Ông Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ Công an
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 31/10, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đơn vị tỉnh Bến Tre đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và đưa ra con số mà theo nhận định của vị đại biểu quốc hội này thì cơ quan điều tra của công an có vi phạm rất lớn. Cụ thể không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%...
Biểu tượng mạng xã hội facebook trên một chiếc laptop. AFP
Một ngày sau đó, trả lời phỏng vấn báo An Ninh Thủ Đô, Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nói rằng Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khi bình luận về những con số vi phạm của hoạt động tư pháp, thì lại có cách tiếp cận và diễn đạt không ‘gãy gọn’, dẫn tới cách hiểu sai rất tai hại, và ông cho rằng ông Lưu Bình Nhưỡng cần phải đính chính, thậm chí xin lỗi.
Sang ngày 5 tháng 11, truyền thông Việt Nam dẫn thông cáo của Bộ Công an trên cổng Thông tin điện Tử của Bộ này rằng những số liệu mà Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đưa ra trong phiên chất vấn sáng 31/10/2018 là không chính xác.
Trong khi đó, tờ Soha hôm 2/11 trích dẫn lời ông Lưu Bình Nhưỡng rằng trước khi phát biểu ông đã xin phép Chủ tịch quốc hội không công bố số liệu và ông đã tính tỷ lệ phần trăm để công bố. Ông nhấn mạnh :
Tôi có thể nói thái độ rắn chắc, ngôn ngữ mạnh mẽ nhưng tôi khẳng định không nói gì sai trái và tôi có bằng chứng về vấn đề đó. Nếu tôi sai tôi phải xin lỗi ngay, đính chính còn không sai thì không phải làm điều đó.
Tâm thư từ một vị Đại biểu quốc hội
Hôm 3/11/2018, trên mạng xã hội lan truyền bức tâm thư của vị Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến việc chất vấn Bộ trưởng bộ Công an tại Quốc hội hôm 31/10/2018.
Đầu thư ông giới thiệu ông là tiến sĩ luật học, Đại biểu quốc hội Khóa 14, đơn vị tỉnh Bến Tre, hiện là Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Trong thư có đoạn viết :
"Với tư cách là người đại biểu hoạt động chuyên trách của nhân dân, vì sự cẩn trọng và tôn trọng nguyên tắc pháp luật, sự điều hành của Chủ tịch nên tôi chỉ nêu tỷ lệ phần trăm vi phạm của cơ quan điều tra trong các lĩnh vực đã được thống kê trong báo cáo gửi cho Đại biểu quốc hội nghiên cứu, thảo luận. Và tôi cũng đã cam đoan trước quốc dân đồng bào cử tri cả nước là tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu "ngoài luồng" và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa".
Chỉ trong hai ngày, bức tâm thư của ông Lưu Bình Nhưỡng có hơn 5.000 lượt share, 15.000 lượt like với gần 900 lời bình luận.
Đây là lần đầu tiên một vị Đại biểu quốc hội dùng mạng xã hội để tâm sự với người dân khi họ có điều cần giải thích.
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh, người chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, trao đổi với RFA về việc một vị đại biểu quốc hội Việt Nam phải dùng đến mạng xã hội để phân trần như vừa nêu :
Mạng xã hội đã là một phần đời sống của hàng tỷ người dân trên thế giới và, dĩ nhiên, Việt Nam cũng không thể là trường hợp ngoại lệ. Tôi nghĩ nhà cầm quyền cũng như người dân Việt Nam đã ý thức rất rõ về sức mạnh của thứ quyền lực mới này.
Không còn là mạng ảo
Buổi chiều 31/10, cùng ngày xảy ra phiên chất vấn của ông Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng xác nhận :
Mạng xã hội không còn ảo nữa mà là thật rồi, không nên bỏ trống trận địa này. Người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng. Cái tốt lớn lên, cái xấu sẽ giảm đi. Đồng thời, phải truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, không thể cái gì ta xem cũng tin ngay.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, một blogger từng nhận giải thưởng Netizen tại Pháp vào năm 2013 khẳng định :
Không thể chối cãi là mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin quan trọng của người dân mà nhà cầm quyền muốn phủ nhận nó cũng không được. Những thông tin từ mạng xã hội do người dân đưa lên dần dần trở thành nguồn tin tham khảo quan trọng cho báo chí lề đảng.
Cũng theo ông Chênh thì những ý kiến, những phản hồi từ mạng xã hội facebook - mà ông gọi là một kênh thông tin - đã có tác dụng nhất định, như nhiều quyết định sai trái của quan chức hay của cơ quan công quyền đã bị phê phán và đã sửa sai, hay nhiều vụ án lớn phát sinh cũng từ tố giác của người dân qua kênh này.
Ông nhận xét lý do ông Lưu Bình Nhưỡng dùng mạng xã hội để lên tiếng trong sự việc vừa qua :
Nhà cầm quyền và quan chức các cấp không thể không đón nhận thông tin và dư luận từ kênh nầy để điều chỉnh. Do vậy khi ông Lưu Bình Nhưỡng bị công an tấn công, ông không biết kêu cứu vào đâu, đành kêu cứu sự ủng hộ của dư luận thông qua mạng xã hội. Đó là lý do tại sao ông ta giải bày hay "điều trần" sự việc lên mạng xã hội.
Còn với Luật sư Vũ Đức Khanh thì ông cho rằng việc một số cá nhân và đoàn thể xã hội ngày càng sử dụng nhiều hơn không gian mạng này để biểu lộ quan điểm, chính kiến là phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Ông nói thêm :
Cách tiếp cận này sẽ giúp lãnh đạo gần gũi và nhanh chóng với các thành phần xã hội chịu tác động trực tiếp của nó, góp phần kiến tạo môi trường sinh hoạt tự do, dân chủ và lành mạnh hơn. Nó cũng cho thấy những phương tiện, công cụ truyền thông đại chúng cổ điển đã mất dần ảnh hưởng để nhường bước cho trào lưu mới.
Với mạng xã hội rộng khắp và phổ biến trên toàn cầu như hiện nay, Luật sư Vũ Đức Khanh khuyến cáo Chính phủ Việt Nam nên có cái nhìn thông thoáng hơn để đưa đất nước bắt kịp trào lưu của thế giới.
Thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện có 53 triệu người sử dụng Facebook trên tổng số dân hơn 93 triệu. Do đó mạng xã hội này rõ ràng đang là một kênh hàng đầu cho người dùng bày tỏ quan điểm của họ.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 05/11/2018