Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Siêu vi Corona : Tia sáng cuối đường hầm hay ngọn đèn hiu hắt

Ảnh một đứa bé xinh xắn chào đời trong một thế giới bị phong tỏa ; Mẹ tôi từ trần hôm thứ Sáu, hàng chữ báo tin ảm đạm : Tựa buồn thảm trên La Croix Le Monde phản ánh tình trạng thê lương của thế giới trong cơn khủng hoảng y tế đầy bất trắc. Còn Les Echos lóe lên một tia hy vọng : Đại dịch giảm tốc, tử vong ít dần ở Tây Ban Nha, Ý , Pháp

covi01

Ý kiến của Viện Hàn lâm Y học Pháp "nên đeo khẩu trang" có thể làm cho một nhu cầu y tế trở thành "chiến tranh".

Diễn biến tình hình dịch trên thế giới như thế nào và được đối phó ra sao ? Les Echos báo tin phấn khởi : Dịch bệnh có dấu hiệu giảm dần nhưng các bệnh viện ớn lạnh người khi thấy dân chúng Pháp cũng có dấu hiệu lơ là cảnh giác. Thành phần sinh viên, bác sĩ nội trú đã "hết gân hết cốt".

Libération cũng khuyến cáo : Sau nhiều tuần lễ liên tục đấu vật với siêu vi, y tá bác sĩ đều mệt mỏi "suy nghĩ, ăn uống, nằm ngủ cũng bị Corona ám ảnh.

Bên cạnh phóng sự một bảo sanh viện tại Pháp "sắp xếp" sao cho trong thời đại dịch vẫn có điều kiện lý tưởng an lành cho sản phụ và con thơ, La Croix, đưa một loạt tựa đáng lo : Hoa Kỳ, siêu cường trong cơn bão loạn. New York bước vào cuộc chiến. California hứng trọn ngọn sóng thất nghiệp. Tại Ấn Độ thì dân sợ đói hơn sợ Corona : Hàng triệu công nhân Ấn Độ bị thất nghiệp, không lương, từ hai tháng nay, không tiền nuôi vợ nuôi con. Nhật báo công giáo còn đặt một câu hỏi : liệu chúng ta phải đeo khẩu trang hay không ?

Hàn Lâm viện Y học Pháp vừa ra thông cáo khuyến khích dân Pháp theo gương dân Châu Á. Trái với thông điệp, giải thích của hành pháp, của hàng loạt chuyên gia, bác sĩ thay nhau lên các đài truyền hình trấn an công luận từ hơn một tháng nay , ý kiến của Viện Hàn lâm Y học "nên đeo khẩu trang" có thể làm cho một nhu cầu y tế trở thành "chiến tranh".

Chưa hết cách ly đã mấp mé chiến tranh khẩu trang

Les Echos không ngần ngại đề tựa : "Chiến tranh khẩu trang". Theo nhật báo kinh tế, cho dù Washington cải chính những lời cáo buộc, nhưng theo nhiều nhân chứng, chính Mỹ đã làm giá khẩu trang sản xuất tại Trung Quốc tăng vọt. Pháp đặt hàng 2 tỷ khẩu trang với giá 8 yuan. Một tháng sau, giá lên đến 18 hay 19 yuan, cao hơn gấp đôi. Tiền chuyên chở cũng lên... mà hàng thì chưa thấy về.

Cùng đề tài, Le Monde lý giải : Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang và sự bất bình của dân chúng, chính phủ các nước đều cần khẩu trang để hạn chế trường hợp lây nhiễm do vô tình đứng gần người mang siêu vi. Đó là lý do mà ngay giữa các nước Tây phương cũng tranh giành nhau. Stockholm tố Pháp chận một lô khẩu trang của Thụy Điển. Pháp tố Mỹ chơi đểu giật một lô hàng của Pháp ngay sân bay Thượng Hải với sự đồng lõa của đối tác Trung Quốc tham tiền.

Về phần Bắc Kinh, để tô điểm lại bộ mặt bị chê trách bóp nghẹt thông tin dịch Vũ Hán và bán khẩu trang "dỏm" cho Hà Lan, chính quyền Trung Quốc đặt điều kiện khắt khe, cấm xuất khẩu trang và thiết bị y tế nếu không có giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng.

Về chuyện dài khẩu trang, Le Figaro không tử tế, nhẹ tay với các chính phủ Tây phương, nhất là Pháp và Mỹ với loạt bài như sau :

Đeo khẩu trang, chính quyền nhiều nước thay đổi 180°. Hoa Kỳ xét lại phương pháp chống dịch và yêu cầu dân chúng đeo khẩu trang ; Pháp : sau khi Viện Hàn lâm Y học đưa ý kiến, chính phủ xem lại chiến lược.

Thật ra, một mình khẩu trang không đủ ngăn chặn siêu vi lây lan mà phải tuân thủ thêm bốn nguyên tắc nữa là phải hạn chế đi lại, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên và không bắt tay, hôn má... một bác sĩ khuyến cáo trên nhật báo thiên hữu.

Công luận đã biết lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và đạo luật cấm dân chúng bịt mặt biểu tình bị khẩu trang trả thù như thế nào. Cũng với ý này để trêu chọc chính phủ Pháp, bài xã luận "Hài kịch" của Le Figaro nhập đề : Mặt nạ trả thù : đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Macron xoay chiều "lăng ba vi bộ". Họ đã mời chúng ta đi bầu trong khi chỉ thị dân phải ở nhà tránh dịch. Sau đó là vụ Chloroquine, khuyến cáo rồi lại cho thử lâm sàng. Bây giờ đến chiếc khẩu trang. Tác giả kết luận hóm hỉnh : Hy vọng sự thật không bị "cách ly".

Châu Á sợ siêu vi tấn công đợt hai

Singapore cho "nổ cầu chì". Sau khi thành công ngăn chặn dịch Corona lây lan bằng các biện pháp trói buộc theo dõi sát sao, qua điện thoại có định vị, đường đi nước bước của những người dân hoặc du khách nhiễm siêu vi. Kết quả khích lệ hạn chế số tử vong ở mức 5 người. Cho đến nay, người dân Singapore cũng như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đi làm việc, mua sắm. Rạp chiếu phim đóng cửa nhưng hàng quán vẫn tập nập.

Nhưng từ tháng Ba đến nay, với 50 ca lây nhiễm mỗi ngày, Singapore không thể theo dõi tình hình dịch tất cả qua ứng dụng "định vị" của điện thoại được nữa. Cuối tuần qua, thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố cho "nổ cầu chì" tức là sẽ ban hành biện pháp "phong tỏa" mọi sinh hoạt. Viễn ảnh kinh tế Singapore tê liệt, thuơng mại đình đốn làm cả Châu Á lo âu.

Corona đi rồi lại trở về. Theo Le Monde, cụ thể, Đài Loan cho biết đại đa số các ca được phát hiện tức là 86% trong số 339 trường hợp dính siêu vi là do người từ nước ngoài hồi hương, nhập cảnh mang vào. Ngay trong số ít oi 48 ca nội địa thì phân nửa là do tiếp xúc với người hồi hương.

Để có thể sinh hoạt bình thường, hàng quán mở cửa, không hạn chế tự do đi lại, ai ở đâu ở đó, như ở Pháp, Đài Loan đang áp dụng biện pháp rất nghiêm khắc đối với công dân về nước. Bước xuống máy bay là gặp nhân viên cho chỉ thị : Phải có xe riêng đưa về nhà, không đi phương tiện công cộng. Tự cách ly 14 ngày. Trong thời gian đó, nếu ra khỏi nhà dưới 100 mét, bị phạt tương đương với 3.000 đô la Mỹ, xa hơn 100 mét, tiền phạt có thể lên đến 30.000 đô la.

Trung Quốc cũng lo âu không ít. Trong số các ca "ngoại nhập lây nhiễm" được công bố, 9% là sinh viên Hoa lục hồi hương trong bối cảnh các đại học Âu Mỹ đóng cửa. Vì giao thông ngưng đọng, giới sinh viên Hoa lục không có máy bay về nước. Bị gièm pha "đem con bỏ chợ", chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức các chuyến bay giá rẻ nhưng lại bị chỉ trích là mở đường đem siêu vi trở về nhà.

Nga chống Covid-19 : Dịch vụ "tối thiểu" của Putin

Đó là tựa bài "giải mã" của Libération về chính sách chống khủng hoảng Corona thật khó hiểu của điện Kremlin. Bài rất dài nhưng có hai ý chính : Putin không sử dụng tài khoản dự trữ, 150 tỷ đô la, để cứu dân nghèo và xí nghiệp vừa và nhỏ, lãnh vực kinh tế sử dụng đến 30% lao động Nga.

Trong bối cảnh dầu hỏa, nguồn ngoại tệ chính của Nga rơi giá còn có hơn 10 đôla mỗi thùng, nước Nga phải thận trọng trong mọi chính sách dài hạn. Tuy nhiên, điều chắc chắn là trong ngắn hạn, thành phần xí nghiệp hạng trung sẽ tan hoang và dân nghèo lãnh đủ.

Siêu vi từ Vũ Hán tác động mạnh đến thế hệ học sinh lớp 12 tại Pháp

Đối với gần 740.000 học sinh lớp 12, Terminale, thế hệ Tú tài 2020, năm nay không phải thi cử gì cả. Quyết định của Bộ Giáo dục vừa được thông báo : điểm bài kiểm của ba quý trong năm từ trung bình 10/20 trở lên là đủ. Còn thiếu điểm từ 8 đến dưới 10/20, sẽ thi vớt vào tháng 9.

"Bac, bằng Tú Tài không khảo thí, biến cố lịch sử của nước Pháp", tựa đậm của Le Monde. Quyết định miễn thi này không phải ai cũng hài lòng. Rất nhiều học sinh lơ là điểm trong lớp, đặt cược vào kỳ thi chung cuộc để lấy hạng ưu hoặc tối ưu để vào trường danh tiếng.

Les Echos cho biết thêm : Để bác bỏ chỉ trích "bằng cấp hạ giá", Bộ Giáo dục kéo dài chương trình học thêm một tháng cho đến 04/07. Biện pháp lịch sử này còn là thông điệp minh bạch gửi phụ huynh học sinh là cho dù tình hình dịch diễn biến như thế nào từ nay đến mùa hè, tương lai trước mắt các em là như thế.

Trang môi trường, nhật báo kinh tế nhấn mạnh đến một cái may trong cái rủi : Khí thải CO2 giảm 58% mỗi ngày tại Châu Âu làm không khí trong lành hơn từ khi sinh hoạt con người bị đình trệ vì Corona.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 05/04/2020

Published in Video

Covid-19 : Thế giới gặp đại họa, nhưng vẫn còn một vài lãnh đạo ngoan cố

Covid-19 vẫn là đề tài thời sự nổi bật hôm nay 03/04/2020 trên báo chí Pháp : Kịch bản nào sau biện pháp hạn chế đi lại ? Chính phủ Pháp tìm ngõ ra, Ý chuẩn bị bình thường hóa sinh hoạt, nhưng khó khăn là làm sao phối hợp 27 thành viên Liên Âu ; Giải pháp Hàn Quốc, Đài Loan gây tranh luận. Trong toàn cảnh đó Le Monde đã có bài viết lý thú về một "bộ tứ" phản khoa học.

cov0

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đeo khẩu, mặc dù ông coi đại dịch Covid-19 là một "tiểu cúm". Ảnh minh họa. AFP

Trọng điểm các báo Pháp hôm nay là sinh hoạt hàng ngày của nhân viên cấp cứu trong các bệnh viện công: Trong bầu không khí căng thẳng âu lo và làm việc không ngừng nghỉ, những người mặc áo blouse trắng lãnh trọn làn sóng siêu vi từ bệnh nhân.

Những người phản khoa học

Vừa âu lo vừa mệt mỏi, đó là tâm trạng chung của các bác sĩ, y tá, y công, trong bệnh viện cũng như ở các phòng mạch tư trong cơn đại dịch thế kỷ. Trong lúc y giới ngày đêm nỗ lực cứu người trong bầu không khí tang tóc khắp thế giới thì cũng đó đây trên địa cầu vẫn có những người "không tin".

Le Monde chỉ ra ít nhất là "bốn nhóm": Phe bảo thủ chống khoa học ở Mỹ, một số mục sư Tin Lành Phúc Âm, tổng thống Brazil Jair Bolsonario và tổng thống Belarus Alexander Loukachenko, từng bị cựu ngoại trưởng Mỹ Codolizza Rice gọi là "nhà độc tài cuối cùng tại Châu Âu".

Tổng thống Brazil nay, gọi dịch Covid-19 là "tiểu cúm" đã bị các thống đốc đồng minh bỏ rơi, với hàng loạt địa phương ban hành biện pháp hạn chế đi lại, người dân tự cách ly bất chấp chính sách trung ương. Đêm về, dân chúng mang chén bát, xoong chảo ra khua vang phản đối tổng thống.

Còn ở Châu Âu, tổng thống Belarus xem siêu vi corona là hiện tượng, là "sản phẩm của kẻ tâm thần". Một trong những hành động bất chấp lý trí của ông là đứng trước cửa một sân trượt băng và hỏi các nhà báo : "Các ông có thấy con siêu vi corona nào không, chỉ xem ?".

Thế giới đang chờ xem ngày diễu binh kỷ niệm Thế Chiến II vẫn được duy trì tại Minks vào ngày 9 tháng 5 sắp đến. Không rõ tình hình dịch bệnh ở Belarus đến đâu nhưng Nga đã đóng cửa biên giới.

Trở lại Tây Âu, Le Monde giới thiệu những nỗ lực của quân đội Tây Ban Nha. Trên đất nước bị tang tóc đau thương này, với 10.000 người chết theo tổng kết ngày thứ Năm, quân đội phải lên tuyến đầu với các công tác nặng nề nhất, từ vận chuyển xác bệnh nhân, dựng bệnh viện dã chiến cho đến tẩy trùng các tòa công sở.

Từ Vũ Hán, virus đi toàn cầu

Vấn đề là đại dịch, như định nghĩa, đã lan rộng và còn lan rộng thêm. Trong bài phân tích "khó áp dụng cách ly ở các nước nghèo", Le Monde đưa độc giả đi một vòng từ Ấn Độ sang Châu Phi. Làm sao giúp các nước này ? Vấn nạn nằm ở điều mà người ta gọi là thế giới đa cực. Làm sao giúp các nước này ? Liên Hiệp Quốc quản lý nhưng tiền lại do các thành viên đóng góp.

Nước Mỹ của Donald Trump co cụm, cắt giảm ngân sách nhân đạo, Trung Quốc của Tập Cận Bình chiếm khoảng trống Mỹ để lại để gây ảnh hưởng quốc tế, trong khi Châu Âu chật vật duy trì vị thế của mình. Trong khi đó, virus không chờ ai cả, nó đang toàn cầu hóa.

Định vị người mang siêu vi để chận dịch, đừng hiểu lầm Đài Loan và Hàn Quốc

Pháp có nên áp dụng phuơng pháp phản tự do này không ? Đây là vấn đề đang được tranh luận trong bối cảnh sau hơn hai tuần hạn chế tự do đi lại mà số người bị lây nhiễm không giảm. Đây là chủ đề chính trên nhật báo Le Figaro.

Vào lúc chính phủ Pháp bị chỉ trích phản ứng kém, tựa của hầu hết các báo hôm nay, Le Figaro đặt vấn đề then chốt : có nên dùng biện pháp theo dõi đường đi nước bước của một người được xét nghiệm có nhiệm siêu vi Corona chủng mới hay không ?

Biện pháp này được tiến hành ngay từ đầu tại Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore song song với xét nghiệm đại trà và đã cho phép ngăn chặn dịch lây lan.

Nhưng theo dõi một công dân, xem họ tiếp xúc với ai, đi đâu, làm gì, đặt ra vấn đề đạo lý và luật pháp. Thủ tướng Pháp nói đến khả năng sử dụng biện pháp theo dõi nhưng phải được đương sự tự nguyện.

Giáo sư bác sĩ Antoine Falahault nhắc khéo đừng tưởng lầm là các chính quyền thực hiện những biện pháp trói buộc "hợp với văn hóa Châu Á". Trên thực tế, họ áp dụng "biện pháp ít xấu nhất" hầu "tránh gây đớn đau nhất cho kinh tế và con người qua biện pháp phong tỏa triệt để toàn quốc". Đã đến lúc nước Pháp phải lựa chọn. Thật ra, không phải các biện pháp chống dịch của Đài Loan hay Hàn Quốc làm dân Pháp do dự.

Đã đến lúc Pháp phải lựa chọn

Tính xa hơn nữa, không muốn các quyền tự do bị hạn chế một cách tùy tiện như chuyện giới hạn tốc độ trên các quốc lộ, triết gia Gaspard Koenig, sáng lập viên Thế hệ Tự do, lên án xu hướng mà ông gọi là "hiện tượng hâm mộ chế độ độc đoán và độc quyền thông tin của Trung Quốc". Nếu phải hy sinh một số quyền tự do để chống dịch thì các quyền này phải được tái lập "toàn vẹn" một khi khủng hoảng chấm dứt.

Bài xã luận "không nên ngăn cấm" của Le Figaro khuyến khích chính phủ can đảm : "Lãnh đạo là phải biết tiên liệu". Bất cứ giải pháp nào được chọn, kể cả theo dõi bệnh nhân qua điện thoại di động có định vị, cũng cần phải được tính toán, dự phòng ngay bây giờ.

Trong bầu không khí tang tóc của dịch Covid-19, Libération mô tả "Paris và vùng phụ cận là quần đảo đau thương". Cho dù huy động các bác sĩ khắp nước về tiếp tay, các bệnh viện ở thủ đô vẫn thiếu giường đón tiếp các ca khẩn cấp. Thuốc men cũng bắt đầu khan hiếm. La Croix báo động "Châu Âu lâm nạn lớn". Trong cái rủi có cái may vì "đây là cơ hội để phương Tây và cả thế giới rút kinh nghiệm, chấn chỉnh hệ thống y tế cộng đồng.

Trước hết, một người Đức đã ý thức được rằng không một nước nào, đơn độc, có thể tự cứu được mình trong lúc đại dịch. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von der Layen đã lên tiếng xin lỗi dân Ý là không huy động các thành viên còn lại trợ giúp nước Ý trong lúc nguy nan. Bài học thứ hai là đem các cơ sở sản xuất dụng cụ y tế và thuốc men về Châu Âu, không trao sinh mạng cho các hãng gia công Trung Quốc hay Ấn Độ.

Chung Nam Sơn : Con rối của Tập Cận Bình

Hôm nay, Le Figaro cũng dành một bài về nhà bác sĩ Chung Nam Sơn, người hùng Trung Quốc năm 2003, phát hiện siêu vi viêm phổi cấp tính SARS và công bố bất chấp lệnh cấm của Bắc Kinh.

Từ vài tháng gần đây, lập trường của Chung Nam Sơn "mềm nhũn" như bún, làm con rối cho chế độ Tập Cận Bình. Theo nhà phân tích độc lập Chen Dao Yin, ông Chung Nam Sơn không phải là một nhà khoa học đúng nghĩa. Ông dùng uy tín trong vụ SARS để định hướng công luận nghi ngờ Hoa Kỳ là nơi phát xuất siêu vi corona chủng mới chứ không phải là từ Vũ Hán.

Nói chính xác, định mệnh của Chung Nam Sơn là số phận chung của các nhà khoa học trong thời Tập Cận Bình : "Một chuyên gia Trung Quốc tôn trọng bổn phận phải biết im lặng" theo lệnh chính quyền.

Đại dịch Covid-19 tác động đến địa chính trị như thế nào ?

Theo Les Echos, Nga và Saudi Arabia không ngờ siêu vi đã phá hỏng kế hoạch thống lĩnh thị trường quốc tế của hai nước. Cả hai cùng muốn tấn công vào các tập đoàn dầu hỏa Mỹ nhưng đại dịch làm kinh tế toàn cầu ngưng trệ, giá dầu giảm làm cho họ trở thành nạn nhân đầu tiên và gây khốn khổ cho một loạt quốc gia dầu khí khác ít thu nhập hơn trong đó có Venezuela và Iran, đồng minh của Nga.

Do vậy, theo Les Echos, sự kiện Donald Trump gây sức ép với Riyadh và Moskva giảm sản xuất dầu sẽ có kết quả. Nga và Saudi Arabia sẽ cứu được thu nhập, Donald Trump cứu hai đại tập đoàn ở Texas để có thể thu thêm phiếu.

Trong góc nhìn an ninh, Libération dự báo phe thánh chiến ở Trung Đông sẽ hồi sinh vì các lực lượng quốc tế rút quân trên chiến trường Iraq và Syria về cứu dịch để lại khoảng trống.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Covid-19 : Chiến dịch quân y của Nga tại Ý và các ý đồ chính trị

Chiến lược đối phó của Pháp và Châu Âu chống dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chiếm lĩnh trang nhất các báo ra ngày 30/03/2020.

nga1

Quân nhân Nga chuyển thiết bị y tế lên máy bay để chở viện trợ đến Ý, giúp chóng dịch Covid-19. Ảnh chụp tại một phi trường quân sự vùng Moskva (Nga) ngày 22/03/2020. © via Reuters - Russian Defence Ministry

Le Monde, Le Figaro và Libération cùng chú ý đến các thách thức đang chờ đợi chính phủ Pháp, Les Echos thì quan tâm đến đối sách kinh tế của Châu Âu, trong lúc La Croix mang đến một tia hy vọng với lời chứng của một số người đã lành bệnh. Trong toàn cảnh đó, Le Figaro đặc biệt lo lắng trước "Nghị trình được che giấu của Nga tại Ý", tựa của bài báo trên trang quốc tế.

Le Figaro ghi nhận là cùng với Trung Quốc, Nga là nước đầu tiên đã đáp ứng lời cầu cứu của Ý, đang bị đại dịch Covid-19 tàn hại. Bộ Quốc phòng Nga đã quảng cáo và tuyên truyền rầm rộ cho việc dùng máy bay vận tải quân sự chở sang Ý tám đoàn y tế và một trăm quân nhân bổ sung để tham gia chống dịch. Các nhà vi trùng học, các chuyên gia về chiến tranh sinh học, các loại thiết bị và phòng thí nghiệm khử trùng của Nga sẽ "giúp Ý giành chiến thắng" trong cuộc chiến chống Covid-19.

Theo Le Figaro, nếu thủ tướng Ý Giuseppe Conte hết sức hoan nghênh động thái của Nga, thì một phần dư luận Ý không che giấu lo ngại. Trích dẫn các nguồn tin chính trị, nhật báo Ý La Stampa cho rằng "80% viện trợ của Nga là vô ích". Đối với tờ báo, lý do giúp Ý chống dịch "rõ ràng chỉ là một cái cớ ... Sự hào phóng có một các giá cao: Lính Nga đã được di chuyển tự do trên lãnh thổ Ý, chỉ cách các căn cứ của NATO vài bước".

"Một mũi tên tẩm độc vào thân xác già nua của Liên Âu"

Đối với Le Figaro, khi tung một lực lượng quân y hùng hậu sang Ý để giúp nước này chống dịch Covid-19, Moskva đã "bắn một mũi tên tẩm thuốc độc vào thân xác già nua của Liên Hiệp Châu Âu".

Theo tờ báo Pháp, việc Nga gởi quân trợ giúp Ý chống covid-19 có nhiều lợi ích đối với điện Kremlin. Một mặt nâng cao hình ảnh của chính sách ngoại giao Nga, thường khi chỉ dựa vào sức mạnh, đồng thời đánh vào chính sách trừng phạt Nga của Châu Âu. Từ năm 2014, Ý là nước luôn chủ trương bãi bỏ cấm vận đối với Nga. Mắt xích yếu của Châu Âu giờ đây lại mang một mối nợ đối với Nga.

Theo Le Figaro, khi đặt dấu giầy đinh của quân đội lên đất Ý, Nga có thể tìm cách đặt đầu cầu sang Libya, nơi mà họ đang hỗ trợ cho thống chế ly khai Haftar và muốn áp đặt một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại đây.

Moskva cũng ghi được một điểm trong cuộc đọ sức với NATO. Trên đài truyền hình nhà nước Rossiya 1, nhà báo Olga Skabeyeva, đã không lầm khi hoan nghênh công cuộc trợ giúp của Nga: "Các đội quân gởi đi để chống Covid-19 đã đến trung tâm của Châu Âu, di chuyển dọc theo binh lính của NATO".

Nga muốn chứng tỏ rằng EU và NATO là khái niệm trừu tượng

Theo một nhà ngoại giao Pháp được Le Figaro trích dẫn : "Mục tiêu của Nga vẫn là chứng minh rằng Liên Hiệp Châu Âu và NATO là những khái niệm trừu tượng viễn vông chứ không phải là những thực tế". Tại Moskva, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova không bỏ lỡ dịp nào để nhấn manh trên sự bất lực của Liên Hiệp Châu Âu trong việc chống dịch Covid-19.

Tuyên truyền của Nga càng dễ dàng được Ý chấp nhận vào lúc nước này cảm nhận mình bị các đồng minh Châu Âu bỏ rơi. Điều đó đã xẩy ra trong vấn đề di dân nhập cư. Và việc một số quốc gia, Đức, Áo, Hà Lan, từ chối một giải pháp liên đới chung để giúp các quốc gia gặp khó khăn nhất, càng làm tăng thêm sự hoài nghi đối với Châu Âu.

Trung Quốc và chiến dịch tỏ lòng "hào phóng"

Ngoài Nga, ý đồ của Trung Quốc trong việc giúp Ý nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung chống dịch Covid-19 cũng được Le Figaro vạch trần trong bài "Bắc Kinh lao vào một cuộc phản công "hào phóng".

Theo ghi nhận của Le Figaro, trong những ngày qua, từ Milano ở Ý cho đến Tehran ở Iran, hay ở Châu Phi, nơi nào cũng thấy các đạo quân áo trắng của Trung Quốc bay tới để giúp đỡ cư dân tại chỗ đang bị Covid-19 đe dọa.

Chỉ vài tuần sau khi dịch bệnh bùng nổ ở Vũ Hán, ở trung tâm của đất nước Trung Quốc, nền kinh tế thế giới thứ hai đã bật dậy trở lại trên mặt trận y tế, trở thành nhà cung cấp viện trợ cho hơn 80 quốc gia, kèm theo một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ.

Ngoài 300 nhân viên y tế ở Ý, một phòng thí nghiệm để phát hiện virus corona ở Iraq, một triệu khẩu trang cho Pháp hoặc các bộ xét nghiệm cho Philippines, Bắc Kinh còn tài trợ 20 triệu đô la viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như cấp thêm ngân sách cho Liên Hiệp Châu Phi.

Theo Le Figaro, chế độ cộng sản Trung Quốc đã nhìn thấy trong đại dịch Covid-19 một cơ hội để lấn lướt trên bình diện địa chính trị, phô trương hình ảnh của mình trong tư thế một cường quốc có trách nhiệm. đối nghịch với một Hoa Kỳ của chính quyền Donald Trump, vốn chủ trương "Nước Mỹ trên hết".

Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc, theo Le Figaro, là quảng bá cho một mô hình độc đoán nhưng hiệu quả, đối kháng với mô hình dân chủ phương Tây, điều từng được tái khẳng định tại Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc vào mùa thu vừa qua tại Bắc Kinh.

Châu Âu kín đáo giúp Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả một cách ồn ào

Vị trí quan trọng của Trung Quốc hiện nay trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là tại Pháp, đã được Le Monde nêu trong hàng tựa lớn trang nhất: "600 triệu khẩu trang mua từ Trung Quốc". Tờ báo ghi nhận là để bổ sung kho dự trữ gần như là đã cạn kiệt của mình, chính quyền Pháp đã thiết lập gần như là một cầu không vận nối liền nước Pháp với Trung Quốc.

Vấn đề được Le Monde nêu bật tuy nhiên là việc Trung Quốc không ngần ngại lợi dụng lúc nước Pháp và Châu Âu gặp khó khăn để tuyên truyền.

Tờ báo Pháp tiết lộ : Khi Trung Quốc gặp khủng hoảng nặng nề vì virus corona, Bruxelles và Pháp đã chi viện cho Bắc Kinh 56 tấn vật tư thiết bị y tế, từ trang bị bảo hộ y tế, khẩu trang, thuốc sát trùng. Châu Âu đã giúp đỡ một cách lịch sự kín đáo để Trung Quốc không bị mất mặt.

Ngày nay, khi giúp đỡ lại Châu Âu, thì thái độ của Trung Quốc hoàn toàn khác hẳn, rầm rộ tuyên truyền về công lao của họ. Một nguồn tin từ phủ tổng thống Pháp cay đắng nhận xét : "Bắc Kinh muốn phô trương uy lực của họ, tự nhận là đã vượt qua khủng hoảng và đánh bại được con virus đến mức có thể ra tay giúp đỡ toàn thế giới, với đối tượng trước mắt là Châu Âu. Chúng ta phải chịu vì đang cần đến những chiếc khẩu trang này".

Theo nguồn tin trên, sau khi tai qua nạn khỏi, cần phải xử lý một vấn đề chung hơn là thoát khỏi tình trạng phụ thuộc kinh tế, như trong vấn đề dược phẩm chẳng hạn, làm thế nào để có thể tự mình sản xuất và phân phối.

Khẩu trang nhập từ Trung Quốc : nguy cơ Pháp bị lệ thuộc

Vấn đề Pháp phải nhập khẩu trang của Trung Quốc cũng được báo Le Figaro chú ý với một nhận định bi quan : Pháp sẽ bi lệ thuộc vào hàng của Trung Quốc trong thời gian tới.

Le Figaro thẩm định : Do mức sản xuất 8 triệu khẩu trang mỗi tuần hiện nay không đủ đủ đáp ứng nhu cầu, nhà nước Pháp đã phải đặt mua hơn 1 tỷ khẩu trang ở nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

Trên giấy tờ, "thương vụ" sẽ đáp ứng phần lớn vấn đề thiếu hụt khẩu trang mà Pháp phải chịu ngay từ đầu dịch. Tình hình khẩn trương vì mức tiêu thụ vượt quá khả năng sản xuất nội địa. Nhân viên y tế sử dụng 40 triệu khẩu trang mỗi tuần trong lúc mà các nhà sản xuất Pháp chỉ cung cấp được có 8 triệu.

Với việc từ gần hai tháng nay, các nhà máy sản xuất khẩu trang của Trung Quốc đã dần dần mở cửa lại, sản xuất tăng vọt trở lại, việc đặt mua hàng Trung Quốc là điều tất yếu.

Rủi ro hàng giả, hàng dỏm, hàng bị trưng dụng

Vấn đề tuy nhiên không phải là không có rủi ro. Một số nguyên liệu như dây thun vẫn rất khó tìm và việc cung cấp đã bị chậm lại. Đó là chưa kể đến vấn đề hàng giả, hàng làm ẩu đã ghi nhận trong mấy tuần qua, trong lúc mà thị trường căng thẳng thu hút những nhà thầu hoặc nhà nhập khẩu tham lam vô lương tâm.

Thương mại với Trung Quốc, theo Le Figaro, cũng không phải là một dòng sông êm ả. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran đã công nhận là khi nào mà máy bay chưa đáp xuống sân bay Pháp thì chưa nên reo mừng. Hơn nữa nhu cầu nội địa của Trung Quốc cũng còn rất to lớn : Cần đến 500 triệu khẩu trang mỗi ngày để trang bị cho cán bộ nhân viên khi các nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại.

Đó là chưa kể đến tình trạng tranh mua. Bộ trưởng Y tế Pháp đã nêu bật "một cuộc chạy đua toàn cầu về khẩu trang" vì "không nước nào đáp ứng được nhu cầu của mình".

Trong bối cảnh này một số người trong ngành đang tự hỏi là liệu đơn đặt hàng 1 tỷ khẩu trang của Pháp có được giao đầy đủ và kịp thời hay không.

"Chiến lược của chính phủ Pháp trải qua thử thách"

Như nói ở trên, Le Figaro đã dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính để phân tích các thách thức đặt ra cho chiến lược chống dịch của chính phủ Pháp.

Theo tờ báo, các thách thức này bao trùm mọi lãnh vực : từ việc gia tăng gấp bội số lượng giường bệnh trong các phòng hồi sức, mở rộng việc xét nghiệm virus corona, cho đến việc cung cấp đầy đủ khẩu trang nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế, nhanh chóng tìm ra thuốc trị liệu, và chăm sóc người già trong các viện dưỡng lão.

Le Figaro ghi nhận là đối mặt với hàng loạt chỉ trích, thủ tướng Pháp đã đích thân lên tiếng làm rõ hành động của chính phủ và nêu chi tiết các quyết định sắp tới, đồng thời nhấn mạnh rằng 15 ngày đầu tiên của tháng Tư sẽ rất "gian nan".

"Virus corona : Trắc nghiệm khả năng chịu sốc"

Về đối sách chống Covid-19, đồng nghiệp của Le Figaro Libération cũng cho rằng "Con virus corona là bài trắc nghiệm khả năng chịu sốc" của nước Pháp.

Theo tờ báo thiên tả Pháp, bị chỉ trích về các thiếu sót trong vấn đề xét nghiệm tìm virus, chính phủ Pháp đang cố gắng bù đắp khoảng thời gian chậm trễ. Điều an ủi, theo Libération, là ở Hoa Kỳ, Tây Ban Nha hoặc Vương quốc Anh, những tranh cãi tương tự cũng đã xuất hiện.

Đối lập với tình trạng lúng túng ở các nước nói trên, Libération nhấn mạnh rằng ở Hàn Quốc và ở Đức, vấn đề thiếu xét nghiệm không hề được đặt ra và hai nước này đã có được một chính sách y tế hiệu quả.

Câu chuyện về nhưng ca Covid-19 được chữa lành

Trong bối cảnh đầy âu lo do dịch Covid-19 gây ra, báo công giáo La Croix cố mang lại một vài tia hy vọng, kể lại "Những câu chuyện về người bệnh được chữa lành", tựa lớn trên trang nhất.

La Croix đã tìm gặp bốn cựu bệnh nhân Covid-19 tại Pháp, cư ngụ ở những thành phố, thị xã khác nhau, để họ giải thích rõ hơn là họ đã được chữa khỏi như thế nào.

Những bệnh nhân ở Beauvais (tỉnh Oise, phía Bắc Paris), Montpellier (miền Nam), Chambéry (miền Đông Nam) hay Bastia (đảo Corse) được La Croix phỏng vấn là những người đầu tiên bị nhiễm bệnh Covid-19 tại Pháp và phải nhập viện. Hiện nay, họ đang trên đà lành bệnh và đã được cho về nhà dưỡng bệnh.

Châu Âu và trận chiến về ngân sách

Sau cùng, đúng theo địa hạt chuyên môn của mình, nhật báo Les Echos tiếp tục khai thác khía cạnh kinh tế mà dịch Covid-19 đặt ra. Tựa lớn trang nhất tờ báo nêu bật: "Châu Âu : trận chiến ngân sách".

Nhận định chung của tờ báo là tất cả các quốc gia đều đang có phản ứng ồ ạt và nhanh chóng nhằm khắc phụ tác hại kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các biện pháp đưa ra đều nhắm vào những mục tiêu cụ thể, có điều là còn thiếu phối hợp, đồng thời lại tùy thuộc rất nhiều vào phương tiện của riêng từng nước.

Một ví dụ rõ nét về tình trạng này là sự chia rẽ giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu về việc phát hành trái phiếu Châu Âu "coronabonds".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 29/03/2020

Published in Video

Dịch Covid-19 : Mỹ rút lui khỏi vị trí lãnh đạo thế giới, toàn cầu chao đảo

Nước Pháp phong tỏa, với mục tiêu hãm đại dịch, đã gần 2 tuần ; đỉnh dịch vẫn ở phía trước. Trang nhất các nhật báo ra thứ Sáu tuần cuối tháng 3/2020 này nhất loạt nói về những hậu quả trực tiếp của dịch : bệnh viện báo động vì quá tải (Le Monde), thảm kịch với người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão (Le Figaro), tang lễ trong thời kỳ phong tỏa (La Croix)… LibérationLes Echos chú ý trước hết đến hệ quả nghiêm trọng với kinh tế. 

my1

Khu Times Square, trung tâm New York City, hoang vắng vì Covid-19. Ảnh chụp ngày 20/03/2020. © Reuters- MIKE SEGAR@

Trước hết xin giới thiệu một bài nhận định đáng chú ý trên Le Monde, cho thấy bệnh Covid-19 làm toàn cầu chao đảo trong bối cảnh nước Mỹ rút lui khỏi vị trí lãnh đạo thế giới, Trung Quốc lấn tới. Nhà báo Alain Frachon, trong bài bình luận mang tựa đề "Vấn đề địa chính trị của dịch Covid-19", nhận xét : "cuộc chiến chống Covid-19 phản ánh bản đồ địa chính trị của thế giới hiện tại, với việc Trung Quốc đang không ngừng trở nên mạnh hơn, Hoa Kỳ tiếp tục co cụm lại. Giữa hai đại cường hàng đầu thế giới, vốn đã trong tình trạng chiến tranh kinh tế, sự xuất hiện của virus corona là một chủ đề xung đột bổ sung…". 

Có thể thấy, sở dĩ đại dịch lan rộng khắp thế giới trước hết bởi vì cả hai đại cường "đều đã bỏ lỡ thời gian". Về phía Bắc Kinh, đó là việc làm ngơ trong thời gian đầu dịch, khi những ca đầu tiên xuất hiện, về phía Hoa Kỳ, là do lãnh đạo Mỹ không hiểu điều gì đang xảy ra. Trung Quốc là nạn nhân trước hết của một hệ thống chính trị độc đoán, đã bịt miệng những người đưa ra những thông tin thực sự về dịch bệnh, mà chính quyền coi là bất lợi. Và một khi dịch bệnh tại Hoa lục tạm lui, Bắc Kinh vừa "cố sức tuyên truyền để tất cả quên đi trách nhiệm hàng đầu của chế độ cộng sản Trung Quốc trong thảm kịch đang diễn ra trên quy mô toàn cầu", vừa tỏ ra hăng hái "có mặt khắp nơi trên mặt trận chống dịch, phân phối các bài học và thuốc men, lấp đầy vào khoảng trống mà nước Mỹ để lại, một nước Mỹ mà chính tổng thống Trump đã hạ thấp tầm cỡ". Nhà báo Le Monde nhấn mạnh : "Đây là lần đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu, mà Hoa Kỳ dường như không còn đóng vai trò lãnh đạo nào". 

Trong giai đoạn tiếp theo, lợi dụng sự rút lui của Hoa Kỳ, trong cuộc chiến chống Covid-19, Bắc Kinh - có người trong tất cả các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc - liên tục khẳng định là một "quốc gia thiết yếu với thế giới", như lời lẽ mà cựu ngoại trưởng Madeleine Albright đã từng dùng để nói về Hoa Kỳ trước đây. Điều nghịch lý là, đúng vào lúc mà phần trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để xảy ra đại dịch toàn cầu là "không hề nhỏ", Trung Quốc đã vươn bật lên tỏ ra như một đại cường có trách nhiệm.

Trump chỉ thừa nhận đại dịch, khi Covid-19 ập vào nước Mỹ

Vai trò nổi bật, vị thế lấn át của Trung Quốc trên trường quốc tế tương phản hoàn toàn với sự vắng mặt của nước Mỹ, khác hẳn với thời kỳ dịch bệnh Ebola, với vai trò tích cực của chính quyền Obama. Nhìn vào cách hành xử của tổng thống Mỹ có thể thấy rõ những hệ quả khủng khiếp, khi "một chính trị gia dân tuý lên nắm quyền". Tổng thống Donald Trump, "người hùng của các thành phần dân tuý Châu Âu", trong một thời gian dài, đã không muốn tin vào sức tàn phá kinh hoàng của loài virus này. Fox News, kênh truyền thông chuyên chuyển tải các thông điệp của tổng thống Trump, khẳng định : nguy cơ Covid-19 chỉ là "câu chuyện bịa đặt của các chính trị gia đảng Dân chủ". 

Khi dịch bệnh ập vào nước Mỹ, khi chứng khoán Hoa Kỳ - chỉ số tối cao đo lường hiệu quả chính sách kinh tế của tổng thống - Trump sụp đổ, ông Trump "quay lại với thủ đoạn dùng dê tế thần quen thuộc", khi lớn tiếng gọi virus gây bệnh Covid-19 là "virus Trung Quốc", "một diễn đạt đầy kỳ thị chủng tộc". Trong lúc tổng thống đánh võ mồm với chính quyền Bắc Kinh, và tiếp tục đưa ra những lời tiên tri về thời hạn dịch bệnh chấm dứt, thì tại Hoa Kỳ, chính những người lãnh đạo địa phương, các thị trưởng, thống đốc tiểu bang đã lao vào cuộc chiến chống dịch. 

Nhà báo Le Monde khép lại bài bình luận với nhận xét, cho đến nay, bất chấp bệnh dịch lan tràn và trầm trọng hơn, Hoa Kỳ vẫn không hề có một nỗ lực nhỏ nào để đóng góp vào việc cuộc chiến phối hợp chống dịch trong các định chế quốc tế đa phương, mà Washington đã từ từ rút ra trước đó. Washington cũng không đóng gì vào việc huy động khối G7 để tổ chức một cuộc chấn hưng kinh tế toàn cầu. Phê phán nước Mỹ, nhà báo Le Monde cũng chỉ ra sự phụ thuộc của Châu Âu vào Trung Quốc, phụ thuộc nặng nề về nhiều mặt hàng y tế thiết yếu, bị đặt trong thế bị động, muốn há miệng, nhưng bị mắc quai. 

Dịch bệnh toàn cầu, cần phối hợp toàn cầu để đáp trả

Sự vắng mặt của nước Mỹ, của các định chế quốc tế khiến Covid-19 trở thành đại dịch kinh hoàng, vượt quá tầm mức nguy hiểm xét về mặt sinh học của bản thân con virus. Nhận thức ngày càng được nhiều người chia sẻ. Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos trong bài phân tích của nhà báo Eric Boucher, mang tựa đề "Đừng nghe lời những kẻ dân tộc chủ nghĩa, toàn cầu hóa là một câu trả lời đúng", kêu gọi công chúng đừng mù quáng lên án "toàn cầu hóa", cụm từ mà trong những ngày gần đây "bị gán cho mọi điều xấu xa trên đời". Theo nhà báo Eric Boucher, "chỉ có toàn cầu hóa mới có thể mang lại một phản ứng có phối hợp ở quy mô quốc tế" trước loại khủng hoảng kiểu này. 

Vấn đề là toàn cầu hóa thế nào, phối hợp ra sao ? Theo Eric Boucher, trước hết là vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần được tăng cường để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. WHO đã có nhiều bước tiến sau kinh nghiệm của 6 cuộc khủng hoảng y tế lớn (SARS, MERS, EBOLA…). WHO đã trở nên có khả năng phản ứng nhanh hơn. Vấn đề hiện nay là định chế này không có đủ "quyền lực và phương tiện" để đưa ra các lộ trình phản ứng trước các khủng hoảng y tế. Cụ thể là WHO đã không có khả năng buộc Bắc Kinh phải thừa nhận và ngăn chặn dịch sớm hơn. Theo một nghiên cứu công bố trên medRxiv, nếu Trung Quốc có biện pháp ngăn dịch trước 3 tuần, sẽ giảm đến 95% nguy cơ dịch lan rộng, giảm 85%, nếu làm sớm 2 tuần, giảm 66%, nếu sớm một tuần. 

Les Echos nhấn mạnh là cần coi "y tế là tài sản chung của nhân loại', và nhân loại phải hợp sức đối phó với các khủng hoảng tương tự trong tương lai, với các dịch bệnh có thể còn nguy hiểm hơn gấp bội. Theo nhà báo Eric Boucher, tại từng quốc gia, ví như tại Pháp, khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền bị lên án đã không huy động đủ dự trữ các phương tiện y tế cần thiết, như khẩu trang, máy trợ thở… Nhiều người đòi hỏi mỗi quốc gia phải dự trữ trên quy mô lớn các trang thiết bị, có thể đến mươi năm mới đem ra sử dụng một lần. 

Nhà báo Eric Boucher lưu ý là đòi hỏi mỗi quốc gia phải tự bảo đảm đủ số các mặt hàng như vậy, để chuẩn bị đưa ra dùng vào một ngày nào đó chưa biết, là điều phi lý. Vấn đề chủ yếu hiện nay là tổ chức việc quản lý chung các trang thiết bị thiết yếu, và khi cần đưa ra sử dụng cho những nơi có nhu cầu nhất. Và "chính nhờ toàn cầu hóa mà nhân loại hiện nay mới có thể hướng đến việc tổ chức các dây chuyền sản xuất, dự trữ và phân phối các thiết bị cấp cứu, đặc biệt cho những nước nghèo". Việc mỗi quốc gia thân ai nấy lo khiến các chi phí trở nên hết sức tốn kém.

Nói tóm lại, dịch Covid-19 kêu gọi sự trở lại của "vai trò Nhà nước ở một quy mô chưa từng có", không phải ở tầm quốc gia, "bởi không quốc gia nào một mình có thể đảm nhiệm được". Khí hậu, y tế, khoa học, một số ngành công nghiệp sống còn, và bản thân nền kinh tế vĩ mô cũng cần được "toàn cầu hóa", như vậy nhân loại mới có thể đủ sức đối mặt với đại dịch các loại không thể tránh khỏi sắp đến.

Mỗi tháng phong tỏa, kinh tế Pháp mất 3% GDP

Ảnh hưởng nặng nề của Covid đến nền kinh tế là chủ đề lớn của Les Echos. Theo Viện Thống kê và Kinh tế Pháp INSEE, nếu thiệt hại của một tháng phong tỏa, để hãm dịch, không được bù lại trong các tháng tiếp theo, thì tổn thất với nền kinh tế sẽ là 3% GDP. Ảnh hưởng nặng nề nhất là trong lĩnh vực xây dựng, với khoảng 90% hoạt động bị đình chỉ. Các ngành công nghiệp nhìn chung chỉ vận hành khoảng một nửa công suất. Tình hình rất khác biệt, theo từng lĩnh vực. Công nghiệp thực phẩm ít bị thiệt hại nhất, ngược lại ngành xe hơi đình trệ. Du lịch, vận tải, khách sạn - nhà hàng hoàn toàn ngưng hoạt động, trong lúc ngành công nghệ viễn thông, và bảo hiểm vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Về thương mại, nhìn chung, mất khoảng 1/3 doanh số. Theo INSEE, tổng số tiêu thụ hàng hóa sụt giảm 35% so với mức trung bình. Tuy nhiên, các dịch vụ không mang tính thương mại, như giáo dục, y tế chỉ giảm tương đối ít (14%) trong tuần lễ phong tỏa đầu tiên. Giáo viên vẫn duy trì các hoạt động giảng dạy trực tuyến. Các chi phí cho các dịch vụ viễn thông, điện, thực phẩm, dược phẩm lại có chiều hướng tăng lên trong thời gian phong tỏa. 

Điều đặc biệt đáng lo ngại là tinh thần của giới chủ. Chỉ số tin tưởng vào kinh doanh giảm 10 điểm, trên tổng số 95, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1980, có nghĩa là năm ra đời của chỉ số này. Theo INSEE, cần chú ý là số liệu nói trên được đưa ra trước tuần lễ phong tỏa. Thông điệp ngầm gửi đến chính phủ, qua kết quả nghiên cứu nói trên, là cần giới hạn thời gian phong tỏa, như nhận định của kinh tế gia trưởng của Ostrum Asset Management, ông Philippe Waechter. 

Giai đoạn "hậu phong tỏa" : Tìm lối thoát khỏi thảm hoạ 

Vấn đề cấp bách với chính phủ hiện nay là "hoạch định một chính sách ra khỏi khủng hoảng y tế, để tránh cho khủng hoảng y tế biến thành khủng hoảng kinh tế". Theo giải Nobel về kinh tế Paul Romer, vấn đề mấu chốt để giúp thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng nhãn tiền này là cần phải tiến hành trắc nghiệm trên phạm vi rất rộng (mỗi người hai tuần một lần), và giảm số lượng người phải cách ly xuống con số 10% dân cư. Xét riêng về mặt hiệu quả y tế, hiệu quả của chống dịch, dù chi phí bỏ ra cho xét nghiệm sẽ rất lớn, nhưng lợi ích của việc này cũng rất lớn, tương đương với kịch bản 50% dân cư bị cách ly, nhưng không có xét nghiệm. Sự khác biệt chủ yếu là một nền kinh tế có thể tồn tại được với 10% cư dân bị phong tỏa, nhưng không thể, khi 50% dân cư bị phong tỏa. 

Trong khi đó, "Duy trì nền kinh tế trong thời gian phong tỏa" là hồ sơ chính của báo Le Figaro hôm nay. Nhật báo này đưa độc giả đến với các nỗ lực trong hậu trường của bộ trưởng kinh tế Bruno Lemaire. Ngày 24/03, bộ trưởng kinh tế Pháp đã nói công khai là tình hình khủng hoảng hiện nay "giống với cuộc Đại suy thoái kinh tế thế giới, khởi đầu năm 1929". Từ đó đến nay, ông liên tục nhắc lại nhận định này. 

"Đại hồng thủy" : Trận mưa tiền và vô số đảo lộn khác

Bài xã luận "Đại hồng thủy" của Libération mô tả tình thế tiến thoái lưỡng nan của các quốc gia hiện nay. Nhật báo Pháp ghi nhận việc các ngân hàng trung ương ồ ạt đổ hàng trăm, hàng nghìn tỉ đô la vào nền kinh tế, hòng đẩy lùi nguy cơ suy thoái. Việc các tín điều cố hữu của giới kinh tế gia bảo thủ bị phá bỏ có thể mang lại kết quả cứu nguy trước mắt, nhưng về nhìn xa hơn thì sao, ai sẽ là người phải gánh vác các khoản nợ khổng lồ, sẽ được đáo hạn ? "Những con kiến làm việc cần cù" hay "bầy ve nhởn nhơ". Sau đại khủng hoảng Covid-19, và "đại hồng thủy" mưa tiền, tình hình sẽ ra sao ? 

Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, từ Trung Quốc tràn ra thế giới, không biết sẽ đi đến đâu, nhưng trước mắt đang gây ra vô vàn thay đổi lớn. Trong khi nhiều quốc gia Đông Á được ca ngợi là chống dịch thành công, nhưng Libération cũng lưu ý Nhật Bản đang sẵn sàng đối phó với khả năng dịch bùng phát. Có một thay đổi lớn tại rất nhiều quốc gia : phong tỏa buộc rất đông người phải làm việc tại nhà. Tình hình sẽ rất khác so với cách nay 10 năm, giờ đây làm việc tại nhà là chuyện khả thi với hàng trăm triệu người, bởi các điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông, tin học cho phép. Theo chuyên gia về công nghệ số Andrew McAfee, lối sống này sẽ có những hệ luỵ rất lớn, và đây rất có thể là một bước ngoặt cho sự lên ngôi của lối làm việc tại nhà, sống xa các vùng trung tâm. 

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Trung Quốc biến chiến tranh y tế thành chiến tranh ý thức hệ

Đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới tiếp tục ngự trị trên trang nhất các báo ra ngày 26/03/2020. Libération và Le Figaro tập trung trên tình hình Pháp, Les Echos quan tâm đến tai họa đang ập xuống nước Mỹ, còn Le Monde và La Croix mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Le Monde lo ngại trước khủng hoảng kinh tế, trong lúc La Croix ghi nhận sự trở lại của "chủ nghĩa can thiệp" Nhà nước. Ảnh hưởng địa chính trị của dịch cũng được Les Echos nêu bật trong bài "Trung Quốc biến chiến tranh y tế thành chiến tranh ý thức hệ".

aide1

Vật tư y tế chuẩn bị gửi đến Ý để giúp chống dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 10/03/2020 tại một trung tâm hậu cần của sân bay quốc tế Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Reuters - CHINA DAILY

Thông tín viên của Les Echos tại Bắc Kinh Frédéric Schaeffer trước hết ghi nhận sự kiện là trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể việc gởi khẩu trang và thiết bị y tế, thậm chí cả chuyên gia chống dịch đi khắp nơi trên thế giới.

Báo chí chính thức của Trung Quốc đã tuyên truyền rộng rãi về những hoạt động này, trong lúc Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh nói đến con số 82 quốc gia trên thế giới đã được Trung Quốc trợ giúp về y tế.

Ngoài các khoản viện trợ từ chính phủ, các đại tập đoàn Trung Quốc như Tencent, Alibaba, Huawei, Fosun… cũng tỏ ra rất hào phóng đối với các nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của Les Echos, khi tiến hành "chính sách ngoại giao khẩu trang" đó, Bắc Kinh muốn tìm cách "thay đổi hình ảnh tiêu cực của họ trên trường quốc tế, làm cho mọi người quên đi rằng Trung Quốc là cái nôi của dịch bệnh để xuất hiện như một vị cứu tinh của nhân loại".

Chính sách ngoại giao khẩu trang của Bắc Kinh bị Mỹ chỉ trích

Trong bối cảnh các nước khác không nói gì, Frederic Schaeffer ghi nhận : "Chính sách ngoại giao khẩu trang của Bắc Kinh bị Washington cực lực chỉ trích".

Theo Les Echos, Covid-19 đã xen vào cuộc đọ sức Mỹ - Trung. Theo lời Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), một sử gia tại Bắc Kinh : "Vào lúc mà Mỹ cũng bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề, Trung Quốc nghĩ là đã đến lúc họ đứng lên giành quyền lãnh đạo thế giới".

Les Echos nêu ra một ví dụ đầy ý nghĩa. Hiệp hội Jack Ma của Mã Vân, người sáng lập tập đoàn Trung Quốc Alibaba, thông báo sẽ giúp 24 quốc gia Châu Mỹ La Tinh, vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ.

Âm mưu chối tội

Theo nhật báo kinh tế Pháp, đi xa hơn là cái gọi là "ngoại giao khẩu trang" đó, Bắc Kinh tìm cách gỡ thể diện bằng cách cố viết lại lịch sử. Những ngày qua, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc và nhiều đại sứ đã gợi lên, nhưng không trưng ra bằng chứng, giả thuyết theo đó có thể là quân đội Mỹ đã đưa virus vào Trung Quốc.

Washington thì dùng những từ ngữ làm Bắc Kinh bực tức, ông Donald Trump đã nhiều lần nói đến "virus Trung Quốc".

Les Echos ghi nhận : Hôm thứ Tư, 25/03, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã còn đi xa hơn khi nói sau cuộc họp nhóm G7 là : "Đảng cộng sản Trung Quốc là mối đe đọa quan trọng cho sức khỏe và cách sống của chúng ta ; như dịch bệnh đã chứng minh rõ ràng".

Theo ông Pompeo : "Các quốc gia G7 rất ý thức về chiến dịch thông tin giả mà Đảng cộng sản Trung Quốc đang lao vào để phủ nhận trách nhiệm".

Khủng hoảng kinh tế núp bóng khủng hoảng y tế

Về dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, Le Monde đặc biệt chú ý đến nguy cơ "Khủng hoảng kinh tế ở phía sau khủng hoảng y tế", tựa lớn chạy trên năm cột trang nhất.

Theo Le Monde, vào lúc đại dịch đã khiến hoạt động kinh tế chùng hẳn lại ở rất nhiều nước, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về khả năng nền kinh tế đột ngột đình đốn.

Tại Pháp, bộ trưởng kinh tế Bruno Lemaire đã cố biện hộ cho một chính sách phong tỏa thông thoáng, cho phép guồng máy sản xuất tiếp tục vận hành. Một cách cụ thể, chính quyền Pháp đang chuẩn bị một loạt pháp lệnh nhằm nới lỏng các quy định về thời gian lao động và nghỉ phép ăn lương, cũng như tạo thêm thuận lợi cho việc áp dụng chế độ sa thải bán phần.

Trên bình diện quốc tế, trước bóng ma kinh tế sụp đổ như vào năm 2008 với vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản, thậm chí nguy cơ một trận đại suy thoái như vào thời 1929, các nhà nước và ngân hàng trung ương đang tiếp tục ồ ạt bơm thanh khoản vào các nền kinh tế.

Một ví dụ điển hình được Le Monde phân tích là sự kiện Thượng viện Mỹ đã thông qua một kế hoạch cứu nguy kinh tế thời đại dịch Covid-19 trị giá 2000 tỷ đô la, với hy vọng giúp kinh tế tránh được nguy cơ sụp đổ.

Tinh hình Châu Phi đáng lo ngại

Trên bình diện khủng hoảng y tế thuần túy liên quan đến Covid-19, Le Monde đặc biệt lo lắng cho số phận của Châu Phi.

Bên trên một bức ảnh màu trên trang nhất, cho thấy một đại biểu dân cử ở thành phố Kampala, thủ đô Uganda, tay cầm loa mặt đeo một cái khẩu trang được kéo trễ xuống cằm, tờ báo chạy tựa "Châu Phi không vũ khí trước một thảm họa được dự báo".

Le Monde ghi nhận là đại dịch đã lan ra rất nhiều nước trên lục địa đen, và các hậu quả sẽ rất khủng khiếp trên một lục địa đa phần thiếu vắng các cơ cấu y tế.

Khẩn cấp cần Nhà nước

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan tràn trên thế giới, gây đại họa về kinh tế, buộc chính quyền khắp nơi phải can thiêp, nhật báo La Croix đã tóm tắt tình hình trong một tựa lớn đơn giản ở trang nhất : "Khẩn cấp cần Nhà nước".

Theo tờ báo công giáo, ở Pháp cũng như ở khắp nơi trên thế giới, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đánh dấu sự trở lại của việc Nhà nước can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế, với hàng loạt các kế hoạch phục hồi kinh tế khổng lồ được liên tiếp tung ra khắp nơi để trợ giúp những tác nhân kinh tế đối phó với tác hại của đại dịch.

Câu hỏi mà La Croix đặt ra là liệu vai trò can thiệp của Nhà nước vào kinh tế đó có sẽ kéo dài hay không, hay là chỉ mang tính chất tạm thời mà thôi.

Liên Hiệp Châu Âu cần chứng tỏ tính hữu ích

La Croix cũng đặc biệt chú ý đến cuộc họp dự trù hôm nay của lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu về phương cách đối phó với dịch Covid-19 và cho rằng "Liên Hiệp Châu Âu bị buộc phải đạt được kết quả".

Đối với La Croix, nhân "Hội nghị thượng đỉnh từ xa" vào hôm nay, 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã tự đặt ra một thách thức là chứng minh sự hữu ích của mình. Ủy Ban Châu Âu đã chủ trương vận dụng năng lực kinh tế của mình để "băng bó" các vết thương thời hậu đại dịch Covid-19.

Câu hỏi mà tờ báo Pháp đặt ra là liệu Châu Âu có thể đoàn kết được với nhau trong bối cảnh toàn lục địa đã trở thành tâm chấn của dịch Covid-19 ? Đây là điều 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu phải chứng minh trong bối cảnh họ cũng cần thống nhất lập trường về cách đối phó với dịch bệnh ở cấp Châu Âu.

Bi kịch cho những người cao tuổi

Về dịch Covid-19 tại Pháp, Le Figaro chú ý số phận những người già. Tờ báo chạy tựa lớn trang nhất : "Người cao tuổi : Bi kịch đằng sau cánh cửa đóng kín của các viện dưỡng lão"

Theo nhận định của Le Figaro, đối với sự lây lan của con virus corona và sự gia tăng tàn bạo của số người chết, các cơ sở dành cho người già không khả năng tự chăm sóc tại Pháp đã lên tiếng kêu cứu.

Khi sự lây lan của dịch Covid-19 tăng tốc ở Pháp, khủng hoảng y tế đã trở nên rất nghiêm trọng tại các viện dưỡng lão, tập hợp gần 850.000 người. Một số cơ sở đã bị nghẹt thở trước một tỷ lệ tử vong cao bất thường.

Sự thiếu vắng một chính sách xét nghiệm không cho phép biết rõ là liệu nguyên nhân có phải do con virus corona hay không. Những trường hợp tử vong này không được tính trong các thống kê được ông tổng cục trưởng Y tế công bố hàng ngày.

Để bảo vệ những người cao tuổi khỏi bị lây nhiễm, từ nhiều ngày qua, gia đình không còn được phép đến thăm. Tuy nhiên bên trong các viện dưỡng lão, phương tiện để ngăn ngừa virus lây lan rất thiếu.

Ngoài việc không có công cụ xét nghiệm, kể cả đối với các nhân viên chăm sóc, các thiết bị bảo vệ rất thiếu. Chính phủ Pháp hiện đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu từ phía giới điều hành các viện dưỡng lão.

Theo Le Figaro, vào lúc "Những người sống trong các viện dưỡng lão phải sống trong tình trạng cô đơn", thì "các gia đình có người già hiện đang phải sống trong nỗi sợ hãi, lo âu"

Libération : Y tế Pháp báo động đỏ

Cũng khai thác chủ đề dịch Covid-19 tại Pháp, trong tựa lớn trang nhất : "Tất cả các chỉ số đều màu đỏ", tờ Libération đã lên tiếng báo động về làn sóng bệnh nhân mới sắp tràn ngập các bệnh viện Pháp.

Trong bài viết mang tựa đề rất tượng hình : "Virus corona : Các bệnh viện chìm dưới nước", Libération cho biết là ông Martin Hirsch lãnh đạo cơ quan quản lý các bệnh viện công ở Pháp (APHP) đã gióng lên hồi chuông báo động về cú sốc cận kề mà ngành y tế Pháp phải đối phó.

Theo ông, hiện nay các bệnh viện đang gần đến điểm bị gãy đổ vì không còn sức chứa. Giường bệnh và thiết bị đang rất thiếu, các nhân viên y tế bị ngập đầu trong công việc và đáng lo ngại hơn cả, số người bị nhiễm Covid-19 trong số họ càng lúc càng nhiều.

Đối với Libération, toàn thể nước Pháp cần phải tổng động viên để đối phó với làn sóng dịch bệnh sắp đổ ập xuống.

Trong tình hình đó, Libération đã ghi nhận sự kiện "Từ Alsace (thành phố miền Đông nước Pháp, một ổ dịch lớn tại Pháp, Tổng thống Macron kêu gọi "đoàn kết" và hứa hẹn một "đại kế hoạch" cho các bệnh viện.

Les Echos : Virus đổ ập xuống nước Mỹ

Như nói ở trên nhật báo Les Echos đặt trọng tâm trên tình hình Hoa Kỳ. Tờ báo chạy tựa lớn trang nhất : "Virus đang đổ ập xuống nước Mỹ".

Sau khi ghi nhận sự kiện là tại New York, các bệnh viện đã quá tải, tờ báo nhấn mạnh đến nhận định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới theo đó "Hoa Kỳ sẽ là tâm chấn tiếp theo của đại dịch toàn cầu".

Les Echos dĩ nhiên là đã quan tâm đến đối sách chống tác hại kinh tế của dịch Covid-19 mà chính quyền Mỹ đưa ra, với "Thỏa thuận về kế hoạch cứu nguy kinh tế 2.000 tỷ đô la" đã được cả hai viện Quốc Hội thông qua. Tờ báo cũng chú ý đến "Kho vũ khí chống khủng hoảng của Nhà Trắng" bao gồm việc cấp tiền trực tiếp cho người dân, cấp tín dụng dễ dàng và giảm các khoản phí mà doanh nghiệp phải chịu.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 24/03/2020

Nguồn : RFA, 24/03/2020

Nguồn : VOA, 24/03/2020

Published in Video

Virus corona : Bổn phận khiêm tốn của người trách nhiệm

Donald Trump khoác áo tư lệnh đánh siêu vi corona. Trước làn sóng lây nhiễm (32.000 ca ngày 23/03/2020) tổng thống Mỹ phải thay đổi cách ứng phó không còn ngạo mạn. Chính phủ Pháp bị đối lập tả hữu công kích, giới y tế và nỗi sợ gục ngã như rạ, trong siêu thị những người thu ngân tuy sợ bị lây nhưng vẫn trung thành với nhiệm vụ. Sau một loạt tựa phác họa một phần toàn cảnh dịch Covid-19, Le Monde đúc kết bằng một bài xã luận : Bổn phận khiêm tốn.

khiemton1

Ảnh minh họa : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay nguyên thủ Mỹ Donald Trump sau cuộc họp G7 tại Biarritz, Pháp, ngày 26/08/2019 Reuters/Philippe Wojazer

Sau Trung Quốc, Châu Âu, Israel bây giờ tới Ấn Độ lao vào cuộc chiến chống Covid-19. Hơn một tỷ người (1,7 tỷ) trên thế giới sống trong chế độ hạn chế tự do đi lại, danh sách các quốc gia áp dụng biện pháp cách ly ngày càng dài ra. Trước qui mô tấn công và vận tốc của đại dịch, chính quyền các nước phản ứng thường khi không toàn hảo, họ bước vào chiến địa xa lạ bất trắc. Điều chắc chắn duy nhất là khi dịch nổ ra, tình hình sẽ nguy kịch hơn.

Người đầu tiên đấu với siêu vi Vũ Hán là Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc giả điếc trước những lời báo động của giới y sĩ. Thế mà giờ đây, ông Tập tự nhận là kẻ có công khống chế Covid-19 với biệp pháp thô bạo mà xã hội phương Tây khó có thể chấp nhận được. Donald Trump, lúc đầu cũng ngạo mạn phủ nhận nguy cơ, sau đó phải công nhận sự thật và đối phó với khủng hoảng một cách nghiêm túc hơn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thế, lúc đầu định cho dân tự miễn nhiễm nhưng thấy nguy cơ lớn quá, vội vàng đổi hướng.

Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron tiếp cận khủng hoảng rất bài bản, từng bước đối đầu, chận đà lây lan bằng biện pháp hạn chế tự do đi lại và nhóm họp. Tuy nhiên, tiết lộ của cựu bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn và tình trạng thiếu dụng cụ y khoa cho thấy tổng thống Pháp phản ứng chậm và do đó ông bị đối lập chỉ trích.

Theo Le Monde, chiến lược khác nhau ở mỗi nước, nhất là ở Châu Á rõ ràng là tùy thuộc vào văn hóa, tập quán của người dân và phương tiện y tế của đất nước đó. Cho đến thời điểm này, không một ai có thể khẳng định mình nắm trong tay công thức nhiệm mầu chống Covid-19. Do vậy, cần phải có một thái độ khiêm nhường trước khi phê phán.

Một nhà chính trị lắng nghe ý kiến của chuyên gia y tế nhưng phải lấy quyết định một mình. Mà chuyên gia không phải là chính trị gia. Chính trị và y khoa cũng không phải là bộ môn khoa học chính xác. Chỉ cần nghe các bác sĩ được mời lên các đài truyền hình, mỗi người mỗi ý dự đoán tương lai là đủ hiểu. Phải có thời gian nhìn lại mới thấy đâu là hay đâu là kém của các chiến lược toàn cầu chống đại dịch hiện nay.

Để bảo vệ xã hội chúng ta trong cơn đại biến, giải pháp hữu hiệu nhất là phải nói thật, phải minh bạch trong lựa chọn và khiêm tốn trong phê phán.

Ý kiến đối lập : Đảng Xã hội đòi ban hành chính sách kinh tế thời chiến

Trong bài "Hành pháp bị công kích", Le Monde cho biết đảng Xã hội đòi phải ban hành kinh tế chiến tranh theo nghĩa phải huy động ít nhất 10 tỷ euro để bảo vệ lực lượng cột sống quốc gia là nhân viên y tế, bệnh viện, cảnh sát, hiến binh, quân đội, công nhân đổ rác, đầu tư ồ ạt vào y tế.

Phe hữu thì chê Nhà nước phản ứng chậm, đòi thành lập ủy ban điều tra truy tìm nguyên nhân và trách nhiệm. Nhưng trong lúc kinh tế toàn cầu ngưng trệ thậm chí suy thoái thì Trung Quốc sẽ bị tác hại ra sao ?

Theo Le Monde, dịch siêu vi Vũ Hán đặt Trung Quốc trước hai hệ luỵ có quan hệ nhân quả. Trong bối cảnh nhiều công ty Hoa lục sắp phá sản, buôn bán ế ẩm, Bắc Kinh tiến thoái đều gặp khó khăn. Thống kê kinh tế quý một xấu hơn nhiều so với dự báo đã bi quan : tăng trưởng số âm.Thế mà Trung Quốc vẫn muốn duy trì tỷ lệ 6%. Nếu không kích cầu thì kinh tế suy thoái. Nếu tung tiền kích cầu thì vỡ nợ.

Trong bối cảnh mọi chỉ số đều xấu, kinh tế toàn cầu ngưng trệ là ngọn gió trái mùa sẽ làm hỏng mọi kế hoạch gia tăng sản xuất của Bắc Kinh.

Khác với Le Monde, nhật báo La Croix đem đến cho độc giả những thông tin khích lệ từ Châu Á và ở Venitia, sát cạnh tâm dịch của Ý là Lombardia. Trong bài "Những nước mà cuộc sống hồi sinh", nhật báo công giáo thu thập các nhân chứng tại Hoa lục và Hàn Quốc. Tấm ảnh hoa đào đua sắc, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, đời sống bình thường trở lại theo các nhân chứng địa phương.

Tại Châu Á, Hàn Quốc đươc xem là mô hình gương mẫu, không dùng biện pháp cách ly phong tỏa thô bạo như Trung Quốc nhưng đã thành công chận đứng làn sóng Covid-19. Tuy nhiên, dân Hàn Quốc lại giảm bớt cảnh giác quá sớm làm chính phủ lo ngại. Bắc Kinh cũng đang lo đợt dịch thứ hai tái diễn và do người Trung Quốc hoặc du khách đem siêu vi từ Vũ Hán đi rồi mang lại về Vũ Hán.

Cũng lạc quan hơn Le Monde, La Croix dựa theo một vài chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng Trung Quốc chấp nhận nợ nần để kích cầu vực dậy kinh tế mà không bị vỡ nợ. Cũng như Pháp, chính quyền Trung Quốc triển hạn thời hạn nộp thuế lợi tức và đóng góp quỹ an sinh xã hội của các công ty là một trong những biện pháp giảm gánh nặng cứu nguy phương tiện sản xuất. Giới doanh nghiệp Trung Quốc tin vào tấm gương của tập đoàn Alibaba, thành lập vào năm 2008 trong khi thế giới bị khủng hoảng tại chính. Chờ xem.

Covid-19, một chút hy vọng

Trong khi Le Figaro Libération loan báo "chính phủ siết chặt biện pháp phong tỏa, hạn chế di chuyển" thì nhật báo công giáo cho rằng có một tia hy vọng, với điều kiện là con người phải biết suy ngẫm chuyện hôm nay.

"Chân trời", tựa của bài xã luận kuyến cáo độc giả suy nghĩ về tương lai trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trước mắt là lệnh hạn chế tự do đi lại sẽ nghiêm ngặt hơn vì dân Pháp còn có nhiều người không tôn trọng. Trung hạn là chuẩn bị sinh hoạt tái phục hồi. Và xa hơn nữa là suy nghĩ xem kinh tế phục vụ xã hội hay trái lại ? Cuộc khủng hoảng này có làm thay đổi quan điểm tất cả cho sản xuất hay không ?

Trang chân dung, La Croix dành cho chuyên gia miễn dịch học Anthony Fauci, cố vấn dịch tễ học của tổng thống Donald Trump. 17 năm trưóc, năm 2003, Anthony Fauci làm cố vấn cho tổng thống George Bush chống SIDA/HIV. Trong vai trò cố vấn Nhà Trắng, Anthony Fauci là người "cảnh tỉnh" và làm Donald Trump đổi hướng 180°, lúc đầu phủ nhận nguy cơ siêu vi Vũ Hán lây đến Mỹ nay tổng thống phải nhìn nhận đại dịch và đối phó tận tình bất chấp tốn kém ngân sách. Khi biết tin báo động từ Vũ Hán, ngay lập tức cố vấn Anthony Fauci thành lập ủy ban chuyên gia nghiên cứu vac-xin chống siêu vi không để mất thời gian.

Les Echos cũng đưa nhiều thông tin về hoạt động của các "hãng xưởng trong cơn bão tố" : các đại tập đoàn kêu gọi nhân viên đi làm trở lại trong điều kiện tôn trọng an toàn y tế . Airbus đi tiên phong mở cửa tất cả các nhà máy lắp ráp. Không cần khuyến khích, các công ty chế tạo khẩu trang, găng tay bảo hộ và gel sát trùng hoạt động hết công suất.

Về y tế, Les Echos không tin chiến lược mới của chính phủ Pháp truy tìm corona gặp trở ngại vì thiếu dụng cụ. Một thí dụ điển hình và trớ trêu là công ty Copan cung cấp que bông gòn, phải ngưng hoạt động vì nằm ngay tâm dịch ở... Ý. 

Khủng hoảng y tế vì corona không ngờ giúp không ít người Trung Quốc tạm thoát camera nhận diện. Phép lạ đó chính là chiếc khẩu trang. Tuy nhiên, cũng có người thay vì vui mừng thì lại lo xa : camera nhìn lầm người khác với mình hoăc nhìn không ra mặt của mình.

Trở lại Libération với đề tài gây tranh cãi : liệu Chloroquine có hiệu quả 75% chống siêu vi Vũ Hán như giáo sư y khoa Pháp Didier Raoult ở Marseille và một nhóm bác sĩ Trung Quốc khẳng định hay không ? Nhật báo thiên tả nửa tin nửa ngờ : Hy vọng hay ảo vọng.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Gần một tỷ người trên hành tinh bị phong tỏa vì đại dịch virus corona

Có thể nói hầu hết các báo Pháp ra đầu tuần này đều là những số báo đặc biệt chuyên về đại dịch Covid-19. Điều này có thể hiểu được khi mà virus corona tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt ở Pháp, cũng như ở các nước Châu Âu khác. Bảng tổng kết số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng lên từng ngày theo cấp số nhân, mặc cho các biện pháp chống dịch tiếp tục được tăng cường ở các quốc gia.

italie1

Quảng trường Piazza del Popolo, thủ đô nước Ý, vắng vẻ trong mùa dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 22/02/2020. Reuters - ALBERTO LINGRIA

Sau khi Trung Quốc kiềm chế được dịch virus corona giải tỏa cho hàng trăm triệu người khỏi cuộc sống cách ly, đến lượt phần còn lại thế giới bị rơi vào vòng phong tỏa. Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận "Gần một tỷ người bị phong tỏa trên thế giới". Một làn sóng phong tỏa đang phủ kín địa cầu khi 40 nước đang lần lượt quyết định phong tỏa dân cư với hy vọng có thể ngăn được đà lây truyền của Covid-19. Theo tờ báo, tính đến ngày Chủ nhật, đã có khoảng 940 triệu dân trên địa cầu nằm trong diện phong tỏa. Tức là chỉ được ra đường khi thật sự cần thiết như mua đồ ăn, đi chữa bệnh hay đi làm khi không thể làm việc tại nhà. 

Trong số đó, có 21 nước áp dụng phong tỏa bắt buộc trên toàn quốc, vi phạm bị phạt tiền nặng. Đó là một loạt nước ở Châu Âu, bắt đầu từ Ý tới Tây Ban Nha, Pháp rồi qua nhiều nước ở khu vực Trung Cận Đông, Châu Á, Trung và  Nam Mỹ, qua đến Châu Phi. Ở 19 nước khác, lệnh phong tỏa mới ở mức độ khuyến cáo, nhưng chắc chắn trong ít ngày nữa phong tỏa sẽ trở nên bắt buộc. Viễn cảnh Châu Âu và Mỹ không còn ai có thể ra đường tự do đang hiện dần. Les Echos dự tính trong những ngày tới số lượng dân số thế giới bị phong tỏa sẽ còn tăng gấp đôi khi mà các nước như Ấn Độ, Sri Lanka hay Algeria, Nigeria đang cân nhắc các phương án phong tỏa diện rộng.

Nếu dịch không bị kiềm chế và tình hình lây lan còn kéo dài, hình thức phong tỏa sẽ còn bị thắt chặt hơn rất nhiều, thậm chí có thể tái hiện khắp nơi tình trạng của thành phố Vũ Hán cách đây một tháng. Ngoài ra những nước không áp dụng phong tỏa dân cư, nhưng cũng bắt đầu có các biện pháp như đóng cửa trường học, quán hàng không thiết yếu hay những tụ điểm giải trí, thể thao…

Trong bối cảnh chung như thế, theo Les Echos, Moskva tỏ ra khá bình thản với Covid-19. Tại Nga, cửa hàng, quán ăn vẫn hoạt động bình thường. Chính quyền Nga không có quyết định phong tỏa dân cư nào, tuy cũng đã cho đóng cửa biên giới. Trong Liên Âu duy nhất chỉ còn Hà Lan là vẫn bám giữ chiến lược "miễn dịch cộng đồng", nhưng nước này cũng đã phải đóng cửa các nơi công cộng tập trung đông người.

Nhìn chung bức tranh toàn cầu về bệnh dịch đang phủ màu xám, chỉ có một chút mảng sáng ở phương đông. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở một số nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan hay Singapore. Les Echos nhận thấy, đó là "những nơi đã ổn định được tình hình nhờ các biện pháp triệt để : xét nghiệm đại trà, sử dụng khẩu trang, truy tìm dấu vết tiếp xúc của các ca bệnh, nhanh chóng cách ly những người thuộc diện nghi nhiễm". Những biện pháp đó đã khiến các nước này trả giá đắt về kinh tế, cũng như những hệ lụy về tâm lý xã hội, nhưng đổi lại họ đã được giải thoát. 

Pháp : Bệnh viện có nguy cơ thất thủ

Đi đầu trên trận tuyến chống dịch là các bệnh viện, các y bác sĩ, thế nhưng trận tuyến này của Pháp, cũng như ở Ý hay Tây Ban Nha, đang có nguy cơ thất thủ, bởi bị quá tải trước số lượng ồ ạt bệnh nhân. Nhiều nhân viên y tế bất lực và suy sụp vì thiếu thốn phương tiện. 

Nhiều tờ báo lớn như Le Monde, Le Figaro hay Les Echos đều phản ánh tình hình khủng hoảng ở các bệnh viện Pháp bằng những hàng tựa lớn trang nhất. Le Monde chạy tựa : "Các bệnh viện đối mặt với các ca bệnh nặng ào ạt đổ đến". Tờ báo ghi nhận tất cả hệ thống bệnh viện của nước Pháp từ vài ngày nay đang phải đối phó với "làn sóng" bệnh nhân. Đặc biệt tại các vùng nóng của dịch như Grand Est, Paris và vùng phụ cận (Île de France) hay Haut-Rhin, tất cả các bệnh viện đã trong tình trạng bảo hòa, không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hồi sức tích cực. Các bệnh viện đã được giảm tải rất nhiều khi mà đại đa số các ca nhiễm chưa đến mức độ kịch phát đều tự cách ly tại nhà, được các bác sĩ tại địa phương theo dõi chăm sóc. 

Với hàng tựa : "Île de France :  các bệnh viên đang đối mặt với làn sóng cuộn", Le Figaro cho biết, Paris và vùng phụ cận đã có 665 bệnh nhân Covid-19 đang phải hồi sức tích cực. Trong những ngày tới các bệnh viện vùng thủ đô sẽ bị nhanh chóng quá tải với các ca bệnh nặng. Tờ báo ghi nhận cả vùng Paris hiện chỉ còn vài giường bệnh hồi sức tích cực và chắc chắn sẽ bị chiếm hết trong một hai ngày nữa.  "Các bệnh viện đang phải tổ chức lại từng ngày : Các phòng chăm sóc thường xuyên chuyển thành phòng hồi sức cho bệnh nhân nặng. Các phòng hậu phẫu giờ cũng được chuyển thành  phòng sẵn sàng đón tiếp các bệnh nhân cần hồi sức. Các nhân viên y tế được đào tạo gấp tại chỗ về hồi sức…".

Theo Le Figaro, vùng Paris  (Île de France) có tất cả 408 cơ sở y tế  công và tư, có khả năng đáp ứng tối đa 1.200 giường bệnh hồi sức tích cực và 3.000 giường chăm sóc thường xuyên. Nhưng với tốc độ lây lan của dịch như hiện nay, tăng hơn 10% ca nhiễm mỗi ngày, thì các cơ sở bệnh viện trên không những không đủ đáp ứng về giường bệnh mà cả nhân viên y tế cũng bị khủng hoảng trầm trọng.

Chính vì thế hiệp hội các bệnh viện Paris đã kêu gọi các bác sĩ tình nguyện để tăng cường cho các nhóm chăm sóc của 39 bệnh viện trong vùng để chuẩn bị đón làn sóng mới các bệnh nhân nặng trong những ngày tới. 

Tờ báo ghi nhận, không chỉ thiếu giường cấp cứu cho các ca bệnh nặng mà đội ngũ các thầy thuốc ở khắp các bệnh viện cũng đang kiệt sức với nhịp độ công việc kinh hoàng và nỗi lo sợ bị lây nhiễm virus từ chính những người được họ chăm sóc. Đã có những nhân viên cấp cứu nhiễm virus và một bác sĩ bị chết vì Covid-19. 

Bài học nhãn tiền trong khủng hoảng virus corona ở Pháp

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh viện quá tải trước một bệnh dịch chưa từng có cả trăm năm nay là các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị, nhân sự do cắt giảm đầu tư cho y tế từ 10 năm nay. Vấn đề này đã được La Croix nêu ra trong bài xã luận mang tiêu đề "Bài học từ những sai lầm của chúng ta". 

Xã luận của La Croix viết : "Một thực tế là nước Pháp đã không đủ chuẩn bị với trận dịch này. Tình trạng khan hiếm khẩu trang, nước sát trùng và xét nghiệm từ nhiều ngày nay đang khiến các nhân viên y tế phẫn nộ. Sự phẫn nộ đó là chính đáng. Cách đây 9 năm, đất nước chúng ta có 800 triệu khẩu trang cho phẫu thuật. Tháng trước, chúng ta chỉ còn có 117 triệu chiếc, trong khi mà nhu cầu tối thiểu hiện nay ước tính khoảng 24 triệu cái mỗi tuần. Đến mùa xuân năm 2020 này, nước Pháp mới lộ ra cho thấy mình cũng phải nhờ cậy vào cứu trợ khẩn cấp của Trung Quốc".

Tờ báo nhấn mạnh "tình trạng này không phải là kết quả ngẫu nhiên mà là hệ quả của các quyết sách chính trị" mang nặng tính kinh tế. Tuy nhiên La Croix cho rằng bây giờ chưa phải là lúc để suy xét hay chỉ trích các quyết định chính trị. Việc khẩn cấp lúc này là tập hợp sức mạnh cùng chiến đấu chống virus corona. Quyết định của chính phủ trưng dụng cơ sở vật chất y tế để chống dịch là hướng đi đúng, cũng như trong tuần nhiều công ty lớn nhỏ và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều sáng kiến để sản xuất hoặc làm tăng viện cho kho vật tư mà các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đang rất cần. Xã luận tờ báo cũng ghi nhận việc hai viện Quốc hội đã nhanh chóng nhất trí thông qua luật "Tình trạng Y tế khẩn cấp". Tờ báo hy vọng tinh thần đoàn kết trách nhiệm này trong tương lai sẽ lặp lại "để làm sáng tỏ những thiếu sót trong việc tiên liệu khủng hoảng lần này. Đây là công việc cần thiết, không phải để tìm thủ phạm mà để rút ra bài học từ những sai lầm của chúng ta".

Chống dịch Covid-19 : Bài học từ Châu Á ? 

Trong loạt bài về đại dịch virus corona, nhật báo Les Echos có bài viết đáng chú ý của tác giả Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Montaigne - Pháp, với tựa đề : Cuộc chiến chống dịch : "Bài học về ý thức công dân của Châu Á" 

Theo tác giả bài báo, các chế độ Trung Quốc cũng như Hàn Quốc hay Đài Loan đã đẩy lùi thành công dịch virus corona bởi vì văn hóa Châu Á đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Một ý thức tập thể mà phương Tây đã đánh mất và cần khẩn cấp tái lập.

Tác giả Moisi nhận thấy, giờ đây khi đã kiểm soát được dịch bệnh trên lãnh thổ của mình, chính quyền Bắc Kinh đang nắm lại cơ hội để "quảng bá quyền lực mềm Trung Quốc. Sự lúng túng của Châu Âu và Mỹ trong xử lý khủng hoảng dịch càng làm cho họ có điều kiện làm việc đó". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh : "cuộc khủng hoảng virus corona không chứng minh được sự vượt trội của mô hình toàn trị Trung Quốc mà nó chỉ chứng tỏ những hạn chế của chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ ở phương Tây. Châu Âu và Mỹ, trên khía cạnh chống dịch virus corona, cần phải học Châu Á, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Trung Quốc". Vấn đề không phải là thể chế chính trị mà là ý thức công dân.

Theo tác giả, nếu như nước Ý rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay là do nhiều nguyên nhân : thiếu thốn vật tư thiết bị y tế, độ tuổi dân số cao, mật độ dân cư khu vực miền đông bắc… nhưng một trong những lý do ban đầu là ý thức công dân, thiếu tôn trọng các quy định an toàn sơ đẳng. Về vấn đề này Pháp cũng không hơn gì Ý.

Những hình ảnh đoàn người dân đô thị lớn vội vã ra ga tháo chạy khỏi thành phố tránh bị phong tỏa hay hàng dài người đổ xô đến các siêu thị vơ vét tích trữ hàng, rồi nhiều người thản nhiên đi dạo như không có chuyện gì trong khi bị phong tỏa là những bằng chứng đáng báo động về ý thức công dân.

Anh Vũ

Published in Quốc tế