Vừa qua, các trạm thu phí BOT đồng loạt đổi thành trạm thu giá. Đây là từ do Bộ Giao thông và vận tải mới "sáng tạo" ra gây nên sự phản ứng dữ dội trên công luận và trong dư luận.
Tại sao lại đổi thu phí thành thu giá ? Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông và vận tải, người có công sáng tạo ra từ "thu giá" giải thích như sau :
"BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước".
Xin hỏi ông : Ông căn cứ vào đâu để nói, phí là của nhà nước, còn giá là của doanh nghiệp ? Ông giải thích thế nào khi phí chợ, phí giữ xe, phí đường làng, phí đi vệ sinh... do doanh nghiệp hay tư nhân đang thu vẫn dùng từ "phí".
Ông Thể giải thích tiếp : "Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm"
Ông Thể không nói "sẽ thay đổi" mà nói "sẽ giảm giá". Với cách nói này, có vẻ như ông lập lờ để mọi người tưởng đến cái lợi của việc dùng chữ "giá" : khi chuyển sang "giá" sẽ tốt cho người sử dụng dịch vụ, chỉ có giảm chứ không có tăng ? Ông có khẳng định được điều này không ? Nếu doanh nghiệp tăng "giá" thì ông có chịu trách nhiệm với lời nói của mình không ? Tại sao đổi "phí" thành "giá" thì giảm được còn nếu không đổi thì không giảm được.
Còn việc thay đổi mức thu nhanh hay chậm là do cơ chế quản lý. Linh động hay không là do cơ chế, ở đây là cơ chế quản lý phí, chứ không phải đổi chữ "phí" thành "giá" mà linh động đươc. Cũng như con người đầu óc tối tăm, có đổi tên thành Thông Minh thì cũng không sáng láng ra được. Chỉ thay tên gọi của một loại phí mà đem lại kết quả tốt hơn, điều đó chỉ có trong tư duy của ông Thể.
Trước dư luận cho rằng, Bộ Giao thông và vận tải đang đánh tráo khái niệm "thu phí" thành "thu giá", ông Thể khẳng định : "Không phải do bộ quy định mà do nghị định của Chính phủ quy định. Ví dụ, sản phẩm sản xuất nhà máy thì họ ấn định giá bán, và BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp...".
Hình như ông càng nói càng bí, càng bí càng nói ẩu. Ông dựa vào chữ "ấn định giá" để bao biện cho chữ "thu giá" của ông. Khi một sản phẩm làm ra thì đương nhiên phải định giá trước khi đưa ra thị trường. Khi bán thì người ta thu tiền theo giá bán, chứ người ta không gọi là thu giá bao giờ. Điều này là một thực tế, từ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân cho đến bà bán rau ngoài chợ.
Phải chăng Bộ Giao thông và vận tải cho rằng, dùng chữ "phí" thì nó mang tính tùy tiện, dễ gây phản ứng, còn chứ "giá" nó thật hơn, đúng hơn. Thực ra, chữ "phí" hay chữ "giá", bản thân nó không xấu, nó không có lỗi mà chỉ con người vận dụng nó có lỗi mà thôi. Nếu phí tính hợp lý thì vẫn chấp nhận được, còn nói "giá" cũng chẳng loại trừ được việc doanh nghiệp cố tình đưa ra "giá đểu".
Sau hết thì dù biện luận, giải thích kiểu gì cũng không thể dùng chữ "thu giá" vì nó vô nghĩa, trái với ngôn ngữ và cách nói của người Việt.
Từ điển định nghĩa : "Phí là khoản tiền trả cho một dịch vụ nào đó", không hề phân biệt dịch vụ do nhà nước quản lý hay do doanh nghiệp quản lý. Vì vậy, trạm thu tiền đặt trên đường BOT gọi là trạm thu phí như từ trước đến nay vẫn dùng là đúng.
Chữ "thu" và chữ "giá" đều là những từ ngữ quen thuộc nhưng khi ghép chúng lại với nhau lại trở thành vô nghĩa.
Có cái gì đó lươn lẹo, trí trá trong việc đổi "thu phí" thành "thu giá". Facebooker Phạm Lưu Vũ phẫn nộ : "Thu giá" là chữ của bọn móc túi đại lưu manh, đại mất dạy và vô cùng thất đức ở bộ Giao thông và vận tải và bộ Tài chính. Đó là sự ngang nhiên thách thức lương tri, trí tuệ của cả thời đại. Chúng thừa biết không đánh lừa được ai, mà vẫn ngang ngược đánh lừa, thì cổ kim không kẻ đại bịp nào dám làm điều tương tự. Đó là sự trắng trợn, hỗn láo với cả Trời, Người và Quỷ thần".
Việc tạo ra và sử dụng chữ "thu giá" của Bộ Giao thông và vận tải, ngôn ngữ Việt không thể chấp nhận được. Nó nhạo báng ngôn ngữ Việt, phá hoại sự trong sáng của Tiếng Việt. Yêu cầu các cơ quan chức năng loại ngay chữ "thu giá" ra khỏi ngôn ngữ nói và viết.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 23/05/2018 (nguyentuongthuy's blog)
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 8, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu một câu nổi tiếng đến mức ai cũng nhớ, có thể tóm gọn như sau: Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc.
Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm
Có vẻ như câu nói này, bà vận vào chính bản thân bà vì cha bà trước đây từng làm bí thư tỉnh ủy Tây Ninh. Nay bà làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố lớn trực thuộc trung ương lại thêm chức phó bí thư thành ủy nên có thể xem chức của bà ngang ngửa với ông cụ thân sinh.
Như vậy, bà thuộc diện con lãnh đạo làm lãnh đạo. Không biết bà đã đem lại hạnh phúc cho dân tộc như thế nào. Chỉ biết rằng, hôm bà tiếp xúc với dân bị cướp đất Thủ Thiêm, toàn thấy nỗi bức xúc, oán hờn, tiếng than khóc như ri. Dân còn lôi thẳng tên bà ra chất vấn. Khi ông Tất Thành Cang, lạm quyền phê duyệt bán rẻ 32 héc ta đất của Công ty Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai thì bà thản nhiên nói với cử tri rằng 32 héc ta này không phải là đất công do tài sản ấy hình thành từ vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp. Thành ủy đã chỉ đạo hủy hợp đồng nên nhà nước không... thiệt hại gì. Phát ngôn của bà cẩu thả tới mức, báo Người tiêu dùng mắng bà như mắng trẻ "biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe".
Bà Tâm còn nhiều phát ngôn lạ tai nữa. Bà cứ nói câu nào là dư luận giễu cợt câu đó. Phải chăng, dân tộc đang hạnh phúc vì những việc bà làm.
Xin nhắc thêm vài ví dụ để xem con lãnh đạo làm lãnh đạo, dân tộc hạnh phúc đến đâu.
Nguyễn Xuân Anh là con ông Nguyễn Văn Chi, nguyên ủy viên Bộ Chính trị. Xuân Anh được nhanh chóng đưa vào Trung ủy, đề bạt lên tới chức Bí thư tỉnh ủy Thành phố Đà Nẵng khi chưa đầy 40 tuổi. Chỉ hai năm sau, Xuân Anh bị kết luận vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tháng 10 và tháng 11/2017, Xuân Anh lần lượt bị cách tuốt mọi chức vụ: Ủy viên trung ương, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng.
Lê Phước Hoài Bảo là con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh. Hoài Bảo có sở thích chơi chim nên luôn sưu tầm những loại chim hót hay, nhảy đẹp. Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khi mới 30 tuổi. Nhưng cũng chỉ hơn 2 năm sau, Bảo bị kết luận không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học ở nước ngoài.
Lê Phước Hoài Bảo bị khai trừ ra khỏi đảng, cách chức Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, chuyển xuống làm chuyên viên Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam. Không chỉ thế, Bảo còn bị thu hồi toàn bộ các quyết định bổ nhiệm trước đó như thể Bảo chưa bao giờ kinh qua các chức vụ: công tác tại UBND huyện Thăng Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam. Đây là một kiểu kỷ luật lạ đời, mới được sáng tạo ra, bắt đầu từ vụ kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương. Ngoài ra, Bảo còn bị cấm làm lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư, bị cấm tham gia các ban chỉ đạo, hội đồng, tổ chức tư vấn, giúp việc do UBND tỉnh thành lập.
Lê Trương Hải Hiếu, là con trai nguyên bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. Hiếu được đề bạt lên Phó bí thư quận ủy, Chủ tịch quận 12 khi mới 34 tuổi. Hiếu "can tội" quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng không báo cáo với tổ chức. Kể ra, Hiếu chưa vợ nên việc có con với người yêu khi chưa cưới cũng là chuyện thường, nhưng Hiếu lại là người đang giữ các trọng trách nên mọi việc làm cần cẩn thận hơn, tránh "quan trên trông xuống, người ta trông vào". Kể ra vụ kỷ luật này khá lãng nhách. Với mức kỷ luật thấp nhất có thể là khiển trách, mang tính nhắc nhở, răn đe là chính, Hiếu còn nhiều cơ hội để "mang lại hạnh phúc cho dân tộc" như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Nguyễn Thanh Nghị con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghị được giữ chức Phó chủ tịch Kiên Giang khi mới 38 tuổi và năm sau thì được làm bí thư tỉnh khi mới 39 tuổi, tức là cũng thuộc diện "tuổi trẻ tài cao" như Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng. Dư luận có nhiều đồn đoán về sự nghiệp chính trị của Nguyễn Thanh Nghị, tương lai thế nào chưa rõ. Chỉ biết một dạo, từ hồi tháng 11/2016 có lùm xùm về việc xe Range Rover Evoque màu trắng, mang biển số xanh 68A.001.43 của công an được điều đi công tác, hay sai phạm về đất đai tại huyện đảo Phú Quốc. Sau đó chuyện cũng qua đi.
Nhắc lại mấy vụ để thấy rằng, con quan làm quan có phải là do tuổi trẻ tài cao, là hạnh phúc cho dân tộc hay không. Việc con lãnh đạo làm lãnh đạo thì nhiều lắm, ở cấp nào cũng có. Cao là mấy quan đầu tỉnh và trung ương, vừa vừa là dạng đầu cơ quan tỉnh và tương đương, làng nhàng là quan huyện, dưới nữa là quan xã. Không nơi nào là không có con lãnh đạo làm lãnh đạo. Dù có biện minh kiểu gì thì dân chúng đều hiểu rằng, các cậu ấm, cô chiêu lên lãnh đạo là nhờ cái bóng của phụ mẫu chứ tuổi trẻ tài cao gì. Tất nhiên, không phải cứ con lãnh đạo là bất tài nhưng tìm ra một vài gương mặt xem chừng rất hiếm. Vì con đường thăng tiến quá dễ dàng, yên tâm với cái ô của phụ mẫu nên các cậu ấm, cô chiêu này dễ sinh ra chủ quan. Sống trong nhung lụa, kiến thức xã hội non nớt, thiếu kinh nghiệm chính trường lại không chịu tu dưỡng nên không tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Vì vậy, lấy đâu ra hạnh phúc của dân tộc từ nguồn này như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 18/05/2018 (nguyentuongthuy's blog)
Vụ án Nguyễn Khắc Thủy ấu dâm đang làm nóng rẫy công luận. Ít nhất, Thủy đã ấu dâm với 3 bé gái, còn những tố cáo khác chưa đủ bằng chứng thì chưa nói đến.
Nguyễn Khắc Thủy, người đã ấu dâm với 3 bé gái, tại phiên tòa
Bằng việc hạ án sơ thẩm 3 năm tù giam xuống còn 18 tháng tù treo, thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện như thể trêu ngươi công lý, thách thức dư luận. Thái độ câng câng, trâng tráo của Nguyễn Khắc Thủy ở cả hai phiên tòa càng đẩy thêm sự bức xúc của công luận. Ông ta làm như đang đóng vai quan tòa để buộc tội Hội đồng xét xử. Ông ta dọa đốt thẻ đảng và tự thiêu nếu tuyên ông ta phạm tội. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm giảm án chứ không tuyên trắng án nhưng chưa thấy ông ta tự thiêu hay đốt cái gì cả.
Một loạt tờ báo lên tiếng phản đối, nhiều đại biểu quốc hội bức xúc.
Trang Tiếng Dân có bài "Hành trình đi đêm của một bản án phúc thẩm vô nhân đạo chống lại trẻ em" đầy phẫn nộ.
VTC lên án rất mạnh mẽ : "Xét xử tội phạm dâm ô Nguyễn Khắc Thủy : Một phiên tòa 'bao che' cho sự đồi bại, quay lưng lại vớitrẻ em".
v.v...
Ngay sau khi Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm tuyên án, Viện kiểm sát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập tức báo cáo khẩn cấp lên Viện kiểm sát tối cao về bản án này.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giảm mức án từ 3 năm tù giam xuống 18 tháng tù treo là một điều vô lý. Đã là dâm ô trẻ em, sao được cho tại ngoại, hưởng án treo ?
Và tòa án tối cao đã quyết định rút hồ sơ vụ án để xem xét.
Nếu như giữ nguyên bản án sơ thẩm thì dư luận không đến nỗi bức xúc như vậy. Vì bức xúc quá nên người ta mới quyết tâm tìm xem, Nguyễn Khắc Thủy là ai, thân thế sự nghiệp thế nào ? Và cố tìm thì cũng không khó.
Nguyễn Khắc Thủy từng làm giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu như các báo đã đăng về vụ án.
Ngược lại thời gian 17 năm trước, Nguyễn Khắc Thủy, lúc này đã nghỉ hưu bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tìm hiểu thêm nữa thì thấy, Nguyễn Khắc Thủy có con trai là Nguyễn Quốc Thái làm ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Vũng Tàu. Ngày 3/11/2010, Nguyễn Quốc Thái bị Công an Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền lừa đảo lên tới 27 tỷ đồng.
Với việc Thái lừa đảo tới 27 tỉ đồng, thử hỏi bao nhiêu gia đình tan cửa nát nhà. Người tích cóp tiết kiệm được đã đành mất, nhưng những người vì nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của Thái mà đi vay mượn trở thành con nợ thì hậu quả còn đau lòng hơn.
Năm 2012, Nguyễn Quốc Thái bị Tòa án Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên án tù chung thân.
Nguyễn Khắc Thủy là Giám đốc ngân hàng nhà nước tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Con ông ta cũng vào ngành ngân hàng, nghĩa là nối nghiệp cha. Điều này ai cũng thấy việc Thái vào ngành ngân hàng là do cha "cơ cấu". Nếu Thái không nôn nóng ham ăn, chắc hắn còn lừa đảo được nhiều hơn nữa.
Nói thế để biết, cha con Nguyễn Khắc Thủy đều là đồ bỏ đi. Nếu ai làm người ấy chịu, gác án chung thân của con ông ta sang một bên thì Nguyễn Khắc Thủy cũng từng có tiền án tiền sự. Thế nhưng, Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm không lấy đó làm tình tiết tăng nặng mà đưa ra một chiều tình tiết giảm nhẹ như có 50 năm tuổi đảng và "thành tích" cống hiến cho ngành ngân hàng. Không có căn cứ nào của luật pháp cho thấy tuổi đảng là tình tiết giảm nhẹ, còn thành tích cống hiến cho ngành ngân hàng thì như vừa nhắc đến, ông ta đã "thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng" (cho ngành ngân hàng) thì cống hiến cái gì.
Có vẻ như Thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện trong vụ này "cố đấm ăn xôi" nhưng trôi được hay không là rất khó.
Khả năng bản án giám đốc thẩm bác bỏ án phúc thẩm của thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện gần như chắc chắn. Khi ấy, không chỉ đưa Nguyễn Khắc Thủy vào trại giam chứ không để ông ta nhởn nhơ bên ngoài chửi bới, thách thức mà còn cần phải xem xét lại trình độ, trách nhiệm của thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện nữa.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 17/05/2018 (nguyentuongthuy's blog)
Cướp là từ thuần Việt, chứng tỏ cướp có từ rất lâu chứ chẳng phải du nhập từ đâu về. Nhất định không phải là tàn dư của chủ nghĩa tư bản còn rơi rớt lại như giáo trình chủ nghĩa Mác viết.
Ngày nay có thêm cướp đỏ kinh hoàng hơn.
Cướp sống ngoài vòng pháp luật, là nỗi kinh hoàng của người dân từ bao đời nay (tạm gọi là cướp thường để phân biệt với một loại cướp mới sẽ nhắc tới sau đây). Bọn này mà bị người của triều đình bắt được thì tù rục xương.
Ngày nay có thêm cướp đỏ kinh hoàng hơn. Cả hai loại cướp này đều có chung mục đích cướp là biến của người thành của mình. Tuy nhiên 2 loại cướp này có nhiều điểm khác nhau :
- Cướp thường sống ngoài vòng pháp luật. Cướp đỏ sống trong vòng pháp luật vì nó được người thi hành pháp luật bảo kê, hoặc chính nó là người được giao thi hành pháp luật.
- Cướp thường, cướp xong thì bỏ chạy, giấu tung tích. Cướp đỏ không cần chạy mà vẫn ngang nhiên ở vị trí của mình để rao giảng đạo đức.
- Nạn nhân của hai loại cướp này có khác nhau. Cướp thường đều nhằm vào những người có của. Nghèo như chị Dậu thì nhà không cần cửa, cướp chẳng bao giờ viếng thăm. Nạn nhân của cướp đỏ có cả người nghèo nhưng có đất đai dù nhiều hay ít. Vì vậy, Lão Hạc sống vào thời nay, cướp cũng không loại trừ, bởi mảnh vườn của lão vào tay cướp có giá vài trăm triệu đồng 1 mét vuông.
- Cướp thường biết rõ hành vi của nó pháp luật không cho phép nên không cần giấu giếm mục đích. Cướp thường gọi hành vi của nó là cướp, cướp đỏ gọi hành vi của nó là "thu hồi", ngụy biện mục đích rất tốt đẹp, ví dụ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
- Gặp cướp thường chỉ mất tiền và tài sản trong nhà. Gặp cướp đỏ thì không còn chỗ dung thân, không còn nơi để làm kế sinh nhai như nhà cửa, ruộng vườn.
- Gặp cướp đỏ, ngoài việc mất ruộng đất còn bị vào tù với các tội chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.
Thì đây, vài ví dụ thôi : Dân bị cướp đất Trịnh Nguyễn (Từ Sơn, Bắc Ninh) 12 người đi tù. Dân bị cướp đất Dương Nội 7 người đi tù với 8 án (Chị Cấn Thị Thêu 2 án)
- Còn dân bị cướp đất 3 miền vào tù nữa (chưa nói ở đây).
- Nhiều khi, hai loại cướp này liên kết với nhau để làm ăn. Như dân Văn Giang, Dương Nội, Trịnh Nguyễn... vừa bị cướp đỏ cướp đất, vừa bị cướp thường đánh đến thương tích, tàn phế.
- Không chỉ cướp đất đai, cướp đỏ còn cướp nhiều thứ khác mà người ta gọi chung là tham nhũng như cướp tiền ngân sách bằng các thủ đoạn, trấn lột của cấp dưới khi bán chức v.v...
Đã có những toán cướp trong đó có cả tướng cướp vào tù. Có những toán cướp đang bị lôi ra ánh sáng.
Mấy hôm nay biết thêm về dân bị cướp ở Thủ Thiêm, thấy tiếng than khóc như ri, nghe thật não nùng. Nạn cướp bóc ở đây mãi 20 năm sau, cả nước mới biết tới. Đây là vụ cướp có lẽ có qui mô cướp bóc lớn nhất cả nước, đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng nhất và số tài sản bị cướp lớn nhất.
Có cướp tiện đâu cướp đó, thiếu thì đi cướp, có khi cướp được ít vốn thì giải nghệ. Nhưng có cả cướp Quyết Tâm. Mà đã Quyết Tâm thì bao nhiêu cho đủ.
Cướp nào đáng sợ hơn ?
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 13/05/2018
Nếu không có người nhắc thì chẳng ai còn nhớ Các Mác sinh ngày nào, năm nay là năm thứ bao nhiêu kể từ khi ông sinh ra. Đến khi xuất hiện các bài phát biểu của mấy nhà tuyên giáo nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Các Mác thì người ta mới biết đến. Cũng phải thôi, nếu mấy nhà tuyên giáo này mà còn không nhớ nữa thì các ông biết chuyển sang nghề gì.
Chủ nghĩa Mác : Soi rọi đến đâu, lụi tàn đến đấy
Để giữ cái nghề của mình, các ông bất chấp thực tế, bất chấp lý luận để ca ngợi Mác và cái chủ nghĩa Mác đưa ra bằng những ngôn từ tốt đẹp nhất, tưởng như kho từ vựng Tiếng Việt không đủ để diễn tả. Nào là "bộ óc kiệt xuất", "Học thuyết của Mác là công cụ vạn năng để giải cứu thế giới", "Tư tưởng của Mác là một nguồn động lực vô biên để động viên, thúc đẩy phong trào cách mạng trên thế giới", "Những giá trị của chủ nghĩa Mác là không thể xuyên tạc". Thậm chí tư tưởng của Mác còn soi rọi đến cả... cách mạng công nghiệp 4.0, làm cho nhiều người được phen cười nghiêng ngả.
(Trích phát biểu của ông Nguyễn Xuân Thắng, Tạ Ngọc Tấn, chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương).
Vậy Mác đã cống hiến cho loài người những gì ? Trước hết cũng nên thừa nhận học thuyết của ông có những luận điểm chấp nhận được về thế giới quan, trong đó có những luận điểm ông thừa hưởng từ Hêghen, Phơ bách. Hoặc ông đưa ra một nguyên lý đúng mang tính đúc kết cao là "quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất". Tuy nhiên, ông có những luận thuyết chết người cộng thêm với sự vận dụng và phát triển tùy tiện của những nhà mác xít ở các nước cộng sản đã gậy ra tác hại rất lớn ở khu vực chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác. Ở đây xin đề cập hai luận thuyết đấu tranh giai cấp và giá trị thặng dư.
Trong học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận lao động của nhà tư bản thành bóc lột lao động của công nhân, làm cho người ta tưởng bị bóc lột thật nên cần phải dùng bạo lực để cướp lại. Mác cổ vũ cho sự cướp bóc này, gọi hành động này là "tước đoạt của kẻ tước đoạt".
Từ nhận xét "Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp", Mác đưa ra luận điểm "đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội"
Học thuyết về giá trị thặng dư và đấu tranh giai cấp là hai luận thuyết mà sự ảnh hưởng của nó sâu đậm nhất đối với các quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản, gây nên bao nhiêu tai ương ở các quốc gia này.
Chủ nghĩa Mác đã từng ảnh hưởng và làm thay đổi chế độ chính trị khoảng 1/3 thế giới. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác "soi rọi" đến đâu thì ở đó có bạo lực và thanh trừng đẫm máu trong nội bộ. Tất nhiên, những cuộc chiến tranh trên thế giới không chỉ sinh ra từ luận điểm đấu tranh giai cấp. Có tài liệu ước tính, nạn nhân của những cuộc tàn sát ở riêng 3 quốc gia : Liên Xô, Trung Quốc, Campuchia lên tới 70 triệu người. Không chỉ là nội chiến hay thanh trừng nội bộ mà còn có cả chiến tranh giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau.
Chủ nghĩa Mác "soi rọi" đến đâu thì kinh tế ở đó tụt hậu, sản xuất không phát triển được vì động lực thúc đẩy sản xuất bị triệt tiêu bởi chính sách làm ăn chung, triệt tiêu kinh tế tư bản tư doanh, công hữu hóa tư liệu sản xuất. Nhiều quốc gia lâm vào cảnh đói kém, nhất là các quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên. Theo Wikipedia, giai đoạn 1958 - 1962 Trung Quốc có khoảng 15 đến 45 triệu người chết đói. Nạn đói ở Bắc Triều Tiên trong thập niên 1990 đã làm chết khoảng 240.000 tới 3.500.000 người mà đỉnh cao là năm 1997.
Ngoài bạo lực chuyên chính vô sản, kinh tế tụt hậu, việc áp dụng chủ nghĩa Mác còn bộc lộ ra rất nhiều điều bất ổn trong tất cả các mặt của đời sống xã hội.
May thay, chủ nghĩa Mác những tưởng sẽ thắng thế ở phần còn lại của thế giới thì cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bỗng dưng đồng loạt sụp đổ, từ Liên Xô, "thành trì của cách mạng thế giới" đến Đông Âu, Mông Cổ. Sự sụp đổ này không phải là ngẫu nhiên mà là do mâu thuẫn nội tại trong lòng các nước đi theo chủ nghĩa Mác bùng nổ. Ngày nay chỉ còn 3 đứa con đơn độc của chủ nghĩa Mác là Trung Quốc, Việt Nam và Cu Ba (Triều Tiên trong tình trạng không rõ ràng). Tất cả các quốc gia đã thoát ra khỏi chủ nghĩa Mác không có gì phải nuối tiếc nếu không nói là vẫn còn kinh hoàng. Chủ nghĩa Mác đã kéo nhân loại chậm lại, có lẽ không dưới một trăm năm hoặc hơn, nếu tính đến cả những ảnh hưởng lâu dài của nó.
Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa vào thập niên cuối của thế kỷ trước là quá ngoạn mục. Sự phá sản của chủ nghĩa Mác là một thực tế trông thấy.
Chủ nghĩa Mác soi rọi đến đâu thì lụi tàn đến đấy. Đó là một sự thật. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa cũng là một sự thật. Thế nhưng, các nhà tuyên giáo ở Việt Nam cố tình không nhìn thấy. Chủ nghĩa Mác là một sai lầm tạm thời của nhân loại, nó đã chết ở quê hương Các Mác, chết ở châu lục mà Mác sinh ra nhưng ở một đất nước nghèo đói xa lạ, người ta cố thổi hồn vào nó, hà hơi cho nó những mong nó sống lại. Đó là một điều không tưởng. Chết rồi mà vẫn sống mãi, vẫn thúc đẩy được phong trào cách mạng thế giới, vẫn là chìa khóa vạn năng để giải cứu thế giới và còn đòi soi rọi đến cả... cách mạng 4.0. Thật là không còn sự khôi hài nào hơn.
Dám chắc, chẳng còn ai tin vào chủ nghĩa Mác, kể cả những người đang cổ súy cho nó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Gần 90 năm đi cùng nó, tuyên truyền, cổ vũ cho nó, từng thất bại ê chề vì nó, chẳng lẽ giờ lại đột nhiên từ bỏ, hóa ra công nhận mình đã từng sai ? Đây là tâm lý bảo thủ cố hữu của người cộng sản. Ngoài ra, người ta cố giữ lấy nó còn để làm bình phong lừa mị dân, để kéo dài sự độc quyền thống trị chứ không chịu chia sẻ quyền lãnh đạo đất nước cho người khác, còn đất nước ra sao, đi về đâu thì không cần biết.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 08/05/2018 (nguyentuongthuy's blog)
Đi tù trước khi dấn thân vào con đường hoạt động dân chủ
Ngày 29/4/2018, chúng tôi tổ chức đi Thái Bình để gặp và trao quà cho hai gia đình tù nhân lương tâm là Trần Anh Kim và Nguyễn Văn Túc. Cả hai đều ở Thái Bình là những tù nhân nổi tiếng, đã từng đi tù và lần này đều bị kết án nặng nề là 13 năm tù giam.
Trần Anh Kim (phải), Lê Thanh Tùng trong phiên tòa ngày 16/12/2016. Ảnh Vietnamnet
Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thơm, vợ anh Kim nói buồn : "Nếu anh Kim còn sống cho đến khi ra tù thì đầu em đã bạc". Tôi nghe mà nghẹn lòng chưa biết an ủi chị ra sao thì chị nói tiếp : "Anh ấy vừa cao tuổi, vừa bệnh tật, không biết có sống được đến ngày ra tù không".
Tù nhân lương tâm đi tù lần thứ 2 bây giờ không hiếm. Nhưng Trần Anh Kim đi tù lần này là lần thứ 3. Lần tù thứ nhất trong đời, chấm dứt con đường binh nghiệp là lần anh bị bắt và bị truy tố với tội danh "Cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế" rồi bị kết án 24 tháng tù giam. Trước khi đi tù, anh mang quân hàm trung tá, Phó chỉ huy chính trị, Ban quân sự thị xã Thái Bình.
Sau khi ra tù vào năm 1995, Quân khu III ra quyết định cho Trần Anh Kim nghỉ hưu, giải quyết trợ cấp thương tật nhưng anh không nhận vì cho rằng việc xử lý đối với anh là oan sai. Vì vậy, rời quân đội anh không hưởng một chế độ gì. Đơn thư kháng cáo của anh đã gửi lên tới Viện kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao nhưng đều bị bác bỏ. Anh tiếp tục gửi đơn đến các lãnh đạo cấp cao nhưng bặt vô âm tín. Anh còn gửi thư đến các tổ chức quốc tế nhờ can thiệp. Việc này mãi khi đến thăm anh khi anh mới ra tù lần thứ 2, tôi mới nghe anh kể.
Có lẽ vì nỗi oan ức của anh không được giải quyết và hiểu nguyên nhân vì đâu nên Trần Anh Kim mới dấn thân vào con đường dân chủ. Trên con đường này, anh xếp việc riêng của mình lại. Vì thế, ít người biết đến lần đi tù đầu tiên của anh. Đã có nhiều người bước vào con đường dân chủ bắt đầu từ nỗi oan ức riêng. Họ hiểu, nếu đất nước không có dân chủ thì những oan khiên vẫn tiếp tục diễn ra, công lý chỉ dừng ở khái niệm. Đấy mới là cái gốc của vấn đề.
Cũng từ đó, những năm tháng tù đày liên tiếp của Trần Anh Kim bắt đầu.
Thêm hai lần đi tù vì bất đồng chính kiến
Trên con đường đấu tranh dân chủ, Trần Anh Kim bị bắt vào ngày 7/7/2009. Anh bị cáo buộc tội danh "hoạt động lật đổ chính quyền". Theo cáo trạng, Trần Anh Kim đã xin vào Đảng dân chủ Việt Nam, giữ chức danh phó tổng thư ký, tham gia khối 8406, trả lời đài nước ngoài... Tại phiên tòa ngày 28 tháng 12 năm 2009, tòa án Thái Bình đã kết án anh 5 năm 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế. Trước tòa, Trần Anh Kim tuyên bố không nhận mình có tội và không xin khoan hồng.
Ngày 7/1/2015, anh mãn hạn tù. Trả lời BBC, anh nói sẽ "không thay đổi con đường đã chọn".
Trần Anh Kim bị bắt lần thứ 3 vào ngày 21/9/2015 khi anh ra tù mới được hơn 8 tháng. Anh bị cáo buộc lập ra tổ chức "Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ" và lại bị truy tố theo điều 79. Tuy nhiên, Trần Anh Kim khẳng định hành vi này hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Lần này, anh bị kết án nặng tới mức không ai tin nổi : 13 tù giam và 4 năm quản chế. Cùng vụ án với anh có Lê Thanh Tùng, bị kết án 12 năm tù và 4 năm quản chế.
Quản chế gắt gao
Không biết có phải Trần Anh Kim quá nguy hiểm đối với nhà cầm quyền hay vì tính chất độc ác của công an Thái Bình mà cả hai tù nhân lương tâm Trần Anh Kim và Nguyễn Văn Túc đều bị canh gác rất chặt trong thời gian giữa hai lần đi tù. Công an lập cả một chốt canh trước nhà các anh để theo dõi nhất cử nhất động hàng ngày. Tất cả những ai đến thăm các anh đều bị đưa về đồn công an thẩm vấn và bị đánh đập hoặc đe dọa. Tôi đã từng là nạn nhân của sự khủng bố này khi đoàn 12 người chúng tôi về thăm Trần Anh Kim bị bắt và bị đánh đập tàn bạo.
Gặp gỡ gia đình Trần Anh Kim và Nguyễn Văn Túc tại Thái Bình ngày 29/4/2018
Không chỉ thế, bây giờ hai anh đã đi tù rồi, nhà cầm quyền vẫn tiếp tục canh... hai bà vợ. Đợt đi thăm hai gia đình vừa qua, cả chị Nguyễn Thị Thơm (vợ anh Kim) và chị Bùi Thị Rề (vợ anh Nguyễn Văn Túc) đều nói với chúng tôi : "Lẽ ra, các anh chị đã về tới đây, chúng em phải mời về nhà chơi, ăn bữa cơm gia đình nhưng lại sợ họ gây chuyện với các anh chị nên các anh chị thông cảm". Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với hai gia đình đành phải tổ chức ở một quán cà phê, gần nơi chị Thơm ở.
Người cựu chiến binh già có qua nổi bản án 13 năm ?
Về Hà Nội, tôi cứ ám ảnh mãi về câu nói của chị Nguyễn Thị Thơm : "Nếu anh Kim còn sống cho đến khi ra tù thì đầu em đã bạc", "không biết anh ấy có sống được đến ngày ra tù không". Chị Thơm khá trẻ so với anh Kim, anh sinh năm 1949 còn chị sinh năm 1966. Nếu tính đến ngày anh Kim mãn hạn tù thì chị cũng 63 tuổi, còn anh Kim sẽ là 80.
Không chỉ là tuổi già, Trần Anh Kim đi tù lần này trong khi cơ thể đầy bệnh tật. Anh bị viêm tiền liệt tuyến sưng to, ngoài khả năng điều trị của bệnh xá trại giam (Khi thành án, anh bị đưa về trại giam số 5 ở huyện Yên Định, Thanh Hóa). Vừa rồi, trại giam đưa anh lên tuyến bệnh viện tỉnh để mổ, vì vậy chị Thơm được ở bên anh 20 ngày để chăm sóc, tất nhiên trong vòng kiểm soát của công an. Ngoài bệnh tiền liệt tuyến, anh còn bị chứng đau đầu hành hạ do tổn thương sọ não. Đây là hậu quả của những năm tháng anh Kim tham gia chiến đấu chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Hiện giờ, hai hàm răng của anh bị rụng gần hết, chỉ còn vài chiếc răng cửa. Anh đang yêu cầu trại giam cho ra ngoài để lắp hàm răng giả.
Vì vậy, nỗi lo lắng của chị Thơm là có cơ sở. Người thường, sống được trên 80 đã là thọ. Vậy mà Trần Anh Kim, khi ra tù thì cũng đã ở tuổi 80 trong khi cơ thể ốm yếu bệnh tật và sống trong môi trường khắc nghiệt của nhà tù.
Đã có một số tù nhân lương tâm được sự vận động của các tổ chức quốc tế, của chính phủ Mỹ và các nước Phương Tây, thỏa thuận với chính phủ Việt Nam nên được đi tị nạn chính trị. Đi hay ở, đều có cái giá phải trả, điều đó tùy mỗi tù nhân lương tâm cân nhắc. Tôi không phản đối hay cổ động việc này nhưng cảm thông, thấu hiểu thì có. Mỗi khi có một tù nhân lương tâm đi tị nạn chính trị, tôi vừa thấy vui vì các anh chị thoát khỏi ngục tù nhưng lại vừa thấy xa xót. Nhưng với anh Trần Anh Kim thì khác. Tôi rất muốn các tổ chức quốc tế, các quốc gia có uy tín vận động cho anh được đi tị nạn chính trị ở một quốc gia nào đó. Thêm vào đó là sự ủng hộ, khuyến khích của bạn bè, anh em dân chủ từ bên ngoài, tôi tin rằng anh sẽ chấp nhận.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 04/05/2018 (nguyentuongthuy's blog)
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP-Trans-Pacific Partnership) đã được 12 quốc gia thành viên (Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, United States, Vietnam) ký ngày 04/02/2016. Nhưng 3 ngày sau ngày nhậm chức, ngày 23/01/2017 ông Donald Trump, tổng thống vừa đắc cử của Mỹ, đã ban hành quyết định rút khỏi Hiệp định vì cho rằng Hoa Kỳ chịu nhiều thiệt thòi nếu hiệp định này được thi hành.
Liền ngay sau đó, dưới sự điều động của Nhật Bản, 11 thành viên còn lại đã cùng nhau họp lại để bàn thảo cách thức duy trì nội dung hiệp định TPP. Và ngày 14/03/2018 một hiệp định mới ra đời, mang tên Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP-Comprehensive and Progressive Agrement for Trans-Pacific Partnership).
Ngày 23/01/2017 ông Donald Trump, tổng thống vừa đắc cử của Mỹ, đã ban hành quyết định rút khỏi Hiệp định TPP
Tuy nhiên, theo VOA, ngày 12/04/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho các cố vấn kinh tế và thương mại hàng đầu nghiên cứu việc tái gia nhập Hiệp ước mậu dịch vòng đai Thái Bình Dương.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin này, ngày 19/4, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết : "Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, là hiệp định thương mại mở, theo đó các nền kinh tế có thể tham gia CPTPP sau khi hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở chấp thuận các tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên".
Không có một chữ nào nói lên sự hoan nghênh khi Mỹ quay trở lại TPP và có vẻ lạnh lùng, muốn làm khó cho Mỹ.
Lời phát ngôn của Bộ ngoại giao có thể hiểu như sau : Mỹ trước đây đã rút khỏi hiệp định, bây giờ coi như lính mới nhưng vẫn có thể tham gia. Mỹ muốn vào thì phải chấp nhận các tiêu chuẩn cao của tổ chức này và đương nhiên phải được sự chấp nhận của các thành viên (trong đó có Việt Nam).
Báo Mới giật tít đầy dụng ý : "Muốn gia nhập CPTPP, Mỹ sẽ phải chấp thuận các tiêu chuẩn cao".
Phát ngôn của Bộ ngoại giao có vẻ tréo ngoe với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc có vẻ thực tế và biết mình hơn khi cho rằng Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định này thì "tất cả các nền kinh tế thành viên sẽ hưởng lợi" và đó sẽ là một động lực lớn cho tăng trưởng "trong khu vực và trên toàn thế giới".
Khi Mỹ chưa rút, TPP bao gồm 12 nước trong đó, Việt Nam và Mỹ đều không phải là nước sáng lập. Nhưng nhìn vào danh sách 12 nước, người ta thấy vị thế của Việt Nam và Mỹ khác hẳn "một đầu, một cuối". Việt Nam đã phải khá vất vả để đàm phán với các nước trong đó có Mỹ. Nhiều vấn đề mà Việt Nam phải vượt qua một cách nhọc nhằn như các điều khoản về lao động, phải tuân theo những tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế, phải chấp nhận một mức lương tối thiểu, phải cấm tình trạng bắt buộc lao động dưới mọi biện pháp, cho phép công nhân thành lập công đoàn, độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Việc loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp sẽ làm mất đi một nguồn thu rất lớn để đổi lại các lợi ích khác. Các điều kiện khó khăn như vậy nên rất có thể Việt Nam cứ chấp nhận để được vào đã, rồi thực hiện được hay không thì… tính sau. Kinh nghiệm về thực hiện thỏa thuận của Việt Nam với các nước trước đây cho thấy tình trạng đó.
Những điều kiện khó đối với Việt Nam thì với Mỹ lại là điều đơn giản. Đó là những tiêu chuẩn đương nhiên và sẵn có dù Mỹ vào TTP hay không.
Còn với Việt Nam, TPP là Hiệp định thương mại mà Việt Nam đặt nhiều hy vọng nhất. Trong 12 nước, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
Khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP chỉ 3 ngày sau khi ông Donald Trump nhậm chức, thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzō tiếc rẻ, cho rằng TPP sẽ không có ý nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ.
Cũng cần lưu ý, việc trở lại của Mỹ là chưa chắc chắn. Tổng thống Mỹ ngỏ ý còn đang xem xét nếu hiệp định này "tốt hơn đáng kể" so với thỏa thuận mà chính quyền của ông Obama trước đây. Điều này có nghĩa, họ sẽ trả treo, làm mình làm mẩy, đưa ra các điều kiện khó hơn cho các nước thành viên, làm sao có lợi hơn cho nước Mỹ.
Qua đó, có thể thấy rõ vị thế của Mỹ và Việt Nam trong TPP. Ngược về quá khứ để biết, Việt Nam đã khốn khổ khốn nạn như thế nào trong 20 năm bị Mỹ cấm vận. Vì vậy, khi bà Lê Thu Hằng có vẻ "rộng lượng" khi nói Mỹ "có thể tham gia" nhưng dọa phải "chấp thuận các tiêu chuẩn cao" và phải được các nước chấp nhận khiến người ta không khỏi thấy khôi hài.
Cư dân mạng thì được một phen cười bể bụng, rằng "ngoại giao lớp 3 trường làng", "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng", "chảnh", "không biết mình là ai và đang ở đâu", "xưa khốn khổ vì vướng phải nhân quyền và công đoàn độc lập, phải cầu lụy Mỹ. Nay đã gia nhập rồi thì trở mặt".
Có người còn tếu táo hỏi tiêu chuẩn cao đặt ra với Mỹ là gì ? Có phải café…pin ? Thuốc than tre trị ung thư ? Thịt cá nuôi bằng thuốc tăng trọng hay là rau quả đầy thuốc kích thích ?
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 21/04/2018
*********************
Trump ‘đổi ý, không muốn Hoa Kỳ tái nhập TPP’ (BBC, 18/04/2018)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại lên Twitter tuyên bố ông không thích Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mặc dù Nhật và Hàn Quốc mong muốn Mỹ "quay lại TPP".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP vào ngày làm việc đầu tiên của mình tại văn phòng ông vào tháng 1 năm 2017
Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP ngay khi lên nhậm chức năm 2017, nhưng gần đây nói có thể tham gia trở lại nếu có điều khoản tốt hơn.
Nhưng hôm thứ Ba, viết trên Twitter sau khi ăn tối với ở Florida với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hoa Kỳ nói đã bác lời mời của Tokyo để ông tái nhập thỏa thuận mậu dịch này.
"Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng ta trở lại TPP, tôi không thích thỏa thuận cho Hoa Kỳ", ông nói.
"Quá nhiều điểm không chắc chắn và không có cách nào để thoát nếu thỏa thuận này không mang kết quả".
"Các thỏa thuận song phương hiệu quả hơn, có lợi nhuận và tốt hơn cho người lao động của chúng ta. Nhìn thấy WTO đã khiến nước Mỹ tệ hại ra sao", ông Trump viết.
Thông báo trên truyền thông xã hội của tổng thống Hoa Kỳ được đưa ra vào cuối ngày đầu tiên trong hội nghị thượng đỉnh hai ngày với ông Abe tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida.
Ông Trump đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP vào ngày làm việc đầu tiên của mình tại văn phòng ông vào tháng 1 năm 2017 sau khi chống lại TPP trong cuộc vận động tranh cử vào năm 2016 cho chức vụ tổng thống.
Tuy nhiên tuần trước, ông đã có một cuộc gặp với các chính trị gia từ các tiểu bang Hoa Kỳ dựa vào nông nghiệp vốn thuyết phục ông tránh chiến tranh thương mại với Trung Quốc và xem xét tái nhập TPP.
Đầu năm nay, ông cũng nêu ra ý tưởng gia nhập TPP trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.
Tuy nhiên, quyết định của ông Trump không tham gia TPP, trước ngày thứ hai của cuộc hội đàm về mậu dịch, là tin không vui cho Thủ tướng Nhật Bản.
Nhật Bản không muốn tham gia đàm phán thương mại song phương với Hoa Kỳ vì nghi ngờ Washington sẽ yêu cầu bắt Nhật nhượng bộ nhiều hơn những gì Tokyo đã nhượng bộ trong TPP, mà Washington lại không nhượng bộ gì để đổi lại.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định, 11 quốc gia còn lại tiếp tục đàm phàn và ký kết thỏa thuận hồi tháng Ba.
Nhận được thông tin Lữ đoàn 28 Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân đào rãnh phân địa giới đất đơn vị quản lý với đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, chúng tôi tổ chức một đoàn về Đồng Tâm để tìm hiểu tình hình.
Chụp ảnh kỷ niệm cùng bà con Đồng Tâm
Đoàn chúng tôi có 8 người, trong đó đã từng đến Đồng Tâm có Trịnh Bá Phương, Lễ Ngọc, chị Nguyễn Nguyên Bình. Còn tôi, đây là lần đầu tiên tôi về với Đồng Tâm. Thời kỳ giữa tháng 4 năm 2017, khi nhân dân Đồng Tâm bắt giữ 38 con tin để đáp trả hành động tương ứng của chính quyền, tôi liên tục bị canh chặn, không thể đi được.
Từ ngày ấy, đã có rất nhiều đoàn hoặc cá nhân đã tới Đồng Tâm để tìm hiểu tình hình nên tôi không dám chắc đoàn đến muộn sẽ được đáp ứng những gì cần tìm hiểu. Tôi chỉ ngại nhận được những câu trả lời chung chung rồi bảo, còn chi tiết cụ thể, các anh tìm hiểu thêm trên mạng.
Thấy chúng tôi đến, bà con thôn Hoành kéo nhau đến chật nhà cụ Lê Đình Kình. Bà con niềm nở đón tiếp chúng tôi, mời nước, têm cả trầu mời. Có lẽ, giờ hiếm những làng quê còn giữ tục lệ mời trầu khách. Chúng tôi có nhiều chương trình trong ngày nên không thể ở lại ăn bữa cơm thân mật theo lời mời bà con. Ra về, chúng tôi được nhận quà, đó là những túi chè tươi hái trong vườn thôn Hoành. Quanh nhà cụ Kình vẫn có những kẻ không được hoan nghênh nhưng lảng vảng xung quanh ghi hình rồi bám theo khi xe lăn bánh. Bà con vây kín xe, bịn rịn chia tay và chúng tôi nói với nhau những lời bày tỏ tình đoàn kết. 6 thanh niên thôn Hoành đi 3 xe máy tiễn chúng tôi một đoạn xa mới quay về, có lẽ còn có cả ý bảo vệ an toàn cho khách.
Tấm lòng hiếu khách, thái độ tiếp đón nồng nhiệt, ân cần và chu đáo của bà con Đồng Tâm làm chúng tôi thấy vui và ấm áp trong lòng như thể chúng tôi là người thân của bà con đã từ lâu.
Tác giả hỏi chuyện cụ Lê Đình Kình
Cụ Lê Đình Kình nguyên bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm năm nay 83 tuổi nhưng còn rất mẫn tiệp. Đặc biệt trí nhớ của cụ thật tuyệt vời. Cụ nói vanh vách từng số văn bản, ngày ký văn bản, ai ký, nội dung là gì, thậm chí còn nhớ cả số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp của người mà cụ nhắc đến. Trong hơn 1 giờ, chúng tôi nói đến nhiều chuyện về cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm. Trong tố cáo của nhân dân Đồng Tâm đề cập tới 49 nội dung nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề 59 ha Đồng Sênh. Đây là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng bắt giữ con tin giữa tháng 4 năm 2017.
Nhân dân khẳng định 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm, còn Thanh tra Hà Nội lại khẳng định dân Đồng Tâm chiếm đất quốc phòng, đơn vị bộ đội thì buông lỏng quản lý.
Cụ Kình nói kết luận như vậy là nói xấu cả dân Đồng Tâm, nói xấu cả quân đội.
Có chém đầu tôi đi thì Đồng Sênh vẫn là đất nông nghiệp
Cái lý của nhân dân Đồng Tâm khá đơn giản. Ngày 14/4/1980, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 113/TTg về việc cấp đất xây dựng đợt 1 sân bay quân sự Miếu Môn với diện tích 208 ha, trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm.
Như vậy, đất quốc phòng nằm trong địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 47,36 ha. Ngoài diện tích ấy, nếu trên địa giới hành chính của Đồng Tâm phải là đất nông nghiệp của Đồng Tâm.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội ngày 24/7/2017 thì hiện có 64,03 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, dôi ra 16,37 ha. Như vậy 16,37 ha này chưa có quyết định thu hồi, chưa đền bù thì vẫn là đất nông nghiệp của Đồng Tâm mà quân đội quản lý "nhầm" ? Như vậy, trừ đi hơn 3 ha của xí nghiệp vôi đá thì khu đồng Sênh không chỉ là 59 ha mà là 72 ha.
Quan điểm của nhân dân Đồng Tâm là phần 47,36 ha của Đồng Tâm giao cho quân đội đã nhận tiền đền bù, không nói gì đến nữa. Nhưng phần đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp, chưa hề có quyết định thu hồi. "Có chém đầu tôi đi, tôi vẫn nói thế" - cụ Kình nói.
Thanh tra và cả công an về Đồng Tâm, cứ nói là thu hồi đợt 2 nhưng đợt 1 đang qui hoạch treo thì sao lại thu hồi đợt 2. Mà nếu có thu hồi đợt 2 thì đương nhiên phải có quyết định thu hồi. "Tôi chỉ yêu cầu có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng đúng pháp luật thì chúng tôi giao đất thôi, không cản trở". Thế nhưng yêu cầu đơn giản ấy của nhân dân Đồng Tâm, chính quyền lại không chịu đáp ứng. Phải chăng họ muốn lấy không đất nông nghiệp của dân mà không mất đồng đền bù nào.
Chính quyền Hà nội nói một đằng quân đội xác nhận khác
Ngày 20/10/2014 ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ký Quyết định số 5383/QĐ- UBNDTP về việc tiếp tục giao 236 ha đất sân bay Miếu Môn cho lữ Đoàn 28. Như đã nói ở trên, Quân chủng Phòng không Không quân được giao 208 ha từ năm 1980.
Nhưng chỉ 3 ngày sau, ngày 23/10 Đại tá Trịnh Văn Truyền lữ trưởng Lữ đoàn 28 ký thông báo số 961A/TB-LĐ gửi ông Lê Đình Kình nói hiện nay lữ đoàn quản lý đủ 208 ha (chứ không phải 236)
Cụ Lê Đình Kình cho rằng, thông báo của Đại tá Trịnh Văn Truyền không khác gì cái tát vào mồm ông Vũ Hồng Khanh.
Giao đất một nơi, đòi nhận một nơi
Tôi hỏi họ giao đất cho Viettel như thế nào, cụ Kình nói, cái nút thắt là ở chỗ ấy.
Ngày 27/3/2015 Bộ Tổng Tham mưu, Bộ quốc phòng ra Quyết Định số 551/QĐTM về việc thu hồi 50,03 ha đất Quốc phòng hiện do tiểu đoàn 31 thuộc Lữ đoàn 28 đang quản lý.
Thế nhưng Viettel lại không lấy ở phần đất 208 ha. Quân chủng Phòng không Không quân giao cho họ không nhận mà Ủy ban huyện Mỹ Đức lại bàn giao phần đất nông nghiệp ở Đồng Sênh cho Viettel. Cụ Kình nói đây là cướp đất của dân bán lấy tiền. Quyết định Quân chủng Phòng không Không quân phải giao đất cho Viettel vẫn chưa thực hiện, vì Ủy ban huyện Mỹ Đức và Viettel vẫn nhăm nhe lấy đất nông nghiệp của Đồng Tâm. Như vậy nhất định 1 bên hoặc cả 2 bên (Viettel và Ủy ban Mỹ Đức) có lợi ích nhóm ở đây.
Nhận xét về cách thực hiện bàn giao đất cho Viettel, cụ Kình nói, trên thì nói Bộ quốc phòng giao cho Quân chủng Phòng không Không quân bàn giao, dưới lại nói Ủy ban Hà Nội giao cho Ủy ban Mỹ Đức thu hồi giải phóng mặt bằng đền bù bố trí tái định cư rồi tiền đến bù lại do Viettel chi trả. Cụ Kình cho rằng cứ tay nọ nó đập tay kia, tay phải vả mép trái tay trái vả mép bên phải, rất lung tung lộn xộn không theo qui định nào cả.
Tuy nhiên, về việc này, kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội nói thông báo của Lữ 28 nói hiện nay đơn vị vẫn quản lý diện tích 208 ha được thể hiện trên đường bao 16 mốc giới là thiếu chính xác. Nhưng đó cũng chỉ là lời của… thanh tra.
Mọi sự đã rõ ràng
Như vậy, lý lẽ của nhân dân Đồng Tâm thật đơn giản. Thế nhưng nó trở thành tranh chấp mà đỉnh điểm là vụ bắt 29 con tin ngày 15/4/2017
Cho đến lúc này (cuối tháng 3/2018) mọi sự đã minh bạch. Theo cụ Kình thì mốc giới đông tây nam bắc rõ ràng, chỗ nào là 47,36 héc ta của quốc phòng, chỗ nào là 59 héc ta của Đồng Tâm. Trước đây, theo như dân đề nghị cũng như thanh tra yêu cầu cử các cơ quan chức năng về khảo sát đo đạc lại. Bây giờ không phải khảo sát cũng không phải đo lại, xác định vị trí đâu vào đấy hết.
Hơn một tuần nay, Lữ đoàn 28 đã cho đào rãnh để phân biệt ranh giới giữa khu đất quân đội quản lý với đất nông nghiệp của Đồng Tâm. Rãnh được đào về phần đất quốc phòng và đất cũng được hất lên về phía ấy. Bằng động thái này, phía quân chủng Phòng không Không quân đã công nhận khu đất 59 ha ở Đồng Sênh là của Đồng Tâm.
Đây là diễn biến có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm. Tuy nhiên về phía chính quyền, họ vẫn im lặng. Không hiểu chính quyền Hà Nội sẽ nói như thế nào về động thái này của phía quân đội. Không dễ dàng gì họ chịu thua dân. Để họ công nhận cần phải có thời gian do bản tính bảo thủ cố hữu của họ.
Video dưới đây được quay tại hiện trường ngày 31/3/2017. Người thuyết minh là anh Lê Đình Công con trai cụ Lê Đình Kình : Chính quyền đã vu cáo cho nhân dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng đồng thời vu cáo cho quân đội buông lỏng quản lý :
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 02/04/2018
Hành vi một đằng, ghép tội một nẻo
Những Tù nhân lương tâm thường bị cáo buộc tội danh "tuyên truyền chống nhà nước", "hoạt động lật đổ", "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của nhà nước…". Nhưng nhiều khi các tội danh được gán ghép chẳng liên quan đến hoạt động của họ. Đó là các trường hợp Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày (án đầu), Lê Quốc Quân, với tội danh "trốn thuế" ; Bùi Thị Minh Hằng với tội danh "gây rối trật tự công cộng". Một số nông dân bị cướp đất ở Dương Nội bị gán tội danh "chống người thi hành công vụ", "gây rối trật tự công cộng, v.v…
Anh Trịnh Bá Phương, con của bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Khiêm biểu tình trước tòa án ngày 19/09/2014 trước lúc bị bắt. DR
Theo chị Nguyễn Thị Tâm một dân oan Dương Nội thì chị bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ. Chị kể trong những lần đi cung, điều tra viên Đỗ Xuân Quảng nói toạc ra với chị : "Bọn tao giữ mày làm đ. gì. Chẳng qua chính quyền nhờ bên tao giữ hộ chứ mày tội tình đ. gì, hôm nào xử sẽ xử án treo rồi về" .
Câu chuyện đã tố cáo thủ đoạn quen thuộc của công an : ghép tội để bắt người, hoặc bắt người rồi ghép tội chứ hành vi của họ không cấu thành tội phạm.
Thầy Vũ Hùng với tội danh "cố ý gây thương tích"
Cho đến ngày 4/1/2018 thì đến lượt thầy giáo Vũ Hùng. Hình như thầy là trường hợp đầu tiên bị vận dụng tôi danh "cố ý gây thương tích".
Vụ án thầy Vũ Văn Hùng: Qui trình bắt người bạo ngược
Khoản 1 Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác qui định như sau :
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm :
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người ;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân ;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người ;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ ;
e) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình ;
f) Có tổ chức ;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục ;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê ;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm ;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Được biết, "nạn nhân" của thầy Hùng, sau khi đi "giám định sức khỏe" đã cho ra một mức thương tích cao nhất nhưng cũng chỉ dám "giám định" tới 3%. Điều đó có nghĩa là, không có cơ sở để truy tố thầy Hùng vì thương tích của "nạn nhân" chưa tới 11% và không thuộc các "tiết" từ a đến k.
Cho đến lúc này, "nạn nhân" của "hành vi cố ý gây thương tích" được gán cho thầy Vũ Văn Hùng vẫn là một bí mật quốc gia.
Chị Lý Thị Tuyết Mai, vợ nhà giáo Vũ Hùng cho biết, sát ngày hết hạn tạm giam 2 tháng, cảnh sát điều tra vụ án thông báo với chị là đã kết thúc điều tra và chuẩn bị chuyển kết luận điều tra sang Viện kiểm sát quận Thanh Xuân. Viện kiểm sát quận Thanh Xuân cũng cho chị Mai xem lệnh gia hạn tạm giam thêm 20 ngày đối với thầy Vũ Hùng. Không hiểu kết luận điều tra và cáo trạng nó sẽ như thế nào và họ bỏ tù thầy Hùng kiểu gì ?
Chị Tuyết Mai cũng cho biết, chiều 7/3 kiểm sát viên tên Thủy bảo chị foto công chứng huân huy chương nộp cho họ để được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Đây cũng là một thủ đoạn nham hiểm để khẳng định thầy Hùng có tội và để gia đình hàm ơn. Không có tội tại sao phải giảm nhẹ ?
Cảnh giác với thủ đoạn vận dụng tội danh "cố ý gây thương tích"
Trở lại việc thầy Vũ Hùng là trường hợp đầu tiên trong giới đấu tranh bị gán ghép tôi danh "cố ý gây thương tích". Đây là một thủ đoạn mới của công an nhằm làm cho họ dễ dàng bắt người hơn, tất nhiên theo cách cố tình ghép tội. Cách bắt người này nham hiểm ở chỗ khi chúng tấn công đối tượng, đối tượng thường có phản ứng theo thói quen, chứ không đứng im cho chúng đánh : hoặc là chửi lại, hoặc là đẩy chúng ra, hoặc là đánh lại và khi đó chúng sẽ tru tréo lên là bị đánh. Nếu "may" mà xước được tí da thì thành công, nếu không thì sẽ bắt đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng". Nghĩa là gần như chúng muốn ghép là được.
Khẳng định rằng hai tên đi theo đánh thầy Hùng buổi trưa ngày 4/1/2018, nếu thầy Hùng bị vỡ đầu, gãy chân tay chắc chắn chúng sẽ không bị sao, còn thầy Hùng dù phản ứng nhẹ cũng bị bắt như ta đã biết.
Có rất nhiều ví dụ cho việc đối tượng cần bắt thì bị ghép tội còn tội của công an thì lờ đi. Ở đây chỉ nhắc lại vài ví dụ anh em hoạt động bị đánh trong đồn (không kể bị đánh ngoài đường) : Trương Dũng bị đánh trong trại Lộc Hà (2/6/2013), máu me đầm đìa, chúng đem vứt ngay trước cổng đồn, chúng tôi phải đưa anh đi bệnh viện. Anh cũng bị đánh dã man trong đồn công an quận Hải An, Thành phố Hải Phòng (2/4/2013), chúng mang lên xe chở đến Quán Toan rồi vứt ở đấy sau khi đã tước điện thoại của anh. Hay vụ anh bị đánh gãy 3 xương sườn và bị cùm chân ở đồn công an Thụy Khuê ngày 25/10/2013 khi anh đến đòi đồ cho dân oan. Vụ này Bùi Thị Minh Hằng quay được video. Vụ 12 người đến thăm ông Trần Anh Kim ngày 21/1/2015 bị bắt vào đồn công an phường Trần Hưng Đạo Thành phố Thái Bình tỉnh Thái Bình và bị đánh hết sức tàn nhẫn v.v… Gần đây nhất là vụ Trương Dũng, Trịnh Đình Hòa, Mai Phương Thảo bị đánh tàn bạo khi bị bắt về đồn công an phường Minh Khai, Thành phố Phủ Lý trong phiên tòa sơ thẩm Trần Thị Nga ngày 22/12/2017.
https://youtu.be/3iQ14vmLVfc
Video Trương Văn Dũng, Lê Hồng Phong bị cùm chân ở đồn Thụy Khuê
Tất cả những vụ ấy không có một tên nào phải chịu trách nhiệm.
Bản thân tôi đã nhiều lần chúng vu vạ. Chúng xông vào ngăn cản tôi đi, cướp điện thoại của tôi nhưng khi tôi đẩy ra thì chúng la lối lên rằng : "ông đánh tôi đấy nhé". Hình như bài vu ngược này chúng đã được dạy khá kỹ nên đứa nào cũng vân dụng rất nhanh.
Với thủ đoạn mới "vận dụng" tội danh "cố ý gây thương tích", anh em trong giới hoạt động cần hết sức tỉnh táo và bình tĩnh kiềm chế.
11/03/2018
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 12/03/2018 (nguyentuongthuy's blog)
1
Mùng 9 Tết Mậu Tuất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương tại sân rồng Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội). Tại đây, ông phóng sinh một lồng chim. Vài chục con chim được nhốt sẵn trong một cái lồng, nắp lồng buộc bẳng những dải lụa điều, đậy một tấp lụa vàng. Tấm lụa vàng được nhấc ra, những dải lụa điều được gỡ, Chủ tịch Trần Đại Quang trịnh trọng nhấc nắp lồng và lập tức những con chim đang khao khát tự do bay ra. Và… vỗ tay.
Phóng sinh là một nghi lễ truyền thống của nhà Phật, được duy trì có lẽ từ nhiều nghìn năm nay. Phóng sinh không chỉ là chim mà tất cả động vật, từ những con côn trùng đến những con vật lớn hơn, tạo cho chúng cơ hội tiếp tục sống. Phóng sinh không chỉ ở nghi lễ mà ở bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào. Ví dụ người ta đi đường gặp thì mua cả chậu cá còn sống, thả tại chỗ, không cần ai biết đến.
Trong nghi lễ, người ta thường chọn chim để phóng sinh vì hình ảnh những con chim đang trong cảnh tù túng, giam cầm được tung bay lên trời là biểu tượng đẹp nhất của tự do.
Phóng sinh là hành vi từ tâm, nhân đạo. Vì vậy, Đức Phật khuyên con người không sát sinh, các nhà tu hành không ăn mặn. Tuy nhiên, việc phóng sinh cũng có những mặt trái của nó. Để có được lồng chim cho Chủ tịch nước thả ra, người ta phải tìm mua chim. Có cầu ắt có cung. Vậy ắt có kẻ bẫy chim để bán cho ông thả. Những con chim mà ông Quang thả ra, trước sau nó cũng ở trên trời. Có chăng, thả được 100 con thì những con bị bắt phải bắt nhiều hơn số đó vì sẽ có thêm những con bị què, bị chết hay chui vào các nhà hàng đặc sản. Nếu không có nhu cầu phóng sinh vào các dịp Tết, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy…, động vật bị săn bắt vào những dịp này sẽ ít đi
Mặt khác, là nghi lễ của đạo Phật, việc phóng sinh chủ yếu nằm trong phạm vi các nhà chùa, các nhà tu hành. Nhưng khi Chủ tịch nước chủ trì việc phóng sinh, nó trở thành một thông điệp, thành sự khuyến khích trong toàn xã hội. E rằng rồi đây, người người bẫy chim, nhà nhà bẫy chim để bán phóng sinh. Cứ mỗi chu kỳ bắt - thả, chim sẽ hao đi một số.
2
Việc đầu xuân Chủ tịch nước thả chim phóng sinh cũng hình thức như các lãnh đạo khác trồng cây. Thường là họ trồng cây đã trưởng thành. Cây cao gấp mấy thân người trồng, lại đã sinh ra các rễ phụ sum xuê. Lồng chim của ông Quang phủ lụa vàng, buộc lụa điều thì cán xẻng trồng cây của các lãnh đạo khác cũng xanh xanh đỏ đỏ. Lại có khi còn trải bạt để các lãnh đạo trồng cây cho khỏi bẩn giầy nữa. Gợt vài xẻng đất, tưới một tí nước được chuẩn bị sẵn là xong việc và… cũng vỗ tay. Nếu chim phóng sinh được bắt ở chỗ này, thả ở chỗ khác, thì cái cây các lãnh đạo trồng cũng đang sống yên ổn ở chỗ này bứng ra chỗ khác. Nó là di chuyển vị trí của cây chứ không phải là trồng. Mỗi lần như thế, cây thêm một lần đau đớn.
Trồng cây là phải thêm cây cho xã hội, là những cây giống được ươm ở vườn được nhân ra. Đồng ý rằng các vườn cây cũng có những cây to để bán cho các nhà giàu, các cơ quan nhưng đấy chỉ là di chuyển cây đáp ứng nhu cầu trang trí, làm đẹp, thỏa mãn nhu cầu thể hiện chứ không phải trồng thêm cây cho xã hội.
Cứ nhìn cảnh trồng cây hay thả chim phóng sinh, người ta thấy rõ tính hình thức và nó cứ giả giả thế nào.
3
Nói đến chuyện thả chim phóng sinh chim tức là trả tự do cho chim, lại nghĩ đến những tù nhân lương tâm nhiều năm bị giam cầm với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đông lạnh, hè nóng, tình cảm bị chia cắt. Nhất là dịp tết đến xuân về, sự đau đớn về tình cảm lại càng nhức nhối. Chẳng thế mà Đinh La Thăng còn xin được về ăn tết với gia đình rồi mới thi hành án.
(Ảnh: HRW)
Một danh sách của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm cho thấy có 91 người đang bị giam giữ. Danh sách có thể còn sót và chưa tính những người bị bắt từ đầu năm 2018. Như vậy hiện nay có khoảng 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở các trại giam trên toàn quốc. Họ là những người không có tội. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội, nói lên sự thật, dám biểu đạt chính kiến của mình và cất lên lên tiếng nói tự do. Đó là những con người cần được trả tự do nhất. Nếu họ có tâm từ bi thật khi phóng sinh chim thì họ cũng có đủ từ bi để trả tự do cho những tù nhân lương tâm. So với con chim, ai cũng biết là con người cần và đáng được tự do hơn cả. Phóng thích tù nhân lương tâm cũng có nghĩa là phóng thích những điều cay cú, hơn thua, cố chấp và thù hận ra khỏi con người mình để mình cũng được tự do.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 26/02/2018
(nguyentuongthuy's blog)