khắc, nhưng nó giúp chúng ta một lần nữa xem xét lại một cách nghiêm túc về phong trào dân chủ.
Nhìn lại những điều kiện cần và đủ của phong trào dân chủ ?
Hôm vừa qua, bà chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân có kêu gọi "nhân dân bình tĩnh, tin tưởng vào quyết định của đảng". Bà gợi ra một thời kì xưa cũ mà người dân từng răm rắp tin tưởng vào đường lối và nghị quyết "sáng suốt" của đảng. Một thời mà mọi trích dẫn hoặc thậm chí câu nói thường ngày đều bắt đầu bằng "đảng đã nói...", "đảng cho rằng…", "đảng ta đã khẳng định rằng...". Nhưng lần này, đại đa số người dân đã không còn tin tưởng vào đảng, hơn thế nữa họ nhìn nhận dự thảo luật đặc khu kinh tế không khác gì một ý đồ bán nước và đảng cộng sản như là một tập đoàn bán nước.
Việc thông qua dự thảo luật an ninh mạng, dù đảng cộng sản có cố viện dẫn lý do an ninh quốc gia, ngay lập được bị người dân nhận diện là một hành động nhằm bóp nghẹt quyền tự do thông tin. "Ý đảng-lòng dân" đã khác nhau một trời một vực, người dân đã đồng ý rằng chế độ này cần phải thay đổi.
Trong những bất ổn diễn ra tại Bình Thuận vừa qua, đa phần những người tham gia biểu tình đều là tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ. Họ đã đứng lên chống trả sau một thời gian dài bị bần cùng hóa. Điều này càng chứng tỏ chủ nghĩa cộng sản không còn có sức hấp dẫn với giai cấp lao động và với bất cứ tầng lớp nhân dân nào của Việt Nam. Dù các đảng cộng sản luôn cho rằng họ là chính đảng đứng về phía người lao động, nhưng đảng cộng sản lần này không những không có nhu cầu xoa dịu và khôi phục lòng tin của nhân dân mà còn đổ thêm dầu vào lửa, đem lực lượng đến đàn áp người dân Bình Thuận. Đảng cộng sản Việt Nam đã trở nên mục ruỗng về mặt ý thức hệ, nội bộ đang phân rã và họ không còn lấy một lý tưởng chính trị để tồn tại.
Trở lại với đợt sóng biểu tình vừa qua, tại sao chúng ta nhìn nhận rằng nó có là một bước ngoặt trong phong trào dân chủ ? Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã thảo luận và đưa ra bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ trong đó Hai điều kiện đầu là :
1. Chế độ cầm quyền đã chứng tỏ sự vô lý của nó và mọi người đồng ý rằng nó phải thay đổi.
2. Đảng cầm quyền bị phân hóa tới mức nó không còn sự đoàn kết, nó không còn lý tưởng, nghĩa là nó mất yếu tố cốt lõi của một tập thể chính trị để có thể tồn tại được.
Chúng ta có thể làm gì hơn... ?
Và như chúng ta thấy, hai điều kiện đầu của một cuộc cách mạng dân chủ đã biểu lộ rõ nhất trong các sự kiện gần đây. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, đợt biểu tình này có thể đi xa hơn thế. Giả dụ, phong trào dân chủ hoàn toàn có thể chuyển hóa cuộc biểu tình chống lại chính sách của chính phủ trở thành một cuộc biểu tình bất tín nhiệm Chính phủ và Quốc hội. Cuộc cách mạng Romania bắt đầu từ sự kiện một mục sư bị đánh đập dã man. Tại Việt Nam, hàng ngày, chúng ta chứng kiến những người biểu tình bị đánh đập một cách tàn nhẫn. Sự kiện tại Bình Thuận vừa qua cũng gây xúc động mạnh mẽ trong dư luận, nhưng tại sao phong trào dân chủ Việt Nam vẫn không thể chuyển hóa được sự phẫn nộ của quần thành sức mạnh ?
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra tiếp hai điều kiện sau cùng như một giải pháp cứu nguy cho phong trào dân chủ :
3. Phải có đồng thuận dân tộc về một thể chế mới, chế độ tương lai chúng ta muốn nó phải như thế nào và nó phải làm những việc gì.
4. Phải có một lực lượng chính trị ra đời làm tụ điểm cho những nguyện vọng đổi đời.
Những yếu tố CẦN cho một cuộc cách mạng dân chủ đã hiện ra rõ rệt. Đây là thời điểm để chúng ta đề cao những yếu tố ĐỦ để tiến tới cách mạng. Trên hết, phong trào dân chủ cần một bộ não để khởi động cuộc cách mạng này. Theo kinh nghiệm thực tiễn của hầu hết các cuộc cách mạng trên thế giới, người dân chủ xuống đường khi họ nhìn thấy một tổ chức chính trị có đủ tầm vóc và thắng lợi dân chủ đã hiện ngay trước mắt. Quần chúng không kiên nhẫn, trong khi đó quá trình xây dựng tổ chức chiếm phần lớn thời gian và công sức của cuộc vận động dân chủ.
Một kinh nghiệm thực tiễn khác cho thấy những cuộc cách mạng dân chủ chỉ thành công trọn vẹn nếu có tổ chức. Chúng ta có thể kể đến mùa xuân Ả rập, sự nở rộ về công nghệ thông tin và mạng Internet đã khiến các chế độ độc tài lung lay và đi đến sụp đổ. Nhưng cách mạng tại thế giới Ả rập nổ ra khi không có sự chuẩn bị về tổ chức và tư tưởng chính trị nên nó đã lần lượt dẫn đến sự thiết lập của các chế độ độc tài mới. Tại Iran nhóm thần quyền Hồi giáo thắng thế còn tại Syria, nó dẫn đến một nhà nước khủng bố với các tội ác ghê rợn về nhân quyền.
Trong những năm 1990, cuộc cách mạng tại Đông Âu cũng đem lại những kết quả khác nhau. Các nước nghiêng về phương Tây như Tiệp Khắc, Romania, Hungary,... có sự hiện diện rõ ràng về tổ chức chính trị đã hội nhập nhanh chóng vào thế giới dân chủ. Ngược lại, các nước miền đông Đông Âu hầu như Belarus, Ukraine, Bulgaria... do không có chuẩn bị kĩ càng đều bị động trước làn sóng dân chủ. Riêng Nga thì quay trở về chế độ độc tài.
Nếu trí thức và những người yêu nước chúng ta không muốn phó mặc vận mệnh của dân tộc mình cho thời cuộc, chúng ta cần phải đặt lại phương thức đấu tranh. Lối đấu tranh cá nhân sẽ không đem đến kết quả cụ thể nào. Để phong trào dân chủ thắng lợi chúng ta nhất định phải đấu tranh có tổ chức. Trí thức và người yêu nước cần tìm đến nhau để tạo thành một lực lượng, một tổ chức chính trị có tầm vóc đủ để trước tiên trở thành một đối trọng dân chủ của đảng cộng sản. Một tổ chức sẽ là nơi để sản sinh ra các ý kiến đóng góp cho phong trào dân chủ và dành thắng lợi quyết định trên mặt tư tưởng. Thắng lợi về mặt tư tưởng chính trị và về mặt truyền thông sẽ dẫn đến thắng lợi tất yếu về mặt chính trị.
Các điều kiện cần để khởi động một cuộc cách mạng dân chủ đã chín muồi. Chúng ta đang đứng trước một thời khắc quan trọng của lịch sử. Những gì vừa qua là hy vọng hay một niềm thất vọng hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của những người đấu tranh dân chủ, những trí thức, những người yêu nước vào thời điểm này.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được khai sinh dựa trên khát vọng mang về dân chủ cho đất nước. Tập Hợp luôn kiên định với Dự án chính trị của mình, kiên định với lập trường dân chủ đa nguyên, bất bạo động và hòa giải hòa hợp dân tộc. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẵn sàng chào đón mọi người cùng chia sẻ, đồng thuận với dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 và các lập trường căn bản của Tập Hợp.
Nguyễn Việt Anh
(17/06/2018)
Lời người dịch : Trên tờ The Atlantic có một bài viết giải đáp cho câu hỏi tại sao Maduro cố vẫn nắm quyền tại Venezuela.
Tổng thống Nicolas Maduro trong một cuộc duyệt binh tại Fort Tiuna, thủ đô Caracas, Venezuela, nhân ngày Quân lực 24/06/2017 - (AP Photo/Fernando Llano, File)
Maduro thực sự không còn cả ảo tưởng tiếp tục nắm quyền, sở dĩ ông ta tiếp tục cầm quyền là vì ông ta bị kẹt trong quyền lực. Thậm chí Maduro còn không thể đặt niềm tin vào Cuba - một đồng minh thân cận và nơi ông ta có thể tìm đến sống lưu vong. Cơ hội tìm kiếm cách hạ cánh an toàn ở quê nhà của mình cũng hoàn toàn tuyệt vọng khi đối lập Venezuela không có dấu hiệu sẽ bảo vệ ông ta khỏi kết cục tàn khốc khi Maduro rời khỏi vị trí tổng thống. Ông ta chọn cách tiếp tục duy trì cầm quyền bằng cách kiểm soát nhà nước và quân đội, một chọn lựa chọn hiểm nghèo nhưng duy nhất còn lại.
Mong các bạn cho ý kiến về trường hợp Venezuela, liệu phe đối lập đất nước này cần làm gì để chấm dứt tình trạng tiến thoái lưỡng nan này ? Liệu cách đối đầu đến cùng với Maduro có phải là một lựa chọn khôn ngoan ?
…………………………………
Thật khó để miêu tả tình trạng của Venezuela ngày hôm nay mà không đề cập tới những điều hãi hùng. Những cụm từ như "xác sống", "địa ngục sau ngày tận thế" thường xuất hiện trong lời tường thuật của những người đến nơi này gần đây, họ hoảng loạn chứng kiến một xã hội đã đạt tới độ mục ruỗng giống như thời loạn lạc, dù chẳng có một cuộc chiến tranh nào tại đây.
Trong một lời thuật lại tỉ mỉ, Anotoly Kurmanaev của tờ Wal Street - người tường thuật tại Caracas (thủ độ Venezuela) từ năm 2013 cho tới một vài tuần trước đã so sánh tình trạng của nước này tệ như tình trạng của Siberia những năm 1990.
"Sự sụp đổ của Venezuela tệ hơn những bất ổn mà tôi đã trải qua trong cuộc khủng hoảng hậu Liên Xô. Khi tôi còn là một chàng trai trẻ tuổi, tôi vẫn có thể có được giáo dục tốt tại một trường công với những bữa ăn được trợ cấp và hưởng điều trị miễn phí tại bệnh viên. Trái lại, khi suy thoái xảy ra tại Venezuela, chính phủ tự xưng là Xã Hội Chủ Nghĩa đã không có cố gắng nào để duy trì và bảo đảm dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, hai thứ tưởng chừng là trụ cột của chế độ".
Số liệu về Venezuala có thể khiến người ta nổ tung đầu ngay lập tức nhưng ở một mức độ nào đó, nó không phản ánh đúng hết những điều kinh hoàng xảy ra tại đây. Trong một đất nước từng là mẫu mực của Nam Mỹ về hòa bình, ổn định, dân chủ và phát triển trong nửa sau thế kỉ 20, thì giờ đây khoảng 2/3 dân số cho hay họ phải bắt buộc giảm cân để giảm đói khát. Trong những người báo cáo về tình trạng giảm cân, có những người sụt gần 9 cân chỉ trong năm ngoái.
Với tất cả những khó khăn của đất nước, tổng thống đương nhiệm trở lại cầm quyền với 68% tổng phiếu bầu như một trò đùa lố bịch. Cuộc bầu cử, không cần bàn cãi, đã bị lũng đoạn. Đối lập lên án cuộc bầu cử, và gần như tất cả các nền dân chủ lớn, các tổ chức đại diện cho dân chủ đều lên án tình trạng thiếu dân chủ và từ chối công nhận cuộc bầu cử : Liên Minh Châu Âu, Mỹ, Canada, G7 và mọi nước lớn ở Mỹ La Tinh. Một số nước vẫn còn công nhận Venezuela như : Cuba, Nga, Nicaragua, Bolivia và Iran. Thậm chí Bashar al-Asssad còn gửi cho Maduro một bức thư chúc mừng.
Dù "thắng cử" nhưng Maduro chẳng còn hy vọng nào để lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kì nữa. Là một người tài xế xe bus và cũng là một người Mác-xít có đường lối cứng rắn được huấn luyện bởi Cuba, Maduro đã đau đớn rơi xuống vực thẳm từ khi ông nắm quyền vào tháng 3 năm 2013. 5 năm sau đó ông không có thành tựu gì để phô diễn trong thời gian nắm quyền, cũng chẳng có một chiến công đáng kể nào để tiếp tục nắm quyền và giúp ông đánh bại dù là một đối thủ dù chỉ ở hạng trung bình.
Maduro đơn giản không còn cơ hội để đảo ngược những khủng hoảng chồng chất mà ông ta đã khởi động và nhai lại những lời hứa để rồi tiếp tục gây thất vọng trong nhiều năm trời. "Chiến dịch" của ông năm nay tập trung vào cam kết rằng một nhiệm kì nữa là tất cả những gì ông cần để đánh tan những âm mưu ngầm về kinh tế mà ông quy chụp một cách vô cớ cho nguồn cơn của siêu lạm phát và tình trạng sụp đổ nền kinh tế. Và ông sẽ thực hiện lời hứa của mình như thế nào ? Khi mà nguyên nhân thực tế của siêu lạm phát được các nhà kinh tế từ mọi trường phái đánh giá là do việc tăng cường kiểm soát giá và in tiền bừa bãi.
Sự vắng mặt của các chính sách mới đáng tin cậy cộng với sự từ chối thừa nhận sự đau khổ mà các chính sách của Maduro đã gây ra cho người dân đang thể hiện bộ mặt trơ trẽn của chế độ.
Tại sao mà ông ta vẫn còn muốn giữ một chức vụ đã ngoài tầm với của ông ?
Bởi vì Maduro đã tự đào hố chôn mình quá sâu, và nếu buộc phải rời chiếc ghế tổng thống rất có thể ông phải ngồi tù. Hoặc còn tệ hơn.
Bóng ma của nhà độc tài Panama Manuel Noriega còn đó, nó đặt ra cuộc thảo luận về tương lai của Maduro. Như Noriega, Maduro tham gia vào các cuộc buôn bán thuốc cấm có sự dính dáng của chế độ, và một vụ đã bị đưa vào giám sát của DEA (tổ chức chống ma túy) trong hàng năm trời. Hai đứa cháu của bà đệ nhất phu nhân bị kết tội ở Mỹ năm ngoái vì tội trao đổi ma túy với nhân viên mật vụ của DEA 800 kg cocaine tại Haiti một vài năm trước. Phó tổng thống của Maduro, Tareck El Aissami cũng được ủy nhiệm vào vị trí đầu mối trung tâm trong giao dịch ma túy.
Bất kể vai trò nào của Maduro trong những giao dịch ma túy này, rất có thể nhân viên điều tra Mỹ đã nắm được bằng chứng. Noriega đã chết năm ngoái khi vẫn bị quản thúc sau ba thập kỉ ở những nhà tù khác nhau tại khắp các châu lục, Maduro xem chừng khó thoát được.
Và các vụ buôn bán ma túy và thuốc cấm mới chỉ là bắt đầu. Maduro và những thành viên trong mạng lưới của ông ta đang bị cấm vận quốc tế vì một loạt những hành vi sai trái. Trong nhiều năm, các thành viên của chế độ đã bị tố cáo về việc xâm phạm nhân quyền, rửa tiền, hối lộ và tham nhũng cấp Olympic, trợ giúp Hezbolla, trợ giúp chương trình hạt nhân Iran (vào năm 2016), các tội ác liên quan đến môi trường mức độ lớn, cáo buộc bỏ tù người trái luật, hành động tra tấn…danh sách các tội ác còn nhiều vô kể. Vào tháng hai của năm nay, luật sư tố tụng tại tòa án tội phạm quốc tế đã tuyên bố rằng văn phòng của bà đang tổ chức các cuộc điều tra sơ bộ về những tội ác nhân quyền mà Venezuela đã gây ra từ năm 2017. Trước khi tất cả những điều đó được nói ra và thực hiện, Maduro không tránh khỏi cảm thấy mình đã bị dồn tới đường cùng.
Đó là một trong những lý giải, tại sao một người chẳng còn lý tưởng nào lại rất kiên quyết bảo vệ quyền lực, ông ta sợ. Và ông ta có những lý do hợp lý để sợ.
Ở thế hệ trước, mọi thứ dường như rất khác. Có truyền thống đảm bảo hạ cánh mềm cho những kẻ độc tài với một lý do chẳng hạn như cần nhiều thời gian hơn trong việc điều tra về gia đình của họ. Idi Amin, một kẻ độc tài nổi tiếng của Uganda đã kết thúc những ngày cuối cùng của ông ta trong một khu tổ hợp sang trọng tại Saudi Arabia. Tuy không còn quyền lực nhưng ông vẫn còn được sống một cuộc sống khá xa hoa. Nhà độc tài Filipino Ferdinand Marcos dùng những năm tháng tuổi già để uống cocktail tại Haiwaii và Guam. Mobutu Sese Seko nghỉ dưỡng tại Haiti và Duvalier có cuộc sống mới tại Riviera, Pháp. Đó là khoảng thời gian mà những kẻ độc tài tồi tệ nhất vẫn có thể được van nài từ bỏ quyền lực để đổi lấy những căn biệt thự xinh đẹp và một tài khoản ngân hàng hào phóng. Giờ điều đó đã kết thúc.
Câu chuyện về số phận của Maduro thường bao gồm suy đoán về Cuba như một địa điểm lưu vong của ông. Rất dễ giải thích : Cuba từ lâu đã là một đồng minh quan trọng nhất của chế độ. Thực tế "đồng minh" vẫn chưa phải một từ đúng để miêu tả mối quan hệ sâu sắc của hai chính quyền : cuộc khởi nghĩa Venezuela đôi khi người ta cảm tưởng như hoàn toàn được tài trợ từ chế độ Castro, với hàng ngàn chuyên gia huấn luyện, tư vấn và gián điệp đến từ Cuba đã được xâm nhập vào nhà nước Venezuela, và chẳng có một quyết định nào được đưa ra mà không thông qua Havana. Ví dụ, những ngày đầu tiên của Maduro, phóng viên Reuters cho hay dù kinh tế về công nghiệp dầu mỏ suy sụp, và thậm chí dù chính phủ thiếu tiền mặt để mua thuốc men quan trọng, Venezuela vẫn mua dầu tại thị trường quốc tế để chuyển tới Cuba với một điều khoản tín dụng ưu đãi : một nguồn doanh thu có giá trị cho chế độ Cuba.
Và dường như thật xa vời để Maduro có một viễn cảnh được sống lưu vong và xa hoa : Giữ Nicolas Maduro ở lại vị trí quyền lực có giá trị hơn nhiều với Cuba so với việc giúp ông ta rút lui. Saudi Arabia chưa từng phụ thuộc vào việc giữ Idi Amin ở lại vị trí quyền lực tại Kampala, Uganda để trục lợi như trường hợp Cuba với Venezuela. Nguồn dầu mỏ và trợ giúp về ngoại giao của Venezuela là những chiến lược sống còn với chế độ Cuba. Nếu viễn cảnh mà Cuba cho phép Maduro thoái lui, Maduro sẽ nhanh chóng trở thành món hời mà Cuba có thể lợi dụng. Biết đâu được họ sẽ bán ông ta cho Mỹ để đổi lấy sự nới lỏng cấm vận thương mại chẳng hạn.
Một sự nghỉ hưu thầm lặng tại quê nhà dường như là không thể với một nhà lãnh đạo đã gây ra quá nhiều tội ác với quá nhiều người : cảnh tượng bị truy tố luôn xuất hiện mập mờ. Thậm chí dù ông có thể chọn những người nối nghiệp tin cậy sẵn sàng đảm bảo an ninh cho ông thì ông vẫn khó có thể quên rằng Đại tướng Chile Augusto Pinochet đã trải qua những năm tháng cuối cùng của cuộc đời để vật lộn với sự truy tố ở cả quê nhà lẫn nước ngoài.
Thực tế, thật khó để cảm thấy được một kế hoạch rút lui đáng tin cậy mà Maduro, một nhà độc tài còn ở độ tuổi khá trẻ khi mới 55, sẽ tin tưởng lựa chọn để bảo vệ cho bản thân từ 2 đến 3 thập kỉ nữa trong tương lai. Do đó, Maduro đã chọn cách đặt niềm tin vào sự bảo vệ của lực lượng vũ trang quốc gia Bolivarian khi mà quân đội sở hữu tất cả sức mạnh vũ trang và lực lượng tình báo quốc gia.
Nicolas bám lấy quyền lực bởi vì ông ta mắc kẹt ở trong đó. Mọi sắp đặt thay thế đều là nhà tù với ông. Do đó dù không còn đủ sức lãnh đạo Venezuela, ông ta vẫn cố sử dụng nhà nước như một công cụ bảo vệ bản thân. Đây là giải pháp cuối cùng thay vì một cuộc đời sau song sắt.
Nguyên tác : Why Nicolas Maduro Clings to Power, The Atlantic, 30/05/2048
Nguyễn Việt Anh biên dịch
(01/06/2018)
Hôm 19/05 là ngày sinh của Hồ Chí Minh, một nhân vật đã được tôn lên hàng lãnh tụ hay cha già dân tộc. Hồ Chí Minh là một nhân vật khá bí ẩn trong lịch sử, những điều mà chúng ta biết về ông là kết hợp giữa sự thật và những huyền thoại.
Đến nay, người ta vẫn không thể biết hết về cuộc đời con người này, nhưng có một điều chắc chắn rằng ông Hồ không phải là một người tài giỏi. Ông không chỉ là người kém cỏi về tài năng mà còn kém cỏi về mặt đạo đức. Như dưới bút danh Trần Dân Tiên, ông viết hồi kí để tự đánh bóng tên tuổi của mình. Dưới cái tên C.B và một số bút danh khác trên báo Nhân Dân, ông đã xuyên tạc cả về sự thật lịch sử.
Một thí dụ về Hồ Chí Minh dưới bút danh C.B. viết trên báo Nhân Dân, số ra ngày 21/12/1953, về Ngày Giáng Sinh (21/12/1953)
Dưới bút danh Trần Lực, ông đã vận động mọi người tin một điều nhảm nhí rằng một mẫu lúa ở Trung Quốc có thể sản xuất được 333 tấn lúa mỗi năm. Dưới cương vị lãnh đạo, Hồ Chí Minh không cho thấy một sự hiểu biết nào của ông về lịch sử, kinh tế hay địa chính trị. Ông có bản lĩnh nhưng là bản lĩnh của một kẻ độc tài, một người tình báo xuất sắc cho Quốc tế cộng sản.
Vậy còn về tội trạng của Hồ Chí Minh thì sao ? Nhiều người cố thanh minh cho ông khi nói ông đã không trực tiếp tham gia vào vụ cải cách ruộng đất, giết chết hàng trăm nghìn người Việt, ông cũng không khởi xướng thảm sát Mậu Thân và "giải phóng miền Nam". Nhưng có một thực tế mà không ai có thể chối cãi rằng chính ông, là người đã mang chủ nghĩa cộng sản về Việt Nam, một thứ chủ nghĩa ôn dịch reo rắc mọi sự đau khổ cho các nước mà nó được du nhập.
Có những lúc ông đứng ở vị trí cao nhất về quyền lực trong đảng, ông đã phải nhìn ra cái tai hại, cái sai mười mươi của chủ nghĩa cộng sản về cả mặt lý luận và mặt đạo đức. Song, ông có ăn năn về sai lầm đó của mình không ? Chúng ta không thấy. Nhưng điều chúng ta biết rất rõ là ông đã không làm gì để sửa chữa những lỗi lầm của mình : ông vẫn chấp nhận là một người cộng sản cho đến lúc qua đời. Trong di chúc, trước lúc chết, ông cũng chỉ muốn ‘đoàn tụ’ với Mác, với Lê nin ở bên kia thế giới thay vì ‘đoàn tụ’ với tổ tiên ông bà. Điều này chứng tỏ ông cũng chẳng hề là một "người yêu nước" chọn nhầm chủ nghĩa Mác-Lê theo như quan điểm của nhiều người.
Đến khi Hồ Chí Minh thất thế thì chính ông cũng trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, thứ chủ nghĩa mà ông từng dùng cả cuộc đời để say mê, hoạt động và dấn thân vì nó. Ông trở thành tù nhân và con rối của phe Lê Duẩn. Và ngay cả sau khi ông chết, Hồ Chí Minh lại tiếp tục trở thành công cụ tuyên truyền của chế độ. Ông vừa là thủ phạm, cũng vừa là nạn nhân của chế độ cộng sản.
Hồ Chí Minh được đảng cộng sản tôn lên hàng lãnh tụ hay cha già dân tộc.
Nếu không có Hồ Chí Minh thì lịch sử sẽ ra sao ? Trước khi kết tội Hồ Chí Minh, chúng ta hãy đặt câu hỏi trí thức Việt Nam đã làm gì và ở đâu để một kẻ bất tài như ông và đảng cộng sản cướp được chính quyền trong cuộc cách mạng tháng 8 ?
Chúng ta cũng nên đặt câu hỏi để chất vấn lương tri của người Việt là trí thức và nhân dân Việt Nam đã làm gì để cho đến hôm nay, chế độ cộng sản này vẫn kéo dài một cách quá đáng như vậy ? Nếu không có Hồ Chí Minh, không có đảng cộng sản Việt Nam thì có thể tương lai dân tộc chúng ta ngày hôm nay đã khác xa. Dù thế chẳng ai dám chắc rằng, trước sự bàng quan với thời cuộc và thái độ chờ đợi một ‘minh quân’ của trí thức Việt Nam… thì sẽ có một kẻ thức thời khác như Hồ Chí Minh và một băng cướp khác như đảng cộng sản Việt Nam giành được chính quyền ?
Hồ Chí Minh quả thật có trách nhiệm lớn với những thảm kịch của dân tộc, song trí thức Việt Nam cũng có một phần lỗi không nhỏ ở trong đó.
Chúng ta nên có thái độ nào với Hồ Chí Minh ? Chúng ta phải có trách nhiệm nói lên tất cả sự thật về Hồ Chí Minh, nhưng không nên khuyến khích những lời nhục mạ với người quá cố. Bởi lẽ, đằng sau thái độ giận dữ với một người đã chết gần một thế kỉ là một tâm lý bất lực và thiếu văn hóa. Và hơn thế, chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ mà chỉ có thể thay đổi và làm chủ được tương lai.
Sự kiện Hồ Chí Minh, một người thiếu cả tài năng lẫn phẩm chất đã lãnh đạo một băng đảng khủng bố như đảng cộng sản cướp chính quyền thành công là một bài học lớn cho dân tộc chúng ta. Bài học này nhắc nhở rằng trong quá khứ, những người trí thức đã thiếu sự tỉnh táo và trách nhiệm trước thời cuộc như thế nào.
Ngày hôm nay, người trí thức và những người yêu nước Việt Nam cần phải đoàn kết lại trong một vài tổ chức chính trị để làm chủ vận mệnh dân tộc của mình, để những thảm kịch trong quá khứ không lặp lại !
Nguyễn Việt Anh
(20/05/2018)
Bằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tổng thống Donald Trump đang tính đến việc tái thương lượng hoặc thay đổi chế độ (tại quốc gia này). Trump dường như tính đến việc kết thúc nó bằng chiến tranh.
Tổng thống Donald Trump mặc định rằng những tổn thất về kinh tế do cấm vận, mới có thể buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán, như đã xảy ra với Bắc Hàn.
Vào ngày 8 tháng 5, Trump đã kết liễu mối quan hệ của giữa Mỹ và Iran bằng việc rút khỏi Thỏa thuận chung về chương trình hạt nhân của Iran (The Joint Comprehensive Plan of Action), nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và đặt chương trình này dưới sự kiểm tra thường xuyên của quốc tế. Đổi lại Iran sẽ được bãi bỏ cấm vận. Sự rút lui từ thỏa thuận mà Trump gọi là "mục ruỗng" đã bảo toàn lời hứa của ông trong chiến dịch tranh cử. Nhưng, không chỉ thề sẽ phục hồi lại cấm vận Iran, ông còn hứa sẽ mở rộng nó, và trừng phạt bất cứ doanh nghiệp nào làm ăn kinh doanh với Iran dù doanh nghiệp đó đặt cơ sở ở đâu.
Từ khi Liên Hợp Quốc nói rằng Iran không hề vi phạm thỏa thuận và chỉ trích Mỹ về hành động đơn phương này thì chính quyết định của Trump đã làm tăng sự thuyết phục cho những lập luận thù địch rằng không thể tin tưởng được Mỹ vì các quy tắc quốc tế mà Mỹ tuyên bố duy trì đều dễ dàng bị phá bỏ. Câu hỏi cho tất cả các bên còn lại của thỏa thuận (Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu) rằng : điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ? Câu hỏi đặt ra cho cả thế giới, đặc biệt là vùng Trung Đông : việc Iran sản xuất bom hạt nhân sẽ có ý nghĩa gì ?
Trong thông báo vào hôm thứ ba, Trump đã đưa ra câu trả lời của mình. Ông nói ông "muốn, sẵn sàng và có thể" điều đình một thỏa thuận mới để hạn chế sự hung hăng trong khu vực và kế hoạch hạt nhân của Iran, nhưng ông không có kế hoạch gì cụ thể. Ông cũng mở ra đề xuất cho người dân Iran, những người Trump gọi là "con tin" của chính quyền, nổi dậy chống lại kẻ đàn áp.
Trọng tâm kế hoạch của Trump dựa vào hiệu ứng về sự cấm vận. Đầu tiên nó mặc định rằng với sự cấm vận mạnh tay hơn, kinh tế của Iran sẽ có ít khả năng cho một cuộc chiến tranh tài chính với Iraq, Syria, Lebanon và Yemen. Nhưng thái độ thù hằn của Iran không phải là kết quả của bài toán tài chính. Mặc dù những cuộc biểu tình đường phố yêu cầu chính phủ chi tiền nhiều hơn trong nước, Iran vẫn chi tiền cho các nhóm phiến quân bởi vì họ mong muốn có được sự ảnh hưởng và do họ cảm nhận được những mối đe dọa. Trump bắt đầu đe dọa Iran trong tuần này rằng Trump có thể quyết tâm hơn.
Tiếp theo, Trump mặc định rằng những tổn thất về kinh tế do cấm vận, mới có thể buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán, như đã xảy ra với Bắc Hàn. Những cấm vận nặng nề có thể buộc các chế độ phải thương lượng, như Iran đã từng phải làm trong thỏa thuận mà Trump vừa hủy bỏ. Nhưng Trump dường như không hiểu rằng những người lãnh đạo mà Trump đã coi thường sẽ không chịu đầu hàng hoàn toàn trước yêu cầu của ông ta và sẽ tiếp tồn tại.
Có lẽ đây chính là điều đáng để bàn, và Trump đang cá cược rằng sự cấm vận sẽ dẫn đến những tổn thất kinh tế và sẽ đánh đổ chế độ. Nhưng người mullah sẽ không lãnh đạo Iran mãi mãi. Những kẻ như Castro ở Cuba đã đối mặt với cấm vận trong hàng thập kỉ. Những nhà thần quyền Iran đã chứng tỏ rằng họ sẵn lòng giữ chế độ bằng lực lượng quân sự của mình.
Chúng ta hoan nghênh sự chấm dứt sự thù địch của Iran, nhưng bằng một chính sách chứ không phải bằng một cảm tính. Thay vào đó, đối mặt với sự thất bại của kế hoạch của Trump, các bên trong cuộc của thỏa thuận sẽ cố gắng để giữ nó sống sót cho đến khi nào họ có thể. Một mặt để chứng tỏ rằng Trump và những người ủng hộ của ông ta rằng những luật lệ toàn cầu rất quan trọng. Ví dụ, EU nên tiếp tục gặp mặt các quan chức Iran và đề xuất sự phản đối với WTO về các cấm vận của Mỹ đối với các công ty của họ, như họ đã làm 20 năm trước, khi Mỹ áp đặt hàng loạt cấm vận lần thứ hai với Cuba. Một mặt để giữ chân Iran khỏi dự định tái khởi động chương trình hạt nhân.
Nhưng, hành động một cách thực tiễn, Trung Quốc và Nga không muốn kéo Trump ra khỏi cái hố mà ông ta tự nhảy xuống, và EU không thể giữ thỏa thuận một mình. Đồng dollar vẫn chiếm ưu thế (dù những gì Trump làm khiến người ta tưởng tượng một viễn cảnh khi đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền giao dịch toàn cầu). Các công ty, trước một lựa chọn hoạt động ở Mỹ hay Iran chắc chắn sẽ ngã về thị trường lớn hơn.
Cho nên những gì đạt được từ một thỏa thuận sắp tới sẽ không đáng kể và Iran có thể sớm muộn gì cũng tái khởi động chương trình hạt nhân. Thỏa thuận hạt nhân (đang có) với Iran đã tránh cho khả năng (khởi động chương trình hạt nhân) đó, bằng việc cung cấp những cảnh báo sớm và lựa chọn tránh áp đặt các lệnh trừng phạt. Thiếu đi thỏa thuận này, Iran có thể tìm đường quay lại chế độ bảo thủ trước đây, họ sẽ xây dựng những chiếc máy ly tâm mới, làm giàu uranium tới mức độ để làm vũ khí hạt nhân và các đầu đạn hạt nhân. Nếu chương trình của Iran tiến hành kín đáo theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, mọi chuyện sẽ đi ra ngoài tầm kiếm soát. Hơn nữa, nếu sự cấm vận đã được tăng cường mạnh mẽ thì Trump và người kế nhiệm của ông ta sẽ còn không gian ngoại giao để kiềm chế Iran. Thay vào đó, họ sẽ phải dùng đến các hành động quân sự.
Chiến tranh với Iran sẽ chẳng dễ dàng gì. Trump sẽ thắng khi phá hủy thêm một vài chiếc máy ly tâm ? Nhưng Iran vẫn có thể tiến về ngưỡng sỡ hữu hạt nhân. Và, dường như các chương trình hạt nhân của Iran và Syria đã từng bị phá hủy trong một chiến dịch bởi không quân Israel, Iran biết rằng khả năng công nghiệp không thể bị phá hủy hoàn toàn bởi bom. Nếu Iran quyết định sản xuất vũ khí, Mỹ và Israel sẽ phải đánh bom thêm một vài năm nữa. Và họ sẽ biện minh điều này thế nào ? Thật khó để tin rằng có một tổng thống Mỹ lại có thể hủy bỏ một thỏa thuận quốc tế cho những điều khó hiểu với một cái giá đắt như vậy.
Nguyên tác : Scrapping the Iran deal won’t do anyone any good, The Economist, 12/08/2018
Nguyễn Việt Anh chuyển ngữ (16/5/2018)
Lời người dịch : Vào năm 2015, ông Nguyễn Gia Kiểng, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, có viết một bài với tiêu đề "Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang", dự đoán về sự sụp đổ của Trung Quốc. Nhưng gần đây, chúng ta nghe thấy sự gia tăng của Trung Quốc trong "sức mạnh cứng", trong quân sự hóa và nhất là khởi xướng kế hoạch "một vành đại một con đường" của Tập Cân Bình mà nhiều người ví là kế hoạch Marshall thế kỷ 21. Như vậy bài viết đã dự đoán sai ?
Mới đây, chúng ta thấy tư tưởng Tập Cận Bình được tôn vinh ngang hàng với Mao Trạch Đông, chúng ta cũng thấy Tập Cận Bình lần lượt thâu tóm quyền hành trong Đảng cộng sản Trung Quốc dù Tập không có gì tỏ ra xuất sắc về chính trị. Đây là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu quá trình chuyển hóa từ chế độ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân. Sự kiện này chứng tỏ trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc đang rất hỗn loạn và cần một người lãnh đạo độc tài để thống nhất nội bộ và đưa ra quyết định chung. Mặt khác, đây cũng là cuộc phẫu thuật hiểm nghèo của đảng cộng sản Trung Quốc với hy vọng tồn tại mong manh.
Sau vài thập kỷ có được đôi chút giàu có nhờ phương Tây thì Trung Quốc cũng không thoát được nguy cơ sụp đổ. Bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng năm 2015 vẫn giữ nguyên giá trị !
Sự bành trướng ra bên ngoài của Trung Quốc là một ước mơ vô vọng trong chế độ cộng sản Trung Quốc đang dần chết lâm sàng, Trung Quốc không đủ ảnh hưởng sâu rộng cả về tư tưởng lẫn kinh tế. Từ đó phương Tây cần hiểu rằng Trung Quốc thực sự rất yếu, họ nên tận dụng cơ hội này để cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Với những người đấu tranh dân chủ Việt Nam, chúng ta cần biết rằng làn sóng dân chủ thứ tư đang lật nhào những thành trì cuối cùng của các chế độ độc tài trên thế giới và thời khắc dân chủ của chúng ta đang đến !
Thông Luận xin gửi tới quý độc giả một bài dịch trên tờ The Economist, số ra ngày 01/03/2018, với một góc nhìn về Trung Quốc trong quan hệ quốc tế.
****************
Mọi người đánh cược rằng Trung Quốc sẽ hướng tới dân chủ và kinh tế thị trường. Cá cược này đã thất bại
Cuối tuần trước Trung Quốc bước từ chế độ độc tài tập thể đến độc tài cá nhân. Đó là khi Tập Cận Bình, vốn là người đàn ông quyền lực nhất thế giới, cho thấy rằng ông sẽ thay đổi hiến pháp Trung Quốc để có thể cai trị trên cương vị chủ tịch nước trong bao lâu tùy ý- và có thể hiểu là cả đời. Chưa bao giờ kể từ thời Mao Trạch Đông có một lãnh đạo sở hữu nhiều quyền lực quá công khai như vậy. Đó không chỉ là một thay đổi lớn cho Trung Quốc ("Xi Jinping decides to abolish presidential term limits"), nhưng đó cũng là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự đánh cược của phương Tây với Trung Quốc 25 năm qua đã thất bại.
Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, phương Tây chào đón nhà nước cộng sản lớn thứ hai vào trật tự kinh tế toàn cầu. Những nhà lãnh đạo phương Tây tin rằng trao cho Trung Quốc một phần trong các cơ quan như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ có thể ràng buộc nó vào một hệ thống có nguyên tắc được thiết lập sau thế chiến thứ hai. Họ đã hi vọng rằng sự hội nhập kinh tế sẽ khuyến khích Trung Quốc tiến lên nên kinh tế thị trường và khi nó trở nên giàu có hơn, nhân dân Trung Hoa sẽ theo đuổi tự do dân chủ, quyền con người và pháp trị.
Đó từng là một tầm nhìn có giá trị, mà báo chí chia sẻ, và họ nghĩ điều đó tốt hơn là hắt hủi Trung Quốc. Trung Quốc đã trở nên giàu có ngoài sự tưởng tượng. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào, bạn vẫn có thể mường tượng được sự cá cược của phương Tây với Trung Quốc sẽ thành công. Khi Tập Cận Bình nắm quyền 5 năm trước, có rất nhiều dự đoán về Trung Quốc rằng Tập Cận Bình sẽ ngả về cai trị theo hiến pháp. Ngày hôm nay, sự ảo tưởng đó đã đổ bể. Trên thực tế Tập Cận Bình đã lái chính trị và kinh tế đến khủng hoảng, gia tăng kiểm soát của nhà nước và tình trạng đối đầu.
Tất cả tung hô : Tập Cận Bình vạn tuế
Bắt đầu với chính trị. Tập Cận Bình đã sử dụng quyền lực để tái khẳng định sự thống trị của đảng cộng sản và địa vị của ông ở trong đó. Như một phần của chiến dịch chống tham những, ông thanh trừng những đối thủ tiềm năng. Ông đã tiến hành một cuộc tái tổ chức thanh lọc Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (PLA), một phần để đảm bảo sự trung thành của nó với đảng, và với bản thân Tập. Ông cũng bắt giam những luật sư có tư tưởng tự do và dập tắt chỉ trích với đảng và chính quyền trên truyền thông và trên mạng. Mặc dù cuộc sống của con người vẫn khá tự do, ông đang tạo ra một nhà nước giám sát để theo dõi sự bất mãn và "tư tưởng chính trị lệch lạc".
Trung Quốc tuyên bố không quan tâm đến các nước khác như thế nào miễn là họ để Trung Quốc được yên. Nhưng nó gia tăng củng cố hệ thống độc tài như một kẻ thù của dân chủ tự do. Trong hội nghị đảng thứ 19 vào mùa thu, Tập Cận Bình đưa ra "một lựa chọn mới cho các nươc khác" để xúc tiến "sự minh triết và đường lối Trung Hoa vào giải quyết các vấn đề nhân loại đang đối mặt". Ông Tập sau đó nói rằng Trung Quốc sẽ không xuất khẩu mô hình Trung Quốc, nhưng bạn có thể cảm thấy được nó bây giờ không chỉ đối thủ kinh tế của Hoa Kì, mà còn là một đối thủ về ý thức hệ nữa.
Nền kinh tê Trung Quốc đã thành công hơn. Trung Quốc đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Nó là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 13% của cả thế giới. Trung Quốc táo bạo và phì nhiêu, nó là ngôi nhà của 12 trên tổng số 100 công ty có giá trị nhất thế giới được thống kê. Nó đã tạo ra sự giàu có lạ thường, cho bản thân Trung Quốc và những ai làm ăn với nó.
Dù vậy Trung Quốc không phải một nền kinh tế thị trường, và với tình trạng hiện tại, nó sẽ không bao giờ trở thành nền kinh tế thị trường. Thay vào đó, nó tăng cường kiểm soát kinh doanh như một cánh tay của nhà nước. Nó coi hàng loạt ngành công nghiệp lớn mang tính chiến lược. Ví dụ, kế hoạch "Made in China 2025" của nó được soạn thảo để sử dụng trợ cấp và sự bảo vệ để tạo ra những doanh nghiệp hàng đầu trong 10 ngành công nghiệp thế giới, bao gồm hàng không, công nghệ và năng lượng, tổng cộng chiếm 40% chế tác Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc trở nên ít trắng trợn hơn về tình báo kinh tế, các công ty phương Tây vẫn phàn nàn về những vụ cướp đoạt tài sản trí tuệ hậu thuẫn bởi nhà nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc có lợi nhuận nhưng cũng thật đáng thương, bởi vì thương mại dường như luôn luôn phải theo những điều khoản của Trung Quốc. Ví dụ, các doanh nghiệp thẻ tín dụng Hoa Kì chỉ được thông qua vào khi thanh toán đã chuyển đến điện thoại di động.
Trung Quốc chấp nhận một vài luật chơi của phương Tây, nhưng nó cũng dường như biên soạn một hệ thống song song cho nó. Như Đề Xướng Một Vành Đai Một Con Đường, dự án sẽ hứa hẹn đầu tư trên một ngàn tỷ đô la trong thị trường nước ngoài, để cuối cùng trở thành một kế hoạch Marshall. Đây là một phần kế hoạch phát triển Trung Quốc thách thức phương Tây, nhưng nó cũng tạo một mạng lưới được kinh tài bởi Trung Quốc bao gồm khá nhiều nước sẽ sẵn lòng tham gia. Khởi xướng yêu cầu các nước chấp nhận lời hứa sẽ đứng về Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp. Nếu các tiêu chuẩn ngày hôm nay của phương Tây cản trở tham vọng của Trung Quốc, cơ chế vành đai con đường này có thể trở thành một sự thay thế.
Và Trung Quốc sử dụng việc kinh doanh để đối đầu với kẻ thù của nó. Nó cố gắng trừng phạt những doanh nghiệp một cách trực tiếp, như khi công ty ô tô Đức Mercedes-Benz gần đây chấp nhận ban hành một lời xin lỗi ngậm ngùi sau khi vô ý trích dẫn câu nói của đức Dalai Lama trên mạng. Nó cũng trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài vì ứng xử của chính phủ họ. Khi Philippines không thừa nhận tuyên bố của Trung Quốc với quần đảo Scarborough Shoal ở biển Đông, Trung Quốc bất ngờ ngừng mua chuối Philippines, được cho là vì lý do sức khỏe. Khi ảnh hưởng nền kinh tế Trung Quốc gia tăng, nó có thể gây ra được những loại áp lực này.
"Quyền lực cứng" trong thương mại tiếp thêm sức mạnh cứng của quân đội vũ trang. Ở đây, Trung Quốc cư xử như một siêu cường trong khu vực, đẩy Mỹ ra khỏi vùng Đông Á. Với Scarborough Shoal, Trung Quốc giành và xây dựng một số rặng san hô và hòn đảo nhỏ. Nhịp độ hiện đại hóa của quân đội và đầu tư đang tăng ngờ vực về cam kết dài hạn của Mỹ sẽ giành lại quyền kiếm soát trong khu vực. Quân đội nhân dân Trung Quốc PLA không thể đánh bại Hoa Kì trong một trận chiến, nhưng quyền lực nó có nhờ sự quyết tâm và sức mạnh. Thậm chí khi thách thức của Trung Quốc trở nên công khai hơn, Hoa Kì cũng không sẵn lòng ngăn cản Trung Quốc.
Đối phó với Trung Quốc thế nào ?
Phải làm gì ?Phương Tây đã thất bại khi đặt niềm tin vào Trung Quốc, trong khi đó nền dân chủ của chính họ lại chịu một cuộc khủng hoảng niềm tin, Tổng thống Donald Trump nhìn thấy mối đe dọa về Trung Quốc sớm nhưng ông chỉ cảm nhận nó chủ yếu về mặt thâm hụt thương mại song phương, điều mà không hẳn là một mối họa. Một cuộc chiến thương mại sẽ làm suy yếu các chuẩn mực mà ông cần bảo vệ và cuộc chiến thương mại này làm hại những đồng minh Hoa Kì khi họ cần thống nhất để đối mặt với sự dọa nạt từ Trung Quốc. Nhưng phần nhiều lời hứa của Donald Trump "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", điều thực tế đưa Hoa Kì rút về chủ nghĩa đơn phương chỉ làm bàn tay Trung Quốc mạnh hơn.
Thay vào đó, Trump cần tái tạo một loạt các chính sách Trung Quốc. Trung Quốc và phương Tây sẽ phải học sống với những sự khác biệt của họ . Thái độ nhẫn nhịn trước sự ứng xử thiếu văn hóa ngày hôm nay sẽ làm cho Trung Quốc tốt hơn là vô nghĩa. Phương Tây càng kéo dài miễn cưỡng làm quen với thói lạm dụng của Trung Quốc, thách thức của Trung Quốc với phương Tây càng nguy hiểm. Do đó, trong mọi mặt, chính sách cần phải cứng rắn hơn, thậm chí khi phương Tây bám chắc với những giá trị họ tuyên bố là phổ cập.
Để đối phó với quyền lực cứng của Trung Quốc, các xã hội phương Tây nên cố gắng tìm kiếm các mối liên kết giữa các tổ chức độc lập, thậm chí các nhóm học sinh và nhà nước Trung Quốc. Để đối phó với sự lạm dụng quyền lực kinh tế của Trung Quốc, phương Tây nên giám sát đầu tư liên quan đến các công ty nhà nước Trung Quốc, với công nghệ nhạy cảm của các công ty của nó ở bất cứ lãnh vực nào. Phương Tây nên ủng hộ các cơ quan có thể bảo vệ trật tự mà họ cố gắng bảo toàn. Trong hàng tháng Mỹ đã khóa các cuộc họp của các nhà chức trách ở WTO. Trump nên chứng minh cam kết của ông với đồng minh của Mỹ bằng cách tái xem xét việc tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, như ông đã ám chỉ. Để đối phó với quyền lực cứng của Trung Quốc, Mỹ cần đầu tư vào các hệ thống vũ khí và đảm bảo rằng nó sẽ tiến gần hơn với các đồng minh. Các nước đồng minh đã chứng kiến được sự quyết tâm của Trung Quốc, và họ sẽ một cách tự nhiên trông theo Hoa Kì.
Sự đối định giữa đương kim siêu cường và siêu cường đang trỗi dậy này không dẫn đên chiến tranh. Nhưng sự thèm khát quyền lực của Tập Cận Bình sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn trầm trọng. Tập Cận Bình có thể một ngày nào đó làm nên một điều thần kì bằng việc chiếm lại Đài Loan. Và hồi tưởng rằng nhiệm kì có giới hạn đầu tiên của những lãnh đạo của nó để nó không bao giờ phải một lần nữa sống qua hỗn loạn và tội ác của chế độ độc tài cá nhân của Mao. Một chế độ độc tài mạnh, dù dễ đổ vỡ không phải là một Trung Quốc mà phương Tây mong muốn mang đến. Nhưng đây sẽ là nơi nó kết thúc.
Nguyên tác : How the West got China wrong, The Economist, 01/03/2018
Nguyễn Việt Anh dịch
Đọc thêm :
- Khi chủ nghĩa thực tiễn phá sản, Nguyễn Gia Kiểng
- Làn sóng dân chủ thứ tư vẫn đang tràn tới, Nguyễn Gia Kiểng
- Làn sóng dân chủ thứ tư và một trật tự thế giới mới, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2
- Thếgiới và những bài học cho Việt Nam, Trần Hùng
Những ngày hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng vô cùng mới mẻ. Người dân đồng loạt đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam.
Người dân cả nước đổ ra đường mừng chiến thắng của đội tuyển U23 - Ảnh VnExpress
Tôi không có bất cứ số liệu nào thống kê số người đổ ra đường vào mấy ngày nay. Tuy nhiên, chắc chắn rằng số lượng đó đông hơn rất nhiều các cuộc biểu tình bất đồng chính kiến từ trước đến nay. Biển người tràn ra khắp các phố hò reo cùng với biểu ngữ. Sự kiện này cũng làm cho không ít người đang dấn thân cho dân chủ buồn lòng, điều đó khiến mỗi chúng ta phải đặt câu hỏi: "Tại sao số người biểu tình vì những vấn đề hệ trọng của dân tộc lại không bằng một trận thể thao"?
Để hiểu hơn về hiện tượng này chúng ta cần phải hiểu về bản chất tâm lý học đám đông. Tôi từng xem một video khá ấn tượng trên mạng xã hội. Một nhóm các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm tại một siêu thị. Ban đầu, họ gồm 5 người nắm tay nhau thành vòng tròn, hò hét inh ỏi và kêu gọi mọi người tham gia. Ban đầu tưởng như không ai chư ý đến nhóm "hooligan" này. Nhưng chỉ vài phút sau có vài người đến nắm tay họ xếp thành vòng tròn. Dần dần, vòng tròn đó ngày càng rộng hơn và càng nhiều người tham gia hơn dù không ai rõ mục đích thực sự của đám đông này.
Qua video này, chúng ta có thể có một số kết luận thú vị về tâm lý học về kêu gọi một đám đông.
Ba đặc điểm của tâm lý học về kêu gọi một đám đông
Thứ nhất, con người luôn thèm khát cảm giác cộng đồng. Con người luôn có khao khát được hòa nhập với nhau. Mọi người trong đám đông tại siêu thị đều không biết rõ mục đích thực sự của đám đông là gì. Tuy nhiên, họ đều có mong ước được giải tỏa áp lực, căng thẳng, được hòa nhập với nhau. Điều này có thể lý giải cho dòng người đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng U23 Việt Nam. Không phải ai cũng thực sự thích bóng đá, cũng chẳng phải ai cũng cảm thấy sự kiện U23 chiến thắng thực sự quan trọng lắm. Nhưng hầu hết người đổ xuống đường để tìm đến thỏa mãn cá nhân.
Trong văn phẩm 1984, nhà văn Geogre Orwell đã tưởng tượng ra một thế giới cộng sản nơi con người gặp gỡ và trao đổi khó khăn đến thế nào. Thật vậy, tại các nước độc tài, xã hội dân sự thường bị bóp chết trước khi được nhen nhóm hình thành. Ý niệm về "cộng đồng" hay "xã hội" trở thành một không gian gò bó, độc đoán về ý thức hệ và đầy nguy hiểm. Từ đó, con người bị cấm, cản trở hoặc không được khuyến khích tham gia, thành lập các tổ chức. Chúng ta bị cô lập với nhau, mối quan hệ giữa người với người trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Sự kiện người đổ xuống đường ăn mừng U23 Việt Nam dành chiến thắng thực tế chỉ là cái cớ để con người hòa nhập, cùng hàn gắn và tìm lại cảm giác cộng đồng. Tuy mình phản đối những hành vi ăn mừng một cách thái quá và vô văn hóa. Nhưng nhìn chung đây vẫn là một dấu hiệu tích cực.
Thứ hai, trong đám đông tồn tại tâm lý hiệu ứng. Chỉ cần một đám đông đạt đến một số lượng cụ thể và có tổ chức. Nó có một sức lan tỏa vô tận. Tâm lý hiệu ứng này lý giải tâm lý "ăn theo" của dòng người ăn mừng U23 Việt Nam chiến thắng. Tâm lý đó cũng lý giải tại sao các phong trào dân chủ thể giới không diễn ra lẻ tẻ mà thường có những làn sóng dân chủ.
Thứ ba, đám đông luôn được hình thành từ một nhóm hạt nhân thiểu số. Nhóm hạt nhân này bền bỉ kêu gọi và truyền cảm hứng cho mọi người, nếu thiếu đi lực lượng hạt nhân này thì đám đông sẽ không thể hình thành. Thực tế các cuộc cách mạng cho thấy. Quần chúng chỉ xuống đường ở giai đoạn cuộc cách mạng đã thành công. Dù trong đám đông này mọi người đều mong muốn lật đổ chế độ độc tài, nhưng họ không tự tập hợp với nhau mà phải được kêu gọi, truyền cảm hứng bởi một thiểu số hạt nhân.
Chúng ta đang đi sai phương pháp ?
Vậy qua những kết luận về tâm lý đám đông ở trên, những người đấu tranh dân chủ có thể học được những gì ?
Hàng ngàn người đã từng tụ tập, tuần hành bất bạo động trước sự kiện Formosa. Thế rồi, con số người biểu tình giảm dần, thu hẹp và phong trào tan rã.
Chúng ta cần phải làm gì để có thể tránh được một sự kiện có tổ chức thất bại như trên ?
Nhân loại đang bước đến kỷ nguyên của nhân quyền. Trong nước, chế độ cộng sản đã thất bại trên mọi địa hạt. Mặt khác, mô hình nhà nước dân chủ đã thắng thế trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta đang có cơ hội lớn hơn bao giờ hết để thay thế chế độ độc tài và dân chủ hóa đất nước.
Qua bài học về tâm lý đám đông, chúng ta có thể khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có thể có được một sự kiện biểu tình lớn, có sức lan tỏa cao. Chúng ta chưa thắng lợi không phải vì chúng ta không thể thắng lợi mà vì chúng ta đã làm sai phương pháp :
Trước khi muốn thuyết phục quần chúng xuống đường (kêu gọi đám đông), chúng ta cần phải có một tổ chức chính trị như tôi đã khẳng định ở trên : "Không có một thiểu số hạt nhân" thì sẽ không có đám đông.
Nhiều người cho rằng tổ chức sẽ ra đời khi thời cơ đến. Nhiều người khác còn phủ định vai trò của một tổ chức chính trị trong đấu tranh dân chủ. Đáng tiếc là những người không hiểu được tầm quan trọng của tổ chức không phải chỉ một hai người mà chiếm đa số trong phong trào dân chủ Việt Nam. Chúng ta đã sai phương pháp ngay từ khi cố gắng gây dựng phong trào, đó là nguyên nhân chúng ta thất bại.
Cần phải khẳng định rõ chừng nào người đấu tranh biết đấu tranh một cách có tổ chức, chừng nào chúng ta có được một tổ chức chính trị lớn mạnh, chừng đó phong trào dân chủ mới có tầm vóc.
Nếu có người hỏi tôi rằng : "Đến bao giờ người dân không chỉ xuống đường vì bóng đá ?". Tôi sẽ không hỏi một người dân mà nhường lại câu trả lời cho những người đấu tranh dân chủ. Tôi biết rằng, để người dân vượt qua ranh giới của sự sợ hãi, vượt qua rào cản, cấm đoán kì thực rất khó. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một tổ chức hạt nhân dân chủ bền bỉ, đó là lý do tại sao người đấu tranh dân chủ cần đấu tranh có tổ chức.
Vào lúc tôi viết xong bài viết này thì hiệp hai trận bóng giữa Việt Nam và Ubekistan đã bắt đầu. U23 Việt Nam đã thực sự lan tỏa để mọi người đổ xuống đường. Chúc U23 Việt Nam vô địch và chúc cho một ngày, người dân có thể xuống đường không phải vì một trận bóng.
Nguyễn Việt Anh
(27/01/2018)