Theo tin tổng hợp giới truyền thông trong nước, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Sau giai đoạn thí điểm 2017- 2020, đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đưa nội dung quyền con người vào chương trình giảng dạy.
Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)
Đọc bản tin trên, người Việt Nam trong cũng như ngoài nước còn quan tâm đến tương lai đất nước cảm thấy vui mừng và lo âu. Cảm giác trái ngược này xuất phát từ tâm trạng bán tín, bán nghi của người dân sống quá lâu trong chế độ độc tài toàn trị mà các quyền con người bị xâm phạm, hạn chế hay bác đoạt hoàn toàn.
Người dân Việt Nam vui mừng vì nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam sau những năm dài đi theo con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa đã thất bại hoàn toàn (1975-1995), phải đi theo con đường tư bản chủ nghĩa từ 1995 đến nay vẫn đang tiếp tục ; mà thực tế đã có những dấu hiệu tốt đẹp cho dân cho nước. Phải chăng đã đến lúc đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền độc tôn trong chế độ độc tài toàn trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã "phản tỉnh",nghĩ đến phải trả lại cho nhân dân những nhân quyền cơ bản, để phù hợp với xã hội dân sự như trong các chế độ chính trị dân chủ ở các nước tư bản trên thế giới ngày nay ?- Mặc dầu trong khẩu hiệu tuyên truyền, vì thể diện, đảng và nhà cầm quyền Việt Nam vẫn phải khẳng định duy ý chí, rằng quyết tâm thực hiện "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" (là giả) trong khi thực tế " Kinh tế thị trường (tất yếu) theo định hướng tư bản chủ nghĩa" (là thật).
Thế nhưng người dân Việt Nam lại không khỏi lo âu, bán tín bán nghi về Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân có thực sự theo chiếu hướng tốt đẹp trên hay chỉ là thủ thuật câu giờ, kéo dài tuổi thọ cho chế độ độc tài toàn trị (vì đề án kéo dài nhiều năm cho đến 2025…), bằng cách tạo ra sự lần tưởng rằng chế độ đang chuyển biến theo chiếu hướng dân chủ hóa đất nước, để che đậy tình trạng vi phạm quyền con người đã đến đỉnh cao của đảng và nhà cầm quyền Việt Nam ; hầu xoa dịu sự bất bình, phẫn nộ của nhân dân trong nước và sự lên án gắt gao bao lâu nay của công luận quốc tế.
Vì vậy, để niềm vui của nhân dân sớm trở thành sự thật và mối lo âu của nhân dân không tồn tại, thiết tưởng điều tiên quyết là đảng và nhà đương quyền Việt Nam phải chứng tỏ bằng hành động tôn trọng các nhân quyền cơ bản của nhân dân song song với việc thực hiện Đề án gíáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vả lại, chủ đích của đề án này mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho hay, là việc đưa nội dung mới này vào giảng dạy nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh, bởi nó giúp giới trẻ ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân cũng như tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác. Như thế hiệu quả của đề án giáo dục quyền con người này là cho các thế hệ tương lai trong tương quan giữa cá nhân người dân với nhau.
Thế còn mối tương quan giữa cá nhân người dân trong thế hệ hiện tại sống nhiều năm trong chế độ độc tài toàn trị vắng bóng quyền con người, lại không được giáo dục về quyền con người thì sao ? Thiết tưởng, chính việc thực hành quyền con người của nhà cầm quyền đương thời sẽ có ích rất nhiều không chỉ cho thế hệ người dân hiện tại mà cho cả các thế hệ tương lai sẽ được giảng dạy để biết các quyền con người phải thể hiện thực tế thế nào cho đúng ; trong tương quan giữa cá nhân người dân với nhau và giữa người dân với nhà cầm quyền.Vì rằng, trong các mối tương quan này, việc thực thi các quyền con người trong tương quan giữa nhà cầm quyền và nhân dân là quan trọng nhất và được quan tâm nhiều nhất.
Mặt khác, việc nhà cầm quyền cần khởi sự thực hiện quyền con người trong tương quan với người dân sẽ đánh tan mối lo âu khác của người dân.Đó là liệu nôi dung, ý nghĩa của Đề án giáo dục quyền con người của "đảng và nhà nước ta" có nội dung, ý nghĩa phổ quát như quyền con người đã thể hiện trong các nước có chế độ dân chủ pháp trị trên thế giới ngày nay ; hay có nội dung, ý nghĩa riêng, khác biệt về quyền con người để phù hợp, củng cố cho chế độ độc tài toàn trị cộng sản (đỏ vỏ xanh lòng) hiện nay tại Việt Nam ?
Một điển hình mâu thuẫn về định nghĩa quyền con người phổ quát với định nghĩa quyền con người của đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thể hiện trên thực tế bao lâu nay : Đó là những người dân khi bày tỏ bất đồng chính một cách ôn hòa, đấu tranh đòi nhà cầm quyền tôn trọng, thực thi các quyền dân chủ, dân sinh…vốn là quyền con người cơ bản ; nhưng nhà cầm quyền đã trấn áp, bắt bớ, tù đầy vì không coi đó là quyền con người, mà kết tội là hành vi phạm pháp, chống nhà cầm quyền.
Vậy thì, để mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam tin tưởng vào Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, thay lời kết, chúng tôi xin trích phần mở đầu Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Việt Nam 1977. mà người viết được giao nhiệm vụ khởi thảo khi tham gia Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam :
"Khẳng định rằng : Con người sinh ra có quyền sống và phải được sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị con người.
Sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị con người, là con người không phải chỉ sinh ra để sống như một con vật, mà còn có nhu cầu khẩn thiết hơn là phải được sống và sống tự do.
Sống tự do, là mọi người không phân biệt giai tầng xã hội, sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, phải được tôn trọng, bảo vệ và hành xử các nhân quyền cơ bản đã được ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền và Hiến chương Liên Hiệp Quốc : Quyền tự do tư tưởng, tự do chính trị, tự do kinh tế….
Vì tự do và con người là một thực thể bất khả phân : có con người là phải có tự do, thiếu nó con người sẽ sống trong lo âu sầu tủi và nhân phẩm bị hạ thấp ngang tầm loài vật !
Tiếc thay ! Một dân tộc đã và đang bị hạ thấp ngang tầm loài vật : Đó là dân tộc Việt Nam. Bởi vì dân tộc này đã và đang phải sống dưới ách chế độ độc tài đảng trị, mọi nhân quyền bị chà đạp hay tước đoạt…".
Và những dòng cuối cùng của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Việt Nam năm 1977 viết :
"Như một quy luật : Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Và rằng : Một chế độ thiết lập bằng bạo lực, duy trì bằng bạo lực, thì sớm muộn cũng bị sụp đổ do tự bản chất và do sức mạnh vùng lên của những con người bị áp bức, bóc lột".
Thiện Ý
Houston, ngày 20 tháng 9 năm 2017
Nguồn : VOA, 21/09/2017