Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mãi đến trưa ngày 30/10/2017, tôi mới nhận được lời mời của đội bóng No-U đến dự sinh nhật lần thứ 6. Thông thường, tôi nhận được lời mời từ nhiều ngày trước. Đã tưởng năm nay, trong hoàn cảnh bị đàn áp gắt gao, No-U FC phải tạm thời bỏ sinh nhật. Kế hoạch tổ chức sinh nhật chỉ được gửi tới từng người trước vài giờ nói lên việc tổ chức sinh nhật No-U FC năm nay được tiến hành hết sức bí mật nhằm tránh sự đánh phá của nhà cầm quyền.

nou1

Kỷ niệm Câu lạc bộ bóng đá No-U tròn 6 tuổi

Đã có nhiều lễ kỷ niệm sinh nhật No-U FC bị đánh phá.

Năm 2016, lễ kỷ niệm được tổ chức ở nhà thờ Thái Hà. Nhiều người bị chặn tại nhà. Tôi vừa ra khỏi cửa thì bị một đám an ninh ngăn cản quyết liệt. Khu vực nhà thờ bị phá sóng và bị cắt điện.

Năm 2015, lễ kỷ niệm tổ chức tại nhà hàng. Được một lúc thì riêng nhà hàng này bị cắt điện. Tiếp theo, trong màn đêm tối mò, một nhóm côn đồ xông vào đạp các bàn ăn, ném chai cốc vào phía những người đang tham dự. Không khí căng thẳng đến tột độ. Trước đó, một chiếc xe ô tô chở bốn người đàn ông đến ăn búp-phê tối tại đây, chắc để nghiên cứu cách phá buổi kỷ niệm. Có người còn chụp được hình trong xe có cả mũ công an. Khi nhà hàng bị cắt điện thì bốn người đàn ông ấy đã quỵt tiền ăn lên xe đi mất.

Có năm tổ chức sinh nhật, nhà hàng đặt trước bị ép từ chối phục vụ, chúng tôi phải chuyển đến địa điểm dự phòng. Thực ra đấy mới là địa điểm chính thức do sự khôn khéo đánh lạc hướng của ban tổ chức.

Nhắc đến mấy lần sinh nhật như thế để nói rằng, sự ra đời và hoạt động của No-U nói chung và No-FC nói riêng làm nhà cầm quyền rất khó chịu. Vậy No-U là gì ? Phong trào này làm những gì mà bị coi là phản động ?

No-U là một phong trào yêu nước trong Mùa Hè đỏ lửa năm 2011. Năm ấy, 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra làm dấy lên phong trào chống Trung Quốc xâm lược. Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc vạch ra đường lưỡi bò nhằm thôn tính Biển Đông, trực tiếp uy hiếp chủ quyền của Việt Nam và đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Việt Nam yêu nước. Đường lưỡi bò giống chữ U, vì vậy ý nghĩa của chữ No-U là nói không với đường lưỡi bò của Trung Quốc. Nói rộng ra No-U là bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, cho No-U là phản động, đồng nghĩa với việc cho chống xâm lược là phản động. Đây là một điều mà nhà cầm quyền không thể giải thích nổi với nhân dân.

Và vì vậy, những hoạt động nào dính đến No-U đều bị đánh phá.

No-U còn được gọi tên theo các vùng miền như No-U Hà Nội, No-U Sài Gòn, No-U Đà Nẵng… Không thể biết No-U thu hút bao nhiêu người, ai là thủ lĩnh. Chỉ biết Phong trào No-U thu hút tất cả những người chống Trung Quốc, xuất phát từ tinh thần yêu nước. Với sự xuất hiện của Phong trào No-U, những nhóm, hội với các hoạt động, mục tiêu cụ thể ra đời như Câu lạc bộ bóng đá No-U (No-U FC), No-U thiện nguyện cũng ra đời trong năm đó.

6 năm qua, Phong trào No-U đã làm được rất nhiều việc : Khơi dậy và giữ lửa cho tình yêu Tổ quốc của người Việt Nam, kêu gọi và tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tổ chức các lễ tưởng niệm các tử sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh những tù nhân lương tâm vì lý tưởng cao cả mà chịu tù đày, xây dựng trường học cho trẻ em vùng cao, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai như bão lũ… Đó là những công việc tốt cho đời và đầy nhân bản. Thế nhưng chính những thành viên No-U gặp rất nhiều khó khăn vì những hoạt động này. Nhiều người bị sách nhiễu, bị cấm đi lại, bị ném chất bẩn vào nhà, bị đuổi khỏi nhà trọ, bị gây khó trong mưu sinh. Có những người bị trả thù, đón đường đánh đập như Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Chí Tuyến, Lã Việt Dũng… thậm chí bị đánh, bị cùm ngay trong đồn công an như Trương Văn Dũng, Lê Hồng Phong. Điển hình nhất là Bùi Thị Minh Hằng bị bắt vào trại cải tạo một cách phi pháp. Ở đây tôi không nhắc đến những người bị đàn áp, bị cầm tù vì các hoạt động hợp pháp khác, thuộc các tổ chức xã hội dân sự khác.

Trở lại với Câu lạc bộ bóng đá No-U. Mặc dù rất nhiều lần bị gây khó, phải chạy hết từ sân nọ đến sân kia nhưng đội bóng vẫn ra sân đều đặn. Cho đến ngày kỷ niệm 6 năm thành lập, đội bóng đã ra sân 251 lần (không kể những trận đấu giao hữu). Lễ kỷ niệm tổ chức vào tối 30/10 năm nay, nhờ làm tốt công tác bảo mật nên đã thành công tốt đẹp với sự góp mặt của hơn 40 thành viên. Cuộc gặp mặt diễn ra hết sức cảm động. Đặc biệt, có sự tham gia của chị Bùi Thị Minh Hằng, một thành viên kỳ cựu của No-U, người chiến sĩ đấu tranh gan dạ, dũng cảm nhất trong phong trào chống Trung Quốc xâm lược. Những bài hát lề dân vang lên : Việt Nam tôi đâu, Anh là ai (Việt Khang), Đáp lời sông núi, Triệu con tim một tiếng nói (Trúc Hồ), Việt Nam quê hương ngạo nghễ (Nguyễn Đức Quang), Con đường Việt Nam (đài SBTN)… Những gương mặt rạng ngời, say sưa vì đã lâu rồi chưa có dịp cất lên những ca từ của lòng mình. Thôi, chẳng được hát công khai cho đồng bào nghe thì chúng ta hát cho nhau nghe để giải tỏa bớt nỗi lòng. Mọi người nhắc lại những kỷ niệm trong 6 năm qua, những gian truân gặp phải, nhắc lại những người không thể có mặt để mà bùi ngùi. Trong buổi gặp gỡ, tôi thấy có nhiều gương mặt mới và trẻ trung bên cạnh những gương mặt đã thành thân quen. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần có dịp họp mặt, tôi hay để ý đến những gương mặt mới để vui, để mừng vì chúng tôi không đơn độc và nghĩ đến ngày mai tươi sáng.

(Xin mời bạn đọc xem những hình ảnh, những video tràn ngập trên mạng facebook trong ngày hôm nay).

Tại sao chúng ta làm những việc tốt cho dân, cho nước lại bị đàn áp ? Tại sao chúng ta đến đây gặp gỡ chỉ nói về những điều lương thiện mà phải bí mật ? Có bạn nêu ra bức xúc này và người nói người nghe đều nghẹn ngào, thấy thương nhau vô cùng. Phải chăng ở xã hội này, sự yên thân chỉ dành cho những người vô cảm ? Không phải, đừng tưởng vô cảm, né tránh mà được yên thân. Ngay cả khi họ không có gì để bị cướp nhưng vẫn còn thân xác đó. Ai bảo chỉ có thân xác không mà chắc chắn được yên lành ?

01/11/2017

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 01/11/2017

(nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn
samedi, 21 octobre 2017 21:53

Từ câu chuyện cây xăng Nhật

Nhiều người nhận xét, những chuyện bình thường ở các nước văn minh nếu xuất hiện ở Việt Nam thì đó lại là chuyện lạ. Nói cách khác, những việc làm tốt được dư luận khen ngợi thì đó là chuyện bình thường ở các nước khác. Nhận xét này đúng, và vì thế làm cho chúng ta đau lòng. Ví dụ nhặt được tiền trả lại người mất, cảnh sát dẫn người già qua đường… đều gây xôn xao trên báo chí. Nhiều người nhất quyết không tin, phân tích hình ảnh rồi kết luận là… diễn.

xang1

Giám đốc Nhật Công ty xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8) ở Khu công nghiệp Thăng Long cúi chào khách

Gần đây, một cây xăng Nhật - cây xăng nước ngoài đầu tiên tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của báo chí, cư dân mạng và toàn xã hội nói chung. Đó là cây xăng của Công ty xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8) ở Khu công nghiệp Thăng Long.

Điều quan tâm của người tiêu dùng là ở những điểm khác với các cây xăng Việt Nam : nhân viên cúi chào khi khách hàng đến ; hỏi khách hàng về loại nhiên liệu, số lượng cần mua, đề nghị khách hàng tắt máy, mở nắp bình xăng, mời khách kiểm tra đồng hồ xăng, nhận tiền của khách, cảm ơn và chào khách, lại tranh thủ lau kính, lau gương cho khách nữa. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là trạm xăng này cam kết thiết bị đo chính xác đến 1 phần vạn, nghĩa là nếu mua 50 nghìn tiền xăng thì sai lệnh nếu có chỉ là 5 đồng.

Ngày khai trương cửa hàng còn thưa thớt. Rồi tiếng lành đồn xa và nhờ báo chí Việt Nam, dân mạng nhiệt tình PR, những ngày sau đó đông dần đến nỗi nhân viên của cây xăng đôi khi không thể cúi chào hết từng khách hàng một.

Cũng phải thôi, tâm lý khách hàng là đồng tiền bỏ ra là thật thì họ cũng muốn nhận lại hàng thật và đầy đủ. Ngoài ra, họ muốn trải nghiệm tâm trạng được đối xử tử tế ra sao. Có người đánh ô tô đi 30 km đến chỉ để có được sự trải nghiệm đó. Không phải người Việt Nam bị bạc đãi, bị đối xử cục cằn, thô lỗ quen rồi nên không thích được đối xử tử tế. Trong dân gian chẳng đã có câu "Chẳng được ăn thịt ăn xôi / Thì được lời nói cho tôi vừa lòng" đó sao.

Nhưng ngược lại với người tiêu dùng, giới kinh doanh xăng dầu và số ủng hộ "hàng nội" ở Việt Nam có vẻ khó chịu. Sau khi cây xăng của IQ8 khai trương, nhiều cây xăng lập tức treo băng rôn "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Điều buồn cười ở chỗ Việt Nam còn phải nhập xăng dầu về bán, tức là họ đang bán xăng ngoại mà hô dùng hàng Việt Nam thì khác nào nói đừng mua xăng của chúng tôi nữa. Phải chăng ý thật của họ là người Việt Nam hãy làm giàu cho người Việt Nam ?

Có người cho rằng việc Giám đốc Nhật cúi chào khách là "tung chiêu mới". Thực ra đó chẳng phải là chiêu gì hết mà đó là phong cách, là văn hóa của của người Nhật đã ăn vào tiềm thức của họ chứ đâu phải là chiêu mới. Để có được phong cách gần giống như phong cách Nhật, các nhân viên người Việt của IQ8 phải học tới 3 tháng. Từ lúng túng, ngượng ngập ban đầu, họ đã thấy thoải mái với phong cách đó, chứ đâu phải chuyện giả vờ mà được. Còn ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn nêu ý kiến trên Facebook cá nhân, việc cúi chào khách hàng chẳng có gì đáng ca ngợi, nó giống như bà bán bún cho con nít kẹo. Ông ta so sánh thế, rõ ràng là đã xúc phạm đến người tiêu dùng.

Lại một facebooker viết, đại ý mua xăng của Nhật chỉ làm giàu cho đại gia Nhật, tiền nó mang về Nhật, còn mua xăng Việt Nam dù có thiệt thòi, bị ăn bớt thì vẫn vào túi người Việt Nam. Luận điệu này tương tự luận điệu tôi đã nghe từ một anh bạn. Anh bảo tham nhũng nó không mất đi đâu. Đằng nào đồng tiền cũng quay trở lại đầu tư cho nền kinh tế (!?)

Những ngày đầu IQ8 mở cửa hàng xăng, có nguồn tin từ báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh rằng có công văn của Hiệp hội các doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Nội đề nghị UBND Thành phố Hà Nội cấm công nhân viên chức trên địa bàn Hà Nội mua xăng dầu của cây xăng Nhật. Thông tin này chính xác hay không thì không rõ, chỉ biết sau đó, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam bác bỏ chuyện này.

Tại sao người ta lại lo lắng trước sự xuất hiện của cây xăng Nhật, khi IQ8 chỉ chiếm một thị phần hết sức nhỏ nhoi ? Hiện nay Petrolimex chiếm khoảng 50% thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam với hơn 5.400 cây xăng. Như vậy, toàn quốc có khoảng hơn 10.000 cây xăng, nếu cây xăng Nhật ở qui mô trung bình thì người Nhật mới chiếm 1 phần vạn thị phần bán lẻ xăng dầu. Con số phần vạn có thể coi bằng không. Nhưng nguy hiểm ở chỗ từ cái 1 phần vạn này nó đe dọa 9.999 phần còn lại. Ông Tố Hữu chẳng đã nói : "Mái chèo một chiếc xuồng con/Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương" đó sao.

Việc đổi mới phong cách bán hàng như thái độ đối với người tiêu dùng, đong đếm chính xác, đối với các doanh nghiệp xăng dầu trong nước không khó. Cái khó ở chỗ nếu làm như thế, đồng nghĩa với việc họ thất thu một khoản phi lợi nhuận, à quên, một khoản lợi nhuận phi nghĩa rất lớn. Có tờ báo dự đoán có tới 95% số cây xăng gian lận khi đong đếm. Một khoản gian lận lớn như thế, từ bỏ nó hoàn toàn không dễ. Tuy nhiên họ có muốn giữ lối làm ăn quen thuộc cũng không hề đơn giản. Vì vậy, trước mắt cứ tạm đối phó bằng cách kêu gào lòng yêu nước của người Việt và nói xấu cây xăng Nhật như kể trên đã.

Cái sự không dễ ở chỗ, Công ty Nhật "dọa" sẽ mở rộng thị trường. Họ cho biết sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới bán xăng dầu tại Việt Nam. Trước hết IQ8 đang nhắm tới một loạt quốc lộ lớn tại miền Bắc như quốc lộ 1A quốc lộ 5 quốc lộ 6, đều là những trục đường lớn, có lưu lượng xe qua lại rất nhiều. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam lại đang ủng hộ họ. Nhiều người mong công ty Nhật mở rộng hệ thống bán xăng dầu vào Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Có người khi mua xăng của Nhật, họ gọi các cây xăng Việt Nam là "xăng ngoài". Nói "dại", nếu cứ 2 cây xăng Việt Nam, họ lại chen cây xăng của họ vào giữa thì chỉ còn nước tháo tất cả thiết bị đong đếm điêu bán đồng nát còn mặt bằng thì bán lại cho họ.

Sự ủng hộ của người tiêu dùng đối với cây xăng Nhật là một sức ép buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi. Khu vực kinh tế nào có cạnh tranh thì tình hình khác hẳn. Mỗi người dân đều thấy, thái độ của nhân viên điện lực khác hẳn với thái độ của nhân viên nhà mạng. Nếu nhà mạng hàng tháng đến gõ cửa từng nhà thu tiền, có nhà đến nhiều lần mới gặp được chủ thì khi nộp tiền điện, các gia đình phải đến điểm thu đúng ngày giờ, kiên nhẫn xếp hàng để được nộp sợ "nó cắt". Chỉ tiếc rằng ở Việt Nam, còn nhiều lĩnh vực độc quyền và môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, nhất là giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Cạnh tranh bao giờ cũng có lợi cho người tiêu dùng. Điều quan trọng nữa là có cạnh tranh thì kinh tế mới phát triển. Mặt hàng ngày càng nâng cao về chất lượng và giá cả ngày càng hạ do cái đầu chịu khó suy nghĩ để tìm cách tồn tại. Hiện tượng cây xăng Nhật đã nói lên sự khao khát được đối xử tử tế, được mua hàng một cách sòng phẳng. Không chỉ riêng thị trường xăng dầu, không chỉ riêng lĩnh vực kinh tế mà sự đòi hỏi này ở mọi lĩnh vực trong xã hội. Qua đó, cũng thấy rất tội nghiệp cho người Việt Nam chúng ta. Chúng ta bị bạc đãi, chèn ép quá nhiều rồi.

Các doanh nghiệp Việt Nam không nên lo sợ sự xuất hiện của đồng nghiệp nước ngoài. Phải mạnh dạn đổi mới phong cách bán hàng (tôi không thích dùng chữ phong cách phục vụ vì quan hệ người mua người bán là quan hệ song phẳng, phục vụ lẫn nhau). Phải mạnh dạn đoạn tuyệt với nguồn thu bất chính. Có thể đau đớn ban đầu nhưng sẽ đến lúc thấy ánh mắt nhìn của khách hàng thiện cảm hơn, thấy mình đàng hoàng hơn, sống và làm việc có ý nghĩa hơn. Và rồi đến lúc, nếu quên một lời cảm ơn khi khách hàng đi khỏi thì thấy trong lòng day dứt mãi.

20/10/2017

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 21/10/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn
vendredi, 06 octobre 2017 20:16

Con kiến leo cành đa

Cứ mỗi khi tình hình kinh tế, xã hội trở nên tồi tệ, các mâu thuẫn nội tại chuyển hóa thành gay gắt thì Đảng cộng sản Việt Nam lại tìm cách đổi mới, cải cách, ra nghị quyết và kêu gọi tinh thần quyết tâm. Những cải cách ấy dù có chút tác dụng tích cực nhưng cũng chỉ là nửa vời.

conkien1

Việt Nam quyết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm 1986, trước cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đất nước đến bên bờ vực thẳm, Việt Nam đã phát động đổi mới (mà thực chất là sửa sai). Cuộc đổi mới này tuy "đã thu được kết quả ban đầu, về sau ngày càng đuối sức, trở về cảnh trì trệ kéo dài, ngày càng nặng nề, để càng đổi mới càng tụt hậu và khủng hoảng nặng nề thêm mà vẫn không sao tìm ra lối thoát" (VOA). Nền kinh tế vẫn yếu kém và bế tắc như chúng ta đều thấy bởi đã kinh tế thị trường lại còn mang theo cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" ; bởi kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo và đặc biệt là bởi cải cách kinh tế nhưng không cải cách chính trị, chế độ vẫn là chế độ độc tài.

Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ trước, hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ hàng loạt ở Liên Xô và Đông Âu, đồng thời khủng hoảng ngoại giao dẫn đến Việt Nam bị cô lập trên trường quốc tế. Để vớt vát phần nhỏ nhoi còn lại của khối xã hội chủ nghĩa và để cứu đảng, Đảng cộng sản Việt Nam phải xin bình thường hóa với Trung Quốc. Sự kiện này được đánh dấu bắt đầu bởi Hội nghị Thành Đô. Kết quả Hội nghị này ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế của Việt Nam. Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc tuy khắc phục được một số hậu quả của quá khứ nhưng từ đó Việt Nam phụ thuộc ngày càng nặng nề vào Trung Quốc về chính trị, kinh tế, mất thêm biển đảo và đất liền.

Và bây giờ, bức tranh về Việt Nam là một màu đen tối ở tất cả các mặt của đời sống xã hội. Kinh tế trì trệ, tham nhũng len lỏi vào từng con ốc trong guồng máy vận hành đất nước, quan chức tham lam hống hách và trơ trẽn, đạo đức xã hội suy đồi, cái ác lên ngôi, mọi giá trị bị đảo lộn, nỗi oan ức thống khổ của nhân dân ở đâu cũng nhìn thấy bởi sự khốn nạn của hệ thống tư pháp và quan chức.

Hệ thống chính trị như một ngôi nhà đã mục ruỗng và vì vậy, Hội nghị trung ương 6 (khóa 12) lại đặt ra vấn đề đổi mới chính trị nhưng chỉ là sắp xếp tổ chức lại bộ máy sao cho tinh gọn để "hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Vấn đề tinh giản bộ máy cũng như chống tham nhũng không phải đến bây giờ mới nhắc tới mà đặt ra đã từ lâu, từ năm mươi hay sáu mươi năm có lẽ ít ai còn nhớ. Cũng nghị quyết, cũng hô hào, cũng quyết tâm, nhưng mỗi lần quyết tâm, thi đua đem lại kết quả thế nào thì… như đã biết.

Nguyên nhân của tình trạng này là mỗi lần cải cách, đổi mới Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đưa ra được những biện pháp tình thế nhằm cứu vãn đảng. Cải cách nhưng vẫn phải giữ mục tiêu chủ nghĩa xã hội - thứ mà không ai hình dung được nó như thế nào, đã kinh tế thị trường lại phải định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhiều thành phần nhưng vẫn phải kinh tế nhà nước là chủ đạo và cuối cùng là cải cách, đổi mới kiểu gì thì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn phải độc quyền lãnh đạo. Đây là những mâu thuẫn mà Đảng cộng sản Việt Nam không muốn nhìn thấy. Nguyên nhân của sự nửa vời là ở chỗ ấy.

Thiết nghĩ khoảng thời gian đã quá dài, kể từ khi điều hành đất nước năm 1954 đủ cho Đảng cộng sản Việt Nam loay hoay, thử nghiệm với những thất bại đau đớn để thấy cần phải cải tổ chứ không chỉ cải cách nửa vời. Làm điều đó phải chấp nhận vứt bỏ quyền lợi ích kỷ, phi lý của cá nhân, của một nhóm lợi ích hay của một đảng phái để đi tới một nền chính trị dân chủ đa nguyên, xây dựng một nhà nước pháp quyền với mô hình tam quyền phân lập. Tiếc rằng, cho đến bây giờ, mấy chữ đa nguyên, dân chủ, nhân quyền vẫn còn là kỵ húy, "nhạy cảm" trong đảng cộng sản Việt Nam và trong xã hội. Những người mạnh dạn nhất cũng mới chỉ manh nha đề cập đến việc tách đảng, đổi tên nước mà thôi. Nhiều người hoạt động dân chủ bị tống vào tù nhằm bịt tiếng nói của họ và xu hướng bắt bớ ngày càng gia tăng. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay đã có 24 người hoạt động bị bắt hoặc bị truy nã.

Hiện nay, giới dân chủ chưa ai đặt ra vấn đề phải xóa đảng cộng sản bằng bạo lực cho dù muốn hay không. Nói thẳng ra là việc này không làm được và không phù hợp với xu thế của thời đại. Mục tiêu của giới dân chủ hướng tới là dân chủ đa nguyên với chủ trương bất bạo động. Đa đảng là để cạnh tranh chính trị, kiểm soát quyền lực, tập trung trí tuệ và tâm huyết để đưa đất nước phát triển. Thế nhưng, người ta luôn mang vấn đề đa đảng ra làm con ngáo ộp để hù dọa nhân dân, bất chấp đa số nhân loại đi theo mô hình dân chủ đã chứng minh là không có con ngáo ộp ấy.

Sẽ chẳng có ai đòi loại trừ đảng cộng sản Việt Nam nếu thực hiện đa đảng. Họ tha hồ thể hiện mình trong cạnh tranh. Họ vẫn tranh cử và tham gia điều hành đất nước như các đảng phái khác. Có điều số phiếu của họ phụ thuộc vào tín nhiệm của cử tri trong những cuộc bầu cử tự do mà thôi. Nếu họ làm không tốt, vẫn thể hiện như trước đó, nhân dân sẽ quay lưng lại với họ.

Loay hoay cải cách với đổi mới sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu. Cái sự luẩn quẩn ấy giống như con kiến leo cành đa (leo phải cành cụt leo ra leo vào). Thử nghiệm mãi thì sức dân đã mệt mỏi, tinh thần đã chán chường, lòng tin đã cạn. Kinh tế thị trường vì có cạnh tranh thì mới thúc đẩy được sản xuất phát triển. Vì vậy không có lý do gì để chính trị không có đa đảng, trừ khi bị cưỡng ép. Một chế độ chính trị đa nguyên ở Việt Nam lúc này là lối thoát duy nhất cho đất nước, cho dân tộc. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam tự tin ở mình thì sợ gì mà không dám cạnh tranh với các đảng phái khác ?

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 07/09/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng (nickname facebook là Dũng Phi Hổ) bị bắt lại vào lúc 12 giờ trưa ngày 27/9/2017.

bat1

Những tang vật công an Nghệ An bỏ lại - Courtesy citizen

Chỉ vài phút sau, thông tin về việc Dũng bị bắt được bạn bè anh đưa lên mạng xã hội.

Theo đó, vào lúc 12 giờ, khi Nguyễn Việt Dũng đi ăn trưa cùng bạn ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thì anh bị một nhóm mặc thường phục bắt lên xe và đưa đi. Có trang còn kể rõ nhóm này có khoảng 10 tên, đi trên 1 chiếc xe 7 chỗ và 3 xe máy.

Như vậy, trong đợt bố ráp mạnh nhất trong gần 2 tháng nay, Nguyễn Viết Dũng là người thứ 6 bị bắt (trước đó là Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Văn Túc). Tất cả đều là cựu tù nhân lương tâm.

Thông tin này lập tức được đăng rộng rãi trên các trang facebook và blog.

Tuy nhiên, phải gần 8 giờ sau, truyền thông Nghệ An mới đưa tin. Trang Truyền hình Nghệ An đăng một thông cáo báo chí về việc bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng.

Cần khẳng định rằng, cũng như những tù nhân lương tâm khác, hành vi của Nguyễn Viết Dũng không thể cấu thành cái gọi là "tội phạm" so với pháp lý phổ quát và kể cả so với pháp luật do chính nhà nước Việt Nam đặt ra. Ngược lại, họ là những người có công đối với đất nước và nhân dân. Hành vi của họ bị nhà cầm quyền kết tội nhưng luôn hướng tới những điều tốt đẹp cho dân, cho nước. Vì vậy, nhà cầm quyền luôn luôn bị phản đối sau mỗi vụ bắt người hoạt động dân chủ, nhân quyền. Tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là vấn đề nhức nhối đang bị lên án gay gắt. Ở đây, chỉ vạch ra lối nói một đằng, làm một nẻo, ngang ngược và bất chấp pháp luật của công an tỉnh Nghệ An trong vụ này.

Thứ nhất, "thông cáo báo chí" của cơ quan an ninh điều tra tỉnh Nghệ An nhắc đến "lệnh bắt" nhưng rất chung chung, không nói cụ thể lệnh bắt như thế nào, cơ quan nào ra lệnh, ngày ký lệnh… Trong khi đó, yêu cầu của một thông cáo báo chí là "việc ra thông cáo báo chí phải đảm bảo cung cấp cho các cơ quan báo chí thông tin chính thống, kịp thời, đầy đủ và chính xác về : tên văn bản ; ngày, tháng, năm ban hành ; cơ quan ban hành ; hiệu lực thi hành…".

Thứ hai, thông cáo nói bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng. Vậy công an tỉnh Nghệ An có được bắt Dũng khẩn cấp không ?

Bộ luật Tố tụng hình sự qui định về những trường hợp được bắt khẩn cấp như sau :

a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ;

b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn ;

c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

Thế nhưng, trường hợp Nguyễn Viết Dũng không hề có căn cứ nào để công an Nghệ An phải bắt khẩn cấp.

Thứ ba là "thông cáo" nói bắt Nguyễn Viết Dũng "theo đúng qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự". Vậy thử xem họ thực hiện cái "qui định" này như thế nào ?

Những người chứng kiến bắt Nguyễn Viết Dũng cho biết nhóm người bắt anh không có một ai mặc quân phục, ập vào quán ăn bắt anh đi và đương nhiên là không hề có chuyện đọc lệnh bắt. Những người chứng kiến cho biết Dũng bị chúng đánh đập và đẩy lên xe như đối xử với một con vật. Những người đi cùng Dũng đều bị đuổi đánh. Thực chất đây là một vụ bắt cóc.

Điều khôi hài hơn là "thi hành lệnh bắt" mà khi bị quần chúng phát giác, công an Nghệ An đã hoảng hốt vứt cả xe máy lại để thoát thân. Chiếc xe này đã tháo biển số 37-L1 261.57 giấu ở trong cốp. Tại sao phải giấu biển số xe khi "thi hành công vụ ? Mở cốp xe ra, ngoài biển số, bà con còn thấy một còng số 8, một số giấy tờ và thật là ngạc nhiên khi thấy trong đó có cả một vỉ… bao cao su dùng dở (vì chỉ còn 3 cái).

Thì ra, cái gọi là bắt người theo qui định của pháp luật của cơ quan an ninh điều tra tỉnh Nghệ An là như vậy. Thật đáng xấu hổ. Nhưng ngay đến chuyện Trịnh Xuân Thanh từ Đức về nước "đầu thú" cũng còn đúng qui trình pháp luật thì cái sự bắt Nguyễn Viết Dũng là chuyện thường của đất nước quen xài luật rừng này.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 29/09/2017

Published in Diễn đàn
lundi, 25 septembre 2017 15:29

Khi thái tử đảng bị quăng vào lò

Hình như đang phấn khởi vì cái lò nhóm mãi nó mới nóng và đang cháy, ông Nguyễn Phú Trọng tiện tay sờ luôn đến Nguyễn Xuân Anh, bí thư Tp Đà Nẵng. Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận "ông Nguyễn Xuân Anh đã sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực ; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô và 2 nhà do doanh nghiệp biếu" (báo Tuổi trẻ).

thaitu1

Hình chụp bài viết về ông Nguyễn Xuân Aanh trên báo Tuổi Trẻ online  -  Tuổi trẻ online

Khi công luận đang hồi hộp theo dõi vụ đại án Ngân hàng Đại Dương với đề nghị cả án tử hình hoặc đang "quan ngại" một số vụ gần đây có vẻ như chìm xuống thì việc đột ngột công bố kết luận của UBKTTW về Nguyễn Xuân Anh khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, đây lại là biểu hiện đáng mừng.

Về tuổi tác thì Nguyễn Xuân Anh chỉ là hàng cháu gọi ông Trọng bằng bác theo nghĩa thân tình, vì trước khi nghỉ, ông Nguyễn Văn Chi (bố đẻ Nguyễn Xuân Anh) cùng là ủy viên Bộ Chính trị với ông Trọng và còn kém tuổi ông. Không biết khi UBKTTW đưa ra kết luận về "tội trạng" của Nguyễn Xuân Anh, anh có thảng thốt nhắc tên ông Trọng mà kêu : Bác ơi, bác nỡ lòng nào ?

Vậy là chẳng có bác cháu gì cả. Chẳng những thế, ông Trọng còn phớt lờ ngay cả quan điểm lạ của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khen rằng con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, trong hệ thái tử đảng, Nguyễn Xuân Anh không phải là mục tiêu chính. Người ta nghĩ đến Nguyễn Xuân Anh thì ít mà nghĩ đến Nguyễn Thanh Nghị thì nhiều hơn. Nguyễn Thanh Nghị đang làm bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, là con trai cả của ông Nguyễn Tấn Dũng. Anh cũng từng được nhắc đến trong mấy vụ lùm xùm như vụ mượn xe biển xanh hay sai phạm về đất đai tại huyện đảo Phú Quốc. Rồi người ta quay trở lại "lo" cho em trai của Nguyễn Xuân Anh là Nguyễn Xuân Ảnh, được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi mới 33 tuổi. Chức to, tuổi bé như vậy, liệu có vấn đề gì về qui trình bổ nhiệm không.

Hệ thái tử đảng thì nhiều lắm. Các cậu ấm, cô chiêu này được bổ nhiệm vào những chức vụ cao hơn nhiều so với tuổi còn khá non, nhưng không phải thuộc diện "tuổi trẻ tài cao" mà đi lên dưới cái bóng của phụ mẫu. Việc bổ nhiệm cũng từ thấp lên cao nhưng nhanh đến chóng mặt. Điều này làm cho nhân dân bức xúc. Người ta bất lực nhắc lại câu ca dao từ thời phong kiến "Con vua thì lại làm vua".

Phải công nhận một điều, không thấy ông Nguyễn Phú Trọng mang con cái mình ra làm "hạt giống đỏ". Không có thông tin con ông làm gì, ở đâu, đang được ươm ở vườn nào, mà nếu có thì đã không tránh khỏi con mắt của công luận. Đến Wikipedia cũng phải bỏ mục gia đình trong trang viết về ông. Vì vậy, ông chẳng ngại gì mà không dám sờ đến các thái tử đảng, chẳng nể nang gì các ông thái thượng hoàng. Nhưng cũng nhiều người nghi ngờ, cho rằng ông đốt lò chỉ là để thanh trừng phe phái chứ không chống tham nhũng triệt để.

*

Cái lò của ông Trọng đang cháy. Việc làm của ông tuy không đồng ý về phương pháp nhưng được nhiều người trong đó có cả phe dân chủ hoan nghênh, vì bất kể chế độ nào cũng cần chống tham nhũng.

Tuy nhiên xét về lâu dài cần phải tính đến chuyện khi ông nghỉ rồi, người kế nhiệm ông có hăng say cho củi tiếp vào lò hay không, hay để nó nguội lạnh ? Cứ cho là điều đó được tiếp tục đi thì để đốt đến triệu thanh củi (trong số 4,5 triệu đảng viên) thì phải mất bao nhiêu thời gian ? Lại còn phải tính cả những cây xanh sẽ bị "củi hóa" nữa. Vì với thể chế này, một cây lành lặn cũng sẽ nhanh chóng bị "sâu hóa" khi hòa vào guồng máy vận hành đất nước, nếu không, lập tức bị bật văng ra ngoài.

Có ý kiến rất hay cho rằng thành tích của ngành công an không phải là phá được bao nhiêu vụ án, mà là làm sao không để xảy ra tội phạm hoặc để số vụ án ngày một ít đi. Việc đốt lò cũng tương tự như thế, nó chỉ là biện pháp tình thế. Điều quan trọng là đừng để cây xanh biến thành củi vì sâu bệnh. Một chế độ dân chủ sẽ hạn chế tối đa tham nhũng. Tiếc rằng, những người đang đấu tranh cho dân chủ đang bị ông Trọng và đồng chí của ông bố ráp và nhiều người đã vào tù. Nhốt dân chủ vào tù và diệt tham nhũng là một mâu thuẫn mà nhiều người cố tình không nhận ra. Hay là họ muốn giữ cái nơi sinh ra nhiều củi để đốt, để có việc làm cho… vui.

23/9/2017

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 24/09/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 11 septembre 2017 18:31

"Chiến tranh" tiền lẻ

Ngày 9/9/2017, đến lượt trạm thu phí Biên Hòa phải xả cổng vì lái xe dùng tiền lẻ thanh toán phí BOT gây ách tắc giao thông.

tienle1

Chở tiền lẻ để trả phí BOT - Ảnh minh họa

Sự việc bắt đầu xảy ra vào khoảng 16g50. Lái xe dùng tiền có mệnh giá thấp 200, 500, 1000 và 2000 đồng, thậm chí cả tiền xu để trả phí qua trạm BOT tuyến tránh Thành phố Biên Hòa. Trạm này cầm cự chưa được 30 phút thì thất thủ buộc phải xả trạm theo hướng từ Sài Gòn đi Dầu Giây.

Việc "chiến tranh" tiền lẻ lan sang trạm BOT Biên Hòa đã được báo động ngay từ khi trạm Cai Lậy buộc phải xả trạm nhiều lần dẫn đến tạm ngừng thu phí do lái xe trả bằng tiền lẻ. Cũng như trạm Cai Lậy, trạm Biên Hòa đặt ở vị trí trên Quốc lộ 1 nên những xe dù không đi trên đường BOT cũng phải trả phí. Hồi đó, nghe nói Biên Hòa rút kinh nghiệm từ Cai Lậy nên đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó khi tới lượt mình nhưng không hiểu sao vẫn vỡ trận.

Nhưng không phải sau Cai Lậy là đến Biên Hòa ngay mà trước khi cánh lái xe mang quân đến Biên Hòa thì trạm Văn Lâm (Hưng Yên) ngày 4/9 cũng đã bị tấn công bẳng tiền lẻ và cũng phải xả trạm. Việc ùn tắc ở Quốc lộ 5 còn lan sang ngày tiếp theo 5/9/2017. Nếu Cai Lậy và Biên Hòa lập lờ lợi dụng đường tránh để ăn gian sang cả đường cũ thì các trạm ở Quốc lộ 5 ngang ngược hơn là thu thẳng phí ở đường cũ để hoàn vốn cho đường mới, tức là đi đường này lại phải trả phí cho đường khác.

Cai Lậy cũng chưa phải là trạm đầu tiên bị tấn công bẳng tiền lẻ mà khởi đầu có lẽ là Bến Thủy. Ngày 9/4/2017, lái xe cũng dùng tiền lẻ trả phí gây nên ách tắc giao thông ở cầu Bến Thủy và trạm này đã phải chào thua buộc phải tháo khoán. Trạm Bến Thủy cũng "can tội" đặt sai vị trí, thu phí cả những xe không hề đi trên tuyến tránh thành phố Vinh.

Tình hình cho thấy, cánh lái xe cứ tấn công vào trạm nào thì giành thắng lợi ở trạm đó. Nguyên nhân là họ có lẽ phải và biết luật chơi và họ trở thành những "triệu phú tiền lẻ".

Thứ nhất là dùng tiền mệnh giá thấp là hợp pháp, ngược lại, nếu ai chê không nhận tiền lẻ là vi phạm pháp luật.

Thứ hai là, phí bảo trì đường bộ, lái xe đã phải trả trong mỗi lần đăng kiểm định kỳ hoặc khi phương tiện làm thủ tục nhập cảnh nên không thể thu thêm lần nữa đối với các tuyến đường cũ. Việc thu phí lập lờ ở các trạm BOT gần đây liên tiếp bị lái xe và công luận vạch ra. Đây là nỗi oan ức của lái xe nhưng chưa cãi được nên trước mắt họ sử dụng vũ khí là tiền lẻ để đối phó và có hiệu quả ngay lập tức.

Về phía trạm BOT, khi ùn tắc giao thông thì họ buộc phải xả trạm một cách cay đắng vì theo qui định, nếu để ùn tắc giao thông, trạm sẽ bị phạt, mức phạt tùy theo độ dài ùn tắc, số lượng xe bị ùn tắc và thời gian ùn tắc.

Nguyên nhân thắng lợi còn ở chỗ cánh lái xe đã biết bảo nhau, thống nhất hành động. Mạng Internet là một phương tiện hữu hiệu của họ. Có rất nhiều trang Bạn hữu đường xa của lái xe các tỉnh, nhiều tỉnh hay cùng một tuyến đường kết nối họ với nhau, chia sẻ những thông tin bổ ích.

*****

Lâm vào tình trạng ùn tắc phải xả cổng, dẫn đến thất thu, phản ứng đầu tiên là từ phía chủ đầu tư. Họ qui kết cho lái xe gây ùn tắc giao thông, trích xuất từ camera từng số xe để lập danh sách yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, vì lái xe chơi đúng luật nên cơ quan chức năng dù có muốn bênh bồ cũng khó mà chiều lòng người đẹp. Chỉ trừ một vài ý kiến lơ thơ của một cán bộ chức năng hay vị luật sư thiên quyền nào đó còn hầu như đều cho rằng không thể xử phạt lái xe do hành vi dùng tiền lẻ qua trạm. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang nói thẳng công an Tiền Giang không tham gia xử lý những vấn đề liên quan đến tiền lẻ tại trạm thu phí Cai Lậy. Lực lượng công an có mặt tại trạm này là để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông. Còn cánh nhà báo và bạn đọc của họ bênh vực lái xe còn hăng hơn nữa.

Tuy nhiên, khác với Tiền Giang, khi hội chứng tiền lẻ lan đến trạm Văn Lâm (Hưng Yên) thì công an tỉnh này lập tức thể hiện quyền lực của mình một cách rất cứng rắn. Ông Đào Trọng Bằng, Trưởng Phòng Hình sự Công an tỉnh Hưng Yên cho biết lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo điều tra làm rõ yếu tố kích động, lôi kéo lái xe và người dân tham gia. Tất nhiên, hành vi dùng tiền lẻ họ không dám động tới. Cơ quan điều tra Công an Hưng Yên đã triệu tập nhiều lái xe, người dân liên quan đến vụ việc, củng cố hồ sơ làm rõ yếu tố kích động, lôi kéo lái xe, người dân vi phạm pháp luật và "đe" sẽ khởi tố vụ án khi đủ căn cứ. Nữ tài xế đầu tiên dùng tiền lẻ để phản đối Trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 đã bị triệu tập 2 lần. Một tài xế khác bị ép viết tường trình theo hướng có sẵn tiền lẻ thì trả chứ không phải phản đối phí cao, nhiều lái xe khác bị triệu tập. Những chiếc máy quay của công an mặc sắc phục và cả của những người mặc thường phục dí sát vào cảnh lái xe mang tiền lẻ ra thanh toán để hù dọa nhưng lái xe vẫn thản nhiên coi như không có vì họ tin ở việc làm của mình. Xem ra, Công an Hưng Yên ra tay rất "chuyên chính vô sản". Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ đơn giản là khởi tố mấy người cầm đầu nếu có để răn đe mà họ phải đối phó với việc dùng tiền lẻ để trả phí BOT như thế nào đây.

tienle2

Những trạm BOT kể trên không phải chỉ mấy tháng gần đây nó mới xuất hiện (trừ trạm Cai Lậy hoạt động từ 1/8 ). Nhiều năm nay, lái xe vẫn cam chịu trả những khoản phí vô lý cho qua chuyện. Chỉ đến khi giá vé qua các trạm theo nhau tăng một cách tùy tiện, thu tiền như trấn lột để đáp ứng cơn khát hoàn vốn thì cánh lái xe mới đồng loạt phản ứng và những trạm BOT đặt sai vị trí mới được vạch ra. Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT thì hiện nay cả nước có 8 cái trạm như vậy : trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh) ; trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa) ; Trạm Bến Thủy (Nghệ An) ; trạm Quán Hầu (Quảng Bình) ; trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (thu phí tuyến đường tránh Vĩnh Yên) ; trạm Trảng Bom (Đồng Nai) ; trạm Cai Lậy (Tiền Giang) và trạm Km 2123 Quốc lộ 1 (thu phí tuyến đường tránh Sóc Trăng).

*****

Trong "chiến tranh" tiền lẻ, tưng bừng nhất là trạm Cai Lậy. Trạm Cai Lậy sau nhiều lần xả trạm tình thế, phải buông từ ngày 15/8/2017 cho đến nay và chưa biết khi nào thu phí trở lại. Những ngày tiền lẻ nối nhau qua trạm Cai Lậy hồi tháng 8 có nhiều chuyện vui, rôm rả trên mạng xã hội. Những cô gái rời ca bin đến tận buồng lái nhận từ tay các chàng trai từng tờ tiền lẻ một với vẻ mặt kiên nhẫn nhưng không hề khó chịu và không hiếm những nét mặt khả ái với nụ cười tươi tỉnh trên môi ; những mẩu đối thoại hoặc trêu ghẹo nhau của các chàng lái xe lém lỉnh tạo ra những nụ cười sảng khoái cho người xem. Có người còn chế ra bài hát dựa theo nhạc "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" nghe thật vui nhộn. Báo chí thì không cần giấu cảm tình dành cho cánh tài xế mỗi khi đưa tin.

tienle3

Người ta ủng hộ phe "nổi loạn" là có lý do của nó. Tâm lý quần chúng thường bênh vực những người yếu thế, thiệt thòi, ghét thói tham lam, cậy tiền, cậy thế. Cuộc chiến này chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Chỉ khi nào các trạm hút tiền trở về đúng vị trí và phí qua trạm phải hạ xuống mức hợp lý thì vấn đề mới giải quyết được.

Cai Lậy, Hưng Yên tới Biên Hòa

Cho mình theo với bạn đường xa

Ngày mai sang BOT nào đây nhỉ

Tiền lẻ tưng bừng như pháo hoa.

10/09/2017

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 10/09/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn

Bộ Lịch sử Việt Nam vừa xuất bản đang được công luận quan tâm. Nội dung có những thay đổi về cách nhìn nhận một số sự kiện lịch sử, trong đó, điều mà công luận quan tâm nhất là trả lại tên gọi cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và tế nhị vì vậy bộ sử nhận được rất nhiều hoan nghênh nhưng còn có cả những ý kiến phản đối dữ dội.

vnch1

Kỷ niệm 25 năm chiến tranh Việt Nam : Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara (trái) gặp Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tổng thống Lyndon B. Johnson và Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (Nam Việt Nam) trong Hội nghị Honolulu tại Camp Smith, Hawaii ngày 08 tháng 2 năm 1966. AFP photo

Thực ra, không phải bây giờ mà từ 6,7 năm nay, trong hệ thống chính trị đã đề cập về vấn đề này.

Đại đoàn kết có lẽ là tờ báo đầu tiên đưa ra luận điểm này với bài "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam" (20/07/2011).

"Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế".

Nhưng phải 3 năm sau, vào thời điểm Trung Quốc đem giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (tháng 5/2014), báo chí Việt Nam mới phản công rầm rộ. Nhiều tờ báo dẫn lại đọan trích trên của Đại Đoàn Kết hoặc dựa theo luận điểm này để bác bỏ sự luận điểm của Trung Quốc cho rằng Công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Còn báo điện tử của Chính phủ viết :

"Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974".

Ông Trần Công Trục nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ, tức là một quan chức cao cấp có trách nhiệm trực tiếp đến chủ quyền của đất nước, trong chương trình thời sự 19 giờ ngày 22/5/2014 của đài VTV1 còn nói toạc ra là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nếu có tuyên bố này nọ về Hoàng Sa, Trường Sa thì cũng chẳng có giá trị pháp lý gì :

"Các bạn hãy nhớ rằng tuyên bố của chúng ta vào thời kỳ 1958 nghĩa là cái lúc mà hai miền Bắc, Nam được hiệp định Genève ký kết năm 1954 phân chia quyền quản lý cho 2 nhà nước với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo Hoàng Sa của chúng ta nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế theo hiệp định Genève, Và vì vậy, mọi tuyên bố, mọi hành vi của Việt Nam Cộng Hòa có giá trị pháp lý thay mặt Nhà nước Việt Nam quản lý vùng đất ấy còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chúng ta không trực tiếp quản lý. Vì vậy cho dù tuyên bố đó như thế nào thì giá trị pháp lý trong quan hệ quốc tế không có. Cho nên Trung Quốc họ muốn dùng tất cả mọi lý lẽ để nói rằng chúng ta thừa nhận thì đấy hoàn toàn là sự bịa đặt".

Đấy là báo chí, còn bây giờ là chính sử. Vấn đề xoay quanh thể chế chính trị ở Miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào là ngụy quyền hay Việt Nam Cộng Hòa. Câu hỏi dễ trả lời, đó là Việt Nam Cộng Hòa vì đấy là sự thật lịch sử.

Xuyên tạc Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quyền, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quân là cách gọi nhằm phục vụ ý đồ tuyên truyền của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là miệt thị đối phương. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa thua trận, cách gọi này vẫn được duy trì, thể hiện tính hẹp hòi, bần tiện, không sạch sẽ của kẻ thắng trận.

Trả lại tên gọi Việt Nam Cộng Hòa và chính thức đưa vào chính sử thì vấn đề ảnh hưởng sâu và rộng hơn so với báo chí. Nhưng dù báo chí hay sử sách thì về nguyên tắc, nó không phản ánh quan điểm của thể chế chính trị đương thời mà trong trường hợp này là Nhà nước Việt Nam hiện nay. Cần phải có sự khẳng định, thừa nhận bằng văn bản hay bằng tuyên bố hoặc lồng vào nội dung nào cũng được của Nhà nước Việt Nam hay Bộ ngoại giao Việt Nam.

Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống chính trị ở Việt Nam thì việc báo chí, đặc biệt là sử sách viết như thế nào cũng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam chi phối, vì vậy nó vẫn phản ánh quan điểm, thái độ của Nhà nước Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa là bước tiến quan trọng. Tôi không cho đây là bước tiến. Bản chất của vấn đề là gọi lại cho đúng tên, thế thôi. Điều này có thể ghi nhận, chứ không có gì đáng khen. Liên hệ đến công cuộc gọi là đổi mới năm 1986. Từ chỗ nền kinh tế bị bóp nghẹt, Đảng Cộng sản Việt Nam nới lỏng ra một phần nên thoát ra được cuộc khủng hoảng kinh tế. Như vậy, cái gọi là "đổi mới" ở đây thực chất là sửa sai, từ chỗ cấm rồi buông, trói rồi cởi. Tuy nhiên, ông Đỗ Mười đã vơ công ấy là công của Đảng Cộng sản Việt Nam : "Không có Đảng thì không có đổi mới". Chỉ cần đặt ra câu hỏi ai cấm, ai trói và tự trả lời thì sẽ hiểu, công của Đảng cộng sản Việt Nam có hay không.

Vấn đề Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, gọi chính thể này đúng tên cũng là việc sửa sai, có gì đáng khen. Lịch sử phải ghi lại những sự kiện một cách khách quan trung thực như nó đã xảy ra. Đó là thiên chức của người viết sử. Lịch sử không xu nịnh ai. Trả lại sự thật cho lịch sử là tất yếu.

Nhiều người còn nghi ngờ sự thực tâm khi gọi đúng tên của chính thể ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, cho rằng việc này nhằm vào nhiều mục đích chính trị. Có chăng, việc thừa nhận này nên ghi nhận và khuyến khích ở sự can đảm.

Dẫu đơn giản chỉ là gọi lại cho đúng tên, thế mà nhiều người đã giãy nảy lên, ra sức phản đối. Với họ, cứ phải gọi Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quân ngụy quyền mới được. Họ cho rằng, Giáo sư Phan Huy Lê "đánh tráo sự thật lịch sử". Điển hình cho nhóm người này là ông Nguyễn Thanh Tuấn, trung tướng - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng. Ông ta tỏ ra hậm hực và rất cay cú về bộ Lịch sử mới xuất bản, đòi xử lý nhóm biên soạn.

Đây là kết quả của sự nhồi nhét, tuyên truyền một chiều. Sự nhồi nhét ấy đã tạo ra một lớp người còn bảo thủ hơn cả Đảng. Đã có lời cảnh báo rằng rô bốt là sản phẩm của con người nhưng coi chừng có ngày con người không kiểm soát nổi nó.

Nhưng ý nghĩa của việc thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa không đơn thuần chỉ là tên gọi. Điều quan trọng ở chỗ, khi đã công nhận Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể, có giá trị pháp lý theo Hiệp định Genève tương tự Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc thì vấn đề nảy sinh từ đó là :

- Bản chất của cuộc chiến tranh 1954 – 1975 là gì ? Đó có phải cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước như trước nay vẫn tuyên truyền không ?

- Sự có mặt của Mỹ và đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam (Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines) có khác gì về bản chất so với sự có mặt của đồng minh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Miền Bắc (Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên) ở miền Bắc không khi cả 2 nhóm đồng minh này đều tham chiến ? v.v…

- Và vấn đề lquan trọng nhất là tại sao quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại có mặt trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa và lật đổ nó ?

Ở đây, tôi chỉ gợi mở vấn đề, chứ không có tham vọng lý giải nó trong phạm vi một bài viết.

Dù sao thì, việc thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa cũng đáng hoan nghênh và là một sự can đảm cần khuyến khích. Thế hệ lãnh đạo Việt Nam hiện nay, vào năm 1975 họ chưa có vai trò gì. Họ không phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Cái khó nhất của họ là cuộc chiến tranh do thế hệ lãnh đạo trước tiến hành đã cho họ thừa hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi mặc dù với dân tộc và với đất nước thì không. Vì vậy, nếu họ dám thừa nhận sai lầm của thế hệ lãnh đạo trước và dám sửa cũng là một sự can đảm. Họ hoàn toàn nhận thức được bản chất của cuộc chiến tranh 1954-1975 chứ không đến mức bảo thủ như ông trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn vừa nêu trên. Điều quan trọng là họ có thực tâm hay không và thực tâm đến đâu Nếu biết đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên hết thì những vấn đề tưởng như là phức tạp sẽ giải quyết được. Đó là chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc, là sự hòa giải dân tộc, là khai thác và phát triển giá trị của Việt Nam Cộng Hòa và cao hơn là đưa đất nước tiến cùng thời đại chứ không phải hổ thẹn với quốc dân và thế giới như hiện nay.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 24/08/2017

Published in Diễn đàn

Một vai gánh vác giang san

Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương

Giang san trong hai câu thơ này của Nguyễn Bính không phải là đất nước mà là giang san nhà chồng. Câu thơ nói đến thân phận người con gái khi đi lấy chồng. Bước chân về đến nhà chồng là thuộc về gia đình chồng, trở thành công cụ thuộc sở hữu của nhà chồng. Không chỉ riêng chồng mà còn phải phục vụ, nhường nhịn, chăm lo bố mẹ chồng, anh em nhà chồng. Có người còn phải lo trả nợ cho nhà chồng. 

Câu thơ nói về thân phận người phụ nữ xưa nhưng bây giờ vẫn còn đúng với nhiều người. Chị Nguyễn Thị Lành, vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn đang vác trên vai mình gánh nặng như thế.

5 ngày sau vụ công an bắt một lúc 4 người bất đồng chính kiến hôm Chủ nhật 30/7/2017, gia đình tiếp theo chúng tôi đến thăm là gia đình Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Ngày 5/8, tôi dậy sớm từ 5 giờ đợi. Tới 5g30’, gọi cho Thanh Hà xem đi đến đâu rồi thì Hà đang ngủ. Anh ngớ ra không biết là đi đâu. Thì ra tôi dặn mọi người về giờ giấc, điểm đón rất kỹ nhưng riêng lái xe thì quên. Hà bảo vậy đợi em tí. Anh vội mang xe đón tôi, qua đón vợ chồng Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thúy Hạnh. Đón người cuối cùng là Trương Dũng xong thì nhằm hướng Nam thẳng tiến.

Lỗi đãng trí của tôi làm chuyến đi khởi hành chậm 40 phút. Quãng đường từ Hà Nội về thôn Yên Cổ xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa là 173 km, có thể đi về trong ngày. Đến đầu làng Yên Cổ là 11 giờ 14 phút, tôi gọi cho Lành ra đón.

ntl1

Từ trái sang : cháu Nguyễn Trung Khải Hoàn 9 tuổi, cháu Nguyễn Thị Thanh Thủy 19 tuổi và mẹ các cháu, chị Nguyễn Thị Lành.

Vào đến sân, Lành bảo tôi : các anh xuống chào bà nội (mẹ Mục sư Nguyễn Trung Tôn). Bà năm nay 88 tuổi, bị mù vừa đi mổ chân bị ung thư về. Trong căn phòng thiếu ánh sáng, bà nằm đấy, không thể ngồi dậy, rên rỉ khóc. Chúng tôi chỉ biết nói mấy lời chia sẻ, an ủi bà. Tôi hỏi bà sinh được mấy người con, anh Tôn thứ mấy…

Khó khăn lắm, tôi mới hiểu được bà sinh được 4 người con. Anh cả đã hy sinh, người bà thứ hai đã qua đời. Tôn vào tù giờ chỉ còn người con gái út lấy chồng cách nhà 2 km. Cụ ông mất, đến giờ vừa đoạn tang (3 năm). Nhưng hình như càng hỏi chuyện càng làm bà đau khổ hơn nên cuối cùng chúng tôi chỉ biết lặng nhìn. Hạnh ghi mấy tấm hình rồi quay mặt ra hướng khác. Hình như bà muốn giấu đi cái gì như là nước mắt.

Tôi nhìn quanh nhà một lượt và dừng lại tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường. Tấm bằng ghi tên liệt sĩ Nguyễn Trung Tiến. Đây là người anh cả của Mục sư Tôn, hy sinh ở mặt trận phía Nam cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Như vậy, đây là gia đình liệt sĩ, đang thờ liệt sĩ nhưng vẫn có người được nhà cầm quyền coi là phản động và lần này nữa là lần đi tù thứ 2. Hỏi chuyện thêm thì Lành cho biết bên nhà chồng còn nhiều liệt sĩ nữa.

ntl2

Bà Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Tường Thụy, vợ chồng Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thúy Hạnh và Trương Dũng (quay lưng)

Ngoài mẹ chồng già yếu, bệnh tật phải phụng dưỡng, Lành còn phải nuôi 2 con, một gái một trai. Cháu Nguyễn Thị Thanh Thủy, sinh năm 1998, bị bệnh não không có khả năng phát triển về chiều cao, thể lực và sinh lý. Cháu hay mệt nhọc, ốm đau. Vì thế, học hết lớp 9, cháu không thể tiếp tục đi học được nữa.19 tuổi, cháu chỉ nặng 21 kg, trông như một đứa trẻ mới đi học. Như vậy đã nhìn trước được cháu không có tương lai, gia đình phải nuôi cháu cả đời. Cháu trai Nguyễn Trung Khải Hoàn 9 tuổi, đang học lớp 4. Chúng tôi gặp ở đây bà ngoại các cháu - mẹ bà Lành. Bà đến đã được mấy hôm. Hẳn là bà muốn bên cạnh con gái trong những ngày đầu khủng hoảng tinh thần do Nguyễn Trung Tôn bị bắt và cho căn nhà bớt hoang vắng.

ntl3

Cháu Nguyễn Trung Khải Hoàn, chị Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Tường Thụy và cháu Nguyễn Thị Thanh Thủy

Một gia cảnh như thế, bây giờ đè hết lên vai người phụ nữ đau khổ là Nguyễn Thị Lành. Chị kiếm sống nuôi gia đình bằng việc buôn bán vặt ở chợ Lăng, xã Quảng Yên nhưng thường xuyên bị sách nhiễu. Thế lực hắc ám thường cho côn đồ đến quầy hàng của bà đập phá, đổ mắm tôm trộn dầu nhớt vào hàng hóa của chị. Chúng tuyên bố gia đình Mục sư Tôn sẽ không thể buôn bán làm ăn, sinh sống trên mảnh đất Thanh Hóa này được.

Cũng may cho Nguyễn Trung Tôn có được Lành. Chị tần tảo đảm đang, luôn biết động viên và cả đồng hành với chồng. Mặc dù ít tiếp xúc nhưng tôi đã nhiều lần thấy bà đi cùng chồng trong những chuyến ra Hà Nội, vào Quảng Bình. Lần đầu tôi biết Lành là lần Phạm Văn Trội mang Lành đến nhà tôi "gửi", vào cuổi năm 2015 thì phải. Nói chuyện với chúng tôi, Lành không hề than thân trách phận, ngược lại, cô luôn tin tưởng vào con đường chồng mình đã chọn và tự hào về anh.

*

Chuyện về Mục sư Nguyễn Trung Tôn thì tôi và nhiều người đã viết về anh. Năm 2011, anh đã bị kết án 2 năm tù giam và 2 năm quản chế với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, cùng vụ án với Hồ Thị Bích Khương. Anh trong số những người bị theo dõi, sách nhiễu canh giữ và bị đánh đập nhiều nhất. Số này ngoài Nguyễn Trung Tôn có thể kể đến Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Đài, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, cũng là những người bị bắt đợt vừa rồi. Nhà cầm quyền coi các anh là thành phần nguy hiểm. Ngày 27/2/2017, anh và một người bạn bị nhóm lạ mặt bắt cóc ở Ba Đồn (Quảng Bình) đưa lên xe 7 chỗ mai phục sẵn, tra tấn, đánh đập hết sức dã man. Chúng lột sạch tài sản, tiền vàng của các anh rồi đem trở ra vứt ở một khu rừng thuộc địa phận xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình phải vào tìm để đưa anh về.

Những chuyện này đều đã có thông tin trên mạng. Vì ở xa, tôi không gần gũi Nguyễn Trung Tôn như với những anh em ở Hà Nội. Nhưng mỗi lần gặp nhau, anh thường để lại cho tôi những ấn tượng khó quên. Không hiểu sao nhà cầm quyền căm ghét anh như thế chứ tôi chỉ thấy anh là người hiền lành, tốt bụng, sống thẳng thắn và chân thành với mọi người. Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, chúng tôi vào Cồn Sẻ (Quảng Bình) cứu trợ đồng bào bị lũ lụt. Do xe từ Hà Nội đã bố trí đủ chỗ nên vợ chồng anh phải thuê một chuyến taxi hết 2 triệu 800 nghìn đồng mang tiền và gạo vào với bà con Quảng Bình. Đây là số gạo xay ra từ mấy tạ thóc mà vợ chồng anh dành sẵn cho bà con vùng lũ. Để có được 1 tạ gạo và 500 nghìn đồng tới vùng lũ, thường thì người ta không phải nhọc công và tốn kém như thế khi hoàn toàn có thể mua tại chỗ. Điều quý hóa ở đây là anh đến với đồng bào bị lũ lụt bằng tất cả tấm lòng của mình. Tinh thần Nguyễn Trung Tôn là như vậy, nhiệt huyết và chân thành. Có những buổi họp mặt tại Hà Nội, anh vẫn lặn lội từ Thanh Hóa ra, xong việc, lại vội ra xe về mà đường đi đâu phải là ngắn và thuận lợi.

Nguyễn Trung Tôn tham gia Hội Nhà báo Độc lập ngay từ khi thành lập. Tháng 9 năm 2016, Ban Điều hành Hội có chủ trương xóa tên một số hội viên không tham gia viết bài hay sinh hoạt, trong đó có Nguyễn Trung Tôn. Anh là người duy nhất phản hồi về việc này :

Kính chào Ban Điều hành Hội Nhà báo độc lập và các hội viên.

Tôi thành thật xin lỗi vì có thể làm quý vị thất vọng về tôi với tư cách của một hội viên. Tuy nhiên ngay từ đầu tôi có trao đổi với anh PBH rằng : Tôi chỉ tham gia như một ủng hộ viên của Hội.

...

Rất cám ơn BĐH đã gửi thông báo này. Cầu chúc cho HNBĐL luôn phát triển vững mạnh và đóng góp được nhiều hơn nữa cho quê hương đất nước trên lĩnh vực truyền thông.

Kính thư : Nguyễn Trung Tôn

Mấy dòng thư đầy thân ái và thiện chí với công việc chung, không có một lời trách cứ mà chúng tôi chờ sẵn.Tôi đọc thư phản hồi của anh mà thấy mát lòng và nể trọng anh hơn.

Lành có hỏi tôi về việc bà định làm đơn yêu cầu trả tự do cho chồng nhưng lại nói em sợ anh Tôn về sẽ mắng em. Chị lo ngại vì Tôn là người rất tự trọng và khảng khái, không quen xin xỏ. Tôi bảo những gì Lành làm xuất phát từ tấm lòng người vợ thì cứ làm. Nếu có trái ý anh thì chắc anh cũng phải hiểu và bỏ qua chứ nỡ nào.

*

Chúng tôi vào thăm gia đình Mục sư Nguyễn Trung Tôn ngoài việc động viên tinh thần gia đình còn có ý tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của anh. Trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi, tôi không có điều kiện hỏi sâu mà anh cũng không bao giờ kể. Khi hiểu thêm rồi, lòng chúng tôi nặng trĩu nỗi buồn. Hoàn cảnh của anh thật éo le. Biết thêm anh là gia đình liệt sĩ, biết thêm mẹ già mù lòa bệnh tật và đau xót nhất là đứa con gái không có tương lai của anh. Một số người biết chúng tôi đi cũng gửi quà vào thăm. Hôm nay nói chuyện với tôi qua điện thoại, Lành nhờ tôi gửi lời cám ơn tới các hội nhóm : Hội Bầu bí Tương thân, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Chống hiểm họa Trung Quốc, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cá nhân các anh bà My Phan (Canada), Tưởng Năng Tiến, bạn PP (Sài Gòn), anh bà Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thúy Hạnh.

Thời gian chúng tôi ở thăm gia đình chưa được 1 giờ. Trước khi về, chúng tôi vào chào mẹ mục sư Nguyễn Trung Tôn lần nữa. Bà có hai con trai, đã nộp cho nhà nước một, nắm xương tàn không biết gửi nơi nao, còn lại một thì nhà nước đang bắt tù đày. Nhìn bà nằm hờ con trên giường, lòng tôi thắt lại. Tôi chợt nhớ đến một khổ thơ của Nguyễn Bính :

Có lần tôi thấy vợ chồng ai

Thèn thẹn đưa nhau, bóng chạy dài

Chị mở khăn trầu, anh thắt lại

Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi.

Hai câu sau gần đúng với trường hợp Nguyễn Trung Tôn. Khác nhau ở chỗ người chồng trong khổ thơ có lẽ là chia tay vợ để đi làm ăn xa. Còn Mục sư Nguyễn Trung Tôn để mẹ già, con dại cho người vợ chẳng phải vì mưu sinh mà đi tìm tương lai cho Đất nước, cho Dân tộc. "Ngày mai tươi sáng sẽ trở về. Ánh vàng, hạnh phúc và chân lý sẽ lại ngời trên Đất nước ta".

10/8/2017

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 10/08/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn

Ngày 9/8/2017, tại Tòa án Quận Hoàn Kiếm đã diễn ra phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính mà nguyên đơn là Đặng Bích Phượng còn bị đơn là Nguyễn Quang Hội, Phó trưởng công an Quận Hoàn Kiếm.

luat1

Đặng Bích Phượng tại phiên tòa

Vụ việc bắt đầu vào ngày 10/2/2017 khi bà Đặng Bích Phượng nhận được quyết định xử phạt hành chính số 36/QĐ-XPHC, do ông Nguyễn Quang Hội, Phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm ký ngày 7/2/2017 gửi qua bưu điện. Trong quyết định ghi căn cứ vào biên bản xử phạt hành chính ngày 11/11/2016, lỗi vi phạm gây rối trật tự công cộng, mức xử phạt là cảnh cáo.

Ngày 11/11/2016, bà Đặng Bích Phượng cùng một số người cầm biểu ngữ "Yêu nước không có tội" ; "Phản đối bắt người yêu nước"… đứng trên vỉa hè vườn hoa Lý Thái Tổ. Mọi người đứng khoảng 10 phút thì tự giải tán. Lúc đó có xe của cảnh sát đỗ gần đấy nhưng không xảy ra vụ bắt bớ, hay lập biên bản vi phạm hành chính nào.

Sau khi xem xét quyết định xử phạt, bà Phượng nhận thấy căn cứ duy nhất của quyết định này là biên bản xử phạt hành chính lập ngày 11/11/2016 nhưng không có mặt chị. Theo điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Thế nhưng trường hợp bà Phượng, từ khi lập biên bản đến khi ra quyết định xử phạt đã gần 3 tháng.

Bỏ qua việc khiếu nại nội dung xử phạt, bà Phượng tập trung khai thác vào 2 sai phạm rõ ràng cụ thể nhất là lập biên bản xử phạt không có mặt bà và ra quyết định xử phạt khi đã quá thời hạn theo qui định của pháp luật.

Ngày 27/2/2017, bà Đặng Thị Bích Phượng đã khởi kiện quyết định này ra Tòa án nhân dân Quận Hoàn Kiếm, yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định xử phạt này.

Phiên tòa diễn ra trong vòng 1 buổi sáng. Có 4 anh em được vào cùng bà Phượng. Số còn lại chờ tin tức ở ngoài tòa.

Kết quả tòa bác đơn kiện của bà Đặng Thị Bích Phượng. Điều này không nằm ngoài dự đoán vì ai cũng hiểu được bản chất của hệ thống tư pháp Việt Nam. Trước đó, trao đổi với bà Phượng, luật sư nhận xét, nếu theo đúng quy trình pháp luật thì bà Phượng thắng kiện. Vấn đề là tòa án có dám xử cho bà thắng kiện hay không ?

Điều thắng lợi là ở chỗ, bà Đặng Bích Phượng đã dám kiện và đưa được kẻ vi phạm pháp luật ra đối chất tại tòa. Để có được điều này, bà đã quyết tâm cao độ và kiên trì bền bỉ trong khi nhiều người phải bỏ cuộc. Cùng đợt bị ra quyết định xử phạt hành chính trái luật với bà còn có Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thúy Hạnh, Trương Văn Dũng, nhưng cuối cùng chỉ còn một mình bà Đặng Bích Phượng. Khi nhận thấy sự vi phạm pháp luật trong việc ra quyết định xử phạt hành chính, cả 4 người thống nhất gửi đơn kiện ra tòa án. Thế nhưng qua nhiều lần đi lại để chỉnh sửa bổ sung hồ sơ, ai cũng thấy mệt mỏi cùng với ý nghĩ đằng nào cũng không kiện nổi nên mọi người lần lượt bỏ cuộc, chỉ còn lại Đặng Bích Phượng. Chị nói : "Phải kiện cho chúng đừng tưởng là mình ngu không hiểu biết pháp luật để chúng muốn làm gì cũng được !".

Nguyễn Thúy Hạnh là người vào được trong tòa kể, bà Đặng Bích Phượng đối đáp rành mạch đến không ngờ. Mấy lần Hội đồng xét xử cố lái bà vào sự việc hôm 11/11, đều bị bà nhận ra ý đồ và dứt khoát từ chối trả lời, rằng nội dung đơn là kiện việc xử phạt khi đã quá thời hạn, chứ không phải sự việc hôm đó.

Những người hoạt động xã hội dân sự độc lập phải đối mặt nhiều nhất với công an, từng bị bách hại rất nhiều. Tuy vậy, không hiếm những trường hợp có bằng chứng rõ ràng nhưng không thể kiện được chúng. Cách làm quen thuộc của họ là lờ đi không trả lời, chuyển đơn vòng vo làm nguyên đơn đi lại nhiều lần, chán nản phải bỏ cuộc. Đặng Bích Phượng là người đầu tiên trong giới đấu tranh đưa được kẻ vi phạm ra tòa.

luat2

Đón Đặng Bích Phượng khi kết thúc phiên tòa

Điều này giải thích tại sao một phiên tòa mà đơn bị bác mà bạn bè của bên nguyên ai cũng vui mừng. Đón Đặng Bích Phượng từ trong tòa bước ra, nét mặt ai cũng rạng rỡ. Rất nhiều lời động viên, bày tỏ sự cảm phục Đặng Bích Phượng trên mạng xã hội. Nguyễn Thúy Hạnh viết "Chị Phượng bước ra khỏi tòa với tư thế của người chiến thắng, chiến thắng cái sức ỳ mang tên ‘con kiến kiện củ khoai’. Nếu ai cũng nghĩ đằng nào cũng thua rồi im lặng thì sẽ có ngày công an vào tận nhà giết dân mà vẫn là đúng luật".

Tại cửa tòa, khi bị đơn Nguyễn Quang Hội đi qua, Phượng nói rành rọt : "Để xem các người còn ngồi xổm lên pháp luật được bao lâu !".

Đặng Bích Phượng cho biết, bà chờ nhận văn bản phán quyết của tòa xong thì sẽ làm thủ tục kháng án. Vụ việc chưa chấm dứt.

9/8/2017

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 09/08/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn
Trang 10 đến 10