Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2020

Sau Covid-19 : sinh hoạt kinh tế Việt Nam rất khó vực dậy

Nhiều tác giả

Mặt trời đang lịm dần ở Việt Nam

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 19/04/2020

Từ cuối tháng 12/2019 đến tháng Tết nguyên đán 2020, người ta hay nhắc đến ví von ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’ mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn nhá trong phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra trong hai ngày 30 và 31/12/2019, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Giờ thì mặt trời đang lịm dần ở Việt Nam.

ktvn1

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 6, tăng trưởng GDP quý II dự báo giảm khoảng 2% so với cùng kỳ, thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu.

Giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước giảm 25% trong quý II và thu hẹp đà giảm về 15% trong các quý sau của năm 2020. Tương tự, giá trị thương mại nội địa cũng sụt giảm 30%. Lĩnh vực du lịch, khách sạn sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi dự kiến giảm 30-40% về lượng khách, doanh thu cũng ước giảm 40%, số lượng việc làm giảm 30-40%. Lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ chứng kiến sự thay đổi khi dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng trưởng 25-40%, còn dịch vụ phụ trợ giảm 20-40%.

Mặt trời đang lịm dần còn vì những chủ trương được ghi nhận, là chẳng đâu vào đâu ở mùa dịch đến từ con virus Vũ Hán bên Trung Quốc.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kể câu chuyện nghe cứ như đùa về quyết sách : Để hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, nhà nước đưa ra chính sách cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng trong trường hợp do 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc, hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh (theo công văn 860/bảo hiểm xã hội –BT ngày 17/3/2020 của bảo hiểm xã hội Việt Nam.

"Tính đến nay, hầu hết các doanh nghiệp phản hồi đều không được thực hiện. Lý do : Trong điều kiện khó khăn, không ổn định và doanh thu không có vì hiện tại các đơn hàng xuất khẩu đều bị hoãn và hủy, các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng và phân chia lịch làm việc của công nhân cho phù hợp để ổn định đời sống người lao. Như vậy, doanh nghiệp không thể đạt được tiêu chí "50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh" để doanh nghiệp được hưởng chính sách về bảo hiểm xã hội theo công văn 860/BHXH-BT". Ông Trương Đình Hòe nói.

Theo đánh giá và ý kiến của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc, hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh, thì doanh nghiệp gần như đã "chết lâm sàng". Với nguy cơ này thì gần như doanh nghiệp sẽ cận kề phá sản và không thể có thể vực lại được sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Như vậy, doanh nghiệp không thể xoay sở nguồn vốn để đóng các khoản phí.

"Việc doanh nghiệp chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp vì chưa có 1 tiêu chí hay thước đo cụ thể, hơn nữa dấu hiệu thiệt hại đều ở tương lai, vì hàng tồn kho, hợp đồng, doanh thu, tạm ngưng… đều là dấu hiệu suy giảm trong tương lai. Việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm. Như vậy, có thể thấy tiêu chí trong CV 860/BHXH-BT của bảo hiểm xã hội Việt Nam để cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng là không có tính thực tiễn, khó khả thi áp dụng trong thực tế và cuối cùng là mất đi tính hỗ trợ như mục tiêu mong muốn". Ông Trương Đình Hòe nhận định.

Với những chính sách mang tính hỗ trợ kiểu như nói trên, nên không quá ngạc nhiên khi Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra dự báo quý II, dù ở kịch bản nào, cũng tăng trưởng âm. Nếu dịch Covid-19 trong nước được khống chế hoàn toàn giữa tháng 5, và các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường thì tăng trưởng GDP quý II vẫn âm 3,3%. Ở hai kịch bản còn lại, tác động xấu nhất của Covid-19 với nền kinh tế sẽ xuất hiện trong quý II, III, thì tăng trưởng GDP quý II sẽ âm 4,9-5,1%.

Việt Nam đang chờ một bình minh mới.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 19/04/2020

*******************

Cúm Vũ Hán : Nền kinh tế Việt Nam đang dần suy sụp

Trung Nam, Thoibao.de, 17/04/2020

Việt Nam vừa đang ở trong ngày cuối của 15 ngày cách ly xã hội và hiện đứng trước câu hỏi : cần tiếp tục cách ly nghiêm ngặt hay nới lỏng dần để kích hoạt lại guồng máy kinh tế ?

ktvn2

Hình ảnh thầy giáo John người Anh với tấm bảng "Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn !" khiến nhiều người chạnh lòng. Thầy có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, nhưng bị thất nghiệp 3 tháng và lâm vào cảnh khó khăn. Sau khi được người dân Sài Gòn ủng hộ tổng cộng 48,3 triệu đồng, thầy John chỉ giữ lại 12 triệu đồng đủ để đóng 2 tháng tiền trọ còn thiếu ; 36,3 triệu đồng còn lại ông xin gửi cho người khó khăn hơn. Ảnh minh họa

Đầu tuần này, hình ảnh một người ngoại quốc đứng bên lề đường Thành phố Hồ Chí Minh xin tiền mua thức ăn đã trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận. Bên cạnh lời bình về sĩ diện, về lòng nhân ái, khía cạnh kinh tế của câu chuyện đã châm ngòi cho các trao đổi nghiêm túc.

Cũng trong tuần, người ta đã chứng kiến một số người dân nghèo chen lấn, xô đẩy tại một điểm ATM phát gạo từ thiện ở Hà Nội.

Nếu hình ảnh "ông thầy Tây" minh họa sống động cho viễn cảnh người ta có thể chết đói trước khi chết do nhiễm Cúm Vũ Hán, thì cũng đã lâu rồi người ta mới chứng kiến một sự cố chen lấn như thế tại thủ đô.
Ngày 15/4 là thời điểm kết thúc cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một câu hỏi lớn được đặt ra : tiếp tục cách ly để kiểm soát dịch bệnh hay nới lỏng dần để nền kinh tế vận hành trở lại ?

Dịch bệnh khiến hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và nội địa suy giảm, ngưng trệ

Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư, quý 1/2020 có gần 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước).

Một khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

Doanh nghiệp khó khăn, giải thể kéo theo người lao động thất nghiệp. Theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tháng 2 có 47.164 người đăng ký nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 59,2% so với tháng 1 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi Việt Nam áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt từ 1 đến 15/4, tình hình kinh tế càng trở nên khó khăn hơn.

Trong khi chủ trương "chống dịch như chống giặc" đã mang lại thành công bước đầu trong ngăn chặn dịch bệnh, bài toán kinh tế khó giải hơn nhiều.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đưa ra ví dụ minh họa :

"Thành phố Hồ Chí Minh năm nay dự định thu 405.000 tỷ, tương đương mỗi ngày thu 1.100 tỷ đồng, tức 50 triệu USD. Cứ mỗi ngày cách ly là thành phố chẳng những mất khoản thu đó mà còn phải chi biết bao nhiêu tỷ cho việc điều trị, phòng dịch, cứu trợ dân".

Trao đổi với BBC News tiếng Việt, tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá :

"Cách ly xã hội giúp Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh, đảm bảo không bùng phát ngoài tầm kiểm soát, nhưng nó làm đóng băng gần như hoàn toàn sự vận hành của kinh tế".

Trước câu hỏi liệu có nên nới lỏng, kích hoạt dần các hoạt động kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ :

"Đây là một lựa chọn khó. Chắc chắn nếu thấy dịch được kiểm soát thì nên nới lỏng từng phần, từng địa phương theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương để tránh tổn thất kinh tế. Lưu ý các doanh nghiệp mà chết có khi còn nguy hiểm hơn".

Bà Vũ Kim Hạnh nhìn nhận việc đảm bảo "mục tiêu kép" là vô cùng khó khăn :

"Hiện các nước chia sẻ nhận thức về hai nhiệm vụ cấp bách là : giữ và cứu tính mạng người dân là quan trọng nhất, thứ nhì là sức khỏe tính mệnh doanh nghiệp, cũng là của nền kinh tế. Trong các giải pháp phòng chống dịch bệnh thì quan trọng nhất là giãn cách xã hội. Và thực hiện giãn cách thì đạt được hiệu quả về y tế nhưng lại phải chịu thiệt hai rất lớn là đóng băng các hoạt đông kinh tế. Tôi tin chính phủ Việt Nam hiểu hơn ai hết là nước mình không có quỹ dự trữ công lớn đến mức có thể an tâm đóng cửa đủ lâu. Nhưng xóa hết giãn cách để bùng phát dịch bệnh thì chắc chắn chính quyền không dám".

Bài toán kinh tế là nội dung trọng tâm gần đây của Chính phủ Việt Nam. Trong các phát biểu chỉ đạo mới nhất, bên cạnh chủ trương "chống dịch như chống giặc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không ngừng nhấn mạnh "mục tiêu kép" và quyết tâm đưa nền kinh tế "bật dậy như lò xo".

ktvn3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 15/4 đã đồng ý với kiến nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương. Ngoài 12 tỉnh, thành nguy cơ cao, thì 16 địa phương có nguy cơ dịch Cúm Vũ hán cũng phải tiếp tục cách ly xã hội đến 22/4

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :

"Không có giải pháp tối ưu và luôn là sự đánh đổi rất khó khăn. Ông Thủ tướng Việt Nam nói phải đạt mục tiêu kép, tức là khống chế bệnh dịch đồng thời phải bảo vệ nền kinh tế. Đó là cách tiếp cận đúng.

Ông ấy cũng bàn nhiều và nghe dư luận để điều chỉnh chính sách (thí dụ xuất gạo). Tôi nghĩ quan trọng nhất là phải nắm rõ tình hình, đưa ra các quyết định chính sách trên cơ sở bằng chứng thì chính sách sẽ tốt hơn".

Để vực dậy nền kinh tế, chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt biện pháp, trong đó có gói hỗ trợ tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng… Cổng thông tin Chính phủ cho biết :

"Chúng ta có ‘cú đấm thép’ là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay".

Về giải pháp, bà Vũ Kim Hạnh phân tích :

"Việc hỗ trợ doanh nghiệp lần này hoàn toàn khác khái niệm hỗ trợ xưa nay. Nên phải cứu doanh nghiệp để cứu nền kinh tế, đó là điều bắt buộc phải làm nếu không muốn kinh tế sụp đổ. Bây giờ thì tựa vào vận hành kinh tế nội địa trong điều kiện tập trung nhất có thể, đồng thời hết sức tranh thủ cơ hội bên ngoài như các hợp đồng thực hiện khẩu trang, thiết bị y tế nếu có".

Doanh nghiệp phá sản tăng cao, số lượng người thất nghiệp, người nghèo tăng

Bàn về việc các địa phương đề xuất tiếp tục cách ly xã hội (từ 1 tuần cho tới cuối tháng 5), tiến sĩ Quang A đánh giá :

"Các lãnh đạo địa phương khó chủ động trong tình huống này (sợ trách nhiệm, Đại hội 13 đang đến gần...) và họ thường thụ động theo hướng siết chặt. Chính vì thế chính phủ nên có các chỉ dẫn rõ ràng. Tôi nghĩ sau 15/4 tốt nhất là mở từng phần, từng địa phương và theo dõi sát sao và điều chỉnh kịp thời".

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng giãn cách xã hội đã mang lại kết quả tốt trong phong dịch, nhưng đồng thời cũng lưu ý :

"Cấm tất thì dễ, cho hồi phục hoạt động kinh tế một phần thì khó hơn nhiều, mà không thể không làm".

Bà cũng chia sẻ thực tế là khó có thể bỏ giãn cách ngay :

"Tôi tin giãn cách sẽ tiếp tục, không thể nào xóa bỏ, quay trở lại bình thường, nhưng tiếp tục như thế nào ? Nên có những nguyên tắc bất di bất dịch. Giãn cách hiện nay vẫn là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để tránh bùng phát. Việt Nam nghèo hơn các nước, chi tiêu để phòng chống dịch không được như các nước giàu. Cũng vì vậy, phải có những cách để nền kinh tế hồi sức lại, chứ không thì sụp đổ".

"Doanh nghiệp mệt mỏi lắm rồi. Hội chúng tôi gồm những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường nhưng cũng than là cứ đóng cửa thế này 2 tháng nữa là họ dẹp luôn vì hàng tồn nhiều và không còn thanh khoản. Tôi đoán là nhà nước sẽ vẫn phải giản cách với các nguyên tắc nghiêm ngặt nhất nhưng cũng đến lúc phải mở ra một phần cho doanh nghiệp làm ăn", bà Kim Hạnh chia sẻ.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng trong bối cảnh phải thực hiện "mục tiêu kép" thì "chính phủ cứ minh bạch với dân, rằng nhu cầu cứu vãn nền kinh tế cần bao nhiêu tiền, nước mình nghèo thì chỉ có sức chi bao nhiêu, kêu gọi dân đóng góp bao nhiêu, đi vay quốc tế bao nhiêu. Và bù vào chỗ thiếu hụt tiền là niềm tin của dân, là cam kết thực thi thật nghiêm túc, hiệu quả, có kỹ luật và sẵn sàng đặt dưới sự kiểm soát của người dân. Bởi đại dịch lần này, tình thế quá khác, quá nghiệt ngã đến mức sống còn thì phải làm như vậy thôi".

Bà cũng nhận xét chính sách hỗ trợ hiện nay còn bất cập, đòi hỏi nhiều thủ tục làm nản lòng người dân và doanh nghiệp.

"Muốn hỗ trợ cho người lao động mà cơ quan thực thi nhất thiết yêu cầu người lao động phải chứng minh rằng công ty mình làm bị thiệt hại nặng đến phá sản vì dịch bệnh thì làm sao chứng minh được ? Hay vay ngân hàng đã túng ngặt rồi mà còn phải trình thế chấp, trình tài sản thế chấp đầy đủ, trình phương án hay hợp đồng bảo đảm trả nợ thì doanh nghiệp ‘bó tay’ thôi", bà nói.

Bà Vũ Kim Hạnh gợi ý giải pháp chính phủ phải có quỹ bảo trợ rủi ro cho ngân hàng, "bởi ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, bằng không thì hai bên sẽ co kéo không lối thoát hay có lối thoát cho… tiêu cực". Bà cũng lưu ý trong bối cảnh hiện tại, chính phủ cần xem xét chỉ đạo hoãn hay cấm bán công ty Việt Nam cho công ty có yếu tố nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng Việt Nam "đã bắt đầu nếm đòn từ sự biến động khôn lường" của thị trường tài chính toàn cầu hiện nay vì đại dịch Cúm Vũ Hán và tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm xuống còn 4,9% cũng như "tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020".

"Trong mấy tháng đầu năm 2020, áp lực lạm phát vẫn tồn tại do giá lương thực và thực phẩm ở mức cao dịp cuối năm kết hợp với khả năng hàng hóa thiếu hụt do những biện pháp hạn chế thương mại nhằm ứng phó dịch Cúm Vũ Hán. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020", World Bank nhận định trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế có tựa đề "Đông Á và Thái Bình Dương thời Cúm Vũ Hán", ra ngày 31/3.

"Việt Nam đã bắt đầu ‘nếm đòn’ từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên, và dòng vốn đầu tư suy giảm".

Tổ chức tài chính quốc tế này nhận định thêm rằng :

"Với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra", nêu dẫn chứng về việc "trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%".

World Bank cho rằng dù viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế "có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020".
Ngoài ra, "áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại".

Bóng ma đại dịch Cúm Vũ Hán cũng đang bao trùm kinh tế Việt Nam

Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của dịch Cúm Vũ Hán tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu dịch Cúm Vũ Hán kéo dài 6 tháng, thì 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.

Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng… Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.

Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì là hàng không, du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ…

Dịch Cúm Vũ Hán còn khiến hoạt động sản xuất có thể trì trệ, thương mại bị hạn chế, nông nghiệp, bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng "dính đòn".

Ngành hàng không bị mất trắng trên 1 tỷ USD

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch có thể tác động làm ảnh hưởng doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng năm 2020.

Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến doanh thu giảm 12.500 tỷ đồng, Jetstar Pacific dự kiến giảm thu nhập khoảng 732,8 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, doanh thu của ngành đã bị sụt giảm tới 25.000 tỷ đồng.

Hôm 15/4/2020, tại Phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý 12 tỉnh, thành kéo dài cách ly xã hội đến 22/4 hoặc 30/4, như vậy với quyết định này thì nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tiếp tục lao dốc hơn nữa, hàng triệu hộ dân nghèo mặc dù được nhà nước hứa đưa ra ngân sách hỗ trợ, nhưng họ gần như chưa nhận được gì mà cái đói thì đã đến từ lâu.

Trung Nam (Đà Nẵng)

Nguồn : tbe, 18/04/2020

********************

Họ có còn kịp mua cơm không ?

Nguyễn Nam, VNTB, 19/04/2020

"Họ có còn kịp mua cơm không ?" – nhà báo Trương Quang Vĩnh, cựu trưởng ban chính trị của báo Tuổi Trẻ, thảng thốt.

ktvn4

Nhiều tổ chức và cá nhân thiện nguyện, họ không phải ban hành nghị quyết và không chờ ai hướng dẫn thực hiện, họ đến với người nghèo bằng tất cả tấm lòng với "nghị quyết" là 2 dòng chữ : "Nếu khó khăn bạn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác".

Nhà báo Trương Quang Vĩnh kể ngày 10/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19, với số tiền 62.000 tỷ đồng. Được báo, đài thông tin là "Quyết định chưa có trong tiền lệ".

Thế nhưng đã 8 ngày trôi qua, trên báo chí, gói hỗ trợ này vẫn còn là những từ ngữ nghị quyết, tinh thần quyết tâm, vẫn còn là những thắc mắc về tiêu chí, điều kiện… Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thì nói cụ thể hơn : Trong tháng 4 này những đối tượng trên sẽ nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ !

"Với những người nghèo, những tấm vé số là những bữa cơm, nên đứt một ngày bán là đứt những bữa cơm trong ngày. Nhiều đối tượng nghèo khác kiếm cơm hàng ngày bằng sức lao động của mình cũng tương tự vậy. Chờ đến tháng 4 này, họ có còn kịp nhận tiền mua cơm không ?" – nhà báo Trương Quang Vĩnh đặt câu hỏi.

Vẫn theo nhà báo Trương Quang Vĩnh, bức xúc trước hoàn cảnh nghèo khó đó, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều tổ chức và cá nhân thiện nguyện, họ không phải ban hành nghị quyết và không chờ ai hướng dẫn thực hiện, họ đến với người nghèo bằng tất cả tấm lòng với "nghị quyết" là 2 dòng chữ : "Nếu khó khăn bạn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác".

Với "nghị quyết" đó, các cây ‘ATM gạo’ đã nở rộ các tỉnh, thành ; đến ATM thực phẩm (*), đến những bữa cơm, những gói quà, đến siêu thị 0 đồng… Và nhiều người trong số họ đã tổ chức gửi những "bữa cơm di động" đưa đến tận tay những ai không còn đủ sức lực để xếp hàng nhận cơm…

Đáp lại, nhiều tổ chức, cá nhân cũng góp sức mình bằng cách góp gạo cho các cây ‘ATM gạo’. Với họ, không có lời tuyên bố, vì lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, và người mù có thể thấy !

Nhà báo Vương Liễu Hằng không giấu sự ngờ vực bằng văn phong ‘cà khịa’ quen thuộc ở cây bút chuyên trách mảng phóng sự xã hội của báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh : "Điều to bự mà triệu triệu con mắt đang chăm chăm nhìn vào hiện nay, là gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ của chính phủ. Gói ấy là gì ? Chừng nào nó mở ra ? Mở ra cho ai hay chỉ là bánh vẽ ?

Nhóm đối tượng hoang mang nhất, là những người không có việc làm cụ thể ở bất kỳ công ty tổ chức nào… Họ sẽ nhận hỗ trợ ra sao và nhận ở đâu ? Trong khi họ mới chính là thành phần cùng khổ nhất ?".

Theo nữ nhà báo Vương Liễu Hằng, câu trả lời thiết thực là cứ bám nơi cư trú, bởi trong quy định, những người thuộc các ngành nghề như : Bán hàng rong, bốc vác, xe ôm, xích lô, bán vé số lưu động, người lao động tại các cơ sở ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe… đều là đối tượng được hỗ trợ !

Thế nhưng cái ngặt cũng lại là ở chỗ đó. Theo quy định thì những đối tượng trên phải đăng ký thường – tạm trú ít nhất 3 tháng kể từ trước 1/4/2020, trong khi có nhiều người lao động, đặc biệt là người bán hàng rong và bán vé số không đủ thời hạn đăng ký trên (mà thậm chí có người còn không đăng ký). Vậy, họ phải làm sao ?

"Sóc Trăng đã làm khá tốt khi chính công ty xổ số đứng ra rà soát những đối tượng bán vé số trên địa bàn để phối hợp hỗ trợ. Tuy nhiên hoạt động linh động kiểu này vẫn tuỳ thuộc vào từng địa phương lẫn… ông chủ tịch phường.

Cú giật thót nhất trong gói là trong danh sách hỗ trợ thấy thành phần… có công cách mạng ( !) Không phủ định giờ đây vẫn chả ít những "mẹ đào hầm từ thủa tóc còn xanh" vẫn bạc mặt vì đói. Tuy nhiên cũng không thể không thấy một hiện trạng khác : Tất cả các cây củi gộc đã, đang, sẽ và có thể là không bao giờ vào lò, thì đều là hậu duệ gần với những thành phần… có công cách mạng !" – nhà báo Vương Liễu Hằng nhận xét.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 19/04/2020

Chú thích :

(*) ATM thực phẩm nhằm giúp đỡ những người nghèo, người yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong đời sống bởi dịch Covid-19. Điểm ATM tại trụ sở báo Người Lao Động nằm ở góc ngã tư Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Sài Gòn không chỉ tiếp sức người nghèo bằng gạo như các cây ATM thông thường khác, mà còn là nơi cung cấp thực phẩm để giúp người nghèo có được bữa cơm tươm tất trong những ngày cách ly xã hội, không có việc làm.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Dzạ Dzũng, Trung Nam, Nguyễn Nam
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)