Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/04/2018

Khi con nghiện nắm trong tay quyền lực

Nguyễn Thiện Nhân

"Thuế tài sản, trong đó có thuế nhà ở là đúng đắn, cần thiết" - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phát ngôn trên báo chí nhằm ủng hộ "Dự thảo dự luật thuế tài sản" do Bộ tài chính đề xuất.

con1

Ngân sách kiệt quệ đến nỗi phải cào cấu, quơ quào mọi thứ để có tiền chi tiêu cho bộ máy - Ảnh minh họa. Nguồn : internet

Người dân đã quen với những phát ngôn kiểu nịnh nọt mỗi khi một bộ ngành nào đó muốn "vặt lông vịt", nghe riết quen tai, kiểu như là "tăng giá điện không ảnh hưởng người nghèo" hay "tăng giá xăng dầu không ảnh hưởng tới kiểm soát lạm phát"…

Hiện nay, có ít nhất 5 loại thuế, phí nhà đất cá nhân, gồm :

1. Thuế chuyển nhượng ;

2. Phí trước bạ(thường gọi là thuế trước bạ) ;

3. Thuế thu nhập cá nhân(đánh vào thu nhập người chuyển nhượng) ;

4. Thuế nhà đất hàng năm(đối với đất thổ cư) ;

5. Thuế chuyển mục đích sử dụng đất.

Nếu đánh thêm "thuế tài sản" vào nhà đất thì sẽ bị "thuế chồng thuế". Điều đáng nói là ngưỡng đánh thuế nhà 700 triệu đồng không chỉ đánh vào người giàu mà người trung bình và nghèo cũng bị đánh trúng, khó mà đóng nổi cho chế độ. Nhìn lại, một số loại thuế tăng phi lý từng bị dư luận phản đối nhưng "đảng ta" vẫn cố đấm ăn xôi, quyết thu cho bằng được, rõ ràng nhất là "thuế môi trường" đánh vào xăng dầu liên tục tăng, từ 1.000đ/lít năm 2015 lên 4.000đ/lít năm 2018.

Việc tăng thu một số loại thuế và đặt ra thêm một số loại thuế khác, nói thẳng ra chỉ là nhằm tăng thu ngân sách trong giai đoạn thâm thủng hiện nay do vấn nạn tham nhũng và đầu tư lãng phí trong mấy chục năm dồn tích lại. Tất nhiên có một phần nhỏ do bộ máy cồng kềnh và những nguyên nhân khác làm ngân sách rỗng ruột nhưng tham nhũng và lãng phí vẫn là nguyên nhân chính.

Ngân sách kiệt quệ đến nỗi phải cào cấu, quơ quào mọi thứ để có tiền chi tiêu cho bộ máy. Giống như một con nghiện nắm trong tay quyền lực, vịt béo vịt gầy đếu bị vặt lông không thương tiếc. Trước đây, cũng liên quan nhà đất, ai đó đề xuất sẽ đánh thuế ngôi nhà thứ hai, nhưng dường như cách ấy sẽ không thu được nhiều nên kỳ này Bộ tài chính đưa ra đề xuất nhằm đánh trúng nhiều người hơn, thu được nhiều tiền hơn. Nói gọn lại là Bộ tài chính toan tính vắt kiệt túi dân để bù ngân sách.

Nợ công - trái bom nổ chậm

Những năm qua, ngân sách thâm thủng nặng, phải bán tài sản quốc gia và cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước để bù. Từ năm 2019 trở đi, vốn nhà nước trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước chẳng còn bao nhiêu, lấy gì bán để bù đắp thâm thủng ngân sách trong khi nợ vay nước ngoài đến hạn không biết lấy nguồn đâu để trả ?

Kiếm tiền nuôi đảng bất chấp hệ lụy, bất chấp thiệt hại cho quần chúng nhân dân. Đó là sự thật diễn ra đã nhiều năm, tăng thuế phí cao ngất và vay một núi nợ công. Chính phủ nước nào cũng có nợ công, tuy nhiên cái cách vay nợ của chính phủ Việt Nam ẩn chứa những rủi ro mà khi vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân vốn đang sống dưới đít đáy nhân loại mà không có một công cụ nào để phản kháng.

Theo Quyết định của chính phủ số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 thì mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ đạt 38% GDP vào năm 2020. Có thể đoán rằng dư nợ trái phiếu chính phủ 2018 khoảng 35%GDP tương đượng 1,75 triệu tỷ. Nắm giữ trái phiếu chính phủ chủ yếu ở 4 nhóm : 1. Ngân hàng, 2. Bảo hiểm xã hội, 3. Các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư và các định chế tài chính, 4. Nhà đầu tư nước ngoài.

Nhóm ngân hàng nắm giữ nhiều nhất, nắm giữ trên 60% trái phiếu chính phủ, tập trung ở 4 ngân hàng lớn BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Argribank. Bốn ngân hàng này mua trái phiếu chính phủ vì "nhiệm vụ chính trị" theo chỉ tiêu được giao cho nên mới mua nhiều như thế.

Đứng thứ hai là bảo hiểm xã hội. Chính phủ hiện nợ của bảo hiểm xã hội trên 400.000 tỷ bằng hình thức trái phiếu chính phủ, tương đương trên 80% quỹ bảo hiểm xã hội, chủ yếu là trái phiếu chính phủ dài hạn. Số còn lại bảo hiểm xã hội đem đầu tư ở một số công trình, dự án. Cơ cấu quỹ bảo hiểm xã hội như vậy chỉ bình thường trong điều kiện ngân sách bền vững, thu đủ chi, nhưng tình hình Việt Nam hiện nay đang bước vào khủng hoảng ngân sách trầm trọng thì tiềm ẩn rủi ro lớn cho bảo hiểm xã hội mà hàng chục triệu người lao động sẽ gánh hậu quả nếu số tiền ấy bị bốc hơi.

Và sau cùng, khi phát hành tiền vượt giới hạn chịu đựng của nền kinh tế để giải quyết nợ công sẽ làm lạm phát tăng cao và đẩy khủng hoảng ngân sách đến thời điểm suy sụp bất khả kháng, gây ra vòng xoáy bão, tiền sẽ được phát hành số lượng chưa từng có, lạm phát phi mã và hàng chục triệu người điêu đứng.

Kết quả ngày mai thế nào phụ thuộc vào sự tính toán và bước đi của ngày hôm nay. Nhưng con nghiện thì khó mà kiềm chế, chẳng phải xã hội đang kêu gào đó hay sao ?

Nguyễn Thiện Nhân

Nguồn : VNTB, 18/04/20148

Tham khảo :

- http://dantri.com.vn/su-kien/thue-tai-san-vat-kiet-tui-dan-the-nao-theo-de-xuat-cua-bo-tai-chinh-20180414114705856.htm

- https://nld.com.vn/trich-dan-nong/khong-danh-thue-tai-san-viet-nam-co-the-ve-thoi-phong-kien-kieu-moi-20180415092953354.htm

- http://s.cafef.vn/VIB-212382/tien-rung-rinh-ngan-hang-day-manh-dau-tu.chn

- http://www.nhadautu.vn/lo-trinh-phat-trien-thi-truong-trai-phieu-cac-muc-tieu-da-ro-d2741.html

- http://enternews.vn/trai-phieu-chinh-phu-hap-dan-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-110558.html

Quay lại trang chủ
Read 853 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)