Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/02/2021

Vài ghi nhận về thành phần nhân sự trong Bộ Chính trị 13

Nguyễn Duy - Lan Anh - BBC tiếng Việt

Vì sao Nguyễn Phú Trọng muốn loại tướng Lương Cường bằng cách "vừa đấm vừa xoa" ?

Trước Đại hội 13, thông tin rò rỉ cho biết ông bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ không còn ở lại Bộ Chính trị, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mà ông Lịch đang nắm ấy chắc chắng sẽ chuyển sang tay người khác.

bct1

Ngày 29/1/2019 ông Nguyễn Phú Trọng phong hàm đại tướng cho Lương Cường và Tô Lâm

Trước Đại hội 13 khá xa, ngày 29/1/2019 lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng phong hàm đại tướng cho ông Tô Lâm bộ trưởng Bộ Công an và ông Lương Cường chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam thì ông Lương Cường là tên tuổi được giới thạo tin đánh giá là có triển vọng. Ai cũng biết rằng Tô Lâm là cánh tay đắc lực cho ông Nguyễn Phú Trọng trong rất nhiều vụ án khó nuốt như vụ Trịnh Xuân Thanh. Có thể nói ông Tô Lâm là công thần dưới thời Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên Lương Cường là một tướng quân đội mà lại là tướng chuyên về tuyên huấn nên ông ta không được dân biết đến nhiều như Tô Lâm. Việc đứng chung hàng với Tô Lâm nhận quân hàm đại tướng do ông Nguyễn Phú Trọng trao cho thì cũng thấy, tầm quan trọng của Lương Cường với Nguyễn Phú Trọng không phải là đơn giản.

Ông Lương Cường tuy làm công tác tuyên huấn trong quân đội, nhưng nói về tư tưởng thì ông Lương Cường là người nhận trách nhiệm truyền đạt tư tưởng của người đứng đầu đảng vào tất cả các sĩ quan trong quân đội. Từ vị trí công tác thì ông Lương Cường rõ ràng là người thân cận với ông Trọng chứ không xa lạ gì. Ông Cường không nổi bằng Tô Lâm vì ông Cường không bắt bớ những vụ án lớn như Tô Lâm mà thôi.

Theo báo Người Lao Động thì "việc Đảng, nhà nước phong hàm Đại tướng đối với ông Tô Lâm và ông Lương Cường thể hiện sự tin tưởng, quan tâm sâu sắc của Đảng, nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang; là sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của mỗi người đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quân đội, công an cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc". Lúc đó khó mà phân biệt được ai có vai trò quan trọng hơn đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Lương Cường đang mất dần lợi thế, vì sao ?

Cá nhân nào mà có thể thay thế được thì rất khó giữ lợi thế, còn cá nhân nào đóng vai trò không thể thay thế thì rất khó mất lợi thế. Ông Tô Lâm là nhân vật rất quan trọng đối với ông Nguyễn Phú Trọng, chính vì vậy người ta đánh giá Tô Lâm sẽ giữ lại chức Bộ trưởng Bộ Công an. Vậy thì liệu rằng, Lương Cường đối vói ông Nguyễn Phú Trọng có quan trọng như Tô Lâm hay không?

Công tác tuyên huấn trong quân đội là công việc rất cần thiết, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông Lương Cường không thể thay thế mà là có rất nhiều sự lựa chọn nữa là khác. Mới đây ông Nguyễn Phú Trọng cho bổ nhiệm ông thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phó tổng cục trưởng tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng ban tuyên giáo trung ương. Ông Nghĩa và ông Lương Cường là người cùng ngành tuyên huấn trong Quân đội, như vậy qua sự cất nhắc này cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng cảm tình ông Nguyễn Trọng nghĩa hơn Lương Cường. Theo đánh giá của giới quan sát, giữa nhiệm kỳ Đại hội 13 thì ông Trọng sẽ đưa ông Nguyễn Trọng Nghĩa vào Bộ Chính trị chuẩn bị để cơ cấu cao hơn. Còn ông Lương Cường thì sao ? Ông đã có hàm đại tướng, và là ủy viên Bộ Chính trị, vậy ông sẽ được cơ cấu vào đâu ?

Ban đầu khi mà ông Nguyễn Phú Trọng phong hàm đại tướng cho ông Lương Cường, theo đó là tuổi của ông Ngô Xuân Lịch tính đến năm 2021 là vượt quá 65 tuổi xem như không còn cơ hội để giữ ghế bộ trưởng bộ quốc phòng. Lúc đó dư luận xôn xao rằng, ông Lương Cường là người mà Nguyễn Phú Trọng sẽ cơ cấu để giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay cho ông Ngô Xuân Lịch. Tuy nhiên đến hội nghị Trung ương 14 diễn ra giữa tháng 12 năm 2020 thì tin rò rỉ cho thấy, trong Bộ Quốc phòng nổi lên một nhân vật mới, đó là Phan Văn Giang. Khi Đại hội 13 diễn ra, cả ông Phan Văn Giang và ông và ông Lương Cường đều trúng cử vào Bộ Chính trị và lúc này Bộ Quốc phòng xuất hiện 2 hổ. Như vậy chuyện đấu nhau tranh chức Bộ trưởng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên theo những gì báo chí đăng tải gần đây cho thấy, hoạt động của ông tổng tham mưu trưởng Phan Văn Giang rất nổi, hầu hết là ông thay thế vai trò của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch. Theo giới am hiểu thì hiện nay Phan Văn Giang có ưu thế hơn trước Lương Cường.

bct2

Ông Lương Cường ngày một mất dần lợi thế

Khả năng ông Lương Cường bị thuyên chuyển đi đâu ?

Hiện nay khả năng ông Lương Cường sẽ ngồi 1 trong 3 vị trí sau : Thứ nhất là ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; thứ nhì là ngồi lại ghế chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam; thứ ba là phó chủ tịch thường trực Quốc Hội. Cần phải phân tích đầy đủ 3 khả năng để biết ông Lương Cường sẽ đi về đâu, và việc điều chuyển Lương Cường thì tất nhiên người ta cũng hiểu ý đồ của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay.

Về ghế Bộ trưởng Bộ quốc Phòng thì tuy ông Lương Cường vẫn còn cửa nhưng cánh cửa đó đang hẹp dần vì ông vấp phải một đối thủ quá mạnh là ông Phan Văn Giang. Báo chí gần đây đã ngụ ý rằng, ông Phan Văn Giang sẽ thay ông Ngô Xuân Lịch đại tướng đương kim Bộ trưởng.

Về ghế tổng cục chính trị thì ông Lương Cường có cửa ngồi lại khá cao khi mà gương mặt sáng giá nhất có thể thay thế ông trong vai trò chủ nhiệm tổng cục chính trị là thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã được Nguyễn Phú Trọng thuyên chuyển về làm trưởng ban tổ chức Trung Ương. Có một chút khó khăn là, quy tắc lâu nay của bộ Quốc Phòng là chỉ có 1 ghế ủy viên bộ chính trị dành cho Bộ trưởng. Với chức ủy viên Bộ Chính trị, ông Lương Cường khó mà được bộ Chính Trị chấp thuận ở lại ghế cũ.

Còn lại ghế phó chủ tịch thường trực quốc hội, ghế mà trước đây bà Tòng Thị Phóng đã ngồi. Tiêu chuẩn của chiếc ghế này là ủy viên Bộ Chính trị, tuy nhiên về thực quyền thì ghế này kém nhất, kém ghế bộ trưởng bộ quốc phòng và thậm chí kém luôn ghế chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu bị đẩy sang ghế phó chủ tịch thường trực quốc hội thì xem như ông Lương Cường như là đại bàng đã bị cắt trụi cánh, không còn khả năng bay xa và săn mồi được nữa.

Nguyễn Phú Trọng vừa đấm vừa xoa Lương Cường, trò chơi khá cáo tay

Ngày 5/10/2015 trước thềm Đại hội 12, ông chủ tịch nước lúc đó là Trương Tấn Sang đã thăng quân hàm đại tướng cho 2 ông là Đỗ Bá Tỵ và Ngô Xuân Lịch. Lúc đó, Đỗ Bá Tỵ nắm chức tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam còn Ngô Xuân Lịch nắm chức chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.

Dư luận đặt cược vào Đỗ Bá Tỵ hơn là Ngô Xuân Lịch vì Tỵ là tướng võ đúng nghĩa, còn Ngô Xuân Lịch chỉ tướng văn không thích hợp lắm với chức bộ trưởng. Tuy nhiên, nhận xét của dư luận không hẳn đã đúng, vì bên trong ĐCS có những nhóm lợi ích đấu nhau, nhóm nào mạnh thì người của nhóm đó sẽ lên chứ không phải xét ở năng lực quản lí.

Đến Đại hội 12 năm 2016, ông Ngô Xuân Lịch trúng cử ủy viên Bộ Chính trị còn ông Đỗ Bá Tỵ thì không, kết quả đó xem như ngã ngũ. Ông Ngô Xuân Lịch đã đá văng ông Đỗ Bá Tỵ ra khỏi chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Để an ủi, ông Nguyễn Phú Trọng đẩy ông Đỗ Bá Tỵ sang làm phó cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một chức hữu danh vô thực. Hành động không để ông Đỗ Bá Tỵ ngồi lại ghế tổng tham mưu trưởng là một cú đấm rất mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng dành cho ông Tỵ. Hành động chuyển ông Tỵ qua làm phó chủ tịch quốc hội là hành động xoa dịu nỗi đau mất quyền lực của ông tướng bại trận Đỗ Bá Tỵ mà thôi. Ông Trọng rất cao cờ, biết vừa đánh vừa xoa để kẻ thất bại không phải điên tiết mà phản đòn.

Hiện nay trường hợp của ông Lương Cường khá giống với ông Đỗ Bá Tỵ trước đây. Cửa vào ghế bộ trưởng đã quá hẹp vì vấp phải đối thủ quá mạnh như Phan Văn Giang. Và như đánh giá của giới thạo tin thì ông Nguyễn Phú Trọng đang ủng hộ Phan Văn Giang và bỏ rơi Lương Cường. Tuy nhiên lỡ ủng hộ Lương Cường vào Bộ Chính trị thì phải bố trí một chiếc ghế cho phù hợp chứ ? Chức tổng tham mưu trưởng thì chỉ dành cho ủy viên Trung Ương, chính vì vậy phải chọn cho Lương Cường chiếc ghế tương xứng. Chiếc ghế đó chính là phó chủ tịch thường trực Quốc hội do bà Tòng Thị Phóng để lại. Một chức cũng thuộc loại vô thưởng vô phạt. Nếu đây là kịch bản đúng thì lại một lần nữa ông Trọng vừa đánh vừa xoa. Với ông Lương Cường, bị loại ra khỏi chiếc ghế bộ trưởng là b đánh đau, và bố trí cho chức phó chủ tịch thường trực quốc hội là xoa.

Tương lai của ông Lương Cường sẽ ra sao ?

Khi bị mất quyền lực thì xem như cơ hội tiến thân đã kết thúc. Nếu từ quân đội mà sang Ban bí thư như ông thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa vừa mới nhận chức trưởng ban tuyên giáo thì đó là đang cơ cấu đi lên. Nếu ở lại Bộ Quốc phòng thì phải lấy được chiếc ghế Bộ trưởng mới hy vọng đi lên. Với trường hợp của ông Lương Cường thì giành chiếc ghế bộ trưởng tuy kết quả vẫn chưa ngã ngũ nhưng khả năng ông thắng Phan Văn Giang là khá khó khăn.

Hầu hết những ai bị đẩy qua Quốc Hội thì xem như quyền lực đã đi xuống, vì nơi đây không có thực quyền. Người cao nhất là chủ tịch quốc hội vẫn là người có quyền lực thấp nhất trong tứ trụ thôi. Quốc hội của nhà nước này thực tế nó chỉ mang tính biểu tượng vì nó chỉ biết bỏ phiếu theo chủ trương của đảng mà dân gian thường giễu cợt là "quốc hội gật". Chính vì vậy, nếu ông Lương Cường bị đẩy sang ghế phó chủ tịch thường trực quốc hội thì xem như tương lai của ông ta sẽ kết thúc.

Hiện tại, cuộc chiến giữa Lương Cường và Phan Văn Giang vẫn chưa ngã ngũ, đợi đến hội nghị trung ương 2 của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì sẽ rõ. Bây giờ, mọi vấn đề chỉ là phân tích chứ chưa thể khẳng định chính xác 100% mà chỉ là có khả năng cao sẽ xảy ra theo chiều hướng như thế. Muốn chính xác, đợi 3 tháng nữa sẽ rõ.

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 25/02/2021

*******************

Bổ nhiệm tướng quân đội làm tuyên giáo, ông Trọng muốn chiến với ai ?

Nguyễn Duy, Thoibao.de, 24/02/2021

Về mặt đảng, ông Trọng là tư lệnh cao nhất trong quân đội với chức chủ tịch quân ủy trung ương. Thông thường, chức trưởng ban tuyên giáo là ủy viên Bộ Chính trị nhưng lần này ông Trọng chọn Thượng tướng quân đội Việt Nam ông Nguyễn Trọng Nghĩa thay thế ông Võ Văn Thưởng. Ông này chỉ là ủy viên trung ương đảng không phải ủy viên Bộ Chính trị. Đây là câu hỏi lớn về vấn đề bổ nhiệm bất thường này.

bct3

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thượng tướng phó tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Khả năng rất cao là ông Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ được cơ cấu bào Bộ Chính trị một thời gian nữa. Cũng giống như ông Nguyễn Văn Nên đã từng bổ về làm bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 10 năm ngoái khi lúc ông này đang là ủy viên Trung Ương Đảng. Và sau đó là ông này chính thức vào Bộ Chính trị, bởi ai cũng biết vị trí Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh phải là ủy viên Bộ Chính trị. Nay ông Nguyễn Phú Trọng cũng chơi bài y hệt như vậy với ông Nguyễn Trọng Nghĩa thì khả năng cao ông Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ được cơ cấu vào Bộ Chính trị trong những lần hội nghị trung ương tiếp theo mà thôi.

Trong một động thái hoàn thiện cơ cấu nhân sự cho dàn lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Việt Nam hậu Đại hội 13 của đảng này, ông Nguyễn Phú Trọng đã đi nước cờ khá bất ngờ đối với nhiều người. Một tướng lĩnh là Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân được bố trí vào Ban Tuyên Giáo là việc làm chưa có tiền lệ. Tuy công các của ông Nghĩa cũng là công tác tư tưởng, nhưng từ quân đội nhảy vào trung ương đảng thì xưa nay hiếm.

Ngành báo chí đảng sẽ trở nên ngột ngạt hơn

Hôm 19/02/2021, cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin ông Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên quán tỉnh Tiền Giang, miền Nam Việt Nam, được ban lãnh đạo Đảng cộng sản bổ nhiệm vào chức vụ này thay thế cho ông Võ Văn Thưởng, cựu Trưởng ban, người vừa trước đó được cử nắm vị trí Thường trực Ban Bí thư của Đảng cộng sản.

Một ông tướng quân đội làm công tác nhồi sọ cho toàn dân. Có thể sắp tới đây báo chí nhà nước sẽ gặp khó khăn với ông tướng này. Bởi những người làm trong quân đội thường họ rất mạnh tay kỷ luật những ai không đúng ý họ. Mỗi bài đăng trên báo, tổng biên tập cần phải cẩn thận nếu không thì rất dễ bị trừng phạt.

Ngày 19/2, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Tham dự hội nghị, có ông Võ Văn Thưởng, ông Lương Cường đại tướng quân đội. Tại hội nghị này ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định số 06-QĐNS/TW ngày 18/2/2021 của Bộ Chính trị về việc phân công Ủy viên Ban Bí thư.

Theo Quyết định số 06, Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Thượng tướng, Bí thư Trung Ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương.

Trước đây ông Nguyễn Trọng Nghĩa làm công tác tuyên giáo cho nửa triệu lính và giờ đây ông ta được Nguyễn Phú Trọng giao trọng trách sẽ là chỉ đạo đường lối quản lý báo chí, truyền thông ở quốc gia có gần 100 triệu dân.

Trong buổi lễ này, ông Võ Văn Thưởng với vai trò là Thường trực Ban Bí thư nói rằng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa được đào tạo cơ bản, được rèn luyện, thử thách trưởng thành trong quân đội, đã trải qua nhiều nhiệm vụ quan trọng từ cơ sở đến lãnh đạo chủ chốt Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Với kinh nghiệm phong phú được tích lũy từ những năm tháng công tác trong quân đội, với sự am hiểu về công tác tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, báo chí, truyền thông và sự gắn bó chặt chẽ của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa với Ban Tuyên giáo Trung ương thời gian vừa qua, Bộ Chính trị tin tưởng đồng chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

bct4

Ông Võ Văn Thưởng trao quyết định bổ nhiệm cho ông Nguyễn Trọng Nghĩa

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa là ai ?

Theo trang tin của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa sinh năm 1962, là Bí thư Trung ương đảng, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ông có trình độ lý luận chính trị Cao cấp, trình độ chuyên môn là Cử nhân Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa quê quán ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Được biết gia tộc Lê -Trương nổi tiếng nắm quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh trước đây cũng có quê quán ở Tiền Giang.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đang rất có triển vọng vào Bộ Chính trị. Nếu đây là sự thật thì phe miền Nam sẽ có thêm một ủy viên Bộ Chính trị nữa vớt vát lại những thất bại ê chề ở Đại hội 13.

Được biết ông Nghĩa được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 vào tháng 01/2016, là Đại biểu Quốc hội khóa 14 ; Mới đây, tại Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, ông được bầu lại là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13. Và tại Hội nghị thứ nhất Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13, ông trúng cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 2012 đến nay, ông được thăng quân hàm Trung tướng năm 2013 và Thượng tướng vào tháng 9/2017.

Ông Nguyễn Trọng nghĩa là nhân tố mới và đang được cất nhắc để nắm những vị trí lớn trong đảng. Rất có thể ông Nghĩa rẽ sang bang tuyên giáo để đi lên vì nếu ở trong quân đội, ông vẫn phải ở sau cái bóng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đây là một động thái khá bất ngờ, bởi vì trong danh sách nhân sự người ta dự kiến, ông Nguyễn Trọng Nghĩa được sắp xếp để sẽ lên làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, mà bổ nhiệm như hôm nay sẽ làm xảy ra một khả năng khác. Đó là Đại tướng Lương Cường có thể sẽ ở lại vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng nếu điều đó xảy ra thì cũng vẫn phù hợp, bởi vì chức cụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam rất quan trọng, bởi vì như chúng ta biết rằng từ trước tới nay, chức vụ này không chỉ quan trọng trong quân đội Việt Nam, mà từ chức vụ này, người ta vẫn đưa người từ quân đội ra ngoài làm các việc của dân sự, việc của đảng.

Ông Trọng muốn tăng số lượng ủy viên Bộ Chính trị trong Ban bí thư để củng cố vị thế trước Phạm Minh Chính ?

Hiện nay, quân đội đã có 2 ủy viên Bộ Chính trị là ông Lương Cường và Phan Văn Giang. Bao nhiêu đó đã quá chật chội nếu ông Nguyễn Trọng Nghĩa vẫn tiếp tục ở lại Bộ Quốc phòng. Hiện nay ông Nghĩa đã có quá trình công tác 42 năm ở trong quân đội, mà chủ yếu ông làm công tác đảng trong quân đội, tức là làm chính trị viên, rồi lên tới làm chính ủy, rồi lên các cấp cao hơn, trong công tác đảng đó có một phần gọi là công tác tổ chức nhân sự của quân đội. Rõ ràng nhìn một lý lịch như thế có thể thấy rằng ông có đậm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác đảng, công tác nhân sự và công tác chính trị quân sự trong quân đội mà thôi.

Nếu kéo ông qua làm trưởng ban tuyên giáo, ắt ông Nguyễn Phú Trọng có dự định gì đó. Thông thường trong Ban bí thư có khoảng 5 ủy viên bộ chính trị, có lẽ lần này ông Trọng muốn bố trí ông ủy viên trung ương đảng làm trưởng ban tuyên giáo để sau cho Ban bí thư có 6 ủy viên bộ chính trị sẽ áp đảo chính phủ của Phạm Minh Chính. Rất có thể, chính phủ có từ 3 đến 4 ủy viên Bộ Chính trị.

Bước đi này của ông Trọng chưa được định hình rõ lắm, nhưng dường như ông Trọng đang muốn tăng số lượng ủy viên Bộ Chính trị trong bộ máy đảng trung ương mà ông đang nắm. Ông Trọng vẫn đang thủ rất chắc thế và lực để không một thế lực nào có thể vượt qua ông được.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng là một trường hợp bẻ lái từ Quân đội sang ban tuyên giáo. Ông không có kinh nghiệm về các lĩnh vực mà Ban tuyên giáo Trung ương có nhiệm phải làm. Ví dụ như không thể thấy được mối liên hệ giữa công việc ông ấy đã làm với những nhiệm vụ về đường lối, chính sách khoa học – công nghệ, rồi văn hóa, giáo dục, truyền thông, báo chí… chưa thấy mối liên hệ đó. Tuy nhiện việc thiếu kinh nghiệm không thành vấn đề, vấn đề là ông Nguyễn Phú Trọng cần một cá nhân kề vai sát cánh với ông để hỗ trợ ông có thế mạnh hơn đối thủ khác mà thôi.

Mục tiêu kép của ông Trọng ?

Nếu trong một vài năm tới mà ông Nguyễn Trọng Nghĩa mà vào ủy viên Bộ Chính trị thật sự, thì đó là cách mà ông này vào Bộ Chính trị một cách không chính thức. Còn nhớ năm 2013, ông Trọng cũng dùng cách này để đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị nhưng thất bại bởi khi đó còn có thế lực Nguyễn Tấn Dũng đủ mạnh để chặn ý đồ này. Tuy nhiên ở Đại hội 13 này thời thế đã khác, ông Trọng vẫn đang là thế lực mạnh nhất. Thế lực Phạm Minh Chính đang lên nhưng chưa có dấu hiệu đối đầu với thế lực ông Nguyễn Phú Trọng, vậy nên dự đoán rằng, việc đưa ông Nguyễn Trọng Nghĩa vào Bộ Chính trị cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Năm 2013, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng vào Bộ Chính trị theo đường không chính thức và cuối cùng bà lại được bố trí vào tứ trụ. Những người vào Bộ Chính trị không chính thức, thông thường phải có thế lực rất mạnh đỡ đầu họ mới vào được, nên khả năng leo cao của họ là khá tốt.

Động thái đưa ông Nguyễn Trọng Nghĩa vào Ban Tuyên Giáo cho thấy ông Trọng muốn dùng ‘bàn tay sắt’ để trị dân trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì thực sự ra là rất khó dự đoán. Đây là mục tiêu thứ nhất. Còn mục tiêu còn lại là muốn tăng số lượng ủy viên Bộ Chính trị dưới trướng để củng cố vị trí vững chắc cho bản thân ông. Đó chính là mục tiêu kép của ông Trọng, vừa muốn trị dân vừa muốn thế lực của mình vẫn bất khả chiến bại như 5 năm qua. Và liệu mục tiêu kép này có thành công hay không thì có lẽ đợi vài năm là có câu trả lời xác đáng.

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 24/02/2021

*********************

Việt Nam : Tướng quân đội tràn sang ngành tuyên giáo

Trong một động thái kiện toàn nhân sự cho dàn lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Việt Nam hậu Đại hội 13 của đảng này, một tướng lĩnh là Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vừa được Bộ Chính trị Đảng cộng sản cử nắm chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đảng.

bct5

Thượng tướng quân đội Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa (trái) được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam cử giữ chức vụ mới, thay thế ông Võ Văn Thưởng (phải) làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng.

Hôm 19/02/2021, cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên quán tỉnh Tiền Giang, miền Nam Việt Nam, được ban lãnh đạo Đảng cộng sản bổ nhiệm vào chức vụ này thay thế cho ông Võ Văn Thưởng, cựu Trưởng ban, người vừa trước đó được cử nắm vị trí Thường trực Ban Bí thư của Đảng cộng sản.

"Ngày 19/2, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Tham dự hội nghị, có các  : Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương", báo Nhân dân của Đảng cộng sản Việt Nam đưa tin hôm thứ Sáu.

"Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định số 06-QĐNS/TW ngày 18/2/2021 của Bộ Chính trị về việc phân công Ủy viên Ban Bí thư.

"Theo Quyết định số 06, Bộ Chính trị phân công đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Thượng tướng, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư. Đồng chí Võ Văn Thưởng đã trao quyết định, tặng hoa và chúc mừng đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa".

Cùng ngày, trang thông tin điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam cho biết thêm :

"Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chúc mừng Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được Bộ Chính trị phân công đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

"Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa được đào tạo cơ bản, được rèn luyện, thử thách trưởng thành trong quân đội, đã trải qua nhiều nhiệm vụ quan trọng từ cơ sở đến lãnh đạo chủ chốt Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với kinh nghiệm phong phú được tích lũy từ những năm tháng công tác trong quân đội, với sự am hiểu về công tác tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, báo chí, truyền thông và sự gắn bó chặt chẽ của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa với Ban Tuyên giáo Trung ương thời gian vừa qua, Bộ Chính trị tin tưởng đồng chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Theo trang tin của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa sinh năm 1962, là Bí thư Trung ương đảng, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ông có trình độ lý luận chính trị Cao cấp, trình độ chuyên môn là Cử nhân Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Vẫn theo trang này, ông Nghĩa được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 vào tháng 01/2016, là Đại biểu Quốc hội khóa 14 ; Mới đây, tại Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, ông được bầu lại là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 (nhiệm kỳ 2021 – 2026).

Và tại Hội nghị thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đảng khóa 13, ông trúng cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 2012 đến nay, ông được thăng quân hàm Trung tướng năm 2013 và Thượng tướng vào tháng 9/2017.

‘Một động thái khá bất ngờ so với quy hoạch’

Từ Hà Nội, hôm 19/02, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Đông Nam Á (Iseas, Singapore) đưa ra bình luận với BBC :

"Đây là một động thái khá bất ngờ, bởi vì trong danh sách nhân sự người ta dự kiến, ông Nguyễn Trọng Nghĩa được sắp xếp để sẽ lên làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, mà bổ nhiệm như hôm nay sẽ làm xảy ra một khả năng khác.

"Đó là Đại tướng Lương Cường có thể sẽ ở lại vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng nếu điều đó xảy ra thì cũng vẫn phù hợp, bởi vì chức cụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam rất quan trọng, bởi vì như chúng ta biết rằng từ trước tới nay, chức vụ này không chỉ quan trọng trong quân đội Việt Nam, mà từ chức vụ này, người ta vẫn đưa người từ quân đội ra ngoài làm các việc của dân sự, việc của đảng.

"Cho nên nay từ quân đội, ông Nghĩa được đưa ra ngoài làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng cũng là một bước không phải là không có tiền lệ, nhưng do với danh sách dự kiến trước đây, thì người ta thấy có bất ngờ một chút".

Nhận xét về năng lực, tư duy, tư tưởng của tân Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và liệu vị tướng này có thể phù hợp ra sao so với cương vị mới đảm nhiệm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận :

"Ông Nguyễn Trọng Nghĩa có quá trình công tác 42 năm ở trong quân đội, mà chủ yếu ông làm công tác đảng trong quân đội, tức là làm chính trị viên, rồi lên tới làm chính ủy, rồi lên các cấp cao hơn, trong công tác đảng đó có một phần gọi là công tác tổ chức nhân sự của quân đội.

"Rõ ràng nhìn một lý lịch như thế có thể thấy rằng ông có đậm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác đảng, công tác nhân sự và công tác chính trị quân sự trong quân đội mà thôi.

"Chưa thấy một tín hiệu, thông tin gì cho thấy ông có kinh nghiệm về các lĩnh vực mà Ban tuyên giáo Trung ương có nhiệm vụ cả. Ví dụ như không thể thấy được mối liên hệ giữa công việc ông ấy đã làm với những nhiệm vụ về đường lối, chính sách khoa học – công nghệ, rồi văn hóa, giáo dục, truyền thông, báo chí… chưa thấy liên hệ đó.

"Cho nên việc này nếu mà nói ra thì thấy rằng ông chưa hề có kinh nghiệm gì phù hợp và cách chọn của Ban chấp hành Trung ương khóa 13 và của của Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam có vẻ chắc phải có một lý do nào đó, nhưng công luận chưa nhìn thấy rõ.

"Tuy nhiên, nếu xem lại những vị trước đây từng làm Trưởng ban này trước ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thì cũng thấy các vị đó cũng đến thế thôi.

Ví dụ có người làm báo chí trước đây như là ông Đinh Thế Huynh, ông Huynh từng làm báo Nhân dân, nhưng về khoa học – công nghệ, giáo dục, văn hóa thì trước đó cũng chưa làm gì cả, ông Nghĩa thì cũng đến thế thôi".

Từ chính trị quân đội sang tuyên giáo đảng sẽ thế nào ?

Tiếp tục bình luận về việc tân Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam là một tướng vừa chuyển sang chức vụ mới từ Tổng cục Chính trị thuộc quân đội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói :

"Cái này thấy rõ từ trước là đảng giao cho quân đội một việc mà không phải chỉ chống ngoại xâm, tức là không chỉ bảo vệ Tổ quốc bằng cách chống ngoại xâm, chống lại quân đội của các nước khác đến xâm lược, ví dụ thế.

"Mà người ta còn có một nhiệm vụ nữa là nhiệm vụ gọi là chống diễn biến hòa bình, đấy là một nhiệm vụ mà Đảng cộng sản cầm quyền giao cho quân đội.

"Còn một lĩnh vực mới mà quân đội cũng được giao, đó là tác chiến trên không gian mạng, phần tác chiến không gian mạng mà là quân sự, có tính chất quốc phòng thuần túy, thì không phải thuộc Tổng cục Chính trị nơi Tướng Nghĩa làm Phó Chủ nhiệm.

"Có một Bộ tư lệnh như thế, làm công việc đó thuộc Bộ Quốc phòng, còn phần chống diễn biến hòa bình, hay những gì chống lại những gì, những hành động nào được quy cho là chống lại nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam, thì Tổng cục Chính trị có những nhiệm vụ nhất định.

"Thế thì đưa Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa ra làm việc mới như vậy ở Ban Tuyên giáo Trung ương đảng, công luận sẽ cần chờ xem một thời gian nữa xem như thế nào.

"Tuy nhiên, việc ông Nghĩa ra Ban Tuyên giáo còn gợi ý tới một ý nghĩ khác, đó là nếu trước đây ông được bầu vào Bộ Chính trị, thì nó sẽ dễ, nhưng lần này ông mới chỉ là thành viên Ban Bí thư trung ương đảng thôi.

"Do đó, đưa ra hay điều chuyển như thế có thể là một bước để trong một thời gian nào đó, ông ấy sẽ trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, vì chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng từ mấy khóa vừa rồi nằm ở hàm Ủy viên Bộ Chính trị, không phải là Ủy viên bình thường của Ban chấp hành trung ương đảng hay viên Ban bí thư nữa.

"Như vậy, có thể động thái này được đưa ra để ít nữa người ta bổ nhiệm ông vào Bộ Chính trị chăng, còn như có ý kiến nào đó đặt ra nói rằng đưa ông ấy sang Ban Tuyên giáo trung ương đảng để mà có ‘bàn tay sắt’ v.v… trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì thực sự ra là rất khó dự đoán.

"Vì người tay thấy việc ấy, tức là việc được ví với ‘bàn tay sắt’ nào đó trong tuyên giáo v.v…, thì lâu nay dư luận cho là vẫn đang làm, đã được làm rồi và tới đây khó có thể làm căng được hơn nữa", nhà phân tích chính trị nói với BBC từ Hà Nội hôm 19/2.

Được biết, từ trước tại Việt Nam, Tướng Lê Quang Đạo từ 1982 đến năm 1987 từng là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, phụ trách công tác dân vận khoa giáo và tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sau đó, tướng Đặng Quốc Bảo, người từng là Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa IV, nguyên Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đã từng nắm giữ chức Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng từ năm 1987-1991.

Một trường hợp khác được biết đến nhiều là tướng Trần Độ, ông chuyển sang ngạch dân sự, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ.

Khi Ban Văn hóa văn nghệ trung ương được thành lập (1981), tướng Trần Độ giữ chức Trưởng ban kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ở chức vụ này ông đã soạn nghị quyết số 5, củng cố tiến trình Cởi Mở văn hóa trong thời kỳ Đổi Mới.

Lan Anh (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 22/02/2021

********************

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ là ủy viên Bộ Chính trị hay không ?

BBC, 20/02/2021

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được phân công giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

bct6

Thượng tướng quân đội Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam cử giữ chức vụ mới, thay thế ông Võ Văn Thưởng làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng

Hôm 19/2, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam công bố việc phân công Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được phân công giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Người đứng đầu ban này khóa 12, Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng, đã trở thành Thường trực Ban Bí thư sau khi Đại hội 13 kết thúc.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa được bầu vào Ban Bí thư hôm 31/1/2021, vì thế một câu hỏi được dư luận quan tâm là liệu ông Nghĩa sắp trở thành Ủy viên Bộ Chính trị trong cương vị mới hay không.

Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại lịch sử của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

Không phải người dân nào cũng nhận ra rằng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ mới được hình thành sau khi sáp nhập Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương năm 2007.

Năm 1968, Đảng cộng sản tách Ban Tuyên giáo Trung ương thành Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương.

Năm 1989, Bộ Chính trị hợp nhất Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương với Ban Tuyên huấn Trung ương, lấy tên là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Năm 2007, Bộ Chính trị ra quyết định hợp nhất Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương.

Từ lúc này, thuật ngữ công tác tuyên giáo mới lại được sử dụng trở lại.

Theo Quyết định 80 ngày 28-8-2007 của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương có chức năng là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành trung ương trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng ; về quan điểm, chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và một số lĩnh vực xã hội khác…

Trước đây, những người đứng đầu Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương không nhất thiết ngồi trong Bộ Chính trị.

Cụ thể, các ông Trần Trọng Tân và Hữu Thọ đều từng đứng đầu Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, khi là ủy viên trung ương đảng.

Ông Nguyễn Khoa Điềm, trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương từ 2001 tới 2006, là ủy viên Bộ Chính trị.

Ông Đỗ Nguyên Phương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương (nhiệm kỳ 2002-2007) là Ủy viên Trung ương Đảng.

Khi Ban Tuyên giáo Trung ương thành lập ngày 1/8/2007, người đứng đầu ban này là ông Tô Huy Rứa.

Nhưng phải tới tháng 1/2009, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa X), ông Rứa mới được bầu vào Bộ Chính trị.

Một thập niên đã đi qua, từ đó tới nay, hai người lãnh đạo tiếp theo của ngành tuyên giáo, ông Đinh Thế Huynh và Võ Văn Thưởng, đều là ủy viên Bộ Chính trị.

Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương trong Đảng cộng sản đã tăng theo thời gian hơn 10 năm qua.

Hôm 31/1, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản đã bầu Bộ Chính trị khóa XIII gồm 18 thành viên, bầu Tổng Bí thư khóa XII, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư khóa XIII.

Nhiều khả năng Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ tiếp tục được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị trong tương lai gần, trong vai trò Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Từ Hà Nội, hôm 19/02, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Đông Nam Á (Iseas, Singapore) đưa ra bình luận với BBC :

"Đây là một động thái khá bất ngờ, bởi vì trong danh sách nhân sự người ta dự kiến, ông Nguyễn Trọng Nghĩa được sắp xếp để sẽ lên làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, mà bổ nhiệm như hôm nay sẽ làm xảy ra một khả năng khác.

"Đó là Đại tướng Lương Cường có thể sẽ ở lại vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng nếu điều đó xảy ra thì cũng vẫn phù hợp, bởi vì chức cụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam rất quan trọng, bởi vì như chúng ta biết rằng từ trước tới nay, chức vụ này không chỉ quan trọng trong quân đội Việt Nam, mà từ chức vụ này, người ta vẫn đưa người từ quân đội ra ngoài làm các việc của dân sự, việc của đảng.

"Cho nên nay từ quân đội, ông Nghĩa được đưa ra ngoài làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng cũng là một bước không phải là không có tiền lệ, nhưng do với danh sách dự kiến trước đây, thì người ta thấy có bất ngờ một chút".

Nguồn : BBC, 20/02/2021

********************

Cuộc chiến giữa tướng Phan Văn Giang và tướng Lương Cường bao giờ mới ngã ngũ ?

Sau Đại hội 13, người ta thấy có 2 khuôn mặt quân đội được xướng tên trong 18 nhân vật trúng cử vào Bộ Chính trị. Đây là một tiền lệ hiếm có, tình trạng 2 hổ nhốt chung một chuồng như thế này rất dễ xảy ra cuộc chiến giành lấy vị trí số một.

bct7

Hai đại tướng Phan Văn Giang và Lương Cường

Hiện nay ông Phan Văn Giang đang là tổng tham mưu trưởng và ông Lương Cường chủ nhiệm tổng cục chính trị. Hai ông này đang tranh nhau chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầy quyền lực nhưng cho tới nay tin rò rỉ cho biết, cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ. Chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng còn đang bỏ ngỏ chứ chưa ai thực sự sở hữu nó. Tuy nhiên ông Ngô Xuân Lịch thì chắc chắn rút lui sau khi chính phủ mới chính thức được quốc hội khóa 15 thông qua.

Nếu nói về cấp bậc quân hàm thì ông Phan Văn Giang chỉ mới có thượng tướng thấp hơn ông Lương Cường một bậc. Tuy nhiên về tư cách trong Bộ Chính trị thì hai ông này ngang nhau, vì vậy chưa thể khẳng định ai mạnh hơn ai trong sự cạnh tranh tay đôi như thế này.

Đáng chú ý là cả ông Phan Văn Giang và ông Lương Cường đều tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Tuy nhiên sau đó mỗi người rẽ mỗi nhánh khác nhau tiến thân. Ông Lương Cường đi theo nhánh chính trị quân đội, Phan Văn Giang đi theo nhánh quân sự quân đội. Người làm chính uỷ, người làm tư lệnh.

Cũng trong năm 2016, 2 người này tiến tới nất thang gần với nất trên cùng nhất. Ông Lương Cường làm chủ nhiệm tổng cục chính trị, còn ông Phan Văn Giang thì làm tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam.

Ông Lương Cường sinh năm 1957 nhập ngũ năm 1975. Ông Phan Văn Giang thì sinh muộn hơn 3 năm và nhập ngũ cũng muộn hơn 3 năm nên mới có chuyện ông Lương Cường được thăng hàm đại tướng còn ông Phan Văn Giang chỉ mới thượng tướng. Hai người nay đang kèn cựa nhau, kẻ tám lạng người nửa cân.

Trong quá khứ cũng từng có trường hợp "nhiều hổ một chuồng" như bây giờ.

Ở đại hội 7 và đại hội 8 từ năm 1991-2001, trong Bộ Chính trị cũng chứng kiến trong Bộ Quốc phòng có đến 2 người vào Ủy Viên Bộ Chính trị như thế. Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương khóa VII (tháng 1-1994), ông Lê Khả Phiêu được bầu vào Bộ Chính trị. Ông Phiêu lúc đó đang là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ 1991. Trong khi đó ông Đoàn Khuê đã là Ủy viên Bộ Chính trị từ Đại hội 7 năm 1991. Và cũng đã xảy ra trường hợp tranh nhau để tiến xa hơn trong Bộ Chính trị mà cụ thể là các vị trí tứ trụ. Năm 1996, xảy ra vụ án của ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hà Phan, người mất chức Thường trực Ban Bí thư và bị khai trừ và ông Lê Khả Phiêu được xem như là trường hợp bổ khuyết trong Bộ Chính trị.

Sang Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 tháng 6/1996, cả hai ông Đoàn Khuê và Lê Khả Phiêu tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị.

Lúc này ông Phiêu được phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phạm Văn Trà, cũng được bầu vào Bộ Chính trị.

Như vậy, ở khóa 8 có ba thành viên quân đội ở trong Bộ Chính trị, tuy ông Phiêu sau đó được phân công làm Thường trực Bộ Chính trị. Đây là bước chuẩn bị để ông Phạm Văn Trà thay thế Đoàn Khuê vì ông Đoàn Khuê đang bị bệnh và dự tính cuối 1997 nghỉ hưu.

Cũng tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương họp từ ngày 22 đến ngày 29/12/1997, ông Đỗ Mười chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư cho ông Lê Khả Phiêu đồng thời bầu ông Phạm Thanh Ngân, đang là phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Bộ Chính trị.

Ông Phạm Thanh Ngân sau đó được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho tới năm 2001.

Dấu hiệu tranh giành trong quân đội bắt đầu nổi lên ?

Như vậy là giai đoạn 1991-2001 có có lúc Bộ Quốc phòng có 2 hoặc 3 thành viên trong Bộ Chính trị. Điều đáng nói là Lê Khả Phiêu tuy là cấp hàm thượng tướng nhưng ông từ bỏ binh nghiệp và nhắm tới chiếc ghế tổng bí thư.

Và hiện nay Bộ Quốc phòng cũng có ông tướng Phan Văn Giang và Lương Cường có mặt trong Bộ Chính trị khóa 13 năm 2021. Chuyện tranh ngôi đoạt vị giữa hai người này vì vậy mà càng ngày càng trở nên gay cấn.

Hiện nay chức bộ trưởng bộ quốc phòng sẽ kiêm phó chủ tịch quân ủy trung ương, tức là phó trực tiếp cho ông Nguyễn Phú Trọng về mặt đảng. Nếu được gần ông Trọng và ông hỗ trợ để cất nhắc thì việc tiến vòa tứ trụ là không khó khăn gì.

Trước đây việc đã xảy ra hiện tượng ông Đoàn Khuê ém bệnh quyết giữ chức bộ trưởng bộ quốc phòng để loại Phạm Văn Trà nhưng cuối cùng ông tính không bằng trời tính. Cuối năm 1997, ông Đoàn Khuê bị buộc phải rời ghế bộ trưởng bộ quốc phòng bệnh đã quá nặng. Cuối cùng Phạm Văn Trà vẫn có được chức vụ cao nhất trong nghề binh nghiệp.

Hiện nay thì giữa ông Phan Văn Giang và Lương Cường đang đấu nhau để giành vị trí bộ trưởng. Không biết ông nào thắng vì cho đến giờ chưa có dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghiêng về ai. Chức này giao cho ai mà giành được sự tín nhiệm của chủ tịch quân ủy Trung Ương Nguyễn Phú Trọng.

Văn kiện đại hội đảng khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam xác định một điểm mới là xây dựng quân đội cần một số quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại chứ không phải chỉ từng bước hiện đại như trước kia. Đây được xem như là tiêu chuẩn để xét người nào có năng lực xây dựng quân đội tốt hơn để mà bầu chọn. Tuy nhiên việc đánh giá ưu khuyết của mỗi ông thì còn nhiều cảm tính chứ chưa chắc gì công tâm khi bà trong Bộ Chính trị lúc nào cũng kéo bè kết cánh đấu đá nhau.

Phan Văn Giang đang tạm thời chiếm ưu thế ?

Nếu xét về khía cạnh thực hiện chủ trương hiện đại hóa gấp một số binh chủng, quân chủng thì ông Phan Văn Giang có ưu thế hơn, ông tốt nghiệp trường tăng thiết giáp với số điểm cao nhất khóa ông học thời đó. Trước khi làm thứ trưởng, ông Giang là tư lệnh quân khu 1, đơn vị đóng quân ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Như vậy việc chỉ đạo viết ra điều kiện ấy có vẻ như ông Trọng đã học cách chọn rể của vua Hùng thứ 18 khi ra lễ vật ưu ái Sơn Tinh hơn thủy tinh chăng ? Cũng có thể là như vậy, vì ông Nguyễn Phú Trọng vốn là con người khéo léo.

Báo Quân đội Nhân dân là tờ báo của quân đội nhưng nó vẫn đang chịu sự điều khiển của Ban Tuyên Giáo. Vì vậy khi tờ báo này đăng những gì liên quan đến quân đội thì không những nó thể hiện ý muốn của Bộ Quốc phòng mà nó còn thể hiện dụng ý của ông Nguyễn Phú Trọng. Vào báo tháng 11 năm 2020 trên báo Quân đội Nhân Dân có bài viết với tiêu đề "Hiện đại hóa quân đội mang tính chiến lược". Bài báo cho biết dự thảo báo cáo chính trị của trung ương 12 báo cáo Đại hội 13 có nhận định : "Tình hình biển Đông tiềm ẩn nguy cơ khó lường, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ còn cam go và phức tạp… dẫn đến phải nhanh chóng hiện đại hóa quân đội".

bct8

Ông Phan Văn Giang có chút ưu thế hơn ông Lương Cường trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Như vậy nếu đem Phan Văn Giang và Lương Cường đưa lên bàn cân theo tiêu chuẩn này thì cán cân đang nghiêng về phía ông Phan Văn Giang hơn là ông Lương Cường. Với trình độ chính trị, ông Cường chuyển sang ban bí thư trung ương đảng khóa 13 phù hợp hơn, tuy nhiên với sự bổ nhiệm ông thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa làm trưởng ban tuyên giáo thì ông Lương Cường không có khả năng chen chân vào ban này thêm nữa.

Nếu ông Phan Văn Giang, một người đã trực tiếp chiến đấu ở biên giới phía Bắc và tư lệnh quân khu trấn giữ một vùng biên giới phía Bắc, một người có học hành thực tế với vũ khí hạng nặng, ông ta được chọn làm bộ trưởng quốc phòng cũng sẽ được dư luận đồng tình hơn ông Lương Cường.

Cuộc chiến bao giờ ngã ngũ ?

Trước sau gì chuyện này cũng phải chốt, hạn chót là trước bầu cử quốc hội khóa 15 diễn ra vào ngày 23/5/2021 để sau đó ông Phạm Minh Chính chốt danh sách trình quốc hội duyệt mang tính thủ tục vào khoảng tháng 6/2021. Như vậy ông Phan Văn Giang và ông Lương Cường còn khoảng 3 tháng nữa vận động hành lang, mà đặc biệt là lấy lòng ông Trọng thì sẽ được cất nhắc vào chiếc ghế quyền lực nhất quân đội này.

Hôm ngày 20/2, tờ Tiền Phong tường thuật rằng "được sự ủy quyền của Đại Tướng Ngô Xuân Lịch", ông Phan Văn Giang chủ trì hai buổi làm việc quan trọng với Tổng Cục Chính Trị và Tổng Cục Hậu Cần. Điều này mang ý nghĩa là ông Phan Văn Giang đang dần thay thế ông Ngô Xuân Lịch, đây là một dấu hiệu quan trọng cho thấy ông Trọng đang có cảm tình với Phan Văn Giang hơn ông Lương Cường.

Theo cũng theo tờ báo Tiền Phong, ông Giang chỉ đạo Tổng Cục Chính Trị "sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, bảo vệ an ninh chính trị, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…"

Đáng lưu ý, trong số những giới chức quân đội ngồi nghe ông Giang chỉ đạo có cả ông Lương Cường, chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị, và là người được cho là cạnh tranh với ông Giang trong cuộc đua giành ghế bộ trưởng Quốc Phòng.

Cũng theo bản tin nêu trên, trong cuộc họp còn lại, ông Giang đã ra lệnh cho Tổng Cục Hậu Cần "tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới".

Dự kiến Trung ương đảng sẽ có một cuộc hợp trước khi bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân. Ngày giờ chưa định được nhưng nó xảy ra khoảng tháng 5 khi đó Bộ Chính trị sẽ chốt ai là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để cho quốc hội khóa 15 họp phiên đầu tiên bầu ông Phạm Minh Chính làm thủ tướng và tiếp theo phê chuẩn chính thức ai làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Như vậy, chậm nhất là tháng năm tới đâu cuộc chiến giữa Phan Văn Giang và Lương Cường sẽ ngã ngũ.

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 24/02/2021

*********************

Việt Nam : 'Hiếm có' khi hai tướng quân đội cùng trong Bộ Chính trị

BBC, 20/02/2021

Đại hội Đảng XIII năm 2021 chứng kiến lần đầu tiên từ rất lâu, hai lãnh đạo quân đội cùng một lúc được bầu vào Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam.

bct9

Tướng Phan Văn Giang tại mội hội nghị ở Hà Nội tháng Ba năm 2018

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, được bầu vào trong danh sách 18 thành viên Bộ Chính trị khóa mới nhất.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, sẽ nghỉ hưu.

Tại các Đại hội Đảng trước đây, theo truyền thống chỉ có người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng mới vào Bộ Chính trị.

Ví dụ Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh là thành viên quân đội duy nhất ở trong Bộ Chính trị khóa X và XI.

Bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà đại diện quân đội trong Bộ Chính trị khóa IX (2001-2006).

Giai đoạn ‘đặc biệt’ của khóa 7 (1991-1996) và khóa 8 (1996-2001)

Thời kỳ 1991-2001 chứng kiến việc số thành viên quân đội trong Bộ Chính trị vượt quá con số 1.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương khóa VII (tháng 1-1994), ông Lê Khả Phiêu được bầu vào Bộ Chính trị.

Ông Phiêu lúc đó đang là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ 1991.

Khi đó Bộ trưởng quốc phòng Đoàn Khuê đã là Ủy viên Bộ Chính trị từ Đại hội 7 năm 1991.

Năm 1996, xảy ra vụ án của ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hà Phan, người mất chức Thường trực Ban Bí thư và bị khai trừ.

Sang Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 tháng 6/1996, cả hai ông Đoàn Khuê và Lê Khả Phiêu tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị.

bct10

Tướng Lương Cường thăm Ấn Độ năm 2017

Lúc này ông Phiêu được phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phạm Văn Trà, cũng được bầu vào Bộ Chính trị lúc này.

Như vậy, ở khóa 8 này, có ba thành viên quân đội ở trong Bộ Chính trị, tuy ông Phiêu sau đó được phân công làm Thường trực Bộ Chính trị.

Cuối năm 1997, xảy ra biến động khi Bộ trưởng quốc phòng Đoàn Khuê ốm, phải nghỉ hưu, để ông Phạm Văn Trà thay thế vào tháng 12 năm 1997.

Cũng tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương họp từ ngày 22 đến ngày 29/12/1997, ông Đỗ Mười chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư, thay thế bằng ông Lê Khả Phiêu.

Ban chấp hành trung ương Đảng suy tôn ba ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt làm Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng.

Tại hội nghị này, một thành viên quân đội nữa, Phạm Thanh Ngân, đang là phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, cùng các ông Nguyễn Minh Triết, Phan Diễn và Nguyễn Phú Trọng.

Ông Phạm Thanh Ngân sau đó được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho tới năm 2001.

Như vậy, có thể thấy giai đoạn 1991-2001 có nhiều thành viên quân đội được bầu vào Bộ Chính trị vào lúc xảy ra nhiều biến động chính trị Việt Nam.

Từ 20 năm qua, từ Đại hội Đảng khóa 9 năm 2001 tới nay, chỉ có bộ trưởng quốc phòng được bầu vào Bộ Chính trị.

Như thế, việc hai vị tướng Phan Văn Giang và Lương Cường có mặt trong Bộ Chính trị khóa 13 năm 2021 là một diễn tiến thú vị thời bình.

Nguồn : BBC, 20/02/2021


Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Duy, Lan Anh, BBC tiếng Việt
Read 732 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)