Philippines nâng cấp phi đạo trên đảo Thị Tứ, củng cố chủ quyền tại Trường Sa (VOA, 29/09/2017)
Philippines đã tìm được nguồn tài trợ cho dự án lớn nhất trong loạt dự án nâng cấp cấu trúc hạ tầng đã đến lúc phải thực hiện trên những đảo nhỏ hoặc bãi cạn mà nước này kiểm soát trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một cử chỉ được Manila coi như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng với các nước, kể cả Trung Quốc, về những tuyên bố chủ quyền của Manila trên một số thực thể trong Biển Đông.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Hiện do Philippines kiểm soát nhưng đang trong vòng tranh chấp với nhiều nước, kể cả Việt Nam. Ảnh chụp ngày 21/4/2017. Reuters/Erik De Castro
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trong tháng này nói rằng Chương trình Hiện đại hóa các Lực lượng Vũ trang Philippines vào năm tới sẽ tài trợ để lát một phi đạo dài 1,300 mét, giờ là một đường băng đầy đá và đất trên đảo Thị Tứ, một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Manila kiểm soát, nhưng chủ quyền đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Dự án tân trang đường băng theo dự kiến sẽ dẫn tới việc sửa chữa các doanh trại, hệ thống nước và cấu trúc hạ tầng khác trên 9 đảo nhỏ ở Trường Sa hiện do Philippines kiểm soát, điều mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cam kết hồi tháng Tư năm nay.
Chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang kéo dài 15 năm đã được đề xuất vào năm 2012 và năm nay, có môt ngân sách lên tới 2,56 triệu đôla.
Những công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng của Manila được coi như một nhắc nhở rằng Manila có ý định giữ quyền kiểm soát trên 9 thực thể của mình trong Biển Đông, tuy nhiên kế hoạch này ít có khả năng gây phẫn nộ cho các nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong cùng vùng biển này.
Là bên đòi chủ quyền hung hăng nhất và từng tuyên bố chủ quyền tại hơn 100 đảo ở Trường Sa và các vùng biển chung quanh, Bắc Kinh đã kết thân với Manila trong năm qua, nhưng chỉ sau một thời kỳ đối đầu ngoại giao kéo dài nhiều năm, mà giờ một số người Philippines lo sợ có thể lại tái diễn.
Ông Jonathan Spangler, Giám Đốc của một think tank về Biển Đông ở Đài Bắc, nhận định :
"Tôi nghĩ nhiều người có cảm giác là đã tới lúc nên cân nhắc những sự lựa chọn khác. Theo tôi, nó cũng giống như mua một loại bảo hiểm vậy, để đảm bảo mình không chỉ đi về một hướng, và đi tới cùng".
Trung Quốc thách thức lòng kiên nhẫn của Philippines
Sau khi Trung Quốc điều tàu thăm dò tới trấn đóng trước một bãi cạn ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Philippines, ông Duterte bị công chúng áp lực phải cưỡng lại Bắc Kinh một lần nữa.
Tháng Tư 2017, ông Duterte cam kết sẽ nâng cấp các hòn đảo do Philippines kiểm soát ở Trường Sa.
Cách đây khoảng hai tháng, một chiếc tàu Trung Quốc đã đến cắm cờ của nước này tại Sandy Cay –Việt Nam gọi là đá Tri Lễ, nằm trong khu vực do Philippines kiểm soát tại quần đảo Trường Sa, gây thêm lo ngại cho người Philippines. Cả hai nước đều đặt nặng tầm quan trọng của Sandy Cay trong tư cách là một ngư trường và có trữ lượng nhiên liệu hóa thạch phong phú.
Tham vọng tại quần đảo Trường Sa
Ông Jonathan Spangler lưu ý rằng Philippines có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của mình tại quần đảo Trường Sa bằng cách chứng minh những thực thể mà họ kiểm soát là có người ở và có hoạt động kinh tế. Khoảng 100 thường dân sinh sống trên đảo Thị Tứ, nhiều người liên quan tới hoạt động quân sự tại đây. Thị Tứ là hòn đảo lớn thứ nhì tại quần đảo Trường Sa với diện tích 37 ha. Một số người Philippines kêu gọi nên đẩy mạnh hoạt động du lịch tới nơi này.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã đến thăm Thị Tứ hồi tháng Tư để "kiểm tra các điều kiện sống của cư dân", theo Bộ Quốc phòng Philippines.
Giới phân tích nói phi đạo không tráng nhựa chỉ có thể được dùng cho máy bay quân sự, hạn chế việc lui tới hải đảo này.
Kế hoạch nâng cấp các cơ sở hạ tầng tại Trường Sa phù hợp với "trật tự tự nhiên" mà bất cứ nước nào muốn cải thiện quốc phòng cũng sẽ làm, theo ông Eduardo Araral, Giáo sư môn Chính sách Công tại Đại học Quốc gia Singapore. Giáo sư Araral nói thêm rằng Philippines phải dùng ngân sách dành riêng cho việc hiện đại hóa quân đội.
"Rõ ràng là động thái này có tính cách tự vệ. Đây chỉ là một phần của chương trình hiện đại hóa".
Quân đội Philippines xếp hạng thứ 50 trên thế giới trên một danh sách gồm 133 quốc gia được tổ chức nghiên cứu dữ kiện quốc phòng GlobalFirePower theo dõi.
Kế hoạch nâng cấp hạ tầng không vấp phản ứng mạnh
Về mặt chính thức, Trung Quốc đã giữ im lặng về việc tân trang đường băng trên đảo Thị Tứ, và các dự án nâng cấp khác trên các đảo, đá do Philippines kiểm soát. Các kế hoạch đó cũng đánh dấu một bước lùi, so với kế hoạch ban đầu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, theo đó đích thân ông sẽ đến đảo Thị Tứ để cắm cờ.
Đài Loan và Việt Nam đôi khi ra thông báo phản đối khi hai nước này cảm thấy tuyên bố chủ quyền của mình bị đe dọa, nhưng hiếm khi xúc tiến những bước tiếp theo có tính cách quyết liệt hơn.
Ralph Jennings
**********************
Biển Đông : "Tứ Sa" còn tệ hơn cả "đường lưỡi bò" (RFI, 28/09/2017)
Tuần trước, báo mạng Washington Free Beacon có trụ sở tại Washington đã tiết lộ một chiến thuật mới của Trung Quốc trong mục tiêu độc chiếm Biển Đông : thay vì yêu sách đường 9 đoạn, thường gọi là "đường lưỡi bò", Bắc Kinh lại nêu ra khái niệm "Tứ Sa".
Lính hải quân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa ngày 09/02/2016. Reuters/Stringer/File Photo
Trong một cuộc họp kín với các viên chức bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào ngày 28 và 29/08/2017 tại Boston, ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), cục phó Cục Hiệp định và Pháp luật thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã khẳng định "quyền lịch sử của Trung Quốc tại Tứ Sa". Tờ báo cho biết các viên chức Mỹ tỏ ra rất ngạc nhiên về cách diễn dịch mới này.
Theo ông Mã Tân Dân, Trung Quốc có "chủ quyền và quyền hàng hải" kéo dài xung quanh bốn nhóm đảo ở Biển Đông là Đông Sa (Dongsha, tức Pratas Islands của Đài Loan), Tây Sa (Xisha, tức Hoàng Sa), Nam Sa (Nansha, tức Trường Sa), Trung Sa (Zhongsha, tức bãi cạn Macclesfield, là một bãi ngầm nằm cách Hoàng Sa 75 hải lý). Bắc Kinh gọi chung là "Tứ Sa", đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh nhóm đảo này.
Ông Michael Pillsbury, thuộc Hudson Institute và là giám đốc Center for Chinese Strategy, nhận định, yêu sách về pháp lý trên đây là một trong "Tam chủng chiến pháp" do Quân ủy Trung ương đưa ra từ năm 2003, gồm tâm lý chiến, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý. Còn đại tá Hải quân về hưu Jim Fanell cho rằng thuyết "Tứ Sa" là "một bước lôgic của Bắc Kinh trong chiến thuật tằm ăn dâu" trên Biển Đông.
Hai chuyên gia về công pháp quốc tế Julian Ku và Christopher Mirasola trên trang Lawfare - một trang chuyên về an ninh do Lawfare Institute và Brooking Institution thực hiện, với sự hợp tác của nhiều luật gia - trong một bài viết mới đây đã khẳng định "Biển Đông và yêu sách "Tứ Sa" của Trung Quốc : Lý thuyết mới về pháp luật, nhưng lập luận tệ hại như cũ". Theo hai tác giả trên, về mặt luật pháp, lý lẽ về "Tứ Sa" cũng chẳng hơn gì so với đường lưỡi bò lâu nay.
Thật ra đây không phải là một khái niệm mới mẻ. Luật về lãnh hải và đường tiếp giáp của Trung Quốc năm 1992 đã tuyên bố lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả "Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa". Sách Trắng công bố năm 2016 khi tranh chấp với Philippines cũng khẳng định chủ quyền "Nam Hải chư đảo" (tức các đảo trên Biển Đông) gồm bốn nhóm đảo trên, kể cả "các đảo, rạn san hô, bãi cạn, thực thể có số lượng và kích thước khác nhau".
Như Bắc Kinh đã nhìn nhận, mỗi nhóm đảo gồm nhiều thực thể đa dạng, đa số không mang lại quyền lợi hàng hải. Chẳng hạn phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 nhận định, không một thực thể nào ở Trường Sa đủ lớn để có được lãnh hải 12 hải lý xung quanh. Năm 1996, Trung Quốc ấn định các đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa, coi đây là một đơn vị địa lý duy nhất (có lẽ nhằm mở rộng tối đa yêu sách).
Vì Trung Quốc không phải là một quốc gia gồm nhiều đảo hợp lại như Indonesia hay Philippines, Hoa Kỳ và hầu hết các nước coi việc vẽ ra những đường cơ sở xung quanh một nhóm đảo là đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều 47 của Công ước quy định đường cơ sở xung quanh một quần đảo như Hoàng Sa chẳng hạn, chỉ có thể được ấn định nếu bao quanh "các đảo chính và một khu vực mà tỉ lệ khoảng cách từ vùng biển so với vùng đất, kể cả rạn san hô" của một Nhà nước "là từ 1-1 đến 9-1". Hai chuyên gia Julian Ku và Christopher Mirasola khẳng định, Trung Quốc không hội đủ điều kiện này, vì đất liền Hoa lục xa tít tắp vùng biển yêu sách.
Do vậy, cơ sở luật pháp của "Tứ Sa" thậm chí còn yếu hơn cả đường lưỡi bò, vì rõ ràng là vi phạm UNCLOS (điều 46 và 47). Tuy vậy có vẻ như Trung Quốc có lợi hơn khi thay đường 9 đoạn bằng "Tứ Sa". Vì sao ?
Trước hết, các lãnh đạo Bắc Kinh có thể đã nhận ra rằng đường lưỡi bò đã trở nên một gánh nặng về ngoại giao. Đây là một "sui generis" (tình trạng pháp lý chưa có tiền lệ) : chưa hề có một Nhà nước nào đòi hỏi "quyền lịch sử trên biển" như vậy. Thế nên đường lưỡi bò đã khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu bị quốc tế phê phán.
Thứ hai, khi sử dụng một thuật ngữ có vẻ giống như trong UNCLOS, Trung Quốc có thể tránh né được những chỉ trích.
Thứ ba - và theo hai chuyên gia trên, là đáng phẫn nộ nhất - Bắc Kinh có thể kết luận là tốt nhất nên bóp méo Luật Biển theo kiểu của mình, qua việc sử dụng những thuật ngữ của UNCLOS. Cường quốc đang lên này diễn dịch những quy định hiện hành theo cách nào có lợi nhất. Tìm được sự ủng hộ về đường cơ sở có lẽ dễ dàng hơn so với đường lưỡi bò. Tiến hành "chiến tranh pháp lý", Bắc Kinh có thể trông cậy vào đội ngũ đông đảo các luật sư và nhà nghiên cứu Trung Quốc để quảng bá chiến lược mới này với cộng đồng quốc tế.
Hai nhà nghiên cứu Julian Ku và Christopher Mirasola kết luận, trong khi chờ đợi đường lưỡi bò bị quẳng vào thùng rác (hợp pháp) của lịch sử, khó thể tin rằng với "Tứ Sa", Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò khiêm tốn hơn tại Biển Đông. Lý lẽ về "Tứ Sa" không mấy vững, thậm chí yếu hơn cả đường 9 đoạn. Tuy nhiên để giải thích khái niệm "Tứ Sa" thiếu vững chắc và bất hợp pháp như thế nào, cần có những phân tích phức tạp về luật pháp, cộng với những thông điệp công khai, hiệu quả. Chính quyền Mỹ liệu có đẩy mạnh những công cụ này để khẳng định chính sách về Biển Đông hay không ?
Thụy My
Hai ngư dân Việt Nam thiệt mạng trong khi năm người khác bị bắt sau khi họ bị phát hiện đánh bắt cá ngoài khơi tây bắc Philippines, dẫn tới một cuộc đuổi bắt ban đêm, và tàu của Việt Nam đã đâm vào tàu hải quân của Philippines, khiến lực lượng này buộc phải nổ súng.
Một con tàu của hải quân Philippines.
AP dẫn lời các quan chức Philippines cho biết như vậy hôm 24/9, đồng thời cho hay rằng năm người Việt cùng với thi thể của hai ngư dân tử vong đã được trao cho lực lượng cảnh sát Philippines sau khi vụ việc xảy ra sớm 23/9 ở ngoài khơi thị trấn Bolinao ở tỉnh Pangasinan ở khu vực tây bắc.
Một quan chức Philippines còn nói với hãng tin Mỹ này rằng vụ việc xảy ra gần bờ biển của Philippines, chứ không phải trong vùng lãnh hải tranh chấp trên Biển Đông.
Tuy nhiên, AP nhận định rằng vụ chết người này cho thấy sự nguy hiểm của các vùng lãnh hải chồng lấn nhau.
Tàu cá Việt Nam bị Indonesia cho nổ tung sau khi bị bắt vì đánh bắt trái phép.
Quan chức Philippines được trích lời nói rằng cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và chưa rõ ngay liệu hai người Việt thiệt mạng vì bị bắn trọng thương hay vì các nguyên nhân khác.
Vụ việc xảy ra sau khi tàu hải quân Philippines phát hiện sáu tàu cá Việt Nam sử dụng "đèn siêu sáng" đánh cá, một hình thức bắt cá vốn bị cấm theo luật Philippines.
Theo AP, đại sứ quán Việt Nam ở Philippines chưa hồi đáp ngay trước yêu cầu bình luận của hãng này.
Trong những năm trở lại đây, không chỉ Philippines, mà ngày càng có nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay thậm chí Australia, bắt giữ các ngư dân Việt đánh bắt trái phép.
Trao đổi với VOA Việt ngữ trước đây, đại diện Hội nghề cá Việt Nam từng phản bác quan điểm cho rằng ngư dân Việt Nam phải "dạt" khỏi ngư trường truyền thống ở Biển Đông vì Trung Quốc.
Đại diện Việt Nam hôm 22/9 phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó kêu gọi "kiềm chế" ở Biển Đông.
Ông Phạm Bình Minh phát biểu tại Liên Hiệp Quốc năm 2016.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng "Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ cùng các nước ASEAN ứng phó với các thách thức chung".
"Về tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam và ASEAN kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý", ông nói tiếp.
Ngoài Biển Đông, theo tin từ Liên Hiệp Quốc, ông Minh cũng nhắc tới sự tin tưởng của Việt Nam vào "vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không đe doạ hay sử dụng vũ lực và giải quyết hoà bình các tranh chấp".
Đại diện chính phủ Việt Nam còn kêu gọi "cần có những hành động cụ thể, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, nhằm ngăn ngừa các xung đột, xây dựng lòng tin và giải quyết hoà bình các xung đột, tranh chấp, kể cả các xung đột, tranh chấp ở Trung Đông, Châu Phi và kêu gọi phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên", đồng thời nói rằng "việc bao vây cấm vận đơn phương Cuba là không phù hợp và phải được dỡ bỏ ngay".
Ông Minh lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu với ngôn từ mạnh, trong đó ông cũng nhắc tới Biển Đông.
"Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]", ông Trump phát biểu, đồng thời nói thêm rằng "chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, tôn trọng văn hóa và sự giao tiếp hòa bình".
Dù ông Donald Trump không trực tiếp nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, bóng dáng Việt Nam vẫn hiển hiện trong các vấn đề tỷ phú Mỹ nêu lên như Bắc Hàn và các thỏa thuận thương mại đa phương bị cáo buộc đã lấy đi việc làm của người Mỹ, theo giới quan sát.
Quan ngại về sự cần thiết phải kiềm hãm sức mạnh áp đảo của Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ và Nhật Bản có thể mở các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông, hoặc bán vũ khí cho các đối thủ của Bắc Kinh tiếp theo sau hai buổi họp song phương cấp cao trong tháng này.
Binh sĩ hải quân của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (JMSDF) lên hàng không mẫu hạm Izumo chở máy bay trực thăng, tham gia tập trận ở Biển Đông, gần Singapore, ngày 22/6/2017. Reuters/Nobuhiro Kubo.
Theo các chuyên gia, Ấn Độ và Nhật Bản có thể bán hoặc cho không vũ khí cho các nước tranh giành chủ quyền với Bắc Kinh như Việt Nam, để các nước này có thể xây dựng một lực lượng phòng thủ hùng mạnh hơn chống lại Bắc Kinh. Nhật Bản có thể sử dụng lực lượng tuần duyên hoặc tàu hải quân để tuần tiễu Biển Đông và qua đó, chứng tỏ rằng Biển Đông vẫn mở rộng cho tàu bè quốc tế qua lại, bất chấp tuyên bố của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sở hữu tới 90% diện tích Biển Đông.
Các nhà phân tích nói Ấn Độ có thể tiếp tục hợp tác với Việt Nam để khai thác dầu hỏa và khí đốt dưới biển.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington (CSIS), nói :
"Dehli và Tokyo trong thời gian qua đều tăng cường các nỗ lực nhằm xây dựng khả năng quân sự của các nước trong khu vực. Nhật Bản chủ yếu tập trung vào việc cung cấp tàu tuần tiễu và huấn luyện các quốc gia Đông Nam Á, trong khi Ấn Độ bán vũ khí và huấn luyện cho hải quân Việt Nam".
Hai cuộc họp cấp cao trong một tuần
Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp vị tương nhiệm Narendra Modi ở Ấn Độ trong hai ngày 13 và 14/9 để thảo luận việc "củng cố hợp tác an ninh hàng hải", theo một thông báo của Bộ Ngoại giao tại Tokyo.
Hôm thứ Hai, Ngoại Trưởng của hai nước đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để bàn về quyền tự do hàng hải và sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Giới phân tích tin rằng chủ đề của các cuộc đàm đạo trong cả hai buổi họp nhắm vào Trung Quốc, kể cả sự bành trướng của Bắc Kinh từ năm 2010 tới nay trong vùng biển tranh chấp.
Cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng hai nước đã chứng kiến với thái độ lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn nhất và sức mạnh quân sự hùng hậu nhất tại Châu Á. Bất chấp cuộc họp với ông Tillerson ở New York, chính phủ Mỹ được cho là chỉ chú trọng tới việc quân sự hóa của Triều Tiên.
Cấp vũ khí cho các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc
Nhật Bản và Ấn Độ có thể bán thêm vũ khí cho 4 nước Đông Nam Á có vùng biển chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, theo các nhà phân tích.
Nhật Bản hồi tháng Giêng năm nay ra dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng tặng Việt Nam 6 tàu tuần duyên để giúp Hà nội tăng cường khả năng hàng hải.
Từ những năm đầu của thập niên 1970, Việt Nam đã 3 lần chạm trán với tàu Trung Quốc. Hồi tháng 8 năm ngoái, Nhật Bản bắt đầu bán cho Philippines 10 tàu tuần duyên qua một thỏa thuận cho vay với lãi xuất ưu đãi.
Ấn Độ đã thảo luận với Việt Nam về việc cung cấp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos mà nước này cùng phát triển với Nga, và nhiều tên lửa khác nữa, đã khiến cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc tố cáo Ấn Độ là gây rối.
Ấn Độ hồi tháng 9/2016, đề nghị một gói tín dụng quốc phòng mới trị giá 500 triệu USD cho Việt Nam để mua thiết bị quốc phòng, kể cả các tàu tuần tiễu.
Điều tàu đi tuần trên các vùng biển tranh chấp
Nhật Bản có thể thách thức Trung Quốc bằng các cuộc tuần tiễu "không ầm ĩ" trên Biển Đông, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak ở Singapore
Vào tháng 5, Nhật Bản phái tàu chiến chở máy bay trực thăng Izumo ra Biển Đông, ghé thăm các bến cảng ở Đông Nam Á trên đường tới dự cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định :
"Điều mà họ làm là điều một chiếc tàu tới Vịnh Aden, và trên đường trở về, họ ‘kiểu như’ tuần tra Biển Đông, đồng thời ghé thăm các bến cảng Việt Nam,…Tuy nhiên họ không cố ý hoạch định bất kỳ chương trình tự do hàng hải nào trên Biển Đông vì lo ngại có thể khiêu khích Trung Quốc.
Tiến sĩ Hiệp nói thêm :
"Nhưng trong tương lai thì tôi không chắc, bởi vì rõ ràng là Nhật Bản cũng chú ý quan tâm và tìm cách kiềm hãm các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các cuộc tuần tra sẽ cho thấy rằng biển, với nguồn thủy sản vô cùng phong phú, vẫn mở cho các nước khác bất chấp Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền của tuyến hàng hải nằm ở bờ biển phía nam Trung Quốc.
Trung Quốc đã củng cố quyền kiểm soát và gây giận dữ cho các nước khác có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên vùng biển tranh chấp, khi nước này lắp đất xây các đảo nhân tạo có khả năng đón nhận máy bay chiến đấu và có trang bị các hệ thống radar.
Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại một phần hoặc toàn phần Biển Đông, cạnh tranh với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Ông Andrew Yang, Tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc, một think tank của Đài Loan, nói Ấn Độ và Nhật Bản có thể hợp tác để thực hiện các cuộc tuần tra chung, sử dụng tàu tuần tra ven biển.
Ông Yang nói thêm : "Có lẽ hai nước này sẽ tăng các hoạt động chung để chứng minh rằng Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác chặt chẽ với nhau để buộc các nước trong khu vực phải hành xử theo đúng quy định của luật pháp quốc tế trên Biển Đông và trong khu vực.
Trung Quốc đổi chiến thuật ở Biển Đông : ‘Tứ Sa’ thay cho ‘Đường 9 đoạn’ (VOA, 22/09/2017)
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã ra mắt một chiến thuật pháp lý mới để hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền hung hăng của họ, tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, một vùng biển có vị trí chiến lược.
Bản đồ khu vực Biển Đông
Chiến thuật mới mà các nhà phê bình gọi là "chiến tranh pháp lý" (lawfare), thay thế cho cái gọi là "đường 9-đoạn" của Trung Quốc.
Chiến thuật mới có tên gọi là "Tứ Sa" – theo tiếng Hoa có nghĩa là cát – đã được ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), Phó Tổng Giám đốc Cục Hiệp Định và Pháp luật Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ trong một cuộc họp kín với các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng trước.
Trước đây Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 3 quần đảo và gần đây tuyên bố chủ quyền tại một khu vực thứ tư trong vùng biển phía bắc của Biển Đông được gọi là Quần đảo Pratas, gần Hồng Kông.
Các địa điểm còn lại là quần đảo Hoàng Sa đang trong vòng tranh chấp ở phía tây bắc, và quần đảo Trường Sa ở phía nam. Quần đảo thứ tư này nằm ở khu vực trung tâm và bao gồm bãi Macclesfield, một loạt rạn san hô ngầm và bãi cát.
Trung Quốc gọi các quần đảo này lần lượt là Đông Sa (Dongsha), Tây Sa (Xisha), Nam Sa (Nansha) và Trung Sa (Zhongsha).
Ông Mã loan báo trong các buổi họp ở thành phố Boston hôm 28 và 29/8 rằng Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với "Tứ Sa" thông qua một số tuyên bố pháp lý. Ông nói khu vực này là ‘lãnh hải mang tính lịch sử’ của Trung Quốc và còn là một phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, xác định các khu vực liền kề một lãnh thổ là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh còn tuyên bố chủ quyền bằng cách khẳng định Tứ Sa là một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ tham dự cuộc họp bày tỏ ngạc nhiên trước mưu kế mới của Trung Quốc để đòi quyền kiểm soát biển, vì đây là điều chưa từng được thảo luận trước đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về các cuộc thảo luận ngoại giao.
Ông Higgins chỉ nói Hoa Kỳ có chính sách toàn cầu từ xưa đến nay về việc không áp dụng các lập luận tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Biển Đông.
Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo này, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Hoa Kỳ không thừa nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các quần đảo vừa nêu, và nhấn mạnh vùng biển nơi qua lại của lượng hàng hóa trị giá ước lượng khoảng 3,37 nghìn tỷ đôla hàng năm, là biển quốc tế.
Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Biển Đông là lãnh hải quốc tế và tàu bè cũng như máy bay Mỹ sẽ qua lại trong khu vực, bất chấp các tuyên bố của Trung Quốc rằng vùng biển này là thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.
Chiến thuật pháp lý Tứ Sa hình thành sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế hồi tháng 7/2016, bác bỏ tuyên bố ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc đối với các vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn do chính họ vẽ ra.
Vào năm 2012, Trung Quốc đã lập một đơn vị hành chánh mới gọi là thành phố Tam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và bãi Macclesfield, với dân số khoảng 2.500 người.
Ông Michael Pillsbury, thành viên cao cấp của Viện Hudson, và là giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc, cho biết ý đồ mới nhất của Trung Quốc, chiến tranh pháp lý, là một trong ba công cụ trong chiến tranh thông tin của Trung Quốc. Hai công cụ kia là chiến tranh truyền thông và chiến tranh tâm lý.
Ông Pillsbury lưu ý rằng chính phủ Hoa Kỳ không có khả năng về chiến tranh pháp lý mà khả năng chống lại chiến tranh pháp lý cũng không có.
Ông nói :
"Chính phủ Trung Quốc hình như được tổ chức tốt hơn để thiết kế và thực hiện các chiến thuật pháp lý khôn khéo để thách thức các quy tắc được quốc tế chấp nhận, mà không bị chế tài hay trừng phạt".
Trong quyển sách có tựa Chiến Tranh Pháp lý : Luật là vũ khí chiến tranh, tác giả Orde F. Kittrie nói rằng chiến tranh pháp lý trong bối cảnh lịch sử và ý thức hệ của Trung Quốc, bao gồm cả câu châm ngôn của Tôn Tử "đánh bại kẻ thù mà không cần chiến đấu là đỉnh cao của sự xuất sắc", cũng chính là vai trò của luật pháp trong triết lý Mao Trạch Đông và vai trò của luật pháp trong xã hội Trung Quốc hiện nay.
Nguồn : Washington Free Beacon.
**********************
Trung Quốc dùng ‘Tứ Sa’ thay cho ‘Đường 9 đoạn’ (VOA, 21/09/2017)
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã ra mắt một chiến thuật pháp lý mới để hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền hung hăng của họ, tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, một vùng biển có vị trí chiến lược. Chiến thuật mới mà các nhà phê bình gọi là "chiến tranh pháp lý" (lawfare), thay thế cho cái gọi là "đường 9-đoạn" của Trung Quốc. Chiến thuật mới có tên gọi là "Tứ Sa" – theo tiếng Hoa có nghĩa là cát – đã được ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), Phó Tổng Giám đốc Cục Hiệp Định và Pháp luật Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ trong một cuộc họp kín với các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng trước.
*******************
Chính phủ Trung Quốc mới đây đã đưa ra một chiến thuật mới về pháp lý để đẩy mạnh đòi hỏi chủ quyền của mình ở khu vực biển Đông.
Bản đồ cho thấy những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông - AFP
Theo trang tin Washington Free Beacon của Mỹ, chiến thuật này được ông Mã Tân Dân, Phó Tổng Giám đốc Cục Hiệp định và Pháp luật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đưa ra trong một cuộc họp kín với các giới chức Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 28 và 29 tháng 8 ở Boston, Mỹ.
Chiến thuật được nói đến gọi là ‘chiến tranh pháp lý’ bao gồm một sự dịch chuyển từ cái goi là đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra ở biển Đông, vốn chiếm đến 90% diện tích vùng biển này.
Chiến tranh pháp lý sẽ áp dụng đối với 4 vùng đảo và thực thể trên biển Đông hiện đang có tranh chấp giữa các nước bao gồm Nam Sa (Trung Quốc gọi là Nansha) tức Trường Sa, Tây Sa (Xisha) là Hoàng Sa, Đông Sa (Dongsha) và Trung Sa (Zhongsha). Trung Quốc gọi các khu vực này chung là Tứ Sa.
Ông Mã nói rằng Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Tứ Sa qua nhiều các đòi hỏi về pháp lý. Ông cũng tuyên bố đây là vùng nước lịch sử của Trung Quốc và là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền đối với Tứ Sa như một phần của thềm lục địa mở rộng của mình.
Giải thích về đòi hỏi chủ quyền đối với Tứ Sa của Trung Quốc, Đại tá về hưu thuộc Hải Quân Mỹ Jim Fanell, người đã từng đứng đầu đơn vị tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương cho rằng đây là một bước tiếp theo trong chiến lược ‘lát cắt salami’ được Trung Quốc áp dụng từ trước đến nay ở biển Đông, dần dần lấn tới và cuối cùng là đòi chủ quyền toàn bộ biển Đông.
Theo Washington Free Beacon, các giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra ngạc nhiên về kế hoạch mới của Trung Quốc. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins sau đó đã không đưa ra một bình luận nào với báo chí về cuộc họp này. Ông chỉ khẳng định lập trường của Mỹ từ trước đến này là không đứng về bất cứ bên nào trong đòi hỏi về chủ quyền ở khu vực biển Đông.
Chiến tranh pháp lý thực ra là một trong 3 chiến thuật trong chính sách ‘3 chiến tranh’ của Trung Quốc bao gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý đã được Quân Ủy trung ương Trung Quốc đưa ra từ hồi năm 2003.
Trên thực tế, đây là chính sách đã được Trung Quốc áp dụng rất rõ ràng để đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tại Quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc được bắt đầu hồi năm 2013. Theo Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, Trung Quốc sử dụng các chiến thuật này nhằm làm phân tán sự chú ý của quốc tế vào quyết định mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, vốn yêu cầu các bên tham gia Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) phải tuân thủ. Trung Quốc là một thành viên của Công ước này.
Hồi tháng 7 năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển Đông. Trung Quốc sau đó cũng đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa.
Tờ Washington Free Beacon trích lời của chuyên gia cao cấp Michael Pillsbury thuộc Viện Hudson ở Mỹ nhận định rằng chính phủ Mỹ hiện đang thiếu cả hai khả năng về chiến tranh pháp lý và đối phó với chiến tranh pháp lý của Trung Quốc. Ông nói "Trung Quốc dường như được tổ chức tốt hơn để thiết kế và thực hiện các chiến thuật pháp lý khôn ngoan để thách thức các quy tắc quốc tế mà không bị chế tài trừng phạt’. Ông Pillsbury cũng nói rõ hơn là có thể việc Trung Quốc áp dụng chiến thuật chiến tranh pháp lý ở biển Đông sẽ khiến Quốc hội Hoa Kỳ cho phép chính phủ xây dựng một khả năng tốt hơn để đối phó với Trung Quốc và khi Mỹ có được một đơn vị như vậy thì sẽ dễ dàng hơn để đối phó với chiến tranh pháp lý của Trung Quốc, nhất là khi có sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc.
Quốc hội Mỹ hiện vẫn chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) vì cho rằng Công ước sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ trên biển. Trung QUốc từ trước đến nay trên các diễn đàn quốc tế và kênh báo chí vẫn tuyên truyền rằng Mỹ là đạo đức giả khi không phê chuẩn Công ước.
Chuyên gia Pillsbury cũng cho rằng Mỹ nên triển khai một hàng không mẫu hạm hoặc một nhóm tàu viễn chinh vĩnh viễn ở biển Đông để cho Bắc Kinh thấy là những lời nói của Mỹ được củng cố bằng hành động chứ không chỉ là lời nói đơn thuần.
*****************
Trung Quốc phản đối phát biểu của Trump về Biển Đông (RFI, 21/09/2017)
Ngày 20/09/2017, sau phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.
Khu trục hạm US John S.McCain tuần tra Biển Đông, ảnh ngày 22/01/2017.Reuters
Trong bài phát biểu ngày 19/09, tổng thống Mỹ khẳng định có "các thách thức về chủ quyền" tại Ukraina và vùng Biển Đông giàu tài nguyên, nhưng không nhắc đến tên Nga và Trung Quốc. Trong diễn văn nói trên, tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng biên giới quốc gia, tôn trọng các cam kết hòa bình.
Phản ứng lại thông điệp nói trên của nguyên thủ quốc gia Mỹ, trả lời báo giới, phát ngôn viên Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang), lên án "một số quốc gia" lấy cớ bảo vệ quyền tự do hàng hải để đưa máy bay và chiến hạm đến khu vực Biển Đông. Theo người phát ngôn Trung Quốc, "hành xử này" thách thức chủ quyền của "các quốc gia Biển Đông".
Đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc không nêu tên quốc gia nào, nhưng lưu ý là tình hình hiện nay đã được cải thiện do các phối hợp giữa Trung Quốc và ASEAN.
Việc Hoa Kỳ gia tăng tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông trong những tháng gần đây, tại các địa điểm nằm trong khu vực 12 hải lý một số đảo nhân tạo do Trung Quốc quản lý, khiến Bắc Kinh phản đối mạnh, nhưng được một số nước láng giềng hoan nghênh.
Trọng Thành
Việt Nam nên có cách tiếp cận và xử lý mới mà có lẽ là nên thay đổi chiến thuật để được hiệu quả hơn, cũng như thu hút quan tâm của cộng đồng quốc tế, khu vực tốt hơn đối với hồ sơ Biển Đông, theo một số ý kiến bình luận, phân tích tại Bàn tròn hôm thứ Năm của BBC Việt ngữ với chủ đề 'Trung Quốc tập trận sát Đà Nẵng - phản ứng và bình luận'.
Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở khu vực Hoàng Sa, trên Biển Đông.
Một trong các thay đổi có thể bắt đầu bằng việc Việt Nam cần giải thích cho thế giới và khu vực biết về những động thái 'gây hấn' của Trung Quốc, trong đó có các vụ việc như tấn công, gây thương vong, đe dọa tàu bè, ngư dân và hoạt động kinh tế... của Việt Nam hơn là chỉ nói về vấn đề 'tranh cãi chủ quyền' hết sức phức tạp, một ý kiến của khách mời từ Hoa Kỳ cho hay.
Để giải quyết bài toán Biển Đông cần có tầm nhìn xa và có tính hệ thống về các động thái của Trung Quốc ở toàn bộ khu vực và trên cơ sở đó rút ra đối sách phù hợp chứ không nên chỉ 'giới hạn' vào tranh chấp đã biết với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cần nhấn mạnh tới vấn đề bảo vệ 'quyền tự do lưu thông hàng hải' ở khu vực, một ý kiến khác cũng từ Mỹ đặt vấn đề.
Việt Nam trên cơ sở xác định rõ mục tiêu chính và lâu dài của Trung Quốc là 'đẩy Mỹ' ra khỏi Biển Đông, độc chiếm vùng biển này và mở rộng ra phía Tây Thái Bình Dương, cần phối hợp với tất cả các bên có ích quốc gia khác ở Biển Đông để phối hợp, hợp tác với nhau, ngăn chặn chiến lược trên, qua đó giúp Việt Nam đạt được hiệu quả tốt hơn trên hồ sơ Biển Đông, một quan sát từ Hà Nội nhận định.
Trong khi đó, từ Nhật Bản, nhân dịp này, một nhà bình luận cảnh báo chính sách bành trướng quá mức của Trung Quốc, cho rằng nước này nên tham khảo bài học của Nhật Bản thời Thế chiến II, vốn từng đe dọa nhiều nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương, và qua đó đã tự gây hại cho bản thân, ý kiến này cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng xử của Nhật Bản mỗi khi bị nước ngoài đe dọa hay xâm phạm chủ quyền.
Phải phát ngôn như thế nào?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Việt Nam cần có thay đổi trong việc thông báo và giải thích với thế giới về những gì đang diễn ra trên Biển Đông do Trung Quốc gây ra.
Trước hết, tại cuộc Tọa đàm hôm 07/9/2017, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu từ Đại học Maine, Hoa Kỳ bình luận về vụ Trung Quốc tập trận có bắn đạn thật (từ 29/8-04/9/2017), ông nói:
"Về việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật thì không phải chỉ gần đây, chỉ trong mấy ngày qua, mà Trung Quốc đã làm như thế trong quá khứ, đặc biệt vào năm 2013..., ba hạm đội của Trung Quốc đã vào Biển Đông và đã tập trận một cách thật quy mô.
"Vấn đề ở đây là phản ứng của Việt Nam như thế nào để cho thế giới hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi thấy rằng phản ứng của Việt Nam, đặc biệt phát ngôn của bà Lê Thị Thu Hằng [phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN] tôi thấy là không ổn.
"Bởi vì đây là hành động có ảnh hưởng đến tự do hàng hải của thế giới, đe dọa an ninh trong khu vực, lẽ dĩ nhiên bà Thu Hằng có nói đến vấn đề đó, nhưng ngay lúc đầu bà nói đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thì Trung Quốc cũng nói về vấn đề chủ quyền.
"Ở đây không phải là vấn đề chủ quyền, bởi vì nếu chúng ta chỉ nói về tranh cãi vấn đề chủ quyền thì thế giới sẽ không rõ vấn đề và chỉ coi đây là hai nước tranh cãi về vấn đề chủ quyền thôi. Cho nên chúng ta phải nhắc lại là Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Hoàng Sa, đã đánh chiếm các đảo khác, đã gây bao nhiêu chết chóc, thương vong và hầu như mỗi tháng, mỗi tuần các tàu của Trung Quốc, tàu cá hay là tàu tuần tra đều gây thương tích cho ngư dân Việt Nam.
"Chúng ta [Việt Nam] phải nói lên vấn đề đó thay vì nói đến vấn đề chủ quyền, bởi vì nói đến chủ quyền thì thế giới sẽ không hiểu và sẽ không bênh vực Việt Nam", nhà phân tích bang giao quốc tế, quan hệ Trung - Việt và đồng thời là sử gia từ Đại học Maine nói.
Bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam cần tận dụng 'mẫu số chung' với quốc tế và khu vực ở vấn đề nhấn mạnh tự do lưu thông hàng hải.
Từ California, Hoa Kỳ, bình luận gia, nhà phân tích Nguyễn Xuân Nghĩa tiếp lời Giáo sư Long, nói:
"Tôi đồng ý với một số quý vị nêu vấn đề về cách phản ứng của Hà Nội, tức là nói đến chuyện chủ quyền như ông Ngô Vĩnh Long vừa nói là phân bua với thiên hạ về chủ quyền, vấn đề đó quá phức tạp và thực sự ra không quốc gia nào muốn can dự vào việc đó, thế nhưng quyền tự do lưu thông hàng hải ở bên ngoài là quyền mà quốc gia nào cũng quan tâm đến tất cả.
"Thì đấy là một mẫu số chung mà chúng ta có thể huy động được và... tôi cũng có nhắc tới việc ngoài động thái tại vùng biển Hoàng Sa của chúng ta [Việt Nam], Trung Quốc cũng đang có những hoạt động tương tự như vậy ở tại Philippines và cũng đang gây hấn với Indonesia về việc Indonesia đổi tên vùng biển gọi là Bắc Natuna của họ, là việc mà Indonesia đã làm từ năm 1986 chẳng ai nói năng gì và bây giờ tự nhiên tri hô lên.
"Nó là một khía cạnh, cách phản ứng của Việt Nam, tức là không nên phản ứng theo lối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh về những chuyện, những hòn đảo hay những bãi cạn, bãi san hô v.v..., mà phải mở rộng tầm nhìn, như vậy mới có thể huy động thêm nhiều quốc gia khác đứng chung cùng quan điểm của mình, quan trọng nhất đầu tiên là khối Asean.
"Và cái thứ nhì, mặc dù có thể ác cảm với chính quyền Donald Trump là rất 'khật khừng' và ăn nói 'lung tung', [nhưng] thực ra nhìn về lâu về dài, quyền lợi của nước Mỹ vẫn là bảo vệ quyền tự do hàng hải đó và cường quốc duy nhất vẫn có thể kiểm soát được ngần ấy eo biển gọi là sinh tử cho nền kinh tế của Trung Quốc ở trên vùng Đông Nam Á là chính vẫn là Hoa Kỳ.
"Và tôi nhắc lại sau cùng là qua ngần ấy mũi nhọn mà họ [Trung Quốc] thọc ra ngoài, họ đều bọc một cái vỏ dân sự, họ chưa xuất hiện với tư cách là hải quân Trung Quốc để tránh chuyện đụng độ trực tiếp với hải quân của Hoa Kỳ.
"Cái đó tôi nghĩ phía Trung Quốc cũng biết mềm nắn, rắn buông và nếu mà xung quanh, mà nhất là Việt Nam mềm nhất, không có lý do gì mà họ không tiếp tục thọc sâu hơn nữa, cái đó có lẽ một số các nhà chiến lược gia của Hà Nội hay của nơi này, nơi kia đều có thể suy nghĩ, còn tại sao họ không dám làm như vậy [kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế], câu hỏi đó vượt ra khỏi tầm nhìn của tôi".
'Phải sử dụng pháp lý quốc tế'
Phó Giáo sư Tiến sĩ Jonathan London cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề Biển Đông
Hôm 6/9, bình luận ngay trước Bàn tròn thứ Năm, một học giả người Mỹ từ Đại học Leidon của Hà Lan quan sát diễn biến tập trận của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam nói với BBC Việt ngữ:
"Việc Trung Quốc tập trận quá gần Việt Nam, cụ thể ở Đà Nẵng, rõ ràng là một sự kiện không thể chấp nhận được và rõ ràng nhà nước Việt Nam đang trong một vị trí rất khó… Tôi là một trong những người cho rằng Việt Nam chắc chắn dù gần đây hoặc trong tương lai gần phải kiện Trung Quốc… lên pháp lý quốc tế, bởi vì nếu cứ như thế này sẽ bất lợi cho Việt Nam", Phó Giáo sư Tiến sĩ Jonathan London nói.
"Việt Nam cần gửi một thông điệp cực rõ không phải chỉ với Trung Quốc, mà với khu vực và toàn cầu, là phải có một trật tự dựa vào chuẩn mực quốc tế mới là một cách để giải quyết tranh chấp cho Việt Nam", ông London nêu quan điểm.
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas -Singapore) nhận xét về quan điểm của học giả người Mỹ, ông nói:
"Ý kiến của ông Jonathan London hoàn toàn trùng hợp với ý kiến của tôi nói cách đây rất lâu rồi, tức là cuối cùng Việt Nam phải dùng biện pháp hòa bình là kiện. Không khác được. Bây giờ làm gì thì làm, nhún nhường thế nào đấy, như những người khác nói là thái độ không rõ, thì cuối cùng đến một thời hạn nào đấy buộc phải kiện.
"Bởi vì về mặt kỹ thuật, nó có thời hiệu, lúc mà quá một thời hiệu nào đó mà không đưa ra kiện ở một Tòa án Quốc tế nào đó, thì anh bị tước quyền chủ quyền và quyền tài phán, chắc chắn việc đó sẽ xảy ra.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng Việt Nam cần hợp tác với các quốc gia có lợi ích quốc gia trên Biển Đông nhằm phối hợp ngăn chặn chiến lược của Trung Quốc độc chiếm vùng biển này
"Và xảy ra lúc nào thì cách đây hai năm tôi đã nói là tám năm sau có thể xảy ra vụ kiện, đấy là muộn nhất, năm nay, hai năm nữa, tôi nói là khoảng năm, hay sáu năm nữa là hạn cuối cùng xảy ra vụ kiện như vậy, theo nhiều góc độ pháp lý khác nhau, cùng liên quan đến Biển Đông, biển và đảo. Cái đó rất rõ, không ai bàn cãi ở Việt Nam hay ở đâu khác cả.
"Còn thái độ bây giờ có nhận xét ở Việt Nam, ở Hà Nội người ta lừng chừng, hay người ta nói không rõ gì mà bảo đấy rằng người ta không có đối sách gì, thì chắc là không phải thỏa đáng lắm đâu!"
Theo ông Hà Hoàng Hợp, Việt Nam 'có lúc tiến, có lúc lùi', nhưng chắc chắn sẽ 'không bao giờ thỏa hiệp' với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên ông đề cập biện pháp cụ thể để Việt Nam tham khảo thực hiện, trước điều được cho là quyết tâm và chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, nhà phân tích nói:
"Đối với Việt Nam chỉ có một cách là nên hợp tác với tất cả các bên có lợi ích quốc gia ở Biển Đông để cùng nhau cư xử làm sao cho Trung Quốc không thực hiện được việc độc chiếm Biển Đông và bành trướng ra chỗ khác, đấy là mục tiêu của Việt Nam".
Trung Quốc 'bành trướng' và bài học Nhật Bản
Từ Tokyo, nhà báo Đỗ Thông Minh nhân dịp này đưa ra một quan sát đối với sự 'bành trướng' của Trung Quốc và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó của Nhật Bản khi bị nước ngoài đe dọa, xâm phạm chủ quyền, ông nói với Bàn tròn:
"Sự bành trướng của Trung Quốc hiện nay làm cho chúng tôi, đặc biệt là người sống ở Nhật lâu năm, chúng tôi cảm tưởng rằng nó giống như là Nhật Bản thời thế chiến thứ hai đã từng đe dọa rất nhiều quốc gia ở vùng Tây Thái Bình Dương như chúng ta biết.
"Khi đó quân đội Nhật Bản có lúc lên cao nhất tới 5 triệu, mà bây giờ chỉ còn có 250 ngàn và tất cả đều là tình nguyện, điều chúng tôi muốn nói là sự bành trướng nào cũng vậy, nó cũng sẽ có một thời kỳ co cụm, nếu Trung Quốc không khéo, sẽ rơi vào trường hợp của Nhật Bản.
Nhà báo Đỗ Thông Minh cảnh báo Trung Quốc có thể tự sụp đổ do chính sách bành trướng quá mức và nên học bài học của Nhật Bản từ Thế chiến II
"Có một lúc thì rất mạnh, nhưng khi sức mạnh bành trướng quá mức, tiềm năng không đi đôi thì nó sẽ bị đổ vỡ, nó sụp đổ từ bên trong, đó là những sự sụp đổ tự nhiên của những hành tinh ở trong vũ trụ, cũng như sụp đổ của các chế độ, hay là của các công ty vận hành v.v..., chúng ta cũng biết sự vận hành quá mức đó.
"Thành ra nếu ngay thời điểm này chúng ta rất e ngại Trung Quốc, nhưng nếu Trung Quốc không khéo thì sẽ rơi vào tình trạng của Nhật Bản và nó sẽ đi tới sự suy sụp, trước khi Trung Quốc mạnh là Trung Quốc yếu và sau khi Trung Quốc mạnh, thì Trung Quốc cũng có thể yếu và biến động hình sin, chúng tôi nghĩ là bất dịch.
"Vấn đề là biên độ và trường độ dài ngắn thế nào, thì cái đó là tùy sự khéo léo của Trung Quốc, cũng như tùy những tương tác của các quốc gia trong vùng".
Về phản ứng của Nhật Bản khi bị đe dọa, xâm phạm chủ quyền, nhà báo Đỗ Thông Minh chia sẻ thêm:
"Khi mà tranh chấp của Trung Quốc với Nhật Bản xảy ra cách đây 5 năm về quần đảo... mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, thì Nhật Bản đã có những phản ứng khá mạnh mẽ và bằng cách cụ thể, tuy quần đảo này không có người, không có căn cứ gì, nhưng trên nguyên tắc chủ quyền kiểm soát vẫn là của Nhật Bản, cho nên tàu chiến và phi cơ từ những đảo, căn cứ gần đó đã tiến tới để bảo vệ.
"Và trong 5 năm qua, có thể nói về số lần, nếu nói trên quan điểm của Nhật Bản tức là Trung Quốc đã có những hành vi khiêu khích, xâm nhập thì lên tới cả vài trăm, thậm chí cả ngàn lần, và trong những lần đó Nhật Bản đều cho tàu chiến và nhất là máy bay, máy bay chủ lực tiêm kích của Nhật Bản là F15 mua của Hoa Kỳ, đã cất cánh... mấy trăm lần.
"Thành ra Nhật Bản tuy không có đụng độ nhau, không bắn nhau gì cả, nhưng Nhật Bản luôn luôn có các lực lượng ứng trực 24/24h, bất cứ lúc nào cũng có thể cất cánh lên để kiểm soát, cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc và ở trên mặt biển cũng vậy, tàu chiến luôn luôn được huy động, mặc dù không có quân đóng ngay trực tiếp.
"Tất nhiên không phải là Trung Quốc mạnh và Nhật Bản có đủ sức đối phó, nhưng Nhật Bản luôn luôn liên kết với Hoa Kỳ, đặc biệt là vấn đề thông tin tình báo và họ có những phản ứng rất nhanh, chứ không phải chỉ có lời nói không thôi", nhà báo Đỗ Thông Minh nói với Bàn tròn của BBC Việt ngữ hôm 07/9 từ Tokyo.
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 09/09/2017
Trong thời gian gần đây, chính sách của Mỹ tại Biển Đông đã bộc lộ những dấu hiệu không rõ ràng, lúc thì có vẻ kiên quyết chống lại đà bành trướng của Bắc Kinh, khi thì lại có dấu hiệu thiếu dứt khoát. Trong một quan điểm đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 17/08/2017 mang tựa đề : "Hãy chấm dứt trò đánh đố về Biển Đông - Stop the South China Sea Charade", hai chuyên gia Mỹ về an ninh quốc tế đã cho rằng : Washington nên thừa nhận thực tế về vai trò to lớn của Trung Quốc trong vùng, để điều chỉnh chính sách theo hướng thực tiễn hơn, nếu không muốn nói là thực dụng hơn
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời trả lời nhà báo sau cuộc họp với ngoại trưởng Rex Tillerson (T), đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley (2 - P) và cố vấn An ninh Quốc gia McMaster PR), tại New Jersey, 11/08/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Đối với hai chuyên gia - Robert A. Manning, thuộc Trung tâm Brent Scowcroft về An ninh quốc tế thuộc hội Atlantic Council (Hội Đồng Đại Tây Dương), và James Przystup, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Gia, đại học quốc phòng Mỹ National Defense University - Mỹ đã cường điệu thái độ quan ngại của mình trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, và Bắc Kinh biết rõ điều đó.
Lợi cốt lõi của Mỹ ở Biển Đông không hề bị đe dọa
Bài viết mở đầu bằng một nhận xét đầy tính châm biếm : Nhìn những bình luận ở Washington về chính sách đối ngoại, người ta có thể nghĩ là Biển Đông nằm ngay sát bờ biển phía đông Hoa Kỳ. Mỗi một động thái của Trung Quốc ở vùng tranh chấp đều được phân tích như một mối đe dọa cho sự tồn vong của nước Mỹ.
Quả thực là những hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển rất xa miền duyên hải Hoa Kỳ đã làm dấy lên sự lo lắng trong khu vực. Đường "chín đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền Trung Quốc đã thâu tóm hầu như trọn Biển Đông, trong đó có cả những vùng mà các láng giềng như Việt Nam và Philippines đòi chủ quyền.
Tuy nhiên theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, trong thực tế, quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ thật ra không hề bị đe dọa, và Trung Quốc biết rất rõ điều này. Cuộc tranh luận sôi nổi ở Washington thể hiện không phải là tầm quan trọng của những đảo đá, mà là tâm trạng bất ổn của một nước Mỹ, đang cố suy nghĩ lại về cách duy trì thế thượng phong của mình từ sau thế chiến II đang bị một Trung Quốc tái trỗi dậy thách thức.
Đúng là tuyến lưu thông ở Biển Đông rất quan trọng, với 3,4 tỷ đô la hàng hóa qua lại hàng năm. Nhưng những tuyến đường thủy này chưa hề bị thật sự đe dọa (trong thời bình) vì Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng có quyền lợi kinh tế khi bảo đảm sao cho luồng thương mại không bị ngưng trệ.
Quyền lợi địa-chính trị bất cân xứng
Tự do hàng hải đúng là phản ánh lợi ích thiết yếu mà Mỹ có thể và phải bảo vệ kể cả một cách đơn phương nếu cần thiết. Chính vì mục tiêu này mà Hải Quân Mỹ đẩy mạnh diễn tập ở Biển Đông - và phối hợp với các đồng minh và đối tác chiến lược - để cho thấy rõ sự hiện diện và quyết tâm dấn thân của Mỹ. Chiến dịch tuần tra hải quân của Mỹ vào ngày 10/08 gần Đá Vành Khăn là một ví dụ tốt về sự hiện diện của Mỹ. Nhưng sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh đã khiến cho một chiến dịch kiểu đó chỉ ảnh hưởng rất ít đến hành động của Trung Quốc.
Nhận xét của hai tác giả Mỹ về tham vọng của Bắc Kinh rất rõ ràng : Trung Quốc có quyết tâm và có khả năng đi xa hơn Hoa Kỳ và cũng đã chứng minh qua hành động trên thực địa.
Các nước trong vùng đang nhìn Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo đá ở Biển Đông không hề có ảo tưởng là Trung Quốc đang bị Mỹ làm nhụt chí. Họ đã bắt đầu hiểu ra thực trạng quyền lợi địa chính trí bất cân xứng giữa Trung Quốc và Mỹ. Quyền lợi của Bắc Kinh ở Biển Đông là chính trị và chiến lược về bản chất.
Về chính trị, việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông là để xác định chủ quyền và đảo ngược lại cái "thế kỷ ô nhục" thời nước Trung Hoa bị chèn ép, một yếu tố đã trở thành nền tảng cho tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Về mặt chiến lược, các đảo này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng chu vi phòng thủ, tăng cường quyền thống trị các đường biển trong khu vực.
Còn đối với Mỹ, Biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc. Trong chính sách của cựu tổng thống Barack Obama trước đây, ưu tiên trong quan hệ với Trung Quốc là thúc đẩy hiệp định khí hậu Paris và xử lý ổn thỏa hồ sơ hạt nhân Iran, còn ưu tiên đối với Donald Trump trong quan hệ với Trung Quốc là Bắc Triều Tiên và thương mại.
Để chứng minh cho lập luận nói trên, hai tác giả đã nêu bật những gì ngoại trưởng Mỹ Tillerson vừa làm trong cuộc họp Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) vừa qua : Dù cuộc họp diễn ra chỉ một năm sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc theo đường lưỡi bò ở Biển Đông, chủ đề nổi cộm tại diễn đàn lại là Bắc Triều Tiên. Tranh chấp Biển Đông chỉ là đề tài thứ yếu, và trong bản thông cáo chung của chủ tịch hội nghị, chỉ có "một vài nước thành viên" nêu lên "mối quan ngại" liên quan đến Biển Đông mà thôi.
Chỗ yếu của Donald Trump : thiếu chiến lược toàn diện cho khu vực
Đối với hai nhà nghiên cứu trên tờ Foreign Policy, Trung Quốc biết rõ chỗ yếu của chính quyền Donald Trump : Đó là thiếu một chiến lược toàn diện cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo hai tác giả, cho dù có thiếu sót trong việc thực hiện, nhưng chính sách "xoay trục" sang Châu Á của cựu tổng thống Mỹ Obama có đủ các yếu tố ngoại giao, quân sự và kinh tế, các nhân tố của một chiến lược toàn diện cho khu vực. Ngược lại việc chính quyền Trump bãi bỏ hiệp định TPP, rất khó khăn mới hình thành, là một cú sốc và tác hại đến sự tin tưởng vào Hoa Kỳ. Đồng thời việc đó cũng để cho các đề án của Trung Quốc như Con Đường Tơ Lụa Mới, hay Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở AIIB, không có đối thủ. Và cũng giống như thời khủng hoảng tài chính năm 2008, chỗ yếu thấy được của Mỹ làm cho Trung Quốc mạnh dạn lên.
Ngay cả dưới thời Obama, bất chấp những lời cảnh báo từ phía Mỹ là không được đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông, và phải hậu thuẫn cho một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, Bắc Kinh đã xem thường ngoại giao của Mỹ, vứt vào xọt rác phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và ngang nhiên tiến hành thay đổi nguyên trạng của Biển Đông.
Trung Quốc cho rằng Mỹ không vì các đảo đá nhỏ mà gây chiến
Trung Quốc đã đánh cược một cách chính xác là chừng nào mà các tuyến đường hàng hải không bị đe dọa, thì Hoa Kỳ sẽ không mạo hiểm gây chiến với một quốc gia có vũ khí hạt nhân chỉ vì những đảo đá mà Hoa Kỳ không có tranh chấp gì, và chỉ để bảo vệ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Mỹ cũng không hề phê chuẩn.Việc Washington vắng mặt trong hội đồng điều hành UNCLOS khiến Bắc Kinh được thuận lợi hơn khi đưa ra những diễn giải rất hoang đường về công ước này.
Bắc Kinh cũng đã đi trước Mỹ nhiều bước trong việc củng cố các yếu tố mới trên hiện trường Biển Đông do chính Trung Quốc đã tạo ra. Bắc Kinh đã thương lượng với ASEAN một quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đã thông báo đề án đầu tư hàng tỷ đô la vào Philippines, và bây giờ đồng ý cùng Manila khai thác, sản xuất năng lượng, qua đó khống chế một đồng minh của Mỹ. Cũng như thế Bắc Kinh thông báo hơn 30 tỷ đô la tín dụng và đầu tư ở Malaysia, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quân sự với Kuala Lumpur và Thái Lan. Nếu Trung Quốc và ASEAN đạt được một quy tắc ứng xử yếu ớt và không ràng buộc để xác định những thực tế mới do chính Bắc Kinh tạo ra, Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác là hậu thuẫn cho việc này.
Quan điểm nước lớn
Trung Quốc dường như học được từ sự quan sát của sử gia Hy Lạp Thucydides (thế kỷ thứ 5 trước công nguyên) là những cường quốc "cứ việc làm những gì họ có thể làm".
Trong cuộc họp ASEAN 2010, ngoại trưởng Trung Quốc thời ấy, Dương Khiết Trì nói với các lãnh đạo có mặt là "Trung Quốc là một nước lớn, những nước khác là những nước bé và đó là một thực tế". Các nước lớn có thể bẻ cong hay phớt lờ quy tắc vì quyền lợi riêng tư, và cũng như các cường quốc khác, Bắc Kinh đang tiếp cận trật tự dựa trên luật pháp tùy theo quyền lợi của mình.
Trong phần kết luận, hai chuyên gia nhận định : Chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ nhân danh lịch sử của Trung Quốc rất đáng ngại, nhưng dù thích hay không thì Trung Quốc vẫn sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong khu vực. Hoa Kỳ cần có lời giải đáp cho câu hỏi chiến lược lớn của thời đại : Có thể sống với một vai trò như thế nào của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương ? Và cũng như vậy, Bắc Kinh cũng cần quên đi hy vọng là Hoa Kỳ lu mờ đi, và giải đáp câu hỏi then chốt là : Trung Quốc có thể sống với vị thế nào của Mỹ trong khu vực ?
Mai Vân
Nguồn : RFI, 08/09/2017
Một yếu tố trong chiến lược Mỹ tại Biển Đông được cho là đã trở thành rõ ràng : Đó là sẽ tiến hành những chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải – thuật ngữ tiếng Anh là FONOPS - một cách đều đặn thường xuyên. Chuyển biến mới này đã lập tức được nhiều nhà quan sát hoan nghênh, và đã có ý kiến cho rằng Washington nên áp dụng chiến lược cả cho vùng eo biển Đài Loan, nơi mà quyền tự do hàng hải cũng đang bị Bắc Kinh khống chế.
Khu trục hạm Mỹ USS Stethem đã tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa (Biển Đông) đầu tháng 07/2017. Wikipédia
Quyết định sẽ tiến hành các chiến dịch FONOPS tại Biển Đông trên cơ sở thường xuyên, đều đặn vừa được Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ PACOM chính thức loan báo. Đối với đô đốc Harry Harris, việc tiến hành tuần tra thường xuyên, theo một lịch trình cụ thể, sẽ có tác dụng biến mỗi chiến dịch thành một điều thường lệ, tránh được tình trạng là mỗi lần có một chuyến tuần tra là mỗi lần bị Trung Quốc xem là một hành vi khiêu khích.
Ngay trước khi được PACOM xác nhận, trên hiện trường, Hải Quân Mỹ đã bắt đầu áp dụng chiến lược mới này, với ba chiến dịch cho chiến hạm đi vào hoạt động bên trong vùng 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo của Trung Quốc, hai lần tại vùng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, và một lần sát đảo Tri Tôn (Triton Island) ở Hoàng Sa. Nhịp độ thường xuyên và đồn dập này là điểm mới so với thời chính quyền Clinton, chỉ tiến hành vỏn vẹn 4 chiến dịch FONOPS trong vòng 2 năm 2015-2016.
Yếu tố mới thứ hai là nội dung của các chuyến tuần tra, có thể gọi là chiến dịch thực sự, với đầy đủ các hoạt động bình thường trên một tàu chiến, chứ không phải là những chuyến hải hành theo thủ tục qua lại vô hại (innocent passage), được áp dụng khi một chiến hạm đi vào vùng lãnh hải của nước khác.
Đối với giới phân tích, thời Obama, khi áp dụng thủ tục qua lại vô hại trong các chuyến đi vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo Trung Quốc tại Biển Đông, Hoa Kỳ đã vô hình chung thừa nhận thay vì thách thức, các yêu sách chủ quyền quá lố của Trung Quốc
Trên trang mạng tạp chí The Diplomat của Nhật Bản ngày 07/09/2017, chuyên gia phân tích Joseph Bosco, nguyên giám đốc phụ trách Trung Quốc tại bộ Quốc Phòng Mỹ trong hai năm 2005/2006, đã cho rằng với chuyển biến mới nói trên, Hải Quân Mỹ kể như đã tái lập lại luật biển quốc tế ở Biển Đông, và cũng nên áp dụng cùng một cách tiếp cận để đi qua eo biển Đài Loan, một trường hợp điển hình khác về việc quyền tự do hàng hải bị Trung Quốc giới hạn, nhưng Mỹ trong quá khứ lại ngần ngại, không dám thách thức.
Theo chuyên gia Bosco, trước năm 1972, Hạm Đội 7 vẫn hoạt động tại vùng eo biển Đài Loan mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Thế nhưng từ năm 1972, sau khi tổng thống Mỹ Nixon quyết định tỏ thiện chí với Mao Trạch Đông bằng cách cho triệt thoái tàu Mỹ khỏi khu vực eo biển Đài Loan, Hải Quân Mỹ hầu như vắng bóng ở nơi này cho đến tận năm 1995.
Vào năm ấy, Trung Quốc hai lần bắn tên lửa về phía Đài Loan để thị uy, và tổng thống Mỹ thời đó là Bill Clinton đã hai lần loan báo phái tàu sân bay đến eo biển Đài Loan. Nhưng trong cả hai lần, sau khi bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, thậm chí đe dọa "biển lửa bùng lên" nếu tàu Mỹ đi vào eo biển, Washington đã lùi bước, qua đó thừa nhận trong thực tế là cần được Trung Quốc cho phép khi sử dụng eo biển. Trong cả thập kỷ tiếp theo, tàu hải quân Mỹ hầu như tránh khu vực này.
Theo Joseph Bosco, chính quyền Obama đã ngần ngại không dám thách thức yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, do đó rất có thể là cũng đã hạn chế hoạt động của Hải Quân Mỹ tại eo biển Đài Loan, dù đó là một vùng biển quốc tế.
Chuyên gia này kết luận : Với chính sách tuần tra của Hải Quân Mỹ tại Biển Đông đã rõ ràng với chính quyền Trump, đã đến lúc Mỹ cần khẳng định các lợi ích của Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan, bảo đảm an ninh và hậu thuẫn cho nền dân chủ Đài Loan.
Trọng Nghĩa
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Việt Nam (RFI, 07/09/2017)
Ngày 06/09/2017, Bắc Kinh lại lên tiếng bác bỏ phản đối của Hà Nội về việc quân đội Trung Quốc tập trận tại khu vực Hoàng Sa, vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Ảnh chụp ngày 02/01/2017 : Chiến đấu cơ phản lực của Trung Quốc J-15 trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong cuộc tập trận ở Biển Đông. STR / AFP
Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu : "Chúng tôi hy vọng bên liên quan có thể nhìn nhận cuộc tập trận một cách bình tĩnh và hợp lý", đồng thời khẳng định cuộc tập trận diễn ra trong "khu vực thuộc chủ quyền" của Trung Quốc.
Biển Đông : Indonesia và Nhật Bản thúc đẩy đối thoại phát triển hàng hải
Indonesia và Nhật Bản tăng cường đàm phán để phát triển hợp tác hàng hải tại một số vùng biển của Indonesia, trong đó có quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông. Thông tin được hai nước công bố trong một bản thông cáo chung ngày 06/09/2017 sau một cuộc họp tại Jakarta.
Chủ đề chính của cuộc họp giữa hai nước là phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá địa phương, trong đó có việc xây dựng các cảng và tầu chuyên chở và đánh bắt. Tuy nhiên, chủ đề hợp tác an ninh cũng nằm trong chương trình thảo luận. Trong bản thông cáo chung được trang mạng Nikkei trích dẫn, hai nước nhất trí "thành lập đội tầu tuần tra và tầu đa năng".
Dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, bản thông cáo chung cho biết : "Hai nước chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì và xúc tiến các vùng biển tự do, mở rộng và ổn định đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong vùng". Hai bên thống nhất sáu vùng xa xôi nhất của Indonesia sẽ là trọng tâm của chương trình hợp tác, trong đó có quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông, nơi hải quân Indonesia đã bắt được nhiều tầu cá Trung Quốc xâm phạm vào năm 2016.
Ông Brahmantya Poerwadi, một quan chức Indonesia thuộc bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp, cho biết Nhật Bản sẽ tài trợ để phát triển một hệ thống radar giám sát bờ biển và một vệ tinh nhằm giúp ngư dân truyền thống Indonesia cải thiện năng lực. Công nghệ mới sẽ giúp Indonesia bảo vệ vùng biển khỏi nạn đánh bắt trộm nhờ khả năng phát hiện tốt hơn tầu cá nước ngoài, kể cả tầu của Trung Quốc.
Theo ông Poerwardi, thỏa thuận cuối cùng sẽ được tổng thống Widodo và thủ tướng Abe ký vào cuối năm 2017, bên lề Thượng Đỉnh Đông Á (gồm ASEAN và 8 nước), được tổ chức tại Manila vào tháng 11.
Các cuộc đàm phán về phát triển hàng hải chung được tăng cường từ chuyến công du Jakarta của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 01/2017. Nhật Bản và Indonesia tăng cường hợp tác kể từ khi Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện tại Biển Đông dưới thời tổng thống Donald Trump.
Biển Đông : Nhật-Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng đối phó với Trung Quốc
Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ, Arun Jaitley và đồng nhiệm Nhật bản Itsunori Onodera, ngày 06/09/2017 đã tham dự nhiều cuộc họp trong khuôn khổ đối thoại thường niên giữa hai bộ tại Tokyo.
Theo trang IndiaTVNews, hai bên nhất trí hợp tác chặc chẽ trong lĩnh vực chế tạo quốc phòng, kể cả công nghệ lưỡng dụng. Bộ quốc phòng hai nước cũng đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật về hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh robot và phương tiện không người lái mặt đất (UGV). Ấn Độ có kế hoạch mua thủy phi cơ US-2 ShinMaywa của Nhật Bản để trang bị cho Hải Quân.
Trong một bản thông cáo ngày 06/09, New Delhi cho biết : "Các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm và ý kiến nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác về mặt quốc phòng và an ninh trong khuôn khổ "Đối Tác Chiến Lược Ấn Độ-Nhật Bản và Đối Tác Toàn Cầu"".
Thu Hằng
**************************
Việt Nam bắn thử tên lửa sau khi Trung Quốc tập trận trên biển Đông (VOA, 07/09/2017)
Việt Nam bất ngờ bắn thử tên lửa phòng không mới nhập từ Israel ngay trong cùng ngày khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố phản đối Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông.
Hệ thống tên lửa phòng không SPYDER. Việt Nam chi 5 tỷ USD trong năm 2016 để tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển Đông.
Trích nguồn tin từ Quân Đội Nhân Dân, các báo trong nước đồng loạt đăng tin và hình ảnh các loại tên lửa "phòng không hiện đại Spyder" được thử nghiệm với đạn thật trong khuôn khổ cuộc diễn tập của các lực lượng phòng không Việt Nam diễn ra hôm 5/9.
Động thái này diễn ra 3 ngày sau khi Trung Quốc kết thúc các cuộc tập trận bắn đạn thật trên quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Nhưng chỉ 1 ngày sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lập tức bác bỏ cáo buộc của Việt Nam.
"Trong bối cảnh Trung Quốc đang có các hoạt động gây căng thẳng đó mà họ đã công khai các nội dung họ đã làm thì việc các nước khác cũng có tiến hành các hoạt động một cách hợp pháp trên lãnh thổ của mình là điều dễ hiểu", theo tiến sỹ Trần Công Trục, từng là trưởng ban biên giới chính phủ. "Đây có thể nói là một sự trả lời để thấy rằng các nước khác, kể cả Việt Nam, không thể nào có thể ngồi yên và nhìn những tình huống căng thẳng và sức ép từ phía Trung Quốc".
Việt Nam tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa Spyder từ Israel vào giữa tháng 7. Theo Blog Quốc phòng, mục tiêu để nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trên không. Spyder được thiết kế với tính năng tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng 1 lúc và khả năng triệt hạ các loại máy bay, kể cả phản lực cơ chiến đấu, máy bay trực thăng, và máy bay không người lái.
Việt Nam đặt mua 3 tổ hợp tên lửa phòng không Spyder tầm gần cực hiện đại của Israel cùng với nhiều loại đạn và tên lửa như Python, theo Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Đây mới chỉ là hợp đồng mua sắm giai đoạn 1 mang tính thử nghiệm, theo nhận định của Soha. Sau đó có thể Quân chủng Phòng không-Không quân sẽ được trang bị nhiều tổ hợp tên lửa Spyder hơn.
Việt Nam đã trở thành 1 trong những nước hàng đầu thế giới tăng chi tiêu quốc phòng nhiều nhất trong mấy năm gần đây. Theo SIPRI, năm ngoái Việt Nam chi tới 5 tỷ USD để tăng cường khả năng quân sự. Đây là một mức tăng vô cùng đáng kể trong chi tiêu quân sự, cao hơn 90% so với năm 2010.
Nguyên nhân chính khiến Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực tăng chi tiêu quốc phòng, theo tiến sỹ Trục, là do tình hình căng thẳng từ Trung Quốc đã đe dọa an ninh quốc phòng của các nước trong khu vực.
"Việc các nước phải tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách tăng thêm chi tiêu cho ngân sách quốc phòng là một điều rất phổ biến", theo tiến sỹ Trục. "Mặc dù đó là điều không ai muốn làm. Việt Nam càng không muốn làm bởi vì Việt Nam đang phải đầu tư rất nhiều cho sự phát triển kinh tế nhưng buộc lòng phải trích ra 1 khoản ngân sách để trang bị thêm vũ khí là điều buộc phải làm trong tình cảnh hiện tại".
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc được cho là tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua kể từ sau khi Bắc Kinh đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 4/2014.
Vào tháng 7, Việt Nam đã phải ngừng hoạt động khoan thăm dò dầu khí trong khu vực biển có tranh chấp với Trung Quốc dưới sức ép của Bắc Kinh. Trước đó một tướng cấp cao của quân đội Trung Quốc đã bỏ dở chuyến thăm tới Hà Nội và các cuộc giao lưu quốc phòng giữa 2 nước đã được lên lịch bị hủy bỏ.
*****************
Việt Nam ủng hộ kế hoạch tuần tra biển Đông của Hoa Kỳ (RFA, 07/09/2017)
Liên quan đến kế hoạch tuần tra của Mỹ ở biển Đông thời gian tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng hôm 7/9 nói rằng Việt Nam tôn trọng quyền của mỗi quốc gia thực hiện quyền tự do hàng hải hàng không phù hợp với luật quốc tế.
Tàu USS John S.McCain tuần tra ở biển Đông hôm 7/1/2017 - AFP
Ngày 1/9 vừa qua Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết đang lên kế hoạch tăng cường các đợt tuần tra trên biển Đông bao gồm các hoạt động tự do hàng hải FONOP từ hai đến ba lần trong vài tháng tới.
Khi được báo chí hỏi về những phản bác của Trung Quốc đưa ra hôm 6/9 liên quan đến việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại quần đảo Hoàng Sa, bà Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam vẫn nhất quán rằng đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 6/9 vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết đã tiêu hủy gần 1.500 ấn phẩm thể hiện sai địa giới hành chính của Việt Nam, chủ yếu là thể hiện sai hoặc thiếu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cơ quan chức năng Đà Nẵng cho biết hầu hết các ấn phẩm này có nguồn gốc từ nước ngoài, được in bằng các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Trung, Nhật, Pháp, Việt,…
Chi cục Hải quan Đà Nẵng còn tiết lộ rằng khách du lịch nước ngoài khi vào Việt Nam đã mang theo nhiều bản đồ in hình lưỡi bò của Trung Quốc và bị thu giữ, tuy nhiên không nói rõ khách từ nước nào.
Việc hải quân Trung Quốc đang tập trận ở khu vực cửa Vịnh Bắc Việt, trong một vùng biển rộng lớn, (bao gồm 11.000 cây số vuông biển thuộc vùng Kinh tế độc quyền của Việt Nam), cách Đà Nẵng 75 hải lý, không phải là hành vi mang bản chất gây hấn đầu tiên của Trung Quốc. Cũng ở khu vực biển này, năm 1997 và năm 2003, Trung Quốc đã cho giàn khoan Kantan 03 vào khai thác lô 113 trên thềm lục địa của Việt Nam, ngoài khơi Thừa Thiên, Huế. Năm 2014, Trung Quốc cho đặt giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Hải Nam 130 hải lý trong khi cách đảo Lý Sơn của Việt Nam là 120 hải lý.
Hải quân Trung Quốc tập trận ở khu vực cửa Vịnh Bắc Việt - Ảnh minh họa
Theo tôi, đã quá trễ để Việt Nam có thể "làm cái gì đó" để ngăn cản hành vi của Trung Quốc trong tương lai. Bởi vì các hành vi của Trung Quốc (từ sau Thế chiến II) thể hiện trên thực tế là phản ảnh yêu sách "chủ quyền" hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc.
Địa điểm của các giàn khoan Kantan 03, HD 981… đều thuộc về phía bên kia (bên Trung Quốc) đường trung tuyến phân chia giữa bờ biển Việt Nam với cụm đảo Hoàng Sa.
Tức là, Trung Quốc chủ trương cụm đảo Hoàng Sa vừa có hiệu lực "vùng nước quần đảo", vừa có hiệu lực đảo 100% theo điều 121 UNCLOS.
Việt Nam không có cách nào để đối phó.
Thứ nhứt, không ai có thẩm quyền để cấm Trung Quốc đòi hỏi quần đảo Hoàng Sa có hiệu lực vùng biển kinh tế độc quyền. Đặc biệt là Việt Nam, bên không có tư cách để yêu cầu. Bởi vì Việt Nam đã có chủ trương tương tự như vậy. Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, Việt Nam không thể cấm Trung Quốc làm cái mà Việt Nam đã (và đang) làm.
Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA- Permanent Court of Arbitration) tháng bẩy năm 2016 đã không được đa số các nước ủng hộ. Nguyên nhân là Tòa đã có ý kiến về hiệu lực biển (điều 121) của các đảo thuộc cụm Trường Sa.
Theo Tòa, không có cấu trúc địa lý nào ở Trường Sa có hiệu lực là "đảo" để có thể yêu sách vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý).
Nếu điều này áp dụng rộng rãi thì sẽ có rất nhiều quốc gia phải điều chỉnh lại yêu sách biển của họ.
Phán quyết của Tòa PCA đã đi ngược lại nội dung nhiều kết ước phân định biển giữa các nước trên thế giới đồng thời mâu thuẩn với nhiều "án lệ" của các Tòa quốc tế. Bởi vì thực tế trên thế giới cho thấy, có rất nhiều đảo, nhỏ hơn các đảo ở Trường Sa, cũng được hưởng 100% vùng Kinh tế độc quyền.
Đến nước này, Việt Nam bị dồn vào chân tường, là hệ quả của chính sách ngoại giao phá sản.
Cái gọi là "quốc tế hóa Biển Đông", hơn 10 năm nay tôi cho rằng nó sẽ thất bại. Thời điểm này cho thấy đã 100% là thất bại.
Kiện thì Việt Nam không có tư cách kiện. Cứ mỗi lần có "lùm xùm" với Trung Quốc, ta liền nghe các học giả Việt Nam "hốt thuốc an thần" Việt Nam sẽ đi kiện.
Nếu có nghiên cứu chút ít về lịch sử tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa và luật quốc tế. Ta phải (chua xót) nhìn nhận rằng Việt Nam hôm nay kiện là để thua.
Thật vậy. Chỉ cần xét các "bằng chứng" mà phía Trung Quốc đưa ra (tại Liên Hiệp Quốc năm 2014 nhân vụ giàn khoan HD 981), ta thấy tất cả các chứng cứ đều đến từ Việt Nam. Nào là công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, nào là sách giáo khoa, bản đồ do Việt Nam in ấn… Các tài liệu này khẳng định Việt Nam ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Tập quán quốc tế cho thấy một quốc gia, một cách dễ dàng, bị mất chủ quyền lịch sử tại một vùng lãnh thổ. Trường hợp tranh chấp giữa Singapour và Mã Lai về chủ quyền đảo Pedra Branca là thí dụ điển hình.
Trường hợp quốc gia mất chủ quyền lịch sử phần lớn do "thái độ" của quốc gia và tính "efffectivité" của quốc gia đối với vùng lãnh thổ đó.
Xét cả hai phương diện, Việt Nam hiện nay thỏa mãn cả hai điều kiện (để mất chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa).
Từ hơn 15 năm trước tôi đã cảnh báo Việt Nam phải "khẳng định chủ quyền" Hoàng Sa và Trường Sa, qua biện pháp "hòa giải quốc gia" để "kế thừa" Việt Nam Cộng Hòa. Chỉ khi kế thừa Việt Nam Cộng Hòa thì Việt Nam hôm nay mới có "chính danh" để đòi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Các học giả của Việt Nam, ba chớp ba nhoáng, "cóp py" các ý kiến của tôi. Nhưng không thấy ai "nên thân", vì hầu hết ai cũng xúi Việt Nam hôm nay "nhìn nhận" thực thể "quốc gia Việt Nam Cộng Hòa".
Họ làm vậy vì thể thức "hòa giải quốc gia" xem ra rất khó khăn. Vì nó đặt trên nền tảng thiết lập lại sự thật lịch sử.
Họ làm vậy là do các tài liệu của tôi công bố, trong đó có tài liệu học giả quốc tế đặt vấn đề "Việt Nam hiện nay làm sao có thể kế thừa quốc gia mà họ chưa bao giờ nhìn nhận ?"
Các học giả Việt Nam nghĩ rằng khi "nhìn nhận quốc gia Việt Nam Cộng Hòa" thì đã thỏa mãn các điều kiện để "kế thừa".
Đâu có đơn thuần như vậy. Việc này tôi đã nói nhiều lần, không nhắc lại.
Bởi vì, nếu kế thừa dễ như vậy, tại sao Việt Nam không đi kiện ? Trung Quốc đã có vô số các hành vi lấn lướt, như vụ buộc giàn khoan Repsol rút lui trong tháng này, hay việc Trung Quốc đang tập trận ở ngoài khơi Đà Nẵng… đều là các "cớ" để Việt Nam đi kiện.
Việt Nam vẫn tin tưởng vào các nhà ngoại giao và giàn học giả đại tài của mình.
Tôi chỉ mong muốn rằng những gì tôi nói và đã nói, từ 15 năm nay, là sai.
Điều đau đớn là mình thấy mất nước từ từ, như con trăn đang nuốt con mồi lớn. Từ từ, chầm chậm, như tầm ăn dâu, như xắt lát xúc xích...
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 02/09/2017