Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2019

Những bông hồng cho đời

Paulus Lê Sơn

Từ trong trại tù khắc nghiệt, những bông hồng tươi rói được gửi ra cho những người bên ngoài nhà tù lớn là một sáng kiến tuyệt vời. Nó được chính tay, chính tâm hồn tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa vun trồng, chăm bón, biểu hiện một sức sống cùng hoa thơm cho đời từ chính con người, chính cuộc đời làm chứng cho sự thật, công lý và lòng yêu nước nồng nàn của chàng trai trẻ này.

bong1

Thân nhân của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa cùng nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh đến trại tù An Điềm thăm gặp Hóa

Trên Facebook của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho biết về tình trạng của Hóa : "Nguyễn Văn Hóa đang tuyệt thực ngày thứ 12 tại trại giam An Điềm, Quảng Nam. Hóa tuyệt thực phản đối việc trại giam không cho Hóa gửi đơn tố cáo việc bị đánh đập khi tạm giam ở Hà Tĩnh, và tùy tiện vào phòng quay phim chụp hình Hóa tại phòng giam An Điềm".

Thông tin về Hóa tuyệt thực đến ngày thứ 12 mà ít ai biết đến, hoặc thoáng qua đâu đó trong thế giới huyễn hoặc này. Có thể, mà chắc chắn rằng, những người tù nhân lương tâm luôn nghĩ về gia đình, thân nhân, nghĩ về bằng hữu, bè bạn, nghĩ cho tha nhân, xã hội và đất nước. Chả thế có lời nhắn nhủ từ Hóa : "Gửi những bông hồng do mình tự trồng tặng tất cả các cô, dì, chị, em gái nhân ngày 8/3".

Quả thật khó để khẳng định có một mẫu mực nào đó cho mối tương quan mang chiều kích thiện ích giữa người với người trong xã hội ngày nay, nhất là trong xã hội cộng sản. Mặc dù bản chất tự nhiên của con người là sự liên đới mang tính phổ quát.

Qua Facebook của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, chúng ta được biết đến một người có cái tên Trần Văn No, quê tận xứ Đồng Tháp miền Tây xa xôi nhưng hiện tại lại bị cộng sản lưu đày tại trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam thuộc miền Bắc.

Đọc những thông tin về No mà thấy xót xa nhói đau trong lòng : "No chưa có vợ, cha mẹ già lại nghèo, đường thì xa, nên đành bỏ mặc không thể thăm nuôi con". Lòng cộng sản độc, tâm cộng sản ác, trí cộng sản tàn. Vậy nên, cũng chẳng lạ gì khi chúng ra tay đọa đày bá tánh nước Việt một cách điên cuồng và man rợ như vậy.

Khi được kêu tên để được thăm gặp gia đình thì "Trần Văn No đã sững sờ khi nghe gọi tên mình ra gặp người nhà, "chắc có sự nhầm lẫn", No không tin đó là thật". Tôi thấu hiểu được nỗi lòng của No. Đó là tâm trạng vừa hạnh phúc, ấm áp khi được gặp thân nhân sau bao ngày đơn côi trong chốn ngục tù lạnh lẽo, đó cũng là tâm trạng của những người biết rằng mình không có quà nhưng lại được tặng quà.

Trần Văn No không có bông hồng như Nguyễn Văn Hóa gửi tặng cho cha, cho mẹ, cho anh em bằng hữu. Tuy vậy, từ trong ngục tù "No tha thiết nhắn người nhà nói lên công luận rằng mình vô tội, mình bị oan". Đúng thật, dưới chế độ độc tài cộng sản đã biến đất nước Việt Nam ngày nay có đến hàng ngàn tù nhân lương tâm vô tội, bị hàm oan.

Trong một xã hội bị phơi nhiễm sặc mùi vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại. Lòng tự kháng dân tộc bị hạ bệ một cách rẻ rúng trước hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc. Thế nhưng, trong sa mạc cằn cỗi đó lại có những trồi non với sức sống mạnh mẽ vươn mình về phía ánh sáng của tự do.

Cần phải minh định thật rõ ràng với những gì chúng ta đang thấy về hành trình tìm kiếm tự do của thế hệ thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ Việt Nam ngày hôm nay như đang bén rễ sâu vào lòng đất. Lý tưởng về tự do, lòng yêu nước trong tuổi trẻ có sức sống mãnh liệt như loài cỏ cây. Nó như lan tóa khắp mặt đất, dù có bị nhổ bỏ, chà đạp, tiêu diệt nhưng vẫn không chết đi được.

Có biết bao nam thanh nữ tú đã và đang dâng hiến tuổi thanh xuân ngọt ngào cho quê hương đất nước, họ là những đóa hồng thắm đượm một tình yêu của lứa đôi xuân thì phơi phới, của lý tưởng tuổi trẻ dành cho quê hương đất nước đang độ sực ngát hương thơm

Paulus Lê Sơn

Nguồn : VNTB, 08/03/2019

********************

Tù nhân Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực (RFA, 28/02/2019)

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực đến ngày thứ 7 trong trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.

bong0

Hình chụp hôm 27/11/2017 : nhà báo Nguyễn Văn Hóa (giữa) tại phiên tóa ở Hà Tĩnh - AFP

Bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, cho biết tin này sau chuyến thăm đến trại giam An Điềm hôm 26 tháng 2 vừa qua.

Vào ngày 28 tháng 2, bà phát biểu với Đài Á Châu Tự Do về tình hình anh Nguyễn Văn Hóa:

"Lúc đó vào thăm gặp thì Hóa cũng nói luôn những vấn đề liên quan, Hóa nói ra chuyện tuyệt thực luôn. Cụ thể chị gái về nhà viết thư cầu cứu gửi đại sứ quán và các nơi để hy vọng mọi người quan tâm và giúp đỡ Hóa trong thời gian này. 

Những vấn đề Hóa tuyệt thực đã ghi rõ trong thư cầu cứu.

Hóa vẫn nói em sẽ tuyệt thực cho đến khi trại giam giải quyết mọi vấn đề cho Hóa, lúc đó Hóa mới ngừng. Nếu trại giam không giải quyết thì Hóa vẫn tuyệt thực".

Cũng theo lời bà Nguyễn Thị Huệ, tù nhân Nguyễn Văn Hóa hối thúc gia đình đi thăm mình sớm vào tháng 3 và đi cùng một linh mục để làm bí tích xức dầu.

Đây là một bí tích của Công giáo để ban ơn nâng đỡ sức mạnh tinh thần và thể xác cho những người đang yếu liệt nặng hay sắp chết vì lý do bệnh tật, thương tích hay tuổi già vì vậy gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của anh Hóa. 

Theo thư cầu cứu của tù nhân Nguyễn Văn Hóa mà bà Huệ nhắc đến, có nêu ra lý do mà anh Hóa tuyệt thực đó là, "phía trại giam An Điềm không cho Hóa gửi đơn tố cáo. Họ chỉ từ chối miệng và không có văn bản xác nhận. 

Trung tá Lê Văn Hiếu có thái độ quát tháo lớn tiếng để đội trại giam An Điềm áp dụng luật pháp tùy tiện và độc đoán lên Hóa, trong khi đó Đại úy Nguyễn Văn Tiến tự ý xông vào buồng giam quay phim khi chưa có quyết định của ban giám thị trại giam".

Đài Á Châu Tự Do gọi cho các số điện thoại của trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam có tiếng chuông reo nhưng không có người bắt máy.

Nguyễn Văn Hóa, sinh ngày 15 tháng 4 năm 1995 và cư ngụ tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Anh bị bắt vào ngày 11/1/2017, tuy nhiên phải tới ngày 23/1 sau khi gia đình làm đơn báo mất tích gửi đi các cơ quan tỉnh thì mới nhận được thông báo tạm giữ của phía chính quyền với lý do bắt giữ là cáo buộc "ăn cắp xe máy và buôn bán ma túy". 

Anh Hóa cũng cáo buộc, mình bị bắt cóc khi đang quay phim ngoài Tòa án nhân dân Hà Tĩnh và bị giam giữ suốt 9 ngày ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Thời gian này, Hóa nói bản thân bị 8 sĩ quan công an đánh đập, tra tấn rất dã man, thậm chí còn bị treo tay lên cửa số và tạt nước vào mặt.

Trong phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng, hai nhân chứng là Nguyễn Văn Hóa cùng với Nguyễn Viết Dũng phản cung tại tóa và sau đó anh Hóa cũng nói mình bị 3 cán bộ tra tấn.

Hồi đầu năm nay, tổ chức Freedom Now đề cử anh Nguyễn Văn Hóa, cho giải thưởng Tự do báo chí 2019 của UNESCO có tên Guillermo Cano World Press Freedom Prize.

Thông cáo báo chí của Freedom Now hôm 18/1 trích lời Giám đốc điều hành Freedom Now, Maran Turner, nhận định việc chính phủ Việt Nam truy tố anh Nguyễn Văn Hóa là đi ngược lại các giá trị của UNESCO.

Freedom Now cho rằng nhà báo Nguyễn Văn Hóa xứng đáng được khen ngợi vì đã đưa tin về những mối đe dóa của ô nhiễm môi trường và sự thất bại của chính phủ trong việc bảo vệ người dân khỏi những mối nguy này.

Quay lại trang chủ
Read 700 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)