Bộ trưởng Mỹ vẫn đi Việt Nam, dù chính phủ đóng cửa (VOA, 22/01/2018)
Lầu Năm Góc mới ra tuyên bố cho biết rằng chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới Châu Á vẫn diễn ra, dù chính phủ đóng cửa vì không có ngân sách.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đón Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Pentagone ngày 7/8/2017.
Reuters đưa tin rằng ông Mattis vẫn tới Indonesia và Việt Nam vào tuần tới như dự kiến "vì nó cần thiết cho an ninh quốc gia và quan hệ với nước ngoài".
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ tới thăm từ ngày 24 tới 26/1.
Năm ngoái, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tới Hoa Kỳ theo lời mời của ông Mattis.
Tin cho hay, trong chuyến đi đó, đôi bên đã "trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có an ninh biển", và "thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong thời gian tới", theo VnExpress.
Ông James Mattis đón Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Pentagone ngày 7/8/2017.
Trả lời báo chí hôm 19/1, ít giờ trước khi chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa, ông Mattis nói rằng việc đó ảnh hưởng tới các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ, trong đó có huấn luyện, bảo trì và hoạt động tình báo.
Tuy nhiên, theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng việc đóng cửa chính phủ không ảnh hưởng tới sự tham gia của Mỹ trong chiến dịch ở Afghanistan cũng như các hoạt động chống các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Khoản ngân sách dành cho các cơ quan liên bang đã hết hôm 20/1 trong khi các nhà lập pháp Cộng hòa tại Thượng viện ở thế đối đầu với phe Dân chủ về vấn đề di dân bất hợp pháp được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ.
*******************
Vì sao ông Trump thăm hai thành phố Việt Nam ? (VOA, 21/01/2018)
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ mới lên tiếng tiết lộ lý do vì sao Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại thăm Hà Nội và Đà Nẵng trong chuyến công du Việt Nam năm ngoái.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội tháng 11 năm ngoái.
Trao đổi với các phóng viên báo chí ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương qua điện thoại, ông Brian Hook, cố vấn cấp cao về chính sách của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nói : "Tôi hy vọng rằng mọi người hiểu rằng thời gian của tổng thống rất hạn hẹp, và khi tổng thống thăm hai thành phố cùng một nước thì đó là một biểu tượng của tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với chúng tôi".
Ông Hook hôm 8/1 cũng nói thêm rằng chuyến đi của ông Trump tới Đà Nẵng để dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và sau đó là thăm chính thức Hà Nội đã "làm sâu đậm mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ".
Đây được coi là lần đầu tiên trong đầu năm nay một cố vấn đối ngoại của Mỹ lên tiếng tiết lộ về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cựu Tổng thống Barack Obama tại Hà Nội hồi giữa năm 2016.
Ông Barack Obama, người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, cũng tới hai thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong chuyến công du Việt Nam giữa năm 2016.
Trả lời câu hỏi về việc Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam như thế nào trong năm 2018, quan chức ngoại giao này nhắc tới việc Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ chuyển giao cho Việt Nam một tàu tuần tra, và coi đó là "một cột mốc sẽ chỉ làm sâu đậm thêm mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam".
"Và chúng tôi muốn giúp Việt Nam tăng cường và gia tăng năng lực hàng hải", ông Hook nói.
"Trong Chiến lược An ninh Quốc gia, Việt Nam được xác định cụ thể là nước mà chúng tôi muốn tăng cường thêm nữa mối liên minh. Việt Nam đã được đề cập một số lần về cả an ninh lẫn gia tăng hợp tác kinh tế. Và chúng tôi rất hài lòng rằng sự chuyển dịch chính sách của chúng tôi về Việt Nam sẽ giúp nước này được chú ý hơn".
Liên quan tới vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam với nhiều nước trong đó có Trung Quốc, ông Hook nói rằng "hành động quân sự hóa đầy khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế".
"Họ [Trung Quốc] đang thúc ép các nước nhỏ hơn, gây căng thẳng hệ thống toàn cầu và các hành động của họ cũng làm suy yếu các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền mà chúng tôi rất chú trọng", ông nói.
Một góc Biển Đông.
Nhắc lại các tuyên bố trước đây của các quan chức Mỹ, ông Hook nói rằng Hoa Kỳ sẽ "cho máy bay và tàu bè hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", dù Trung Quốc từng nhiều lần chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
Ông nói thêm : "Chúng tôi đã bày tỏ rõ ràng với Trung Quốc rằng chúng tôi không chấp nhận các hành động đơn phương của các nước tuyên bố chủ quyền nhằm thay đổi hiện trạng trong khi các vấn đề về chủ quyền vẫn chưa được giải quyết".
Cố vấn chính sách của ngoại trưởng Mỹ nói rằng "quyền lợi quốc gia của chúng tôi là hợp tác với tất cả các đồng minh và đối tác nhằm bảo đảm rằng khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một nơi hòa bình, ổn định và thịnh vượng" và rằng "nó không thể trở thành một khu vực bất ổn và xung đột".
Viễn Đông
Ngày 20/01/2018, Trung Quốc thông báo đã phải điều một tầu chiến để đẩy lùi khu trục hạm Mỹ bị cho là "vi phạm" chủ quyền của nước này khi cắt ngang khu vực 12 hải lý của bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.
Một tàu của Hải Quân Mỹ hoạt động gần khu vực bãi cạn Scarborough, Biển Đông. Ảnh chụp 21/04/2015. AFP PHOTO/TED ALJIBE
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cáo buộc tầu khu trục USS Hopper đã đi qua bãi cạn Hoàng Nham (Huangyan), tên mà Trung Quốc đặt cho Scarborough, vào ngày 17/01/2018 mà không thông báo cho Bắc Kinh. Ông Lục Khảng lên án tầu chiến của Mỹ đã "vi phạm chủ quyền và lợi ích về mặt an ninh của Trung Quốc" và "đe dọa nghiêm trọng" đến an toàn của các tầu Trung Quốc hoạt động gần đó.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, được AFP trích dẫn, khẳng định đã điều một tầu để lập tức nhận dạng, kiểm tra thông tin về tầu chiến của Mỹ và đẩy lùi chiến hạm USS Hopper ra khỏi khu vực.
Những thông tin trên được phía Trung Quốc đưa ra chỉ một ngày sau khi bộ Quốc Phòng Mỹ công bố Chiến lược Quốc Phòng. Theo tài liệu này, Trung Quốc và Nga bị đánh giá là "những mỗi đe dọa gia tăng", đồng thời Trung Quốc còn bị cáo buộc sử dụng "chiến thuật kinh tế hăm dọa các nước láng giềng, trong khi vẫn tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông".
Đáp trả những cáo buộc trên, ngày 20/01, bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố rằng "tình hình Biển Đông không ngừng ổn định" và tố cáo Hoa Kỳ "thường xuyên điều chiến hạm một cách bất hợp pháp đến các khu vực gần các đảo và bãi cạn ở Biển Đông".
Thu Hằng
Bắc Kinh lại phản đối Việt Nam mời Ấn Độ khai thác dầu khí Biển Đông (RFI, 12/01/2018)
Chỉ một hôm sau khi đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết là Hà Nội hoan nghênh việc New Delhi đầu tư vào Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) hôm 11/01/2018 đã lên tiếng phản đối.
Biển Đông : Các lô dầu khí tại vùng biển phía nam Việt Nam - Ảnh chụp màn hình twitter.com
Theo hãng tin Ấn Độ PTI, được báo chí Ấn Độ trích dẫn, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho rằng Bắc Kinh không phản đối việc phát triển quan hệ song phương bình thường giữa các nước láng giềng của Trung Quốc, nhưng "cực lực phản đối các bên liên quan dùng điều đó làm cớ để xâm phạm quyền lợi chính đáng của Trung Quốc tại Biển Đông và tác hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực".
Hôm 10/01/2018, khi trả lời truyền thông Ấn Độ, ngoài vấn đề khai thác dầu khí, đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành, còn nói đến hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia. Đây là một lãnh vực hợp tác quan trọng và Ấn Độ có thể giúp phát triển năng lực phòng thủ của Việt Nam.
Vấn đề khai thác dầu khí ở Biển Đông vô cùng nhạy cảm giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên khoảng 90% diện tích Biển Đông, và đã từng phản đối việc tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC thăm dò ở những nơi mà Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, nhưng bị Trung Quốc cho là của họ.
New Delhi cho đến nay luôn khẳng định rằng việc ONGC thăm dò, khai thác ở Biển Đông là một vấn đề thuần túy thương mại, không liên can gì đến tranh chấp.
Hãng PTI nhắc lại rằng Ấn Độ đang tăng cường quan hệ với Việt Nam, và đã kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.
Mai Vân
**********************
Trung Quốc phản đối Việt Nam kêu gọi Ấn Độ đầu tư vào Biển Đông (RFA, 11/01/2018)
Trung Quốc vào ngày 11 tháng giêng lên tiếng phản đối Việt Nam kêu gọi Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại Biển Đông.
Giàn khoan "FRIGSTAD SHEKOU", hiện nay được gọi là "Bluewhale I" đang khai thác băng cháy ở khu vực Biển Đông, ngày 9 tháng 6 năm 2017. RFA
Mạng báo The Economic Times loan tin này theo đó phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phản đối như vừa nêu sau khi đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Tôn Sinh Thành, vào ngày 9 tháng giêng, phát biểu với báo giới nước sở tại rằng Hà Nội hoan nghênh mọi đầu tư từ Ấn Độ vào Biển Đông.
Đại sứ Tôn Sinh Thành nói thêm hợp tác quốc phòng là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng và hiệu quả giữa Việt Nam và Ấn Độ. New Dehli có thể giúp Hà Nội tăng cường khả năng quốc phòng.
Phát ngôn nhân Lục Khảng được dẫn lời rằng Trung Quốc không phản đối việc phát triển quan hệ song phương bình thường giữa các lân bang của Trung Quốc với những quốc gia khác. Tuy nhiên Trung Quốc mạnh mẽ phản đối các bên liên quan dùng điều đó như là một lý do để xâm phạm điều mà Bắc Kinh cho là quyền lợi hợp pháp tại Biển Đông ; cũng như làm phương hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng phản đối Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong những năm qua, Bắc Kinh luôn phản đối hoạt động thăm dò của Tập đoàn Dầu Khí Ấn Độ (ONGC) tại những lô thuộc Việt Nam tại Biển Đông.
New Dehli lên tiếng khẳng định rằng việc thăm dò của ONGC thuần túy là hoạt động thương mại không liên quan gì đến tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Ấn Độ hiện đang tăng cường quan hệ với Việt Nam và có quan điểm ủng hộ tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông. Đây là tuyến đường mà hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua đó trị giá hằng ngàn tỷ đô la Mỹ.
Vào ngày 9 tháng giêng, tại thủ đô New Dehli của Ấn Độ diễn ra cuộc hội thảo quốc tế chủ đề ‘Quan hệ Ấn Độ- Việt Nam trong tình hình thay đổi địa chính trị tại Ấn Độ- Thái Bình Dương’.
Thông điệp được đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành chuyển tải từ hội thảo là mặc dù tình hình khu vực và toàn cầu phức tạp cũng như không đoán trước được, nhưng khuynh hướng hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chung. Khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương có vaị trò quan trọng chiến lược đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước lớn.
Nhà nghiên cứu người Anh, ông Bill Hayton nói về giải pháp Biển Đông và rằng có những người ở Đông Nam Á 'làm giàu' nhờ dự án Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc.
Trả lời Quốc Phương của BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo về Biển Đông ở Đại học Oxford hồi hạ tuần tháng 10/2017, ông cũng nói hiện tình hình vùng biển này 'tạm yên' nhưng chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm' tiềm ẩn bất ổn.
BBC : Theo ông, đâu là cách tiếp cận khả thi nhất cho tranh luận và xung đột về Biển Đông hiện tại ?
Bill Hayton : Theo những gì tôi nghe được hôm nay trong hội thảo thì các nước Đông Nam Á buộc phải tiếp tục các thảo luận về vấn đề như hàng hải, ngư nghiệp và an toàn biển Đông mà không có Trung Quốc. Vì khả năng Trung Quốc hợp tác trong các vấn đề này là rất thấp. Trung Quốc muốn kiểm soát hoàn toàn các vấn đề này. Tôi nghĩ đây là thời gian thích hợp để chính phủ Việt Nam, Malaysia, Philipinnes, Brunei và Indonesia hợp tác và cùng nhau phát triển các kế hoạch về bảo tồn [môi trường], an toàn và các vấn đề tương tự mà không cần có sự tham gia của Trung Quốc. Vì Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường của mình và sẽ cản trở những nỗ lực cần thiết diễn ra lúc này để bảo tồn môi trường và bảo tồn tài nguyên biển.
BBC : Trung Quốc hiện tại không chỉ can thiệp vào vấn đề Biển Đông mà còn rất tham vọng với Sáng kiến Một vành đai, Một con đường và xây dựng rất nhiều dự án ở khu vực này. Có ý kiến cho rằng rất khó để có thể ngăn được tham vọng của Trung Quốc. Ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Bill Hayton : Tôi không nghĩ có quốc gia nào muốn ngăn cản Trung Quốc trong vấn đề phát triển kinh tế dù có những lợi ích trong việc duy trì tình trạng nghèo. Tôi nghĩ Trung Quốc giàu có về tiền, nguồn lực, kĩ năng và kĩ thuật mà các nước Đông Nam Á đều cần như tu sửa hệ thống cầu đường, đường tàu hỏa, vấn đề về năng lượng và các vấn đề tương tự.
Đồng thời theo tôi, dưới góc nhìn của các nước Đông Nam Á, khi Trung Quốc tham gia các vấn đề khu vực đều không có ý tốt hay trung lập mà đều, dù vô tình hay cố ý, muốn thống trị cả khu vực. Và mặc dù Trung Quốc luôn phản đối về cáo buộc này, tôi nghĩ có ba cách để mô tả thái độ của các nước Đông Nam Á về chính sách con đường và vành đai của Trung Quốc : 1/ Nhu cầu : các nước này đều cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ; 2/ Lòng tham : có thành phần muốn làm giàu từ những đầu tư xây dựng này ; 3/ Có cả nỗi sợ và lo lắng rằng khu vực sẽ bị thống trị bởi một Trung Quốc ngày càng bành trướng.
BBC : Trong phiên thảo luận về vấn đề biển Đông giữa các chuyên gia, Anh Quốc quan tâm nhất đề gì và tại sao ?Liệu ông có dự đoán gì về vấn đề tranh chấp biển Đông, liên quan các cường quốctrong khu vực, cũng như các nước Mỹ và Nhật ?
Bill Hayton : Tôi nghĩ vấn đề ưu tiên nhất với Anh là hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế, không cản trở tình hình phát triển và tạo ra làn sóng nhập cư và người tị nạn hay vấn đề tương tự. Thông thương hàng hải trên Biển Đông, một trong những ưu tiên của Anh là mấu chốt giải thích vì sao Anh quan tâm đến sự ổn định và hòa bình ở khu vực này. Nhưng mọi người quên rằng Anh vẫn còn ba đối tác là thành viên của Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) ở khu vực Châu Á, và Anh Quốc cũng quan tâm đến các vấn đề an ninh ở Nhật, ở Hàn Quốc, và các đối tác khác trong khu vực. Đây là một mối quan tâm chung kết hợp giữa mong muốn duy trì hòa bình trên thế giới để có thể thông thương, đầu tư, bảo tồn và an toàn cho nhân loại.
Tôi mới trở về từ Đông Nam Á, tôi đã thăm ba nước. Và ở mỗi nước tôi đến đều có chịu sức ép từ Trung Quốc về vấn đề khai thác dầu ở biển Đông và Trung Quốc đều muốn kiểm soát vấn đề này bất chấp quan điểm của các nước sở tại. Mặc dù mọi việc có vẻ chỉ ở bề nổi, nhưng có vẻ Trung Quốc đang dùng tình trạng yên bình này để gây sức ép buộc các nước phải hợp tác, đặc biệt các nước nằm trong khu vực kinh tế của chính sách Con đường và vành đai. Hiện tại các nước vẫn kiên trì chống lại áp lực từ Trung Quốc, nhưng theo tôi, tình hình tuy có vẻ yên bình ở bề nổi và chưa có bạo lực xảy ra, nhưng chắc chắn ở phần chìm của tảng băng thì không hề yên tĩnh như vậy.
Ông Bill Hayton là nhà báo tại BBC, London, cựu phóng viên thường trú của BBC ở Hà Nội và tác giả các cuốn sách về truyền thông Việt Nam, Biển Đông và chính trị Đông Nam Á. Ông tham dự hội thảo 'New Approaches to the South China Sea Conflicts' với tư cách học giả, thành viên Viện Nghiên cứu Chatham House.
Hội thảo diễn ra hôm 20/10/2017 tại University of Oxford China Centre, St Hugh's College, ngoài Bill Hayton còn có các diễn giả khác, trong đó có Antonio Carpio (Tòa Tối cao Philippines), Nong Hong (Institute for China-America Studies), Nguyễn Hồng Thao (Học viện Ngoại giao Việt Nam), do ông Rana Mitter (Trường St Cross) chủ tọa.
Nguồn : BBC, 03/01/2018
Trung Quốc là không thể ngăn cản. Ở Biển Đông, Bắc Kinh đang sử dụng ngoại giao cứng và mềm để hăm dọa các nước Châu Á khác dám thách thức ý định của quốc gia này trong việc biến vùng biển giàu tài nguyên và quan trọng về mặt vận tải hàng hải thành ao nhà của nó.
Đó là một thách thức trực tiếp đối với sự bá chủ thế giới của Mỹ, một nguy cơ đối với hòa bình và sự thịnh vượng của khu vực, và một rủi ro địa chính trị lớn đối với các nhà đầu tư trong các thị trường tài chính trong khu vực.
Tuyên bố của Bắc Kinh ở Biển Đông không phải là điều mới mẻ. Cái mới là sức mạnh của Bắc Kinh trong việc khẳng định những tuyên bố đó và quyết tâm kiểm soát toàn bộ vùng biển này.
"Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu khẳng định yêu sách của mình một cách mạnh mẽ hơn và hiện đang sẵn sàng để nắm quyền kiểm soát biển",, Ely Ratner viết trong số báo ra ngày 07/7/2017 của The Diplomat. "Nếu thành công, Trung Quốc sẽ gây ra một cú sốc lớn đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, nghiêng về sự cân bằng quyền lực trên khắp Châu Á về phía Trung Quốc".
Để ngăn chặn sự thay đổi địa chính trị quan trọng này xảy ra, Mỹ và các đồng minh Châu Á của họ đã tập luyện quân sự trong khu vực. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để chặn đứng tham vọng của Trung Quốc.
Diễn đàn An ninh Đông Nam Á Shangri-la, Singapore 2017
"Sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và các liên minh vẫn tiếp tục ngăn cản Trung Quốc không cho quốc gia cộng sản này bắt đầu một cuộc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ, nhưng họ đã không hạn chế sự leo thang của Trung Quốc ", Ratner cho biết. Thay vào đó, sự lo ngại rủi ro cuả Hoa Kỳ đã cho phép Trung Quốc đạt tới tình trạng toàn quyền kiểm soát Biển Đông".
Sau đó, liên minh của Trung Quốc cũng đáng quan ngại. "Chúng ta cũng nên tính đến mối quan hệ gần gũi đã phát triển trong nhiều thập kỷ qua giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên", Stathis Giannikos thuộc Viện Pushkin ở Athens, nói. "Triều Tiên là một trong những con bài của Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo Ratner, có một cách để Mỹ ngăn chặn Trung Quốc, bằng cách tuyên bố công khai rằng Washington sẽ giúp các nước như Philippines trong việc bảo vệ các tuyên bố của họ ở Biển Đông.
"Cần có ngoại giao với việc ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng cách cảnh báo Trung Quốc rằng nếu quốc gia này tiếp tục, Hoa Kỳ sẽ từ bỏ sự trung lập của mình và giúp các nước trong khu vực bảo vệ các tuyên bố của họ", ông nói. "Washington nên làm rõ rằng nó có thể chịu đựng một bế tắc khó chịu ở Châu Á - nhưng không phải với sự bành trướng của Trung Quốc".
Điều đó có thể thuyết phục Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra một chính sách ngoại giao khác của Philipin, trong trường hợp có ai đó vẫn đang trông đợi.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ thị trường chứng khoán trong khu vực, vốn đã kém hiệu quả hơn so với Chỉ số Thị trường của MSCI.
Panos Mourdoukoutas
Nguyên tác : How To Stop China's Rise In The South China Sea (forbes.com, 23/12/2017)
Sự xuất hiện của bài hát Biển Đông dậy sóng ba đào của tác giả Mặc Thiên vào cuối năm 2017 này, nhắc lại 10 năm trước, người nhạc sĩ bí ẩn này đã từng làm cho giới mộ điệu xôn xao, với bài hát Khóc mẹ dân oan.
Thật xứng danh với lời nhận định "người nhạc sĩ bí ẩn nhất trong năm" mà đài Á Châu Tự Do đã loan đi về Mặc Thiên, khi bài hát Khóc mẹ dân oan do ca sĩ Như Quỳnh trình bày trong DVD của trung tâm Asia số 57 đã làm rơi lệ không biết bao nhiêu người quan tâm về thảm cảnh của hàng đoàn dân oan mất đất ở VN bị đánh đập, bị tù đày.
Năm 2017, bài hát Biển Đông dậy sóng ba đào của Mặc Thiên lại xuất hiện với nội dung về số phận ngư dân Việt trên biển, túng cùng không còn cách mưu sinh khi những chiếc tàu của Trung Quốc vẫn chực chờ từ hôm qua, rồi hôm nay lại bị bắt, bị phá, bị tù… bởi sự ngăn chận Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan…
Nghe lại các bài hát như Khóc mẹ dân oan, Khấn nguyện, Ngọn lửa thiêng liêng…, tưởng chừng như tác giả Mặc Thiên ngồi đâu đó trong căn phòng nhỏ của mình, luôn đau đáu nhìn theo phận người rồi ghi chép với nỗi buồn của một nghệ sĩ, mà chỉ còn biết hát thay cho tiếng thở dài. 10 năm như một chặng đường mà có vẻ như ông không bao giờ ngơi nghỉ trong hành trình quyết chọn làm lưu dân, đuổi theo, ghi chép nỗi đau của dân tộc mình.
Trong một bản tin phát đi vào ngày 27-2-2008 của đài Á Châu Tự Do, có nói rằng
"Đã từ lâu, các sản phẩm băng đĩa nhạc của một số trung tâm lớn tại Hải Ngoại được sao chép lậu và bán tại thị trường Việt Nam.
Và những ngày gần đây nhất, công an văn hoá Việt Nam, còn gọi là PA 25, bắt đầu ra chiến dịch truy quét để ngăn cấm một sản phẩm vừa phát hành, đồng thời, tìm cho ra tác giả một bài hát trong sản phẩm ấy.
Đó là cuốn DVD Asia số 57, đó là bài hát "Khóc Mẹ Dân oan," và đó là nhạc sĩ Mặc Thiên".
Và đó chắc cũng là lý do là nhạc sĩ Mặc Thiên chưa bao giờ xuất hiện, xứng với lời nhận định rằng của đài Á Châu Tự Do rằng "Không một ai trong giới thưởng ngoạn Việt Nam biết Mặc Thiên là ai, và người ta gọi anh là "người nhạc sĩ bí mật nhất năm 2007". Trong lần nhận giải cho bài hát Hạng xuất sắc của Giải thưởng Âm nhạc Tự Do 2017 được tổ chức tại Sydney, Úc Châu, ông có gửi qua thư điện tử giọng nói của mình, để nói về bài hát của mình. Các thành viên của Hiệp hội yểm trợ văn hóa Úc-Việt (VAALA) đã dự đoán rằng có thể ông sống ở Khánh Hòa, miền Trung Việt Nam.
Chắc phải là một đứa con ở miền biển, Mặc Thiên mới có thể viết nên một nhạc khúc đẫm nước mắt của phận ngư dân Việt, mà vị mặn của đại dương không thể sánh với nước mắt của những người mẹ già dõi mắt ra biển, tuyệt vọng trông con trở về.
Ca sĩ Thanh Thúy, người được chọn trình bày ca khúc này với cộng đồng người Việt Úc Châu nói rằng chị như không thở được khi nghe bài hát này, cứ mỗi lần chị nghe, lại muốn khóc mà thương cho người Việt hôm nay.
Đọc trăm bản tin, nghe ngàn câu chuyện, đôi lúc không bằng thưởng thức một bài hát chân thành với đời. Đó là điều mà sự huyền bí của nghệ thuật có thể đem lại cho người nghe, và có thể giúp tái sinh trong cõi vô tâm với vận mệnh quê hương mình. Bài Biển Đông dậy sóng ba đào là một trong những tác phẩm có khả năng đó.
----------------------------------
Lời bài hát
Biển Đông dậy sóng ba đào
Những con tàu đi đánh cá ngoài khơi
Biển đảo Hoàng sa, biển đảo Trường sa giờ đã không về
Những con người mang thân phận Việt Nam
Đã bao ngày qua nhục nhã ê chề
Tàu cộng xâm lăng, hòng cướp biển đông này
Phận người ngư dân bị Trung Quốc xâm hại
Mẹ Việt Nam ơi, người bỏ con sao đành
Nhìn trời quê hương mà xót thương con mình
Nước mắt mẹ tôi đã bao lần rơi
Ngóng xa biển khơi có bao giờ nguôi chờ các con về
Đến khi niềm tin đã cạn lực tan
Quê hương lầm than mẹ trút hơi tàn
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 16/12/2017 (tuankhanh's blog)
Tham khảo thêm :
Các giọng ca đoạt giải Âm nhạc Tự do 2017 (Viet Song Contest)
Các bài hát đoạt giải Âm nhạc Tự Do 2017 (Viet Song Contest)
Truyền thông Bắc Kinh lần đầu tiên xác nhận Trung Quốc đã triển khai loại máy bay tiêm kích J-11B đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 29/03/2017 : Tiêm kích Trung Quốc J-11 trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Biển Đông (Internet)
Theo báo Nhật Japan Times, số ra ngày 02/12/2017, mặc dù ảnh vệ tinh của các cơ quan quốc tế đã phát hiện máy bay Trung Quốc J-11B tại khu vực đảo Phú Lâm (Woody Island) vào năm 2016 và tháng 4/2017, nhưng mãi đến tuần này, truyền thông Bắc Kinh mới xác nhận về sự hiện diện nói trên.
Truyền hình Trung Quốc CCTV trong tuần phát đi những hình ảnh cho thấy máy bay tiêm kích J-11B hoạt động trong vùng Biển Đông, cất cánh, rồi đáp xuống sân bay trên đảo Phú Lâm mà Bắc Kinh gọi là đảo Vĩnh Hưng (Yongxing),.
Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh là những chiếc máy bay này được cất giữ trong một cơ sở có trang bị máy điều hòa nhiệt độ để bảo đảm chất lượng bảo quản. Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản ngày 01/12/2017 bình luận : nhà chứa máy bay có điều hòa nhiệt độ, sẽ cho phép thường xuyên đưa nhiều máy bay tiêm kích hơn đến khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.
Tờ báo này tin chắc là Bắc Kinh "sẽ xây dựng thêm những địa điểm cất giữ máy bay tương tự như cơ sở đã có trên đảo Tây Sa. Điều đó sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông".
Japan Times nhắc lại, trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã xây dựng một phi đạo, các nhà chứa máy bay, triển khai tên lửa địa đối không HQ-9 và thỉnh thoảng điều cả tàu có trang bị hệ thống chống tên lửa đến khu vực nhạy cảm này. Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cùng khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo có diện tích chưa đầy 3km2.
Từ 2012 Bắc Kinh thông báo đặt một đơn vị quân đội đồn trú tại Phú Lâm, lập ra thành phố Tam Sa, coi đấy là trung tâm hành chính của cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài khu vực Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, cho dù năm 2015 chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo được Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa tên lửa và máy bay tiêm kích đến đảo Phú Lâm là bước đầu. Bắc Kinh sẽ có những kế hoạch tương tự ở Trường Sa.
Máy bay vận tải Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông
Cũng trong khu vực Biển Đông, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 02/12/2017 dẫn tin từ Hải Quân Trung Quốc cho biết một phi đội máy bay vận tại Y-9 tham gia một cuộc diễn tập ở Biển Đông. Bài tập là bay trên một hành trình hàng ngàn cây số, thả hàng hóa xuống một hòn đảo trong vùng Biển Đông. Thông cáo không nói rõ là đảo nào. Đây là lần đầu tiên loại máy bay vận tải có sức chở 25 tấn hàng do Trung Quốc chế tạo diễn tập đường xa. Giới quan sát ghi nhận : cuộc diễn tập hôm qua là cơ hội để Không Quân nước này thể hiện khả năng phòng thủ trên biển.
Biển Đông : Manila và Bắc Kinh tiếp tục đàm phán năm 2018
Theo ABS-CBN News, cuộc đàm phán chính thức và quan trọng tiếp theo giữa Bắc Kinh và Manila nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông sẽ được tổ chức sớm trong năm 2018. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines ngày 02/12/2017 đã cho biết như trên.
Về phần mình, đại sứ Philippines Jose Santiago Sta. Romana, bên lề cuộc họp tại Manila nói rõ là cả hai bên đang thảo luận về thời điểm tổ chức. Ông hy vọng cuộc họp tham vấn song phương kế tiếp sẽ sớm diễn ra trong quý I/2018 tại Philippines và việc dàn xếp đang được tiến hành ở cấp thứ trưởng.
Vào tháng 5/2017, cả hai bên đã có một cuộc họp Tham vấn Song phương về Biển Đông đầu tiên tại Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Lãnh đạo ngoại giao của cả hai nước đã gặp nhau để thảo luận về vấn đề tranh chấp nhậy cảm này.
Thanh Hà
Trong tương lai Mỹ và Trung Quốc sẽ xung đột, đối đầu hơn, hay hòa hoãn, cộng tác hơn ? Dự đoán này ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của Việt Nam. Nếu trong vòng 10 năm đến 30 năm nữa, hai nước đó chỉ lo thỏa hiệp, trao đổi kinh tế đúng quy luật thị trường, cùng chia đôi thiên hạ, thì nước Việt Nam có thể đi dây, giao hảo với cả hai và mượn thế lực nước này để buộc nước kia nhượng bộ. Nhưng nếu trong vòng một thế hệ nữa Mỹ và Trung Quốc sẽ xung đột nhiều hơn, thì người Việt phải chọn đường khác. Câu hỏi là: Trong hai nước đó, nước nào cần tránh vì sẽ làm thiệt hại mình hơn ?
Trong tương lai Mỹ và Trung Quốc sẽ xung đột, đối đầu hơn, hay hòa hoãn, cộng tác hơn ?
Mặc dầu các ông Trump-Tập họp thượng đỉnh biểu diễn vái lẫn nhau, tranh chấp kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ còn tiếp diễn.
Trông bên ngoài thì hiện nay bang giao Mỹ-Trung có vẻ tốt đẹp. Donald Trump hết lời ngợi khen uy quyền tột đỉnh của Tập Cận Bình, và Tập làm đủ mọi cách ve vuốt chiều chuộng khi tiếp đón Trump.
Nhưng quyền lợi hai nước vẫn xung khắc, đối nghịch nhau, trong ngắn hạn cũng như lâu dài.
Ngắn hạn, mối xung khắc căn bản giữa Trump và Tập là số khiếm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Những cử tri nhiệt liệt nhất của ông Trump, các công nhân ngành thép, mới làm kiến nghị giục ông tổng thống: Đánh thuế trên thép nhập cảng từ Trung Quốc, như lời ông hứa khi tranh cử.
Theo tin của báo Wall Street Journal, một tháng trước khi ông Trump qua Tàu, Bắc Kinh đã đề nghị hai ông Trump-Tập sẽ đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh bằng nghi thức long trọng công bố quyết định Trung Quốc mở rộng thị trường tài chánh cho Mỹ vô. Chính phủ Mỹ trả lời: Không cần thiết. Trước khi Tập Cận Bình tiếp Trump ở Đại Sảnh Nhân Dân, quan chức Tàu nhắc lại ý kiến đó, nhưng phía Mỹ vẫn không đồng ý.
Cuối cùng, sau khi ông Trump bay về rồi, Bắc Kinh đơn phương công bố quyết định mở cửa cho các ngân hàng và giới đầu tư Mỹ vô nước Tàu. Nhưng Mỹ vẫn còn chê: Trễ quá, ít quá ! (To little, too late !) Bởi vì họ biết rằng Bắc Kinh trước sau đằng nào cũng cần mở cửa thị trường vốn để bắt buộc các ngân hàng quốc doanh phải cải tổ. Nếu không thì kinh tế lục địa sẽ tiếp tục trì trệ lâu dài. Nhưng họ chỉ mở cửa rất chậm chạp; cho nên không có lý nào Mỹ lại giúp họ làm rùm beng lên như là nhượng bộ ghê gớm lắm !
Câu chuyện trên chỉ là một thí dụ về những mâu thuẫn giữa hai nước. Sau khi kết án các nhà xuất cảng bên Tàu phá giá, bán dưới giá thành, Mỹ đánh thuế 160% trên hàng nhôm Tàu bán, 194% trên ván ép. Chính phủ Mỹ đang trù tính sẽ viện lý do an ninh quốc gia để tăng thuế nhập cảng nhôm từ nước Tàu. Họ sẽ kết luận Trung Quốc chưa là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Với nhãn hiệu đó, sẽ đánh thuế nặng, cao hơn quy định của WTO. Những món hàng đầu tiên sẽ lãnh đạn là máy giặt, bàn điện mặt trời (solar panels) đang ào ạt chở quan Mỹ. Lý do vì các doanh nghiệp nhà nước bên Tàu được chính quyền giúp đỡ, nên cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp tư ở Mỹ.
Mặc dầu các ông Trump-Tập họp thượng đỉnh biểu diễn vái lẫn nhau, tranh chấp kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ còn tiếp diễn. Ông Trump có thể lấy cớ đang bận lo chuyện cải tổ thuế khóa, hay chuyện Bắc Hàn, vân vân, để khoan ra tay đánh thuế hàng Tàu; nhưng vấn đề vẫn nằm đó, trước sau cũng đụng chạm.
Nhưng đụng chạm thương mại là chuyện nhỏ. Mỗi bên cứ lấn một bước rồi lui một bước, thăm dò nhau; vì không bên nào muốn gây "chiến tranh mậu dịch" có thể sập tiệm.
Mối xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc khó tránh bùng nổ, vì những quyền lợi sâu xa hơn. Từ năm 1990, Mỹ là cường quốc đóng vai trùm thế giới, nhưng từ năm 2012 thì Tập Cận Bình muốn nước Tàu phải đứng ngang hàng với Mỹ, trên khắp mọi mặt.
Trong lịch sử, khi một quốc gia từ địa vị yếu vươn lên, thấy mình mạnh không thua nước đang đóng vai bá chủ, thì thế nào cũng xung đột, có thể chiến tranh. Khi nước Tần mạnh lên thì sẽ có ngày phải đánh Tề, đánh Sở. Nửa đầu thế kỷ 20, khi nước Đức vươn lên ở Châu Âu mà nước Anh đanh đóng vai ông trùm, chiến tranh đã xảy ra. Ở Hy Lạp thời cổ cũng vậy, Athens đang đóng vai bá chủ thì Sparta bắt đầu hùng cường, thế là gây chiến.
Ông Tập Cận Bình đã nhắc tới bài học Hy Lạp, khi tới thăm nước Mỹ, Tháng Chín năm 2015. Ông nói, ở Seattle, rằng: "Không có cái gọi là Cái Bẫy của Thucydides trên thế giới bây giờ. Nhưng nếu các quốc gia lớn sai lầm trong chiến lược, họ sẽ tự tạo ra cái bẫy sập mà rớt xuống." Ông Tập nhắc tới tên sử gia Hy Lạp Thucydides, người kể lại cuộc chiến tranh gọi là "Peloponnesian" giữa Athens và Sparta, từ 431 đến 404 Trước Công Nguyên.
Từ đầu thế kỷ 20, nước Mỹ khám phá ra vai trò đặc biệt của họ trên thế giới. Sau năm 1945, người Mỹ bắt đầu nghĩ họ có "trách nhiệm" đối với cả loài người, mà không quốc gia nào so sánh được. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đóng vai ông trùm luôn.
Trung Quốc có lịch sử "bình thiên hạ" trong hơn hai ngàn năm. Họ cảm thấy nhục nhã khi mất vai trò đó vì bị thua các nước Tây Phương. Đặng Tiểu Bình vẫn còn khuyên đàn em "thao quang dưỡng hối," đừng có ngẩng đầu lên cho thế giới đỡ sợ mình. Nhưng Tập Cận Bình đã ngẩng đầu, và hơn một tỷ con người nhiệt liệt đồng ý. Chất "bá chủ" vẫn chảy mạnh trong giòng máu, trong DNA của Hán tộc.
Nhiều người lạc quan nghĩ rằng sau khi dân Trung Hoa tư bản hóa để thành giàu có, họ sẽ khao khát dân chủ tự do, chế độ cộng sản sẽ tự "diễn tiến" dần dần và họ sẽ sống theo quy luật của một thế giới tôn trọng các giá trị chung, như quyền làm người, tinh thần trọng pháp, tự do, dân chủ, vân vân.
Ông Lý Quang Diệu đã cảnh tỉnh mà nhiều người không nghe. Ông nhắc nhở rằng "Trung Quốc không muốn xin gia nhập câu lạc bộ các nước Tây phương, dù được mời làm hội viên danh dự ! Một trật tự Mỹ đặt ra để hiệu lệnh các nước khác làm theo".
Khi hai nước lớn cùng nghĩ mình có "thiên mệnh" đứng đầu thế giới, họ không có cách nào tránh xung khắc quyền lợi. Do đó, sẽ chạy đua, đối đầu, xung đột và nếu không khéo thì kéo nhau rơi vào cái Bẫy của Thucydides. Ông Tập Cận Bình nói rằng cái bẫy đó khó xuất hiện, trừ khi các cường quốc sai lầm. Trong quá khứ đã nhiều lần cái Bẫy của Thucydides có thật rồi. Tương lai có tránh được hay không, chúng ta ước mong loài người khôn ngoan hơn, sẽ tránh. Nhưng không nên đem cả gia tài của mình đánh cá vào niềm hy vọng đó.
Cái Bẫy sập của Thucydides, trong thế kỷ 21, có thể nằm ngay bên cạnh nước ta, trong vùng Biển Đông Nam Á.
Trong một bài đăng trên tạp chí Foreign Affairs, Robert Manning và James Przystup nhận xét rằng trong khi Trung Quốc có "quyền lợi cốt lõi" (hạch tâm quyền lợi) ở vùng biển Đông Nam Á, nước Mỹ thì không nhất thiết như vậy. Và, hai ông nói, "Bắc Kinh biết điều đó!" Để kết luận: Câu hỏi chiến lược của Mỹ bây giờ là : Chúng ta chấp nhận nước Trung Hoa đóng vai trò nào trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương ?
Lý luận trên đây nghe rất hay. Quả thật, "quyền lợi cốt lõi" của nước Mỹ nằm ở Châu Âu và Châu Mỹ La Tinh, quan trọng hơn vùng Đông Nam Á, Châu Phi, hay vùng Trung Á. Nhưng "quyền lợi cốt lõi" của Mỹ ở bán đảo Cao Ly còn nhỏ hơn ở vùng Đông Nam Á, là nơi một phần ba số hàng hóa chở đường biển trên thế giới đi qua vùng biển đó! Từ năm 1950 đến giờ, có bao giờ thấy một chính phủ Mỹ nào tuyên bố họ mặc kệ cho dân Cao Ly sống theo miền Bắc hay miền Nam hay không?
Cho nên, Biển Đông nước ta sẽ là nơi diễn ra xung đột mạnh nhất giữa Mỹ và Trung Quốc trong một vài thế hệ nữa.
Vì nước Mỹ sẽ phải đối đầu với Trung Quốc, không phải chỉ trong vùng Đông Nam Á mà còn khắp thế giới, bắt đầu từ Á Châu,
Năm 2013, Tập Cận Bình bắt đầu công bố chương trình "Nhất Đới Nhất Lộ" thì cũng là năm Trung Quốc bắt đầu xây dựng các hòn đảo nhân tạo trong "Đường Lưỡi Bò". Gần hai năm sau, đầu năm 2015, nhờ hình ảnh vệ tinh chụp của các viện nghiên cứu chiến lược ở Mỹ, thế giới mới chú ý tới những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc, lúc đó chúng đã bắt đầu được quân sự hóa.
"Nhất Đới Nhất Lộ" lập vòng đai trên lục địa nối các nước Trung Á với nước Tàu, dẫn sang tới Trung Đông và Châu Âu. Trên biển, sẽ lập con Đường Tơ Lụa Biển thế kỷ 21, từ Hàng Châu, Quảng Châu, qua Đông Nam Á, Nam Á, sang tới Châu Phi và Châu Âu. Đây là một kế hoạch dài hàng thế kỷ, Tập Cận Bình đang nỗ lực thực hiện. Hiển nhiên, Đường Tơ Lụa Biển không thể nhích một bước, nếu không chinh phục được các nước Đông Nam Á. Vì vậy, các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trong Biển Đông trở thành quyền lợi cốt lõi của nước Tàu. Nếu Mỹ muốn đối phó với kế hoạch thế kỷ 21 của Trung Quốc, họ sẽ không thể mặc cho Tập Cận Bình thao túng, gậm nhấm rồi khuất phục các nước Đông Nam Á.
Khi thấy ông Donald Trump xé bỏ thỏa ước TPP, nhiều người nghĩ rằng ông ta sẽ bỏ rơi Á Châu. Nhất là khi thấy ông bắt tay Tập Cận Bình rất chặt. Nhưng giới lãnh đạo nước Mỹ sẽ không quên quyền lợi quốc gia họ.
Người đứng đầu bảo vệ quyền lợi ngoại thương trong chính phủ Mỹ, ông Robert Lighthizer đã mở cuộc điều tra về chính sách mua bán của Trung Quốc, bắt đầu với vấn đề vi phạm quyền sở hữu tri thức. Trong lúc Trung Quốc tuyên bố mở hé cửa cho các ngân hàng và giới đầu tư của Mỹ vào lục địa thì hai viện Quốc Hội Mỹ đang đưa ra các dự luật hạn chế đầu tư ngoại quốc trong các lãnh vực kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng, và an ninh, quốc phòng. Ông Lighthizer coi mục tiêu chính của Mỹ là giảm bớt khiếm hụt mậu dịch (từ 210 tỷ Mỹ kim năm 2010 lên 350 tỷ năm ngoái). Ông tin rằng nếu xảy ra chiến tranh thương mại thì có tai hại cho Mỹ cũng không tai hại hơn cảnh cán cân thương mại khiếm hụt. Lighthizer nói thẳng rằng chiến tranh thương mại sẽ hại cho nước Tàu nhiều gấp bội cái hại cho nước Mỹ !
Nhìn vào thái độ và lập luận của ông Lighthizer, chúng ta có thể thấy, ngay trong một vấn đề nhỏ như khiếm hụt mậu dịch, quyền lợi hai cường quốc xung khắc tận gốc rễ. Nhìn vào lịch sử của hai quốc gia, chúng ta còn thấy những xung đột tiềm tàng lâu dài hơn nữa.
Khi biết hai nước đó sẽ phải đối đầu, giành giựt, đấu võ với nhau nhiều hơn là thỏa hiệp, cộng tác, nước Việt Nam sẽ phải chọn. Mỹ và Trung Quốc nước nào có thể giúp Việt Nam hơn là làm hại Việt Nam? Câu trả lời giản dị, ai cũng biết. Cho nên phải lựa chọn ngay bây giờ. Bởi vì cuộc chạy đua giữa hai nước lớn sẽ diễn ra ở Biển Đông, ngay bên cạnh nước mình !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 21/11/2017
Việt-Trung tránh ‘gây hấn’ vì Biển Đông (VOA, 14/11/2017)
Việt – Trung ngày 12/11 tránh ‘gây hấn’ vì Biển Đông khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ lời sẵn sàng làm trung gian hòa giải các tranh chấp lãnh hải.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong lễ chào đón ông Tập ngày 12/11/17
Quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh đặc biệt căng thẳng kể từ tháng bảy khi Trung Quốc áp lực Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí tại một vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông.
Truyền hình nhà nước Việt Nam loan tin ông Tập nói với lãnh đạo Việt Nam rằng Trung Quốc muốn làm việc cùng với Đông Nam Á tiến tới Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.
Tân Hoa xã nói Việt-Trung nhất trí giải quyết thỏa đáng tranh chấp hàng hải và tìm cách duy trì hòa bình, ổn định.
Kể từ khi Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, xích lại gần hơn với Trung Quốc, Việt Nam trở thành thách thức chính của Trung Quốc trong khu vực.
Áp lực từ Trung Quốc ép Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí ở Biển Đông hồi tháng 7 đã đẩy quan hệ hai nước cộng sản anh em xuống một mức thấp hơn.
Cả Chủ tịch Trung Quốc lẫn Tổng thống Donald Trump đều có các cuộc họp song phương với giới chức Việt Nam theo sau thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương tại Đà Nẵng.
Ông Trump nói với Chủ tịch nước Việt Nam rằng ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và nhận xét rằng lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có vấn đề.
Trong thông cáo chung, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Việt Nam còn nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tiếp cận tự do và mở rộng tại Biển Đông và nói rằng các bên cần phải chấm dứt hành động leo thang.
Theo Reuters
********************
Biển Đông qua chuyến thăm của Trump và Tập ? (BBC, 13/11/2017)
Các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí được về việc kiểm soát các vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói.
Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa (XINHUA)
Hai bên đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác trên biển và phấn đấu cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định, Tân Hoa Xã hôm 13/11 đưa tin.
Tuyên bố chung của hai bên nói sẽ "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, không mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Ông Tập vừa rời Hà Nội ngày 13/11, kết thúc chuyến thăm chính thức hai ngày tới Hà Nội.
Chủ tịch đồng thời là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai chung Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc và kế hoạch Hai Hành lang Một Vành đai Kinh tế của Việt Nam, cùng một loạt các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác.
'Cứ nói với tôi'
Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra lời đề nghị về vai trò trung gian hòa giải trong tranh chấp Biển Đông.
Ông Trump, người cũng vừa có chuyến thăm chính thức tới Hà Nội ngay trước ông Tập, hôm Chủ Nhật nói ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa các bên đang tranh chấp chủ quyền trên biển, trong đó có cả Việt Nam và Trung Quốc.
Chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi ông Tập tới Hà Nội, ông Trump nói với Chủ tịch Trần Đại Quang về việc ông có thể làm trung gian trong tranh chấp Biển Đông
"Nếu như tôi có thể giúp trung gian hoặc phân xử, thì cứ nói với tôi", Reuters dẫn lời ông Trump nói với Chủ tịch Trần Đại Quang tại cuộc họp ở Hà Nội.
"Tôi là một nhà trung gian đàm phán, một người phân xử rất giỏi", vị tổng thống Hoa Kỳ nói.
Ông Trump thừa nhận rằng quan điểm của Trung Quốc tại Biển Đông, theo đó Bắc Kinh đòi chủ quyền với hầu hết vùng biển này, là vấn đề.
Không chỉ lên tiếng, chính quyền ông Trump còn có những hành động cụ thể ở Biển Đông.
Trong năm nay, Hoa Kỳ đã tiến hành bốn chiến dịch tuần tra nhằm thực thi quyền tự do đi lại trên biển ở các khu vực sát với các đảo do Trung Quốc quản lý.
Trang web của báo South China Morning Post phát hành tại Hong Kong, ngày 13/11 bình luận rằng lời đề xuất của ông Trump sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu và điều này sẽ phủ bóng xuống quan hệ của ông với ông Tập.
Báo này cũng viết rằng ông Trump đã đưa ra lời đề nghị chỉ vài giờ trước khi ông Tập chính thức bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ nhì trong vòng ba năm qua tới Việt Nam, quốc gia mà báo này gọi là "chống đối to tiếng nhất đối với các tuyên bố của Trung Quốc trong việc mở rộng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại vùng biển có tranh chấp".
Tuy nhiên, South China Morning Post viết rằng Chủ tịch Việt Nam đã không trả lời trực tiếp lời đề nghị của ông Trump.
Báo này dẫn lời Chủ tịch Trần Đại Quang nói : "Chính sách của chúng tôi là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình" theo cách "tôn trọng trình tự ngoại giao và trình tự pháp lý, phù hợp với luật quốc tế".
Bình luận với BBC về chủ đề Biển Đông, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng vấn đề này gần đây "tạm thời ổn định", và đó là điều có thể "tạm vui mừng".
Trong ba vấn đề chính với Trung Quốc do "lịch sử để lại", Tiến sĩ Thái nói với BBC, hai nước đã giải quyết được hai, gồm chủ đề biên giới trên bộ và việc phân định vịnh Bắc Bộ.
Như vậy, nay 'chỉ còn vấn đề biên giới trên biển Đông' với nhiều "bất đồng, khác biệt về quan điểm, hành động và lợi ích", ông nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Việt Thái ra tín hiệu tốt là "cả hai đều có những nỗ lực to lớn" để giải quyết vấn đề này "từng bước".
"Chủ trương của hai nhà nước là nếu chưa giải quyết được thì khu biệt lại để quản lý", ông phân tích.
Việc Trung Quốc gây áp lực khiến Việt Nam phải ngưng hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở khu vực có tranh chấp tại Biển Đông hồi tháng 7 cũng được South Morning Post nhắc tới, bên cạnh các vụ biểu tình bạo lực chống Trung Quốc để phản đối vụ hạ đặt giàn khoan HD981, mà theo báo này là đã phủ bóng, làm lu mờ chuyến đi Việt Nam của ông Tập hồi 2015.
Trả lời BBC, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason ở Hoa Kỳ nói :
"Các ông Clinton và Obama đi Trung Quốc thì đều có cơ hội nói chuyện với giới trẻ. Ông Trump đi Châu Á lần này thì không hề gặp nói chuyện với giới trẻ, không hề nói về nhân quyền".
"Ông Trump chỉ tập trung vào hai vấn đề là Bắc Triều Tiên và thương mại mà thôi".
"Tín hiệu ông Trump đưa ra là ông nhường vai trò lãnh đạo cho ông Tập Cận Bình. Ông Trump thì đứng ngoài hoàn toàn các vấn đề như ấm nóng khí hậu, toàn cầu hóa", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
***********************
Vấn đề Biển Đông 'tạm ổn định' (BBC, 13/11/2017)
Chủ đề Biển Đông gần đây "tạm thời ổn định", theo nhận định của Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, và đó là điều có thể "tạm vui mừng".
Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam
Trong ba vấn đề chính với Trung Quốc do "lịch sử để lại", Tiến sĩ Thái nói với BBC, hai nước đã giải quyết được hai, gồm chủ đề biên giới trên bộ và việc phân định vịnh Bắc Bộ.
Như vậy, nay 'chỉ còn vấn đề biên giới trên biển Đông' với nhiều "bất đồng, khác biệt về quan điểm, hành động và lợi ích", ông nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Việt Thái ra tín hiệu tốt là "cả hai đều có những nỗ lực to lớn" để giải quyết vấn đề này "từng bước".
"Chủ trương của hai nhà nước là nếu chưa giải quyết được thì khu biệt lại để quản lý", ông phân tích.
"Điều quan trọng nhất là phải thống nhất nhận thức giữa các bên, và cùng tiếp cận trên một nền tảng, như vậy chúng ta mới giải quyết được", Tiến sĩ Thái nói thêm.
Nhìn lại lịch sử quan hệ Việt - Trung, ông nhìn nhận có những thời kỳ "quan hệ rất thân mật" giữa hai nước, "nhưng cũng có những thời kỳ quan hệ xuống mức rất thấp, những năm 70 đến 90, đó là những chương buồn trong quan hệ".
Việt Nam và Trung Quốc mới bình thường hóa quan hệ từ năm 1991 và mối quan hệ này "dần dần trở lại quỹ đạo", ông Thái nhận xét.
Mỹ-Philippines : Trump dàn cảnh ''đồng cảm'' với Duterte (RFI, 13/11/2017)
Trong cuộc hội kiến tại Manila, tổng thống Mỹ Donald Trump dàn cảnh thái độ hòa thuận với đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte trước mặt phóng viên quốc tế. Không một vấn đề nào liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền được nêu lên bên cạnh nhà lãnh đạo tự khoe đã từng giết người lúc 16 tuổi.
Tổng thống Mỹ Trump bắt tay tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước buổi khai mạc thượng đỉnh ASEAN, Manila, 13/11/2017. Reuteurs/Mark R. Cristino/Pool
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại làm báo chí thất vọng.
Theo AFP, sáng nay thứ hai 13/11/2017, trước giờ hội kiến song phương tại Manila, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra rất hợp ý và bông đùa thoải mái. Tuy nhiên, cả hai đều rất tiết kiệm lời nói khi được phóng viên đặt câu hỏi nhất là về nhân quyền.
Tổng thống Donald Trump tránh né bằng sự im lặng. Tổng thống Rodrigo Duterte cắt gọn : đây không phải là họp báo mà là hội kiến song phương.
Sau cuộc hội kiến dài 40 phút, phát ngôn viên của tổng thống Philippines cho biết là "hồ sơ nhân quyền không được đề cập đến. Khác với người tiền nhiệm, tổng thống Trump nhấn mạnh ông là bạn của chính quyền Duterte".
Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders bảo đảm là "nhân quyền được đề cập ngắn gọn".
Trước khi tổng thống Trump rời Washington công du Châu Á, cố vấn an ninh H.R McMaster đã giải thích : Tại sao phải to tiếng về vấn đề này ? Kinh nghiệm gần đây cho thấy là không có hiệu quả.
Về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Philippines cũng như ở những chế độ khác, chính quyền Trump cam kết là "không tố cáo công khai", nhưng "không thụ động" và thiên về lối vận động "kín đáo".
Tú Anh
********************
Vị thế Philippines trong chiến lược của Hoa Kỳ (BBC, 13/11/2017)
Đối với hầu hết các nhà lãnh đạo Châu Á, công bằng mà nói thì chiến lược của Donald Trump là một bí ẩn. Nhưng liệu chìa khóa để hiểu được mục tiêu của Hoa Kỳ ở Châu Á nằm ở quốc đảo được biết đến với tình hình chính trị hỗn loạn - Philippines ?
Ông Trump và ông Duterte tại tiệc chiêu đãi của ASEAN tại Manila tối 12/12/2017
Xin đừng ngạc nhiên !
Rõ ràng là Philipines, như tình trạng của nhiều quốc gia Châu Á hiện nay, từng mắc kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Mặc dù chuyến công du của ông Trump chắc chắn là để cố gắng thể hiện cho khu vực này thấy Hoa Kỳ đang quan tâm tới Châu Á ở một mức độ nào đó, rõ ràng tổng thống Mỹ quan tâm sâu sắc hai vấn đề : Bắc Hàn và thương mại. Thành thật mà nói, Bắc Triều Tiên là mối quan tâm cấp bách nhất của ông.
Vậy làm thế nào Philippine đưa ra được những giải pháp mà Donald Trump mong muốn từ Châu Á ? Và Philippin cần gì từ Mỹ để đổi lại ?
Vai trò của lịch sử
Thứ nhất, lịch sử đóng vai trò quan trọng. Ta cần phải biết về quá khứ mới có thể hiểu được hiện tại.
Philippines và Mỹ có mối quan hệ lâu dài và chông gai, bắt đầu từ cuộc chiến tranh Mỹ-Phi kéo dài ba năm, bắt đầu từ năm 1899. Hgàn người chết ở cả hai phía, nhưng Philippines chịu tổn thất hơn cả.
Quyết định thôn tính Philippines của Hoa Kỳ gây nhiều tranh cãi. Quyết định này được thúc đẩy một phần bởi Kỷ nguyên Đế chế - các quốc gia cắm cờ ở bất cứ vùng đất nào có thể, thực dân hóa các quốc gia khác để biến thành lãnh thổ của riêng mình.
Nhưng nó cũng được thúc đẩy bởi mong muốn của Hoa Kỳ chiếm một vị trí chiến lược trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương - để bảo vệ lục địa Hoa Kỳ khỏi xâm lược, và để bảo vệ nền kinh tế của mình.
Điều này nghe có vẻ quen quen ? Một trăm năm trôi qua với không nhiều thay đổi. Cuối cùng, Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Philippines năm 1946, nhưng giữ căn cứ quân sự của mình trong quần đảo, rõ ràng là để theo dõi những gì đang xảy ra ở quốc gia láng giềng.
Sau độc lập, Philippines duy trì quan hệ phập phù với Hoa Kỳ. Các cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ những năm 1980 và 1990, cùng với phong trào bài Mỹ và thiên tai năm 1991 buộc Mỹ di dời căn cứ quân sự tới đảo Guam và một số nơi khác.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố và những cuộc nổi dậy của quân Hồi giáo ở miền Nam Philippines và vấn đề Biển Đông đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn - với sự hồi sinh của các căn cứ quân sự tạm thời của Mỹ ở Philippines.
Cán cân quyền lực
Người biểu tình tại Philippines đốt hình nộp ông Duterte và ông Trump hồi đầu tháng 11.
Trung Quốc đã thay đổi chiến lược khi trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước Châu Á, bao gồm cả Philippines.
Bắc Kinh cũng đang tiến vào Philippines với cam kết đầu tư trị giá 9 tỷ đô la vào các dự án Một vành đai Một con đường.
Philippines đã có thời gian tích cực chống lại các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông, và thậm chí đưa vụ việc ra tòa án quốc tế và giành chiến thắng, nhưng dưới thời tổng thống Duterte, ván bài đã lật ngược, Giáo sư Carl Thayer, giám đốc hãng tư vấn Thayer Consultancy ở Sydney nói.
Ông Thayer nói thêm : "Không ai ngoài Campuchia đi xa như Duterte trong việc xoa dịu Trung Quốc".
Vậy điều đó có nghĩa Hoa Kỳ đã thất trận trong việc gây ảnh hưởng tại Philippines và Châu Á ? Không hoàn toàn, ông Theyer chỉ rõ.
"Mỹ đã giúp Philippines chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Marawi và điều đó đã giữ họ lại trong cuộc chơi này". Ông Thayer cũng viết về việc Tổng thống Duterte đã làm tốt thế nào trong việc khiến Trung Quốc và Hoa Kỳ đối đầu nhau - một chiến lược mà nhiều nhà lãnh đạo Châu Á khác cũng có thể sử dụng.
Vấn đề Bắc Triều Tiên
Lệnh trừng phạt gia tăng sau các đe dọa về hạt nhân của Bắc Hàn leo thang
Hãy nhớ lại khi Donald Trump viết trên Twitter rằng ông sẽ ngừng giao dịch thương mại với bất kỳ quốc gia nào kinh doanh với Bắc Hàn. Thế nhưng vào thời điểm này, đây là một động thái không thực tế - chủ yếu bởi vì nó sẽ khiến Mỹ tổn thương về lâu dài. Nhưng lạ lùng hơn cả là phản ứng của Philippines.
Thương mại giữa Manila và Bắc Hàn tăng tới 170% năm 2016. Khi tin này trở thành tiêu điểm, chính phủ Duterte ngay lập tức có biện pháp khắc phục sự mất cân bằng này bằng cách cắt đứt thương mại với Bắc Hàn.
Tại sao phải vội vã ? Không ai trong số các quốc gia khác vội vàng hành động như thế.
Một lý do là vì Philippines muốn đảm bảo rằng nước này tuân thủ các lệnh trừng phạt của LHQ, và tiền Bắc Hàn kiếm được trong làm ăn với thương mại Philippine không bị quẳng vào ngành công nghiệp vũ khí.
Nhưng một lý do thực tế khác là Philippines đạt ít nhất 8 tỷ đô la thương mại với Mỹ mỗi năm so với 53 triệu đô la với Bắc Hàn, do đó, quả là sẽ vô cùng rủi ro nếu Philippines không làm những gì mà Hoa Kỳ muốn.
Tuy nhiên, thật thú vị khi nghe lời kêu gọi cảm xúc gần đây của Tổng thống Duterte về Kim Jong-un của Bắc Hàn : "Nếu ai đó tiếp cận (ông Kim), hãy nói chuyện với ông ấy và nói, "Bạn tôi, tại sao bạn không ngồi xuống cùng tôi và cùng bàn chuyện ?" Không có gì chắc chắn Tổng thống Trump sẽ nhìn sự việc theo cách tương tự.
Điểm chung
Trump và Duterte được cho là có nhiều điểm chung về tính cách
Tuy nhiên có một điều mà Philippines và Mỹ có thể đồng ý với nhau là quan điểm của họ về các vấn đề nhân quyền. Mặc dù chính quyền Obama chỉ trích cuộc chiến tranh chống ma túy của Tổng thống Duterte, nhưng Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tới Philippines vì đó là "một vị trí chiến lược quan trọng" và một quan chức Mỹ nói rằng hai nhà lãnh đạo chia sẻ "mối quan hệ ấm áp".
Họ thường được so sánh với nhau, bởi vì tính cách nổi trội và sự thẳng thắn của họ. Để đổi lấy sự ủng hộ trong vấn đề Bắc Hàn, Tổng thống Trump dường như không nhấn mạnh đến nhân quyền và những vụ giết người phi pháp ở Philippines như người tiền nhiệm của ông - và điều này hoàn toàn phù hợp với Tổng thống Duterte.
Vậy là ta thấy Philippines và Mỹ có quan hệ cộng sinh.
Không chỉ bởi vì hai quốc gia là hai nền dân chủ, là đồng minh trong lịch sử (bất chấp quá khứ chông gai của họ) và hai nhà lãnh đạo của họ chia sẻ những nét tính cách thú vị.
Mà còn bởi vì họ hòa hợp cả về chiến lược và tính cách, và Philippines ngày càng trở thành con át chủ bài cho vị thế của Mỹ ở Châu Á.
Karishma Vaswani
Phóng viên Kinh tế khu vực Châu Á
********************
Philippines : Biểu tình phản đối Donald Trump tại Manila (RFI, 12/11/2017)
Trước khi máy bay của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đáp xuống phi trường quốc tế gần thủ đô Manila, ngày 12/11/2017, cảnh sát chống bạo động Philippines được huy động giữ gìn an ninh trật tự trước tòa đại sứ Mỹ.
Người dân Philippines biểu tình phản đối tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Manila, ngày 12/11/2017. Reuters/Romeo Ranoco
Hãng tin Anh Reuters tường thuật, một đoàn người biểu tình - thuộc cánh tả, giương cao những biểu ngữ chống Donald Trump và chống "đế quốc Mỹ".
Tuy nhiên, mọi chú đang hướng về đối thoại "nhạy cảm" giữa tổng thống Mỹ và Philippines ngày 13/11, bên lề thượng đỉnh ASEAN. Thông tín viên đài RFI Marianne Dardard từ thủ đô Manila cho biết thêm :
"Trước khi hai nhà lãnh đạo có khuynh hướng mị dân gặp nhau, báo chí Philippines đã tốn nhiều giấy mực về đối thoại này. Donald Trump và Rodrigo Duterte đã trao đổi với nhau lần đầu tiên tại Đà Nẵng vào hôm qua (11/11), bên lề thượng đỉnh APEC, Việt Nam. Nhiều người chứng kiến sự kiện này cho rằng đó là một cuộc trao đổi "nồng ấm", trước khi nguyên thủ hai nước sẽ có một cuộc hội đàm song phương vào ngày mai (13/11).
Trước đó, cũng tại thượng đỉnh diễn đàn APEC Đà Nẵng, Rodrigo Duterte khoe là ông từng giết người khi tuổi còn niên thiếu, đâm chết một người trong một vụ thanh toán. Không thấy tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng gì về những lời lẽ gây sốc này. Chủ nhân Nhà Trắng cũng im lặng khi ông Duterte dọa cấm nhập cảnh vào Philippines hai dân biểu Mỹ chủ trương chống chính sách bài trừ ma túy tàn khốc của Manila.
Tháng 7/2017, Hạ Viện Hoa Kỳ chính thức lên án các vụ giết người ngoài vòng xét xử tại Philippines. Riêng ông Donald Trump, trong quá khứ, từng đích thân chúc mừng Rodrigo Duterte về "những nỗ lực không thể ngờ được trong mục tiêu bài trừ ma túy". Trên nguyên tắc, tổng thống Trump sẽ tránh đề cập đến đề tài này trong cuộc trao đổi ngày mai với ông Duterte.
Ngược lại, đôi bên sẽ phải nhắc tới hồ sơ Biển Đông, trong bối cảnh, gần đây tổng thống Duterte giữ khoảng cách với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho dù tới nay, lãnh đạo Philippines từng xem ông Tập là "người bạn tốt nhất" của mình".
Thanh Hà