Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nguồn : RFI, 22/03/2020

Published in Video

Covid-19 : Trung Quốc tung chiến dịch ngoại giao khẩu trang

Con virus corona tiếp tục bám vào báo chí Pháp ra ngày 20/03/2020. Không hẹn mà gặp hai tờ Le Monde và Le Figaro đều dành tựa lớn trang nhất cho tình trạng khan hiếm khẩu trang tại Pháp, trong lúc Libération và La Croix thì quan tâm đến giới y tá, bác sĩ đang đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh Châu Âu gặp khó khăn vì dịch bệnh, Le Figaro đặc biệt ghi nhận sự kiện "Trung Quốc tung chiến dịch ngoại giao khẩu trang", tựa bài phân tích ở trang quốc tế.

ngoaigiao1

Nhân viên cấp cứu di chuyển bệnh nhân bị nghi nhiểm Covid-19 từ nhà đến bệnh viện tại Paris (Pháp) ngày 20/03/ 2020. Reuters - BENOIT TESSIER

Le Figaro trước hết nêu bật một loạt cử chỉ của Trung Quốc đối với các nước đang bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng Covid 19 : Tặng cho nước Pháp 1 triệu chiếc khẩu trang, cử 300 bác sĩ qua Ý cùng với trang thiết bị để giúp chống dịch, cung cấp thiết bị hay trợ giúp y tế cho hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế, từ Nhật Bản, Pakistan cho đến Lào, Thái Lan… Tại Châu Âu, ngoài Pháp và Ý, Bắc Kinh cũng ra tay giúp đỡ nhiều nước vùng Balkan, đặc biệt là Serbia

Cơ hội bằng vàng để tô điểm lại hình ảnh, đào sâu chia rẽ tại Châu Âu và giữa Mỹ với Châu Âu

Đối với Le Figaro, tình trạng rối loạn y tế mà dịch Covid-19 đang tạo ra tại Châu Âu và Hoa Kỳ, là cơ hội bằng vàng cho Bắc Kinh để đánh bóng lại hình ảnh bị hoen ố năng nề sau những sai sót ban đầu trong cách xử lý dịch bệnh vào lúc bùng lên tại Vũ Hán.

Theo Le Figaro, con virus corona đã phơi bày những vết rạn nứt trong nội bộ Châu Âu cũng như giữa Châu Âu và nước Mỹ thời tổng thống Donald Trump, những kẽ nứt mà Trung Quốc đã chen vào để khoét rộng từ nhiều năm nay.

Chuyên gia Natasha Kassam thuộc viện nghiên cứu Lowy tại Úc cho rằng : "Đây là một cái tát mới vào mặt liên minh phương Tây, đặc biệt là liên minh giữa Châu Âu và Hoa Kỳ. Viện trợ mà Trung Quốc dành cho Ý nổi bật lên thành một điểm tốt, đối nghịch với những tin đồn về những nỗ lực thô bạo của Trump để giành lấy một loại vác-xin từ một phòng thí nghiệm của Đức. Điều đó rất tốt cho hình ảnh của Trung Quốc".

Không đủ dùng trong nước nhưng vẫn tung khẩu trang ra thế giới

Đối với Le Figaro, dù là nhà sản xuất khẩu trang số một thế giới, Trung Quốc hiện vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt loại phương tiện bảo vệ này dù nhu cầu cực lớn tại các thành phố Châu Á. Thế nhưng Bắc Kinh đã tăng sản lượng lên gấp 10 lần trong vài tuần bằng cách huy động guồng máy công nghiệp của họ.

Từ mức 10 triệu chiếc mỗi ngày vào đầu tháng 2, trong vài ngày, sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc đã tăng vọt, lên đến 54 triệu vào ngày 22/02, trước khi đạt kỷ lục 116 triệu đơn vị mỗi ngày kể từ ngày 29/02. Kỳ tích công nghiệp này đã có thể thực hiện được nhờ việc huy động các đại tập đoàn, sẵn sàng chuyển đổi công việc sản xuất, như tập đoàn dầu hỏa Sinopec, hay thậm chí là Foxconn của Đài Loan, thường sản xuất iPhone.

Trong bối cảnh sự gia tăng sản xuất ngoạn mục này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa khổng lồ của quốc gia đông dân nhất thế giới này, với 530 triệu công nhân viên Trung Quốc cần khẩu trang mỗi ngày, Bắc Kinh vẫn đang thúc đẩy các nhà công nghiệp đáp ứng nhu cầu toàn cầu, vì đã đánh hơi cơ hội kinh tế và ngoại giao.

Trước lúc nổ ra cuộc khủng hoảng Covid-19, Trung Quốc đã là nhà sản xuất một nửa khẩu trang của hành tinh và đang cố tăng thêm thị phần. Thế nhưng, theo Le Figaro, các nước Châu Âu trong đó có Pháp sẽ phải tìm nguồn cung ứng khác, và nhất là dựa vào chính mình để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân của mình trong trường hợp khẩn cấp như hiện nay.

Le Figaro kết luận : Đó sẽ là một bài toán hóc búa khác cho giới lãnh đạo phương Tây, những người đã chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc và hiện đang phải trả giá đắt cho sự lệ thuộc công nghiệp vào Bắc Kinh.

Thiếu khẩu trang, nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm

Về tình trạng thiếu khẩu trang tại Pháp, Le Monde báo động về hậu quả : "Nhân viên y tế bị phơi nhiễm", ghi nhận nỗi giận dữ đang trào dâng trong các bệnh viện, phòng mạch, hiệu thuốc, các đơn vị cấp cứu SAMU.

Theo tờ báo, mức cung ứng thấp hơn nhu cầu rất nhiều, và ở một vài nơi, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân không có được khẩu trang để tự bảo vệ.

Vấn đề, theo Le Monde, là trái với những lời hứa của chính phủ, hàng cung cấp rất thất thường, ngay cả các cơ quan y tế cấp vùng có vẻ như cũng mù tịt về số lượng khẩu trang hiện có.

Đối với Le Monde, tình trạng cung cấp nhỏ giọt đã làm gia tăng rủi ro lây nhiễm cho những nhân viên y tế, vốn đã phải làm việc căng thẳng. Chính vì vậy mà ngày càng có thêm nhiều người cảm thấy mình bị chính quyền bỏ rơi, không có phương tiện để chống dịch.

"Những câu hỏi về một sự khan hiếm"

Tương tự như đồng nghiệp Le Monde, Le Figaro nêu bật "Những câu hỏi về một sự khan hiếm", với ghi nhận là từ nhiều tuần lễ nay, các bác sĩ và nhân viên y tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu khẩu trang nghiêm trọng.

Theo Le Figaro, trong bối cảnh dịch coronavirus đang lây lan mạnh, nước Pháp đang tìm mọi cách để trang bị khẩu trang cho mình, trước tiên hết là cho những người làm việc trong lãnh vực y tế, cho các bệnh viện, cho các bác sĩ tư nhân đang rất cần đến phương tiện tự bảo vệ này.

Chính phủ Pháp hiện cần phải gia tăng khối lượng khẩu trang, do đó đã tăng cường sức ép trên các nhà sản xuất Pháp, cũng như gia tăng nhập khẩu. Quân đội, cũng như các ngành công nghiệp khác cũng được yêu cầu đóng góp.

Vấn đề được Le Figaro nêu bật là người dân bình thường cũng muốn được trang bị khẩu trang, nhưng giới chức y tế Pháp đã cho rằng khẩu trang không cần thiết đối với những ai không bị bệnh.

Dẫu sao, theo Le Figaro, tại Quốc hội Pháp vào hôm qua, chính phủ đã bị các dân biểu chất vấn trên cách quản lý dịch Covid-19, trong đó có vấn đề để xẩy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang.

Cảm Ơn giới y tá bác sĩ

Cũng chọn chủ đề dịch Covid-19, nhật báo Libération đã hô vang lời cảm ơn các nhân viên y tế Pháp đang ở trên tuyến đầu chống dịch. Hàng tựa đậm lớn viết bằng chữ in hoa "MERCI" trên trang nhất tờ báo, bên cạnh cận ảnh một nữ bác sĩ đeo khẩu trang, vẻ mặt đăm chiêu, đã nói lên lòng cảm ơn vô hạn của người Pháp trong mùa dịch bệnh khủng khiếp này.

Đối với Libération, cho dù tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, bất kể các điều kiện làm việc khắc nghiệt, toàn bộ guồng máy y tế đang chiến đấu, với ý thức trách nhiệm mẫu mực, để đối mặt với dịch bệnh do con virus corona gây ra.

Tờ báo đã dành 14 trang báo để ghi nhận những lời chứng, đặc biệt liên quan đến các khó khăn, nguy hiểm mà các nhân viên y tế đang gặp phải, cũng như những lời cám ơn, động viên của mọi giới đối với sự tận tâm của các bác sĩ, y tá.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Lòng biết ơn - Gratitude", Libération đã nhắc lại một câu danh ngôn của thủ tướng Anh Churchill để cho rằng "Chưa bao giờ trong lịch sử y tế của đất nước, một số lượng người to lớn như thế lại mang nhiều ơn như thế đối với một nhóm nhỏ người như thế.

Câu nói của Churchill "Never so many owed so much to so few" - đưa ra trong thời Đệ nhị Thế chiến, để nói về công ơn của những phi công Hoàng Gia Anh - theo Libération, rất thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà mọi người đang lâm chiến với một con virus độc hại.

Lời chứng từ những người "trên tuyến đầu" chống dịch

Cũng vinh danh giới nhân viên y tế Pháp, nhật báo La Croix nêu bật sự kiện đây là những người đang đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến chống Covid-19.

Ngay trang bìa, La Croix, chỉ chạy tít đơn giản "Trên tuyến đầu" bên trên ảnh chân dung một khuôn mặt phụ nữ đeo khẩu trang, đầu trùm một cái mũ y tế mầu xanh, hai bàn tay đeo găng xanh đang đưa lên chỉnh một cặp kính bảo hộ màu trắng.

Nhật báo công giáo Pháp đã dành diễn đàn của mình cho những người trong ngành y tế Pháp, hiện đang huy động toàn lực để đối phó với dịch Covid-19.

La Croix cũng không quên nhắc lại rằng tình trạng khan hiếm khẩu trang tại Pháp đang làm cho giới bác sĩ và y tá lo ngại.

Nguy cơ kinh tế bị tê liệt vì Covid-19

Tờ báo kinh tế Pháp ghi nhận là tổng thống Pháp Macron đã hô hào động viên cả nước nỗ lực duy trì các hoạt động. Les Echos đặc biệt chú ý đến những mối lo ngại của bộ Kinh tế Pháp trước ba dấu hiệu : Khó khăn và căng thẳng nẩy sinh trong ngành xây dựng và đóng gói, sự tụt giảm của mức tiêu thụ điện và sự sụp đổ của lãnh vực việc làm theo thời vụ.

Les Echos cũng ghi nhận một trong những cách đối phó : Đó là sẽ quy định một khoản tiền thưởng cho những ai chịu đi làm trong mùa dịch.

Nguy cơ kinh tế Pháp bị tê liệt còn gia tăng trong bối cảnh lệnh hạn chế đi lại và tụ tập để ngăn dịch sẽ được kéo dài.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Chống dịch virus corona : ý thức Công dân, bổn phận Nhà nước

Nước Pháp tuyên chiến với kẻ thù vô hình, toàn quốc bị phong tỏa, Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa biên giới trong vòng một tháng, kinh tế Châu Âu đình trệ, mỗi quốc gia một chiến lươc đối phó... siêu vi corona tiếp tục tràn ngập các trang báo Pháp.

chong1

Quang cảnh từ Pont des Arts, trước Viện Hàn Lâm Pháp, không một bóng người do lệnh phong tỏa để đối phó với địch virus corona, Paris, ngày 18/03/2020. Reuters - CHRISTIAN HARTMANN

Tổng động viên chống dịch

Macron ban hành tổng động viên, nước Pháp bị phong tỏa, một kế hoạch 45 tỷ euro giúp doanh nghiệp trong cơn khốn khó, đình hoãn dự luật cải cách hưu trí, dịch lan chậm lại tại Ý...

Từ Le Monde, Libération cho đến Le Figaro, tất cả đều chọn những bức ảnh đường phố Paris hoang vắng đưa lên trang nhất để gây ấn tượng. Cuốn phim De Gaulle vừa ra mắt khán giả trước khi các rạp xi-nê phải tạm đóng cửa cũng được cây bút hí họa của Le Monde đưa vào mục thời sự để minh họa cho sự kiện chiều thứ Hai, tổng thống Pháp loan báo các biện pháp triệt để chống dịch : "Đây, người bị cách ly nói với người bị cách ly" (nguyên văn : Đây, người Pháp nói với người Pháp). Tranh vui thứ nhì vẽ một cậu bé mặc áo siêu nhân (superman) ngạc nhiên hỏi một nhóm người lớn buồn rầu đeo khẩu trang : Bộ không chơi nữa hay sao ?

Với các tựa và hí họa trên đây, Le Monde tóm lược những chuyển biến trong 24 giờ qua trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và hệ quả.

Trong bài xã luận "Kỳ vọng vào ý thức công dân", nhật báo độc lập nhận định là tổng thống Pháp bắt buộc phải ban hành biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại của người dân như Ý và Tây Ban Nha đã làm. Bởi vì đây là cách khả thi nhất theo sự cố vấn của hội đồng các nhà khoa học. Chúng ta đang có chiến tranh ông nhấn mạnh đến sáu lần câu nói bất hủ của Georges Clémenceau, vị thủ tướng Pháp biết kích động tinh thần dân Pháp để thắng cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918.

Phong tỏa ra sao ? Tổng thống để cho bộ trưởng Nội Vụ Pháp, chức vụ có biệt danh là "ông cò số một" nói rõ chi tiết "ngăn đường giặc siêu vi" : Huy động 100.000 cảnh sát, hiến binh, kiểm soát các tụ điểm then chốt. Còn công dân ra đường trong giai đoạn 14 ngày này phải có sẵn một tờ cam kết danh dự là đi đâu, có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt trong một hai ngày đầu là 38 euro, mấy ngày sau 135 euro.

Lệnh của chính phủ rất rõ ràng : Mọi người phải ở trong nhà. Ở nhà mới bảo vệ được sức khỏe, mạng sống của mình và cho người khác trong tinh thần "tập thể công dân".

Không chơi nữa sao ?

Thái độ "vô tâm" của dân Pháp cũng bị tổng thống lưu ý. Trong lúc dịch Covid-19 lây lan, hơn 100 nạn nhân qua đời tại Pháp, học sinh ở nhà học qua internet, mà dân chúng vẫn tấp nập mua sắm hay ra công viên, bờ sông tắm nắng. Từ nay, phải dùng biện pháp nghiêm ngặt hơn, bắt ở nhà. Cuộc chay đua tranh thủ thời gian chống bệnh và cái chết đã bắt đầu mà mục đích là làm sao cắt đứt con đường lây qua tiếp xúc để bệnh viện và nhân viên y tế có thời giờ và phương tiện y khoa chăm sóc cho từng bệnh nhân thay vì phải chọn kịch bản bỏ mặc người già như La Croix, trong bài mỗi nước một chiến lược, nói đến.

Virus corona phục hồi vai trò Nhà nước

Cũng Le Monde, bài phân tích "Corona phục hồi vai trò Nhà nước" nhấn mạnh đến bổn phận chính trị của chế độ và nhà lãnh đạo.

Covid-19 không chỉ mà một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần. Nó còn là cơ hội để đánh giá chính xác tinh thần đề kháng, tinh thần đoàn kết tương thân tương trợ. Trong bình diện quốc gia, tinh thần tương thân tương trợ thường khi xung khắc với tâm lý ích kỷ, co cụm. Chưa chi mà không gian tự do đi lại Schengen, một trong những thành tựu quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu, đã bị khoanh lại.

Trước nguy cơ dân chúng tử vong vì virus ngày càng nhiều cũng như kinh tế đình trệ, vai trò của Nhà nước, hiện đang thất thế trước xu hướng toàn cầu hóa và thế lực áp đảo của các tập đoàn đa quốc gia, sẽ được hồi phục, tăng cường.

Đại dịch virus corona là cơ hội ngàn năm có một để chứng minh được tính vững chắc của giới lãnh đạo chính trị Châu Âu và xa hơn nữa là thế bền vững của các chế độ chính trị dân chủ, minh bạch và quyết tâm hy sinh quyền lợi cá nhân để cứu sinh mạng đồng bào.

Theo tác giả, còn quá sớm để có thể kết luận chế độ dân chủ có chuẩn bị tốt hơn chế độ độc tài hay không bởi vì chúng ta chưa qua đỉnh khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, có thể đưa ra một số nhận xét như sau :

- Che giấu sự thật đã làm mất nhiều thời giờ qúy báu ;

- Chế độ Trung Quốc với tập quán quan liêu từ gốc, sau khi phủ nhận sự thật đã quay sang phản ứng cực đoan thái quá ;

- Tại Iran, cách thức ứng phó tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp đã làm cho bộ máy quyền lực tiêu hao nhân sự.

Tuyên truyền quy kết, gọi hiểm họa dịch Covid-19 là âm mưu khuynh đảo của ngoại bang, thay vì kêu cứu chống dịch, đã làm hàng loạt quan chức chết oan mạng ; - Chính quyền Donald Trump cũng phủ nhận thảm họa virus corona chủng mới cho nên giờ đây Mỹ phải đối phó với một thử thách nghiêm trọng và bất trắc.

Tại Mỹ cũng như tại Châu Âu, dịch virus corona đặt vấn đề về vai trò của bệnh viện công và nhân phẩm con người cho dù là nghèo hay giàu. Giáo dục, y tế, an toàn cho dân là ba chức năng cơ bản của một Nhà nước cần phải được định nghĩa lại sau con biến động này.

Cứu nguy kinh tế

Libération chê trách tổng thống Mỹ Donald Trump vì muốn tái đắc cử nên chỉ lo cho sức khỏe của thị trường hơn là sức khỏe của dân chúng.

Tham vọng chính trị của chủ nhân Nhà Trắng khiến ông phủ nhận sự thật trong nhiều tuần lễ, cuối cùng sàn chứng khoán cũng rơi tự do và còn tiếp tục. Bây giờ, chính phủ Mỹ mới thông báo chi ra 1.000 tỷ đôla chống dịch khẩn cấp.

Trên góc nhìn y tế, cũng như Le Monde, nhật báo Les Echos lo ngại cho Ấn Độ, một nước đông dân nhất địa cầu mà chỉ có hơn 100 ca bệnh. Một trong những lý do biện giải là Ấn Độ không có phương tiện xét nghiệm đại trà như Hàn Quốc. Chính nhờ biện pháp này và chính sách tận lực cứu chữa thật sớm cho từng công dân mà Hàn Quốc đã làm giảm đà lây lan cũng như giới hạn số người chết.

Cứu nhà bị cháy không hà tiện nước

Trên góc nhìn kinh tế, Les Echos chào mừng quyết định của Pháp chi ra 45 tỷ euro, một kế hoạch vô tiền khoáng hậu hỗ trợ cho các hãng xưởng lớn nhỏ bị khó khăn. Tuyên bố của bộ trưởng Tài chính được lấy làm tựa lớn : Khi nhà bị cháy thì ai lại đếm số lít nước ? Phương án quốc hữu hóa các hãng thu lỗ nhiều cũng được dự kiến.

Tuy nhiên, điều mà Les Echos cảm thấy cần kíp phải thay đổi qua bài học Covid-19 là phải tránh tình trạng lệ thuộc vào sản xuất giá rẻ của Trung Quốc mà tổng thống Macron lưu ý. Les Echos hy vọng tuyên bố của tổng thống Macron sẽ sớm được thực hiện.

La Croix cũng góp tiếng vào kinh tế với tựa báo động : Chiến tranh kinh tế khai màn. Về dịch tễ, nhật báo công giáo trình bày ba liệu pháp chống dịch : Để siêu vi lây lan khắp nước để toàn dân sau đó được miễn dịch như chủ trương, nay đã bỏ, của Anh Quốc và cũng là dự án của Hà Lan. Chiến lược thứ hai là "cách ly" triệt để như Ý hay tương đối nhẹ hơn như ở Pháp. Và thứ ba là "thông tin để dân chúng ý thức tích cực tham gia" như trường hợp Hàn Quốc.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Virus corona : Tổng thống Pháp tuyên chiến với "kẻ thù vô hình"

Trong những ngày này, dịch bệnh Covid-19 vẫn là tâm điểm của báo chí Pháp, nhất là về tình hình trong nước. Trên trang nhất, cả báo Les Echos Le Figaro đều đăng hình tổng thống Macron và chạy tít chính giống nhau : Nous sommes en guerre - Chúng ta đang trong chiến tranh. Đây là câu nói được tổng thống Pháp nhắc lại 6 lần trong bài phát biểu dài hơn 20 phút trên truyền hình tối hôm qua 16/03.

ennemi1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên chiến với virus corona : "Kẻ thủ đang ở đây, một cách vô hình" -AFP/Ludovic Marin

Nước Pháp đã tuyên chiến với virus corona. Libération trích một câu nói khác của tổng thống Macron làm tựa trang nhất : "Kẻ thủ đang ở đây, một cách vô hình".

Còn báo công giáo La Croix đăng tựa ngắn gọn "Thời phong tỏa", trên nền ảnh một người đàn ông đeo khẩu trang, đang kéo vali một mình trên đường phố vắng vẻ không bóng người. Trong khi đó, báo Le Monde, ra từ chiều hôm qua, báo động"Tình trạng y tế xuống cấp nhanh chóng".

Trở lại với Le Figaro, tờ báo thiên hữu gọi các biện pháp mà tổng thống Macron đưa ra tối hôm qua trong bài phát biểu trên truyền hình là "những biện pháp mang tính lịch sử". Các quy định mới hạn chế người dân ra khỏi nhà có hiệu lực từ 12h trưa hôm nay 17/03, nhưng ngay sau bài phát biểu của tổng thống, bộ trưởng Nội Vụ Castaner đã huy động 100.000 cảnh sát và hiến binh trên phạm vi toàn quốc để bảo đảm dân chúng thực thi nghiêm túc lệnh phong tỏa.

Le Figaro dành cả trang nhất, bài xã luận và 18 trang để nói về virus corona. Vòng 2 bầu cử địa phương dự kiến diễn ra vào ngày 22/03 bị hoãn lại. Các cuộc cải cách bảo hiểm thất nghiệp và cải tổ hưu trí cũng sẽ tạm ngưng. Các bệnh viện, nhất là ở vùng Paris, chuẩn bị đối phó khi "cơn sóng thần" Covid-19 ập đến. Châu Âu đóng cửa biên giới để hạn chế đà lây lan của virus.

Trải nghiệm chưa từng có

"Chưa từng có" là tựa bài xã luận của báo công giáo La Croix. Giờ đã đến lúc tập trung vào một mục tiêu duy nhất : đánh bại dịch bệnh do virus corona nhanh nhất có thể. Mọi chuyện khác phải được gạt sang một bên. Bắt đầu từ hai cuộc cải cách, vốn trong những tháng gần đây đã bị phản đối kịch liệt nhất : bảo hiểm thất nghiệp và chế độ hưu bổng. Việc đình chỉ hai cuộc cải tổ này được chính nguyên thủ Pháp Macron công bố trong tối hôm qua. La Croix nhận định với thông báo nói trên, tổng thống Emmanuel Macron cho thấy ông mong muốn đoàn kết các lực lượng trong cả nước trong giai đoạn chưa từng có này.

Đúng là nước Pháp đang có một trải nghiệm chưa từng có. Tất cả các hoạt động không thực sự cần thiết đều phải tạm ngưng. Công dân được yêu cầu ở yên trong nhà. Kỳ bầu cử địa phương bị đình chỉ khi đang ở giữa hai vòng. Quân đội được huy động để tăng cường cho hệ thống bệnh viện. Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa biên giới. Một quỹ với ngân sách lớn được thành lâp để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế rủi ro phá sản. Chưa bao giờ nước Pháp có sự triển khai "kho vũ khí" quy mô lớn đến như vậy trong giai đoạn không có xung đột vũ trang.

Trên thực tế, đây đúng là một trận chiến. Tổng thống Emmanuel Macron thậm chí đã sử dụng từ "chiến tranh" nhiều lần để mọi người phải lưu tâm hơn và nhận thức được là tình hình đang rất cấp bách. Nước Pháp đang bước vào "một cuộc đua tốc độ" với virus corona để hạn chế số nạn nhân và cho phép cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất có thể.

Vì thế, La Croix kêu gọi tất cả mọi người phải nỗ lực. Ở yên trong nhà là thể hiện ý thức công dân và tình đoàn kết với những người bắt buộc phải ra ngoài để tham gia cuộc chiến đấu nhằm duy trì các hoạt động sống còn của xã hội.

Cuộc chạy đua với thời gian

Trong bài xã luận có tiêu đề "Cuộc chạy đua với thời gian", Le Figaro chỉ trích tổng thống Macron trong việc chậm trễ đưa ra các biện pháp mạnh tay. Theo Le Figaro, chính vì thiếu các phản ứng mạnh nên bây giờ nước Pháp mới phải "chạy đua với thời gian". Le Figaro lấy làm tiếc là kinh nghiệm của Trung Quốc và Ý lẽ ra đã phải chỉ ra cho nước Pháp con đường nên đi.

Tờ báo nhấn mạnh sức mạnh của một nền dân chủ là bảo đảm quyền tự do bầu cử, nhưng phải biết thích nghi với tình hình, đảm bảo tự do ngôn luận nhưng cũng phải bảo vệ người dân. Vì thế, Le Figaro lấy làm tiếc là chính quyền Pháp đã trì hoãn rất lâu trước khi ra quyết định như tối hôm qua. Phải mất quá nhiều thời gian tổng thống Macron mới nhận ra rằng chúng ta không còn có thể sống như trước. Giải pháp duy nhất để tránh thảm họa y tế là ngồi yên trong nhà. Mọi người phải học cách sống khác đi. Le Figaro trấn an độc giả là trong thời đại siêu kết nối internet, đây không phải là ngày tận thế.

May mắn là cuối cùng Emmanuel Macron đã nhận ra không ai có thể dự đoán được khi nào dịch bệnh chấm dứt. Ý thức kỷ luật sẽ phải như cuốn hộ chiếu thiết yếu cho cả cá nhân và tập thể để có thể đi qua cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này. Đây là điều chắc chắn duy nhất.

Pháp : Cuộc chiến dài hơi chống virus corona

Bài xã luận của Le Monde ra từ chiều hôm qua, trước khi tổng thống phát biểu trên truyền hình, cũng nói đến "một cuộc chiến dài hơi". Tại Pháp, do chậm nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 nên việc phát huy tinh thần trách nhiệm của người dân trong cuộc chiến chống virus corona cũng bị chậm trễ.

Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhấn mạnh trong những ngày đầy lo lắng như thế này, không nên thêm bồi nỗi tức giận vào nỗi sợ hãi, cũng không nên gây chia rẽ trong bối cảnh mọi người cần cách ly. Không còn thời gian để gây thêm tranh cãi về những tính toán nhỏ nhặt và sự khinh suất khi chính quyền vẫn cho tiến hành tổ chức cuộc bầu cử địa phương vô nghĩa. Le Monde lấy làm tiếc là cuộc bầu cử hôm 15/03 đã làm lãng phí một ngày quý giá trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời nó phát một thông điệp đi ngược với tình trạng nguy cấp theo đó "đừng chần chừ gì nữa, mọi người phải tránh lại gần nhau và ở yên trong nhà".

Nhiều người Ý đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi không nghiêm túc lúc khủng hoảng dịch bệnh mới nổ ra, nay họ đã hiểu điều đó và tỏ ra rất mẫu mực, tôn trọng kỷ luật. Le Monde lo ngại là hiện nay dân Pháp chưa làm được điều tương tự như người láng giềng Ý. Bất chấp các dự đoán đáng báo động, các biện pháp ngày càng cứng rắn, các con số người nhiễm bệnh và chết ngày càng đáng lo ngại, nhưng đối với nhiều người Pháp, mối rủi ro vẫn chỉ liên quan đến những người khác - người già hoặc người ốm yếu, mối nguy dường như vẫn còn ở đâu đó rất xa trong tương lai.

Trong tiến trình vô hình, Covid-19 đã liên minh với hai trong số những tệ nạn lớn của thời đại : tính ích kỷ và những suy nghĩ ngắn hạn. Tính ích kỷ phá hủy khả năng đáp ứng lợi ích của cộng đồng. Tự cách ly, cũng như tiêm phòng, trên thực tế là để bảo vệ những người xung quanh nhiều hơn bảo vệ bản thân chúng ta. Sự ích kỷ này, trong điều kiện các chính sách công ngày càng hạn chế, cuối cùng lại làm suy yếu hai trong số các loại chuyên gia mà chúng ta đang rất cần họ cống hiến cả thể chất và não bộ cho cuộc chiến chống đại dịch : giới y bác sĩ và nghiên cứu khoa học.

Những quan điểm ngắn hạn tạm thời đang cản trở nhận thức về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này, giống như nhận thức về sự nóng dần lên của Trái đất từ một vài năm nay. Bất chấp các cảnh báo, dữ liệu và hiện tượng ngày càng nhiều, thái độ phủ nhận và hoài nghi vẫn làm trì hoãn những thay đổi cần thiết để giải quyết một mối nguy hiểm cho đến nay vẫn bị coi là rất trừu tượng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, khi đối mặt với Covid-19, trong lúc số nạn nhân tăng mỗi ngày, "sự mù quáng tự nguyện này" sẽ chấm dứt rất nhanh. Khi đó, dịch bệnh có thể buộc nhiều nền dân chủ phải đối mặt với những câu hỏi khiến chúng ta chóng mặt. Chúng ta nên chấp thuận để các quyền tự do cơ bản bị hạn chế đến mức nào ? Cần làm tê liệt nền kinh tế đến mức nào để chặn đứng dịch bệnh ?

Thử thách này, lần đầu tiên diễn trên quy mô toàn cầu, có thể thay đổi vĩnh viễn tiến trình phát triển của xã hội. Có thể các xã hội sẽ vượt qua và được cải thiện, nếu hội tụ hai điều kiện thiết yếu là sự tự tin và lý trí. Để người dân chấp nhận hy sinh quyền lợi, có thể là trong nhiều tháng, chính quyền, nhất là ở chế độ dân chủ, buộc phải công khai chiến lược, những rủi ro và cả những diễn tiến sau này. Và để làm sáng tỏ những điều trên, chính quyền phải chia sẻ các dữ liệu khoa học và ý kiến của các nhà khoa học tư vấn cho chính quyền trong các quyết sách.

Nhưng theo Le Monde, hiện tại, Pháp chưa đáp ứng được những điều kiện này. Bộ máy hành pháp đã chậm trễ trong việc chia sẻ các quy tắc về cách thức tham vấn hội đồng khoa học của mình, vốn công tác nghiên cứu cũng chưa được công bố. Chiến lược đối phó với Covid-19 cũng chưa được đặt ra rõ ràng và rất ít được tranh luận. Sự thiếu minh bạch trong việc đưa ra các quyết định sẽ chỉ gây hại cho cuộc chiến dài hơi, một cuôc chiến giờ mới chỉ bắt đầu, và làm chậm trễ việc phát huy tinh thần trách nhiệm cần thiết của các cá nhân. Với Le Monde, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân chính là mắt xích để ngăn cản virus corona lây lan.

Chiến lược rủi ro của Anh Quốc chống virus corona

Nhìn sang nước láng giềng Anh, Le Monde chỉ trích "chiến lược đầy rủi ro của Anh Quốc chống virus corona". Trong khi tình hình ở các nước Châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp… đang rất "nóng" với cuộc chiến chống dịch bệnh, thì tại Anh Quốc, cho đến hôm Chủ nhật 15/03 chính phủ mới chỉ đưa ra hai lời khuyên : rửa tay và tự cách ly 7 ngày nếu có triệu chứng nhiễm virus.

Theo các nhà cố vấn của thủ tướng Anh Boris Johnson, cần 60% dân số nhiễm bệnh (40 triệu người) để có thể có được khả năng miễn dịch cộng đồng, tránh dịch bệnh tái phát vào mùa đông tới. Ông Patrick Vallance, cố vấn trưởng khoa học của chính phủ, nhấn mạnh hôm thứ Sáu 13/03 là không thể tránh việc tất cả mọi người bị nhiễm virus. Và đây cũng không phải điều nên mong muốn, bởi vì cộng đồng cần đạt đến một khả năng miễn dịch nào đó.

Các nhà truyền nhiễm học, bác sĩ, chính trị gia, các nhà phê bình đều chỉ trích thủ tướng Boris Johnson, nhất là khi lãnh đạo Anh cảnh báo người dân nên chuẩn bị tinh thần "mất đi nhiều người họ yêu thương hơn nữa". Nếu tính theo tỉ lệ 1% số người nhiễm virus corona sẽ chết thì sẽ có khoảng 400.000 người Anh mất mạng vì Covid-19.

Dân biểu đảng bảo thủ Jeremy Hunt, bộ trưởng Y tế thời thủ tướng Theresa May, là một trong những người đầu tiên gióng hồi chuông báo động hôm thứ Năm 12/03. Đánh giá chính sách của thủ tướng Johnson là "đáng lo ngại", ông Hunt còn ngạc nhiên vì chính phủ Anh vẫn chưa cấm tụ tập đông người. Trong khi đó, Richard Horton, trưởng ban biên tập tạp chí khoa học nổi tiếng về y khoa, The Lancet, cho rằng chính phủ đang phạm sai lầm khi chơi trò may rủi với người dân.

Tối hôm thứ Bảy, trong khi đơn khiến nghị của 250 nhà khoa học được lan truyền trên mạng đòi hỏi Boris Johnson ban hành ngay các biện pháp cứng rắn hạn chế sự tiếp xúc của người dân, phủ thủ tướng Anh hé lộ thông tin là sẵn sàng cho áp dụng các biện pháp mạnh hơn, nhất là tất cả những người trên 70 tuổi phải cách ly tại nhà ít nhất 4 tháng. Sáng Chủ nhật, bộ trưởng Y tế trấn an người dân là sẽ hành động đùng thời điểm, trong những tuần tới, vào lúc cần thiết và quyết định của chính phủ sẽ dựa trên khoa học.

Một nhà nghiên cứu của đại học Harvard chỉ trích chiến lược của chính phủ là "vô trách nhiệm". Nhà khoa học này kêu gọi dân chúng không nên lo lắng nhưng phải tự chuẩn bị, nếu chính phủ không giúp đỡ họ thì họ phải tự hành động. Dường như dân Anh cũng đã tính đến phương án này : hôm thứ Bảy, tại các siêu thị ở Luân Đôn, các kệ hàng mỳ, xà phòng rửa tay và giấy vệ sinh đều trống không và nếu dùng dịch vụ giao hàng đến tận nhà, khách hàng phải chờ ít nhất 8 ngày nữa mới nhận được hàng.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Dịch Covid-19 : Pháp vất vả chiến đấu với con virus khủng khiếp từ Vũ Hán

Mối đe dọa của đại dịch virus từ Vũ Hán bao trùm lên nước Pháp, khiến các báo Paris dù đã đề cập nhiều góc cạnh trong những tuần lễ qua, hôm nay 16/03/2020, tiếp tục là chủ đề lớn, thậm chí chiếm toàn bộ tờ báo - một sự kiện hiếm thấy.

phap1

Kiểm phiếu bầu vòng 1, bẩu cử cấp xã, thành phố, ngày 15/03/2020, với khẩu trang, đề phòng virus corona mới. Ảnh chụp tại một phòng phiếu ở Strasbourg. Reuters/Christian Hartmann

Le Figarođăng ảnh một người đeo khẩu trang trước Khải Hoàn Môn, với hàng tít trang nhất "Virus corona, thử thách lớn lao". Libération dành 10 trang báo, chạy tựa "Virus corona : Tình trạng vô ý thức". Đám đông vẫn chen chúc trong các chợ, công viên đầy người dạo chơi… Mặc cho tình trạng trầm trọng hiện nay, người Pháp vẫn không tự hạn chế việc đi lại, và khiến dịch bệnh có nguy cơ tăng theo cấp số nhân.

La Croixnói về "Một ngày Chủ nhật dưới cái bóng của Covid-19" : cử tri Pháp được kêu gọi tham gia cuộc bầu cử địa phương, trong bối cảnh siết chặt các biện pháp chống dịch bệnh. Le Monde ra từ cuối tuần trước, nhấn mạnh "Trở thành tâm dịch, Châu Âu đóng cửa". Riêng Les Echos dành toàn bộ 32 trang báo cho nạn dịch virus Vũ Hán. Trang nhất của tờ báo là một bóng đen mang khẩu trang, với dòng tựa "Cuộc chạy đua với thời gian".

Đại dịch virus corona tại Pháp đang tăng theo cấp số nhân

Quỹ đạo theo cấp số nhân của đại dịch chưa có dấu hiệu nào dừng lại. Le Figaro dẫn lời giáo sư Jérôme Salomon, tổng giám đốc phụ trách y tế (thuộc Bộ Y tế), cho biết số ca nhiễm tăng gấp đôi mỗi 72 giờ. Có nghĩa là trong ba ngày tới tại Pháp sẽ có 9.000 ca dương tính, 72.000 ca trong 12 ngày nữa, 144.000 ca trong hai tuần tới - trên đây là các số thống kê dự báo những ca khá nặng, trong đó đa số sẽ có khả năng phải nhập viện cho thở oxy.

Với tốc độ này, từ 300 ca điều trị tích cực hiện nay sẽ tăng lên 5.000 ca trong hai tuần nữa. Không chỉ những người già mới là nạn nhân, phân nửa số bệnh nhân phải thở máy dưới 60 tuổi. Nếu hiện nay đa số bệnh nhân trẻ tuổi thoát hiểm được là nhờ được giúp thở tại khoa hồi sức trong nhiều ngày.

Cả nước Pháp chỉ có được 5.000 giường hồi sức, 7.000 giường điều trị tích cực, nhưng đa số đều đã bận. Các bác sĩ bệnh viện Mulhouse báo động tỉ lệ phải nhập viện sau khi khám ở khoa cấp cứu là 40%. Cách đó 40 km, khoa hồi sức của bệnh viện Colmar có 45 giường, hiện toàn bộ là bệnh nhân bị virus corona.

Nguy cơ "vỡ trận" và vấn đề đạo đức

Les Echos cho biết các công ty sản xuất thiết bị trợ giúp hô hấp đang chạy hết tốc lực : Dräger, Löwenstein (Đức), Getinge (Thụy Điển), GE Healthcare, Metronic (Mỹ) và Mindray (Trung Quốc). Löwenstein phải tuyển thêm người, hiện công ty cố gắng tránh cho công nhân bị lây nhiễm chéo : ba ê-kíp thay ca không hề gặp nhau.

Bác sĩ Geffroy-Wernet, chủ tịch nghiệp đoàn bác sĩ gây mê hồi sức giải thích cho La Croix, bệnh nhân bị virus corona phải chữa trị rất lâu, khoảng hai, ba tuần, đôi khi cả tháng. Do đút ống để thở máy, phổi của bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, nên thời gian trợ giúp hô hấp kéo dài hơn thường lệ. Còn bác sĩ Serge Alfandari, chuyên khoa nhiễm của bệnh viện Tourcoing nhắc nhở, dù có số giường hồi sức gấp đôi Ý, Pháp vẫn có nguy cơ lâm vào cùng một tình trạng như nước láng giềng.

La Croix đặt ra vấn đề đạo đức trong thời kỳ dịch bệnh virus corona, khi đội ngũ y bác sĩ trong thế lưỡng nan như ở Ý - phải chọn lựa bệnh nhân để cứu. Tờ báo công giáo nhắc nhở năm 1799 trong chiến dịch Ai Cập, dịch hạch hoành hành, Bonaparte đòi hỏi bác sĩ Desgenettes kết liễu những người lính bị bệnh để khỏi lây cho người khác, nhưng Desgenettes từ chối ngay, nói rằng nghĩa vụ của bác sĩ là cứu người. Năm 2005 khi trung tâm y tế New Orleans bị cô lập vì bão Katrina, cơ sở có 317 giường lão khoa này không có điện, nhiệt độ lên tới 38°C. Những y tá "giúp giải thoát" nhiều người già đã bị khởi tố vì tội sát nhân.

Pháp đang trong tình trạng chiến tranh

"Cần ý thức rằng chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh", đó là khuyến cáo của giáo sư William Dab, cựu tổng giám đốc phụ trách y tế trong thời kỳ dịch SARS. Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, ông tỏ ra hết sức lo ngại, và hy vọng việc cách ly sẽ thành công tại Pháp kẻo dịch corona sẽ biến thành thảm họa.

Giáo sư Dab nhận định tình hình rất trầm trọng, khiến ông chưa bao giờ lo sợ như thế. Đô thị hóa hàng loạt, giao thương quốc tế nhộn nhịp, dân số tăng nhanh : mọi điều kiện đều hội đủ, và bây giờ thì đại dịch đã đến. Nhưng hầu hết vẫn chưa ý thức được, vẫn cho rằng "cũng như cúm thông thường" mà thôi, các nhà hàng vẫn đầy người.

Vấn đề là con virus đang lây lan ồ ạt thông qua những người đã bị nhiễm, nhưng không có triệu chứng nào, và loài người chưa có được thuốc chữa. Hồi 2003, khi hiểu rằng virus SARS không lây khi chưa phát ra triệu chứng, có thể yên tâm là những rào chắn sẽ hiệu quả. Nhưng lần này thì không, người bị nhiễm nhiều ngày sau mới thấy có dấu hiệu. Cuối tháng Giêng, biết được điều ấy, ông Dab đã cảnh báo, nhưng không được quan tâm.

Sẽ có 300.000 người chết ?

Theo giáo sư Dab, cần nói thẳng ra là một kịch bản với 300.000 người chết tại Pháp hoàn toàn có thể xảy ra. Với tốc độ lây nhiễm hiện nay, virus có thể lây cho 30 triệu dân Pháp và với tỉ lệ tử vong 1%, con số trên là hiện thực thậm chí là lạc quan, với điều kiện các bệnh viện chịu đựng nổi - một điều không thể bảo đảm. Chưa kể đến số nạn nhân gián tiếp : những người bị các loại bệnh nặng khác tử vong vì thiếu giường bệnh.

Ông cho rằng vẫn có thể giúp giảm tải cho bệnh viện, nhưng còn tùy sự hợp tác của người dân. Chính phủ đã nhận lấy trách nhiệm, nay đến lượt từng người một phải nghiêm túc tôn trọng quy định tự cách ly, chứ không phải Nhà nước tiêu hủy được con virus. Nếu chúng ta chấp nhận vài tuần lễ tương đối mất tự do, tỉ lệ lây nhiễm sẽ giảm.

Cần phải chờ đợi ba tuần lễ nữa mới biết được những biện pháp hiện nay có hiệu quả hay không, trong khi đó dịch bệnh corona vẫn tăng theo cấp số nhân. Quả là thô bạo, nhưng cần nhớ trong đầu là chúng ta đang trong chiến tranh, đang bị một kẻ thù vô hình xâm lược, cần phải tổng động viên.

"Hãy ở nhà, ở nhà và ở nhà !"

Nếu chặn đứng được nạn dịch và dưới 30% dân số bị nhiễm và được miễn dịch, con virus Vũ Hán vẫn có thể quay lại vào mùa thu. Ngược lại, nếu 60-70% dân số bị dương tính trong đợt đầu, có thể trở thành miễn dịch cộng đồng, với cái giá nhân mạng như đã nói ở trên. Đợt dịch thứ hai, nếu có, sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Một kịch bản đáng ngại khác là con virus biến thể, như vậy miễn dịch trong đợt đầu chỉ là một phần mà thôi, và nó gây tử vong gấp 10 lần cúm mùa. Không nên quá trông cậy vào giả thiết khi thời tiết ấm dần tình hình sẽ ổn, kịch bản lạc quan nhất là nạn dịch tạm ngưng tăng một thời gian và thế giới chế ra được vaccin.

Vũ khí duy nhất của chúng ta hiện nay là hạn chế tiếp xúc. Cần phải ở yên một chỗ, không đi ra ngoài gặp bạn bè, người thân, trừ vợ chồng con cái trong nhà. Giáo sư William Dab kết luận, khẩu hiệu là rất rõ : Hãy ở nhà, ở nhà và ở nhà !

Libération trong bài xã luận than thở, mặc dù chính phủ đã có những biện pháp nghiêm khắc từ thứ Bảy 14/3 - đóng cửa những cơ sở thương mại không thiết yếu - vẫn có một số lượng đáng ngạc nhiên người Pháp không thận trọng ở nhà mà lại vô tư đổ ra công viên, bờ sông, tranh thủ những dấu hiệu mùa xuân vừa đến. Trong khi đây là một thách thức lịch sử, một nước Pháp bị cách ly, cắn móng tay ngồi nhìn con quái vật từ Vũ Hán tác oai tác quái.

Sau trận đại chiến này, thế giới sẽ không còn như xưa

Tương tự, xã luận của Les Echos mang tựa đề ngắn gọn : "Một cuộc chiến". Hệ thống y tế đang trên tuyến đầu đối phó với đại dịch sẽ không thể chống chọi nổi, nếu không có được tính kỷ luật của cộng đồng.

Chiến tranh là gì, nếu không phải là sự kết thúc thời kỳ vô tư lự ? Trong thời chiến, không còn những thú vui thường nhật. Cuộc sống bỗng chốc thay đổi hẳn, một vòm trời u ám và lạnh giá bỗng bao trùm lên cả nước, những biên giới lần lượt đóng cửa. Cần phải sống với mối đe dọa vô hình và tai quái ấy. Kẻ thù là người khác, là bạn, là đồng nghiệp, hàng xóm của ta. Không phải là con virus, mà là người chuyển nó sang ta, và địch thủ thường mang khuôn mặt một đứa trẻ ngây thơ. Than ôi, nhiều người không hình dung được mối đe dọa này !

Chiến tranh là tổng động viên, là sẽ có hàng ngàn, hàng chục ngàn nạn nhân ; nhưng nhân viên y tế là những chiến binh trên tuyến đầu hiểu rõ rằng thiệt hại còn tùy thuộc vào thái độ của từng người. Bệnh nhân tăng theo cấp số nhân, phải triệt để hạn chế các tương tác xã hội. Các bệnh viện vùng Grand Est và Hauts-de-France hiện đã quá tải, cần tránh việc số ca nặng vượt quá năng lực chữa trị.

Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của chiến tranh. Đó vừa là một cuộc chạy đua với thời gian, vừa là một cuộc chiến khủng khiếp về sức bền mà người dân Pháp phải chịu đựng, trong khi phương tiện chưa hẳn đã đủ. Liệu có đủ khẩu trang, máy thở, và cả nhân lực ? Và còn phải chống chọi trong bao lâu - ba tháng hay hơn nữa ? Chúng ta đang rơi vào một cõi khác. Sau cuộc đại chiến này, thế giới sẽ không bao giờ còn như xưa nữa.

Thụy My

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 15/03/2020

Published in Video

Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử của nạn dịch virus Vũ Hán

Khi tiếng khóc của những gia đình đau khổ ở Vũ Hán, Hồ Bắc và trên toàn quốc đang còn vang vọng, thì Tập Cận Bình đã chuẩn bị khua chuông gióng trống ca khúc khải hoàn. Trước việc Trung Quốc bắt đầu tung hỏa mù về nguồn gốc của con virus corona từ Vũ Hán, sau khi đã gây họa cho cả thế giới - Nhà văn Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) đã kêu gọi "Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử của nạn dịch".

viet1

Nhân viên đi từng nhà ở Vũ Hán để kiểm tra trong thời gian thành phố bị phong tỏa vì dịch virus corona, những hình ảnh mà Bắc Kinh muốn xóa nhòa trong lịch sử sau khi đã gây họa cho cả thế giới. China Daily via REUTERS

Nạn dịch virus corona là đề tài chiếm trọn nhiều trang của các tuần báo lớn kỳ này. Trang bìa của L’Express là hình con virus corona như một quả chùy tua tủa đinh sắt, đánh vỡ tung bức tường, chạy tựa ngắn gọn "Coronakrach". Chiếm gần phân nửa hình bìa của The Economist là chiếc bóng đầy đe dọa của con virus phía trên đầu một người đeo khẩu trang đang phát biểu sau chiếc bục, với tựa đề "Chính trị đại dịch".

Courrier International, xuất bản trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch, chạy tựa "Virus corona : Đại dịch sắp đến" với tranh vẽ hai người ngồi uống nước nhưng quay lưng vào nhau. Người nam mang khẩu trang, hỏi "Em có sợ không ?". Người nữ mặt và đầu bịt kín bằng năm sáu chiếc khẩu trang chỉ chừa đôi mắt, trả lời "Hơi sợ sợ !". Le Point lần về quá khứ, với hàng tít "Những trận dịch đã thay đổi lịch sử như thế nào".

Một cuộc chiến mà nước Ý không có quyền bại trận

Tại nước Châu Âu đang gánh chịu nạn dịch virus Vũ Hán nặng nề nhất là Ý, Courrier International dịch một bài viết của La Republica ở Roma nhấn mạnh "Một cuộc chiến mà chúng ta không có quyền thất trận".

Đối với nước Ý, "đây là giờ phút đen tối nhất". Thủ tướng Giuseppe Conte không hề nói ngoa khi nhắc lại câu của cố thủ tướng Anh Winston Churchill ngày 18/06/1940, đòi hỏi công dân hy sinh tối đa để ngăn chận Đức quốc xã. Kẻ thù giờ đây là một con virus từ Trung Quốc, và toàn thể nước Ý đã trở thành "vùng đỏ".

Đó là biện pháp triệt để nhất, chưa từng thấy trong lịch sử, không chỉ của nước Ý. Chưa từng có quốc gia nào trên thế giới đóng toàn bộ biên giới, ngưng các vụ di chuyển trong nước, cấm mọi cuộc tụ tập, đóng cửa tất cả sân vận động, bảo tàng, nhà hát, tiệm buôn, doanh nghiệp. Phải sử dụng liệu pháp sốc này vì đại dịch lan tràn với tốc độ kinh hồn, gây sợ hãi, quăng vào mặt người Ý ba điều hiển nhiên.

Trước hết, con virus corona chủng mới đủ hung dữ để bác hết những lý lẽ rằng đây chỉ là "một loại cúm hơi nặng hơn một tí", không làm chết người. Thứ hai, con virus lan tràn vô cùng nhanh chóng, dù miền bắc Ý đã bị phong tỏa nhưng vẫn lan đến Roma. Thứ ba, ban đầu chỉ những bệnh nhân trên 80 tuổi mới bị tử vong, nhưng nay virus đe dọa cả những người chỉ 30 tuổi và có sức khỏe tốt.

Theo tờ báo, hãy còn quá sớm để nói về những sai sót trong quản lý, phân cấp trách nhiệm, coi nhẹ nạn dịch trong những ngày đầu. Đây là lúc nhận lấy trách nhiệm tập thể và cá nhân. Nhà nước đã thực hiện phần việc của mình, dùng đến biện pháp cứng rắn chưa từng có tại một nước dân chủ - một nhà nước đang yếu đi và một khi nạn dịch kết thúc còn phải đối mặt với việc vực dậy nền kinh tế đang tan hoang. Giờ thì đến lượt người dân chứng tỏ sự tự giác và ý thức công dân, #IoRestoACasa (Tôi ở nhà), nếu không sẽ có nguy cơ thất bại.

Winston Churchill từng nói : "Người Ý thua một trận chiến cứ như là một trận đá banh, và họ đá banh cứ như tham chiến". La Republica cho rằng, "có thể ông Churchill có lý. Có điều, lần này thất bại là một sự xa xỉ mà chúng ta không thể tự cho phép".

Dùng liệu pháp sốc như Vũ Hán ?

Tờ Corriere della Sera ở Milano đặt câu hỏi "Có nên bắt chước Trung Quốc ?". Liệu nền dân chủ Ý có thể chịu đựng được cùng một liệu pháp sốc như Vũ Hán hay không ?

Cư dân bị kiểm soát trên đường phố, có thể bị trừng phạt nặng nề. Các gia đình bị cấm ra khỏi nhà trong hơn một tháng trời, thậm chí chốt chặn cửa, thực phẩm được giao trước thềm nhà… Làm thế nào hòa hợp giá trị dân chủ với nhu cầu của tình trạng khẩn cấp ? Những ngày gần đây mang tính quyết định để tránh sự sụp đổ của hệ thống bệnh viện, tờ báo kêu gọi người dân Ý vốn đã quen cách sống sôi nổi nên biết vì mình và vì mọi người.

Chú Sam chưa sẵn sàng đối phó với virus corona

Nhìn sang nước Mỹ, The Economist trong bài "Chú Sam đối đầu với virus corona" nhận xét, con virus đang lây lan nhanh chóng ở Hoa Kỳ, nhưng đất nước này có vẻ chưa chuẩn bị sẵn sàng.

Nước Mỹ may mắn là có nhiều tuần lễ để đối phó với dịch bệnh, nhưng đã lãng phí thời gian quý báu này, trong khi có sẵn đội ngũ bác sĩ, các nhà dịch tễ học giỏi nhất thế giới. Việc phân quyền cho các tiểu bang, chi phí chữa bệnh đắt đỏ và mạng lưới y tế không bao phủ khắp khiến khó thể chống chọi với nạn dịch. Một kịch bản ước tính 1/5 dân Mỹ có nguy cơ nhiễm bệnh với tỉ lệ tử vong 0,5% tức 327.000 người thiệt mạng, cao gấp 9 lần so với cúm mùa, vì chỉ sau 6 ngày là số người bị nhiễm tăng gấp đôi.

Iran, Nhà nước ốm yếu

Còn tại Trung Đông, The Economist quan sát thấy Iran đã để cho nạn dịch Covid-19 lan tràn ngoài tầm kiểm soát, đánh giá đây là một "Nhà nước bệnh hoạn".

Không có nước nào mà con virus corona tấn công vào các nhà lãnh đạo dữ dội như Iran. Hai phó tổng thống, nhiều bộ trưởng và 24 dân biểu (chiếm 1/10 Quốc hội). Tổng thống Hassan Rohani nay chủ trì các cuộc họp nội các thưa thớt, khiến người ta đặt nghi vấn về sự vắng mặt của nhiều quan chức cao cấp khác.

Theo Tehran, virus corona đã lây nhiễm cho 9.000 người và giết chết hơn 300 người, khiến Iran trở thành ổ dịch lớn thứ hai bên ngoài Trung Quốc. Nhưng không ai tin vào những con số của chính phủ. Niềm tin vào chế độ đã xuống rất thấp sau khi sát hại người biểu tình tháng 11/2019 và sự dối trá trong vụ bắn rơi máy bay Ukraine tháng 1/2020. Khi con virus Vũ Hán bắt đầu tấn công, chính quyền che giấu để không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội ngày 21/2. Thứ trưởng y tế tuy ho rất nhiều vẫn nói rằng mình ổn, cho đến khi xét nghiệm dương tính vài ngày sau đó. Số lượng các quan chức Iran bị nhiễm virus corona khiến các chính phủ khác cho rằng số người dương tính tại nước này khoảng 100.000, thậm chí còn cao hơn theo một số ước lượng khác.

Khoảng 300.000 quân lính và tình nguyện viên được huy động chống dịch, nhưng đã trễ. Thánh địa Qom không bị cách ly, dân ở ổ dịch này chạy sang các địa phương khác làm dịch bệnh lan tràn nhanh chóng, trong khi Saudi Arabia ít bị ảnh hưởng hơn vẫn cấm khách hành hương từ các nơi đến thánh địa của mình.

Iran vốn đã bị cô lập vì cấm vận của Mỹ, nay lại càng khốn khó hơn, với GDP được ước lượng sẽ mất đến 25-30%. Các quan chức đe dọa trừng phạt những ai loan truyền tin đồn về dịch bệnh, đổ lỗi cho nước Mỹ gieo rắc sợ hãi. Nhưng chính các thành viên chính phủ Iran đã đổ bệnh, khiến tầm cỡ cuộc khủng hoảng không thể che giấu được nữa. Và có thể tình hình còn tệ hại hơn đối với các nhà lãnh đạo Iran, vì đa số già cả, hom hem và đặc biệt có nguy cơ tử vong vì virus Vũ Hán.

Suy thoái vì virus corona nặng nề hơn khủng hoảng 2008

Về hậu quả của nạn dịch virus Vũ Hán trên lãnh vực kinh tế, L’Express nêu vấn đề "Suy thoái : Phải chăng còn tệ hại hơn hồi năm 2008 ?". Bóng ma cuộc khủng hoảng kinh tế lại đe dọa, nhưng vấn đề là thế giới ngày nay dễ tổn thương hơn nhiều so với thời đó.

Chỉ trong vòng ba ngày, doanh số của Helen Traiteur, chuyên cung cấp tiệc buffet cho các sự kiện của giới thượng lưu đã sụt xuống tận đáy : từ chỉ còn 70.000 euro so với 900.000 euro cùng kỳ năm ngoái ; và không có đơn đặt hàng nào cho tháng Tư, tháng Năm.

Không ai có thể tưởng tượng con virus từ Vũ Hán lại có thể tấn công vào nền kinh tế thô bạo đến thế. Trong suốt bốn tuần lễ, Châu Âu đã kinh hoàng nhìn thấy Trung Quốc phong tỏa hàng mấy chục triệu dân, quên rằng con virus có thể gõ cửa nhà mình. Đối với Volkswagen, Trung Quốc chiếm đến 40% doanh số toàn cầu, nhưng nay số xe bán được đã giảm 90%. Các tập đoàn hàng hiệu cũng bị giảm hẳn số bán. Tập đoàn Seb số Một thế giới về hàng điện tử gia dụng, sở hữu 7 nhà máy tại Trung Quốc, trong quý đầu đã lỗ mất 250 triệu euro.

Khi Ý quyết định đóng cửa toàn bộ, 13% GDP của Liên Hiệp Châu Âu bị đe dọa. Trong ngành hàng không, nạn nhân đầu tiên là công ty Anh Flybe, đã khai phá sản. Thị trường chứng khoán khắp nơi giảm sút mạnh. Người ta lo ngại cuộc khủng hoảng virus corona sẽ còn trầm trọng hơn năm 2008. Chuyên gia thống kê Nassim Nicholas Taleb nổi tiếng với cuốn Thiên nga đen khẳng định điều này là chắc chắn, vì đã mất đi công cụ điều chỉnh, với chính sách lãi suất hầu như bằng 0. Ba lý do được nêu ra.

Hồi 2008, cú sốc là nội tại : các hộ gia đình Mỹ ngập đầu trong nợ xấu, các ngân hàng trung ương đã giảm mạnh lãi suất, bơm thật nhiều tiền vào, và các Nhà nước cứu các ngân hàng để tái khởi động bộ máy. Nay thì con virus từ bên ngoài vừa tấn công vào tiêu thụ, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là công nghệ và dược phẩm. Thế nên giảm nhẹ điều kiện vay mượn không kích thích được các gia đình mua vé máy bay, không giúp được gì cho các nhà sản xuất xe hơi khi phụ tùng phải nằm chờ ở cảng Thượng Hải.

Thứ hai, Trung Quốc vốn đóng vai trò giảm sốc năm 2008, giờ đây đang trong tâm bão.

Cuối cùng, thế giới dễ tổn thương hơn so với 12 năm trước. Nợ công và tư lên đến 178.000 tỉ đô la, chưa bao giờ hành tinh chúng ta nợ nần như thế trong thời bình, kết quả của một thập niên lãi suất bằng 0. Các chuyên gia cảnh báo bằng mọi giá phải tránh cái vòng luẩn quẩn của nạn phá sản dây chuyền.

"Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử virus Vũ Hán"

Trước việc Trung Quốc bắt đầu tung hỏa mù về nguồn gốc của con virus corona từ Vũ Hán, sau khi đã gây họa cho cả thế giới - Nhà văn Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) từ Bắc Kinh đã kêu gọi "Không để cho Bắc Kinh viết lại lịch sử của nạn dịch", vào dịp khai mạc khóa sáng tác văn chương dành cho sinh viên Hồng Kông. Trong bài giảng của khóa học từ xa này, ông cổ vũ lớp trẻ hãy giữ lấy những kỷ niệm của đại dịch virus corona hiện nay, dựa trên những gì mình đã trải nghiệm và chuyển giao cho thế hệ sau.

Tại sao ? Bởi vì Covid-19, con virus từ Vũ Hán đã trở thành thảm họa tầm cỡ quốc gia và thế giới vẫn chưa ngăn chặn được, vẫn đang lây lan khắp nơi. Tuy vậy khi tiếng khóc của những gia đình đau khổ ở Vũ Hán, Hồ Bắc và trên toàn quốc đang còn vang vọng, thì người ta đã chuẩn bị khua chuông gióng trống ca khúc khải hoàn.

Ông Diêm viết : "Từ khi virus corona dần dà bước vào cuộc sống chúng ta, không thể nào biết được đến nay đã có bao nhiêu người chết, tại bệnh viện hay các nơi khác. Và với thời gian, đây có thể vĩnh viễn là một bí mật". Theo ông, không nên bi quan hay ngược lại, dùng phương pháp "thắng lợi tinh thần" như nhân vật AQ của Lỗ Tấn – bị sỉ nhục, đánh đập nhưng đến phút cuối vẫn tự huyễn hoặc rằng mình chiến thắng.

Vì sao trong cuộc sống hiện tại và quá khứ, các bi kịch, thảm họa liên tục xảy ra ? Vì sao những hố sâu lịch sử luôn phải lấp đầy bằng hàng trăm ngàn xác chết ? Có bao nhiêu là câu hỏi được đặt ra. Những ký ức cá nhân bị kế hoạch hóa, thay thế, xóa bỏ ; nhà nước ra lệnh cho cá nhân phải nhớ những gì và nên quên những gì.

Nếu không thể cao giọng tố cáo, hãy thầm thì vào tai…

Không nói đến quá khứ xa xưa, mà chỉ hai mươi năm gần đây thôi. Nạn dịch SIDA (với xì-căng-đan máu nhiễm độc ở Hà Nam trong thập niên 90), SARS (2002-2003) và ngày nay là Covid-19, những thanh niên thế hệ 80,90 đều nhớ đến. Tại sao trong những vụ do con người gây ra đều như nhau ? Diễn tiến của nạn dịch virus corona mới có thể coi là bản remake của thảm kịch SARS cách đây 17 năm, với cùng một đạo diễn. Và chúng ta là những hạt bụi mong manh, không tìm kiếm xem ai là đạo diễn. Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả.

Ký ức cá nhân không biến thành sức mạnh có thể thay đổi thực tại, nhưng ít nhất cũng đặt được một dấu hỏi trong đầu chúng ta, trong thời đại dối trá này. Ít nhất, nếu một mai lại có cuộc Đại nhảy vọt mới, chúng ta biết rằng không thể luyện được thép từ cát. Nếu lại có Cách mạng văn hóa, chúng ta có thể chắc chắn rằng sẽ không đưa cha mẹ mình vào tù hay ra pháp trường.

Nhà văn kêu gọi : "Nếu không thể là người cảnh báo như bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), ít nhất hãy là người lắng nghe. Nếu không thể cao giọng nói, hãy thầm thì vào tai. Nếu không thể thì thầm, hãy là đám đông thầm lặng với trí nhớ và ký ức. Trước hàng ngàn người đang chuẩn bị ca ngợi chiến thắng trước con virus corona, hãy đứng lên yên lặng, chôn chặt nấm mộ của Chúa vào tim. Những con người được trí nhớ in dấu như bằng sắt nung đỏ, một ngày nào đó có thể chuyển giao ký ức của mình cho các thế hệ tương lai".

Bài giảng của nhà văn Diêm Liên Khoa đăng trên mạng Vi Tín (Wixin) tuy bị kiểm duyệt xóa, nhưng đã được chia sẻ rộng rãi và được bình luận sôi nổi trên các mạng xã hội trong và ngoài Hoa lục. Trang Chinese Pen Center lưu lại được, và Courrier International dịch ra tiếng Pháp.

Thụy My

Published in Châu Á

Chống Covid-19 : Nước Pháp cương quyết, nhưng mềm dẻo

Dịch Covid-19, từ Trung Quốc, đã bùng lên khắp nơi. Ngay tại Châu Âu. Pháp quyết định có biện pháp mạnh hơn. Quyết định mới của Paris là tựa lớn trang nhất của đa số nhật báo Pháp hôm nay 13/03/2020. "Chống Covid-19 với bất cứ giá nào", tựa của Libération. "Virus corona : Tổng thống Macron kêu gọi dân Pháp ‘kháng chiến’", tựa Le Figaro.

covirus1

Tại khu trung tâm tài chính La Défense, ngày 13/03/2020. Trên đường phố có áp phích thông tin về số điện thoại liên lạc, để nhận thông tin liên quan đến dịch Covid-19. Reuters/Gonzalo Fuentes

Với 2.500 trường hợp nhiễm virus, 48 người chết do virus, nước Pháp bước sang một giai đoạn mới. Tối hôm qua, tổng thống Pháp đã có bài nói chuyện long trọng trước toàn thể người Pháp, cuộc nói chuyện đầu tiên kể từ khi dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 xuất hiện. Đối diện với các phản ứng đơn phương, co cụm hiện nay, La Croix có bài xã luận nhấn mạnh đến việc nguyên thủ Pháp kêu gọi toàn thể người dân sáng tạo ra "những hình thức đoàn kết mới" để vượt qua thử thách. 

Cũng như nhiều báo khác, bài xã luận của La Croix, mang tựa đề "Thay đổi thang độ", giới thiệu trước hết các biện pháp chính của chính quyền, đặc biệt là việc đóng cửa tất cả các trường học, nhà trẻ trên cả nước, và bảo vệ "những người dễ tổn thương nhất", người bệnh, người cao tuổi (từ thứ Tư, 11/03, Bộ Y tế ra thông báo cấm đến thăm người gia tại các nhà điều dưỡng cho người cao tuổi "sống phụ thuộc". Hôm qua, tổng thống khuyến cáo người trên 70, người có bệnh mãn tính, viêm đường hô hấp, người tàn tật nên ở tại nhà). 

"Nâng cấp phản ứng dần dần"

Tuy nhiên, La Croix đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục duy trì một tiếp cận "nâng cấp phản ứng dần dần", tương thích với nguy cơ, hoàn toàn tương phản với các biện pháp mạnh hơn rất nhiều ở nhiều nơi khác, như cô lập các khu dân cư, đóng cửa biên giới. Như vậy, tại Pháp, các biện pháp quyết liệt nhất sẽ chỉ được "áp dụng một cách có trọng điểm, cho từng trường hợp một", với mục tiêu để làm sao "gây ảnh hưởng ít nhất đến đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước".

Để chống dịch, "nghỉ học nhưng không bỏ bầu cử", tựa trang nhất của La Croix. Cuộc bầu cử "cấp xã", thành phố, trong hai vòng - vòng một (15/03) và vòng hai (22/03) - vẫn được duy trì, các phương tiện giao thông công cộng vẫn được bảo đảm. Dựa trên tư vấn của giới chuyên gia về dịch tễ học, tổng thống Macron hiểu rằng hiện vẫn còn có khả năng không để cho dịch bùng phát quá tầm kiểm soát, và chưa cần thiết đưa ra các biện pháp khiến toàn quốc bị tê liệt.

Cần các biện pháp mạnh, "sớm và kéo dài hơn"

Về các biện pháp được coi là cần thiết để đối phó với dịch hiện nay, Le Figaro giới thiệu quan điểm của một chuyên gia về dịch tễ học hàng đầu tại Pháp, Antoine Flahault. Giáo sư Antoine Flahault nhận định : cần có "các biện pháp mạnh ngay lập tức, và duy trì cho đến hè". Theo ông, dịch bệnh trên thế giới (ngoài Trung Quốc) hiện nay mới chỉ ở thời điểm khởi đầu, với 9 quốc gia, mỗi nước có hơn 100 ca mới mỗi ngày. Ông dự đoán dịch bệnh sẽ còn kéo dài, và cần phải đề phòng việc dịch sẽ trở đi trở lại thành nhiều đợt.

Về phía chính sách của chính quyền, giáo sư Antoine Flahault tóm lược bốn biện pháp mạnh : Đóng cửa trường học, giới hạn đi lại, giới hạn các cuộc tập hợp đông người và có biện pháp phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Giáo sư Antoine Flahault tỏ ra không thỏa mãn với các biện pháp chính phủ vừa đưa ra, cho dù ông không trực tiếp chỉ trích.

Bí quyết của chống dịch : "Giảm tiếp xúc xuống 4 lần"

Le Figaro cũng giới thiệu một quan điểm khác, của chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Samuel Alizon, nhà nghiên cứu CNRS (ở Montepellier). Nhà truyền nhiễm học nhấn mạnh là, đứng từ quan điểm dịch tễ học, trong giai đoạn hiện nay, không có gì loại trừ một kịch bản lạc quan là dịch bệnh có thể được khống chế, bởi điều cơ bản để hãm lại sự lan truyền của virus là giảm mạnh số lượng các tiếp xúc. Nói một cách hình tượng là "giảm xuống bốn lần" số lượng các tiếp xúc, khi mức độ lây lan của virus corona mới là theo tốc độ một nhân ba, tức là trong điều kiện bình thường, một người có thể truyền virus cho ba người. Một chế độ toàn trị như Trung Quốc đã chọn giải pháp cách ly hàng triệu người, hàng chục triệu người, để cắt đứt đường truyền của virus. Biện pháp này "chắc chắc là không thể có" tại Pháp. Chính vì vậy, sự tham gia chủ động, "với tinh thần trách nhiệm công dân" của mỗi người, là điều quyết định.

Nếu một mặt, các biện pháp và khuyến cáo (giới hạn đi lại, cấm các cuộc tập hợp hơn 1000 người, và hơn 50 người tại các vùng bị dịch nặng nhất, làm việc tại nhà) mà chính quyền đề ra được tuân thủ, và mỗi người cố gắng tối đa giảm đi lại, giảm các tiếp xúc với người khác, với người thân, bè bạn, thì hoàn toàn có khả năng dịch bệnh được khống chế. Theo Le Figaro, đây là một điều rất khó thực hiện trong xã hội, vì đi ngược lại với các thói quen thường nhật của mọi người. Le Figaro cũng đặt câu hỏi : "Làm thế nào để các khuyến cáo nói trên được tuân thủ nghiêm ngặt bởi mọi người Pháp ?" mà không gây ra tình trạng hoang mang ? Không dễ, tuy nhiên không có cách nào khác là phải nỗ lực hành động khẩn cấp.

Trong một bài viết khác ("Emmanuel Macron thông báo đóng cửa các trường học"), Le Figaro dẫn kết quả một điều tra của Ifop, hôm 05/03 : 75% người được hỏi vẫn bắt tay người lạ, 91% vẫn hôn má người quen (phong tục chào hỏi phổ biến tại Pháp). Trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Macron nhấn mạnh là, trong tình hình bệnh dịch hiện nay, thay đổi các cử chỉ quen thuộc này có thể "cứu sống được nhiều nhân mạng". Vẫn theo tổng thống Pháp, việc đóng cửa trường học là cần thiết, cho dù tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 là rất thấp, nhưng "dường như" trẻ em chính là trung gian "truyền virus nhanh nhất". 

2.500 người nhiễm chỉ là "phần nổi của tảng băng"

Le Figaro cũng chia sẻ với quan điểm với nhận định của nhà dịch tễ học Antoine Flahault là quy mô của dịch bệnh hiện tại có thể lớn hơn rất nhiều so với con số 2.500 ca nhiễm virus. Rất có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi virus không hoặc gần như không gây ra triệu chứng gì ở khoảng 80% người bị nhiễm, tuy nhiên chính những người đó lại có thể đưa virus sang người khác. Vì vậy hoàn toàn rất có thể hiện nay, đã có hàng chục ngàn người tại Pháp đã và đang đưa virus đi đến khắp nơi, mà thường là chính họ cũng không tự biết. Không có cách nào khác hơn là phải hành động khẩn cấp, nói một cách hình ảnh là phải chạy đua với thời gian !

Dưới tựa đề "Chống Covid-19 : Với bất cứ giá nào", Libération tập trung mô tả các biện pháp đối phó chính mà chính quyền vừa đưa ra. Từ đóng cửa trường học, duy trì bầu cử "cấp xã", hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng. Cũng như La Croix, bài xã luận của Libération, mang tựa đề "Ngủ đông", đặc biệt nhấn mạnh đến các phản ứng mang tính mềm dẻo của chính phủ Pháp.

Trước tình hình các quốc gia láng giềng, số lượng nạn nhân của Covid-19 không ngừng gia tăng, có vẻ như trong con mắt công luận, nước Pháp tỏ ra không đánh giá đúng mức nguy cơ. Theo Libération, các biện pháp mà tổng thống Pháp đưa ra hôm qua, về cơ bản là đúng đắn. Libération đặc biệt nhấn mạnh đến việc các biện pháp hỗ trợ cần trước hết hướng đến những người dễ tổn thương nhất, những người cao tuổi.

Khoa hồi sức cấp cứu : "Khoảng khắc im ắng trước cơn bão lớn"

Một trong những điểm tập trung lo ngại nhiều là các bệnh viện, vốn ít nhiều đã trong tình trạng bão hòa. Libération có bài "Các bệnh viện đang chuẩn bị cho tình trạng tồi tệ nhất". Tình hình đặc biệt căng thẳng tại các khoa hồi sức cấp cứu. Về chủ đề này, Le Figaro có bài "Các bệnh viện Pháp tăng cường tổ chức để củng cố các khoa hồi sức cấp cứu".

Khoa hồi sức cấp cứu chính là lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống Covid-19 (đảm nhiệm tuyến cuối). Theo Cục phụ trách điều trị (DGOS), nước Pháp có tổng cộng 5.065 giường hồi sức cấp cứu, và 7.364 giường thuộc đơn vị điều trị tăng cường (so với nước Ý, có tổng cộng 5.090 giường, và hiện đã phải đối mặt với tình trạng không có đủ phương tiện điều trị cho các bệnh nhân cần cấp cứu khẩn). 

Theo thông tin tối thứ Tư 11/03 của Bộ Y tế, Pháp có 105 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực, nhưng số lượng người cần điều trị tích cực chắc chắn sẽ tăng mạnh trong những ngày tới. Trong hiện tại, nước Pháp đang trong một "khoảng khắc im ắng trước cơn bão lớn". Theo Le Monde (trong bài "Chúng ta đã ở vào giai đoạn 3". Giai đoạn 3 là giai đoạn chống dịch ở mức cao nhất), phủ tổng thống cho biết sẽ cố gắng tăng cường thêm 40% số giường cấp cứu, để đối phó với đỉnh dịch. 

Kinh tế : Tập trung bảo vệ người đi làm và doanh nghiệp

Trên lĩnh vực kinh tế, đối phó với dịch Covid-19 đang chuyển sang một giai đoạn mới, tổng thống Pháp ban hành một loạt biện pháp kinh tế mạnh, để trấn an giới doanh nhân, giới làm công, cũng như các thị trường. Le Figaro chú ý đến việc, trong phát biểu hôm qua, tổng thống đã khẳng định chính quyền sẽ có các biện pháp rất rộng rãi, không tính toán để mang đến sự hỗ trợ cho tất cả những bên bị thiệt hại trong dịch bệnh chưa từng có kể từ một thế kỷ nay.

Nhà nước sẽ bồi hoàn cho tất cả những ai bị buộc phải ở nhà không đi làm, dù với giá nào. Các doanh nghiệp sẽ được hoãn nộp thuế, của tháng 3, không cần bất cứ điều kiện nào. Bảo vệ các doanh nghiệp, bảo vệ người lao động, dù là doanh nghiệp nhỏ, vừa hay lớn là hứa hẹn của tổng thống. Việc tuân thủ chi tiêu theo quy định về tài chính công hay về nợ sẽ tạm được gạt sang một bên. Cùng với chương trình hỗ trợ trực tiếp người làm công ăn lương bị thiệt hại do Covid-19, tổng thống Macron cũng hứa hẹn, cùng với các đối tác Châu Âu xây dựng một kế hoạch chấn hưng kinh tế sau dịch.

"Con virus ích kỷ"

Đối diện với dịch Covid-19 hiện nay, điều cần chú ý là phải tránh rơi vào ngõ cụt, không lối thoát, với quan điểm mỗi người vì mình. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài "Con virus ích kỷ", nhận định là cho đến nay, thiệt hại cho virus corona mới gây ra với tiến trình toàn cầu hóa còn tồi tệ hơn những gì mà các thế lực dân tộc chủ nghĩa đã cố sức mà không làm được trong hàng thập niên qua. Trong những ngày qua, những tuần qua, tại nhiều nơi, với danh nghĩa là để bảo vệ người dân, chính quyền đã liên tục có các biện pháp đơn phương thô bạo, như đóng cửa biên giới. Các biện pháp cực đoan, mà kết quả không được chứng minh về mặt khoa học. Quyết định mới đây nhất cách nay hai hôm của tổng thống Mỹ đơn phương đình chỉ giao thông hàng không với Châu Âu là một ví dụ.

Covid-19 : Thử thách cho hai mô hình độc tài và dân chủ

Le Monde có bài phân tích đáng chú ý về "Dịch bệnh Covid và các chế độ chính trị". Nhà phân tích của Le Monde đặt rõ vấn đề : cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 là một cuộc cạnh tranh về tính hiệu quả. "Ai hiệu quả hơn ai, chế độ độc tài hay nền dân chủ tự do ?". Đối với nước Pháp, những biện pháp mới của tổng thống vừa đưa ra liệu có đủ hay không ? Hiện tại khó có thể đưa ra nhận định. Tuy nhiên, đối với cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này, hơn bao giờ hết, nước Pháp cùng các đối tác Châu Âu phải tăng cường đoàn kết, một lý tưởng mà chính Châu Âu đã chủ trương. Đây chính là điều đã làm nên sức mạnh của Liên Âu. Hai thử thách trước hết của Liên Âu, theo Le Monde, là không được bỏ rơi nước Ý, quốc gia thiệt hại nặng nề nhất trong dịch này, trong cơn hoạn nạn, và thứ hai là không được để nền kinh tế rơi vào tình trạng ngưng trệ, trước hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Virus corona : Bắc Kinh cố phủ nhận virus xuất xứ từ Trung Quốc

Dịch Covid càng lúc càng lan rộng tại Châu Âu dĩ nhiên là đề tài chủ đạo trên báo Pháp ra ngày hôm nay 12/03/2020, được Le Figaro và Les Echos nêu bật trên trang nhất.

phunhan1

Một bệnh viện điều trị virus corona tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 17/02/2020. STR / AFP

Dù chọn chủ đề khác làm tựa chính, Libération, La Croix và Le Monde cũng đã dành nhiều bài viết cho con virus corona đang là đại họa của toàn thế giới. La Croix có một bài rất đáng chú ý, tiếp tục vạch trần ý đồ gần đây của Bắc Kinh muốn xóa nhòa vai trò của Trung Quốc trong việc gây nên đại dịch toàn cầu.

Trong bài "Trung Quốc muốn tin rằng dịch Covid-19 đã lùi vào quá khứ", nhật báo công giáo La Croix ghi nhận hai chiều hướng trái ngược nhau đang diễn ra : Dịch bệnh tại Trung Quốc ngày càng có thêm dấu hiệu lùi bước, trong lúc tại phần còn lại của thế giới, từ ngữ "đại dịch" đã được chính thức sử dụng.

Dịch Covid-19 đã lùi bước tại Trung Quốc, nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn

Theo La Croix, khi lần đầu tiên đặt chân đến Vũ Hán, nơi xuất phát của dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới hôm 10/03/2020 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng "sự lây lan của dịch bệnh kể như đã bị ngăn chặn". Tuy nhiên, ông đã cẩn thận chưa tuyên bố chiến thắng, vì nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát vẫn còn đó trong bối cảnh đại dịch đang lan rộng ngoài Trung Quốc.

Đối với La Croix, Trung Quốc hiện đang đứng trước hai nguy cơ chủ chốt. Trước hết, việc khôi phục các hoạt động thương mại và công nghiệp sẽ lại tạo ra tình trạng dân chúng khắp nơi tiếp xúc với nhau, tạo điều kiện cho con virus lây lan trở lại.

Ngoài ra, đại dịch hoành hành ngoài Trung Quốc có thể gây ra hiệu ứng boomerang, nhất là khi hàng ngàn người Trung Quốc ra nước ngoài nhân kỳ nghỉ Tết hồi tháng Giêng vừa qua sẽ hồi hương. Nhiều trường hợp virus corona từ Ý, Iran, Hàn Quốc… "tái nhập" vào Trung Quốc đã được ghi nhận trong những ngày gần đây.

Tuyên truyền để xóa nhòa việc Trung Quốc là nơi phát tán virus

Tuy nhiên nhìn chung, trên bình diện y tế, bầu không khí tại Trung Quốc đã lạc quan trở lại. Trong bối cảnh đó, La Croix đã ghi nhận sự kiện "guồng máy tuyên truyền đã khởi động trở lại để bắt đầu xóa khỏi ký ức tập thể của cả người Trung Quốc lẫn người ngoại quốc, nguồn gốc và bản chất Trung Quốc của virus Vũ Hán".

Theo La Croix, từ một tuần lễ nay, Trung Quốc đã tung ra cả "một chiến dịch ngoại giao và truyền thông nhằm mục đích xóa nhòa thời điểm chính xác mà dịch bệnh bùng lên".

Tờ báo cho biết là: "Mọi đại sứ Trung Quốc đều phải dùng tài khoản Twitter (vốn bị cấm ở Trung Quốc) của mình để truyền đi thông điệp với nội dung "Cho dù con virus corona đã xuất phát từ Vũ Hán, nhưng nguồn gốc thực sự của nó vẫn chưa được biết. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem chính xác virus đến từ đâu".

Đối với La Croix, Trung Quốc còn có một động thái "thâm hiểm" hơn khi gọi con virus corona ở ngoại quốc bằng những tên khác, chẳng hạn như đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo đã sử dụng từ "virus Nhật Bản".

Tờ báo Pháp kết luận : "Đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, một mình nắm giữ sự thật lịch sử, phải tạo ra tâm lý nghi ngờ đối với mọi thứ gắn Trung Quốc với con virus, và phải xóa bỏ mối quan hệ này ra khỏi sử sách. Trong số những vụ tẩy xóa lịch sử khác kể từ năm 1949, Bắc Kinh đã xóa được vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 ra khỏi tâm trí của tất cả các thế hệ được sinh ra sau sự kiện đó".

Miền bắc Ý muốn chính quyền dùng mô hình cách ly Vũ Hán

Cũng liên quan đến vai trò của Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos đã đặc biệt chú ý đến sự kiện Ý vừa quay sang nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong việc chống dịch Covid-19.

Theo đặc phái viên của tờ báo tại Ý, trước trăm bề khó khăn đang gặp phải trong việc đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19, giới y tế tại miền bắc Ý đã lên tiếng đòi chính quyền Rôma phải ban hành những biện pháp cách ly quyết liệt hơn nữa.

Người điều phối các hoạt động cấp cứu phụ trách vùng Lombardia, nơi chịu tác hại nặng nề nhất của dịch bệnh đã nói thẳng: "Hãy áp dụng mô hình Vũ Hán để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh".

Theo Les Echos, chủ tịch hai vùng Lombardia và Veneto đã kêu gọi chính quyền trung ương ban bố lệnh phong tỏa và cách ly hoàn toàn để chống dịch, tức là đóng cửa tất cả các nhà máy, doanh nghiệp và cửa hàng thương mại, giảm hoạt động của ngành vận chuyển đến mức tối thiểu.

Những đòi hỏi triệt để kể trên đã được giới chủ nhân, cũng như chính phủ Ý tiếp nhận một cách rất dè dặt, vì sợ rằng sẽ tạo ra những khó khăn kinh tế, gây nên bùng nổ xã hội.

Bị Châu Âu bỏ bê, Ý cầu viện Trung Quốc

Trước mắt, theo Les Echos, chính quyền Ý đã kêu gọi Châu Âu giúp đỡ. Thế nhưng, trước phản ứng chậm chạp của Bruxelles, Roma đã quay sang nhờ Trung Quốc và đã được Bắc Kinh chấp nhận ngay. Theo ghi nhận của Les Echos, Trung Quốc như đã không chấp nhất việc chính phủ Ý là một trong những nước hiếm hoi đầu tiên đình chỉ ngay lập tức tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc khi dịch Covid bùng lên tại Vũ Hán.

Và như vậy là Bắc Kinh đang cấp tốc chuyển qua cho Ý 1.000 máy hỗ trợ hô hấp (Ý hiện chỉ có 3.000 chiếc mà thôi), 20.000 bộ quần áo bảo hộ y tế… cùng với 9 chuyên gia thành thạo trong chiến dịch chống Covid 19 tại Trung Quốc vừa qua.

Bắc Kinh cũng hứa gởi qua giúp Roma 100.000 chiếc khẩu trang công nghệ cao và đã yêu cầu các công ty Trung Quốc xuất khẩu 2 triệu khẩu trang y tế thông thường sang Ý.

Về phía chính phủ Ý, Les Echos ghi nhận là Roma đã cam kết mua một khối lượng lớn thiết bị hỗ trợ hô hấp. Đây là những thiết bị do các công ty Trung Quốc làm ra để đối phó với dịch bệnh tại chỗ, nay đang bị tồn kho, vì không còn cần thiết.

Theo nhật báo Pháp, ngoại trưởng Ý đã được đồng nhiệm Trung Quốc cam kết hôm 10/03 là sẽ ưu tiên đáp ứng các yêu cầu của Roma. Ông Luigi Di Mario đã cảm ơn phía Trung Quốc và tuyên bố rằng : "Chúng tôi chắc chắn sẽ không quên quốc gia đã gần gũi với chúng tôi".

Les Echos bình luận : "Lời cám ơn này chẳng khác gì một lời trách móc nhắm vào Bruxelles".

Trang nhất các báo

Như nói ở trên, hai tờ Le Figaro Les Echos đã dành hồ sơ chính và tựa lớn trang nhất cho dịch Covid-19, trong lúc Le Monde, Libération La Croix thì chú ý đến thời sự Pháp hay quốc tế.

Dù cùng khai thác chủ đề virus corona, nhưng Le Figaro đã nhấn mạnh đến phản ứng của Châu Âu với hàng tựa lớn: "Đối mặt với đại dịch, Châu Âu đang cố gắng tổ chức" cách phản ứng. Trong khi đó, Les Echos lại chú ý nhiều hơn đến tình hình tại Pháp, cho rằng "Pháp bị (virus) bao vây".

Đối với Le Figaro để tránh tình trạng các quốc gia vì ích kỷ chỉ bo bo lo cho mình, chính "Ủy ban Châu Âu sẽ đứng ra điều phối công cuộc đấu tranh chống đại dịch giữa các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu". Theo Le Figaro, đây quả là một việc không dễ dàng do truyền thống "hợp tác khó khăn" giữa các nước Châu Âu với nhau.

Tuy vậy, cả hai tờ báo đều có vẻ khen ngợi quyết định của nước Đức, với việc thủ tướng Merkel sẵn sàng để Đức tham gia giúp đỡ các nước khác, đồng thời từ bỏ thái độ cứng rắn trên vấn đề thâm thủng ngân sách để các nước có thể tung tiền chống dịch.

Ba bà tranh chức thị trưởng Paris

Trái với hai đồng nghiệp Les Echos Le Figaro, nhật báo Libération đã dành trang nhất và hồ sơ chính cho cuộc bầu cử các hội đồng thành phố và thị xã ở Pháp, mà vòng 1 sẽ diễn ra ngày Chủ Nhật 15 tháng Ba tới đây.

Libération đặc biệt chú ý đến tình hình thủ đô Paris, nơi ba ứng viên nhiều triển vọng làm thị trưởng nhất đều là phụ nữ : Thị trưởng mãn nhiệm Anne Hidalgo, đảng Xã Hội, bà Rachida Dati, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, và bà Agnès Buzyn đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước.

Đây là ba người đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận, do vậy, tại Paris sẽ là một Cuộc Đấu Tay Ba – tựa lớn trang nhất - chứ không phải là tay đôi truyền thống.

Nhật báo La Croix thì nhìn sang Syria, nêu bật thực tế là sau 9 năm nội chiến, người dân nước này đang rơi vào cảnh tuyệt vọng.

Sau cùng, Le Monde đã chú ý đến tình hình Nga, nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất : "Cú đảo chánh về mặt Hiến pháp của Putin", phân tích cách thức mà lãnh đạo Nga đã làm, để có thể danh chính ngôn thuận bám lấy quyền hành.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Virus corona : Chính phủ và người dân Trung Quốc, ai phải biết ơn ai ?

Trong bối cảnh số người nhiễm virus corona và chết vì dịch bệnh vẫn không ngừng tăng nhanh chóng, virus đã lan rộng ra 117 quốc gia trên toàn thế giới, báo chí Pháp hôm nay đều tập trung vào Covid-19, nhưng dàn trải trên nhiều khía cạnh.

ai1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một bệnh viện ở Vũ Hán, ngày 10/03/2020. Reuters

Cú sốc kinh tế, những thách thức với Liên Hiệp Châu Âu, những biện pháp hà khắc ở Ý, nguy cơ nước Pháp sa vào con đường của Ý, khó khăn của các nước xuất khẩu dầu lửa, cuộc chiến chống tin giả trên các mạng xã hội, ý đồ viết lại lịch sử của chính quyền Bắc Kinh... Tất cả đều xoay quanh con virus mà mắt thường không nhìn thấy được.

Tập Cận Bình : Người giải phóng thành phố Vũ Hán ?

Hướng về Trung Quốc, qua bài viết "Đối với Tập Cận Bình, tình hình ở Trung Quốc đã được kiểm soát", Le Monde giải mã ý đồ của chủ tịch Tập trong chuyến thăm ổ dịch Vũ Hán hôm qua 10/03. Chuyến đi Vũ Hán đầu tiên của Tập Cận Bình từ khi thành phố này biến thành ổ dịch Covid-19 chứng tỏ Bắc Kinh cho rằng đã khống chế được sự lây lan của virus corona. Đây là một chuyến đi mang tính biểu tượng cao.

Ban đầu, Tập Cận Bình rất kín đáo trong công tác chỉ đạo quản lý dịch bệnh, đến giữa tháng Hai, ông Tập lên tuyến đầu, sau khi một tạp chí vốn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản, Cầu Thị (Qiushi), cho đăng một bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc, theo đó ông Tập khẳng định ngay từ ngày 07/01 đã yêu cầu thực hiện các biện pháp để "phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh". Một nhà ngoại giao Châu Âu tại Bắc Kinh xin ẩn danh giải thích với Le Monde là việc này "cứ như thể bộ máy tuyên truyền muốn nhấn mạnh đến việc Tập Cận Bình đã cảnh báo tất cả mọi người về điều sắp xảy ra nhưng không ai nghe theo".

Ban đầu, Bắc Kinh muốn là một hình mẫu trong việc kết hợp kiểm soát và phòng ngừa dich bệnh đồng thời đảm bảo sự vận hành hết công suất của nền kinh tế. Kể từ khi dịch bệnh có chiều hướng suy giảm vào nửa cuối tháng Hai, giới lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đến ý chí : cuộc chiến sắp thắng lợi và Trung Quốc từ nay sẽ gánh trách nhiệm của một siêu cường. Chính phủ Trung Quốc chuyển sang hỗ trợ các nước đang phải đối phó với virus, cấp cho các nước láng giềng, các nước đang phát triển các bộ dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang, bộ đồ bảo hộ. Hôm 09/03, bài xã luận của nhật báo Hoàn Cầu thời báo, vốn nổi tiếng với lập trường dân tộc, nhận định Trung Quốc phải khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế và cho thấy là một siêu cường kinh tế đáng tin cậy và duy trì sự hấp dẫn đối với phần còn lại của thế giới.

Chính phủ và người dân Trung Quốc, ai phải biết ơn ai ?

Trở lại với Vũ Hán, Le Monde cho rằng tình hình được kiểm soát chặt chẽ khi ông Tập đến thành phố này, để tránh mọi hình thức phản kháng. Ông Tập muốn xuất hiện như một người đến để giải quyết các vấn đề và giải phóng thành phố khỏi những nỗi thống khổ mà người dân phải gánh chịu khi bị cách ly. Hồi tuần trước, nhà chức trách địa phương đã phạm nhiều sai lầm. Khi phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) đến Vũ Hán, bà đã bị người dân một khu phố đón chào bằng câu "Tất cả đều là giả dối". Báo chí Nhà nước đã nhân sự kiện này chỉ trích chính quyền địa phương.

Còn cuối tuần qua, sau khi tân bí thư Vũ Hán tung ra chiến dịch "giáo dục về lòng biết ơn" cho người dân thành phố với phát biểu : "Chúng ta phải biết ơn tổng bí thư (Tập Cận Bình) và Đảng cộng sản", ngay lập tức trên các mạng xã hội, dân chúng bày tỏ nỗi phẫn nộ. Lời đáp trả của nhà văn nữ Phương Phương (Fang Fang) đã được chia sẻ rộng rãi : "Chính phủ phải ngưng thái độ ngạo nghễ và biết khiêm nhường tỏ lòng biết ơn các chủ nhân : hàng triệu cư dân Vũ Hán". Kể từ đó, chính quyền địa phương đã phải lui bước. Những câu nói về chiến dịch giáo dục nói trên đã biến mất trên báo chí Nhà nước nhưng những phát biểu phê phán trên các mạng xã hội đã bị kiểm duyệt ồ ạt.

Còn Le Figaro, trong bài viết "Virus corona : Trung Quốc đang tiến gần đến thắng lợi", nhận xét Trung Quốc "cuối cùng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm". Giờ là lúc để bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản tung ra những lời ngợi ca đầy thi vị : "Dưới sự chỉ đạo của cá nhân tổng bí thư Tập Cận Bình, chiến thắng chưa từng có chống Covid-19 đang đến gần, cùng với thanh âm của mùa xuân đang về".

Tập Cận Bình muốn "viết lại lịch sử" ?

Còn báo Libération nhận định Đảng cộng sản Trung Quốc có thể tiếp tục viết lại lịch sử, với Tập Cận Bình là người chiến thắng trong cuộc chiến của nhân dân chống lại con virus. Ngay từ hôm 27/02, nhà dịch tễ học tiếng tăm Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) tuyên bố : "Virus corona có thể không phải đến từ Trung Quốc". Quan điểm này sau đó được Bộ Ngoại giao và các đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài nhắc lại. Thậm chí đại sứ quán Trung Quốc, trong một lá thư ngỏ gửi Hoa kiều ở Nhật hôm 05/03, còn gọi virus corona là "virus Nhật Bản".

Cơ quan kiểm duyệt của Bắc Kinh nhân dịp này còn cho phát tán các thuyết âm mưu theo đó virus đến từ Mỹ. Một người dẫn chương trình truyền hình còn đòi "phần còn lại của thế giới phải xin lỗi Trung Quốc cho những sự hy sinh" mà họ đang gánh chịu. Theo Libération, mục tiêu của Bắc Kinh là khiến mọi người quên đi rằng chế độ Trung Quốc đã để lãng phí 3 tuần lễ quý báu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Liên Hiệp Châu Âu và cuộc trắc nghiệm tình đoàn kết

Liên Âu là một ổ dịch lớn, tất cả các nước thành viên đều đã bị ảnh hưởng, nhất là Ý, Pháp, Đức. Le Monde, Le Figaro Les Echos hôm nay tập trung vào những thách thức và biện pháp của Liên Âu trong cuộc chiến chống Covid-19. Báo kinh tế Les Echos cho biết "27 nước thành viên Liên Hiệp đang nỗ lực phối hợp hành động để đối phó với virus corona". Cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia thành viên tối hôm qua là nhằm đánh giá kho dự trữ, nhu cầu và khả năng sản xuất trang thiết bị bảo hộ.

Trước cuộc họp, phủ tổng thống Pháp cho biết mục tiêu là các nước chia sẻ thông tin, tăng cường phối hợp về vệ sinh y tế và kinh tế. Hiện nay, Châu Âu đang hành động theo kiểu "mạnh ai nấy làm", từ công tác kiểm soát biên giới, đình chỉ các tuyến hàng không, nhất là với Trung Quốc và Iran, đóng cửa trường học, hạn chế tập trung nơi công cộng… Chính sự thiếu thống nhất này khiến công chúng lo ngại.

Les Echos nhấn mạnh đây chính là lúc trắc nghiệm nguyên tắc đoàn kết, vốn là cơ sở để thành lập Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay, vẫn chưa có thành viên nào có biện pháp hỗ trợ cụ thể dành cho Ý, ổ dịch lớn nhất Châu Âu. Ý đã đề nghị được cung cấp các kit xét nghiệm nhưng chưa có nước nào hồi đáp. Bỉ đề nghị Đức hỗ trợ khẩu trang, nhưng Berlin thì cấm xuất khẩu mặt hàng này, còn Pháp trưng thu toàn bộ khẩu trang trong nước.

Liên Hiệp Châu Âu phải hành động nhanh và mạnh

Ra sớm từ chiều hôm qua, Le Monde nhận định "Chống virus corona, Liên Hiệp Châu Âu phải hành động nhanh và mạnh". Tờ báo nhấn mạnh trong những cuộc khủng hoảng trong quá khứ, chính thái độ do dự, lưỡng lự đã khiến Liên Âu phải trả giá đắt. Về kinh tế, giờ không phải lúc để trì hoãn, khất lần. Liên Hiệp Châu Âu phải khẩn trương đối phó với cơn bão lớn có khả năng quét sạch mọi thứ trên đường nó quét qua, trong bối cảnh giá dầu mỏ đã giảm sút mạnh, thị trường chứng khoán bất ngờ suy sụp, thương mại thế giới sụt giảm, nhu cầu hàng hóa trong mọi lĩnh vực trên thế giới đột ngột tiêu biến.

Le Monde nhấn mạnh Liên Âu không được phép lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và khủng hoảng nợ 2011, khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã phải trả giá đắt khi do dự trong việc can thiệp ồ ạt và khẩn cấp để "dập tắt đám cháy". Lần này, Liên Âu bắt buộc phải suy ngẫm về câu nói của tướng MacArthur : "Những trận thua đều có thể được tóm tắt bằng hai từ : quá muộn".

"Cơn bão đang nổi lên" không có liên hệ gì với cuộc khủng hoảng hồi năm 2008, vốn đã tấn công vào tâm hệ thống tài chính. Lần này, điều quan trọng là chúng ta tự tìm ra phương tiện để vượt qua một thử khách khó khăn nhưng không phải là không thể vượt qua, với điều kiện là các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu phối hợp và đoàn kết với nhau. Các biện pháp hỗ trợ mà các nước quyết định cho đến nay là khác nhau và được xem như là một liệu pháp vi lượng đồng căn, trong khi Châu Âu cần được điều trị bằng liệu pháp sốc.

Liệu pháp nói trên bao gồm việc nới lỏng các quy tắc quản lý viện trợ Nhà nước, loại trừ các biện pháp về coronavirus khỏi những phép tính mức thâm hụt quốc gia, các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ECB và Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu áp dụng (EIB). Điều thiết yếu là nhằm duy trì sự liên tục trong hoạt động của các doanh nghiệp và việc làm trong khi chờ đợi tình trạng an toàn vệ sinh được cải thiện.

Le Monde kết luận trong bối cảnh sự hoảng loạn đang xâm chiếm thị trường tài chính, các phản ứng chính trị ở giai đoạn này dường như chưa đạt tầm mức cần thiết. Nếu Châu Âu không thể cho thấy sự quyết đoán và phối hợp nhiều hơn, hậu quả của dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ rất nặng nề và gây nhiều đau đớn.

Trong khi đó, báo Libération cho biết trong cuộc họp hôm qua, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hứa thành lập một quỹ với 25 tỉ euro để chống dịch Covid-19, trong đó 7,5 tỉ euro sẽ được trích từ ngân sách Liên Hiệp ngay từ tuần này. Số tiền này chủ yếu dành để cải thiện các hệ thống chăm sóc y tế, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường lao động, và đặc biệt là các nước kinh tế kém phát triển nhất trong khối.

Hãy phát huy tính kỷ luật, cho dù chỉ một lần !

"Hãy phát huy tính kỷ luật, cho dù chỉ một lần !" là lời kêu gọi trong bài xã luận của báo Le Figaro. Trong khi chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn nhắn gửi "thông điệp chiến thắng virus", thì Châu Âu lại đang đối đầu với sự lây lân mạnh của virus. Nước Ý đang tiến bước theo con đường của Trung Quốc, nhưng Le Figaro nói một cách hình ảnh, vấn đề nằm ở chỗ Roma không được trang bị "những loại vũ khí" giống như Trung Quốc.

Biện pháp cách ly được chính quyền Roma ban hành cho toàn quốc, nhưng việc áp dụng trên thực tế lại chỉ ở mức tương đối : các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động, dòng người xếp hàng dài ở quầy thu ngân trong các siêu thị, người dân vẫn có thể đi làm. Và rất khó để Châu Âu có thể triển khai các biện pháp vệ sinh y tế như chính quyền Trung Quốc đã cho áp dụng với hàng trăm triệu người dân. Covid-19 cho phép tiết lộ tính cách của cả một dân tộc và chính phủ một nước. Nếu Trung Quốc độc đoán, chuyên quyền, người Ý nổi tiếng với niềm đam mê, thì theo Le Figaro, đặc trưng của người Nhật Bản và Hàn Quốc là tính kỷ luật …

Sự lây lan dịch bệnh ở Pháp cũng sẽ tương tự ở Ý, chỉ là chậm hơn một vài ngày. Le Figaro nhận định các biện pháp nghiêm khắc hơn sẽ sớm trở nên cần thiết. Thế nhưng, do ý thức được về tác động của những biện pháp này đối với nhân dân Pháp, vốn luôn muốn tự do, chính phủ luôn nhấn mạnh chỉ đưa ra các quyết định tùy theo mức độ tình hình. Thế nhưng, chính điều này lại có thể khiến công chúng lo sợ về khả năng dịch bệnh lây lan là không thể tránh khỏi.

Cách duy nhất là dân chúng thể hiện ý thức kỷ luật ngay từ bây giờ : giữ gìn vệ sinh (rửa tay), hạn chế di chuyển và tập hợp đông người… Le Figaro để ngỏ câu hỏi : Liệu virus corona có thể cho thấy nét mới về lý tính và ý thức kỷ luật trong tính cách của người Pháp hay không ? Hay là người Pháp muốn đợi đến khi quá muộn mới "nổi dậy" chống lại virus ?

Thùy Dương

Published in Quốc tế