Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/08/2017

Biển Đông : Xung đột với Trung Quốc, chia rẽ trầm trọng trong Bộ chính trị

Bill Hayton

LTS : Thông Luận gửi đến bạn đọc bài viết “The Week Donald Trump Lost The South China Sea” của Bill Hayton, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Việt Nam và Biển Đông. Những phân tích của Bill Hayton tiết lộ thông tin mật về sự chia rẽ sâu sắc trong Bộ chính trị, liên quan đến những tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông. Thông qua bài viết của Bill Hayton, chúng tôi càng khẳng định thêm sự rạn nứt và phân hóa trong nội bộ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vận mệnh của đảng và chế độ.

Đảng Cộng Sản đã phân hóa. Nó không còn một lý tưởng chung để gắn kết các đảng viên. Đã thế tham nhũng, bất tài và vô đạo đức còn gây sự ganh ghét và khinh thường lẫn nhau trong toàn bộ đảng, kể cả ở cấp cao nhất. Bộ chính trị không còn quyền lãnh đạo tối cao vì mâu thuẫn với ban chấp hành trung ương, một định chế không thường trực nhưng lại có thẩm quyền tối hậu trong việc chỉ định và kỷ luật các cấp lãnh đạo. Đảng Cộng Sản chỉ còn là một hư cấu. Chế độ như một con tầu không còn đoàn thủy thủ và đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân” (Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai – Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên).

Bộ chính trị, là cơ quan quyền lực nhất của đảng cộng sản, đang chia rẻ và phân hóa trầm trọng. Vì thế, sự sụp đổ của chế độ độc tài chỉ là vấn đề thời gian. Thoát Đảng để “thoát Trung” là mệnh lệnh cấp bách của thời đạiĐã đến lúc đảng cộng sản cần “nhìn xa trông rộng” chọn một kết thúc ít đau thương tang tóc nhất, để trở về với Nhân dân, xây dựng lại ý niệm Quốc gia và niềm tự hào làm người Việt Nam. Kỉ nguyên của Dân Chủ - Đa Nguyên sẽ phải đến với Dân tộc Việt Nam.

Mai V. Phạm

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

01/08/2017

----//----

Tuần lễ mà Donald Trump mất Biển Đông

Résultat de recherche d'images pour "The Week Donald Trump Lost The South China Sea"

 

Lịch sử Việt Nam đầy những câu chuyện của những vị anh hùng chống Trung Quốc. Nhưng trong tháng này, Hà Nội đã quì gối xuống trước Bắc Kinh và bị làm nhục trong cuộc tranh chấp quyền kiểm soát trên Biển Đông, con đường giao thông hàng hải gây nhiều tranh cãi nhất trên thế giới. Hà Nội đã và đang nhìn về hướng Washington để tìm kiếm sự ủng hộ ngầm, đối đầu với các mối đe dọa của Bắc Kinh. Đồng thời, chính quyền của Trump cũng đã chứng minh rằng họ không hiểu hoặc không quan tâm đầy đủ về lợi ích của đồng minh và các đối tác tiềm năng ở Đông Nam Á, bảo vệ họ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Các chính phủ Đông Nam Á sẽ đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ không đứng cùng họ. Trong khi Washington đang tự giết chính mình trong các bê bối liên quan đến tình báo Nga và các cuộc tranh luận về bảo hiểm sức khỏe, thì một trong những khu vực quan trọng nhất của thế giới đang rơi vào tay của Bắc Kinh.

Không có vùng biển nào trên thế giới có nhiều tranh chấp căng thẳng so với Biển Đông. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc và các nước láng giềng đã phỉ báng, đe doạ, dụ dỗ, và thưa kiện để dành quyền kiểm soát các tài nguyên trên Biển Đông. Tháng 6/2017, Việt Nam đã có một động thái quyết đoán. Sau hai năm rưỡi trì hoãn, Việt Nam cuối cùng đã cho phép Talisman Việt Nam (một công ty con của tập đoàn Tây Ban Nha Repsol) cho phép khoan khí đốt, ngay tại ranh giới của Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) ở Biển Đông.

Theo diễn giải của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Việt Nam hoàn toàn có quyền để làm như thế. Tuy nhiên, theo lời giải thích riêng của Trung Quốc, thì không phải như vậy. Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra tuyên bố rõ ràng về khu vực đó. Vào ngày 25 tháng 7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) chỉ đề nghị “Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các hoạt động xâm phạm đơn phương và hành động thực tế để bảo vệ tình hình không dễ có được ở Biển Đông hiện nay” – nhưng đã không nói những hoạt động đó thực sự là gì. Trong trường hợp không có sự rõ ràng chính thức, luật sư Trung Quốc và các chuyên gia đã đưa ra hai lời diễn giải.

Trung Quốc có thể tuyên bố "quyền lịch sử" (historic rights) đối với phần biển này với lý do nó luôn là một phần của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tuyên bố rằng quần đảo Trường Sa - quần thể bao gồm các hòn đảo, rạn san hô và đá ở ngoài khơi Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines - được coi như một phần của Vùng đặc quyền kinh tế EEZ của họ. Tuy nhiên, tòa án trọng tài quốc tế đã bác bỏ “quyền lịch sử” ở Biển Đông, trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS, cách đây một năm. Trung Quốc đã phớt lờ tòa án và không công nhận phán quyết của tòa án.

Vào giữa tháng Sáu, Talisman Việt Nam lên kế hoạch khoan một khu vực nước sâu được “đánh giá rất tốt” tại Lô 136-03, dựa vào những gì người trong cuộc tin là một khu vực khí đốt trị giá hàng tỷ đô la, cách khoảng 50 dặm từ khu vực Tập đoàn Repsol đang hoạt động. Chính phủ Việt Nam biết rằng sẽ có nguy cơ Trung Quốc can thiệp, nên đã gửi các tàu hải quân và các tàu thuyền dân dụng khác để bảo vệ hoạt động khoan dầu.

Thoạt đầu, sự can thiệp của Trung Quốc tương đối có tính chất ngoại giao. Phó chủ nhiệm quân ủy Trung ương Trung Quốc, Đại tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), viếng thăm Hà Nội vào ngày 18 tháng 6 và yêu cầu chấm dứt công việc thăm dò dầu khí. Khi Việt Nam từ chối, ông Long đã hủy bỏ một cuộc họp chung về an ninh biên giới (Khuôn khổ Giao lưu Quốc phòng lần thứ 4) để về lại Trung Quốc.

Các báo cáo từ Hà Nội (đã được xác nhận bởi các báo cáo tương tự, từ các nguồn khác nhau, cho Giáo sư Carl Thayer của Úc) cho biết, ngay sau đó, Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc và thẳng thừng ra lệnh rằng, trừ khi Việt Nam dừng khoan và phải hứa rằng sẽ không bao giờ khoan trong vùng biển đó thêm một lần nào nữa ; nếu không Trung Quốc sẽ có hành động quân sự, chống lại các căn cứ của Việt Nam ở Biển Đông.

Đây là một mối đe dọa kịch tính, nhưng không phải là chưa từng có. Trong khi nghiên cứu cuốn sách của tôi về Biển Đông, tôi đã được một quan chức của BP nói rằng Trung Quốc đã gây ra những mối đe dọa tương tự cho BP khi hoạt động ngoài bờ biển Việt Nam vào đầu năm 2007. Fu Ying, sau đó là Đại sứ Trung Quốc tại London, nói với giám đốc điều hành của BP lúc đó, là Tony Hayward, rằng cô không thể đảm bảo sự an toàn của nhân viên BP nếu BP không từ bỏ các hoạt động ở Biển Đông. BP ngay lập tức đồng ý và trong những tháng sau đó đã rút khỏi các hoạt động ngoài khơi của Việt Nam. Tôi đã hỏi Fu về điều này trong một bữa ăn tối ở Bắc Kinh vào năm 2014, và cô trả lời, "Tôi làm những gì tôi nên làm vì tôi rất tôn trọng BP và không muốn BP gặp rắc rối".

Việt Nam chiếm giữ khoảng 28 tiền đồn trong quần đảo Trường Sa. Một số được thành lập trên các hòn đảo tự nhiên, nhưng nhiều trong số đó là những lô cốt cô lập trên các rạn san hô. Theo Giáo sư Carl Thayer, 15 nhà giàn mà Hà Nội gọi là “các cấu trúc dịch vụ kĩ thuật” giống như đánh dấu địa điểm, hơn là các cơ sở quân sự.

Đó là tất cả về khả năng quân sự, và vì thế không thể nào có thể phòng chống được một cuộc tấn công quân sự nghiêm trọng. Trung Quốc đã chứng minh điều này bằng các cuộc tấn công vào quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và trong trận hải chiến đảo Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988. Cả hai cuộc chiến đều kết thúc bằng nhiều thương vong về phía Việt Nam và gia tăng lợi ích lãnh thổ vphía Trung Quốc. Có những tin đồn, hoàn toàn chưa được xác nhận, rằng có một sự cố nổ súng gần một trong những tiền đồn này vào tháng Sáu. Nếu đúng, đây có thể là một lời cảnh báo nghiêm trọng hơn gửi đến Hà Nội từ Bắc Kinh.

Trong khi đó, đoàn tàu thăm dò dầu khí Deepsea Metro I đã phát hiện chính xác những gì Tập đoàn dầu khí Repsol đang muốn tìm kiếm : một phát hiện tuyệt đẹp - chủ yếu là khí, nhưng với một ít dầu. Tập đoàn Repsol tiếp tục thăm dò và hy vọng sẽ khoan hết toàn bộ độ sâu của giếng này vào cuối tháng 7.

Bộ Chính trị Việt Nam đã họp bàn để thảo luận về những việc cần làm. Giá dầu thấp và sản lượng giảm từ các mỏ ngoài khơi đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách của chính phủ. Việt Nam cần năng lượng giá rẻ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì quyền lực và vai trò của Đảng Cộng sản.

Không ai có thể biết được những quyết định lớn lao được tiến hành ra sao ở Việt Nam, nhưng từ chuyện ngừng khoan dầu của Repsol, có thể thấy rõ ràng rằng Bộ Chính trị đang bị chia rẽ hết sức nghiêm trọng. Trong số 19 ủy viên, thì 17 người đồng ý chỉ trích Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc chỉ giả vờ đe dọa. Chỉ có 2 người không đồng ý phản đối Trung Quốc, nhưng 2 người này lại có ảnh hưởng lớn nhất trong Bộ chính trị, đó là : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Sau hai cuộc họp căng thẳng vào giữa tháng 7, quyết định được đưa ra : Việt Nam chấp nhận rút lui trước Trung Quốc và chấm dứt khoan thăm dò. Cũng theo các nguồn tin trên, quyết định dựa trên lập luận là Hà Nội không thể dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền Trump trong trường hợp hai nước xảy ra xung đột trên Biển Đông.

Ý nghĩa chiến thắng của Trung Quốc trong tranh chấp với Việt Nam là hiển nhiên. Bất kể luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ tự ý thiết lập các quy tắc ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ áp đặt chủ quyền gọi là “lịch sử” hay “sở hữu chung” lên Biển Đông. Bắc Kinh sẽ quyết định nước nào có quyền khai thác tài nguyên gì. Nếu Bắc Kinh có thể đe dọa Việt Nam, thì họ có thể đe dọa tất cả các nước còn lại trong vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Repsol hiện đang chuẩn bị giăng buồm rời bỏ tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD. Các báo cáo từ khu vực cho biết chiếc tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc, HYSY760, được bảo vệ bởi một đội tàu nhỏ, đang trên đường đến cùng một khu vực để kiểm tra triển vọng dầu khí. Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS đã bị đảo ngược, và những phán quyết của tòa án cũng bị che giấu. Hà Nội nghĩ có được sự bảo hộ của Washington, sẽ khiến Trung Quốc phải chùn bước. Nhưng thay vào đó, Trump đã rời khỏi Biển Đông, trôi dạt theo hướng của Bắc Kinh.

Bill Hayton

Mai V. Phạm chuyển dịch

Nguồn : http://foreignpolicy.com, “The Week Donald Trump Lost The South China Sea” 

Quay lại trang chủ
Read 15415 times

1 comment

  • Comment Link Dân mardi, 01 août 2017 10:14 posted by Dân

    Nhân cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi vừa thông xe. Rất tốt! Nhưng ý nghĩa đột phá hơn phải là Hành lang đông tây 2 từ Đà Nẵng đi Băng Cốc theo 14B qua cửa khẩu Nam Giang (VN)/Đắc Ốc (Lào) qua cao nguyên Bôloven còn trù phú hơn cả Tây Nguyên mà TQ đang dần thôn tính, qua Pakse (Lào) Udon (Thái), đích là Băng Cốc. Nếu Chỉnh phủ làm ngay con đường này thay vì để Quảng Nam cản trở vì "sợ Đà Nẵng phát triển hơn", thì VN sẽ thống lĩnh cả về kinh tế chính trị quân sự toàn bộ Asean lục địa (Thái, Myanma, Lào, CPC) ra biển Đông thay vì chỉ phụ thuộc eo Malaca mà TQ cứ nhăm nhe đòi lấy. Chính phủ phải ra tay vụ này?
    APEC tháng 11 này mà VN không có gì để giới thiệu con đường Hành lang đông tây 2 huyết mạch huyết tử này với 21 cường quốc thế giới thì đúng là đại đại lãng phí thiếu sót nghiêm nghiêm trọng!

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)