quân đội Nga cũng ý thức rằng không thể đương đầu với NATO trong một cuộc chiến tranh quy ước. Tuy nhiên theo Le Figaro, các bên vẫn có thể được lợi khi lên gân. Nước Nga của Vladimir Putin cần thuyết phục rằng mình là nạn nhân của tham vọng Hoa Kỳ và Châu Âu, Ukraine mong được tăng cường ủng hộ. Còn phương Tây cần tác động mạnh vào cuộc chiến để giúp Kiev chiến thắng, buộc Nga phải chấp nhận thất bại. Chủ động được tình hình không có nghĩa là tránh leo thang, mà biết chấp nhận những rủi ro để răn đe kẻ địch.
Nga hung hăng vì coi Hắc Hải là ao nhà
Trả lời Le Figaro về vụ drone của Mỹ bị hạ trên Hắc Hải, tướng Không quân Pháp Patrick Charaix từng là phi công tiêm kích nhận thấy "sự hung hăng của Nga là rất rõ". Ông cho biết trên không phận quốc tế, bắt đầu từ 22 kilomet phía trên biên giới mỗi nước, Không quân có quyền ngăn chặn một vật thể bay.
Cụ thể là tìm hiểu bằng cách bay gần vật thể này, chụp ảnh rồi lại bay đi, chứ không nhất thiết phải buộc hạ cánh hoặc chuyển hướng, đe dọa hủy diệt lại càng không. Thường thì phi công quân đội có thể bay gần 50 mét để chụp hình, và chất vấn qua radio. Nhưng đối với các drone, chưa có quy định quốc tế. Quân đội Mỹ hôm nay công bố những hình ảnh cho thấy một tiêm kích Nga thẳng thừng xả nhiên liệu vào chiếc Reaper, và sau hai lần bay rà sát, một cánh của drone bị hư hại.
Vụ vừa rồi cần được đặt trong bối cảnh Nga cảm thấy Hắc Hải là ao nhà của mình và muốn chứng tỏ uy quyền. Hơn nữa Nga vốn hung hăng, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ chiếc Sukhoi Nga bị bắn hạ trước đây. Sự nhạy cảm càng tăng trên bình diện địa chính trị. Tại Biển Đông, phương Tây vẫn thường xuyên bay qua và Trung Quốc luôn tìm cách ngăn chặn để thị uy.
Cấm vận dầu lửa bắt đầu tác động lên kinh tế Nga
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận thấy "Cấm vận dầu lửa Nga của Châu Âu bắt đầu chứng tỏ hiệu quả", xuất khẩu dầu của Nga giảm mất nửa triệu thùng một ngày. Số dầu lửa không bán được cho Châu Âu, nay Ấn Độ và Trung Quốc tiêu thụ đến 70%. Tuy hai nước này lợi dụng để mua rẻ, nhưng theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), tỉ trọng dầu lửa Nga quá lớn có thể gây mất cân bằng. Nga tìm được khách hàng mới nhưng phải đại hạ giá, khiến thu nhập giảm mất 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài việc bị Châu Âu cấm vận ; quyết định của EU, G7 và Na Uy đặt mức trần 60 đô la cho một thùng dầu thô Nga, đã làm thặng dư thương mại Nga trong hai tháng đầu năm nay bị sụt gấp ba lần.
Các nhà kinh tế cho rằng ngoại thương sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của Nga trong năm nay. Dự kiến GDP nước Nga giảm 2% trong năm 2023 và trì trệ vào năm tới. Theo Agathe Demarais của Economist Intelligence Unit, "Đến năm 2027, GDP Nga mới có thể trở lại mức trước chiến tranh, cho thấy khủng hoảng kinh tế sâu sắc đến chừng nào". Tuy kinh tế Nga không bị sụp đổ như phương Tây cách đây một năm đã hy vọng, nhưng những biện pháp trừng phạt đã để lại những vết thẹo hằn sâu.
SVB, vụ phá sản lịch sử thời kỹ thuật số
Về vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản, Les Echos lấy làm tiếc : "SVB : Khi một ngân hàng bị chết trong lúc vẫn khỏe mạnh". Đó là cả một nghịch lý, vì cuộc khủng hoảng này không giống như hồi năm 2008. Hơn nữa, không có sự gian lận nào ở đây, dù không loại trừ khả năng cuộc điều tra có thể phát hiện được vài điều. Sai lầm của SVB là không đa dạng hóa đầu tư, dùng tiền gởi của khách hàng để mua hàng loạt trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vốn chắc chắn, không phải là cổ phiếu "rác". Khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất, trái phiếu rớt giá, khách hàng ồ ạt rút tiền. SVB bị chìm ngập trước 42 tỉ đô la bị rút trong vòng một ngày, một kỷ lục lịch sử.
Đó là do đặc điểm khách hàng của SVB thuộc giới start-up. Thông tin lan truyền nhanh chóng trên Twitter, WhatsApp, Slack, Reddit… gây hoảng loạn, nhưng không có những hình ảnh hàng người dài dằng dặc trước ngân hàng như thường lệ. Chỉ cần một cú "swipe", lướt ngón tay trên màn hình smartphone để chuyển tiền sang nơi khác. Les Echos gọi đây là vụ "swipe-crash" đầu tiên của kỷ nguyên mạng xã hội và ngân hàng trên mạng. Le Monde rút ra hai bài học : lỗ hổng trong giám sát những ngân hàng có tích sản dưới ngưỡng 250 tỉ đô la, và tác động của việc tăng lãi suất chưa được đo lường hết.
Honduras bỏ rơi Đài Loan trước vòng công du Châu Mỹ của Thái Anh Văn
Nhìn sang Châu Á, La Croix và Les Echos cùng chú ý đến sự kiện "Honduras bỏ rơi Đài Loan để quay sang Trung Quốc", khiến "Đài Loan ngày càng bị cô lập về ngoại giao". Như vậy chỉ còn 13/193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc công nhận Đài Loan. Trong số đó có Vatican, một nước Châu Phi duy nhất, ba nước Trung và Nam Mỹ, tám nước Châu Đại dương và vùng vịnh Carribean, tóm lại không phải là những quốc gia có ảnh hưởng lớn về kinh tế và ngoại giao. Khi Bắc Kinh hất cẳng Đài Bắc ra khỏi chiếc ghế Liên Hiệp Quốc năm 1971, vẫn còn 68 nước công nhận Đài Loan.
Chiến lược "ngoại giao chi phiếu" tiếp tục tỏ ra hiệu quả. Hôm 02/02, Trung Quốc bắt đầu thương lượng về việc xây dựng một đập thủy điện, và trước đó Bắc Kinh đã tài trợ 300 triệu đô la cho một đập khác ở Honduras, khánh thành năm 2021. Sự phản bội của Honduras là một đòn nặng cho tổng thống Đài Loan. Bà Thái Anh Văn dự định đi thăm Trung Mỹ và Châu Mỹ la-tinh tháng Tư tới, vòng công du này gồm cả việc gặp gỡ chủ tịch Hạ Viện Mỹ tại Kevin McCarthy, mà chưa chi ngoại trưởng Tần Cương đã lên tiếng đe dọa.
Cải cách hưu trí, khủng hoảng tài chánh : Tựa chính báo Pháp
Hồ sơ cải cách chế độ hưu trí tại Pháp bước vào giai đoạn quyết định hôm nay. La Croix chạy tít "Cải cách, bằng mọi giá", "Hưu trí, giờ của sự thật", tựa của Libération. Le Figaro ghi nhận chính phủ đứng trước thế lưỡng nan phải vận dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu.
Trong bài xã luận, nhật báo cánh hữu cho rằng "Cần biết hoàn tất một cuộc cải cách". Số người biểu tình ngày càng giảm, phe cực tả đã vận dụng mọi cách để khích động phong trào, và đã đến lúc phải kết thúc bằng cách chọn lựa con đường an toàn nhất. Trên trang Ý kiến, ông Jean-Éric Schoettl, cựu tổng thư ký Hội Đồng Bảo Hiến, tố cáo cách thức của những người chống đối cải cách hưu trí là một kiểu "đảo chánh thường xuyên". Ngược lại, nhật báo thiên tả Libération tố cáo đây là "cải cách hữu khuynh, bất công, gây thiệt hại cho những người dễ tổn thương".
Tựa trang nhất của Le Monde nhấn mạnh, sự thay đổi ý kiến của Đức trong những hồ sơ đã được đồng thuận, gây lo ngại cho Châu Âu. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tít "Thụy Sĩ khiến Châu Âu rơi vào cơn bão tài chánh". Cổ phiếu Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ nhì của nước này, mất giá 30%, chính quyền phải can thiệp sau khi nhiều nước khác yêu cầu. Toàn bộ lĩnh vực ngân hàng Châu Âu chao đảo, sau vụ phá sản của Silicon Valley Bank.
Thụy My
2022 : Ukraine, quốc gia truyền cảm hứng
Khi cuộc xâm lăng bắt đầu, ai cũng nghĩ rằng Ukraine sẽ bị người láng giềng khổng lồ đè bẹp. Nhưng người Ukraine đã đứng lên chiến đấu. Tổng thống Volodymyr Zelensky từ chối đề nghị đưa đi tị nạn. Những người dân bình thường cũng thể hiện khí phách tương tự. Anh dũng, khôn khéo, linh hoạt, Ukraine chứng tỏ người yếu có thể chống lại được kẻ mạnh, thậm chí rất mạnh. Và như vậy, đã trở thành nguồn cảm hứng cho những dân tộc bị áp bức.
Các chiến sĩ thuộc lữ đoàn pháo binh 43 Ukraine và khẩu đại bác tự hành 2S7 trên chiến trường Bakhmut ngày 26/12/2022, nơi chiến sự đang ác liệt nhất. Reuters – Clodagh Kilcoyne
Ba bài học từ các diễn biến trong năm 2022
Các tuần báo đều đã ra số đúp và nghỉ Tết, chỉ riêng Le Point ra số cuối năm. Tuy vậy trên trang web thường có cập nhật những vấn đề thời sự. L'Obs rút ra "Ba bài học năm 2022 cho năm 2023". Năm vừa qua đã đảo lộn tất cả những dự báo trong hầu như tất cả mọi lãnh vực, thế nên tuần báo cho rằng tốt nhất nên học hỏi những kinh nghiệm từ năm cũ.
Thứ nhất : Các chế độ độc tài không phải là bất bại như vẫn tưởng, với một Trung Quốc kết hợp được giữa toàn trị và tăng trưởng kinh tế, một nước Nga chừng như thành công với thái độ côn đồ ở Syria hay Châu Phi. Năm 2022 không hề tốt lành cho họ, nhất là với Vladimir Putin. Ngỡ rằng sẽ chớp nhoáng chiếm được Ukraine, nhưng đã 10 tháng trôi qua, hàng mấy chục ngàn người lính bỏ mạng, vẫn đang trong ngõ cụt. Và có thể nói gì về Tập Cận Bình, người đã khống chế được toàn bộ Đảng cộng sản Trung Quốc trong đại hội 20 ? Chỉ một tháng sau, Tập đã phải nói lời vĩnh biệt với chính sách zero Covid của mình, dưới áp lực của đường phố - hoàn toàn không giống kiểu ứng xử lâu nay của ông ta.
Thứ hai : Các nước phương nam không ngoan ngoãn tuân theo các tiêu chí của phương Tây liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Thứ ba : Mù quáng trong các vấn đề chiến lược sẽ phải trả giá đắt. Nước Đức đã học được bài học từ việc lệ thuộc khí đốt Nga, và các nhà ngoại giao vẫn còn nhớ cuộc đấu tranh với Berlin cho đến năm 2021 về đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nay đã trở nên vô dụng dưới đáy biển Baltic. Ý tưởng được bênh vực suốt 20 năm qua, rằng thương mại và đầu tư sẽ tạo điều kiện cho dân chủ và hòa bình, rõ ràng là ảo tưởng. Trung Quốc đã "cải chính" hùng hồn cho lý thuyết vốn là mốt trong những năm 1990 và 2000, mà Bắc Kinh đã lợi dụng tối đa.
Liệu chúng ta có thể khôn ngoan hơn trong năm 2023, sau những bài học này ? L'Obs cho rằng nên thận trọng, vì các nhà nước cũng giống như những người lái xe tăng : họ khó nhanh chóng quay lui, trong khi những đảo lộn hiện nay đòi hỏi phải sớm có phản ứng. Một thách thức cho năm 2023.
24/02/2022 : Thời điểm lịch sử những thế hệ sau sẽ được giảng dạy
Trong bài xã luận "Chiến tranh hay hòa bình", L’Obs nhận định năm sắp kết thúc sẽ được đánh dấu bằng một thời điểm đáng buồn, cho đến nỗi những thế hệ sắp tới sẽ được học ở nhà trường : 24/02/2022, ngày khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraine và ngày mà chiến tranh quay trở lại với Châu Âu.
Một cuộc chiến tranh điên rồ, chiến tranh bẩn thỉu, một cuộc chiến tổng lực với vô số xe tăng, bom đạn và tội ác chống lại những thường dân không may, được khởi động theo lệnh một con người không phải chỉ biết nói đùa. Năm 2016, ông ta đã nhắc lại câu khẩu hiệu đáng ngại của lực lượng nhảy dù Nga : "Biên giới nước Nga không dừng lại ở đâu cả". Người đó đương nhiên là Vladimir Putin, mà hàng kilomet giấy mực đã được viết ra trong suốt năm qua. Những chuyên gia địa chính trị, chiến lược gia quân sự, nhà tâm thần học và cả các tiểu thuyết gia đều cố tìm cách hiểu được những gì trong đầu ông ta. Và ai nấy đều gặp khó khăn khi từ phương Tây cố giải mã ý đồ của Sa hoàng kín như bưng này.
Nhưng còn có cách khác, như Faulkner đã nói "quá khứ hiện diện trong hiện tại", ý đồ bành trướng của Putin không chỉ mới xuất hiện gần đây. Trong hồ sơ 50 trang báo, điểm lại 1.000 năm lịch sử Nga, tuần báo giải thích vì sao một Nhà nước nhỏ bé lại trở thành liên bang rộng lớn nhất thế giới với 17 triệu kilomet vuông. Vladimir Putin, vốn coi sự kiện Liên Xô sụp đổ là "thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20", không ngần ngại khai thác xu hướng dân tộc chủ nghĩa để củng cố quyền lực, với ý nghĩ dân tộc ông là tinh hoa, nếu không phải là thượng đẳng. Niềm tin này luôn nguy hiểm.
Ukraine, quốc gia truyền cảm hứng của năm 2022
Nhìn lại thế giới trong năm, The Economist khẳng định "Quốc gia của năm 2022 chỉ có thể là Ukraine", vì dân tộc này đã anh dũng đứng lên đương đầu với kẻ xâm lược. Tuần báo Anh cho biết thường thì chọn lựa quốc gia của năm rất khó khăn, các cây bút và biên tập viên bắt đầu bằng một vòng tranh luận, đưa ra những lý lẽ về năm, sáu nước khác nhau. Nhưng năm nay, lần đầu tiên kể từ khi The Economist bắt đầu bình chọn, quyết định là mặc nhiên : không có quốc gia nào có thể truyền cảm hứng như Ukraine.
Vinh dự thường được dành cho những nước có cải thiện trong 12 tháng qua, và theo nghĩa này thì Ukraine là một chọn lựa bất thường, vì cuộc sống người dân đã tồi tệ hẳn đi kể từ khi Vladimir Putin kéo quân vào đánh chiếm nước họ cuối tháng Hai. Rất nhiều người đã chết, nhiều thành phố bị phá hủy, bị biến thành tro bụi, hàng triệu người phải bỏ nhà đi lưu lạc, nền kinh tế Ukraine bị giảm sút mất 1/3. Do hỏa tiễn Nga, nhiều người dân Ukraine đang cóng lạnh và run rẩy trong bóng tối.
Tuy nhiên trong năm qua người Ukraine đã chứng tỏ bốn phẩm chất. Trước tiên là chủ nghĩa anh hùng. Khi cuộc xâm lăng bắt đầu, ai cũng nghĩ rằng Ukraine sẽ bị người láng giềng khổng lồ đè bẹp, và đều thông cảm nếu lính tráng bỏ chạy. Putin cũng chỉ chờ đợi có thế : quân Nga tràn sang với lễ phục chuẩn bị sẵn để đi diễn binh mừng chiến thắng, hầu như mang theo rất ít thực phẩm. Nhưng người Ukraine đã đứng lên chiến đấu. Tổng thống Volodymyr Zelensky từ chối đề nghị đưa đi tị nạn : "Chúng tôi cần đạn chứ không phải một chuyến dạo chơi".
Tiếp theo là những người dân bình thường cũng thể hiện khí phách tương tự. Những giáo sư đại học, ngôi sao nhạc pop, những người thợ… lũ lượt nhập ngũ, đổi những chiếc giường êm ái lấy những hố cá nhân và nguy cơ một cái chết đau đớn. Hết trận này đến trận khác, họ đánh đuổi quân Nga. Khi tự vệ trước một kẻ xâm lăng phủ nhận quyền hiện hữu của đất nước mình, họ tìm được ý nghĩa mới cho tinh thần dân tộc.
Tấm gương Ukraine cho những nước nhỏ bị ngoại bang đe dọa
Người Ukraine cũng chứng tỏ sự khôn ngoan. Nhận ra những điểm yếu của kẻ thù, họ phá hủy các kho chứa nhiên liệu, đạn dược của quân Nga, học hỏi rất nhanh cách sử dụng vũ khí được phương Tây viện trợ. Họ giao quyền quyết định cho các sĩ quan trên thực địa khiến các đơn vị thích ứng rất nhanh so với phía Nga chậm chạp, quan cách. Họ khéo léo sử dụng các thông tin của tình báo đồng minh, đặc biệt là Mỹ, trong khi quân địch gần như bị mù.
Ukraine còn rất linh hoạt. Không có nước rô-bi-nê, họ làm tuyết tan. Không có điện, họ tìm hơi ấm và ánh sáng trong những quán cà phê có máy phát điện chạy bằng diesel, hay ngủ lại văn phòng – nhiều công ty nay có hầm trú ẩn và nước đóng chai. Những kinh hoàng mà Putin tiếp tục gây ra không làm họ suy suyển. Và trừ một vài ngoại lệ, họ không dùng tội ác chiến tranh để đáp trả tội ác chiến tranh. Quân Nga thường xuyên oanh kích vào thường dân, tra tấn những người bị bắt, cướp bóc các làng mạc. Ngược lại, tù binh Nga thường ngạc nhiên khi được đối xử tử tế. Đó là vì Ukraine là một nền dân chủ, coi trọng con người.
Khi đương đầu với bạo chúa Nga, Ukraine đã bảo vệ các láng giềng. Nếu chiếm được Kiev, Kremlin có thể tấn công tiếp Moldova, Gruzia, đe dọa các nước Baltic. Ukraine đã chứng tỏ người yếu có thể chống lại được kẻ mạnh, thậm chí rất mạnh. Và như vậy, đã trở thành nguồn cảm hứng không chỉ cho những nước nằm cạnh như láng giềng hung hăng như trường hợp Đài Loan, mà cho cả những dân tộc bị đàn áp ở khắp nơi trên thế giới. Cuộc chiến đấu của họ còn lâu mới kết thúc, nhưng tấm gương của họ trong năm 2022 không ai có thể sánh kịp. The Economist kết luận bài viết bằng câu "Slava Ukraini !" (Vinh quang cho Ukraine !).
Zelensky, nhân vật của năm và Von der Leyen, người phụ nữ nhiều ảnh hưởng nhất
Về cá nhân, tác giả từng được giải báo chí Albert-Londres, bà Marion Van Renterghem, viết trên L’Express "Zelensky và Von der Layen là hai nhân vật nam và nữ của năm 2022".
Ngày 21/12, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng Volodymyr Zelensky rời Kiev để công du ngoại quốc, và đó là Washington chứ không phải Strasbourg hay Bruxelles. Liên Hiệp Châu Âu (EU), khu tự do mậu dịch lớn nhất thế giới cho đến nay vẫn không thành công trong việc biến sức mạnh kinh tế là công cụ chiến lược, ngoại giao và quốc phòng xứng tầm. Cuộc chiến tranh Ukraine đã bộc lộ những điểm yếu của EU : lệ thuộc năng lượng, không có khả năng triển khai lực lượng răn đe, dự trữ vũ khí không đủ, trong khi cuộc chiến này đã thay đổi hẳn châu lục.
Trước đại dịch Covid năm 2020, khó thể tin rằng Châu Âu có thể quyết định vay nợ chung, mua chung vac-xin và trợ giúp tài chánh cho những nước bị thiệt hại. Trước khi Ukraine bị xâm lược hôm 24/02/2022, không thể nghĩ EU có được cơ cấu để viện trợ cho Ukraine 2,5 tỉ euro thiết bị quân sự (từng nước vẫn có thể hỗ trợ song phương). Hoặc các nhà lãnh đạo thông qua 9 gói trừng phạt Nga trong đó có cấm vận dầu lửa, thỏa thuận được mức trần giá khí đốt, tiếp nhận nhiều triệu người tị nạn Ukraine…
Không có gì ngạc nhiên khi Zelensky cùng được truyền thông Châu Âu và Mỹ chọn là "nhân vật của năm". Điều bất ngờ là danh hiệu "người phụ nữ nhiều ảnh hưởng nhất thế giới" của tạp chí Mỹ Forbes lần đầu tiên được trao cho người đứng đầu một định chế Châu Âu, bà Ursula Von der Leyen, nhất là khi Ủy Ban Châu Âu không có quyền chỉ đạo trực tiếp các nhà nước thành viên.
Trung Quốc khốn đốn vì Covid, ba năm phong tỏa thành công cốc
Nhìn sang Châu Á, Courrier International dịch bài viết của South China Morning Post, cho rằng cách chấm dứt chính sách zero Covid là một thất bại, và Trung Quốc chỉ có thể tự trách chính mình.
Từ khi Bắc Kinh đột ngột quay ngoắt vào tháng 12, các nhà lãnh đạo và truyền thông nhà nước đã cố gắng trình bày dưới góc độ tích cực nhưng không thành công. Họ nói rằng các biện pháp khắc nghiệt phong tỏa đất nước trong suốt ba năm qua đã giúp cứu được nhiều người, rằng biến thể Omicron chỉ gây những triệu chứng nhẹ. Và cố tạo ấn tượng rằng việc mở cửa bất ngờ ngay trong mùa đông là đã được lên kế hoạch trước. Nhưng thực tế khác hẳn : thuốc giảm sốt trở nên hiếm hoi, bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, thiếu máu để truyền, tỉ lệ tử vong tăng cao nơi người lớn tuổi, các nhà xác, nhà tang lễ không còn chỗ cho các thi thể. Thân nhân phải tự mang giường đến bệnh viện.
L’Obs nhận định "Tại Trung Quốc, huyền thoại một Tập Cận Bình bất bại đã tan vỡ". "Tư tưởng" của ông Tập đã được ghi vào Hiến pháp, chế độ Bắc Kinh, theo ông, đã chứng tỏ tính ưu việt so với các nước dân chủ phương Tây nhờ "chiến thắng" được Covid. Nhưng ba năm sau khi đại dịch khởi phát ở Vũ Hán, con virus lại quay về cố hương. Giờ đây Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới vẫn còn phải khốn đốn với Covid. Sau khi gây sợ hãi cho dân chúng trong những năm qua, các chuyên gia Trung Quốc nay nói rằng con virus hầu như vô hại. Theo nhiều nghiên cứu, ít nhất một triệu người sẽ chết vì bệnh dịch này. Khăng khăng theo đuổi một chính sách nay trở nên bất lực vì biến thể Omicron lây nhiễm quá nhanh, Tập Cận Bình làm mất đi thời gian quý giá. Huyền thoại về hiệu quả của các chế độ độc tài trong thời kỳ khủng hoảng cũng tan tành.
Bắc Kinh cướp bóc nguồn lợi hải sản Châu Phi
Cũng về Trung Quốc, Le Point tố cáo "Bắc Kinh đã cướp bóc hải sản của Châu Phi như thế nào". Phóng sự của tờ báo ở Ghinê mô tả tại cảng Conakry, các tàu đánh cá đang đậu tuy mang cờ nước này nhưng tên tàu lại là MengXin với các số hiệu khác nhau. Đó là những tàu của Dalian Mengxin Yuanyang Fishery Co. Ltd., một công ty ở Liêu Ninh, từ nhiều năm qua càn quét vùng biển Ghinê, Sierra Leon, Ghana, thường xuyên bị phạt vạ vì đánh cá ở khu vực cấm. Liên Hiệp Quốc ước tính mỗi năm có trên 25 triệu tấn cá bị khai thác bất hợp pháp, và ngoài khơi Tây Phi, 40% lượng hải sản đánh bắt là ngoài vòng pháp luật. Một số nước Châu Phi phải nhập khẩu cá trong khi vùng biển của họ rất giàu hải sản.
Bắc Kinh nói rằng đoàn tàu cá nước mình chỉ có 2.700 chiếc nhưng theo báo cáo của think tank Anh ODI năm 2020, có đến 16.000 tàu cá Trung Quốc ngang dọc khắp nơi. Chuyên gia Julien Daudu của tổ chức phi chính phủ Environmental Justice Foundation (EJF) khẳng định đoàn tàu đánh cá ngoài khơi xa của Trung Quốc được tài trợ lớn vì đã trở thành công cụ cho tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh. Theo báo cáo của Financial Transparency Coalition ngày 26/10/2022, 90% số tàu cá đăng ký ở Ghana có chủ và thủy thủ đoàn người Trung Quốc, 8/10 những công ty lớn nhất thế giới về hàng hải liên can đến đánh cá bất hợp pháp là của Trung Quốc.
Khoa học và những tiến bộ về chữa trị ung thư
Trên lãnh vực y tế, Le Point loan báo một tin vui cuối năm : Moderna công bố kết quả khả quan của vac-xin chống khối u ác tính. Đây là một trong số những giải pháp có thể thay thế cho hóa trị đối với bệnh nhân ung thư. Trước đó trong một hội nghị của ASCO (American Society of Clinical Oncology) hôm 05/06/2022, kết quả một nghiên cứu lâm sàng của Menée au Memorial Sloan Kettering Cancer Center ở New York đã được giới thiệu. Nhờ một loại thuốc mới được đặt tên là "dostarlimab", trong số 12 bệnh nhân bị ung thư trực tràng, cả 100% trường hợp khối u đều biến mất. Đến tháng 9 tại Paris trong hội nghị chuyên đề ung thư ESMO, kết quả được xác nhận trên khoảng 100 bệnh nhân, với tỉ lệ thành công 95%.
Chưa hết, ngày 13/12/2022, hãng dược phẩm Mỹ Moderna và MSD loan báo cho ra đời vac-xin ARN đầu tiên ngừa khối u ác tính, giảm 44% nguy cơ tái phát hay tử vong. Tuy chỉ mới thử nghiệm lâm sàng trên 157 bệnh nhân, kết quả rất đáng phấn khởi. Stéphane Bancel, giám đốc Moderna ước tính vac-xin chống ung thư đầu tiên sẽ được đưa ra thị trường trong vòng chưa đầy 5 năm tới, và đang nhắm đến hơn một chục loại khác như ung thư phổi. Moderna có thể đầu tư 17 tỉ đô la để nghiên cứu. Khoa học ngày càng tìm ra những biện pháp chữa trị căn bệnh sát hại mỗi năm 10 triệu người trên thế giới, theo nguyên tắc củng cố hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư. Giờ đây hóa trị không còn được dùng để chữa một số bệnh ung thư thuộc loại hiếm.
Thụy My
Thời sự quốc tế ngày 26/10/2022
Tình hình Ukraine, quan hệ Mỹ-Trung, tân thủ tướng Anh trước những khó khăn là các đề tài thời sự quốc tế được đề cập nhiều hôm nay.
Trang nhất các báo Pháp ngày 26/10/2022 © Fotomontagem RFI/Adriana de Freitas
Liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, Le Monde nói về kỹ năng vi tính và cơ khí đã giúp lực lượng vệ quốc vượt trội quân Nga.
Bên cạnh những vũ khí hiện đại của phương Tây như Himars của Mỹ hay Caesar của Pháp đã chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường, nhà nghiên cứu Thibault Fouillet, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhấn mạnh đến khả năng thích ứng và tìm ra những giải pháp mang tính sáng tạo của quân đội Ukraine. Ngay từ năm 2014, họ đã tạo ra một số công cụ, chẳng hạn ứng dụng GIS Arta dành cho bộ binh để gọi pháo bắn vào vị trí địch "như gọi xe công nghệ Uber. Chỉ cần nhập định vị GPS của mục tiêu, những khẩu pháo gần đó hiện lên và giao hàng". Kết quả nhanh hơn gấp nhiều lần những quân đội tân tiến khác. Hạn chế duy nhất là phải có internet.
Vào đầu cuộc xâm lăng, người dân Ukraine cũng đã dùng DIIA, một trong những ứng dụng điện thoại thông minh dành cho thủ tục hành chánh của chính phủ để báo cho chính quyền vị trí của quân Nga. Cách này rất hữu ích trong trận đánh Kiev, nhưng sau vì Nga kiểm tra điện thoại của dân tại những vùng chiếm đóng nên họ chuyển sang Telegram.
Theo Kiev, trước chiến tranh có khoảng 200.000 thảo chương viên Ukraine, một phần trong số này đã nhập ngũ hay dùng kỹ năng của mình phục vụ cho quân đội. Các kỹ sư Ukraine chỉ mất có vài tuần để cho ra một ứng dụng Android tên "ePPO" (viết tắt chữ "đây là phòng không" giúp dân chúng báo ngay cho quân đội những chiếc drone Shahed 136 của Iran để bắn chặn.
Bên cạnh kỹ năng vi tính, người Ukraine còn gây choáng cho các quân nhân phương Tây qua khả năng xoay sở về cơ khí của họ. Các hình ảnh gần đây cho thấy những chiếc xe jeep trang bị giàn phóng rốc-kết, xe tự chế có gắn súng liên thanh... Kiev cũng thử ghép súng trường vào drone mini và điều khiển từ xa. Họ còn thành công trong việc chế thiết bị để gắn hỏa tiễn siêu thanh AGM-88 HARM của phương Tây vào chiến đấu cơ Mig-29 nhằm tiêu diệt radar địch, cách làm này khiến phòng không Nga chịu nhiều thiệt hại. Trong khi nhiều chuyên gia nghĩ rằng rất khó kết hợp một vũ khí tinh tế như thế của Mỹ với một phi cơ tiêm kích Liên Xô thời thập niên 70, thậm chí là bất khả. Nhiều cảnh ghi lại trên chiến trường cho thấy các xe bọc thép Ukraine đang tiến, tổ lái được một sĩ quan hướng dẫn từ xa bằng các hình ảnh do drone chuyển đến.
Tuy nhiên chuyên gia Léo Péria-Peigné nhắc nhở, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine là chiến tranh quy ước, 80 đến 90% vụ tấn công là bằng pháo binh truyền thống. Có thể hiểu : dù các ứng dụng smartphone rất hữu ích, nhưng chính số lượng đại bác và đạn pháo mới quyết định chiến trường.
Thất bại về quân sự, Nga liên tục tấn công vào mạng lưới điện Ukraine, nhất quyết làm cho người dân nước này phải khốn đốn trong mùa đông tới.
Từ ngày 10/10, cơ sở hạ tầng trên cả nước bị hỏa tiễn và drone thi nhau bắn phá, trên 30% nhà máy điện đã bị phá hủy chỉ trong một tuần lễ. Tổng thống Volodymyr Zelensky vừa tố cáo trước Hội Đồng Châu Âu ngày 20/10, thì hai ngày sau lại có những vụ tấn công mới khiến 1,5 triệu người phải sống trong bóng tối. Chính quyền đành cúp điện luân phiên ở Kiev và 10 tỉnh khác, tổng cộng mất khoảng 40% sản lượng nhiệt điện. Hàng trăm ngàn người ở những vùng gần tuyến đầu sống trong điều kiện không điện nước, không thể liên lạc với người thân, quân Nga gài mìn nên đội ngũ kỹ thuật không thể sửa chữa.
Lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng để tránh quá tải cho mạng lưới được dân chúng hưởng ứng, lượng điện tiêu thụ giảm 10%. Bên cạnh đó, Kiev cũng được các đối tác quốc tế viện trợ 850 máy phát điện, nên hiện chưa cần nhập khẩu điện của Châu Âu. Viễn cảnh một mùa đông lạnh giá không có điện lẫn lò sưởi khiến nhiều người lại lục tục ra đi. Ông Zelensky báo động "Nga gây ra một làn sóng di tản mới của người Ukraine sang các nước Liên Hiệp Châu Âu". Kiev thúc giục các đối tác phương Tây giúp thêm các hệ thống phòng không - Nga đã làm lãnh vực năng lượng Ukraine thiệt hại nhiều tỉ đô la.
Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Monde cho biết "Washington cáo buộc Trung Quốc hoạt động gián điệp trên đất Mỹ", 13 người đã phải ra tòa lãnh án.
Hôm thứ Hai 24/10, đích thân tổng chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland chủ trì cuộc họp báo cùng với hai viên phó, và giám đốc FBI Christopher Wray, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề. Không thể không nhận thấy sự trùng hợp với thời điểm đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc bế mạc. Phó chưởng lý Lisa Monaco tố cáo các hoạt động gián điệp, gây rối hệ thống tư pháp, quấy nhiễu cá nhân, đánh cắp công nghệ nhạy cảm của Mỹ.
Thông cáo của Bộ Tư pháp cho biết thêm chi tiết về một số vụ. Trước hết ở New York, bảy công dân Trung Quốc bị kết tội mưu toan cưỡng bức đưa về Hoa lục một đồng hương sống ở Hoa Kỳ trong khuôn khổ chiến dịch "Săn Cáo" của bộ Công An.
Vụ thứ hai tại khu người Hoa ở New Jersey, bốn người Trung Quốc trong đó có ba gián điệp bị truy tố vì các hoạt động từ 2008-2018. Họ tìm cách tuyển mộ các giáo sư đại học có được những thông tin nhạy cảm, dưới vỏ bọc một trung tâm đại học được lập ra vì mục đích này, mang tên Institute of International Studies. Một cựu nhân viên FBI đã trở thành giáo sư được tiếp cận, đề nghị những kỳ nghỉ được bao trọn gói để đối lấy thông tin về công nghệ nhận dạng qua vân tay, và giúp phá hoại các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hoa Kỳ trong dịp Thế vận hội Bắc Kinh.
Trong vụ thứ ba, hai nhân viên tình báo Trung Quốc đề nghị 41.000 đô la bằng bitcoin để có thông tin mật về cuộc điều tra tập đoàn Hoa Vi (Huawei), nhưng chẳng may gặp phải một nhân viên FBI đóng giả. Bộ Tư pháp nhấn mạnh "không dung thứ cho bất kỳ mưu toan nào của nước ngoài phá hoại Nhà nước pháp quyền mà trên đó nền dân chủ của chúng tôi được xây dựng nên".
Trên lãnh vực kinh tế, Hoa Kỳ đã giáng một đòn cực kỳ mạnh mẽ vào tham vọng đuổi kịp về công nghệ của Trung Quốc, qua loạt trừng phạt mới.
Cho đến nay, Washington chỉ nhắm vào những doanh nghiệp riêng lẻ như Hoa Vi, nhưng lần này đã siết lại các quy định về xuất khẩu một số sản phẩm và phần mềm cho mọi định chế Trung Quốc, bắt buộc phải xin giấy phép, được ngầm hiểu là "khó như lên trời".
Cuối tháng 8/2022, Mỹ đã cấm xuất khẩu các loại thẻ hình (GPU) như Nvidia, Advanced Micro Devices sang Trung Quốc. Các GPU rẩt cần thiết cho hoạt động của trí thông minh nhân tạo, các trung tâm dữ liệu hay siêu máy tính, được sử dụng trong nghiên cứu khoa học hoặc phi cơ tiêm kích, hỏa tiễn siêu thanh. Thứ trưởng Bộ Thương mại Thea Rozman Kendler cho biểt : "Trung Quốc tìm cách trở thành số một toàn cầu về trí thông minh nhân tạo năm 2030. Họ dùng năng lực này để theo dõi, truy vết công dân mình và hiện đại hóa quân đội".
Một điểm mới nữa là người Mỹ bị cấm tham gia vào việc triển khai, sản xuất, sử dụng các bảng vi mạch trong một nhà máy chip điện tử Trung Quốc. Biện pháp này liên quan đến công dân Mỹ, người định cư ở Mỹ và người có "thẻ xanh". Washington muốn hạn chế việc chuyển giao công nghệ từ nhiều người Mỹ thường là gốc Hoa, đến Trung Quốc làm việc cho những công ty lớn ở Hoa lục hay tự khởi nghiệp. Được mệnh danh là "rùa biển", những người gốc Hoa này cho đến nay đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của công nghệ và kinh tế Trung Quốc. Sau loan báo của Mỹ, các công ty bán dẫn của Trung Quốc đã thiệt mất 8,7 tỉ euro trên thị trường chứng khoán, và một số công ty khó thể sống sót. Theo Les Echos, nhà sản xuất drone DJI của Trung Quốc sắp tới cũng sẽ cùng chung số phận với Hoa Vi.
Thụy My
Nước Pháp lại chịu thêm một đợt nóng mới trong lúc chuẩn bị cho cuộc duyệt binh truyền thống ngày Quốc khánh 14/07, tình hình Sri Lanka và Ukraine, chuyến công du Trung Đông của tổng thống Mỹ Joe Biden, những hình ảnh đầu tiên của viễn vọng kính Webb, đó là những chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm 13/07/2022.
Đông đảo người dân biểu tình bên ngoài văn phòng thủ tướng Ranil Wickremesinghe ở Colombo, Sri Lanka ngày 13/07/2022. Reuters – Adanan Abidi
Liên quan đến châu Á, Le Monde nói về sự sụp đổ nhanh chóng của phe Rajapaksa ở Sri Lanka, gia tộc đã thống trị đất nước này gần 20 năm qua. Vội vã chạy trốn đám đông người biểu tình phẫn nộ xông vào Phủ tổng thống, ông Gotabaya Rajapaksa bỏ quên 17,85 triệu rupi (49.000 euro) và những người dân nghèo khổ đã nộp lại những tờ giấy bạc mới tinh này cho cảnh sát. Ông rất vất vả mới đến được Maldives bằng máy bay quân sự, sau khi đã lỡ nhiều chuyến bay dân sự đi Saudi Arabia do hành khách và cơ quan di trú ngăn trở. Một kết thúc nhục nhã cho gia tộc đã điều hành đất nước bằng bàn tay sắt.
Gotabaya Rajapaksa, được mệnh danh là "Terminator" lên làm tổng thống sau các vụ khủng bố làm hơn 250 người chết, đã bổ nhiệm người anh - cựu tổng thống, Mahinda Rajapaksa, làm thủ tướng. Người em Basil Rajapaksa, có biệt danh "Ông 10%" do huê hồng mỗi lần ký hợp đồng với Nhà nước, trở thành bộ trưởng Tài chính. Anh cả Chamal Rajapaksa nắm một bộ phụ trách việc dẫn thủy nhập điền. Thế hệ tiếp nối cũng không bị bỏ quên : Namal Rajapaksa, con trai lớn của Mahinda được cho là sẽ kế vị sau này, lãnh đạo bộ Thể thao và Thanh niên. Tất cả đều buộc lòng phải từ chức với hy vọng duy trì được quyền lực của Gotabaya.
Trước đó, tổng thống đã cho tu chính Hiến pháp để có quyền bổ nhiệm và bãi miễn các viên chức, thẩm phán, cảnh sát, bộ trưởng, kiểm soát các ủy ban độc lập về nhân quyền và chống tham nhũng, nhằm né được mọi cuộc điều tra. Năm 2009 khi Gotabaya là bộ trưởng Quốc phòng và ông anh Mahinda là tổng thống, đã thẳng tay với phe Hổ Tamul, ước tính 40.000 thường dân người Tamul đã bị giết chết trong vài tuần lễ.
Sự sụp đổ nhanh chóng của gia đình Rajapaksa là hệ quả của một loạt quyết định tai hại. Từ nhiều tháng qua, Sri Lanka lâm vào khủng hoảng. Các vụ tấn công đẫm máu vào lễ Phục Sinh 2019 và đại dịch Covid từ 2020 làm suy sụp kỹ nghệ du lịch, mất đi nguồn thu khổng lồ, dự trữ ngoại tệ từ 7,5 tỉ đô la còn 1,8 tỉ. Ngược với khuyến cáo của các nhà kinh tế, gia đình Rajapaksa không cầu viện đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà dùng cách hạn chế nhập khẩu kể cả hàng thiết yếu. Người dân thiếu thốn mọi thứ : xăng dầu, khí đốt, thực phẩm, thuốc men, điện bị cúp thường xuyên. Việc cấm nhập khẩu phân bón hóa học khiến sản lượng nông phẩm sút giảm nghiêm trọng.
Nhưng gốc rễ lại sâu xa hơn, từ thời Mahinda còn làm tổng thống, với những dự án quy mô và món nợ khổng lồ vay của Bắc Kinh. Quận Hambatota, thành trì của gia tộc Rajapaksa ở miền nam được đầu tư không tiếc tiền. Chẳng hạn một phi trường quốc tế xây dựng ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên mang tên gia đình, không dành cho người ngoài và gần đó là một sân bóng chày khổng lồ nhưng không hề có sự kiện thể thao. Đặc biệt cảng Hambatota chưa bao giờ đón một tàu hàng nào, nhưng phải nhượng cho Trung Quốc 99 năm vì không trả nổi món nợ trên 1 tỉ đô la.
Đặc phái viên Libération tại Colombo cho biết hàng trăm thanh niên vẫn đang sống trong Phủ tổng thống. Họ bảo vệ đồ đạc trong dinh thự và điều hành lượng người tham quan bằng các bộ đàm, dưới cái nhìn thú vị của vài cảnh sát. Ngoài một lan can bị sập trong ngày đầu tiên, Phủ tổng thống Sri Lanka vẫn yên tĩnh như viện bảo tàng Louvre trong Ngày di sản. Người biểu tình được đại diện bởi "Ủy ban đấu tranh Galle Face" (tên đại lộ bên cạnh dinh thự) gồm khoảng 100 người, đóng ở văn phòng tổng thống và thủ tướng, khẳng định chỉ ra đi khi hai nhân vật này thực sự từ chức.
Về chiến sự tại Ukraine, Libération quan tâm đến việc"Kiev tìm cách phản công ở miền nam".Quân đội Ukraine hôm qua đã tấn công vào một đơn vị Nga và một kho đạn ở Nova Kakhovka, cách Kherson 70 km. Một cột khói hình nấm cao đến vài chục mét bốc lên trên bầu trời thành phố đêm khuya. Kiev nói rằng 52 lính Nga bị chết, còn Moskva tố cáo "hành động khủng bố" làm 7 người thiệt mạng và 60 người bị thương.
Theo Vincent Tourret, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược thì cuộc tấn công này giúp Ukraine chứng tỏ hiệu quả của vũ khí phương Tây trước hỏa lực dồn dập của kẻ thù. Phillips O'Brien, đại học Saint Andrews nhận xét : "Người Nga đã để cho kho đạn dễ xác định vị trí một cách rất buồn cười". Hoặc là do chỉ đạo không đến nơi đến chốn, hoặc không thể chuyển kho đi nơi khác vì thiếu xe tải.
Số vụ tấn công của Ukraine tăng lên làm Moskva phải di dời một căn cứ xa hơn 20 km, và chuẩn bị chiến đấu trong thành phố nếu Ukraine tiến vào được Kherson. Tương tự như ở Kharkov, Kiev cố duy trì áp lực lên quân Nga đang ở thế thủ vì phải tập trung sức cho Donbass. Từ đầu tháng Bảy, Ukraine đã giành lại được hai làng Ivanivka và Lozove ở Kherson, giải thoát được năm công dân trong một hoạt động đặc nhiệm của tình báo. Cho dù là những thắng lợi hết sức nhỏ bé nhưng cũng giúp nâng cao tinh thần quân dân.
Vấn đề là liệu Ukraine có đủ phương tiện để phản công quy mô hay không ? Theo Viện Kiel, Hoa Kỳ chỉ mới cung cấp chưa đầy 40% số vũ khí đã hứa. Ông Vincent Tourret nhận xét : "Sẽ không có bất kỳ đột phá đáng kể nào nếu không có viện trợ từ phương Tây. Ukraine hầu như đã cạn kiệt đạn dược thời xô-viết, nay họ hoàn toàn lệ thuộc vào sự trợ giúp của chúng ta".
Còn tại Kherson, vốn bị quân Nga chiếm ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng, người dân sinh sống, di chuyển, làm việc như thế nào ở một thành phố bị cắt rời khỏi đất nước ? Đặc phái viên của Libération ở thành phố Mykolaiv kế cận cho biết tại đây "cuộc sống thực ra chỉ là sống sót". Veronika, một nữ kỹ sư trẻ thuật lại qua ứng dụng bảo mật : "Cuộc sống ở Kherson giống như ở tù. Bất kỳ ai đều có thể bị bắt hoặc đưa đi mất tích vì một hình xăm, một tin nhắn gởi đi, một like trên mạng xã hội. Tôi không còn ra ngoài, không đi uống cà phê hay làm đẹp, suốt ngày ở trong nhà. Hơn nữa cũng không còn việc làm, đại đa số công ty đã đóng cửa". Alexandra, một nông dân nói thêm : "Sống chỉ là cố tồn tại. Chúng tôi sợ bị cho vào danh sách đen và bị bắt ở một trạm kiểm soát. Không dám nói về chính trị, sợ bị nghe được và tố cáo".
Một chính quyền mới do một cựu FSB đứng đầu đã được dựng lên, đang chuẩn bị "trưng cầu dân ý" để sáp nhập vào Nga. Đồng rúp trở thành bản vị, các hộ chiếu Nga được phân phát cho dân, đa số giáo sư đại học bị đuổi việc và tiếng Nga được áp đặt trong giảng dạy. Lính Nga tỏ rõ là ông chủ, họ vào các cửa tiệm không thèm xếp hàng, với thái độ cười cợt. Họ vào các nông trại cướp xăng dầu, máy nông nghiệp... Ít nhất 600 thường dân ở Kherson bị bắt cóc trong đó có thị trưởng Ihor Kulekaev, những ai trở về được đều đã bị đánh đập và suy sụp tinh thần. Những cuộc biểu tình trong thời gian đầu vừa bị chiếm đóng đã chấm dứt từ lâu dưới những họng súng kalachnikov.
Tuy nhiên kháng chiến vẫn âm thầm diễn ra dưới dạng những hình vẽ, vệt màu xanh vàng trên những bức tường, băng ghế, hàng cây, những lá cờ Ukraine ở góc phố. Chiến dịch "ruy-băng vàng" này đi kèm với việc cung cấp các thông tin về vị trí quân sự của Nga cho quân đội Ukraine. Những tuần lễ gần đây, đã có các hoạt động vũ trang nhắm vào các viên chức người Nga hay làm việc cho Nga. Ngày 24/06, Dimitri Savluchenko phụ trách thể thao và thanh niên đã bị tử thương vì một quả bom. Sáu ngày sau, người đứng đầu cơ quan quản lý trại giam bị thương và thứ Hai 11/06 cựu thị trưởng Vladimir Saldo chấp nhận cộng tác với Nga suýt chết.
Tại Pháp, cuộc diễn binh nhân lễ Quốc khánh 14/07 ngày mai mang dấu ấn Ukraine và NATO. Le Figaro và La Croix cho biết có 6.300 quân nhân sẽ diễu hành trên đại lộ Champs-Élysées, các quốc gia Đông Âu được vinh danh. "Chia sẻ ngọn lửa", đó là khẩu hiệu năm nay để nhắc nhở ngọn lửa kháng chiến Pháp, tưởng niệm kháng chiến quân cuối cùng Hubert Germain qua đời hồi tháng 10 ; đồng thời còn là ngọn lửa Olympic sẽ đến Paris năm 2024. Buổi lễ sẽ kết thúc bằng màn trình diễn âm nhạc của nữ ca sĩ (và là quân nhân dự bị) Candice Parise, được đặt tên là "France".
Lần đầu tiên cuộc diễn binh truyền thống mang biểu tượng NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Đối với một quốc gia luôn giữ khoảng cách với Liên minh Bắc Đại Tây Dương, sự thay đổi này rất đáng chú ý do cuộc xâm lăng Ukraine. Biểu tượng của 9 nước Đông Âu sẽ đi đầu : Estonia, Latvia, Lithuania (Litva), Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech, Bulgaria, Romania. Trên bầu trời, là hai chiếc Rafale đã bán cho Hy Lạp cùng với bốn phi cơ vận tải của Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý ; 25 trực thăng, 64 phi cơ và lần đầu tiên có một drone là chiếc Reaper tham gia.
Pháp tỏ ra chừng mực khi chỉ mời khoảng 100 đại diện quân đội Châu Âu, không có nguyên thủ nào hiện diện, và cũng không vinh danh riêng các chiến sĩ Ukraine đang chiến đấu chống lại Nga. Thay vào đó là kỷ niệm 400 năm lực lượng Hải quân, 30 năm các chiến dịch đặc biệt, 80 năm hệ thống thông tin liên lạc quân sự.
Đặc biệt ba khẩu đại pháo Caesar, niềm hãnh diện của Pháp đã chứng tỏ uy lực ở Ukraine cũng tham gia cuộc diễn binh. Paris đã tặng cho Kiev 12 khẩu và hứa giao thêm 6 khẩu, một nỗ lực đáng kể vì Lục quân Pháp chỉ có tổng cộng 76 khẩu Caesar. Có 300 khẩu đã được bán cho một số nước, mới nhất là Lithuania đặt mua 18 khẩu để trang bị cho một đơn vị gần Kaliningrad, vùng đất của Nga đang quân sự hóa. Lithuania muốn nhận sớm, nhưng Pháp đang phải dành ưu tiên cho Ukraine.
Cũng về thời sự quốc tế, các báo đều bình luận về chuyến thăm Trung Đông của tổng thống Joe Biden. Theo Le Monde, đó là nhằm"củng cố mối quan hệ với các đồng minh", Les Echos coi là một "vòng công du đầy nguy hiểm", với Le Figaro là"đầy cạm bẫy". Nhật báo thiên hữu mỉa mai trong bài xã luận "Cường quốc quỳ gối" : dù là người đứng đầu đại cường số một thế giới, ông Biden lại đi với tư thế xin xỏ thay vì người làm chủ cuộc chơi.
Việc Mỹ rút lui khỏi Trung Đông sau 20 năm thất bại về chiến lược và quân sự ở Afghanistan, Iraq, Syria đã làm giảm đi kỳ vọng của các nhân tố trong khu vực đối với sức mạnh của "hiến binh quốc tế". Các nhà lãnh đạo Israel, Palestine và Saudi Arabia biết rằng sẽ tiếp một ông chủ Nhà Trắng đang yếu đi. Không chỉ tuổi tác làm ông liên tục có những cú ngã, mà Biden còn đứng trước nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ và bị chính phe của mình đòi hỏi không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.
Lẽ ra phải tránh gặp thái tử Mohammed Ben Salman (MBS), nhưng Biden rất cần Saudi Arabia để đề nghị tăng sản lượng dầu lửa, nhằm làm giảm giá xăng và ngăn chận nạn lạm phát ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến những lá phiếu của đảng Dân Chủ vào tháng 11 tới. Chưa kể nguy cơ làm rạn nứt liên minh với Châu Âu chống lại Nga. Le Monde nhắc đến hai bóng ma ám ảnh chuyến công du này : nhà báo Jamal Khashoggi bị đặc vụ Saudi Arabia ám sát tháng 10/2018 và nhà báo Shireen Abu Akleh của kênh Al-Jazira, được cho là bị lính Israel bắn chết. Về phía MBS không sẵn sàng hy sinh mối quan hệ tốt với Moskva, cũng không có lợi khi dầu sụt giá.
1,0001 : đó là tỉ giá euro so với đô la vào lúc gần trưa hôm qua 12/07. Le Figaro ví von giờ đây phải sắm một chiếc kính hiển vi mới theo dõi được tỉ lệ hối đoái. Lần đầu tiên đồng tiền chung Châu Âu ngang giá với đồng đô la kể từ 2002, sự bất định của việc cung cấp khí đốt Nga cho Châu Âu làm đồng euro mất giá nhanh hơn. Nông sản, hàng xa xỉ, hàng không… những mặt hàng "made in France" sẽ bán chạy hơn, nước Pháp sẽ hấp dẫn hơn đối với khách du lịch Mỹ. Tuy nhiên các nhà nhập khẩu hàng điện tử, đồ chơi, dệt may… phải méo mặt, năng lượng và nguyên vật liệu đắt đỏ hơn.
Chuyển sang lãnh vực khoa học, các báo đều ca ngợi viễn vọng kính Webb, với những hình ảnh đầu tiên sau 15 năm bị trễ và chi phí khổng lồ khiến NASA bị nhiều chỉ trích. Đó là những bức ảnh đẹp nhất từ trước đến nay, tuy nhiên vấn đề không phải là thẩm mỹ mà là giá trị khoa học. Webb giúp quan sát thật xa, đến những thiên hà chưa từng được nhận diện. Cư dân Trái Đất giờ đây có thêm cặp mắt mới ở cách xa 1,5 triệu kilomet để dõi theo vũ trụ. Đây là cỗ máy tuyệt vời để đi ngược thời gian, theo vết luồng ánh sáng đã mất trên 13 triệu năm để đến với nhân loại. Webb giúp tìm kiếm nguyên nhân sinh ra những vì sao và những thiên hà, khoảng vài chục triệu năm sau vụ Big Bang.
Nhiều nhà khoa học đã rơi lệ khi những bức ảnh được công bố vào thứ Hai 11/07, mà ông Biden gọi là một "ngày lịch sử". Tổng cộng có trên 20.000 người tham gia vào việc xây dựng viễn vọng kính này với chi phí ước tính 11 tỉ đô la, cái giá phải trả cho một cuộc cách mạng thiên văn.
Thụy My
Phương Tây cần cung ứng cho Ukraine nhiều vũ khí hạng nặng loại mới, vì trận đánh Donbass quan trọng không kém trận Kiev.
Một quân nhân Ukraine sử dụng hỏa tiễn chống tăng NLAW trong một cuộc tập trận tại Donetsk, ngày 25/02/2022. AP - Vadim Ghirda
L'Obsra số báo thứ 3.000 sau 60 năm hiện diện, nhân dịp này tuần báo điểm qua "60 năm đã thay đổi nước Pháp". Trang bìa L'Expresslà hình vẽ bà Marine Le Pen như một con rối đang bị một bàn tay cầm ngôi sao đỏ giựt dây, với tựa nhỏ "Marine Le Pen và Châu Âu, NATO, Nga..." và dòng tít lớn "Một ứng cử viên dưới ảnh hưởng". Le Pointđăng ảnh hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình, chạy tựa trang nhất "Những mối đe dọa mới theo cách nhìn của CIA", giới thiệu bản báo cáo của tình báo Mỹ.
Bìa báoCourrier Internationalthể hiện hai chủ đề chính tuần này. Phía trên là hàng tít lớn trên nền đỏ "Marine Le Pen, cơn ác mộng của Châu Âu". Phần dưới, hai hàng xác người nằm dọc theo lối đi của chiếc xe tăng mang chữ Z, với dòng chữ "Làm thế nào xét xử tội ác chiến tranh ?". Tuy là tuần lễ quyết định của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, tình hình Ukraine vẫn chiếm phần lớn số trang các tuần báo.
The Economistkêu gọi "Phương Tây cần gởi cho Ukraine vũ khí nhiều hơn và tốt hơn", vì giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến được cho là rất khó khăn. Trận đánh Kiev có thể đã kết thúc, ít nhất là vào lúc này, nhưng trận đánh Donbass đang dữ dội, trên chiến tuyến trải dài 400 km. Vladimir Putin muốn chiếm phần còn lại của Donbass và những vùng đất khác ở miền đông, miền nam Ukraine. Thoạt nhìn có vẻ như không quan trọng bằng Kiev, nhưng hậu quả nếu Nga chiến thắng không kém phần trầm trọng.
Cho đến nay, ông Putin chẳng chứng tỏ được gì qua cuộc chiến của ông ta, chỉ thành công trong việc giết hại thường dân, tiêu diệt lực lượng của chính mình, biến phần lớn miền đông Ukraine thành bình địa. Việc mất đi một số lượng lính không kể xiết (trên 20.000, theo phía Ukraine), tám tướng lãnh tử trận và soái hạm Moskva chìm xuống Hắc Hải thật là nhục nhã.
Nếu đợt tấn công Donbass có kết quả, nhà độc tài Nga có thể biện minh cho cuộc chiến tranh, trong khi Ukraine bị chia rẽ và thất vọng. Tiếp đến Nga có thể chọn lựa hoặc dấn lên, hoặc đơn giản là "đóng băng" cuộc xung đột, để lại phía sau một Ukraine bị tàn phá, rối loạn. Dù gì đi nữa, Putin cũng ngáng được chân để Ukraine không thể trở thành một quốc gia thịnh vượng thân phương Tây mà ông ta hằng lo ngại.
Sẽ là vội vã nếu nghĩ rằng Nga cũng sẽ tệ hại như trận đánh Kiev ở miền bắc. Lần này quân Nga tấn công từ đất nhà, không phải mượn đường Belarus với cớ "tập trận" nữa, đường tiếp tế rất gần. Họ tìm cách đánh trên những địa hình tương đối thoáng, trái với những khu rừng xung quanh Kiev, quân kháng chiến khó phục kích hơn.
Cho đến nay, trợ giúp của phương Tây đặc biệt là Mỹ rất đáng kể. Một lượng vũ khí, đặc biệt là hỏa tiễn chống tăng và hỏa tiễn phòng không vác vai đã tạo ra sự khác biệt lớn. Nhưng để chặn quân Nga trên một tuyến phòng thủ dài, chưa nói đến việc buộc Nga rút khỏi những vùng đất đã chiếm từ ngày 24/02, Ukraine cần vũ khí hạng nặng : xe tăng, máy bay, pháo và đạn dược kèm theo.
Điều này không đơn giản. Lực lượng Ukraine chủ yếu sử dụng vũ khí từ thời Liên Xô. Trước mắt, Kiev cần thêm nhiều chiến đấu cơ Mig, xe tăng T-72, hỏa tiễn S-300, pháo tự hành Gvordika... Các nước NATO vốn là vệ tinh của Liên Xô cũ như Cộng hòa Czech, Ba Lan, Slovakia đã chuyển cho Ukraine một phần, cần phải nhiều hơn nữa, nhưng những vũ khí loại này sẽ cạn dần và không thể bổ sung. Phương Tây nên cung cấp những vũ khí hiện đại hơn và huấn luyện cách sử dụng.
Tuần này, Mỹ, Anh, Canada cho biết bắt đầu giao vũ khí hạng nặng. Tin vui là đường vận chuyển chủ yếu từ Ba Lan hoạt động tốt, Nga chưa tìm ra cách phá rối. Nếu vũ khí tiếp tục đổ sang và cuộc chiến tiếp diễn, nền kinh tế của Nga vốn chỉ tương đương với Tây Ban Nha cộng thêm các biện pháp trừng phạt, không thể cung ứng vũ khí với tầm mức như NATO. Muốn Putin bị đánh bại và Ukraine có thể tự quyết định tương lai của mình, không chỉ những người lính Ukraine ở Donbass - đang bị tấn công ồ ạt bằng máy bay, hỏa tiễn và đại pháo Nga - phải bình tĩnh, mà NATO cũng phải kiên định.
L’Expressđưa ra "Ba kịch bản cho cuộc tấn công mới của Putin". Kịch bản thứ nhất : Quân Nga tiến được đến Dnipro, tức là chọc thủng phòng tuyến của Ukraine đến tận sông Dniepr, chiếm được những lãnh thổ rộng lớn ở phía tây của hai tỉnh vùng Donbass. Như vậy Putin thực hiện được một phần giấc mộng "Tân Nga", chỉ thiếu Kharkov, Odessa và Mykolaiev ; có thể khoe khoang thành công của "chiến dịch đặc biệt". Theo cựu đại tá Pháp Michel Goya, như vậy Nga phải tập trung nhiều phương tiện cho nơi yếu nhất là phía nam Zaporijia. Có điều nếu chiếm được vẫn khó thể giữ.
Kịch bản thứ hai là chiếm trọn vùng Donbass. Tướng Pháp Dominique Trinquand cho rằng mục đích này khả thi hơn. Quân Nga phải phối hợp hai cánh quân từ Izium ở phía bắc và Donetsk ở phía nam để bao vây quân Ukraine, cắt đứt tuyến sau. Đồng thời phải tấn công từ đông sang tây, buộc Ukraine đối mặt với ba trục của Nga, bắt đầu một cuộc vây hãm mới - nhưng khó khăn hơn cả Mariupol vì có nhiều lực lượng Ukraine gần đó. Hiện thời quân Nga đã phối hợp tốt hơn và hậu cần cũng được chuẩn bị kỹ hơn so với đợt đầu.
Khả năng thứ ba là đợt tấn công lần này thất bại. Lực lượng Ukraine có thể được phương Tây tăng cường thêm nhiều vũ khí, trong đó có những vũ khí hạng nặng. Nếu cuộc phản công ở Kharkov giúp phá vỡ thế bao vây của Nga, sẽ là thất bại lớn cho Moskva sau trận Kiev. Còn lại là việc Mariupol thất thủ, như Putin đã tuyên bố hôm thứ Năm, coi như chiến công trước lễ mừng chiến thắng phát-xít Đức 09/05. Sẽ có một giai đoạn tạm nghỉ ngơi hoặc ngưng bắn nếu Nga không tiến được thêm, nhưng Moskva sẽ lại cho tấn công vài tháng sau khi củng cố được lực lượng.
Sau khi quân Nga rút khỏi Kiev, báo chí quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh ở quy mô lớn : thảm sát thường dân, hãm hiếp... và đặt câu hỏi liệu một ngày nào đó đưa được Vladimir Putin ra trước tòa án hay không. Đây cũng là hồ sơ của Courrier International. Tuần báo đăng lời kể của một phụ nữ trẻ Ukraine thuật lại với Times : quân Nga bắn chết người chồng và cưỡng hiếp cô nhiều lần. Đây có thể là ca đầu tiên được đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế.
Những hố chôn tập thể, những xác thường dân bị trói tay ở Bucha gây sốc cho cả thế giới, trước sự tàn sát dã man diễn ra ngay tại Châu Âu tưởng chừng đã là dĩ vãng. Phó thủ tướng Anh Dominic Raab thông báo tặng 1 triệu bảng Anh cho Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye, chưởng lý Suella Braverman phối hợp với đồng nhiệm Iryna Venediktova của Ukraine để nhận dạng và khởi tố những người Nga đã gây tội ác ở Mariupol và những nơi khác.
Vụ thảm sát Bucha là vụ tồi tệ nhất kể từ sau Srebrenica năm 1995, khi 8.000 người Bosnia bị Serbia giết hại. Khoảng 6.800 trong số đó đã được nhận dạng nhờ ADN, nhưng vào thời đó, ít ai nghĩ có thể khởi tố các quản giáo, chưa nói đến Radovan Karadzic, kẻ đã ra lệnh vây hãm Sarajevo và giám sát Srebrenica. Nhưng rốt cuộc Karadzic bị bắt năm 2008 và bị tù chung thân, còn tổng thống Slobodan Milosevic đã chết vì đau tim trong khi chờ đợi xét xử.
Trước Liên Hiệp Quốc cách đây hai tuần, tổng thống Volodymyr Zelensky đã trình ra những hình ảnh xác thường dân ở Motyjine, Irpin, Mariupol và Bucha, nhưng khó thể hữu ích trước tòa án, các video trên mạng cũng vậy. Cần phải có chứng cứ pháp y và nhân chứng. Bộ Tư Pháp Anh đề nghị giúp điều tra, đơn vị SO15 của cảnh sát Anh đã thu thập được nhiều lời chứng giá trị. Một công việc khổng lồ : trong số 3,6 triệu video về tội ác chiến tranh ở Syria, chỉ 600.000 được phân tích và chỉ có 8.000 được coi là bằng chứng. Nhiệm vụ này vượt quá sức của một chính quyền Ukraine đang phải tiếp tục chiến đấu để sống còn. Sir Howard Morrison, thẩm phán đã kết án Karadzic được Luân Đôn điều đến hỗ trợ cho Kiev.
Nếu việc xâm lăng Ukraine bị coi là tội ác chiến tranh, có thể những nước như Ấn Độ, Nam Phi sẽ từ bỏ thái độ trung lập. Còn với Putin ? Các nước vẫn muốn chừa cho ông ta một đường lui : một tên tội phạm chiến tranh không thể tham dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế vì rời khỏi nước sẽ bị bắt giữ. Cũng khó đưa được Putin ra trước công lý, vì Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye không được cả Nga lẫn Hoa Kỳ công nhận thẩm quyền.
Hãy còn Tòa án Công lý Quốc tế cũng ở La Haye, nhưng mọi quyết định phải được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua và Nga lại có quyền phủ quyết. Theo The Spectator và Die Zeit được Courrier International dịch lại, vấn đề là phải nhanh chóng thu thập nhiều bằng chứng để thay đổi cán cân ngoại giao, trong lúc cuộc chiến vẫn ác liệt. Human Rights Watch, Hồng thập tự Quốc tế và các tổ chức phi chính phủ khác đang góp sức một cách công tâm.
"Trông người lại nghĩ đến ta", người Đài Loan có lẽ quan tâm theo dõi diễn biến ở Ukraine chặt chẽ nhất. The Economist phân tích về những gì Đài Loan có thể học hỏi được từ cuộc kháng chiến chống xâm lăng của Ukraine.
Nếu bị Trung Quốc chiếm, nền dân chủ Đài Loan bị bóp nghẹt ; kinh tế thế giới chao đảo vì đảo quốc này là nơi sản xuất chip điện tử tân tiến nhất. "Chuỗi đảo thứ nhất" bị phá vỡ, đặt Nhật Bản vào vòng nguy hiểm và đảo lộn trật tự tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bài học lớn nhất cho Đài Loan, Hoa Kỳ và các đồng minh từ cuộc xâm lược của Nga : mối đe dọa là có thật, tốt nhất là chuẩn bị ngay từ bây giờ thay vì lúng túng đối phó khi ngọn lửa chiến tranh đã dấy lên.
Ukraine đã chứng tỏ rằng tinh thần chiến đấu kiên cường, lãnh đạo can đảm, dân chúng đồng tâm kháng chiến - cộng với vũ khí phương Tây có thể chống lại kẻ thù mạnh hơn như thế nào. Thế nên Đài Loan cần chuẩn bị chu đáo, từ huấn luyện quân sự cho mọi người trong tuổi quân dịch, lập lực lượng phòng vệ lãnh thổ cho đến tăng ngân sách quốc phòng. Hiện nay ngân sách này chỉ chiếm 2% GDP, quá thấp đối với một đất nước đang bị nguy hiểm (Israel chi 5,6%). Chủ yếu tập trung cho các loại vũ khí cơ động như hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn phòng không, thay vì các loại phi cơ, chiến hạm, tàu ngầm đắt tiền.
Là đảo quốc, Đài Loan khó xâm lăng hơn Ukraine nhưng ngược lại, cũng khó tiếp vận. Đài Bắc có thể phải đơn độc chiến đấu nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng : không biết Mỹ có đến tiếp cứu hay không và bao giờ. Vấn đề là cầm cự được càng lâu càng tốt. Hãy nhìn Ukraine : càng trụ được lâu dài, Kiev càng nhận được nhiều sự giúp đỡ. The Economist lưu ý là không có tổ chức nào tương đương NATO tại Châu Á. Mỹ có các hiệp định song phương với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng những nước này không có nghĩa vụ gì với nhau, không có bộ chỉ huy quân sự thống nhất như NATO.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Pointnhận định "Hoàng đế đỏ bị Covid đánh bại". Thất bại của chính sách zero Covid đi ngược lại với tuyên truyền về "sự ưu việt" của mô hình toàn trị so với dân chủ. Tên tuổi trên trường quốc tế bị vấy bẩn vì ủng hộ Nga xâm lăng Ukraine. Kinh tế chậm lại làm giảm đi cơ hội đuổi kịp Hoa Kỳ từ nay đến 2030. Đó là ba mối nguy cho Tập Cận Bình, vào lúc chỉ vài tháng nữa đến đại hội đảng.
Trung Quốc (không kể Hồng Kông) tuyên bố chỉ có chưa đến 5.000 trường hợp tử vong do con virus từ Vũ Hán, một trong những tỉ lệ thấp nhất thế giới. Nhưng biến thể Omicron lây lan nhanh hơn đã khiến chính quyền áp đặt phong tỏa mạnh mẽ, nhưng lại kém hiệu quả. Tại Thượng Hải, 26 triệu dân bị buộc ở trong nhà, các siêu thị đóng cửa, thực phẩm được phân phối. Các drone và những đội bảo vệ mặc đồ bảo hộ trắng đe dọa những ai dám ra khỏi nhà hoặc phản đối từ balcon. Hàng mấy chục ngàn người nhiễm bệnh bị đưa đến các trung tâm cách ly kém vệ sinh, trẻ em bị tách rời khỏi cha mẹ.
Đến giữa tháng Tư, 1/5 dân số Hoa lục bị phong tỏa, vào lúc thế giới đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp dịch tễ. Các nhà đầu tư nản chí, tỉ lệ tăng trưởng khó đạt nổi, nhưng nếu từ bỏ zero Covid chẳng khác nào nhìn nhận Tập Cận Bình đã sai lầm. Tuần báo phân tích, nguyên nhân sâu xa là sự cạnh tranh với Mỹ. Dân Hồng Kông bị đè bẹp năm 2020 vì ủng hộ Washington. Mọi chỉ trích Vladimir Putin bị cấm tiệt vì mang lại lợi ích cho Mỹ. Dù đại dịch lan tràn, Bắc Kinh vẫn không muốn mua vac-xin ARN thông tin, vì như vậy là nhìn nhận vac-xin nội địa không hiệu quả bằng tư bản.
Tại Pháp, thời sự nóng nhất tất nhiên là cuộc bầu cử tổng thống ngày Chủ nhật 24/04/2022. Đây là hồ sơ chính của L'Express, tuần báo nhận định nếu Marine Le Pen đắc cử, nước Pháp sẽ yếu đi và bị cô lập, đồng thời nhấn mạnh đến mối liên hệ nguy hiểm của ứng cử viên cực hữu với Nga.
Trong bài "Khuôn mặt thật của Marine Le Pen", L’Express đặt câu hỏi, làm thế nào giao chìa khóa điện Élysée cho một người hồi năm 2017 từng tuyên bố "ngưỡng mộ" Vladimir Putin trong khi tự do liên tục bị bóp nghẹt ở Nga ? Ba năm trước đó, bà nói rằng "không có việc xâm lăng Crimea", và cùng năm 2014 đó, đảng của bà vay hai món tín dụng 2 triệu và 9 triệu euro từ một ngân hàng Nga. Nhiều nhân vật trong đảng đến Donbass để ủng hộ phe ly khai, sang thăm Crimea nhằm tạo tính chính danh cho cuộc trưng cầu dân ý do Moskva tổ chức. Và mới nhất hồi tháng Hai năm nay, Le Pen tung ra những tờ truyền đơn có ảnh bà hãnh diện đứng cạnh nhà độc tài Nga để chứng tỏ "vị thế quốc tế".
Tờ báo nhắc lại, suốt mười năm qua, quan điểm của đảng Tập hợp Dân tộc (RN) đều tương đồng với Moskva, và trong chương trình hành động 2012 đã đề nghị "một liên minh Pháp-Đức-Nga". Chuyên gia Bruno Tertrais của Quỹ nghiên cứu Chiến lược nhận xét, thật là nghịch lý khi một đảng nói rằng bảo vệ chủ quyền nước Pháp nhưng lại duy trì liên hệ về tài chánh và thân thiết với một cường quốc độc tài.
Cử tri Pháp mau quên thế sao ? Theo L’Express, đó là nhờ những tuyên bố thân Nga của một ứng cử viên cực hữu khác là Eric Zemmour đã thu hút mọi chỉ trích. Còn Marine Le Pen khôn khéo nhấn mạnh đến sức mua – mối quan tâm lớn của người dân, thậm chí còn tìm cách đổ lỗi cho ông Emmanuel Macron về cuộc chiến Ukraine. Nhưng khi tiếp tục khẳng định muốn xây dựng một "liên minh" với Nga, chiếc mặt nạ của bà đã rơi.
Trả lời phỏng vấn Le Point, triết gia Đức Peter Sloterdijk than phiền "Người Pháp không bỏ phiếu bằng bộ óc". Pháp là một nước mà vòng một cuộc bầu cử tổng thống cứ mỗi năm năm là dịp để "biểu hiện quan điểm" : chống lại giới tinh hoa, trừng phạt chính phủ, phản đối sức mua giảm… Trong khi theo các nhà kinh tế, sức mua của người Pháp đã tăng trung bình khoảng 300 euro/năm từ năm 2017 đến năm 2021.
L’Obshình dung ra "Kịch bản đen 100 ngày đầu cầm quyền của Le Pen". Nội các của thủ lãnh đảng cực hữu gồm bộ máy xưa nay, những người trung thành chưa bao giờ có kinh nghiệm tham chính để có thể lãnh đạo những bộ quan trọng. Có thể bổ sung một số khuôn mặt cánh hữu nhưng chỉ những ai không bầu cho Emmanuel Macron trong vòng hai. Le Pen cho trưng cầu dân ý về nhập cư, một cuộc "đảo chánh Hiến pháp", dành việc làm và phúc lợi cho người Pháp gốc, người nước ngoài thất nghiệp quá một năm sẽ bị trục xuất.
Sau đó là thương lượng với Bruxelles về nhiều nguyên tắc Châu Âu, nhưng trước mắt là phủ quyết việc trừng phạt Nga, rút khỏi bộ chỉ huy NATO… Nhiều chủ trương gây tranh cãi khác, chẳng hạn bỏ thuế thu nhập cho tất cả những ai dưới 30 tuổi. Như vậy cầu thủ Kylian Mbappé, 23 tuổi, lương 26,5 triệu euro/năm khỏi phải đóng thuế. Marine Le Pen sẽ trở thành "tổng thống của người giàu", một "danh hiệu" vẫn được gán cho Emmanuel Macron. Về đối ngoại, Elysée sẽ đồng hành với Kremlin của Putin, và giấc mơ làm phương Tây yếu đi của ông ta.
Thụy My
Sức nóng của một cuộc chiến có thể diễn ra giữa Ukraine và Nga đang chạm vào từng người dân ở đó. Là một quốc gia nhỏ bé, và khả năng quân đội cũng khó lòng có thể đương cự được với nước Nga, viễn cảnh đổ nát và bị xâm lược và điều mà báo chí Ukraine nói mỗi ngày.
Trên truyền hình của Ukraine, người ta tìm thấy nhiều bản video kêu gọi tinh thần sẵn sàng chiến đấu của chính phủ gửi đến người dân. Trong lời kêu gọi gia nhập quân đội để sẵn sàng bảo vệ tổ quốc, có bản tự giới thiệu của nhiều người, từ nhiều thành phần khác nhau, nhiều cuộc đời khác nhau.
"Tôi là một tài xế xe bus", một người mặc quân phục nói. Lại có những người không có gì để giới thiệu về mình, ngoài lời mô tả mộc mạc "tôi là một đứa em trong gia đình". Những người Ukraine bình thường hàng ngày, được bắt gặp trên mọi ngã đường, có thể họ đang chạy trên một chiếc xe đạp, họ là người giao hàng hay là một sinh viên đang đi học... tất cả cùng đi đến tiền tuyến, từ những cuộc đời tầm thường vô danh của họ, và rồi chợt trở thành những điểm pháo sáng lóe lên trong đêm mịt mù của chiến tranh, với niềm tin rằng họ phải hành động để bảo vệ đất nước của mình.
Bản video kết thúc với dòng chữ "Không ai trong chúng ta sinh ra cho chiến tranh". Ý niệm như tiếng nhịp đập thổn thức của trái tim, đột nhiên bùng lên vĩ đại trong cảm giác tràn ngập. Quả vậy, Không ai trong chúng ta trên thế gian này sinh ra cho sự khốn cùng, cam chịu, hy sinh hay bị sai khiến như nô lệ.
Không ai trong chúng ta sinh ra để bị đẩy vào một cuộc chiến, đẩy vào cái chết. Và chỉ có điều duy nhất có thể được lựa chọn để đánh đổi : đó là tự do và cuộc sống của những người phía sau mà chúng ta cần phải bảo vệ. Những con người Ukraine vô danh ấy đã dệt nên bản giao hưởng vĩ đại có tên tổ quốc - danh dự - trách nhiệm.
Cũng trong những điểm pháo sáng chớp lóe kiêu hãnh đó, bất giác tôi lại chợt tự hỏi "ở đâu rồi, những doanh gia trẻ thành đạt, những con cái của giới quan chức cầm quyền, hay những thành phần giàu có cơ hội của đất nước ấy ? Họ ở đâu trong những giờ phút sẽ là sống chết cận kề vì quê hương ?".
Trong mọi giờ phút kiêu hãnh nhất của một quốc gia đứng trước nguy nan, chắc người ta không có nhiều thì giờ đi cho những suy nghĩ bi phẫn đó. Nhưng những tin tức báo chí quốc tế quan sát từ bên ngoài, vẫn nói về chuyện giới nhà giàu Ukraine đang lặng lẽ di chuyển ra khỏi đất nước, những thành phần thân Nga đang tháo chạy một cách bí mật trước một cuộc chiến, trốn chạy ngay trên miền đất mà họ đã sống và thịnh vượng bằng cả sức lao động và máu của người dân ở đó. Ở đâu cũng vậy, luôn có những bọn vô lại trên quê hương, đứng phía sau máu và nước mắt. Họ có đủ lý do để từ chối : bệnh tật, du học hay trơ trẽn gọi nhau là thành phần cốt cán cầm quyền tương lai của đất nước, với ý thức cần tự bảo vệ.
Trong những hình ảnh cuộc chiến 1979 ở biên giới phía Bắc, và kể cả cuộc chiến ở biên giới phía Tây Nam Việt Nam với Khmer Đỏ, người ta từng nhìn thấy rất nhiều những hình ảnh các người lính, chàng trai, cô gái... rất vô danh xuất hiện trên những hình ảnh báo chí, mà rồi không biết giờ này họ đang ở đâu, sống hay chết – những số phận vì tổ quốc ấy, đang ở đâu. Có thể họ còn sống lây lất đâu đó hoặc nấm mồ im lặng của họ chưa được tìm thấy. Nhiều người trong số đó chắc họ cũng từng là giáo viên, cũng là người tài xế, đứa con út trong gia đình, hoặc là một người đang mơ vào đại học. Lịch sử đi qua, với khúc quanh bất thường như một nấm mồ khổng lồ đã chôn chặt rất nhiều thứ trong quá khứ ẩn ức. Đi qua cuộc cuộc chiến 1979, có những ước mơ và có những cuộc đời mãi sẽ không bao giờ được nhắc đến, dù đó là sự dâng hiến kiêu hãnh vì tổ quốc - danh dự - trách nhiệm theo quy luật vĩ đại của lịch sử loài người. Tất cả được hy sinh cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc của một số ít người.
Thỉnh thoảng, đôi khi nhìn thấy những đoạn phim đối diện cuộc chiến của người Ukraine, câu hỏi vô ích trong tôi lại chợt vọng lên "ở đâu, con cái những người đủ đầy cơ hội, con cái quan chức... trong những cuộc chiến 1979, 1984, 1988… hay trước đó trong cuộc nội chiến Bắc Nam ?". Thậm chí một ngày tưởng niệm chung cho những người đã chết vì đất nước, chống giặc Trung Quốc xâm lược, vẫn chưa bao giờ được chính thức tổ chức.
Thường thì khi đi qua cuộc chiến, sau những chặng khốn cùng của quê hương, người ta dễ tìm thấy những đại công ty, những nhà tư bản đỏ đột ngột xuất hiện. Họ ung dung tự giới thiệu tài năng thịnh vượng của riêng mình, và thanh thản tận hưởng thanh bình từ sự hy sinh của những đồng bào vô danh vĩ đại.
Hãy im lặng lắng nghe. Bên ngoài kia, lớp người đó vẫn đang cao giọng nói về sự hãnh tiến của mình, nói về quyền lực và quyền lợi, trên những nấm mồ im lặng vẫn còn đang ôm chặt quê hương.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 20/02/2022 (tuankhanh's blog)
Tổng thống Volodymyr Zelensky và bài học cho những nhà dân chủ quốc nội
Theo dõi và ủng hộ phong trào dân chủ quốc nội, tôi cũng từng đọc một số bài viết của một số người được xem là "những nhà dân chủ" tại quốc nội trước kia. Và có phần mến mộ vì thái độ can đảm, cũng như vì thỉnh thoảng họ cũng có được dăm bài viết hay ý tưởng thú vị về các vấn đề dân chủ, nhân quyền.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp mặt tại New York, ngày 25/9/2019 - Ảnh minh họa
Nhưng tôi không vào các trang facebook cá nhân của họ bởi ở đó, chúng đời thường quá. Điều nói ở đây là, đôi năm qua, kể từ khi chính trường Hoa Kỳ trở nên xáo trộn và chia rẽ trầm trọng, họ cũng "chia phe", binh chống kịch liệt tổng thống Donald Trump. Nó cho tôi và những người khác phần nào hiểu thêm về khả năng cùng kiến thức, nhận thức của họ về vấn đề dân chủ trong bối cảnh toàn cầu ra sao, khác hơn những bài viết phản kháng nhà cầm quyền trước kia. Nếu không nói thêm là, thấy được tâm thức cùng bản lĩnh của họ ra sao.
Tôi tôn trọng quyền phát biểu cá nhân và nhận thức chính trị. Chỉ thú thật, tôi không đồng ý với hành xử, ngôn từ họ sử dụng như số đông ngoài kia, tự đánh mất nhân cách của mình khi trở thành những người ủng hộ Trump một cách quá khích, mất đi lý lẽ và phải trái. Tôi mong được đọc các lý luận mang tính học thuật, phân tích phản biện có chứng cứ, luận cứ trong việc ủng hộ Trump cùng chính sách của ông ta ra sao, hơn là đôi dòng viết tung hô Trump một cách dễ dãi, cảm tính. Thậm chí đăng tải, phát tán cả những bản tin giả mạo, như tôi đã phân tích về Lê Công Định trong một bài viết vài ngày trước.
Hôm nay thì tình cờ đọc đôi dòng của Huỳnh Thục Vy nhờ một phản biện của một Facebooker gởi đến cô. Vào xem, quả thật cũng một chuyện đáng tiếc khác. Cô viết rằng, "sự dốt nát của một tổng thống cánh tả"- tức đang nói đến Tổng thống Kennedy, cùng sự chỉ trích đảng Dân Chủ và "truyền thông cánh tả" trong cuộc chiến Việt Nam. Huỳnh Thục Vy kết thúc mẩu viết này bằng câu, "còn nhiều thứ trong đầu muốn viết… nhưng phải dọn phân ị cho con nên thôi" (!?).
Tôi sẽ không phân tích về sự mâu thuẫn trong nhận xét cùng một thái độ ngông cuồng đến thất lễ, kém văn hóa trong mẩu viết đơn giản và hồ đồ đó. Vì tổng thống Kennedy được xem là một trong những tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, cũng như cuộc chiến Việt Nam qua năm đời tổng thống Mỹ là một vấn đề lớn của nước Mỹ. Giới sử gia cùng những nhà học thuật vẫn đang bỏ công nghiên cứu, xem xét ở nhiều góc cạnh khác nhau cho đến nay.
Ở đây, tôi nói về một tình trạng phổ biến của người dân trong nước ra đến hải ngoại đang ủng hộ Donald Trump mà Huỳnh Thục Vy là một ví dụ : họ mắng chửi thậm tệ các ứng viên và đảng Dân Chủ cùng các tổng thống tiền nhiệm một cách lỗ mãng. Điều này nguy hiểm và sai lầm thế nào ?
Hãy lấy câu chuyện của Ukraine và thái độ, bản lĩnh của Tổng thống Volodymyr Zelensky, 42 tuổi của quốc gia này làm bài học cho cộng đồng người Việt. Vì ở mặt nào đó, nó có những tương đồng trong mối quan hệ ngoại giao đầy xung đột và cân nhắc. Với Ukraine là Nga và Hoa Kỳ, còn với Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Dù Ukraine rõ ràng hơn Việt Nam vì nó đang là đồng minh của Hoa Kỳ, không phải một thái độ đu dây như Việt Nam, muốn vuốt ve, thủ lợi hay là con bài trong tay cả hai thế lực.
Sự thử thách về bản lĩnh chính trị đầu tiên trong vai trò tổng thống Ukaine của Tổng thống Volodymyr Zelensky, người được đích thân Tổng thống Trump gọi điện chúc mừng ngay khi đắc cử, đã xảy ra chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức vào tháng Năm 2019. Đến tháng Chín, Zelensky bị Trump làm áp lực, hoặc điều tra cha con Joe Biden hay bị cúp viện trợ, vô tình trở thành tâm điểm can dự đến việc điều tra và cuộc xét xử truất phế Tổng thống Trump tại Hoa Kỳ hồi đầu năm nay.
Là một tổng thống non trẻ và cần sự ủng hộ vào một đồng minh lớn như Hoa Kỳ, lẽ ra Zelensky đã dễ dàng nghe theo Donald Trump. Nhưng ông vẫn không bị áp lực từ Trump hay ngoại trưởng Mike Pompeo khi tuyên bố không muốn can dự vào việc bầu cử tổng thống của nước ngoài. Bởi Zelensky hiểu rằng, Ukraine cần sự ủng hộ lâu dài từ Hoa Kỳ, từ giới lập pháp bao gồm cả lưỡng đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, chứ không phải từ một tổng thống Mỹ chỉ mang tính giai đoạn. Liệu điều gì xảy ra nếu Zelensky trở thành một loại bù nhìn trong tay Trump, đặt cược vận mệnh và quan hệ ngoại giao của quốc gia mình vào mỗi ông ta, một khi tổng thống Dân Chủ lên nắm quyền hay Quốc hội Hoa Kỳ thuộc về tay đảng Dân Chủ trong tương lai ?
Kỷ niệm một năm nắm quyền hồi tháng trước, các thăm dò cho thấy Volodymyr Zelensky được 68% người dân Ukraine ủng hộ, một phần vì thái độ và bản lĩnh chính trị khôn ngoan của ông. Trả lời phỏng vấn trên báo Time hồi cuối năm trước, Zelensky bảo rằng, dù rất cần sự viện trợ, ông không muốn Ukraine trở thành quân cờ dễ dàng bị tung hứng trên bàn cờ chính trị của các tay cờ thế giới.
Ông bảo rằng, "Tôi chẳng tin ai cả. Tôi nói một cách trung thực với các bạn. Chính trị không phải là môn khoa học chính xác. Đó là lý do tôi yêu toán học hồi còn đi học. Mọi thứ trong toán học đều rõ ràng với tôi. Bạn có thể giải một phương trình một biến số với một biến số. Nhưng ở đây, chính trị có nhiều biến số, bao gồm cả các chính khách ở nước tôi. Tôi không biết họ và không thể hiểu được họ có đồng thuyền hay không. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ không thể đặt bất cứ sự tin tưởng vào ai. Ai cũng chỉ có quyền lợi của họ".
Trump là tổng thống Mỹ nhưng không đại diện cho chính sách Hoa Kỳ mãi mãi, nếu không nói là đang bị chống đối mạnh mẽ tại Mỹ và bị cộng đồng thế giới xem thường như hiện nay. Sự ủng hộ cuồng nhiệt của đa số người Việt đặt vào Trump, dẫn đến sự chỉ trích, mạ lị nặng nề các ứng viên và đảng Dân Chủ, đã cho thấy một thái độ chưa trưởng thành, gây nguy hại cho chính mình. Bởi với những người gốc Việt tại Hoa Kỳ, luôn có các vị dân cử, cấp chính quyền địa phương thuộc đảng Dân Chủ, là những người đưa ra các quyết định can dự trực tiếp đến đời sống của họ. Còn với dăm nhà dân chủ quốc nội ủng hộ Trump, hãy tiếp tục học hỏi và cẩn trọng hơn trong thái độ cùng lời nói của mình để có thể có những ảnh hưởng tích cực hơn với đại chúng, giả sử là nếu có.
Chính trị là những bàn cờ cần nhiều sự thận trọng. Nó không thể đặt cược vào một cá nhân hay chính sách mang tính giai đoạn, mà đòi hỏi sự cân bằng, khôn ngoan và bản lĩnh. Bài học từ tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine xứng đáng cho những người dự phần cuộc tranh luận suy nghĩ.
Nhã Duy
09/06/2020
Đầu tháng Ba tôi có dịp tới Ukraine, vùng đất cách đây 30 năm còn thuộc về quốc gia cộng sản lớn nhất hành tinh. Ngày nay đất nước này đã hoàn toàn rũ bỏ quá khứ cộng sản và hướng về Châu Âu thay vì đi theo đường lối toàn trị như nước láng giềng Nga khổng lồ. Những người theo đường lối cộng sản vẫn còn nhưng các chính đảng như vậy không còn tồn tại.
Ảnh chụp quanh khu tưởng niệm những người ngã xuống vì tự do hồi năm 2014.
Đón tôi ở sân bay Boryspil tại thủ đo Kiev là bác tài xế tuổi trạc 50. Bác kể đã từng đi lính nghĩa vụ dưới tới Liên Xô từ năm 1986-1988. Sau đó bác cưới một cô gái Nga và hôn nhân kéo dài cho tới vài năm gần đây khi mỗi người mỗi ngả. "Tôi không bàn tới chuyện Liên Xô tốt hay xấu, nhưng khi đó các nước trong Liên Xô người ta coi nhau như anh em", bác nói. Giờ thì anh gấu Nga đã vả cho đứa em Ukraine mấy cái và chiếm luôn bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Di ảnh của hàng chục người dũng cảm xuống đường đòi tự do được bày dọc theo bức tường của khu tưởng niệm, một số được treo trên các thân cây ở phía đối diện.
2014 cũng là năm cuối cùng đảng cộng sản ở Ukraine được phép tham gia tranh cử. Luật giải trừ cộng sản trong năm 2015 đã loại Đảng cộng sản Ukraine khỏi các cuộc bầu cử và cũng cấm luôn các biểu tượng cộng sản. Trong các năm sau đó hàng ngàn tượng đài của Lenin và các nhà lãnh đạo Xô Viết khác đã bị dỡ bỏ và hàng chục ngàn tên các địa phương xuất phát từ thời Liên Xô đã được thay đổi.
Trước khi tới Kiev, cũng còn được gọi là Kiev theo cách viết của Nga, tôi có tham khảo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Anh. Lời khuyên của họ là không nên tới các vùng miền đông Ukraine bao gồm Donetsk, Luhansk và cả Crimea. Miền đông là nơi phiến quân thân Nga và quân chính phủ giao tranh trong mấy năm qua. Ngay gần khách sạn City Hotel nơi tôi ở có một tòa nhà đang bỏ dở. Công ty đầu tư làm ăn chính ở Donetsk và gặp khó khăn về tài chính do chiến sự diễn ra. Tòa nhà đã hoàn thiện phần khung nhưng không còn tiền để làm nốt phần còn lại cũng như nối điện và nước.
Tôi tới Kiev hôm 3/3 thì ngày 4/3 Tổng thống Volodymyr Zelensky, vốn là cựu danh hài, quyết định thay thế gần như toàn bộ nội các. Đó là lần thứ ba ông Zelensky thay thủ tướng và các bộ trưởng trong nửa năm qua. Vị tổng thống vừa bước sang tuổi 42 lên cầm quyền sau khi được sự ủng hộ của trên 70% cử tri trong bầu cử hồi tháng Tư năm 2019. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau số người ủng hộ ông đã giảm xuống dưới 50%. Một trong những lý do khiến người dân không còn ủng hộ ông như trước là họ không tin vào đội ngũ chính trị gia ông chọn để điều hành đất nước. Hơn nữa họ cũng nói ông hứa thật nhiều khi tranh cử nhưng chưa làm được bao nhiêu trong khi đường hướng phát triển cho đất nước còn rất mù mờ.
Ukraine nay không còn là nước cộng sản và những người cộng sản ít ỏi còn lại hiện có cũng như không nhưng nhiều vấn đề họ đang đối mặt chẳng khác gì các vấn đề của Việt Nam. Tham nhũng là một vấn nạn và gần như bất kỳ vấn đề gì trong xã hội cũng có thể được giải quyết bằng tiền dưới gầm bàn. Người ta cũng mua bằng lái xe, trả tiền cho cảnh sát để được bỏ qua những lỗi giao thông, giới tài phiệt dùng tiền để mua công lý trong khi lời hứa tăng lương đáng kể cho công nhân viên chức của ông Zelensky hiện vẫn chỉ là lời hứa. Sang năm đã là 30 năm kể từ khi Ukraine bắt đầu quá trình giải trừ cộng sản nhưng các vấn đề từ thời cộng sản vẫn mới nguyên. Thế mới thấy để có một xã hội thịnh vượng, trong sạch và thượng tôn pháp luật người ta cần phải cố gắng trong vài thế hệ.
Cũng giống như Việt Nam, một trong những trở ngại cho một Ukraine thực sự dân chủ và tự do là ông láng giềng khổng lồ. Nếu Trung Quốc không muốn Việt Nam ngả về phía Hoa Kỳ và Châu Âu thì Nga cũng không hề muốn Ukraine làm điều tương tự. Một số người dân Ukraine đang nghi ngờ rằng ông Zelensky sẽ có chính sách mềm mỏng hơn với Nga. Trong số các vấn đề gây căng thẳng giữa Nga và Ukraine hiện nay còn có chuyện chính quyền Kiev đã ngưng cung cấp nước cho Crimea từ năm 2014 khiến bán đảo này luôn trong tình trạng thiếu nước. Nếu ông Zelenksy mở lại nguồn nước từ Ukraine tới Crimea, ông sẽ gặp phải sự phản đối từ phần lớn dân chúng vốn không bao giờ chấp nhận chuyện Nga thôn tính Crimea.
Ukraine là quốc gia lớn nhất nằm trọn trong Châu Âu và có diện tích gần gấp đôi Việt Nam. Nhưng dân số Ukraine chưa bằng một nửa dân số Việt Nam trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ nhỉnh hơn quốc gia cộng sản chút ít. Một người bạn Ukraine đi cùng chuyến bay với tôi từ Kiev về lại London nói : "Chúng tôi đang trong một mớ hỗn độn và chưa thấy đường ra. Tổng thống và nhóm lãnh đạo hiện nay chẳng có đường hướng gì rõ ràng cả".
Ukraine nay không còn là nước cộng sản và những người cộng sản ít ỏi còn lại hiện có cũng như không.
Trong ngày thứ Bảy trước khi rời Kiev, tôi ra Quảng trường Độc lập và lặng người đứng trước khu tưởng niệm những người đã ngã xuống vì tự do xung quanh quảng trường hồi năm 2014. Di ảnh của hàng chục người dũng cảm xuống đường đòi tự do được bày dọc theo bức tường của khu tưởng niệm, một số được treo trên các thân cây ở phía đối diện. Người trẻ nhất mới 17 còn người già nhất đã ngoài 80. Thực sự tự do chẳng bao giờ tự nhiên tới và những mất mát trong quá trình đi tìm hay đòi lại tự do thật đáng tiếc lại là điều thật khó tránh nếu không muốn nói là không tránh khỏi.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 18/03/2020
Từ năm 1932 đến 1933, một nạn đói khủng khiếp đã diễn ra tại Liên bang Xô viết. Gần 5 triệu người đã bị chết đói, trong đó có đến 4 triệu tại Ukraine. Được gọi là "holodomor" (diệt chủng bằng nạn đói), thảm trạng này không phải do thiên tai hay mất mùa, là mà hậu quả của chính sách cưỡng bức tập thể hóa ở nông thôn do đảng cộng sản đưa ra, buộc nông dân phải từ bỏ mảnh đất thân yêu của họ để vào nông trang hợp tác.
Người dân đặt vòng hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói Holodomor năm 1932-1933 tại Kiev, ngày 23/11/2019. Genya SAVILOV / AFP
Tại Ukraine, một loạt các chỉ thị trấn áp đã gây ra "nạn đói trong nạn đói, một thảm họa dành riêng cho người Ukraine". Đó là danh sách đen các làng và nông trang cần phải trừng phạt vì không đạt chỉ tiêu về ngũ cốc, tịch thu tất cả những thứ gì có thể ăn được, kiểm soát biên giới không cho những người nông dân đói khổ ra khỏi làng…
Song song đó, là một chiến dịch đàn áp trí thức Ukraine : giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ, linh mục bị vu khống, đày ải, tàn sát, nhằm hủy hoại từ gốc rễ mọi ý định dân tộc vừa chớm nở - bị coi là thách thức cho sự "đoàn kết" của Liên bang Xô viết, được Stalin tưởng tượng ra.
"Diệt chủng bằng nạn đói" hoàn toàn bị che giấu trong thời Liên Xô cũ : về mặt chính thức, thì không hề có nạn đói. Các tài liệu lưu trữ bị hủy một cách có phương pháp, gây khó khăn cho mọi nghiên cứu về chủ đề này, ngoài những nhân chứng còn sống sót. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân bắt đầu lên tiếng và các bằng chứng xuất hiện.
Nhà sử học kiêm nhà báo Anne Applebaum, đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2004 với tác phẩm "Gu-lắc, một câu chuyện" lần này ra mắt cuốn sách gây chấn động "Nạn đói đỏ". Tác phẩm kể lại một chương tang tóc trong quá khứ của Ukraine, nay đã trở thành một quốc gia độc lập nhưng luôn phải chiến đấu với nước láng giềng to lớn là Nga để bảo vệ chủ quyền. Tác giả đã trả lời phỏng vấn báo Libération số ra ngày 26/12/2019.
Libération : Điều gì đã thúc đẩy bà viết về chủ đề này ?
Anne Applebaum : Cuốn sách là sự tiếp nối những cuốn trước, theo một cách nào đó. Tôi đã viết hai cuốn khác về chủ nghĩa Stalin, và nay có thể coi như một bộ ba cuốn. Từ lâu tôi đã muốn tìm hiểu về nạn đói này : tại sao nó xảy ra, tại sao Nhà nước lại để xảy ra, và vì sao người dân lại chấp nhận. Trong thập niên 80, nhà sử học tên tuổi Robert Conquest đã viết một tác phẩm nổi tiếng là "Mùa mưa đẫm máu". Ngày nay khi chúng ta có thể tham khảo văn khố, thì thời kỳ này phải được mô tả cụ thể hơn, từ đầu cho đến cuối. Tôi muốn viết về lịch sử Liên Xô là vì vậy : chúng ta có thể tham khảo các tài liệu lưu trữ mới, các hồi ký, một điều không thể có được cách đây mười năm.
Libération : Phải chăng nạn đói không phải là không tránh được, nhưng Stalin vẫn để cho diễn ra ?
Anne Applebaum : Còn hơn thế nữa ! Cuốn sách của tôi chứng minh rằng vào năm 1932, sự hỗn loạn, nạn đói ngự trị khắp nơi tại Liên bang Xô viết, và Stalin biết rằng Ukraine bị ảnh hưởng nặng nhất. Ông ta đã có một loạt quyết định vào mùa thu 1932, nhằm làm trầm trọng thêm nạn đói ở Ukraine. Quota ngũ cốc phải nộp được tăng lên, kèm theo các đạo luật làm giảm đi khả năng sử dụng ngôn ngữ Ukraine. Nói cách khác, đây là sự tấn công vào bản sắc Ukraine. Có những vụ bắt bớ hàng loạt trí thức. Stalin muốn thông qua sự hỗn loạn từ nạn đói để tiêu diệt ý hướng xác lập chủ quyền Ukraine.
Libération : Một trong những khó khăn đối với việc xác lập trách nhiệm của Stalin, là không có tờ giấy nào mang chữ ký của ông ta, ra lệnh gây ra nạn đói…
Anne Applebaum : Hẳn là như vậy, nhưng chúng tôi có những lá thư do Stalin viết vào mùa hè1932 cho Kaganovitch, một trong những tay sai của ông ta, trong đó Stalin tỏ ra giận dữ. Vào lúc tập thể hóa, khi Ukraine bắt đầu chịu đựng nạn đói, đã xảy ra các vụ nổi dậy và phản kháng, thậm chí nổi dậy vũ trang chống lại đảng, để chống chủ trương tịch thu ngũ cốc. Một số đảng viên cộng sản Ukraine bắt đầu đánh hơi thấy, họ từ chối tịch thu thực phẩm của nông dân, khiến Stalin nổi trận lôi đình. Ông ta viết trong thư, đây là lúc phải đàn áp.
Vài tuần sau, có các chỉ thị mật nhắm vào Ukraine. Nạn đói gia tăng, và đến mùa xuân 1933, tỉ lệ tử vong lên rất cao. Cần nhắc lại rằng đó không phải do hạn hán, mà trước hết là lúa mì rồi rau quả, khoai tây và gia súc lần lượt bị tịch biên. Tháng 12 rồi tháng Giêng, tháng Hai, các đội dân quân đi càn khắp Ukraine và tịch thu thực phẩm, tuy biết rằng người dân đang chết đói. Có rất nhiều bản báo cáo, kể cả của công an, về các vụ ăn thịt người. Như vậy có rất nhiều bằng chứng là Stalin đã biết.
Libération : Bà dành phần kết cho nạn "diệt chủng" khi nói về nạn đói này …
Anne Applebaum : Từ này là của Raphael Lemkin, một luật sư Ba Lan gốc Do Thái, nay sống tại Ukraine. Theo định nghĩa ban đầu, đây không chỉ là sự tàn sát hàng loạt mà còn là mưu toan tiêu diệt một nền văn hóa khác, vốn đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử thế giới và đặc biệt tại khu vực này của Châu Âu. Một sự chiếm đóng không chỉ đơn thuần chính trị mà đi kèm việc phá hủy các nhà thờ, cấm sử dụng ngôn ngữ…đó là hiện tượng mà Lemkin muốn định nghĩa.
Sau Đệ nhị Thế chiến, từ "diệt chủng" đã được quốc tế luật hóa, có hẳn một chương của Liên Hiệp Quốc. Rốt cuộc ý nghĩa được chấp nhận là điều tương tự như diệt chủng người Do Thái, tức là một quốc gia muốn sát hại toàn bộ cư dân của một quốc gia khác. Nạn đói ở Ukraine như vậy không nằm trong ý nghĩa này, nhưng là diệt chủng theo nghĩa nguyên thủy – mưu toan giết người vì nguồn gốc của họ, gây thiệt hại về văn hóa và hủy hoại chủ quyền Ukraine.
Tôi đưa chủ đề diệt chủng vào phần kết vì không muốn cuốn sách bị coi là tranh luận về diệt chủng – vốn mang tính pháp luật và đạo đức – trong khi tôi viết sách về lịch sử. Việc này làm nhiều người Ukraine thất vọng vì họ muốn holodomor phải được nhìn nhận là diệt chủng.
Libération : Có sự lặp lại trong quan hệ giữa Moskva và Kiev trong thập niên 30 và ngày nay ?
Anne Applebaum : Cần chú ý, Putin không phải là Stalin, chúng ta đang trong một kỷ nguyên hoàn toàn khác. Nhưng lịch sử nạn đói cho thấy tư duy của Moskva về Ukraine. Điều làm Stalin lo sợ là khả năng nổ ra một phong trào quốc gia Ukraine, tách rời Ukraine ra khỏi Liên Xô, thách thức lý tưởng bôn-sê-vich. Stalin lo ngại chủ nghĩa dân tộc tự do phương Tây và ý hướng dân chủ, sợ Ukraine quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.
Putin ngày nay cũng nghi ngại Ukraine với cùng một lý do. Tất nhiên Ukraine không phải là mối đe dọa quân sự cho Nga, nhưng là vấn đề lớn về ý thức hệ. Khi những người biểu tình ở Kiev vẫy cờ Châu Âu, kêu gọi chấm dứt tham nhũng và tổng thống phải bỏ trốn, đó chính là kịch bản mà Putin sợ hãi. Trong thập niên 30 cũng như bây giờ, phong trào quốc gia Ukraine luôn là thách thức đối với Kremlin. Trong quá khứ là chế độ toàn trị bôn-sê-vich, còn giờ đây là chế độ độc tài tham nhũng của Putin.
Libération : Ngược lại, nạn đói đã thay đổi cái nhìn của Ukraine về Nga như thế nào ?
Anne Applebaum : Chính phủ Ukraine luôn rất thận trọng, nói về một tội ác do Nhà nước xô viết gây ra chứ không phải Nga. Đây không phải là xung đột quốc gia giữa Nga với Ukraine. Nhưng trong suốt thế kỷ 20, nạn đói là bí mật tại Liên Xô và chỉ được cộng đồng Ukraine lén lút đề cập đến. Đó là điều đã diễn ra khi người Ukraine không có chủ quyền và Nhà nước của chính mình : họ bị thảm sát.
Libération : Bà hy vọng cuốn sách của mình sẽ có tác động gì ngoài giới học thuật ?
Anne Applebaum : Tôi viết cho một công chúng rộng hơn. Tôi muốn người đọc biết được lịch sử Ukraine, nhất là từ khi nước này trở thành vấn đề địa chính trị hết sức quan trọng. Nói thẳng ra là nếu bị Nga nuốt chửng, thì Nga sẽ trở thành một siêu cường Châu Âu ; nhưng không có Ukraine, Nga không thể là đế quốc. Như vậy Ukraine độc lập, có chủ quyền và làm chủ định mệnh của mình chứ không phải chư hầu, là điều cốt lõi cho an ninh Châu Âu, cho tất cả chúng ta.
Libération : Lịch sử ít được biết đến này ảnh hưởng đến dư luận phương Tây về cuộc xung đột hiện nay giữa hai nước ?
Anne Applebaum : Chắc chắn rồi. Người ta không biết về lịch sử Ukraine, không coi là một Nhà nước thực sự - điều này có thể hiểu được vì cho đến 1991 Ukraine mới có chủ quyền. Một trong những mục tiêu của tác phẩm là giới thiệu đất nước này, lý do của cuộc xung đột với Nga, những nguyên nhân sâu xa hơn trong lịch sử đương đại.
Libération : Liệu bà sẽ tiếp tục nghiên cứu về thời kỳ xô viết ?
Anne Applebaum : Tôi sẽ không viết thêm cuốn sách nào nữa về Stalin, "Nạn đói đỏ" quá đau lòng khi viết ra. Trận đói này là một trong những thảm họa tàn bạo nhất, câu chuyện của những nông dân mù chữ và các em bé chết vì đói. Những trí thức bị nhốt trong trại cải tạo thì còn có thể hiểu được, đằng này tai họa lại giáng xuống những con người nhỏ nhoi tội nghiệp không thể tự vệ…
Một số đoạn trong cuốn sách khó viết ra hơn là "Gu-lắc" - dù "Gu-lắc" nói về một chủ đề phức tạp hơn. Nhưng khi tôi kết thúc bằng màu sắc hết sức bi quan, và đưa cho một nhà sử học Ukraine trẻ đã giúp đỡ tôi xem qua, thì cô ấy nói : "Bà không thể kết như vậy được. Lịch sử của chúng tôi không dừng lại vào năm 1934. Stalin tìm cách tiêu diệt Ukraine nhưng thất bại. Ukraine đã sống sót và ngày nay là một quốc gia có chủ quyền, đó là hồi kết có hậu". Cô ấy có lý, và tác phẩm của tôi đã kết thúc như thế. Chúng ta có thể vui mừng với sự độc lập của Ukraine ngày nay.
Thụy My biên dịch
Nguồn : RFI, 27/12/2019
Bầu cử Tổng thống Ukraine : Diễn viên hài Zelensky chiến thắng áp đảo (RFI, 22/04/2019)
Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine vào trưa ngày 22/04/2019, kết quả dựa trên 96% số phiếu đã kiểm nhân vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm qua (21/04) cho thấy diễn viên hài, kiêm ngôi sao truyền hình Volodymyr Zelensky, đã chiến thắng áp đảo, với 73% số phiếu.
Ukraine : Ông Volodymyr Zelensky, sau cuộc bầu cử. Ảnh tối 21/04/2019. Reuters/Valentyn Ogirenko
Đối thủ của ông là tổng thống mãn nhiệm Petro Porochenko chỉ nhận được 24% phiếu.
Ngoài số phiếu cực cao giành được, ông Zelensky còn chiến thắng ở cả các vùng phía tây lẫn phía đông của Ukraine, có truyền thống chống nhau. Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, một trong những khẩu hiệu được ông Zelensky nêu bật là đoàn kết Ukraine, vốn đang bị chia rẽ giữa miền tây có xu hướng thân Tây phương, với miền đông ly khai thân Nga.
Theo đặc phái viên RFI Anastasia Becchio tại Ukraine, chiến thắng áp đảo của ông Zelensky, cho thấy là người dân Ukraine đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào ông.
Cho đến nay, không một ứng cử viên tổng thống Ukraine nào mà lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi như vậy trên toàn quốc, từ miền tây nói tiếng Ukraine cho đến miền đông nói tiếng Nga. Và vào hôm qua, người ta có thể thấy là tại tổng hành dinh ban vận động tranh cử của ông Volodymyr Zelensky, bên cạnh niềm vui chiến thắng, nhiều người ủng hộ ông đã cảm thấy lo lắng về những thách thức đang chờ đón ông, và nhất là làm sao đáp ứng được kỳ vọng cao của người dân.
Năm năm sau cuộc cách mạng Maidan, các cử tri bị mệt mỏi vì tham nhũng, nghèo đói và chiến tranh, một lần nữa đã cho thấy lòng khao khát thay đổi. Họ đặt hy vọng vào một người không hề có kinh nghiệm chính trị, vẫn rất mơ hồ về chương trình hành động cũng như đội ngũ cộng sự viên của mình. Cuộc họp báo ngắn ngủi của ông Zelensky tối qua đã không hề giúp làm rõ thêm những điều này.
Sự lựa chọn của cử tri Ukraine chẳng khác gì một vụ đánh cuộc : "Nên lo lắng hay là hy vọng rằng điều tốt sẽ đến ?"
Trên các phương tiện truyền thông Ukraine, các chuyên gia suy đoán về các kịch bản đang chờ đợi đất nước. Một trong số các câu hỏi là quyền hạn của người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ ra sao. Ông Zelensky tốt nhất là nên giải tán ngay Nghị Viện để cho bầu lại sớm để tận dụng lợi thế hiện nay, thay vì chờ đợi các cuộc bầu cử lập pháp dự kiến vào tháng 10.
Vấn đề là ông Zelensky sẽ không có đủ thì giờ, trong lúc những người thua cuộc ở vòng một và vòng hai đang bị rập rình tìm cách chống lại ông, đặc biệt là ông Petro Porochenko. Tối hôm qua, bất chấp thất bại thê thảm, tổng thống Ukraine mãn nhiệm vẫn tuyên bố với những người ủng hộ rằng "Zelensky sẽ gặp một phe đối lập rất rất mạnh mẽ… Chúng ta không chiến thắng trong trận đánh, nhưng chưa thua cuộc chiến".
Dẫu sao thì từ tối hôm qua, các thông điệp chúc mừng đã liên tiếp được gởi đến tổng thống tân cử Ukraine. Liên Hiệp Châu Âu hôm nay đã hoan nghênh sự "gắn bó chặt chẽ" của Ukraine vào nền dân chủ. Trong lúc đó nước Nga, qua lời thủ tướng Dmitri Medvedev, đã cho rằng "cơ may" cải thiện quan hệ với Ukraine đã xuất hiện.
Trọng Nghĩa
*******************
Diễn viên hài không có kinh nghiệm chính trị đã dễ dàng giành đủ phiếu để trở thành tổng thống kế tiếp của Ukraine, Reuters đưa tin, dẫn kết quả thăm dò ý kiến cử tri sau khi rời phòng bỏ phiếu.
Chiến thắng được coi là vang dội của ông Volodymyr Zelenskiy, 41 tuổi, là cú giáng mạnh vào đương kim Tổng thống Petro Poroshenko.
Theo kết quả thăm dò cử tri rời phòng phiếu trên toàn quốc, ông Zelenskiy giành 73% số phiếu, trong khi ông Poroshenko chỉ được 25%.
Nếu kết quả thăm dò trên là đúng, ông Zelenskiy, người vào vai tổng thống giả tưởng trong loạt phim truyền hình, sẽ lãnh đạo một quốc gia trên mặt trận của phương Tây chống lại Nga, sau khi Moscow thôn tính Crimea và ủng hộ một cuộc nổi dậy thân Nga ở miền đông Ukraine.
Theo Reuters, chiến thắng của ông Zelenskiy giống với nhiều vụ các ứng viên hạ bệ các lãnh đạo đương quyền ở Châu Âu gần đây.
Ông Zelenskiy đã cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến ở vùng Donbass ở miền đông và chống tham nhũng ở Ukraine trong bối cảnh giá cả gia tăng và mức sống giảm.