Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gió ngược mang ô nhiễm đến Bắc Kinh trong Đại Hội Đảng (RFI, 21/10/2017)

Tuy đã cấm các nhà máy và nhà hàng trong khu vực hoạt động để giữ cho bầu trời Bắc Kinh được xanh trong vào dịp Đại hội Đảng lần thứ 19, nhưng một làn gió ngược từ phương nam từ hôm qua 20/10/2017 đã mang đến những đám mây ô nhiễm, làm hỏng mất ngày đại lễ long trọng của Đảng cộng sản Trung Quốc.

onhiem1

Lính canh bên ngoài Đại Sảnh Đường Nhân Dân, trong ngày khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc 18/10/2017. Reuters/Ahmad Masood

Trong bài diễn văn hôm khai mạc 18/10, tổng bí thư Tập Cận Bình đã hùng hồn tuyên bố : "Cần phải chận đứng nạn ô nhiễm ngay từ gốc, tiếp tục đấu tranh chống ô nhiễm không khí và giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu cho một bầu trời xanh".

Cả 2.300 đại biểu đồng loạt vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng bên ngoài Đại lễ đường Nhân Dân, tỉ lệ vi phân tử độc hại (có đường kính dưới 2,5 micron) đo được từ hôm qua đã vượt quá ngưỡng 200, theo công ty AirVisual. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tỉ lệ này tối đa chỉ có 25.

Nhà cầm quyền Trung Quốc, một trong những nước ô nhiễm nhất thế giới, mỗi dịp hội nghị lớn đều muốn có được một bầu trời xanh trong trên màn ảnh truyền hình. Đến nỗi có lần người dân đặt tên là "màu xanh APEC", do nhờ hội nghị APEC, các nhà máy bị đóng cửa, mới thấy lại được màu trời xanh.

Trong Đại hội Đảng 19, các nhà máy luyện thép ở cách Bắc Kinh 160 km đã bị buộc phải ngưng hoạt động, các công trường xây dựng bị ngưng, thậm chí các nhà hàng bán món thịt nướng cũng bị tạm đóng cửa.

Tuy nhiên cơ quan khí tượng cho biết một trận gió đã ập vào thủ đô, mang theo khói mù từ các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nặng của các tỉnh miền nam đến Bắc Kinh. Đám mây độc hại "ô nhiễm ở mức trung bình đến cao" này sẽ tồn tại ít nhất là đến hết cuối tuần.

Thụy My

******************

Ô nhiễm : Sát thủ vô hình ác hơn cả chiến tranh, thiên tai hay dịch họa (RFI, 20/10/2017)

Trong năm 2015, cứ 6 ca chết yểu trên thế giới thì có 1 ca là do tiếp xúc với chất độc hại, tương đương với 9 triệu người thiệt mạng. Con số khủng khiếp này nằm trong một nghiên cứu quan trọng được tạp chí y tế Anh nổi tiếng The Lancet công bố hôm qua, 19/10/2017. Theo nghiên cứu này, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây tử vong hàng hàng đầu, tai hại hơn cả chiến tranh, bạo lực, thiên tai, đói nghèo và bệnh tật.

onhiem1

Không khí ô nhiễm tại New Delhi, Ấn Độ, nước đứng đầu thế giới về số tử vong. Ảnh ngày 20/10/2017. Reuters/Saumya Khandelwal

Theo hãng tin Mỹ AP, tác giả chính của công trình nghiên cứu, nhà dịch tễ học Philip Landrigan thuộc Trường Y Khoa Icahn tại Mount Sinai, New York, thì cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm, nhưng các công trình này không được quan tâm như những nghiên cứu về bệnh SIDA/AIDS hay biến đổi khí hậu.

Theo ông : "Ô nhiễm là vấn đề rất lớn mà mọi người thường không để tâm bởi họ chỉ nhìn vào những khía cạnh manh múm sự việc".

Theo công trình nghiên cứu, ô nhiễm dưới mọi hình thức lại là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất, và số lượng 9 triệu ca chết yểu (tức là chết không phải vì già yếu) được ghi nhận là do ô nhiễm, thực ra chưa đầy đủ, và trên thực tế số người chết do ô nhiễm chắc chắn lớn hơn.

Nhưng riêng con số 9 triệu chưa chính thức này đã cao gấp 1,5 lần số người chết vì hút thuốc, gấp ba lần tổng số người chết vì SIDA/AIDS, lao và sốt rét cộng lại, gấp 6 lần số người chết do tai nạn giao thông đường bộ, và 15 lần số người thiệt mạng trong chiến tranh hoặc các hình thức bạo động khác, theo bản nghiên cứu Đánh Giá Gánh Nặng Bệnh Tật Toàn Cầu (Global Burden Disease) đang được Tổ Chức Y Tế Thế Giới kết hợp với Đại Hoc Washington ở Mỹ thực hiện.

Theo kết quả nghiên cứu, người dân ở Châu Á và Châu Phi bị tác động nhiều nhất từ ô nhiễm môi trường, trong khi ở cấp quốc gia thì Ấn Độ đứng đầu danh sách, với 2,5 triệu ca tử vong vì ô nhiễm, theo sau là Trung Quốc, với 1,8 triệu ca... Ngay cả tại các nước giầu, những khu dân cư nghèo nhất cũng là đối tượng chính bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường…

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Trung Quốc : Chiếm Đài Loan vào giữa thập niên 2020 ? Không dễ ! (RFI, 20/10/2017)

Trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản ngày 18/10/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa rằng mọi ý hướng ly khai để đòi độc lập cho Đài Loan đều sẽ bị đánh bại. Tuyên bố này nêu bật lập trường trước sau như một của Bắc Kinh là sát nhập Đài Loan, kể cả bằng võ lực nếu cần. Thậm chí, theo nhà nghiên cứu Mỹ Ian Easton, thuộc cơ quan nghiên cứu mang tên Viện Dự Án 2049 – Project 2049 Institute - thì Bắc Kinh đã có kế hoạch xâm lược Đài Loan ngay vào giữa thập niên 2020. Kế hoạch là như thế, nhưng theo chuyên gia này, thực hiện không phải dễ.

dailoan1

Đài Bắc, ngày Quốc khánh 10/10/2017. Reuters/Tyrone Siu

Trên báo mạng Digital Journal ngày 15/10/2017, biên tập viên Paul Wallis, đã phân tích nội dung quyển biên khảo của Ian Easton, mang tựa đề "Mối đe dọa bị Trung Quốc xâm lược - The Chinese Invasion Threat", theo đó Bắc Kinh đã vạch kế hoạch xâm chiếm Đài Loan vào khoảng giữa những năm 2020. Washington, có vẻ tin vào tính xác thực của các kế hoạch đó.

Ian Easton đã dựa trên những thông tin được rò rỉ, cũng như tiết lộ của những người trong cuộc về quan hệ Đài Loan - Trung Quốc để kết luận rằng thông tin về kế hoạch xâm lược Đài Loan đáng tin vì ba lý do :

1. Trung Quốc luôn muốn thống nhất với Đài Loan từ khi cuộc nội chiến Trung Hoa kết thúc năm 1949

2. Trong lúc đó thì về phía Đài Loan, với hướng chuyển qua một thể chế dân chủ đang tồn tại, việc tự nguyện thống nhất với Trung Quốc khó thể thực hiện

3. Tài liệu của quân đội Trung Quốc được sử dụng cho thấy là Trung Quốc bắt đầu sử dụng công nghệ học thế hệ thứ tư, nâng khả năng đánh nhanh lên một trình độ cao hơn so với những thế hệ trước.

Đánh chiếm : Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt

Tuy nhiên có kế hoạch không có nghĩa là Trung Quốc chắc chắn sẽ tấn công, mà chỉ có nghĩa là Trung Quốc đã lên kế hoạch sẵn sàng cho quân đội của họ để hành động khi cần.

Hệ quả của việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan thì ai cũng đã thấy rõ : Hoa kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan và nhờ đến sự trợ giúp các đồng minh khu vực. Úc và cả Nhật Bản, có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến.

Theo tác giả bài báo, sẽ không sai lầm chút nào khi cho rằng không bên nào thích thú với việc này. Một cuộc chiến với Trung Quốc – chỉ cách Hoa Lục vài phút đồng hồ - quả là không thú vị chút nào. Đối với Đài Loan, điều đó có nghĩa là với trận mưa lửa từ Trung Quốc trút xuống, Đài Bắc sẽ bị thiệt hại to lớn, và cả đảo bị vạ lây.

Nhưng bản thân Trung Quốc cũng có thể có một số đắn đo. Một chiến dịch với mục tiêu đơn thuần là chinh phục Đài Loan, không phải một cái gì lớn lao, giành được một hòn đảo khô cằn trên Biển Đông có lẽ không đáng với công sức bỏ ra.

Cho dù Trung Quốc có thắng, chi phí cho việc chiếm đóng và tái thiết rất to lớn. Kẻ xâm lược còn phải đối mặt với dân cư thù ghét họ, với các hệ quả thương mại và ngoại giao thật sự tồi tệ. Nhìn dưới khía cạnh đó, việc mở cuộc tấn công không phải là một ý hay.

Ian Easton từng nêu lên một mối lợi là Trung Quốc có thể dùng Đài Loan làm một căn cứ tốt để từ đó triển khai lực lượng ra khu vực nhưng thật ra thì Trung Quốc cần phóng ra bao nhiêu lực lượng ?

Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc là lực lượng võ trang Đài Loan không chịu ngồi yên, và Mỹ có khả năng lao vào cuộc chiến để bảo về đồng minh.

Chỉ riêng trên bình diện tác chiến, Đài Loan là một mục tiêu khó nuốt, có thể đáp trả bằng những đòn đau điếng, gây nhiều thiệt hại cho Trung Quốc. Quân đội Đài Loan dĩ nhiên không hùng mạnh như Mỹ nhưng rất đông, kể cả với quân trù bị, vũ khí cũng rất nhiều, tóm lại, có khả năng chiến đấu mãnh liệt.

Nếu Đài Loan có sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ, thì Trung Quốc có lẽ sẽ phải điều hành một chiến dịch quân sự khó khăn nhất của họ từ trước đến nay, với lực lượng đổ bộ vấp phải rào cản của Hải Quân Mỹ. Điều đó có nghĩa là kế hoạch tác chiến phải dự trù trường hợp đối mặt với một nhóm tàu sân bay Mỹ.

Không Quân và Hải Quân Trung Quốc như vậy sẽ có một nhiệm vụ gay go : Đối phó với một hải đội tàu sân bay tác chiến có nghĩa là tăng cường đáng kể năng lực quân sự và cũng có thể là dùng đến tàu sân bay của Trung Quốc. Một môi trường tác chiến như thế quả là không dễ dàng chút nào cho mục tiêu xâm chiếm bất kỳ nơi nào.

Chiến thuật ‘phi thường’

Để đánh bại một hải đội tàu sân bay Mỹ, cái mà Trung Quốc thường gọi là chiến thuật ‘phi thường’ sẽ được sử dụng để tạo cơ may thắng lợi mà không bị thiệt hại lớn lao. Biên khảo của Ian Easton đã nêu bật vấn đề thực thụ quan trọng đó đối với giới đề ra kế hoạch tại Trung Quốc.

Theo bài viết thì quả là Trung Quốc đã có một chiến thuật ‘phi thường’, tức là tấn công bất ngờ và/hay là triển khai vũ khí lạ chống lại bất kỳ hành động nào của Mỹ trước khi chiến dịch được thực hiện. Gián điệp Trung Quốc cài ở Đài Loan sẽ phải làm việc căng thẳng, những cuộc tấn công tin học sẽ rất ồ ạt.

Đánh Đài Loan một cách bất ngờ, hay như trong trường hợp này, đánh vào hệ thống tình báo Mỹ, không phải là một chuyện dễ. Khu vực Đài Loan luôn luôn được đặt trong tình trạng báo động cao. Bất kỳ động tĩnh nào trong vùng đều bị theo dõi chặt chẽ. Như vậy, muốn tấn công bất ngờ, Trung Quốc phải tính đến các thông số như vệ tinh gián điệp của Mỹ, máy bay giám sát và hệ thống tình báo.

Nhưng còn một khía cạnh khác của chiến dịch, không rõ ràng cụ thể như những điều nói ở trên, nhưng then chốt đối với một kế hoạch tấn công thực sự. Thất bại sẽ rất nguy hiểm đối với Trung Quốc và là thảm họa đối với bất kỳ người chỉ huy nào. Thất bại nặng nề trong chiến dịch sẽ có hậu quả kinh khủng ở trong nước, trong đó có việc làm chế độ mất ổn định. Bất kỳ kế hoạch nào cũng phải quan tâm đến những rủi ro này.

Lập trường của Mỹ

Từ năm 1949, bảo vệ Đài Loan luôn là một nguyên tắc vững như bàn thạch của chiến lược Mỹ. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, có nhiều nguyên do cho việc này :

1. Để Đài Loan bị chiếm đóng sẽ là mở cửa vùng Thái Bình Dương cho Trung Quốc, và qua đó cho Liên Xô.

2. Đài Loan là một tiền đồn tốt vào thời ấy,

3. Cho dù vậy, trên bình diện cá nhân, tổng thống Mỹ Truman rất ghét Tưởng Giới Thạch, và muốn có một người chống cộng cứng rắn đặc trách Đài Loan.

4. Nguy cơ chiến tranh kiểu Đông Dương hay Triều Tiên sau đó lan ra trong khu vực đã khiến Mỹ hiện diện quân sự mạnh mẽ trong vùng Châu Á.

5. Mỹ không có nhiều nơi trong vùng để có thể triển khai một lực lượng phòng thủ tiền phương nhắm vào Trung Quốc, và Đài Loan là một chọn lựa hiển nhiên.

Mỹ chưa bao giờ thay đổi quan điểm về tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan mặc dù có bao thay đổi trên thế giới và sự tiến bộ nhẩy vọt của công nghệ quân sự. Một trong những lý do mà việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông được xem là quan trọng đó là vì Đài Loan.

Triết lý gọi là ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền Donald Trump cũng không có tác động gì nhiều trên vấn đề này. Đối với giới phân tích quân sự chuyên nghiệp, bỏ đi chiến lược dấn thân dài hạn bên cạnh Đài Loan sẽ bị đánh giá là thể hiện một sự yếu đuối ghê gớm (nếu không muốn nói là ngu xuẩn). Việc xét lại chính sách Đài Loan hoàn toàn không có cơ sở quân sự nào, nhất là khi mà nhiều đồng minh quan trọng Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản lại sát cửa Đài Loan.

Vị trí tiền đồn phòng thủ của Đài Loan cho phép Mỹ uyển chuyển hơn trong việc tiến hành các chiến dịch của mình. Guam, Đài Loan và Nhật tạo thành một thế chân vạc rất tốt nếu có tranh chấp với Trung Quốc... Các kế hoạch gia của Trung Quốc cũng thấy điều này...

Cần phải nhớ rằng Mỹ không thể dùng đến vũ khí hạt nhân trong bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc. Leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân có nghĩa là tình hình đã đến lúc tàn cuộc và thậm chí đến Thế Chiến 3 không chừng. Mỹ chỉ có thể dùng vũ khí quy ước trong một cuộc chiến với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là chính sách bảo vệ Đài Loan vẫn còn hiệu lực.

Kết luận : Đề cao cảnh giác

Đối với tác giả bài viết khả năng Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan không thể xem thường. Điều được ghi nhận trong chính sách của Trung Quốc từ 70 năm nay là Trung Quốc và Đài Loan sẽ thống nhất. Chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ nhìn chung đều được thế giới chấp nhận, kể cả Hoa Kỳ. Nhưng chiến tranh không phải là không thể nổ ra. Ai cũng thấy thế giới đã suy sụp như thế nào trong 20 năm qua, và có thể suy sụp hơn nữa và rất nhanh.

Sự sát nhập kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng là một kịch bản khác có thể diễn ra, nếu Trung Quốc và Đài Loan mềm dẻo hơn với nhau. Chỉ hy vọng là hai bên không đi đến chiến tranh, vì sẽ không có ai thắng mà chỉ là số người chết khổng lồ sẽ bôi đen lịch sử nhân loại.

Mai Vân

****************

Tập Cận Bình : Trung Quốc sẵn sàng "đập tan" ý định độc lập của Đài Loan (RFI, 18/10/2017)

Đài Loan độc lập là một điều không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh. Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ngày 18/10/2017, chủ tịch Tập Cận Bình nghiêm khắc cảnh báo Bắc Kinh có đủ tự tin, quyết tâm và sức mạnh để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực ly khai nào để Đài Loan độc lập, dù dưới bất kỳ hình thức nào.

dailoan2

Ảnh minh họa : Sinh viên Đài Loan phất cờ gọi là 'Đài Loan độc lập' và mang ảnh Tập Cận Bình trong một cuộc phản đối. Ảnh chụp tại Đại học Quốc gia Đài Loan ngày 24/09/2017. Reuters/Tyrone Siu

Ông Tập nhấn mạnh : "Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, bất kỳ tổ chức, hoặc bất kỳ đảng phái chính trị nào, bất cứ lúc nào hoặc trong bất kỳ hình thức nào, tách bất cứ phần nào của lãnh thổ Trung Quốc ra khỏi Trung Quốc".

Hãng tin Reuters nhắc lại, từ 5 năm nay, Trung Quốc kịch liệt phản đối và ngăn chặn việc Đài Loan độc lập vì Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Ngay lập tức, chính phủ Đài Loan đã phản ứng về phát biểu của ông Tập Cận Bình. Đài Bắc khẳng định 23 triệu người dân trên đảo có quyền "tuyệt đối" quyết định tương lai của họ, đồng thời sẽ kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn cho người dân song song với việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực eo biển Đài Loan.

Bình Nhưỡng chúc mừng Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc thành công

Cùng ngày 18/10, Bắc Triều Tiên đã "nồng nhiệt hoan nghênh Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và gửi những lời chào nồng nhiệt đến các đảng viên và người dân Trung Hoa", trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang dần xấu đi vì tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, theo AFP, lời chúc mừng được hãng truyền thông nhà nước KCNA đăng tải, rất ngắn gọn, vỏn vẹn 3 khổ và không nhắc đến quan hệ lịch sử giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, khác hẳn với lời chúc mừng gửi đến Đại Hội năm 2012 khi đích danh cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào được ca ngợi.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Daesh bị sụp đổ nhưng lò lửa Trung Đông vẫn bốc khói (RFI, 20/10/2017)

Báo Pháp đặc biệt chú ý đến Danielle Darrieux, minh tinh thế kỷ của sân khấu và màn ảnh Pháp vừa tắt lịm, bên cạnh các chủ đề thời sự từ sự sụp đổ của Daesh ở Trung Đông, đến chuyện Madrid song đấu với Catalunya, Liên Hiệp Quốc bất lực trước hồ sơ Rohingya, thế thượng phong của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, vì sao không nên cấm cửa kênh truyền hình Russia Today của Nga họat động tại Pháp, bản chất chế độ chính trị Trung Quốc qua gia đình của một nữ doanh nhân nằm trong trung tâm quyền lực từ trước 1949.

daesh1

Cờ Daesh chỉ còn trên những ngôi nhà bị tàn phá ở Raqqa. Ảnh ngày 18/10/2017. Reuters/Erik De Castro

Trung Đông : một cuộc chiến mới đang chờ

Trước hết, liệu Trung Đông sẽ yên bình một khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh bị sụp đổ ? Trong bài "Trung Đông thời hậu thánh chiến" trên trang quốc tế của Le Monde, nhà phân tích Alain Frachon nhận xét : một Trung Đông mới sẽ ra đời khi "giáo triều thánh chiến" cáo chung. Tuy nhiên, Trung Đông mới này không bình yên mà còn hứa hẹn có nhiều lửa khói. Sau bốn năm gieo rắc máu xương, chiến tranh đã làm cho bộ mặt Trung Đông đổi khác không thể quay trở lại.

Thứ nhất, cánh Hồi giáo bệnh hoạn và cực đoan của hệ phái Sunni sẽ cùng với Daesh, mất đi ít nhất hai tham vọng : lật đổ chính quyền Syria và kiểm sóat miền bắc Irak. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của hệ phái Sunni, sản sinh ra al-Qaeda và Daesh, cũng như những chân rết khủng bố khác, sẽ tồn tại. Họ sẽ tiến hành chiến tranh du kích, khủng bố ở Trung Đông và nhiều nơi khác. Hai chế độ Damascus và Baghdad sẽ đối xử ra sao với cộng đồng Sunni : tiếp tục trấn áp hay đối xử công bằng ? Có xem nhu cầu tái thiết Raqqa và Mosul là ưu tiên hay không ?

Trở lực lớn nhất vẫn là thiết lập cân bằng tương quan lực lượng. Nhưng liệu các nước "bảo trợ" có chấp nhận luật chơi hay không ? Trong cuộc chiến này, Nga và Tehran đứng về phía Damascus. Nhưng từ nay, Syria không còn là một nước có chủ quyền và được toàn vẹn lãnh thổ.

Nói đến Nga và Iran thì phải nhớ đến Mỹ của Donald Trump. Trong giai đoạn tranh cử, Donald Trump đã dành không biết bao nhiêu lời ưu ái ca ngợi Vladimir Putin và Bachar al-Assad. Thế mà một năm sau, khi vào Nhà Trắng, Donald Trump xem Iran là kẻ thù số một, muốn chế tài chế độ Hồi giáo Shi-a của Tehran. Tổng thống Mỹ muốn dựa vào Saudi Arabia và Israel để chống lại chính sách bành trướng của Iran.

Điện Kremlin sẽ phản ứng ra sao ? Le Monde đặt câu hỏi. Từ khi can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến Syria, nước Nga đã trở lại khu vực ở thế mạnh và bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, do thế thượng phong của Moskva, so với Washington, Nga cũng có phần trách nhiệm cho tương lai Trung Đông. Thủ tướng Netanyahu đã cảnh báo chủ nhân điện Kremlin : Israel không dung tha cho Iran "mở mặt trận" ở biên giới phía tây của Israel. Không một tháng nào mà máy bay Israel không tấn công các đoàn xe của Hezbollah chở tên lửa của Iran. Theo Le Monde, những cuộc oanh kích này có thể vượt tầm kiểm sóat vì theo thông lệ bao giờ sau một cuộc chiến cũng sẽ xảy ra một cuộc chiến khác.

Shinzo Abe trước thềm chiến thắng

Shinzo Abe chuẩn bị thắng lớn nhưng các kết quả thăm dò cho thấy thủ tướng Nhật mất dần hậu thuẫn trong dân chúng. Le Figaro giải thích thêm : 5 năm qua, chính sách "Abenomics" không đánh thức được nước Nhật, vì hầu hết các biện pháp cải cách sâu rộng không được thi hành.

Nhận định này của nhật báo thân hữu như một lời cảnh báo tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi cho rằng Nhật Bản vẫn chưa có một chính sách nhập cư đáp ứng với nhu cầu lao động và vẫn chưa cải cách thị trường lao động.

Trái lại, Le Monde phân tích cơ may và rủi ro của cuộc bầu cử trước kỳ hạn. Thông tín viên của nhật báo độc lập từ Tokyo cho biết "bản thân thủ tướng Nhật cũng không ngờ, cho dù bị môt số tai tiếng nhũng lạm quyền thế, hỗ trợ bạn thân, ông còn đủ uy tín để hy vọng duy trì đa số áp đảo tại quốc hội. Tham vọng của thủ tướng Nhật là nhân cơ hội bị Bắc Triều Tiên đe dọa hạt nhân, ông có thể cải cách Hiến Pháp chủ hoà. Tuy nhiên, cơ hội có một không hai này là con dao hai lưỡi.

Theo phân tích của Thượng nghị sĩ Hiroe Makiyama, người của đảng Dân Chủ Nhật Bản , thì phe tả cũng sẽ nhân cơ hội này để huy động cử tri thuộc xu hướng chủ hòa và chống năng lượng hạt nhân, xây dựng một cương lĩnh chính trị mới. Vấn đề là nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt lên cao, thì điều này sẽ làm chiến thắng của thủ tướng cánh hữu.

Miến Điện - Rohingya

Bầu cử Nhật Bản vào chủ nhật này không phải là thời sự quan trọng duy nhất ở Châu Á.

Với tựa : Sự bất lực của Liên Hiệp Quốc trước thảm nạn Rohingya, La Croix đặt câu hỏi : Liên Hiệp Quốc phản đối, Liên Hiệp Quốc tố cáo,Liên Hiệp Quốc lên án , nhưng làm được gì ? Hai viên chức Liên Hiệp Quốc và một chuyên gia độc lập nhìn nhận Liên Hiệp Quốc bất lực vì không thể đưa lực lượng võ trang vào Miến Điện và cũng không nên can thiệp bằng quân sự.

Trong bài xã luận "Chuyện tàn ác ở Miến Điện" nhật báo Công giáo lưu ý bang Rakhin chỉ là một trong nhiều lò lửa xung đột sắc tộc tại Miến Điện. Quân đội Miến Điện là thủ phạm chính nhân danh "chủ nghĩa dân tộc". Trong giai đoạn chuyển tiếp dân chủ hiện nay, can thiệp vào Miến Điện sẽ rất phức tạp. Điều quốc tế cần làm là trừng phạt các sĩ quan phạm tội ác và tiếp tục yểm trợ tiến trình dân chủ hóa. Mặt khác, dồn sức cứu trợ gần 600.000 người tị nạn ở Bangladesh. Theo La Croix, đó là ý nghĩa của chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Francis vào tháng 11 tới.

Trung Quốc : Đại hội thứ 19 Đảng cộng sản Trung Quốc

Hồ sơ thứ ba liên quan đến Châu Á là đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc. Les Echos dành một trang cho Yan Lan ( Diêm Lan), một nhà quản trị ngân hàng Lazard, được Pháp tặng Bắc Đẩu Bội Tinh, tác giả một quyển sách thuật lại những thăng trầm của gia đình ở trung tâm quyền lực đảng cộng sản Trung Quốc : ông nội là đảng viên Quốc Dân đảng trước khi theo Mao. Lên năm, Diêm Lan theo bố về sống một muà hè trong nhà Đặng Tiểu Bình, sát biệt thự của Mao và được đích thân họ Đặng dạy bơi. Bố của Diêm Lan là nhà ngoại giao, thông dịch viên tiếng Nga chính thức của Mao.

Lời kể của Diêm Lan như là một chứng nhân về tội ác của Hồng Vệ Binh thời cách mạng văn hóa mà ông và cha là nạn nhân. Bị tra khảo khắc nghiệt, ông nội của Diêm Lan từ trần trong nhà giam. Không chút hận thù, Diêm Lan cho biết mãi đến khi lên đại học, nhân một dịp trao đổi với một sinh viên Đài Loan bà mới ý thức được quy mô và tai hại của chiến thuật tuyên truyền sai lạc, bóp méo thông tin của chế độ Cộng sản Trung Quốc.

Madrid Barcelona

Về thời sự Châu Âu, trận đấu sức giữa Madrid và chính quyền ly khai ở Barcelona được báo chí Pháp đưa tin theo lối giao banh : Trả lời tối hậu thư của thủ tướng Rajoy, lãnh đạo ly khai Puigdemont không giải thích thỏa đáng, tựa của Le Monde. Trong khi Libération nhận định hai phe chọn chiến thuật "ai mạnh sẽ thắng" thì Le Figaro nhấn mạnh : Madrid sẵn sàng đình chỉ quy chế tự trị của Catalunya và lưu ý thái độ của Liên Hiệp Châu Âu là đoàn kết với Tây Ban Nha chống ly khai.

Trong bài xã luận, Le Figaro trách phe đòi độc lập "đi ngược chiều lịch sử" gây tổn hại nặng nề cho quyền lợi chung. Phe chủ trương cực đoan muốn khai thác lòng bất mãn của dân Catalunya khi Madrid tiến trình thực hiện điều 155 của Hiếp Pháp để hy vọng xảy ra một… Thiên An Môn. Trong khi đó, đất nước sẽ bị phân hóa nghiêm trọng và lâu dài, giới đầu tư mất tin tưởng. Thay vì lãng phí thời giờ công sức, Catalunya nên cùng Madrid tập trung giải quyết những vấn nạn quốc gia, từ di dân nhập cư, thất nghiệp, khủng bố Hồi giáo. Châu Âu không tha thứ cho thái độ đi sai đường lich sử.

Ngôi sao truyền hình Ksenia Sobtchak : Đối thủ mới của Putin

Về tình hình chính trị Nga, trong khi lãnh đạo đối lập và chống tham nhũng Boris Nemtsov bị ám sát và Alexei Navalny bị điện Kremlin dùng tư pháp chận đường tranh cử tổng thống, Libération giới thiệu một nữ xướng ngôn viên truyền hình Nga đứng lên thách thức Putin, Le Monde phân tích vì sao không nên cấm kênh truyền hình tuyên truyền Russia Today của Nga chủ hòa

Trực diện Putin trong cuộc bầu cử tổng thống, ngày thứ tư vừa qua, Ksenia Sobtchak một ngôi sao truyền hình Nga xinh đẹp và ăn khách thông báo ra tranh cử. Trên đài truyền hình Dojd, cô nhà báo trẻ tuổi cho biết đã thông báo cho Putin quyết định tranh đua này. Theo giới phân tích tại Moskva, Ksenia Sobtchak sẽ thu hút được thành phần "dân thành thị trẻ, có học thức, có đầu óc phê phán, thích tây phương". Nhà báo này không giấu lập trường đối lập với Putin, nhiều lần xuất hiện bên cạnh Boris Nemtsov, trước khi ông bị ám sát, và Alexei Navalny.

Nổi loạn nhưng không chống chế độ, đối thủ mới của tổng thống Putin, nếu không bị cản đường bằng những biện pháp trấn áp, sẽ là một ứng cử viên lợi hại : tổ chức vận động tranh cử ôn hòa, không tố cáo bầu cử gian lận, nhưng giương cao ngọn lửa tranh đấu của mọi tiếng nói bất mãn. Chỉ riêng những người ủng hộ Alexei Navalny, chiếm đến 15% hay 25% cử tri Nga.

Vào lúc Nga tìm cách bóp nghẹt các tiếng nói phản biện thì một cơ quan truyền thông do nhà nước tài trợ, đài Russia Today, nước Nga ngày nay muốn phát sóng tại Pháp vào tháng 12 tới. Trên Le Monde, chuyên gia về nước Nga Maxime Audinet giải thích là không nên lên án Russia Today làm tay sai cho điện Kremlin vì đài này biết cách khai thác ngược lời cáo buộc để làm tăng số khán giả. Vũ khí thương mại của Russia Today là "quảng cáo họ là tiếng nói khác biệt" so với thông tin ở phương tây.

Theo tác giả, biện pháp hay nhất mà Thượng Hội Đồng Thính Thị Pháp nên làm là theo gương đồng nghiệp Anh đối với RT tại Anh Quốc : cảnh giác và cho công luận biết rõ cơ quan truyền thông này là công cụ của chính quyền Nga trong lĩnh vực đối ngoại. Thứ đến là nên chỉ trích xây dựng nước Nga bất lực tạo hình ảnh thu hút quốc tế.

Bên cạnh thời sự chính trị nóng bỏng, tin nữ diễn viên điện ảnh và sân khấu Pháp Danielle Darrieux vừa từ trần ở tuổi 100 chiếm trang nhất tất cả báo chí Pháp ngày thứ sáu. Nhật báo cánh tả Libération chọn bức ảnh trắng đen làm nổi bật gương mặt khả ái và mái tóc vàng óng ả : Nữ diễn viên thế kỷ, biểu tượng của 80 năm điện ảnh đã từ trần ngày thứ ba vừa qua.

Tú Anh

Published in Quốc tế

UNICEF báo động về số phận trẻ em Rohingya (RFI, 20/10/2017)

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm nay 20/10/2017 báo động, đã có gần 340.000 trẻ em người Rohingya tị nạn tại Bangladesh từ cuối tháng Tám, hiện đang thiếu thốn thực phẩm, nước uống và thuốc men. Và mỗi tuần lại có thêm 12.000 em gia nhập các trại tị nạn.

ro1

Ảnh một trại tị nạn người Rohingya gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 20/10/2017. Reuters/Jorge Silva

Tác giả bản báo cáo, ông Simon Ingram, đã đi thị sát hai tuần tại các trại tị nạn ở Cox’s Bazar, nói với báo chí : "Đây không phải là một vấn đề ngắn hạn sẽ sớm chấm dứt. Điều cốt yếu là các biên giới nhất thiết phải mở cửa, trẻ em phải được bảo vệ, và những em bé sinh ra tại Bangladesh phải được làm khai sinh".

Ông Ingram nhấn mạnh : "Nếu không có giấy tờ chứng minh, các em hoàn toàn không có được cơ hội hòa nhập vào xã hội sau này".

Người Rohingya theo đạo Hồi, được công nhận là một trong những sắc tộc thiểu số tại Miến Điện từ năm 1948, nhưng đến năm 1982 đã bị tước mất quyền này, trở này những người vô tổ quốc.

Cho đến nay, đã có gần 600.000 người Rohingya từ Miến Điện chạy sang Bangladesh, từ khi quân đội Miến Điện tung ra chiến dịch truy quét phe ARSA (Đạo quân cứu rỗi người Rohingya tại Arakan) để trả đũa việc phe ly khai này tấn công vào một số đồn cảnh sát.

Nhiều vụ sát hại, tra tấn, đốt nhà của người thiểu số Rohingya đã diễn ra, khiến Liên Hiệp Quốc lên án đây là một chiến dịch thanh lọc chủng tộc. Amnesty International kêu gọi trừng phạt quân đội Miến Điện.

Thụy My

*****************

Khủng hoảng Rohingya : Hai quan chức Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền Miến Điện (RFI, 19/10/2017)

Cộng đồng quốc tế tiếp tục có những phản ứng trước cuộc khủng hoảng sắc tộc ở Miến Điện. Hôm qua 18/10/2017, hai quan chức cao cấp Liên Hiệp Quốc lên tiếng khẳng định rằng, chính quyền Miến Điện đã không thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế, thất bại trong việc bảo vệ cộng đồng người Hồi giáo Rohingya khỏi bạo lực, và kêu gọi quốc tế xem xét về khả năng coi cuộc truy bức sắc tộc này là tội ác chống nhân loại hay không.

ro2

Người Rohingya vượt biên giới sang tị nạn tại Palang Khali, gần Cox's Bazar, Bangladesh. (Ảnh chụp ngày 19/10/2017) - Reuters

Trong một thông cáo chung, ông Adama Dieng, quan chức phụ trách ngăn chặn nạn diệt chủng, và ông Ivan Simonovic, cố vấn đặc biệt về trách nhiệm bảo vệ, đã viện dẫn 3 tội ác mà quân đội Miến Điện đã phạm phải, và phải bị trừng phạt theo luật pháp quốc tế, đó là tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh.

Hai quan chức theo dõi vấn đề nhân quyền ở Miến Điện thậm chí đã chỉ trích sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong chính nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền và duy trì hòa bình. Họ kêu gọi chính quyền của bà Aung San Suu Kyi cần phải có những biện pháp tức thời nhằm ngăn chặn bạo lực tại bang Rakhine, và yêu cầu Naypyidaw để Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thực hiện một cuộc điều tra quốc tế độc lập tại bang Rakhine.

Cũng trong ngày hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lên tiếng bày tỏ sự "quan ngại đặc biệt" đối với cuộc khủng hoảng tị nạn của sắc dân thiểu số theo Hồi giáo này, đồng thời lên án lãnh đạo quân đội Miến Điện, phải chịu "trách nhiệm" về thảm trạng này. Tuy nhiên, khác với hai quan chức phụ trách nhân quyền Liên Hiệp Quốc, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ phần nào bày tỏ sự thông cảm đối với chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Ông Tillerson cho biết đã điện đàm trao đổi với nhà lãnh đạo dân sự Miến Điện, và hiểu được vị thế khó khăn của "một chính phủ có quyền lực bị chia sẻ", nơi mà quân đội vẫn nắm giữ quyền lực quan yếu trong vấn đề an ninh.

Cuộc truy bức sắc tộc do quân đội tiến hành ở Miến Điện nổ ra khi những chiến binh Hồi giáo Rohingya tấn công lực lượng cảnh sát hôm 25/08/2017. Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ khi bùng phát bạo lực, đã có trên 580 000 người Rohingya phải tị nạn sang quốc gia láng giềng Bangladesh.

Duy Anh

Published in Châu Á

Tập Cận Bình và tham vọng "chủ nghĩa xã hội hiện đại Trung Hoa"

Trong bài diễn văn "tràng giang đại hải" kéo dài 3 giờ 30 khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 ngày 18/10/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra mục tiêu đưa đất nước sang "một thời kỳ mới" vào năm 2049, tròn 100 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục được các nhật báo Pháp đề cập trong số ra ngày 19/10/2017.

cnxh1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào (trái) và Giang Trạch Dân (phải) tại Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, ngày 18/10/2017. Reuters/Aly Song

Cụm từ "thời kỳ mới" được ông Tập Cận Bình nhắc đến 36 lần theo bài viết "Tập Cận Bình bảo vệ quyền bá chủ của Đảng" trên nhật báo Le Figaro. Sau khi trở thành "quốc gia trỗi dậy", rồi đến "quốc gia giầu có", Trung Quốc đang trên đường trở thành một "quốc gia hùng mạnh". Khi nhấn mạnh đến ba chặng trên, ông Tập Cận Bình "rõ ràng muốn nhắc đến ba giai đoạn quan trọng : Thời kỳ Mao Trạch Đông, thời kỳ Đặng Tiểu Bình và cuối cùng là thời kỳ của ông Tập". Đây là đánh giá của nhà chính trị học Trung Quốc Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) được Le Figaro trích lại.

Dường như không muốn dừng lại ở hết nhiệm kỳ thứ hai, ông Tập Cận Bình "lo xa" đến năm 2049 để Trung Quốc trở thành "một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại" "đứng hàng đầu thế giới". Theo nhật báo kinh tế Les EchosLe Monde, để thực hiện được trọng trách này, ông Tập định ra lộ trình gồm ba giai đoạn : Từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ phải hoàn thành mục tiêu xã hội "trung lưu" ; Đến năm 2035, Trung Quốc sẽ đạt đến mục tiêu "hàng đầu" về đổi mới với một tầng lớp trung lưu tăng "đáng kể" ; Giai đoạn 3 từ 2035-2050 sẽ đưa Trung Hoa thành một quốc gia "hiện đại", "phồn thịnh" và "hùng mạnh".

Đảng quyền lực cần nhà lãnh đạo vững mạnh

Giáo sư khoa học chính trị William Lam, thuộc đại học Hồng Kông, nhận xét : "Với ông Tập Cận Bình, chỉ có Đảng vững mạnh mới có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra". "Tuy nhiên, một Đảng vững mạnh không thể tồn tại nếu không có nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Và nhà lãnh đạo mạnh mẽ đó, chính là ông Tập", theo đánh giá của giáo sư Jean-Pierre Cabestan, cũng thuộc đại học Hồng Kông. Dựa vào các mục tiêu đề ra trong bài diễn văn của ông Tập, giáo sư Cabestan cho rằng "Nêu lên một loạt các thách thức đang chờ Trung Quốc ở phía trước và định ra thời hạn tới năm 2050, điều này có thể được hiểu là ông sẽ còn giữ quyền lực hơn 10 năm nữa".

Vẫn theo nhật báo Les Echos, để tiến tới chủ nghĩa xã hội theo mô hình Trung Hoa, ông Tập Cận Bình lại đề cao chính trị hơn là vấn đề kinh tế. Cụ thể, ưu tiên đầu tiên là hoàn thành quyền bá chủ của Đảng trên mọi lĩnh vực (xã hội, kinh tế, văn hóa, quân sự). "Tất cả phải được đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng" vì "Một sự nghiệp lớn không thể thực hiện được, nếu không có sự lãnh đạo của một đảng chính trị vững chắc", như ông nhấn mạnh trong lễ khai mạc. Vì vậy, ông kêu gọi đánh bại bất kỳ ai hay thế lực nào "phá hoại" uy quyền của chế độ với bài học Liên Xô sụp đổ vẫn còn đó.

Với Le Figaro, điều này được thể hiện rõ qua việc trấn áp xã hội dân sự, từ khi ông lên nắm quyền vào cuối năm 2012, từ bắt giữ các nhà đối lập, luật sư đến việc theo dõi chặt chẽ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hay kiểm duyệt gắt gao internet… Ông Tập ngăn chặn mọi khả năng mở cửa chính trị vì Trung Quốc "không cần phải bắt chước một cách máy móc hệ thống chính trị của các nước khác". Nếu Đảng muốn dẫn dắt dân tộc thực hiện "giấc mộng Trung Hoa", thì ngược lại, đảng phải "mạnh mẽ hơn và quyền lực hơn". Chính điều này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại vì "khoảng cách ý thức hệ với Trung Quốc không ngừng sâu thêm, và điều này đặt ra cho phương Tây nhiều thách thức lớn về kinh tế và chính trị", như nhận xét của giáo sư Jean-Pierre Cabestan.

Với nhật báo thiên tả Libération, "Tập Cận Bình là Người cầm lái mới". Bài viết dài của mục "Sự kiện" đưa hàng tựa lớn : "Ở Trung Quốc, Tập và chỉ có Tập" vì nhân vật số một này "xốc vác" mọi trọng trách, kể cả lĩnh vực kinh tế dù trước nay vẫn dành cho thủ tướng, hay chặt tay quản lý Đảng và xã hội dân sự. Về đối ngoại, ông phác họa một tiến trình toàn cầu hóa theo mô hình Trung Hoa, thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài (tại Djibouti), cố thể hiện vai trò nhà ngoại giao hàng đầu, khẳng định "mở cửa hơn nữa" và "đối xử công bằng" với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, ở điểm này, Phòng thương mại Châu Âu ở Bắc Kinh chỉ biết tiếp nhận thông tin của tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng luôn nhắc lại sự chán nản về "những lời hứa suông".

Syria : Raqqa tan hoang nhưng được giải phóng khỏi thánh chiến

Ba tháng sau chiến thắng tại Mosul, Iraq, thành trì của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria đã được giải phóng nhờ lực lượng Ả Rập - Kurdistan do liên quân quốc tế hậu thuẫn, chấm dứt bốn năm khủng bố.

Nhật báo Le Monde dành hai trang trong mục "Quốc tế" để lược lại một "Raqqa hoang tàn, nhưng được giải phóng khỏi tay thánh chiến", sau 5 tháng chiến đấu gay gắt với vài nghìn cuộc oanh kích của liên quân quốc tế do Hoa Kỳ chỉ huy và các cuộc chiến giáp lá cà trong các khu phố và nhà dân để chiến thắng Daesh. Đây là một trong những trận chiến đẫm máu nhất mà Syria trong thời chiến phải trải qua, khiến 3.000 người chết, trong đó có hơn 1.000 thường dân.

Le Monde từng bước lật lại những sự kiện đau thương mà Daesh đã gây ra tại Raqqa. Xuất hiện lần đầu với lá cờ đen ở Raqqa vào tháng 05/2013, Daesh tại Syria do Abou Bakr Al Baghdadi, một nhân vật thánh chiến chống Mỹ người gốc Iraq điều hành. Những tân binh nước ngoài lần lượt kéo đến và bắt đầu reo rắc sợ hãi vì sự tàn bạo của họ trong những cuộc hành hình thường dân và con tin, đặc biệt là vụ hành hình nhà báo người Mỹ James Foley ngày 19/08/2014, buộc thế giới phải tập trung vào những gì đang diễn ra tại Syria.

Tháng 11/2016, chiến dịch mang tên "Dòng Euphrate nổi giận" được liên quân nổi dậy phát động nhằm cô lập Raqqa. Từ tháng 07/2017, quân thánh chiến bị cô lập, tránh đối đầu trực tiếp và tiếp tục ngăn chặn sự tiến công của các phe nổi dậy được liên quân quốc tế hậu thuẫn bằng cách đánh du kích. Đến ngày 17/10, Raqqa được hoàn toàn giải phóng và giờ trở thành tâm điểm của mối tương quan lực lượng mới sau khi Daesh bại trận ở Syria và Iraq vì chính quyền Syria vẫn đòi quyền kiểm soát khu vực, ở cách đó không xa. Thành trì tại Syria của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo chưa hẳn đã hết chiến tranh.

Tây Ban Nha : Lựa chọn của Catalunya

Ngày 19/10/2017 là hạn chót để chính quyền Catalunya phải tuyên bố độc lập hay tiếp tục nằm trong lãnh thổ Tây Ban Nha. Cả hai bên đều đưa ra những hành động nửa vời : Catalunya tạm ngừng áp dụng tuyên bố độc lập, Madrid thì đưa ra thời hạn chót để Barcelona phải rút lại tuyên bố.

Theo xã luận "Phụ thuộc lẫn nhau" của La Croix, dường như cả hai bên đều muốn không bị mất mặt thay vì đi vào tranh luận thực sự. Thế nhưng, trong sự kiện này, tất cả các bên đều có nguy cơ thất bại : Catalunya, Tây Ban Nha và cả Liên Hiệp Châu Âu. Bán đảo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha còn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, nên chỉ cần chút thay đổi nhỏ cũng đủ phá vỡ quá trình phục hồi này.

Brexit cũng là một ví dụ để các bên liên quan cần cân nhắc. 15 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp về việc rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu hay không, Anh Quốc vẫn chìm trong bất trắc tốn kém vừa về kinh tế lẫn chính trị, với việc Scotland và tỉnh Ulster của Bắc Ireland đang cân nhắc về việc ở lại Liên Hiệp Anh.

Trong trường hợp quyết định độc lập, chính quyền Barcelona phải làm gì với đông đảo người Catalunya không muốn độc lập ? Bài xã luận kết luận, tương lai được xây dựng trong sự kết hợp thông minh giữa nhiều mức phụ thuộc : địa phương, quốc gia và Châu Âu, chứ không chỉ dựa vào một bộ phận theo chủ trương cô lập.

Pháp : Tổng thống Macron trấn an người dân về an ninh

Lực lượng vũ trang phải "mạnh mẽ và công bằng", "không bao giờ được yếu kém" để đối phó với tình trạng bẩn ổn và mối đe dọa khủng bố, vì "người Pháp không còn chịu được sự bất lực chung".

Với những lời mạnh mẽ trên, trước 500 quan chức cao cấp của lực lượng cảnh sát và hiến binh, tổng thống Emmanuel Macron trình bày chương trình an ninh của nhiệm kỳ 5 năm, đồng thời khẳng định chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào ngày 01/11.

Tuy nhiên, theo đánh giá trên xã luận của Le Figaro, bài diễn văn của tổng thống Pháp mang tính chính trị. Đối với tầng lớp bình dân, thường trách chính phủ bỏ rơi họ, tổng thống Macron muốn mang lại cảm giác "gần gũi, đồng cảm và trật tự". Liên quan đến vấn đề người nhập cư bất hợp pháp, bài xã luận đặt câu hỏi tại sao kế hoạch Macron lại không lập lại tội lưu trú bất hợp pháp, bị chính phủ tiền nhiệm bãi bỏ ? Và tại sao tổng thống Pháp gần như không nhắc đến cuộc chiến chống nạn buôn bán ma túy ?

Thu Hằng

Published in Châu Á

Tập Cận Bình đặt chỉ tiêu xưng bá cho Trung Quốc (RFI, 19/10/2017)

Ngày 18/10/2017, trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc dài ba tiếng rưỡi đồng hồ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật tham vọng của ông là biến Trung Quốc thành "cường quốc hàng đầu thế giới" từ nay cho đến năm 2050. Để đạt mục tiêu có thể gọi là xưng hùng, xưng bá đó, lãnh đạo Trung Quốc đã phác họa nhiều hướng đi, trong đó đặc biệt có kế hoạch cho quân đội Trung Quốc là hoàn tất tiến trình hiện đại hóa vào năm 2035, để chuyển mình thành đạo quân hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2050.

tq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh BRICS, Hạ Môn (Xiamen), Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 5/9/2017. Reuters/Fred Dufour

Đối với giới phân tích, nguyện vọng thúc đẩy đất nước đi lên là một điều rất chính đáng, ước muốn nâng cao sức mạnh quốc phòng để bảo vệ các thành quả phát triển của nước mình cũng vậy, có điều là tuyên bố nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh, từ lúc ông Tập Cận Bình lên cầm quyền cách nay 5 năm, đã không ngừng có những hành động bành trướng, đòi hỏi chủ quyền trên các vùng lãnh thổ và biển đảo của hầu hết các láng giềng, mà rõ rệt nhất là tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông như bồi đắp các rạn san hô hay bãi ngầm trong tay họ thành đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể này đã được ông Tập Cận Bình ca ngợi là một "thành tựu", khi ông nhắc tới việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Trong diễn văn ngày hôm qua, ông đã tiếp tục cảnh cáo rằng Trung Quốc "sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, bất kỳ tổ chức nào, hoặc bất cứ đảng phái chính trị nào, vào bất cứ lúc nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào, chia tách bất kỳ lãnh thổ nào của Trung Quốc khỏi Trung Quốc", một thông điệp được cho là nhắm vào tất cả các nước đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền.

Nhận định chung về tham vọng quốc tế của Trung Quốc, ông Jean-Philippe Béja, chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS và Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế CERI, đã nhận xét rằng người đứng đầu chế độ Bắc Kinh hiện nay đã khéo tranh thủ thời cơ thuận lợi để thúc đẩy các tham vọng của mình, và qua đó mặc nhiên khai tử chủ trương có thể gọi là "ẩn nhẫn chờ thời" của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Trả lời ban tiếng Pháp RFI, giáo sư Béja phân tích :

Jean-Philippe Béja : Phải nói rằng ông Tập Cận Bình đã thừa hưởng được một bối cảnh quốc tế hết sức thuận lợi. Việc ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, với hệ quả là Hoa Kỳ lùi bước trên sân khấu quốc tế, việc nước Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, tất cả những sự kiện này làm suy yếu phía phương Tây.

Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã dẹp bỏ chủ trương của Đặng Tiểu Bình, theo đó Trung Quốc phải nép mình chờ đến lúc đủ mạnh rồi mới can thiệp vào chính trường thế giới. Đối với ông Tập Cận Bình, hiện nay Trung Quốc đã đủ mạnh, và điều đó được thể hiện qua việc Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ trong khu vực bao quanh nước họ, nhất là tại Biển Đông.

Ngoài ra còn có kế hoạch đình đám là xây dựng những con đường tơ lụa mới, dù chưa rõ ràng lắm, nhưng cũng là phương cách để Trung Quốc cho thấy sự hiện diện của họ trên trường quốc tế. Người ta cũng thấy là Trung Quốc đầu tư khắp nơi, kể cả vào Châu Âu, nhất là tại Hy Lạp, nơi họ đã mua cảng Pireus.

Tóm lại, ngày nay Trung Quốc ngày càng có cung cách hành xử như là một siêu cường khác, và vào lúc siêu cường kia là Mỹ rút ra khỏi các định chế quốc tế, Bắc Kinh đã thể hiện một số lập trường rất được các lãnh đạo phương Tây ưa thích, ví dụ như là họ đã tái khẳng định quan điểm thiết tha với Hiệp Định Khí Hậu Paris, trong lúc ông Tập Cận Bình thì cho thấy rằng ông là một người nhiệt tình ủng hộ toàn cầu hóa.

Theo tôi, ông Tập Cận Bình đã biết lợi dụng thế yếu của các đối thủ của ông để lấn tới, và đó là một điều đáng quan ngại trong tương lai, vì lẽ Trung Quốc là một chế độ hết sức độc tài mà chúng ta cần phải dè chừng.

Tham vọng quốc tế và ý đồ xưng bá trên thế giới mà ông Tập Cận Bình không che giấu nhân Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang diễn ra cũng đã được giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc và Biển Đông tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) ghi nhận.

Trả lời phỏng vấn của ban tiếng Việt RFI, giáo sư Long cho rằng từ khi bắt đầu thâu tóm được quyền hành cách nay 5 năm, nhân vật số một của Trung Quốc đã cai trị đúng theo phương châm "Nội loạn, ngoại hoạn", nghĩa là tiêu diệt mầm mống có thể gây ra nội loạn để tránh ngoại hoạn, tức là tránh bị các nước bên ngoài đe doạ hay xâm chiếm.

Ngô Vĩnh Long : Trong bài diễn văn dài hơn 3 tiếng đồng hồ, Tập Cận Bình nhấn mạnh là đã đến lúc Trung Quốc chuyển mình thành một thế lực mạnh để dẫn đầu toàn cầu trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và môi trường. Họ Tập nói rằng nước Trung Quốc đã trỗi dậy, đã trở thành giàu có và hùng cường. Giờ đây Trung Quốc phải xông vào giữa sân khấu để đóng góp to lớn hơn cho nhân loại.

Lẽ dĩ nhiên là 4 lãnh vực Tập Cận Bình nêu ra có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng tôi cho rằng hai vấn về chính cần lưu ý là vấn đề chính trị và quân sự.

Về mặt chính trị trong nước thì trong 5 năm qua Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực bằng cách đàn áp và thanh trừng nội bộ dưới chiêu bài bài trừ tham nhũng và củng cố an ninh. Vấn đề an ninh, tức là giữ vững chính quyền trung ương, là vấn đề cốt lõi của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc chứ không phải mới đây.

Trung Quốc có câu "nội loạn, ngoại hoạn". Cho nên cần phải triệt tiêu các mầm móng có thể gây ra nội loạn để tránh ngoại hoạn, tức là tránh bị các nước bên ngoài đe doạ hay xâm chiếm. Đối với Tập Cận Bình và đa số người Trung Quốc hiện nay thì nội loạn dưới triều đình nhà Thanh đã khiến cho Trung Quốc bị xâm chiếm, từ thời gọi là Chiến Tranh Nha Phiến năm 1840.

Đối với Tập Cận Bình, để xóa tan nỗi quốc nhục này thì song song với dẹp loạn trong nước Trung Quốc giờ đây phải có đủ sức mạnh quân sự để, theo chữ ông dùng, "thắng mọi cuộc chiến". Do đó, ngay sau khi lên nắm quyền Tập Cận Bình đã lập tức hiện đại hóa quân đội bằng cách tổ chức lại các vùng quân sự cũng như tăng ngân sách cho quân đội hàng năm. Gần đây, trước thềm đại hội đảng, họ Tập đã cách chức nhiều tướng lãnh và đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt để kiểm soát quân đội chặt chẽ hơn.

Về Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long đặc biệt ghi nhận sự kiện ông Tập Cận Bình ca ngợi thành tựu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, và tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.

Ngô Vĩnh Long : Trong những thành tựu to lớn mà Tập Cận Bình kể ra trong bài diễn văn, ông ta có đề cập đến Biển Đông. Liên quan đến vấn đề này là việc ông ta nhấn mạnh vấn đề chủ quyền.

Các nhà bình luận cho rằng ông ta đề cập đến vấn đề chủ quyền là đối với Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng tôi nghĩ ông ta gồm Biển Đông vào đó vì ông ta đã nhấn mạnh nhiều lần, kể cả trước mặt nguyên tổng thống Mỹ Obama, rằng Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại, và vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là "không thể tranh cãi".

Về tình hình Biển Đông trong thời gian sắp tới đây với việc ông Tập Cận Bình tại vị dài lâu, giáo sư Ngô Vĩnh Long không mấy lạc quan.

Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực trên Biển Đông qua đường lối quân sự cũng như qua những đòn bẩy chính trị và kinh tế, ví dụ như mua chuộc một số nước trong khu vực để các nước này ủng hộ những đòi hỏi của Trung Quốc. Người ta đã thấy rõ điều này đối với Kampuchia, Philippines, Lào, và gần đây là Malaysia.

Đối với Việt Nam thì Trung Quốc đã làm áp lực trên nhiều lãnh vực. Do đó, trung tuần tháng Giêng vừa qua tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải sang Trung Quốc gặp Tập Cận Bình để cầu an.

Nhưng đối với Trung Quốc thì "mềm nắn, rắn buông". Việc này rất rõ vì trong những tháng vừa qua Trung Quốc đã đe doạ Việt Nam nhiều lần, nhưng phía Việt Nam không những đã phải nhường nhịn mà còn chẳng dám ho he. Có lẽ vì Việt Nam hiện nay cảm thấy mình đơn thương độc mã trước Trung Quốc, đặc biệt trong lúc Hoa Kỳ đang bị chi phối bởi chính quyền Donald Trump.

Tóm lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược "tằm ăn dâu" đối với Biển Đông nếu Việt Nam không có chính sách rõ ràng và hiệu quả để vận động nhân dân trong nước và sự ủng hộ của thế giới.

Theo hầu hết các nhà quan sát, tình hình Biển Đông tương đối yên ắng vì Trung Quốc không muốn tạo ra xáo trộn, ảnh hưởng không hay đến Đại Hội Đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, rất có thể là sau khi Đại Hội kết thúc, với việc quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố thêm, Bắc Kinh sẽ trở lại chính sách hung hăng tại Biển Đông.

Trọng Nghĩa

**************

'Trung Quốc đã bước vào thời đại mới' 'RFI, 18/10/2017)

Trung Quốc đã bước vào "thời đại mới" và cần đóng vai trò "trung tâm trên thế giới", theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

tcb1

Tập Cận Bình khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19

Tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc nhờ "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc" cho thấy có "lựa chọn mới" cho các nước, ông phát biểu khai mạc Đại hội Đảng 19.

Trong diễn văn gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ, ông Tập dùng chữ "thời đại mới" 36 lần.

Đại hội 5 năm một lần sẽ kết thúc thứ Ba tuần sau, với dự kiến ông Tập tiếp tục là lãnh đạo đảng.

tcb2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc trước hơn 2.000 đại biểu

Hơn 2200 đại biểu được bầu ra từ hơn 80 triệu đảng viên Cộng sản Trung Quốc về dự Đại hội.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc trước hơn 2.000 đại biểu.

Cuộc họp kín được tiến hành 5 năm một lần, sẽ quyết định ai là nhà lãnh đạo kế tiếp và đường lối cho Trung Quốc trong 5 năm tới.

Ông Tập, người cầm quyền năm 2012, đã củng cố được quyền lực và dự kiến sẽ tiếp tục tại vị.

Ngay sau khi Đại hội kết thúc, đảng dự kiến sẽ công bố danh sách ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Bài diễn văn của ông Tập liệt kê những thành tựu của Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông, và nói rằng chủ nghĩa xã hội với đặc trưng của Trung Quốc đã bước vào "một kỷ nguyên mới".

Ông kêu gọi các đảng viên "luôn gắn bó với người dân, dốc tâm trí xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân".

Ông cũng nói về thắng lợi của công cuộc chống tham nhũng khiến hơn một triệu quan chức bị xử phạt, phóng viên BBC ở Bắc Kinh tường thuật.

Bắc Kinh ngập tràn biểu ngữ, cờ hoa chào mừng đại hội.

Tuy nhiên, thủ đô cũng đang được đặt trong tình trạng báo động cao. Từ đầu tuần, người ta phải xếp hàng dài tại các ga tàu do tăng cường kiểm tra an ninh.

Đại hội cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, một số nhà hàng, phòng tập thể dục, hộp đêm và quán karaoke buộc phải đóng cửa để đảm bảo an ninh và dịch vụ đặt phòng Airbnb hủy các đơn đặt chỗ ở trung tâm Bắc Kinh.

'Tự thay đổi thể chế'

Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh bình luận :

"14 điểm chính sách và ba trọng tâm mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 19 có thể được thu gọn vào ba điểm sau. Thứ nhất về nội trị, ông Tập vẫn đang tập trung tối đa vào việc củng cố quyền lực thông qua cuộc chiến chống tham nhũng mà ông đã tung ra từ hơn 3 năm nay. Ông sẽ mỏi mệt nhiều hơn nữa nếu ông không giải quyết được bài toán ổn định và phát triển kinh tế cũng như không thỏa mãn được những đòi hỏi hiện đại hóa quân đội".

"Hiện nay, ông Tập gần như lệ thuộc hoàn toàn vào phe cánh diều hâu trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện đại hóa quân đội thì cần phải làm nhưng cái giá phải trả rất đắt cả về kinh tế lẫn ngoại giao".

"Thứ hai, với một Tổng thống Mỹ bất thường và co cụm lại trong chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tự cô lập, Trung Quốc bất đắc dĩ bị đưa ra trước sân khấu chính trị toàn cầu và buộc phải đóng vai trò của một quốc gia siêu cường trong các vấn đề cấp bách của quốc tế. Cho nên về chính trị, Trung Quốc cũng buộc phải có một lý thuyết, mô hình phát triển hấp dẫn để các quốc gia khác noi theo, ít nhất về mặt lý luận. Ông Tập đã nhân dịp này khái quát hóa khái niệm "Chủ nghĩa Xã hội Hiện đại đặc tính Trung Quốc".

"Tuy vậy, nội hàm của chủ thuyết này vẫn mơ hồ và chung chung, thật sự chưa có gì có thể nói là "Chủ nghĩa Xã hội đặc thù Trung Quốc". Về ngân sách, việc tiếp nhận bất đắc dĩ vai trò siêu cường này cũng làm Trung Quốc bị bội chi cho những hoạt động chính trị ngoại giao. Nếu kinh tế thế giới bị rơi vào trì trệ, khủng hoảng nặng, Trung Quốc đa phần sẽ không kham nổi".

Thứ ba, nguy cơ xung đột ở bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông Việt Nam là những điểm nóng mà không khéo, ông Tập sẽ bị mất khả năng kiểm soát được tình hình. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng ông Tập không dễ dàng điều khiển được từ xa ông Kim. Và dường như đồng minh Hà Nội của ông Tập hiện cũng là một ẩn số lớn khi Washington vẫn tiếp tục đeo đuổi chính sách tiếp cận cầm chân với họ".

"Bất luận kết quả đại hội này có là gì, dù có ông Tập hay không thì Trung Quốc và những người lãnh đạo tối cao của họ vẫn phải đối đầu với một thế giới có quá nhiều biến động mà không một cường quốc nào riêng lẻ có thể giải quyết được. Nếu Trung Quốc thật tâm muốn phát triển hòa bình, hội nhập hài hòa với cộng đồng nhân loại để giải quyết những vấn đề chung thì trước tiên Trung Quốc cần phải tự thay đổi thể chế và những chính sách nội trị phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tham gia sâu rộng vào các cơ chế đa phương để giúp giải quyết những vấn đề chung của thế giới".

**************

Nhận dạng khuôn mặt : Trung Quốc dùng "viễn tưởng" theo dõi đời thường (RFI, 18/10/2017)

Từ các tiệm ăn nhanh, trường đại học hay trong cuộc chiến chống tội phạm đến những máy tự động cung cấp giấy vệ sinh ở nơi công cộng, Trung Quốc đang sử dụng triệt để công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

tcb3

KFC Trung Quốc triển khai hệ thống thanh toán bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. CHINA STRINGER NETWORK/Reuters

Đối với những người ủng hộ, công nghệ này giúp cuộc sống trở nên đơn giản và chắc chắn hơn. Nhưng với những người phản đối, chính phủ lại có thêm một cách để giám sát hơn 1,4 tỉ dân.

Cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để lần theo các đối tượng bị truy lùng. Tại thành phố Thanh Đảo (Qingdao), nơi nổi tiếng với loại bia Tsingtao, nhiều camera đã được lắp đặt ở lối vào một lễ hội bia và giúp bắt giữ 25 nghi phạm.

Mọi công dân Trung Quốc từ 16 tuổi đều được cấp một chứng minh thư có ảnh và địa chỉ. Điều này cũng giúp chính quyền lập được một ngân hàng dữ liệu khổng lồ.

Tại Thượng Hải cũng như nhiều thành phố lớn khác, công nghệ nhận dạng khuôn mặt thậm chí còn len lỏi vào các khu phố để truy tìm những người không tôn trọng luật giao thông. Người đi bộ đi lệch khỏi làn đường dành cho người đi bộ sẽ bị tự động chụp ảnh và hình ảnh của họ xuất hiện ngay lập tức trên một màn hình lớn đặt ở ngã tư gần nhất. Nếu bị xuất hiện trên "màn hình hổ thẹn này" họ sẽ phải trả tiền phạt 20 nhân dân tệ (3 euro).

Ngoài ra, Thượng Hải còn có một hệ thống công giúp phát hiện những người đi lạc, chủ yếu là người cao tuổi hay người thiểu năng trí tuệ, để đưa họ về gia đình.

Công nghệ này còn được áp dụng trong các kiểu thanh toán, từ chuỗi ăn nhanh KFC sử dụng hệ thống "Hãy cười để trả tiền", đến trong các cách sử dụng thông thường hơn.

Ví dụ, trong các nhà vệ sinh ở công viên Thiên Đàn (Tiantan) ở Bắc Kinh, các máy cung cấp giấy được trang bị công nghệ này để chống trộm. Nếu một ai đó sử dụng nhiều lần, máy tự động nhận ra họ và từ chối đưa thêm giấy với lời nhắc nhở lịch sự là họ đã được phục vụ, trước khi nói thêm : "Xin mời quay lại sau".

Một trong các trường đại học ở Bắc Kinh, nơi có trường Sư phạm, đã lắp công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở lối vào ký túc xá để chắc chắn rằng chỉ có sinh viên của trường mới được phép vào, đồng thời giúp "xác định tốt hơn sinh viên đang ở đâu", như giải thích của một lãnh đạo trường với Tân Hoa Xã.

Một số ngân hàng bắt đầu trang bị công nghệ này ở các máy rút tiền tự động để thay thế thẻ tín dụng. Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, China Southern Airlines cũng nhận ra lợi ích của công nghệ này và đã bắt đầu bỏ sử dụng thẻ lên máy bay.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt : Trung Quốc đi trước phương Tây

Giới chuyên gia nhận định, về mặt này, Trung Quốc đi trước phương Tây một bước, một phần vì luật về đời tư tại Trung Quốc không chặt chẽ bằng và vì người dân có thói quen bị chụp ảnh, lấy vân tay sinh trắc và cung cấp đủ loại thông tin cá nhân cho chính quyền.

Xã hội Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản, đã là một trong những nơi mà công dân bị theo dõi nhiều nhất, với khoảng 176 triệu camera liên tục hoạt động. Tuy nhiên, những người được phóng viên của AFP hỏi tại một ngã tư ở Thượng Hải, dường như họ không cảm thấy bị làm phiền vì công nghệ mới này, như bà Wu, 42 tuổi, một nhân viên làm việc tại bệnh viện.

Bà nói : "Tôi có thể chấp nhận chuyện này. Những người vi phạm bị chụp hình và công bố, tóm lại, đây là một cách để bắt buộc tôn trọng luật pháp. Nhưng tôi cũng nghĩ là có nhiều người có thể nói rằng đời tư của họ bị xâm phạm và lo sợ thông tin đó có nguy cơ bị đánh cắp".

Công nghệ mới này nằm trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Tháng 07/2017, chính phủ thông báo ý định biến Trung Quốc thành nước hàng đầu về trí thông minh nhân tạo từ nay đến năm 2030 với thị trường trong nước lên đến 150 tỉ đô la.

Về hậu quả đối với đời tư, giáo sư luật Yue Lin, đại học Thượng Hải, cho rằng "còn quá sớm để đánh giá. Điều này không chỉ diễn ra ở mỗi Trung Quốc, mà ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng có thể đây là một điều tốt với người Trung Quốc nhưng lại là một điều kinh khủng đối với người Mỹ".

RFI tiếng Việt

*

Published in Châu Á

"Giấu bài" đến cùng : Bí quyết thâu tóm quyền lực của "Tập hoàng đế"

Đại hội 19 của đảng cộng sản Trung Quốc vừa khai mạc là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. "Tập Cận Bình trên đường đến đỉnh cao quyền lực" tựa trang nhất của Le Figaro. Báo kinh tế Les Echos chạy tựa chính : "Tập Cận Bình lên ngôi". Cho dù còn những tranh chấp trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng việc ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo nắm "quyền lực tuyệt đối" đầu tiên tại Trung Quốc, kể từ thời Mao, là điều không gây ngạc nhiên. Le Figaro có bài lý giải bí quyết dẫn Tập Cận Bình trở thành "Hoàng đế đỏ".

tap1

Làng được mệnh danh là làng "Tập" (Lương Gia Hà/Liangjiahe), ở tỉnh tây bắc Thiểm Tây. Bức hình tuyên truyền trong ảnh có ông Tập ở giữa, chỉ đường cho nông dân. Ảnh : RFI/Heike Schmidt

Bài "Cuộc lên ngôi thứ hai của "tân hoàng đế đỏ", ông chủ toàn quyền cai trị Trung Hoa" của phóng viên Cyrille Pluyette mở đầu với hình ảnh chủ tịch Trung Quốc trong trang phục rằn ri, đứng trên xe jeep duyệt binh, hình ảnh được truyền thông nước này quảng bá rầm rộ trước thềm đại hội đảng cộng sản. Theo nhiều nhà quan sát, sau kỷ nguyên Mao Trạch Đông, và Đặng Tiểu Bình, một kỷ nguyên Tập Cận Bình đang mở ra, và hứa hẹn sẽ kéo dài.

Cách đây năm nay, vào lúc ông Tập Cận Bình được bầu làm tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc tại đại hội 18 mùa thu năm 2012, không ai ngờ là nhân vật này sẽ trở thành lãnh đạo thâu tóm mọi quyền lực trong tay. Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), một sử gia độc lập tại Bắc Kinh, nhận xét giới lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc vào thời điểm đó, những người kế tục ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã "phạm sai lầm là hoàn toàn đánh giá thấp" con người vốn có vẻ ngoài "ngây thơ, dễ bảo" này.

Dưới vẻ ngoài "ngây thơ", "dễ bảo"…

Trên thực tế, Tập Cận Bình là "một chiến lược gia đáng sợ", luôn luôn biết cách che giấu tham vọng thực sự của mình. Dưới vẻ ngoài "phúc hậu" và "một tính cách điềm tĩnh" là cả "một quyết tâm sắt đá". Ngay sau khi nắm quyền, tân lãnh đạo Trung Quốc đã "phá vỡ một điều cấm kỵ đầu tiên", đó là "lật đổ truyền thống lãnh đạo tập thể", vẫn được duy trì kể từ khi Mao chết.

Ông Tập đã đặt những người thân tín vào cương vị lãnh đạo của hơn một chục ủy ban chi phối các lĩnh vực chính như kinh tế và an ninh. Bằng "cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt", Tập Cận Bình đã đánh bật mọi đối thủ. Nạn nhân mới nhất là Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), nguyên lãnh đạo Trùng Khánh (Chongqing), hồi tháng 7/2017 còn được coi là một trong những người có khả năng kế thừa chức tổng bí thư đảng.

Le Figaro trở lại với những năm tháng thanh niên của Tập Cận Bình, để làm sáng tỏ những gì đã hun đúc quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc tương lai. Theo tâm sự của "một người bạn, từng 15 năm gắn bó với Tập Cận Bình", người thanh niên này đã quyết định chọn con đường "đỏ hơn cả đỏ" (hay cộng sản hơn cả cộng sản), để "sống còn" và tiếp tục thăng tiến.

Năm 21 tuổi, ngay cả trước khi Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt, Tập Cận Bình đã chọn con đường tiến thân trong đảng, ngay khi người cha (ông Tập Trọng Huân/Xi Zhongxun, nguyên phó thủ tướng từng bị tù đày, quản thúc tổng cộng khoảng 15 năm) vẫn còn bị giam giữ. Tập Cận Bình đã nghiền ngẫm các tác phẩm của Marx – nhà tư tưởng của chế độ - để chuẩn bị nền móng cho cuộc hành trình chính trị lâu dài. Vẫn theo nhân chứng nói trên – trở thành giáo sư đại học sau này - vào thời điểm đó, ông Tập tin tưởng là các hậu duệ của những người lính làm nên Cách Mạng, chính là "những người kế thừa hợp pháp", "xứng đáng để lãnh đạo đất nước Trung Hoa".

Tập Cận Bình khởi sự cuộc đời chính trị bằng các vị trí lãnh đạo tại địa phương, như Hà Bắc (Hebei), Phúc Kiến (Fujian), hay Chiết Giang (Zhejiang), nơi ông Tập bắt đầu lập ra phe cánh đầu tiên, trước khi trở thành ủy viên thường trực Bộ chính trị, cơ quan quyền lực tối cao.

"Dân chủ hóa" hay "bàn tay sắt" : Hai viễn cảnh trái ngược

Tính cách bí hiểm của Tập Cận Bình khiến các nhà quan sát đặt ra nhiều giả thuyết, về quyết sách của lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai sắp tới hoàn toàn trái ngược nhau : Lợi dụng quyền lực tuyệt đối đang có, để mở cửa, tiếp tục công cuộc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình và dân chủ hóa chính trị hay ngược lại, ưu tiên nắm đảng, để cai trị Trung Quốc bằng bàn tay sắt ?

Theo Le Figaro, nhiều chuyên gia cho rằng nhà chính trị 64 tuổi này sẽ khó lòng mở cửa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc, bởi điều này cũng có nghĩa là "làm suy yếu" uy quyền của đảng cộng sản.

Hiện tại, thông qua bộ máy tuyên truyền, Tập Cận Bình đã trở thành một người "rất được lòng dân tại Trung Quốc", với "lập trường cứng rắn về lãnh thổ, đáp ứng tình cảm dân tộc chủ nghĩa vốn có của đa số dân" Trung Quốc. Từ hàng nghìn năm nay đông đảo người Trung Quốc vốn tôn thờ những "lãnh đạo độc tài" có thể "giúp họ duy trì ảo tưởng" về sức mạnh Trung Hoa vĩ đại.

Theo nhà Hán học Jean Pierre Cabestan, ông Tập Cận Bình đã gây dựng hình ảnh của mình như một người gần gũi dân chúng, nhờ 7 năm trời sống tại một vùng quê nghèo khó, hẻo lánh tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Cùng lúc đó, lãnh đạo Trung Quốc không lưỡng lự thường xuyên khẳng định là người kế thừa Mao Trạch Đông, từ tư tưởng cho đến các biện pháp mà nhà độc tài từng sử dụng phổ biến trước đây, như hoạt động phê bình - tự phê bình trong đảng, sùng bái cá nhân lãnh đạo, hay thủ đoạn "thanh trừng nội bộ" nổi tiếng...

Việc chính quyền kiểm soát hình ảnh Tập Cận Bình đạt đến độ "nực cười", nhìn từ bên ngoài. Trên mạng internet, mọi gợi ý so sánh Tập Cận Bình với nhân vật hoạt hình nổi tiếng Winnie l’Ourson – với vẻ ngoài mũm mĩm giống lãnh đạo Trung Quốc - đều bị cấm chỉ.

Vẫn về chủ đề Tập Cận Bình, báo kinh tế Les Echos có bài điều tra dài đưa độc giả đến với ngôi làng Lương Gia Hà (Liangjiahe), tỉnh Thiểm Tây, nơi Tập Cận Bình đã trải qua "7 năm trời quyết định". Ngôi làng Lương Gia Hà giờ đây đã trở thành một địa điểm du lịch "đỏ" hàng đầu. Chính quyền quảng bá rầm rộ về sự thay đổi lớn của ngôi làng kể từ khi ông Tập đến đây.

"Bốn thách thức kinh tế" với Bắc Kinh

Les Echos hôm nay dành nhiều hồ sơ cho các thách thức của Trung Quốc trong thời gian tới. Bài "nhiều cải cách kinh tế còn phải được tiến hành", dẫn ý kiến nhiều chuyên gia, theo đó cho dù ông Tập Cận Bình tự khẳng định như người dẫn dắt các thay đổi, nhưng ông ta "đã không phải là nhà cải cách lớn mà nhiều người dự đoán cách đây 5 năm".

Thách thức đầu tiên, được ví với "lưỡi gươm Damocles" lơ lửng đối với Trung Quốc đó là khoản nợ khổng lồ. Theo IFM, từ đây đến năm 2022, nợ Trung Quốc sẽ tăng từ 235% (năm 2016) đến 290% GDP, khiến quốc gia này "hết sức dễ tổn thương" trước bất cứ điều chỉnh kinh tế đột ngột nào. Những nỗ lực từ đầu năm đến nay của Bắc Kinh không mang lại kết quả.

Thách thức lớn thứ hai của Trung Quốc là lĩnh vực các doanh nghiệp Nhà Nước, "nợ đầm đìa và ít hiệu quả", cùng nạn sản xuất thừa, đặc biệt trong ngành than và thép. Đòi hỏi cải cách lĩnh vực kinh tế Nhà Nước vấp phải lợi ích của các tập đoàn lớn, đồng thời với việc Đảng muốn tăng cường vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Thách thức lớn thứ ba với Đảng cộng sản Trung Quốc là đòi hỏi mở cửa thị trường nước này cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi một số lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn sẽ cải cách, quan điểm chính thống trong Đảng vẫn là duy trì sự kiểm soát của Đảng-Nhà Nước đối với nền kinh tế.

Thách thức lớn thứ tư được báo kinh tế Pháp nêu ra là việc đồng nhân dân tệ chậm trở thành một đồng tiền quốc tế. Cho dù đồng yuan đã được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF công nhận hồi năm ngoái (được kết nạp vào "Rổ tiền tệ" quốc tế SDR). Tuy nhiên cho đến nay đồng tiền của nền kinh tế thứ hai thế giới mới chỉ chiếm có 0,8% dự trữ ngoại tệ chính thức của các nền kinh tế.

Tập dựa vào Trump và những "trái lựu đạn đã rút chốt"

Về quan hệ quốc tế "kỷ nguyên Tập Cận Bình", Le Figaro có bài phân tích "Tập – kẻ chống Trump - đang đẩy tốt trên bàn cờ Châu Á". Bài viết điểm lại những bước lấn tới của Trung Quốc trong thời gian vừa qua ở khu vực Đông Nam Á, để từng bước một trở thành thế lực thống trị Châu Á, từ việc gia tăng ảnh hưởng tại Lào, Cam Bốt, lôi kéo Philippines, - vốn là đối thủ trên bàn cờ Biển Đông, buộc Việt Nam phải ngừng thăm dò dầu mỏ tại một khu vực nằm ngay trong vùng thềm lục địa của nước này. Theo Le Figaro, lãnh đạo Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ bất ngờ từ tổng thống Mỹ Donald Trump, một người chủ trương bảo hộ mậu dịch.

Quan điểm nước Mỹ trên hết của ông Trump - gây khó cho các đồng minh và đối tác tại Châu Á - chính là món quà vô giá đối với Bắc Kinh. Chiến thắng của ông Trump trong bầu cử tổng thống đã được báo chí Mỹ cách nay một năm gọi là thắng lợi của Bắc Kinh.

Ngay cả thái độ ngang ngạnh của "lãnh đạo Bắc Triều Tiên mập mạp" trong vấn đề hạt nhân, tuy gây khó khăn cho Trung Quốc, nhưng cũng làm lợi cho Bắc Kinh, khi "nhấn chìm" nhiều hồ sơ nóng bỏng khác, như thâm hụt thương mại, hay tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Theo Le Figaro, các hồ sơ này là "những trái lựu đạn được rút chốt", sẵn sàng phát nổ, trong chuyến công du tháng 11 tới của tổng thống Mỹ tới Trung Quốc. Dù sao, ông Tập Cận Bình vẫn có lợi thế trước một tổng thống Mỹ đang suy yếu. Trong bối cảnh này, lãnh đạo Bắc Kinh còn thời gian ba năm nữa (tức ba năm còn lại của nhiệm kỳ Donald Trump) để rảnh tay thu lợi về cho Trung Quốc.

Miến Điện : Hãy lên án tập đoàn quân sự, hơn là Suu Kyi !

Về thời sự Châu Á, Le Monde dành một hồ sơ chính cho chủ đề "Đối với người Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi vẫn là người bảo đảm tiến trình dân chủ hóa", bài viết do đặc phái viên Bruno Philipe gửi về từ Rangoon.

Đặc phái viên Le Monde chia sẻ lo ngại của đa số các đối tác, ủng hộ tiến trình dân chủ hóa Miến Điện. Đó là kể từ đầu thảm họa người Rohingya đến nay, hầu hết các chỉ trích quốc tế đều nhắm vào lãnh đạo chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi, bị lên án vì "im lặng" trước những đàn áp tàn khốc của quân đội nhắm vào sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi.

Le Monde khẳng định : rất nhiều nhà ngoại giao và quan sát viên nước ngoài tại Rangun thủ đô kinh tế của Miến Điện, chung một nhận xét, đó là giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi cho đến nay vẫn là "phương tiện tốt nhất để bảo đảm cho một cuộc chuyển hóa sang dân chủ thực sự" đối với Miến Điện. "Gây áp lực duy nhất" lên Aung San Suu Kyi không phải là biện pháp đúng, đối tượng chính cần nhắm đến là tập đoàn quân sự Miến Điện, vốn vẫn đang đầy quyền lực.

Nhà nghiên cứu Pháp, chuyên về chính trị Miến Điện, Mael Reynaud, làm việc tại Rangun, nhấn mạnh là việc phương Tây liên tục tấn công bà Aung San Suu Kyi chỉ có lợi cho tập đoàn quân sự. Trong khi đó, tổng biên tập trang mạng độc lập Miến Điện Irrawaddy lưu ý là "những kẻ thù của chính phủ (dân sự) hiện nay, những người ủng hộ chế độ cũ, chỉ chờ một cơ hội nhỏ nhất để trở lại".

Theo nhiều nhà hoạt động Miến Điện, tình hình tại chỗ phức tạp hơn nhiều so với những gì tại phương Tây người ta vẫn hình dung. Sắc tộc đa số Miến Điện - người Bamar đa số theo đạo Phật - phân hóa thành hai khối rõ rệt, khối bảo vệ quân đội chống lại chính phủ, và ngược lại. Rất nhiều người lo sợ là tình hình bất ổn tại bang Rakhine, bị "việc mô tả thiên lệch" trên trường quốc tế "làm trầm trọng thêm", "đưa đất nước trở lại thời kỳ đen tối của chế độ độc tài quân sự".

Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu khẩn thiết lưu ý : "trong bài phát biểu hôm 19/09, Aung San Suu Kyi đã kêu gọi chúng ta giúp đỡ… Dường như bà ấy đã van nài, hãy giúp tôi đứng vững, đừng làm suy yếu tôi thêm".

Phim về Cách mạng Nga 1917 : Xét lại huyền thoại tháng 10

Trong lĩnh vực điện ảnh, một bộ phim được báo Pháp giới thiệu nhiều : "Năm 1917 từng có một cuộc cách mạng" (1917, il était une fois la révolution), công chiếu trên kênh truyền hình France 3, tối 18/10. "Huyền thoại tháng Mười được xét lại" là tựa bài Le Monde.

Một thông điệp chính của bộ phim, theo người dẫn chuyện, là "hậu thế chỉ nhớ về Cách mạng tháng 10, mà đã quên rằng từng có một Cách mạng tháng 2, có thể đưa nước Nga đến một tương lai khác". "Cú đảo chính" – được gọi là Cách mạng tháng 10, không phải là "một biến cố tất yếu phải xảy ra", mà là một khả năng có thể tránh được.

Le Monde khen ngợi bộ phim tài liệu đã biết khôi phục lại sự phức tạp của lịch sử, thông qua cái nhìn vừa như một nhân chứng, vừa như một nhà phân tích của phóng viên Pháp Claude Anet, làm việc tại Nga trong những năm 1917-1920, cùng một số nhà quan sát đương thời. Claude Anet có mặt bên những người biểu tình vào đúng ngày 28 tháng Hai.

"1917, il était une fois la révolution" mang lại một cái nhìn khác, so với quan điểm chính thống của các chính quyền cộng sản, về những đảo lộn "làm chuyển hướng lộ trình của nhân loại" thế kỷ XX.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Với Donald Trump, thế giới lâm nguy ?

Thứ Sáu 13/10, tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối công nhận Iran tuân thủ các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân Iran. Hai nhật báo lớn của Pháp, Le FigaroLe Monde (17/10/2017) chỉ trích mạnh mẽ quyết định gây nguy hiểm cho thế giới, cũng như thái độ xem thường đồng minh của tổng thống Mỹ.

thegioi1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Nhà Trắng, Washington ngày 13/10/2017. Reuters/Kevin Lamarque

Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhận định : Hoa Kỳ không giữ lời, đàm phán với Mỹ giờ không còn dễ, và Hoa Kỳ thời Donald Trump không còn đáng tin cậy. Chính sách đối ngoại của Mỹ giờ buộc phải chiều theo tính khí thất thường của một vị tổng thống, trước sau bất nhất, công khai xem thường các đồng minh của mình.

Với việc không công nhận Iran đã tuân thủ các điều kiện đã được ký kết trong thỏa thuận, ông Donald Trump đã phá hỏng các nỗ lực của quốc tế về việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Tehran, được ký kết vào ngày 14/07/2015. Nhưng để không bị mất sĩ diện, tổng thống Mỹ đã chuyển hồ sơ này cho Quốc hội quyết định.

Le Monde cho rằng đây là một quyết định mang tính trẻ con, chỉ vì ông muốn phản đối tất cả những gì người tiền nhiệm Barack Obama đã làm. Hơn bao giờ hết ông đang làm suy yếu đồng thuận đạt được Vienna.

Nếu Quốc hội Mỹ xem xét lại việc dỡ bỏ lệnh cấm vận có liên quan đến chương trình hạt nhân, điều này tương đương với việc Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận và đương nhiên sẽ đẩy Iran làm điều tương tự. Tehran có thể sẽ quay trở lại với chương trình hạt nhân.

Hơn nữa, việc ông lên án nhà nước Cộng Hòa Hồi Giáo, chỉ trích chính sách đối ngoại bành trướng của Iran ở Trung Đông chỉ có lợi cho những người có chủ trương "cứng rắn" của chế độ Iran, nhất là lực lượng Vệ Binh Cách Mạng, những người vốn dĩ chống lại thỏa thuận này.

Để biện bạch cho những chiến dịch quân sự ở Trung Đông, lực lượng này có thể lấy cớ tự vệ trước lời "tuyên chiến" của Hoa Kỳ. Cấm vận trở lại sẽ còn củng cố hơn nữa đế chế kinh tế mà lực lượng Vệ Binh Cách Mạng đã xây dựng để lẩn lách các lệnh trừng phạt. Sự không nhất quán của Hoa Kỳ giờ đã lên đến cực điểm.

Xã luận của Le Monde còn chỉ trích mạnh mẽ cách xử sự tệ hại của Hoa Kỳ đang làm sứt mẻ tình liên đới giữa các đồng minh. Tổng thống Mỹ công khai coi thường ý kiến của đồng minh Châu Âu trong hồ sơ này. Nghiêm trọng hơn nữa, đối với Hoa Kỳ, quyết định này của tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến uy tín của nước Mỹ.

Bởi vì, nếu như vì một lý do gì đó, Bắc Triều Tiên cũng có ý định muốn đàm phán với Mỹ, thì nước này có nguy cơ không tin vào một vị tổng thống vốn dĩ không tôn trọng những cam kết do Washington đưa ra. Bài viết kết luận : "Thế giới ngày nay còn nguy hiểm hơn nữa".

Donald Trump xem thường quan hệ đa phương

Về phần mình, nhà báo Renaud Girad, trong mục ý kiến của Le Figaro, cho rằng quyết định của ông Trump đã làm tổn hại đến các mối quan hệ đa phương, vốn dĩ đã có những đóng góp tích cực trên nhiều vấn đề địa chính trị.

Một mũi tên trúng ba đích. Thứ nhất là Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu đã có những đóng góp tích cực để đạt đến thỏa thuận phi hạt nhân này. Thứ hai là Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, cơ quan giám sát chặt chẽ chương trình hạt nhân Iran từ nhiều năm qua. Và cuối cùng là những nước còn lại tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Quyết định này của tổng thống Mỹ tạo ra hai mối lo lớn. Đầu tiên hết, tiếng nói của Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu thế giới giờ không còn giá trị gì nữa. Kế đến, sự việc cho thấy ông Trump đang leo thang chống lại các mối hợp tác đa phương.

Chưa đầy một năm cầm quyền, tổng thống Donald Trump  đã lần lượt rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP – Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (25/01/2017), thỏa thuận khí hậu Paris (01/06/2017) và mới đây nhất là UNESCO (12/10/2017).

Tác giả bài viết đặt câu hỏi : Khi có thái độ khinh rẻ các mối quan hệ hợp tác đa phương, liệu tổng thống Mỹ có nghĩ rằng ông cũng đang khinh miệt chính sách can thiệp lớn của Mỹ ? Phải chăng ông cũng quên rằng chính tổng thống Wilson cũng tham gia vào việc thành lập Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc ? Chẳng phải tổng thống Roosevelt được xem như là cha đẻ của Liên Hiệp Quốc ngày nay đó sao ?

Cuối cùng, tác giả nhận định, quyết định của ông Trump cho thấy rõ một nghịch lý lớn của nước Mỹ. Họ muốn rằng ở trong nước, luật lệ của họ phải được tôn trọng, nhưng trên chính trường quốc tế, đôi khi họ tự cho phép mình buông thả quá trớn.

Tập Cận Bình và ám ảnh quyền lực

Nhân Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, báo Les Echos có bài phân tích của thông tín viên Frédéric Schaeffer tại Bắc Kinh : "Tập Cận Bình hay nỗi ám ảnh quyền lực tuyệt đối".

Theo tờ báo, chưa bao giờ, kể từ thời Đặng Tiểu Bình, thậm chí từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc lại có một vị lãnh đạo có quyền lực lớn đến như vậy. Cách nay một năm, chủ tịch Trung Quốc đã tự cho mình danh hiệu là "trung tâm" của Đảng, một danh hiệu mà những người tiền nhiệm không hề có.

Sau khi bố trí sắp xếp những những người thân cận vào Bộ chính trị, ông Tập Cận Bình nhân Đại hội Đảng lần thứ 19, khai mạc vào ngày 18/10, tranh thủ cơ hội để củng cố vững chắc thêm vị trí và thế lực của mình, khi bước sang nhiệm kỳ thứ hai.

Báo Les Echos điểm lại những động thái của ông Tập để củng cố quyền lực. Sau khi giữ các chức chủ tịch nước, tổng bí thư Đảng, tổng tư lệnh quân đội, ông Tập giành quyền chỉ đạo các định chế và ủy ban chịu trách nhiệm thực hiện chính sách do ông đề ra, như cải cách kinh tế, an ninh nội địa. Đồng thời, ông bố trí các nhân vật thân cận vào trong các định chế này, bảo đảm thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tập thể, mà Đặng Tiểu  Bình đã áp đặt và tránh được những sai lầm dưới thời Mao Trạch Đông.

Về đối nội, nhân danh cuộc chiến chống tham nhũng, ông Tập đã tiến hành một cuộc thanh trừng chính trị và kinh tế trên phạm vi toàn quốc.

Về đối ngoại, lãnh đạo họ Tập đã gạt bỏ nguyên tắc mà Đặng Tiểu Bình đề ra, theo đó, Trung Quốc cần ẩn mình chờ thời. Với Tập Cận Bình, khẩu hiệu là "sự hồi sinh một nước Trung Hoa", thực hiện "giấc mơ Trung Hoa", với một loạt các dự án lớn ở nước ngoài mang tính chiến lược như "Con đường tơ lụa mới".

Tiến trình củng cố quyền lực của Tập Cận Bình và định hướng chính trị tư tưởng lại càng được đẩy mạnh trong thời gian trước Đại hội đảng lần thứ 19. Ít có khả năng phe cánh của ông Tập buông lơi sức ép, thanh trừng, nhất là sau khi đã bố trí được những người thân cận vào các vị trí chủ chốt trong Đảng và chính quyền.

Vậy tiến trình này liệu sẽ cho phép Tập Cận Bình tạo dấu ấn một cách lâu dài trong lĩnh vực tư tưởng và thực hiện cải cách sâu rộng đất nước Trung Hoa rộng lớn hay không ? Theo Les Echos, cho dù ông Tập đã làm xong nhiệm kỳ đầu và chuẩn bị tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai, nhưng câu hỏi này vẫn chưa hề có lời đáp.

RSF : Trung Quốc muốn áp đặt kiểm duyệt báo chí cả thế giới

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong lĩnh vực truyền thông. Báo Le Monde đăng bài viết của Christophe Deloire, tổng thư ký hiệp hội Phóng Viên Không Biên Giới RSF, cảnh báo Bắc Kinh muốn thiết lập "một trật tự thế giới mới trong ngành truyền thông".

Kiểm soát thông tin trong nước chưa phải là mục tiêu duy nhất của đảng cộng sản. Ông Lý Tòng Quân (Li Congjun), chủ tịch hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngay từ năm 2011 đã nêu rõ, Trung Quốc đặt mục tiêu "thiết lập một trật tự thế giới mới của ngành truyền thông".

Vị lãnh đạo cao cấp ngành truyền thông này chỉ trích trật tự thế giới hiện nay là lỗi thời. Thông tin chỉ đi một chiều "từ tây sang đông, từ bắc xuống nam, và từ nước phát triển sang các nước đang phát triển". Theo ông, truyền thông thế giới nên là một lực lượng tích cực xúc tiến tiến bộ xã hội. Một sự tiến bộ đương nhiên phải mang đậm "tính chất Trung Hoa".

Do vậy, từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu quảng bá các chương trình và mô hình truyền thông của mình ra thế giới như tổ chức các hội nghị quốc tế (World Media Summit, Hội Nghị Quốc tế về Internet) và thậm chí muốn tranh cử vị trí tổng giám đốc UNESCO, phụ trách vấn đề báo chí.

Tăng cường hợp tác đào tạo truyền thông, mời gọi phóng viên các nước (Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, Châu Á và Úc) đến "học hỏi tinh thần phê phán" ở Bắc Kinh ; gia tăng áp lực lên những tạp chí khoa học có uy tín yêu cầu hủy những bài đăng nào không làm hài lòng Bắc Kinh và nhất là hạn chế số phóng viên cũng như là các kênh truyền hình hoạt động trong nước.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn tìm cách bành trướng truyền thông của mình ra bên ngoài như dự định tăng thêm số văn phòng đại diện của Tân Hoa Xã, mở thêm nhiều kênh truyền hình CGTN của mình bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ả Rập và Nga…

Cuối cùng, điều đáng lo nhất là Trung Quốc còn xuất khẩu cả công cụ kiểm duyệt và giám sát của mình. Các nội dung "nhạy cảm" theo chuẩn mực của Bắc Kinh đều bị sàng lọc. Nói tóm lại, trong mọi lĩnh vực của ngành thông tin, Trung Quốc đang tìm cách áp đặt mô hình của mình lên thế giới.

Bài viết cảnh báo nếu các quốc gia dân chủ không kháng cự, không những Trung Quốc không bao giờ thiết lập tự do báo chí, mà nước này còn sẽ dần áp đặt mô hình của mình lên cả thế giới. Do đó, tốt hơn hết là nên "thay đổi Trung Quốc trước khi nước này làm chúng ta thay đổi", như tựa đề bài viết.

Trang nhất các báo Pháp

Đề tài trang nhất các báo Pháp khá đa dạng. Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến chương trình giảm thuế của nhà nước có tác động ra sao đến ngân sách. Le Monde thì nhắc lại câu nói của tổng thống Pháp Emmanuel Macron "Tôi ở đây là để biến đổi đất nước".

Le Figaro ngoài hàng tựa "Ngân sách 2018, hồi II chương trình ‘biến đổi’ của Macron", còn chú ý đến "Sóng hấp dẫn : cú va chạm giữa hai ngôi sao là nguồn gốc của một khám phá quan trọng".

Libération đặc biệt quan tâm đến vụ tai tiếng tấn công tình dục ở Hollywood. Trên nền ảnh, một bàn tay nam giới đang tìm cách chạm vào vai của một phụ nữ tờ báo nặng nề chạy tựa "Quấy rối, hãm hiếp, xâm hại : Dê ‘xồm’ bị thui" (tạm dịch từ tít : Porcs sur le Gril).

Nhật báo thiên tả còn dành 4 trang báo lớn nói về "Sự ra đời của phong trào tố cáo những kẻ sàm sỡ", cũng như là tố cáo tệ nạn quấy rối hiện hữu trong mọi lĩnh vực, không chỉ trong ngành giải trí.

La Croix có bài phóng sự của đặc phái viên, cho biết cảm nhận về cuộc sống thường nhật của người dân Bắc Triều Tiên dưới lệnh trừng phạt của quốc tế trong "Mười ngày xuyên Bắc Triều Tiên".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Chủ trương "Nước Mỹ trên hết" đang đẩy Hoa Kỳ vào tình thế bị cô lập (RFI, 16/10/2017)

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, đả kích thỏa thuận hạt nhân với Iran mà các đồng minh Châu Âu của Hoa Kỳ xem là chuẩn mực của hợp tác quốc tế, tiếp tục được bình luận. Trong bài phân tích ngày 15/10/2017, hãng tin Pháp AFP đã không ngần ngại cho rằng quyết định đó của ông Trump đã nêu bật nguy cơ là chính sách ngoại giao theo hướng "Nước Mỹ trên hết (America First)" của ông, có khả năng chuyển hóa thành "Nước Mỹ đơn độc (America Alone)" khi ông phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

alone1

Một bức bích họa chống Mỹ tại Teheran, Iran, ngày 13/10/2017. Reuters/Nazanin Tabatabaee Yazdi/TIMA

Thoạt đầu, các nhà quan sát còn phân vân, tự hỏi là chính sách của tân tổng thống Mỹ sẽ ra sao. Thế nhưng, họ đã nhìn thấy một sợi chỉ xuyên suốt các quyết định của ông, từ việc rút nước Mỹ ra khỏi các hiệp định thương mại đa phương, thách thức các đồng minh cố hữu, cho đến việc xé bỏ các hiệp định quốc tế : Đó là ông Trump kiên quyết không để cho bị bất kỳ một quan hệ quốc tế nào ràng buộc.

Một nhà nghiên cứu có uy tín là ông Richard Haass, chủ tịch định chế tham vấn Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Council on Foreign Relations đã khẳng định rằng chính sách đối ngoại của ông Trump đang đi theo "học thuyết triệt thoái".

Ông Trump chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng ông nói sẵn sàng làm việc đó nếu Quốc hội Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ không đồng ý ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Ngay trước khi quyết định về Iran, ông đã rút Mỹ ra khỏi tổ chức văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO. Trước đó, ông đã rút Mỹ ra khỏi hiệp ước thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, và dường như ông đã sẵn sàng xóa bỏ một hiệp ước lớn hơn là Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ - NAFTA.

Ông còn đặt vấn đề về cam kết của Mỹ đối với các đồng minh trong khối NATO, ra lệnh cho rà soát lại lợi ích của việc Mỹ tham gia các định chế Liên Hiệp Quốc, thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.

Cơ sở của các quyết định kể trên, như ông luôn tuyên bố, đó là chủ trương của ông đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên tất cả. Có điều là hệ quả của các hành động trên rất nghiêm trọng. Ông Ben Rhodes, cựu cố vấn cao cấp trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, đã cảnh cáo : "Các quốc gia khác sẽ không muốn ký thỏa thuận với Hoa Kỳ".

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người đã đàm phán thỏa thuận hạt nhân, cho rằng hành động của ông Trump sẽ gây thiệt hại lâu dài cho uy tín của Hoa Kỳ, vì sẽ không còn ai tin tưởng vào chính quyền Hoa Kỳ để tham gia đàm phán những vấn đề dài hạn.

Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một kiến ​​trúc sư chủ chốt của thỏa thuận với Iran, đã cho rằng quyết định của ông Trump đã làm suy yếu vai trò của Mỹ, khiến Mỹ mất đồng minh…

Các đồng minh truyền thống của Washington ở Châu Âu lúc đầu rất thận trọng trong cách tiếp cận đối với ông Trump, với hy vọng ông sẽ bớt cực đoan khi vào Nhà Trắng. Thế nhưng, hy vọng này đã bị quyết định về Iran phá tan, và Châu Âu đã nhất loạt phản ứng.

Theo chuyên gia Barbara Slavin thuộc trung tâm tham vấn Hội Đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), "ông Trump có vẻ như nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ đủ để cho Hoa Kỳ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn vào bất cứ lúc nào… Điều mà ông ấy không hiểu là Hoa Kỳ chỉ ở đỉnh cao quyền lực khi vận động để đạt đến sự đồng thuận quốc tế".

Trọng Nghĩa

************************

Liên Hiệp Châu Âu kiên quyết duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran (RFI, 16/10/2017)

Liên Hiệp Châu Âu kiên quyết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran sau phiên họp các ngoại trưởng ngày 16/10/2017, tại Luxembourg. Theo các nước Châu Âu, thỏa thuận lịch sử này còn là điều cần thiết để thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

alone2

Sinh viên Iran tuần hành phản đối quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh chụp ngày 14/10/2017. Reuters/Tasnim News Agency

Ngày 13/10, tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ nhận Teheran tôn trọng thỏa thuận được ký tại Vienna năm 2015 với sáu cường quốc. Trong khi đó, 5 nước còn lại (Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh) đều nhất trí bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trong một bản thông cáo chung, được AFP trích dẫn, ba nước Pháp, Anh và Đức đều tỏ ra "quan ngại" về "các hệ lụy đối với an ninh của Hoa Kỳ và các nước đồng minh" của các biện pháp mà chủ nhân Nhà Trắng yêu cầu.

Đến tham gia buổi họp các ngoại trưởng sáng 16/10 tại Luxembourg, bà Federica Mogherini, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu khẳng định : "Đây là một thỏa thuận được thực hiện tốt và đó là điều chúng ta cần đối với nền an ninh".

Vẫn theo bà Federica Mogherini, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, AIEA, tổ chức từng tiến hành nhiều đợt thanh tra tại các cơ sở hạt nhân của Iran, "chưa từng phát hiện bất kỳ sự thiếu tôn trọng nào từ phía Iran".

Những lời tuyên bố của tổng thống Mỹ khiến chính phủ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lo ngai vì "có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự" giữa Hoa Kỳ và Iran, như cảnh báo của ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel.

Trước đó, ngày 15/07, do cộng đồng quốc tế phản đối các cáo buộc của chủ nhân Nhà Trắng, nhiều quan chức của chính quyền Washington đã lên tiếng xác định rằng Hoa Kỳ trước mắt vẫn gắn bó với phần còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin NBC, bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nói rằng Teheran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015. Song bà tỏ ý quan ngại trước những hoạt động hạt nhân của Iran không nằm trong khuôn khổ của thỏa thuận, bao gồm việc bán vũ khí và tài trợ cho các nhóm chiến binh, trong đó có phiến quân Hezbollah.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế

Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình, giấc mơ Trung Hoa và Đại hội Đảng

Le Monde hôm nay dành hẳn 8 trang báo cho việc "Trung Quốc quay lại với tư cách đại cường", với dòng chữ Hán trên trang nhất "Trung Quốc, cường quốc quật khởi" - tên một bộ phim tài liệu dài đến 12 tập chiếu trên truyền hình nước này năm 2006. "Hoàng đế đỏ" Tập Cận Bình, nhân danh "Giấc mơ Trung Hoa", từ khi lên ngôi đã siết chặt xã hội dân sự cũng như nền kinh tế.

hoangde1

Ảnh Tập Cận Bình trong cuộc triển lãm thành tựu 5 năm qua, trước Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19. Ảnh chụp ngày 10/10/2017. Reuters/Jason Lee

Giấc mơ Trung Hoa thay cho giấc mơ Mỹ

Tờ báo nhận xét, cách đây mười năm, khi chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, chính quyền đã phân phát nhiều cassette cho các tài xế taxi để họ ráng tập nói vài câu tiếng Anh. Năm 2017, đến lượt bé gái cháu nội của tổng thống Mỹ Donald Trump hát và đọc một bài thơ tiếng Hoa trước mặt Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago. Le Monde cho rằng đây là một biểu tượng : chúng ta đã bước vào thế kỷ Trung Hoa.

Sau ba thập niên cất cánh, Trung Quốc nay muốn cạnh tranh với siêu cường Mỹ, và Tập Cận Bình còn khoe "Giấc mơ Trung Hoa" để thay cho "American Dream". Giấc mơ này được thể hiện bằng các tham vọng lãnh thổ và chiến lược. Chính sách âm thầm phát triển của cuối thập niên 70 đã kết thúc. Tại Châu Á, Tập Cận Bình yêu sách chủ quyền Biển Đông, bất chấp những quan ngại của các láng giềng. Việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP là một món quà từ trên trời rơi xuống cho ông Tập, nhân đó ông quảng bá "Con đường tơ lụa mới".

Trong nội bộ, Tập Cận Bình áp đặt nhân sự của mình trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nhân danh chống tham nhũng, trong quân đội và xã hội dân sự. Đừng mơ đến cải cách chính trị : ông Tập là một người chống Gorbatchev. Các luật sư và nhà báo "láo xược" đã bị bỏ tù. Cứng rắn trong đối nội, bành trướng với bên ngoài, đó là tôn chỉ của ông Tập, với hy vọng mang lại cơ hội tuyệt vời cho ngày kỷ niệm 100 năm thành lập đảng vào năm 2021, một năm trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.

Tập Cận Bình, hoàng đế đỏ

Tại Đại hội Đảng khai mạc vào thứ Tư 18/10 tới, Tập Cận Bình không chỉ được giao tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, mà còn muốn nối gót hai lãnh đạo đã đi vào lịch sử là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, với việc đưa vào điều lệ đảng tư tưởng của ông ta. Cho đến nay, chỉ có Mao (với tư tưởng Mao Trạch Đông) và Đặng (với lý thuyết Đặng Tiểu Bình) là có được vinh dự này, nhưng không phải trong lúc sinh thời.

Ông Tập đưa ra khái niệm "Quản trị". Tác phẩm "Quản trị Trung Quốc" dày trên 500 trang xuất bản tháng Giêng năm 2015 tập hợp các bài diễn văn và tiểu luận, là đóng góp của Tập Cận Bình, bên cạnh những chuyến công du 56 nước, vượt 570.000 km, được tiếp đón trọng thị. Trên thảm đỏ, ông luôn tươi cười, biểu tượng cho một Trung Quốc kiêu hãnh và tự tin, đối chọi với nước Mỹ của ông Trump cô lập và khuấy động.

Để hiểu vì sao nhấn mạnh "quản trị", chúng ta cần quay lại với năm 2012 của Đại hội Đảng 18, khi Tập Cận Bình mới được đề cử. Chế độ Bắc Kinh đang còn sững sờ trước sự lan rộng của Mùa Xuân Ả Rập, thì lại xảy ra xì-căng-đan đình đám Bạc Hy Lai, và sau đó đến lượt luật gia mù Trần Quang Thành đào thoát, gây khủng hoảng ngoại giao với Mỹ. Trung Quốc của Hồ Cẩm Đào dường như thất thế trước sự thu hút của tổng thống Barack Obama và sự cương quyết của ngoại trưởng Hillary Clinton. Trên toàn quốc, xuất hiện nhiều lời kêu gọi trên các mạng xã hội, vạch trần bộ máy tuyên truyền và đòi hỏi chia sẻ quyền lực chính trị. Báo chí Hoa lục gọi đây là "cuộc khủng hoảng quản trị".

Pháp trị của quân chủ chuyên chế thay cho Nhà nước pháp quyền

Khi lên ngôi, Tập Cận Bình đã gây thất vọng cho những người vẫn mong mỏi có được cải cách chính trị. Một nhà trí thức ẩn danh nói với Le Monde : "Cách đây bốn, năm năm, tôi rất lạc quan, như nhiều người cùng thế hệ. Cứ ngỡ rằng sẽ hướng đến một mô hình kiểu phương Tây, rằng xã hội chúng tôi sẽ trở nên tự do hơn. Nay thì phải từ bỏ ảo tưởng ấy".

Ông Tập "Hán hóa" tất cả, vận dụng nền văn minh Trung Hoa cổ, Khổng Tử và một loạt truyền thống chính trị, chẳng hạn thuyết "pháp trị" của Hàn Phi Tử (Han Fei) thời quân chủ chuyên chế, khác hẳn với Nhà nước pháp quyền của phương Tây.

Sự quản trị độc đoán của Tập Cận Bình nhằm duy trì độc quyền cai trị của đảng cộng sản, và tham vọng quốc tế trở thành siêu cường. Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) nhận xét : "Mao muốn xuất khẩu cách mạng, còn Tập Cận Bình muốn xuất khẩu tư bản. Ông ta mơ một đại cường đỏ. Nền kinh tế là vũ khí hiệu quả nhất, "Con đường tơ lụa mới" và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là các phương tiện chiến lược. Thế nhưng những thứ đó cần đến sức mạnh quân sự hỗ trợ. Như vậy, Bắc Kinh sẽ mở rộng dấu ấn quân sự trên thế giới, như đã làm với căn cứ đầu tiên ở Djibouti. Đầu tư vào quân sự là trọng yếu, vì Trung Quốc đã ấn định mục tiêu trở thành cường quốc biển, trong khi hiện nay còn yếu kém".

Theo Le Monde, những thử thách đối với ông Tập không ít : nền kinh tế chao đảo, và ông nổi tiếng có nhiều kẻ thù bên trong. Ở bên ngoài, Hồng Kông và Đài Loan nổi loạn trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình. Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, với một Donald Trump nóng nảy, bất định, là trắc nghiệm cho "chính sách ngoại giao nước lớn" của Bắc Kinh.

Tất cả đều ngưng đọng trước Đại hội Đảng

Trong bài "Trung Quốc dừng mọi hoạt động trước Đại hội Đảng", tờ báo cho biết, trong khi thủ đô Bắc Kinh rợp những băng-rôn đỏ "Nhiệt liệt chào mừng Đại hội 19", các nhà hàng gần quảng trường Thiên An Môn buộc phải tạm đóng cửa vì không được sử dụng các bình gaz.

Airbnb thông báo cho khách hàng là tất cả các căn hộ trong bán kính 20 km xung quanh quảng trường bị cấm cho thuê đến cuối tháng 10. Một điều bắt buộc nữa là bầu trời xanh : các nhà máy thép của tỉnh Hà Bắc kế cận phải ngưng sản xuất từ ngày 12/10. Giá một số hóa chất tăng cao bất thường vì cấm vận chuyển hàng nguy hiểm trên sông Dương Tử (Yangzi) tuy nằm cách thủ đô cả ngàn cây số.

Lãnh vực giải trí cũng không thoát : một kênh truyền hình đã phải ngưng chương trình tranh luận về những khó khăn của đất nước. Thay vào đó là loạt phim tài liệu mang tên "Vinh quang Trung Quốc".

Đại hội 19 : Tập Cận Bình sẽ khống chế ?

Với 2.287 đại biểu, Đại hội 19 sẽ "bầu ra" Ban chấp hành Trung ương, và sau đó Trung ương chỉ định Bộ Chính trị gồm 25 thành viên và 7 ủy viên thường trực, nắm giữ quyền lực tối cao. Kỳ này có nhiều ghế trống do về hưu hay do bị thanh trừng : 5/7 ủy viên thường trực, 12/25 ủy viên Bộ Chính trị, 5/11 trong Quân ủy Trung ương. Vấn đề là Tập Cận Bình sẽ áp đặt được bao nhiêu người thân tín. Ông Tập chỉ tin tưởng vào những ai đã từng làm việc chung với mình.

Ông phải thỏa thuận với Đoàn Thanh niên, phe của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tuy đã yếu đi nhưng vẫn còn nhiều cán bộ tài năng và giữ vị trí quan trọng. Trần Mẫn Nhi (Chen Min’er), vừa được ông Tập đẩy lên làm bí thư Trùng Khánh, có hy vọng trở thành ủy viên thường trực.

Nhưng đáng chú ý nhất là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), trưởng ban kỷ luật trung ương đầy quyền lực, người chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng. Ở tuổi 69, trên nguyên tắc ông Vương không thể tiếp tục là ủy viên thường trực, nhưng cánh tay mặt của Tập Cận Bình có thể được đặc cách. Một số nhà quan sát cho rằng ông Tập sẽ tránh giới thiệu người kế nhiệm cho Đại hội 20, năm 2022.

Le Monde cũng đề cập đến "đạo quân Chi Giang" của Tập Cận Bình, gồm khoảng hai chục quan chức, là những người đã chịu ơn mưa móc của ông Tập nên đã thăng tiến vùn vụt.

Siết chặt kinh tế tư nhân

Trên lãnh vực kinh tế, mặc dù đề cao chủ trương tự do hóa, nhưng chế độ lại tăng cường kiểm soát lãnh vực tư nhân, với mục đích giữ ổn định, dành ưu tiên cho quốc doanh.

Những tập đoàn quá nhiều tham vọng bị chặn bước, mà người giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), chủ tập đoàn Vạn Đạt (Wanda) đã học được một bài học : phải bán đi 77 khách sạn và phần hùn trong 13 dự án du lịch, trị giá tổng cộng 7,7 tỉ đô la ; từ bỏ ý định mua khu đất 4 hecta bên dòng sông Thames, cách Buckingham Palace không đầy 1 km.

Tương tự đối với các tập đoàn Phục Tinh (Fosun), An Bang (Anbang). Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), chủ tịch An Bang, chồng của cháu gái Đặng Tiểu Bình, ngỡ như bất khả xâm phạm, bị bắt vào tháng Sáu và từ đó đến nay không hề thấy xuất hiện hay được nhắc đến.

Chuyên gia Fraser Howie nhận xét : "Khi ra lệnh cho doanh nghiệp tư nhân, Tập Cận Bình cho thấy không có ranh giới công-tư như ở phương Tây. Cũng có những vấn đề như rủi ro tài chính, chảy máu vốn nhưng chỉ là thứ yếu. Ông Tập đặc biệt muốn chứng tỏ không có bất kỳ lãnh vực nào của xã hội mà ông hoặc đảng Cộng Sản không có quyền can thiệp. Đây là xu hướng đang lo ngại ở Trung Quốc, vì lãnh vực quốc doanh vốn kém hiệu quả, trong những năm gần đây lại càng sa sút".

Trong thời buổi đồng nhân dân tệ yếu kém so với đô la, các đầu tư ra nước ngoài bị coi là một cách chuyển tiền ra ngoại quốc, thay vì là sự phát triển mang tầm chiến lược. Ông Howie nói thêm : "Trước mắt, nếu kiểm soát thị trường tiền tệ, chứng khoán và thậm chí cả mức độ hoạt động kinh tế, có thể có được sự ổn định. Nhưng về trung và dài hạn, sẽ gây căng thẳng nhiều hơn cho nền kinh tế".

Internet bị bóp nghẹt

Về mặt xã hội, hàng loạt biện pháp khắc nghiệt được đưa ra để siết chặt internet. Gần đến đại hội, WhatsApp không còn hoạt động được. Tại Tân Cương, khi sử dụng VPN để vượt tường lửa thì công an được báo động ngay.

Ngay từ năm 2013, tất cả những ai đăng tin tức "có hại" lên mạng Vi Bác (Weibo), được xem 5.000 lần hay chia sẻ 500 lần đều có nguy cơ bị tù giam. Nhiều blogger đã bị bắt. Một nhà báo trẻ Trung Quốc cho biết : "Từ khi ra quy định này, ai nấy đều thận trọng, đó là hồi kết của việc mở cửa internet". Các luật về an ninh mạng được thông qua tháng 11/2016 trao quyền cho an ninh lập hồ sơ khởi tố các cư dân mạng muốn "lật đổ chính quyền" hay "gây rối trật tự công cộng". Một blogger trẻ đã lãnh án bốn năm tù vì đăng clip cảnh người dân biểu tình. Một người dân Quảng Đông cũng bị 9 tháng tù giam vì lập trang web bán các phần mềm để né "Vạn Lý Hỏa Thành".

New York nay đã trở thành thủ đô của một "Trung Quốc tự do", nơi các nhà ly khai và trí thức Trung Quốc nói lên những tiếng nói đòi dân chủ. Tại đây họ tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị về tương lai đất nước, đăng bài trên những trang tiếng Hoa. Mới đây, một phóng viên Ý thường trú tại Bắc Kinh đã phải sang New York phỏng vấn một giáo sư người Hoa vì tại Hoa lục, chẳng ai dám trả lời.

Đảng đứng trên Nhà nước

Nhà Trung Quốc học Sebastien Veg nhận xét, mỗi tân lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốcđều phải đối mặt với việc giữ ba thăng bằng căn bản, để bảo vệ chế độ. Đó là thăng bằng giữa định chế hóa và cải cách chính trị, giữa trọng dụng nhân tài và phe nhóm, giữa tự do hóa và kiểm soát xã hội.

Tập Cận Bình khác với những người tiền nhiệm ở chỗ tăng cường quyền lực của Đảng, đứng trên Nhà nước. Dựa trên phe "thái tử đỏ", thay vì giúp Nhà nước hiệu quả hơn nhờ tách biệt với Đảng và ý thức hệ, ông Tập lại khẳng định vai trò lãnh đạo đảng như công cụ kỷ luật, điều tiết nền kinh tế và xã hội, tiêu chuẩn chính trị.

Chiến dịch chống tham nhũng do đảng lãnh đạo đã tấn công 1 triệu cán bộ từ 2013, trong đó khoảng 200.000 bị điều tra, trong đó có 130 mang hàm thứ trưởng trở lên. Từ 2017, chiến dịch mở rộng sang lãnh vực tư nhân. Đảng Cộng sản Trung Quốccòn tăng cường vai trò tổ đảng trong các công ty tư, tổ chức phi chính phủ, thậm chí công ty liên doanh với nước ngoài.

Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông dự báo trên Le Figaro : những kẻ thù của ông Tập, đang yếu đi và chia rẽ, chỉ đợi một dịp khủng hoảng lớn để phản công. Cuộc khủng hoảng đó có thể là kinh tế hay ngoại giao - nếu hồ sơ Triều Tiên nóng bỏng diễn tiến xấu đi, trở thành xung đột.

Iran, tổng thống Pháp : Tựa chính báo Paris

Tổng thống Mỹ và hiệp định nguyên tử Iran, cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình lần đầu tiên của tổng thống Pháp, Tập Cận Bình và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới ; đó là những chủ đề được các báo Pháp đề cập nhiều nhất.

Tựa chính của Le Monde hôm nay là "Donald Trump gây nguy hiểm cho hiệp định nguyên tử Iran". Le Figaro nhận xét "Emmanuel Macron giảm nhẹ giọng điệu nhưng giữ nguyên phương hướng", còn Libération chơi chữ : "Macron trò chuyện với người dân Pháp : Mẹ kiếp, hãy cố thành công đi !", nhắc lại từ ngữ ("bordel !") có phần bình dân mà tổng thống Pháp từng bị phê phán gần đây. Trên lãnh vực xã hội, tờ báo công giáo La Croix chạy tựa "Để kết thúc bạo lực tình dục". Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến những thay đổi trong chính sách về hợp đồng làm việc ngắn hạn.

Thụy My

Published in Châu Á