Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/11/2023

Vụ bắt Lưu Bình Nhưỡng mở đầu cho đợt thanh toán nội bộ trước thềm Đại hội 14

Trà My - Ý Nhi - Diễm Thi

Tô Lâm và Huệ Vương "tranh xương", cẩn thận Tổng Trọng lại ngồi tiếp ghế Tổng bí thư ?

Trà My, Thoibao.de, 18/11/2023

Giới quan sát đánh giá cao việc Bộ trưởng Tô Lâm bất ngờ mượn tay cấp dưới là Công an tỉnh Thái Bình, tiến hành bắt giữ "khẩn cấp" ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện Quốc hội vào tối ngày 14/11, tại sân bay Nội Bài, với tội danh "cưỡng đoạt tài sản".

Sau đó, lập tức ông Lưu Bình Nhưỡng bị Cơ quan Công an di lý về nơi ở, cơ quan làm việc, kể cả nhà của ông Nhưỡng ở quê Thái Bình, để tiến hành khám xét, với mục đích tìm kiếm các tài liệu liên quan đến việc đấu đá nội bộ.

bat1

Bộ trưởng Tô Lâm bất ngờ mượn tay cấp dưới là Công an tỉnh Thái Bình, tiến hành bắt giữ "khẩn cấp" ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện Quốc hội vào tối ngày 14/11, tại sân bay Nội Bài

Binh pháp Tôn Tử có câu "Tiên hạ thủ vi cường, hậu thủ vi tai ương", nghĩa là, ai có thể ra tay trước thì sẽ chiếm ưu mạnh, nếu ra tay sau đối thủ thì sẽ gặp tai họa lớn. Tô Lâm đã thành công trong việc này.

Dường như, ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt trong trạng thái hoàn toàn bất ngờ, không có sự chuẩn bị trước về tâm lý. Có thể, ông Nhưỡng không tin Bộ Công an lại bắt giữ ông tại thời điểm này.

Dù rằng cách đây cả năm, giới thạo tin đã khẳng định, bắt Lưu Bình Nhưỡng chỉ là vấn đề thời gian, vì những phát biểu quá mạnh mồm, công khai tại nghị trường Quốc hội khóa 14. Những điều ông Nhưỡng nói, người dân ai cũng biết, nhưng lãnh đạo và cán bộ có trách nhiệm không ai dám nói ra.

Mới nhất, ngày 17/11, Luật sư, nhà báo Lê Quốc Quân, cựu sinh viên của thầy Lưu Bình Nhưỡng ở Đại học Luật Hà Nội, trong bài viết với tựa đề "Thầy Lưu Bình Nhưỡng bị bắt và tỷ lệ công lý’", đăng trên website của Đài VOA, tiết lộ một tin động trời :

"Thầy Lưu Bình Nhưỡng cũng đã chia sẻ với tôi một lần về việc "không hợp" với bên công an và viện kiểm sát. Mới đây, tôi được nghe từ một người bạn đang làm trong Chính phủ rằng, trong một lần cách đây 3 năm, ông Trương Hòa Bình đã nói về thầy Lưu Bình Nhưỡng rằng "Thằng khóc thuê đó, đợi đấy !".

Điều này, chắc chắn ông Lưu Bình Nhưỡng, với các mối quan hệ của mình, cũng đã biết. Vì thế, các phát biểu của ông tại nghị trường Quốc hội thường được viết sẵn ra giấy, đề phòng "lỡ mồm". Kể cả trong các clips video trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nhưỡng cũng cho người ta thấy, ông cẩn trọng từng câu, từng chữ, để tránh phải vạ.

Nhưng rồi, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng không thoát khỏi định mệnh, khi mà các cơ quan tư pháp, gồm công an, tòa án và viện kiểm sát, đồng tình quyết diệt ông, thì làm sao tránh khỏi ?

Điều đáng nói là, Bộ trưởng Tô Lâm không chỉ giỏi trong việc áp dụng Binh pháp Tôn Tử, mà ông Tô Lâm còn xuất sắc trong chiêu đánh lạc hướng.

Xin nhắc lại, ngày 10/11, khi góp ý về quy định liên quan "chỉ huy giao thông", tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm cho rằng : "Luật chỉ có một, xe ưu tiên cũng phải dừng ở đèn đỏ".

Lập tức, giới quan sát, dựa trên ý kiến có thể nói là quay xe 180 độ so với trước của Bộ trưởng Tô Lâm, cho rằng, ông Tô Lâm đang nói trước Quốc hội việc phải "sống và làm việc theo pháp luật", và "mọi người đều bình đẳng", không ngoại lệ, không ưu tiên cho bất cứ ai.

Nhưng không ai ngờ, chỉ 4 ngày sau, ngày 14/11, ông Tô Lâm cho bắt khẩn cấp Phó ban Dân nguyện Quốc hội – ông Lưu Bình Nhưỡng – một người được cho là có đầy đủ quyền miễn trừ. Như vậy, đây chính là lý do mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm thông báo với Quốc hội rằng, "…tất cả phải "sống và làm việc theo pháp luật" và "mọi người đều bình đẳng", không ngoại lệ có ưu tiên cho bất cứ ai".

Cho đến lúc này, giới quan sát vẫn chưa thấy phản ứng của Quốc hội, mà người đứng đầu là ông Vương Đình Huệ, về việc ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt khẩn cấp. Kể cả Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng thấy im re.

Có thể nói, ngay từ đầu, phe ông Nhưỡng giữ thế công, còn phe cơ quan tư pháp giữ thế thủ. Nhưng đến lúc này, tạm coi phe Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình tạm dẫn trước phe Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng : 1 – 0.

Theo giới quan sát, còn quá sớm để đánh giá và kết luận phe nào thắng, phe nào bại. Nhưng chắc chắn, cuộc quyết đấu là trận cuối một mất một còn, với cái giải to tướng là chiếc ghế Tổng bí thư của ông Trọng để lại.

Nhưng đừng quên, trước Đại hội 13, cũng vì chuyện "chó tranh xương", khi ông Nguyễn Xuân Phúc, trong vai trò "trường hợp đặc biệt" tương tự ông Trọng, đã cương quyết không đồng ý để ông Trần Quốc Vượng kế nhiệm Tổng bí thư. Cuối cùng, ông Trọng nổi cáu và quyết định ngồi lại ghế Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3, bất kể vi phạm Điều 17 của Điều lệ Đảng, không cho phép ngồi ghế Tổng bí thư liên tiếp quá 2 nhiệm kỳ.

Công luận thấy rằng, các phe cánh trong nội bộ Đảng bơn bớt việc "chó tranh xương", đừng để Tổng Trọng một lần nữa lại chơi chiêu "nước đục thả câu", mà ông Trọng đã từng sử dụng điêu luyện.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 18/11/2023

**********************

"Rung chà, cá nhẩy" Tô Lâm bắt Lưu Bình Nhưỡng buộc Võ Văn Thưởng lộ diện ?

Trà My, Thoibao.de, 18/11/2023

Vụ Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội bị bắt khẩn cấp tại sân bay Nội Bài, sau chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, được đánh giá là một vụ việc rất phức tạp, liên quan đến cuộc đấu đá ở thượng tầng cung đình, giữa các phe cánh trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.

bat3

Bản thân ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình sợ, nếu bị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật về các bản án oan sai, khả năng ông sẽ bị loại khỏi cuộc đua nhân sự tại Đại hội 14 sắp tới. Ảnh minh họa Nguyễn Văn Bình và Tô Lâm bên trong hậu trường Quốc hội

Ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu của Đảng, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, chính thức tuyên bố sẽ nghỉ sau 3 nhiệm kỳ giữ chức Tổng bí thư. Đây được coi là tiếng còi báo hiệu cho cuộc đua nhân sự chủ chốt ở Đại hội 14, chính thức được khởi động.

Dư luận chê trách Bộ trưởng Tô Lâm, đã mượn tay Công an Thái Bình để bắt khẩn cấp ông Lưu Bình Nhưỡng, một Đại biểu quốc hội được lòng dân, người đã từng làm rạng danh cho quê hương "5 tấn", trong khi chưa có bằng chứng chắc chắn. Vì nếu có chứng cứ ông Nhưỡng phạm tội cưỡng đoạt tài sản, tại sao không chịu công khai ?

Nhưng ít người biết, việc bắt giữ "khẩn cấp" và khám xét ngay tại sân bay Nội Bài, một nơi đông người, với các biện pháp như lục soát đồ đạc và tư trang cá nhân của ông Nhưỡng, là một hành vi cố ý làm nhục, để hạ bệ hình ảnh một Đại biểu quốc hội "vì dân". Không chỉ là việc truy tìm chứng cứ, liên quan đến các thế lực trong Đảng đang tìm cách "đá đít" ông Tô Lâm và ông Nguyễn Hòa Bình ra khỏi cuộc đua chính trị, mà còn là cách để hạ nhục lẫn nhau.

Không có lửa làm sao có khói, đừng chỉ trách 2 ông Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình trong vụ việc này. Kẻ đã châm ngòi cuộc đánh đấm nội bộ này, đó là Võ Văn Thưởng.

Thời gian gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW "về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đối với các cơ quan tư pháp". Nghĩa là, việc vi phạm của các cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án các cấp trong các hoạt động tư pháp, sẽ được kiểm soát chặt chẽ và bài bản hơn.

Công luận thấy rằng, ông Nguyễn Hòa Bình "có tật giật mình", liên tục thanh minh, thanh nga. Vì bản thân ông Chánh án Bình sợ, nếu bị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật về các bản án oan sai, khả năng ông sẽ bị loại khỏi cuộc đua nhân sự tại Đại hội 14 sắp tới.

Việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình ra lệnh cho Tòa án tỉnh Thanh Hóa thi hành án tử hình với tử tù Lê Văn Mạnh, được coi là hành động "đổ dầu vào lửa", bất chấp phản ứng của dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế.

Quan trọng hơn, trước đó, Luật sư Lê Văn Hòa, người bảo vệ quyền lợi cho thân chủ "tử tù oan" Nguyễn Văn Chưởng, đã vận động cộng đồng gửi đơn và tin nhắn tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, và đã thành công. Khi đó, theo Luật sư Hòa cho biết, "Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhận tin nhắn và đang có chỉ đạo giải quyết".

Ở thời điểm đó, nhà báo Nguyễn Đức, cựu Biên tập viên Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, trên trang Facebook cá nhân cho biết, ông Lưu Bình Nhưỡng, vào sáng 5/8, đã gửi tin nhắn cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Sau đó, ông Nhưỡng thông báo rằng, ông đã nhận được phúc đáp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bằng tin nhắn, với nội dung : "Đã nhận được tin nhắn của anh và đang cho giải quyết".

Nhà báo Nguyễn Đức sau đó còn đưa tin và hình ảnh về việc : "Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng tại trụ sở tiếp dân của Quốc hội vào sáng 27/9/2023".

Kèm theo thông báo là hình ảnh ông Lưu Bình Nhưỡng và các nhân viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng, được cho là thật trọng thị.

Những tin nhắn trao đổi giữa ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội – và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, có liên quan gì tới nhận xét của Kiến trúc sư Dương Quốc Chính, về việc bắt giữ khẩn cấp và khám xét rất tỉ mỉ đối với ông Lưu Bình Nhưỡng ở sân bay Nội bài, khi cho rằng :

"Điều này có thể cho thấy rằng, trong hành lý của ông có thứ gì đó nhạy cảm, có thể được coi là tang vật, có thể là tiền, tài liệu… và chắc hẳn, ông vừa mới gặp 1 nhân vật nào đó về, nên cần bắt ngay để thu giữ tang vật".

Quan trọng hơn, theo giới phân tích, những diễn biến trên cho thấy, trong các thế lực chống lại ông Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình, lại có thêm một cái tên nữa của "tứ trụ", đó là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Một khi Võ Văn Thưởng chính thức lộ diện trong cuộc đấu, sẽ còn có nhiều diễn biến kịch tính, xin mời quý vị theo dõi tiếp ở những chương trình sau của chúng tôi.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 18/11/2023

***********************

Quyền lực Lưu Bình Nhưỡng lớn đến đâu khiến giang hồ bảo kê phải dựa dẫm ?

Ý Nhi, Thoibao.de, 18/11/2023

Phạm Minh Cường tức "Cường quắt" là giang hồ hoạt động có băng đảng, tham gia bảo kê hoạt động khai thác và cung cấp cát biển ; khai thác cát biển trái phép. "Cường quắt" làm thủ lĩnh một nhóm chuyên đánh dằn mặt các doanh nghiệp khai thác các. Mục đích là đòi tiền bảo kê, hoặc ép các doanh nghiệp khác bán rẻ sản phẩm cho Cường. Nói chung là dùng vũ lực để đe dọa các doanh nghiệp yếu thế khác.

bat2

Phạm Minh Cường tức "Cường quắt" là giang hồ hoạt động có băng đảng, tham gia bảo kê hoạt động khai thác và cung cấp cát biển bị Công an tỉnh Thái Bình bwsat giữ. Ảnh do Công an cung cấp

Tất nhiên, "Cường quắt" có chỗ dựa là người có quyền lực thì mới dám lộng hành. Ở xã hội này, xã hội đen muốn hoạt động thì phải tìm chỗ dựa ở xã hội đỏ, nếu không có sự bảo kê của quyền lực chính trị, thì "Cường quắt" không thể mạnh tay trấn lột được. Người mà "Cường quắt" dựa vào, được cho là ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện Quốc hội.

Việc một ông quan miệng nói đạo lý nhưng hành động thất đức và kể cả phạm pháp, là chuyện không xa lạ gì ở chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam này. Hàng loạt quan chức chính quyền đang phải ngồi tù, đều là những người nói đạo lý rất hay khi còn đương chức. Ngay cả những quan chức còn đang đương chức, cũng miệng nói đạo đức nhưng lại làm điều trái pháp luật và phi đạo đức, chứ nói chi đến những quan chức đã vào tù. Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao là ví dụ điển hình.

Việc ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt làm nhiều nhà phân tích ngạc nhiên, họ ngạc nhiên không phải vì sự sùng bái thần tượng, mà vì họ hiểu rằng, chức Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội là một chức không có thực quyền. Chức này không đủ sức mạnh để cho một giang hồ dựa dẫm, và cũng không đủ quyền, đủ uy, để cho những đối tượng bị "Cường quắt" trấn lột phải e ngại.

Nếu "Cường quắt" có dựa vào ai đó, thì người đó ít nhất phải là người có thực quyền ở địa phương, chẳng hạn như : Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, hoặc một vị nào đấy ở Trung ương mà có thực quyền.

Thực ra, cái gọi là "Ban Dân nguyện" chỉ là một cơ quan được Quốc hội của Đảng cộng sản dựng lên, để có nơi được xem là lắng nghe tiếng nói của dân và lên tiếng thay cho dân mà thôi. Dù cho ông Lưu Bình Nhưỡng có phát biểu thế nào, thì những gì ông Nhưỡng nói không thể được luật hóa, bởi ông không có cái quyền để làm điều đó, và bởi nó không đúng ý của Đảng cộng sản.

Một người chỉ giữ một chức danh "làm kiểng", cho một Quốc hội bù nhìn, thì thực quyền của ông ở đâu mà "Cường quắt" phải dựa dẫm ? Hay là, còn ai đó có thực quyền đỡ đầu cho "Cường quắt", nhưng ông Tô Lâm không dám bắt, mà lại bắt Lưu Bình Nhưỡng ?

Cách đây hơn 20 năm, khi vụ án Năm Cam bị khui ra, thì sự thật được phơi bày, đó là, ông trùm Năm Cam được các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh có quyền lớn bảo kê. Người dính dáng đến Năm Cam có ông Bùi Quốc Huy – Trung tướng – Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh. Và dưới Bùi Quốc Huy, có những ông trưởng phòng đầy quyền lực khác, như Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung và Thượng tá Dương Minh Ngọc. Ngoài ra, dính đến Năm Cam còn có Phạm Sỹ Chiến – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Thực ra, vụ án Năm Cam chỉ được khui đến đó, nếu khui thêm, thì sẽ dính đến ông cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sau vụ Năm Cam, Trương Tấn Sang bị gọi về Trung ương, và bị kỷ luật bằng cách cho ngồi "chơi xơi nước" ở chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

"Cường quắt" có thể không đủ tầm như Năm Cam, không đủ thế lực để quen biết cao và cũng không có quy mô đến thế. Tuy nhiên, quy tắc chung vẫn là không đổi. Xã hội đen muốn tìm chỗ dựa ở quan chức, thì phải tìm đến người có thực quyền. Một ông Phó ban Dân nguyện không có thực quyền, không thể khiến các doanh nghiệp khai thác cát phải sợ. Và một Lưu Bình Nhưỡng không đủ mạnh để "Cường quắt" tìm đến làm chỗ dựa. Phải chăng, còn gì nữa mà ông Tô Lâm chưa khui, hay trong vụ án này có gì mờ ám ?

Hãy đợi xem.

Ý Nhi

Nguồn : Thoibao.de, 18/11/2023

**************************

Nghi vấn về nguyên cớ bắt Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng !

Diễm Thi, RFA, 16/11/2023

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, ngày 14/11/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự. Tin cho biết, ông Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến một đối tượng hình sự cầm đầu băng nhóm xã hội đen.

nghivan1

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Photo : baochinhphu.vn

Một nhà quan sát ở Hà Nội, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với RFA suy nghĩ của mình :

"Cứ mỗi lần chuẩn bị nhân sự của Đảng cho nhiệm kỳ mới là lại có những "vụ án" gây chấn động dư luận. Là một tiến sĩ luật học lại là một Phó ban của Quốc hội, nếu ông Lưu Bình Nhưỡng "nhúng chàm" thì ông có thể lợi dụng vai trò của mình để lèo lái Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra những quyết sách có lợi cho "nhóm lợi ích" thì cái lợi thu về chắc chắn hơn gấp nghìn lần là đi "trấn lột" của nhóm cát tặc vô danh tiểu tốt ở Thái Bình. Ông đã va chạm quá nhiều đối với những lực lượng siêu quyền lực ở Việt Nam. Người ta muốn ông im lặng trước Đại hội 14.

Tôi cho rằng yếu tố chính trị là bản chất trong vụ án Lưu Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam ai cũng có thể bị bắt vì lý do này hay lý do khác khi những hành động hay phát ngôn của anh có nguy cơ đe dọa lợi ích của một nhóm cầm quyền".

Bác sĩ Đinh Đức Long ở TP HCM thì cho rằng, việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng gây rúng động xã hội, nhất là những người xưa nay theo dõi những phát biểu cũng như hành động của ông ấy như tiếp bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng cách đây ít ngày, lên tiếng những chuyện mà xưa nay không ai dám đụng đến. Ông Đinh Đức Long nói tiếp :

"Nhiều người và cá nhân tôi nghĩ rằng, có lẽ đây là phiên bản khác của chuyện hai bao cao su đã qua sử dụng khi bắt ông Cù Huy Hà Vũ thôi. Sau khi bắt thì họ khám nhà rồi sẽ ra những ‘chứng cứ’ khác.

Về nguyên tắc thì hiện nay ông Nhưỡng chưa có tội vì chưa ra tòa, chưa có bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng ở Việt Nam thì công an bắt, mà công an do đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, triệt để ; tòa án cũng do Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, triệt để nên kiểu gì thì ông Nhưỡng cũng sẽ có một cái tội. Mình không có gì bảo vệ mình nếu như họ muốn. Vấn đề bây giờ là ông Nhưỡng có được tiếp cận với luật sư theo luật không ; khi hỏi cung có được luật sư cùng dự hay không ; có được đối xử theo đúng những quy định của pháp luật hay không".

Với công chúng Việt Nam, ông được biết đến là một đại biểu Quốc hội thẳng thắn, không ngại va chạm để bảo vệ quyền lợi của dân chúng. Đặc biệt, ông không nề hà vạch rõ những sai lầm tiêu cực của Bộ Công an.

Cuối tháng 10 năm 2018, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa 14, ông Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an với nội dung : "Tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực công an vừa qua nhưng mà qua báo cáo thì mới thấy rằng như thế này, vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%...

Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này".

Sau phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng vài ngày, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ký văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, kiến nghị về một số đánh giá mà ông cho là chưa chính xác, gây dư luận không tốt của ông Lưu Bình Nhưỡng. Về phần mình, ông Nhưỡng khẳng định không nhầm lẫn bất kỳ một số liệu nào và chịu trách nhiệm về tất cả những gì ông phát biểu.

Nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ quan điểm của ông với RFA về việc này :

"Điều đó vô hình chung gây cho ông có thêm kẻ thù, dễ bị nguy cơ phản đòn. Tuy nhiên, những ý kiến đó có vẻ như đã gãi đúng chỗ ngứa của công chúng và cũng phần nào phản ánh cơ bản sự thật hiện trạng kinh tế xã hội Việt Nam. Những ý kiến đó đối với một số trí thức sâu sắc bị coi là dân túy. Không ít ý kiến của ông Nhưỡng nếu soi xét kỹ thì thấy có nhiều chỗ không chính xác, hồ đồ. Đấy là những Gót Chân Asin của ông Nhưỡng, người ta chỉ đợi ông sơ hở là có dịp trả đũa.

Về thủ đoạn chính trị, chúng ta đều còn nhớ trường hợp ông Nguyễn Đức Chung - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội - từng to tiếng phát biểu về tham nhũng tiêu cực. Ông Chung tỏ ra thắc mắc tại sao các tội phạm khác có khung tử hình mà tham nhũng thì lại không có, nghe có vẻ rất đã ngứa.

Thế nhưng nhiều người trong ngành biết nạn sân sau của quan chức nhà nước bảo kê, thực ra ông Chung lại là người trùm bảo kê, thực tế hiện giờ ông này bị truy tố là chủ trò của nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực".

Cũng theo nhà báo Võ Văn Tạo, tệ nạn ‘Nói một đường làm một nẻo’ ; ‘Vừa ăn cướp vừa la làng’ là tập tính của không ít quan chức nhà nước và vấn đề của ông Lưu Bình Nhưỡng rất có thể dùng thủ đoạn như ông Nguyễn Đức Chung, cho nên không loại trừ về bản chất thì họ đều giống nhau, sự khác biệt 180 độ giữa lời nói và việc làm là thủ đoạn đánh lạc hướng.

Một số người cho rằng, việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng gây rúng động cả giới quan chức Việt Nam, bởi ông Nhưỡng không chống Đảng. Facebooker Kim Nguyen nhận định trên trang cá nhân của mình, RFA đã xin phép và được phép trích đăng :

"Bắt LBN đang làm rung động quan chức ở Việt Nam. Không ai dám nói rằng ông Nhưỡng chống đảng, chống chế độ độc tài được. Họ lại càng không dám nói ông Nhưỡng là phản động như nói một số người khác bị bắt vì điều luật 117 được. Nói chính xác là ông Nhưỡng là một phản biện trung thành gay gắt thôi. Ông Nhưỡng không chống cá nhân ai cả, ông Nhưỡng đang chống nhóm lợi ích trong đảng của ông ấy và đang vô tình làm lộ ra mảng tối trong đảng.

Cho nên họ bắt ông Nhưỡng vì điều luật "cưỡng đoạt tài sản" là "hay "nhất, vừa làm cho nhiều người bán tín bán nghi, vừa làm nhục ông Nhưỡng".

Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng Hòa Séc thì cho rằng, cho dù ông Nhưỡng bị bắt với lý do gì đi nữa thì cũng làm xấu mặt chính quyền. Ông phân tích :

"Ông Nhưỡng là một tiến sĩ luật và là người có tiếng nói đứng về phía người dân trong Quốc hội. Tôi không nghĩ ông ấy dính vào những vụ giang hồ vặt thế đâu. Ông ấy thừa khôn ngoan để hiểu. Tôi cảm thấy vụ bắt bớ này như một thuyết âm mưu. Ông Nhưỡng là một tiếng nói hiếm hoi nên nếu dính vào xã hội đen như báo chí nói thì mất mặt cả cái quốc hội, còn nếu đây là một màn kịch do chính quyền dựng lên như trường hợp hai bao cao su của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ năm xưa thì càng xấu mặt chính quyền thôi".

Ông Lưu Bình Nhưỡng là một tiến sĩ luật, từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2021, là Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, từng là phó chủ nhiệm khoa pháp luật kinh tế Đại học Luật Hà Nội với 22 năm làm giảng viên tại đây. Ông Nhưỡng cũng từng là chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, đảm nhiệm việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 16/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Ý Nhi, Diễm Thi
Read 458 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)