Manila bắt đầu tuần tra vùng Benham Rise, sau vụ phát hiện tàu Trung Quốc (RFI, 05/04/2017)
Kể từ hôm 03/04/2017, lực lượng Tuần Duyên Philippines bắt đầu tuần tra một vùng biển rộng lớn mang tên Benham Rise, ở phía đông Luzon, hòn đảo chính của nước này. Manila đã quyết định hành động như trên sau khi phát hiện một số tàu thăm dò của Trung Quốc hoạt động trong khu vực vốn thuộc quyền chủ quyền của Philippines.
Vùng biển Benham Rise nằm ở phía đông đảo lớn Luzon của Philippines.
Theo nhật báo Singapore The Straits Times, phát ngôn viên lực lượng Tuần Duyên Philippines, ông Armand Balilo đã xác nhận rằng một chiếc phi cơ bay tuần tra trên không phận của khu vực rộng 130.000 km2, hơn một tuần sau khi Hải Quân phái một tàu chiến đến tuần tra trong vùng.
Theo một số nguồn tin, từ tháng 7 cho đến tháng 12 năm ngoái, đã có ít nhất ba tàu khảo sát của Trung Quốc bị phát hiện trong khu vực.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công nhận sự kiện đó, nhưng biện minh rằng tàu của Bắc Kinh chỉ hành xử quyền tự do hàng hải bình thường và quyền qua lại vô hại.
Kế hoạch tìm đường cho tầu ngầm của Trung Quốc
Đấy tuy nhiên không phải là quan điểm của Manila, ít ra là của Quân Đội. Theo Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana, sự hiện diện của các tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng Benham Rise, có thể nằm trong kế hoạch khảo sát độ sâu biển, nhằm tìm đường cho các tàu ngầm Trung Quốc từ Biển Đông đi ra Thái Bình Dương.
Trung thành với thái độ thân thiện với Bắc Kinh của mình, tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã cho rằng ông không thấy gì sai trong việc tàu Trung Quốc đi qua Benham Rise. Tuy nhiên, ông đã chỉ thị cho Hải Quân xây dựng những "cấu trúc" để có thể duy trì một sự hiện diện vững chắc ở trong khu vực.
Manila cũng đang xem xét khả năng đổi tên vùng này thành "Philippine Rise", nhằm khẳng định thêm chủ quyền của Manila.
Về phần Trung Quốc, nước này không đòi chủ quyền trong vùng Benham Rise. Thậm chí, theo lời ông Enrique Manalo quyền ngoại trưởng Philippines vào hôm qua, sắp tới đây Bắc Kinh sẽ xin phép Manila mỗi lần cho tàu vào khu vực.
Trọng Nghĩa
******************
Philippines đau đầu giữa 'viện trợ' và 'chủ quyền' (VOA, 05/04/2017)
Tàu đánh cá gần bãi cạn Scarborough
Ngư dân Philippines ở tuyến đầu cuộc tranh chấp lãnh hải đầy cay đắng ở Biển Đông nói trữ lượng hải sản trong vùng biển này đã giảm đi nhiều, một phần vì tàu Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam thường xuyên xâm phạm vùng biển thuộc lãnh hải Philippines, trong khi Manila không có cách gì để ngăn chận các vụ xâm nhập đó. Thông tín viên Ralph Jennings gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Số lượng cá ở ngoài khơi vùng duyên hải Masinloc, thành phố Philippines gần nhất với bãi cạn Scarborough đã giảm khoảng 50% tính từ năm 2010. Bắc Kinh và Manila đã tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này từ năm 2012.
Những khó khăn tại một bán đảo vốn đã nghèo khó nơi cư dân hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào biển để có kế sinh nhai, có thể tăng sức ép với Tổng thống Rodrigo Duterte hoặc là phải củng cố quan hệ hữu nghị mới với Trung Quốc, hoặc nữa, phải mời hải quân Mỹ trở lại để tiếp tục tuần tiễu các vùng duyên hải hầu có thể chặn tàu bè nước ngoài.
Theo ông Franklin Cattigay, chỉ huy Đội tuần duyên Philippines thì hiện Trung Quốc hầu như hoàn toàn kiểm soát bãi cạn có diện tích 150 cây số vuông này, một ngư trường phong phú nằm cách Masinloc khoảng 198 km.
Ông Cattigay nói tàu đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam dùng kỹ thuật ‘trái phép’ như thuốc nổ, hay những ngọn đèn sáng rực chiếu vào ban đêm để nhữ cá.
Chỉ về hướng Biển Đông từ nơi làm việc lộ thiên của ông bên cạnh chợ cá Masinloc, Chỉ huy trưởng đội tuần duyên Philippines nói :
"Tàu đến từ Trung Quốc qua lại tại đây như chốn không người, trong khi họ không được phép của Philippines. Người Tàu, người Đài Loan, người Việt Nam, đều có mặt tại đó".
Ông nói tiếp :
"Ngày nay trữ lượng cá không còn như trước, bây giờ nguồn cá suy giảm bởi vì có quá nhiều người tới đánh bắt trái phép, đặc biệt là những người đến từ các nước khác sử dụng các ngọn đèn cực mạnh".
Sự kiện nguồn cá giảm sút cộng với sức ép từ Trung Quốc đã khiến rất nhiều người trong số 300 ngư dân đã dăng ký hành nghề phải tìm đến những vùng biển trải dài theo bờ biển Philippines, hoặc bị buộc phải đánh bắt những mẻ lưới cá nhỏ hơn.
Trong một thành phố có 49,000 dân, chỉ có 3 tàu Philippines đến từ Masinloc, mỗi chiếc 40 người, là thường xuyên đánh bắt chung quanh bãi cạn Scarborough , theo một nhân viên làm việc cho Phòng ngư nghiệp thành phố, xin giấu danh tính. Thành phố Masinloc cho biết là không yêu cầu ngư dân lánh xa bãi cạn Scarborough nhưng nhiều người vẫn tránh khu vực này vì những rủi ro của nó.
Trung Quốc có hai tàu tuần duyên tại bãi cạn Scarborough và dùng các tàu đó để chận, không cho người Philippines tiến vào vùng biển này, theo ngư dân Philippines. Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ năm 2012, một bãi cạn chỉ thấp thoáng nhô trên những ngọn sóng, sau một cuộc đối đầu căng thẳng với Philippines đã phương hại tới các quan hệ song phương, mãi cho tới khi ông Duterte lên nắm quyền vào tháng Sáu năm 2016.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông nói chung, kể cả các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu đặc quyền kinh tế của Philippines trải dài từ đảo Luzon của thành phố Masinloc tới phía Nam đảo Palawan.
Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền của vùng biển giàu tài nguyên rộng 3,5 triệu km vuông. Việt Nam đòi chủ quyền một vùng biển nhỏ hơn, nhưng như Trung Quốc, đã bồi đắp đất và xây dựng trên các đảo nhỏ gần ngư trường truyền thống của Philippines và địa điểm dò tìm nhiên liệu hóa thạch dưới biển.
Tàu cá Việt Nam đã được trông thấy cách bờ biển Philippines khoảng 48 km, theo lời một nhân viên của Hội đồng Thành phố Philippines.
Ngư dân Roy Sevilla, 34 tuổi, đã hành nghề đánh cá trong 20 năm nay, anh chỉ ra biển về hướng tây-bắc từ nơi neo tàu của anh, nói :
"Chạy hai tiếng ra biển là thấy người Việt, 5 chiếc tàu đánh bắt cá và mực. Đấy".
Đánh bắt cá gần bờ biển thành phố nằm về hướng tây-bắc Manila chỉ thu gom được khoảng 3 tấn cho mỗi chuyến ra khơi, so với từ 10 đến 15 tấn thường kiếm được tại bãi cạn Scarborough, theo Butch Ortega, một cụ ông ngư dân. Ông than van :
"Có tàu Trung Quốc tuần tiễu ở đó nên chúng tôi không đến đó đánh bắt cá được".
Chính sách của Tổng thống Duterte xích lại gần Trung Quốc, theo ông Ortega, không bàn tới quyền của ngư dân Philippines được tiếp cận bãi cạn Scarborough.
Hồi tháng trước, Tổng thống Philippines nói nước ông không cách nào có thể đánh lại Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiến hành kế hoạch xây một trạm quan trắc trên bãi cạn này, như lời tường thuật của truyền thông Trung Quốc. Ông Duterte cũng chưa có hành động nào về đề xuất do ông loan báo hồi năm ngoái, tuyên bố bãi cạn Scarborough là một khu bảo tồn biển.
Bắc Kinh theo chương trình sẽ tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên hầu hết Biển Đông, có hiệu lực từ tháng 5 cho tới tháng 8. Cư dân địa phương nói có phần chắc họ sẽ không tuân thủ lệnh này, và Trung Quốc thường không xua đuổi tàu của họ ra khỏi các vùng biển đang trong vòng tranh chấp bên ngoài bãi cạn.
Nhưng hải quân và đội tuần duyên Trung Quốc, củng với các tàu đánh cá Trung Quốc có khả năng thống trị cả vùng biển theo những cách mà các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền "không có cơ may gì có thể sánh kịp", theo ông Greg Poling, Giám Đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).
Ông Poling khuyến cáo rằng Philippines, đảo Borneo và quần đảo Natuna của Indonesia sẽ chịu áp lực khi lệnh đánh bắt cá của Trung Quốc được thực thi. Malaysia và Brunei tranh giành với Trung Quốc quyền khai thác các giải biển nằm về hướng Bắc của Borneo.
Ông Poling nói :
"Họ (người Trung Quốc) sẽ tràn ngập các vùng biển ngoài khơi Borneo và quần đảo Natuna, và chắc chắn sẽ đẩy bật người Philippines ra khỏi những nơi như bãi cạn Scarborough. Điều mà người Trung Quốc muốn ở đây là dân vùng Đông Nam Á phải ngưng chống cự, và chấp nhận trật tự thế giới mới ở Châu Á xoay quanh Trung Quốc, và tôn trọng ‘các quyền lịch sử’ của Trung Quốc".
Chỉ huy đội tuần duyên Philippines cho biết một hội đoàn các tàu cá của tỉnh Zambales, bao gồm thành phố Masinloc, đã thảo một nghị quyết gửi lên Tổng thống Duterte. Họ muốn Tổng thống Duterte hãy để các tàu hải quân Mỹ trở lại để giúp Philippines tuần tra các vùng duyên hải, bởi vì về mặt quân sự, Philippines không sao có thể chống cự lại Trung Quốc.
Ông kêu gọi Washington giúp đỡ nhiều hơn bởi vì đội tuần duyên Philippines đơn độc và thiếu tài nguyên để có thể tuần tra các tàu nước ngoài.
Giới phân tích nói thắt chặt quan hệ với Trung Quốc có thể giúp Philippines nhận viện trợ và đầu tư của nước này, tuy nhiên rốt cuộc có thể làm dân Philippines giận dữ, bởi vì họ muốn lãnh đạo Philippines trên hết phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.