Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nguồn : RFI, 19/04/2020

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Video

Tổ chức Y tế Thế giới : Vị nhạc trưởng không có đũa chỉ huy ?

Hai ngày sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trên truyền hình, báo chí Pháp vẫn tập trung phân tích những biện pháp chấm dứt phong tỏa kể từ ngày 11/05 và cả những khó khăn mà người dân sẽ phải đương đầu sau thời kỳ phong tỏa vì dịch Covid-19.

who0

Nghi vấn Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, bị mua chuộc. © GenèvePHOTO - AFP

Le Monde chạy tít : "Chấm dứt phong tỏa : Những thách thức của ngày 11/05". Le Figaro đi tìm lời giải đáp cho những điều còn chưa rõ ràng trong những biện pháp mà tổng thống đã nhắc tới trong bài phát biểu tối ngày 13/04 qua hàng tựa "Chấm dứt phong tỏa : 11 câu hỏi cho ngày 11/05". Còn Libération đặc biệt chú ý đến biện pháp mở cửa dần dần các trường học kể từ ngày 11/05. Trên nền bức ảnh một cậu học sinh đeo khẩu trang đứng một mình với vẻ ngần ngại, Libération đặt câu hỏi : "Ngày 11/05 : Mọi nguy cơ đối với các lớp học ?". Việc tổng thống thông báo các trường học sẽ dần được mở cửa trở lại gây nhiều lo ngại trong công luận. Nhiều bác sĩ, các tổ chức công đoàn, giáo viên và phụ huynh đều tỏ vẻ ngạc nhiên và thắc mắc lý do.

Trong khi đó, báo kinh tế Les Echos nói tới "Cuộc suy thoái tồi tệ nhất". Bộ Kinh Tế Pháp dự báo GDP năm nay sẽ giảm sút 8%, còn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo thế giới sẽ rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất tính từ năm 1930. Báo công giáo La Croix hôm nay thì đặc biệt chú ý đến công cuộc trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris. Cách nay tròn 1 năm, vào đúng ngày 15/04/2019, Notre Dame de Paris đã bị hỏa hoạn thiêu rụi một phần. Trang nhất của La Croix là bức hình chụp cận cảnh hai người dân đeo khẩu trang, phía xa là nhà thờ Đức Bà Paris với giàn giáo và cần cẩu. Hai hồ sơ lớn của La Croix hôm nay dành để nói về "Notre Dame de Paris, một năm sau (hỏa hoạn)" và "Chấm dứt phong tỏa như thế nào ?"

WHO : Nạn nhân liên đới đầu tiên của cuộc chiến chống virus corona ?

Về thời sự quốc tế, Le Monde giới thiệu bài viết "Virus corona : Cách quản lý đại dịch của Tổ chức Y tế Thế giới dưới ngọn lửa chỉ trích", khẳng định cho dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị tố cáo phản ứng chậm trễ với dịch bệnh vì ngả về phía Trung Quốc, bị Bắc Kinh mua chuộc, nhưng định chế này cũng là một nạn nhân của sự yếu kém do bị chính các quốc gia thành viên bỏ mặc. Đối với Le Monde, WHO và tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus chính là nạn nhân liên đới đầu tiên của cuộc chiến chống virus corona.

Trên các mạng xã hội, những hình ảnh một vị bác sĩ tên là Tedros bị bịt mắt bằng quốc kỳ Trung Quốc hay bị chủ tịch Tập Cận Bình thòng dây dắt đi được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi. Một thư kiến nghị được tung lên mạng của công chúng đòi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức tổng giám đốc WHO đã thu được chữ ký của 800.000 người, nhiều hơn 10 lần so với số người ký vào kiến nghị ủng hộ ông.

WHO còn "bị bồi thêm một cú đánh" từ tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm 07/04, trên mạng xã hội Twitter, nguyên thủ Mỹ đã đả kích kịch liệt định chế này. WHO bị cho là đã góp phần khiến Covid-19 trở thành một đại dịch toàn cầu. Đương nhiên, đối với phe Dân chủ Mỹ, việc ông Trump chỉ trích WHO cũng là nhằm "đổ tội cho Tedros", bởi chính tổng thống Mỹ cũng có phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Về phản ứng của định chế y tế quốc tế, bác sĩ Sylvie Briand, người đứng đầu cơ quan về các bệnh truyền nhiễm thuộc WHO nhấn mạnh khi dịch bệnh nổ ra, cơ quan này chỉ có 1 chuyên gia về virus corona, với ngân sách 3,4 tỉ đô la cho năm 2019. Bà cũng cho rằng những lời chỉ trích như trên nhắm vào WHO là "rất quen thuộc" và "vào thời khủng hoảng, luôn cần có một lối thoát và một thủ phạm". Tuy nhiên, Le Monde nhấn mạnh, trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới đã chần chừ né tránh rất nhiều lần kể từ khi dịch bùng lên ở Vũ Hán, Trung Quốc, hồi cuối năm 2019.

Ngoài ra, cũng phải nhìn vào một thực tế khác, WHO là một tổ chức không có quyền cưỡng chế. Đây chính là hạn chế của định chế liên chính phủ này. WHO không có quyền ép buộc các quốc gia thành viên phải hợp tác, nhất là đối với các chế độ chuyên quyền độc đoán. Nhà nghiên cứu virus Marie-Paule Kieny, từng là phó tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho đến năm 2017, giải thích với Le Monde là các nước thành viên WHO chỉ muốn định chế này yếu kém bởi "y tế, sức khỏe là một vấn đề mang tính chính trị rất cao và là một đặc quyền quốc gia".

Sau cuộc khủng hoảng SARS hồi năm 2003, 194 thành viên WHO đã thành công trong việc thiết lập Quy định y tế quốc tế. Từ năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới có vai trò điều phối quốc tế trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, các nước này lại không chấp thuận để WHO có quyền ép buộc họ. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu, nhận định tình trạng này giống như việc "một nhạc trưởng bị trách cứ là không chỉ huy được dàn nhạc, trong khi không được trao đũa chỉ huy".

Le Monde nhắc đến "một vấn đề muôn thuở" khác trong quản lý dịch bệnh : mỗi lần dịch bệnh xảy ra, chẳng hạn SARS năm 2003, cúm H1N1 năm 2009 hay Ebola năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới đều bị chỉ trích phản ứng không đúng thời điểm : hoặc quá sớm, hoặc quá muộn, quá mạnh hay quá yếu. Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu lưu ý là các nước có tầm ảnh hưởng nhất đều dựa vào cơ quan y tế của riêng họ, chẳng hạn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) có ngân sách cao gấp 10 lần ngân sách của WHO. Ngược lại, đối những quốc gia nghèo nhất, Tổ chức Y tế Thế giới lại giữ vai trò kiểm soát và những chỉ dẫn của định chế rất được chú ý lắng nghe và làm theo.

Không ai biết WHO sẽ làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin lần này trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương đang lên ngôi trên trường quốc tế. Nhưng Le Monde kết luận bài viết bằng cách trích dẫn một nhà nghiên cứu, theo đó cuộc khủng hoảng lần này cho thấy trong một thế giới mà các nước phụ thuộc lẫn nhau, sức khỏe, y tế là một thách thức toàn cầu và cần phải củng cố vai trò điều phối của WHO. Và đây chính là bài học cho các nước thành viên, bởi Tổ chức Y tế Thế giới, nếu bị suy yếu, sẽ càng khó có khả năng đối phó với các dịch bệnh trong tương lai.

Ngoại giao y tế Cuba : các bác sĩ đẩy lùi biên giới

Trong những tuần qua, nhiều "đoàn quân" bác sĩ Cuba đã rời đất nước để trợ giúp 60 quốc gia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Không những xuất khẩu bác sĩ sang các nước láng giềng như Nicaragua, Venezuela, La Havana còn điều bác sĩ sang tận Trung Quốc, Ý và cả Pháp.

Libération nhắc lại ngoại giao y tế là một loại vũ khí được Cuba sử dụng từ nhiều năm nay. Với 9 bác sĩ/1.000 dân, Cuba là nước có tỉ lệ bác sĩ cao nhất thế giới, cao gấp đôi Thụy Điển, gấp 3 lần Pháp.

Cuba điều bác sĩ ra nước ngoài hoặc dưới hình thức làm việc tình nguyện, chẳng hạn trong các thảm họa động đất ở Haiti, dịch bệnh Ebola ở Châu Phi, hoặc các nước phải trả thù lao. Việc "xuất khẩu chất xám" đã góp phần nuôi sống đất nước từ 2 thập kỷ nay : kỷ lục là vào năm 2011, nhờ xuất khẩu 50.000 bác sĩ và y tá, chủ yếu sang Venezuela và Brazil, Cuba thu về 11,5 tỉ đô la, trong khi doanh thu từ du lịch chỉ đạt 2,6 tỉ đô la. Bác sĩ và y tá Cuba chủ yếu đảm nhiệm công việc chăm sóc y tế cơ bản ở những nơi nhân viên y tế nước sở tại không muốn mạo hiểm đến công tác : vùng nông thôn, khu ổ chuột, nơi có thổ dân…

Tuy nhiên, Cuba lại bị Mỹ chỉ trích vì đã biến các bác sĩ thành nô lệ. Hoa Kỳ thậm chí còn khuyên thế giới không dùng y bác sĩ Cuba. Dựa trên những lời kể của người trong cuộc, công chúng nay có thể hiểu thêm về điều kiện các bác sĩ Cuba. Trên danh nghĩa là hoạt động tình nguyện, họ phải chấp nhận ra nước ngoài 2 năm, thậm chí thời gian bị kéo dài gấp đôi mà không được báo trước. Lương của họ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa chính phủ các nước, khoảng 3000-4000 đô la/tháng, được chuyển thẳng cho Nhà nước Cuba và La Havana chỉ trả cho y bác sĩ 20% số tiền nói trên, và một nửa số tiền đó chỉ được chuyển vào tài khoản các y bác sĩ này, nếu họ trở về nước khi hết hạn làm việc ở nước ngoài. Đây là cách để hạn chế tình trạng y bác sĩ "đào ngũ". Theo một blogger Cuba, những người đào ngũ bị cấm về nước trong vòng 8 năm. Còn những ai hoàn thành công tác trở về sẽ được thăng tiến và được nhận một phần thưởng "trong mơ" : mua một chiếc xe hơi với giá phải chăng !

Libération kết luận là trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện tại, bác sĩ trong nước dư thừa, thì việc xuất khẩu bác sĩ không chỉ là phương tiện để Cuba thể hiện tình đoàn kết quốc tế mà còn giúp cho nền kinh tế Cuba khỏi "chết chìm".

Cháy rừng ở Tchernobyl khơi dậy nỗi sợ thảm họa hạt nhân

Trong khi cả thế giới đang đối đầu với virus corona, nhìn sang Ukraine, La Croix lưu ý "Cháy rừng ở Tchernobyl khơi dậy nỗi sợ hãi" về một thảm họa môi trường nơi trước đây là nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl. Khu vực cấm ở Tchernobyl, với bán kính 30 km quanh nơi xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử, từ chục ngày nay, đang bị cháy rừng. Hỏa hoạn lan rộng tới mức chính quyền Ukraine đã phải huy động khoảng 500 lính cứu hỏa, 6 phi cơ chở bom nước đã thực hiện hơn 200 chuyến bay cứu hỏa chỉ riêng trong ngày 13/04. Theo bộ Nội vụ Ukraine, các đám cháy rừng đã được khống chế, nồng độ phóng xạ ở Tchernobyl không tăng đáng kể.

Tuy nhiên, giới bảo vệ môi trường, nhất là tổ chức Greenpeace chi nhánh Nga cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy đám cháy rừng bao trùm 12.000 ha, chứ không phải chỉ có vài trăm ha như bộ Tình trạng Khẩn cấp thông báo. Nếu đám cháy lan đến khu lưu trữ rác thải hạt nhân ở Prypiat thì sẽ lại gây ra một thảm họa khôn lường. Có ý kiến chỉ trích chính phủ Ukraine hoặc không nắm được thông tin, hoặc chọn giải pháp im lặng như thời Xô Viết. 30 đã trôi qua kể từ khi xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, nhưng cách xử lý khủng hoảng dưới thời Liên Xô vẫn còn khiến dân chúng Ukraine mất niềm tin vào chính quyền.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Xây dựng thế giới "hậu Covid" : Tổng thống Pháp tìm động lực trong Tuyên ngôn Nhân quyền

Nước Pháp phong tỏa để hãm dịch Covid-19 đã bốn tuần lễ. 20 giờ hôm qua, 13/04/2020, tổng thống Pháp có bài phát biểu long trọng lần thứ tư kể từ đầu đại dịch, chính thức xác định ngày Pháp bắt đầu ra khỏi phong tỏa. Tất cả các nhật báo Pháp số ra hôm nay tập trung bàn về sự kiện này. 

hau1

Dịch Covid-19 : Tổng thống Macron chào các cư dân, đang sống cách ly, tại một khu phố trên đường rời khỏi một trung tâm y tế ở Pantin, gần Paris, ngày 7/4/2020. AFP - GONZALO FUENTES

La Croix chạy tựa trang nhất "Cái mốc được xác định là 11 tháng Năm". Libération "Mục tiêu tháng Năm". Le Figaro thì tỏ ra hết sức dè dặt "Hy vọng tái sinh, nhưng không có gì là chắc chắn". Với hàng tựa trang nhất "Một tháng để ra khỏi phong toả", Les Echos muốn nhấn mạnh, thời khắc của hành động là một tháng trước mắt, một tháng "gian nan", như ghi nhận trong mục "Mỗi ngày một sự kiện" của nhật báo.

"Những ngày tháng gian nan"… nhưng "niềm hy vọng tái sinh"

Bài "Tổng thống Macron hứa một giai đoạn ra khỏi phong tỏa từ từ" của Les Echos lưu ý trước hết là những lời đầu tiên của tổng thống Pháp là dành để nói về "những ngày khó khăn đang diễn ra", về "nỗi sợ", "nỗi lo hãi", đặc biệt đối với "những ai sống đông người trong một căn hộ chật hẹp, nơi cuộc sống hàng ngày thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, nơi những người cao tuổi phải sống trong sự cô đơn", xa cách người thân. Nguyên thủ Pháp đã dành những lời trân trọng để ca ngợi những y bác sĩ, những người trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, các chiến sĩ "trên tuyến đầu", những người "ở tuyến hai" (tiếp tục các hoạt động nghề nghiệp, sản xuất, giảng dạy, giao thông vận tải, thương mại, nông nghiệp… trong bối cảnh bệnh dịch…). Và những công dân Pháp "ở tuyến thứ ba", chấp nhận cách ly, để kìm hãm dịch. Tổng thống Pháp nhấn mạnh chính nhờ vậy, "dịch bắt đầu chững lại… Niềm hy vọng tái sinh".

Trong thời gian chuẩn bị cho việc dần dần ra khỏi phong toả, bắt đầu trước hết từ ngày 11/05, với các trường học (trừ Đại học), hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế được nối lại (các hoạt động văn hóa tập hợp đông người sẽ chỉ được nối lại từ giữa tháng 7), chính phủ sẽ phải chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn với khu vực kinh tế tư nhân, với giới doanh nghiệp. Cùng lúc đó, là sự "trợ giúp đặc biệt" dành cho những người dễ tổn thương nhất, "các gia đình có trẻ em, cũng như sinh viên xa gia đình". "Bảo vệ người lao động" là mục tiêu hàng đầu. Duy trì giãn cách xã hội, sử dụng rộng rãi khẩu trang thông thường, xét nghiệm hàng loạt, và tiếp tục duy trì cách ly những người nhiễm virus và những người bị tình nghi sẽ nằm trong số các biện pháp chủ đạo, kể từ ngày 11/05. Chính phủ Pháp có 2 tuần lễ để chuẩn bị cho kế hoạch chi tiết ra khỏi phong tỏa.

Hoài nghi : "Phải chăng đêm đen sắp hết ?" 

Nhât báo thiên hữu Le Figaro tỏ ra khá hoài nghi về tuyên bố của tổng thống. Đối lập chỉ trích bài phát biểu "không đủ chi tiết". Xã luận Le Figaro, với tựa đề "Phải chăng sắp đến tận cùng của đêm đen ?", ghi nhận tổng thống đã chính thức cho biết "ngày chấm dứt cuộc phong tỏa khổ ải này", với tia hy vọng "tự do trở lại", những người Pháp - đang chấp nhận sống trong cảnh ngộ phong tỏa - được người đứng đầu nước Pháp tri ân. Tuy nhiên, theo Le Figaro, điều đó không đủ để đáp ứng được mong đợi của những ai đang bị dịch bệnh bắt buộc phải sống trong tình trạng quản thúc tại gia. Theo Le Figaro, các công dân Pháp còn rất nhiều dấu hỏi về giai đoạn những tháng tiếp theo, bên ngoài ba giải pháp chính : "xét nghiệm" hàng loạt, "khẩu trang" đại trà và "trị liệu" mới, đã được tổng thống cho biết.

"Chọn cách nói khiêm nhường"

Nhật báo thiên tả Libération, với tựa đề "Hy vọng" ghi nhận thông tin tổng thống đưa ra về ngày bắt đầu chấm dứt phong tỏa 11/05, với cái nhìn hóm hỉnh : "Thêm một tháng hay chỉ còn một tháng nữa" là hai cách nhìn khác nhau về tuyên bố hôm qua của tổng thống. Libération đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Pháp lựa chọn "thái độ khiêm nhường" trong phát biểu hôm qua, khác hẳn với khẩu khí đầy tính chiến đấu của một thủ lĩnh, mà ông vẫn thể hiện từ đầu đại dịch đến nay, khi nhấn mạnh "tôi chia sẻ với các vị về những cái mà chúng tôi biết và những điều mà chúng tôi không biết". Điều mà ông biết rõ là ngày 11/05 là một thời điểm mang tính bước ngoặt", khởi đầu cho việc từ từ ra khỏi tình trạng phong tỏa. 

Emmanuel Macron thừa nhận một số "thất bại" của chính quyền trong việc đối phó với dịch bệnh. Để ra khỏi phong tỏa, nguyên thủ Pháp cảnh báo, cần hiểu rằng tình trạng "miễn dịch cộng đồng" hằng mong muốn sẽ còn "rất xa" mới đạt được. Xét nghiệm, khẩu trang, kỹ thuật định vị các tiếp xúc với người có virus qua điện thoại di động là các biện pháp được ưu tiên. Libération chú ý đến việc, tổng thống Macron, "bị cánh tả trong đảng cầm quyền gây áp lực", đã buộc phải đưa ra hứa hẹn "sẽ làm nhiều hơn cho những người khó khăn nhất", với "các biện pháp tài chính mới". Tuy nhiên, còn nhiều việc chính phủ phải làm, bởi hiện tại chưa có gì cụ thể. 

Duy trì đoàn kết : "Cái khó nhất mới chỉ bắt đầu"

Trong bài phát biểu gần nửa giờ đồng hồ hôm qua của nguyên thủ Pháp, Les Échos đặc biệt chú ý đến tình thần "duy trì đoàn kết", đã được đưa ra trong phát biểu long trọng đầu tiên của tổng thống cách nay một tháng. "Duy trì đoàn kết", cũng là chủ đề mục "Mỗi ngày một sự kiện" của nhật báo kinh tế. Bởi đối với Les Échos, "cái khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu". 

Hiện tại, sau một tháng phong tỏa, thành công của giải pháp này là viễn cảnh tình trạng bệnh viện vỡ trận đáng sợ đã không xảy ra, nhưng giờ đây là những hệ quả phụ đáng sợ của giải pháp này : "Mỗi ngày phong tỏa trôi đi là một ngày mà sự mong manh, dễ tổn thương về xã hội, về tâm lý, khủng hoảng kinh tế, và từ đó đó là khủng hoảng xã hội, khủng hoảng tinh thần, thêm trầm trọng". Một tương lai sáng sủa chỉ có thể có "với điều kiện người dân Pháp tiếp tục duy trì ý thức công dân, duy trì việc cách ly bất chấp khó khăn, chính quyền có đủ năng lực thực hiện các kế hoạch trong chiến lược chung… Đây là điều không hề đơn giản". 

Trở lại với giá trị "Lợi ích chung" trong Tuyên ngôn Nhân quyền

Cũng nói về sự đoàn kết, nhưng dưới một góc nhìn đáng chú ý khác, xã luận La Croix có bài "Lợi ích chung" (cụm từ "Lợi ích chung" được đặt trong ngoặc kép). Nhật báo công giáo ghi nhận câu nói gây ấn tượng mạnh trong bài phát biểu của tổng thống là lời kêu gọi "Hãy sáng tạo lại chính mình, và trước hết là bắt đầu từ tôi", nhưng "câu nói quan trọng nhất" trong bài phát biểu của ông không nằm ở đó.

Câu nói quan trọng nhất, theo La Croix, là "Sự thừa nhận về mặt xã hội chỉ có thể được xác lập trên cơ sở nó đem lại lợi ích chung" cho cả cộng đồng. Đây chính là câu thứ hai, trong điều khoản thứ nhất của Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1791. Câu thứ nhất là "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

La Croix giải thích : "tổng thống Macron đã dẫn lại lời trích này vào thời điểm mà chính ông đã đặt câu hỏi về việc đãi ngộ quá thấp đối với các nghề nghiệp, đã có những đóng góp cốt yếu cho xã hội, từ các nhân viên y tế, giáo viên, những người làm trong nghề sản xuất và cung ứng thực phẩm, người phục vụ giao thông vận tải, nghề đổ rác…". "L’utilité commune" ("Lợi ích chung"), cụm từ xa xưa này rất đáng được chú ý, nó tương đương với diễn đạt phổ biến hiện nay "bien commun" (tạm dịch là "tài sản chung"). Đây là một khái niệm, mà La Croix cho rằng, "đã quá bị coi nhẹ trong những thập niên gần đây". Khả năng huy động nỗ lực tập thể nhờ khái niệm này đã bị gạt bỏ và thay vào đó là những lợi nhuận sinh ra nhờ "bàn tay vô hình của thị trường". 

Dù sao, La Croix nhấn mạnh câu nói trên mới chỉ là điểm khởi đầu. Câu nói quan trọng nhất, nằm trong phần kết, bài phát biểu của tổng thống, trong giai đoạn hiện tại, đã "không đủ cụ thể để có thể dẫn đến việc thảo ra một thỏa ước xã hội mới" tại Pháp. Đây chính là điều mà công luận đã nhiều lần chê trách nguyên thủ Emmanuel Macron. Sau các tuyên bố đầy tham vọng đưa ra, ông đã không có những hành động cụ thể, đơn cử như sau tuyên bố "Make Our Planet Great Again -Hãy làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại". Xã luận báo công giáo kết thúc bài viết : "Mong rằng lần này ông ấy thực thi lời hứa của mình". 

Hội nghị Công dân vì khí hậu : "Có các giải pháp chung cho khủng hoảng y tế và khủng hoảng sinh thái"

Để tìm lối thoát cho giai đoạn hậu phong tỏa, tổng thống Pháp đặt một phần hy vọng vào xã hội công dân. Le Monde số ra dịp lễ Phục Sinh (ba số trong một) chạy tựa trang nhất "Những định hướng do các công dân đề xuất để giúp thoát khỏi khủng hoảng". 

Cuối tuần qua, Hội nghị Công dân vì khí hậu đã chuyển đến tổng thống loạt đề xuất đầu tiên. Bài viết - mang tựa đề "Những định hướng Xanh để thoát khỏi khủng hoảng" về "50 đề xuất cho một mô hình mới" - cho biết tinh thần chung của các đề xuất được đưa ra sau cuộc họp hai ngày bất thường của Hội nghị Công dân vì khí hậu. Nội dung của 50 đề xuất hiện chưa được công bố. 

Hội nghị Công dân vì khí hậu là nhóm làm việc được lập ra, theo quyết định của tổng thống, với thành viên là các công dân Pháp bình thường, nhằm đề xuất các giải pháp tổng thể cho cuộc chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải thấp, giã từ các năng lượng hóa thạch, để hướng đến một xã hội thân thiện với môi trường. 

Sau 6 tháng hoạt động, trong bối cảnh phong tỏa vì đại dịch, Hội nghị chưa thể đúc kết các đề xuất cuối cùng, nhưng họp đột xuất để đưa ra sớm 50 đề xuất (tức 1/3 trong tổng số các đề xuất chung cuộc), liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng y tế và xã hội do đại dịch Covid-19.

Lo ngại chính của nhiều thành viên Hội nghị Công dân vì khí hậu này là giai đoạn chấn hưng sau khủng hoảng sẽ hết sức bất lợi cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Chính trị gia Elisabeth Borne, bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái và đoàn kết tóm lại nỗi lo ngại của 150 thành viên Hội nghị Công dân vì khí hậu : "thông điệp rõ ràng của họ là không thể để cho cuộc khủng hoảng y tế hiện nay xóa mờ đi cuộc khủng hoảng sinh thái. Cả hai khủng hoảng có một nền tảng chung… Điều quan trọng mà 150 công dân vừa nói với chúng ta là : có thể có những câu trả lời chung cho khủng hoảng y tế và khủng hoảng sinh thái". 

Cũng Le Monde, đăng tải bài trả lời phỏng vấn đạo diễn Cyril Dion, nhà sinh thái, một trong những người bảo trợ Hội nghị Công dân vì khí hậu, với tựa đề : "Không hiến tế Khí hậu cho vị thần Tăng trưởng". 

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Covid-19 : Trung Quốc dàn trận tại Châu Phi

Thứ Hai 13/02/2020 ngày lễ Phục Sinh, hầu hết báo chí Pháp nghỉ lễ. Tuy nhiên, siêu vi Corona chủng mới không nghỉ và tiếp tục ngự trị trên những nhật báo có số phát hành : Tổng thống Pháp một lần nữa lên tuyến đầu, nước Mỹ của Donald Trump lãnh trọn cơn bão đại dịch trong lúc Trung Quốc tận dụng thời cơ để bành trướng ảnh hưởng tại Châu Phi qua đầu cầu Ethiopia cùng với hai tập đoàn Alibaba và Hoa Vi.

chauphi1

Máy bay của hãng hàng không Ethiiopia chở viện trợ Trung Quốc đến Venezuela ngày 28/03/2020. Ethiopia đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược "y tế" Covid-19 của Trung Quốc. Ảnh minh họa. Reuters - Manaure Quintero

Le Monde, ra ngày cuối tuần, gần như không bỏ qua một Châu lục nào trong trận đại dịch từ Vũ Hán. Nổi bật nhất là bài phê bình nghiêm khắc cơ cấu chính quyền Pháp không đủ tầm đối đầu với đại dịch và bài chiến lược của Bắc Kinh dùng Covid-19 để "công tâm" củng cố thế lực tại Châu Phi.

Jack Ma, Hoa Vi và các ngài đại sứ Ethiopia

Từ khi đại dịch lan rộng, Trung Quốc liên tiếp gửi hàng viện trợ y tế cho 50 nước Châu Phi. Theo Le Monde, con đường tơ lụa "y tế" được sử dụng khéo léo. Bắc Kinh "núp sau lưng" nhà tỷ phú Jack Mã, chủ nhân tập đoàn Alibaba và các chân rết. Qua những tấm ngân phiếu của Alibaba, của Hoa Vi, với sự tiếp tay không cần đeo găng của các nhà ngoại giao Ethiopia và của Trung Quốc, tất cả được dàn dựng trước ống kính truyền hình Trung Quốc.

Ethiopia đóng vai trò đặc biệt như thế nào trong chiến lược "y tế" Covid-19 của Trung Quốc ? Thái độ bênh vực Trung Quốc của tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nguyên là ngoại trưởng Ethiopia, được Bắc Kinh ủng hộ như thế nào thì mọi người đã thấy. Le Monde chỉ phớt qua để minh họa thêm cho các thông tin sau : Hãng hàng không Ethiopia Airlines độc quyền chuyển hàng viện trợ của tỷ phú Jack Mã đến 50 nước Châu Phi. Hàng viện trợ sau đó được phân phối sang các nước qua công ty của Jack Mã. Các nhà ngoại giao Ethiopia luôn có mặt trong các buổi "lễ giao hàng". Một trường hợp cụ thể là ngày 31/03, trong một buổi lễ tại phi trường Abidjian, chính đại sứ Ethiopia tại Côte d' Ivoire đích thân cầm ngân phiếu của tỷ phú Trung Quốc trao cho bà giám đốc viện Pasteur của Côte d'Ivoire. Nghi thức khá lạ thường.

Từ thập niên 1960, Bắc Kinh đã gửi 20.000 nhân viên y tế sang Châu Phi chăm sóc cho 200 triệu người, nếu tin vào số liệu của Tân Hoa Xã. Hiện nay số người Trung Quốc ở Châu Phi lên tới hơn một triệu. 50.000 sinh viên Châu Phi du học tại Trung Quốc. Từ 2013 đến 2018, thương mại song phương tăng gắp 11 lần với 185 tỷ đôla.

Trong vụ dịch sốt xuất huyết Ebola (2013 đến 2016), Trung Quốc gửi 1.200 nhân viên y tế sang giúp ba nước bị lây nhiễm nghiêm trọng nhất (Guinea, Liberia, Sierra Leone) chứng tỏ khả năng phản ứng nhanh nhờ vào sức mạnh kinh tế đang lên của Hoa Lục. Trong đại dịch Vũ Hán, Bắc Kinh chứng tỏ có liều thuốc hiệu quả qua lời tuyên dương của đại sứ Trung Quốc tại Mali : Quyết tâm của Đảng cộng sản lãnh đạo, tinh thần kỷ luật và hy sinh của người dân.

Cùng bài bản, đại sứ Trung Quốc tại Tchad cho rằng quốc tế đang thấy một mô hình, một chế độ xã hội mới. Tại Châu Phi cũng như bất cứ nơi nào khác, "y tế " đươc tận dụng để yểm trợ cho con đường tơ lụa mới.

"Đấu trường địa chiến lược" sau đại dịch Covid-19

Ngày 26/03/2020, bản phúc trình của Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp, cảnh báo các nước phương Tây về cách thức Bắc Kinh khai thác đại dịch Covid-19 để quảng bá chính sách "ngoại giao y tế" phục vụ chiến lược con đường tơ lụa. Thông điệp này có tiếng vang tốt cho Trung Quốc cho dù là khi mở các thùng các-tông, thấy hàng thiếu chất lượng và cho dù tiền viện trợ có chui vào túi quan chức tham ô. Điển hình là một người dânở Alger chia sẻ : trong cơn hoạn nạn, ai giúp thì chúng tôi nhận. Tôi không thấy ai ngoài Nga, Trung Quốc và Cuba.

Trên thực tế, hành động can thiệp ngày càng thô bạo của các viên đại sứ Trung Quốc ngày càng gây khó chịu. Ngày 16/03, theo lệnh bộ trưởng bộ y tế Burkina-Faso, hành khách của một chuyến bay bị cách ly vì trên máy bay có một người Trung Quốc có triệu chứng bị nghi là nhiễm siêu vi corona. Chiều lại, đại sứ Trung Quốc ra thông báo khẳng định "ba công dân Trung Quốc trên chuyến bay không có người nào từng bị nhiễm siêu vi". Làm sao đại sứ Trung Quốc có thể tự cho có thẩm quyền y tế cao hơn bộ trưởng y tế của quốc gia sở tại ?

Để đối phó với chiến lược "bỏ vốn ít mà thu lợi nhiều" của Bắc Kinh, Liên Hiệp Châu Âu thông báo viện trợ chống Covid-19 cho Châu Phi một ngân sách 3,25 tỷ euro. Nhưng đối với Mỹ, tình hình sẽ căng thẳng hơn. Donald Trump rất tức giận khi biết tin Trung Quốc chi 80 triệu đô la xây một tòa trụ sở cho cơ quan phòng chống bệnh truyền nhiễm Châu Phi ở thủ đô Ethiopia mà lẽ ra phải có hợp tác của Mỹ, theo thỏa thuận ban đầu. Nhà Trắng nghi ngờ Trung Quốc sẽ cài phương tiện gián điệp.

Theo Le Monde, Châu Phi sẽ là "chiến trường địa chiến lược" sau đại dịch Covid-19.

Chống Covid-19 : Pháp chưa hội đủ ba điều kiện chiến thắng

Tiếp tục điểm qua các chủ đề trên Le Monde : Tổng thống Macron lên tuyến đầu đối mặt với công luận, cơ cấu chính quyền Pháp không đủ tầm đối đầu với đại dịch, Miến Điện hết dám đùa với Covid-19, thổ dân Nam Mỹ sợ Covid-19 và biết người da trắng không giúp gì được.

"Chúng ta không đủ bản lĩnh phòng chống dịch" là lời phê phán có dẫn chứng của cựu tổng giám đốc Tổng nha Y tế Công cộng Pháp, bác sĩ William Dab.

Tình trạng người bị lây và chết quá nhiều tại Pháp là do bộ máy hành chánh quan liêu. Bác sĩ William Dab cho biết ông được một cơ quan y tế cấp vùng (ARS) đề nghị qua một đảo hải ngoại tham gia kiểm dịch. Ông nhận lời nhưng một tuần sau không thấy động tĩnh gì cả. Ông phải hỏi lại thì vài hôm sau nhận được câu trả lời là hồ sơ thiếu "bằng cấp bác sĩ và giấy chứng nhận có khả năng chuyên môn".

Chính vì bản chất quan liêu của bộ máy hành chánh cho nên dẫn đến những quyết định không hợp lý. Trong khi ở bệnh viện nhân viên cấp cứu tận tâm tận lực chữa trị thì sau đó lẽ ra phải được "theo dõi" tiếp : phải cho người vừa hết bệnh vào khách sạn cách ly thêm thì lại cho họ từ bệnh viện đi thẳng về nhà lây cho thân nhân. Dân chúng được lệnh ai ở nhà nấy mà không có lệnh đeo khẩu trang nếu phải đi làm bằng phương tiện công cộng.

Theo vị bác sĩ cựu tổng giám đốc ngành y tế công cộng Pháp, muốn chiến thắng dịch bệnh truyền nhiễm thì phải hội đủ ba điều kiện : Phải theo dõi tình hình, phải có phản ứng nhanh và một bộ chỉ huy nhẹ, theo dõi sát sao mọi chỉ thị có được thi hành hay không. Tổng thống tuyên bố tình trạng chiến tranh mà chính quyền thì làm việc như trong thời bình. Bác sĩ William Dab dự đoán là còn có thêm vài chục ngàn người chết nữa.

Miến Điện và "phép lạ"

Tại Đông Nam Á, Le Monde ghi nhận một biến chuyển mới tại Miến Điện. Với ba người chết và gần 30 ca nhiễm virus, nếu thật như thế, thì quá ít so với các quốc gia trong vùng. Nhưng đã qua rồi những tin tưởng vào phép lạ như bác sĩ giám đốc bệnh viện Rangun tuyên bố : "Chúng ta may mắn có các sư cầu nguyện chống dịch" hay là "ăn chanh ngăn siêu vi".

Thứ Sáu vừa qua, đích thân lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi khuyến cáo : "Siêu vi Corona sắp lây lan". Một quyết định nghiêm túc phản ánh lo âu này vừa được thông báo : Lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện, lễ hội rước nước kể từ ngày 13 đến 16 tháng Tư bị hủy bỏ.

Thổ dân Nam Mỹ bất lực trước siêu vi Corona

Số phận bi thảm của thổ dân Nam Mỹ được Le Monde chú ý qua hai bài báo. Phóng sự của ba phóng viên tại một số nước Nam và Trung Mỹ và một bài phỏng vấn Bruce Albert, một nhà nhân chủng học có tiếng tăm.

Tính đến cuối tuần qua, có từ một đến ba người chết ở mỗi nước nhưng số lây nhiễm gia tăng. Thiệt hại nặng nhất là Ecuador có 297 thổ dân từ trần, 7.161 ca nhiễm virus corona. Peru chỉ mói có một người chết nhưng là một lãnh tụ thổ dân Aurelio Chino, mới từ Châu Âu trở về sau một chuyến đi vận động công luận chống các tập đoàn dầu khí phá hại môi trường.

Vấn nạn của thổ dân là không có hệ thống đề kháng chống siêu vi viêm phổi cấp tính như người da trắng, theo Bruce Albert. Thứ hai là họ bị chính phủ sở tại bỏ rơi và thứ ba, nhất là ở Brazil, sức khỏe thổ dân còn bị đe dọa lây bệnh từ những kẻ đi tìm vàng. Trong lịch sử, thổ dân Nam Mỹ nhiều lần bị dịch chết hàng loạt do vi trùng của nguòi da trắng lây lan.

Donald Trump : Xứng đáng là một nhà lãnh đạo

Cũng như đồng nghiệp Le Monde, nhật báo Le Figaro trông chờ tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào 20 giờ tối nay sẽ trình bày "một lịch trình mới" trong cuộc chiến chống dịch, theo nghĩa sẽ làm gì và đi đến đâu. Vì sao ? Nhật báo thiên hữu đưa thêm một loạt tựa như để trả lời : Hãng xưởng thấp thỏm muốn hoạt động lại càng sớm càng tốt. Lãnh vực du lịch và dân Pháp đặt hy vọng vào mùa hè. Hãng Toyota ở Valenciennes muốn mở cửa trở lại vào ngày 21/04. Thông điệp của Giáo hoàng ngày Phục Sinh kêu gọi các phe xung khắc trên thế giới chấm dứt chiến tranh, kêu gọi các nước giàu xóa nợ, tất cả cùng nhau chung sức chống đại dịch, chiếm trọn một trang báo.

Nạn nhân số một của Covid-19 tính đến cuối tuần qua là nước Mỹ. Tựa trên trang nhất của Le Figaro : Hoa Kỳ bị trúng đòn : 530.000 ca lây nhiễm, 21.000 người chết, New York bị tràn ngập lây nhiễm. Một bất ngờ, California không bị nặng như New York. Tình hình đầy bất trắc mà Donald Trump tính tái lập sinh hoạt bình thường.

Bài xã luận "Donald Trump lèo lái" cho rằng biện pháp hạn chế tự do đi lại dường như có kết quả. Theo thẩm định mới, số nạn nhân tử vong sẽ chỉ độ 60.000 không cao đến 200.000 như ước định ban đầu. Đối với tổng thống Mỹ , nếu được như vậy thì sẽ là một thành công. Donald Trump muốn nhanh chóng bình thường hóa sinh hoạt kinh tế vì với con số 17 triệu người bị mất việc chỉ trong vòng có ba tuần lễ trở lại đây, có thể làm cho "thành quả" kinh tế của chủ nhân Nhà Trắng trong gần 4 năm qua tan thành mây khói.

Dù hiện thời, Joe Biden chưa đủ sức lấn áp Donald Trump. Dù trong một liên bang, nỗ lực phòng chống dịch là do các thống đốc đốc thúc, điểm đáng phục Donald Trump, theo Le Figaro, là biết giữ thế thượng phong của chính trị. Với Trump, người dân Mỹ không có cảm giác do một một bác sĩ trưởng khoa lãnh đạo ? Donald Trump không thoái vị để núp đằng sau ý kiến của một "hội đồng khoa học gia" không có thẩm quyền chính trị. Trái lại, ông đặt lên bàn cân những lợi ích tương phản của xã hội và ông quyết định. Có thể đúng, có thể sai nhưng thái độ đó gọi là "léo lái con thuyền quốc gia".

Khen ngợi chủ nhân Nhà Trắng, Le Figaro sẵn trớn, đá giò lái chủ nhân điện Elysée.

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Các bộ trưởng Năng Lượng khối G20 ngày 10/04/2020 đã không đạt được đồng thuận giảm sản lượng dầu lửa sau một ngày đàm phán dài, do Mexico phản đối. Thông cáo sáng 11/04 của Saudi Arabia, nước tổ chức cuộc họp qua video, chỉ nêu các cam kết hợp tác chống dịch virus corona và không nhắc đến giảm sản lượng dầu lửa.

g201

Bộ trưởng Năng Lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman Al-Saud phát biểu trong cuộc họp khẩn cấp qua video với các bộ trưởng thuộc nhóm G20 ngày 10/04/2020. © Handout via Reuters

Theo AFP, Mexico, không phải là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEP), đã bác đề nghị nước này giảm 400.000 thùng dầu mỗi ngày, trong kế hoạch giảm sản lượng hàng ngày trên thế giới, với tổng số 10 triệu thùng trong hai tháng Năm và Sáu, được OPEP đề ra trong cuộc họp ngày 10/04.

Trước đó, tổng thống Mexico Obrador cho biết đã đạt được một thỏa thuận với đồng nhiệm Donald Trump, theo đó Hoa Kỳ sẽ giảm thêm 250.000 thùng mỗi ngày, ngoài khối lượng mà Mỹ phải giảm, để bù cho số quota của Mexico. Như vậy quốc gia Trung Mỹ chỉ phải giảm 100.000 thùng, so với 400.000 thùng theo yêu cầu.

Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Mỹ-Mexico, cũng như những nỗ lực ngoại giao đã không giúp các bộ trưởng khối G20 đạt được thỏa thuận giảm sản lượng dầu.

Vấn đề ổn định thị trường dầu lửa thế giới cũng là chủ đề cuộc điện đàm ngày 10/04 giữa tổng thống Trump và đồng nhiệm Putin. Ngoài ra, theo Nhà Trắng, nguyên thủ hai nước còn đề cập đến cuộc chiến chống dịch Covid-19 và hợp tác trong lĩnh vực không gian.

Thu Hằng

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để nắm lấy quyền lực ở Liên Hiệp Quốc

Thực trạng Tổ chức Y tế Thế giới thân Bắc Kinh, mà đại dịch virus corona đã chứng tỏ, chỉ là ví dụ mới nhất cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Có đến 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc hiện do người Trung Quốc đứng đầu : FAO, UNIDO, ITU, ICAO. Bắc Kinh chi ra trên 200 triệu euro để giành cho được chiếc ghế ở FAO.

lhq1

Thứ trưởng nông nghiệp Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) trở thành tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông Quốc tế Liên Hiệp Quốc (FAO) với nhiệm kỳ 4 năm, phát biểu tại hội nghị ngày 22/06/2020. Ảnh do FAO cung cấp. © FAO

Đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra luôn là chủ đề bao trùm của các tuần báo Pháp. "Virus corona : Khẩn cấp xã hội"tựa chính của Courrier International. Hàng triệu người thất nghiệp trên thế giới, kinh tế ngưng đọng, nhiều lãnh vực suy sụp… Đại dịch Covid-19 làm tăng thêm bất bình đẳng, gây phẫn nộ cho những người trắng tay.

Le Point điều tra về cú sốc kinh tế mang tính lịch sử, chạy tựa "Cuộc khủng hoảng thế kỷ". Sau hơn ba tuần phong tỏa, người Pháp tự hỏi đến bao giờ cơn ác mộng virus corona mới kết thúc - L’Obs phỏng vấn các chuyên gia và đề ra "Ba kịch bản ra khỏi khủng hoảng". Hồ sơ của L’Express dành cho "Macron, năm zéro". Sau đại dịch, mọi thứ sẽ không còn như xưa… nhưng với cùng một nguyên thủ. Cuộc khủng hoảng buộc nước Pháp phải thay đổi các giá trị cũng như phương pháp hành động.

Virus corona tung hoành khắp nơi, đánh bạt mọi thời sự quốc tế

Tại Ý, quốc gia Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, L’Express đến với "Những người hùng ở bệnh viện Bergamo", từ nhiều tuần qua vẫn là tâm bão. Nằm cách Milano 60 km, tỉnh Bergamo đến cuối tháng Ba có đến gần 9.000 người dương tính và trên 2.000 trường hợp tử vong.

Với 900 giường bệnh trong đó có 80 giường chăm sóc đặc biệt, bãi đáp trực thăng 24/24 và 4.000 mét vuông dành cho cấp cứu, bệnh viện công hiện đại khai trương năm 2012 tưởng chừng sẽ đứng vững trước mọi cú sốc. Tuy nhiên bỗng chốc có hàng trăm bệnh nhân nhập viện, tất cả đều bị khó thở. Chỉ trong vòng một tháng, từ zéro ca đã lên đến 6.000 ca ! Bệnh viện phải cho các bệnh nhân khác chuyển viện để dành riêng cho Covid-19, đào tạo khẩn cấp kỹ thuật sử dụng máy trợ thở cho nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân nặng.

Hồ sơ của Courrier International lướt qua tình hình xã hội tại nhiều nước trên thế giới. Tại miền nam nước Ý, quả bom xã hội có nguy cơ bùng nổ vì nhiều người lao động không có hợp đồng, bỗng chốc mất việc và không được trợ cấp. Ở Nigeria, người dân sợ rằng sẽ chết đói trước khi bị con virus từ Vũ Hán giết chết. Từ Liban cho đến Libya, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh giới nghiêm, tại Mexico những người bán hàng rong, giúp việc nhà, người làm công nhật vẫn cố làm việc bằng mọi giá. Tại Irak, Syria, Liban mà dịch Covid-19 từ Iran lan đến, chính quyền không dám công bố con số nạn nhân thực sự vì sợ dân chúng sẽ nổi dậy chống Teheran.

Cây bút Patrick Besson trên Le Point đặt dấu hỏi, những ngôi sao vẫn chiếm trang nhất các báo trước đây đâu cả rồi ? Các tập đoàn tội phạm Mexico, thảm kịch Syria luôn được nhắc đến hàng ngày từ nhiều năm qua, những chiến binh Kurdistan, khủng hoảng Venezuela rồi những đợt bắn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên… Tất cả đều đồng loạt biến mất trên truyền thông, nhường chỗ cho con virus siêu nhỏ từ Vũ Hán.

Nhà bình luận Bernard-Henri Lévy nhắc nhở "Ký ức bị quên lãng của virus corona". Mùa hè 1968, một con virus vô danh từ Trung Quốc lan tràn trên thế giới làm ít nhất 1 triệu người chết trong đó 50.000 người tại Mỹ và 30.000 người tại Pháp. Dịch "cúm Hồng Kông" này ít ai còn nhớ đến ngoài các nhân viên y tế thời đó. Trước nữa, năm 1957-1958, xảy ra nạn dịch "cúm Châu Á", xuất phát từ Quý Châu (Guizhou) và Vân Nam (Yunnan) làm tổng cộng 2 triệu người thiệt mạng, đa số nạn nhân có bệnh nền là tiểu đường và bệnh tim.

Tổng giám đốc WHO : "Thế giới phải biết ơn Trung Quốc" !

Về địa chính trị, đại dịch corona hiện nay chứng tỏ hiệu quả của việc Bắc Kinh sắp đặt những con cờ của mình trên trường quốc tế. Le Point phân tích "Trung Quốc đã nắm lấy quyền lực ở Liên Hiệp Quốc như thế nào".

Ngày 29/01/2020, vào lúc thế giới bắt đầu nhận ra tầm cỡ của đại dịch với mức độ sát hại khủng khiếp của con virus từ Vũ Hán, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lại tuyên bố "Trung Quốc xứng đáng được chúng ta biết ơn và trân trọng".

Chuyên gia François Godement, cố vấn về Châu Á của Viện Montaigne, Paris nhận xét : "Tổng giám đốc WHO thường xuyên bênh vực Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này, chưa bao giờ có một lời nào chỉ trích Bắc Kinh. Ông ta không bao giờ đặt dấu hỏi về các con số mà Trung Quốc đưa ra, và một số tuyên bố của ông rõ ràng không thể chấp nhận được".

WHO tiếp tục lặp lại các lời lẽ của Bắc Kinh, rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus lây từ người sang người, và mãi đến ngày 11/3 mới chịu tuyên bố đại dịch. Một nhà ngoại giao phương Tây thông thạo hồ sơ cho biết rõ ràng Trung Quốc đã gây áp lực do sẽ bất lợi cho mình, trong khi rất nhiều chuyên gia và tổ chức đã báo động về một thực tế khác hẳn. Vấn đề là một số nước trong đó có Pháp, dựa vào các thông cáo của WHO nên đã chậm trễ trong việc đối phó.

Bắc Kinh dùng mọi thủ đoạn để nắm lấy quyền lực tại Liên Hiệp Quốc

Thực trạng Tổ chức Y tế Thế giới thân Bắc Kinh chỉ là ví dụ mới nhất cho ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Có đến 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc do người Trung Quốc đứng đầu : Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Một nhà ngoại giao Pháp cảnh báo : "Trung Quốc đang nắm lấy quyền lực tại Liên Hiệp Quốc. Xu hướng này càng mạnh hơn khi Hoa Kỳ của Donald Trump đang muốn rút lui".

Cựu đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Michel Duclos nhận xét, vào đầu những năm 2000 Trung Quốc chừng mực hơn. Tại Hội Đồng Bảo An, họ đứng phía sau Nga và chỉ lên tiếng khi nào lợi ích trực tiếp như Tây Tạng, Đài Loan bị đe dọa. Nhưng dần dần Bắc Kinh nhận ra nên đầu tư vào những chức vụ chủ chốt ở Liên Hiệp Quốc.

Biểu tượng rõ nhất là thắng lợi gây ngạc nhiên của ứng cử viên Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) của Trung Quốc cho chức tổng giám đốc FAO, tháng 6/2019. Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc vượt qua ứng cử viên người Pháp Catherine Geslain-Lanéelle của Châu Âu và Davit Kirvalidze (Gruzia, được Hoa Kỳ ủng hộ). Đại sứ Pháp tại Trung Quốc lúc đó tố cáo : "Tất cả mọi người đều biết nhờ đâu người của Trung Quốc được bầu, mặc dù thua kém ứng viên Pháp về mọi mặt".

Bốn tháng trước đó, Bắc Kinh không ngần ngại xóa món nợ 78 triệu đô la cho Cameroun để ứng viên Médi Moungui của nước này rút lui. Richard Gowan, thuộc International Crisis Group cho biết : "Bắc Kinh gây áp lực trực tiếp với các nước Châu Phi vốn ở thế yếu". Tổng cộng, Trung Quốc đã chi ra trên 200 triệu euro để giành cho được chiếc ghế ở FAO.

Trước đó năm 2015, Bắc Kinh cấp 2 tỉ đô la trong 10 năm cho quỹ vì hòa bình và phát triển. Động thái vừa giúp đánh bóng hình ảnh Trung Quốc vừa gây ảnh hưởng lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hướng về các lợi ích của Bắc Kinh. Chủ nghĩa đa phương phiên bản Trung Quốc chỉ nhằm thống trị, "trên thực tế, đó là song phương được nhân lên nhiều lần" - theo Jean-Maurice Ripert, cựu đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc cuối những năm 2000.

Vô hiệu hóa các tổ chức quốc tế

Đối với Bắc Kinh, Liên Hiệp Quốc chỉ là phương tiện. Trung Quốc cũng không ngần ngại đưa ra những sáng kiến cạnh tranh như nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, Con đường tơ lụa mới… Những dự án "quốc tế" mà Bắc Kinh là trung tâm, nhằm vô hiệu hóa Liên Hiệp Quốc một cách có phương pháp.

Các cán bộ Trung Quốc làm áp lực tại các ủy ban trực thuộc trong bất kỳ văn bản nào để đưa vào các quan điểm của đảng. Các từ ngữ của Tập Cận Bình "đôi bên cùng có lợi", "cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh" xuất hiện nhan nhản trong nghị quyết về Afghanistan, về giải trừ vũ khí trên không gian hay phát triển kinh tế xã hội ở Châu Phi.

Không chỉ lạm dụng quyền phủ quyết, Bắc Kinh còn lập ra những liên minh nhằm ngăn chận những nghị quyết mình không ưa. Để phản đối việc mở rộng Hội Đồng Bảo An, có thể có lợi cho đối thủ Nhật Bản, Trung Quốc thẳng thừng đe dọa Jamaica, do đại diện nước này phụ trách việc chuẩn bị cải cách. Richard Gowan cho biết người của Trung Quốc đến thẳng Kingston (thủ đô Jamaica) dọa sẽ trừng phạt kinh tế nếu không rút lui.

Một lãnh vực được Bắc Kinh đặc biệt chú ý là nhân quyền, họ muốn vào Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để bảo đảm vô hiệu hóa cơ quan này. Từ khi Hoa Kỳ rút ra năm 2018, Bắc Kinh tha hồ làm mưa làm gió, đứng đầu một khối các nước độc tài (Cuba, Iran, Venezuela, Syria…). Nếu không đủ số phiếu để chận một văn bản, họ dùng thủ đoạn để ngăn các nhà ly khai phát biểu.

Quay lại với WHO - dưới sức ép của Bắc Kinh đã buộc Đài Bắc phải đứng ngoài - nếu tổ chức này chịu nghe lời cảnh báo từ ba tuần trước đó của Đài Loan về nguy cơ virus corona lây từ người sang người, thì đại dịch đã có thể ngăn chận được ngay từ đầu. Nay Trung Quốc dùng mọi cách để chối bỏ trách nhiệm, "gắp lửa bỏ tay người".

Nobel văn chương 2010 : Đại dịch sẽ không gây hậu quả lớn nếu không xuất phát từ Trung Quốc

Giải Nobel văn chương người Pêru, Mario Vargas Llosa sau bài viết trên nhật báo tiếng Tây Ban Nha El Pais - nhấn mạnh rằng con virus corona xuất xứ từ Trung Quốc - thì tất cả các tác phẩm của ông đều biến mất trên các trang web thương mại ở Hoa lục !

Trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point, nhà văn nhận định "Virus corona làm hài lòng tất cả những kẻ thù của tự do". Theo nhà văn, đại dịch là cái cớ lý tưởng để các Nhà nước độc tài hạn chế quyền tự do của người dân. Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã đàn áp các bác sĩ cảnh báo, làm chậm trễ nhiều tuần lễ khiến nạn dịch hoành hành, gây thảm họa cho toàn thế giới. Thật phi lý nếu coi Trung Quốc là hình mẫu, vì chỉ là một chế độ độc tài có mở cửa về kinh tế.

Còn trên L’Express, Mario Vargas Llosa cho rằng "Sự mọi rợ nguyên thủy luôn sẵn sàng tái sinh dưới lớp áo con người hiện đại". Tuy vậy hậu quả từ đại dịch sẽ bớt nặng nề hơn nếu không xuất phát từ Trung Quốc. Cũng như thảm họa Tchernobyl, đến nay vẫn không thể nào biết được những gì đã thực sự diễn ra vào ngày 26/04/1986 tại Ukraina thuộc Liên Xô cũ, vì ngay cả những tài liệu trình lên cấp cao cũng giả tạo. Trong một đất nước tự do với nền báo chí đa dạng, sẽ không bao giờ có sự mù mờ này.

Nhà văn thấy rằng một trong những mặt tích cực của virus corona là khiến người dân các nước dân chủ nhận ra giá trị của nhân quyền, các quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận… được thụ hưởng lâu nay.

Các bác sĩ Cuba, nô lệ thời hiện đại

Từ Châu Mỹ la-tinh, các nhân viên y tế Cuba đến hỗ trợ các nước đang quá tải vì dịch Covid-19. Nhưng theo L’Express, hậu trường của sự kiện này chẳng có gì đáng ca ngợi.

Từ ngày 22/3, Cuba gởi 37 bác sĩ và 15 y tá đến làm việc tại vùng Lombardia của Ý, và gần đây Paris cũng đã chấp nhận để các bác sĩ Cuba tăng cường cho bốn đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Đây là một thắng lợi ngoại giao của La Havana.

Tuy nhiên theo đơn kiện của Prisoners Defenders có trụ sở tại Madrid, sau khi đến nước ngoài là trưởng phái đoàn thu lại hộ chiếu của các bác sĩ, lương của họ bị chính phủ giữ lại 90%. Họ không được mang theo gia đình, không được mang theo bằng cấp bác sĩ trong hành lý, và những ai "đào ngũ" có thể lãnh án từ 3 đến 8 năm tù.

Vì sao Mỹ thiệt hại nặng nhưng ông Trump lại được thêm tín nhiệm ?

Nhìn sang nước Mỹ, L’Obs ghi nhận một nghịch lý, tỉ lệ tín nhiệm của Donald Trump vẫn lên cao tuy lâu nay tổng thống không coi nạn dịch virus corona là nghiêm trọng, làm ngơ trước những cảnh báo.

Bảy ngày trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng Giêng 2017, ê-kíp Nhà Trắng của Obama đã có báo cáo về "kịch bản ác mộng" của một đại dịch. Đến năm 2019, kịch bản "Crimson Contagion" dự báo nếu đại dịch xảy ra, từ 54.000 đến nửa triệu người Mỹ có thể thiệt mạng, và khiến nền kinh tế bị thiệt hai từ 413 đến 3.790 tỉ đô la.

Tuy nhiên đội ngũ Nhà Trắng bị thay đổi thường xuyên, và người chịu trách nhiệm về nguy cơ dịch tễ đã rời bỏ công việc trong chính quyền Trump. Bản thân ông Trump cũng không quan tâm đến những báo cáo loại này. Đến ngày 31/01/2020, khi quyết định đóng cửa biên giới với những người từ Trung Quốc đến nhưng không phải là công dân Mỹ, thì đã quá muộn : trước đó một tháng, 300.000 người từ Trung Quốc đã nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Hậu quả tai hại nay đã rõ, nhưng vì sao tỉ lệ tín nhiệm của ông Trump đã không bị sụt giảm mà còn tăng lên 4 điểm ? Theo giáo sư Dan Wood, đối với tổng thống "không giống ai" này "một bộ phận cử tri yêu mến ông, một bộ phận khác ghét cay ghét đắng, và ai cũng khư khư ý kiến. Chỉ có một số rất nhỏ người trung dung, và như vậy không nên chờ đợi những thay đổi lớn trong các cuộc thăm dò".

Brexit, nạn nhân của virus corona

Còn tại Châu Âu, "Brexit là nạn nhân gián tiếp của virus corona", theo L’Express. Cuộc khủng hoảng dịch tễ cho thấy Anh quốc lệ thuộc nhiều vào Châu Âu trong những lãnh vực chủ chốt, và như vậy, Luân Đôn cùng với Bruxelles nên tạm hoãn vụ ly dị, vì lợi ích của cả đôi bên.

Những đoàn xe tải vẫn nối nhau ở Calais để đưa sang Anh thực phẩm tươi, dược phẩm, khẩu trang… Dù Brexit hay không, nước Anh không còn là một hòn đảo tách biệt với châu lục. Đại dịch tấn công như vũ bão, và đến phiên vị thủ tướng chủ trương "miễn dịch cộng đồng" - để cho 250.000 người chết nhằm bảo vệ hoạt động kinh tế - phải nhập viện ở khoa hồi sức tích cực ! Đồng nhiệm Châu Âu Michel Barnier thì tiếp tục chống chọi với con virus.

Boris Johnson hoặc người kế nhiệm của ông sẽ phải quyết định việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu trước ngày 30/6. Tối Chủ nhật 5/4, chỉ có một bà cụ 93 tuổi là tìm được những từ ngữ đúng đắn để cổ vũ đồng bào mình trong đại dịch : đó là Nữ hoàng.

Thụy My

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Covid-19 : Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới chỉ là "cái loa" của Bắc Kinh ?

Lòng quả cảm của nhân viên bệnh viện tiếp cận tử thần Covid-19 được vinh danh mỗi ngày. Pháp chuẩn bị ngân sách khổng lồ tài trợ các tập đoàn chiến lược. Tokyo khuyến khích xí nghiệp bỏ Trung Quốc. Người Á Châu bị kỳ thị tại Mỹ. Bắc Kinh thao túng Tổ chức Y tế Thế giới... Các chủ đề liên quan đến dịch Covid-19 tiếp tục áp đảo thời sự quốc tế.

who1

Tedros Adhanom Ghebreyesus, đảng viên cộng sản Ethiopia trước đây, được bầu làm giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2017. Christopher Black/WHO/Handout via Reuters

Thảm họa Covid-19 trên toàn cầu

Chưa thể xác quyết là làn sóng Covid-19 chựng lại, nhưng công lao của nhân viên y tế tiếp tục được vinh danh. "Làm việc với nỗi sợ trong lòng" là tựa của báo Libération. Les Echos cảnh giác "Bệnh viện Pháp lo ngại đợt dịch thứ hai". Trên trang nhất, Le Monde dành hàng tựa long trọng vinh danh giới bác sĩ chuyên khoa, đa khoa, sinh viên y khoa nội trú, y tá, nữ hộ sinh và nhân viên phụ trợ thấp nhất trong các bệnh viện Pháp ngày đêm cứu cấp, chăm nom bệnh nhân siêu vi corona.

Tại Mỹ, bên cạnh thông tin thượng nghị sĩ Bernie Sanders bỏ cuộc, ủng hộ cựu phó tổng thống Joe Biden đại diện đảng Dân chủ chạy đua với Donald Trump vào Nhà Trắng, Le Monde tập trung vào hai cộng đồng nạn nhân của Covid-19, nhất là người Mỹ gốc Châu Phi, chiếm đa số bệnh nhân. Nghèo, sức khỏe không tốt, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường nên dễ bị siêu vi Corona chủng mới quật ngã. Tại Chicago và Louisiana, người da đen chiếm 32% dân số và tỷ lệ tử vong lên đến 70%. Trung bình, cộng đồng người Mỹ gốc Châu Phi chiếm 14% dân số nhưng tỷ lệ nhập viện lên đến 33% vì Covid-19.

Bị tác hại gián tiếp là cộng đồng người Châu Á. Như tác giả đã nói trong tựa "Người Châu Á, nạn nhân của kỳ thị", dường như dù có thuộc thành phần xã hội nào, kể cả bác sĩ, y tá, người da vàng cũng có trường hợp bị kỳ thị. Một gia đình bị tấn công bằng dao, có người bị phun nước bọt kèm theo lời mắng "đồ Trung Quốc dơ bẩn". Sau vụ không tặc 11/09/2001, người Ả Rập cũng gặp tình cảnh tương tự nhưng tổng thống George Bush đã nhanh chóng đi thăm một nhà thờ Hồi giáo để đánh tan mối hoài nghi. Donald Trump không có một cử chỉ nào tuơng tự để bênh vực người Châu Á. Chỉ đến khi bị chỉ trích dùng từ "siêu vi Trung Quốc" làm tăng thêm căng thẳng, tổng thống Mỹ mới không nói như vậy nữa và lên tiếng kêu gọi bảo vệ cộng đồng Châu Á.

Về trị liệu, Libération đặt câu hỏi "Macron xuống tỉnh Marseille gặp chuyên gia siêu vi Raoult để làm gì ?". Le Figaro dự báo : Tổng thống Pháp sẽ cho dùng Hydroxy Chloroquine để trị bệnh viêm phổi do siêu vi corona gây ra.

Bằng cánh nào Trung Quốc kiểm soát WHO/OMS

Mục điều tra của Le Figaro tập trung vào hồ sơ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) mà Hoa Kỳ tố cáo là "đồng lõa" với Bắc Kinh, che giấu, thậm chí đưa tin thất thiệt về quy mô dịch viêm phổi chủng mới ớ Vũ Hán.

Trong bài "Làm cách nào Bắc Kinh giật dây Tổ chức Y tế Thế giới ?", nhật báo thiên hữu phân tích do Washington không chú tâm đến hệ thống đa phương, Bắc Kinh khai thác cơ hội đẩy các quân cờ vào các định chế quốc tế để áp đặt chuẩn mực. Bắc Kinh kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp một số tổ chức như Cơ quan Lương nông Liên Hiệp Quốc FAO, Tổ chức Y tế Thế giới. Cho đến gần đây, Trung Quốc còn có người trong ban lãnh đạo Interpol. Một nhà ngoại giao Pháp cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát cả Liên Hiệp Quốc.

Sau khi tranh giành chủ quyền ở Biển Đông và nối kết mạng 5G, Trung Quốc tiếp tục mưu toan biến các định chế quốc tế thành công cụ phát triển ảnh hưởng, kết hợp liên minh vi phạm nhân quyền với Châu Phi chống lại phương Tây. Trụ sở của Liên Hiệp Châu Phi UA do Bắc Kinh xây cất cho nên đừng ai lấy làm ngạc nhiên khi chủ tịch UA bênh vực giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới.

Ethiopia còn có một vị thế đặc biệt đối với Trung Quốc, theo nhà phân tích Valérie Niquet. Những nhân vật lãnh đạo hiện nay đều là cựu cộng sản. Cũng nhờ Trung Quốc mà Tedros Adhanom Ghebreyesus, đảng viên cộng sản trước đây được bầu làm giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2017. Từ đó, Tổ chức Y tế Thế giới luôn luôn nói rập khuôn Bắc Kinh "như con két". Tổ chức Y tế Thế giới không đóng vai trò của mình mà chỉ làm theo ý muốn của Bắc Kinh, do vậy không cho Đài Loan làm quan sát viên.

Trong vụ dịch Covid-19, các nước phương Tây không che giấu bực tức vì Bắc Kinh một mặt núp dưới chiêu bài ngoại giao y tế cộng đồng, sử dụng quân cờ là các nước thân Trung Quốc, vừa phát huy ảnh hưởng vừa tìm cách viết lại lịch sử đại dịch tại Vũ Hán. Đối với chuyên gia Valérie Niquet, không nên ảo tưởng Bắc Kinh sẽ thay đổi. Chúng ta đã cho Trung Quốc những quyền lực mà họ không xứng đáng nhận. Nhận rồi thì họ cố bám. Trung Quốc không tôn trọng luật chơi. Tuy Washington đôi khi cũng ngang ngược như Bắc Kinh, nhưng không thế đánh đồng Mỹ với Trung Quốc. Siêu vi corona gây hại cả thế giới xuất phát từ Trung Quốc. Do vậy, phải chỉ đích danh thủ phạm kể cả việc thành lập một toà án quốc tế.

Tokyo cũng ngán ngẩm Bắc Kinh

Trang kinh tế Les Echos nhắc đến hai sự kiện : Pháp sẽ sử dụng ngân sách 100 tỷ euro để cứu nguy nền kinh tế suy thoái trong cơn đại dịch. Trong số này, 20 tỷ euro là để hỗ trợ cho các công ty chiến lược. Nhật Bản chơi bạo hơn, thông báo ngân sách 1.000 tỷ đôla để vực dậy kinh tế và tài trợ cho các công ty Nhật quyết định bỏ Trung Quốc. Từ tháng 01/2020, nhiều tập đoàn Nhật Bản bị lao đao vì các khu công nghiệp ở Hoa lục đóng cửa. Họ cho biết sẽ tìm một nơi khác làm ăn.

Phục Sinh trong vòng vây siêu vi corona

Phục Sinh lại đến trong tình trạng thế giới đảo điên, con người đang ở đâu phải ở nguyên tại đó, hạn chế đi lại, hạn chế tụ họp. Không hẹn mà nên, La Croix Le Figaro cùng nói đến Giáo hội gia đình vì Phục Sinh năm nay thật là đặc biệt ai ở nhà nấy, không đi lễ nhà thờ mà cầu nguyện tại gia. Nhật báo công giáo nhắc lại lời Jesus : Hễ có 2 hay 3 người họp lại cầu nguyện nhân danh ta thì ta sẽ ở đó với họ. Le Figaro không quên những người lớn tuổi sống trong các nhà dưỡng lão. Tại Pháp, hơn 4.000 người đã chết trong đợt dịch virus corona. Già yếu, cộng với cô đơn do tác động của dịch bệnh, nhiều bô lão đã xuôi tay đầu hàng số phận.

Cũng mang số phận hẩm hiu trong cơn đại dịch là các tù nhân. Với tựa "Lãnh hai bản án", Libération đưa độc giả đến các nhà tù ở Brazil, Côte d' Ivoire và Indonesia tìm hiểu tình cảnh của tù nhân đã bị mất tự do mà còn bị cách ly.

Vũ khí hóa học : Damascus khó chối

Libération cũng không quên hồ sơ vũ khí hóa học ở Syria với tựa : Chính quyền Damascus đối mặt với cáo trạng. Lần này thì chế độ Bachar al Assad và đồng minh Nga khó chối. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học công bố hôm thứ Tư 08/04/2020 kết quả hai năm điều tra chứng minh Damascus là thủ phạm dùng hai loại khí độc là Chlore và Sarin trong các vụ oanh kích ở Latané năm 2017.

Vào thời điểm đó, Moskva đã làm mọi cách cản trở báo cáo của một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc bằng những lý giải linh tinh và cuối cùng là phủ quyết. Thế nhưng, phương Tây và nhất là Pháp quyết tâm phản công. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học nhập cuộc dẫn đến kết quả như đã nói ở trên.

Về tác động địa chính trị, Les Echos cho rằng trong ngắn hạn, đại dịch Covid-19 sẽ làm những nước thuộc diện đang phát triển dở sống dở chết. Các nước phương Tây từ tâm trạng xem thường dịch bệnh lúc đầu nay theo chính sách mạnh ai nấy lo. Tuy nhiên, Les Echos hy vọng siêu vi Corona sẽ bị khắc phục, cũng bằng những phân tử li ti. Khi đó, trật tự thế giới cũ sẽ tái hồi.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Covid-19 : Chính phủ Pháp muốn "theo dấu" bệnh nhân, dư luận lo ngai

Báo chí Pháp ra ngày hôm 09/04/2020 tiếp tục bị virus corona chi phối, với chủ đề nổi bật là dự án của chính phủ Pháp dùng một loại ứng dụng cho điện thoại di động tạm gọi là "Stop Covid" để theo dõi những người nhiễm virus corona trong thời kỳ hậu phong tỏa. Hai tờ Le Monde và Le Figaro đã đặc biệt dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho chủ đề này.

tracing1

Chính phủ Pháp khẳng định ứng dụng Stop Covid chỉ được cài đặt trên điện thoại di động một cách tự nguyện. Ảnh minh họa. GETTY IMAGES NORTH AMERICA/AFP/File

Về dự án dùng ứng dụng Stop-Covid, Le Monde đã loan báo một cách khái quát trong hàng tựa : "Theo dõi bệnh nhân : Những gì mà chính phủ (Pháp) đang nghiên cứu".

Theo Le Monde, chính phủ Pháp đang xem xét việc sử dụng một ứng dụng "định vị" dùng trên điện thoại thông minh, cho phép giới hữu trách theo dõi những người mắc bệnh Covid-19.

Tờ báo Pháp đã phỏng vấn bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Véran và quốc vụ khanh đặc trách kỹ thuật số Cédric O, và đã được hai quan chức cao cấp này giải thích rõ hơn về dự án.

"Tự nguyện" cài đặt ứng dụng trên điện thoại để kềm hãm dịch bệnh

Nhìn chung, đây là một ứng dụng mà người bệnh "tự nguyện" chấp nhận cài đặt trên điện thoại của mình, và việc theo dõi "có thể cho phép hạn chế đà phát tán của virus nhờ xác định rõ được các dây chuyền truyền nhiễm".

Hai vị bộ trưởng và quốc vụ khanh cho biết hiện nay, chính phủ vẫn chưa có quyết định dứt khoát về dự án này, nhưng nhấn mạnh rằng việc cài đặt ứng dụng định vị tại Pháp sẽ dựa trên cơ sở tình nguyện, trái với một số nước khác vốn bắt buộc người bệnh phải chấp nhận chế độ theo dõi.

Le Figaro cũng rất chú ý đến kế hoạch theo dõi những người bị nhiễm bệnh Covid-19 đang được xem xét nhưng chạy một tựa rất cụ thể : "Theo dõi bằng kỹ thuật số : Kế hoạch để khống chế dịch bệnh".

Theo Le Figaro, chính bộ trưởng Y tế Olivier Véran và quốc vụ khanh Kỹ Thuật Số Cédric O đã xác nhận với Le Monde rằng một ứng dụng trên điện thoại có khả năng được dùng đến để hỗ trợ cho tiến trình "phi phong tỏa hóa".

Đủ loại phản ứng dè dặt trước một công cụ về bản chất là để theo dõi

Le Figaro, tờ báo thiên hữu Pháp ghi nhận : Thông báo về việc này đã làm dấy lên nhiều phản ứng dè dặt trong chính giới Pháp, kể cả trong hàng ngũ của các đại biểu dân cử trong đảng Cộng Hòa Tiến Bước đang cầm quyền.

Ngoài những mối quan ngại liên quan đến quyền tự do cá nhân mà việc theo dõi đặt ra, Le Figaro đã nêu lên một loạt vấn đề có thể khiến cho việc sử dụng ứng dụng tin học này không mấy hiệu quả.

Tờ báo ghi nhận : "Công luận có dấu hiệu ủng hộ việc dùng đến công cụ này, nhưng vấn đề là cần phải thuyết phục được đa số người dân Pháp tải về và dùng đến ứng dụng đó. Có điều là hiện có 13 triệu người Pháp không có điện thoại thông minh, trong đó đa phần lại là những người lớn tuổi, là thành phần dễ bị nhiễm virus corona nhất".

"StopCovid : Những đám mây trước lúc dùng ứng dụng"

Theo Libération, chính phủ cố trấn an về tính chất của hệ thống theo dấu nhằm đối phó với dịch Covid-19, nhưng những tâm lý lo ngại vẫn còn rất mạnh.

Tờ báo nêu bật cam kết của chính phủ Pháp, theo đó việc áp dụng phương tiện theo dõi này được giới hạn trong thời gian, và những ai không đồng ý cài đặt ứng dụng sẽ không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.

Tuy nhiên, hiệp hội bảo vệ quyền tự do La Quadrature du Net chẳng hạn thì tỏ ý rất nghi ngờ : "Kể cả khi tất cả các tiêu chí công nghệ và pháp lý đều được tôn trọng, đây vẫn là một công cụ để theo dõi và giám sát mọi người". Mặt khác, liệu những người bị nhiễm Covid-19 thực sự có quyền từ chối cài đặt ứng dụng này hay không trước "sức ép của xã hội" đòi họ phải dùng phương tiện này…

Cả Châu Âu đều muốn theo dõi bệnh nhân Covid-19

Tờ báo Pháp cũng đề cập đến ứng dụng StopCovid trên trang nhất trong bài "Theo dõi : Nhà Nước chuẩn bị khả năng này như thế nào".

Theo tờ báo, dự án này đã làm dấy lên những phản ứng dè dặt dữ dội, ngay cả trong những chính khách thuộc đa số đang cầm quyền tại Pháp. Đối với Les Echos, có hai vấn đề chưa được rõ ràng : Tính hữu ích trên bình diện y tế của ứng dụng, cũng như những điều kiện kỹ thuật cho phép bảo vệ đời tư của người dân.

Les Echos ghi nhận rằng những sáng kiến tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nước Châu Âu khác. Tình hình này đã buộc Ủy Ban Châu Âu phải suy nghĩ đến việc đề ra một khuôn khổ chung để quản lý các hệ thống định vị, sao cho các quyền tự do được tôn trọng, và những ứng dụng tại những nước khác nhau có thể ít nhiều tương thích với nhau.

2 tuần phong tỏa vì Covid-19 xóa đi 5 năm tăng trưởng của Pháp

Nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận : Theo Ngân hàng Pháp quốc (tức là Ngân hàng Trung ương Pháp) ngày 08/04/2020, GDP của nước Pháp dự trù tuột giảm 6%. Nguyên nhân đến từ các biện pháp phong tỏa được chính phủ ban hành để chống dịch Covid-19.

Một cách cụ thể, Ngân hàng Pháp quốc cho biết là guồng máy sản xuất của Pháp chỉ hoạt động có 32% khả năng của mình, một ước tính rất gần với đánh giá của Viện Thống kê Insee, nói đến mức 35%. Mức tiêu thụ các hộ gia đình cũng sụt giảm khoảng 30%.

Đối với Les Echos, phải lần ngược về giữa năm 2015 mới thấy GDP sụt giảm đến 6%. Nói cách khác, chỉ hai tuần phong tỏa vừa qua, đã xóa đi gần 5 năm tăng trưởng của nước Pháp. Thiệt hại rất to lớn vì mỗi tuần phong tỏa làm nước Pháp mất đi gần 20 tỷ euro

"Tự do (đang) bị phong tỏa" tại Pháp

Báo Libération đã liệt kê một loạt yếu tố cho thấy tình trạng mất tự do hiện nay : "Đi lại bị hạn chế, tụ tập bị cấm, bị cảnh sát kiểm tra đôi khi một cách tùy tiện, chủ trương theo dõi bằng phương tiện kỹ thuật số...".

Theo ghi nhận của tờ báo, các biện pháp đặc biệt kể trên, được đưa ra để chiến đấu chống dịch Covid-19, đang khiến giới bảo vệ các quyền tự do lo lắng. Họ sợ rằng tàn dư của các biện pháp phi tự do đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi khủng hoảng được vượt qua.

"Chloroquine : Hứa hẹn và nghi vấn"

Theo Les Echos, tính chất hữu hiệu của liệu pháp dùng Chloroquine để trị bệnh Covid đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt, đặc biệt là những chỉ trích theo đó giáo sư Didier Raoult, người đề xuất ra liệu pháp, đã thiếu trung thực khi cho thử nghiệm cách chữa của mình.

Trên tờ báo kinh tế Pháp, giáo sư Didier Raoult đã đích thân chấp bút bảo vệ phương pháp trị liệu của ông.

Les Echos đồng thời điểm lại những liệu pháp khác, ngoài việc dùng chất chloroquine, để trị bệnh do virus corona gây ra.

Những gì đã biết (hay chưa biết) về virus corona

"Con virus qua 15 câu hỏi" là tựa đề lớn trên trang nhất nhật báo công giáo La Croix, trên nền hình của con virus corona, nhưng được tô màu xanh, màu thường được cho là màu của hy vọng trong tâm thức người phương Tây.

Toàn cảnh dịch bệnh nói chung, theo mô tả của La Croix, khá u ám với 4 tỷ người phải sống trong hoàn cảnh bị phong tỏa tại khoảng một trăm quốc gia, với mốc 10 ngàn người chết đã bị vượt qua ở Pháp.

Trong tình hình đó, theo La Croix, hiểu biết về con virus corona chủng mới này vẫn chưa nhiều, với rất nhiều vấn đề vẫn ở dạng giả thuyết.

Tờ báo thận trọng nhấn mạnh rằng "Tất cả các thông tin được trình bày trong hồ sơ chỉ có giá trị vào thời điểm hiện nay, và không loại trừ khả năng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới đây, tình hình sẽ chuyển biến khác đi nhờ các bước tiến của khoa học và y học trong việc tìm hiểu con virus".

"Virus corona : Vì sao Donald Trump tấn công WHO"

Trên bình diện quốc tế, Les Echos đã rất chú ý đến đòn tấn công mới nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khi ông dọa cắt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ dành cho định chế Liên Hiệp Quốc này.

Tờ báo Pháp nhắc lại là vào đầu tháng Tư, một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ củng cố thêm mối nghi ngờ phổ biến ở Washington là Bắc Kinh không nói thật trên số ca tử vong do virus corona gây nên tại Trung Quốc.

Theo chính quyền Mỹ, những thông tin không đúng thật đã không cho phép các quốc gia khác đánh giá được mức độ dữ dội của đại dịch để chuẩn bị đối phó.

Vấn đề là WHO đã không phủ nhận các số liệu của Bắc Kinh. Và theo ông Donald Trump, WHO còn phản đối quyết định của Washington cấm các chuyến bay đến từ Trung Quốc, điều này cho thấy một sự thiên vị nào đó. Ông Donald Trump còn than phiền về phần đóng góp to lớn của Mỹ cho WHO.

Theo Les Echos, trong năm 2018-2019, ngân sách của WHO là khoảng 4,5 tỷ đô la. WHO nhận đóng góp của các cá nhân giàu có, các nhà hảo tâm, nhưng phần lớn thu nhập đến từ tài trợ của các quốc gia thành viên.

Và trên điểm này, Les Echos cho là ông Trump có lý khi than phiền, vì Mỹ rất hào phóng. Mỗi thành viên, trong số 194 quốc gia, đóng góp cho ngân sách WHO, tùy theo kích thước và mức sống của người dân chứ không phải là dựa trên GDP.

Kết quả là Mỹ đóng góp đến 22% trên tổng số tiền tài trợ từ các quốc gia cho WHO, trong lúc đóng góp của Trung Quốc chỉ là 8%, Pháp là 4,8%. Đây quả là một điều không mấy cân xứng khi mà GDP của Trung Quốc, như trong năm 2018, lên đến 25.270 tỷ đô la, trong lúc Mỹ "chỉ" là 20.494 tỷ.

Singapore đối phó với "làn sóng" Covid-19 thứ hai

Trở lại tình trạng dịch Covid-19 đang lây lan tại Đông Nam Á, Le Monde đặc biệt quan tâm đến tình hình Singapore.

Theo tờ báo, Singapore được xem như một điển hình trong việc xử lý nạn dịch gần đây, hiện đang phải đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn chống virus trong bối cảnh các ca nhiễm đột nhiên tăng lên.

Tính hữu hiệu của "mô hình" Singapore được ca ngợi là hữu hiệu trong việc chống Covid-19 lây lan có lẽ đang cho thấy giới hạn. Ngay cả trước khi số người bị nhiễm tăng vọt những ngày qua – 66 ca nhiễm mới ngày thứ Hai, 06/04 và 106 một hôm sau, Singapore đã quyết định cứng rắn hơn trong chiến lược chống virus : Đóng cửa tất cả những cửa hiệu, thương xá, nhà hàng. Và lần đầu tiên trường học buộc phải đóng kể từ 08/04.

Chính quyền cảnh báo là làn sóng chấn động của dịch bệnh có thể kéo dài đến năm 2021. Vào hôm thứ Hai 06/04, số ca nhiễm tính từ đầu khủng hoảng tại Singapore lên đến 1.381 người với 6 ca tử vong.

Theo Le Monde, "làn sóng" lây nhiễm thứ hai này, cũng sẽ dâng lên khắp vùng Đông Nam Á, nhưng sẽ không nghiêm trọng như ở Châu Âu hay Mỹ.

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Thế giới còn phải sống chung với Covid-19 lâu dài

Châu Âu vẫn đang chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho hàng vạn con người, chặn đà lây lan của đại dịch virus corona và hơn nữa là tìm cách để thoát khỏi phong tỏa, trở lại với cuộc sống bình thường. Chưa một ai dám khẳng định dịch đã đạt đỉnh, vài ngày qua dường như đại dịch giẫm chân tại chỗ.

song1

Châu Âu chưa rõ khi nào qua được đỉnh dịch Covid-19. Trong ảnh, một chuyến tàu tốc hành đưa bệnh nhân Covid-19 từ Strasbourg đi Bordeaux, ngày 03/04/2020. Reuters

Dư luận cũng như chính phủ một số nước đã nghĩ tới chuyện thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa, cho dù còn quá sớm. Nhưng thoát khỏi tình trạng này như thế nào là vấn đề lớn. Đây cũng là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với tựa lớn trang nhất : "Những kịch bản phức tạp của gỡ bỏ phong tỏa".

Theo Le Monde, các chính phủ và chuyên gia y tế đều rất lo sợ, tiếp theo đỉnh dịch này sẽ là một đỉnh dịch khác. Riêng với trường hợp của nước Pháp, việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội là một tiến trình không hề đơn giản. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều mô hình toán học với các tham số dịch tễ đa dạng, để cố gắng phác họa ra những kịch bản thoát khỏi phong tỏa. Rất nhiều vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đặt ra : Khi nào thì có thể gỡ bỏ phong tỏa và việc triển khai cần thế nào ? Vấn đề giám sát hậu phong tỏa ra sao ? Dường như các câu trả lời cho đến lúc này đều chưa đủ sức thuyết phục.

Chung sống lâu dài với Covid-19

Như để cảnh báo về một cuộc chiến dài lâu với đại dịch Covid-19, Le Monde có bài xã luận với tiêu đề "Chung sống dài lâu với Covid - 19". Tờ báo nhắc lại, cách đây một tháng vào lúc đại dịch tấn công Châu Âu, Châu Á đã trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống con virus corona. "Bất ngờ bị tấn công dữ dội, người Ý, người Tây Ban Nha rồi đến người Pháp hướng về phía Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và thậm chí cả Trung Quốc, để tìm kiếm ra các phương cách có thể cứu mình. Một tháng sau, các nước Châu Âu có lẽ đã cảm thấy đạt được độ bình ổn như hằng hy vọng. Đồ thị số người nhiễm mới và tử vong có vẻ đi xuống, nhiều người đã nghĩ rằng đà lây lan của căn bệnh đang chững lại. Tuy vậy, chính phủ các nước vẫn thận trọng chưa thể hô to đã chiến thắng dịch".

Tại sao ? Bởi vì cũng nhìn vào đồ thị của các nước Châu Á, họ thấy hiện lên điều đáng lo ngại, đó là các nước này đang gặp phải làn sóng dịch thứ 2.

Ấn tượng nhất là Singapore, đảo quốc 6 triệu dân này ngay từ đầu đã có những bước đi chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả cho phép kiểm soát được đà lây lan, mà không cần đến biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội. Chính phủ cho tầm soát bệnh đại trà, theo dõi sát dấu vết và kiên quyết cách ly người nhiễm virus, hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại trong nước cũng như từ ngoài vào. Mặc dù vậy số ca nhiễm tuần qua ở Singapore bỗng tăng đột biến, do lây nhiễm nội địa và từ kiều dân trở về nước. Trước diễn biến không lường trước như vậy, thủ tướng Lý Hiển Long đã phải ra lệnh phong tỏa đất nước từ thứ Ba tuần này. Trường học, cửa hàng không thiết yếu đóng cửa đến 4/5. Rồi Hồng Kông, Trung Quốc cũng đang lo ngại sự trỗi dậy của các ca lây nhiễm mới. Nhật Bản cũng không cưỡng lại được phải ban hành tình trạng khẩn cấp từ ngày 7/4.

Le Monde đặt câu hỏi : "Bài học nào có thể rút ra từ tiến triển dịch như vậy ?" Theo tờ báo, điều chủ chốt là đại dịch chỉ có thể bị đánh bại một khi chế được vác-xin, sản xuất và phân phối khắp toàn thế giới. Từ nay đến khi đó phải mất từ một năm đến một năm rưỡi nữa, theo đánh giá chung của các nhà chuyên môn. "Đó cũng là khoảng thời gian mà con virus này còn có thể đi đi, về về trên hành tinh này để gây ra những đợt sóng lây nhiễm mới trên các lục địa. Tiến trình gỡ bỏ phong tỏa ở đây đó hay nới lỏng các biện pháp hạn chế chỉ có thể làm dần dần và cũng thường chỉ là tạm thời".

Le Monde kết luận : "Cần phải học cách chung sống với virus corona. Vẫn luôn biết tiên liệu, chính phủ Singapore hôm thứ Hai vừa mới quyết định ngừng hoạt động nhà ga số 2 sân bay lớn nhất của họ, và cũng là một trong những sân bay hiện đại nhất thế giới, trong vòng 18 tháng, đúng bằng thời gian để có được vác-xin. Vậy là con đường còn dài".

Hai cuộc chiến với virus corona : Giành giật cuộc sống và duy trì lao động

Tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa cũng là dễ hiểu vì bên cạnh các con số tổn thất về nhân mạng, sức khỏe cộng đồng là những thiệt hại về kinh tế của mỗi quốc gia. Hậu quả thấy rõ ngay là nạn thất nghiệp tăng chóng mặt khiến các quốc gia lo ngại.

Đây cũng là đề tài được nhiều báo khai thác sau khi Tổ chức Lao động Thế giới (OIT) hôm qua, 07/04/2020, đưa ra những thống kê báo động về tình trạng lao động, việc làm trên thế giới bị đại dịch tấn công. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Đại dịch làm bùng nổ nạn thất nghiệp trên thế giới". Trong khi tựa của Les Echos khẳng định "Đại dịch đã gây hệ quả tàn phá việc làm toàn cầu"

Le Figaro cho biết con số thống kê của OIT : Do khủng hoảng y tế, "hơn 4/5 trong số 3,3 tỷ người lao động trên toàn thế giới, tức khoảng 2,7 tỷ người bị tác động bởi tình trạng các nơi làm việc phải đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ".

Tổ chức Lao động Thế giới nhận định : "tác động của dịch Covid-19 đối với công ăn việc làm là rất sâu và có quy mô rộng lớn chưa từng thấy". Việc một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa đã gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2 tới nay. Hệ lụy thấy ngay là hàng chục triệu người lao động mất việc làm.

Nếu Châu Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế thì Hoa Kỳ đang phải trả giá rất đắt với hơn 10 triệu người đăng ký thất nghiệp trong vòng 2 tuần. Nước Pháp và nhiều nước Châu Âu khác có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tạm thời khá tốt cũng không khỏi lao đao, vì con số quá lớn người phải nghỉ làm. Theo tờ báo, đó là số liệu thống kê trên còn chưa tính đến những nhân lực làm việc trong các ngành nghề kinh tế được gọi là không chính thức. Con số này chiếm tới 90% lực lượng lao động ở các nước Châu Phi, Ấn Độ, tất nhiên họ là những người không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội gì.

Song song với cuộc chiến y tế chống đại dịch virus corona, bảo vệ sức khỏe của người dân, thế giới đang phải lao vào cuộc chiến kinh tế còn cam go không kém là duy trì hoạt động sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động. Trước tình trạng bi đát như vậy, và có thể còn kéo dài, Tổ chức Lao động Thế giới không thể làm được gì hơn là đưa ra những cảnh báo và kêu gọi "phối hợp hành động quốc tế" để cứu giúp những người có hoàn cảnh thiệt thòi nhất, trắng tay khi không có việc làm.

Nông nghiệp cả Châu Âu tê liệt, mùa màng có nguy cơ mất trắng

Khi dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu, một phần thế giới bị phong tỏa, người ta hay nhắc đến những lĩnh vực phải gánh chịu hậu quả đầu tiên như du lịch, nhà hàng, khách sạn thương mại hàng không… giờ đây nông nghiệp, lĩnh vực nuôi sống thế giới đang bị đe doạ, đặc biệt tại Châu Âu.

Trở lại với Le Monde, tờ báo ghi nhận "Nông nghiệp Châu Âu bị tê liệt". Việc đóng cửa biên giới vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có đang khiến các nhà sản xuất nông nghiệp ở khắp Châu Âu khó kiếm được lao động thời vụ như mọi khi, chủ yếu là những lao động từ Đông Âu sang. Trong lúc các sản phẩm nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch. Mỗi năm vào thời điểm thu hoạch rau hoa quả này, các cánh đồng ở Tây Âu vẫn đón nhận hàng trăm nghìn lao động thời vụ từ Đông Âu. Giờ đây phong tỏa để ngăn dịch đã làm cho các vụ mùa từ khắp các nước Châu Âu có thể bị phá hỏng vì thiếu lao động.

Le Monde nêu ví dụ như Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất hoa quả hàng đầu Châu Âu, thì giờ đây hầu như tất cả các cánh đồng ở nước này không có người thu hoạch. Tờ báo cho hay không chỉ ở Tây Ban Nha mà khắp Châu Âu, Pháp, ý, Bỉ, rồi Hà Lan, Đức sang tới Ba Lan… đâu đâu cũng lên tiếng báo động về tình trạng nông nghiệp bị tê liệt vì khan hiếm nhân lực. Các nước đang cố gắng, trong điều kiện cho phép, để tìm ra những giải pháp tình thế, tạm thời giải cứu ngành nông nghiệp sản xuất ra lương thực, thực phẩm thiết yếu với cuộc sống hàng ngày.

Người phát phì nguy cơ nhiễm virus corona cao

Vẫn liên quan đến bệnh dịch Covid-19, theo Le Monde, những người béo phì dễ bị nhiễm virus. Tại Pháp cũng như ở nhiều nước Châu Âu, người ta đã quan sát thấy những người ở thể trạng béo phì dường như dễ bị nhiễm bệnh hơn. Theo Mạng lưới Nghiên cứu Châu Âu về hô hấp nhân tạo (REVA), 83% bệnh nhân phải hồi sức tích cực là những người thừa cân hoặc béo phì. Số liệu nói trên được đưa ra dựa trên thông tin liên quan đến khoảng 2000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại 195 khoa hồi sức, chủ yếu là tại Pháp. 

Rõ ràng là những đối tượng quá cân hoặc mắc chứng béo phì chiếm tỷ lệ rất cao trong số các bệnh nhân Covid-19 nhập khoa hồi sức tăng cường. Tại Anh cũng có khoảng 35% bệnh nhân hồi sức tích cực là những người béo phì. Mà những người quá cân thường kèm có các chứng bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường…. Những yếu tố bệnh lý gây khó khăn cho điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các chuyên gia y học ở nhiều nước Châu Âu đang rất chú ý đến nghiên cứu mới này để có các biện pháp đề phòng cho những đối tượng chiếm tới 15% số người cao tuổi ở Pháp.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

"Hậu phong tỏa" Covid-19 : Châu Âu buộc phải áp dụng kỹ thuật "định vị"

Nước Pháp bước vào tuần phong tỏa thứ tư, do đại dịch Covid-19. Viễn cảnh kinh tế trong nước và quốc tế ngày một ảm đạm, cùng tình hình dịch bệnh chưa nhìn thấy lối ra, là chủ đề chính của Les Echos, với tựa trang nhất "Cú sốc lịch sử". Giai đoạn phong tỏa gian nan đã có được "những kết quả đầu tiên" là tựa lớn của Le Figaro. Có kết quả, nhưng "không buông lỏng": Libération khuyến cáo. Pháp nỗ lực chống nguy cơ sa thải hàng loạt là chủ đề chính của La Croix

geo1

Định vị bằng điện thoại di động có sẽ là một phương tiện chống dịch hiệu quả ở Châu Âu thời kỳ "hậu phong tỏa" ? AFP - Catherine Lai

Le Monde dành nhiều bài vở cho một giải pháp có ý nghĩa quyết định giúp cho giai đoạn ra khỏi phong tỏa thành công : Sử dụng kỹ thuật định vị qua điện thoại. Trang nhất Le Monde : "Những thách thức của việc áp dụng định vị qua điện thoại di động". Về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận đáng chú ý, với tựa đề "Định vị người nhiễm virus. Đồng ý, nhưng vấn đề là phải có các bảo đảm". 

"Bước ngoặt 180°"

Giai đoạn phong tỏa tại Pháp sẽ kéo dài đến khi nào ? Về mặt chính thức, cho đến ngày 15/04. Theo Le Figaro, tiếp sau đó, rất nhiều khả năng phong tỏa sẽ được triển hạn thêm hai tuần. Và việc triển hạn tiếp theo là hoàn toàn có thể, tùy thuộc vào khả năng đỉnh dịch đã qua chưa, số lượng người nhiễm virus phải nhập viện, người lâm bệnh nặng là bao nhiêu…

Tuy nhiên, điều đó cũng phụ thuộc vào khả năng có được các phương tiện cho phép bảo đảm an toàn cho giai đoạn ra khỏi phong tỏa, với số người nhiễm nằm trong tầm kiểm soát. Cùng với việc áp dụng các hành vi giữ khoảng cách, bảo vệ an toàn cho người khác hay các phương tiện xét nghiệm, kỹ thuật "định vị qua điện thoại" ngày càng được nói đến như một biện pháp không thể tránh khỏi tại Pháp, cho dù cho đến rất gần đây, biện pháp này được coi là điều hoàn toàn bị loại trừ, do nguy cơ xâm phạm quyền tự do cá nhân. 

Theo Le Figaro, chỉ trong vòng 10 ngày, chính phủ Pháp đã hoàn toàn thay đổi quan điểm trong vấn đề này. Ngày 26/03, trên đài truyền hình France 2, bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner nói thẳng : "giải pháp này không nằm trong văn hóa Pháp". 10 hôm sau, cũng trong một cuộc trả lời khác trên đài France 2, ông bảo đảm là kỹ thuật này được toàn bộ người Pháp ủng hộ, với điều kiện tôn trọng các quyền tự do cá nhân và chỉ được sử dụng cho cuộc chiến chống virus. Vấn đề là giải pháp này cụ thể sẽ được tiến hành ra sao ? 

Ngày 08/04, quốc vụ khanh phụ trách Kỹ thuật số Cédric O sẽ lần đầu tiên đưa ra các nội dung cụ thể cho giải pháp này, cùng với bộ trưởng Y tế. Tiếp theo đó, ngày thứ Năm, Ủy Ban Tư Pháp, Hạ Viện Pháp sẽ nghe giải trình của chính phủ. Trước đó, cựu quốc vụ khanh về Kỹ thuật số Mounir Mahjoubi, cũng chuyển đến các nghị sĩ của đảng cầm quyền một báo cáo 40 trang về chủ đề này, để cung cấp các cứ liệu, giúp cho cuộc thảo luận về "chủ đề nóng bỏng" này đi vào tâm điểm của vấn đề: các biện pháp cụ thể, cân bằng lợi hại của giải pháp định vị kỹ thuật số. 

Định vị "các tiếp xúc" thay vì định vị "lộ trình"

Về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận đáng chú ý, với tựa đề "Định vị người nhiễm virus. Đồng ý, nhưng vấn đề là phải có các bảo đảm". Le Monde ghi nhận biện pháp này đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi để phòng chống Covid-19, sử dụng mang tính cưỡng chế, như tại Trung Quốc, sử dụng được sự đồng thuận của người dân như ở Hàn Quốc và Singapore, nơi các thông tin về lộ trình di chuyển của  các cá nhân nhiễm bệnh được gửi đến tất cả mọi người. 

Châu Âu vốn có quan điểm hoàn toàn khác về hình thức kiểm soát này. Cho đến nay, Châu Âu rất dè dặt trước khả năng các dữ liệu cá nhân được Nhà nước sử dụng một cách rộng rãi. Để hóa giải vấn đề này, nhiều nước Châu Âu tìm các phương pháp khác so với các nước Châu Á : Thay vì định vị toàn bộ quá trình di chuyển của cá nhân người bị nhiễm virus, mục tiêu định vị sẽ chỉ nhắm vào các tiếp xúc của đương sự, và thông tin về cá nhân được bảo mật. Cụ thể là xác định xem những ai đã từng ở sát đương sự, bằng cách xác định các điện thoại ở kế bên, đặc biệt thông qua kỹ thuật không dây Bluetooth. Biện pháp này "cho phép các cơ quan y tế cảnh báo những người có vị trí tiếp xúc gần, để họ nhanh chóng đi xét nghiệm, và nếu bị nhiễm virus, thì tiến hành điều trị hoặc chủ động tự cách ly". 

Bảo vệ "các thành quả" dân chủ

Le Monde cũng ghi nhận các thăm dò dư luận đầu tiên cho thấy một tỉ lệ lớn người dân chấp nhận các biện pháp này. Điều đó có nghĩa là người dân sẵn sàng chấp nhận một số giới hạn về quyền tự do cá nhân, cơ bản, hiến định, một khi an ninh bị đe doạ. Tuy nhiên nhật báo Pháp cũng lưu ý là việc sử dụng các công nghệ định vị phải bảo đảm quyền tự do cá nhân, với các quy định chặt chẽ. Cụ thể là biện pháp này phải hoàn toàn "được giới hạn về mặt thời gian, phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, phải được Quốc Hội và tư pháp kiểm soát. Nhìn chung, phải tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện có". 

Xã luận Le Monde kết luận : "Hiện tại dường như đã có một đồng thuận về việc thế giới "hậu virus corona" sẽ khác với thế giới trước đó. Tuy nhiên, không nên phủ nhận những thành quả của thế giới trước đó, mà việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân, trên quy mô toàn Châu Âu, là một trong số đó". 

Sẵn sàng áp dụng "từ giữa tháng 4"

Vẫn về chủ đề công nghệ định vị các tiếp xúc với người nhiễm virus, trên Le Monde có bài "Smartphone, ứng dụng, các thách thức của việc định vị áp dụng cho đại chúng để chống đại dịch". Khác biệt với các nước Châu Á, Châu Âu ưu tiên giải pháp xác định các tiếp xúc giữa các cá nhân với người nhiễm virus, chứ không phải là lộ trình của người nhiễm virus. Kỹ thuật không dây Bluetooth được ưu tiên, vì cho phép xác định các cá nhân có điện thoại gần kề với điện thoại của người nhiễm virus. 

Ngày 01/04, PEPP-PT, một tổ hợp các nhà nghiên cứu Châu Âu, thông báo đã có đủ điều kiện để cho vận hành một cơ sở hạ tầng thông tin cho phép các cơ quan y tế xây dựng một ứng dụng theo dõi các bệnh nhân, bảo đảm các dữ liệu cá nhân được bảo vệ. Các trắc nghiệm cuối cùng đang được tiến hành, việc đưa ra ứng dụng chính thức lần đầu tiên có thể sẽ diễn ra ngay vào giữa tháng Tư. Chính quyền nhiều nước đang theo dõi sát thử nghiệm này. Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu của Massachusetts Institute of Technology (MIT) cũng phát triển một ứng dụng tương tự, sử dụng công nghệ GPS và Bluetooth. 

Theo tiến sĩ Lisa O. Danquah, trường Y tế Công Đại học Imperial College, Luân Đôn, thì "việc các cá nhân có quyền tự do chọn hay không việc tải nạp ứng dụng định vị này vào điện thoại là một trong các bảo đảm cho quyền bảo vệ thông tin cá nhân", cùng với việc các biện pháp khác, như việc thành lập các cơ chế giám sát việc thực thi giải pháp theo dõi, định vị các tiếp xúc với người bị nhiễm virus. Vấn đề bảo mật thông tin là yếu tố quyết định cho sự thành công của giải pháp này.

Theo một chuyên gia có tiếng về công nghệ tin học Yves-Alexandre De Montjoye, lãnh đạo Computational Privacy Group tại Đại học Imperial College, Luân Đôn, thì "một ứng dụng cho phép hoàn toàn bảo vệ bí mật cá nhân là nằm trong tầm tay, và không cần phải lựa chọn giữa một bên là bí mật cá nhân, và bên kia là kỹ thuật định vị. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải có đầu tư đủ mức". 

Những khó khăn kỹ thuật và vấn đề "tự nguyện" 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo về hiệu quả của giải pháp định vị bằng Bluetooth, chưa hẳn đã là "cây đũa thần" cho phép xác định chính xác các tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm, bởi nhiều khó khăn kỹ thuật, như "mật độ người có mặt tại điểm đo lường". Về mặt dịch tễ học, nhiều câu hỏi về virus SARS-CoV-2 hiện chưa có lời giải, như trong vòng bao lâu một người mang virus không triệu chứng có nguy cơ lây nhiễm sang người khác ? Mật độ virus là bao nhiêu thì xuất hiện nguy cơ lây nhiễm ? Ở khoảng cách bao nhiêu và trong thời bao lâu, một tiếp xúc được coi là có nguy cơ lây nhiễm ? 

Bên cạnh đó, một trong các đòi hỏi hàng đầu là giải pháp định vị nói trên phải được sự hưởng ứng của một số lượng đông đảo người nhất định thì biện pháp này mới có được kết quả mong muốn. Đó là có được nhiều người tải nạp cũng như ứng dụng phải được để mở liên tục. Và muốn được như vậy, điều kiện hàng đầu là người sử dụng "phải tin tưởng" vào hệ thống công nghệ này. 

Phong tỏa : "Những kết quả đầu tiên" có thể gây mất cảnh giác

Vẫn về Covid-19 tại Pháp, Le Figaro nói đến "những kết quả đầu tiên của chính sách phong tỏa". Ba tuần kể từ đầu đến nay, biện pháp này rõ ràng đã cho phép làm chậm lại số ca mới nhiễm, số ca phải điều trị tích cực, hay phải đưa vào khoa hồi sức. 

Tuy nhiên, giới y tế rất lo ngại việc dân chúng trở nên mất cảnh giác. Bởi cho dù dịch bệnh đã tiến triển chậm lại, nhưng đỉnh dịch trên toàn quốc nhìn chung vẫn chưa tới. Le Figaro lo ngại trước tình trạng một bộ phận dân chúng, trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, tranh thủ thời tiết ấm áp, trở lại các công viên, dạo chơi, tắm nắng. Và đây cũng là thời điểm kỳ nghỉ Xuân thường lệ, phản xạ muốn nghỉ ngơi thư giãn bên ngoài trở lại với nhiều người. Nhật báo thiên hữu dẫn lời của bộ trưởng Nội vụ, nhấn mạnh với công chúng, là đừng nên quyết định ra ngoài hay không vì lý do thời tiết thay đổi, vì đây là vấn đề chống dịch. Nguy cơ hiện nay là buông thả. 

Tuy nhiên, bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cũng đánh giá là về cơ bản người Pháp tuân thủ nguyên tắc phong tỏa thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Cụ thể là số lượt người đi đến các phương tiện công cộng giảm 87% kể từ đầu phong tỏa, đến các địa điểm tiêu thụ, giải trí giảm 88%. Thứ hai tuần này, tổng cộng chính quyền đã tiến hành tổng cộng 8,2 triệu lượt kiểm soát, và lập 480 000 biên bản phạt. Gần 1,4 triệu lượt kiểm soát được tiến hành chỉ riêng trong ba ngày gần đây. 

Suy nghĩ cho giai đoạn "hậu phong tỏa"

Bài xã luận của Libération thiên tả, mang tựa đề "Nỗ lực" cũng theo cùng hướng. Đó là cho dù đã nhìn thấy le lói ánh sáng cuối đường đường hầm, nhưng mọi người phải tiếp tục cố gắng, ai ở yên chỗ đấy. Không nên chủ quan, với các số liệu có phần khả quan tại Pháp, Ý và Tây Ban Nha được công bố cuối tuần qua. Bởi vì, cho dù giai đoạn khó khăn nhất đã qua, nhờ ở việc các nhân viên y tế đã nỗ lực hết mình, và hiệu quả của chính sách phong tỏa,  nhưng đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành, rất nhiều cá nhân và gia đình vẫn đang là nạn nhân của Covid-19. Điều tốt nhất với đông đảo mọi người là hãy tiếp tục sống cách ly, giãn cách, "tận dụng những ngày sống gián cách này để suy nghĩ về các bước tiếp theo". 

Tương tự như giai đoạn phong tỏa, giai đoạn hậu phong tỏa cũng hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Libération báo trước là để trở lại với cuộc sống bình thường sẽ phải có cả "một cơ chế phức hợp", vừa cho phép giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm, và đồng thời tránh được những phân biệt kỳ thị. Bởi sau giai đoạn này, sẽ có những người nhiễm virus lành bệnh, người được miễn nhiễm với virus, nhưng cũng có  người chưa nhiễm virus do sống trong cách ly, lo lắng trước một tương lai bất định. 

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế