Đầu năm 2019, Tổng cục Thống kê của Thủ tướng Phúc lại ồn ào tổ chức vài cuộc hội thảo và thông tin cho báo chí về bản nhạc ‘phải đưa kinh tế ngầm vào GDP’ và ‘Nợ công Việt Nam 61,4% GDP, so với các nước khác không là gì !’ - như một cách trả lời không cần biết trời cao đất dày là gì của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm trước báo giới.
Chuyên gia thống kê Bùi Trinh.
Nhưng trong một cuộc trao đổi với trang báo điện tử BizLIVE, Tiến sĩ Bùi Trinh, chuyên gia thống kê, đã nêu ra một số lập luận thuyết phục mà qua đó gián tiếp chỉ ra những động cơ ẩn giấu của Thủ tướng Phúc và Tổng cục Thống kê về trong chiến dịch ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’.
"Khi cộng khu vực kinh tế chưa được quan sát (tạm gọi chung là kinh tế ngầm) vào GDP (tổng sản phẩm quốc nội) sẽ có nhiều cái lợi cho điều hành của Chính phủ. Lý do, cộng thêm con số thống kê này vào sẽ khiến quy mô GDP tăng lên, tỷ lệ nợ công/GDP và tỷ lệ bội chi/GDP giảm đi… nhưng thực tế con số tuyệt đối về nợ công và bội chi không giảm, dễ dẫn tới thành tích ảo" - ông Bùi Trinh mỉa mai.
Cũng theo Tiến sĩ Bùi Trinh, thực tế vẫn tồn tại song song 02 khu vực trong hoạt động của một nền kinh tế : khu vực kinh tế quan sát được và khu vực kinh tế ngầm. Rõ ràng, hiện nay GDP của Việt Nam đang tính từ nền kinh tế quan sát được vẫn còn bị nghi ngờ. Vì thống kê cũng đang dựa nhiều vào ước lượng (có sai số). Nếu tính thêm khu vực kinh tế ngầm vào GDP nghĩa là lại ước lượng thêm một khoản vu vơ nữa thì rất nguy hiểm.
Vấn đề quan trọng hơn, nếu cộng cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP (dự kiến thực hiện vào năm 2020) sẽ phải điều chỉnh chuỗi thời gian tính GDP ít nhất là 10 năm. Đó là nguyên tắc, nếu không số liệu sẽ "gãy" hết.
Khi điều chỉnh một chuỗi thời gian cho các dãy số liệu nó sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề theo 10 năm điều chỉnh đó, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP sẽ khác, cấu trúc GDP sẽ khác, cấu trúc ngành sẽ khác. Vì không phải ngành nghề nào cũng có khu vực kinh tế ngầm giống nhau, con số thống kê kinh tế ngầm có năm nó tăng cao, có năm tăng thấp…
Khi cấu trúc GDP khác đi thì cấu trúc của nhu cầu sẽ khác, tiêu dùng sẽ khác, tích luỹ sẽ khác, xuất nhập khẩu sẽ khác... Tất cả tỷ lệ sẽ khác, dẫn đến tất cả các báo cáo, đề tài khoa học từ trước đến nay sẽ vô giá trị. Các con số tăng trưởng hay dự tính tăng trưởng hằng năm mà Quốc hội đưa ra bàn thảo sẽ là không thực chất, vì dự tính tổng đầu tư, thu – chi ngân sách… chỉ dựa trên khu vực kinh tế quan sát được, nhưng tăng trưởng thực tế lại gồm cả kinh tế ngầm.
Khi tính kinh tế ngầm vào GDP thành tích tăng trưởng GDP lúc đó lại chỉ là ảo, nó cho thấy thu nhập bình quân đầu người tăng lên (do quy mô GDP lớn hơn), tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công giảm đi… nhưng thực tế không phải vậy. GDP tăng từ cách tính mới này cũng do thuế tăng, phí tăng… tất yếu sẽ liên quan đến người dân.
Ngay như việc tính bội chi ngân sách cũng thay đổi để lấy thành tích. Trước đây, tỷ lệ bội chi/GDP bao gồm cả trả nợ gốc vay quốc tế. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, khoản trả nợ gốc này được bỏ ra ngoài bảng cân đối quốc gia, tỷ lệ bội chi nhỏ đi và được coi là thành tích.
Ông Bùi Trinh cũng cho biết rất nhiều nước đã thống kê khu vực này, nhưng không tính vào GDP, họ thống kê để biết được quy mô của khu vực kinh tế ngầm lớn đến mức nào. Chỉ có một số nước đưa vào, như : Mexico, Australia (chỉ cộng vào GDP trong 01 năm)…
Riêng đối với Việt Nam, việc thống kê khu vực kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP, vì Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thống kê Khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP, dự kiến thực hiện vào năm 2020. Tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ nhỏ đi nhờ vào quy mô GDP tăng lên.
Nợ công thực là bao nhiêu ?
Ngay giờ đây, nếu cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ công có thể vọt lên ít nhất 440 - 450 tỷ USD, tức ít nhất bằng 210% GDP, gấp hơn 3 lần tỷ lệ nợ công "gần 65% GDP" mà các báo cáo của bộ ngành và của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn "tuyên giáo". Trong đó, nợ nước ngoài chính thức của chính phủ đã lên đến 105 tỷ USD, chưa kể hàng trăm tỷ USD nợ nước ngoài từ khối các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Cho đến nay và cùng với số nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tăng vọt, nợ công quốc gia thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.
Nếu những năm gần đây phía chính phủ muốn tăng vay ODA mà do đó khiến tăng nợ công nhưng bị ngưỡng nguy hiểm ‘nợ công không thể vượt quá 65% GDP’ chặn lại, cũng như bị một số đại biểu quốc hội chỉ trích, thì chỉ bằng thủ thuật kinh tế - chính trị đơn giản ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’, với nền kinh tế ngầm ấy có thể chiếm ít nhất 10% hoặc thậm chí đến 30 - 40% GDP trong trường hợp Việt Nam, thì khi đó tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm tương ứng và giảm mạnh, có thể chỉ còn khoảng 50% GDP, trở thành một con số còn bóng lộn hơn cả báo cáo nợ công "chỉ có 55% GDP" thời Nguyễn Tấn Dũng. Một kết quả rất hấp dẫn chỉ nhờ vào việc tính toán những con số trên giấy mà chẳng phải lao tâm khổ tứ thuyết phục quốc hội lẫn ma mị dân chúng,
Nếu kịch bản "tính lại GDP" thành công theo "yêu cầu đặc biệt" của Thủ tướng Phúc, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cùng Chính phủ sẽ còn ‘dư địa vay nợ’ và tha hồ vay được ít ra 15% GDP nữa, tương đương khoảng 30 tỷ USD, chẳng hạn "phục vụ dự án trọng điểm sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam". Hai dự án này lần lượt chiếm vốn đầu tư là 18 tỷ USD và hơn 10 tỷ USD, cộng lại xấp xỉ với "quota" 30 tỷ USD mà Chính phủ có thể vay trực tiếp hoặc bảo lãnh vay nếu thành công trong việc "tính lại GDP". Cơ hội để các nhóm lợi ích "ăn tàn phá hại" vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 12/03/2019