Nền giáo dục khủng hoảng, đạo đức suy đồi đó là hậu quả gần 3/4 thế kỷ cai trị Việt Nam của giới bạo quyền cộng sản. Tiền thuế do người dân đóng góp gần như chỉ để nuôi lực lượng lo phận sự "còn đảng còn mình". Cuộc sống bình yên của người dân bị đe dọa : bạo lực học đường, ấu dâm, hiếp dân đang là những vấn nạn nghiêm trọng diễn ra hàng ngày.
Từ Sài Gòn, nhà báo Nguyễn Đình Ngọc đã có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành xoay quanh câu hỏi : "Bạo lực học đường, ấu dâm, hiếp dâm – vì đâu nên nỗi ?".
Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe :
Phỏng vấn nhà báo Nguyễn Đình Ngọc
Trần Quang Thành thực hiện
Tiếng Dân Việt Media, 07/04/2019
Hòa Ái, RFA, 02/04/2019
Đích thân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong phiên họp thường kỳ tháng 3 lên tiếng yêu cầu xử lý nghiêm vụ nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị đánh hội đồng, phải nhập viện. Dư luận nói gì trước phản ứng sốt sắng của các cấp chính quyền trong vụ việc vừa nêu cũng như trong việc giải quyết nạn bạo lực học đường ở Việt Nam ?
Các vụ bạo lực học đường xảy ra tràn lan ở Việt Nam. File photo
Vụ việc một nữ sinh học lớp 9 ở trường Trung học Cơ sở (Trung học cơ sở) Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên vào ngày 22 tháng 3 bị nhóm 5 nữ học sinh đánh hội động, lột quần áo ngay tại lớp học và quay video clip đưa lên mạng xã hội đặc biệt gây chú ý trong dư luận những ngày qua.
Nhiều người quan tâm không chỉ vì thương cảm hoàn cảnh đáng thương của nữ sinh nạn nhân, không chỉ vì phẫn nộ đối với nhóm 5 nữ sinh hành hung bạn học cũng như sự tắc trách của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm mà còn vì các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương nhanh chóng xử lý vụ việc này.
Ba ngày sau khi nữ sinh lớp 9, tên Y bị đánh phải nhập viện điều trị tâm thần, nhóm 5 nữ học sinh hành hung bị hội đồng kỷ luật của nhà trường đình chỉ học tập một tuần.
Ủy ban Nhân dân huyện Ân Thi, vào sáng ngày 30 tháng 3 ra quyết định tạm đình chỉ dừng công tác điều hành 15 ngày đối với Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong và cho giáo viên chủ nhiệm lớp thôi làm chủ nhiệm bắt đầu từ ngày 1 tháng 4.
Sáng 31/3, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì một cuộc họp với cán bộ ở tỉnh Hưng Yên, yêu cầu kiểm tra, xử lý kịp thời vụ việc bạo hành học đường vừa xảy ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Truyền thông trong nước vào ngày 1 tháng 4, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị cách chức toàn bộ ban giám hiệu, chi ủy nhà trường, kỷ luật hội đồng sư phạm và cô giáo chủ nhiệm ; đồng thời yêu cầu Công an huyện Ân Thi vào cuộc để sớm có kết luận trả lời công luận. Song song đó, Chánh Văn phòng UBND huyện Ân Thi thông báo toàn bộ giáo viên trong tỉnh sẽ tham dự một cuộc họp trực tuyến, được dự kiến diễn ra trong tuần đầu tháng 4, do Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên chủ trì để được tư vấn các xử lý khi bạo lực học đường xảy ra.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, diễn ra trong ngày 2 tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến vụ việc nữ sinh ở Hưng Yên bị bạn học hành hung như là một trường hợp điển hình trong vấn đề bạo lực học đường, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước và cần phải làm rõ trách nhiệm của địa phương về quản lý giáo dục-đào tạo đối với các vi phạm như thế.
Đài RFA ghi nhận vài ngày trước phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra, qua hàng loạt ý kiến của độc giả trên các trang fanpage của báo quốc nội kêu gọi Bộ Giáo Dục và chính quyền các cấp cần phải nghiêm trị vụ việc nữ sinh ở Hưng Yên bị đánh hội đồng một cách dã man để làm gương trong bối cảnh tình trạng bạo lực học đường xảy ra tràn lan ; đặc biệt nên khởi tố vụ án hình sự, cho dù nhóm 5 nữ sinh hành hung đang ở độ tuổi trẻ vị thành niên, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng ông hiệu trưởng và cô giáo có hành vi không tố giác, bao che tội phạm khi bắt học sinh xóa clip "để bảo vệ danh dự cho nữ sinh bị đánh".
Bên cạnh đó, không ít ý kiến trong dư luận bày tỏ sự phẫn nộ đối với học sinh và nhà trường tại trường Trung học cơ sở Phù Ủng vì nữ sinh nạn nhân không phải bị đánh hội đồng lần đầu mà đã bị tình trạng bạn học bạo hành trong thời gian dài, nhưng không được ai can thiệp hay bảo vệ. Một cựu giám thị, làm việc nhiều năm tại trường trung học ở Đồng Tháp lên tiếng lý giải rằng đối với học sinh thì theo ông không hẳn là các em vô cảm khi thấy bạn học bị hành hung, tuy nhiên các em bị tâm lý sợ trả thù nên không dám liên can. Vị cựu giám thị không muốn nêu tên cũng giải thích liên quan vấn đề bạo lực học đường thì nhà trường phải tuân thủ theo các quy định ban hành :
"Chủ trương từ Bộ Giáo Dục và từ ngành đều có hết, nhưng thường là triển khai một cách chung chung. Trừ những trường hợp như xảy ra vụ việc thì nhà trường mới tiến hành, tức là xảy ra rồi thì mới bắt đầu xử lý".
Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, cho biết mặc dù Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" đã được Thủ tướng phê duyệt cũng như Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Công an đã cùng các bộ, ngành ban hành 11 thông tư phòng chống bạo lực học đường nhưng việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm.
Ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã ban hành chỉ thị cho ra khỏi ngành đối với giáo viên vi phạm đạo đức ; đồng thời sắp tới tổ công tác liên ngành sẽ được thành lập để kiểm tra và xây dựng chương trình về tâm lý học đường cho học sinh, những vấn đề đạo đức nhà giáo…
Cựu giám thị ở Đồng Tháp cùng một số giáo viên đang giảng dạy ở nhiều địa phương từ Bắc vô Nam, mà Đài RFA tiếp xúc, bày tỏ với sự vào cuộc đồng loạt của các bộ, ngành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, họ có niềm tin rằng tình trạng bạo lực học đường sẽ được giải quyết đúng mức.
Thủ tướng Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, đề cập đến vấn đề bạo lực học đườngcần được xử lý nghiêm.Courtesy : VGP News
Trong những năm gần đây, cộng đồng thường xuyên báo động về tình trạng bạo lực học đường và với những thông tin mới nhất về sự phối hợp của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cùng ngành giáo dục tập trung giải quyết vấn đề này không khiến cho dư luận được an tâm hơn rằng nạn bạo hành ở trường học sẽ được chấn chỉnh.
Giới chuyên gia cho rằng không thể chỉ mỗi nhà trường chịu trách nhiệm liên đới trong tình trạng bạo lực học đường hiện nay ở Việt Nam. Một chuyên gia làm việc trong Viện Khoa học-Giáo dục, không muốn nêu tên từng khẳng định với RFA rằng có 3 yếu tố quan trọng tác động đến quá trình giáo dục học sinh, đặc biệt học sinh ở tuổi vị thành niên có diễn biến tâm lý rất phức tạp :
"Cần nhớ rằng, mỗi hành vi ứng xử của học sinh trong cuộc sống thường ngày đều là hệ quả của giáo dục và đào tạo. Khái niệm giáo dục và đào tạo đề cập ở đây không giới hạn trong nội hàm nhà trường mà rộng hơn với ba yếu tố : Nhà trường-Gia đình-Xã hội".
Bộ Giáo dục và đào tạo, hồi năm 2012, công bố một thống kê cho thấy có gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài lớp học. Tức trung bình mỗi ngày xảy ra 5 vụ học sinh ẩu đả, gấp 13 lần so với một thập kỷ trước đó. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nhận định nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ngày càng nhiều là do :
"Trong một môi trường xã hội có rất nhiều bất an thì cũng khiến con người hung hăng hơn. Và môi trường mà các giá trị đẹp đẽ thì bị coi rẻ, các giá trị về sức mạnh được hiểu là cách người ta đè bẹp và thống trị người khác thì nó cũng gây ảnh hưởng đến trẻ con vì thực ra trẻ con chỉ là hình ảnh phản chiếu đến người lớn mà thôi".
Nhà giáo Tô Oanh, ở Bắc Giang cho rằng xu hướng bạo lực không chỉ trong phạm vi trường học mà ngay cả trong xã hội Việt Nam cũng ở mức báo động dưới sự lãnh đạo và điều hành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà giáo Tô Oanh nêu quan điểm của ông với RFA :
"Tôi nghĩ rằng ngay từ cơ sở của xu hướng Cộng sản là dùng bạo lực để giành chính quyền, mọi thứ Nhà nước đều là trấn áp, toàn làm các điều trái luật thôi. Cho nên người dân, kể cả trẻ em không tin vào luật pháp của đất nước nữa rồi. Vì thế mới coi thường luật pháp và hành xử có tính chất theo kiểu bắt chước luật rừng".
Khi đề cập đến nạn bạo lực học đường, Nhà giáo Hoàng Oanh, ở Hà Nội cũng từng khẳng định sẽ khó có giải pháp hiệu quả cho tình trạng này :
"Tất cả mọi thứ ở Việt Nam đều ở dạng 'nói vậy nhưng không phải vậy', cho nên bây giờ dạy đạo đức bây giờ học trò nó nghe nó cứ buồn cười. Người lớn bây giờ không sợ pháp luật, trẻ con đi học cũng chả sợ nội quy hay kỷ luật của nhà trường. Hễ có chuyện gì thì bố mẹ mang quà cáp đến cho thầy cô thì mọi cái lại đâu vào đấy. Do đó, từ ảnh hưởng của xã hội là người ta tự xử, bởi vì pháp luật không được tôn trọng. Vì thế cho nên người ta phải dùng bạo lực".
Hai nhà giáo nghỉ hưu Tô Oanh và Hoàng Oanh đều cho rằng cái gốc của vấn đề chung quy vẫn là giáo dục, một cá thể, một gia đình và nhân rộng ra thành một xã hội được nhân văn, có đạo đức, tôn trọng luật pháp thì quốc gia phải đặt tiêu chí giáo dục lên hàng đầu. Thế nhưng, ngành giáo dục ở Việt Nam được đánh giá là bị lẩn quẩn, đi vào ngỏ cụt. Nhà giáo Tô Oanh nhấn mạnh hậu quả của một nền giáo dục kém tạo ra sự suy đồi đạo đức xã hội :
"Tôi cho rằng Bộ Giáo Dục Việt Nam bây giờ bị nát quá rồi. Giáo dục Việt Nam xuống cấp một cách trầm trọng cho nên đạo đức xã hội bây giờ chả ra sao cả".
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận một làn sóng ủng hộ giới giang hồ ra tay nghĩa hiệp bảo vệ những người cô thế như nữ sinh lớp 9 bị hành hung ở Hưng Yên, qua hình ảnh thanh niên xăm trổ Dương Minh Tuyền, chia sẻ trên Facebook rằng nhân vật này và một số khác thuộc nhóm "anh em ngoài xã hội" đến gia đình nữ sinh bị đánh ở Hưng Yên giúp đỡ về tài chính và vào bệnh viện thăm hỏi, động viên tinh thần cho em nữ sinh này, với lời dặn dò bất kể khi nào bị bạn học hành hung, hãy liên lạc và họ sẽ bảo vệ em an toàn tuyệt đối. Nhóm "anh em ngoài xã hội" này còn gửi thông điệp đến các học sinh rằng cuộc sống có khi phải dùng đến sức mạnh để sinh tồn, nhưng đừng bao giờ dùng vũ lực để hiếp đáp người yếu thế hơn mình.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 02/04/2019
************************
Bạo lực học đường, chỉ trách ông Nhạ là sai đối tượng
Trân Văn, VOA, 02/04/2019
Câu chuyện một nữ sinh lớp 9 của trường Trung học Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị năm nữ sinh cùng lớp đánh đập, lột quần áo hôm 22 tháng 3, dùng điện thoại ghi lại toàn bộ cảnh hành hung rồi đưa lên Internet (1) đã khiến cả xã hội sôi sùng sục…
Hình minh họa. (AP Photo/Eric Gay)
Ngành giáo dục và ông Phùng Xuân Nhạ (Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo) bị cả công chúng lẫn báo giới chỉ trích không tiếc lời. Chuông báo động về bạo lực học đường lại được gióng lên thành những chuỗi dài giòn giã…
Cho dù hệ thống công quyền đã nhập cuộc, hình thức xử lý liên tục được nâng lên, từ đình chỉ công tác của giáo viên đến cách chức hiệu trưởng, giờ là cách chức toàn bộ Ban Giám hiệu trường Trung học Phù Ủng… song đó chỉ là chặt ngọn.
Theo một thống kê do liên bộ Giáo dục và đào tạo và Công an, giai đoạn từ 2011 đến 2018, trong hệ thống trường học tại Việt Nam đã xảy ra hơn 18.000 vụ phạm pháp liên quan đến bạo lực ở học đường. Đối tượng phạm pháp không chỉ có học sinh, sinh viên, mà còn bao gồm cả giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Trong 18.000 vụ vừa kể có 11.000 vụ gây ra thương tích, 900 vụ uy hiếp tinh thần và 200 vụ xâm hại tình dục… (2).
Trên thực tế, chuyện thầy đánh nhau, thầy đánh trò, trò đánh thầy, học sinh đánh đập – làm nhục học sinh, thậm chí dùng điện thoại ghi lại rồi trưng bày trên Ineternet như khoe thành tích đã trở thành bình thường.
Một tuần trước khi xảy ra scandal ở Trung học Phù Ủng, hôm 15 tháng 3, từng có hai nữ sinh lớp 7 của trường Trung học Ngô Mây ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị ba nữ sinh cùng trường đánh hội đồng… (3).
Một ngày trước khi xảy ra scandal ở Trung học Phù Ủng, hôm 21 tháng 3, thêm một nữ sinh khác cũa trường Trung học Tam Bố (xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) bị các nữ sinh cùng trường đánh hội họi đồng… (4).
Một tuần sau, khi scandal ở Trung học Phù Ủng đang khuấy động dự luận, một nhóm nữ sinh trường Trung học Diễn Hùng, xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hành hung bạn cùng trường, y như scandal mà các nữ sinh đồng lứa gây ra ở Hưng Yên (5).
Cho dù bạo lực lan tràn trong hệ thống trường học tại Việt Nam, cho dù từ thầy đến trò, già cũng như trẻ cùng sùng bái, chọn bạo lực như phương thức duy nhất, vừa để tự khẳng định mình, vừa để giải quyết tất cả các vấn đề, không màng tới các quy chuẩn, cho dù thủ phạm không ngán, nạn nhân không nghĩ đến việc dựa vào thiết chế hiện hành,… thì đó vẫn không phải là lỗi của riêng ngành giáo dục.
Hệ thống trường học phản ánh diện mạo xã hội. Làm sao có thể đòi buộc hệ thống trường học phòng – chống hữu hiệu bạo lực học đường khi trong mắt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, danh dự, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người Việt chẳng là gì cả ?
Trẻ con sẽ học được gì từ chuyện phụ huynh có thể xông vào trường đánh, chửi giáo viên, ép hết cô giáo này tới cô giáo khác trong các trường học từ Bắc vào Nam phải… quỳ và không có bất kỳ ai trong số những phụ huynh càn rỡ này phải trả giá đắt (6) ?
Trẻ con sẽ học được gì khi hàng ngày vẫn mục kích chuyện đánh, chửi, đâm chém, đập phá, hành xử càn rỡ,… trở thành phổ biến, cái xấu, cái ác chi phối toàn bộ sinh hoạt xã hội, người ngay luôn luôn nín nhịn, chịu thiệt ?
Đã có bao giờ, ở đâu, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam xử lý một cách nghiêm khắc tất cả những hành vi xâm phạm danh dự, sức khỏe, tài sản của công dân, bất kể mức độ lớn hay nhỏ như nhiều quốc gia khác vẫn làm ?
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn làm ngơ trước tất cả các hành vi càn rỡ để cuối cùng, ai cũng có thể là nạn nhân ở bất kỳ đâu, bất kể thời điểm nào thì ngành giáo dục dựa vào đâu để hướng dẫn mầm non tôn trọng, bảo vệ con người ?
***
Sinh họat xã hội tại Việt Nam càng ngày càng hỗn loạn. Đó là hệ quả của kiểu tư duy và lối hành xử xem việc bảo vệ trật tự, trị an để mọi người có thể sống an ổn không quan trọng bằng bảo vệ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam
Đến giờ, công an Việt Nam vẫn chỉ tập trung nội lực "chống các thế lực thù địch, phản động", hiếm khi bận tâm đến việc bảo vệ danh dự, sức khỏe, tài sản của công dân. Xử lý vi phạm pháp luật liên quan tới con người vẫn không phải trách nhiệm của công an !
Có quốc gia nào mà dân được hệ thống công quyền khuyến khích thay mặt công an săn đuổi, thay mặt công lý tự trừng trị kẻ gian – kể cả bằng những phương thức mà không quốc gia văn minh nào chấp nhận (nhốt trộm vào cũi, đánh đập cho đến chết…) ?
Có quốc gia nào có những bi kịch như nghi ngờ đương sự phạm pháp, thay vì gọi công an, dân tự vây, tự bắt, bắt lầm, giết lầm (7), kể cả giết lầm một người cha đang dẫn con đi chơi và đột nhiên đứa trẻ khóc (8).
Nếu hệ thống chính trị tại Việt Nam thật sự tôn trọng con người, hệ thống công quyền xử lý ngay lập tức những hành vi xâm phạm danh dự, sức khỏe, tài sản của công dân, trật tự, trị an có tồi tệ như hiện nay, trẻ con có dám hành xử bạo lực trong học đường không ?
Rõ ràng là cần lên án bạo lực học đường nhưng nếu chỉ khăng khăng cho rằng đó là lỗi của ngành giáo dục, là tội của ông Nhạ thì chưa thỏa đáng. Chẳng phải trẻ con, ngay cả người lớn cũng có quyền sống an ổn, được tôn trọng, bình đẳng trong việc thụ hưởng phúc lợi, tham gia vào việc quyết định vận mệnh dân tộc, điều hành quốc gia. Đó là những quyền căn bản của con người và bất cứ chính quyền nào, ở bất kỳ đâu dưới gầm trời này cũng phải tạo điều kiện để từng cá nhân có thể dễ dàng thực thi các quyền ấy ?
Đối chiếu các vụ học sinh đánh, chửi, làm nhục bạn bè đồng niên, nhiều người bảo họ rùng mình vì sự tàn bạo của một số không nhỏ mầm non với đồng loại và phẫn nộ vì sự càn rỡ của những mầm non này. Tuy nhiên rất ít người cảm thấy âu lo khi có quá nhiều mầm non dửng dưng trước cái ác, thậm chí không ít mầm non thích thú tán thưởng việc chà đạp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, chưa kể con số ái ngại khi tất cả các nạn nhân tỏ ra cam chịu còn ít hơn !
Khi trẻ con là bản sao của người lớn, có lẽ nên tự trách mình trước khi trách chúng.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/04/2019
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/nu-sinh-lop-9-bi-ban-danh-hoi-dong-da-man-phai-nhap-vien-20190330073941912.htm
(2) https://tuoitre.vn/chong-bao-luc-hoc-duong-phai-sua-tu-goc-20190401073649056.htm
(5) https://tuoitre.vn/nu-sinh-lop-7-bi-nhom-nu-sinh-bat-quy-goi-vi-noi-ban-co-bau-20190401184122768.htm
(7) https://vnexpress.net/phap-luat/5-nguoi-danh-chet-nam-thanh-nien-vi-nghi-bat-coc-tre-em-3829204.html
(8) https://vnexpress.net/phap-luat/dan-con-di-dao-cha-bi-dam-chet-vi-nghi-bat-coc-tre-em-3884717.html
*******************
Việt Nam sắp xử lý nghiêm sai phạm, bạo lực học đường sau các vụ đáng báo động ?
VOA, 02/04/2019
Chính phủ Việt Nam hôm 2/4 phát đi tín hiệu rằng họ sẽ mạnh tay xử lý những sai phạm tại chốn học đường, sau khi báo chí đưa tin về một loạt vụ việc gây rúng động ở các trường khác nhau trong vài tuần trở lại đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp chính phủ, 2/4/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong một cuộc họp chính phủ thường kỳ rằng các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo ở một số địa phương như tại Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng "phải được xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước", theo tường thuật trên Báo Chính phủ, trang thông tin chính thức trên mạng của chính phủ Việt Nam.
Theo ghi nhận của VOA qua thông tin trên báo chí và mạng xã hội Việt Nam, điều Thủ tướng Phúc nhắc đến là một danh sách dài gồm hơn 10 vụ việc xảy ra từ đầu tháng 11/2018 đến nay.
Trong đó nổi lên các vụ một nữ học sinh lớp 7 bị 3 nữ sinh lớn hơn đánh ở Nghệ An ; một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 học sinh "lột đồ", "đánh đập tàn bạo" đến mức phải đi cấp cứu ; 22 học sinh lớp 8 bị giáo viên đánh cho "bầm tím" bằng thước ở thành phố Bà Rịa ; một nữ giáo viên ở Quảng Bình bắt 23 học sinh lớp 6 tát 230 cái vào má một nam sinh ; một cô giáo Hà Nội cho học sinh tát 50 cái vào mặt một học sinh lớp 2 ở trường ; một thày giáo "có hành vi dâm ô" hàng chục học sinh nữ lớp 5 ở Bắc Giang ; và một thày hiệu trưởng "xâm hại tình dục" nhiều học sinh nam ở Phú Thọ.
Trong cả năm 2018, theo thông tin VOA thu thập, cũng đã có hàng chục vụ việc khác gây kinh hoàng cho dư luận như giáo viên bắt học sinh quỳ hoặc uống nước giặt giẻ lau ; học sinh bắt nạt, đánh hội đồng những em yếu thế ; một số vụ học sinh bị xâm hại, hiếp dâm.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đặt câu hỏi trong cuộc họp hôm 2/4 rằng "Đây có phải vấn đề báo động không ?" và nói thêm rằng "Những vấn đề xã hội nổi cộm như vậy khiến chúng ta phải suy nghĩ, chứ không chỉ kinh tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng", theo Báo Chính phủ.
Đề xuất biện pháp giải quyết, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung được Báo Chính phủ dẫn lời nói rằng "cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em".
Bộ trưởng Dung nhấn mạnh : "Chúng ta cần xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được chuyện này", tin cho hay. Ông Dung cho biết trong thời gian tới bộ của ông sẽ cùng Bộ Giáo dục và đào tạo lập các đoàn kiểm tra "kiên quyết xử lý các vi phạm trong vấn đề này".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Người đồng cấp của ông Dung bên phía Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ, đồng ý "cần xử lý nghiêm để răn đe, lập lại kỷ cương".
Tin trên Báo Chính phủ cho hay, lý giải về những vụ việc thời gian qua, Bộ trưởng Nhạ nói chính phủ đã ban hành một nghị định về "môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường" ; bên cạnh đó còn có 11 thông tư liên quan ở cấp bộ, ngành ; nhưng theo ông Nhạ, việc tổ chức thực hiện các văn bản này "chưa nghiêm", một số địa phương "chưa sâu sát" vấn đề này.
Trước phiên họp của chính phủ, Bộ trưởng Nhạ đã đến làm việc hôm 31/3 với trường trung học cơ sở ở tỉnh Hưng Yên nơi xảy ra vụ nữ sinh lớp 9 bị nhóm bạn đánh hội đồng. Theo báo chí trong nước, ông Nhạ khẳng định "đây là vụ việc nghiêm trọng" và là "bài học đau xót cho ngành giáo dục".
Các báo đưa tin tại cuộc họp hôm 31/3, các quan chức đưa ra yêu cầu "xem xét làm quy trình cách chức đối với Ban giám hiệu nhà trường" và "giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn".
Những vụ việc ở chốn học đường gây kinh hoàng, phẫn nộ trong thời gian qua dẫn đến nhiều chỉ trích, phản ứng trong công luận. Luật sư Lê Văn Luân, người nổi tiếng vì thường xuyên bày tỏ ý kiến trên mạng về các vấn đề chính trị-xã hội, nhận xét rằng "hệ thống giáo dục đã mục ruỗng đến tận đáy của nó".
Ông Luân quy trách nhiệm cho các hiệu trưởng, mà theo cách nhìn của ông, đó là những người che giấu các vụ việc để "cứu vãn thành tích" của các trường, và vì thế, đã "tiếp tay cho cái ác trỗi dậy".
Ông bình luận thêm rằng các vị hiệu trưởng vẫn thường xuyên được giáo huấn về "đạo đức cách mạng và lý tưởng xã hội chủ nghĩa" song "những thứ đó đều trở thành vô dụng".
Cùng có ý kiến về vấn đề này, võ sư kiêm nhà văn Đoàn Bảo Châu, có gần 105.000 người theo dõi qua Facebook, cho rằng nguyên nhân là "nền giáo dục trọng hình thức ở Việt Nam" và "bộ trưởng năng lực kém".
Sâu xa hơn, ông Châu đưa ra quan điểm rằng vị bộ trưởng "cũng chỉ là một sản phẩm của bộ máy nâng đỡ nhau, kết bè cánh để kiếm lợi mà không tính đến lợi ích của đất nước".
Vì vậy, ông Châu dự báo những sự việc tương tự "sẽ còn xảy ra nữa" bởi đó là "lỗi hệ thống". Với góc nhìn của ông, việc Bộ trưởng Nhạ hay một quan chức nào đấy "phát biểu mấy câu, kỷ luật ai đấy" chỉ là một giải pháp chắp vá.
Tuy vậy ông Châu cho biết ông chưa hoàn toàn mất hết niềm tin, ông nói ông kêu gọi những nhà lãnh đạo "hãy mở to mắt mà nhìn, mà cảm nhận rõ ràng sự việc này và làm việc để thực sự thay đổi đất nước".
Nguồn : VOA, 02/04/2019
******************
Nền giáo dục Việt Nam thua cả một cái chợ !
Hoa Nghi, VNTB, 02/04/2019
Nền giáo dục Việt Nam, nơi mà tỉ lệ tiêu cực và đánh nhau còn hơn cả một cái chợ (vốn xô bồ và đầy rẫy những va chạm trong xã hội). Và trong khi nền giáo dục cần một sự chấn chỉnh đạo đức nhà giáo, chấm dứt bệnh thành tích trong giáo dục, nạn bạo lực học đường, thì người đứng đầu Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ lại chỉ thể hiện "kỳ vọng học sinh đi học được hạnh phúc". Một sự kỳ vọng, thay vì là một tổng tư lệnh ngành phải đặt mục tiêu và tiến hành hành động.
Một học sinh tại trường Trung học cơ sở Phù Ủng (Hưng Yên) bị 5 học sinh liên tiếp đánh đập, đạp nhiều lần vào người và lột hết quần áo để quay clip.
Nếu Hào Anh - cậu bé bị chủ đầm tôm bạo hành đến mức biến dạng vào năm 2009 - 2010 gây chấn động dư luận về mức độ tàn bạo của những con người với nhau, sự vô cảm của các cơ quan - đoàn thể tại nơi Hào Anh bị bạo hành thì việc 5 học sinh liên tiếp đánh đập và uy hiếp tinh thần trực tiếp tại Hưng Yên chính là bức tranh của nạn bạo lực học đường, nạn vô cảm và bệnh thành tích trong giáo dục.
Nhà trường cố gắng giảm nhẹ hành vi bạo lực và bị bạo lực của một đứa trẻ tiểu học bằng cụm từ "đánh sơ sơ". Chính điều này, đã khiến gia đình nạn nhân đã không làm căng, cho đến khi video clip tàn bạo được tung lên mạng.
Từ "đánh sơ sơ" cho đến chia sẻ đến vô cảm của Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Phù Ủng, ông Nhữ Mạnh Phong, "vì em hiền lành quá" và "không có gì ghê gớm". Chính những quan điểm như thế này đã tạo ra môi trường bạo lực nơi học đường, nơi mà đứa trẻ không phải tìm đến để học hành và được truyền đạt kiến thức, nhân phẩm, mà là để đấu đá lẫn nhau. Nơi mà những con người "hiền lành" không có chỗ đứng, thay vào đó là những "đại bàng, đầu gấu", nơi công tác quản lý, giám sát hoàn toàn bị buông lỏng và sẵn sàng buông lỏng để đạt đến sự lu mờ về mặt nhân cách và phẩm chất người nhà giáo.
Trong khi người đứng đầu nhà trường tìm cách bao biện, thì giáo viên chủ nhiệm tiếp tục không xứng đáng là người lớn hoặc ít nhất là một nhà giáo, khi cho rằng, cô không hề biết nữ sinh bị đánh do nạn không không báo cáo với cô. Tất nhiên, vì nạn nhân "quá sợ hãi", nhưng từ đây có thể đặt ra trách nhiệm và năng lực của một người quản lý lớp. Và trên cả là thái độ tránh né, bao biện, đổ lỗi của một người lớn đối với nạn nhân - vốn là một đứa trẻ. Chính vì vậy, quan điểm của Chủ tịch UBND Hưng Yên cho biết sẽ xem xét cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi ủy, kỷ luật Hội đồng Sư phạm liên quan sự việc nữ sinh bị đánh hội đồng trong buổi làm việc với trường sáng ngày 31/03 là điều hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để xác lập lại "trường phải là trường".
Trung học cơ sở Phù Ủng hiện diện như là một biểu hiện thực chất của khối ung nhọt ngành giáo dục hiện tại, nơi mà hiếm hoi sự "nhân bản, khai phóng" cần thiết, trong khi đủ đầy những "thành tích, giả dối, và bạo lực".
Một nền giáo dục sẵn sàng nhiều lần dung thứ cho cái sai, bao che nó và triệt hạ những tiếng nói liên quan đến lương tâm, trách nhiệm. Nơi mà kẻ đồng và có quyền trở thành vai vế quan tòa, và những người nhỏ bé - thấp cổ bé họng trở thành bị cáo.
Cách đây không lâu, cô giáo "im như thóc" Trần Thị Minh Châu, người đi ngược lại với các giá trị giáo dục, người phá hỏng hình tượng người nhà giáo được chính Nhà trường "bảo vệ tuyệt đối", trong khi em Phạm Song Toàn - người đứng ra và lên tiếng trước sự tiêu cực của cô giáo này lại bị áp lực đến mức chuyển trường. Nhưng kết quả của việc dung hòa cái xấu, rượt đuổi điều tốt đẹp đó là gì ? Đó là đến tháng 3/2019, cô giáo Trần Thị Minh Châu tiếp tục thách thức lương tri, kỷ luật, đạo đức nhà giáo bằng việc ném vở, bài kiểm tra của học sinh. Điều này cho thấy rằng, khi cái tốt đặt không đúng chỗ, nó tiếp tục nảy nở và trở thành ung nhọt (xấu xí và bệnh hoạn) trong ngành.
Nền giáo dục Việt Nam, như cách Phật giáo, đã và đang tiếp tục "đổ đốn, hư hỏng" bởi sự quan tâm không đúng mức và thiếu đi một tinh thần đúng đắn trong định hướng phát triển. Giáo dục Việt Nam trở thành cái chợ để mặc cả điểm số, thành nơi để giáo viên tha hóa, học sinh bạo lực, và hệ thống quản lý ưa chuộng những con số đẹp khi báo cáo cấp trên.
Nền giáo dục Việt Nam, nơi mà tỉ lệ tiêu cực và đánh nhau còn hơn cả một cái chợ (vốn xô bồ và đầy rẫy những va chạm trong xã hội). Và trong khi nền giáo dục cần một sự chấn chỉnh đạo đức nhà giáo, chấm dứt bệnh thành tích trong giáo dục, nạn bạo lực học đường, thì người đứng đầu Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ lại chỉ thể hiện "kỳ vọng học sinh đi học được hạnh phúc". Một sự kỳ vọng, thay vì là một tổng tư lệnh ngành phải đặt mục tiêu và tiến hành hành động.
Và nền giáo dục tiếp tục đổ đốn, như một minh chứng cho tính "chắp vá, ăn cướp" của định hướng xã hội chủ nghĩa !?
Hoa Nghi
Nguồn : VNTB, 02/04/2019
Chưa bao giờ con em chúng ta chịu áp lực nặng nề khi tới trường như hôm nay. Bên cạnh việc học hành quá sức chịu đựng của chúng một ám ảnh khác đang đè nặng lên đôi vai vốn đã chịu nhiều sức ép đó là bạo lực học đường.
Chúng ta có lẽ không ai đủ can đảm xem cho hết một đoạn video dài khoảng 5 phút quay lại cảnh nhiều nữ sinh thay nhau đánh một bạn cùng lớp trong khi các nam sinh khác đứng bên ngoài nếu không cổ võ thì cũng im lặng. Hành vi đánh tập thể bạn học qua nhiều video khác nhau tung lên mạng xã hội đã là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả phụ huynh chúng ta về nạn bạo hành trong ngôi trường mà chúng ta tin tưởng giao phó con em mình để được giáo dục.
Bị bạn đánh tập thể không phải là lý do duy nhất khiến các em sợ hãi mà hành vi bạo hành từ giáo viên đối với chúng mới là nỗi ám ảnh không rời. Từ nhiều năm nay không biết bao nhiêu vụ bạo hành đã xảy ra trên tất cả các tỉnh thành được báo chí theo dõi và tường trình.
Học sinh tiểu học bị cô đánh tím tái chi vi viết chữ xấu.
Hành vi đánh đập học sinh trở thành hội chứng khi rất nhiều giáo viên chủ nhiệm giận dữ phạt học sinh bằng cách bắt bạn đồng lớp tát tai nếu chúng có lỗi.
Một cô giáo tại trường Tiểu học Trung Thành, Thái Nguyên đã bắt học sinh trong lớp do cô phụ trách tự tát 50 cái vào mặt chỉ vì em này mất trật tự. Sau khi bị phụ huynh làm đơn tố cáo, cô giáo này chỉ bị chuyển sang dạy lớp khác.
Một học sinh trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vì làm bài lạc đề nên bị giáo viên chủ nhiệm tát 2 cái vào má. Em này bị chấn động sọ não và phải nhập viện điều trị. Sau đó, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính đối với cô giáo này với mức phạt là 2,5 triệu đồng.
Trường Trung học cơ sở Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình nổi cộm vụ cô giáo đã chỉ đạo các bạn trong lớp tát bạn tổng cộng 231 cái khiến em học sinh này gần như mất trí khi về tới nhà.
Đầu tháng 3 một học sinh tiểu học bị cô giáo dùng thước đánh trúng vào mắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng xảy ra ở Lạng Sơn. Tiếp theo sau đó ít lâu là một học sinh lớp 7 trường Trung học cơ sở Long Hòa, tỉnh Long An bị thầy giáo phạt đánh nhiều roi. Theo kết quả chụp X quang, học sinh bị vẹo cột sống mặc dù chưa xác minh có bị vẹo cột sống hay không nhưng chuyện đánh học sinh là có thật.
Không những bạo hành bằng roi hay tát tai, những vết thương tuy đau nhưng dễ lành với thời gian, còn những vụ bạo hành tình dục là vấn đề nhức nhối hơn nhưng vẫn xảy ra đều đặn trong các trướng học khắp nước.
Người ta còn nhớ vụ án Sầm Đức Xương tổ chức mua bán dâm các nữ sinh trong trường do y làm hiệu trưởng đã để lại vết nhơ không thể rửa sạch cho nền giáo dục Việt Nam nhưng sau khi vụ án được xét xử là những vụ xâm hại tình dục học sinh tiếp tục xảy ra như cỗ xe tuột dốc không thể kềm giữ. Mới đây nhất là vụ thầy giáo Dương Trọng Minh bị tố cáo đã xàm sở với 13 em nữ sinh học lớp 5 trường tiểu học Tiên Sơn, Huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Tối 1 tháng 3, ông Dương Trọng Minh thừa nhận đã sờ vào "vùng nhạy cảm" của các nữ sinh, ngay cả khi tường trình tại Trường vào ngày hôm sau ông Minh tiếp tục thừa nhận đã "vỗ mông" các nữ sinh. Thế nhưng phụ huynh lại dễ dàng chấp nhận lời xin lỗi. Hành động này thật sự gây phản cảm còn hơn chính vụ án.
Chưa hết, chương trình của VTV1 phỏng vấn một lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo Việt Yên, Bắc Giang thì ông này phát biểu "Vụ thầy giáo dâm ô không nghiêm trọng" vì thầy Minh chỉ cấu véo nữ sinh và việc ký biên bản nhận tội là do thầy Minh bị phụ huynh đe dọa.
Không phải nữ sinh mới bị xâm hại tình dục mà nam sinh cũng không thoát khỏi những con yêu râu xanh trong trường học. Người ta còn nhớ vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ) dâm ô nhiều học sinh nam trong văn phòng của y trong khi các giáo viên biết chuyện đều im lặng. Một cô giáo bị tố cáo là biết các em bị xâm hại nhưng không lên tiếng còn trêu chọc các em là "hôm nay có được ăn kẹo mút không ?"
Thông qua các câu chuyện khốn nạn như trên người ta thấy rõ hai điều, thứ nhất là ban giám hiệu trường, sở giáo dục và đào tạo tìm hết cách để bao che phạm nhân. Thứ hai thái độ của phụ huynh học sinh nạn nhân là im lặng bỏ qua vì quan niệm "dĩ hòa vi quý". Hai yếu tố này cộng hưởng với nhau khiến những kẻ "sắp" phạm tội tin rằng sẽ không bị pháp luật trừng trị vì được bao che và làm ngơ, lãnh đạm trước nỗi đau của con cái.
Chúng ta không thể im lặng trước sự bao che của nhà trường hay các cơ quan trách nhiệm đã đành, nhưng trước tiên là thái độ cương quyết của chính chúng ta, bởi lẽ con cái cần chúng ta bảo vệ chứ không cần sự im lặng thông cảm của chúng ta đối với người đã hại đời chúng. "Dĩ hòa" sẽ di hại cho các nạn nhân sau này và di căn san chấn tinh thần của các em sẽ không bao giờ lành lặn vì bọn người xâm hại các em không trả giá trước pháp luật một cách sòng phẳng.
Nếu không tin vào pháp luật thì chúng ta phải tự bảo vệ con em bằng những cách thiết thực nhất. Hãy theo dõi chúng, hỏi han những gì mà thầy cô trong lớp làm cho chúng, hay bạn bè của chúng trong từng ngày một. Khi chúng có biểu hiện buồn bã, lo lắng hay kém ăn không còn thích thú khi đến trường là dấu hiệu không tốt chúng ta phải tìm hiểu. Khuyến khích chúng kể ra những câu chuyện mà chúng sợ không dám kể, tuyệt đối không đe dọa hay dùng biện pháp đánh đập, càng sợ hãi thì chúng càng im lặng hơn nữa.
Khi thấy một vết thương trên mình đứa trẻ tốt nhất là an ủi, dỗ dành, dịu ngọt để lấy "lời khai" của chúng. Nếu vết thương bầm tím không có máu chảy lại càng nguy hiểm và đừng bao giờ bỏ qua vì khả năng nội thương đang ủ mầm dễ gây biến chứng.
Sống chung với lũ là câu chữ châm biếm nhưng cũng không phải vô căn cứ. Khi chúng ta bị pháp luật quay lưng thì cách tốt nhất là phải sống chung với nó nhưng lúc nào cũng cảnh giác như tai họa sắp ập vào con em chúng ta chứ không ai khác.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 06/03/2019 (canhco"s blog)
Trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam ngày nay, bạo lực được sử dụng không chỉ bằng hành vi, lời nói mà cả ngay trong tư tưởng con người. Bất cứ một vấn đề nào khi đối diện với những khó khăn giữa các mối quan hệ, bạo lực lại được sử dụng hoặc tính đến.
Bạo lực học đường, cái nôi của bạo lực xã hội
Bạo lực có mặt mọi nơi, mọi lúc
Bạo lực được sử dụng trong mọi mối quan hệ dân sự, trong giao thông, kinh doanh, thương mại cũng như trong các mối quan hệ giữa làng xóm, thậm chí trong gia đình, giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ.
Trong học đường, bạo lực được sử dụng bởi thầy cô giáo, rồi qua đó tiêm nhiễm đến học sinh và cứ thế lan ra ngoài xã hội.
Trái với truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc, khi người dân được giáo dục từ nhỏ về cách đối xử với nhau trong cuộc sống, trong xã hội cho êm đềm, mềm mỏng và nhân ái, ngày nay, việc sử dụng bạo lực như một phương tiện để giải quyết các vấn đề cá nhân và xã hội. Những câu ca dao như :
"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"
Hoặc :
"Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"…
Ngày nay đã trở thành xưa cũ, xa lạ với đời sống người dân trong chế độ cộng sản.
Người ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu những cuộc ẩu đả, những trận chém giết kinh hoàng bởi những băng đảng xã hộ chém giết lẫn nhau để tranh địa bàn bảo kê, để tranh giành những mối lợi nào đó ở nơi thâm sơn cùng cốc.
Người ta cũng thấy từ Nam đến Bắc các cuộc bạo lực bởi chính lực lượng công an được vũ trang tận răng, đánh dân cướp đất, cướp tài sản của người dân, của nhà thờ, thánh thất ở những tôn giáo mà nhà cầm quyền không thể khuynh loát được.
Người ta cũng có thể chứng kiến hàng loạt những hành động vô luân, vô pháp sử dụng bạo lực ngang nhiên của lực lượng công quyền ngay giữa thanh thiên bạch nhật nhằm tước bỏ quyền con người của người dân một cách trắng trợn như quyền được bày tỏ chính kiến, tư tưởng, quyền yêu nước, quyền biểu tình, quyền tự do đi lại, hội họp. Thậm chí là quyền được… rên.
Người ta đã không còn lạ với những trò bạo lực bẩn thỉu của lực lượng côn đồ do công an giả danh ngăn cản những người yêu nước muốn thể hiện chính kiến của mình bằng cách dùng lực lượng và bạo lực để tấn công những người đàng hoàng, chân chính có tinh thần chung lo lắng cho xã hội, cho đất nước và như vậy là đi ngược với "đường lối" của Đảng cộng sản Việt Nam.
Những tin tức nhan nhản về những vụ giết người đốt xe những tên trộm chó cho đến những trận đánh hội đồng của những học sinh lột quần áo nữ sinh hay những trận đánh ghen khủng khiếp giữa những người phụ nữ.
Thậm chí, những tin tức về bạo hành với học sinh là con trẻ trong các trường mẫu giáo, mầm non cho đến những cô giáo, thầy giáo dùng bạo lực để dạy dỗ học trò.
Ngược lại với truyền thống "tôn sư trọng đạo" từ ngàn đời nay, bạo lực được học sinh sử dụng đối với thầy cô giáo, phụ huynh buộc cô giáo phải quỳ…
Tất cả những điều đó nói lên rằng : Xã hội Việt Nam lao vào vòng xoáy bạo lực như một trận cuồng phong kéo đổ sập những nguyên tắc đạo đức, những truyền thống quý báu của dân tộc xưa nay và phá vỡ các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội.
Và bạo lực đang hoành hành, đang được sử dụng như một phương cách để giải quyết các mối quan hệ xã hội.
Vì sao bạo lực ?
Nhiều báo chí, nhiều người đã phân tích về nạn bạo lực trong xã hội Việt Nam, từ bạo lực học đường, bạo lực gia đình cho đến bạo lực trong mọi mối quan hệ xã hội khác.
Ở đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn theo thói quen nói lấy được rằng đó là "mặt trái của nền kinh tế thị trường". Họ cứ làm như khi chưa có kinh tế thị trường, chỉ có nền kinh tế bao cấp cộng sản thì bạo lực xã hội đã không hề tồn tại.
Ngược lại, điều mà họ không bao giờ dám công khai, công nhận rằng trong những năm tháng Việt Nam chỉ đóng cửa mọi mặt, đất nước được úp lại bằng một chiếc lồng bàn bằng sắt kín với thế giới bên ngoài bằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa tập trung, kế hoạch, bao cấp… thì bạo lực là phương cách duy nhất để giải quyết các mối quan hệ xã hội.
Khi đó, không hề có luật lệ, không hề có quy định hoặc những nguyên tắc luật pháp nào được áp dụng, mọi vấn đề xử lý liên quan đến quyền lợi, đời sống xã hội nhất nhất theo "nghị quyết" và ý kiến chủ quan của một vài quan chức cộng sản.
Người ta có thể bắt bớ, bỏ tù không cần xét xử, giam giữ cho đến chết mà không cần biết người dân đó có tội gì.
Cái gọi là luật sư, pháp lý, pháp luật… trong thời kỳ đó là những khái niệm xa lạ.
Cái gọi là "Chuyên chính vô sản" được sử dụng như một phương thức bạo lực khủng khiếp nhất để trấn áp người dân và giải quyết các mối quan hệ theo kiểu cộng sản.
Đến thời kỳ "mở cửa", mọi cái xấu, cái không hay, đều được đổ cho "mặt trái của nền kinh tế thị trường".
Thế nhưng cũng như mọi lời dối trá khác, điều đó không thuyết phục được ai.
Có lẽ trong xã hội loài người văn minh, luật pháp được sử dụng để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, là cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn luôn luôn tồn tại trong đời sống con người. Thế nhưng, ở một xã hội mà luật pháp chỉ là công cụ của đảng cộng sản dùng để trấn áp cả xã hội và dân tộc với mục đích duy nhất là duy trì ách thống trị của một nhóm người mang tên Đảng cộng sản, thì nó không có tác dụng trong thực tế đời sống của người dân.
Những băng nhóm xã hội sẽ không tồn tại chém giết lẫn nhau, nếu luật pháp nghiêm trị những hành động vi phạm đến tài sản, quyền lợi của người dân và đời sống người dân, đời sống xã hội bảo đảm được an ninh vững chắc.
Nhà cầm quyền sẽ không cần phải dùng bạo lực để cướp phá, bắt bớ, cưỡng bức người dân buộc họ phải chấp nhận nhìn cơ đồ, tài sản của mình bị cướp đi một cách trắng trợn và họ phản ứng, nếu chính sách và luật pháp rõ ràng vì quyền lợi của người dân và xã hội.
Người dân sẽ không cần đánh chết tên trộm chó, nếu luật pháp nghiêm minh trừng trị những kẻ ăn trộm, ăn cướp đủ để răn đe, ngăn chặn những hành động đó. Thế nhưng, với nền pháp lý Việt Nam, việc đó là chuyện hão huyền.
Chính quyền sẽ không cần phải dùng công an giả dạng côn đồ đánh đập, trấn áp người dân khi không muốn họ có những phản ứng với thể chế chính trị hiện nay, nếu như đó là một thể chế chính trị phục vụ người dân, quang minh, chính đại, thật sự phục vụ người dân và được người dân ủng hộ.
Công an giả dạng côn đồ đánh đập, trấn áp người dân khi không muốn họ có những phản ứng với thể chế chính trị hiện nay - Ảnh minh họa
Cần phải nhìn nhận rằng, bạo lực được sử dụng như một phương cách hành xử duy nhất cần thiết trong xã hội đã làm băng hoại nhanh chóng một xã hội có truyền thống tốt đẹp từ xa xưa, đưa cuộc sống người dân vào sự bấp bênh và không hề được bảo đảm an ninh.
Một trong những nguyên nhân
Nguyên nhân của bạo lực được nói đến nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân để bạo lực xã hội "phát triển mạnh mẽ và bền vững" như ngày nay, chính là hệ ý thức cộng sản lấy bạo lực và dối trá làm cơ sở tồn tại.
Và cơ sở để ươm mầm và phát triển mạnh mẽ bạo lực xã hội nhanh chóng nhất, có cơ sở bền vững nhất chính là nền giáo dục Việt Nam.
Ở nền giáo dục đó, với phương châm là "hồng hơn chuyên" nhằm đào tạo ra những cỗ máy phục vụ cho sự tồn tại và thống trị của đảng Cộng sản.
Với nền giáo dục dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lenin, lấy chủ nghĩa vật chất làm trung tâm, lấy chủ nghĩa vô thần làm tư tưởng, lấy đấu tranh giai cấp làm nền tảng và động lực, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã sử dụng bạo lực như một cách duy nhất đúng để xử lý mọi vấn đề xã hội.
Chính vì hệ ý thức tư tưởng "đấu tranh giai cấp" mà những giáo trình, những sách giáo khoa được đưa vào sử dụng như những công cụ phục vụ cho việc đào tạo giáo dục học sinh.
Ở nền giáo dục Việt Nam ngày nay, việc giáo dục đạo đức, luân lý, về thiện ác, về những vấn đề thuộc tinh thần, tâm linh bị loại bỏ để duy nhất tôn thờ chủ nghĩa duy vật, lấy vật chất và chiếm đoạt vật chất làm động lực, làm đầu.
Trong bài viết gần đây "Giáo dục : Qua những câu chuyện trong sách giáo khoa", chúng tôi đã phân tích vì sao những câu chuyện chém giết, bạo lực, khôn lỏi và sống vô đạo đức như "Tấm Cám", "Trí khôn của ta đây" lấy từ chuyện cổ tích cũng như câu chuyện Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu và những "thiếu niên anh hùng" miền Nam với thành tích giết được hàng loạt người… đã trở thành biểu tượng được đưa làm gương cho con trẻ.
Mới đây, câu chuyện một cô giáo ở Quảng Bình đã tặng cho một học sinh lớp 6 đến 231 cái tát đến mức em phải nhập viện. Đây không phải lần đầu có việc đó, thậm chí cô giáo này đã từng tặng cho 11 học sinh lớp này đến 2541 cái tát khác thì xã hội lại nhao lên về nạn bạo lực học đường bởi chính các thầy cô giáo.
Điều tệ hại hơn, là chuyện đó đã không chỉ diễn ra âm thầm, mà cả nhà trường, phòng giáo dục biết nhưng đã… im lặng.
Và vấn đề không chỉ ở hành động này của cô giáo kia, mà nó có căn nguyên ở chính tư tưởng, đường lối giáo dục Cộng sản.
Rồi cứ thế, việc sử dụng bạo lực trong học đường như chuyện hết sức bình thường không có điều gì đáng quan tâm cho bằng các dự án, bằng các cách kiếm chác dạy thêm, học thêm nhằm nặn lột chính cha mẹ chúng.
Và hẳn nhiên, khi con trẻ được giáo dục bằng bạo lực, lấy bạo lực làm đầu, làm phương thức hành động, chúng sẽ được trang bị sẵn một ý thức coi bạo lực là chuyện hiển nhiên trong đời sống và sẵn sàng đưa ra "phục vụ xã hội".
Thế rồi từng lớp, từng lớp người đó được sử dụng trong xã hội vô luân, vô pháp, thì bạo lực được nhân lên, trở thành một điều bất khả kháng từ trong tư tưởng đến hành động con người.
Khi mà Chủ nghĩa Cộng sản lại được dùng làm nền tảng xã hội, làm chỗ dựa cho bạo lực phát triển bởi thì bạo lực phát triển là tất yếu.
Và nguyên nhân cơ bản để bạo lực hoành hành trong xã hội Việt Nam, chính là bởi một chế độ độc tài toàn trị đứng đầu là một tổ chức mang tên Đảng Cộng sản vô thần, đứng trên cả luật pháp cũng như mọi luật lệ của xã hội loài người.
Ngày 28/11/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 28/11/2018
Một số liệu do Bộ Giáo dục và đào tạo vừa đưa ra, trong một năm học, toàn quốc xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau ; 1 học sinh đánh nhau/5.200 học sinh ; 1 em bị buộc thôi học/11.000 học sinh ; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau. Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, trường Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, bạo lực có bạo lực lời nói, bạo lực hành vi. Bạo hành hiện diện hầu hết từ các cấp học, từ mẫu giáo lên đến Đại học.
Bạo hành hiện diện hầu hết từ các cấp học, từ mẫu giáo lên đến Đại học.
Trong một chia sẻ gần đây nhất trên mạng xã hội, có đề cập đến một Facebooker trẻ tuổi là Nguyễn Võ Hoàng Khang, người trong một sự kiện về ngày 30/04 đã đặt vấn đề 'tắm máu thành phần chống đối'.
Ý nghĩ của Facebooker trẻ tuổi, đồng thời là đoàn viên này gợi nhớ đến nhiều những đoàn viên trẻ tuổi thời kỳ Ponpol. Cái thời kỳ hàng triệu người bị cưỡng bức ra khỏi các thành phố để về nông thôn làm việc tại công xã ; và trẻ em bị cách ly ra khỏi 'cha mẹ' và biến thành những người lính khát máu với khẩu súng AK47 trên tay.
Câu chuyện đòi tắm máu của cậu đoàn viên trẻ sinh ra trong cái thời điểm mà chuyên chính vô sản đã lùi xa ngót ngét gần nửa thế kỷ là điều đáng suy ngẫm, vì bản chất của sự tàn bạo đó đến từ sự tác động liên tục của những luận điểm khát máu và bất ổn nhất về mặt ý thức khách quan. Nó không khác gì trường hợp một thanh niên trước đấy, cũng đòi đòi nổ bom khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa vì khắc tên 74 người lính Việt Nam Cộng Hòa.
'Phản động' với các em là những gì trái với Nhà nước, thậm chí lên tiếng đối với các hành vi của nhà nước cũng là 'phản động', và như thế nghiễm nhiên sẽ phải cần 'làm cỏ'.
Ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này, sự khoét sâu ý niệm phi nhân đạo này, sự thiếu bao dung và khả năng tiếp nhận một giá trị nhân từ của con người này ? Đó có thể đi từ chuyện những phần từ cực đoan, những nhóm cực đoan được dung dưỡng bởi những cá nhân hoặc tổ chức thuộc về Nhà nước.
Từ 'Tác chiến điện tử' cho đến 'Thanh niên Việt Nam', từ "Chống phản động' cho đến 'Chiến sĩ chống phản động'... Tất thảy dung dưỡng sự căm thù, máu, và tư tưởng san bằng tất cả những ý niệm bất đồng chính kiến.
Rõ ràng, sự dung dưỡng những nhóm như thế nào chính là tạo cơ sở cho bất ổn trong tương lai như người viết đã nhiều lần đề cập. Nhưng rõ ràng, trong mắt những người dung dưỡng, vì nó có giá trị 'chống phản động' mang tính tuyệt đối, nên nó vẫn được phép tồn tại và được phép trở thành những 'biệt kích' giết người bằng ngôn ngữ lẫn hành vi. Và mở rộng nhóm hội này rộng lẫn thực tế đến mức sẽ đưa ra thành Hội cờ đỏ - tập trung tại các địa bàn trọng điểm như Nghệ - Tĩnh hay Sài Gòn,... Và đâu đó ở hình ảnh chung nhất, là sự rập khuôn về ý thức và tuyệt đối của lòng thù hận.
Tương lai của nhà nước này phụ thuộc nhiều vào cách nhà nước vận hành ra sao trong luồng thông tin đa chiều, chứ không phải là sự áp đặt một chiều. Và nếu như các hành vi hay ngôn ngữ của các hội đoàn, nhóm,... 'đỏ rực lòng thù hận' đó tiếp tục không bị suy xét một cách về tính nguy hại thì sẽ đến một lúc, loạn xã hội sẽ gây ra, bởi những sát nhân hay yếu tố làm suy yếu xã hội xuất phát từ sự thiếu kiềm chế trong các cá nhân, tổ chức cực đoan nêu trên.
'Nhân chi sơ, tính bổn thiện' cuối cùng cũng chỉ là một giá trị ảo khi một thể chế muốn phủ bóng đất nước bằng một ý chí tuyệt đối được răn đe bằng nắm đấm và hành vi bạo lực.
Và do đó, nạn nhân là cả hai phía, người bị sử dụng làm công cụ nắm đấm một cách vô thức, và người bị áp dụng nắm đấm đó.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 13/05/2018
Du khách đến Việt Nam tăng mạnh dịp Tết, đặc biệt từ Trung Quốc (VOA, 04/02/2017)
Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 1 tăng gấp 2,7 lần số du khách đến từ Châu Mỹ, bằng tổng số du khách của cả Châu Âu và Châu Đại Dương cộng lại, VnEpxress dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết hôm 3/2.
Vịnh Hạ Long là một trong những danh thắng thu hút nhiều du khách Trung Quốc của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 đạt 1.007.238 lượt, trong đó khách Trung Quốc chiếm 247.600 lượt, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo chí Việt Nam và Trung Quốc nói lý do nhiều người Trung Quốc đến Việt Nam du lịch là vì muốn hưởng một kỳ nghỉ ở nước ngoài mà không phải trải qua một hành trình dài.
Đa số khách du lịch Trung Quốc đến tham quan ở các tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh, nơi có Vịnh Hạ Long, điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam. Gần đây, tỉnh Quảng Ninh cho phép khách du lịch Trung Quốc đi theo nhóm có thể ở lại tới 3 ngày mà không cần có thị thực du lịch.
Ngành du lịch dự kiến sẽ đóng góp 10% vào doanh thu nội địa của Việt Nam, trở thành một lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2020 với dự kiến sẽ đạt được 35 tỉ đôla doanh thu.
Tuy nhiên, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng cũng gây ra những quan ngại trong công chúng Việt Nam về vấn đề an ninh, quốc phòng. Hồi đầu tháng này, Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố một bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách sau khi có nhiều phản ánh trên báo chí về những cách hành xử không đẹp và "quá khích" của nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc.
********************
Đến nay, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chưa có văn bản thông báo cho Thành phố Đà Nẵng về các khu vực mà tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu nhà ở theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
Ngày 4/2, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, thời gian qua Sở này nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư đề nghị Sở công bố danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố nằm trong khu vực mà tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật để các chủ đầu tư có cơ sở ký kết hợp đồng mua bán nhà ở với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Đà Nẵng ngày càng trở nên hấp dẫn đối với người nước ngoài (Ảnh : HC)
Theo ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có quy định "Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam".
Đồng thời Nghị định 99/2015/NĐ-CP cũng quy định "Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở".
Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chưa có văn bản thông báo cho Thành phố Đà Nẵng về vấn đề này. Do đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng chưa có cơ sở công bố danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.
Để tháo gỡ vướng mắc của từng dự án trong thời gian chờ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có Công văn 615/SXD-QLN đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại báo cáo tình hình triển khai dự án và cung cấp hồ sơ pháp lý có liên quan.
"Sở Xây dựng Đà Nẵng rất mong sự phối hợp của các chủ đầu tư để việc sở hữu nhà ở của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Thành phố Đà Nẵng tuân thủ các quy định pháp luật. Báo cáo tình hình triển khai dự án và cung cấp hồ sơ pháp lý có liên quan gửi về Sở Xây dựng Đà Nẵng trước ngày 28/02/2017 để tổng hợp, trình UBND Thành phố Đà Nẵng có văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng và Bộ Công an" – ông Vũ Quang Hùng nói.
Hải Châu
********************
Ngày 4/2, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gặp gỡ 160 thiếu nhi nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chụp hình với các em thiếu nhi ngày 4/2
Tại buổi gặp gỡ đã có gần 40 ý kiến của các thiếu nhi, đội viên xung quanh các vấn đề như : tình trạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các trường thiếu thốn, xuống cấp ; phương pháp giảng dạy, truyền đạt của một bộ phận giáo viên còn nặng về lý thuyết dẫn đến việc học sinh không tiếp nhận được những phương pháp giảng dạy tiên tiên, kiến thức bị hỏng nên phải đi đến nhà thầy cô để học thêm.
Các em còn phản ánh việc thường xuyên đi học trễ vì ùn tắc giao thông ; môi trường sống bị ô nhiễm, người dân xả rác bừa bãi đến an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm trọng... Một trong những vấn đề các em đặc biệt quan tâm là hiện tượng nữ sinh bị quấy rối tình dục, bị bắt cóc, đến bạo lực học đường… vì rất nhiều lý do. Bản thân các em rất mong lãnh đạo Thành phố có những giải pháp và cách giúp các em phòng chống tệ nạn này.
Em Bùi N.Q.M (Trường Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, quận 9) không ngần ngại chia sẻ : "Trong lớp em có bạn nữ khi bị quấy rối tình dục, tâm lý của bạn rất bất an. Ngay như em cũng là nạn nhân. Em mong nhà trường và các cấp lãnh đạo phải có biện pháp giúp học sinh, nhất là các bạn nữ phòng vệ được việc này".
Liên quan tới vấn đề này, em Huỳnh Nguyễn Xuân Nghi (Trường Trung học cơ sở Lương Đình Của, quận 2) cho rằng việc học sinh không phòng vệ được việc bị quấy rối tình dục do nhiều bạn không dám tâm sự với thầy cô hoặc gia đình. Vì thực tế, trong nhà trường công tác giảng dạy về giới tính chưa được chú trọng, một số bạn khác bị các trang web đen đầu độc…
Lãnh đạo Thành phố tặng quà cho các thiếu nhi ngày 4/2
Ý kiến của các em đã được các sở, ngành có liên quan trả lời, hứa giải quyết thỏa đáng.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho biết đây là cuộc gặp truyền thống nhằm trao đổi với các học sinh không chỉ liên quan đến chuyện học hành mà còn đến quốc kế dân sinh ; đồng thời bày tỏ lo lắng vì nhiều việc các em đặt ra mà Thành phố chưa giải quyết được do vượt thẩm quyền hoặc cần thời gian để xử lý.
Bí thư Đinh La Thăng đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm, chăm lo cho sự phát triển của các em hơn nữa, nhất là con em người lao động, người khó khăn.
Trường Hoàng