Máy bay gián điệp Úc yểm trợ quân đội Philippines (RFI, 23/06/2017)
Quân đội Philippines vẫn chưa đẩy lui được lực lượng thánh chiến Maute ở Marawi sau một tháng phản công. Một phần ba thành phố vẫn còn nằm trong tay phe nổi dậy trung thành với Daesh. Để trợ lực cho đồng minh Đông Nam Á về quân sự, Úc huy động hai phi cơ trinh sát tối tân AP-3C Orion.
Một góc Marawi, miền nam Philippines, sau một cuộc dội bom. Ảnh ngày 22/06/2017. Reuters
Hai máy bay gián điệp Úc sẽ tham gia các phi vụ tại miền nam Philippines để trợ giúp quân đội chính phủ trong cuộc chiến chống các nhóm Hồi Giáo võ trang, đặc biệt là Daesh, đang gây hỗn loạn trong khu vực. Trên đây là tuyên bố của Canberra hôm thứ Sáu 23/06/2017 vào lúc quân đội Philippines gặp khó khăn tại đảo Mindanao.
Cụ thể, bộ trưởng quốc phòng Úc Marise Payne cho biết hai máy bay trinh sát AP-3C Orion sẽ theo dõi hoạt động của các nhóm võ trang nổi dậy trong khuôn khổ hiệp định đối tác quân sự song phương Úc-Philippines. Úc sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Đông Nam Á để chống lại các tổ chức khủng bố, Daesh và những chiến binh từ nước ngoài xâm nhập đe dọa trực tiếp an ninh và quyền lợi của Úc.
Tại chỗ, quân đội Philippines tiếp tục oanh kích lực lượng Maute, một nhóm Hồi Giáo võ trang địa phương tuyên thệ trung thành với Daesh, vẫn còn chiếm giữ một số khu phố ở Marawi. Theo báo The Inquirer, có tin thủ lĩnh của nhóm này là Omarkhayam Maute đã tử trận. Một phát ngôn viên quân đội xác nhận có nhiều dấu hiệu Maute đã thiệt mạng từ hai tuần nay, nhưng không thể khẳng định 100% vì chưa thấy xác.
Tú Anh
********************
Philippines : Quân đội giải cứu được nhiều con tin (RFI, 22/06/2017)
Quân đội Philippines, ngày hôm qua, 21/06/2017, đã tấn công vào một trường học ở Pigkawayan, miền nam, và giải cứu được nhiều con tin bị quân khủng bố bắt giữ trong buổi sáng cùng ngày. Theo phát ngôn viên quân đội Philippines, Restituto Padilla, toàn bộ 31 con tin, trong đó có 12 trẻ em, đã được giải thoát và "không một ai bị thương". Bốn chiến binh Hồi giáo đã bị tiêu diệt.
Người dân Pigcawayan, nam Philippines, chờ được di tản. Ảnh ngày 21/06/17. REUTERS/Marconi Navales
Thông tín viên RFI Marianne Dardard tại Manila, gửi về bài tường trình :
"Cuộc tấn công ở Pigcawayan không hề giống cuộc tấn công ở Marawi. Quân đội Philippines nhấn mạnh như vậy, sau khi bác bỏ thông tin về việc giải phóng được trường học bị chiếm, để rồi cuối cùng vào tối qua, thì lại khằng định thông tin này.
Theo cảnh sát, có vài trăm kẻ tấn công, tất cả đều thuộc tổ chức Chiến binh Hồi Giáo vì tự do cho Bangsamoro (Bangsamoro Islamic Freedom Fighters, Biff). Đây là một trong số các nhóm khủng bố chính đã liên kết với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở miền nam Philippines. Có lẽ nhóm Biff đã tranh thủ thời cơ có ít binh sĩ của chính phủ ở Pigcawayan để tấn công, vì lực lượng chính của quân đội được triển khai ở Marawi.
Một tháng sau khi các cuộc đối đầu nổ ra ở thành phố Marawi, chính quyền Philippines e ngại có thêm quân thánh chiến đến khu vực này, cũng như tình trạng bạo lực sẽ lan rộng sang nơi khác.
Đối với quân đội, đây cũng là cách để biện minh cho thiết quân luật, được tổng thống Rodrigo Duterte ban hành, trên khắp miền nam Philippines".
Thu Hằng
****************
Quân đội Philippines bị tấn công ở miền nam (RFI, 21/06/2017)
Hơn trăm người có võ trang, vào sáng nay, 21/06/2017, đã tấn công vào quân đội Philippines tại một khu làng ở miền nam, trên đảo Mindanao. Mục tiêu, theo hãng tin Pháp AFP, có thể là nhằm nới lỏng gọng kềm đang siết quanh phiến quân Hồi Giáo ở Marawi, cách đấy khoảng 160 cây số.
Binh sĩ Philippines tại làng Pantar, Lanao Del Norte, ngày 21/06/2017 - REUTERS/Romeo Ranoco
Thoạt đầu, khoảng hai trăm người Hồi Giáo vũ trang, theo lời một viên chức địa phương, đã tấn công vào lúc bình minh một đồn lính kém bảo vệ ở thị trấn Pigkawayan, và phần lớn trong số này đã nhanh chóng rút lui sau đó. Tuy nhiên, theo nguồn tin quân đội Philippines, số còn lại khoảng ba mươi người đã quay sang chiếm đóng một ngôi trường tiểu học, dùng thường dân làm bia đỡ đạn.
Trả lời hãng tin Pháp AFP qua điện thoại, đại úy Arvin Encinas, phát ngôn viên lực lượng quân đội phụ trách khu vực, xác định : "Chúng đang có mặt trong ngôi trường và cầm giữ thường dân, sử dụng họ làm lá chắn sống". Phát ngôn viên này còn nói thêm rằng các phần tử thánh chiến đã đặt bom xung quanh ngôi trường.
Theo ông Antonio Maganto, phát ngôn viên phụ trách giáo dục địa phương cho biết là có khoảng 20 cư dân sống quanh trường đã bị bắt làm con tin, nhưng không có học sinh. Số lượng chính xác là bao nhiêu vẫn chưa thể xác định.
Theo AFP, trước đó, phát ngôn viên quân đội Philippines, tướng Restituto Padilla, cho biết là nhóm tấn công thuộc lực lượng Bangsamoro Biff, một nhánh ly khai của Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Moro (Milf), và là một trong 4 nhóm hoạt động tích cực ở miền Nam Philippines và tự nhận đi theo tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.
Cả hai phát ngôn viên quân đội Philippines tại Manila và tại địa phương đều cho biết là giao tranh vẫn diễn ra lẻ tẻ trong suốt ngày hôm nay tại khu vực lân cận ngôi làng bị tấn công, một nơi chủ yếu gồm đầm lầy, đồi núi và ruộng rẫy.
Theo viên chức cảnh sát địa phương Realan Mamon, cuộc tấn công nói trên có lẽ là để đánh lạc hướng, hầu giảm sức ép của quân đội Philippines lên các phần tử Hồi Giáo đang bị vây hãm ở Marawi.
Chiến sự giữa 2 bên đã kéo dài từ một tháng nay. Quân đội Philippines đã được hỗ trợ của Mỹ, nhưng vẫn chưa triệt hạ được đối phương.
Mai Vân
*************************
Phiến quân Hồi giáo chiếm trường học, bắt con tin (RFA, 21/06/2017)
Một ngôi trường tiểu học ở phía nam Philippines bị các tay súng thuộc nhóm phiến quân hồi giáo chiếm đóng và bắt giữ người làm con tin trong làng Malagakit.
Quân đội Philippines tuần tra tại Pigkawayan, cách thành phố Marawi 160 km về phía Bắc Cotabato, vào ngày 21 tháng 6 năm 2017. AFP
Sự việc xảy ra khoảng 5 giờ sáng hôm thứ tư 21 tháng 6.
Arvin Encinas, người phát ngôn của quân đội chịu trách nhiệm về khu vực này nói với AFP qua điện thoại.
Người này cho biết dân làng, không biết chính xác có bao nhiêu người và có trẻ em hay không, đã bị bắt nhốt trong trường học làm con tin và những tay súng đã đặt những quả bom quanh trường học đó.
Antonio Maganto, phát ngôn nhân của trường học cũng nói với AFP rằng không xác định được tổng số con tin. Tuy nhiên trong số đó có khoảng 20 người là cư dân của các ngôi nhà lân cận và không có ai là học sinh.
Báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc đến Philippines (RFA, 05/05/2017)
Manila bày tỏ thái độ không hài lòng với bà báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc Agnes Callamard, và những lời phát biểu mà bà mới đưa ra ngày hôm nay trong chuyến viếng thăm bán chính thức Manila.
Báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Agnes Callamard, tại diễn đàn trong một trường đại học ở Manila ngày 05 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Trong bài nói chuyện đọc tại một trường đại học ở Manila, bà Callamard nói rằng chiến dịch bài trừ ma túy mà Tổng Thống Phi Rodrigo Duterte đang thực hiện sẽ không thành công vì đi quá phạm vi luật pháp cho phép.
Bà nói thêm rằng đã tiếp xúc với nhiều thành phần dân chúng, và mọi người đều tin rằng chương trình này có thể làm hay hơn, thay vì cho phép cảnh sát và dân phòng toàn quyền nổ súng bắn hạ những kẻ buôn bán ma túy hay bị tình nghi liên quan đến ma túy.
Sự hiện diện của bà báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc Agnes Callamard tại Manila khiến chính phủ Phi ngạc nhiên, chỉ trích bà cố tình đến Phi mà không thông qua những thủ tục ngoại giao.
Năm ngoái, Tổng Thống Duterte mời bà Callamard ghé thăm, nhưng đặt ra một số điều kiện, trong đó bao gồm cả điều kiện buộc bà phải tranh luận về nhân quyền với ông. Bà Callamard từ chối, nói rằng bà luôn sẵn sàng sang Phi để mở cuộc điều tra về tình trạng nhân quyền, nhưng không lệ thuộc vào những đòi hỏi của chính phủ Manila.
Về sự hiện diện của bà ở Manila, một viên chức của Liên Hiệp Quốc nói rằng bà đến Phi với tư cách một học giả được trường đại học mời nói chuyện, không liên quan gì tới vai trò báo cáo viên nhân quyền.
******************
Philippines sẽ xây dựng trên đảo Thị Tứ (RFA, 05/05/2017)
Người dân Philippines giơ cao một lá cờ quốc gia để phản đối Trung Quốc tại đảo Thị Tứ hôm 31/12/2015. AFP photo
Philippines sẽ tiếp tục kế hoạch phát triển đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông ngay kể cả khi Trung Quốc phản đối. Tờ Philippines Daily Inquirer trích lời Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. cho biết như vậy vào hôm 4 tháng 5.
Ông Esperon Jr. cũng nói ông không nghĩ là Trung quốc sẽ thực sự ngăn không cho Philippines vào khu vực này, mặc dù ông không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể sẽ tìm cách ngăn cản các kế hoạch ở ngay trên đảo của Philippines. Ông Esperon Jr. nói Trung quốc có thể ngăn hoặc không ngăn Philippines vào đảo nhưng phía Philippines đã không ngăn Trung quốc vào bãi Chữ Thập, đá Subi và Vành Khăn.
Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan là những nước đòi chủ quyền tại khu vực quần đảo Trường Sa. Hôm 21 tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và một số quan chức quốc phòng khác đã bay ra đảo Thị Tứ như một dấu hiệu khẳng định chủ quyền của Philippines tại đảo này. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động này của Philippines.
Việc trình bày mạch lạc chính sách đối ngoại của Philippines đối với các nhà ngoại giao và báo chí Manila hiện nay là một nhiệm vụ bất khả thi.
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 26/3 có bài bình luận : trong khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tìm kiếm một liên minh với Trung Quốc, các quan chức quốc phòng nước này lại cảnh báo về mối đe dọa chiến lược đến từ Bắc Kinh trên Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Bất hòa trong chính sách đối ngoại của Philippines xuất hiện khi Tổng thống thì luôn tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc, quân đội lại nuôi dưỡng mối quan hệ với Hoa Kỳ, đã khiến các nhà ngoại giao và truyền thông nước này xoay như chong chóng, cố gắng dung hòa giữa 2 trường phái.
Tuy nhiên việc trình bày mạch lạc chính sách đối ngoại của Philippines đối với các nhà ngoại giao và báo chí Manila hiện nay là một nhiệm vụ bất khả thi [1].
Những tiếng nói trái chiều
Từ khi lên nắm quyền, ông Rodrigo Duterte luôn luôn mô tả Trung Quốc như một quốc gia thân thiện và hào phóng, một đối tác thiết yếu đối với sự phát triển của quốc gia và một đồng minh quân sự tiềm năng của Philippines.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc năm ngoái, ông Rodrigo Duterte tuyên bố tách nước mình khỏi Hoa Kỳ, trong khi đó Mỹ là đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines.
Một người dân Philippines mang theo tranh biếm họa tới cổng đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tuần hành phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và rãnh Benham. Ảnh : AP.
Đồng thời ông Duterte cũng đưa ra ý tưởng tái cấu trúc quan hệ Philippines - Trung Quốc.
Thậm chí vị Tổng thống này còn cường điệu đến mức tuyên bố kiếm tìm một trật tự thế giới mới, nơi Manila sẽ cùng Bắc Kinh và Moscow "chống lại (trật tự) thế giới".
Ông còn tìm cách gây ấn tượng với Trung Nam Hải bằng việc nhấn mạnh nguồn gốc tổ tiên mình với tuyên bố : "Ông tôi là người Trung Quốc" [2].
Trung Nam Hải đã trải thảm đỏ đón ông, họ không tiếc màn đón tiếp xa hoa nhất có thể, đi kèm là một gói (cam kết) viện trợ kinh tế hào phóng.
Trong khi ở Trung Quốc, ông Rodrigo Duterte tiếp tục không tiếc lời lăng mạ người đồng cấp Hoa Kỳ, ông Barack Obama.
Những điều này trái ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm, Tổng thống Benigno Aquino III, người đã nhiều lần ví von Trung Quốc với phát xít Đức, trong khi liên tục tìm cách củng cố quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ.
Dưới thời quản lý của ông Aquino, các kênh thông tin liên lạc giữa Philippines và Trung Quốc gần như sụp đổ hoàn toàn. Philippines là quốc gia đầu tiên đưa Trung Quốc ra một tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp (giải thích, ứng dụng UNCLOS 1982 trên) Biển Đông.
Một quốc gia, ba chính sách đối ngoại
Tuy nhiên, những hùng biện của ông Rodrigo Duterte vẫn chưa trở thành chính sách đối ngoại trong thực tế.
Điều này thể hiện rõ bởi các quan chức trọng yếu trong nội các, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana.
Ông Lorenzana liên tục theo đuổi không mệt mỏi trong việc giữ gìn nền tảng liên minh quốc phòng Philippines - Hoa Kỳ, đồng thời không ngừng cảnh báo những nguy cơ từ Trung Quốc trên Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Xét tới ảnh hưởng của quân đội Philippines trong suốt chiều dài lịch sử, sẽ là một sự liều lĩnh nếu ông chủ Điện Manacanang bỏ qua quan điểm chính thức và tình cảm của các quan chức quốc phòng cấp cao.
Trong thực tế, Philippines hiện có 3 chính sách đối ngoại khác nhau cùng một lúc. Chính sách thứ nhất là các tuyên bố riêng của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Những tuyên bố này có xu hướng mang nặng màu sắc cảm xúc cá nhân và phản chiếu nhiều lựa chọn.
Chính sách đối ngoại thứ hai có thể tìm hiểu qua các quan chức quốc phòng Philippines, nơi Trung Quốc đang được xem là mối đe dọa chiến lược và chủ yếu.
Chính sách đối ngoại thứ ba có thể nhận thấy qua bộ phận ngoại giao và báo chí Philippines.
Các nhà ngoại giao và nhà báo Philippines đang vận dụng tối đa khả năng ngôn ngữ của mình để không ngừng nỗ lực tổng hợp, trung hòa các phát biểu mâu thuẫn giữa ông Rodrigo Duterte với các tướng lĩnh, quan chức quốc phòng nhằm trình bày một chính sách đối ngoại rõ ràng, mạch lạc.
Nhiệm vụ bất khả thi
Bất hòa trong chính sách đối ngoại của Philippines đã "mưng mủ" trong những tuần gần đây khi ông Rodrigo Duterte và các quan chức Bộ Quốc phòng đưa ra những bình luận rất khác nhau về sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và ngoài khơi bờ biển phía Đông Philippines.
Đầu tháng này, các quan chức quốc phòng Philippines cáo buộc Trung Quốc tiến hành các hoạt động đáng ngờ ngoài rãnh Benham, một phần của thềm lục địa phía Đông Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho rằng tàu Trung Quốc tiến hành hoạt động nghiên cứu hải dương học bất hợp pháp trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp và không có tranh chấp của Philippines.
Bình luận của ông bị các quan chức Trung Quốc bác bỏ thẳng thừng, nhưng nó nhen nhóm sự mất lòng tin ngày càng sâu sắc trong dư luận dân chúng Philippines đối với Bắc Kinh, dù Trung Quốc đang cam kết cung cấp các thương vụ đầu tư lớn cho quốc gia Đông Nam Á này.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhanh chóng tìm cách giảm nhẹ tình trạng này bằng tuyên bố, ông đã cho phép Trung Quốc tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển này (rãnh Benham).
Tuy nhiên, cả Bộ trưởng Quốc phòng lẫn Ngoại trưởng Philippines từ chối bình luận về tuyên bố này. Họ nói mình không biết gì về một thỏa thuận như thế.
Đồng thời, cả hai trợ thủ của ông Duterte đều lưu ý rằng, theo Hiến pháp Philippines, sự cho phép (mà ông Duterte nói) phải có một thỏa thuận chính thức và được các cơ quan chính phủ giám sát.
Tương tự như rãnh Benham, các quan chức quốc phòng Philippines đặt ra mối lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scarborough.
Các quan chức quốc phòng Philippines nhanh chóng gọi nó là kịch bản tồi tệ không thể chấp nhận được, đồng thời nhấn mạnh tính tất yếu Mỹ phải ngăn chặn điều đó.
Một quan chức có ảnh hưởng, thẩm phán Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio đã ngay lập tức kêu gọi Điện Manacanang tăng gấp đôi các hoạt động hợp tác quốc phòng với Mỹ cũng như một phản ứng ngoại giao mạnh mẽ phản đối Trung Quốc xây dựng tại Scarborough [3].
Nhưng ông Rodrigo Duterte đã nhanh chóng bác bỏ bất cứ đề nghị nào tương tự với tuyên bố, Philippines không thể ngăn chặn Trung Quốc làm việc này, ngay cả Mỹ còn chẳng ngăn nổi họ.
South China Morning Post nhận định, những gì dư luận đang chứng kiến về chính sách đối ngoại của Philippines giống như trò chơi "cảnh sát tốt, cảnh sát xấu" được điều khiển bởi chính quyền Tổng thống Rordrigo Duterte.
Tuy nhiên một giả thuyết hợp lý hơn là, chính sách đối ngoại của Philippines là sản phẩm của thương lượng và tranh luận giữa một Tổng thống "phi truyền thống" mới xuất hiện với các đại diện của quân đội rất chính thống và mạnh mẽ.
Kết quả cuối cùng sẽ là một mối bất hòa chính sách điển hình, các nhà ngoại giao và báo chí Philippines phải đối mặt với nhiệm vụ bất khả thi khi cố gắng trình bày một cách mạch lạc và hợp lý chính sách đối ngoại của đất nước mình.
Điều này có thể dẫn đến một sự hoang mang cho dư luận trong và ngoài Philippines.
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
[1] http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2082090/philippines-duterte-seeks-alliance-china-defence
[2] http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2038385/will-playing-chinese-ancestry-card-help-rodrigo-duterte
[3] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Binh-luan-ve-phat-bieu-cua-Tong-thong-Duterte-khong-the-ngan-duoc-Trung-Quoc-post175201.gd
Những dấu hiệu phản đối cuộc chiến chống ma túy, mà tổng thống Rodrigo Duterte của Philippnes phát động từ lúc lên nắm quyền, càng ngày càng tăng lên.
Các nhà hoạt động phản đối các vụ giết người không qua xét xử do liên quan ma túy ở Manila vào ngày Nhân Quyền, 10/12/2016. AFP photo
Đó là nhận dịnh của các viên chức điều tra nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc. Bà Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt về vấn đề lạm quyền bắt giữ và xử phạt tùy tiện, nói rằng hàng ngàn người bị giết chết không những đưa chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống Phi đến việc chấp nhận tội ác một cách đương nhiên và dìm đất nước vào tình trạng vô pháp luật lẫn bạo động.
Theo tin của Reuters, hơn 7.600 người đã bị cảnh sát Phi bắn chết trong chiến dịch bài trừ ma túy kể từ tháng 7 năm ngoái cho đến nay. Phần lớn số bị giết được nói là người nghiện hoặc người bán ma túy trên toàn quốc.
Philippines lo ngại Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough (RFA, 07/02/2017)
Một nhóm dân biểu và hải quân Philippines đến bãi cạn Scarborough hôm 17/5/1997. AFP photo
Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo, xây dựng trên những hòn đảo mà Bắc Kinh đang chiếm giữ ở Biển Đông, đồng thời e ngại sẽ có ngày Phi mất bãi Cạn Scarborough, tức Đảo Hoàng Nham, vào tay Hoa Lục.
Những điểm này được ông Delfin Lorenzana, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi nói ngày hôm nay khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AFP, cho rằng Trung Quốc đang cố chiếm đoạt bãi Cạn Scarborough ngoài những đảo đang giữ ở khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Ông Bộ Trưởng Lorenzana tin rằng Trung Quốc không từ bỏ ý đồ kiểm soát Biển Đông để dùng tuyến đường biển quan trọng này làm áp lực với những cường quốc khác.
Tháng Bảy năm ngoái, Tòa Trọng Tài Quốc Tế ra phán quyết nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở những hòn đảo, bãi đá mà họ đang chiếm giữ tại Biển Đông. Nhưng từ ngày nhậm chức hồi cuối tháng Sáu tới nay, Tổng Thống Phi Rodrigo Duterte không muốn nói tới phán quyết này, vì ông chủ trương kết thân với Bắc Kinh.
***************
Manila tố cáo Bắc Kinh muốn xây đảo nhân tạo ngoài khơi Philippines (RFI, 07/02/2017)
Bãi cạn Scarborough cách căn cứ quân sự Vịnh Subic, Philippines, khoảng 200 km về phía tây. (Ảnh chụp ngày 12/03/2016) - REUTERS/Planet Labs
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 07/02/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông tin rằng Trung Quốc có thể sẽ bồi đắp bãi cạn Scarborough, chỉ nằm cách đảo Luzon của Philippines 230 km. Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn này từ năm 2012.
Bắc Kinh hiện đã xây nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có Đá Chữ Thập mà Manila cũng đòi chủ quyền, và đặt các thiết bị quân sự trên một số đảo đó. Theo các nhà phân tích, việc đặt các thiết bị quân sự trên bãi cạn Scarborough sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát về mặt quân sự vùng Biển Đông, điều mà Hoa Kỳ báo trước là sẽ không chấp nhận.
Theo lời bộ trưởng Lorenzana, các công trình xây dựng trên bãi cạn Scarborough sẽ đáng lo ngại hơn nhiều so với trên Đá Chữ Thập, vì bãi cạn này nằm rất gần Philippines. Từ Scarborough, các chiến đấu cơ phản lực và tên lửa của Trung Quốc có thể dễ dàng tấn công lực lượng Mỹ đóng tại Philippines. Tiền đồn trên Scarborough có thể giúp Trung Quốc ngăn chận tàu của các nước khác sử dụng con đường hàng hải trọng yếu này.
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines nói với AFP, việc bồi đắp các đảo ở Biển Đông là chiến lược của Trung Quốc nhằm chống lại những cường quốc nào can dự vào Biển Đông, vì đối với Bắc Kinh, đây là vùng biển của Trung Quốc.
Chính quyền của tân tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ đẩy lùi mọi mưu toan của Trung Quốc nhằm củng cố kiểm soát Biển Đông. Trong cuộc điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ ngăn chận Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo trên Biển Đông, mặc dù các nhà phân tích cho rằng, muốn làm như thế Washington phải phong tỏa trên biển, và đây là một hành động chiến tranh.
Nhưng theo tờ The Japan Times của Nhật số ra ngày 07/02/2017, một tài liệu được tiết lộ trên một trang mạng cho thấy là sau đó ông Tillerson đã có giọng điệu hòa dịu hơn. Trả lời các câu hỏi về các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, tân ngoại trưởng Mỹ chỉ viết : Không thể để Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo để cưỡng ép các nước láng giềng hoặc hạn chế quyền tự do lưu thông hàng khải và hàng không ở Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành xử các quyền tự do ấy bằng cách đưa phi cơ và tàu đến hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Thanh Phương
*********************
Cam Bốt phá đường dây buôn người sang Nhật làm gái mại dâm (RFI, 07/02/2017)
Cảnh sát Cam Bốt áp giải nghi can người Nhật Susumu Fukui (đeo khẩu trang) tới tòa án Phnom Penh, ngày 07/02/2017 - TANG CHHIN Sothy / AFP
Một chủ nhà hàng Nhật Bản tại Phnom Penh, Cam Bốt hôm nay 07/02/2017 bị cáo buộc buôn người và kiểm soát một đường dây gái mại dâm ở Nhật.
Theo AFP, một tòa án ở Phnom Penh ngày 07/02/2017 cáo buộc ông Susumu Fukui, chủ một nhà hàng Nhật, cùng với Lim Leakhana, 28 tuổi - người vợ Cam Bốt của ông này và một nhân viên nhà hàng người Cam Bốt 30 tuổi, tên là Seng Chandy về tội buôn người.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc giải cứu 7 phụ nữ Cam Bốt tại một nhà hàng ở Gunma, khu vực tây bắc Tokyo, hồi tháng 12/2016, sau khi một trong số những phụ nữ này tuyệt vọng kêu cứu trên Facebook.
Cảnh sát khẳng định chủ nhà hàng Nhật Susumu Fukui, 52 tuổi, đã dụ dỗ phụ nữ bằng cách hứa hẹn trả lương cao và đã đích thân đưa những phụ nữ này tới một mối quen ở Gunma, Tokyo hồi tháng 11/2016.
Mới đầu, những người phụ nữ Cam Bốt này nghĩ rằng họ sẽ làm nhân viên nhà hàng, nhưng ngay sau đó họ bị ép buộc quan hệ tình dục với khách hàng.
Từ lâu nay, Nhật đã trở thành một điểm đến cho phụ nữ Đông Nam Á muốn ra nước ngoài tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn công việc trong nước. Tại Nhật, họ thường bị bắt ép bán dâm hoặc lao động cưỡng bức.
Tháng 01/2017, trong một chiến dịch truy quét, cảnh sát Nhật Bản đã phát hiện 10 phụ nữ Thái Lan có thể là nạn nhân của cùng một đường mại dâm liên quan đến vụ chủ nhà hàng Nhật ở Cam Bốt. 2 người Nhật và 1 người Thái Lan đã bị bắt.
Thùy Dương
**********************
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Thái Lan hủy luật chống khi quân (RFI, 07/02/2017)
Pornthip Mankong (P) và Patiwat Saraiyaem bị kết án 2 năm rưỡi tù vì đã tham gia vở kịch bị coi là phạm tội khi quân, tại Thái Lan - REUTERS/Athit Perawongmetha
Hôm 07/02/2017, một đặc phái viên về tự do ngôn luận của Liên Hiệp Quốc ra thông cáo kêu gọi Bangkok hủy bỏ luật khi quân, bị cáo buộc được dùng như một công cụ đàn áp chính trị.
Thông cáo của ông David Kaye, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh đến trường hợp một sinh viên Thái Lan, hiện đang bị giam giữ, chỉ vì chia sẻ trên internet một bài báo về tân vương Maha Vajiralongkorn, vừa kế nhiệm ngai vàng, ngày 01/12/2016, ít tuần sau khi vua Bhumibol qua đời.
Trong số hàng nghìn người chia sẻ một bài báo của BBC, cung cấp nhiều chi tiết về cuộc đời của tân vương, nổi tiếng với nhiều xì-căng-đan, duy nhất chỉ có nhà tranh đấu dân chủ Jatupat Boonpatararaksa, có biệt danh "Pai", là bị bắt. Nhà tranh đấu nói trên được coi là nạn nhân đầu tiên của luật chống khi quân Thái Lan, kể từ khi thái tử Maha Vajiralongkorn kế nhiệm.
Thông cáo của đại diện Liên Hiệp Quốc về tự do ngôn luận nhấn mạnh là "các điều khoản về chống khi quân của luật hình sự Thái Lan không phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền" và lưu ý "các nhân vật chính trị, kể cả những người giữ chức vụ cao nhất, vẫn có thể bị phê phán".
"Điều 112" của luật chống khi quân của Thái Lan dự kiến phạt từ 3 đến 15 năm tù đối với ai báng bổ vua, hoàng hậu, thái tử hay nhiếp chính vương.
Kể từ khi tập đoàn quân sự lên nắm quyền tháng 5/2014, chính quyền liên tục sử dụng luật khi quân để trấn áp các tiếng nói khác biệt, với các án nặng hơn trước rất nhiều. Năm 2015, một người đàn ông bị kết án đến 30 năm tù và một phụ nữ 28 năm tù, vì đưa lên Facebook nhiều thông điệp bị cáo buộc là nhục mạ gia đình hoàng gia.
Tại Thái Lan, cuộc đời phóng túng của tân vương Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, từng có ba đời vợ, là chuyện mà mọi người có thể đàm tiếu, tuy nhiên nhìn chung không có phương tiện truyền thông hay mạng xã hội nào dám nhắc đến. Ngay về các án phạt, cũng rất ít phương tiện truyền thông, kể cả phương tiện truyền thông quốc tế, dám nêu chi tiết, vì sợ phạm vào luật trừng phạt tội khi quân.
Trọng Thành
Hồng Kông : Tỷ phú Tiêu Kiến Hoa bị Trung Quốc bắt cóc (RFI, 02/02/2017)
Khách sạn Four Seasons, Hồng Kông, nơi nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa được nhìn thấy lần cuối ngày 27/01/2017. REUTERS/Bobby Yip
Theo báo chí Hồng Kông, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa đột nhiên mất tích cách nay một tuần, thật ra đã bị an ninh Trung Quốc bắt cóc đưa về Hoa lục để điều tra một vụ đầu cơ chứng khoán. Đây là trường hợp tiêu biểu Bắc Kinh can thiệp vào nội tình Hồng Kông một cách thô bạo từ sau vụ bắt cóc chủ nhân và bốn nhân viên một nhà xuất bản sách bị Trung Quốc xem là nhạy cảm.
Theo South China Morning Post được AFP trích dẫn trong bản tin 02/02/2017, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) hiện đang ở Hoa lục "để giúp điều tra" về vụ chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải bị rơi tự do vào năm 2015, trong vòng hai tháng, mất 40% trị giá. Vấn đề là trong vụ này, chính quyền Trung Quốc đã góp phần khuyến khích đầu cơ cho đến khi "bong bóng" chứng khoán bị vỡ thì tìm cách qui tội cho người khác để phủi tay trốn trách nhiệm.
Như vậy, "thông tin" đầu tiên của báo chí thân Bắc Kinh nói rằng tỷ phú Tiêu Kiến Hoa "tự ý" về Trung Quốc trị bệnh, không còn đứng vững.
Sự kiện ông Tiêu Kiến Hoa mất tích cũng diễn ra tương tự như trường hợp 5 nhân viên một nhà sách Hồng Kông "mất tích" năm 2015 và sau đó sự thật được phơi bày khi Bắc Kinh biết không thể tiếp tục giấu diếm.
Hồng Kông được Anh Quốc trao trả lại Trung Quốc với quy chế bán tự trị từ năm 1997 theo đó công an Hoa lục không có quyền sang Hồng Kông bắt người.
Cũng theo South China Morning Post, không rõ tỷ phú Tiêu Kiến Hoa có trách nhiệm gì trong vụ thị trường chứng khoán mất giá. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang nhắm vào một loạt các đại gia Trung Quốc và cuộc điều tra này có liên quan đến cựu chỉ huy cơ quan phản gián, Mã Kiến, bị buộc tội tham ô, bị cách chức và khai trừ khỏi đảng Cộng sản.
Theo một số nhà bình luận, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa chỉ là người thừa hành của ban lãnh đạo Trung Quốc trong vụ khủng hoảng chứng khoán. Nhưng một số tờ báo lại cho rằng nhà tài chính này có quan hệ với những thế lực chống lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trở thành nạn nhân của chiêu bài chống tham nhũng.
Tú Anh
*********************
Báo chí Thái Lan chống luật hạn chế hoạt động của nhà báo (RFI, 02/02/2017)
Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha đến họp nội các hàng tuần ngày 10/01/2017. Reuters
Ngày 02/02/2017, dự luật giới hạn quyền hoạt động của các phóng viên Thái Lan được thảo luận tại một ủy ban Quốc hội. Liên đoàn các phóng viên Thái viết thư ngỏ phản đối mọi ý đồ bịt miệng báo chí của chính quyền quân sự Bangkok.
Theo hãng tin Mỹ AP, dự luật về báo chí của Thái Lan quy định các phóng viên phải được chính phủ cấp giấy phép hành nghề, và dự trù thành lập một hội đồng kỷ luật để trừng phạt những phương tiện truyền thông "phao tin thất thiệt" hay "vi phạm đạo đức báo chí". Phía chính quyền giải thích, dự luật này nhằm "trong sạch hóa các cơ quan thông tin và tránh để một số phương tiện truyền thông đưa tin thất thiệt".
Thủ tướng Thái, tướng Chan Ô Cha, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây đã tuyên bố : "Tất cả mọi ngành nghề đều phải được kiểm soát và tuân thủ luật pháp quốc gia, ngành báo chí không là một ngoại lệ"
Ngược lại, Hiệp hội các nhà báo Thái Lan coi đây là phương tiện để Bangkok tăng cường kiểm duyệt, trực tiếp kiểm soát các hành vi của các phóng viên độc lập. Trong bức thư ngỏ gửi tới Quốc hội Thái ngày 02/02/2017, Hiệp hội các phóng viên Thái Lan cho rằng dự luật nói trên "đưa Thái Lan trở về với thời kỳ đen tối, khi báo chí nằm trong tay chính quyền".
Theo giới quan sát, từ khi tập đoàn quân sự Thái Lan lên cầm quyền hồi tháng 5/2014 tới nay, quyền tự do thông tin đã bị giới hạn đáng kể. Tránh để bị ghép vào tội khi quân, nhiều tờ báo Bangkok đã phải tự kiểm duyệt. Tháng 7/2016, nhiều đài phát thanh đã bị đóng cửa với lý do "đe dọa an ninh quốc gia". Tháng 12/2016, tập đoàn quân sự cầm quyền tại Thái Lan đã dùng luật chống tội phạm tin học để tăng cường các biện pháp kiểm duyệt thông tin trên mạng.
Thanh Hà
***********************
Tổng thống Philippines "sẽ giết thêm" và huy động quân đội chống ma túy (RFI, 02/02/2017)
Tổng thống Rodrigo Duterte trưng ảnh những kẻ dính líu đến ma túy tại một cuộc họp ở Davao ngày 02/02/2017. REUTERS/Lean Daval Jr
Tổng thống Rodrigo Duterte, hôm nay, 02/02/2017, thông báo là quân đội sẽ đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy và ông còn cam kết sẽ giết thêm những kẻ buôn lậu và tiêu thụ ma túy.
Ông Duterte, được AFP trích dẫn, tuyên bố : "Tôi huy động quân đội Philippines và tôi coi vấn đề ma túy là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, do vậy, tôi sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của toàn bộ các binh chủng". Nguyên thủ Philippines còn bổ sung là ông sẽ ra lệnh giết chết thêm những con nghiện mà ông gọi là "đồ súc sinh".
Đây là phản ứng đầu tiên của ông Duterte kể từ khi Ân Xá Quốc Tế, vào hôm qua, đã công bố một báo cáo cho rằng các vụ giết người như vậy ở Philippines có thể coi là những tội ác chống nhân loại.
Ông Duterte đã bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, với những lời lẽ thô tục nguyền rủa những người tố cáo ông và cho rằng họ đã thương xót 3000 "kẻ súc sinh", tức 3000 con nghiện bị giết chết. Nguyên thủ Philippines tuyên bố, "tôi sẽ cho giết thêm, để xóa bỏ tệ nạn ma túy".
Trong tuần, ông Duterte đã thừa nhận là tệ nạn tham nhũng ngấm sâu vào tận xương tủy cảnh sát, lực lượng hiện đang đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy. Trong thời gian qua, một loạt vụ bê bối đã bị phát giác, cho thấy nhiều sĩ quan cảnh sát dính líu đến các vụ giết người, bắt cóc, tống tiền. Những kẻ này lộng hành nhân danh cuộc chiến chống ma túy.
Theo số liệu chính thức, kể từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống Philippines cuối tháng 06/2016 đến nay, 6500 người đã thiệt mạng, trong đó cảnh sát thông báo bắn chết 2555 người, còn gần 4000 trường hợp khác chưa được làm rõ.
RFI tiếng Việt
Hoa Kỳ 'vẫn muốn là cường quốc Thái Bình Dương' (VOA, 31/01/2017)
Tại hội nghị về liên minh giữa Hoa Kỳ với Australia và Nhật Bản diễn ra hôm 30/1 ở Canberra, Australia, các giới chức Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết là một cường quốc Thái Bình Dương dù có thể có những thay đổi về chính sách dưới chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào công tác tự vệ và mô tả NATO là lỗi thời.
Ông John Hennessey-Niland, cố vấn chính trị tại tòa đại sứ Mỹ ở Australia nói các đồng minh của Mỹ ở vùng châu Á Thái Bình Dương có thể an tâm là Thái Bình Dương vẫn là một trọng tâm trong các lợi ích của Mỹ dưới chính quyền mới. Ông cũng cho biết thêm rằng các cuộc tập trận chung và chia sẻ thông tin sẽ gia tăng.
Đại sứ John Hennessey-Niland phát biểu tại hội nghị được tổ chức ở Trường đại học Quốc gia Australia rằng "Chúng ta đang trong thời kỳ thay đổi và chuyển tiếp. Lợi ích quốc gia Hoa Kỳ không thay đổi. Hoa Kỳ vẫn muốn là một cường quốc Thái Bình Dương và ủng hộ cũng như củng cố những mối quan hệ hai bên, ba bên, đa phương nối kết vùng này với nhau.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào công tác tự vệ và mô tả NATO là lỗi thời, dù Thủ tướng Anh Theresa May trong tuần rồi, sau cuộc họp với Tổng thống Trump, đã tuyên bố là ông Trump ủng hộ NATO "100%".
Bà Amy Searight, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho đến năm 2016, nói ông Trump "dường như rút lại những luận điệu thời tranh cử" liên hệ đến các đồng minh của Mỹ. Bà hoan nghênh chuyến viến thăm Washington D.C của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào đầu tháng 2 tới đây.
Bà Searight nói thêm các kế hoạch của ông Trump gia tăng các chiến hạm Mỹ từ 270 lên 350 chiếc có thể dẫn đến việc xuất hiện thêm nhiều tàu chiến Mỹ nữa tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác đồng minh.
Bà nói tiếp, nguyên nhân đằng sau chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama - sự cần thiết để Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia đáp ứng trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng - là vẫn còn.
Bà Searight hiện là giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhấn mạnh "logic về tái cân bằng tại châu Á vẫn hùng hồn, dựa trên lợi ích lâu dài của nước Mỹ và được sự ủng hộ mạnh mẽ của hai đảng, do đó tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng một sự cam kết và chú trọng vào vùng châu Á-Thái Bình Dương".
*********************
Người Philippines ‘muốn chính phủ cứng rắn về biển Đông’ (VOA, 29/01/2017)
Người Philippines biểu tình chống Trung Quốc.
Phần đông người Phiippines muốn chính phủ phải khẳng định chủ quyền của nước mình ở biển Đông.
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến công bố hôm 27/1 cho thấy rằng 84% trong số 1.200 người trưởng thành ở Philippines cho rằng chính phủ phải giữ vững tuyên bố chủ quyền ở vùng lãnh hải tranh chấp.
Cuộc thăm dò do tổ chức độc lập Pulse Asia tiến hành từ ngày 6 tới 11/12 cho thấy rằng chỉ có 3% không đồng ý với việc trên, và 12% nói không đồng ý hoặc bất đồng.
Về việc 8 trên 10 người Philippines hậu thuẫn chính quyền chứng tỏ sự cứng rắn ở biển Đông, tờ Inquirer dẫn lời một phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng chính quyền "ủng hộ 100%" việc phải giữ vững tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Nhưng theo ông Ernesto Abella, "vấn đề là thời gian".
Theo AP, Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây đã nhanh chóng cải thiện mối quan hệ lạnh nhạt với Trung Quốc, đồng thời từ chối không đề nghị Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ra năm ngoái, theo đó bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ vùng biển Đông.
Trong khi ông Duterte ngả về Trung Quốc, ông từng tuyên bố sẽ "ly khai" với đồng minh Mỹ, đồng thời chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu các quan ngại về nhân quyền đối với chiến dịch chống ma túy chết chóc của ông.
******************
Quân đội Mỹ hiện diện ở phía bắc thủ đô Manila, Philippines (Ảnh chụp tháng 10/2016)TED ALJIBE / AFP
Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines ngày 31/01/2017 khẳng định Mỹ không xây dựng bất kỳ kho vũ khí nào ở Philippines, và phủ nhận cơ sở mà tổng thống Rodrigo Duterte dựa vào để đe dọa bãi bỏ một hiệp ước quốc phòng 2014 cho phép quân đội Mỹ tạm thời đóng căn cứ tại Philippines.
Phát biểu tại một diễn đàn của các nhà lãnh đạo kinh doanh, đại sứ Mỹ cho rằng tổng thống Philippines Duterte đã nhận được một số thông tin sai lệch nên tỏ ra lo ngại rằng có kho vũ khí của Washington tại Philipinnes. Đại sứ Sung Kim khẳng định Mỹ không hề có bất cứ kho cũ khí nào tại Philipinnes và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có kế hoạch xây một kho vũ khí tại Philippines.
Vẫn theo đại sứ Mỹ tại Manila các dự án trong khuôn khổ Hiệp Định Hợp Tác Tăng Cường Quốc Phòng năm 2014 là nhằm cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo.
Đại sứ Kim cũng chỉ ra rằng các thỏa thuận cho phép quân đội Hoa Kỳ xây dựng cơ sở vật chất và cấu trúc tại 5 căn cứ của Philippines và khó tưởng tượng là Mỹ lại có thể làm bất cứ điều gì tại các căn cứ của Philippines nếu không được sự chấp thuận của người dân cũng như nhà chức trách Philippines.
Hôm Chủ Nhật 29/01/2017, tổng thống Philippines Duterte xác định ba khu vực mà lực lượng Hoa Kỳ được cho là mang vũ khí tới, trong đó có tỉnh Palawan ở miền tây, nằm sát vùng biển mà Philippines đang có tranh chấp với Trung Quốc. Ông tuyên bố sẽ không cho phép Washington tích trữ vũ khí trong các căn cứ ở địa phương theo hiệp ước quốc phòng giữa hai nước vì nếu nổ ra giao tranh giữa Trung Quốc và Mỹ thì Philippines sẽ bị ảnh hưởng.
Thùy Dương
**********************
Mỹ-Hàn tái khẳng định ủng hộ dự án lá chắn tên lửa THAAD (RFI, 31/01/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Hàn Quốc, ngày 31/01/2017, cam kết thúc đẩy triển khai dự án lá chắn chống tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc, bất chấp phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ.REUTERS/U.S. Department of Defense
Theo AFP, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và đồng nhiệm Han Min Koo đã điện đàm với nhau. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với dự án lá chắn chống tên lửa THAAD. Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, hai bộ trưởng đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng của Bắc Triều Tiên và nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy việc lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa, như dự kiến.
Năm ngoái, Washington và Seoul đã thông báo ý định này, sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành một loạt vụ bắn thử tên lửa và hai vụ thử hạt nhân.
Ngày 02/02/2017 trong khuôn khổ chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis sẽ tới Hàn Quốc và sau đó sang Nhật Bản.
Thái độ của tân chính quyền Mỹ đối với Châu Á làm cho các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ trong khu vực lo ngại. Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, Donadl Trump đe dọa rút lính Mỹ ra khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu hai nước này không đóng góp thêm tài chính.
Trong khi đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hồi đầu tháng Giêng, tuyên bố là nước này đang ở trong "giai đoạn cuối cùng" trước khi tiến hành bắn thử tên lửa xuyên lục địa (ICBM).
Chính quyền Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc vì lo ngại dự án này làm suy yếu khả năng tấn công, răn đe bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.
Ngay tại Hàn Quốc, người dân ở khu vực dự kiến triển khai hệ thống THAAD cũng phản đối dự án và nhiều ứng viên tổng thống Hàn Quốc cam kết, nếu đắc cử, sẽ xóa bỏ kế hoạch này.
RFI tiếng Việt
*******************
Trung Quốc sẽ tuần tra vùng biển phía Nam Philippines ? (RFA, 31/01/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila hôm 30/1/2017. AFP photo
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua cho biết ông đã lên tiếng nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong cuộc chiến chống các phiến quân Hồi Giáo bằng cách đưa tàu đến tuần tra ở khu vực phía Nam Philippines.
Nói với những tướng lĩnh mới được bổ nhiệm của Philippines vào hôm qua, ông Duterte cho biết ông đã yêu cầu Trung Quốc đưa tầu đến tuần tra ở vùng nước quốc tế mà không nhất thiết xâm phạm vào vùng nước thuộc chủ quyền của các nước khác. Ông cũng nhấn mạnh các tàu tuần tra này không nhất thiết phải là tàu hải quân. Theo ông Duterte đây cũng là cách mà Trung Quốc đã từng làm hồi năm 2009 khi điều một tàu hải quân đến vịnh Aden để bảo vệ các tàu của Trung Quốc trước sự tấn công của hải tặc Somali.
Tổng thống Philippines không cho biết Trung Quốc đã có phản ứng với lời mời này hay chưa.
Chính phủ Philippines cho biết các nhóm phiến quân Hồi giáo tại nước này đang tìm cách thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á, trong đó bao gồm khu vực đảo Mindanao ở miền Nam Philippines. Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf gần đây đã tiến hành bắt cóc các thủy thủ và tấn công các tàu trở hàng trong vùng nước giữa Malaysia, Indonesia và Philippines.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (t) nhận quyền chủ tịch ASEAN 2017 từ tay thủ tướng Lào tại phiên bế mạc Thượng Đỉnh ASEAN ở Vientiane (Lào) ngày 08/09/2016. Ảnh tư liệu.
Chính quyền Philippines, nước làm chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2017, ngày 05/01/2017 xác định : hồ sơ Biển Đông sẽ được ưu tiên thảo luận nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh của toàn khối Đông Nam Á. Tuy nhiên, phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye sẽ không có trong chương trình nghị sự.
Theo báo mạng Philippines Inquirer, trong cuộc họp báo tại phủ tổng thống Philippines, thứ trưởng Ngoại Giao Philippines phụ trách chính sách Enrique Manalo đã khẳng định rằng tranh chấp Biển Đông sẽ chiếm một vị trí ưu tiên trong đề tài được thảo luận nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN dự trù vào tháng 11/2017.
Khi được hỏi là liệu phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 phủ nhận các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông có được thảo luận trong các hội nghị ASEAN năm nay hay không, thứ trưởng Ngoại Giao Philippines cho rằng "thực ra không có nhu cầu thảo luận nào về bản phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye".
Theo ông Manalo, "vì phán quyết này đã là một thực tế đang tồn tại, đã là một phần của luật lệ, của luật pháp quốc tế…, do đó, ưu tiên hiện nay là cố sao có được bộ quy tắc ứng xử".
Quan chức Philippines nhấn mạnh : "Bản phán quyết của Tòa La Haye sẽ không nằm trong chương trình nghị sự theo nghĩa là nó đã là một bộ phận của luật quốc tế, đã có sẵn ở đó", cho nên không cần phải thảo luận nữa.
Theo nhà ngoại giao Philippines, khối ASEAN hy vọng là sẽ thông qua được một bộ quy tắc ứng xử COC để giảm thiểu căng thẳng trong vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc với các láng giềng trong đó có 4 nước Đông Nam Á là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Thứ trưởng Ngoại Giao Philippines xác định : "Vấn đề Biển Đông dĩ nhiên nằm trong chương trình nghị sự của ASEAN. Trong thực tế, trong suốt năm, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc đang làm là tập trung vào Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông vốn chưa hoàn chỉnh, vào bản Tuyên Bố về Quy Tắc Ứng Xử COC và các nguyên tắc của Bộ Quy Tắc Ứng Xử".
Hướng đi chính của Philippines, theo ông Manalo, là ASEAN cùng hợp tác với Trung Quốc để cố gắng đạt được một khuôn khổ chung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông vào cuối năm 2017
Nhìn chung, đại diện Philippines cố trấn an các đồng minh ASEAN khi cho rằng trong tư cách là chủ tịch khối Đông Nam Á, Manila sẽ hành xử vì lợi ích quốc gia, nhưng đồng thời đáp ứng được các mối quan tâm của các thành viên khác trong ASEAN.
Trọng Nghĩa
Văn phòng Tổng thống Philippines tuyên bố thắng lợi trong chiến dịch chống ma túy.
Thông báo này được ông Ernesto Abella, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, đưa ra tại cuộc họp báo hôm 27/12, kèm theo đề nghị phải đánh giá cuộc đàn áp mạnh tay tội phạm ma túy theo "cách nhìn đúng đắn".
Phát biểu tại Điện Malacanang, ông Abella nói : "Hiểm họa ma túy không chỉ là mối đe dọa an ninh quốc gia mà còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng".
Theo ông Abella, đến nay, khoảng 900.000 người nghiện đã đầu hàng cảnh sát trên cả nước. Trang International Business Times (Mỹ) dẫn lời ông Abella cho rằng sự thành công của chiến dịch chống ma túy đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ tội phạm.
Tuy cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte vấp phải không ít chỉ trích từ cộng đồng quốc tế nhưng người dân Philippines lại đánh giá cao. Điều này thể hiện qua cuộc thăm dò gần đây của Viện Nghiên cứu Social Weather Stations (Philippines), trong đó phần lớn người dân hài lòng với chiến dịch chống ma túy nhưng vẫn lo ngại các vụ giết người không qua xét xử.
Hơn 6.000 nghi phạm ma túy đã bị giết chết kể từ khi ông Duterte phát động chiến dịch từ cuối tháng 6. Gần 5.000 quan chức chính phủ tham nhũng liên quan đến hoạt động mua bán ma túy cũng bị phanh phui.
Xuân Mai