(Bài II)
Ý kiến và đòi hỏi của một số dân biểu bỏ phiếu chống từ những đảng khác nhau
Ngày 12/02/2020 Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-VN, với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bầy quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều phải lắng nghe nhau.
1. Khối đảng Liên minh tiến bộ Xã hội và Dân chủ S&D
Nữ dân biểu Maria Arena, chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền (nằm trong Ủy ban đối ngoại) thuộc khối Xã hội Bỉ, và đang trong nhiệm kỳ thứ 2 của Nghị viện Châu Âu.
Ngay sau khi được bầu làm chủ tịch Tiểu ban nhân quyền, dân biểu Arena đã mời những tổ chức nhân quyền FIDH, VETO ! và VOICE đến trình bày vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và lắng nghe những đề nghị giải quyết của họ (1).
Trong cuộc thảo luận trước ngày bầu cử, Dân biểu Arena đã đưa ra nhận định ngắn gọn :
Nhân danh bảo vệ nhân quyền để bỏ phiếu cho một hiệp định thương mại tự do với một chế độ cộng sản độc tài là một điều siêu thực.
Tuy nhiên, nó đã và vẫn có thể được làm tốt hơn so với hiệp định hiện đang có. Tại sao cơ chế giải quyết tranh chấp giữa đôi bên không bao gồm vấn đề phát triển bền vững ? Tại sao, khi nói đến các quyền xã hội và môi trường, không có cơ chế ràng buộc hơn và kèm thêm các biện pháp trừng phạt ?
Một sự thay đổi trong chiều hướng này, thưa ông Ủy viên phụ trách thương mại (2), là điều hoàn toàn có thể làm được, nhưng cần phải có ý chí chính trị để làm điều đó. Ông Ủy viên, và cả chúng tôi, với tư cách là Nghị viện, cần thêm thời gian để sửa đổi thỏa thuận này, như lúc trước chúng ta đã từng làm với cơ chế ISDS giải quyết tranh chấp nhà đầu tư-nhà nước. Mọi người ở đây trong Nghị viện lúc đó đều nói rằng ISDS thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta đã chiến đấu và chúng ta đã chiến thắng : thay đổi ISDS thành hệ thống Tòa án Đầu tư ICS.
Trận chiến của chúng ta ở đây là làm cho sự phát triển bền vững trở thành một chương ràng buộc, đi cùng với các biện pháp trừng phạt.
Sau cuộc bầu cử, dân biểu M. Arena đã phê bình :
Chúng tôi chỉ có 26 (trên 154) dân biểu thuộc đảng S & D đã không chấp thuận các phần khác nhau của hiệp định giữa EU và Vietnam. Một điều đáng xấu hổ ! Thêm một bằng chứng nữa cho thấy khí hậu và nhân quyền sẽ luôn là thứ yếu đối với lợi ích kinh tế.
Nghị viện Châu Âu đã chấp thuận hiệp định mặc dù nó không bao gồm các biện pháp ràng buộc để chế độ độc đoán này tôn trọng các cam kết của mình trong các vấn đề về quyền con người và môi trường. ̣
Đáng lý chính sách thương mại của EU phải là một phương tiện để thúc đẩy các giá trị cơ bản của chúng ta. Nhưng dường như đối với đại đa số đại biểu thuộc các đảng Nhân dân Châu Âu EPP và đảng cánh trung RENEW (bao gồm cả dân biểu Pascal Canfin mặc dù giữ chức chủ tịch của Ủy ban Môi trường), việc đề cập đến chính sách thương mại phải tôn trọng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (3) là không thể tưởng tượng được.
2. Khối đảng Nhân dân Châu Âu (EPP)
Trước ngày bỏ phiếu, dân biểu Benoit Lutgen, đảng Trung lập Dân chủ Nhân bản Bỉ CDH, khẳng định :
Thứ Tư, tôi sẽ bỏ phiếu chống lại Hiệp ước Thương mại Tự do với Việt Nam vì nó không bao gồm những đảm bảo tham gia cuộc chiến chống lại sự hâm nóng toàn cầu (không đánh giá tác động của CO2) và nó không bảo vệ quyền lao động, cũng như không bảo vệ nhân quyền.
Dân biểu B. Lutgen là 1 trong 3 dân biểu bỏ phiếu chống, trên tổng số 186 thuộc khối đảng EPP. Cho thấy có những dân biểu bầu theo sự hiểu biết và lương tâm của mình, cho dù đi ngược lại đường lối của đảng.
3. Khối đảng Xanh - Liên minh Tự do Châu Âu
Nữ dân biểu Maketa Gregorova vừa được bầu vào Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ 2019-2024, là một dân biểu trẻ thuộc Đảng Cướp Biển (Pirates), Cộng hòa Czech.
Đảng Cướp biển có 4 dân biểu tại nghị viện Châu Âu, (3 thuộc Cộng hòa Czech và 1 thuộc Đức). Với cái tên "ngổ ngáo", đây là một đảng của những người trí thức rất trẻ không bằng lòng đường lối của các đảng truyền thống, và đặc biệt nhất là chủ trương tự do internet, phản đối việc theo dõi và kiểm duyệt trên mạng, cổ động việc nhân dân trực tiếp tham gia vào việc điều hành đất nước.
Ngày 11/02/2020, trước cuộc bầu cử, nữ dân biểu M. Gregorova đã lên tiếng trước Nghị viện và sau bầu cử, cũng đã thay mặt phái đoàn đảng Cướp Biển phát biểu :
Phái đoàn đảng Cướp Biển tại Nghị viện Châu Âu hôm nay đã bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu. Điều này chủ yếu là do nhân quyền tại Việt Nam đã tiếp tục xấu đi trong suốt thời gian các cuộc đàm phán cho tới khi thỏa thuận, và không có triển vọng cải thiện, dù Liên Hiệp Châu Âu có cố gắng làm áp lực.
Khi thỏa thuận, chúng ta đang trao cho chế độ độc tài Việt Nam một tấm ngân phiếu trắng để giao dịch với khối kinh tế lớn nhất thế giới, mà không phải thực thi những điều kiện đưa đến thay đổi. Với hiệp ước được phê chuẩn, Đảng Cộng sản Việt Nam đang cho rằng Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ một nhà nước độc đảng giám sát và đàn áp người dân của họ
Phái đoàn đảng Cướp Biển hỗ trợ thị trường tự do và tăng cường hợp tác kinh tế, nhưng không phải bằng mọi giá. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, các chính sách thương mại và an ninh không thể tách rời. Câu thần chú cũ rằng thương mại tự do sẽ giải quyết mọi thứ và cuối cùng dẫn đến nền dân chủ tự do, không còn giá trị. Thay vào đó, chế độ đang dùng kinh tế để siết lại và gia tăng các cơ hội áp bức mới, thí dụ như qua các công nghệ giám sát hoặc mạng xã hội, một tình trạng được Việt Nam theo rập khuôn khổ Trung Quốc.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 16/02/2020
(1) https://boxitvn.blogspot.com/2019/11/tinh-hinh-evfta-va-ipa-1-hien-nay-cac.html
(2) Phil Hogan
(3) Thỏa thuận Paris là một thỏa thuận tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ 2015
(Bài I)
Phía bỏ phiếu chống
Ngày 12/2/2020 Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Những lời phát biểu của đôi bên được/thua là bàn đạp cho việc thực thi bản Hiệp định trong những ngày tháng tới (1).
Bà Heidi Hautala, Phó chủ tịch Nghị viện, dân biểu đảng Xanh, Phần Lan. Ảnh minh họa
Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước và sau cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bầy quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều phải lắng nghe nhau.
Một trong số 192 người bỏ phiếu chống là bà Phó chủ tịch Nghị viện Heidi Hautala, dân biểu đảng Xanh, Phần Lan.
Bà Hautala là một vị dân biểu đã qua 4 nhiệm kỳ tại Nghị viện Châu Âu, và đã có trách nhiệm thay mặt Nghị viện qua Việt Nam vào đầu năm 2019, để khảo sát Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản EU-VN (gọi tắt là VPA).
Với tư cách Phó chủ tịch Nghị viện và cũng là thành viên của các Ủy ban Thương mại, Tiểu ban Nhân quyền, Phái đoàn quan hệ với các nước Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dân biểu Hautala đã lên tiếng trong buổi họp Nghị viện ngày 11/02 trước cuộc bầu cử quyết định :
Các thỏa thuận giữa EU và Việt Nam chắc chắn rất quan trọng về mặt địa chính trị, và Việt Nam cũng đã đạt được tiến bộ trong việc cải cách luật lao động của mình – nhưng mặt khác, đã không sửa đổi bộ luật hình sự để cho phép người lao động được hưởng các quyền đó. Sự đàn áp đã trở nên nghiêm trọng hơn, ngay cả trong giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện thỏa thuận này.
Nếu ngày mai Nghị viện đồng ý phê chuẩn EVFTA :
1. Nghị viện sẽ có trách nhiệm lớn trong việc đòi hỏi các yêu cầu của Nghị viện đã đưa ra (trong thời gian qua) về phát triển bền vững, nhân quyền và sự tham gia của một xã hội dân sự độc lập, phải được thực hiện.
2. và theo lời đòi hỏi của Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban (Commission) vẫn còn phải cùng các đồng nghiệp đối tác Việt Nam thiết lập một cơ chế giám sát độc lập về Nhân quyền và cơ chế khiếu nại độc lập, với những đòi hỏi khắc phục vi phạm.
Đó là những lý do tại sao nhóm của chúng tôi, Đảng Xanh/Liên minh Tự do Châu Âu chưa thể hỗ trợ Hiệp định này.
Ngày 12/02, sau khi có kết qủa thuận cho việc phê chuẩn EVFTA, bà Phó chủ tịch Nghị viện đã nhận định đúc kết như sau :
Nghị viện Châu Âu vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại EU-Việt Nam. Nhóm Xanh đã bỏ phiếu chống lại Hiệp định này vì, bất chấp các cuộc đàm phán trong chương trình Hiệp định, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền và gây áp lực lên các tổ chức của phe đối lập và công nhân. Hiệp định thiếu phương tiện hiệu quả để thực thi quyền con người, những ràng buộc luật pháp về môi sinh và các tiêu chuẩn xã hội. Ngoài ra, Việt Nam đã không can thiệp vào các phương tiện theo đúng khả năng để giải quyết nạn phá rừng.
EU cần phải làm tốt hơn trong chính sách thương mại của mình.
Thỏa thuận giữa EU và Việt Nam rất quan trọng về mặt địa chính trị, nhưng vẫn nửa vời về phát triển bền vững và nhân quyền. Một mặt, Việt Nam đã cải thiện luật lao động, nhưng đồng thời luật hình sự của Việt Nam ngăn cản việc thực thi hiệu quả các quyền này. Trong những năm qua, suốt thời gian tiếp diễn các cuộc đàm phán Hiệp ước, áp lực trên xã hội dân sự thậm chí còn tăng lên.
Vì những lý do đó, tôi đã không thể hỗ trợ Hiệp ước.
Khi tán thành Hiệp ước, Nghị viện Châu Âu sẽ chịu trách nhiệm nặng nề trong việc đảm bảo rằng các đòi hỏi phát triển bền vững, nhân quyền và xã hội dân sự độc lập thực sự được đáp ứng. Tuy nhiên, Hiệp ước lại không cung cấp những đảm bảo này. Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu cùng với Việt Nam cần phải thiết lập một cơ chế giám sát nhân quyền độc lập có thể giải quyết hiệu quả mọi vi phạm (các quyền).
Bây giờ, sau khi Hiệp ước đã được phê duyệt, cần phải đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng Hiệp định Thương mại không phải là sự kết thúc của phát triển tích cực, mà là sự khởi đầu của nó.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 14/02/2020
(1) https://baotiengdan.com/2020/02/13/evfta-bat-dong-y-kien-trong-dan-chu-phan-i/
(Bài III)
Ngày 12/02/2020 Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-VN, với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bầy quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều phải lắng nghe nhau.
Quan trọng hơn hết, những tổ chức bảo vệ nhân quyền và những tổ chức xã hội dân sự giữ một chỗ đứng nhất định trong cuộc tranh cãi, để bảo vệ những giá trị cơ bản của con người, sự công bằng trong xã hội, bằng cách lên tiếng thay mặt những người yếu thế, những nạn nhân không có tiếng nói. Mạng xã hội tự do đã cho người dân lưu tâm đến vấn đề có cơ hội trao đổi với nhau và cả với các chính trị gia, các dân biểu. Nhiều dân biểu Châu Âu cũng lên mạng tranh cãi thẳng với người dân, thu thập ý kiến, hoặc tự biện hộ
Khác với mức tham dự rầm rộ của các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức lao động, quốc tế cũng như Châu Âu, trong thời gian hình thành CETA giữa EU và Canada, hay TTIP giữa EU và Mỹ (đưa tới CETA được Nghị viện phê chuẩn và TTIP bị đình chỉ và bãi bỏ), những tổ chức này có mặt rất yếu ớt cho EVFTA/IPA cho tới khi 2 hiệp định này đã được EU và Việt Nam ký kết, chỉ còn chờ Nghị viện Châu Âu phê chuẩn. Lý do là họ còn xa lạ với Việt Nam (so sánh với Mỹ và Canada) vì không có liên lạc với những tổ chức xã hội dân sự Việt Nam hiện đang trong tình trạng rất èo uột.
Cuối cùng, sát ngày phê chuẩn, nhìn ra những ảnh hưởng tương tác đôi bên, họ mới thấy cần phải lên tiếng.
– Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) đã đưa đơn khiếu nại trước bà O’Reilly, Thanh tra Liên Hiệp Châu Âu, vì lý do Ủy ban Châu Âu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trong bối cảnh đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam. Phán quyết của bà Thanh tra ngày 26/02/2016 rằng đây là một sai phạm quản lý nghiêm trọng, bị Ủy ban Châu Âu lấy cớ cuộc đàm phán đã đi qúa xa để không thực hiện được và họ đã có tham khảo ý kiến của một vài tổ chức phi chính phủ. Điều này cho thấy Ủy ban Châu Âu cố tình lơ là vấn đề nhân quyền và những tổ chức bảo vệ nhân quyền đã vào cuộc tương đối trễ. Vào thời điểm này, ngoại trừ FIDH và VCHR, phía bảo vệ nhân quyền chưa có sự theo dõi nghiên cứu chương trình làm việc của Ủy ban Châu Âu hữu hiệu để đưa ra những đòi hỏi chính xác.
Phán quyết của bà Thanh tra không hiệu qủa cho thấy không có ràng buộc pháp lý hay kinh tế, thì phe phạm lỗi không bao giờ chịu sửa đổi trước những lời cảnh cáo suông.
– Những tổ chức chức nhân quyền quốc tế (thí dụ như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, VCHR, VETO !) và một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tại hải ngoại và trong nước đã bền bỉ đưa tin tức về những tù nhân lương tâm cho Nghị viện Châu Âu xin can thiệp, đưa đến nhiều nghị quyết của Nghị viện (nhiệm kỳ 8) đòi trả tự do cho những người này.
Tuy cả 8 cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam xảy ra mỗi năm một lần đều có nhắc tới tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam nhưng chỉ là lấy lệ, và một số nhà hoạt động trong nước đã từng được mời tới gặp Ủy ban Liên Hiệp Châu Âu cũng chưa từng lên tiếng phê bình những cuộc gặp gỡ vô bổ này.
Tình trạng này có thể được cắt nghĩa vì các nhà hoạt động trong nước nhìn Ủy ban Châu Âu là nơi ban bố, giúp đỡ. Cũng có người nhìn rõ mình bị lạm dụng nhưng không thể lên tiếng (Tiến sĩ Phạm chí Dũng đã bị bắt sau khi vừa lên tiếng). Trong khi đó, những tổ chức nhân quyền quốc tế nắm vị thế đòi hỏi Liên Hiệp Châu Âu một khi đã đưa những giá trị đạo đức phổ quát vào nền tảng của những hiệp định thương mại thì phải hoàn thành trách nhiệm bảo vệ những giá trị này.
– Tổ chức VETO ! đặc biệt đưa ra những đề nghị cụ thể với Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ 8 để hỗ trợ việc thực hiện các khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của EVFTA (1).
Sau cuộc bầu cử Nghị viện nhiệm kỳ 9, tổ chức VETO ! đã được mời đến điều trần trước Tiểu ban Nhân quyền.
Vì phía Việt Nam không có hành động nào cụ thể đáp ứng những đòi hỏi về nhân quyền, Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ 8 đã đình trệ tiến trình phê chuẩn EVFTA và hiệp định đã không được phê chuẩn trong nhiệm kỳ 8 Nghị viện như mong đợi.
Ngày 9/2/2020, chỉ một ngày trước bầu cử, 68 tổ chức xã hội dân sự Châu Âu mới vào cuộc gửi thư thúc dục Nghị viện Châu Âu không chấp thuận phê chuẩn EVFTA/IPA.
Trong tuyên bố chung, 68 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Attac, Friends of Earth, Foodwatch, Emmaus International, Global Campaign to Reclaim Peoples Sovereignty, Dismantle Corporate Power and Stop Impunity… nhận định EVFTA không đáp ứng rất nhiều vấn đề như giải quyết bất bình đẳng quyền lợi giữa đôi bên ký kết, bảo vệ công nhân, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu… cũng như thiếu những ràng buộc pháp lý rõ ràng và cần thiết. Ngoài ra Việt Nam là một nước độc đảng, không tôn trọng những quyền tự do dân sự (tự do ngôn luận, báo chí, lập hội…), không có một ngành tư pháp độc lập, nên không thể thích hợp với tự do thương mại. Một phần vì thời gian tính, thư đã không kịp gây ảnh hưởng trên sự quyết định của các dân biểu.
Trước sự phản đối đồng loạt của gần 100 tổ chức bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự, với những lý do đa dạng và chính đáng, dân biểu thuộc hai nhóm đảng Xanh/Liên minh Tự do Châu Âu (Verts/ALE) và Cánh tả Châu Âu Thống Nhất (GUE) xin tạm hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận để Nghị viện mới nhiệm kỳ 9 có thêm thời gian xem xét.
Đề nghị này đã bị phe đa số bác bỏ, với lý do Việt Nam đã đáp ứng phần nào một số điều kiện EU đặt ra dựa trên những phê bình, phản đối của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Tuy vậy, trong tương lai, những thiếu sót của EVFTA do các tổ chức bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự quốc tế nêu ra, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để là nền tảng cho Nghị viện Châu Âu theo dõi và kiểm soát khi EVFTA đi vào hoạt động.
Thục Quyên
Nguồn : VNTB, 23/02/2020
Chú thích :
(1) Loại trừ tin nhiễu liên quan tới EVFTA
https://baotiengdan.com/2019/05/24/loai-tru-tin-nhieu-lien-quan-toi-evfta/
*******************
Thục Quyên, VNTB, 24/05/2019
EVFTA là chữ tắt của European Union- Vietnam Free Trade Agreement, tức Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam.
Mạng lưới Người bảo vệ Nhân quyền VETO ! đã tổ chức một buổi thuyết trình ngày 18/05/2019 tại Bad Vilbel (gần Frankfurt), nhằm đưa tin tức chính xác liên quan đến những ràng buộc nhân quyền trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam (1), đồng thời trình bày những cơ sở pháp lý VETO ! đã dựa vào để vận động hữu hiệu với Liên Hiệp Châu Âu trong một năm rưỡi qua, hầu đưa cao trọng trách của EVFTA trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
EVFTA và những ràng buộc nhân quyền
Nói tới Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam EVFTA thì phải nói tới :
– PCA (Comprehensive Partnership and Cooperation Framework Agreement) Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện,
– FTA (Free Trade Agreement) Hiệp định Thương mại và
– IPA (Investment Protection Agreement) Hiệp định Bảo hộ Đầu tư
PCA là hiệp định với khung luật và cơ chế hoạt động ràng buộc vững chắc về Nhân quyền. FTA và IPA chịu sự ràng buộc nhân quyền định rõ trong PCA và đồng thời những cam kết đối với những luật nhân quyền quốc tế.
Vi phạm nhân quyền là vi phạm đến bản chấtcủa PCA, FTA và IPA.
Như vậy, chiếu điều 57 PCA, vi phạm bản chất của PCA, FTA và IPA có thể dẫn đến việc chế tài, kể cả ngưng thực hiện một phần hay toàn bộ những Hiệp định FTA và IPA.
Chỉ sau khi được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, FTA mới thực sự đi vào hiệu lực
FTA cần sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu
IPA cần sự phê chuẩn của tất cả 28 quốc hội của các quốc gia thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu (27 quốc gia sau Brexit).
Hiện nay tin đồn EVFTA (FTA và IPA) có thể được "thông qua" hoặc " ký kết" chỉ vô tình hay cố ý gây ra hiểu lầm. Đây chỉ là dự tính của Hội đồng Bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu đem FTA và IPA ra cứu xét vào ngày 28/05/2019 để quyết định có cho phép ký hay không. Và dù quyết định thuận, dù những cơ quan trách nhiệm có gặp gỡ để ký kết, FTA và IPA cũng chưa có hiệu lực.
FTA phải chờ Nghị viện Châu Âu phê chuẩn và IPA phải chờ được toàn thể quốc hội các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn. Việc phê chuẩn IPA có thể cần nhiều năm. Do đó mọi chú ý hiện nay phải nên được dồn vào quyết định của Nghị viện Châu Âu đối với FTA
VETO ! hỗ trợ việc thực hiện những khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của Hiệp định EVFTA
Sự tôn trọng các quyền con người là một bộ phận quan trọng của EVFTA và vi phạm các quyền này là một vi phạm nguyên tắc của thỏa thuận.
Kể từ khi triển khai thực hiện Hiệp định PCA vào năm 2012 và kể từ khi kết thúc đàm phán EVFTA vào năm 2016, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi một cách đáng kể : số lượng người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ và bị kết án vẫn đang tăng đều đặn, dù trong lĩnh vực tự do tôn giáo, ý kiến, báo chí hoặc hiệp hội, khiến chính Nghị viên Châu Âu đã lên tiếng đặt vấn đề rất nhiều lần.
1. Trong tình huống này, quyết định của EU phải được dựa vào các hành động chứ không phải là lời hứa của Việt Nam trong quá trình phê chuẩn EVFTA.
2. VETO ! đưa ra 4 yêu cầu để hỗ trợ việc thực hiện các khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của Hiệp định
Điều 1. EU chỉ nên phê chuẩn EVFTA sau khi Việt Nam phê chuẩn ba công ước cốt lõi ILO 87, 98 và 105, và ban hành luật lao động, cũng như luật công đoàn hoặc hiệp hội phù hợp.
Công ước ILO 87 về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập phải được ký đầu tiên để bảo đảm việc thực thi đứng đắn những công ước – 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và – 105 về chống lao động cưỡng bức
Điều 2. Trả tự do trướckhi ký EVFTA cho tất cả các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam đã bị bắt hoặc bị kết án kể từ khi hoàn tất PCA, đặc biệt là những người trong danh sách quan tâm của Nghị viện Châu Âu.
Điều 3. Phải thiết lập một cơ chế đền bù và giúp đỡ nạn nhân trong trường hợp bị tước đoạt bất hợp pháp quyền sở hữu bất động sản hoặc tài sản di động.
Điều 4. Phải thiết lập cơ chế đánh giá tác động của các phiên Đối thoại Nhân quyền EU-VN, với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ độc lập (NGO).
Cơ chế này (nhân quyền) phải được thêm vào các cơ chế hiện hành đánh giá những chính sách thương mại của EVFTA. Trong trường hợp vi phạm nguyên tắc điều 57 của PCA, trong đó bao gồm các vi phạm nhân quyền, phái đoàn Đối thoại nhân quyền phải khuyến cáo Ủy ban Hỗn hợp EU-VN áp dụng các biện pháp thích hợp để sửa sai và tránh tái phát
Tình trạng hiện nay
Dưới áp lực của những xã hội dân sự và một số dân biểu Nghị viện Châu Âu, ngày 10/10/2018, Ủy ban INTA (International Trade-Thương mại Quốc tế) của Nghị viện Châu Âu đã tổ chức một buổi điều trần công khai về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam (2).
Những dân biểu giữ các chức vụ then chốt trong các ủy ban của Nghị viện Châu Âu đã lên tiếng mạnh mẽ, đưa vấn đề tôn trọng cũng như bảo vệ nhân quyền là điều kiện phải có, để Nghị viện Châu Âu có thể phê chuẩn EVFTA.
Vì phía Việt Nam không có hành động nào cụ thể, tiến trình phê chuẩn đã bị đình trệ. Nghị viện Châu Âu nhiệm kỳ 8 đã ngưng nhóm họp và Liên Hiệp Châu Âu sẽ bầu nghị viện mới từ ngày 23 tới 26/05/2019.
Sau bầu cử, Nghị viện nhiệm kỳ 9 sẽ cần thời gian để tổ chức (3) :
Ngày 24/06/2019 Các khối đảng thông báo chánh thức thành phần của họ
Ngày 01/07/2019 Nghị viện nhiệm kỳ 8 chính thức chấm dứt nhiệm kỳ
Ngày 02/07/2019 Lễ bàn giao giữa các Nghị viện nhiệm kỳ 8 và 9
Và cho tới tháng 10/2019 là thời gian để thành lập những Ủy ban để bắt đầu làm việc.
Dự tính hiện nay là mùa thu 2019 Nghị viện nhiệm kỳ 9 mới có thể họp bàn về EVFTA.
Trước đó, những nhóm xã hội dân sự, những tổ chức phi chính phủ quan tâm đến khía cạnh nhân quyền của EVFTA, nên tránh mất thì giờ vì những tin nhiễu và liên lạc sớm để vận động các nghị viên trúng cử.
Thục Quyên
Nguồn : Tiếng Dân, 25/05/2019
_____________________________
(1) EVFTA : Cơ hội hành động (Phần1và Phần 2)
(2) Giá trị Nhân quyền trong buổi điều trần về EVFTA
(3) http://www.europarl.europa.eu/news/en/press-room/elections-press-kit/0/key-dates-ahead
Tại sao Liên Âu thông qua Hiệp định thương maị tự do với Việt Nam ?
Vũ Ngọc Yên, VNTB, 17/02/2020
Vì những lý do gì mà EU laị phê chuẩn một Hiệp đinh quan trọng như vậy với một chế độ cộng sản ?
Vào ngày 12/02/2012 Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữ Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam. Theo kết quả biểu quyết, EP đã thông qua EVIPA với tỷ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng. Trong khi đó, EVFTA được thông qua với tỷ lệ 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Như vậy sau nhiều năm thương thảo, rà soát pháp lý và giải quyết nhiều phát sinh liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn, Hiệp định EVFTA đã được đa số Nghị sĩ Châu Âu chấp thuận.
Qua các cuộc đối thoại Nhân quyền giữa đại diện EU và chính quyền cộng sản Việt Nam, tin tức và tài liệu của các tổ chức xã hội dân sự Việt nam về tình trạng tù nhân chính trị, thảm trạng 39 người Việt bị chết cóng trong thùng xe tại Essex vào ngày 23/10/2019 trên đường tìm việc làm ở Anh quốc cũng như thảm sát Đồng Tâm-Hà nội vào ngày 09/01/2020, Nghị viện Châu Âu hầu như đã được thông tin và nắm vững về thực trạng chính trị và Nhân quyền ở Việt Nam.
Trong cuộc biểu quyết, 192 Nghị sĩ đã bỏ phiếu chống phê chuẩn Hiệp định vì những tiêu chuẩn bảo vệ quyền lao động, nhân quyền và môi sinh dưới chế độ độc tài, độc đảng ở Việt Nam chưa được đáp ứng. Ngoài ra còn có 40 phiếu trắng của những nghị sĩ còn nghi ngờ những cam kết của cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên Hiệp định EVFTA cuối cùng đã được thông qua.
Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua EVFTA trong phiên họp sắp tới vào tháng 5/2020. Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng sau khi hai bên Việt Nam và EU có thông báo chính thức về việc đã hoàn thành các quy trình pháp lý. EVFTA được Ủy ban Châu Âu mô tả là thỏa thuận tự do thương mại tham vọng nhất từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển.
Sự kiện này đã đặt ra câu hỏi vì những lý do gì mà EU laị phê chuẩn một Hiệp đinh quan trọng như vậy với một chế độ cộng sản ?
1. Lợi ích kinh tế và thương mại
Trước hết, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hai bên EU và Việt Nam cùng có lợi với việc dẹp bỏ 99% hàng rào thuế quan. Hiệp định cũng cắt giảm thủ tục hành chính và làm giảm bớt gánh nặng hành chính, một yếu tố then chốt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Châu Âu. Đây là hiệp định thương mại hiện đại và đầy tham vọng đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển.
EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019 ; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD).
Ủy ban Châu Âu nhận định Việt Nam có một nền kinh tế phát triển nhanh và cạnh trạnh. Đến năm 2035, Ủy ban Châu Âu tính toán thỏa thuận thương mại tự do này dự kiến có khả năng nâng kim ngạch xuất khẩu của EU thêm 15 tỷ Euro/năm.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, EVFTA sẽ góp phần giúp Tổng sản lượng nội điạ (GDP) của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% trong giai đoạn đến năm 2023, 4,57– 5,3% trong bốn năm tiếp theo và 7,07 – 7,72% trong 2029– 2033. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ, dự kiến tăng thêm gần 43% vào năm 2025 và khoảng 44% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA.
Thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU
(Đơn vị : triệu USD)
Năm |
Xuất khẩu |
Nhập khẩu |
Xuất nhập khẩu |
|||
|
Trị giá |
Tăng (%) |
Trị giá |
Tăng (%) |
Trị giá |
Tăng (%) |
2015 |
30.940,1 |
10,77 |
10.433,9 |
17,16 |
41.374,0 |
12,31 |
2016 |
34.007,1 |
9,92 |
11.063,5 |
6,03 |
45.070,7 |
8,93 |
2017 |
38.336,9 |
12,75 |
12.097,6 |
8,57 |
50.434,5 |
11.72 |
2018 |
41.885,5 |
9,42 |
13.892,3 |
13,95 |
55.777,8 |
10,59 |
2019 |
41.546.6 |
-0,81 |
14.906,3 |
7,30 |
56.452,9 |
1,21 |
(Nguồn : Tổng Cục Hải quan)
2. Tầm quan trọng về địa chính trị
Tại Châu Âu, những tác động của cuộc chiến thương mại và quyết định của Anh rời khỏi Liên Minh Châu Âu (Brexit) đã kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của các nước trong Liên Minh Châu Âu (EU). Nhưng hơn hết nó đang làm thay đổi cục diện địa chính trị, làm lung lay nền tảng cán cân quyền lực tại Châu Âu, buộc EU phải định hình lại vai trò của liên minh trên thế giới.
EU đánh giá Châu Á, đặc biệt Đông Nam Á là khu vực đang phát triển và là trọng tâm của một chiến lược mới hướng về Châu Á, nên EU muốn xây dựng mối liên kết sâu rộng đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực thông qua quan hệ thương mại và quốc phòng.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự biến động và căng thẳng gia tăng trên mặt trận thương mại…EVFTA / EVIPA có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình lâu dài để đạt tới mục đích là hiệp định thương mại với khối ASEAN. Mọi hành trình đều bắt đầu bằng một bước đầu tiên trên đường tiến đến mục đích dài hạn của EU. Việc phê chuẩn EVFTA / EVIPA chính là bước quan trọng đầu tiên này.
Ngoài ra, EU hiện đang gặp khó khăn tìm đồng thuận giữa các quốc gia thành viên EU cho những vân đề : biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhập cư, thành lập quân đội riêng cho EU tránh lệ thuộc Minh ước NATO, xây dựng đường lối kinh tế, ngoại giao độc lập để tránh áp lực của các cuộc xung đột giữa Mỹ, Nga và Trung cộng.
Chiến lược của EU trong giai đoạn 2019 – 2024 cũng đã nêu rõ một số điểm liên hệ đến Châu Á mà EU sẽ tập trung theo đuổi :
1) xây dựng nền quốc phòng của EU đủ sức tự bảo vệ mình, trong đó nỗ lực đầu tiên là xúc tiến triển khai Quỹ quốc phòng Châu Âu giai đoạn 2021-2027
2) EU sẽ triển khai cố vấn quân sự tại nhiều phái đoàn ngoại giao của liên minh này ở Châu Á để thực hiện mối liên kết hơn nữa về các vấn đề an ninh của Châu Âu và Châu Á theo chiến lược kết nối Âu-Á, bước đầu sẽ triển khai phái đoàn cố vấn quân sự bên cạnh ASEAN ở Jakarta –Indonesia.
3. Ràng buộc cộng sản Việt Nam vào việc thi hành các quyền dân sự chính trị và nhân quyền.
Giai đoạn đàm phán hiệp định đã kích hoạt những cải cách quan trọng ở Việt Nam. Những cải tiến chính sách, bao gồm phê chuẩn các Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như xây dựng lộ trình thực hiện cải cách Bộ luật Lao động, đã được công nhận trên toàn cảnh chính trị ở Châu Âu.
Chương Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) trong hiệp định EVFTA đã dành được nhiều chú ý. Chương này bao gồm các quy định về :
Biến đổi khí hậu
Các bên cam kết sẽ thực thi, hợp tác nhằm đạt được các mục đích liên quan đến biến đổi khí hậu được quy định trong một số hiệp định quốc tế về môi trường gồm Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992, Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước UNFCCC và Hiệp định Paris. Các Bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng gồm :
i) xây dựng, thực thi và vận hành các cơ chế định giá các-bon,
ii) thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng,
iii) tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo.
Lao động
Cam kết tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến điều kiện trong nước. Ngoài ra, các Bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được phê chuẩn.
Minh bạch hóa
Các Bên phải công khai, minh bạch các vấn đề gồm : quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, các biện pháp liên quan đến bảo vệ môi trường có thể ảnh hưởng tới thương mại đầu tư ; đối thoại, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thực thi các chiến lược, chính sách, quy định pháp luật về các hiệp định đa phương về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản và tài nguyên biển ; và đảm bảo sử dụng các thông tin và bằng chứng khoa học, các hướng dẫn, tiêu chuẩn quốc tế một cách thích hợp trong quá trình xây dựng và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường.
Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU phát biểu – "Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia". "Đây là lý do vì sao Nghị viện EU bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo tiếng nói của EU có sức mạnh hơn trước".
Với hiệp định EVFTA, EU sẽ đáp ứng nhu cầu về động lực và chất xúc tác cho cải cách và thay đổi ở Việt Nam cũng như tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với nhân quyền ở Việt Nam.
4. Sáng kiến chuyển hoá Việt Nam
Trong nhiều thập niên qua chúng ta cổ súy đường lối chống đối, bất hợp tác và cô lập chế độ cộng sản. Đường lối này không mang lại thành công nhiều như chúng ta mong muốn. Nay tình hình trong bối cảnh hợp tác quốc tế (Hiệp định thương mại CPTPP và EVFTA) đang mở ra những triển vọng đưa đất nước vào con đường phát triển và dân chủ hoá. Nó đòi hỏi đường lối mới, phương cách mới linh hoạt hơn.
Đề nghị một Sáng kiến chuyển hoá thông qua can dự dưới các dạng :
– Thành lập các tổ chức văn hoá, công đoàn và kinh tế.
– Tham gia bầu cử cũng như tự ứng cử trong các cuộc bầu cử làng, xã, huyện, quân, tỉnh thành.
– Vận động, thông tin và liên hệ với các cơ quan ngoại giao, truyền thông của các quốc gia thành viên trong Liên minh EU.
– Lập cơ sở tư vấn pháp luật, giám sát việc thi hành Hiệp định thương mại.
Sáng kiến chuyển hóa không đi ngược lại mục tiếu đấu tranh của đường lối trước đây trong công cuộc giải thể chế độ độc tài, độc đảng. Đường lối mới chỉ đề ra những phương cách mới thích ứng hoàn cảnh hiện tại và tương lai của đất nước.
Sáng kiến chuyển hóa sã hiện thực vận hội dân chủ cho đất nước vì tiến trình phát triển và dân chủ hoá do chính chúng ta tham gia chủ động. Với Sáng kiến chuyển hóa, xã hội dân sự sẽ là đối tác quan trọng song song với đối tác quốc tế và chinh quyền cộng sản. Sự hợp tác quốc tế nhằm giúp Việt nam phát triển kinh tế. Trước đây không có sự tham gia của xã hội dân sự đã dẩn đến hậu quả tiêu cực là đất nước có đổi mới mà chế độ độc tài vẫn ngự trị. Nay xã hội dân sự nhập cuộc, tình hình sẽ thay đổi.
Nói tóm lai, tham gia vào đời sống kinh tế, văn hoá, chính trị sẽ giúp xã hội dân sự có cơ hội hợp tác quốc tế và liên kết với nhiều thành phần cấp tiến trong và ngoài đảng cộng sản trong các dự án ích quốc, lợi dân.Cũng thông qua tham gia, xã hội dân sự có nhiều chứng cớ xác thực để thông tri cho thế giới hiểu thêm về các tệ trạng tham nhũng, môi sinh, nhân quyền và dân quyền. Có tham gia, xã hội dân sự mới có quyền biểu lộ công khai và chính đáng trong các chiến dịch phản kháng chính quyền (biểu tình, đình công, bãi khoá)... như trong trường hợp Hồng Kông.
Vũ Ngọc Yên
Nguồn : VNTB, 17/02/2020
******************
Bao giờ sửa luật để có quyền tự do công đoàn ?
Hiền Vương, VNTB, 17/02/2020
Những hồ hởi về quyền tự do công đoàn khi CPTPP được ký kết và hiệu lực, cho tới EVFTA, song lại chưa thấy việc lưu ý là nếu vẫn không sửa Luật Công đoàn hiện hữu thì khó thể có quyền tự do công đoàn.
Cho tới nay ở Việt Nam chỉ có một công đoàn duy nhất là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, được định nghĩa là một tổ chức chính trị – xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, và quản lý của Nhà nước thông qua Luật Công đoàn.
Quan sát các bàn luận thời gian qua ở các kỳ họp Quốc hội lẫn những nghị quyết được ban hành từ phía cơ quan Đảng như Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị…, đều chưa thấy đề cập sửa đổi Luật Công đoàn và cập nhật tính tương thích về mặt Hiến pháp của quyền tự do công đoàn.
Nhà báo Phạm Chí Dũng lúc còn được quyền tự do viết lách, ông đã cảnh báo trong một bài viết đăng trên VOA, "Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam có thể sẽ phải nhận thêm một bài học đắt giá nữa do thái độ cả tin thái quá đối với một chính thể đã có quá nhiều bài học để chẳng xứng đáng nhận được một chút tin cậy nào về ‘cải thiện nhân quyền’ (…) Hãy nhớ lại cuộc điều trần về chủ đề EVFTA – nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ. Khi đó, bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể" (1).
Có đồn đoán, một trong số lý do chính khiến nhà chức trách phải bắt giữ ông Phạm Chí Dũng vào tháng 11 năm ngoái, vì ngại ngần ông sẽ tiếp tục mạnh miệng kêu gọi cho các quyền nhân sự, như quyền tự do công đoàn, quyền tự do báo chí, quyền tự do lập hội, quyền tự do biểu tình… như một áp lực về chính sách trong các điều khoản ràng buộc cho thỏa thuận ký kết các hiệp định thương mại tự do (FDA).
Giờ thì EVFTA đã ký kết trong bối cảnh dịch bệnh virus corona từ Trung Quốc đang lây lan mạnh toàn cầu. Thoạt nhìn có vẻ tạm thời mọi câu chuyện về nhân quyền từ EVFTA được gác lại trước cơn khủng hoảng dịch bệnh. Song nếu nhìn tường tận hơn, không khó để nhận ra rằng đảng cộng sản Việt Nam sẽ lâm vào cảnh bị chỉ trích mạnh mẽ, nếu như lại có cách hành xử trong dịch bệnh giống như quốc gia cùng thể chế cộng sản là Trung Quốc.
Trong tình cảnh lúc này, nhân quyền không là chuyện của sắc màu chính trị, mà đó là quyền của người dân phải được biết sự thật về dịch bệnh, quyền phải được biết vì sao lại xuất khẩu trang y tế sang Trung Quốc, và phó mặc dân tình Việt Nam khốn đốn trong tìm kiếm mua khẩu trang y tế ?
Có thể quyền tự công đoàn còn xa xôi, nhưng quyền được biết trong bối cảnh dịch bệnh chính là quyền được sống mà người dân cần phải được có đầy đủ ngay lúc này.
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 17/02/2020
(1) https://www.voatiengviet.com/a/evfta-cong-uoc-87-98-cong-nhan/4935870.html
Hiệp định thương mại tự do sẽ mở rộng cửa thị trường Liên Hiệp Châu Âu (EU) cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản. Nhưng vấn đề là các doanh nghiệp và nông gia Việt Nam có đáp ứng được các tiêu chuẩn rất gắt gao của các nước Châu Âu hay không.
Gạo Việt Nam xuất khẩu vào Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị canh tranh ráo riết - Ảnh minh họa
Trong cuộc họp toàn thể ngày 12/02/2020 tại Strasbourg, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVIPA), vốn đã được hai bên chính thức ký kết ngày 30/06/2019.
Được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn, EVFTA sẽ có hiệu lực một tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau đã kết thúc quá trình thủ tục về pháp lý. Riêng hiệp định EVIPA thì cần phải được Quốc hội của từng nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thông qua.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, với kim ngạch trao đổi mậu dịch lên đến 50 tỷ euro/năm về hàng hóa và 4 tỷ euro về dịch vụ. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, tuy vậy, thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang EU hiện mới chỉ chiếm khoảng 2%.
Ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay lập tức, phần còn lại sẽ dần dần được miễn thuế hết trong vòng 10 năm. Ở chiều ngược lại, 71% thuế quan hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ ngay, trong khi số còn lại sẽ được loại bỏ dần trong 7 năm. Tuy nhiên, riêng về nông phẩm, xuất khẩu miễn thuế các mặt hàng "nhạy cảm" của Việt Nam như gạo, tỏi và trứng sẽ bị hạn chế. Về các chỉ dẫn địa lí đối với sản phẩm, 169 mặt hàng đặc trưng của EU sẽ được bảo vệ tại Việt Nam. Ngược lại, 39 sản phẩm của Việt Nam sẽ được bảo vệ tại EU.
Nhưng để tận dụng được hiệp định EVFTA để chinh phục thị trường EU, nông dân, doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng để đáp ứng những tiêu chuẩn gắt gao của thị trường này. Thị trường EU là một trong những thị trường có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt với nông sản, thủy sản, EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững, an sinh động vật. Trong khi đó, việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn có nhiều vấn đề.
Chính vì vậy, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia nông nghiệp, nghe tin hiệp định EVFTA sắp được phê chuẩn, nông dân lẫn doanh nghiệp Việt Nam vừa mừng, vừa lo :
"Các doanh nghiệp phấn khởi, người nông dân lại càng phấn khởi hơn, bởi vì đây là dịp để xuất khẩu hàng của Việt Nam sang Châu Âu với một cái giá phải chăng, đồng thời được ưu tiên. Nhưng bà con nông dân mình cũng rất lo, và các doanh nghiệp Việt Nam thì càng lo hơn, bởi vì mình không thể sản xuất như từ trước đến giờ, vốn đã quen sử dụng rất nhiều phân bón. Từ chỗ sử dụng nhiều phân bón như thế, sâu bệnh lại càng được "quyến rũ" để tấn công các nông sản của mình, từ hạt lúa cho đến trái cây các loại.
Tôi đã nói chuyện với nhiều doanh nghiệp, và cũng đã xuống nông thôn nói chuyện với bà con nông dân, để nói là không thể nào tiếp tục sản xuất như trước. Trước đây thì chúng ta cố gắng làm thế nào để có năng suất tốt để bán đi, còn bây giờ, tăng năng suất là một chuyện, nhưng làm sao phải sản xuất được sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm mới là vấn đề khó.
Tôi có nói với bà con nông dân là tôi đã tiếp xúc rất nhiều khách hàng bên Châu Âu sang Việt Nam làm việc. Họ đều nói rất mừng là Châu Âu dừng nhập khẩu từ Campuchia và từ Myanmar, cho nên Việt Nam được mời vào hiệp định thương mại tự do này. Nhưng tất cả các khách hàng của Châu Âu đều biết là sản phẩm của Việt Nam chứa rất nhiều hóa chất, nhất là những hóa chất cấm mới nhất của Châu Âu, thành ra Việt Nam đừng có tưởng muốn xuất cái gì là xuất.
Bà con nông dân nghe như vậy thì họ rất lo, bởi vì tập quán từ 40 năm nay là đã quen bón rất nhiều phân để có năng suất cao, nhưng bón phân thì rất mất cân đối, phần lớn là chỉ bón phân đạm. Đất của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đất của Việt Nam nói chung khi chỉ được bón phần lớn là phân đạm, thì các chất khác phải được cung cấp cho cây trồng, cho nên cây trồng phải hút các chất khác từ trong đất ra. Năm này sang năm kia thì những chất khác đó, nhất là những chất dư lượng, không còn nữa, dẫn đến hiện tượng đất bị "chai". Bà con nông dân càng bón nhiều phân đạm, thì càng thấy là sâu bệnh xuất hiện rất nhiều, cho nên họ lại phải sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là sử dụng nhiều loại kháng sinh, là những chất mà các nước khác trên thế giới không muốn hiện diện, tồn dư trên nông sản của họ.
Ở Việt Nam bây giờ chúng tôi đang dấy lên một phong trào để bà con nông dân hiểu cách bón phân thế nào nhằm khôi phục tình trạng nguyên thủy của đất của mình, tức là làm cho nó không chai như hiện nay nữa. Muốn như thế thì không được sử dụng phân hóa học, và từ đó thì sẽ không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất kháng sinh. Bà con nông dân phải từ bỏ tập quán "ghiền" chất hóa học, chuyển sang một phương pháp mới, sử dụng các loại phân vi sinh, phân sinh học.
Bà con nông dân nay đã ý thức được vấn đề này. Vấn đề bây giờ là phải sử dụng những phân vi sinh nào có hiệu quả nhất, mà ít tốn kém nhất, đem đến giá thành sản xuất thấp hơn, và các loài sâu bệnh cũng sẽ không còn nữa, để mà bà con nông dân không sử dụng nhiều chất hóa học trên đồng ruộng".
Hàng xuất khẩu sang EU còn phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Vấn đề là nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA. Mặt khác, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi cách làm việc, không thể tiếp tục thu mua nguyên liệu nông sản mà không quan tâm đến khả năng truy được nguồn gốc :
"Đây là một thách thức rất lớn đối với bà con nông dân Việt Nam, đồng thời là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thường thường là mua nguyên liệu từ nông dân một cách trôi nổi, thông qua các trung gian, mà không có việc kiểm soát ngay tại đồng ruộng, và vì thế không thể truy nguyên nguồn gốc nguyên liệu mà mình sử dụng.
Về mặt khoa học, chúng tôi cùng với các chuyên viên của bộ Nông Nghiệp phải hết sức ráo riết, một mặt khuyến cáo các doanh nghiệp phải hợp tác, liên kết với bà con nông dân để nắm được nguồn gốc của nguyên liệu đưa vào dây chuyền chế biến sản phẩm. Đồng thời chúng tôi nói bà con nông dân cũng phải hợp tác với nhau để làm theo những quy trình khoa học do các nhà khoa học đưa ra, từ việc sử dụng các phân bón vi sinh, phân bón sinh học, cho đến việc quản lý đồng ruộng, giảm bớt áp lực của sâu bệnh".
Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, sau khi gặp khách hàng Châu Âu, biết được là họ sẵn sàng mua bao nhiêu khối lượng sản phẩm, doanh nghiệp mới trở về vùng nguyên liệu của mình để ký hợp đồng với nông dân và phải kết hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp địa phương, để giúp nông dân, từ khâu đưa giống mới về, cho đến xác định quy trình kỹ thuật, bón loại phân nào, bón lúc nào, liều lượng bao nhiêu. Nhưng nông dân cũng phải liên kết với nhau :
"Nông dân bây giờ phải là những nông dân đổi mới, phải liên kết với nhau thành các hợp tác xã, để có những diện tích lớn và doanh nghiệp có thể vào để giúp họ canh tác có hiệu quả cao hơn và với giá thành giảm đi. Từ đó, nông dân sẽ giàu hơn và doanh nghiệp thì bảo đảm có nguyên liệu rất tốt, có thể truy nguyên được nguồn gốc. Doanh nghiệp không thể tiếp tục làm việc theo kiểu ký hợp đồng rồi đi mất tiêu, đợi đến lúc có sản phẩm rồi mới lại thu mua.
Có nhiều doanh nghiệp cũng nói là họ không có lực lượng cán bộ kỹ thuật để theo sát bà con nông dân, can thiệp để bảo đảm đồng lúa, vườn cây ăn trái đó sạch các loại côn trùng bệnh. Như vậy họ phải hợp đồng với một số thương lái, khuyến khích các thương lái này không chỉ thu mua một cách đơn thuần, mà cũng phải quản lý bà con nông dân và cũng phải ký hợp đồng với doanh nghiệp để làm hợp tác xã cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Các thương lái bây giờ cũng phải tập hợp lại để hướng dẫn cho bà con nông dân, để làm trọn nhiệm vụ của một hợp tác xã cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đây là kế hoạch sẽ được thực hiện rõ nét hơn trong vòng vài tháng tới đây, khi các khách hàng từ Châu Âu qua tìm sản phẩm. Có thể là trong quá trình gặp nhau, họ sẽ bàn bạc, để các doanh nghiệp Việt Nam nắm được nhu cầu về một sản phẩm nào đó. Kế đến các doanh nghiệp này sẽ xuống đồng ruộng, ở các tỉnh, các huyện, để bàn cụ thể kế hoạch sản xuất nguyên liệu".
Như vậy, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình đổi mới này. Trước đây lãnh đạo các cấp từ trung ương cho đến địa phương đều hô hào là nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, mà không cần biết có ai mua hay không. Còn bây giờ, các doanh nghiệp nắm được đầu ra như thế nào, rồi từ đó mới tổ chức lại cho nông dân sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra. Nếu Nhà nước nhiệt tình giúp nông dân và doanh nghiệp hoạt động, thì hành trình của nông sản xuất khẩu sang Châu Âu sẽ rất suôn sẻ.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 17/02/2020
Kỳ vọng EVFTA nhìn từ nền giáo dục hiện tại của Việt Nam
Mai Lan, VNTB, 16/02/2020
Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là : 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng. EVFTA được EU gọi là "thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển". Nghị viện Châu Âu tuyên bố rằng thỏa thuận thương mại với Việt Nam "có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền" trong tương lai.
Văn kiện Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020 - Ảnh minh họa
Câu hỏi đặt ra : thế nào là nhân quyền trong một quốc gia chưa có sự cạnh tranh về quyền quản trị quốc gia, chưa có sự cạnh tranh của các đảng phái chính trị, và lá phiếu của người dân vẫn dừng lại ở yêu cầu ‘Đảng cử – Dân bầu’, nghĩa là ‘bó đũa so cột cờ’ ?
Phạm vi hẹp hơn, kỳ vọng về EVFTA nếu nhìn từ nền giáo dục hiện tại của Việt Nam thì sẽ có diện mạo ra sao ?
Nhà báo Đặng Tâm Chánh, nguyên tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, vốn là một thầy giáo dạy văn cấp 3, có nhận xét như sau khi chúng ta thử đặt EVFTA vào góc nhìn giáo dục trong bối cảnh đang phải ứng phó với dịch virus Corona đến từ Trung Quốc : "Trong tình trạng độc canh, theo một học trình nhồi nhét, lại được quản lý và vận hành hết sức bao cấp, trình văn minh của thể chế giáo dục còn ở mức thấp cơ khí lắp ráp, nghỉ học một tuần lễ đã có thể diễn ra rối loạn. Nghỉ nhiều hơn phải cân lượng đến việc thủ tiêu kết quả của một năm học.
Đó là chưa kể tình trạng tư duy quản lý của kiểu xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị đang làm phát sinh ở các đô thị một chức năng máy móc khác của nhà trường, kiểu trại tập trung… giữ trẻ".
"Xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị" như nhận định của nhà báo và nhà giáo Đặng Tâm Chánh, cho nên diễn biến trong tuần qua về việc "nghỉ học hay đóng cửa trường" đã như một thứ đèn cù khi nhà nước toàn trị đó không thể đưa ra được quyết định cuối cùng.
Mặc dù ngay từ lúc mới ‘nhậm chức’ thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh miệng nói rất nhiều lần trong các bài phát biểu về một nền công nghiệp thời đại 4.0 ; song thủ tướng Phúc không lý giải được yêu cầu 4.0 ấy liệu có ‘tương thích’ với ‘hệ điều hành’ như nhận xét của nhà báo Đặng Tâm Chánh là "xã hội đơn nhất, nhà nước toàn trị" hay không ?
Nếu câu trả lời là có, thì phải hiểu sao đây khi một nhiệm kỳ chính phủ sắp đi qua, nhưng ngành giáo dục ở Việt Nam vẫn chưa chút nào ‘cập nhật’, hay có ý muốn ‘nâng cấp với bản sửa lỗi’ cho hệ điều hành hiện tại.
Khi dịch bệnh xảy ra với nhiều diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu, ngành giáo dục vẫn ở thế bế tắc khi chưa có hướng dẫn cụ thể việc đóng cửa nhà trường thì nhà trường, giáo viên, gia đình và các đối tượng liên quan khác phải làm gì nếu muốn duy trì việc học ?.
"Cũng như vậy trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật hiện tại, không gian số hoàn toàn có thể đáp ứng dịch chuyển chương trình năm học sang phiên bản số, thiết lập giao thức số của lớp học, trường học… để năm học luôn có thể hoạt động. Trong bất kỳ tình huống bất trắc nào khiến phải đóng cửa nhà trường, hoạt động giáo dục theo chương trình năm học vẫn có thể được duy trì, nhất là duy trì với tiêu chuẩn tối thiểu là bảo đảm bình đẳng, công bằng cho mọi học sinh. Đó cũng chính là một kiểu năng lực cần phải có của xã hội để thích ứng với những kiểu tai họa bất trắc được cho là sẽ thường xuyên xuất hiện". Nhà báo Đặng Tâm Chánh đề xuất.
Nếu nhìn về các dự báo cho triển vọng tốt đẹp mà EVFTA mang lại qua lăng kính hiện tại từ thực tế đang diễn ra trong nền giáo dục Việt Nam, xem ra "mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam" là một nhận xét quá đỗi lạc quan.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 16/02/2020
*******************
Quyền tự do công đoàn : từ WTO cho đến kỳ vọng của EVFTA
Võ Hàn Lam, VNTB, 16/02/2020
Nhiều ý kiến của người Việt lại hy vọng với những gì hứa hẹn cho việc ký kết EVFTA, sẽ giúp người lao động có được quyền tự do công đoàn ; qua đó sẽ góp phần thúc đẩy quyền tự do lập hội của người Việt Nam.
Người Việt lại hy vọng với những gì hứa hẹn cho việc ký kết EVFTA, sẽ giúp người lao động có được quyền tự do công đoàn ; qua đó sẽ góp phần thúc đẩy quyền tự do lập hội của người Việt Nam.
Bên cạnh sự hồ hởi như kể trên, không ít ý kiến ngờ vực vì các quyền dân sự này vốn bàng bạc trong rất nhiều thỏa thuận mà nhà nước Việt Nam đã ký kết, như lúc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến gần đây nhất và cũng được kỳ vọng nhiều nhất là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Giờ thì vừa có thêm EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam).
Cách đây 14 năm, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này, sau 11 năm chuẩn bị với 15 vòng đàm phán. Hơn một thập kỷ qua, tư cách thành viên WTO, nền kinh tế Việt Nam được gọi là gia nhập sân chơi toàn cầu, song trên thực tế vẫn là nền kinh tế gia công. Tiếp sau khi được công nhận là thành viên WTO, nhờ đó Việt Nam có thêm điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại tự do khác (FTA).
Con số thống kê được Bộ Công thương Việt Nam đưa ra, thì tiếp nối sau WTO, các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
Thế nhưng nếu xét về các quyền dân sự như quyền tự do công đoàn, quyền tự do lập hội mà nhà nước Việt Nam đã có thỏa thuận về tính nguyên tắc trong các FTA, cho thấy vẫn dừng lại ở mức hứa hẹn. Một kỳ vọng về đòn bẩy trong thay đổi mạnh mẽ thể chế quản trị quốc gia của Việt Nam từ những FTA ấy, vẫn mang tính lý thuyết.
Hệ lụy của diễn biến kể trên là nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn ở việc tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chậm, nhiều nơi vẫn dở dang. Lực lượng lao động tuy đông nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế về trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, năng suất lao động… Trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là tình trạng thành tích xuất khẩu luôn nằm ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Một vấn đề khác cần được công tâm xem xét ở đây cho mọi kỳ vọng liên quan đến quyền tự do công đoàn, quyền tự do lập hội thông qua những thỏa thuận như CPTPP, EVFTA là đảng chính trị ở Việt Nam có chấp nhận về các quyền đó của người dân Việt Nam hay không, và ở mức độ nào ?
Dẫn chứng cho nhận định nêu trên, từ một đoạn trích sau đây ở Báo cáo về "Tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế từ sau khi gia nhập WTO" của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
"(…) Các kết quả hội nhập kinh tế quốc tế nêu trên có một phần quan trọng là từ những định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững khi là thành viên của WTO ; Nghị quyết 22-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, và nhiều văn bản chỉ đạo liên quan khác.
Đặc biệt, vào tháng 11/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng thời điểm với Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, và Nghị quyết 24/2017/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, công tác định hướng, chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế gắn chặt và nhất quán hơn với những chủ trương lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế".
Cho đến nay, theo dõi hệ thống văn bản từ các tổ chức như Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị…, cho thấy chưa có bất kỳ nghị quyết nào về vấn đề quyền tự do công đoàn, quyền tự do lập hội, quyền tự do chính trị.
Như vậy, xem ra mọi kỳ vọng về EVFTA như nhiều bài viết trong thời gian gần đây về các quyền dân sự hiến định, hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn ra sao của đảng cầm quyền hiện tại, cũng như nhiệm kỳ mới từ đầu năm 2021 ở Việt Nam.
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 16/02/2020
Việt Nam cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức, công dân được tự do lập hội. Liên Âu sẽ đình chỉ thương mại nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Cùng với những ích lợi về kinh tế mà hai bên có được, Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên Âu (EVFTA) còn ràng buộc Việt Nam thay đổi tình trạng nhân quyền tồi tệ từ ngày cộng sản nắm quyền đến nay.
Các cá nhân, tổ chức đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam cần dựa vào các cam kết thay đổi của nhà cầm quyền Hà Nội để thúc đẩy cho một Việt Nam văn minh.
Liên Âu khẳng định đây là hiệp định tiên tiến nhất. Bởi lần đầu tiên tổ chức này ký hiệp định thương mại với một nước chỉ mới bắt đầu phát triển. Việt Nam còn nhiều cách biệt về kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Ngoài thương mại, nhà cầm quyền cộng sản còn phải cam kết về nhân quyền, môi trường…
Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU nói: “Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia”
Bởi chưa tin vào cộng sản Việt Nam mà EVFTA không được thông qua một cách dễ dàng. Trong số 633 của Nghị viện châu Âu tham gia có đến 192 người phản đối và 40 bỏ phiếu trắng. Hiệp định này cũng đã bị chậm lại vài năm do vi phạm nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, đã có nhiều tiếng nói, có cả hắn vận động cho việc chưa thông qua hiệp định này cho đến khi Việt Nam có những thay đổi về tình trạng nhân quyền trong nước. Nổi bật nhất 68 tổ chức phi chính phủ đã vận động cho việc Nghị viện Châu Âu không phê chuẩn hiệp định do sự bi đát về thực tế nhân quyền tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khi hiệp định được thông qua phải thấy ở đây một cơ hội thoát Trung. Việt Nam tránh được con đường mà các nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Philiphine, Myanmar đang đi vào sự lệ thuộc Trung Quốc.
Hắn đồng tình với tuyên bố của Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU: “Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia”. “Đây là lý do vì sao Nghị viện EU bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo tiếng nói của EU có sức mạnh hơn trước”.
Thực tế tại một số quốc gia trong khu vực đáng là bài học để cho mọi người Việt hy vọng.
Trong khi các nước dân chủ từ châu Á, qua châu Âu, sang châu Mỹ… còn ngại ngần với Campuchia và phản đối cách đàn áp đối lập của Hunsen, thì Trung Quốc không hề có thái độ này. Thay vào đó Trung Quốc dùng vốn vay để gây ảnh hưởng. Các nhà đầu tư từ Trung Quốc đã chi phối nhiều mặt trong xã hội Khơ Me. Campuchia trở thành đồng minh tin cậy nhất của Trung Quốc trên thế giới. Quốc gia này trở thành cánh tay nối dài của Trung Quốc, gây chia rẽ trong nội bộ các nước Đông Nam Á.
Chính sách gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên đất Lào cũng không khác mấy. Và họ đã thành công trong việc kéo Lào về phía mình từ tay Việt Nam.
Tại Myanmar, Trung Quốc từng là chỗ dựa về nhiều mặt của chính quyền quân sự trước đây. Tuy khi quốc gia này chuyển mình sang dân chủ, nhiều dự án đầu tư lớn của Trung Quốc sau đó đã được xem xét lại. Nhưng trước việc thế giới lên án việc thế lực quân sự tại Myanmar đàn áp người Rohingya. Trung Quốc vẫn không lên tiếng, dùng quyền phủ quyết. Họ đã trở thành chỗ dựa của Myanmar trong những hồ sơ quốc tế.
Philiphine quốc gia có sự mâu thuẫn gay gắt với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hãi. Tổng thống trong nhiệm kỳ trước đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài thường trực quốc tế và đã thắng. Tuy nhiên đến thời tổng thống Rodrigo Duterte thì lại quay cầu phục Trung Quốc. Ông Duterte quay sang Trung Quốc, Nga… bởi hai quốc gia này không lên án ông vi phạm về quyền con người, chuẩn mực luật pháp trong cuộc chiến chống lại việc buôn lậu ma túy.
Mạnh về kinh tế, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện một quốc gia tử tế, có trách nhiệm. Họ sẵn sàng cộng tác với các thể chế, nguyên thủ độc tài. Việc cho vay của Trung Quốc không ràng buộc các điều kiện về tự do, dân chủ, nhân quyền như các nước, định ước dân chủ phát triển khác. Trung Quốc sẵn sàng chi tiền để kéo các thể chế phản dân chủ về cùng phe.
Với Hiệp định EVFTA, ngoài sự hội nhập về kinh tế, việc được chơi cùng sân với các nước, tổ chức dân chủ, phát triển là cơ hội để Việt Nam thoát ra khỏi vòng tay Trung Quốc.
Nếu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thất hứa, các lực lượng tiến bộ cùng đi kiện họ, thúc đẩy liên Âu ngưng hiệp định. Doanh nghiệp, người dân chắc sẽ không chịu ngồi im để mất món lợi họ đang có được.
Võ Ngọc Ánh (16/2/2020)
EVFTA 401-192-40
Diễm Thi, VNTB, 13/02/2020
401 phiếu thuận, 192 phiếu chống, 40 phiếu trắng.
EVFTA, hiệp định thương mại tự do được Nghị viện Liên Âu chính thức thông qua.
Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng
Chúc mừng Việt Nam
Chúc mừng nhà nước Việt Nam và những người đã ủng hộ thông qua Hiệp định lần này. Đây là quả ngọt sau 10 năm, cả hai bên thương thảo, rà soát, chỉnh đổi các vấn đề để đi đến đồng thuận.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trên Facebook cá nhân bày tỏ, Liên Âu phê chuẩn với số phiếu cao đã cho thấy : Thế lực muốn phá EVFTA trong Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại !
Tiến sĩ Quang A là người tin rằng, khi EVFTA được thông qua sẽ có những ràng buộc nhân quyền nhiều hơn, và EVFTA sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc.
Hiệp định được thông qua là điều được dự đoán trước, nhiều bài viết trên Việt Nam Thời Báo cũng đề cập đến các yếu tố giúp cho EVFTA đi đến ‘quả ngọt’, bất chấp những ‘trục trặc kỹ thuật’ về nhân quyền.
Thực tế, chính những Nghị sĩ Liên Âu phản đối EVFTA cũng đề cập chính xác yếu tố trợ giúp thông qua.
"Các thỏa thuận giữa EU và Việt Nam chắc chắn rất quan trọng về mặt địa chính trị". – Nghị sĩ Heidi Hautala, Điều phối viên đảng Xanh/Liên Âu trong Ủy ban thương mại quốc tế tại Nghị viện Châu Âu nhận xét.
Không chỉ có lợi ích thương mại, mà cả vấn đề liên quan đến lợi ích hàng hải Biển Đông mà EU đang bắt đầu chú ý sát sâu hơn trong những năm gần đây, sau những trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm kiểm soát tuyến đường thương mại này.
EVFTA được thông qua tạo một điểm sáng về nhiều mặt, cả chính trị đối với một số chính trị gia, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Về cả mặt ‘thoát phụ thuộc Trung Quốc’ như nhiều người kỳ vọng. Và cho thấy một nền kinh tế hội nhập hơn trong tương lai.
Nhân quyền về đâu ?
Bên cạnh 402 phiếu thuận, thì có 192 phiếu chống.
192 này, cùng với phản ứng của Đảng Xanh đã cho thấy một sự quan tâm rất lớn từ nhóm nghị sĩ Liên Âu đến với tình hình nhân quyền Việt Nam. Chưa kể hơn 28 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước lên tiếng về Hiệp định này vào ngày 4/2/2020, và cho tới ngày 11/2/2020 đã có tới 68 tổ chức phi chính phủ lên tiếng (theo AFP).
Với sự phản ứng nhân quyền lần này, nhà nước Việt Nam liệu có cẩn trọng (kiêng dè) hơn trong thực thi nhân quyền thực chất trong nước theo đúng các cam kết đề ra, không chỉ dừng ở các thỏa thuận trong EVFTA, mà bao gồm cả các công ước nhân quyền trước đó ?
Dù sao đi nữa, sự phản ứng lớn của nhóm tổ chức phi chính phủ trong tháng 2 lần này cho thấy, nếu các hội đoàn dân sự trong nước nghiêm túc hơn trong rà soát và phản ứng với các vấn đề nhân quyền trong nước, thì có thể sử dụng tốt quy định, ‘trong trường hợp vi phạm nhân quyền, thỏa thuận thương mại có thể sẽ bị đình chỉ’.
Nghị sĩ Christophe Hansen của Luxembourg thuộc nhóm PPE (theo RFI tiếng Việt) giải tỏa những lo lắng về nhân quyền sau khi hoàn tất Hiệp định ngày 12/2, theo đó : Chúng ta có những điều khoản hạn chế áp dụng, có thể dựa vào đó để ngưng một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận. Và cũng có cơ chế để các tổ chức phi chính phủ tại chỗ có thể tham gia giám sát.
Nhưng ‘cơ chế’ nêu trên chỉ thành hiện thực nếu như bản thân các hội đoàn dân sự trong nước độc lập, tự chủ và thực sự trơn tru trong cùng nhau tương tác với phía Liên Âu trong tương lai. Còn ngược lại, đó chỉ là một chế tài rỗng.
Câu chuyện sẽ trở nên rắc rối hơn, liệu các tù nhân nằm trong mục ‘an ninh quốc gia’ có nằm trong phản ứng đối với Liên Âu ? Điều này chưa thực sự rõ ràng, có lẽ cần thêm một sự giải thích, làm rõ từ những người ủng hộ ‘phê chuẩn trước, nhân quyền sau’ với nhóm câu hỏi : chế tài nhân quyền trong EVFTA có giải quyết các tội trạng bị áp đặt bởi ‘an ninh quốc gia’. Và làm cách nào để thực thi chế tài đó ?
Đó là bài toán đặt ra cho những tổ chức dân sự trong nước, đặc biệt nhóm độc lập vốn vừa yếu về mặt nhân sự, vừa yếu khâu tổ chức, và còn kém trong tương tác nhân quyền thế giới.
Kết
Chúc mừng nhà nước Việt Nam, cũng là kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng để bền vững, thì cần phải nghiêm túc trong thực thi, thúc đẩy nhân quyền trong nước. Và một trong số đó phải giải quyết bài toán liên quan đến tội trạng pháp lý hình sự ‘an ninh quốc gia’, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền biểu tình, và vấn đề minh bạch điều tra Đồng Tâm.
Và cần nhất, thời kỳ sắp đến nên sớm thiết lập cơ chế đối thoại với người bất đồng chính kiến, và thể hiện sự khoan dung hơn đối với nhóm người này trong xã hội.
Diễm Thi
Nguồn : VNTB, 13/02/2020
********************
EVFTA : Nghị viện EU thông qua, Việt Nam và doanh nghiệp Châu Âu mừng vui
BBC, 12/02/2020
Nghị viện Châu Âu ngày 12/2 chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là : 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng
EVFTA được EU gọi là "thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển".
Nghị quyết của Nghị viện EU đi kèm EVFTA cũng được thông qua với tỉ lệ 416 ủng hộ, 187 chống, 44 trắng.
Với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu, 407 ủng hộ, 188 chống, 53 trắng.
Nghị quyết đi kèm Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) được thông qua với tỉ lệ 406 ủng hộ, 184 chống, 58 trắng.
Nghị viện Châu Âu tuyên bố rằng thỏa thuận thương mại với Việt Nam "có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền" trong tương lai.
Hồi tháng 2/2019, Nghị viện EU bỏ phiếu tương tự cho Hiệp định Tự do mậu dịch với Singapore, và kết quả là có 425 phiếu thuận, 186 chống và 41 vắng mặt.
Việt Nam là bạn hàng lớn thứ nhì của EU trong ASEAN, chỉ sau Singapore.
Trao đổi hàng hóa hai bên đạt 47,6 tỷ euro một năm, cộng thêm 3,6 tỷ giá trị dịch vụ.
Hiện EU có thâm hụt thương mại 27 tỷ euro trong trao đổi với Việt Nam, tính theo số liệu năm 2018.
Bước tiếp theo
Bây giờ, Hội đồng Châu Âu, theo thủ tục, sẽ thông qua thỏa thuận thương mại EVFTA.
Còn với hiệp định bảo hộ đầu tư, thì trước khi có hiệu lực, còn đòi hỏi quốc hội của từng quốc gia trong EU bỏ phiếu.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange, tuyên bố :
"Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia. Vì vậy Nghị viện bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận thương mại với Việt Nam.
Đây là lý do vì sao Nghị viện EU bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo rằng tiếng nói của chúng ta có sức mạnh hơn trước".
Ông Lange nói tiếp :
"Đây là điều đặc biệt quan trọng trước những vấn đề chúng ta không đồng ý với nhau, như vai trò của báo chí tự do hay quyền tự do chính trị (free press or political freedom).
Chúng tôi cũng mở rộng phạm vi để xã hội dân sự hoạt động. Công việc của chúng tôi từ nay là là sao thỏa thuận này được đem vào thực hiện".
(Xem thêm nội dung thông cáo cáo chí của EU về EVFTA, bản tiếng Anh).
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange
Tranh luận
Vào tháng Giêng, Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định này.
Phái đoàn Bộ Công thương Việt Nam do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu, hôm 28/1, đã dự một hội nghị tại Brussels.
Hội nghị này được tổ chức theo sáng kiến của Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA).
Nó nhằm thúc đẩy sự đồng thuận cao hơn đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA khi hai Hiệp định này được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu.
EVFTA gồm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).
Trong khi đó, 28 nhóm dân sự trong và ngoài Việt Nam đang kêu gọi Nghị viện chây Âu hoãn bỏ phiếu vì lý do nhân quyền.
Human Rights Watch nói cuộc bỏ phiếu nên hoãn lại cho tới khi Việt Nam "đồng ý đáp ứng các tiêu chuẩn đo đếm được, cụ thể để bảo vệ quyền lao động và nhân quyền".
Nhưng Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), phát biểu :
"Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị, tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam.
"Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền".
Theo thông báo của phía EU, "Việt Nam cam kết sẽ phê chuẩn hai luật mà Nghị viện EU yêu cầu, một là luật xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020), và hai là về tự do hội họp (freedom of association, 2023)".
Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA)
Những mốc thời gian chính của EVFTA
Tháng 10 năm 2010 : Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6 năm 2012 : Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12 năm 2015 : Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6 năm 2017 : Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9 năm 2017 : EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.
Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm :
- Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6 năm 2018 : Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) ; chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA ; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8 năm 2018 : Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17/10/2018 : Ủy ban Châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25/06/2019 : Hội đồng Châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.
Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).
Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).
Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.
Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Ô tô, xe máy Việt Nam, EU và tác động của EVFTA ?
EU hứa gì ?
EU cam kết loại bỏ thuế quan cho tất cả các sản phẩm ô tô, xe máy và phụ tùng ô tô, xe máy của Việt Nam nhập khẩu vào EU ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc theo lộ trình (dài nhất là 07 năm).
EU cam kết loại bỏ thuế cho Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với các dòng xe máy kéo, xe tải chuyên dụng, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy từ 50cc250cc.
Thuế quan đối với xe bus, ô tô con, ô tô tải, xe máy dưới 50cc sẽ được cắt giảm dần đều và được loại bỏ hoàn toàn sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Đây là nhóm phải chịu lộ trình loại bỏ thuế dài nhất. Các nhóm khác như xe máy trên 250 cc hay phụ tùng linh kiện xe máy có lộ trình loại bỏ thuế lần lượt là 5 năm và 3 năm.
Việt Nam hứa gì ?
Trong EVFTA, Việt Nam cam kết loại bỏ phần lớn thuế quan đối với các mặt hàng ô tô, xe máy, linh phụ kiện EU theo lộ trình tương đối dài (10 năm hoặc 7 năm). Tuy nhiên, đối với một số ít các dòng thuế linh kiện, phụ kiện ô tô, Việt Nam bảo lưu không cam kết loại bỏ thuế.
Theo cam kết này, ngoại từ dòng xe tải trên 45 tấn mà hiện đã đang áp dụng mức thuế 0%, Việt Nam không loại bỏ bất kỳ dòng thuế nào thuộc nhóm ô tô, xe máy và linh phụ kiện ô tô, xe máy ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần lớn các dòng thuế đều là cắt giảm dần đều và chỉ loại bỏ sau 7-10 năm.
Ngay cả đối với phụ tùng linh kiện xe máy, loại sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao thì lộ trình này cũng là 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Riêng đối với các mặt hàng ô tô, xe máy và phụ tùng đã qua sử dụng thuộc các nhóm 8702, 8703, và 8704, Việt Nam không đưa ra cam kết nào, việc nhập khẩu và thuế nhập khẩu sẽ hoàn toàn thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo từng thời kỳ.
Với mức cam kết này, so với EU, Việt Nam có sự bảo hộ đáng kể đối với ngành ô tô, xe máy nội địa thông qua việc giữ hàng rào thuế quan với lộ trình loại bỏ dài. Mặc dù vậy, mức cam kết này cũng là rất lớn đối với Việt Nam (do Việt Nam hiện đang áp dụng mức thuế MFN rất cao).
Nguồn : Sổ tay EVFTA và ngành ô tô, xe máy Việt Nam (WTO Center, VCCI, 2017)
******************
EU thông qua EVFTA bất chấp cảnh báo của giới nhân quyền và xã hội dân sự
VOA, 12/02/2020
Nghị viện Châu Âu đã thông qua Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) hôm 12/2/2020, bất chấp cảnh báo của một số thành viên Quốc hội Châu Âu về mối đe dọa đối với việc làm ở EU và của các tổ chức bênh vực nhân quyền và xã hội dân sự về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Các tổ chức bênh vực nhân quyền gần đây liên tục hối thúc EU hoãn lại tiến trình phê chuẩn EVFTA cho tới khi nào Hà nội cởi bỏ bớt những hạn chế đối với các quyền dân sự.
Hiệp định thương mại Tự do EU-VN (EVFTA) được Nghị viện Châu Âu thông qua hôm 12/2/2020.
Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được phê chuẩn hôm thứ Tư 12/2 tại thành phố Strasbourg của nước Pháp, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.
EVFTA gồm hai hiệp định, Hiệp định Thương mại (EVFTA), và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Được miêu tả là một thỏa thuận thương mại "đầy tham vọng và hiện đại nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển", EVFTA bao gồm các quy định có tính ràng buộc về khí hậu, và sẽ dần dà tháo gỡ hàng rào thuế quan giữa hai bên trong 10 năm tới. Những người ủng hộ EVFTA nói rằng thỏa thuận này là "một công cụ giúp bảo vệ môi trường và duy trì các tiến bộ xã hội tại Việt Nam".
Mục tiêu nhắm đến của EVFTA là loại bỏ tất cả thuế quan đánh trên hàng hóa giữa hai bên, trong khi cổ vũ cho việc tôn trọng nhân quyền, quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.
Để chiếm đa số phiếu trong Nghị viện EU gồm tất cả 705 ghế, lãnh đạo EU đã vận động để Hà nội đưa ra những cam kết cụ thể về các quyền của người lao động.
Nội dung chính của EVFTA
Việt Nam sẽ xóa bỏ 99% các thuế quan đánh trên hàng nhập khẩu từ EU trong thời gian 10 năm, và EU sẽ thực hiện cam kết tương tự trong 7 năm.
Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho giới đầu tư EU trong một số lĩnh vực như dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, vận tải và phân phối.
Qua EVFTA, Việt Nam cam kết thông qua hai dự luật, dự luật thứ nhất để bãi bỏ lao động cưỡng bức và dự luật còn lại cho phép tự do lập hội.
EVFTA có thêm một điều khoản theo đó thỏa thuận thương mại sẽ bị đình chỉ nếu có vi phạm nhân quyền.
Nhưng các tổ chức bảo vệ nhân quyền không dấu thái độ hoài nghi về liệu EVFTA có ảnh hưởng tích cực tới tình hình nhân quyền đang tồi tệ ở Việt Nam hay không.
Deutsche Welle nhắc đến nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng – blogger thường xuyên đóng góp những bài viết trên trang Việt ngữ-VOA, nói rằng ông chỉ là 1 trong số 128 tù nhân chính trị vẫn đang mòn mỏi trong các nhà tù Việt Nam.
Giám Đốc Ban Đông Á của Tổ chức Human Rights Watch John Sifton đã từng cảnh báo rằng "Thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam một cách quá vội vã sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng".
Ông nói thông qua EVFTA là tưởng thưởng Việt Nam "vì đã không làm gì cả", và EVFTA "sẽ là một thông điệp vô cùng tiêu cực rằng những cam kết mà EU đã đưa ra, rằng sẽ dùng thương mại như một công cụ để cổ vũ cho nhân quyền trên toàn cầu, hoàn toàn không có giá trị".
Phản ứng
Trang mạng Vietnam Plus dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh nói :
"Đây là một tin rất tốt lành cho cả Việt Nam và liên minh Châu Âu (EU) cũng như cho cả toàn cầu hóa".
Ông nói thêm rằng cùng với vai trò Chủ tịch ASEAN, việc Hiệp định Thương mại tự do-EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư-EVIPA được thông qua, "sẽ giúp Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế của mình trên trường quốc tế".
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng lên tiếng hoan nghênh việc thông qua EVFTA.
Nhóm nghị sĩ thiên tả của Nghị viện Châu Âu chỉ trích quyết định thông qua EVFTA, nói rằng thỏa thuận này không phù hợp với các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo Thỏa thuận Xanh Châu Âu, và làm ngơ các hành động vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có quyền của người lao động.
Nghị viên Emmanuel Maurel thuộc chính đảng La France Insoumise, nhận định :
"EU thông qua thỏa thuận thương mại với Việt Nam mà không bảo vệ công nhân EU. Thỏa thuận này cũng không bảo vệ giới lao động Việt Nam, các thành viên công đoàn, và những nhà bảo vệ nhân quyền".
Nguồn : VOA, 12/02/2020
*******************
Hiệp định EVFTA với Việt Nam gây chia rẽ sâu sắc Nghị Viện Châu Âu
Thụy My, RFI, 12/02/2020
Hôm 12/02/2020 tại Strasbourg, các nghị sĩ Châu Âu bỏ phiếu thông qua hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam – EU (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư, sau tám năm đàm phán. Theo báo Le Soir, cuộc bỏ phiếu sẽ rất gay go, cuộc tranh luận hôm qua cho thấy Nghị Viện Châu Âu bị chia rẽ sâu sắc.
Ủy viên Thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom (trái), bộ trưởng Thương mại Romania Stefan Radu Oprea (giữa) và bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (phải) trong lễ ký hiệp định tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/06/2019 Tien TUAN / AFP
Hiệp định được nhiều nghị sĩ ủng hộ vì mở ra viễn cảnh lớn với thị trường Việt Nam 100 triệu người, tuy nhiên số khác chống đối vì tình hình nhân quyền và sự thiếu vắng một số tiêu chí xã hội, môi trường.
Đảng Xanh và nhóm cánh tả GUE vào đầu tuần đã yêu cầu hoãn lại cuộc bỏ phiếu nhưng không thành công (đề nghị này được 121 phiếu thuận, 231 phiếu chống, 12 vắng mặt).
Đặc phái viên của RFI tại Strasbourg, Juliette Gheerbrant gởi về bài tường trình :
Đó là một cơ hội tuyệt vời - nghị sĩ Christophe Hansen của Luxembourg thuộc nhóm PPE tỏ ra phấn khởi. Ông vui mừng trước việc dỡ bỏ toàn bộ thuế hải quan.
Ông Hansen nói : Hiện nay Việt Nam đánh thuế từ 20 đến 30% đối với sản phẩm nhập từ Châu Âu, làm cho sản phẩm của chúng ta ít tính cạnh tranh hơn so với những nước khác. Theo ông, đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên tình hình chính trị tại Việt Nam khiến một số nghị sĩ bất bình, chẳng hạn đại biểu Pháp Manon Aubry, thuộc nhóm Cánh tả Châu Âu thống nhất (GUE).
Bà Aubry cho biết : Việt Nam chưa phê chuẩn các công ước chủ chốt của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), như công ước về lao động cưỡng bức. Nhà nước cũng bắt giam một số nhà đối lập chính trị, hiện nay có 128 người đang bị tù.
Bên cạnh đó vẫn chưa có công đoàn độc lập, việc này được dời lại. Việt Nam còn bị Bruxelles cảnh báo thẻ vàng vì hoạt động đánh cá bất hợp pháp. Tuy nhiên theo nghị sĩ Christophe Hansen thì thỏa thuận tự do mậu dịch sẽ giúp cải thiện được tình hình vì đã có những điều khoản ngăn chận.
Ông Hansen giải thích : Chúng ta có những điều khoản hạn chế áp dụng, có thể dựa vào đó để ngưng một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận. Và cũng có cơ chế để các tổ chức phi chính phủ tại chỗ có thể tham gia giám sát.
Các tổ chức phi chính phủ còn tố cáo nạn phá rừng và tình trạng cưỡng đoạt đất đai, rất xa vời so với mục tiêu sinh thái của Ủy Ban Châu Âu.
Chiều nay, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 vắng mặt, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua Hiệp định tự do trao đổi mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam.
Thụy My
Nguồn : RFI, 12/02/2020
*********************
68 NGO kêu gọi Nghị Viện Châu Âu không phê chuẩn thỏa thuận thương mại với Việt Nam
Thùy Dương, RFI, 11/02/2020
68 tổ chức phi chính phủ hôm qua 10/02/2020 ra tuyên bố chung kêu gọi các nghị sĩ Châu Âu không phê chuẩn thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam (EVFTA), vì tình trạng nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam vẫn còn "đáng lo ngại".
Ủy viên thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương mại Romania Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019. Reuters
Theo lịch trình, hôm 11/02, Nghị Viện Châu Âu thảo luận Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Ngày mai, 12/02, trong phiên khoáng đại tại trụ sở Strasbourg, các nghị sĩ Châu Âu sẽ bỏ phiếu thông qua văn bản này.
Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam đã được ký tại Hà Nội hồi tháng 06/2020, theo đó 99% thuế quan đánh vào hàng hóa trao đổi giữa Liên Âu và Việt Nam sẽ được xóa bỏ.
AFP cho biết 68 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Friends of Earth, Foodwatch, Attac, Emmaus International, trong tuyên bố chung, nhận định Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu - Việt Nam không đáp ứng được trước "các thách thức khẩn cấp mà hiện nay Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đang phải đối phó", chẳng hạn giảm bất bình đẳng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu … Cũng theo các tổ chức này, dưới chế độ độc đảng, không có đủ đảm bảo là chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng nhân quyền : "Việc trấn áp về chính trị và của công an đặc biệt nhắm vào các nhà bảo vệ nhân quyền, môi trường và tất cả những người chỉ trích chế độ".
Thực ra, văn bản hiệp định có nêu các quy định về điều kiện lao động, việc tôn trọng, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Nghị Viện Châu Âu cũng nhấn mạnh : "Trong trường hợp vi phạm nhân quyền, thỏa thuận thương mại có thể sẽ bị đình chỉ".
Liên Hiệp Châu Âu hy vọng Nghị định sẽ cho phép củng cố vị thế của Liên Âu tại thị trường Việt Nam, quốc gia có trên 95 triệu dân. Liên Âu là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu chủ yếu là linh kiện, thiết bị điện tử, hàng may mặc và thực phẩm. Giá trị trao đổi hàng hóa giữa Liên Âu và Việt Nam đạt gần 48 tỉ mỗi năm, thêm vào đó là 4 tỉ euro dịch vụ.
Đi kèm với Hiệp định tự do mậu dịch là thỏa thuận bảo hộ đầu tư. Văn này chỉ có hiệu lực sau khi được nghị viện của tất cả các thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn.
Ngày 04/02/2020, một lá thư ngỏ đã được 28 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ký tên và gửi đến các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, kêu gọi hoãn ký Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu-Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam đáp ứng các đòi hỏi về nhân quyền.
Báo Bỉ La Libre cho biết, hôm qua, Nghị Viện Châu Âu đã bác bỏ đề nghị của hai nhóm nghị sĩ, đảng Xanh/ Liên minh Tự do Châu Âu (Verts/ALE) và Cánh tả Châu Âu Thống Nhất (GUE) muốn tạm hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 11/02/2020
Dân biểu Châu Âu thất vọng về kết quả bỏ phiếu EVFTA
Tường An, RFA, 22/01/2020
Dân biểu Đảng Xanh Saskia Bricmont lên tiếng bày tỏ thất vọng với kết quả bỏ phiếu mới đây tại Nghị viện Châu Âu liên quan đến các khuyến nghị về Hiệp định Thương mại Tự do EU Việt Nam (EVFTA).
Hình minh họa. Dân biểu Nghị viện Châu Âu bà Saskia Bricmont (thứ hai từ phải sang) cùng những người biểu tình phản đối EVFTA bên ngoài tòa nhà Nghị viện Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ Photo: RFA
Chiều ngày 21/1 vừa qua, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) đã thông qua các khuyến nghị của báo cáo viên về Hiệp định Thương mại tự do EU Việt Nam (EVFTA) với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng, bất chấp những tiếng nói phản đối về tình hình nhân quyền đang xuống dốc ở Việt Nam.
Dân biểu Saskia Bricmont, một trong 6 Dân biểu bỏ phiếu chống, lên tiếng với RFA sau khi có kết quả từ Nghị viện Châu Âu :
"Tôi thật sự sốc khi những đồng nghiệp của tôi chỉ lắng nghe tiếng nói từ chính quyền mặc dù có những nỗ lực từ phía cộng đồng hải ngoại và cả những tổ chức phi lợi nhuận (NGO) quốc tế như Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Right Watch), Phóng Viên Không Biên Giới ( Reporter Sans Frontière), Ân Xá Quốc Tế (Amesty International) tố cáo về tình trạng tại Việt Nam, nhưng đáng tiếc là có vẻ như họ chỉ xem như là một công việc Thương mại bình thường và không hề đặt câu hỏi. Và đó là vấn đề !".
Theo Báo cáo của tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền, hiện Việt Nam đang giam giữ 239 tù nhân lương tâm ; riêng năm 2019, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ 38 người hoạt động trong nước và 1 người ở nước ngoài. Những tù nhân lương tâm này thường bị kết án bởi các điều khoản liên quan đến an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự. Đây là các điều khoản bị quốc tế chỉ trích là mù mờ.
Bà Bricmont cho rằng việc thông qua hiệp định ở thời điểm này là mâu thuẫn với nghị quyết về Tù nhân chính trị mà Nghị viện Âu Châu đã ký hồi tháng 11 năm 2018.
Những người tham gia biểu tình phản đối EVFTA ở Bruxelles, Bỉ hôm 21/1/2020 Photo : RFA
Vào buổi sáng cùng ngày, trong khi Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) họp tại thủ đô Bruxelles để thông qua các khuyến nghị cho Nghị viện Châu Âu về việc phê chuẩn EVFTA thì bên ngoài, một cuộc biểu tình do Cộng đồng Người Việt Tị Nạn Chính trị tại Âu Châu và Cộng đồng Việt Nam Tự do tại Vương quốc Bỉ tổ chức. Ông Nguyễn Quốc Nam cho biết thông điệp của đoàn biểu tình gửi đến các Dân biểu Châu Âu của INTA :
"Với 3 lời nhắn nhủ rất rõ ràng là không có Nhân quyền thì không có EVFTA, nghĩa là Thương mại không dùng để phục vụ người dân thì không thể ký hiệp thương này. Cũng như khi không có những tổ chức nghiệp đoàn tự do để bảo vệ công nhân thì cũng không thể ký Hiệp thương này. Đó là những kêu gọi của chúng tôi đến với các Dân biểu đang có thẩm quyền quyết định về EVFTA".
Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ với dòng chữ không có Nhân quyền, không có Nghiệp đoàn Độc lập thì không có EVFTA. Những người biểu tình cũng hô to khẩu hiệu này bên ngoài toà nhà của Quốc hội Châu Âu.
Ông Ngô Hoàng Phong, một nhà hoạt động tại Đức đã vào bên trong INTA để trao tận tay các dân biểu Châu Âu một Thỉnh Nguyện thư mà ông và ông Franz Alt (Tiến sĩ Chính trị học, xã hội học, Thần học, Triết học, người giúp cho Dr. Rupert Neudeck, sáng lập viên con Tàu Cap Anamur) đã cùng kêu gọi ký tên cùng với một số hồ sơ Nhân quyền. Ông Ngô Hoàng Phong cho biết:
"Tôi đã thực hiện một kháng thư với rất nhiều chữ ký của người Việt Nam cũng như người Đức và tôi đã nộp cho họ, và trong đó cũng có hồ sơ Đồng Tâm để các các Nghị sĩ Châu Âu đọc và quan tâm đến vấn đề đó nhiều hơn".
Vụ đụng độ ở Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền, xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng ngày 9/1 đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, bao gồm 1 người dân và 3 cảnh sát. Nhiều nhà hoạt động trong nước cho rằng chính quyền đã không minh bạch thông tin về vụ tấn công này và vì vậy đã lập Báo Cáo Đồng Tâm để gửi tới các tổ chức nhân quyền và các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Nam cho rằng việc giết chết cụ Lê Đình Kình, một người dân xã Đồng Tâm, đồng thời là một đảng viên cộng sản, là giọt nước làm tràn ly :
"Một giọt nước đã làm tràn ly nhẫn nại của chúng ta là vụ Đồng Tâm, họ đã nhẫn tâm giết chết 1 cụ già 84 tuổi, một người đã từng là đồng chí của họ, đã hơn 50 năm phục vụ cho họ. Thế mà họ đã tàn sát như vậy. Thế thì từ đây cho đến tháng 2, giai đoạn cuối cùng của việc phe chuẩn Hiệp thương này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến họ những sụ thật đã xảy ra trong nước".
Ông Lê Hữu Đào, một trong những người trong Ban tổ chức cho biết mặc dù dự đoán rằng, EVFTA rồi cũng sẽ được thông qua, nhưng ông cũng vẫn tổ chức biểu tình vì dù sao, người Việt hải ngoại cũng cần phải lên tiếng :
"Ngày hôm nay mình có bổn phận đến đây để biểu tình dù mình biết trước đa số dân biểu họ sẽ thuận trong chuyện này bởi vì họ xem chuyện kinh tế, tài chính rất là quan trọng. Họ nghĩ rằng, nếu họ (EU) ký cái (hiệp định) này thì họ có thể ảnh hưởng đến chế độ cộng sản. Họ nghĩ rằng nếu họ không ký (hiệp định) này thì cộng sản Việt Nam sẽ đi theo Trung cộng, vì vậy cho nên, chuyện quan trọng nhất là khoảng ngày 10/2 sắp tới, sẽ có cuộc họp khoáng đại bên Strasbourg, dĩ nhiên, chúng ta vẫn sẽ phải có mặt ngày hôm đó. Nhưng từ đây đến đó, chúng ta phải liên lạc và đưa tất cả các tài liệu cần thiết để cho 751 vị dân biểu có đầy đủ dữ kiện để họ lấy quyết định đúng đắn".
Vì là một ngày trong tuần, nhiều người đã phải nghỉ làm để tham gia cùng đoàn biểu tình, chị Lương Thế Hương tin rằng EVFTA rồi cũng sẽ phê chuẩn, nhưng chị cũng mong mỏi Việt Nam sẽ thực hiện những điều khoản ký kết chứ không chỉ là những lời nói suông :
"Tôi không chống việc Việt Nam ký kết hiệp định FTA với EU mà muốn họ phải tuân thủ luật pháp của Châu Âu, của Quốc tế, chứ không thể cứ dùng luật rừng của họ".
Bà Sakia Bricmont nói Việt Nam cần thay đổi Bộ Luật Hình sự trước khi thay đổi Luật Lao động. Khi được đề nghị gửi đến một thông điệp cho người dân Việt Nam trong nước đang vẫn không dám lên tiếng vì nỗi sợ hãi, bà Saskia Bricmont cho biết :
"Đây là một đề nghị khá khó khăn, bởi vì tôi muốn họ cũng làm được như quý vị ở đây, nhưng tôi biết rằng họ không thể, cuộc sống họ bị nguy hiểm, quý vị đã chọn để phải sống xa đất nước của quý vị, nhưng không phải ai cũng có thể chọn được như thế hoặc ai cũng có thể chịu sự nguy hiểm để chọn con đường sống ngoài quê hương. Tôi chỉ có thể nói họ cần truyền lại cho thế hệ sau này những điều quan trọng cần phải làm. Tôi rất hy vọng với sự phát triển, tôi tin rằng dần dần sự độc tài sẽ biến mất, đó là điều tôi mong muốn cho dân tộc Việt Nam để những người sống ngoài Việt Nam có thể trở về đoàn tụ cùng gia đình"
Ban Tổ Chức cuộc biểu tình cho biết sẽ tiếp tục vận động, thông tin cho Nghị viện Âu Châu (European Parliament) cũng như sẽ tổ chức biểu tình và tháng 2 sắp tới tại Strasbourg khi Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua EVFTA.
Việt Nam hiện là đối tác Thương mại lớn thứ hai của Châu Âu ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Kim ngạch thương mại hai chiều một năm là hơn 47 tỷ Euro. Nếu được thông qua, EVFTA sẽ chính thức đi vào hiệu lực 1 tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất các quá trình pháp lý.
Tường An
Nguồn : RFA, 22/01/2020
*********************
Rượu biếu EU : Khi đại sứ tố dân biểu điêu toa
Nguyễn Hùng, VOA, 22/01/2020
Một đại sứ được vạn người theo dõi trên Facebook vừa cáo buộc dân biểu Nghị viện Châu Âu dối trá khi bà tố cáo quan chức Việt Nam tìm cách gây ảnh hưởng tới bà trước phiên bỏ phiếu về thỏa thuận Thương mại song phương hôm đầu tuần.
Thông điệp của bà Chowns trên Twitter.
Vị dân biểu, bà Ellie Chowns , người Anh và là thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Châu Âu, đã bác bỏ cáo buộc và cho rằng vị đại sứ đã làm điều "quá quắt và xúc phạm" khi bình luận vềthông điệp của bà trên Twitter, vốn đã nhận được trên 1.700 tương tác trong đó có hơn 650 bình luận.
Thông điệp, vốn cũng nhận được thêm gần 8.000 tương tác với hơn 700 lượt chia sẻ và gần 900 bình luận trên Facebook hôm 20/1, viết :
"Ngày mai @EP_Trade [Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu] bỏ phiếu về hiệp định Thương mại EU - Việt Nam.
Hôm nay tôi nhận được cái này ở văn phòng : quà champagne từ đại sứ quán Việt Nam. Hoàn toàn không phù hợp & trắng trợn.
Tôi sẽ trả lại cho họ, giải thích rằng thả tù nhân chính trị sẽ ảnh hưởng tới tôi hơn…".
Phản ứng trước thông điệp trên Twitter của vị dân biểu Châu Âu người Anh, ông Vũ Quang Minh, hiện là Đại sứ Việt Nam ở Campuchia và cựu Đại sứ Việt Nam ở Anh, viết :
"Tây hay Ta thì cũng có kẻ thiếu văn hóa kém văn minh…
[N]gười đã viết và đăng ảnh này mới là người phải tự xấu hổ vì thiếu lịch sự và vô văn hóa - cả văn hóa giao tiếp lẫn văn minh chính trị.
Nếu ĐSQ [Đại sứ quán] VN có tặng thì cũng là chúc Tết - năm mới thông thường, không có gì đặc biệt hay có âm mưu mua chuộc đút lót - giá trị quà Tết quá nhỏ. Ngay cả nếu người nhận không hài lòng thì họ có thể gửi trả lại hoặc từ chối nhận khi được đưa đến.
Việc đăng kiểu này chỉ là một chiêu đánh bóng chính trị rẻ tiền - cheap, thiếu văn hoá. Hy vọng đây không phải tin thật. Không thì bà này xấu hổ chết, và nên từ chức".
Ở cuối bài viết, Đại sứ Minh cũng nói bà Chowns là kẻ dối trá mà ông viết trẹo tiếng Anh là ‘a lier’ thay vì ‘a liar’. Đại sứ ám chỉ rằng bà Chowns đã nhận được quà từ lâu nhưng vừa rồi mới đăng ảnh.
Một phần bài viết trên trang Facebook của đại sứ Vũ Quang Minh.
Trong điện thư gửi cho VOA khi được hỏi về cáo buộc của Đại sứ Minh, bà Chowns nói bà ngạc nhiên thông điệp trên Twitter của bà đã gây ra nhiều tranh luận đến như vậy và viết :
"Tôi thấy bị xúc phạm khi bị cáo buộc nói dối trong khi tôi tuân theo những nguyên tắc hành xử công cao nhất. Nhưng cáo buộc là tôi ‘rẻ tiền và vô văn hóa’ chỉ làm tôi bật cười.
Tôi nghĩ những lời của vị đại sứ bôi bẩn ông ấy chứ không phải tôi".
Liên quan tới ngày bà nhận được quà biếu, bà nói bà mới thấy quà ở văn phòng tại Brussels, Bỉ hôm 20/1 vì trước đó Nghị viện Châu Âu họp ở Strasbourg, Pháp, và bà cùng các dân biểu Châu Âu khác có mặt ở đó.
Nhưng bà cũng nói thêm sau khi gửi thông điệp trên Twitter, bà được biết rằng một số dân biểu khác đã nhận được champagne từ trước Giáng Sinh và bà không hiểu sao bà lại không nhận được cho tới tuần này.
Bà Chowns viết tiếp trong điện thư :
"Ngày trao quà không phải là vấn đề [ở đây]. Vấn đề là khi tặng quà như vậy – thứ mà tôi hiểu là chai sâm panh vô cùng đắt – cho các thành viên của ủy ban đang chuẩn bị quyết định về một hiệp định thương mại rất quan trọng, ấn tượng tạo ra là các thành viên của ủy ban có thể bị gây ảnh hưởng.
Nếu không thì tặng quà như vậy để làm gì ? Đại sứ quán Việt Nam không tặng mỗi dân biểu một chai sâm panh, họ tặng các thành viên của ủy ban mà sẽ sớm bỏ phiếu về hiệp định thương mại quan trọng.
Quan điểm của tôi là Ủy ban Thương mại quốc tế, và ngay cả Nghị viện [Châu Âu] nói chung, phải có chính sách rất rõ về chuyện này : [người ta] không được tặng quà cho MEP [Dân biểu Nghị viện Châu Âu] và [MEP] cũng không được phép nhận quà.
Có thể trong văn hóa Việt Nam nó sẽ là điều xúc phạm khi từ chối quà như thế. Nhưng tôi lại cũng nói được điều tương tự rằng đó là sự xúc phạm đối với tôi khi [người ta] toan gây ảnh hưởng tới quan điểm của một nhà lập pháp bằng cách tặng quà như thế".
Đại sứ Minh trong khi đó cho rằng đó chỉ là "chai rượu sâm panh rẻ tiền" và không có cơ sở để bà Chowns nói Đại sứ quán Việt Nam định "mua phiếu".
Một trong những bình luận có trong bài viết trên Facebook của Đại sứ Minh lại viết :
"Bản thân mình có kinh nghiệm làm các vụ điều tra nội bộ về tham nhũng phải giải quyết những tình huống này cũng khá nhiều. Đôi lúc, việc để cho người khác hiểu nhầm thiện ý của mình gây thiệt hại không nhỏ. Trong vụ việc của bà Chowns, có một số câu hỏi người ngoài có thể đặt ra như "hàng năm, ĐSQ Việt Nam có tập tục gửi tặng rượu cho MEP không ?", "nếu bà Chowns không phải là thành viên Ủy ban thì ĐSQ có tặng rượu không ?", "ĐSQ có gửi tặng cho tất cả MEP không hay chỉ tặng cho mỗi mình các ủy viên ?"
"Câu trả lời "không" cho bất kỳ câu hỏi nào nêu trên đều có thể khiến người khác "nhướn mày" về động cơ của việc tặng quà.
Trên thực tế thì với những giao dịch như thế này, bản thân mình đều khuyên các doanh nghiệp nên red flag [coi là cảnh báo đỏ] và tránh đi.
Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng quy định vấn đề này khá gắt gao, cụ thể là : "2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình".
Bà Chowns đang là một "cán bộ" giải quyết công việc cho Việt Nam, bỗng lại nhận được một món quà từ Việt Nam vào thời điểm trước khi bỏ phiếu (cho dù có gửi tháng 12 thì cũng quá gần ngày bỏ phiếu).
Mình vẫn thấy đây là hành vi "inappropriate" như bà Chowns nói. Tất nhiên, ai tát nước theo mưa bảo rằng đây là của hối lộ, cũng như ai hết sức bênh vực bảo đây là tập tục, bà kia không được quyền nổi giận (thậm chí miệt thị người ta) thì cũng không văn minh ngang nhau".
Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu hôm 21/1 đã ủng hộ hiệp định Thương mại song phương với 29 phiếu thuận và sáu phiếu chống. Người ta cũng cho rằng Nghị viện Châu Âu sẽ thông qua hiệp định trong tháng Hai.
Cũng trong ngày 21/1, Đại sứ EU Giorgio Aliberti đã gặp Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn để thảo luận về quan hệ EU - Việt Nam.
Trang Facebook của EU cũng viết thêm :
"Đại sứ Aliberti nhân dịp này cũng đã nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của EU về sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm và việc sử dụng bạo lực với bất kỳ hình thức nào, như đã được tuyên bố bởi Người Phát ngôn Cơ quan Ngoại giao EU.
EU lấy làm tiếc về sự thương vong xảy ra trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân và yêu cầu tính minh bạch đầy đủ trong việc đánh giá nguyên nhân và bối cảnh của sự kiện. EU sẽ tiếp tục theo sát tình hình và sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Việt Nam trong quá trình điều tra độc lập và minh bạch.
EU bày tỏ sự thương tiếc tới gia đình và những người bạn của những nạn nhân".
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 22/01/2020
********************
Ủy ban của Nghị Viện Châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA
Thanh Phương, RFI, 21/01/2020
Hôm 21/01/2020, trong cuộc họp tại Bruxelles, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu đã thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định tự do Thương mại Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVIPA).
Ủy viên Thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương mại Romania Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019. Reuters
Sau khi khuyến nghị được thông qua, hai hiệp định nói trên theo dự kiến sẽ được biểu quyết để phê chuẩn trong phiên họp toàn thể của Nghị Viện Châu Âu vào giữa tháng 2 tới. Nếu được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn, EVFTA sẽ có hiệu lực một tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau là quá trình thủ tục về pháp lý đã kết thúc. Nhưng còn hiệp định EVIPA sẽ vẫn còn cần phải được nghị viện của từng nước thành viên EU thông qua. Quá trình này có thể kéo dài tới vài năm.
Trước cuộc họp của Ủy ban Thương mại Quốc tế một số nghị sĩ Châu Âu đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Hôm qua, trên mạng xã hội Twitter, nghị sĩ Anna Cavanizzi, thuộc đảng Xanh, tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống khuyến nghị, bởi vì theo bà, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất đáng lo ngại, chính quyền đàn áp tàn bạo đối với giới bất đồng chính kiến, đặc biệt là từ năm 2016. Nghị sĩ Cavanizzi cũng nhắc lại là các tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch, đã kêu gọi Nghị Viện Châu Âu hoãn phê chuẩn cho đến khi chế độ Hà Nội thực hiện đầy đủ các cam kết về nhân quyền.
Vụ đụng độ giữa công an và dân làng tại Đồng Tâm càng khiến cho các nghị sĩ Châu Âu quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam thêm quan ngại. Hôm 18/01, nghị sĩ Saskia Bricmont, một thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế, viết trên Twitter :
"Làm sao vào tháng Hai tới, Nghị Viện Châu Âu có thể phê chuẩn một hiệp Thương mại tự do và bảo hộ đầu tư với một quốc gia khủng bố và đàn áp người dân như vậy ?"
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 21/01/2020
*******************
Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu ủng hộ FTA với Việt Nam
VOA, 21/01/2020
Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện Châu Âu (INTA) bật đèn xanh cho hai hiệp định Thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam, thông cáo báo chí hôm 21/1 của Nghị viện Châu Âu cho hay.
Một số người muốn gắn các điều kiện nhân quyền với việc thông qua EVFTA
Bản thông cáo nói INTA bỏ phiếu ủng hộ cho Hiệp định Thương mại tự do với tỷ lệ 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng, đồng thời đưa ra khuyến nghị rằng phiên tòa thể của Nghị viện Châu Âu cũng nên bỏ phiếu thông qua.
Hiệp định này, gọi tắt là EVFTA, sẽ dỡ bỏ gần như toàn bộ thuế quan giữa Liên hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam trong vòng 10 năm.
Hiệp định sẽ bảo vệ hàng hóa mang nhãn mác Châu Âu và cho phép Châu lục này được tham gia thị trường mua sắm công của Việt Nam, hay nói cụ thể hơn, các công ty của EU sẽ được tham gia đấu thầu để bán hàng hóa, dịch vụ cho các bộ ngành hay các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.
EVFTA cũng có những điều khoản về bảo vệ môi trường và thúc đẩy tiến bộ xã hội ở Việt Nam, trong đó có quyền của người lao động và nhân quyền.
Ông Geert Bourgeois, báo cáo viên EU về EVFTA, được thông cáo của Nghị viện Châu Âu dẫn lời nói rằng :
"Với việc đồng ý về hiệp định Thương mại với Việt Nam, Ủy ban Thương mại gửi ra tín hiệu tích cực tới khu vực ASEAN và phần còn lại của thế giới giữa lúc có những căng thẳng Thương mại gia tăng".
Trong số các thành viên ASEAN, Việt Nam là đối tác Thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ đứng sau Singapore, với kinh ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa mỗi năm là gần 53 tỷ đô la và dịch vụ là 4 tỷ đô la.
Mặc dù xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng 5-7% mỗi năm nhưng khối này bị thâm hụt Thương mại với Việt Nam xấp xỉ 30 tỷ đô la vào năm 2018.
Lưu ý đến tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế của Việt Nam, ông Geert Bourgeois bày tỏ tin tưởng rằng hiệp định Thương mại này sẽ "tăng tốc tiến trình cải cách" ở Việt Nam.
"Việc thông qua hiệp định sẽ củng cố thêm cho tiến bộ về lao động và các chuẩn mực môi trường cũng như về tôn trọng nhân quyền", vẫn theo lời ông, được trích dẫn trong thông cáo của Nghị viện Châu Âu.
Với 26 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 6 phiếu trắng, INTA trong cùng ngày 21/1 cũng đồng ý về hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam. Hiệp định này sẽ dẫn đến việc lập ra hệ thống tòa án về đầu tư với các thẩm phán độc lập để giải quyết các tranh chấp giữa các nhà đầu tư và nhà nước.
Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu về 2 hiệp định nêu trên vào phiên họp tháng 2 ở Strasbourg, Pháp. Nếu được thông qua tại phiên họp này, EVFTA sẽ có hiệu lực ngay. Trong khi đó, hiệp định về bảo hộ đầu tư cần được các nước thành viên EU thông qua trước mới có hiệu lực.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 65% hàng EU xuất sang Việt Nam và 71% hàng Việt Nam xuất sang EU sẽ được miễn thuế. Các hàng hóa khác của EU sẽ được "tự do hóa" - tức là giảm dần thuế về 0% - trong vòng 10 năm, trong khi khoảng thời gian tự do hóa cho phần còn lại của hàng Việt Nam là 7 năm.
Riêng về quyền lao động và nhân quyền, thông cáo của Nghị viện Châu Âu nói Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn hai dự luật còn lại về bãi bỏ lao động cưỡng bức và tự do lập hội lần lượt vào năm 2020 và 2023 ; bên cạnh đó, "nếu có vi phạm nhân quyền, hiệp định Thương mại có thể bị đình chỉ", theo thông cáo.
Trong khoảng 2 tuần trước phiên họp mang tính quyết định của INTA về EVFTA, các quan chức cao cấp Việt Nam đã nỗ lực "trấn an" các nghị viên Châu Âu trước những làn sóng chống lại việc thông qua hiệp định này vì những lo ngại về nhân quyền, quyền của người lao động tại Việt Nam.
"Tôi khẳng định chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam và các Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong lá thứ gửi cho Chủ tịch INTA Bernd Lange hôm 6/1.
Một tuần sau, ngày 13/1, Đại sứ Việt Nam tại Brussels, ông Vũ Anh Quang, lại có thư gửi ông Bernd Lange, tiếp tục khẳng định về chính sách "bảo vệ và cổ xúy cho tất cả các quyền tự do căn bản và nhân quyền" tại Việt Nam, đồng thời giải trình trường hợp bắt giữ nhà báo độc lập-blogger Phạm Chí Dũng.
Theo giải trình này, nhà báo Phạm Chí Dũng bị "tạm giữ" vì đã "thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam mà không đăng ký theo luật pháp Việt Nam, sử dụng mạng xã hội để viết, xuyên tạc và truyền bá tin giả về các chính sách và luật pháp Việt Nam nhằm kích động và gây rối an ninh công cộng, gây hoang mang và lo lắng trong nhân dân và sự ổn định xã hội".
******************
Nghị viện Châu Âu thông qua các khuyến nghị về hiệp định Thương mại với Việt Nam
RFA, 21/01/2020
Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu hôm 21/1 đã chính thức thông qua các khuyến nghị đối với hiệp định Thương mại với Việt Nam (EVFTA) với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng.
Hình minh họa. Đại diện Thương mại của EU Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp của Romania Stefan Radu Oprea cùng Bộ trưởng Côngt Trần Tuấn Anh dự lễ ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019 - Reuters
Theo Reuters, Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu chính thức phê chuẩn hiệp định này vào ngày 10/2 tới.
Đây là thỏa thuận mậu dịch tự do thứ hai của Liên Minh Châu Âu với một nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Singapore. Đây cũng được cho là chỉ dấu EU mong muốn theo đuổi một chính sách mậu dịch mở rộng hơn.
Việt Nam hiện là đố tác Thương mại lớn thứ hai của EU sau Singapore, với Thương mại hai chiều đạt hơn 47 tỷ Euro một năm.
Trước ngày Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ đã tặng rượu Dân biểu Châu Âu.
Hôm 20/1, Dân biểu Nghị viện Châu Âu Ellie Chowns viết trên Twitter rằng :
"Ngày mai Ủy ban Thương mại Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận Thương mại EU - Việt Nam. Hôm nay tôi nhận được ở văn phòng mình cái này : món quà rượu champagne từ đại sứ quán Việt Nam. Hoàn toàn không hợp lý và trắng trợn. Tôi sẽ trả lại món quà này cho họ, giải thích rằng thả tù nhân lương tâm sẽ có ảnh hưởng tới tôi hơn"…
Một dân biểu khác là bà Anna Cavanizzi vào ngày 20 tháng 1 cũng thông báo trên tài khoản twitter về 6 lý do bỏ phiếu phản đối. Một trong những lý do được bà nêu ra là vì tình hình nhân quyền tại Việt Nam rất đáng lo ngại. Theo bà Anna Cavanizzi thì Việt Nam đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo đối với bất đồng chính kiến và lao động có tổ chức, đặc biệt kể từ năm 2016.
Nếu được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, Hiệp định Thương mại Tự Do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ đi vào hiệu lực một tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau quá trình thủ tục về pháp lý đã kết thúc.
Đảng Xanh yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA khi điều tra vi phạm của báo cáo viên EVFTA Zahradil (RFA, 10/12/2019)
Đảng Xanh, đảng lớn thứ tư trong Nghị viện Châu Âu, hôm 9 tháng 12 gửi thư yêu cầu Chủ tịch Nghị viện xem xét tư cách của báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), dân biểu Nghị viện là ông Jan Zahradil với cáo buộc ông này đã vi phạm các quy tắc đạo đức của Nghị viện. Đảng Xanh cũng đồng thời yêu cầu hoãn việc xem xét hồ sơ EVFTA khi điều tra vi phạm của ông Zahradil.
Dân biểu người Czech Jan Zahradil ở Nghị viện Châu Âu, Brussels hôm 15/5/2019 AFP - Hình minh họa
Bức thư được gửi đi sau khi có một bài báo từ trang tin EU Observer, cáo buộc ông Zahradil đã vi phạm nguyên tắc "xung đột lợi ích" khi đồng thời nhận nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban tư vấn cho Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu, một tổ chức thân tín với chính phủ Việt Nam. Ông Zahradil đã không thông báo với Nghị viện về vai trò của mình ở trong tổ chức người Việt này bất chấp quy định bắt buộc ông Zahradil phải thông báo dù ông có được trả tiền cho nhiệm vụ đó hay không.
"Đây là điều đáng lo ngại khi vai trò của ông ta (Zahradil) là báo cáo viên trong thủ tục xem xét phê chuẩn EVFTA ở Nghị viện", bức thư có đoạn viết.
Đảng Xanh cũng cáo buộc dân biểu người Czech Zahradil đã không "công bố mối quan hệ của ông với Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu trước các cơ quan thuộc Nghị viện như ủy ban Thương mại quốc tế", và điều này dường như không phù hợp với các quy định trong bộ quy tắc đạo đức.
Với những cáo buộc như trên, đảng Xanh yêu cầu Nghị viện Châu Âu đưa vấn đề này lên Ủy ban Tư vấn về quy tắc đạo đức để đánh giá việc vi phạm và xung đột lợi ích của ông Zahradil. Đồng thời đảng Xanh cũng yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn lại việc xem xét phê chuẩn EVFTA khi điều tra tư cách của ông Zahradil.
Việt Nam và EU chính thức ký kết hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, đã có một số tiếng nói trong nước và một số dân biểu Châu Âu bày tỏ quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Hôm 21/11, Việt Nam đã bắt giữ Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng, người đã lên tiếng yêu cầu Nghị viện Châu Âu hoãn việc phê chuẩn hai hiệp định vừa ký vì những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam thời gian qua.
********************
Nghị viên Châu Âu từ chức sau khi bị cáo buộc có ‘liên hệ’ với Đảng Cộng sản Việt Nam (VOA, 10/12/2019)
Một thành viên nghị viện Châu Âu hôm 10/12 đệ đơn từ chức báo cáo viên cho các cuộc đàm phán thương mại của EU với Việt Nam sau khi bị cáo buộc không tiết lộ các liên hệ của ông với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà có thể vi phạm Bộ quy tắc ứng xử của Nghị viện Châu Âu.
Ủy viên Nghị viện Châu Âu Jan Zahradil, trong bức ảnh hồi tháng 4/2019 tại Prague, Cộng hòa Czech, bị cáo buộc có liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi là một người dẫn đầu các cuộc đàm phán về thương mại của EU với Hà Nội.
Một bài báo được xuất bản gần đây của EU Observer cáo buộc ông Jan Zahradil về một sự "xung đột lợi ích" tiềm năng sau khi tiết lộ rằng ông Zahradil đã không cho biết ông là chủ tịch của Hội đồng tư vấn cho Liên đoàn các hiệp hội người Việt hải ngoại ở Châu Âu (FOVAE).
Ông Philippe Lamberts, một trong những đồng chủ tịch của Nhóm Liên minh Tự do Đảng Xanh/Châu Âu, đã trích dẫn bài báo này để gửi lên Chủ tịch Nghị viện Châu Âu và đề nghị xem xét "khả năng vi phạm" luật của nghị viện của ông Zahradil.
Ông Zahradil, trong một phần đăng tải hôm 10/12 trên Twitter cá nhân, "mạnh mẽ phủ nhận" các cáo buộc về bất kỳ "xung đột lợi ích" nào trong một bức thư gửi cho các thành viên nghị viện Châu Âu trong đó có Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU, ông Bernd Lange, người thường xuyên đến Việt Nam để thảo luận về hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng trong bức thư này ông Zahradil "quyết định thôi chức vụ là báo cáo viên thường trực" về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) cho Việt Nam.
EU Observer, trong một bản tin ra hôm 9/12, cho biết ông Zahradil được chỉ định làm chủ tịch của FOVAE năm 2016. Thành viên Nghị viện Châu Âu đến từ Czech hiện là phó chủ tịch của ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện.
Ông Lamberts nói trong bức thư gửi Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Maria Sassoli ngày 9/12 rằng dựa trên những thông tin của EU Observer, ông Zahradil đã "không công khai về sự dính líu của ông đối với (FOVAE) khi thông báo về các lợi ích tài chính mặc dù ông có nghĩa vụ phải làm như vậy theo điều 4.2 (d) của Bộ Quy tắc Ứng xử."
"Hiệp hội này (FOVAE) dường như có liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam và giới lãnh đạo chính phủ," ông Lamberts nói trong bức thư dựa trên những thông tin từ bài báo của EU Observer, trong đó nói rằng người lãnh đạo FOVAE, ông Hoàng Đình Thắng – một nhân vật được biết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hồi cuối tháng 10 vừa qua "được tặng bằng khen xuất sắc" cho những nổ lực đóng góp của ông cho Hiệp hội Việt Nam ở Cộng hòa Czech, thuộc FOVAE. Tờ báo mạng này nhận định rằng "những giải thưởng như vậy chỉ do Đảng Cộng sản cấp cho những người xuất sắc trong một vị trí trong nhiều năm liên tiếp."
Theo tờ báo mạng của Châu Âu, ông Zahradil nói rằng ông "không phải thông báo về vai trò của ông trong một nhóm có liên hệ với chế độ nhà nước cộng sản đàn áp – bất chấp các luật lệ của Nghị viện Châu Âu."
Đồng chủ tịch nhóm Đảng Xanh/Châu Âu, ông Lamberts, đề nghị chủ tịch Nghị viện Châu Âu "đánh giá khả năng vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử và xung đột lợi ích, và sự cần thiết có nên tiến hành các biện pháp để sử đổi tình trạng này."
Bà Saskia Bricmont, một thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu – người vào tháng trước kêu gọi khối này tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam cho đến khi tình hình nhân quyền ở đây được cải thiện – hôm 9/12 kêu gọi Nghị viện Châu Âu mở một cuộc điều tra về vụ việc này.
Trong phần đăng tải trên Twitter hôm 10/12, mặc dù từ chức nhưng ông Zahradil cho rằng những cáo buộc đó là lý do để "những người phản đối thương mại tự do để giết chết thủ tục chấp thuận EVFTA và EVIPA."
Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) đều đã được Việt Nam và các đối tác EU ký kết. Tuy nhiên, các thỏa thuận này phải được Nghị viện Châu Âu chính thức phê chuẩn tại phiên họp toàn thể vào tháng 2 năm 2020 thì mới có hiệu lực.
Các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức dân chủ khẳng định hồ sơ nhân quyền của Việt Nam phải được cải thiện trước khi EU tiến hành phê chuẩn các hiệp định này.
********************
EU thống nhất chuẩn bị Đạo luật Magnitsky về nhân quyền (RFA, 10/12/2019)
Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm 9/12 đã tiến gần hơn đến việc thông qua một đạo luận giống Đạo luật Magnitsky của Mỹ, nhắm vào việc trừng phạt những quan chức chính phủ các quốc gia có vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới.
Bỏ phiếu ở Nghị viện Châu Âu hôm 28/11/2019 ở Strasbourg, Pháp - AFP - Hình minh họa.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nói với báo giới ở Brussels hôm 9/12 rằng các nước trong khối đã "đồng ý bắt đầu công việc chuẩn bị cho một cơ chế cấm vận toàn cầu nhắm vào các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tương tự như Đạo luật Magnitsky của Mỹ.
Ông nói thêm "đây là bước đi cụ thể tái khẳng định vai trò toàn cầu của EU trong vấn đề nhân quyền".
Wall Street Journal trích lời các nhà ngoại giao Châu Âu cho biết quyết định cuối cùng về đạo luật sẽ được các nước thành viên EU đưa ra sau khi bộ khung đạo luật được hoàn tất, và quá trình này có thể sẽ mất vài tháng vì có một số nước còn lo ngại cho mối quan hệ của họ với các nước như Nga và Trung Quốc.
Đạo luật Magnitsky đã được Tổng thống Mỹ ký thành luật vào năm 2012, với mục đích ban đầu là nhắm vào các quan chức Nga vi phạm nhân quyền. Tên của đạo luật được đặt theo tên luật sư người Nga Sergei Magnitsky, người đã bỏ mạng trong nhà tù ở Moscow.
Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã có tổng cộng 170 cá nhân và tổ chức bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì vi phạm đạo luật này.
Dù EU chưa đưa ra khoảng thời gian cho việc đệ trình bộ khung đạo luật mới nhưng các nhà ngoại giao EU nói với báo giới rằng có khả năng bộ khung này sẽ được đưa ra để duyệt lần cuối sớm nhất vào năm sau. Hiện chưa rõ tên Magnitsky có được gắn vào luật của EU hay không.
*******************
Dân biểu Châu Âu ủng hộ EVFTA tham gia Liên hiệp Hội người Việt ở Châu Âu thân chính phủ Việt Nam (RFA, 09/12/2019)
Một dân biểu của EU, người đồng thời là báo cáo viên đặc biệt của EU về Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA), bị cáo buộc "có chân" trong Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu, một tổ chức thân tín với Chính phủ Việt Nam. Trang tin EUobserver loan tin này hôm 9/12.
Dân biểu Jan Zahradi, ứng viên cho chức Chủ tịch nghị viện Châu Âu, phát biểu tại một buổi bầu ghế chủ tịch mới của nghị viện Châu Âu hôm 3/7/2019 tại Strasbourg, Pháp - AFP
Theo EUobserver, dân biểu người Czech Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội Châu Âu, đồng thời là báo cáo viên đặc biệt về EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA), đã không hề thông báo với Quốc hội Châu Âu về vai trò của ông này là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cho Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu sau khi ông được chọn vào vị trí này hồi năm 2016.
Theo quy định của Quốc hội Châu Âu, ông Zahradil đáng ra phải thông báo về vai trò của mình trong liên hiệp hội này dù ông có được trả tiền hay không.
Theo EUopserver, việc ông Zahradil tham gia hội này và không thông báo đặt ra những câu hỏi về vai trò trung gian của ông khi là báo cáo viên đặc biệt cho EVFTA và IPA với Việt Nam, và liệu hiệp định này có thực sự giúp cải thiện quyền con người và quyền của người lao động hay không.
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu nhận huân chương Lao động hạng nhì từ Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại Praha hôm 22/10/2019 - Courtesy of Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ông Zahradil nói với EUobserver rằng ông không có gì phải báo cáo trong vai trò là chủ tịch hội đồng tư vấn của Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu đồng thời khẳng định ông sẽ vẫn giữ vị trí này.
"Tôi không được trả tiền cho nhiệm vụ của mình ở đó. Và như tôi đã nói trước đó là đây là một nhiệm vụ mang tính danh dự vì nó không có hoạt động tích cực", ông Jan Zahradil nói với EUobserver hôm 3/12.
Những thông tin được đăng tải trên các trang web của người Việt tại Châu Âu cho thấy Liên hiệp hội người Việt Châu Âu được Chính phủ Việt Nam rất coi trọng. Hồi tháng 10 vừa qua, Hội người Việt tại Czech đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước Việt Nam. Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu đã đón nhận huân chương này.
Theo tin từ Vglobal News, một trang tin của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hồi tháng 7 vừa qua, ông Jan Zahrazil – Chủ tịch nhóm nghị sĩ nghị viện Châu Âu hữu nghị với Việt Nam cùng với ông Hoàng Đình Thắng và Chủ tịch hội người Việt tại Czech là ông Nguyễn Duy Nhiên đã gặp các đại sứ Việt Nam tại Czech, Ba Lan, Hungary, Áo và Slovakia. Đây là cuộc gặp được cho biết do ông Zahrazil phối hợp với Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu, Hội người Việt tại Czech tổ chức, và là sáng kiến từ năm 2018 của ông Zahrazil.
Ông Jan Zahradil trong cuộc gặp các đại sứ Việt Nam tại Châu Âu và đại diện Liên hiệp Hội người Việt tại Châu Âu vào tháng 7/2019 tại khách sạn Marcinčák ở thành phố Mikulov - Courtesy of vglobalnews.org
Cũng trong bản tin này, ông Hoàng Đình Thắng đã cảm ơn ông Jan Zahrazil đã tạo điều kiện để đại diện Liên hiệp hội và Hội người Việt tại Czech thăm Nghị viện Châu Âu ở Brussels và Strasburg. Ông Thắng cũng cho biết Đại hội lần thứ 2 của Liên hiệp Hội người Việt ở Châu Âu dự kiến sẽ được tổ chức ở Nghị viện Châu Âu tại Brussels vào năm tới.
Việt Nam và EU ký EVFTA và IPA vào ngày 30/6 vừa qua tại Hà Nội. Tuy nhiện hiệp định này vẫn cần Quốc hội Châu Âu thông qua để đi vào hiệu lực.
Một trong những vấn đề cản trở EVFTA và IPA là tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Một số dân biểu Châu Âu thời gian qua đã lên tiếng quan ngại về việc chính quyền Việt Nam đàn áp những tiếng nói đối lập.
Hôm 21/11 vừa qua, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng, người đã lên tiếng đề nghị Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA và IPA với Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền gần đây và lo ngại về việc Việt Nam sẽ không thực hiện đúng cam kết đảm bảo cho người lao động có quyền thành lập các công đoàn độc lập.
Trong video gửi Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) vào ngày 19/11, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nhắc đến việc một số các công ty ở Châu Âu và đại diện EU đã vận động hành lang để EVFTA và IPA được ký, bất chấp những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, kể từ năm 2008 trở lại đây, Việt Nam trung bình mỗi năm kết án khoảng 50 người bất đồng chính kiến và các án tù thời gian gần đây ngày càng nặng. Ông lo ngại, sau khi EU phê chuẩn EVFTA và IPA, sẽ có thêm nhiều người bị bắt.