Tuần qua, ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có hai vụ xử đại án liên quan đến 44 quan chức dầu khí và ngân hàng bị cáo buộc với tội danh : "cố ý làm trái qui định Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội tham ô tài sản.
Ông Đinh La Thăng (đứng) và ông Trịnh Xuân Thanh (ngồi) tại Tòa Hà Nội.
Sau bốn ngày xét xử, Viện Kiểm sát nhân dân đã đề nghị mức án tù 14-15 năm cho Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Petro Vietnam. Ông Thăng cũng là cựu ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng giao thông vận tải và bí thư Thành phố Hồ Chí Minh.
Còn Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Tổng Công ti Xây lắp Dầu khí và nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, từng trốn sang Đức rồi bị an ninh của Việt Nam bắt cóc đem về nước năm ngoái, bị đề nghị án chung thân vì làm trái qui định và tham ô tài sản.
Nhiều bị cáo khác trong vụ đại án Thăng-Thanh cũng đã bị công tố đề nghị mức án từ tù treo đến 28 năm. Các bị cáo đều là quan chức cấp cao từ các cơ quan, ban ngành liên quan đến dầu khí và ngân hàng.
Vụ đại án này được tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắm đến là vì trong mười năm đứng đầu chính phủ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã muốn đưa hai khu vực này lên làm mũi nhọn kinh tế để phát triển quốc gia. Rất tiếc các quan chức được xếp đặt để thực thi chính sách là những người vừa thiếu khả năng chuyên môn, vừa đầy lòng tham nên đã gây thất thoát cả nghìn tỉ đồng cho ngân sách quốc gia.
Từ đầu năm 2016, sau khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đại hội đảng cộng sản biểu quyết để ông đứng đầu đảng thêm một nhiệm kỳ nữa, dù đã quá tuổi hưu, ông đã đưa ra chiến dịch bài trừ tham nhũng, còn có tên gọi ví von là "đốt lò" và sẽ đốt cả "củi khô" lẫn "củi tươi".
Lò đốt của ông Trọng đang đốt những củi khô và củi tươi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (anh Ba X), người đã bị ông Trọng hạ bệ tại Đại hội đảng XII hồi đầu năm 2016.
Trong năm qua, người của anh Ba X lũ lượt bị rớt chức hay kéo nhau ra tòa. Từ Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm đến Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê, Trần Bắc Hà, Phạm Công Danh, Phan Huy Khang.
Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank, từng mua một khu shopping ở vùng San Jose với giá 60 triệu đôla, theo Ethnoblog trên New American Media. Ông được cho là người tín cẩn của thủ tướng Dũng.
Tháng 9/2017 tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu án tử hình Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng OceanBank và tù chung thân cho Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị OceanBank.
Trong vụ xử tuần qua, Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đã không đến tòa vì đang chữa bệnh bên Singapore.
Nhưng có những quan chức khác vẫn bình yên. Năm ngoái thứ trưởng Bộ công thương Hồ Thị Kim Thoa đã xin thôi việc để được hạ cánh an toàn trước cáo buộc làm sai luật khi bà lãnh đạo công ti bóng đèn Điện Quang.
Vụ nhà máy Formosa của Đài Loan xả chất thải độc ra biển miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành ngư nghiệp nhưng bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự chỉ bị cắt các chức vụ trong quá khứ, bị xử lí nội bộ mà không bị truy tố. Bộ Y tế với nhiều vụ mua bán thuốc không phân minh nhưng bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn ung dung tại chức.
Sự kiện cán bộ, đảng viên cộng sản lợi dụng quyền thế để trục lợi thì không phải bây giờ mới xảy ra, mà từ nhiều thập niên qua.
Các lãnh đạo trước đây của đảng đều biết tình trạng tham ô lan tràn, nhưng vì cũng đã nhúng chàm nên chẳng thể làm mạnh. Nhìn vào nhà của các cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu hay Nông Đức Mạnh với đồ cổ, bàn ghế, trang trí nội thất như cung điện vua chúa thì biết ngay.
Cho đến nhiệm kỳ hai của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đầu năm 2016, với dư luận cho là người liêm chính nên ông có thể thẳng tay bài trừ tham nhũng.
Trong hơn một năm qua, với chủ trương dù củi khô hay củi tươi thì cũng cho vào lò nên nhiều vụ sai phạm đã được đưa ra trước pháp luật, từ thất thoát trong ngân hàng, trong tổng cục dầu khí, đến cán bộ Đà Nẵng cùng Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm", mua bán công sản và mới nhất là sai phạm của lãnh đạo Cụm cảng Hàng không Tân Sơn Nhất đang được chú ý.
Tham nhũng, hối lộ ở Việt Nam là chuyện thường ngày ở huyện mà người dân biết rất rõ. Chị bán hàng ngoài chợ, anh công nhân, cô y tá, thày giáo hay em sinh viên đã đều phải đối mặt với việc "bôi trơn" khi có việc phải lên cơ quan hành chính phường xã, hay khi xin học, xin việc, khi cần được chăm sóc y tế. Đó là ở cấp thấp.
Cấp cao thì hỏi 200 ủy viên trung ương đảng và 500 đại biểu quốc hội xem có ai không nhúng chàm.
Muốn chạy những dự án lớn thì không thể qua mặt các ủy viên trung ương đảng hay đại biểu quốc hội vì họ là người được đảng đưa vào những cơ quan đó và họ chính là những móc xích trực tiếp nối với quyền lực của đảng.
Năm 2012 đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến bị cáo buộc khai gian lý lịch, đầu tư bất chính nên bị bãi chức và đã hạ cánh an toàn.
Năm ngoái, đại biểu Châu Thị Thu Nga nói trước tòa là bà đã phải chi ra 1 triệu 500 nghìn đôla để chạy chức đại biểu quốc hội và hàng trăm tỉ đồng để chạy dự án. Bà bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản của khách hàng trong các dự án địa ốc và bị kết án tù chung thân.
Cán bộ, đảng viên mà không tham ô, hối lộ thì lấy tiền đâu cho con đi du học ở các nước phương Tây, lấy tiền đâu mua nhà vài trăm nghìn đôla bên Mỹ, Úc, Anh, Pháp.
Một tỉ đồng tiền Việt Nam theo thời giá là 40 nghìn đôla. Một sinh viên nước ngoài vào học cao đẳng ở Mỹ, tức community college, tốn ít ra cũng 20 nghìn đô một năm kể cả ăn ở. Vào đại học bốn năm sẽ tốn gấp đôi. Học xong bằng cử nhân là phải chi hơn trăm nghìn đô, khoảng 3 tỉ đồng tiền Việt. Với chi phí cao nhưng đã có hàng vạn du sinh từ Việt Nam qua Mỹ học, phần đông là con cái cán bộ từ cấp thấp đến hàng tướng tá.
Trong vụ án dầu khí, gia đình Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị đóng vào quỹ nhà nước 4 tỉ đồng, khoảng 160 nghìn đôla, để khắc phục thiệt hại.
Cuối năm 2013 có vụ án Dương Chí Dũng, chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, bị tử hình vì tham ô, phải bổi thường cho nhà nước 110 tỉ đồng nhưng ban thi hành án sau khi tịch thu hết tài sản của ông Dũng vẫn thiếu 88 tỉ. Ông Dũng vẫn còn bị giam tù chờ ngày thi hành án tử.
Trong phiên xử Tập đoàn Dầu khí Petro Vietnam, trước tòa Đinh La Thăng đã khai là các dự án do ông đề xuất đều được thủ tướng chấp thuận và đã làm đúng với chủ trương của Bộ Chính trị. Nhưng chắc sẽ không có án cho quan chức cao hơn mà chỉ dừng lại với Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Quốc Khánh, Phùng Đình Thực trong vụ dầu khí, hay Trầm Bê, Trần Bắc Hà bên ngân hàng.
Năm 2013, trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không được quá bán đại biểu quốc hội cho điểm "tín nhiệm cao", nhưng ông không từ chức và tuyên bố rằng do Đảng bố trí công tác thì ông phải làm.
Cũng trong lần bỏ phiếu đó, những người không được đa số tín nhiệm là thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình và bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng không từ chức. Không ai từ chức, hay bị cách chức, để mặc cho tham ô tiếp tục lan tràn, từ ngân hàng qua buôn bán thuốc tây giả, thật.
Như thế tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng Bộ Chính trị, hay những người đứng đầu Đảng trong thời gian đó là Nông Đức Mạnh lại không có trách nhiệm gì sao ?
Riêng với ông Trọng, được coi là người quyền thế nhất Việt Nam hiện nay, thì những can phạm bị xét xử trong những năm qua đều là cán bộ, đảng viên được Đảng cộng sản cơ cấu vào các cơ quan. Ông cũng không có trách nhiệm gì sao ?
Quan sát những nhân vật chính trị cấp cao của Việt Nam thì thấy gia cảnh của tổng bí thư Trọng dường như là một bí mật quốc gia, vì không có nhiều thông tin và truyền thông cũng không đề cập tới.
Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có những người con làm gì, con dâu, con rể học hành ở đâu, anh em cột chèo, gia đình bên vợ ông làm những công việc gì… nhiều người đều biết.
Tướng Phùng Quang Thanh, nguyên bộ trưởng quốc phòng, có con trai làm gì trong quân đội, đầu tư vào những nơi nào cũng không phải là điều gì bí mật.
Gia đình cố đại tướng Võ Nguyên Giáp với các con, dâu rể làm gì, ở đâu cũng được báo chí nhắc đến nhiều.
Gia cảnh của đương kim chủ tịch nước Trần Đại Quang, hay cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết đều có thông tin trên mạng, trên báo.
Hôm 8/1 vừa qua, phó chủ tịch Quận I Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Ngọc Hải đã xin từ chức vì không thể thực hiện được chủ trương làm sạch, làm đẹp lề đường nơi ông phụ trách là trung tâm du lịch của thành phố. Qua lá thư gửi lãnh đạo, ông đưa ra một sự thực là đang có tranh giành quyền lợi phe nhóm trong chính trường.
Ông viết trong thư : "Việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn hàng ngàn tỉ của các chủ bãi đỗ xe ô tô, gắn máy, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các hộ kinh doanh mặt tiền… và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó. Là người cán bộ đảng viên tôi đã kiên định vượt qua mọi khó khăn, sự chống phá công khai và ngấm ngầm, sự đe dọa đến sinh mạng của bản thân và gia đình từ phía các đối tượng bị mất đi nguồn lợi phi pháp từ lấn chiếm tài sản công và không gian sống của xã hội".
Thư của ông Hải đã đưa ra hình ảnh đất nước Việt Nam ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là đang bị các phe nhóm tung hoành.
Tổng bí thư Trọng có thực tâm diệt tham nhũng hay cũng chỉ kéo bè, chạy theo các nhóm lợi ích để họ thực hành câu nói dân gian : "Hy sinh đời bố, củng cố đời con".
Ông có bỏ tù các quan tham nhũng thì họ vẫn sướng trong tù vì được ăn uống đầy đủ, có cuộc sống tiện nghi, giải trí không thiếu, chẳng mong vợ con thăm vì cuối tuần có khi được về thăm gia đình.
Ở tù vài năm, chờ ân xá sẽ được ra tù trước thời hạn, khi đó tiêu xài tiền do tham ô mà có cũng không muộn.
Bùi Văn Phú
Nguồn : VOA, 17/01/2018