Thoát chết trong gang tấc khi tàu Trung Quốc một lần nữa quấy rối tàu Philippines trong vùng EEZ của Manila
Chỉ mới sau 7 giờ sáng thứ Sáu 8/9/2023, các tàu Trung Quốc đã bắt đầu bu quanh tàu Cảnh sát biển Philippines BRP Cabra, di chuyển đến gần và vây quanh một cách khó chịu khi tàu này hộ tống các tàu dân sự đi về phía bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là bãi Ayungin).
Tàu Hải cảnh Trung Quốc vay tàu Cảnh sát biển Philippines BRP Cabra trong một cuộc đối đầu ở Biển Đông (Biển Tây Philippines) gần Bãi Cỏ Mây ngày 8/9/2023.
Tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu CCG 21616 là chiếc tàu đầu tiên xuất hiện tại hiện trường – nơi cách Bãi Cỏ Mây khoảng 10 hải lý (18,5 km). Bãi Cỏ Mây là một bãi cạn thuộc Biển Đông và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Một phóng viên của tờ BenarNews, một ấn phẩm của Đài Á Châu Tự do (RFA), và một số phóng viên khác đã được cấp phép đặc biệt để đi trên tàu Cabra và một tàu cảnh sát biển khác làm nhiệm bảo vệ cho đội tàu tiếp tế, đã có dịp chứng kiến những khoảnh khắc căng thẳng trên biển.
Những cảnh tượng tương tự cho thấy sự hung hăng của các tàu Trung Quốc đã diễn ra gần đây khi các tàu Philippines thực hiện các chuyến cung cấp hàng tiếp tế cho BRP Sierra Madre – một tàu hải quân cũ kỹ và hoen gỉ được sử dụng làm tiền đồn quân sự của Manila tại bãi Cỏ Mây.
"Tàu Philippines, các bạn đang tiếp cận vùng biển Trung Quốc. Để tránh tính toán sai và hiểu lầm, hãy thông báo ý định của các bạn" – tàu hải cảnh Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo tàu Cabra của Philippines qua tín hiệu phát thanh vào khoảng 6 :30 sáng.
Đáp lại tín hiệu phát thanh, tàu Cabra khẳng định tàu này "đang thực hiện tuần tra thường lệ, hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phù hợp với luật pháp của Philippines và quốc tế".
"Đề nghị hãy tránh xa lối đi của chúng tôi theo quy định về [tránh] va chạm" – người điều hành tín hiệu phát thanh của tàu Cabra nói.
Khoảng 30 phút sau, đã có ít nhất ba tàu hải cảnh và tàu khác từ đội tàu dân quân biển của Trung Quốc tham gia vào cuộc đối đầu.
Sau đó các tàu Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động triển khai nhằm cố chặn lối đi của các tàu dân sự - các động thái được các quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines mô tả là quá gần và nguy hiểm.
Bức ảnh được chụp từ drone ngày 8/9/2023 cho thấy tàu cảnh sát biển Philippines BRP Cabra bị bao vây bởi tàu hải cảnh và các tàu dân quân biển Trung Quốc ở khu vực Biển Đông gần Bãi Cỏ Mây. Ảnh : Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines
Một tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 21551 đã liên tục cố gắng cắt ngang đường đi của tàu Cabra nhằm tách tàu này khỏi một trong số các tàu tiếp tế.
Sau khi không vượt qua được tàu Cabra từ phía bên phải, tàu CCG 21551 sau đó đã tăng tốc để vượt qua Cabra từ phía bên trái. Khi thực hiện thao tác này, tàu Trung Quốc đi về phía Cabra và sau đó đột ngột dừng lại khi chỉ cách tàu Philippines 3 đến 5 mét – các quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) cho biết.
Trong cuộc đối đầu này, ít nhất hơn chục cuộc trao đổi qua tín hiệu phát thanh cũng như thách thức và thách thức hồi đáp thách thức đã diễn ra giữa các tàu Philippines và Trung Quốc.
"Hành xử của các bạn đã vi phạm thẩm quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc. Tôi cảnh báo các bạn hãy rời khỏi khu vực ngay lập tức. Mọi hậu quả [có thể xảy ra] sẽ do các bạn gánh chịu" – một giọng nói từ tàu CCG 5305, tàu lớn nhất trong số các tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt tại hiện trường, cảnh cáo thủy thủ đoàn tàu Cabra.
Sau khi bị tách khỏi các tàu cảnh sát biển Philippines, như chủ định của các tàu Trung Quốc, các tàu dân sự Philippines đã tự tiếp tục hành trình, cập đến tàu Sierra Madre, đón được người của Lực lượng Hải quân Philippines và giao lương thực và các hàng tiếp tế khác.
Emmanuel Dangate, sĩ quan chỉ huy tàu BRP Cabra, nhìn ra ngoài từ khoang lái khi các tàu Trung Quốc cố gắng cắt ngang đường đi của tàu Cabra và hoạt động gần tàu này khi ở vùng biển gần Bãi Cỏ Mây, ngày 8/9/2023. Ảnh : Camille Elemia / BenarNews
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippine đánh giá chuyến tiếp tế mới nhất này thành công bất chấp cuộc chạm trán căng thẳng với các tàu Trung Quốc.
"Chuyến tiếp tế và luân chuyển người thường lệ đã tiếp tục gặp phải những triển khai nguy hiểm (hoạt động nguy hiểm), đe doạ sự an toàn của thủy thủ đoàn trên các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và các tàu tiếp tế của Philippines" – Ông Jay Tarriela, người phát ngôn về vấn đề Biển Đông của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines phát biểu trong một tuyên bố báo chí.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết, trong thời gian diễn ra vụ việc ngày thứ Sáu, họ đã ghi lại 10 trường hợp bốn tàu hải cảnh và bốn tàu dân quân biển Trung Quốc đã có những triển khai nguy hiểm (hành động nguy hiểm) đối với hai tàu cảnh sát biển BRP Cabra và BRP Sindangan của Philippines.
Hai tàu chiến Trung Quốc của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng bị phát hiện là đang theo dõi khu vực này.
Tại một thời điểm, tàu hải cảnh CCG 5305 của Trung Quốc đã nhấn còi ba lần trong khi băng qua mũi tàu BRP Sindangan của Philippines ở khoảng cách khoảng 50 đến 60 thước Anh.
Về phần mình, tàu cảnh sát biển BRP Cabra bị quây bởi 05 tàu Trung Quốc : 03 tàu dân quân biển, một tàu hải cảnh ở phía trước và một tàu hải cảnh khác phía sau.
Các thủy thủ đoàn của tàu Cabra và Sindangan - các tàu phản ứng đa năng dài 44 mét của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines - và các nhà báo trên hai tàu này đã rời đảo Palawan của Philippines vào khoảng 9 giờ sáng thứ Năm.
Hai tàu cảnh sát biển này đã được triển khai để hộ tống hai tàu tiếp thế nhỏ, tàu Unaizah May 1 và Unaizah May 2, được Hải quân Philippines giao nhiệm vụ thực hiện các chuyến tiếp tế và luân chuyển nhân sự thường kỳ.
Hai chiếc tàu gỗ chở thực phẩm, vật tư và một đợt thủy thủ mới tới Sierra Madre - một chiếc tàu thời Thế chiến II cũ kỹ. Năm 1999, Philippines đã cố tình đưa nó ra Bãi Cỏ Mây, nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp để đáp trả việc Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn gần đó.
Hai tàu Unaizah May và các tàu cảnh sát biển đã gặp nhau ở gần Bãi Sa Bin vào tối thứ Năm và hai tàu nhỏ này đã đi ở giữa hai tàu cảnh sát biển.
"Bảo vệ các tàu Unaizah May là chỉ lệnh chúng tôi nhận được" – ông Emmanuel Dangate, chỉ huy tàu Cabra nói với các phóng viên trên tàu của mình.
Quang cảnh từ buồng lái
Trong cuộc đối đầu ngày thứ Sáu, không khí trong buồng lái của tàu Cabra khá điềm tĩnh khi các tàu Trung Quốc áp sát vào tàu cảnh sát biển Philippines. Một vài thành viên của thủy thủ đoàn thậm chí còn mỉm cười và trêu đùa nhau.
Dangate - thuyền trưởng của Cabra - bình tĩnh nhìn về phía trước từ khoang lái và đưa ra các hiệu lệnh cho thủy thủ đoàn của mình.
"Những chuyến đi như thế này khơi dậy lòng yêu nước và sự hy sinh của chúng tôi" – vị sĩ quan chỉ huy này nói với nhóm phóng viên được chọn đi theo tàu để có cơ hội hiếm hoi trực tiếp chứng kiến một trong những chuyến đi tiếp tế của tàu Philippines.
Thỉnh thoảng, ông lại nhìn qua ống nhòm và hỏi nhanh thủy thủ đoàn của mình.
"Tàu kia có Hệ thống Nhận diện Tự động [AIS] không ?" - ông hỏi và chỉ vào một con tàu ở xa, trông có vẻ là tàu dân quân biển Trung Quốc.
"Dạ, không" – một thủy thủ trẻ trả lời. Điều này có nghĩa là một số tàu Trung Quốc đã tắt AIS để che dấu vị trí và các thông tin kỹ thuật của mình với các tàu khác trong khu vực.
Một tàu dân quân biển và một tàu hải cảnh Trung Quốc bơi gần tàu cảnh sát biển BRP Cabra của Philippines, ở vùng biển gần bãi Cỏ Mây, ngày 8/9/2023. Ảnh : Camille Elemia / BenarNews
Khi của chạm trán xảy ra, một chiếc máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ - đồng minh quốc phòng chính của Manila - liên tục bay lượn trên khu vực biển này trong và sau thời gian diễn ra vụ việc. Theo các quan chức của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Phillippines, một chiếc máy bay trực thăng Black Hawk không rõ lai lịch, đã cố gắng tiếp cận những chiếc tàu gỗ. Một chiếc máy bay màu trắng không rõ lai lịch khác cũng được phát hiện.
Các tàu dân quân biển và tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục theo dõi các tàu cảnh sát biển Philippines một cách sát sao trong nhiều giờ khi các tàu Philippines chờ các tàu tiếp tế trở về từ Bãi Cỏ Mây. Các tàu Trung Quốc cuối cùng đã giải tán khi các tàu Philippines lên đường trở về Palawan vào khoảng 3 giờ chiều ngày thứ Sáu.
Giới chức Philippines đã chỉ ra rằng khác với ở các chuyến tiếp tế trước kia, Trung Quốc giờ đây triển khai các tàu hải cảnh nhỏ hơn, do đó, có thể nhanh chóng triển khai việc chặn tàu Philippines.
Trong chuyến tiếp tế ngày 22/8, hai tàu cảnh sát biển của Philippines đã có thể hộ tống các tàu dân sự tới gần Bãi Cỏ Mây hơn một chút bất chấp các động thái của Trung Quốc. Nhưng lần này, tàu cảnh sát biển Philippines chỉ có thể tới khu vực cách bãi cạn này 10 hải lý, mà theo phát ngôn viên Jay Terriela, một nguyên nhân có thể là do việc Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh nhỏ và nhanh hơn.
Cũng đáng chú ý là sự tham gia một cách chủ động hơn của các tàu dân quân biển trong việc quấy rối các tàu của Philippines trong các chuyến tiếp thế gần đây, các quan chức này cho biết.
Các tàu dân quân biển Trung Quốc bao vây cảnh sát biển BRP Cabra của Philippines, ở vùng biển gần bãi Cỏ Mây, ngày 8/9/2023. Ảnh : Camille Elemia / BenarNews
Tranh chấp với Trung Quốc về đảo Trường Sa là nguyên nhân chính dẫn tới việc Manila quyết định khởi kiện Bắc Kinh ở một tòa án quốc tế vào năm 2012.
Vụ kiện của Philippines được coi là bước đột phá vì trước đây chưa từng có một quốc gia nào chất vấn và thách thức Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền biển của nước này tại một tòa án quốc tế.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye đã tuyên bố Philippines thắng kiện với một phán quyết mang tính bước ngoặt, không công nhận các yêu sách lãnh thổ rộng khắp của Bắc Kinh ở Biển Đông – tuyến hàng hải quan trọng trong thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên Bắc Kinh đã không thừa nhận phán quyết này, trích dẫn lịch sử và khăng khăng cho rằng Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ.
Tháng 8 năm nay, Bắc Kinh đã công bố bản đồ đường 10 đoạn mới bao phủ cả Đài Loan và gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản đối của các quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan.
Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia cũng là các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với quần đảo Trường Sa. Đài Loan cũng là một bên tuyên bố chủ quyền.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Jakarta hôm thứ Năm, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã kêu gọi các quốc gia ASEAN và các đồng minh lên tiếng phản đối Trung Quốc về các hành động không an toàn của lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển của nước này.
Philippines hoàn toàn ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ" - ông Marcos nói trong cuộc họp mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng tham dự.
"Chúng tôi phải phản đối việc sử dụng các tàu cảnh sát biển và dân quân biển một cách nguy hiểm ở Biển Đông".
Camille Elemia/BenarNews
Nguồn : RFA, 12/09/2023
Hôm 8/8/2023, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố về vụ việc ngày 5/8/2023 trên bãi cạn Ayungin (tức bãi Cỏ Mây theo cách gọi của Việt Nam). Bản tuyên bố lên án Hải cảnh Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc (PLAN) và lực lượng dân quân biển nước này đã gây hấn các tàu tiếp tế và chuyển quân của Philippines, bao gồm cả việc bắn vòi rồng.
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của Philippines gần bãi Cỏ Mây hôm 5/8/2023. AFP
Bản tuyên bố dẫn Phán quyết trọng tài năm 2016 khẳng định rằng bãi Cỏ Mây là một thực thể lúc chìm lúc nổi, vì vậy nó không thể là đối tượng để một quốc gia nào đó yêu sách chủ quyền. Do đó, Trung Quốc không thể thực thi chủ quyền hợp pháp đối với nó. Ngược lại, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây và cáo buộc Philippines xâm phạm lãnh thổ và vùng biển liên quan của họ. Bắc Kinh tuyên bố các hành động của họ đối với các tàu của Philippines mang tính chất thực thi pháp luật.
Vậy xét về mặt pháp lý, bên nào đúng trong trường hợp này ? Và tình trạng pháp lý của bãi Cỏ Mây có hàm ý gì đối với chính sách của Việt Nam hay không ?
Năm 2016, Tòa Trọng tài khi đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang ở Quỹ Max Planck vì Hòa bình Quốc tế và Pháp quyền, Đức, dẫn Đoạn 383 khẳng định Bãi Cỏ Mây là một bãi ngầm khi thủy triều lên. Nó chỉ nổi khi thủy triều xuống. Do đó không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây. Quan trọng hơn, nếu vị trí của nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Trung Quốc hoặc Philippines, thì quốc gia đó có chủ quyền đối với nó. Nhà nghiên cứu cũng dẫn Đoạn 290 của Phán quyết nói Bãi Cỏ Mây cách đường cơ sở Trung Quốc đến 616,2 hải lý nhưng cách đường cơ sở quần đảo của đảo Palawan của Philippines chỉ 104,0 hải lý, tức là nằm trong vùng đặc quyền Philippines. Thực vậy, Đoạn 399 của Phán quyết cũng khẳng định rằng Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đoạn 632 khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ quyền lợi nào đối với bất kỳ vùng biển nào xung quanh Bãi cạn này.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang, từ những điểm trên, có thể nói rằng vụ việc ngày 5/8/xét về mặt pháp lý, không được xem là một sự kiện tranh chấp lãnh thổ mà là một sự kiện "xảy ra bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines". Philippines có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình, và không có điều khoản nào trong Công ước UNCLOS có thể áp dụng để ngăn cấm Philippines thực hiện các hoạt động quân sự trong vùng biển đó. Các hoạt động do Philippines thực hiện vào ngày 5/8 là hoạt động quân sự thường lệ của nước này.
Về phía Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu, nước này có thể được hưởng một số quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nhưng không có cơ sở pháp lý nào có thể biện minh cho hành động của Trung Quốc đối với sự kiện ngày 5/8 (tấn công bằng vòi rồng đối với tàu Philippines, và xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.)
Trung Quốc thừa nhận đã sử dụng vòi rồng đối với các tàu của Philippines trong vụ việc. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang cho rằng mặc dù có thể không xem nó là một cuộc "tấn công vũ trang" chống lại Philippines, nhưng hành động này có thể được coi là "sử dụng vũ lực trên biển". Hành động như vậy vi phạm điều 301 của Công ước, yêu cầu "phải kiềm chế mọi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thể hiện trong Hiến chương Liên hợp quốc". Do đó, việc sử dụng vũ lực như vậy là bất hợp pháp.
Năm 2021, Trung Quốc từng ngăn cản Philippines tiếp tế cho quân đồn trú trên bãi Cỏ Mây. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có lên tiếng nhưng chỉ nói chung chung, không đi thẳng vào vấn đề bãi Cỏ Mây. Còn với vụ việc hôm 5/8/2023, đến nay, sau 10 ngày, Việt Nam cũng như cả khối ASEAN vẫn im lặng. Trong khi đó, không chỉ Hoa Kỳ mà Úc, Nhật, Canada, Liên Hiệp Châu Âu, Anh quốc đã lên tiếng phản đối Trung Quốc.
RFA đặt câu hỏi với ông Raymond Powell, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Biển Đông ở Đại học Stanford, rằng Mỹ có khả năng sẽ hỗ trợ Philippines như thế nào nếu những hành vi tương tự của Trung Quốc vẫn tiếp diễn trong tương lai. Ông Powell nhận xét rằng những bế tắc kịch tính trong năm nay giữa Trung Quốc và Philippines có khả năng đã đẩy kế hoạch dự phòng chung giữa hai nước Hoa Kỳ - Philippines lên một tầm cao hơn. Các động thái của Trung Quốc đã dẫn đến thỏa thuận bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra hải quân chung từ cuối năm nay.
Trong khi đó, đối với chính sách "không liên kết với ai" của Việt Nam trong khi vẫn còn phải đối diện lâu dài với chính sách cưỡng bách của Trung Quốc, ông Powell cho rằng chính sách này có một hậu quả là nó hạn chế khả năng phản ứng của Việt Nam đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Ông dẫn ra trường hợp phản ứng của Việt Nam với các cuộc khảo sát của Trung Quốc vào tháng 5 năm 2023 vừa qua trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, đi vào từng trường hợp cụ thể, ông Powell cho rằng phản ứng của Việt Nam yếu hơn có thể vì nước này không có một tiền đồn dễ bị tổn thương như Philippines ở Bãi Cỏ Mây.
Theo ông Powell, tiền đồn của Philippines là con tàu BRP Sierra Madre đang rỉ sét được kéo lên bãi cạn Cỏ Mây. Một nhóm quân của Philippines đang đồn trú ở đó. Nếu Philippines không thể đánh bại hoặc phá vỡ sự phong tỏa của Trung Quốc để tiếp cận bãi cạn này thì cuối cùng binh sĩ trên tàu sẽ phải rút đi, con tàu đã rỉ sét này có thể bị vỡ hoặc trở thành nơi không thể ở được. Đến lúc đó, Philippines sẽ rất khó ngăn cản Trung Quốc chiếm hữu Bãi Cỏ Mây. Do Trung Quốc có một căn cứ quân sự của riêng họ tại Đá Vành Khăn chỉ cách bãi Cỏ Mây khoảng 30 km.
Ông Raymond Powell cho rằng ASEAN từ lâu đã bị mang tiếng là không hành động trong các cuộc khủng hoảng chính trị, đặc biệt là những cuộc khủng hoảng liên quan đến Trung Quốc. Quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận khiến tổ chức này rất khó để nói cùng một tiếng nói, trong khi hầu hết các thành viên của nó có xu hướng hết sức thận trọng khi lên tiếng chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trừ khi nó liên quan trực tiếp đến họ.
Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang nhận xét rằng sau khi sự kiện Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines xảy ra hôm 5/8/2023, đến nay chưa thấy ASEAN lên tiếng như một tổ chức chung, cũng chưa thấy một nước nào trong ASEAN lên tiếng riêng. Trong khi đó, ASEAN đang đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Do đó, ASEAN trong đó có Việt Nam nên lên tiếng về sự việc này để thể hiện sự đoàn kết giữa các nước ASEAN với nhau và với Philippines. Nhà nghiên cứu ở Quỹ Max Planck, Đức, nhấn mạnh đã có học giả Philippines nhận xét là Philippines nên rút ra khỏi đàm phán COC vì nó thực tế không có tác dụng gì. Nếu vậy, để đảm bảo thành công cho COC, các nước ASEAN càng phải thể hiện quan điểm ủng hộ luật pháp quốc tế và lên án các hành động phi pháp làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Mặc dù ở Trường Sa, các căn cứ của Việt Nam không bị đối diện với tình huống dễ bị tổn thương như căn cứ ở bãi Cỏ Mây của Philippines, Việt Nam vẫn có thể đối mặt với Trung Quốc trong tình huống khác ở Trường Sa. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh trang chỉ ra tình huống đó là Trung Quốc ngăn cản việc khai thác dầu khí của Việt Nam nếu các lô này nằm trong đường chín đoạn. Đó là một vấn đề pháp lý khác với Philippines ở bãi Cỏ Mây nhưng kỹ thuật vùng xám mà Trung Quốc sử dụng sẽ tương tự. Đó là tiến hành các hành vi ngăn cản nhưng ở mức dưới một cuộc xung đột vũ trang, như sử dụng vòi rồng tương tự như làm với Philippines. Hoặc họ dùng các tàu hải cảnh rất lớn ngăn cản tàu Việt Nam vào vùng khai thác. Theo nhà nghiên cứu, đối phó thế nào với Trung Quốc là tùy vào sự bình tĩnh, khả năng, các mối quan hệ quốc tế và thực lực của hải cảnh, hải quân từng nước.
Nguồn : RFA, 14/08/2023
Philippines quay trở lại với Mỹ
Philippines mới đây đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự, trong đó có ít nhất một căn cứ nằm ở địa điểm chiến lược ngay đối diện với Đài Loan (1). Thỏa thuận này được ký kết chưa đầy một năm sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên – một quyết định bị thúc ép bởi chính hành vi của Trung Quốc.
AFP
Trong thời gian đầu khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đắc cử vào năm 2022, Trung Quốc nhìn chung cảm thấy lạc quan, kỳ vọng Marcos Jr. sẽ duy trì thái độ thân Trung và chống Mỹ của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte theo như tuyên bố trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau khi bước vào năm 2023, một loạt động thái ngoại giao của Marcos Jr. đã đảo ngược đường lối ngoại giao sáu năm qua của Philippines, đồng thời tác động đến tình hình địa lý xung quanh. Nói cách khác, lập trường của tân tổng thống khiến cho sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Philippines giảm mạnh, Bắc Kinh dường như đã "đánh mất" Philippines trên mặt trận ngoại giao.
Đầu tháng 1/2023, Marcos Jr. thực hiện chuyến thăm cấp cao đến Bắc Kinh, như vậy Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bên ngoài Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Marcos Jr. đến thăm sau khi nhậm chức, đồng thời ông trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau khi nước này từ bỏ chính sách "Không Covid". Tuyên bố chung của hai nước trong chuyến thăm này nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Philippines, phát triển thương mại song phương cũng như kiểm soát ổn thỏa những mẫu thuẫn trên Biển Đông.
Philippines dưới thời Duterte "hướng về Trung Quốc"
Philippines là thuộc địa bên ngoài hiếm hoi của Mỹ và quan hệ lịch sử truyền thống Mỹ-Philippines rất khác đặc biệt. Năm 1951, hai nước đã ký Hiệp ước phòng thủ chung, hiện Philippines nằm trong nhóm đồng minh mà Mỹ thành lập ở Châu Á-Thái Bình Dương. Xét về cấp độ cấu trúc, Philippines rất thân Mỹ cả về xã hội lẫn quân sự và được xem là quốc gia có quan hệ hời hợt nhất với Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam, Philippines và Đài Loan đều là đồng minh quân sự của Mỹ, Subic là căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ, trụ sở thứ hai của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương (trụ sở thứ nhất là Hawaii).
Mỹ ủng hộ chế độ độc tài Ferdinand Marcos, sau khi Ferdinand Marcos bị lật đổ cũng đã sang Mỹ lưu vong, Washington có mối quan hệ sâu sắc với gia tộc Marcos. Tuy nhiên đến thời kỳ Duterte, do phong cách cá nhân và tính chất dân túy hay thay đổi của Duterte, chính sách ngoại giao của Philippines bất ngờ chuyển sang thân Trung Quốc.
Khi Duterte thăm Trung Quốc vào năm 2016, ông đã công khai tuyên bố muốn "chia tay" với Mỹ. Lập trường thân Trung Quốc của Duterte cơ bản xuất phát từ góc độ kinh tế, tuy nhiên sau đó Trung Quốc không thực hiện nhiều cam kết, trong khi các hành động xâm chiếm các đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông lại không giảm. Điều này khiến cho Duterte chịu sự chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước. Ngược lại, Mỹ đã xác nhận rõ ràng hơn về Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines trong những năm gần đây. Năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào quân đội Philippines ở Biển Đông đều sẽ kích hoạt cơ chế phòng thủ theo Điều 4 có hiệu lực (2).
Trong khi đó, Trung Quốc của Tập Cận Bình không ngừng mở rộng triển khai quân sự ở Biển Đông trong nhiệm kỳ thứ hai, tăng cường ngoại giao "Chiến Lang", điều này khiến cho sức mạnh mềm của Trung Quốc trên trường quốc tế giảm sút. Do đó, thái độ cứng rắn của Duterte đối với Mỹ trong thời gian cuối nhiệm kỳ cũng giảm xuống. Tháng 3/2022, Duterte từng tuyên bố nếu khủng hoảng Ukraine lan sang Châu Á, Manila sẵn sàng cung cấp bất kỳ cơ sở quân sự nào mà Mỹ cần (3).
Hình chụp của Philippines ở Biển Tây Philippines hôm 21/2/2023 cho thấy tàu dân quân biển của Trung Quốc neo đậu tại một bãi thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. AFP
Trung Quốc không đáng tin cậy
Kinh nghiệm từ Duterte cho thấy Trung Quốc là một đối tác không đáng tin cậy. Và các dấu hiệu về một hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Philippines đã nhiều lần xuất hiện trong năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Duterte, năm cũng đánh dấu sự khởi đầu của quá trình "cài đặt lại" quan hệ Mỹ-Philippines.
Cho đến khi Marcos Jr. lên cầm quyền, Đông Nam Á ngày càng cảm nhận được sức ép chính trị và quân sự của Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, thái độ thân Mỹ truyền thống trong xã hội và phe quân sự Philippines phát huy tác dụng trở lại, nhân tố cấu trúc ngoại giao lấn át ý chí cá nhân của nhà lãnh đạo.
Khi Washington lo lắng tình hình eo biển Đài Loan trầm trọng hơn, Mỹ và Philippines đã đạt được thỏa thuận cho phép Mỹ có quyền sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự ở Philippines, điều này đồng nghĩa có tổng cộng chín căn cứ quân sự có thể cung cấp việc triển khai trang thiết bị, luân chuyển lực lượng cho quân đội Mỹ. Washington đặc biệt tin tưởng rằng căn cứ ở đảo Luzon có giá trị chiến lược to lớn, đặc biệt trong tình huống Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược Đài Loan.
Sau bước đột phá trong phòng thủ Mỹ-Philippines, trong chuyến thăm Nhật Bản của Marcos Jr., Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đồng ý tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh bằng cách tối ưu hóa các hoạt động như cứu trợ thiên tai, nhân đạo… của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (4). Đối với bước phát triển này, các nhà bình luận cho rằng một khi Đài Loan xảy ra vấn đề, những bảo đảm này có thể trở thành sự "nối dài" của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.
Báo cáo "Tình hình Đông Nam Á năm 2023" do Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) (5) có trụ sở tại Singapore công bố gần đây cho thấy, 87.5% người được khảo sát tin rằng xung đột eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Đông Nam Á, đồng thời gần 30% cho rằng các nước Đông Nam Á sẽ bị ép chọn bên. Nếu chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc, có 78,8% những người tham gia khảo sát của Philippines chọn Mỹ, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á. Ngoại trừ Brunei, Campuchia và Lào, các nước Đông Nam Á khác hầu như không tin tưởng Trung Quốc. Có 40% người tham gia khảo sát không tin tưởng Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để đe dọa lợi ích và chủ quyền của các nước Đông Nam Á.
Kinh nghiệm cho Việt Nam tham khảo
Câu chuyện của Philippines trong mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ - Trung sẽ rất đáng kể để Việt Nam tham khảo. Sau chuyến đi thăm Trung Quốc của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối năm ngoái, dường như Việt Nam đang "dịu giọng" khi nói về Trung Quốc. Ngày 17/2 vừa qua là ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc, báo chí truyền thông trong nước gần như im bặt trước sự kiện này, mặc dù mấy năm trước đưa tin, viết bài khá rầm rộ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam đang cố gắng cân bằng quan hệ với hai cường quốc lớn nhất thế giới này, thế nhưng đó lại là sự "cân bằng lệch" khi các ưu tiên quan hệ của Việt Nam đều nghiêng về phía người láng giềng phương Bắc mà lơ đi các quan hệ với Hoa Kỳ. Thậm chí chuyến viếng thăm của tàu sân bay Mỹ vào Đà Nẵng đã bị hoãn vào năm ngoái và chưa biết khi nào mới có thể quay trở lại thăm viếng Việt Nam.
Có lẽ, Việt Nam vẫn đang cố gắng tìm kiếm các lợi ích thương mại từ thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, kinh nghiệm từ Duterte cho thấy, Trung Quốc là một đối tác không dễ chơi. Nước này đã không mở cửa cho khách du lịch nước họ sang thị trường Việt Nam (6). Mới đây, báo Chính phủ của Việt Nam cũng "khẩn thiết" đề nghị Trung Quốc mở cửa cho trái dừa tươi Việt Nam (7).
Việt Nam cần phát triển quan hệ với Trung Quốc, đó là điều không thể chối cãi, nhưng Việt Nam cũng cần phát triển quan hệ với các cường quốc khác như Hoa Kỳ. Thị trường Hoa Kỳ là nơi Việt Nam đã xuất khẩu trên 100 tỷ USD năm 2022. Nhưng dường như Việt Nam quá e ngại Trung Quốc nên không dám thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ. Đây thật sự là điều không bình thường trong quan hệ quốc tế.
Nguyễn Trần Nguyên Vi
Nguồn : RFA, 23/02/2023
Tham khảo :
1. https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3285566/philippines-us-announce-four-new-edca-sites/
2. https://www.reuters.com/article/us-philippines-usa-idUSKCN1QI3NM
3. https://mb.com.ph/2022/03/21/duterte-explains-allowing-us-to-use-ph-bases-amid-ukraine-conflict/
4. https://www.japantimes.co.jp/news/2023/02/09/national/kishida-marcos-agreements/
5. https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/state-of-southeast-asia-survey/the-state-of-southeast-asia-2023-survey-report-2/
6. https://vneconomy.vn/kien-nghi-trung-quoc-som-mo-cua-cho-khach-du- RFA, lich-toi-viet-nam.htm
7. https://baochinhphu.vn/de-nghi-trung-quoc-mo-cua-voi-trai-dua-tuoi-viet-nam-102230222151133328.htm
Tàu cá Trung Quốc áp sát nhiều đảo do Philippines kiểm soát ở Trường Sa (RFI, 17/04/2019)
Báo Inquirer, ngày 17/04/2019 dựa trên những hình ảnh chụp từ vệ tinh của tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), cho biết, nhiều tàu của Trung Quốc, được cho là thuộc lực lượng dân quân biển, đã nhiều lần hoạt động trong tháng 03 và 04/2019 ngay sát đảo lớn Loại Ta (Kota/Loaita) và đá An Nhơn (thuộc cụm Loại Ta) hiện do Philippines kiểm soát, thuộc quần đảo Trường Sa.
Một tàu cá mang cờ Trung Quốc được tàu tuần duyên Trung Quốc đi bảo vệ, gần bãi đá Scarborough đang có tranh chấp, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 05/04/2017 Reuters/Erik De Castro/File Photo
Nằm trong quần đảo Trường Sa, đá An Nhơn (Philippines gọi là Panata) và đảo Loại Ta (Kota/Loaita) là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc, nhưng hiện do Philippines kiểm soát.
Theo tổ chức AMTI, "các hình ảnh vệ tinh được thu thập vào các ngày 12, 16 và 29/03, tiếp theo là ngày 07/04 đã khẳng định sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực này. Trong hầu hết các trường hợp, các tàu đang neo đậu, nhiều tàu tập hợp thành cụm lớn, nhưng không có dụng cụ đánh bắt thả trong nước".
Thậm chí, vẫn theo hình ảnh của AMTI, một số tàu Trung Quốc chỉ cách đá An Nhơn (Panata) khoảng nửa hải lý. Một hình ảnh khác cho thấy một tàu cá Trung Quốc dài 50 mét hoạt động ngay sát đảo Loại Ta (Kota) vào ngày 12/03, đến bốn ngày sau thì có đến 8 tàu. Ngày 29/03, có ít nhất 15 tàu cá lớn của Trung Quốc và 8 tàu nhỏ hơn hoạt động trong khu vực trên, trong đó một số tàu chỉ nằm cách đảo Loại Ta khoảng 2 đến 2,5 hải lý. Đến ngày 07/04, AMTI quan sát thấy sáu tàu lớn và hai tầu nhỏ hơn hoạt động trong quanh đảo Loại Ta và đá An Nhơn.
Thông tin tàu cá Trung Quốc xuất hiện trong khu vực do Phillipines kiểm soát được phó đô đốc Rene Medina xác nhận ngày 16/04, đồng thời khẳng định "những con tàu đó di chuyển từ vị trí này qua vị trí khác". Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, Salvador Panelo, cho biết Manila có thể sẽ phản đối nếu những thông tin trên là chính xác.
Thu Hằng
*****************
2018 : Phi cơ Nhật xuất kích 999 lần, chủ yếu đối phó với Trung Quốc (RFI, 15/04/2019)
Không quân Nhật Bản đã phải xuất kích cả ngàn lần trong năm 2018 để sẵn sàng ngăn chặn, không cho máy bay nước ngoài xâm nhập không phận Nhật Bản.
Ảnh minh họa : Một chiếc máy bay thuộc Cục Hải Dương Trung Quốc bay sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Reuters
Trong bản báo cáo mới nhất được hãng truyền thông Nhật NHK công bố hôm 12/04/2019, Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác định rõ hai đối tượng ngăn chặn chính : Trung Quốc và Nga.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong năm tài chính 2018 kết thúc vào tháng 03/2019 vừa qua, chiến đấu cơ Nhật Bản đã phải bay lên 999 lần để chặn máy bay ngoại quốc tiến vào không phận - hay chính xác hơn là vào vùng nhận dạng phòng không ADIZ - của Nhật Bản.
Tính ra, đây là số vụ xuất kích cao thứ hai trong lịch sử, chỉ thua kỷ lục gần 1.200 vụ của năm 2016.
Về quốc tịch các máy bay mà không lực Nhật Bản phải ngăn chặn, Trung Quốc đứng đầu với 638 vụ, chiếm 64% số lần xuất kích. Đứng thứ hai là Nga, mà phi cơ đã buộc không lực Nhật Bản bay lên nghênh chiến 343 lần, tức là 34% tổng số.
Trong một bài nghiên cứu được trang mạng The Interpreter của Viện Nghiên Cứu Lowy tại Úc công bố hôm 03/04 vừa qua, chuyên gia Peter Layton đã ghi nhận một khác biệt lớn giữa Trung Quốc và Nga : Phần lớn máy bay Trung Quốc bị ngăn chặn là chiến đấu cơ, trong khi phi cơ Nga chủ yếu là các loại máy bay thu thập thông tin tình báo.
Một trong những vùng bị Bắc Kinh thường xuyên đe dọa là khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Một khu vực thứ hai mà Trung Quốc quan tâm là vùng eo biển Miyako, cửa ngõ đi ngang qua quần đảo Nhật Bản thường xuyên được Không Quân Trung Quốc sử dụng để đi ra Thái Bình Dương.
Một vài ví dụ gần đây : Ngày 30/03, Nhật Bản đã phải cho chiến đấu cơ bay lên giám sát một phi đội gồm 8 chiếc máy bay Trung Quốc, trong đó có 4 oanh tạc cơ chiến lược H-6K bay qua khu vực nằm giữa đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản.
Trước đó, ngày 20/03, Nhật Bản phải tung chiến đấu cơ bay lên ngăn chặn một phi cơ tác chiến điện tử Y-9JB của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Trọng Nghĩa
*************
Thấy gì qua việc Việt Nam 'lặng lẽ' xây dựng ở Trường Sa ? (BBC, 13/04/2019)
Việt Nam được cho là đang 'lặng lẽ' và 'chậm rãi' xây dựng quanh và trong quần đảo Trường Sa. Động thái này nói lên điều gì ?
Một số công trình xây dựng của Việt Nam trên đảo Nam Tử
"Tôi cho rằng cần đặt việc này trong đúng bối cảnh. Đó là việc Việt Nam, thực ra, đã sở hữu một số thực thể ở Trường Sa từ trước năm 2002, thời điểm Trung Quốc và ASEAN kí kết Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC)", Giáo sư Carl Thayer nói với BBC Tiếng Việt hôm 11/4.
'Cuộc chơi công bằng'
"Theo DOC, các bên tham gia cam kết không tiến hành chiếm bất cứ các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ, v.v... nào ở Biển Đông", Giáo sư Carl Thayer nói với BBC từ Australia.
"Trường hợp Việt Nam, nước cũng tham gia DOC, thực tế đã tiến hành việc chiếm hữu một số thực thể ở đây trước năm 2002".
Bài viết của Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) hôm 8/4 cho hay Việt Nam đã chiếm hữu 49 tiền đồn trải rộng trên 27 vị trí quanh quần đảo Trường Sa và đang tiếp tục nâng cấp các công trình ở đây.
Giáo sư Carl Thayer nhận định :
"Việc AMTI mới đây đưa ra báo cáo công khai về tình hình xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa có thể khiến nhiều người nhảy dựng lên rằng "các nước khác cũng đang làm y như Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, ảnh vệ tinh cho thấy các khu vực mà Trung Quốc đang quân sự hóa trên Biển Đông chiếm đa số diện tích. Trong khi một phần rất nhỏ còn lại là của các nước khác".
"Tôi cho rằng báo cáo AMTI thực ra muốn đưa ra cái nhìn công bằng hơn về tình hình ở Biển Đông, với một bên là đối trọng Trung Quốc. Cụ thể hơn, việc xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa - như mô tả trong báo cáo - là bình thường, với các công trình rất nhỏ và khiêm tốn. Không thể nào so sánh được với quy mô xây dựng của Trung Quốc".
"Báo cáo của AMTI nói rằng Việt Nam đang hoàn thiện đường băng dài 1.300m, và cho lắp đặt radar cho phép Việt Nam có thể thu phát các tín hiệu liên lạc từ các tàu, thuyền của Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là một cuộc chơi công bằng".
"Tôi không cho rằng có nước nào sẽ phật lòng về động thái này của Việt Nam. Việt Nam đã ở đó từ trước 2002. Thực tế là Việt Nam đã hiện diện tại một số vị trí ở Biển Đông từ trước Giải phóng Miền Nam, và đã có lịch sử đánh bắt, khai thác cá tại ngư trường này".
"Việt Nam đã đưa người tới các khu vực đó sinh sống, lập gia đình, sinh con cái, mở trường học. Và không có vấn đề gì từ đó tới nay. Việt Nam chưa thực hiện hành động nào đe dọa an ninh khu vực".
"Mà giả như những việc Việt Nam đang làm được cho là gây nguy cơ cho an ninh khu vực, thì thử nói xem những cái mà Trung Quốc đang tiến hành là gì ?"
Luật sư Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về Biển Đông từ TP Hồ Chí Minh thì cho rằng việc xây dựng ở Trường Sa như Việt Nam đang tiến hành "không làm thay đổi tính chất pháp lý cho các yêu sách về chủ quyền của Việt Nam".
"Vụ Philippines kiện Trung Quốc mà Toà Trọng tài ra phán quyết năm 2016 khẳng định điều này. Theo đó, mọi hành động nhằm thay đổi tính chất pháp lý của các thực thể trên Biển Đông sau thời điểm tranh chấp sẽ không được các toà quốc tế chấp nhận. Ngoài ra, việc bồi lấp các thực thể cũng không biến nó thành "đảo" nếu nó là đá hoặc bãi lúc chìm lúc nổi được".
"Lần này chưa thấy Trung Quốc lên tiếng. Tuy vậy, họ cũng đã có động thái khi thông báo giàn khoan Đông Phương 13-2 sẽ xuất hiện ở khu vực Vịnh Bắc Bộ".
"Trong khi với mức độ xây dựng nhỏ, chủ yếu với mục đích tăng cường khả năng phòng vệ và cứu hộ, Việt Nam không làm cho các quốc gia khác lo ngại như với mức độ quân sự hóa của Trung Quốc".
'Quy mô khiêm tốn'
Một hoạt động của hải quân tại Trường Sa (Ảnh minh họa)
Báo cáo của AMTI mô tả khá chi tiết các bước xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam từ năm 2015 tới nay. Báo cáo này cũng cho hay quy mô và cách thức mà Việt Nam tiến hành rất 'từ từ' và 'khiêm tốn'.
Hầu hết các khu vực mà Việt Nam cho tiến hành xây dựng không nằm trực tiếp trên các đảo nhỏ tự nhiên như Trường Sa và Phan Vinh, mà ở các rạng đá thấp hơn mực thủy triều và ở các bãi ngập nước, theo bài báo trên AMTI.
Các động thái này cho thấy Việt Nam không cố gắng tham gia vào việc quân sự hóa quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa như Trung Quốc ; ví dụ như không có dấu hiệu xây dựng các cơ sở để chứa máy bay tấn công, theo phân tích của AMTI.
Các cơ sở mà Việt Nam xây dựng ở đây dường như chỉ hướng tới mở rộng khả năng giám sát và tuần tra vùng biển bị tranh chấp, cải thiện điều kiện sống và đảm bảo có thể tiếp tế bằng đường hàng không nếu cần thiết.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á của Đai học New South Wales, Úc, nói với BBC rằng các bước đi của Việt Nam 'không gây lo ngại cho bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc'.
"Trung Quốc biết Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Trường Sa nhưng tới nay vẫn im lặng, không phản ứng quyết liệt như họ mới đây đã làm với việc xây dựng của Philippines trên đảo Thị Tứ".
'Khẳng định chủ quyền'
Dù chỉ xây dựng lặng lẽ và với quy mô nhỏ như vậy suốt nhiều năm tại Trường Sa và một số đảo khác tại Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc làm này cần thiết để Việt Nam khẳng định chủ quyền và sự hiện diện của mình ở Biển Đông.
"Hiện Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông và điều quan trọng là các nước chọn cách thức phản ứng như thế nào".
"Chúng ta có thể hợp tác nhưng không có nghĩa là không có cách để lên tiếng mạnh mẽ về chủ quyền của mình. Và Việt Nam đang đi con đường đúng đắn", Giáo sư Carl Thayer nói.
"So sánh với những gì đã xảy ra với Philippines thì tôi cho rằng Việt Nam đã chọn con đường phù hợp hơn. Nếu như Việt Nam im lặng trước mọi hành động bắt nạt của Trung Quốc thì cái mà Việt Nam nhận được sẽ là gì ? Trung Quốc sẽ lại tiếp tục bao vây, xua đuổi, tấn công tàu cá, tịch thu lưới đánh cá... Và Việt Nam đã chọn cách củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực này.... Hoàn toàn trái ngược với cách Tổng thống Philippines từng chọn là 'khom lưng cúi gối' mà làm bạn với Trung Quốc", ông Carl Thayer nói.
Theo AMTI, Việt Nam, cùng một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đều cố chứng minh sự hiện diện của mình ở khu vực này.
Philippines đã treo cờ trên nóc một tòa nhà của nó tại đảo Loại Ta (Loaita Cay), 'cạnh tranh' với cờ Việt Nam treo ở Trường Sa và cờ Trung Quốc treo ở đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.
Thậm chí Trung Quốc chưa dừng lại ở đó, mới đây đã khuyếch trương tín hiệu về chủ quyền bằng cách treo cả cờ của nước Cồng hòa Nhân dân Trung Hoa và của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đảo Tri Tôn. Dưới các lá cờ là dòng chữ Đại lục mãi trường tồn và Vinh quang của đảng tỏa sáng đời đời.
Việt Nam đã xây gì ở Trường Sa ?
Ở phía Đông Bắc của đảo Trường Sa, Việt Nam xây dựng hai cơ sở thông tin liên lạc, truyền tín hiệu ; và xây một cụm các tòa nhà trên khu đất mới bồi đắp, dọc theo bến cảng nhân tạo ; xây một khu thể thao gần tòa nhà hành chính trên đảo. Nhiều tòa nhà được lắp các tấm pin mặt trời, theo AMTI.
Để bảo vệ toàn bộ vùng đất mới được hình thành này khỏi nước dâng khi có bão, Việt Nam đã đào một loạt các kênh thoát nước phức tạp dọc theo rìa đảo.
Ở phía Tây Nam các rạn đá và đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam đã xây dựng 14 tiền đồn trong khu vực này, nơi được gọi là các trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghệ.
Dưới đây là hành trình xây dựng của Việt Nam quanh quần đảo Trường Sa :
Trước 2014 : Việt Nam bồi đắp thêm 6 mẫu đất trên rạn Phan Vinh (Pearson Reef).
2015- 2016 : Mở rộng đường băng ở đảo Trường Sa từ 750m ban đầu lên đến 1.300m, và xây một bến cảng.
Tổng cộng, Việt Nam đã tạo thêm khoảng 40 mẫu đất tại đảo Trường Sa thông qua nạo vét một phần rạn san hô bao quanh đảo rồi san lấp bằng cát.
Quá trình này được cho là tốn nhiều thời gian hơn và ít gây hại cho môi trường hơn so với các phương pháp nạo vét và san lấp quy mô công nghiệp của Trung Quốc tại Trường Sa, nhưng vẫn là phá hủy rạn san hô có chủ ý, AMTI cho hay.
Từ 2016 : Tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất trên rạn Phan Vinh, bao gồm xây dựng sân bay trực thăng, lắp các tấm pin mặt trời và trồng thảm thực vật trên các khu đất mới.
Từ giữa 2017 : Việt Nam cho lắp một radar lớn trên đỉnh một tòa nhà ở phía tây của rạn Phan Vinh, cho thấy sự cải thiện về tín hiệu hoặc khả năng liên lạc. Việc trồng cây xanh trên các khu vực bãi đất mới, có lẽ để tránh xói mòn, cũng đã hoàn tất.
Việt Nam cũng tiến hành mở rộng Đá Nam và Đá Núi Thị (Petley và South Reefs).
Việt Nam còn xây thêm các trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghiệp ở Bãi Phúc Tần (Prince of Wales) và Bãi cạn Quế Đường (Grainger Banks) và một sân bay trực thăng lớn.
Cũng trong năm này, Việt Nam hoàn thiện đường băng và bốn nhà chứa máy bay ; Các máy bay này nhiều khả năng là máy bay giám sát hàng hải PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295, theo AMTI.
Mỹ Hằng
*****************
Trường Sa : Manila nhắc lại phán quyết Biển Đông để phản bác Bắc Kinh (RFI, 13/04/2019)
Khẩu chiến lại bùng lên giữa Manila và Bắc Kinh về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Sau khi bộ Ngoại Giao Trung Quốc tái khẳng định rằng quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc, phủ tổng thống Philippines, tối 12/04/2019, đã phản bác lập luận của Bắc Kinh và nhắc nhở rằng Philippines đã thắng trong vụ kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực vào năm 2016.
Thiết xa lội nước của Mỹ đổ bộ lên Philippines trong khuôn khổ cuộc tập trận Balikatan 2019. Ảnh ngày 11/04/2019. Reuters
Theo báo chí Philippines, trong một thông cáo, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng Manila hoàn toàn đồng ý với Bắc Kinh rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán và đối thoại hòa bình, tuy nhiên chủ quyền của Philippines trên quần đảo Trường Sa là điều đã được biết rõ.
Bản thông báo nhắc lại : "Phán quyết (về Biển Đông) đã được đưa ra và chúng ta vẫn kiên định duy trì các tuyên bố chủ quyền của mình đối với lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế, không chỉ căn cứ vào phán quyết của Tòa Trọng Tài dựa trên các nguyên tắc được chấp nhận của luật quốc tế, mà còn tuân thủ Hiến Pháp và nguyện vọng của người dân Philippines".
Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines đồng thời cho rằng Trung Quốc nên chấm dứt các hành vi có nguy cơ phá hoại hòa bình ở các vùng biển tranh chấp.
Lời nhắc nhở Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực đã nối tiếp theo những chỉ trích gay gắt hơn gần đây của Manila nhắm vào việc Trung Quốc cho cả trăm tàu cá – bị nghi là thuộc lực lượng dân quân biển - đến thị uy ở sát đảo Thị Tứ dưới quyền kiểm soát của Philippines tại Trường Sa.
Đúng vào lúc phủ tổng thống Philippines nhắc nhở Trung Quốc về phán quyết Biển Đông, Quân Đội Philippines và Hoa Kỳ kết thúc cuộc tập trận thường niên Balikatan, mở ra từ ngày 01 đến ngày 12/04.
Đây là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ phái tàu đổ bộ cỡ lớn là chiếc USS Wasp, mang theo cả chục chiến đấu cơ tàng hình hiện đại loại F-35B Lightning II đến tham gia tập trận.
Ý định thị uy của Mỹ được thể hiện rõ khi tàu đổ bộ Mỹ đến diễn tập gần bãi cạn chiến lược Scaborough đang tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh, điều đã được báo chí Philippines ghi nhận, trong lúc Hoa Kỳ không xác nhận mà cũng không phủ nhận.
Phát biểu hôm qua trong cuộc họp báo bế mạc cuộc tập trận chung Balikatan, chỉ huy Lực Lượng Viễn Chinh 3 của Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật Bản Eric Smith đã khẳng định trở lại rằng phi cơ và chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp cho phép.
Tuyên bố trên đưa đưa ra một ngày sau khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố rằng sự hiện diện của Mỹ và những lực lượng bên ngoài không có liên quan đến khu vực đang khuấy động tình hình ở Biển Đông, nói đến sự kiện tàu đổ bộ Mỹ USS Wasp và chiến đấu cơ tàng hình F-35B phối hợp với tàu Philippines tập trận gần bãi cạn Scarborough.
Trọng Nghĩa
*********************
Yêu sách Biển Đông của Trung Quốc : Lời cảnh cáo cho Châu Âu (RFI, 12/04/2019)
Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc lôi kéo các nước chủ chốt của Liên Hiệp Châu Âu vào dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, đặc biệt là việc thâu tóm các hải cảng chiến lược đã thu hút thêm sự chú ý của giới quan sát, đặc biệt là sau thành công của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Ý vào tháng 03/2019.
Ảnh minh họa : Tổng thống Ý Sergio Mattarella (P) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại dinh Quirinal, Roma, ngày 22/03/2019. Alessandro Di Meo / Pool via Reuters
Trong bài ý kiến đăng trên nhật báo Anh Financial Times ngày 08/04/2019, một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã không ngần ngại nêu bật cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông để nhắc nhở Châu Âu phải thận trọng với Bắc Kinh.
Trong bài viết mang tựa đề "Yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông là một lời cảnh cáo cho Châu Âu - China’s claims on the South China Sea are a warning to Europe", chuyên gia Yasunori Nakayama, quyền tổng giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc tế Nhật Bản đã lưu ý, "các mưu toan dùng võ lực để thay đổi nguyên trạng là mối đe dọa cho nhà nước pháp quyền, (và) các yêu sách chủ quyền "lịch sử" của Bắc Kinh trên những vùng biển rộng lớn đã đi ngược lại Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS".
Trung Quốc đang thực hiện tham vọng làm bá chủ trên biển
Nhận định đầu tiên của Nakayama là những cố gắng lôi kéo các nước Châu Âu vào "Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ" của Trung Quốc, và những gì mà Bắc Kinh đã và đang làm ở Biển Đông đều cùng chung một mục tiêu : Biến Trung Quốc thành một siêu cường quốc trên biển.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm chính thức nước Ý vào tháng 3/2019 đã bỏ được vào túi nhiều thỏa thuận liên quan đến những hải cảng của Ý, bảo đảm cho Trung Quốc một cửa ngõ hàng hải và xuyên lục địa quan trọng vào Châu Âu. Trong lúc đó thì tại Châu Á, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến pháp lý để củng cố đòi hỏi chủ quyền quá đáng trên những vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, một trong những con đường hàng hải tấp nập nhất thế giới.
Đầu tư mới nhất của Trung Quốc vào cảng Trieste của Ý, ở phía bắc biển Adriatic, và vào Genova, hải cảng lớn nhất của Ý, đã mở rộng thêm mạng lưới ngày càng lớn các hải cảng và tuyến giao thương hàng hải do tập đoàn vận tải biển khổng lồ Cosco của Trung Quốc Cosco kiểm soát. Trước đó, cảng Piraeus của Hy Lạp, một quốc gia Liên Hiệp Châu Âu khác, đã rơi vào tay Trung Quốc.
Ngay sát Châu Âu, tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng hai hải cảng khác, và cũng đã mở căn cứ hải quân hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, vùng Sừng Châu Phi, một nơi nằm ở vị trí chiến lược trên các tuyến giao thương hàng hải Á – Âu.
Cách làm của Trung Quốc, theo chuyên gia Nakayama, rất khôn khéo : Một vài thỏa thuận ở đây, một vài thỏa thuận khác ở kia, và thường kín đáo, không có quy mô quan trọng nên không thu hút sự chú ý. Thế nhưng, một khi kết nối lại các điểm mà Bắc Kinh thâu tóm, người ta sẽ thấy hiện lên toàn cảnh rộng lớn hơn.
Đối với ông Nakayama, trong trường hợp của Trung Quốc, tham vọng trở thành một siêu cường hải quân toàn cầu của họ sẽ có những tác động chính trị, an ninh quan trọng đối với Mỹ và Châu Âu.
Cách Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông là bài học cho Châu Âu
Theo chuyên gia Nhật Bản, việc Trung Quốc dần dần bành trướng sự hiện diện ở Biển Đông có thể mang lại một bài học cảnh tỉnh cho Châu Âu.
Trong hàng thập niên, ở vùng Biển Đông đã tồn tại những đòi hỏi chủ quyền chồng lấn trên các đảo đá, rạn san hô và bãi ngầm giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc đòi chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, nơi có hơn 200 thực thể địa dư, mỏ dầu khí lớn, lập luận rằng họ có quyền lịch sử trên vùng này.
Điều đáng nói, theo chuyên gia Nakayama, là Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng các quyền lịch sử của họ nằm bên trên các quyền mà các láng giềng ven Biển Đông khác được hưởng theo Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) đã phán quyết rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc sử dụng để khẳng định yêu sách của họ tại Biển Đông đã đi ngược lại UNCLOS. Tuy nhiên, điều đó không hề làm suy suyển tham vọng của Bắc Kinh.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông, bất chấp việc các thực thể đó còn đang trong vòng tranh chấp. Trung Quốc đã triển khai trên đó các tên lửa phòng không tiên tiến và xây dựng các sân bay có thể dùng cho oanh tạc cơ.
Và kể từ đầu năm cho đến đầu tháng 4 này, khoảng 200 tàu Trung Quốc, được cho là thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, đã được thấy gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa (hiện do Philippines chiếm đóng, nhưng bị cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đòi chủ quyền), hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng.
Coi chừng mưu toan kẻ đường cơ sở thẳng
Theo chuyên gia Nakayama, cần phải hết sức chú ý đến thói quen của Trung Quốc là tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo.
Vào năm 1996, Bắc Kinh đã tuyên bố áp dụng các đường cơ sở thẳng quanh các đảo vòng ngoài thuộc quần đảo Hoàng Sa. Họ vẫn tiếp tục đòi hỏi quyền này, bất chấp phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, theo đó Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo nên không được hưởng đặc quyền mà nước này yêu sách.
Cho dù vậy, công trình mang tựa đề "Phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông : Một nghiên cứu phê phán", do Hội Luật Quốc Tế của Trung Quốc xuất bản gần đây, còn đi xa hơn các yêu sách hiện hữu bằng cách cho rằng "chế độ (quyền) của các quốc gia lục địa có quần đảo ở xa không được giải quyết trong UNCLOS".
Dựa trên quan điểm đó, bản nghiên cứu của Trung Quốc tìm cách cho rằng "thông luật" của luật quốc tế cho phép các quốc gia lục địa vẽ ra và tuyên bố những đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo của họ.
Nói cách khác, theo lập luận trên, luật tập quán kiểu Trung Quốc được coi là có giá trị hơn luật quốc tế ghi trong UNCLOS
Tự do hàng hải tại Biển Đông bị Trung Quốc đe dọa
Đối với ông Nakayama, cách lập luận trên có tác động đáng kể trong trường hợp quần đảo Trường Sa.
Nếu Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng quanh quần đảo Trường Sa, một vùng rộng lớn của Biển Đông có nguy cơ trở thành vùng nội thủy của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ có thể hạn chế quyền đi lại của các tàu thuyền nước ngoài.
Một phần ba lương hàng vận chuyển trên biển của thế giới đi qua Biển Đông, do đó, việc hạn chế quyền tự do đi lại sẽ tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu… Điều này đã thu hút sự chú ý của chính quyền Donald Trump. Hải Quân Mỹ đã tăng cường chiến dịch tuần tra vì tự do hoạt động hàng hải trong khu vực, thách thức các yêu sách trên biển của Trung Quốc.
Anh Quốc cũng cho thấy là sẵn sàng dấn thân bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngày 11/02 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson cho biết sẽ triển khai tàu sân bay mới của nước này – chiếc HMS Queen Elizabeth - đến Biển Đông.
Làm sao tin được các lời hứa của Trung Quốc
Bắc Kinh tiếp tục khẳng định rằng họ tuân thủ UNCLOS và tôn trọng luật biển. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nakayama, có rất nhiều lý do để nghi ngờ.
Tại một hội nghị ở Kyoto vào tháng 3 vừa qua, Paul Reichler, trưởng đoàn luật sư của Philippines trong vụ kiện Biển Đông, đã lưu ý rằng từ góc nhìn của Nhật Bản, một quan điểm mà ông chia sẻ, "Trung Quốc đã có một số diễn giải các quy định của UNCLOS một cách gần như không hợp lý nhưng cực kỳ có lợi cho họ".
Ông Nakayama cho rằng các quy tắc và cơ cấu, vốn đã được thiết lập, của hệ thống hàng hải quốc tế đang ngày càng bị đe dọa.
Tại một hội nghị chuyên đề ở Luân Đôn tháng 2 vừa qua, giáo sư Atsuko Kanehara thuộc Đại Học Sophia, Tokyo, đã lưu ý rằng cách áp dụng luật quốc tế về quyền lịch sử sẽ rất quan trọng trong việc duy trì giá trị của UNCLOS. Việc Trung Quốc đòi áp dụng các quyền dựa trên một phạm vi rộng của thông luật quốc tế có nguy cơ phá hoại nghiêm trọng trật tự pháp lý hàng hải quốc tế.
Nhà nghiên cứu Nhật Bản kết luận : Vào lúc chúng ta tìm cách chống lại mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, việc duy trì sự tôn trọng luật pháp trong các vấn đề hàng hải là bước thiết yếu đầu tiên.
Mai Vân
Nếu hiểu chiến tranh là để hủy diệt nhằm thôn tính đất đai, tài nguyên, thì xứ mình vẫn chiến tranh suốt mấy mươi năm quá đó chứ. Giặc là ai à ? Trung Quốc đó. Họ cướp tài nguyên dầu khí của Việt Nam ở biển Đông. Họ gieo rắc cái chết dần mòn trong dân chúng do ô nhiễm bởi công nghệ lạc hậu từ phương Bắc thi nhau trút vào Việt Nam. Và họ cũng từng dùng súng đạn để xâm lược Việt Nam...
Tàu cá Trung Quốc, Philippines căng thẳng gần đảo Thị Tứ ở Biển Đông 6/3/2019
Chiều ngày 5/3, nhiều bản tin trên báo chí Việt Nam bắt đầu nhuốm mùi thuốc súng, khi diễn tả lại một bản tin nước ngoài nói rằng lính Trung Quốc dưới màu áo dân sự là ngư dân, đã vây quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện do Philippines khai thác ngư trường. Phía Trung Quốc cấm mọi tàu cá của các quốc gia khác bén mảng ở đảo Thị Tứ.
Trong một diễn biến khác, báo chí Việt Nam cũng rút tít đầy mạnh mẽ "Đài Loan tuyên bố 'sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào'" trong bản tin được trích dẫn từ Reuters, mà bản tin gốc tiếng Anh vốn có tít rất hiền lành : "Rise in China's defense budget to outpace economic growth target".
"Trung Quốc đã liên tục tuyên bố rằng họ sẽ không từ bỏ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, do đó chúng tôi luôn phải thận trọng" - ông Tô Trinh Xương nhấn mạnh trong ngày 5/3 khi được hỏi về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.
"Chúng tôi không ngán chiến tranh và sẽ luôn sẵn sàng chiến đấu vào bất kỳ thời điểm nào" - hãng tin Reuters dẫn lời người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan khẳng định [*].
Ba năm về trước, trong bản tin phát hành nội bộ đầu tháng 1 năm 2016 của nhóm nghiên cứu thị trường chứng khoán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đưa ra cảnh báo với sự giảm tốc ngày càng rõ rệt của kinh tế Trung Quốc, quốc gia này có thể "xuất khẩu khủng hoảng" sang các nước khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam.
Ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ có 4 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt giá trị tiền tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất không phải là nông sản, mà là máy tính và sản phẩm điện tử (dĩ nhiên là gia công) với giá trị 2,6 tỷ USD, tiếp đến là xơ và sợi dệt với 1,4 tỷ USD.
Phía nhóm nghiên cứu của Vietcombank đã viết trong báo cáo của mình, khuyến cáo rằng cần theo dõi sát sao những rủi ro từ Trung Quốc. Tuy nhiên tính từ đó đến nay, dường như Trung Quốc đã ‘khống chế’ phần lớn các hoạt động kinh tế, bao gồm lãnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Chỉ cần mới đây họ cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam, lập tức giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long rớt thảm hại.
Trung tuần tháng 11 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 6 cảnh báo về chuyện làm ăn giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Có thể tóm tắt như sau :
Thứ nhất, Việt Nam vẫn chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Mức thâm hụt dù đã giảm trong thời gian gần đây, song đà giảm chưa có tính bền vững.
Thứ hai, những năm gần đây xuất hiện hiện tượng ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước câu kết với doanh nghiệp Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa Trung Quốc.
Thứ ba, thống kê thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc không đầy đủ, thiếu kịp thời và chi tiết. Hạn chế về thống kê đã hạn chế đáng kể khả năng đánh giá, điều chỉnh chính sách thương mại kịp thời của Việt Nam với Trung Quốc.
Thứ tư, phương thức thu mua của đối tác Trung Quốc có biến động đáng kể và đảo chiều tương đối nhanh tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến cung - cầu và khai thác bền vững một số mặt hàng và/hoặc tại một số địa phương.
Thứ năm, chất lượng các dự án FDI từ Trung Quốc chưa cao, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Thứ sáu, các dự án sử dụng ODA và vốn chính thức khác từ Trung Quốc chưa giúp cải thiện đáng kể năng lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các đối tác Việt Nam nói riêng.
Vốn vay ODA Trung Quốc tại Việt Nam thường có lãi suất 3%/năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản (0,4-1,2% tùy vào thời hạn vay) ; Hàn Quốc (0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu) hay Ấn Độ (1,75%/ năm). Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%. Đối với vay thương mại, dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) với mức đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ, phải vay vốn Trung Quốc với mức lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86%/năm.
Theo các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có ít nhất 5 vấn đề sau đây cần phải được các quan chức 'chóp bu' lưu ý để làm tốt trọng trách của mình :
Một, hãy quan tâm đến hiệu quả kinh tế thực sự của các dự án lớn ;
Hai, nên chú trọng vòng đời vận hành của các dự án, hơn là chăm chăm vào chi phí bỏ thầu thấp của Trung Quốc ;
Ba, tránh việc trở thành con nợ chung thân của Trung Quốc với các điều khoản vay nặng nề như lâu nay ;
Bốn, hãy vì tương lai giống nòi để chú trọng vấn đề môi trường ;
Năm, ‘giọt máu đào hơn ao nước lã’, hãy đảm bảo sinh kế của người dân tại những nơi có dự án Trung Quốc.
Tuy nhiên đến nay phía những nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc dường như vẫn thờ ơ các nội dung cảnh báo đó. Người ta chưa thấy báo chí đăng tải một phát biểu nào về mối nguy Bắc thuộc đang hiện diện tại Việt Nam từ các quan chức hàng VIP ấy.
Giả dụ thần Kim Quy là có thật, hôm nào đó vì ngộp thở quá do hồ Gươm ô nhiễm, Kim Quy trồi lên thoi thóp rồi nói rằng : "Giặc không còn sau lưng nữa, mà đang chung giường với bệ hạ đó !"…
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 07/03/2019
Chú thích :
Việt Nam 'giữ vững quan điểm' về 'Bộ tứ' Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ (VOA, 21/11/2018)
Giới quan sát cho rằng Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm về chính sách "ba không", sau khi Hà Nội lên tiếng phản đối liên minh quân sự ở khu vực, khi đề cập tới việc hình thành "Bộ tứ", còn gọi là "Quad", gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 20/11.
Tân Đại sứ Việt Nam ở Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu, mới đây trả lời báo chí địa phương rằng Việt Nam "không muốn bất kỳ liên minh quân sự nào vì nó không có lợi cho an ninh khu vực", nhưng "hoan nghênh bất kỳ sáng kiến nào đóng góp vào hòa bình khu vực".
Tân Đại sứ Việt Nam tại New Delhi, ông Phạm Sanh Châu và Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind.
Trả lời VOA tiếng Việt, ông David Brown, cựu quan chức ngoại giao Mỹ ở Sài Gòn, nói rằng phát biểu của đại sứ Châu "không cho thấy bất kỳ sự thay đổi nào của Việt Nam".
"Nhiều năm qua, một điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là muốn làm bạn với tất cả các nước, và vì thế, nước này sẽ không tham gia bất kỳ liên minh nào", nhà nghiên cứu về tình hình Việt Nam nói về quan điểm "ba không" của Việt Nam là "không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia".
Ông Brown nói thêm : "Nhưng nguyên tắc đó không cản trở Việt Nam tham gia sự hợp tác không chính thức với một số các nước, trong đó có tất cả bốn nước thành viên của Quad, bất cứ khi nào Hà Nội thấy cơ hội củng cố khả năng bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược".
Tin cho hay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2007 khởi xướng Đối thoại An ninh Bốn bên mà nhiều người hay gọi tắt là "Quad" giữa Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.
Trong khi có ý kiến cho rằng nhóm "Bộ tứ" này được hình thành nhằm kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Patrick Murphy, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ chuyên trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương mới được từ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng trích lời nói rằng liên minh này không phải là một cơ chế "tập trung vào quân sự" mà là một diễn đàn đa phương nhằm chia sẻ các giá trị và nền tảng chung giữa bốn nước.
Hiện chưa rõ ông Châu đưa ra nhận định trên trong cuộc phỏng vấn riêng với báo chí Ấn Độ hay tại cuộc họp báo chung ở New Delhi nhân chuyến thăm kéo dài hai ngày của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tới Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về cuộc họp báo của ông Châu tại Ấn Độ ngày 15/11, nhưng không đề cập tới nội dung về "Bộ tứ" Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh giữa hai nước, ông Châu được trích lời đánh giá rằng đó là "trụ cột quan trọng, hiệu quả của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện".
Trong chuyến thăm quốc gia Đông Nam Á kết thúc hôm 20/11, ông Ram Nath Kovind cũng được trích lời nói rằng Việt Nam là "trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ".
Trong khi đó, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tuyên bố của ông Châu rằng "quốc phòng, an ninh là một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước".
https://youtu.be/TIpFKk-Egz8
Viễn Đông
***************
Trung Quốc và Philippines đồng ý cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông (RFI, 21/11/2018)
Nhân chuyến công du Philippines của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kết thúc hôm nay, 21/11/2018, Bắc Kinh và Manila đã ký kết tổng cộng 29 thỏa thuận hợp tác trên mọi mặt, trong đó có một bản ghi nhớ về đồng khai thác dầu khí trên Biển Đông. Nội dung cụ thể của thỏa thuận này không được công bố, nhưng nhiều tiếng nói tại Philippines phản đối hành vi "phản quốc" của chính quyền Duterte.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Philippine Duterte nâng ly trong buổi dạ tiệc tại Dinh Tổng Thống, Manila, ngày 20/11/2018. Mark Cristino/Pool via Reuters
Theo báo chí Philippines, buổi lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác đã được tổ chức long trọng vào tối hôm qua, 20/11 tại Manila, dưới sự chứng kiến của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Văn kiện về đồng khai thác Biển Đông nằm trong số 29 thỏa thuận ký kết và trao đổi giữa ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị.
Tuy nhiên, theo nhật báo Philippine Star, thỏa thuận về đồng khai thác chỉ là một bản ghi nhớ (MOU), tức là một văn kiện có tầm quan trọng thấp hơn một thỏa thuận đích thực. Cho dù vậy, đến hôm nay, 21/11/2018, chính quyền Manila vẫn không công bố nội dung bản ghi nhớ này, chứng tỏ rằng đây là một vấn đề rất nhạy cảm.
Theo một nguồn tin thông thạo, văn kiện này chỉ bao gồm "các nguyên tắc căn bản", nhưng không chỉ rõ những khu vực ở Biển Đông mà hai bên dự định khai thác chung. Thế nhưng, riêng việc chính quyền Duterte chấp nhận bắt tay với Trung Quốc để tìm kiếm năng lượng ở các vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đã bị dư luận Philippines, đặc biệt là phe đối lập chính trị, lên án.
Theo nhật báo Anh Finacial Times, hai thượng nghị sĩ đối lập Antonio Trillanes IV và Francis Pangilinan đã kêu gọi ông Duterte không nên ký với Trung Quốc bất kỳ thỏa thuận nào "làm giảm các đặc quyền của Philippines", vì đó là điều vi phạm Hiến Pháp.
Còn Risa Hontiveros, một thượng nghị sĩ đối lập khác, thì nói thẳng là việc đồng khai thác Biển Đông với Trung Quốc là một điều "phi lý và phản quốc…, đảo ngược chiến thắng lịch sử của Philippines tại Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye và từ bỏ chủ quyền đất nước tại vùng Biển Tây Philippines (tên Philippines gọi Biển Đông)".
Cả hai nguyên thủ Tập Cận Bình và Duterte đều giảm mức độ quan trọng của vấn đề. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng "Trung Quốc và Philippines có rất nhiều lợi ích chung ở Biển Đông" và hai bên sẽ "tiếp tục quản lý các tranh chấp và thúc đẩy trên biển".
Ông Duterte thì nói về "sự tin tưởng sâu sắc hơn" giữa hai quốc gia, và cho biết là ông "hài lòng với động lực tích cực hiện nay trong quan hệ Philippines-Trung Quốc".
Phải nói là với chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, ông Duterte đã có thêm nhiều dấu hiệu chiều chuộng Bắc Kinh và xa rời Mỹ thêm nữa. Trong số các văn kiện hợp tác được ký hôm qua, có một thỏa thuận cho Trung Quốc xây dựng một khu công nghiệp tại Clark, căn cứ không quân trước đây của Mỹ ở Philippines.
Trọng Nghĩa
*********************
Philippines và Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông (RFA, 21/11/2018)
Hãng tin Bloomberg hôm 20/11 cho biết Trung Quốc và Philippines vừa ký thỏa thuận khung về tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) bắt tay tại buổi họp báo chung ở Manila hôm 20/11/2018 AFP
Lễ ký diễn ra tại Manila dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và được đưa tin trên truyền hình.
Phát biểu tại buổi hộp báo chung, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rwangf hai bên đã đồng ý nâng mối quan hệ hai nước thành hợp tác chiến lược toàn diện. Ông nói thêm là điều này đã gửi ra một thông điệp cho thế giới thấy là hai nước đang là đối tác và đang tìm kiếm sự phát triển chung.
Tuy nhiên, trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin nói với báo giới rằng thỏa thuận tìm kiếm dầu khí chung giữa hai nước không có tính ràng buộc về pháp lý và chỉ là một thỏa thuận khung cho những đàm phán sắp tới.
Trước đó, trong chuyến thăm tới Brunei hôm 19/11, Chủ tịch Tập Cận Bình và Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah cũng đã đồng ý sẽ thúc đẩy những hợp tác khai thác dầu khí ở khu vực Biển Đông.
Biển Đông là vùng nước tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng ở Châu Á bao gồm Việt nam. Trung Quốc từ lâu vẫn muốn hợp tác khai thác dầu khí chung với một số nước Châu Á đang có tranh chấp về chủ quyền trong khu vực. Tuy nhiên vẫn có những quan ngại về những hợp tác này. Philippines trước đây cũng từng ngừng hợp tác tìm kiếm dầu khí với Trung Quốc ở bãi Cỏ Rong sau khi đệ đơn lên Tòa Trọng Tài Quốc tế để làm rõ những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc cùng từng gây sức ép với các công ty nước ngoài và Việt Nam về những hoạt động tìm kiếm khai thác dầu khí ngoài khơi vì cho rằng những khu vực đó nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông. Trung Quốc gọi vùng nước trong đường đứt khúc 9 đoạn này là vùng nước lịch sử thuộc Trung Quốc. Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này trong một phán quyết vào năm 2016.
Tập cận Bình đến vỗ về "đồng minh mới" Philippines
Về thời sự Châu Á, nhật báo Le Figaro và Les Echos cùng chú ý đến mối quan hệ Bắc Kinh- Manila nhân chuyến thăm Philippines của Tập Cận Bình ngày 20/11. Chuyến đi đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc đến Manila nhằm vỗ về và lôi kéo Philippines vào vòng ảnh hưởng của mình.
Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Rodrigo Duterte bắt tay tại Dinh Tổng Thống, Manila, ngày 20/11/2018. Mark Cristino/Pool via Reuters
Qua bài viết ngắn có tựa đề : "Bắc Kinh muốn gia tăng chi phối ảnh hưởng đối với Philippines", Le Figaro khẳng định chuyến công du lần này của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân cơ hội quan hệ lạnh nhạt giữa Manila và Washington, nhằm tiếp tục xích gần hơn nữa với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trong bối cảnh cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington tại Châu Á đang tăng cường độ, chủ tịch Trung Quốc muốn thúc đẩy cho những bước tiến ngoại giao hai nước đạt được cách đây hai năm mang lại thành quả.
Tờ báo nhắc lại : "Không lâu sau khi lên nắm quyền, lãnh đạo Philippines Rodrigo Duterte đã thông báo "chia tay" với Hoa Kỳ, một đồng minh lịch sử vì nhận thấy đất nước ông không có lợi gì trong mối liên hệ với đồng minh truyền thống và thế là ông quay sang Trung Quốc để được hưởng lợi hơn từ cường quốc kinh tế này.
Trong quan hệ với Trung Quốc, tổng thống Duterte bị phe đối lập chỉ trích đã nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều, đặc biệt trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà thu lại chẳng được bao nhiêu.
Trong chuyến thăm đầu tiên đến Philippines, ông Tập Cận Bình đã cố gắng trấn an chủ nhà, khẳng định hai nước có nhiều lợi ích chung ở Biển Đông và sẽ tiếp tục "cùng xử lý các tranh chấp". Ông Tập còn ví von rằng quan hệ Philippines -Trung Quốc giờ như "cầu vồng sau cơn mưa", tức thời điểm xấu nhất hồi mùa hè 2016.
Thế nhưng, nhật báo Pháp ghi nhận : Trong số 24 tỷ đô la cho vay và đầu tư mà Bắc Kinh hứa hẹn hồi năm 2016, mới chỉ có một phần rất nhỏ được thực hiện.
Le Figaro nhận định : "Dù cần tiền của Trung Quốc, ông Rodrigo Duterte cũng phải cẩn thận không để quá lệ thuộc vào người khổng lồ cộng sản".
Trong khi đó Les Echos gọi chính sách của Trung Quốc với Philippines là ""ngoại giao ngân phiếu". Lần này tại Manila, Tập Cận Bình chứng kiến một loạt thỏa thuận được ký. Trong số 29 văn kiện ký giữa Trung Quốc và Philippines có hiệp định khung chuẩn bị cho việc cùng khai thác dầu khí trong vùng tranh chấp trên Biển Đông. Đây có thể coi là một thắng lợi chính trị của Trung Quốc. Ngoài ra là các hợp đồng đầu tư trị giá 2 tỷ đô la.
Khí hậu biến đổi : Hệ lụy với cuộc sống con người
Liên quan đến môi trường sinh thái, trở lại trang nhất của nhật báo Le Monde. Hồ sơ lớn của tờ báo lại là chủ đề biến đổi khí hậu.Tựa lớn của tờ báo : "Sự hỗn loạn khí hậu tác động thế nào đến cuộc sống của chúng ta".
Le Monde đề cập đến vấn đề thường trực của con người, đã được nói nhiều và dường như chưa bao giờ đủ, nhân một nghiên cứu có tên "Nature Climate Change", tập hợp kết quả của 3300 công trình khoa học về khí hậu đã được công bố từ 1980, để tổng hợp những rủi ro cho con người khi bầu khí hậu bị hủy hoại. Kết luận chủ yếu được rút ra từ nghiên cứu công bố hôm 19/11 là từ nay đến năm 2100, một nửa nhân loại sẽ bị đe dọa bởi các tai họa ồ ạt, đồng thời như hiệu ứng dây chuyền : Hạn hán, nạn đói, ngập lụt và di dân. Sức khỏe con người, lương thực, nước uống bị tác động dưới 467 hình thức khác nhau.
Tính chất tác động của các thảm họa thiên tai thay đổi tùy theo khả năng thích ứng của mỗi nước. Hiện tại các nước phát triển bị thiệt hai nhân mạng nhiều hơn các nước giàu. Nhưng những nước giàu lại bị tổn thất kinh tế nhiều hơn. Trong bài xã luận, Le Monde đặt câu hỏi : "Sẽ cần phải có bao nhiêu nghiên cứu như tài liệu Nature Climate Change và bao nhiêu thảm họa thiên tai hủy diệt nữa để ta ý thức được rằng cái giá phải trả cho việc không hành động gì sẽ còn đắt hơn cái giá cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ? Tuy nhiên giống như về thảm họa hạt nhân, đã đến lúc khẩn cấp ý thức rằng : Nhân loại là nguồn gốc của những cái có thể tàn phá chính loài người. Hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 24, khai mạc ngày 2/12 tới tại Katowice, Ba Lan, sẽ là một cơ hội để nắm lại vận mệnh của chúng ta và tránh điều không thể cứu vãn".
Tuổi thọ trung bình thế giới giảm vì ô nhiễm không khí
Vẫn là chủ đề môi trường, nhật báo Les Echos cho biết : "Ô nhiễm làm giảm 1,8 năm tuổi thọ trung bình của thế giới", tức là cao hơn cả những người hút thuốc lá. Đó là con số đưa ra trong một nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách năng lượng Đại học Chicago, Mỹ (EPIC) về tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới, được công bố hôm thứ Hai tuần này. Nghiên cứu trên đưa ra thống kê trên thế giới có tới 5,5 tỷ người hít thở không khí không đủ chuẩn quy định của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong số này, người Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 36%. Nghiên cứu đưa ra một giả thuyết, nếu không khí ở Ấn Độ đạt chuẩn thì người dân nước này có thể thọ thêm 4,3 tuổi và tuổi thọ trung bình của dân Ấn Độ sẽ là 73 tuổi.
Giám đốc của EPIC, Michael Greenstone nhận xét : "Mọi người có thể quyết định bỏ hút thuốc và phòng bệnh tật, nhưng họ không thể làm được gì nhiều với tư cách cá nhân để bảo vệ không khí mà họ hít vào".
Lãnh đạo Renault bị bắt và những thắc mắc
Chuyển qua tờ báo kinh tế Les Echos với chuyện thời sự đang được các báo pháp từ đầu tuần chú ý nhiều. Đó là vụ chủ tịch, tổng giám đốc của liên doanh xe hơi Pháp-Nhật Renault-Nissan Carlos Ghosn bị bắt tại Nhật vì các cáo buộc trốn thuế, tham ô…
Theo Les Echos, vụ bắt giữ đột ngột lãnh đạo tập đoàn chế tạo xe hơi số 1 nước Pháp đang gây không ít thắc mắc. Tại tổng hành dinh của tập đoàn, Paris cùng lúc chỉ định người tạm thay thế ông Ghosn, đồng thời đòi phải được tiếp cận hồ sơ cáo trạng của tư pháp Nhật. Trong khi đó tại Tokyo, các thông tin rò rỉ cho báo chí nói đến các khoản lạm chi cho cá nhân ông Ghosn từ tiền của liên doanh hay trốn thuế, thế nhưng nhiều người thắc mắc không hiểu động cơ nào dẫn đến hành động nghiêm khắc một các đặc biệt nhằm vào lãnh đạo hãng xe Pháp (Ông bị bắt khẩn cấp và tạm giam với thời hạn có thể kéo dài 22 ngày).
Nếu Viện Công Tố Nhật cáo buộc ông Ghosn đã khai bớt thu nhập cá nhân, nhưng tất cả các khoản chi trả cho ông đều công khai và các cơ quan chức năng có thể tiếp cận được. Vậy thì ông Ghosn giấu để được cái gì ?
Báo La Croix thì nghi ngờ : "Hẳn trong chuyện này có bóng dáng vụ thanh toán nhau. Một số người lo ngại, không phải là không có lý do, về cơ cấu phức tạp như vậy lại chỉ đặt trên một người. Có thể người phó do Carlos Ghosn chọn trong Nissan đã thấy ở đây cơ hội chiếm quyền".
Vụ việc này rất được dư luận Pháp quan tâm bởi không phải sự nghiệp cá nhân ông Carlos Ghosn bị hủy hại, mà số phận của tập đoàn công nghiệp hàng đầu nước Pháp, cùng hàng ngàn lao động người Pháp có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Đông trùng hạ thảo, thần dược Tây Tạng đắt hơn vàng
Phần cuối của mục điểm báo được dành cho bài viết trên Le Figaro : "Viagra" của Tây Tạng đang trên đà biến mất. Đó chính là "đông trùng hạ thảo", tên gốc là yartsa gumbu một sinh vật nửa sâu nửa nấm chỉ có trên cao nguyên Tây Tạng. Công hiệu kỳ diệu của sản phẩm, trông như một cành khô dài 10-15 cm, nhưng là một loài sâu "mọc" ra từ lòng đất trên thân một loài nấm, đã được biết đến từ hàng trăm năm qua trong y học cổ truyền của người Tây Tạng và Trung Hoa. Đông trùng hạ thảo có thể chữa bách bệnh, từ yếu sinh lý cho đến bệnh tim mạch hay điều trị ung thư, tăng cường sức khỏe…. Loài dược liệu quý hiếm này đang được các nhà khoa học quốc tế quan tâm nghiên cứu.
Tờ báo cho biết, tại thị trường Bắc Kinh, năm 2017 đông trùng hạ thảo có giá bán gấp 3 lần vàng (105 nghìn euro/kg). Đã quý, nhu cầu lại tăng không ngừng, vì thế từ 1997, giá của loại dược liệu này tăng 20% mỗi năm và hệ quả nó trở thành hiếm vì cạn kiệt dần do bị khai thác quá mức. Thêm vào đó hệ sinh thái của vùng đất này đang bị biến đổi cũng là mối đe dọa của loại thần dược quý hiếm này.
Anh Vũ
Trung Quốc, Philippines thảo luận các dự án chung ở Biển Đông (VOA, 21/03/2018)
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm thứ Tư 21/3 hoan nghênh "thời kỳ hoàng kim" mới trong các quan hệ với Trung Quốc, bất chấp những bất đồng về Biển Đông. Hai bên đang thảo luận khả năng tiến hành các dự án phát triển chung trong vùng biển tranh chấp.
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, Chito Romana, phát biểu tại một diễn đàn Biển Đông ngày 19/2/2018 tại Manila. (AP Photo/Bullit Marquez)
Ông Cayetano lên tiếng tại Bắc Kinh sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ông Vương cho hay hai nước sẽ thảo luận về các dự án "thăm dò dầu khí ngoài khơi".
"Qua cách này, những sự tranh chấp về chủ quyền biển sẽ không còn cản trở sự phát triển của các quan hệ song phương, mà thay vào đó Biển Nam Trung Hoa sẽ trở thành một nguồn để phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước".
Trung Quốc và Philippines từ lâu kèn cựa với nhau về chủ quyền các hòn đảo và rạn san hô trong Biển Đông và từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn theo đuổi một đường lối cứng rắn liên quan tới các vấn đề chủ quyền của Trung Quốc.
Bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ nhì hôm thứ Ba 20/3, ông Tập tuyên bố trong một bài diễn văn hùng hồn mang nặng tinh thần dân tộc tại cơ quan lập pháp chỉ có tính cách lễ nghi của Trung Quốc. Ông tuyên bố : "Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của nước này trên hầu hết Biển Đông, trong một vụ kiện do chính phủ tiền nhiệm tại Philippines khởi tố".
Tuy nhiên, đương kim Tổng thống nước này, Rodrigo Duterte, hối thúc việc siết chặt quan hệ với Bắc Kinh, giảm nhẹ tầm quan trọng của các cuộc tranh chấp về lãnh thổ, đồng thời yêu cầu viện trợ và cổ vũ cho đầu tư từ Trung Quốc.
Đánh đổi lại, Trung Quốc giảm áp lực đối với ngư dân Philippines, và đang làm việc với 10 nước thành viên ASEAN để đạt một bộ quy tắc ứng xử hầu tránh xung đột xảy ra trong một khu vực nơi qua lại của các thương thuyền vận chuyển hàng hóa trị giá ước tính lên tới 5 nghìn tỷ đôla hàng năm.
Ngoại trưởng Cayetano cho hay Tổng thống Duterte sẽ dự diễn đàn kinh tế khu vực Boao trên đảo Hải Nam vào tháng tới, ông nói thêm rằng Philippines cũng nóng lòng chào đón ông Tập chính thức tới thăm Philippines.
Ông Cayetano nói : "Mối quan hệ giữa hai nước chúng tôi đang ở trong thời kỳ vàng son, và đang lấy đà, chúng tôi giờ đã sẵn sàng để đối mặt với nhiều thách thức hơn".
Ngoại trưởng Cayetano bày tỏ tin tưởng rằng Bắc Kinh và Manila sẽ tìm ra "một khung pháp lý phù hợp" để giải quyết bất đồng liên quan tới Biển Đông.
******************
Philippines bàn các dự án phát triển chung với Trung Quốc (RFI, 21/03/2018)
Ngoại trưởng Philippines hôm nay, 21/03/2018, bắt đầu công du Trung Quốc trong bốn ngày. Mục tiêu chính là đàm phán về các dự án phát triển chung ở Biển Đông. Trong chính giới Philippines, nhiều người lo ngại chính phủ Duterte nhân nhượng với Bắc Kinh trong các đàm phán bí mật.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (phải) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 21/03/2018. Parker Song/Pool via Reuters
Theo AP, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) chiều hôm nay, 21/03/2018, và dự kiến gặp tân phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay phải của lãnh đạo Tập Cận Bình trong, ngày thứ Sáu, 23/03. Trước chuyến đi, trả lời báo giới, lãnh đạo ngoại giao Philippines cho biết các tranh chấp chủ quyền sẽ là vấn đề được thảo luận, và hai bên sẽ cố gắng tìm kiếm các khuôn khổ pháp lý cho phép "phối hợp khai thác, thậm chí trong khi vẫn bất đồng" về chủ quyền.
Ngoài Biển Đông, ngoại trưởng Philippines cũng sẽ thảo luận với Bắc Kinh về xuất khẩu nông sản, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tình hình chống Hồi giáo cực đoan ở miền nam đảo quốc. Đây là chuyến công du Trung Quốc thứ hai của ông Cayetano kể từ khi nhậm chức.
Dự án của chính quyền của tổng thống Duterte là phối hợp với Trung Quốc khai thác dầu khí chung tại một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông (mà Manila gọi là Biển Tây Philippines), gây rất nhiều lo ngại trong chính giới nước này.
Đầu tháng này, quyền chánh án Tòa Án Tối Cao Philippines, ông Antonio Carpio, cảnh báo thỏa hiệp hiện nay của Manila với Trung Quốc - theo phương thức đồng sở hữu (co-ownership) - có thể dẫn đến việc Philippines mất "một nửa khu vực đặc quyền kinh tế" vào tay Bắc Kinh.
Philippines tuần tra tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh kiểm soát
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng thông báo phi cơ Philippines thường xuyên tuần tra tại nhiều khu vực do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông.
Theo bộ trưởng Delfin Lorenzana, mỗi lần máy bay Philippines đi vào những khu vực này, họ đều nhận được cảnh báo "đã đi vào không phận Trung Quốc". Ông Delfin Lorenzana khẳng định không quân Philippines tiếp tục thi hành phận sự, bất chấp các cảnh báo. Cũng nhân dịp này, lãnh đạo quốc phòng Philippines thông báo quân đội nước này bắt đầu sử dụng các máy bay Cessna và phi cơ không người lái ScanEagle, do Hoa Kỳ viện trợ mới đây, trong hoạt động tuần tra trên biển.
Trọng Thành
Trung Quốc và ASEAN bắt đầu tham vấn về COC (RFI, 01/03/2018)
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu tiến hành cuộc họp lần thứ 23 của nhóm công tác chung về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong hai ngày 1 và 2/03/2018 tại Nha Trang, Việt Nam.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) và ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (T) trong cuộc họp ASEAN tại Manila, Philippines,ngày 7/08/2017. Reuters/Mohd Rasfan/Pool
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo thường lệ cho biết các bên liên quan sẽ trao đổi quan điểm về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), xúc tiến hợp tác trên biển, và tham vấn Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Theo ông Lục Khảng, thì tình hình hiện nay trên Biển Đông đã ổn định "nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực".
Tuy nhiên trang web Moneycontrol của Ấn Độ hôm thứ Ba 27/2 dẫn lời đặc phái viên Tôn Sinh Thành của Việt Nam nhận định tình hình Biển Đông vẫn "phức tạp", và việc khởi động đàm phán COC là "một bước tích cực".
Chuyên gia người Mỹ Gregory Poling hồi tháng Giêng cho rằng ASEAN và Trung Quốc còn phải mất thêm khoảng 20 năm nữa để có được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc. Theo giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), không có dấu hiệu gì chứng tỏ Trung Quốc muốn đàm phán một cách nghiêm túc. Nếu các nước khác ngưng hành động trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa khu vực để giành lợi thế.
Chuyên gia Poling cho rằng tuy thương thảo về COC, nhưng ASEAN không nên coi là lựa chọn duy nhất, mà nên đồng thời xây dựng lực lượng cảnh sát biển, hợp tác với các nước khác.
Thụy My
**********************
Philippines tuyên bố hợp tác khai thác biển với công ty Trung Quốc (RFA, 01/03/2018)
Hãng thông tấn AFP loan tin Philippines đang đàm phán với một công ty Trung quốc về việc thăm dò và khai thác tài nguyên năng lượng ở vùng Biển Đông theo thỏa thuận đề nghị mà tổng thống Duterte của Philippines cho là gần như việc "đồng sở hữu" các khu vực tranh chấp.
Tổng thống Philippines Rodrigue Duterte - AFP
Trung Quốc và Philippines từ lâu đã có những tranh cãi gay gắt xung quanh các khu vực gây tranh chấp. Tuy nhiên, kể từ sau khi nhậm chức, ông Duterte đã có những chính sách nhằm làm dịu mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc so với người tiền nhiệm.
Các cuộc đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc về thăm dò Biển Đông đã được Ngoại trưởng Philippines, Alan Peter Cayetano, đưa ra hồi tháng trước. Hôm 01/03, phát ngôn nhân của Tổng thống ông Harry Roque đã đưa ra thông tin cụ thể hơn và cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa bộ phận năng lượng của Philippines và một công ty nhà nước Trung Quốc không nêu tên, liên quan đến việc khai thác năng lượng trong vùng biển nói trên.
Tuy nhiên, ông này không chỉ rõ khu vực cụ thể nào đang được thảo luận.
Việc hợp tác của Duterte với Trung Quốc đánh dấu bước ngoặt lớn so với quan điểm của người tiền nhiệm Benigno Aquino trước đây, cáo buộc Bắc Kinh lấn chiếm, chiếm đóng và xây dựng các căn cứ trên các rặng đá ngầm mà Manila tuyên bố là một phần của vùng đặc quyền kinh tế.
**********************
Philippines thông báo đàm phán với một công ty Trung Quốc để cùng khai thác ở Biển Đông (RFI, 01/03/2018)
Ảnh minh họa : Một dàn khoan Trung Quốc ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Ảnh 9/07/2017. Reuters/Stringer
Philippines hôm nay 01/03/2018 loan báo đang đàm phán với một công ty Trung Quốc về việc cùng thăm dò và khai thác tài nguyên ở Biển Đông, trong khuôn khổ một thỏa thuận được tổng thống Rodrigo Duterte nói là "đồng sở hữu" các khu vực tranh chấp.
Khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình ABS-CBN, hôm nay, 01/03/2018, ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống, cho biết, bộ Năng lượng Philippines đang đàm phán với một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, và hiện nay vấn đề khai thác nguồn năng lượng đã được đặt lên bàn hội nghị. Ông nói : "Chúng tôi có thể đạt đến thỏa thuận với một tập đoàn Trung Quốc, nhưng không phải với Nhà nước Trung Quốc (…) Hiện nay đang đàm phán về việc cùng thăm dò và có thể cùng khai thác nguồn lợi thiên nhiên". Tuy nhiên, ông từ chối cho biết khu vực nào trên Biển Đông đang được thương thảo, tên của tập đoàn Trung Quốc, cũng như lịch trình và thời hạn cụ thể của thỏa thuận.
Hôm qua ông Duterte tuyên bố là một sự dàn xếp giữa đôi bên vẫn có lợi hơn là để cho quân Philippines bị "thảm sát" trong một trận chiến với Trung Quốc. Khi đi thăm thành phố Marawi bị tàn phá vì chiến tranh ở miền nam, ông nói : "Nay họ đề nghị cùng thăm dò, giống như là đồng sở hữu, tôi nghĩ như vậy tốt hơn là chiến đấu với họ".
Tháng trước ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã đề cập đến việc thương lượng với Trung Quốc về thăm dò Biển Đông, cho biết sẽ tham khảo các chuyên gia pháp lý để chắc chắn rằng các thỏa thuận này không ảnh hưởng đến chủ quyền. Theo ông, các công ty Philippines không thể tự tiến hành mà cần có vốn của Bắc Kinh, và nói thêm, "cứ mỗi lần một công ty Philippines định thăm dò thì lại bị đụng đầu các chiến hạm Trung Quốc".
Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, và AFP cho rằng đề nghị hợp tác khai thác giữa Manila và Bắc Kinh sẽ gây quan ngại cho các nước láng giềng đang tranh chấp.
Trong lúc Bắc Kinh yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông, tổng thống tiền nhiệm là Aquino đã đưa vấn đề ra Tòa Trọng Tài quốc tế và tòa đã tuyên bố đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ là vô căn cứ. Tuy nhiên ông Duterte lại đi theo hướng ngược lại, tìm cách xoa dịu quan hệ với Bắc Kinh, hy vọng sẽ có được những món đầu tư.
Thụy My
*******************
Chủ tịch nước Việt Nam công du Ấn Độ bàn về Biển Đông và quốc phòng (RFI, 01/03/2018)
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đến thăm Ấn Độ từ ngày 02/03/2018. Biển Đông, quốc phòng và thương mại là chủ đề nghị sự chính trong chuyến công du Ấn Độ đầu tiên, kéo dài ba ngày, của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang phát biểu tại Diễn đàn doanh nhân Thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, ngày 8/11/2017. Reuters
Trả lời trang Economic Times, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết phái đoàn tháp tùng ông Trần Đại Quang có 18 người, trong đó có phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh, bộ trưởng Công-Thương và bộ trưởng bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, cùng với 65 doanh nhân.
Hai bên sẽ ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nông nghiệp, thương mại và đầu tư. Vẫn theo đại sứ Tôn Sinh Thành, vấn đề Biển Đông với những yêu sách ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng sẽ được đưa ra thảo luận. Chủ tịch nước Việt Nam sẽ gặp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 03/03 và sẽ có bài diễn văn chính sách quan trọng vào ngày 04/03.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết quốc phòng là một yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương và hai nước đã duy trì "quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ và hiệu quả". Tuy nhiên, ông không trả lời về ý định của Việt Nam mua tên lửa BrahMos.
Vào đầu năm 2018, lần đầu tiên quân đội Việt Nam và Ấn Độ đã cùng tập trận chung. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của thủ tướng Modi, hai nước đã nâng tầm quan hệ, từ "đối tác chiến lược" thành "đối tác chiến lược toàn diện".
Trên lĩnh vực thương mại, doanh nghiệp hai nước có thể sẽ ký một số thỏa thuận về xây dựng một khu khai thác than đá tại Việt Nam và cùng phát triển một hải cảng. Năm 2017, tổng trao đổi mậu dịch giữa hai nước đạt 7,6 tỉ đô la, tăng 40% so với năm 2016.
Thu Hằng
Tàu chiến và dân quân biển Trung Quốc đến sát đảo Thị Tứ (RFI, 15/08/2017)
Một dân biểu Philippines ngày 14/08/2017 đã lên tiếng báo động về các hành vi "bất thường" của Trung Quốc sát đảo Thị Tứ - mà Philippines đang kiểm soát và đặt tên là Pag-asa - tại vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trả lời báo chí Philippines, dân biểu này lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc tìm cách chiếm đóng các cồn cát gần đảo Thị Tứ.
Binh sĩ Philippines trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 11/05/2015. AFP PHOTO / POOL / RITCHIE B. TONGO
Theo dân biểu Gary Alejano, các nguồn tin từ quân đội Philippines cho biết là đã có đến 5 tàu Trung Quốc, bao gồm hai hộ tống hạm, một tàu hải cảnh và hai tàu cá lớn, bên trên có chở vố số dân quân biển, xuất hiện tại khu vực sát đảo Thị Tứ từ hôm 12/08 vừa qua.
Trả lời báo mạng Rappler của Philippines, ông Alejano lo ngại rằng Trung Quốc "có thể đang có một kế hoạch thâm hiểm nhằm chiếm đóng những cồn cát nằm ngay ở phía tây đảo Thị Tứ", thường được người Philippines đang sống trên đảo Thị Tứ dùng làm nơi câu cá hay ăn picnic.
Theo chính khách Philippines này, còn có tin cho biết là tàu cá Trung Quốc đã xông ra ngăn chận, không cho tàu ngư chính của Philippines tiến vào khu vực.
Cho dù tàu Trung Quốc thường xuất hiện gần đảo Thị Tứ, vốn chỉ cách Đá Xu Bi, một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng tại Trường Sa và bồi đắp thành tiền đồn, khoảng 20 hải lý, đây là lần đầu tiên mà tàu Trung Quốc áp sát những bãi cạn chỉ cách đảo Thị Tứ không đầy 3 hải lý.
Thị Tứ là một trong những đảo đá lớn nhất tại vùng quần đảo Trường Sa, do Philippines kiểm soát, nhưng cũng bị Trung Quốc, Việt Nam đòi chủ quyền. Trên đảo Thị Tứ có một phi đạo ngắn, đủ cho vận tải cơ C.130 đáp xuống, với khoảng 100 người thường xuyên cư ngụ, bao gồm cả binh lính, công chức lẫn dân thường.
Theo báo Philippine Inquirer, trong một cuộc họp báo hôm nay, dân biểu Alejano đã không ngần ngại tố cáo ý đồ lấn chiếm của Trung Quốc và kêu gọi chính quyền Manila đề cao cảnh giác, rút kinh nghiệm từ chiến thuật Bắc Kinh dùng vào năm 1995 để chiếm đóng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) từ tay Philippines :
"Các sự kiện này rất khả nghi và đáng ngại căn cứ vào việc Trung Quốc luôn nói công khai một đằng, nhưng trong thực tế lại làm một nẻo khác. Ví dụ như việc ngư dân Philippines vẫn tiếp tục bị Hải Quân hay Hải Cảnh Trung Quốc sách nhiễu ở Biển Tây Philippine (tên Manila đặt cho Biển Đông). Đừng quên những gì đã xảy ra vào năm 1995 khi họ chiếm lấy Mischief Reef".
Đối với dân biểu Alejano, chính quyền Philippines phải xử lý vụ việc này một cách nghiêm túc và đòi Trung Quốc rút tàu ra khỏi khu vực đảo Pag-asa, và gởi công hàm phản đối ngoại giao một cách thích đáng.
Trọng Nghĩa
**********************
Tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ ở Trường Sa (RFA, 15/08/2017)
Tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Nghị sĩ Philippines Gary Alejano ngày 14 tháng 8 dẫn nguồn tin quân đội cho biết 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía Tây đảo Thị Tứ kể từ hôm 12 tháng 8.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa AFP
Trang mạng Rappler loan tin nói rõ trong số 5 con tàu này có 2 tàu hộ vệ, 1 tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Trong phiên họp Hạ viện Philippines, ông Alejano cho biết đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc tiến gần đến những bãi cạn thuộc hòn đảo ở khoảng cách chưa đầy 5 kilomet rưỡi. Đồng thời ông cũng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc có thể xâm chiếm các bãi cạn ngay phía Tây Thị Tứ, và có thể sử dụng các ngư dân để tấn công hòn đảo này bằng cách ngăn chặn, gây rối ngư dân và tàu công vụ.
Hiện Trung Quốc chưa bình luận gì về phát biểu của ông Alejano.
Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa và hiện đang do Philippines quản lý ; và Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
******************
Tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Thị Tứ, Phi lo ngại ý đồ Bắc Kinh (VOA, 15/08/2017)
Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Edgard Arevalo, hôm 15/8 cho biết chính quyền Philippines đang tìm cách xác minh các bản tin tường trình về những hoạt động khả nghị của nhiều chiếc tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứở Biển Tây Philippines, Việt Nam gọi là Biển Đông.
Đảo Thị Tứ (còn gọi là đảo Pagasa) là đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, gần Philippines.
Theo trang tin tức Rappler.com, dân biểu Hạ viện Philippines Gary Alejano dẫn các nguồn tin từ quân đội, báo cáo về "các hoạt động bất thường rất khả nghi của tàu chiến và tàu tuần duyên Trung Quốc cùng ‘một lực lượng dân quân biển’ gần đảo Thị Tứ. Dân biểu Alejano cho biết trong số 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía tây đảo Thị Tứ từ hôm 12/8, có 2 tàu hộ tống, một tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Trong số 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía tây đảo Thị Tứ từ hôm 12/8, có 2 tàu hộ tống, một tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Dân biểu đối lập này của Philippines còn tiết lộ rằng cách đây hai ngày, ông nhận được tin rằng một chiếc tàu của chính phủ Philippines, thuộc Phòng Sinh thái Nghề Cá và Tài nguyên Thủy sinh vật, đã bị chặn, không cho tới gần các bãi cạn nằm về hướng Bắc đảo Thị Tứ.
Bản tin nói dân biểu Alejano đã nêu lên sự cố này với Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tại Hạ viện Philippines tối hôm 14/8 trong các cuộc thảo luận về ngân sách Bộ Quốc phòng.
Dân biểu Alejano cảnh báo Trung Quốc có thể có kế hoạch nhằm xâm chiếm các bãi cạn ở phía tây Thị Tứ. Ông nói ông lo lắng Trung Quốc có thể sử dụng "lực lượng dân quân biển" tức là ngư dân, dể tấn công đảo Thị Tứ.
Đảo Thị Tứ, Philippines gọi là đảo Pag-asa, là đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa, hiện do Philippines chiếm đóng, nhưng là nơi Việt Nam cũng tuyên bốthuộc chủ quyền của mình.
Tàu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần đảo Thị Tứ nhưng hình như đây là lần đầu tiên các tàu này tiến gần đến cách các bãi cạn của hòn đảo này chưa đầy 5,5 km.
Đại tá Thuỷ quân Lục chiến Arevalo nói sẽ cần vài ngày trước khi có thể kiểm chứng thông tin này. Ông nói :
"Tôi tin rằng vấn đề này giờ thuộc thẩm quyền của Toán đặc nhiệm Biển Tây Philippines".
Người phát ngôn quân đội Philippines nói ông sẽ không bình luận thêm về vấn đề này cho tới khi đã thấy được toàn cảnh tình hình hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói ông tin tưởng Trung Quốc sẽ không chiếm đóng thêm lãnh thổ, lãnh hải nào khác trong Biển Đông, dựa trên một "thỏa thuận sống chung hòa bình" mà ông nói đã được Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano điều giải.