Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2019

Tuyên giáo hay bố láo ?

Hoàng Thủy Ngữ

Ngày 15/5/2018 báo SGGP đăng một bài viết có nhan đề "Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam" của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (1)

canbo1

Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương phát biểu tại Hội nghị hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung sáng 5/7/2019 - Ảnh Lê Hiệp

Bài viết được dẫn nhập bằng một loạt kiến thức sơ đẳng về chủ nghĩa dân túy : định nghĩa, nguồn gốc, nguyên nhân tái phát tại các quốc gia Âu Mỹ, phương pháp hùng biện và kỹ thuật của các chính trị gia dân túy khi thuyết trình và ảnh hưởng của chủ nghĩa này đối với quần chúng.

Đó là những kiến thức cơ bản trong giáo trình của các trường trung học phổ thông cấp ở hầu hếcác quốc gia Tây phương. Ngoài ra, nếu chịu khó, chỉ bằng một cái bấm chuột, người ta có thể tìm hiểu cặn kẽ về đề tài này trên internet. Và chỉ với một chút khả năng viết lách cùng những gì đã đọc được, nhiều người có thể giáo đầu hay hơn thế nữa.

Điểm đáng chú ý là cách hành văn của ông Thưởng trong phần dẫn nhập có vẻ nhẹ nhàng và thu hút khi trình bày các kiến thức nhai lại (mặc dù vẫn không tránh được thói quen sử dụng các từ ngữ đao to búa lớn), khác với lối viết "bốc lửa" thường thấy của các bồi bút xã hội chủ nghĩa.

Nhưng rồi mọi thứ chấm dứt ở đó khi ông đặt ra câu hỏi : "Tại sao chủ nghĩa dân túy, phong trào dân túy, các cá nhân theo đường lối dân túy trong thời gian gần đây lại có xu hướng phục hồi, phát triển ?"… "Liệu chủ nghĩa dân túy có xuất hiện ở Việt Nam khi mà trên thế giới nguy cơ của nó đang hiện hữu và có xu hướng mở rộng ?". Sau khi dẫn ra một số nguyên nhân, với tư cách Trưởng ban tuyên giáo trung ương, ông chụp cái mũ dân túy lên đầu của những người không cùng quan điểm chính trị hay lo lắng về những suy đồi trong xã hội, gán cho họ cái tội phản động và đưa ra các biện pháp "phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn" tanh mùi máu.  

Thưa ông Thưởng, câu trả lời là không. Ông đã đặt vấn đề sai từ gốc. Chủ nghĩa dân túy là sản phẩm của các xã hội ở phương trời Tây, nơi thể chế chính trị, cơ cấu tổ chức kinh tế và xã hội, ý thức dân chủ hoàn toàn khác với cái định hướng chính trị và kinh tế của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nói khác, ông đã lồng các vấn đề của xã hội Tây phương vào xã hội Việt Nam, nơi không phải là "mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện các khuynh hướng của chủ nghĩa dân túy, là "dư địa" để nó gây ra những cơn "địa chấn mới" như ông nghĩ.

Rõ ràng khuynh hướng dân túy đang là thách đố lớn đối với các cuộc thảo luận công cộng và nền dân chủ. Nhưng đây là nền dân chủ Âu Mỹ chứ không phải kiểu dân chủ giả hiệu của nhà nước xã nghĩa Việt Nam. Dân chủ tùy thuộc vào việc người dân có quyền tự do ngôn luận, được quyền truy cập thông tin và cơ hội để đánh giá các quan điểm khác nhau, cho dù không đi đến sự đồng thuận nào cả. Dân chủ chấp nhận con người -người dân -  có mục đích, nhu cầu và giá trị khác nhau và không nhất thiết phải đồng ý với nhau. Điều quan trọng là người ta có thể xử lý các bất đồng một cách văn minh và thỏa hiệp khi cần thiết. Do đó, nền dân chủ tự do luôn phải thích ứng, điều chỉnh chứ không định hướng. Thế giới tìm hiểu chủ nghĩa dân túy không phải để "phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn" đầy sát khí như trong huấn thị của ông Thưởng mà để tự thay đổi nếu có sai lầm. Một nhà cầm quyền thiếu sự tôn trọng tiếng nói khác biệt, trấn áp bằng việc ngụy tạo tội danh là chế độ độc tài và bịp bợm.

Ông Thưởng viết : "Trong khi đó, sự cổ súy từ những cây bút có chủ ý hoặc do non nớt về chính trị của một số tờ báo và một số trang mạng xã hội sẽ đem đến sự nhầm lẫn trong đánh giá".

Giành độc quyền thông tin và bình luận là ngón nghề dối trá vô song của Ban Tuyên giáo mà ông là người cầm đầu. Việc chụp cái mũ dân túy một cách khập khiễng lên đầu người khác chứng tỏ sự bất lực và thua kém trong lý luận nếu không muốn nói là ngu dốt . Ngoài ra, ông nghĩ thế nào về cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia, các cuộc biểu tình tự phát của người Việt chống ba dự án đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc hay sau vụ Formosa và việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa và những cuộc biểu tình ở Hồng Kông mới đây. Phải chăng tất cả chỉ vì dân túy ? Tây phương, cái nôi của chủ nghĩa dân túy, chắc phải tìm định nghĩa mới cho thuật ngữ này. Có lẽ họ phải tôn ông làm thầy.

Còn nữa, ông lại tự tố giác mình. Tấm ảnh chụp Donald Trump ôm chặt lá cờ Hoa Kỳ thường thấy trên mạng và tấm lòng trung kiên với Bác và Đảng qua bài viết của ông Thưởng cho thấy "sự đồng hội nhưng không đồng thuyền". Tiếng Anh gọi là "bromance" và Cambrigde Dictionary định nghĩa như sau : "một mối quan hệ gần gũi, thân thiện, nhưng không phải là mối quan hệ tình dục giữa hai người đàn ông" (2). Vì không tìm thấy thuật ngữ này dịch trong các quyển tự điển Anh Việt nên tôi đành phải ví von bằng câu thành ngữ Việt Nam cho phải phép lịch sự. Có thể không đúng lắm nhưng ý chắc cũng không xa. Nhờ ông Thưởng chỉ giáo. Ai cũng biết Trump là populist. Còn cái đảng cộng sản của ông là gì ?

Một đoạn trong bài viết "Populism and communism : "a bromance" (Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cộng sản : "đồng hội nhưng không đồng thuyền") của Richard Heydarian có thê giải đáp phần nào (3) :

"Chất keo đầu tiên buộc họ lại với nhau là sự ác cảm chung đối với chủ nghĩa tự do. Trong khi các chế độ cộng sản chống lại nền dân chủ tự do, cái họ cho là sự hư hỏng của tư bản phương Tây trong xã hội hiện đại thì những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữuphản đối chủ nghĩa này, xem đó là hệ tư tưởng của giới tinh hoa toàn cầu mất gốc.

Hơn nữa, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cộng sản có khuynh hướng nhấn mạnh đến những gì nhà triết học người Anh Isaiah Berlin mô tả như "quyền tự do tích cực", nghĩa là công bằng kinh tế và xã hội thường phải trả gíá cho các "quyền tự do tiêu cực", cụ thể là tự do dân sự và quyền chính trị.

Điểm nổi bật nhất là tính cách và tâm lý tương tự chung của các người dân túy cánh hữu và các lãnh đạo cộng sản. Từ Trump đến Duterte và Tập đều tin chắc rằng họ là người bảo vệ và là cứu tinh của dân tộc mình, đó là chưa nói đến sự thiếu kiên nhẫn của họ đối với "các đối thủ chính trị và các nhà phê bình".     

Mao Trạch Đông viết trong "On Coalition Government"  (Trong chính quyền liên minh), ngày 24/04/1945, như sau : "Để liên kết bản thân với quần chúng, người ta phải hành động phù hợp với nhu cầu và mong muốn của họ. Mọi công việc làm cho quần chúng phải bắt đầu từ nhu cầu của họ chứ không phải từ bất kỳ cá nhân nào, dù có thiện chí đến đâu. Thường về mặt khách quan, quần chúng cần sự thay đổi nào đó nhưng về mặt chủ quan, họ vẫn chưa nhận thức được nhu cầu, chưa sẵn sàng và có quyết tâm thay đổi. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi. Chúng ta không nên tiến hành việc thay đổi cho đến khi, thông qua việc làm của chúng ta, đa số quần chúng đã nhận rõ được nhu cầu và sẵn sàng quyết tâm thực hiện. Nếu không, chúng ta sẽ tự cô lập và tách mình ra khỏi quần chúng. Ngoại trừ khi họ có ý thức và sẵn sàng, bất cứ một công việc nào cần sự tham gia của họ đều chỉ là hình thức và sẽ thất bại… Ở đây có hai nguyên tắc : thứ nhất là nhu cầu  thực tế của quần chúng hơn là những gì chúng ta ưa thích và thứ hai là những mong muốn của quần chúng, họ phải tự quyết định thay vì chúng ta quyết định cho họ".

Mao còn nói : Chủ nghĩa cộng sản phải phấn đấu để giúp người dân nhận thức được những gì phải làm, để thuyết phục họ trước khi hành động. Nếu quần chúng có nhu cầu một nền vô sản chân chính, hoặc vì cần hay muốn, người cộng sản nên cố gắng vươn đến đó. Vì vậy, người theo chủ nghĩa Mác là những người theo chủ nghĩa dân túy, trong ranh giới của tiến bộ vô sản".

Rồi cái giá người dân Trung Quốc phải trả cho những lời đẹp đẽ đó là từ 1945 đến 1975 hàng triệu xác người và một kho tàng văn hóa bị thiêu rụi (1943 – 1976, theo Polska Times).  

Trở lại Việt Nam, Hồ chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam cũng học theo Mao. Hai từ "nhân dân" là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người Việt từ ngày họ Hồ tuyên bố độc lập cho đến nay. Bằng cách nhân danh nhân dân, tay người cộng sản Việt Nam, chỉ riêng giai đoạn 1945-1969, đã vấy máu 1,7 triệu xác người (Polska Times).

Một bài viết quá tầm thường về mặt lý luận và nghèo nàn về kiến thức. Giá trị không hơn một tờ rơi tuyên truyền vụng về. Một kiểu che đậy vừa đánh trống vừa ăn cướp, lộng giả thành chân, gắp lửa bỏ tay người. Đỉnh cao trí tuệ cộng sản chỉ có thế.

Hoàng Thủy Ngữ

(10/07/2019)

(1)  Võ Văn Thưởng, "Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam", SGGP, 15/05/2018

(2) "bromance : a close, friendly, but no sexual relationship between two men", Cambrigde Dictionary

(3) Richard Heydarian, "Populism and communism : a ‘bromance’ ", Opinion Inquirer, 19/06/2018

*****************

Đọc thêm :

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam

Võ Văn Thưởng, SGGP, 15/05/2018

LTS (SGGP) : Liệu chủ nghĩa dân túy có xuất hiện ở Việt Nam khi mà trên thế giới nguy cơ của nó đang hiện hữu và có xu hướng mở rộng ? Để phòng ngừa chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân về những tác hại của chủ nghĩa dân túy, phải hạn chế tối đa "đất sống" của chủ nghĩa dân túy.

Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết có tựa đề "Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam" của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trước xu hướng đáng quan ngại này.

*****

Chủ nghĩa dân túy - một hiện tượng của nền chính trị thế giới

Từ năm 2016, nền chính trị thế giới lại xuất hiện và bùng lên một hiện tượng nổi bật, thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu : chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy.

canbo2

Võ Văn Thưởng : Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Ảnh minh họa

Có thể thấy, chưa bao giờ cụm từ "chủ nghĩa dân túy" được nhắc nhiều đến như vậy trên chính trường và báo chí thế giới, đặc biệt nhân dịp các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý ở nhiều nước Âu, Mỹ. Ngay ở Châu Á, nơi vốn được xem là "bình lặng" trong "cơn địa chấn dân túy" cũng đã có những chính trị gia đạt đến đỉnh cao quyền lực bằng và thông qua những phát ngôn và hành động dân túy. Rất nhiều hãng tin và tờ báo lớn đã giật những tít bài rất kêu trong phân tích tình hình chính trị thế giới năm 2016, 2017 : "Khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi", "Chủ nghĩa dân túy và những cơn địa chấn"… Giới phân tích chính trị thì lo lắng sự thắng thế của làn sóng dân túy có thể dẫn đến những kết quả khó đoán, bất ngờ và tác động bất ổn đến nền chính trị các nước, các khu vực và thế giới.

Sự lo lắng đó là có cơ sở, vì cách mà các nhân vật này thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử của họ có thể hạn chế, thậm chí đảo ngược một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi như : sự ổn định xã hội, bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, tự do thương mại, sự bao dung giữa các dân tộc, tôn giáo, xu hướng hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa…

Góp phần nhận diện chủ nghĩa dân túy và nguyên nhân của nó

Hơn một thế kỷ trước vào năm 1890, thuật ngữ "chủ nghĩa dân túy" được sử dụng rộng rãi tại Mỹ trong phong trào thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Đảng Cộng hòa thường sống tập trung ở đô thị. Nó cũng được sử dụng để nói đến phong trào của các trí thức ở Nga tự ghét bỏ tầng lớp của mình và đồng cảm với giai cấp nông dân, ấp ủ mộng ước xây dựng những "công xã nông thôn" cho giai cấp nông dân dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Từ vai trò tích cực trong tập hợp nông dân đứng lên chống lại Nga hoàng, theo sự phát triển của lịch sử, nó lại trở thành trào lưu tư tưởng cản trở sự phát triển, là một trở ngại cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga (1). Những sai lầm, bản chất phản động, đi ngược lại lý luận của chủ nghĩa Mác của phái này đã bị V.I. Lê-nin phê phán mạnh mẽ trong tác phẩm "Những người bạn dân là thế nào, họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao".

Tuy nhiên, để xác lập một cách hiểu hoàn chỉnh, thống nhất về khái niệm có tính chất phức hợp như chủ nghĩa dân túy là một vấn đề khó. Thống nhất trong nhận định và đánh giá các biểu hiện trong thực tiễn xã hội, chính trị lại càng khó hơn. Những khái niệm như chủ nghĩa dân túy, phong trào dân túy, hành động dân túy, phát ngôn dân túy… được đưa ra trong những bối cảnh, hành động khác nhau có cách hiểu và tác động khác nhau.

Khoa học xã hội xem dân túy như một khuynh hướng tư tưởng và chính trị nhấn mạnh sự tương phản giữa "nhân dân" với tầng lớp "tinh hoa", thể hiện trong những tuyên bố cho là mình đứng về phía "dân thường" (2). Nó như một phong cách chính trị cụ thể, một hình thức hùng biện chính trị hay chiến lược để đạt được quyền lực (3). Sự ra đời của nó được đánh dấu với những biểu hiện dường như "phi chính trị", bằng sự từ chối giới tinh hoa, từ chối những tư tưởng "dòng chính" đang ngự trị để nói lên tiếng nói của người dân có vị trí xã hội thấp…

Có quan điểm xem dân túy như một ý thức hệ, nhưng chỉ là một "ý thức hệ mỏng" (4), không có hệ thống quan điểm riêng, không có nhân tố cấu thành cốt lõi tư tưởng của chính mình nhằm phân biệt với các hệ tư tưởng khác. Ý kiến khác lại xem dân túy là "một phong trào chính trị nhấn mạnh lợi ích, đặc điểm văn hóa và tình cảm tự phát của những người dân bình thường, trái ngược với những người của một tầng lớp đặc quyền" (5). Dưới góc độ phong cách ngôn ngữ và một phương thức hành động, dân túy "là chính sách của kẻ cơ hội tìm cách để giành được lòng tin của quần chúng".

Trong ngôn ngữ hằng ngày ở Châu Âu, Châu Mỹ lẫn ở Châu Á, dân túy thường dùng để chỉ trích một đảng phái, một vài chính trị gia nào đó đang tìm kiếm sự thu hút, ủng hộ của dân chúng và dư luận bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, thậm chí thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài và giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại.

Vì vậy, từ các cách tiếp cận trên, có thể nhìn nhận, khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân. 

Một câu hỏi đặt ra, tại sao chủ nghĩa dân túy, phong trào dân túy, các cá nhân theo đường lối dân túy thời gian gần đây lại có xu hướng phục hồi, phát triển ? Có thể tìm thấy lý do cho sự trỗi dậy ấy từ những nguyên nhân chủ yếu :

1) Sự trì trệ về kinh tế, sự già hóa dân số và mức thu nhập không tăng đã làm cho đời sống người dân, nhất là của những người yếu thế không được cải thiện làm gia tăng sự bất mãn của người dân.

2) Toàn cầu hóa đã đưa đến nghịch lý : công nghệ sản xuất phần lớn được đưa từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia chậm hay đang phát triển, và hàng hóa được chuyển theo chiều ngược lại. Do đó, lợi ích chủ yếu mang lại cho các công ty lớn hoặc đa quốc gia, trong khi đó những người lao động thiếu việc làm hoặc tay nghề thấp mất việc nhưng không có khả năng để tìm việc mới, gây bất bình trong người lao động.

3) Cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã thay đổi mọi mặt của đời sống, từ kinh tế đến quan hệ giữa con người ; quá trình cá nhân hóa thông tin tăng cao, tin giả tràn lan, làm cho người dân hiểu không đủ rõ vấn đề, dễ hoang mang, bị thông tin chi phối, dẫn dắt.

4) Chính sách xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức, chi phí cho chính sách an sinh đối với người già, tàn tật, thất nghiệp hay hưu trí càng tăng làm gia tăng đáng kể số nợ của chính phủ, theo đó, nợ nần luôn đè nặng lên đời sống vốn đã khó khăn của không ít người dân và của xã hội.

5) Sự quan liêu xa rời và thiếu gần gũi với nhân dân của giới quan chức cầm quyền đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa lợi ích và tiếng nói của người dân hoặc của một số tầng lớp dân cư với giới chức cầm quyền hoặc những người có quyền lực trong xã hội.

6) Di dân và di tản toàn cầu, với nhiều lý do, thật sự là thách thức đối với các chính phủ, khoét sâu sự ngăn cách về tâm lý giữa người đến và người sở tại về những khó khăn trong giải quyết, tiếp cận cơ hội, việc làm và phát triển. 

Tóm lại, tình hình biến đổi sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội chưa được giải quyết tốt, lợi ích chính đáng, hợp pháp của số đông người lao động chưa được quan tâm giải quyết hiệu quả… là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các nước Âu, Mỹ hiện nay. Khi nhiều người dân bất mãn trong một thời gian dài, vượt quá giới hạn chịu đựng của họ, mà không có những giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội thích hợp, thì đó chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện các khuynh hướng của chủ nghĩa dân túy, là "dư địa" để nó gây ra những cơn địa chấn mới.

Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện dân túy ở nước ta hiện nay

Các nhà phân tích chính trị cảnh báo : "Có một cơ hội rất thực rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có thể trở thành hiện tượng chính trị quyết định trong thập kỷ tới, không chỉ ở Mỹ hay Châu Âu mà ở khắp các nền dân chủ phát triển" (6).

Liệu chủ nghĩa dân túy có xuất hiện ở Việt Nam khi mà trên thế giới nguy cơ của nó đang hiện hữu và có xu hướng mở rộng? Câu trả lời là: Không có gì là không thể.

Chúng ta phải hết sức cảnh giác với chủ nghĩa dân túy, khi đất nước đang chủ động hội nhập sâu, rộng và toàn diện vào đời sống quốc tế trong quá trình toàn cầu hóa, đòi hỏi "dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội" (7) trong điều kiện "nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân còn hạn chế"… "có lúc, có nơi việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ" (8). Mặt khác, phải thẳng thắn nhìn nhận những yếu tố có tính nguyên nhân như phân tích ở trên đều tồn tại ở những mức độ phức tạp khác nhau trong đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, "việc giải quyết một số vấn đề xã hội chưa hiệu quả, giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng có xu hướng gia tăng" (9) là những điều kiện để các phát ngôn, hành động dân túy bộc phát. 

Sự mong muốn thực hành dân chủ trong một bộ phận nhân dân, khi điều kiện thông tin chưa thật sự đầy đủ để có thể phân biệt rõ giữa dân chủ và dân túy, có thể dẫn đến sự nhầm lẫn giữa dân chủ và dân túy. Mặt khác, khi những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình phức tạp để mưu đồ cá nhân, phe nhóm, dẫn đến nguy cơ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động dân túy.

Để có thể phòng ngừa chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân về những tác hại của chủ nghĩa dân túy, phải hạn chế tối đa "đất sống" của chủ nghĩa dân túy và cần lưu ý một số vấn đề sau :

Một là, phải nhận diện và cảnh giác với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong đời sống chính trị Việt Nam. Có thể đánh giá, ở Việt Nam đã có những biểu hiện bước đầu của phát ngôn, lời nói, hành động mang tính dân túy. Ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện này qua các phát ngôn theo kiểu "nói cho sướng miệng", không đúng chủ trương, đường lối, nguyên tắc của Đảng, bỏ qua những quy định pháp lý, thiếu tính khả thi, vượt quá hoặc không đúng thẩm quyền của một vài cá nhân được sự tung hô của những tờ báo non nớt về chính trị, của một vài "thủ lĩnh" trên mạng xã hội, thu hút được quan tâm của quần chúng vì "lạ khẩu vị". Thực tế ấy đã được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: "Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên" (10). Nó rất gần với những gì đã và đang xảy ra trên thế giới, ở chỗ những phát ngôn, lời nói và hành động mang tính dân túy đã nhất thời lấy được lòng dân vì những cá nhân này đã biết khai thác tâm lý chán ngán của người dân về hình ảnh mô phạm, nhàm chán của các chính trị gia chính thống, "sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh mẽ, cực đoan nhưng dễ hiểu với đa số mọi người, hứa hẹn về quyền lợi cho số đông, thổi bùng ý niệm về sự xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số…" (11). Ở một khía cạnh khác, những cá nhân, những con người hành xử theo hướng dân túy như đã nói ở trên cũng đã thu được những kết quả, trở thành "nhân vật của truyền thông", thậm chí đã từng đạt đến vị trí cao trong nấc thang quyền lực. Công bằng mà nói họ cũng là những người có sức thu hút cá nhân, "hoạt ngôn", tranh thủ được không ít người bằng kiểu hành xử "của người phúc ta" và biết cách "đầu tư" xây dựng các tờ báo, phóng viên "thân hữu", các cây bút mạng có ảnh hưởng. Họ biết "chọn thời điểm để tỏa sáng, thường là những lúc người dân trong xã hội phải đối mặt với những khó khăn trở ngại trong cuộc sống do suy thoái kinh tế, bất ổn an ninh" (12).

Hai là, thực tế trên thế giới cũng cho thấy, sở dĩ người dân tin và đi theo phong trào dân túy hay ủng hộ các nhân vật dân túy cũng vì phần lớn là do sự điều hành kém hiệu quả của chính quyền trong giải quyết những bất bình và bức xúc của người dân, từ đó họ mong muốn có những người đại diện cho công quyền kiểu khác, thậm chí là một chính quyền khác mạnh mẽ và hiệu quả hơn, hiểu họ hơn. Có như vậy, may ra những nguyện vọng và mong ước của người dân mới được đáp ứng. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng yêu cầu: "Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của cơ quan nhà nước; giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ" (13). Chính vì vậy, các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương phải hết sức có trách nhiệm tìm hiểu và hành động để giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, những nguyện vọng, lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân. Hành động của bộ máy cơ quan công quyền các cấp và của mọi cán bộ, công chức thực thi công vụ phải thực sự vì lợi ích chung, vì lợi ích chính đáng của nhân dân và dân tộc, để hành động theo đúng chỉ dạy của Bác Hồ : "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm" ; không chỉ và không thể chỉ vì lợi ích trước mắt, chỉ vì danh lợi cá nhân, chỉ vì tương hợp với "lợi ích nhóm" của mình, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, của dân tộc.

Ba là, tiếp tục kiên định thực hiện một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo chiến lược đối ngoại trong hội nhập quốc tế, với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc theo phương châm "hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi" (14). Điều cần nhấn mạnh là, không chỉ vì quá cảnh giác với chủ nghĩa dân túy mà chúng ta lại tự cô lập, đứng ngoài "cuộc chơi"của thế giới. Song, cũng không phải chỉ vì muốn quan hệ và "làm ăn" mà phải luôn "làm theo đám đông", mà phải chấp nhận, đánh đổi tất cả, và qua đó để cho chủ nghĩa dân túy có điều kiện xâm nhập và nảy sinh ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các kênh đối ngoại và các hoạt động đối ngoại phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, chủ động và mềm dẻo để Việt Nam không bị cô lập với thế giới, không bị lệ thuộc vào thế giới và cũng không bị tác động tiêu cực bởi "chủ nghĩa dân túy".

Bốn là, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trung tâm là đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ ta, là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Như chúng ta biết, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm, đã và đang làm tổn thương lòng tự trọng, danh dự và cũng đòi hỏi, thôi thúc hành động của những đảng viên chân chính, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Trong các biểu hiện ấy, có biểu hiện manh nha của chủ nghĩa dân túy, có biểu hiện là "cơ hội" cho dân túy bộc phát, lên ngôi. Vì vậy, cần nhận thức rõ rằng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là "cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta" (15).

Nắm vững và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những kinh nghiệm xương máu từ truyền thống lãnh đạo cách mạng của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn hệ thống chính trị, tạo chuyển biến về chất trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình, tự sửa đổi lối làm việc, khép mình vào kỷ luật của Đảng, nói và làm theo cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần bồi đắp niềm tin của Nhân dân về một Đảng là hiện thân của giá trị "đạo đức, văn minh". 

Năm là, phải tuyên truyền rộng rãi cho Nhân dân thấy rõ những biểu hiện, nguy cơ và tác hại của chủ nghĩa dân túy. Trong nhiều trường hợp, người dân không thể phân biệt được đâu là người theo hay không theo chủ nghĩa dân túy, dễ nhầm lẫn giữa người vô nguyên tắc, vô chính phủ với người mạnh mẽ đổi mới. Trong khi đó, sự cổ súy từ những cây bút có chủ ý hoặc do non nớt về chính trị của một số tờ báo và một số trang mạng xã hội sẽ đem đến sự nhầm lẫn trong đánh giá. Ngay từ bây giờ, cả hệ thống chính trị và mỗi công dân cần nhận thức rõ, biết cảnh giác và phải từng bước đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy dưới mọi màu sắc. 

Đấu tranh ngăn ngừa và chống chủ nghĩa dân túy xâm nhập là một quá trình bền bỉ, dài lâu, gắn bó mật thiết với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là một phần rất quan trọng của đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng. Phải kiên trì làm công tác tư tưởng, đề cao sự phòng ngừa. Điều này đòi hỏi sự tất yếu và cấp bách phải tăng cường lãnh đạo chỉ đạo của các các cấp ủy, sự vào cuộc của báo chí, truyền thông và sự tham gia tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Võ Văn Thưởng

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

---------------------

(1) Dẫn theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(2) Michael Kazin : Trump và chủ nghĩa dân túy Hoa Kỳ, 1-2/2017

(3) Frank Decker (2004) : Der neue Rechtspopulismus, Opladen, Leske+Budrich, 2. Auflage, S33 (dẫn lại theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(4) Dẫn theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(5) Dẫn theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia

(6) Khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi. Thứ Sáu, 27/01/2017 

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.169

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.168

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.133

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.195

(11) 2016 - Năm dân túy. Ngaynay.vn ngày 05/01/2017 

(12) 2016 - Năm dân túy.  Ngaynay.vn ngày 05/01/2017

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.178

(14) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.155

(15) Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, tháng 12 năm 2016

Quay lại trang chủ
Read 803 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)