Gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu), Nghị quyết 2018/2925 (RSP) của Nghị Viện Châu Âu bất ngờ tung ra vào ngày 15/11/2018 đã rất có thể khiến Bộ Chính trị Việt Nam hụt hẫng và mất ngủ (*).
Nghị quyết 2018/2925 (RSP) của Nghị Viện Châu Âu bất ngờ tung ra vào ngày 15/11/2018 đã rất có thể khiến Bộ Chính trị Việt Nam hụt hẫng và mất ngủ.
Một lần nữa, kỳ vọng ‘EVFTA được ký kết’ trở về mốc 50/50. Chẳng có gì chắc chắn ở phía trước.
"Quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền ; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này" - ngay phần đầu của Nghị quyết 2018/2925 (RSP) đã khẳng định như thế. Quan điểm này là khác hẳn với quan điểm trước đây của một số nghĩ sĩ Châu Âu rằng nhân quyền chỉ là yếu tố phụ trong EVFTA.
Quá nhiều vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam hẳn là nguồn cơn trực tiếp khiến vào tháng Chín năm 2018, có đến 32 nghị sĩ Châu Âu đồng loạt ký vào một thư yêu cầu đối với Nghị Viện Châu Âu đòi hỏi Hà Nội phải cải thiện nhân quyền thì mới có thể tham gia EVFTA.
Còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755 (RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016, toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đang thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng :
- Lên án ‘tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn’ trong đó có việc kết án, đe dọa, theo dõi, sách nhiễu, hành hung và xét xử không công bằng nhắm vào các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, blogger, những người bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền.
- Lên án các đạo luật của Việt Nam ‘cản trở quyền con người và quyền tự do cơ bản’, trong đó là đạo luật như Bộ luật Hình sự, luật An ninh mạng và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo.
- Nghị Viện Châu Âu kêu gọi đối với chính quyền Việt Nam phải phóng thích tất cả các tù nhân chính trị ‘ngay lập tức và vô điều kiện’. Trong danh sách được Nghị Viện Châu Âu yêu cầu trả tự do có các nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Trung Trực và Lê Đình Lượng.
- Nghị quyết này cũng yêu cầu Việt Nam ‘hủy bỏ hoặc sửa đổi tất cả các điều luật mang tính đàn áp’ và ‘đảm bảo rằng mọi quy định pháp luật phải phù hợp với tiêu chuẩn và nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền’. Nghị quyết còn kêu gọi Việt Nam xây dựng luật biểu tình.
- Đối với các nhà hoạt động nhân quyền, Nghị Viện Châu Âu yêu cầu Việt Nam chấm dứt mọi hành vi cản trở và sách nhiễu trong khi đối với những người đang bị giam giữ, cơ quan này yêu cầu phải đối xử với họ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo họ không bị tra tấn và ngược đãi và được quyền tiếp xúc với luật sư…
Những nội dung mới
Không chỉ có thế, nghị quyết 2018/2925 (RSP) còn nêu ra những nội dung mới so với những bản nghị quyết nhân quyền trước đây cũng của Nghị Viện Châu Âu :
- Kêu gọi Việt Nam đưa ra lời mời không thời hạn đối với các Quy trình Đặc biệt của Liên hiệp Quốc, cụ thể là Đặc sứ về Quyền Tự do Chính kiến và Tự do Biểu hiện, và Đặc sứ về Những Người Bảo vệ Nhân quyền ;
- Kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam công nhận các công đoàn độc lập ;
- Kêu gọi Cơ quan Đối ngoại EEAS và Ủy ban Châu Âu hỗ trợ các nhóm xã hội dân sự và cá nhân đang bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam một cách tích cực, bao gồm việc kêu gọi phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền và tù nhân lương tâm trong tất cả các lần liên hệ với nhà cầm quyền Việt Nam ; kêu gọi Phái đoàn EU ở Hà Nội cung cấp mọi sự hỗ trợ thích đáng đối với những nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù và tù nhân lương tâm, bao gồm việc sắp xếp các chuyến thăm ở trại giam, giám sát phiên tòa xét xử và cung cấp hỗ trợ pháp lý ;
- Kêu gọi các quốc gia thành viên EU tăng cường nỗ lực gây sức ép để đạt được những cải thiện cụ thể về nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm đợt đánh giá định kỳ toàn cầu UPR sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc ;
- Nhắc lại lời kêu gọi ban hành trên toàn thể EU lệnh cấm xuất khẩu, bán, nâng cấp và bảo trì tất cả các dạng thiết bị an ninh có thể hoặc đã được sử dụng để đàn áp nội bộ, trong đó có cả kỹ thuật giám sát trên mạng, đối với các quốc gia có hồ sơ nhân quyền đáng lo ngại ;
- Hoan nghênh mối quan hệ đối tác đang được củng cố và Đối thoại Nhân quyền giữa EU và Việt Nam, và nhắc lại tầm quan trọng của Đối thoại trong vai trò thiết chế mấu chốt có thể sử dụng một cách hữu hiệu để đồng hành và cổ vũ Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết ; khuyến khích mạnh mẽ Ủy ban Châu Âu giám sát các bước tiến bộ căn cứ trên Đối thoại bằng cách thiết lập các mốc đánh giá và cơ chế giám sát ;
- Kêu gọi chính quyền Việt Nam và EU, với tư cách là các đối tác quan trọng của nhau, cam kết cải thiện sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ở Việt Nam, vì đó là một mấu chốt của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là liên quan tới việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và tới Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU – Việt Nam (PCA).
Thiền Lâm
Nguồn : VNTB, 20/11/2018
********************
(*) Nghị quyết 2018/2925 (RSP)
Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu ra ngày 15 tháng 11 năm 2018, đặc biệt là tình hình tù nhân chính trị (2018/2925 (RSP)
Nghị Viện Châu Âu,
- Chiếu theo các nghị quyết đã ban hành trước đây, đặc biệt là nghị quyết ngày 14 tháng Mười hai năm 2017 về tự do ngôn luận ở Việt Nam, đặc biệt là về trường hợp Nguyễn Văn Hóa, và văn bản ngày mồng 9 tháng Sáu năm 2016 về Việt Nam, cụ thể là về tự do ngôn luận ;
- Chiếu theo Hiệp định Hợp tác và Đối tác EU - Việt Nam ký ngày 27 tháng Sáu năm 2012,
- Chiếu theo cuộc Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam lần thứ bảy, ngày mồng 1 tháng Mười hai năm 2017,
- Chiếu theo Tuyên bố của Người Phát ngôn Cơ quan Đối ngoại Châu Âu (EEAS) ngày mồng 9 tháng Hai năm 2018 về việc kết án những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, và ngày mồng 5 tháng Tư năm 2018 về việc kết án những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,
- Chiếu theo Tuyên bố của Văn phòng Khu vực của EU về bản án mới đây đối với ông Lê Đình Lượng,
- Chiếu theo Các Chỉ dẫn của EU về Người Bảo vệ Nhân quyền,
- Chiếu theo tuyên bố của các chuyên gia Liên hiệp Quốc ngày 23 tháng Hai năm 2018, kêu gọi phóng thích các nhà hoạt động bị giam giữ vì phản đối việc xả thải độc, và ngày 12 tháng Tư năm 2018, kêu gọi thay đổi sau khi các nhà bảo vệ nhân quyền bị giam giữ ;
- Chiếu theo Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền năm 1948,
- Chiếu theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, đã được Việt Nam tham gia ký năm 1982,
- Chiếu theo quyết định của Thanh tra Châu Âu ngày 26 tháng Hai năm 2016 trong hồ sơ 1409/2014/MHZ về việc Cao ủy Châu Âu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trước thỏa thuận thương mại tự do EU – Việt Nam,
- Chiếu theo Điều 135 trong Điều lệ về Thủ tục,
A. Xét thấy, theo Dự án 88, Cơ sở Dữ liệu về Tù nhân Chính trị Việt Nam, ước tính có khoảng 160 nhà hoạt động đang thụ án tù ở Việt Nam và khoảng 16 nhà hoạt động khác đang bị tạm giam trước khi xét xử ;
B. Xét thấy nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục bỏ tù, bắt giữ, sách nhiễu và đe dọa các nhà bảo vệ nhân quyền, nhà báo, blogger, luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội dân sự trong nước ; xét thấy những người bảo vệ nhân quyền đã và đang phải đối mặt với các án tù nặng nề vì các việc họ đã làm liên quan tới nhân quyền và vì đã thực thi quyền tự do cơ bản về ngôn luận, trên mạng hoặc ngoài đời, và việc làm đó của chính quyền Việt Nam trái với các nghĩa vụ của Việt Nam theo công pháp quốc tế ;
C. Xét thấy các nhà hoạt động nhân quyền và chính trị phải chịu các điều kiện khắc nghiệt trong thời gian giam, giữ, như không được chăm sóc y tế, không được tiếp cận nguồn tư vấn pháp lý và không được tiếp xúc với gia đình ;
D. Xét thấy quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam bị đè nén, và Công giáo cùng những tôn giáo không được công nhận, như Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, một số nhà thờ Tin lành và các dòng khác, trong đó có các nhà thờ của người thiếusố ở Tây Nguyên, vẫn tiếp tục bị đàn áp nặng nề.
E. Xét thấy ông Hoàng Đức Bình bị kết án 14 năm tù vì viết blog về các cuộc biểu tình liên quan tới thảm họa Formosa, xét thấy Nguyễn Nam Phong bị kết án hai năm tù vì bị cho là không tuân thủ yêu cầu của người thi hành công vụ trong khi lái xe tới một cuộc biểu tình ; xét thấy các nỗ lực của hai người nói trên là cần thiết để đề cao nhận thức và bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm liên quan tới vụ xả thải từ nhà máy Thép Formosa ;
F. Xét thấy các thành viên của Hội Anh em Dân chủ bị kết án từ 7 đến 15 năm tù trong tháng Tư năm 2018, là một phần của chủ trương mạnh tay áp dụng các điều khoản về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự ; xét thấy vào tháng Chín năm 2018, một thành viên khác của hội này, Nguyễn Trung Trực, bị kết án 12 năm tù theo cáo buộc về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền ;
G. Xét thấy ông Lê Đình Lượng, một người bảo vệ nhân quyền, đã vận động ôn hòa để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, bị kết án vào ngày 16 tháng Tám năm 2018 theo các điều khoản về an ninh quốc gia tới 20 năm tù và 5 năm quản chế ; xét thấy các đại diện của Phái đoàn Châu Âu và các sứ quán quốc gia thành viên EU không được tới quan sát phiên xử, xét thấy nhiều vụ các nhà bảo vệ nhân quyền hay tù nhân lương tâm khác cũng phải chịu số phận tương tự ;
H. Xét thấy vào ngày 12 tháng Tư năm 2018, một nhóm chuyên gia Liên hiệp Quốc, Đặc sứ về tình hình những người bảo vệ nhân quyền, Tổng đại diện của Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện và Đặc sứ về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do chính kiến và ngôn luận, đã kêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp các nhóm xã hội dân sự hay bịt miệng những người bất đồng chính kiến ;
I. Xét thấy Bộ luật Hình sự của Việt Nam chứa đựng nhiều điều khoản hà khắc, có thể bị lạm dụng để dập tắt tiếng nói, bắt giữ, giam giữ, kết án hoặc hạn chế hoạt động của các nhà hoạt động nhân quyền, bất đồng chính kiến, luật sư, công đoàn, các nhóm tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những ai thể hiện quan điểm phê phán chính quyền Việt Nam ;
J. Xét thấy chính quyền Việt Nam tiếp tục ngăn cấm các kênh truyền thông độc lập hoặc thuộc sở hữu tư nhân không được hoạt động, và kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và nhà xuất bản, xét thấy vào tháng Tư năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật báo chí với nội dung cản trở nặng nề tự do báo chí trong nước ;
K. Xét thấy vào ngày 12 tháng Sáu năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật an ninh mạng nhằm thắt chặt việc kiểm soát trên mạng, yêu cầu các nhà cung cấp phải gỡ bỏ các bài đăng bị coi là "có nguy cơ" với an ninh quốc gia ; xét thấy luật này hạn chế gắt gao quyền tự do ngôn luận trên mạng và hướng tới đe dọa nghiêm trọng quyền riêng tư ;
L. Xét thấy ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2018, bộ luật đầu tiên về Tôn giáo và Tín ngưỡng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, buộc tất cả các nhóm tôn giáo trong nước phải đăng ký với chính quyền và thông báo về các hoạt động của mình ; xét thấy nhà cầm quyền Việt Nam có thể từ chối hoặc cản trở việc cấp đăng ký và ngăn cấm các hoạt động tôn giáo mà họ tùy tiện cho là đi ngược lại với "lợi ích quốc gia", "trật tự công cộng", hay "khối đoàn kết dân tộc" ; xét thấy với bộ luật này chính quyền Việt Nam đã hợp thức hóa quyền can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo và giám sát các nhóm tôn giáo ;
M. Xét thấy Việt Nam xếp hạng 175 trên tổng số 180 theo Chỉ số Tự do Báo chí năm 2018 của Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới ;
N. Xét thấy án tử hình vẫn được áp dụng ở Việt Nam nhưng số vụ thi hành án không được biết, vì nhà cầm quyền Việt Nam quy định thống kê án tử hình là bí mật quốc gia ; xét thấy Việt Nam đã giảm số lượng tội danh có mức án tới tử hình từ 22 xuống còn 18 vào tháng Giêng năm 2018 ;
O. Xét thấy Việt Nam chưa phê chuẩn các Công ước thiết yếu của ILO, cụ thể là Công ước 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, Công ước 105 về Bãi bỏ Lao động Cưỡng ép, và Công ước 87 về Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức ;
P. Xét thấy Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam là kênh quan trọng để tiếp tục thảo luận toàn diện về các vấn đề EU quan ngại, trong đó có yêu cầu tôn trọng đầy đủ các quyền cơ bản về tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa ; xét thấy quan hệ giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền ; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này ;
Q. Xét thấy có mối liên kết rõ ràng giữa Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) và Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (FTA), xét thấy cả hai phía đều đã cam kết thi hành các nghĩa vụ của mình về nhân quyền ;
1. Lên án tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn, bao gồm việc kết án, đe dọa về chính trị, theo dõi, sách nhiễu, hành hung và xét xử không công bằng ở Việt Nam nhằm vào các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, blogger, những người bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền vì họ thực thi quyền tự do ngôn luận trên mạng hay ngoài đời, là sự vi phạm rõ rệt đối với các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của Việt Nam ;
2. Kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả các nhà bảo vệ nhân quyền và tù nhân lương tâm đang bị tạm giữ hoặc đã kết án chỉ vì thực thi quyền tự do biểu đạt của mình ngay lập tức và vô điều kiện, trong đó có Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Trung Trực và Lê Đình Lượng, và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với những người này ;
3. Nhắc lại lời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt mọi hành vi cản trở và sách nhiễu nhằm vào các nhà bảo vệ nhân quyền và bảo đảm rằng trong mọi trường hợp, họ có thể tiến hành các hoạt động nhân quyền hợp pháp mà không lo sợ bị trả thù và không bị gây khó dễ, kể cả việc sách nhiễu bằng biện pháp tư pháp ; kêu gọi Chính phủ Việt Nam dỡ bỏ mọi hạn chế đối với quyền tự do tôn giáo và chấm dứt sách nhiễu các cộng đồng tôn giáo ;
4. Yêu cầu chính quyền Việt Nam đảm bảo rằng việc đối xử với những người bị giam giữ phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ; nhấn mạnh rằng quyền tiếp xúc với luật sư, chuyên gia chăm sóc y tế và gia đình là biện pháp quan trọng để bảo vệ họ khỏi bị tra tấn và ngược đãi, và rất thiết yếu để đảm bảo quyền được xét xử công bằng ;
5. Lên án việc lạm dụng các điều luật hà khắc để cản trở các quyền con người và quyền tự do cơ bản ; kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ, xét lại hoặc sửa đổi tất cả các điều luật mang tính đàn áp, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, luật An ninh mạng và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, và đảm bảo rằng mọi quy định pháp luật phải phù hợp với tiêu chuẩn và nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCRP) mà Việt Nam là một thành viên ; kêu gọi chính quyền xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh hành vi biểu tình, tụ tập công cộng sao cho phù hợp với quyền tự do nhóm họp và lập hội ;
6. Kêu gọi Việt Nam ký kết và thông qua tất cả các hiệp ước liên quan của Liên hiệp Quốc về Nhân quyền, Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế, cũng như các Công ước số 87, 98 và 105 của ILO ;
7. Kêu gọi Việt Nam đưa ra lời mời không thời hạn đối với các Quy trình Đặc biệt của Liên hiệp Quốc, cụ thể là Đặc sứ về Quyền Tự do Chính kiến và Tự do Biểu hiện, và Đặc sứ về Những Người Bảo vệ Nhân quyền ;
8. Kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam công nhận các công đoàn độc lập ;
9. Kêu gọi EU giám sát và làm việc với nhà cầm quyền và các tổ chức hữu quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam ;
10. Nhắc lại ý kiến phản đối án tử hình trong mọi trường hợp ; kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra ngay lập tức quyết định hoãn áp dụng án tử hình như một bước tiến tới việc bãi bỏ ; kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam xem xét lại tất cả các bản án tử hình để đảm bảo rằng những phiên xử đó phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế ;
11. Kêu gọi Cơ quan Đối ngoại EEAS và Ủy ban Châu Âu hỗ trợ các nhóm xã hội dân sự và cá nhân đang bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam một cách tích cực, bao gồm việc kêu gọi phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền và tù nhân lương tâm trong tất cả các lần liên hệ với nhà cầm quyền Việt Nam ; kêu gọi Phái đoàn EU ở Hà Nội cung cấp mọi sự hỗ trợ thích đáng đối với những nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù và tù nhân lương tâm, bao gồm việc sắp xếp các chuyến thăm ở trại giam, giám sát phiên tòa xét xử và cung cấp hỗ trợ pháp lý ;
12. Kêu gọi các quốc gia thành viên EU tăng cường nỗ lực gây sức ép để đạt được những cải thiện cụ thể về nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm đợt đánh giá định kỳ toàn cầu UPR sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc ;
13. Nhắc lại lời kêu gọi ban hành trên toàn thể EU lệnh cấm xuất khẩu, bán, nâng cấp và bảo trì tất cả các dạng thiết bị an ninh có thể hoặc đã được sử dụng để đàn áp nội bộ, trong đó có cả kỹ thuật giám sát trên mạng, đối với các quốc gia có hồ sơ nhân quyền đáng lo ngại ;
14. Hoan nghênh mối quan hệ đối tác đang được củng cố và Đối thoại Nhân quyền giữa EU và Việt Nam, và nhắc lại tầm quan trọng của Đối thoại trong vai trò thiết chế mấu chốt có thể sử dụng một cách hữu hiệu để đồng hành và cổ vũ Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết ; khuyến khích mạnh mẽ Ủy ban Châu Âu giám sát các bước tiến bộ căn cứ trên Đối thoại bằng cách thiết lập các mốc đánh giá và cơ chế giám sát ;
15. Kêu gọi chính quyền Việt Nam và EU, với tư cách là các đối tác quan trọng của nhau, cam kết cải thiện sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ở Việt Nam, vì đó là một mấu chốt của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, đặc biệt là liên quan tới việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và tới Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU – Việt Nam (PCA) ;
16. Đề nghị Chủ tịch Châu Âu chuyển tiếp bản Nghị quyết này tới Hội đồng, Ủy ban Châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban/Cao Ủy về Đối ngoại và Chính sách An ninh Liên Âu, Tổng Thư ký Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, Cao ủy Liên hiệp Quốc về Nhân quyền và Tổng Thư ký Liên hiệp Quốc.
Bruxelles, ngày 15/11/2018
Đã có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa vụ chính quyền độc đảng ở Việt Nam tống xuất tù nhân lương tâm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sang Mỹ và việc Ủy ban Châu Âu thông qua hai thỏa thuận về thương mại và đầu tư Liên Hiệp Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) tại Bỉ : cả hai sự kiện này đều xảy ra vào buổi trưa ngày 17 tháng Mười năm 2018.
Bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) – Tương đương với Bộ trưởng Thương mại của cả khối EU. Ảnh: internet
Trùng hợp ngẫu nhiên hay lại đổi chác ?
Đúng giữa trưa. Trùng hợp ngẫu nhiên chăng ?
Có thể xem là ngẫu nhiên, nếu đã chưa từng tồn tại, chính sách bất thành văn ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ của chính quyền Việt Nam. Thậm chí, chính sách này đã tồn tại một cách dày đặc và có hệ thống từ những năm 2000 sau khi bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Hoa Kỳ và bắt đầu ký Hiệp định song phương thương mại Việt - Mỹ, cho đến năm 2006 khi Việt Nam được Mỹ chấp thuận cho tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), sau đó là giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016 khi Việt Nam kỳ vọng được Mỹ cho tham gia vào hiệp định TPP…
Trong suốt thời gian trên, ‘bản lĩnh và trí tuệ của đảng’ đã tiến hóa đến mức luôn chọn cách thả tù nhân lương tâm - những người bất đồng chính kiến - để đổi lấy những lợi ích thương mại mà cộng đồng quốc tế dành cho chế độ này. Đặc biệt vào năm 2014, đã có đến 12 tù nhân chính trị được trả tự do để mưu tính đổi chác TPP.
Còn bây giờ, khi TPP đã trở nên nỗi thất vọng không sao hiểu nổi, chỉ còn lại EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu), mà khoảng thời gian tháng Mười và Mười Một năm 2018 sẽ quyết định số phận được ký hay không đối với nó, và nếu được ký thì khoảng thời gian trước tháng Năm năm 2019 sẽ quyết định số phận EVFTA có được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hay không.
Không khí điều trần ngày 10/10 ra sao ?
Từ giữa năm 2018, trùng với hoạt động của một nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đến Việt Nam để kiểm tra lại tiến trình Việt Nam thực hiện những yêu cầu của EU về ‘thẻ vàng hải sản’ của EU, Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc họp quan trọng về điều trần EVFTA - nhân quyền tại Brussels, Bỉ sẽ diễn ra vào tháng Mười năm 2018. Cũng từ thời điểm đó, chính quyền Việt Nam đã khởi động một chiến dịch vận động vừa công khai vừa ngầm kín để EVFTA được Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu ký chính thức và đệ trình hiệp định này lên Nghị viện Châu Âu để phê chuẩn cuối cùng.
Đó cũng là lúc bắt đầu có tin Như Quỳnh có thể được tự do.
Ngay sau khi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được tự do, một bản tường trình của Mạng lưới blogger Việt Nam - tổ chức xã hội dân sự độc lập mà Như Quỳnh đã tham gia ngay từ ngày đầu - cho biết chính quyền Việt Nam đã thông báo với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ tháng Bảy năm 2018 về việc sẽ trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhưng chưa biết vào thời điểm nào.
Cũng theo bản tường trình trên, từ tháng Bảy đến tháng Mười năm 2018, có ít nhất vài lần phía chính quyền Việt Nam thông báo cho Mỹ là ‘sẽ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh’ vào một ngày xác định, nhưng ngay sau đó đã thất hứa.
Lời hứa có giá trị duy nhất của phía Việt Nam là lần hứa cuối cùng được đưa ra vào ngày 11/10/2018 : sẽ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 17/10/2018.
Vì sao lại có thái độ ‘thiện tâm’ đến thế từ phía nhà cầm quyền Việt Nam ?
Nếu biết rõ rằng từ trước tới nay chưa từng có một trường hợp tù chính trị - bất đồng chính kiến nào được chính quyền Việt Nam giang tay phóng thích mà không có lý do đủ sâu xa ; và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - một người hoạt động nhân quyền quá nhiệt thành và bằng nhiều bài viết phản biện lẫn tố cáo của mình đã giúp cho người dân miền Trung để phản đối thảm họa xả thải của nhà máy Formosa, người mà vào đầu năm 2017 đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu ‘Người phụ nữ can đảm thế giới’, cũng là người mà đã bị chính quyền Việt Nam thâm thù sâu sắc đến độ giáng cho cô cái án tù giam đến 10 năm trời, thì càng không thể xảy ra chuyện tự nhiên nà cầm quyền trả tự do cho cô.
Không biết vô tình hay hữu ý, ngay trước ngày 11/10 trên là ngày 10/10 - thời điểm mà Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức phiên điều trần EVFTA - nhân quyền, với sự tham gia của Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam là Thứ trưởng Bộ công thương Trần Quốc Khánh. Trong buổi điều trần này, đoàn đàm phán Việt Nam đã hoàn toàn thất bại khi không thể chứng minh được là Việt Nam đã ‘cải thiện nhân quyền’ như thế nào, càng cho thấy Việt Nam đã chẳng thèm quan tâm đến các yêu cầu về cải thiện nhân quyền do EU đòi hỏi như Việt Nam phải ký 3 công ước quốc tế về lao động liên quan đến các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), vấn đề nhân quyền và vấn đề môi trường.
Trong cuộc họp trên, điều mà những người tham gia đặt câu hỏi muốn biết là Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nhân quyền ; kế hoạch cụ thể để cải thiện nhân quyền là gì ; Việt Nam cần thể hiện bằng hành động để chứng minh sẽ và có thể thực hiện các cam kết. Ngoài ra cũng yêu cầu rằng 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA.
Một người tham dự cuộc họp là bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.
Thậm chí bà Maria Arena thuộc Đảng Xã hội của Vương quốc Bỉ, là thành viên của Nghị Viện Liên Âu còn nói thẳng : "Năm nay là năm 2018, từ năm 2012-2018 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí về quyền Nghiệp đoàn và nhân quyền của Việt Nam vẫn chưa tiến bộ một cách đầy đủ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa để Việt Nam thực hiện lời hứa. Nhưng không chỉ là lời hứa mà là sự đảm bảo, ngay cả trước khi Nghị Viện Liên Âu phê chuẩn hiệp định này. Nghị viện Liên Âu cần Việt Nam có những chỉ dấu tích cực chứ không chỉ là lời hứa. Chúng tôi có thể cho thêm thời gian, nhưng thời gian đó phải được Việt Nam sử dụng để có những hành động cho thấy được sự nỗ lực của họ".
Vụ tống xuất Mẹ Nấm có liên quan EVFTA ?
Sau ngày 10/10, một sự kiện ‘ngoài lề’ khác đã diễn ra chuyến công du của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến hai nước thuộc EU là Áo và Bỉ.
EVFTA là lợi ích kinh tế quá thiết thân đối với sự tồn tại của ngân sách và cũng là của chế độ độc đảng ở Việt Nam. Trên danh nghĩa là dự Hội nghi cấp cao ASEM lần thứ 12 và Hội nghị P4G, nhưng rất có thể Nguyễn Xuân Phúc nhắm đến mục tiêu lớn nhất trong chuyến đi Châu Âu lần này là thuyết phục bằng được - nếu không phải là Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu thì cũng là một số nước trong EU - để ‘sớm ký kết và triển khai EVFTA’.
Hai sự trùng khớp về thời điểm ‘sẽ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh’ và ‘Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lên máy bay’ với sự khởi đầu và sự kết thúc của cuộc họp Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu vào ngày 17/10 có thể hé lộ một bí mật : sau khi không đáp ứng được bất kỳ yêu cầu nào của EU về cải thiện nhân quyền và nhận thấy rõ là chính vì nguồn cơn đó mà sẽ khiến EVFTA không thể được ký kết lẫn thông qua, chính quyền Việt Nam đã giở ra con bài dự trữ tiềm năng là ‘thả Mẹ Nấm’ - mặc dù trường hợp của Quỳnh được xem là một ‘ca’ của người Mỹ, do chính phủ Mỹ đòi hỏi chứ không phải do yêu cầu của EU.
Câu trả lời từ Việt Nam cho EU !
Không chỉ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để lấy lòng Mỹ và EU, đặc biệt nhằm thuyết phục Ủy ban Châu Âu làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu về hai thỏa thuận trong EVFTA, rất có thể chính quyền Việt Nam đã phải giở thêm một con át chủ bài mà trước đó chẳng bao giờ họ muốn đặt lên bàn : hứa hẹn ký 3 công ước quốc tế về quyền lao động mà EU đòi hỏi.
Hẳn đó là cơ sở để "Chúng tôi đang bàn về chuyện này một công khai với những người tương nhiệm của phía Việt Nam và thỏa thuận thương mại sẽ không làm cho Việt Nam bỗng chốc trở thành một nền dân chủ. Nó là một công cụ trong hộp công cụ mà chúng tôi có trong quan hệ với Việt Nam và các nước khác" - Trưởng đặc trách thương mại EU Cecilia Malmstrom nói trong một cuộc họp báo, được đài VOA đưa tin. Theo đó, "các bên đã nhất trí về một thỏa thuận liên quan để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, bao gồm các cam kết, đối thoại và các chế tài khả dĩ".
Đã khá rõ rằng vụ thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có liên quan đến lợi ích EVFTA của chính quyền Việt Nam. Hành động này còn có thể kéo theo một chuỗi hành động khác trong thời gian tới : chính quyền Việt Nam buộc phải thả tiếp một số tù nhân lương tâm và ký 3 công ước quốc tế về quyền lao động mà EU yêu cầu.
Tuy nhiên, như bà Granwander Hainz đã đi guốc thấu cáy trong bụng chính thể cộng sản ở Việt Nam khi chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của chế độ này chỉ là lời hứa suông, cả Ủy ban Châu Âu, Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu hãy nên tỉnh giấc : chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Bằng chứng về thái độ hai mặt đó đã tích tụ quá nhiều kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc : nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.
Chỉ một ngày sau khi Ủy ban Châu Âu làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu về EVFTA và được Thủ tướng Phúc hân hoan thông báo ‘tin mừng’ cho toàn bộ giới quan chức, một ‘tòa án nhân dân’ ở Việt Nam đã có câu trả lời cho EU khi xử phúc thẩm nhà hoạt động nhân quyền Lê Đình Lượng và y án với mức án 20 năm tù giam !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 19/01/2018
Những năm gần đây, kể từ khi xã hội dân sự ở Việt Nam phát triển mạnh, có một thông lệ, mỗi khi chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam, các khối quốc gia thành viên thường tổ chức tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.
Đại diện các tổ chức xã hội dân sự họp với Phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu ngày 23/2/2018. Ảnh Fb Nguyễn Chí Tuyến
Động thái này vừa tạo điều kiện cho những người hoạt động cất lên được tiếng nói của mình ra quốc tế, vừa khẳng định vị thế của họ trong xã hội hiện đại.
Xin nhắc lại một số buổi gặp mà tôi được mời, lấy chuyện hôm qua để nói chuyện hôm nay :
Ngày 6/5/2015, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp giữa đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ với các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam. Có 14 đại diện các tổ chức xã hội dân sự đã đến tham dự : Luật sư Nguyễn Văn Đài, Trương Minh Tam, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hà Thị Vân, Ngô Duy Quyền, Nguyễn Lê Hùng, Bùi Quang Viễn, Trần Thị Nga, Nguyễn Đình Hà, Võ Trường Thiện, Lê Công Vĩnh và tôi, Nguyễn Tường Thuỵ. Con số được mời nhiều hơn nhưng một số đã bị chặn không đến được cuộc họp.
Cuộc gặp mặt này diễn ra trước cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ với Bộ Công an vào hôm sau, 7/5/2015.
Ông Tom Malinowski trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, người chủ trì cuộc họp đặt ra câu hỏi tham khảo : Tới đây, 435 dân biểu Mỹ sẽ biểu quyết về việc có ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam hay không trong tình trạng nhân quyền hiện nay ở Việt Nam. Chúng tôi muốn tham khảo ý kiến quí vị, quý vị hãy trả lời ngắn gọn Yes hay No. Kết quả có 5 ý kiến trả lời Yes và 9 trả lời No. Như vậy, có thể thấy xu hướng của xã hội dân sự là nói không với TPP cho Việt Nam.
Với Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng có những động thái tương tự. Trước khi phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA), ngày 23/2/2017, Phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu tổ chức gặp một số nhân vật hoạt động xã hội dân sự. Buổi gặp mặt này nhằm tìm hiểu thực trạng nhân quyền ở Việt Nam, thăm dò thái độ của xã hội dân sự để dẫn đến có thể phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam hay không.
Tham dự buổi gặp mặt này có Lê Công Định, Vũ Quốc Ngữ, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Tường Thụy.
Đại diện các tổ chức xã hội dân sự thảo luật hết sức sôi nổi thậm chí rất gay gắt trước tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Sau buổi gặp này, các tổ chức xã hội ra một tuyên bố chung gửi EU. Tuyên bố vạch rõ : "Quyền con người căn bản vẫn tiếp tục bị vi phạm tràn lan ở Việt Nam, đi kèm với bạo lực được bảo kê và trấn áp chính trị. Tất yếu điều này làm suy giảm sự thịnh vượng của người dân Việt Nam và về dài hạn, ngăn cản sự phát triển bền vững của đất nước".
Qua đó, có thể thấy xu hướng của các tổ chức xã hội dân sự là không ủng hộ Việt Nam vào các tổ chức thương mại quốc tế khi tình hình vi phạm nhân quyền không những không được được cải thiện mà có xu hướng ngày càng xấu đi trầm trọng. Chỉ khi Việt Nam tự điều chỉnh cho phù hợp với các tiêu chuẩn chung của quốc tế thì hãy nói đến việc ký kết hay không.
*
Còn chuyện hôm nay : Mới đây, ngày 10/10/2018, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu tổ chức buổi điều trần mở về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam tại Brussels (Bỉ). Việc mời Tiến sĩ Nguyễn Quang A tham dự, được coi là chuyên gia nhân quyền, đại diện cho tác tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam nằm trong thông lệ nói trên.
Tại buổi điều trần, Tiến sĩ Nguyễn Quang A xác nhận tình hình nhân quyền mấy năm gần đây xấu đi nhưng ông lại ủng hộ Việt Nam vào FTA : "Chính kiến của tôi là phải ký, phải thông qua thì lúc đó mới có một cơ chế để mà tiến hành những cái đòi hỏi về cải thiện nhân quyền". Phát biểu của ông đã bao hàm lời giải thích nhưng làm nhiều người hoạt động xã hội dân sự ngỡ ngàng và lên tiếng phản đối, thậm chí nghi ngờ.
Ông giải thích rõ hơn : "Nếu EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU - ghi chú của tác giả) được thông qua, EU sẽ có thêm đòn bẩy để gây sức ép với Việt Nam trong các cuộc đàm phán tương lai…".
Mong muốn của các tổ chức xã hội dân sự là nhân quyền. Tuy nhiên, để có nhân quyền, tư duy của mỗi người có khác nhau.
Không riêng Tiến sĩ Nguyễn Quang A mà còn một số người cùng cho rằng có EVFTA sẽ có nhân quyền. Ký được EVFTA, Việt Nam buộc phải cải thiện nhân quyền bởi các cam kết trong hiệp định. Ý kiến ngược lại là Việt Nam phải cải thiện nhân quyền rồi hãy tính đến EVFTA. Luồng ý kiến thứ hai xuất phát từ việc không có lòng tin vào nhà cầm quyền cộng sản.
Đã có quá nhiều kinh nghiệm về những cam kết của Việt Nam để đạt được một thỏa thuận nào đó. Họ có thể thả một vài tù nhân lương tâm, ngưng đàn áp một thời gian gọi đó là cải thiện nhân quyền nhưng nhiều người có vẻ không hiểu được rằng "kho" tù nhân lương tâm của Việt Nam là vô tận. Không phải thả ra vài người mà "kho" hụt đi. Họ thả một người nhưng có thể bắt thêm một loạt 5, 7 thậm chí hàng chục người. Sự đổi chác có thể là vài người được trả tự do nhưng sẽ mất đi tự do của những người khác, như một kiểu "đánh bùn sang ao". Thực tế cho thấy, sau khi vào WTO hay trong quá trình thương thảo TPP, EVFTA, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn tiếp tục xấu đi, đặc biệt là từ cuối năm 2016 trở lại đây.
Vậy làm sao có thể tin có EVFTA rồi, nhân quyền Việt Nam sẽ được cải thiện. Nhà báo Phạm Chí Dũng cay đắng cảnh báo : "Hãy đừng bao giờ quên bài học 2006.
Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã nhún mình giảm đàn áp giới nhân quyền và bất đồng chính kiến để tiếp đón Tổng thống Mỹ George Bush tại Hà Nội, và sang năm 2007 Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), tức được giảm cấm vận kinh tế, đồng thời. Nhưng chỉ một năm sau đó, từ năm 2008 trở đi, công an Việt Nam liên tiếp gia tăng tống giam người bất đồng như một kiểu ‘bắt bù’.
Tròn một con Giáp sau sự tráo trở trên, kịch bản "vào trước, bắt sau" hầu như đang tái hiện ở Việt Nam. Lần này là Hiệp Định EVFTA".
Nói thế là với giả thiết Việt Nam có những cam kết với FTA về nhân quyền để mà cảnh giác. Nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường là 3 mối quan tâm của EU. Tuy nhiên đây là các vấn đề còn đang gặp trở ngại. Về nhân quyền, tại buổi điều trần này, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công thương nói trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam "đã không bao giờ cam kết điều gì về nhân quyền, vì WTO không tập trung vào nhân quyền".Qua đó có thể thấy ông ta ngỏ ý, với EVFTA cũng là như vậy. Rõ ràng, tại diễn đàn này, phía Việt Nam né tránh vấn đề nhân quyền trong khi thương thảo EVFTA.
Những gì đã và đang diễn ra cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam coi áp lực quốc tế về nhân quyền chỉ như ngứa ghẻ. Một quốc gia dám cử những nhân vật cộm cán nhất của Bộ Công an ngang nhiên bắt cóc người ở một quốc gia lớn nhất Châu Âu là một minh chứng hùng hồn nhất cho điều này.
Có thể vào một thời điểm nào đó, nhà cầm quyền Việt Nam giảm đàn áp do sách lược của họ nhưng tin vào lời cam kết nhân quyền ở chế độ độc đảng cộng sản ở Việt Nam là một niềm tin ngây thơ.
12/10/2018
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 13/10/2018 (nguyentuongthuy's blog)
Chiều ngày 10/10/2018, tai Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ, Ủy ban chuyên trách thương mại quốc tế thuộc Nghị viện Châu Âu đã tổ chức cuộc điều trần công khai về Hiệp đinh thương mại tự do EU – Việt Nam.
Buổi điều trần mang tên "Các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam - Lợi ích và giá trị".
Cách đây gần 3 năm, vào đầu tháng 12/2015 Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán hiệp định EVFTA. Tuy nhiên hiệp định chưa được hai bên ký kết chính thức và thông qua để đi vào thực thi. Mối quan tâm của EU đến 3 vấn đề gồm nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường được xem là các rào cản chính.
Đai diện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại cuộc điều trấn là ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương.
Ông Khánh phát biểu 3 vấn đề. Trong vấn đề thứ ba được đề cập đến là nhân quyền, ông Khánh nói trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam "đã không bao giờ cam kết điều gì về nhân quyền, vì WTO không tập trung vào nhân quyền". Ông Khánh khẳng định nhân quyền "nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn" của mình.
Sau bài phát biểu của đại diện giới cầm quyền cộng sản Việt Nam, là phiên thảo luận với tiến sĩ Nguyễn Quang A, người được giới thiệu là "Chuyên gia Nhân quyền đến từ Việt Nam", và các đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu ở Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, và tổ chức vận động hành lang Business Europe.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu rõ trong vài năm gần đây, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã "xấu đi". Ông cho rằng với đòi hỏi Việt Nam phải phê chuẩn nốt 3 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), EVFTA sẽ giúp cải thiện nhân quyền.
Sau cuộc điều trần, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định rằng : Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam cần được đóng vai trò giám sát việc thực thi EVFTA.
Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe :
YouTube phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Trần Quang Thành thực hiện
Tiếng Dân Việt Media, 11/10/2018
Những tin tức đầu tiên sau cuộc họp ngày 10/10/2018 tại Bỉ của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu về số phận run rủi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) đã phác ra khả năng hiệp định này có thể chưa được ký kết vào tháng Mười năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu tại buổi điều trần của INTA và EVFTA ở Brussels, 10/10/2018.
Theo đó, giới chóp bu Việt Nam rất có thể sẽ phải rước thêm một nỗi thất vọng đến mức mất ngủ - tương tự với tâm trạng công cốc sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định TPP vào đầu năm 2017.
Việt Nam vẫn đánh bài lờ nhân quyền
Đại diện chính thức của Việt Nam là Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cùng đoàn đàm phán EVFTA của Việt Nam đã không thể trưng ra bất kỳ minh chứng nào về việc chính thể độc đảng ở Việt Nam chấp nhận ký 3 công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức.
Chính xác hơn, ông Khánh đã tuyệt đối lờ đi 3 công ước trên cùng câu lời phải có cho nhiều câu hỏi nhân quyền của các nghị sĩ EU.
Trần Quốc Khánh chỉ trả lời rất chung chung rằng chính phủ Việt Nam "đã trình quốc hội sửa đổi Luật Lao động cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, kể cả các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 11/2019".
Nhưng lối trả lời hoàn toàn tảng lờ các công ước quốc tế về quyền lao động như trên cũng gần như tương đồng cái cách mà chính ông Trần Quốc Khánh - trưởng đoàn đàm phán Hiệp định TPP - đã phản hồi trước các câu hỏi về nhân quyền và công đoàn độc lập của người Mỹ vào năm 2015 - trùng với chuyến công du Washington lần đầu tiên của ‘đảng trưởng’ Nguyễn Phú Trọng nhằm thuyết phục Mỹ cho Việt Nam tham gia TPP.
Bất chấp cam kết của ông Trọng với Tổng thống Mỹ Obama - để đổi lấy TPP - về công đoàn độc lập, một định chế bảo vệ quyền đình công và các quyền khác của công nhân, từ sau chuyến đi trên cho tới nay đã không còn tồn tại bất kỳ tin tức nào về việc sẽ ‘thí điểm’ định chế này ở Việt Nam. Thậm chí, những nhà hoạt động công đoàn độc lập ở Việt Nam như Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương còn bị chính quyền truy bức và đánh đập dã man.
Còn ‘sẽ sửa đổi Luật Lao động’ mà Thứ trưởng công thương Trần Quốc Khánh nêu ra vẫn chỉ là một cách nói đầu môi chót lưỡi đầy giả dối vào mỗi khi Việt Nam ‘đánh hơi’ một hiệp định thương mại quốc tế có lợi cho chế độ có khả năng được thông qua, để cho tới nay Luật Lao động vẫn giữ nguyên quyền độc trị của Liên đoàn Lao động Việt Nam - một tổ chức thuần túy nhà nước, giữ vai trò như một khâu trung gian để hưởng ít nhất 2% thu nhập của các doanh nghiệp và công nhân nhưng lại chưa từng đứng ra tổ chức hay cho phép công nhân tổ chức bất kỳ cuộc đình công hợp lý nào, nếu không muốn nói ngược lại - tức liên đoàn này còn cấu kết chặt chẽ với lực lượng công an trị để theo dõi, truy bức và bắt bớ những người đứng đầu tổ chức đình công trong công nhân.
Việt Nam phải ký 3 công ước trước khi EU thông qua EVFTA !
Phải chăng vì không có bất kỳ ‘món quà’ nào về cải thiện nhân quyền và làm cho hành trang nhân quyền đến Brussels (Bỉ) vào tháng Mười năm 2018 chỉ là con số 0 nên đã khiến Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh - quan chức được Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu mời đích danh - tránh mặt mà chỉ cử thứ trưởng Trần Quốc Khánh đi ‘thế mạng’ ?
Và phải chăng trong thâm tâm mình, Trần Tuấn Anh đã cảm thấy kết cục của EVFTA là còn nguyên bèo bọt tại Bỉ lần này nên mới tìm cách tránh mặt ?
"Vị thứ trưởng khẳng định nhân quyền "nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn" của ông, và nói thêm ông tin rằng các quan chức Việt Nam và EU sẽ kể được "những câu chuyện tuyệt vời về kết quả hợp tác thông qua các hiệp định đối tác, hợp tác của chúng ta và các diễn đàn khác". Nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết" - đài VOA đưa tin và bình luận về phát ngôn và thái độ của quan chức Trần Quốc Khánh.
Thông tin trên cho thấy nhiều khả năng Trần Quốc Khánh tự xác định vị thế đến Bỉ lần này của ông ta ‘chỉ là nhà đàm phán thương mại’ và chẳng có gì liên quan đến trách nhiệm phải giải trình về vô số vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam - một thái độ rất tương đồng với biểu hiện về đối ngoại và cả đối nội của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh - không dại gì chấp nhận ‘đổ vỏ’ cho những kẻ bắt cóc - kể từ thời điểm tháng Bảy năm 2017 khi nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cho tới nay.
Sau bản báo cáo ba trang giấy mất đến 10 phút của quan chức Trần Quốc Khánh, phần đặt câu hỏi của các nghị sĩ tham dự đối với Ủy ban Châu Âu và phía Việt Nam đều xoáy vào hai vấn đề cốt yếu mà Việt Nam lâu nay vẫn cố tình lờ đi hay trì hoãn : nhân quyền và 3 công ước còn lại của ILO.
Quan sát cuộc họp trên qua livestream, trang Vietnamthoibao,org của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mô tả : Các ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trở nên ngày càng xấu đi trong ba năm qua khi có nhiều nhà hoạt động nhân quyền và môi trường bị bắt giam và lãnh án tù nặng chiếu theo những điều luật 79 và 78 của bộ luật hình sự. Mẹ Nấm là trường hợp được nêu đích danh trong số các tù nhân lương tâm/ môi trường/ chính trị cần được trả tự do ngay lập tức.
Các nghĩ sĩ yêu cầu Việt Nam sớm thông qua 3 công ước còn lại của Công ước Quốc tế về Quyền lao động nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam một khi có công đoàn độc lập.
Điều mà những người tham gia đặt câu hỏi muốn biết là Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nhân quyền ; kế hoạch cụ thể để cải thiện nhân quyền là gì ; Việt Nam cần thể hiện bằng hành động để chứng minh sẽ và có thể thực hiện các cam kết. Ngoài ra cũng yêu cầu rằng 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA.
Bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.
Việt Nam phải cải thiện nhân quyền và cải cách chính trị !
Mặc dù cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu còn chưa kết thúc, nhưng với hành trang nhân quyền số 0 tròn trĩnh của đoàn Việt Nam, người ta có thể dự đoán rằng kết quả EVFTA dược ký vào lần này cũng khó có thể nhích qua mốc 0, dù rằng một số chuyên gia Việt Nam và quốc tế luôn cho rằng EVFTA có lợi không chỉ với Việt Nam mà còn cả với các nước trong khối EU và do đó EU sẽ không siết mạnh về điều kiện nhân quyền trong hiệp định này. Và dù chính quyền Việt Nam đã mở cả một chiến dịch vận động đối với Phòng Thương mại Châu Âu và các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam để thúc giục Liên minh Châu Âu ‘sớm linh hoạt ký và thông qua EVFTA’.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Giá trị xuất siêu hàng năm của hàng Việt Nam vào thị trường EU là gần tương đương với giá trị xuất siêu lên tới gần 30 tỷ USD mỗi năm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ. Do vậy, giá trị của bản hiệp định EVFTA có cũng có giá ngang bằng với tương lai của Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ mà giới chóp bu Hà Nội đang hết sức thèm muốn.
Về thực chất, EVFTA là một lối thoát kinh tế khả dĩ nhất cho thể chế chính trị không chịu đa đảng, nợ như chúa chổm và rất có thể sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ và phá sản ngân sách ở Việt Nam.
Nhưng nếu Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu không ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018, chính thể Việt Nam sẽ tiếp tục cơn vỡ mộng của nó, và sẽ phải tiếp tục chờ cơ hội cuối cùng vào tháng Ba năm 2019, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng Năm năm 2019.
Còn nếu vẫn không thể thông qua vào tháng Ba năm 2019, cơ hội EVFTA cho Việt Nam sẽ cực kỳ mong manh, bởi chẳng ai có thể biết Nghị viện Châu Âu mới sẽ có quan điểm ra sao đối với EVFTA. Đó cũng là tình huống mà số phận của Hiệp định TPP đã đột ngột đảo lộn từ êm thắm sang bỏ bê ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016.
Tương lai cho EVFTA chỉ có thể nhen nhúm một khi Việt Nam thành tâm cải thiện nhân quyền và cả cải cách chính trị.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 11/10/2018
Quan hệ Việt Đức khôi phục trước khi EVFTA thông qua ? (BBC, 09/10/2018)
Mọi khía cạnh của các hiệp định thương mại và đầu tư EU - Việt Nam đều có thể được bàn luận tại phiên điều trần của Ủy ban Thương mại Quốc tế tại Nghị viện Châu Âu vào ngày 10/10 này.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế EU Bernd Lange gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 26/7
Các nghị viên Châu Âu (MEP) có thể đặt các câu hỏi về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA), trong đó có cả chủ đề nhân quyền, một người phát ngôn của EU cho BBC hay.
Trong khi đó, hôm 9/10 một chuyên gia kinh tế ở Hà nội nhận định phiên điều trần sẽ "không dễ dàng" vì quan điểm về nhân quyền giữa Việt Nam và EU là không giống nhau, nhưng hai bên có thể tiếp tục nỗ lực để "giảm bớt khoảng cách".
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng nói Việt Nam và Đức sẽ sớm có đàm phán cấp cao nhằm khôi phục quan hệ hợp tác toàn diện như đã có trước đây.
Việt Nam 'sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của EU'
Cuối tháng 7/2018, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU có chuyến thăm Việt Nam, khi ông gặp nhiều lãnh đạo cao cấp Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, trong chuyến đi, ông Bernd Lange có đưa ra một số yêu cầu cho phía Việt Nam, như Việt Nam phải ký kết ba công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) và sửa đổi, bổ sung một số điều luật.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam sẽ sẵn sàng ký công ước của ILO.
"Hiệp định mà Quốc hội Việt Nam sắp sửa xem xét và thông qua trong kỳ này là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (TCTPP), cũng có những yêu cầu tương tự [như EVFTA].
"Tôi nghĩ Quốc hội Việt Nam muốn thông qua hiệp định TCTPP thì sẽ sửa đổi bổ sung một số luật và sẽ ký kết những công ước tương tự như đề ra trong EVFTA".
Trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussels, Bỉ
Quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt sớm được khôi phục ?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ với BBC rằng vào ngày 5/10, ông được vị Đại sứ Đức ở Hà Nội mời dự tiệc chiêu đãi nhân ngày thống nhất nước Đức.
"Đại sứ Đức có tuyên bố chính phủ Đức ở Berlin có chuyển thư mời một phái đoàn của chính phủ Việt Nam sang Berlin để hai bên đàm phán khôi phục lại mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam, và triển khai mối quan hệ hợp tác toàn diện như trước đây", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết.
"Tôi nghĩ đây là một tín hiệu tốt lành. Vấn đề khôi phục lại quan hệ sẽ được thực hiện trong cuộc đàm phán cấp cao giữa hai bên trong thời gian tới đây".
"Phía Đức và phía Việt Nam sẽ nỗ lực để từ nay đến cuối năm có những kết quả thiết thực, trên cơ sở đó Nghị viện Châu Âu sẽ xem xét việc thông qua EVFTA vào tháng 3/2019", Tiến sĩ Doanh dự đoán.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Angela Merkel tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg tháng 7/2017, không lâu trước khủng hoảng quan hệ song phương
Tháng 3/2019 : thời điểm vàng cho EVFTA
Tháng 3/2019 là mốc thời gian quan trọng cho việc thông qua EVFTA vì sau đó Nghị viện Châu Âu hiện nay sẽ giải thể. Nghị viện Châu Âu mới sẽ được bầu vào tháng 5/2019.
"Nghị viện Châu Âu mới sẽ có nhiều ưu tiên và một chương trình bận rộn", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói, "cho nên nếu không được thông qua, hiệp định này có thể sẽ phải được xem xét và chờ đợi trong một thời gian dài hơn".
Về tiến độ của EVFTA, một người phát ngôn của EU nói với BBC :
"Hiện chúng tôi đang nỗ lực để dịch tài liệu thỏa thuận [sang 28 thứ tiếng] càng sớm càng tốt. Sau đó, Ủy ban Châu Âu sẽ gửi đề xuất tới Hội đồng Châu Âu để phê chuẩn trước khi ký kết.
"Cuối cùng, Nghị viện Châu Âu sẽ cần phê chuẩn trước khi hiệp định này đi vào hiệu lực. Thời gian của quá trình này còn phụ thuộc vào các quá trình nội bộ của Hội đồng Châu Âu".
EU chiếm 19-20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
Nhân quyền và EVFTA
Nhân quyền là một trong các chủ đề có thể được dân biểu EU đặt câu hỏi trong phiên điều trần ở Nghị viện EU hôm 10/10.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định với BBC phiên điều trần sẽ làm rõ hơn "những tiến bộ Việt Nam đã đạt được đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế".
"Những hạn chế đó nếu được chỉ ra thì Việt nam sẽ có nỗ lực để đáp ứng những yêu cầu theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, những cam kết và công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết
"Tôi nghĩ rằng phiên điều trần sẽ là một việc không dễ dàng vì quan điểm giữa hai bên về nhân quyền là không giống nhau. Vậy chúng ta có thể tiếp tục giảm bớt khoảng cách giữa hai bên.
"Cái lợi ích rất lớn là nếu EVFTA được thực hiện sẽ đóng góp tích cực cho việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm cho lao động Việt Nam và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và qua đó tạo cơ hội để EU tác động tích cực vào việc cải cách và cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bình luận.
Hôm 17/9, 32 thành viên của Nghị viện châu Âu đã gửi thư ngỏ thúc giục chính phủ Việt Nam thực hiện những bước cải thiện đáng kể trong hồ sơ nhân quyền trước khi có thể được phê chuẩn để tham gia EVFTA.
Bức thư nhấn mạnh rằng "điều cốt lõi là EU nêu cụ thể một loạt những tiêu chuẩn về nhân quyền mà Việt Nam cần phải đạt được trước khi EVFTA được đệ trình lên Nghị viện Châu Âu để phê chuẩn và có những khuyến cáo cụ thể".
Ủy ban Châu Âu (EC) nói EU chia sẻ những lo ngại tương tự như những gì mà các dân biểu Nghị viện Châu Âu nêu trong bức thư, mặc dù Việt Nam "đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế và xã hội và điều đó dẫn đến tăng cường các quyền kinh tế xã hội".
"Nay là thời điểm thích hợp để Chính phủ Việt Nam tham gia một cách xây dựng và toàn diện với các hội dân sự nhằm mục đích đảm bảo một cách thức dựa trên nhân quyền", một người phát ngôn của EC trả lời BBC qua email hôm 27/9.
"Về khía cạnh này, EU chia sẻ những lo ngại tương tự như những gì mà các nghị viên Châu Âu nêu trong bức thư hôm 17/9/2018.
"Những lo ngại này được trình bày với giới chức Việt Nam trong Đối thoại Nhân quyền, được tổ chức ở thủ đô các nước hàng năm.
"Đối thoại này nhằm bàn thảo nhân quyền, xem xét việc triển khai nhân quyền ở Việt Nam và EU như thế nào, và thành lập môt diễn đàn để nêu những vấn đề nhất định.
"Ngoài cuộc họp hàng năm này, EU cũng giữ một kênh tiếp xúc mở với chính quyền Việt Nam qua đó chúng tôi lưu ý các vấn đề và thiếu sót cụ thể có liên quan đến nhân quyền. Trong những vụ việc nghiêm trọng, chúng tôi đã đưa ra thông cáo và qua các dự án hợp tác kỹ thuật, EU nhằm hỗ trợ các hội dân sự ở Việt Nam".
Quan hệ Đức - Việt gặp khủng hoảng sau vụ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh mà phía Đức nói là bị mật vụ Việt Nam "bắt cóc tại Berlin" hè 2017 rồi chuyển về Hà Nội đưa ra tòa.
Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội sau đó.
Phía Việt Nam cho đến nay không giải thích được cho Đức và Slovakia, một nước EU khác cũng liên quan, rằng ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam bằng cách nào.
Tuy nhiên, có vẻ như trọng tâm vụ việc này chuyển từ Đức sang Slovakia dù vụ xử án "bắt cóc" tại Berlin vẫn chưa khép lại.
*********************
Tài năng âm nhạc Việt sắp bị Đức trục xuất khi đang xin tị nạn (VOA, 09/10/2018)
Sinh viên âm nhạc Nguyễn Quang Hồng Ân, 18 tuổi, đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất từ Đức về Việt Nam trong khi đang chờ phỏng vấn xin tị nạn chính trị tại Canada.
Nguyễn Quang Hồng Ân, tháng 10/2018.
Vào năm 2014, Nguyễn Quang Hồng Ân đoạt 3 giải trong cuộc thi Piano Quốc Tế tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ. Năm 2016, một năm sau khi cùng cha mẹ đến Đức, Hồng Ân đã đoạt giải nhất tại cuộc thi âm nhạc nổi tiếng Piano-Steinway.
Trên đường đi trình diễn và tham dự các kỳ thi Piano Quốc tế tại Châu Âu vào năm 2015, gia đình cô Hồng Ân đã xin tị nạn chính trị tại Đức.
Từ Nuremberg, Nguyễn Quang Hồng Ân, chia sẻ với VOA : "Tôi đang chờ phỏng vấn đi Canada nhưng chính quyền Đức có thể bắt giam và kết tội hình sự tôi vì thị thực hết hạn, trong khi đã xin tỵ nạn hợp pháp".
Hồng Ân cho biết thêm :
"Trong 4 tháng vừa qua họ làm khó cho tôi vô cùng như là cắt hết quyền lợi mà người tỵ nạn đáng được hưởng, ngoại trừ quyền về nhà ở, nhưng tôi không biết nay mai sẽ như thế nào. Tôi giải thích rõ với họ là trường hợp của tôi là tỵ nạn chính trị một cách hợp pháp nên không cần phải gia hạn hộ chiếu. Tôi đến Đức để tìm sự che chở vì gia đình tôi bị bách hại ở quê nhà".
Hiện nay gia đình Hồng Ân đang đối mặt với nguy cơ bị chính quyền Đức bắt giữ và trục xuất về Việt Nam.
Vợ chồng ông bà Nguyễn Quang Hồng Nhân và con gái Nguyễn Quang Hồng Ân (Ảnh : Thoibao)
Hồng Ân nói :
"Hiện nay có bằng chứng rõ ràng rằng khi trở về thì gia đình tôi sẽ bị trả thù và bị tù tội bởi vì chính quyền Việt Nam đã thông qua Lực lượng Tác chiến Không gian Mạng lên án tôi là ‘phản bội tổ quốc’ và gia đình tôi là ‘phản động chuyên nghiệp’".
Hồng Ân cho biết cô và gia đình đang chờ phỏng vấn tị nạn chính trị ở Canada.
"Hiện tại tôi đang chờ phỏng vấn để sang nước thứ ba là Canada, hồ sơ đã được Cơ quan Di trú Canada chấp thuận. Thế nhưng chính phủ Đức vẫn một mực yêu cầu em đến Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt để làm lại hộ chiếu, họ đã soạn sẵn văn bản và yêu cầu tôi ký với hạn chót là ngày 25/10/2018 và nếu không có hộ chiếu mới thì sẽ bị quy tội hình sự, bị bắt giam để trục xuất về Việt Nam".
VOA chưa liên lạc được với chính quyền thành phố Nuremberg cũng như Sở Di trú Đức để xác nhận yêu cầu trục xuất đối với cô Hồng Ân và gia đình.
Vào đầu năm nay, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, thân phụ của cô Hồng Ân, nói với VOA rằng chính quyền thành phố Nuremberg đã thu hồi tất cả các giấy tờ tùy thân của gia đình và cô con gái Hồng Ân, hiện là sinh viên khoa dương cầm Đại học Âm nhạc Nuremberg.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, còn được biết đến là nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang, từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù. Ông nói :
"Sau khi cộng sản chiếm miền Nam thì tôi hoạt động về nhân quyền, nhưng sau đó tổ chức bị vỡ. Sau khi ra tù tôi thấy Việt Nam thiếu về nghề nghiệp nên tôi mới mở một trường công nghệ ở Đà Lạt để đào tạo ngành nghề cho sinh viên, nhưng họ biết tôi ở tù mới ra cho nên họ đóng cửa".
Năm 1979, ông Nguyễn Quang bị tòa án ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc "hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng" và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra ngoại quốc. Trong lời nói cuối cùng trước tòa, ông kêu gọi LHQ mở cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Về án tù của cha, Hồng Ân nói :
"Ba của tôi là một cựu tù nhân lương tâm, đã từng bị giam giữ 20 năm dưới chế độ Cộng sản. Ông là một nhà hoạt động nhân quyền và hiện điều hành Viện nhân quyền Việt Nam".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một trong những khách mời của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu (thuộc Cộng đồng Châu Âu) cho một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam - sẽ được Ủy ban thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức với sự có mặt của ba bên : EU, Bộ Công thương Việt Nam và một vài nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam - dự kiến diễn ra vào gần trung tuần tháng Mười năm 2018 tại Brussells (Bỉ), nơi hiện diện trụ sở chính của Liên Hiệp Châu Âu, để quyết định có ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) hay là không.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội năm 2016.
Những kẻ phá đám EVFTA
Nhưng ngay sau khi có thư mời từ Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu, đã có thể dự liệu rằng nhà cầm quyền và công an Việt Nam sẽ chẳng đời nào dám để ông Nguyễn Quang A xuất cảnh mà có thể làm lộ hơn bộ mặt xám xịt nhân quyền của chính thể độc đảng quen não trạng đàn áp quyền làm người ở Việt Nam.
Quả đúng như thế. Vào một buổi sáng gần cuối tháng Chín năm 2018, sau khi nói chuyện với một nhà nghiên cứu Úc tại quán cà phê Highland, Tiến sĩ Nguyễn Quang A xách va ly ra để chuẩn bị bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để bay tiếp đi Úc. Nhưng khi ông đến phố Hoàng Diệu thì bị những kẻ mặc thường phục tống lên xe trực chỉ đồn công an Nội Bài. Ông bị câu lưu cho đến 6 giờ tối - lần câu lưu thứ 20 đối với ông kể từ cuối năm 2014.
"Vẫn chỗ cũ, vẫn ông trung tá A67. Tôi cực lực phản đối sự vi phạm pháp luật của A67. Nhưng họ cứ giữ tôi ở đó cho đến 6 giờ tối.
Hoá ra họ sợ tôi qua Úc rồi đi thẳng Brussells dự Điều trần của Quốc hội Châu Âu về Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) vào ngày 10-10 vì họ cứ hỏi tôi có đi thẳng Châu Âu không?...
Họ giữ tôi ở đó và tôi đã bảo họ EVFTA là tốt cho Việt Nam, bất cứ kẻ nào cản trở nó kẻ đó phản bội dân Việt Nam và việc cản trở tôi đi dự điều trần là một việc như vậy.
Một sự việc vô cùng nghiêm trọng đã xảy ra, họ lục tung va ly của tôi tìm xem tôi có mang xách tài liệu gì đi không (sao nghiệp vụ họ kém thế). Tôi phản đối kịch liệt và nói họ vi phạm pháp luật trắng trợn. Hải quan cũng chỉ có quyền khám xét hành lý ở nơi quy định tại cửa khẩu, còn các vị không phải Hải quan. Họ lần hết quần áo, thậm chí cả bít tất,… cũng nắn xem trong đó có gì không…
Họ mang hộ chiếu của tôi đi đâu không biết, rồi đến 6 giờ tối ông Trung tá bảo trong thời gian tới bác đừng đi đâu cả (ý nói đừng đi Brussells). Tôi bảo trả tôi hộ chiếu nếu không tôi không về. Anh ta bảo bác cứ lên xe về đến nhà anh em đưa trả hộ chiếu cho bác. Tôi lên xe, họ chở tôi về nhà và như thế lỡ mất chuyến đi. Họ đưa lại hộ chiếu cho tôi. Lý do chính là họ sợ tôi sang EU.
Vài ngày tới tôi sẽ mua vé đi Brussell và nếu họ lại chặn không cho tôi đi thì đó sẽ là điều chứng minh hùng hồn nhất rằng A67 là lực lượng phá hoại EVFTA (dù có mất vài chục triệu để vạch trần bộ mặt của những kẻ phá hoại cũng được)".
Phần trên là một số nội dung mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuật lại trên facebook của ông.
Một phép thử nhân quyền
Đây là lần đầu tiên EU tổ chức một cuộc điều trần nhân quyền gắn với Hiệp định EVFTA. Trước đây, tổ chức này có vẻ khá ít quan tâm đến chủ đề nhân quyền, đặc biệt là vai trò theo dõi và giám sát nhân quyền của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Hà Nội là khá mờ nhạt.
Việc tổ chức một cuộc điều trần tay ba về nhân quyền tại Brussells là một hành động chưa từng có và được xem là dũng cảm hơn hẳn của EU so với thái độ liên tiếp nhân nhượng chính quyền Việt Nam trước đây của họ. Hãy thử tưởng tượng một phòng họp mà ngoài các quan chức của EU, sẽ là vài nhà hoạt động nhân quyền như Tiến sĩ Nguyễn Quang A ngồi đối diện và đối mặt với Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh. Một điều hiển nhiên, đó chính là hành động mang tính thách thức quyền lực cùng ‘thể diện và uy tín’ của chính quyền công an trị Việt Nam.
Nhưng với cộng đồng quốc tế thì đó không phải là thách thức, mà chỉ đơn giản là quan điểm cần có sự tham gia tư vấn của các tổ chức xã hội dân sự độc lập cho quá trình xem xét hiệp định thương mại EVFTA - không chỉ quan trọng về kinh tế mà còn liên quan thiết thân đến các quyền của người dân như quyền lập hội, lập công đoàn độc lập, quyền biểu tình… Và đơn giản đó là một phép thử để xem trong bối cảnh chính thể Việt Nam đang quá khốn quẫn về các nguồn ngoại tệ và quá trông ngóng EVFTA, họ có chịu ‘nhả’ chút nào về nhân quyền, có chịu ký 3 công ước quốc tế về lao động mà EU khẩn thiết yêu cầu, hay là không.
Hành động mang tính phép thử trên đã từng diễn ra vào một kỳ họp về Kiểm điểm định kỳ phổ quát của Hội đồng nhân quyền Liên hiêp quốc diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ vào tháng Hai năm 2014. Khi đó, vài nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã được Liên hiệp quốc mời để điều trần, nhưng hầu hết đã bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam không những thẳng tay cấm xuất cảnh mà còn giam luôn cả hộ chiếu.
Ký hay không ?
Cuối tháng Sáu năm 2018, ‘tin vui’ đã xảy đến với chính thể độc đảng ở Việt Nam : EVFTA đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý, đồng thời thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (IPA). Nhưng sự kết thúc muộn màng ấy đã chỉ có được sau hai năm rưỡi chứ không phải chỉ từ 6 tháng đến 1 năm theo thông lệ. Nhiều nguyên nhân gây ra chậm trễ, trong đó có lý do Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Nhưng kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý mới chỉ là hy vọng nhen nhúm cho chính thể Việt Nam. EVFTA muốn được chính thức thông qua lại phải cần có chữ ký của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu để làm cơ sở trình lên Hội đồng Châu Âu, sau đó phải được sự đồng thuận của 27 quốc gia (không có Anh) trong khối EU thì Nghị viện Châu Âu mới thông qua và đi vào triển khai.
Chẳng có gì chắc chắn cho tương lai đó, nhất là sau hàng loạt vụ Việt Nam đàn áp nhân quyền nặng nề và vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Khả năng Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018 vẫn chỉ là 50/50. Tuy một số chuyên gia Việt Nam và quốc tế luôn cho rằng EVFTA có lợi không chỉ với Việt Nam mà còn cả với các nước trong khối EU và do đó EU sẽ không siết mạnh về điều kiện nhân quyền trong hiệp định này, nhưng cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào từ phía Cộng đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu về một lối mở dễ dàng như thế.
Ngay trước mắt, EU đang phải chứng kiến khách mời điều trần nhân quyền Brussells của họ là nhà hoạt động Nguyễn Quang A bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam cấm đoán thô bạo không cho xuất cảnh sang Bỉ. Đó chính là một bằng chứng không thể sống động hơn về lời cam kết lẫn tuyên rao ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’.
Nếu Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu không ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018, chính thể Việt Nam sẽ phải tiếp tục chờ cơ hội cuối cùng vào đầu năm 2019, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng Năm năm 2019.
Nhưng cũng như số phận của Hiệp định TPP đã đột ngột đảo lộn từ êm thắm sang bỏ bê ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016, chẳng có gì bảo đảm là EVFTA sẽ hanh thông sau khi có một Nghị viện Châu Âu mới. Thậm chí một số nhà phân tích còn dự đoán rằng sau tháng Năm năm 2019, số phận của EVFTA sẽ là rất mong manh, thậm chí sẽ bị hủy bỏ theo cái cách chẳng còn ai ngó ngàng đến nó.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 03/10/2018
Nhân quyền có là nút thắt đối với Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam Châu Âu ?
Hơn 30 Dân biểu Quốc Hội Châu Âu vào ngày 17 tháng 9 đồng ký tên vào thư gửi đến hai Cao Ủy Thương Mại và Đại Diện Cấp Cao của Liên Minh Châu Âu nói rõ nếu tình trạng nhân quyền tồi tệ của Việt Nam không được cải thiện, thì rất khó để họ có thể đồng ý phê chuẩn Hiệp định Mậu Dịch Tự Do EU-Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Đức bà Markel tại Đức, 7/2017. AFP
Vậy vấn đề nhân quyền ảnh hưởng thế nào đến quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung, và thỏa thuận mậu dịch tự do Việt Nam Châu Âu nói riêng ?
Việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA) đã bắt đầu khá lâu, từ năm 2013. Trong suốt quá trình đàm phán đó, hai bên đã bận rộn với những định chế pháp lý, quyền lao động, tiêu chuẩn môi trường… Theo một số nhà quan sát, tầm quan trọng của EVFTA đối với Việt Nam đã tăng lên nhiều trong hai năm gần đây, khi khuynh hướng bảo hộ mậu dịch bắt đầu xuất hiện mạnh trong thương mại toàn cầu, mà Việt Nam lại là một quốc gia lệ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế, với tổng kim ngạch thương mại cao hơn 100% tổng sản phẩm quốc dân.
Với sự khó khăn của thị trường Mỹ, vốn lớn bậc nhất cho hàng xuất khẩu Việt Nam, Việt Nam đã kỳ vọng nhiều vào thị trường Châu Âu. Trong hai năm qua người ta chứng kiến liên tục các đoàn ngoại giao Việt Nam đến Châu Âu, mà mục đích lớn nhất được cho là để thúc đẩy EVFTA.
Nhưng đồng thời trong hai năm qua, các vụ đàn áp người bất đồng chính kiến, các tổ chức hoạt động xã hội, chính trị trong nước cũng trở nên rất căng thẳng với liên tục những phiên tòa bỏ tù những blogger, nhà báo tự do.
Một trong những người bị bắt bỏ tù vì thành lập tổ chức Hội anh em dân chủ là Luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện đang tị nạn chính trị tại Đức nói với RFA :
"Mức độ vi phạm nhân quyền từ đầu 2016 đến nay là hết sức nghiêm trọng. Về phía quốc hội Châu Âu thì họ sẽ cẩn thận cân nhắc trong vấn đề thảo luận hiệp định thương mại. Nếu Việt Nam không cải thiện thì số lượng dân biểu quốc hội EU phản đối tăng lên, mà điều này dẫn đến việc bỏ phiếu, thành ra quốc hội có thông qua hay không thì không thể nói trước được".
Đầu năm 2018, một tạp chí về kinh tế của Việt Nam là Vneconomy cho rằng có thể việc ký kết sẽ diễn ra trong mùa hè năm 2018, nhưng đến tháng 9/2018 việc đó vẫn chưa xảy ra.
Tuy nhiên ông Nguyễn Huy Vũ, một chuyên viên kinh tế hiện sống và làm việc tại Na Uy cho rằng vấn đề nhân quyền sẽ không ảnh hưởng nhiều đến EVFTA.
Sau khi một số dân biểu Nghị viện Châu Âu gửi bức thư lên Ủy ban Châu Âu bày tỏ sự lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam, ông Nguyễn Huy Vũ trả lời đài RFA :
"Nhân quyền vẫn có thể dùng như một đòn bẩy để họ áp lực Việt Nam để Việt Nam đưa ra những cải tổ, thậm chí đưa ra những điều khoản thương mại đem lại nhiều lợi ích hơn cho Châu Âu. Cuối cùng thì tôi nghĩ chuyện nhân quyền không ảnh hưởng mấy đến việc thông qua hiệp định thương mại, sớm muộn gì thì cũng sẽ được thông qua".
Ông Vũ cho rằng sự phản đối mới nhất của một số nghị viên Châu Âu có thể chỉ gây nên một ít tiếng vang nhưng không cản được sự hợp tác thương mại giữa hai bên. Ông cho rằng Việt Nam có trả tự do cho một số tù nhân lương tâm nhưng điều đó không quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Đài là một trường hợp mà nhiều người cho rằng được trả tự do và cho sang tị nạn chính trị tại Đức là nhằm vào việc tỏ thiện chí với Cộng đồng Châu Âu, vì ông Đài có những quan hệ thân thiết với giới ngoại giao của nước Đức và các quốc gia Châu Âu.
Ông Nguyễn Văn Đài cũng cho rằng sự vận động của các tập đoàn, công ty ở Châu Âu cho EVFTA là quan trọng về phía hành pháp của EU tức là Ủy ban Châu Âu, nhưng ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các dân biểu Châu Âu :
"Về phía Ủy ban Châu Âu thì có sự vận động của các tập đoàn kinh tế, họ sẽ có những nhượng bộ nhất định nào đó với Việt Nam. Nhưng họ phụ thuộc Quốc hội Châu Âu. Sau Quốc hội Châu Âu còn có các nước thành viên nữa. Với những thủ tục rất phức tạp, nên tôi nghĩ Việt Nam khó cỏ thể có hiệp định song phương trong năm nay hay sang năm".
Ông Nguyễn Huy Vũ thì lại củng cố cho lập luận của ông rằng EVFTA là có lợi cho chính Cộng đồng Châu Âu :
"Hiệp định thương mại Việt Nam Châu Âu thì không phải chỉ có mình Việt Nam có lợi, mà Châu Âu cũng có lợi, vì Châu Âu họ muốn dùng Việt Nam như một cửa ngõ để xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á. Còn Việt Nam thì với một thị trường 80 triệu dân, một tầng lớp nhà giàu mới nổi lên, thì đó là một thị trường tương lai rất tốt cho hàng hóa xa xỉ phẩm Châu Âu, cũng như những dịch vụ về sức khỏe, giáo dục,… của Châu Âu cho Việt Nam".
Vấn đề nhân quyền bị xem nhẹ trong các quan hệ kinh tế không chỉ đối với trường hợp Cộng đồng Châu Âu mà còn với các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế khác nữa như Quĩ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới.
Luật sư Nguyễn Văn Đài (thứ ba từ trái sang) tại Đức sau khi được trả tự do, 7/2018. Courtesy of Luật sư Nguyễn Văn Đài.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên về thống kê của Liên Hiệp Quốc, nói với RFA :
"Các ông ở Việt Nam bắt người này người kia bỏ tù đều đều thì các tổ chức nhân quyền lên tiếng thôi chứ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng thế giới đâu có nói gì. Thực ra họ cũng nói là Việt Nam phải mở rộng nhân quyền. Mà đàn áp dữ quá thì đến một lúc nào đó mà bị Liên Hiệp Quốc lên án, thì sẽ là chuyện lớn, ví dụ như trường hợp Myanmar bị chấp dứt tất các sự giúp đỡ vào thời kỳ quân phiệt đàn áp nhân quyền".
Việt Nam hiện nay không có tình trạng tệ hại như Myanmar thời quân phiệt, thậm chí ông Vũ Quang Việt còn nêu ra một số quốc gia đối tác quan trọng của Châu Âu mà tình trạng vi phạm nhân quyền còn trầm trọng hơn Việt Nam như là Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt nói tiếp :
"Tôi không nghĩ là Cộng đồng chung Châu Âu đặt vấn đề lên hàng đầu. Vấn đề là họ không chỉ xem đó là đối tác thương mại, mà còn có những vấn đề chính trị khác nữa, như là vai trò của Việt Nam ở khu vực, rồi chuyện đối phó với Trung Quốc,… Họ phải tính tới tất cả những chuyện đó".
Như để minh chứng cho điều mà ông Việt nhận xét, trong tháng 8 năm 2018, một số quốc gia Châu Âu như Anh, Pháp đã cho tàu chiến vào Biển Đông tham gia chiến dịch tự do hàng hải do Mỹ khởi xướng, mà chiến dịch này được cho là nhằm ngăn cản Trung Quốc thực hiện sự bành trướng trên Biển Đông. Việt Nam không những không phản đối những quốc gia Châu Âu này, mà trong nhiều lần cũng đã lên tiếng chính thức ủng hộ tinh thần tự do hàng hải tại Biển Đông. Và Việt Nam được xem như quốc gia đứng ở tuyến đầu trong việc ngăn cản mộng bá quyền của Trung Quốc ở khu vực này.
Cuối cùng Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói với chúng tôi rằng câu chuyện nhân quyền là câu chuyện giữa những người Việt Nam với nhau, còn những quốc gia bên ngoài sẽ quan tâm đến hợp tác kinh tế với Việt Nam hơn.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 25/09/2018
Tăng thêm 35% về xuất khẩu, 15% về GDP và 13% về lương bổng cho người lao động chưa nói hết những gì mà Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có thể mang đến cho Việt Nam.
Liên Hiệp Châu Âu là một thị trường lớn gồm 27 quốc gia dân chủ phát triển với hơn 500 triệu dân và một trọng lượng kinh tế thứ nhì thế giới
Đầu tư Châu Âu với công nghệ kỹ thuật hiện đại đổ vào Việt Nam, tương tự, cũng chỉ nói lên một phần ích lợi của Hiệp định.
Điều quan trọng nhất mà con tàu EVFTA mang lại là đưa Việt Nam đến gần hơn với Âu-Mỹ và giúp Việt Nam tận dụng mối quan hệ gần gũi này để hiện đại hoá quốc gia nhanh chóng và toàn diện nhất có thể.
Đó cũng sẽ là lần đầu tiên Việt Nam thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc trong tiến trình hội nhập quốc tế, nếu chúng ta nhớ rằng Trung Quốc đã mua gói bình thường hoá quan hệ với Mỹ bằng máu của Việt Nam năm 1979 thế nào, và đã ngáng đường Việt Nam để gia nhập WTO trước Việt Nam ra sao.
Cũng có nghĩa là lần đầu tiên Việt Nam, dưới áp lực của hội nhập, có cơ hội thiết lập một hệ thống thể chế quốc gia hiện đại hơn Trung Quốc, từ đó xây dựng một thế đứng vững vàng hơn trước áp lực ngày một gia tăng của kẻ láng giềng phương Bắc.
Vậy mà giờ đây chúng ta đang phải chứng kiến con tàu EVFTA đang đi dần vào ngõ cụt, để rồi Việt Nam cứ mãi chậm hơn Trung Quốc một bước.
Mới hôm qua đây thôi 32 Nghị sĩ Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đứng tên chung trong cùng một lá thư gửi tới Cao uỷ Thương mại EU nói rõ rằng nếu Việt Nam không giải quyết những vấn đề nổi cộm về nhân quyền, quyền lao động và cải cách tư pháp, sẽ rất khó cho họ phê chuẩn Hiệp định [1].
Điểm đáng chú ý của lá thư không phải chỉ là con số 32 Nghị sĩ đứng tên mà còn là các Nghị sĩ này đến từ cả 5 đảng chính trị lớn nhất EU, thể hiện sự đồng thuận rõ nét của chính giới EU trong hồ sơ Việt Nam.
Đặc biệt hơn, nhiều nghị sĩ trong số này còn đang là Ủy viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Quốc Hội EU (INTA) - cơ quan gác cổng cuối cùng trước khi Hiệp định được trình cho Quốc Hội EU phê chuẩn. Tháng 10 tới đây INTA sẽ tổ chức phiên điều trần quyết định, và số phận Hiệp định có thể nói là đang nằm trong tay các Nghị sĩ là thành viên của INTA [2].
Tương lai mờ mịt của EVFTA tiếc thay không đến từ nguyên nhân khách quan như TPP mà là do những kẻ phá hoại có chủ đích trong giới cầm quyền.
Những kẻ đã cố tình trì hoãn phê chuẩn 3 Công ước ILO cốt lõi còn lại về quyền lao động, đặc biệt là Công ước số 87 về quyền tự do nghiệp đoàn.
Những kẻ đã ban hành Luật An ninh Mạng đi ngược lại các cam kết về môi trường đầu tư kinh doanh, tự do lưu chuyển thông tin trong Hiệp định.
Những kẻ đã cầm tù những công dân không làm gì khác ngoài biểu đạt ý kiến của mình một cách ôn hoà và xây dựng, như Trần Huỳnh Duy Thức, bôi xấu hình ảnh quốc gia khiến quốc tế e ngại hợp tác.
Những kẻ, dù hành động nhân danh an ninh quốc gia song lại đang đặt quốc gia vào vòng bất an vĩnh viễn - bất an bởi nỗi lo tụt hậu vì bị chặn đường phát triển để rồi bị bóp nát trong cái bóng của láng giềng bá quyền.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 19/09/2018
[1] https://www.facebook.com/1747179962188949/posts/2172266556346952/
[2] Đáng chú ý trong số Nghị sĩ có ông Yannick JADOT là Phó Chủ tịch INTA.
Đọc thêm : AI ĐANG CẢN TRỞ EVFTA
https://www.facebook.com/100000147078725/posts/2274259595922254/