Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/01/2019

Vì sao Ngân hàng nhà nước phóng vọt tỷ giá trung tâm trái quy luật ?

Minh Quân

Hiện nay, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP…

trano1

Diễn biến tỷ giá trong thời gian qua.

Cơ chế tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước chuyển sang áp dụng từ đầu 2016 để thay cho cơ chế tỷ giá liên ngân hàng. Tỷ giá trung tâm được xem là thước đo tham chiếu cho tỷ giá của các ngân hàng và của cả... chợ đen.

Sau một thời gian bình lặng, từ đầu năm 2019 đến nay tỷ giá trung tâm bất thần tăng nhanh, tăng vọt và tăng không ngừng nghỉ, bất chấp thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế vẫn khá ổn định và trong thực tế là chẳng có ý do xác đáng nào đẻ giải thích cho cú tăng này. 

Đến ngày 21/1/2019, tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố đã lên mốc 22.870 VND, cao nhất kể từ đầu 2016 - thời điểm tỷ giá này ra đời.

Mốc 22.870 VND là kết quả của chuỗi tăng liên tiếp và khá mạnh từ đầu năm 2019 đến nay. Tính chung, tỷ giá trung tâm đã tăng 45 VND so với chốt năm 2018.

trano2

Tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD giảm mạnh. Ảnh minh hoạ.

Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND thực trên các kênh giao dịch liên ngân hàng, giữa ngân hàng với các tổ chức và dân cư, trên thị trường tự do giảm mạnh vào cuối 2018 và ổn định từ đầu 2019.

Diễn biến trên cũng có nét tương đồng với khoảng thời gian đầu năm 2018, khi Ngân hàng Nhà nước cũng từng bước đều đặn nâng tỷ giá trung tâm trong bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn.

Một luồng ý kiến trên mặt báo nhà nước cho rằng ý đồ của nhà điều hành muốn từng bước thu hẹp khoảng cách này, đưa tỷ giá trung tâm lên gần với "mặt bằng chung" để phản ánh hợp lý hơn thực tế thị trường. Dù lên các mức cao, nhưng như trên, tỷ giá trung tâm hiện vẫn rất thấp so với tỷ giá thực trên thị trường. Theo đó, khi Ngân hàng Nhà nước đang chủ động đưa nó lên một điểm cân bằng mới, tác động và ảnh hưởng mang tính thời điểm đối với thị trường gần như không thể hiện.

Nhưng liệu có đúng như vậy, hay bởi một động cơ ẩn giấu nào khác ?

Diễn biến tăng vọt tỷ giá trung tâm lại trùng với một thông tin rất đáng chú ý và so sánh : vào đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng khá lớn ngoại tệ, ước tính đã lên tới gần 1,5 tỷ USD từ đầu tháng 1/2019.

Tại tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 được tổ chức vào ngày 9/1/2019, ông Lê Minh Hưng cho biết trong năm 2018 Ngân hàng nhà nước đã mua ròng trên 6 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối.

Như vậy, số USD mua ròng của Ngân hàng nhà nước trong năm 2018 là thấp hơn đáng kể so với lượng mua ròng được Ngân hàng nhà nước báo cáo trong hai năm trước - 2017 và 2016, với khoảng 10 - 12 tỷ USD mỗi năm.

Như vậy vào thời thủ tướng mới là Nguyễn Xuân Phúc và thống đốc mới là Lê Minh Hưng, Ngân hàng nhà nước đã có một chiến dịch âm thầm, miệt mài và đầy thủ đoạn để tung ra một núi tiền đồng nhằm gom tích USD từ hệ thống ngân hàng và USD trôi nổi ở chợ đen lẫn từ khu vực dân cư, khiến chỉ trong vài năm, kho dự trữ ngoại hối của nhà nước đã được báo cáo tăng gấp đôi và được xem là ‘thành tích kiến tạo’ của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Còn vào năm 2019, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và hẳn phải nhận được sự đồng thuận rất cao trong ‘tập thể Bộ Chính trị’ có thể đã phải tính đến kế vét đô bằng cách vừa tăng tỷ giá trung tâm như một mồi nhử hấp dẫn, vừa tìm cách ép dân phải bán USD cho ngân hàng chứ không được giao dịch trên thị trường tự do, để sau đó các ngân hàng phải bán lại USD cho Ngân hàng nhà nước theo ‘giá nội bộ’, để Quỹ dự trữ ngoại hối có tiền trả nợ cho nước ngoài vào năm 2018 và những năm sau – có thể lên tới 10 - 15 tỷ USD nợ phải trả mỗi năm.

Hiện nay, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP…

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 29/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 556 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)