Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/12/2017

Đâu là sự thật của "mật ước Thành Đô" ?

Trương Nhân Tuấn

Trên VOA hôm 13/12 nhà báo Lê Anh Hùng có viết bài "Nên hiểu Mật ước Thành Đô như thế nào" ? Theo đó tác giả đối chiếu với một số "sự kiện" là "lời khai" của các nhân chứng bên Việt Nam, rồi cho rằng "mật ước này thiếu cơ sở"... Tác giả đồng thời cũng cho rằng đó "là một câu chuyện bịa đặt nhằm phục vụ mưu đồ đen tối của Trung Nam Hải"... nhằm để "tuyên truyền cho giàn khoan HD 981"...

thanhdo1

Hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng duyệt binh ngày 12/11/2017 tại Hà Nội  

Theo tác giả "Mật ước Thành Đô" nếu là sự thật "thì nó cũng không có giá trị pháp lý, bởi nó không tuân theo những trình tự pháp lý thông thường của một hiệp ước giữa hai quốc gia. Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười hoàn toàn không đủ chính danh để đóng dấu hiệu lực vào một hiệp ước vô cùng hệ trọng như thế. Trong khi đó, những người ký kết "mật ước" đó hoặc đã chết, hoặc gần như không còn ảnh hưởng trên chính trường, nên nó lại càng vô giá trị".

thanhdo2

Sau lễ đón chính thức ngày 12/11/2017, tại Trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, hai phái đoàn Việt Nam - Trung Quốc tiến hành hội đàm.

Tác giả cũng cho rằng "nếu các bản tuyên bố chung Việt - Trung xưa nay luôn được Hà Nội thực hiện đúng thì Việt Nam đã trở thành "một bộ phận không thể tranh cãi của Trung Quốc" từ lâu, chứ chẳng cần phải đợi đến khi "Mật ước Thành Đô" được thi hành".

Theo tôi các ý kiến của nhà báo Lê Anh Hùng trong bài viết này cần phải được thảo luận lại.

"Mật ước Thành Đô" được cho là văn kiện ký kết giữa lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc từ năm 1990. Vấn đề là đến nay người ta chỉ nghe nói về mật ước này, chứ chưa thấy ai lên tiếng khẳng định là đã từng thấy nó.

Trang BBC tiếng Việt đã từng có nhiều bài báo nói về "mật ước Thành Đô". Đặc biệt bài viết ngày 14 tháng mười năm 2014 ghi nhận tin tức từ báo chí Trung Quốc, trong đó có đoạn dẫn Tân Hoa Xã và Hoàn cầu thời báo. Nội dung nguyên văn như sau :

"Truyền thông Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa Xã và Hoàn cầu Thời báo, đã đưa tin rằng ở cuộc gặp nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước này, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã ‘sẵn sàng chấp nhận để Việt Nam làm một khu tự trị của Trung Quốc’".

Các cơ quan ngôn luận của Việt Nam không có một lời nào về bài báo của BBC để xác định, hay phủ định nội dung trên Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu thời báo. Ban Tuyên giáo hay phát ngôn nhân Bộ ngoại giao cũng không có lời nào phê bình chính thức, mặc dầu Tân Hoa Xã là "cái loa chính thức" của đảng và nhà nước Trung Quốc. Ngoài một văn bản "không có địa chỉ nơi gởi" (nói là của ban Tuyên giáo trung ương) được lưu truyền trên mạng, cho rằng tin tức đó là "bịa đặt, tuyên truyền".

Nếu xem lại các tài liệu như "Hồi ký Trần Quang Cơ", ta thấy nhà ngoại giao này có nói về "hội nghị Thành Đô", nhưng nội dung chỉ xoay quanh vấn đề Campuchia. Nhiều "nhân chứng" khác phía Việt Nam cũng có ý kiến tương tự.

"Mật ước Thành Đô" như vậy là hiện hữu. Câu hỏi đặt ra là có hay không có cam kết "Việt Nam làm khu tự trị của Trung Quốc", như Tân Hoa xã và báo chí Trung Quốc đã đề cập ?

Theo tôi thì các nhận xét và kết luận của tác giả Lê Anh Hùng là khá "chủ quan". Ta đâu thể chỉ dựa vào "lời khai" của một bên, cũng như dựa vào một văn bản "không có địa chỉ người gởi", để có thể khẳng định như "đinh đóng cột" rằng "mật ước Thành Đô" là chuyện bịa đặt nhằm phục vụ mưu đồ đen tối của Trung Nam Hải" ?

Nói vậy thì những nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu sự thật về Hội nghị Thành Đô, hay sự thật về ông Hồ Chí Minh, khi họ sử dụng tài liệu từ phía Trung Quốc, thì họ "phục vụ cho mưu đồ đen tối" của Trung Quốc hay sao ?

Đã gọi là "mật ước", theo tập quán quốc tế, thì cho đến khi những điều cam kết chưa được hai bên thực hiện đầy đủ, "mật ước" không có lý do gì phải "bạch hóa" nó.

Đâu phải là không ai thấy nó thì "mật ước" này không có ?

Mật ước Yalta, ký kết giữa lãnh đạo các cường quốc là Joseph Stalin, Franklin D. Roosevelt và Winston Churchill vào tháng hai năm 1945. Gọi là "mật ước" vì nội dung không công bố.

Mật ước được "bạch hóa" năm 1951 nhân hội nghị San Francisco về Nhật Bản. Mật ước quyết định số phận các "vùng lãnh thổ", quốc gia can dự vào cuộc đại chiến, đồng thời phân định "vùng ảnh hưởng" của các đại cường thuộc phe thắng trận. Việc phân chia hai vùng Châu Âu bằng "bức màn sắt" là hệ quả của mật ước này. Nga và Nhật không đồng ý về số phận quần đảo Kouriles, vì vậy "mật ước" mới được "bạch hóa".

Cũng theo tập quán quốc tế, tầm cỡ ông Trần Quang Cơ, thứ trưởng Bộ ngoại giao lúc Hội nghị Thành Đô, là "không đủ tư cách" để bàn luận những điều cơ mật, trọng đại. Chỉ có Đổ Mười, Nguyễn Văn Linh (và Phạm Văn Đồng), những người lãnh đạo tối cao đảng và nhà nước, là những người có thẩm quyền ký kết một "mật ước", với những điều ước mà nội dung liên quan đến những vấn đề thuộc thẩm quyền của họ.

thanhdo3

Ba ông Mười, Linh và Đồng có thẩm quyền ký một hiệp ước có nội dung "nhìn nhận Việt Nam là một khu tự trị của Trung Quốc" hay không ?

Người ta hoài nghi điều này có thể xảy ra trong một "quốc gia bình thường". Nhưng đối với một chế độ cộng sản thì việc gì cũng có thể. Năm 1954 Khrouchtchev sáp nhập Crimée vào Ukraine. Năm 1958 Phạm Văn Đồng đã ký văn bản nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa, cùng vùng biển chung quanh, là của Trung Quốc. Trước công pháp quốc tế, các văn bản này có giá trị thi hành.

Ý kiến của tác giả Lê Anh Hùng : "Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười hoàn toàn không đủ chính danh để đóng dấu hiệu lực vào một hiệp ước vô cùng hệ trọng như thế. Trong khi đó, những người ký kết "mật ước" đó hoặc đã chết, hoặc gần như không còn ảnh hưởng trên chính trường, nên nó lại càng vô giá trị".

Theo tôi, kết luận như vậy là không có cơ sở khoa học pháp lý. Hai ông Mười và Linh là lãnh đạo tối cao về mặt đảng và nhà nước. Hai ông này (hợp lại) có thể ký mọi văn bản, vì hai ông có thẩm quyền trên mọi vấn đề của Việt Nam. Ngay cả các ông này chết đi, các văn bản ký kết không vì vậy mà "xóa bỏ". Bởi vì hai ông này ký với danh nghĩa của "quốc gia Việt Nam" chớ không phải với tư cách "cá nhân".

Tác giả cũng dẫn sự kiện giàn khoan HD 981, cho rằng ý kiến "Việt Nam làm khu tự trị của Trung Quốc" là "bịa đặt tuyên truyền" là "mưu đồ của Trung Nam Hải".

Theo tôi, đến nước này mà còn nói về "giàn khoan HD 981" mà bỏ qua việc mở rộng, xây dựng các bãi đá của Trung Quốc ở Trường Sa thành các cứ điểm quân sự, là "thấy khói mà không thấy lửa", thấy diện mà không thấy điểm.

Vụ giàn khoan HD 981, hai bên Việt Nam và Trung Quốc "diễn tuồng hát bội", cho tàu bè xịt nước vào nhau, tuyên bố phản đối này kia… để che giấu một âm mưu trọng đại. Cùng thời điểm, xích về phía nam, khu vực Trường Sa, Trung Quốc ráo riết cho bồi đắp các bãi đá (chiếm của Việt Nam năm 1988). Việt Nam không có một lời nào về sự kiện nay. Cho tới khi, tại diễn đàn Shangri La năm 2015, lãnh đạo các đại cường đều lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xây dựng đảo, chỉ trích việc này làm "nguy hiểm cho an ninh khu vực". Trong khi đại tướng Phùng Quang Thanh thì trấn an dư luận, cho rằng việc đó là chuyện "nội bộ anh em".

Về ý kiến cho rằng "nếu các bản tuyên bố chung Việt - Trung xưa nay luôn được Hà Nội thực hiện đúng thì Việt Nam đã trở thành "một bộ phận không thể tranh cãi của Trung Quốc" từ lâu, chứ chẳng cần phải đợi đến khi Mật ước Thành Đô được thi hành".

Ý kiến này có lẽ nhằm phản biện bài viết của tôi hôm kia trên Facebook. Vì tôi dẫn nội dung bản tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc ký giữa ông Trọng và Tập Cận Bình đầu năm 2017 để kết luận rằng ông Nguyễn Phú Trọng "phản bội tổ quốc".

Vấn đề là trong tất cả các tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc ký kết từ trước đến nay, ta không thấy bản tuyên bố nào có nội dung tương tự như tuyên bố 2017 ký giữa ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng. Dẫn lại như sau :

"Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời,... có chế độ chính trị tương đồng, ... có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung…".

Khi hai quốc gia có "tiền đồ tương quan, khi hai dân tộc có "vận mệnh chung" thì hai quốc gia đó là một, hai dân tộc đó là một.

Vấn đề là các "tuyên bố chung" có được thực hiện hay không ?

Kiểm chứng lại tất cả các tuyên bố chung đã được công bố, ta thấy không có điều khoản nào mà không được hai bên "thi hành".

Việc "thi hành" các điều trong bản "tuyên bố chung" giữa lãnh đạo đảng luôn được thể hiện qua các hiệp ước, các công ước... do các lãnh đạo nhà nước ký kết.

Ngay cả những cam kết tệ hại nhứt, như tuyên bố 2008 giữa Nông Đức Mạnh và Hồ Cẩm Đào, vụ khai thác Bôxit Đắc Nông đã gây thiệt hại cho Việt Nam không kể xiết, về môi trường cũng như về hiệu quả kinh tế. Việt Nam không thể ngưng vì đó là "chủ trương lớn" của đảng.

Các dự án về kinh tế, như dự án "Hai hành lang, một vành đai kinh tế", đã khiến các tỉnh như Hải Phòng, các tỉnh khu vực biên giới… hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tôi đề nghị với nhà báo Lê Anh Hùng là hãy rà soát tất cả các bản tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, rồi đưa ra một nội dung nào tương tự với tuyên bố 2017 : "Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời,... có chế độ chính trị tương đồng, ... có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung…".

Tôi cũng đề nghị rằng, tác giả thử đưa ra một cam kết nào, trong bất kỳ bản tuyên bố chung nào, mà cam kết này không được hai bên thi hành.

Theo tôi, muốn bênh vực ông Nguyễn Phú Trọng ta có trăm ngàn cách. Nhưng đừng bao giờ bênh vực theo kiểu "cầm đèn chạy trước", hay với những luận điệu "chụp mũ" người khác là "phục vụ mưu đồ đen tối của Trung Nam Hải" như vậy.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 14/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 1337 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)