Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/06/2019

Thượng đỉnh G20

Nguyễn Xuân Nghĩa

Cuối tuần này, cấp lãnh đạo Nhóm G20 gồm 19 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp tại Osaka của Nhật Bản để thảo luận về các bài toán kinh tế của toàn cầu. Người ta chờ đợi gì ở một thượng đỉnh hàng năm như vậy, mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây...

g201

Thượng đỉnh G20 trước đây ở các nước Nga, Pháp, Mexico và Argentina. AFP

Vì sao có G20 ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, cuối tuần này hội nghị giới lãnh đạo của Nhóm G20 sẽ được triệu tập tại Osaka của Nhật Bản, người ta nên chờ đợi gì từ một diễn đàn quan trọng như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Muốn tìm hiểu thì có lẽ ta nên đi ngược về quá khứ. Sau nhiều biến động an ninh và kinh tế, kể cả cuộc khủng hoảng dầu khí thời 1972-1973, vào quãng 1975 trở về sau, bảy nước công nghiệp hóa dẫn đầu thế giới vẫn họp hàng năm để phối hợp đối sách trước các bài toán lớn của toàn cầu. Đó là Nhóm G7, gồm có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada.

Nhưng kinh tế thế giới có thay đổi nên một số quốc gia đạt mức tăng trưởng cao và chi phối kinh tế toàn cầu trong khi Nhóm G7 và các định chế quốc tế hết thể ứng phó với các bài toán mới, điển hình là vụ khủng hoảng Đông Á tháng 7/1997. Vì vậy vào năm 1999, 19 nền kinh tế có sản lượng cao nhất mới nghĩ đến một diễn đàn thảo luận mở rộng, bên trong vẫn có Liên hiệp Châu Âu.

Đó là nguyên ủy của Nhóm G20, ra đời cách nay đúng 20 năm, quy tụ hai phần ba dân số toàn cầu, 90% sản lượng kinh tế và ba phần tư ngạch số ngoại thương. Ngoài Nhóm G7 thì 12 nước kia là Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Hàn, Brazil, Úc, Liên bang Nga, Mexico, Indonesia, Argentina, Saudi Arabia, Nam Phi và Turkey.

Nguyên Lam : Thưa ông, kết quả của diễn đàn mở rộng này là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ban đầu thì mới chỉ là sự đối thoại giữa các viên chức kinh tế tài chính của các nước với nhau. Nhưng tới vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và nạn Tổng Suy Trầm thì từ năm 2008, người ta mở ra trình độ hợp tác giữa nguyên thủ của các quốc gia trong nhóm. Thay vì là Hội nghị Cấp cao thì có Thượng đỉnh hay Summit. Nhưng căn bản của Nhóm G20 vẫn chỉ là diễn đàn thảo luận, chưa là một Khối thống nhất về đường lối. Hàng năm, một thành viên được làm chủ tịch luân phiên của cả nhóm, như năm nay, Nhật đăng cai tổ chức Thượng đỉnh sau Argentina năm ngoái và trước Saudi Arabia vào năm tới.

Tinh thần của Nhóm G20 là linh động tìm hiệu năng qua đối thoại chứ không lập ra bộ máy điều hành mang tính chất thư lại, thí dụ như Tổng thư ký. Do đó việc chuẩn bị nghị trình thảo luận về chiến lược của cả Nhóm G20 cho Thượng đỉnh hàng năm được trao cho ba quốc gia đã, đang và sẽ tổ chức hội nghị.

Hoạt động của G20

Nguyên Lam : Ông nhấn mạnh đến yếu tố linh động của Nhóm G20, nhưng dường như tình hình an ninh và kinh tế vẫn tác động vào Thượng đỉnh hàng năm. Thí dụ như năm nay thì trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến ai cũng nhìn vào cuộc họp giữa Tổng thống Donald Trump của Mỹ và Tổng bí thư Tập Cận Bình của Bắc Kinh, hoặc vụ khủng hoảng về xứ Iran tại Trung Đông, với ảnh hưởng vào lĩnh vực năng lượng của các nước. Đã vậy còn vụ khùng hoảng tại Hong Kông và cả Đài Loan nữa. Ông nghĩ sao về những vụ này ?

2222222222222222

Thượng đỉnh G20 2019 được tổ chức ở Osaka, Nhật Bản. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến... Thủ tướng Nhật Shinzo Abe người sẽ đọc diễn văn chào mừng quan khách và khai mạc Thượng đỉnh 2019 !

Ông Abe nói về viễn ảnh kinh tế Châu Á qua nghị trình gồm ba chủ điểm là

1/ củng cố trật tự kinh tế toàn cầu dựa trên giao dịch tự do và công bằng ;

2/ tìm sự hợp tác quốc tế về nền kinh tế dựa trên kỹ thuật số với tiềm năng và rủi ro mới ;

3/ là đối phó với những thách thức về môi sinh của cả nhân loại. Ba đề tài đó rất đáng được giới lãnh đạo của Nhóm G20 thảo luận trong Thượng đỉnh tại Osaka, nhưng người ta lại chú ý đến các vấn đề nóng khác, như Thương chiến Mỹ-Hoa, hay chuyện an ninh vì Iran, Bắc Hàn, Hong Kong, thậm chí Israel.

Đâm ra, Thượng đỉnh của Nhóm G20 vẫn là hiện tượng "đánh trống bỏ dùi", vì các nước không khai triển tiếp sáng kiến được nêu ra cho ước vọng phát triển toàn cầu trong sự ổn định tài chính. Một thí dụ là lãnh đạo quốc gia sẽ đăng cai tổ chức Thượng đỉnh G20 năm tới là Saudi Arabia sẽ nêu ra vấn đề mới, rồi lại bị lãng quên.

Nguyên Lam : Nguyên Lam thấy rằng ông không mấy lạc quan về kết quả của Hội nghị G20 tại Osaka.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhân loại đang ở giữa nhiều thay đổi lớn, dăm ba năm lại có thách đố mới mà Nhóm G7 không giải quyết được. Người ta bèn "nối vòng tay lớn", nên mời thêm 12 nền kinh tế đang phát triển để lập ra Nhóm G20.

Nhưng, 20 năm sau khi thành hình, Nhóm G20 vẫn chưa là chất xúc tác giữa các nước để giải quyết bài toán dài hạn của kinh tế toàn cầu, chưa kể nhiều vấn đề khác như vì sao không mời thêm nền kinh tế này hay quốc gia kia, nên mục tiêu kinh tế nguyên thủy lại bị tan loãng vào nhiều đề mục khác.

Một chuyện nữa là hệ thống tự do dân chủ thường bị báo chí chi phối nên phải quan tâm đến dư luận và thay đổi nghị trình, trong khi các nước độc tài lại duy trì hệ thống toàn trị ở bên trong và tác động đến nhận thức của thế giới bên ngoài.

Vì vậy, chúng ta mới có hai loại sân khấu : một là giới chuyên gia thảo luận về giải pháp song phương và đa phương cho kinh tế toàn cầu ; hai là giới lãnh đạo thì phải cho thấy thiện chí giải quyết các bài toán làm dư luận nôn nóng. Nhưng nếu dư luận chỉ chú ý tới cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo của Hoa Kỳ và Trung Quốc thì nỗ lực của Nhật Bản cho Thượng đỉnh năm nay sẽ chẳng có tiếng vang !

Nguyên Lam : Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng truyền thông báo chí sẽ phải theo dõi một lúc hai chuyện gần như trái ngược ? Một là kết quả hội họp của giới chuyên môn, như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương của Nhóm G20, xem họ đề nghị những gì cho kinh tế toàn cầu. Chuyện kia là hội nghị tay đôi giữa vài nguyên thủ để thảo luận về các đề tài bao trùm lên an ninh lẫn kinh tế ?

Đánh trống bỏ dùi

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi e là tình hình còn rắc rối hơn vậy ! Trước khi tới Osaka dự Thượng đỉnh 2019 thì ban tham mưu của giới lãnh đạo các đại cường, như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Liên Âu và Nhật đã phải họp để thảo luận về bản tuyên bố chung ! Thứ nhất, có tuyên bố chung hay không ; thứ hai là nội dung của văn kiện đó sẽ gồm những gì, và vì sao. Văn kiện ngoại giao rất khắc nghiệt mà mơ hồ đó mới cho thấy kết quả thật của Thượng đỉnh năm nay. Hai tuần sau thì thiên hạ lại quên hết vì thế giới có thể gặp một biến cố nghiêm trọng khác....

Nguyên Lam : Như vậy, chuyện đó có khác gì thành ngữ "dã tràng se cát biển Đông, Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì" của chúng ta hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sự tình không đến nỗi thế vì khi gặp nhau nói chuyện thì ít ra người ta cũng khỏi bắn vào nhau !

Trở lại Thượng đỉnh G20, tôi thiển nghĩ các nước có thể rút kinh nghiệm của 20 năm qua mà tìm cách cải tiến. Nhóm G20 thiếu một "bộ nhớ" nên năm nào cũng làm trước quên sau. Mỗi thế hệ lãnh đạo lên cầm quyền đều thấy ra bài toán mới của họ mà nêu thêm vấn đề nhưng chưa chắc đã giải quyết được, trong khi đó, các vấn đề cũ vẫn còn nguyên vẹn. Vì vậy, người ta đánh trống rồi lại bỏ dùi !

Nếu tiếp thu được bài học đó, có lẽ Nhóm G20 nên cho thành lập một bộ phận chuyên môn gồm dăm ba công chức cao cấp người có thể đảm nhiệm vai trò của cơ quan Tổng thư ký hầu ghi lại và phổ biến cho toàn Nhóm những gì đã được thảo luận và đồng ý xúc tiến về sau này. Đấy sẽ là nền tảng của những gì nên làm.

Nguyên Lam : Vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông kết luận cho chương trình kỳ này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói ra thì ngược đời nhưng Hoa Kỳ vẫn là cường quốc đã lập ra hệ thống toàn cầu có đóng góp cho sự thịnh vượng chung dựa trên các giá trị tinh thần như kinh tế tự do, xã hội dân chủ và luật lệ minh bạch. Ngày nay, trong Nhóm G20, Trung Quốc và cả Châu Âu hết khả năng đó và Nhật Bản còn cố gắng phát huy trong những điều kiện bất lợi. Nhưng bất lợi nhất là khi Hoa Kỳ gây ra ấn tượng là chỉ biết tranh thủ quyền lợi thương mại của mình trong khi vẫn phải căng mỏng phương tiện cho các nước khác có cơ hội thịnh vượng chung.

Nếu Nhóm G20 nhìn ra nghịch lý này thì thiên hạ sẽ được nhờ. Nếu không, truyền thông báo chí vẫn tìm ra đề tài ăn khách cho một Thượng đỉnh G20 !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 28/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 727 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)