Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/03/2020

Có dễ tinh giản biên chế Bộ Tài chính ?

Diễm Thi

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 378/QĐ-BTC đưa ra mục tiêu, nội dung và tiêu chí để thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 để thực hiện trong các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc.

btc1

Năm 2016 khoe khoang thành tích giảm 3.000 công chức trong tổng số 3.000.000 triệu công chức, nhưng thực tế lại tăng 123.000 viên chức, cũng là biên chế nhà nước Ảnh minh họa - AFP

Chương trình cũng đề ra mục tiêu tinh giản biên chế của cả giai đoạn 2015 - 2021 đạt tối thiểu là 10% so với số biên chế được cấp thẩm quyền giao trong năm 2015.

"Tinh giản biên chế" được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.

Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách (bao gồm : Ngân sách nhà nước ; thuế ; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước ; dự trữ nhà nước ; các quỹ tài chính nhà nước ; đầu tư tài chính ; tài chính doanh nghiệp ; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể ; tài sản công theo quy định của pháp luật) ; hải quan ; kế toán ; kiểm toán độc lập ; giá ; chứng khoán ; bảo hiểm ; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Với cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính hiện nay thì con số 10% biên chế không phải là nhỏ. Liệu việc tinh giản này có khả thi hay không ?

Chuyên gia Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả thuộc Bộ Tài chính nhận định :

"Họ tinh giản 10% là đúng do dựa theo chủ trương chung của Nhà nước. Điều đó không có gì sai. Họ đề nghị vậy vì cả cái hệ thống chính trị hiện nay rất cồng kềnh, bộ máy cồng kềnh. Đâu cũng thế thôi. Chính vì thế chủ trương chung của nhà nước là phải tinh giản. Không phải tất cả đều 10% mà có nơi nhiều hơn, nơi ít hơn.

Riêng Bộ Tài chính, vừa qua họ sát nhập các cục thuế lại, tinh giản thu gọn các cơ quan thuế lại với nhau, các cơ quan kho bạc lại với nhau. Nói chung là đã tinh giản được rất là nhiều.

Thực tế nó dôi ra rất nhiều. Nếu tinh giản hay sát nhập lại vẫn hoạt động tốt, không có gì cản trở, ví dụ như bên hải quan".

Những nghị định, thông tư về tinh giản biên chế được chính phủ bắt đầu đưa ra từ năm 2007, theo từng 5 năm.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, sau bốn năm thực hiện nghị định 132 về tinh giản biên chế (từ năm 2007-2011), tính đến năm 2012 tổng số biên chế cán bộ, công chức (không bao gồm viên chức và biên chế Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) từ trung ương đến cấp huyện tăng lên 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế) ; cán bộ, công chức cấp xã tăng lên 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế). Như vậy, 4 năm tăng thêm hơn 56.000 người.

Bộ Nội vụ đề xuất mục tiêu từ năm 2014-2020 tinh giản biên chế 100.000 người, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

Giáo sư Tương Lai, Cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói về việc tinh giản biên chế :

"Vấn đề nó quá rõ rồi, bởi vì một cái ngân sách như thế và phải nuôi số lượng người trong biên chế gồm viên chức nhà nước, quân đội, công an và tất cả các đoàn thể… thì không có một ngân sách nào có thể chịu được".

Mục đích của việc tinh giản biên chế là nhằm tạo ra một bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả và tiết kiệm ngân sách nhà nước. Muốn tiết kiệm thì phải thu gọn bộ máy nhân sự cồng kềnh hiện nay.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc này không dễ dàng thực hiện vì sẽ thừa ra rất nhiều lãnh đạo. Thí dụ trước đây có ba, bốn cấp trưởng, năm, sáu cấp phó. Bây giờ chỉ còn một cấp trưởng, hai cấp phó thì số còn lại giải quyết ra sao ?

Ngược lại, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng nhà nước có nhiều cách để giải quyết số dôi dư, trong đó có việc cho tự nguyện nghỉ việc hưởng một số quyền lợi. Tuy vậy, ông thừa nhận việc này rất khó xảy ra trong lĩnh vực tài chính, được ông gọi là "màu mỡ". Ông giải thích thêm :

"Nó có chế độ cho những người trong diện bị tinh giản. họ thu gọn bằng cách các trưởng phòng thì xuống phó phòng ; các phó phòng thì xuống nhân viên. Có những vị trí thừa thì chuyển chỗ khác. Có những người gần đến tuổi nghỉ hưu thì họ sẵn sàng nghỉ trước.

Có những quyền lợi khi nghỉ việc sớm mà họ thấy phù hợp thì họ nghỉ.

Nhưng trong lĩnh vực tài chính thì ít người tự nguyện nghỉ lắm vì họ có làm ăn, có lợi ích màu mỡ trong đó".

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2019 vào sáng 15/1/2019, Bộ Nội vụ dự kiến năm 2019 sẽ giảm 44.500 biên chế hưởng lương.

Lúc bấy giờ Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tỏ ra không tin việc này sẽ thành hiện thực. Ông dẫn chứng con số tinh giản biên chế từ năm 2011 đến 2016 để chứng minh :

"Năm 2016 khoe khoang thành tích giảm 3.000 công chức trong tổng số 3.000.000 triệu công chức. Nhưng thực tế giảm được 3.000 công chức thì lại tăng 123.000 viên chức, cũng là biên chế nhà nước.

Công chức thì thuộc khối quản lý nhà nước và viên chức thì thuộc khối sự nghiệp có thu, tức là những đơn vị thuộc các bộ ngành trung ương mà có hoạt động công ích hoặc hoạt động kinh doanh nhưng không phải là đơn vị doanh nghiệp độc lập. Nhìn vào thành tích như vậy để thấy là không có gì cải thiện".

Tại buổi gặp mặt các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan trung ương tại miền Trung vào đầu năm 2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm : "Khát vọng dân tộc Việt Nam thịnh vượng, hùng cường là một yêu cầu, cần được quan tâm hơn, có ý chí mạnh mẽ hơn, chứ cứ bình bình, cứ sáng cắp ô đi tối cắp về, không làm gì, không hành động thì khó phát triển".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 31/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 469 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)