Đường lối ngoại giao kỳ lạ của tổng thống Mỹ Donald Trump thường bị đánh giá là ngẫu hứng, thất thường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8/1/2020 về vụ Iran tấn công căn cứ Mỹ tại Iraq. Reuters/Kevin Lamarque
Một trong những ví dụ thường được nêu lên là hồ sơ Bắc Triều Tiên : Trong không đầy một năm, ông Trump đã có thể chuyển ngay từ đe dọa hủy diệt chế độ Bình Nhưỡng sang ca ngợi Kim Jong-un, lãnh đạo nước này. Cách ông xử lý vấn đề Iran, trong những tuần lễ qua lại làm dấy lên những lời chỉ trích về mâu thuẫn giữa ý muốn rút Mỹ ra khỏi vùng Trung Đông và nguy cơ bị kẹt trong vòng xoáy trả đũa và trừng phạt khó kiểm soát được.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhật báo Pháp Le Monde ngày 09/01/2020, trên hồ sơ Iran, đương kim tổng thống Mỹ rất nhất quán. Ngay từ lúc bước chân vào Nhà Trắng, Donald Trump đã chuẩn bị một cách có phương pháp việc rút Mỹ ra khỏi hiệp ước hạt nhân mà người tiền nhiệm đã ký kết năm 2015, trước khi áp đặt chính sách "áp lực tối đa" không chút thương tiếc trên nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Đối với Le Monde, có hai sự kiện đã ghi dấu ấn lâu dài lên nhà tỷ phủ nay đã trở thành tổng thống Mỹ : Cuộc khủng hoảng con tin ở sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran năm 1979 và cú sốc dầu hỏa lần thứ hai cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980.
Một cuộc nói chuyện năm 1980
Ghi nhận đầu tiên của Le Monde là ngay từ năm 1980, khi chỉ mới là một doanh nhân thành đạt 34 tuổi, Donald Trump đã lần đầu tiên công khai tỏ thái độ căm hận Iran sau vụ người Mỹ bị chế độ Hồi giáo Iran bắt làm con tin tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran trước đó một năm.
Cho đến gần đây, khi đề cập đến những quan điểm của ông Donald Trump về thời cuộc, người ta thường nhắc đến một tờ quảng cáo vận động tranh cử của ông vào năm 1987, khi lần đầu tiên ông nghĩ đến việc ra tranh chức tổng thống Hoa Kỳ. Tờ quảng cáo này mang những chủ đề mà sau này khi đã là tổng thống Mỹ, ông Trump vẫn nhắc đến, trong đó ông đả kích thái độ "thiếu tôn trọng đối với nước Mỹ" mà nhiều nước đã biểu lộ, kể cả những nước chịu ơn của Washington. Theo ông, các nước này đã lợi dụng sự che chở và điều được cho là lòng hảo tâm của Mỹ.
Tuy nhiên, trong một bài viết lý thú công bố hôm 07/01/2020, theo chân các sử gia Brendan Simms và Charlie Laderman, tác giả một quyển sách về nguồn gốc thế giới quan của tổng thống Trump, ông Thomas Wright, giám đốc chương trình Mỹ-Châu Âu của Trung tâm tham vấn Brookings Institution tại Washington, đã trưng ra một bằng chứng khác cho thấy lập trường của ông Trump về Iran.
Quan điểm đó đã được ông Trump nêu lên trong một cuộc nói chuyện hôm 06/10/1980 trên đài truyền hình Mỹ NBC, không phải với một chuyên gia về quan hệ đối ngoại, mà là với Rona Barrett, một nữ phóng viên nổi tiếng trong làng giải trí thời đó.
Một quốc gia phải được các nước khác tôn trọng
Theo Le Monde, phần lớn cuộc nói chuyện liên quan đến những thành công đầu tiên của doanh nhân Donald Trump ở New York, những suy nghĩ của ông về sự giàu sang và ý nghĩa của nó. Nhưng nhân câu hỏi về việc nước Mỹ phải được nhìn như thế nào, Donald Trump, có lẽ lần đầu tiên, đã nói đến việc "một quốc gia phải được các nước khác tôn trọng", trước khi đề cập thẳng đến vụ con tin Mỹ bị Iran cầm giữ sau một cuộc tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979.
Vào lúc ấy, ông Trump đã nói nguyên văn như sau : "Việc họ có thể bắt giữ người Mỹ chúng ta làm con tin là hoàn toàn khôi hài. Việc đất nước (Mỹ) này đã xuôi tay và cho phép một nước như Iran giữ người của chúng ta làm con tin là điều khủng khiếp, và tôi không nghĩ là họ dám làm như thế với những nước khác".
Khi được hỏi là ông có tán đồng một sự can thiệp quân sự hay không, thì nhà địa ốc trẻ trả lời : "Tôi nghĩ là có. Theo tôi, đất nước chúng ta giàu dầu hỏa, và lẽ ra chúng ta nên can thiệp, và tôi rất thất vọng về việc chúng ta đã không làm. Tôi nghĩ là không ai có thể trách cứ chúng ta. Chúng ta có đầy đủ thẩm quyền để can thiệp vào lúc đó. Tôi nghĩ là chúng ta đã để lỡ một cơ hội"…
40 năm sau, lịch sử rõ ràng như đang tái diễn, trong bối cảnh đương kim tổng thống Mỹ tìm cách làm cho hành động của ông trong mọi vấn đề tách biệt hẳn so với người tiền nhiệm.
Cảm nhận bị hạ nhục
Đối với Le Monde, cuộc nói chuyện năm 1980 cũng phơi bày nỗi ám ảnh của ông Trump về dầu hỏa, cho thấy tác động lâu dài, đối với nhân vật lúc đó mới ở độ tuổi 30, của cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ nhì liên quan đến cách mạng ở Iran, và cuộc chiến do Iraq khởi động một tháng trước cuộc nói chuyện với Rona Barrett.
Nỗi ám ảnh đó đã xuất hiện nhiều lần sau này, nhất là khi ông Trump tỏ ý tiếc rằng Hoa kỳ đã không "lấy dầu hỏa" của Iraq sau khi đưa quân qua Iraq vào năm 2003 để triệt hạ Saddam Husein.
Dầu hỏa là yếu tố mà Lầu Năm Góc đã nêu bật vào mùa thu năm ngoái để duy trì một lực lượng đặc biệt ở vùng đông bắc Syria nhằm chống lại sự khôi phục lực lượng của Daesh, mặc dù ông Trump đã nhiều lần tỏ ý muốn rút quân. "Chúng ta giữ lại dầu hỏa", tổng thống Mỹ đã bình luận một cách hài lòng như trên ngày 28/10/2019, sau khi thông báo quyết định bố trí lại lực lượng đặc biệt Mỹ chung quanh các mỏ dầu hỏa của Syria, cho dù, theo các chuyên gia về luật quốc tế, đó có thể là một tội ác chiến tranh.
Quyết định tiêu diệt tướng Iran Qasem Soleimani, sau vụ tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad do những nhóm Iraq thân Iran tiến hành, cũng gợi lại cảm nhận về việc bị làm nhục sau vụ cơ quan đại diện Mỹ ở Tehran bị tấn công hồi năm 1979.
Ngày 04/01, ông Trump đã đe dọa tấn công 52 mục tiêu của Iran trong trường hợp nước Cộng hòa Hồi giáo trả đũa, một con số gợi nhắc lại 52 con tin người Mỹ bị Iran cầm giữ trong sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran trong suốt 444 ngày kể từ ngày 4/11/1979.
Như để cho mọi người hiểu rõ, cố vấn của ông Trump, bà Kellyanne Conway, hai hôm sau đã nhấn mạnh trở lại rằng con số 52 đó là "số lượng con tin mà họ (Iran) đã cầm giữ cách đây 40 năm khi vị tổng thống rất nhu nhược Jimmy Carter, lãnh đạo nước Mỹ. Họ đã bắt người Mỹ chúng ta làm con tin và tất nhiên đã thả ra khi tổng thống Reagan lên nhậm chức".
Nỗi ám ảnh bị xem là yếu đuối
Theo nhận định của Le Monde, từ ngày bước chân vào chính trường, ông Donald Trump đã luôn luôn trau dồi hình ảnh người hùng của mình, cho dù ông vẫn muốn Mỹ đoạn tuyệt với vai trò "sen đầm quốc tế" có từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc. Ông Trump luôn bị nỗi lo ngại bị coi là một tổng thống "yếu đuối" ám ảnh.
Tờ báo Pháp kết luận : Cái chết của một công dân Mỹ trong vụ pháo kích của dân quân Iraq thân Iran, rồi vụ tấn công đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã khơi dậy nỗi ám ảnh đó. Có lẽ đây là yếu tố cơ bản để hiểu những quyết định vừa qua của tổng thống Trump.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 13/01/2020