Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển gây hàng loạt cái chết về môi trường và cả bốn tỉnh Bắc miền Trung Việt Nam đều rơi vào khủng hoảng vì biển nhiễm độc. Cho đến thời điểm hiện tại, Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động và biển vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, đời sống người dân khó khăn. Nhà nước tuyên bố đã chi trả 95% tiền đền bù cho dân. Về phía người dân, sự bất bình ngày càng gia tăng bởi tiền đền bù bất minh và có dấu hiệu biển thủ, cửa quyền.
Đoàn thanh niên dọn xác cá trên bờ biển Quảng Bình tháng 4 năm 2016. RFA photo
Người bị thiệt hại vẫn đói khổ, kẻ ngồi không nhận tiền
Một cư dân Hà Tĩnh, tên Phú, chia sẻ : "Nó chơi trò bịp dân vậy đấy. Nó cho kê khai 100 người thì nó đền bù khoảng 60 người thôi. Như ban đầu kê khai thì nó kê khai cả kể từ 15 đến 19 tuổi. Nhưng sau này không còn một ai trong độ tuổi này nhận được tiền bồi thường. Dân ban đầu đi kê khai thì ghi danh sách từ 15 tuổi trở lên nhưng khi đền bù, 10 người chỉ nhận được 5 người, 6 người. Có nhà nó chỉ trả 2 người, may lắm 1 người vì có nhà không được đồng nào. Thế thì đền bù đâu, đấy là tiền Formosa đền bù cho dân chứ phải tiền các anh đâu mà các anh làm như vậy. Các anh bóp cổ dân chứ, các anh đã thấy dân chúng tôi chết chưa, chết hơn 1 năm rồi. Đâu phải tiền các anh đâu mà các anh làm vậy, nào là kinh tế, nghề nghiệp, sức khỏe, môi trường, tương lai... Các anh phải đền cho chúng tôi từ A đến Z, vậy mà các hành xử như vậy. Cho nên là một chế độ đen tối, thối nát".
Ông Phú cho biết thêm là vấn đề đền bù cho những gia đình bị thiệt hại có quá nhiều điều khuất tất. Từ việc khai mang hộ khẩu của một số gia đình không hề liên quan đến đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cho đến những gia đình nuôi tôm nước ngọt, ở tít tận trên núi, có quan hệ bà con với cán bộ đã thông đồng khai thiệt hại và số tiền đền bù các gia đình này nhận được lên đến cả tỉ đồng. Trong khi đó, những gia đình nuôi tôm, nước mặn, nước lợ và người làm nghề đánh bắt lại không nhận được đền bù hoặc chỉ nhận được số tiền ít ỏi, nhà nào nhận được nhiều lắm cũng chỉ vài chục triệu đồng.
Như gia đình ông là một ví dụ, có hai người đi đánh bắt gần bờ, một chiếc tàu cá hạng trung và có ba người đi buôn bán, nuôi trồng thủy sản. Nhưng ông không hề biết số tiền đền bù là gì, ông chỉ nhận được gạo hỗ trợ của chính phủ, sau đó có nhận được bảy chục triệu đồng nhưng số tiền nhận về chưa đầy ba ngày thì công an xã đến yêu cầu ông nộp bớt 50% trở lại cho xã mà không nói lý do và cũng không có bất kì biên bản thu hồi hay giấy chứng nhận gì. Ông thắc mắc và yêu cầu có văn bản thì bên phía xã nói gia đình ông không thuộc tiêu chuẩn nhận 70 triệu đồng, đã phát nhầm nên yêu cầu ông phải trả lại.
Sau khi trả lại tiền vì không muốn mình phải cầm nhầm tiền của người khác, ông Phú theo dõi, tìm hiểu thì biết được tiêu chuẩn nhận của gia đình ông không chỉ là 70 triệu, số tiền lớn hơn rất nhiều nhưng cấp chính quyền địa phương đã chấm mút, gặm nhỏ bằng mọi cách. Để cuối cùng, những người bị thiệt hại thì nhận số tiền chẳng đủ để mua gạo, kẻ không hề hấn gì, không liên quan thì nhận được số tiền đền bù cao ngất.
Qua câu chuyện này, ông Phú đưa ra kết luận rằng mọi thiệt hại từ môi trường, tài nguyên cho đến con người đều là cơ hội gặm nhấm, cào cấu tốt nhất của chính quyền địa phương, họ ăn không từ một thứ gì và họ ăn trên cả nước mắt, cái chết của đồng bào. Ông nói rằng những kẻ đầu tiên nhận được lợi lộc từ Formosa là chính quyền địa phương, sau đó họ xả độc, tạo thêm một cơ hội mới để béo tốt cho giới quan chức địa phương thông qua tiền đền bù. Và người chịu thiệt hại đầu tiên, nhận thiệt hại cuối cùng bao giờ cũng là người dân thấp cổ bé miệng, chẳng biết tìm đâu ra lẽ phải, công lý hay sự tử tế từ giới quan chức. Họ ăn được là ăn, bất chấp mọi thứ để ăn.
Số tiền đền bù đã được dùng làm gì ?
Người dân phơi khoai sắn làm lương thực khi thiếu gạo. RFA photo
Chị Thảo, cư dân tỉnh Quảng Bình, người chịu thiệt hại trực tiếp vụ Formosa xả độc, chia sẻ : "Vấn đề là biển phải sạch để nhà em sinh kế chứ đền bù thì ăn được mấy bữa. Vì nếu em mang đổi gạo thì ăn có đủ một năm đâu. Vậy mà khi lên nhận tiền đền bù họ làm khó làm khăn, làm như kiểu mình đi xin, nó thích cho ai hay phát ai trước là quyền của nó, nó bảo là theo chỉ thị này nọ. Vậy mà ban đầu em nghĩ là thôi thì chính phủ, nhà nước đã quyết, mình dân mình phải nghe thôi, nhận tiền đền bù về để thay đổi ngành nghề. Nhưng khi đền bù thì nhỏ giọt thì làm được gì, lần này nhận không đủ mua gạo, lần khác không đủ mua gạo gì khác, vậy thì làm sao để chuyển đổi ngành nghề. Như con em giờ có đứa trốn qua Lào làm thuê, cũng phải vay mượn mà đi chứ có nhà nước nào giúp..".
Chị Thảo chia sẻ thêm là hiện nay, số tiền của gia đình chị nhận được, gọi là đền bù gì đó cũng chỉ loay hoay trong vài chục triệu đồng, cộng tất cả mọi người trong gia đình vẫn chưa tới 100 triệu đồng. Nhưng con số mà chính quyền xã, chính quyền huyện báo cáo lên cấp trên không phải vậy, có gia đình lên tới vài tỉ đồng và trung bình mỗi gia đình ba trăm triệu đồng. Chị nói rằng nếu như nhận đúng số tiền ở hạng trung bình này thì gia đình chị sẽ làm được rất nhiều việc. Nhưng đó chỉ là bánh vẽ, con số thực nhận không là bao nhiêu, chưa nói đến cảnh đi nhận tiền đền bù thiệt hại mà bị đối xử chẳng khác nào kẻ ăn xin, hách dịch, cửa quyền và vô văn hóa là thói thường của những kẻ gọi là đại diện nhà nước phát tiền đền bù cho dân.
Chị Thảo nói rằng sau khi nghe nhà nước công bố đã trả cho nhân dân 95% tiền đền bù thì chị chỉ còn biết chưng hửng, chẳng thể nói gì thêm. Bởi nếu thực sự nhà nước, chính quyền địa phương đã chia đúng số tiền ấy cho dân và còn 5% nữa chưa chia thì không còn gì để bàn. Ở đây phải nói là chia bởi tiền đền bù thiệt hại, dân sẽ chia theo đúng người, đúng sự việc, nhà nước chỉ có quyền làm trọng tài phân phát thôi. Cái không còn gì để bàn nằm ở chỗ nếu chia trung thực thì nhà nước quá kém bởi không định lượng được mức độ thiệt hại cũng như đời sống khó khăn của nhân dân sau khi bị thiệt hại, đã bị Formosa Hà Tĩnh qua mặt dễ dàng.
Trường hợp ngược lại thì vấn đề trở nên xấu hơn bởi nhà nước không tử tế, đã bất minh, lợi dụng thiệt hại, lợi dụng nỗi đau của nhân dân mà chấm mút, vơ vét, quơ quào. Như vậy, nếu chính quyền trung ương muốn cho nhân dân tin tưởng thêm một lần nữa thì phải tổ chức thanh tra, điều tra một cách nghiêm túc để trả sự công bằng cho người dân.
Bởi người dân vùng biển chết Bắc miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã quá khó khăn, giờ còn thêm cảnh đói khổ, tứ tán phiêu bạt làm thuê làm mướn kiếm cơm, trẻ em đối diện nguy cơ thất học, người lớn thất nghiệp… Lẽ ra nhà nước nên quan tâm nhiều hơn và có một chính sách đền bù thỏa đáng, khoa học và nhân bản một chút để cứu chuộc niềm tin của nhân dân !
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
"Thứ nhất thấy mình đã lớn lên được một chút. Hai mươi năm tuy không dài nhưng đó là một chặng đường hoạt động, nhất là trong thời buổi này khi có nhiều đoàn thể chỉ duy trì hoạt động được 1-2 năm , thì mình cũng thấy tự hào khi mình đã đi được 20 năm. Đó là điều chúng tôi cảm thấy có nhiều cảm xúc nhất trong giai đoạn này, trong ngày hôm nay".
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng (giữa) trao tặng bằng tưởng lục tri ân Tập Thể Quân Dân Cán Chính San Diego (trái) và Ban Tù Ca Xuân Điềm (phải). RFA PHOTO/Ngọc Lan
Đó là cảm nghĩ đầu tiên của Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban phối hợp, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam ).
Tối thứ Sáu, 18 tháng Tám, 2017, tại nhà hàng Seafood Paracel thuộc thành phố Garden Grove, đông đảo quan khách, dân biểu liên bang, tiểu bang, hội đồng thành phố Wesminster, Garden Grove, Hội đồng liên tôn, cùng nhiều tổ chức hội đoàn, mạnh thường quân đã đến tham dự, chúc mừng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới nhân quyền Việt Nam.
Nhân dịp này, giáo sư Nguyễn Thanh Trang, một trong những thành viên đầu tiên tham gia thành lập mạng lưới nhân quyền Việt Nam, đã tóm lượt vắn tắt về nguồn góc ra đời của mạng lưới, khởi thủy từ việc vận động thành lập Đài Á Châu Tự Do :
"Nỗ lực thành lập mạng lưới nhân quyền manh nha từ lúc anh em chúng tôi ở San Diego thành lập một ủy ban vận động thành lập đài Á Châu Tự Do năm 90-91. Lúc đầu ủy ban đó có 21 người tại San Diego, mà tôi là chủ tịch. Sau đó mỗi thành viên trong ủy ban móc nối với tất cả những bạn bè thân hữu, những người đấu tranh ở khắp các tiểu bang ở Mỹ, thành ra một network. Chúng tôi mới tổ chức những cuộc vận động dân biểu, thượng nghị sĩ tại địa phương, rồi sau đó mới tổ chức những cuộc vận động hành lang tại quốc hội.
Sau khi Tổng thống Bill Clinton ban hành đạo luật đã được Quốc Hội thông qua năm 1995, ngày 30 tháng 4, 1995 và đến Tết ta năm 1996 là buổi phát sóng đầu tiên về Việt Nam.
Sau khi đài Á Châu Tự Do được thành lập rồi thì nhóm người tham gia thành lập lúc đó, chúng tôi móc nối một số anh em lại, những người tiếp tục hoạt động về dân chủ và nhân quyền sau một thời gian vận động kéo dài một năm mỗi tháng chúng tôi đều có họp để bàn về vấn đề nhân quyền và làm sao để kết hợp tất cả các tổ chức nhân quyền và các nhân sĩ hoạt động nhân quyền ở Việt Nam khắp nơi quy tụ lại với nhau. Tháng 11 năm 1997, chúng tôi tổ chức một hội nghị quốc tế về thành lập Mạng lưới nhân quyền ở một khách sạn ngay tại Little Saigon".
Trong 20 năm qua, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã khởi xướng và tiến hành một số hoạt động trong ba lãnh vực : thông tin giáo dục, quốc tế vận và yểm trợ quốc nội.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trang (phải) trao Giải Thưởng Nhân Quyền 2009 cho Mục sư Nguyễn Công Chính (trái) tại buổi kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. RFA PHOTO/Ngọc Lan
Ở lãnh vực thông tin giáo dục, Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam đã thiết lập được trang mạng vietnamhumanrights.net để phổ biến tin tức nhân quyền, phiên dịch và xuất bản bộ luật Quốc Tế Nhân Quyền, thực hiện bản báo cáo nhân quyền hằng năm bằng hai ngôn ngữ Anh Việt được nhiều chính phủ và cơ quan nhân quyền quốc tế tham chiếu, tổ chức buổi hội thảo và hội nghị nhân quyền tại Canada, Úc, Đức, Pháp và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ
Trong lãnh vực vận động dư luận quốc tế, Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam đã thường xuyên tiếp xúc với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, các chính phủ, hành pháp cũng như lập pháp của một số quốc gia để yêu cầu họ gây áp lực trên nhà nước Việt Nam trong vấn đề tôn trọng nhân quyền. Mạng lưới nhân quyền cũng đã tạo được những mối liên hệ rất tốt với các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Với mục tiêu yểm trợ các chiến sĩ và phong trào nhân quyền trong nước ; Mạng lưới nhân quyền đã có những kế hoach thường xuyên cũng như bất thường nhằm giúp đỡ vật chất cho những nhà hoạt động bị bắt bớ, tù đày. Giải Nhân Quyền Việt Nam được thành lập từ 2002, và cho đến nay đã trao cho 3 tổ chức và 39 cá nhân chính là nhằm yểm trợ tinh thần cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước.
Mặc dù đạt được những thành tựu không nhỏ trong 20 năm qua, nhưng điều ưu tư, băn khoăn lớn nhất của những người đứng đầu Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam vẫn là việc khó lôi kéo được người trẻ dấn thân theo con đường của họ.
Khi được hỏi, liệu Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam đã có một sự chuẩn bị một lực lượng kế thừa cho hoạt động sắp tới hay chưa, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng cho rằng :
"Đó là điều ưu tư của chúng tôi. Điều đó rất là khó chứ không dễ, bởi vì những thế hệ trẻ lớn lên bên này chúng tôi không nói họ không để ý đến hiện tình đất nước, nhưng chiếc cầu nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau chưa hoàn chỉnh. Do đó chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm sao thuyết phục để cho họ thấy rằng việc đấu tranh nhân quyền trong nước là ưu tiên số một, hơn cả vấn đề phát triển kinh tế. Bởi vì chính trị chi phối cả đời sống con người chứ không phải chỉ vấn đề kinh tế. Vì có đôi bạn trẻ ở đây nói rằng chỉ cần phát triển kinh tế thì vấn đề nhân quyền sẽ đến sau, nhưng chúng tôi nghĩ ngược lại, đối với người cộng sản chừng nào chế độ cộng sản còn thì không thể phát triển được. Đó là điều chúng tôi mong truyền đạt được cho thế hệ trẻ để mong họ thông cảm với. Có thể có nhiều suy nghĩ khác biệt, nhưng đó là suy nghĩ của chúng tôi".
Giáo sư Nguyễn Thanh Trang cũng cùng suy nghĩ :
"Mạng lưới nhân quyền là một phạm vi hoạt động nhân quyền càng ngày càng phổ thông, nhưng rất khó thu hút những người trẻ để họ có thể làm việc, tranh đấu, lý do là vì mình tranh đấu nhân quyền không có ồn ào, không phải như đi biểu tình, cộng sản không sợ biểu tình, trái lại những cuộc vận động nhân quyền mà mình đi vào quốc hội, vào bộ ngoại giao, đi vào các cơ quan nhân quyền quốc tế đã tạo được những áp lực đối với nhà nước cộng sản.
Bên cạnh thành quả đó thì cái khó là tìm những người trẻ vào để kêu gọi họ tiếp tục làm việc là cả một chuyện không dễ, bởi vì tuổi trẻ năng động và họ muốn thấy kết quả trước mắt, trái lại nhân quyền tranh đấu không thấy được. Như giờ hỏi thành quả cụ thể của Mạng lưới nhân quyền là gì thì rất là khó nói".
Tại buổi kỷ niệm 20 năm thành lập mạng lưới, Mục sư Nguyễn Công Chính, người vừa thoát khỏi nhà tù cộng sản, bị trục xuất sang Hoa Kỳ, đã được nhận lại bằng tưởng lục cho giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam năm 2009 mà ông được chọn nhưng chưa có cơ hội nhận vào lúc đó.
Cũng trong buổi này, mạng lưới đã tri ân và tuyên dương những tổ chức, cá nhân có những đóng góp thiết thực cho Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam trong thời gian qua, trong đó có Ban Tù Ca Xuân Điềm, Tập Thể Dân Quân Cán Chính San Diego, Luật sư Đoàn Thanh Liêm và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh.
Ngọc Lan, thông tín viên RFA
Nơi nào lũ lụt quét qua cũng gây nên tổn thất cho người dân. Sau đợt lũ gần đây tại Thái Lan, phóng viên RFA đến ghi nhận thực tế tại khu vực trung tâm tỉnh Sakon Nakhon, vùng Đông Bắc Thái Lan nơi có cộng đồng Việt Nam được cho là có cuộc sống thành công tại đó.
Hình ảnh trận lũ lụt tại một thị trấn của Thái Lan, ngày 28 tháng 7 năm 2017. AFP
Một tuần lễ sau khi nước lũ rút, cảnh mua bán tại khu chợ địa phương vẫn tấp nập, tuy nhiên giới tiểu thương gốc Việt không vui vì họ đang phải bán những mặt hàng ẩm ướt vớt vát lại sau lũ với giá rẻ.
Một cái quần kaki thường ngày có giá 200 baht, nhưng nay chỉ bán với giá 50 baht, chỉ khoảng 30 ngàn Việt Nam đồng.
Ông Nguyễn Văn Cường, 58 tuổi buôn bán đồng hồ ở đường Rath Pattana, trung tâm Sakon Nakhon chia sẻ :
"Hỏng hết, người Việt ở nơi đây hỏng hết mà không biết kêu ai. Người mà đi bán hàng bán rẻ lại 50%. Người nào cũng lỗ hết, chẳng lẽ khóc, mà khóc cho ai nghe, đâu có ai giúp mình đâu.
Lấy đồ cũ mà ăn, có người thất bại không có tiền mà trả cho chủ hàng.
Buổi sáng ngày 28/7 nước vào nhà không làm gì được hết.
Ngày 28, 29 cúp điện hết ở khu vực, sợ bị lụt chết. Tới ngày mùng 2/8 nước mới rút, mà đồ đạc hỏng hết. Mở nước tắm ra thì nước rất bẩn. Thiệt hại hơn 1 triệu baht Thái, có người làm quần áo mất 10 - 20 triệu".
Linh mục Đỗ Bá Hoàng, thuộc dòng Đa Minh có thâm niên thực hiện mục vụ ở tỉnh Sakhon Nakhon cho chúng tôi biết :
"Khi nhìn vào cái cây này vẫn còn thấy được cái dấu hiệu của cái mức độ của nước lên cao như thế nào. Những vùng trắng này là nước ngập lên đến đây, những cái mà xe đậu ở đây thì chắc chắn là ngập gần hết xe rồi.
Vùng này người Việt nhiều và đa số người Việt không làm lúa, mà mở tiệm, buôn bán thì bị thiệt hại rất là nhiều. Đặc biệt là những người buôn bán như máy móc, buôn bán hàng hóa này thì cũng không có chỗ nào để mà di chuyển đi, và máy móc thì cũng không thể nào di chuyển dễ dàng được, nên bị thiệt hại rất là nhiều".
Bà Đinh Thị Tân, năm nay 75 tuổi hiện đang sống 1 mình cho hay, đây là trận lụt lịch sử lớn nhất sau 43 năm. Bà kể lại thời khắc nước lụt vào.
"Ngày 28/7, mưa từ đêm đến sáng. Lúc 7, 8 giờ sáng nước bắt đầu vào, cứ từ từ vào. Bà con thấy lên dần dần thì không nghĩ nước lên cao đến vậy, cho nên cứ đưa đồ lên dần dần cho đến khi nước ập về 1 cái là chuyển đồ không kịp nữa, là ướt hết, hỏng hết chỉ chạy lấy người.
Trong khi chạy lấy người như vậy thì chính quyền họ cho lính mang thuyền vào để cứu người ra, còn đồ thì chuyên chở không được. Họ chở người đến chỗ cao ráo, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng".
Bà Phan Thị Lộc thì nói, thiệt hại là như vậy nhưng không thấy Hội người Việt ở đây đi thăm kiều bào :
"Chưa có Hội người Việt đi thăm kiều bào hỏi kiều bào thiệt hại bao nhiêu. Kiều bào thì họ thiệt hại nhiều, không có tiền của rồi cũng không biết làm ăn ra sao. Cái người giàu có thì không sao mà cái người nghèo thì hết vốn, hết tài sản".
Quân đội Thái Lan đang di tản cư dân thị trấn Kalasin, đông bắc Thái Lan, ngày 29 tháng 7 năm 2017. AFP
Linh mục PraJun ở nhà thờ Chính tòa Thái Lan nói rằng, điều làm ông ấn tượng nhất trong và sau thảm họa này là các tôn giáo giúp đỡ nhau không phân biệt :
"Bất kể là tôn giáo nào cũng giúp nhau, chính các sư trụ trì cũng mời Cha đi giúp đỡ những người công giáo, đó là 1 hình ảnh rất đẹp khi các sư Phật giáo đem hàng đến giúp đỡ những người giáo dân, đem thuyền, đem hàng đến, chính bản thân họ đi trao tận tay.
Theo những gì Cha biết được thì tất cả những thiệt hại người Thái gốc Việt khoảng hơn 100 triệu baht. Và đặc biệt là bệnh viện ở Sakon Nakhon đã hơn 10 triệu baht, những hộ dân trồng lúa, cây ăn trái vẫn chưa thống kê được thiệt hại.
Khi mà có trung tâm cứu trợ đặt ở nhà thờ chánh tòa Tha Rae, thì những người khắp nơi trên đất Thái đến giúp đỡ và gửi hàng, gửi tiền đến thì bên các Cha sẽ dùng những khoản đó để phân phát cho những người Công giáo, không Công giáo, Phật giáo… và số tiền mặt họ nhận được là 2,9 triệu baht".
Những người Việt ở đây lý giải rằng, vị vua quá cố trước đây dự trù chống lụt bằng cách cho đào những hồ nước xung quanh tỉnh Sakon Nakhon. Để khi mưa xuống nước sẽ thoát ra những hồ này, rồi thoát ra hồ lớn Nong Han từ đó dẫn ra sông Mekong. Tuy nhiên cơn bão Sơn Ca lần này trút xuống 1 lượng nước cực lớn làm cho nước sông Mekong lại dâng cao hơn, khiến cả tỉnh Sakon Nakhon chìm trong cơn lụt.
Những ngày này, đi đến đâu ở trung tâm tỉnh Sakon Nakhon cũng thấy những bao tải cát còn sót lại, các bao rác to là hàng hóa bị hư hại, những cửa hàng thì đang xây tường cao hơn để phòng ngừa trận lụt sau nếu có. Mất mấy mươi năm để kiều bào ở đây hội nhập vào đời sống Thái Lan, qua giai đoạn vất vả đến lúc làm ăn khấm khá thì vướng vào cơn lũ lịch sử.
Vấn đề ngân sách quốc gia bội chi hay nói cách khác là khoản thu không đủ cho các khoản chi xảy ra không ít lần tại Việt Nam.
Một người bán hàng rong đạp xe qua một trung tâm mua sắm cao cấp ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 7 năm 2017. AFP photo
Báo cáo của Bộ Tài chính mới công bố hồi trung tuần tháng 8 cho thấy Việt Nam lại bội chi ngân sách nửa đầu năm 2017.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 666.000 tỉ đồng (làm tròn), trong khi đó tổng chi ngân sách lũy kế sau 7 tháng ước khoảng 695.000 tỷ đồng.
Bộ này cũng nói rõ là trong số khoản phải chi tiêu thì chỉ có 120.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trả nợ lãi là gần hơn 62.000 tỷ đồng và chi thường xuyên là khoản lớn nhất với con số là hơn 511.000 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, cho rằng việc chi tiêu ngân sách của Việt Nam nửa đầu năm 2017 rơi vào tình trạng rất căng thẳng vì quá nhiều khoản phải chi, không còn tiền để đầu tư phát triển đất nước. Ông phân tích :
Hiện nay tình hình chi ngân sách của Việt Nam rất trầm trọng. Chi thường xuyên chiếm đến 71% tổng số chi ngân sách, chi trả nợ thì chiếm đến 24,5%. Như vậy không còn khả năng chi cho đầu tư.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này thì nguyên nhân dẫn đến khoản chi thường xuyên cao đến vậy là do tình trạng chi tiêu quá lãng phí :
Tình trạng chi tiêu một cách lãng phí, hình thức là hết sức phổ biến và chưa được ngăn chặn. Những khoản chi như đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài, rồi thì chi cho lễ tân, giao lưu tiếp khách đã vượt chi rất nhiều. Việt Nam lại còn chi hỗ trợ rất nhiều các tổ chức chính trị, xã hội, cũng đều chi từ ngân sách.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nêu một ví dụ mà ông cho là phản cảm gần đây nhất là chuyện ông Hữu Thỉnh, người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật đã trình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xin hỗ trợ mua xe ô tô cho ông. Ông này giải thích là với chức danh của ông phải được hưởng chế độ xe như bộ trưởng nhưng 10 năm nay ông phải đi mượn xe và xe đó quá cũ. Ông Thỉnh giãi bày rằng "đối với người đứng đầu Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy".
Một chuyên gia kinh tế khác là Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận xét rằng ngoài mức chi thường xuyên quá cao, Việt Nam còn đang phải đối mặt với một khó khăn nữa là việc trả nợ :
Nói chung thâm hụt ngân sách của Việt Nam là bệnh trầm kha, nan y. Có rất nhiều nguyên nhân, ví dụ như đầu tư công thì dàn trải, không có hiệu quả hay sử dụng vốn không có hiệu quả và thường thì kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Quan trọng là trong cái thu ấy thì chi thường xuyên chiếm 70%. Phần lớn còn lại là để trả nợ, cho nên chi đầu tư rất thấp. Cho nên trả nợ là một trong những nguyên nhân làm cho bội chi tăng.
Bộ ấm chén tỉnh Vĩnh Phúc làm quà tặng newszingvn
Theo số liệu của Bộ Tài chính cung cấp thì trong nửa đầu năm nay, Việt Nam phải chi ra 9000 tỷ đồng mỗi tháng chỉ để trả tiền lãi cho các khoản nợ.
Tính đến cuối năm ngoái, mức nợ công của Việt Nam đã là 63,6% GDP. Tuy nhiên đầu năm nay, Bộ Tài chính dự báo là năm 2017-2018 mức nợ công sẽ không dừng lại mà sẽ tăng lên đến ngưỡng 65% GDP.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết đây mới chỉ là con số mà Bộ Tài chính thừa nhận là nợ của Chính phủ và nợ do Chính phủ bảo lãnh. Ông phân tích rằng theo thông lệ quốc tế thì các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước đáng lẽ ra cũng phải được tính vào khoản nợ ngân sách Nhà nước chịu trách nhiệm. Nếu tính theo cách này thì con số nợ công của Việt Nam có thể lên đến 210% GDP như Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản quốc gia của Tổ chức Thống kê Liên Hiệp Quốc đã công bố trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Tình trạng bội chi ngân sách của Việt Nam liên tục xảy ra trong những năm gần đây. Năm ngoái Bộ Tài chính cũng cho biết là mức bội chi cả năm ước tính hơn 192 ngàn tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, bội chi 256 ngàn tỷ đồng. Năm 2014 là hơn 249 ngàn tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Việt Nam cũng thường xuyên đề ra giải pháp là phải giảm chi thường xuyên. Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã thông qua mục tiêu là giảm bội chi ngân sách xuống còn 3,5% vào năm 2020. Đầu năm nay tại Hội nghị tổng kết của ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng chi thường xuyên liên tục tăng lên thì phải hãm phanh lại dứt khoát chứ không phải dự toán rồi cứ chi.
Giải thích lý do bội chi ngân sách xảy ra triền miên nhiều năm ròng mà chưa có những biện pháp hữu hiệu để giảm bớt tình trạng này. Tiến Ngô Trí Long cho rằng các biện pháp đã được đưa ra nhưng không phải một sớm một chiều đã mang lại kết quả :
Tại vì năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kém ; tham nhũng vẫn còn phổ biến. Mà biết điều đó rồi không phải giải quyết một sớm một chiều, ngày một ngày hai là được mà là cả một quá trình. Mặc dù đã sửa đổi rất nhiều cơ chế quản lý và thể chế ví dụ như nâng cao hiệu quả đầu tư công hay tăng cường kỷ luật trong chi tiêu ngân sách. Đây là một vấn đề nan giải và khó giải quyết được, giống như căn bệnh tham nhũng, đã biết từ lâu và đưa ra nhiều biện pháp nhưng thực sự chưa có hiệu quả.
Thời gian gần đây người dân bày tỏ bức xúc về những vụ việc được cho là lãng phí ngân sách nhà nước chẳng hạn như vụ tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng mua ấm chén làm quà tặng nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh này. Số tiền này được lấy từ ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa.
Hay chuyện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chi hàng chục tỷ đồng làm kỷ niệm chương tặng người lao động giữa lúc ngành than phải đối mặt với với thực trạng giảm sản lượng, việc làm và thu nhập bị sụt giảm.
Tại Hải Phòng, người dân lên án việc chi 200 tỷ đồng xây công trình nhạc nước rồi bỏ không và cuối cùng phải phá dỡ đi.
Tại Gia Lai, giấy tờ sổ sách cho thấy năm 2015 Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh này đã dùng 3,2 tỉ đồng ngân sách tiếp khách trái quy định.
Đó là còn chưa kể nhiều tượng đài trị giá hàng ngàn tỷ đồng được xây dựng trong khi cuộc sống của vô số người dân còn nghèo đói, nhiều trẻ em không được đến trường.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lại cho rằng nguyên nhân chính làm cho vấn đề chưa được giải quyết là do việc thực thi và tôn trọng luật pháp chưa được thực hiện một cách nghiêm túc :
Hầu như mỗi một cấp đều tìm cách chèo chống, tìm cách chi và có khoản thu trong đó có những khoản thu chi không báo cáo và không nằm trong sổ sách. Cho nên tình hình thực sự rất phức tạp và đã đến lúc phải thay đổi hẳn việc thu chi ngân sách của bộ máy nhà nước, các tổ chức xã hội mà dựa vào nguồn ngân sách nhà nước để sống.
Vị nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng này cũng đề xuất rằng Việt Nam cần thực hiện nghiêm việc chi tiêu tiết kiệm, truy cứu trách nhiệm của những người lãng phí ngân sách và cắt giảm số lượng các hội và tổ chức do ngân sách Nhà nước bảo trợ.
Lan Hương
Chính phủ Việt Nam quyết định kỷ luật 4 quan chức, nguyên là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh, với lý do vi phạm liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh đã gây thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung từ tháng Tư năm 2016.
Bà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Courtesy of Soha
Đó là các ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường, hai ông Nguyễn Thái Lai và Bùi Cách Tuyến, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ; ông Võ Kim Cự, nguyên bí thư, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang ; xóa bỏ tư cách nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đối với hai ông Nguyễn Thái Lai và Bùi Cách Tuyến ; xóa tư cách nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm ký 2005 đến 2010, xóa tư cách nguyên chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 đến 2015 đối với ông Võ Kim Cự.
Cũng trong lĩnh vực chống tham nhũng tại Việt Nam, sau khi bị miễn nhiệm chức vụ thứ trưởng, bà Hồ Thị Kim Thoa sẽ được Bộ trưởng công thương, chính phủ Hà Nội phân công nhiệm vụ khác theo quy định.
Bộ Công thương cho biết thông tin như vậy vào chiều ngày 16 tháng 8, đồng thời bộ trưởng Bộ này sẽ phân công lãnh đạo tiếp nhận các công việc mà trước đây bà Thoa đảm nhiệm.
Cũng cần nói lại rằng khi còn đương chức Thứ trưởng Công Thương, bà Thoa đã mắc một loạt các sai phạm trong việc cổ phần hóa công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang và nhiều các sai phạm liên quan đến báo cáo công việc và xử lý tài chính theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bà Thoa còn nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Ngày 8/8 vừa qua Ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam đề nghị thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc miễn nhiệm chức danh thứ trưởng đối với bà này. Thủ tướng quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Thoa ngày 16 tháng 8.
Đảng cộng sản cầm quyền và chính phủ Hà Nội trong mấy năm qua cho tăng cường công tác chống tham nhũng. Tòa đã tuyên án tử hình đối với một số quan chức cao cấp bị buộc tội tham nhũng.
Tổ chức Minh Bạch Quốc tế - Transparency International, xếp Việt Nam ở vị thứ 113 trên 176 quốc gia về chỉ số tham nhũng năm 2016.
Nhiều vụ việc người dân đồng lòng phản đối các trạm thu phí BOT xảy ra trên khắp cả nước, bất chấp những yếu tố vi phạm pháp luật.
Tài xế dùng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm phí Cai Lậy - thanhnien
Vụ việc xảy ra gần đây nhất gây xôn xao dư luận là vụ tài xế gom góp tiền lẻ để mua vé khi đi qua trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Giải thích lý do "làm khó" trạm thu phí, nhiều chủ xe và tài xế cho rằng trạm thu phí đã đặt sai chỗ. Thay vì chỉ thu phí đối với các phương tiện đi qua đường tránh Cai Lậy (vừa mới xây dựng xong), trạm thu phí lại đặt trên QL1.
Không chỉ đặt sai chỗ, một lý do nữa khiến giới chủ xe và tài xế phản đối Trạm thu phí Cai Lậy là vì mức giá thu quá cao, cho dù họ không sử dụng đường tránh. Giới tài xế nói rằng tuyến đường tránh dài chỉ 12 km với 2 làn xe nhưng mức thu phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt là quá cao, bởi tuyến cao tốc Trung Lương - Thành phố Hồ Chí Minh dài 40 km với 6 làn xe mà mức thu phí tương ứng chỉ là 40.000 đồng/lượt.
Đỉnh điểm của vụ việc cho đến thời điểm hiện tại là vào chiều ngày 13/8, quanh trạm thu phí xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài vài km, nguyên nhân là do nhiều tài xế đồng lòng rủ nhau đi qua trạm và dùng tiền lẻ để mua vé khiến thời gian thanh toán kéo dài. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tới mức trạm này phải hai lần xả cho xe chạy mà không thu phí đến 0h ngày 14/8.
Việc người dân nổi dậy phản đối trạm thu phí BOT từ trước đến nay không phải là chuyện hiếm thấy. Đầu năm nay, người dân Nghệ An nhiều tháng ròng rã căng băng rôn, dùng tiền lẻ, hay diễu hành để phản đối trạm thu phí hai đầu cầu Bến Thủy tỉnh Nghệ An vì cho rằng họ không đi trên đường BOT mà vẫn phải trả phí.
Tháng 5 vừa qua, người dân xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng lái xe ô tô đi chậm qua trạm thu phí Cầu Rác và trả tiền mệnh giá nhỏ để phản đối việc thu phí nơi đây. Đây là trạm thu phí cho tuyến đường BOT được xây trên QL1, tránh đi qua thành phố Hà Tĩnh mà những người sử dụng ô tô nói họ không chạy qua QL1 nhưng vẫn phải đóng phí là một sự bắt buộc vô lý.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trạm thu phí BOT Tam Nông, Phú Thọ, trạm Quán Hàu tại Quảng Bình, trạm Bờ Đậu ở Thái Nguyên,… người dân mang băng rôn, kéo xe dàn hàng ngang trước cửa trạm để phản đối giá phí quá cao.
Nhận định về tình trạng hàng loạt vụ việc người dân phản đối trạm thu phí BOT xảy ra, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng đây là chuyện phản ứng bình thường khi người dân bị đối xử bất công :
Những việc trái ý dân thì bị người ta phản đối cũng là chuyện thông thường. Mình là chế độ dân chủ thì nên khuyến khích chuyện đó. Chứ chả nhẽ người ta bị đối xử bất công lại bảo người ta im à ? Cho nên tôi nghĩ chuyện đó là bình thường trong xã hội.
Nói riêng về vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang, vị nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng này nhận xét như sau :
Theo tôi hiểu con đường này người ta vẫn đi bình thường, không mất tiền. Bây giờ có một ông bỏ tiền ra làm con đường tránh ở bên cạnh và được Bộ giao thông cho làm theo kiểu đầu tư rồi thu phí. Nếu anh thu phí con đường ấy thì người ta chả nói. Anh lại thu phí trên con đường chính người ta mới không bằng lòng vì anh không đầu tư trên con đường ấy thì thu phí cái gì ?
Từ Đà Nẵng, Kỹ Sư Nguyễn Văn Thạnh, một nhà hoạt động dân sự nói với chúng tôi rằng những cuộc nổi dậy phản đối trạm thu phí BOT này là do quyền lợi của người dân bị đụng chạm tới :
Đa số những vụ như vậy người ta phản đối là do nó xâm phạm đến quyền lợi của họ. Trước khi có những hành vi trả tiền lẻ hay viết những biểu ngữ phản đối lên xe của mình ở trạm Cai Lậy, Tiền Giang thì ở Quảng Bình hay ở phía Bắc tài xế cũng làm như vậy. Cuối cùng nhà chức trách họ lắng nghe và điều chỉnh lại để tài xế thấy hài lòng hơn, không phản đối nữa.
Cảnh ách tắc giao thông tại trạm Cai Lậy hôm 13/8 24h
Việc người dân phản đối thu phí BOT cũng mang lại một số kết quả đáng mừng, chẳng hạn như tháng 4 vừa qua UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định miễn phí vé cho người dân sống hai bên Trạm Bến Thủy 1, Nghệ An và các loại xe buýt lưu thông qua trạm này cũng được miễn giá vé hoàn toàn.
Một trong những nhà hoạt động dân sự nổi bật ở Hà Nôi, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định rằng hành động của người dân là hoàn toàn hợp pháp, vì người dân vẫn trả phí và chỉ phản đối một cách ôn hòa chứ không có những hành động đập phá hay đánh lộn. Ông cũng đồng tình với quan điểm rằng nhiều trạm thu phí BOT đã đụng đến quyền lợi của người dân. Ông phân tích thêm :
Đại bộ phận người dân nếu thu phí một cách hợp lý thì người ta cũng sẵn sàng trả thôi chả ai mè nheo gì chuyện thu phí cả. Đằng này làm thì qua quýt, thu phí thì thu tràn lan, lấn sang cả chỗ người ta không đi qua, cũng thu của người ta. Tức là một sự bất công rành rành thì hiển nhiên người ta phải phản ứng.
Ngày 11/8 vừa qua, khi trả lời báo chí liên quan đến vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói rằng bộ này sẽ không di dời trạm, không giảm phí và sẽ tiếp tục thu phí theo đúng quy định.
Ngay sau khi được biết tin tài xế bỏ tiền lẻ vào chai để mua vé BOT qua trạm Cai Lây, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói rằng việc bỏ tiền lẻ vào chai khi qua trạm thu phí cho thấy văn hoá ứng xử đang có vấn đề.
Cả ba người chúng tôi được tiếp xúc đều bày tỏ sự không bằng lòng với nhận định này của ông Kiên. Họ nói rằng trước khi đánh giá cách hành xử của người dân cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao họ phản ứng như vậy, bởi lẽ "không có lửa làm sao có khói !"
Hàng loạt các vụ người dân nổi dậy phản đối phí BOT khắp mọi nơi trên đất nước làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của các của Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng. Trả lời thắc mắc này của chúng tôi, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng cần giải quyết vấn đề "lợi ích nhóm" trong các dự án BOT :
Tôi có thể nói, chứ không khẳng định, là có lợi ích nhóm ở trong đó. Người cho phép người ta thu phí trên con đường không đáng thu thì không phải cho miễn phí đâu. Phải có lợi gì thì mới cho phép. Muốn ngăn chặn việc này thì phải minh bạch ra. Và các dự án phải hỏi ý kiến dân, phải điều tra xã hội học. Đằng này các ông lại tự quyết với nhau, Đây là chuyện không đếm xỉa gì đến ý của dân cả, quan có ý kiến quan cứ làm. Dân mà phản đối thì nói dân ngu, dân hỗn,…
Còn Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh lại bày tỏ lo ngại rằng trong tương lai Nhà nước sẽ thấy việc phản đối BOT trở thành một tiền lệ gây khó khăn cho các dự án kinh tế của họ. Để ngăn chặn tình trạng này, ông đưa ra ý kiến rằng phải minh bạch tài chính ở tất cả các dự án để người dân hiểu và cảm thấy họ không đang bị lợi dụng cho lợi ích của bất cứ ai :
Theo tôi, Nhà nước một mặt phải khắc phục những chỗ mà người dân có ý kiến. Mặt khác phải có một quy trình chặt chẽ, thỏa mãn các quyền lợi ngay từ đầu. Người dân không phải thể hiện ý kiến như vậy nữa, dẫn đến báo chí và cả xã hội lên tiếng. Nếu khắp nơi đều như vậy thì xã hội bất bình thường. Cho nên tất cả các dự án BOT Nhà nước nên thực hiện công khai cho dân biết đây người ta có làm từng đây tiền, đấu thầu như thế này và cần thu hồi ngần đây tiền để hồi vốn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bổ sung thêm rằng người dân không ai "rỗi hơi" mà đứng lên phản đối. Họ chỉ làm như vậy khi không còn sự lựa chọn nào khác. Vì vậy ông mong Nhà nước hãy lắng nghe ý dân và thay đổi cho phù hợp.
Lan Hương
Phiên xử cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai có thể sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 8 tới đây với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘không chấp hành án’.
Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Oai kêu gọi trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài. File photo
Thân nhân của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai cho Đài Á Châu Tự Do biết về tin vừa nêu cũng như những bất hợp lý trong những cáo buộc mà phía chính quyền đưa ra :
"Tới hiện tại gia đình chưa nhận được thông báo nào từ tòa án, nên chưa biết cụ thể như thế nào. Chỉ biết là 21 tháng 8 này thôi nhưng cụ thể như thế nào thì chưa rõ lắm, chưa có gì cả."
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai là một người trong nhóm 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt vào năm 2011 và bị đưa ra tòa xét xử vào năm 2013 với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Bản thân ông Nguyễn Văn Oai bị tuyên án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Tuy nhiên ông này cho rằng không hề phạm tội mà chỉ lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho người dân theo đúng qui định của Hiến Pháp và Pháp Luật Việt Nam.
Ông bị một nhóm người thường phục bắt vào ngày 19 tháng giêng vừa qua khi đang di chuyển trên đường thuộc địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Đến hôm sau, Công an Xã Quỳnh Vinh mới thông báo cho gia đình ông Nguyễn Văn Oai về việc bắt giữ như thế.
Thân nhân cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai bày tỏ phản đối về những cáo buộc mà cơ quan chức năng đưa ra với ông này :
"Đối với gia đình của chúng tôi thì không thể chấp nhận được hai cáo trạng đó bởi vì về tội không thi hành công vụ thấy Oai không làm gì để cãi cả. Vả lại khi công an tới nhà không mang đồng phục của công an, chỉ giả dạng côn đồ thôi, Oai không tiếp đón và có hành hung vì chuyện đó là chuyện bình thường bởi vì vào nhà mà không làm việc với Oai không mang đồng phục của công an thì Oai có quyền làm chuyện đó. Cho nên không thể cáo là chống đối thi hành công vụ được. Bắt Oai khi không có một giấy nào ra lệnh bắt, rồi đánh đập hành hung sau đó bắt đi nên gia đình không ai chấp nhận như thế, ai cũng bực tức cả."
Hoa Kỳ giúp Philippines từ khả năng do thám, huấn luyện đến máy bay để có thể chống trả những tổ chức dân quân ủng hộ Nhà Nước Hồi Giáo tại quốc gia này.
Máy bay Cessna 525A tại sân bay Arnsberg-Menden, Đức, ngày 23 tháng 12 năm 2013. (Ảnh minh họa) - AFP
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson vào ngày 7 tháng Tám cho biết như vậy khi đang có mặt tại Philippines. Ông Tillerson cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ cho Philippines một số máy bay Cessna cũng như máy bay không người lái để giúp Philippines chống lại những kẻ thù đang chiến đấu trong một cách mà hầu hết người dân xứ này chưa bao giờ phải đương đầu.
Đã có 700 người thiệt mạng kể từ khi xung đột xảy ra tại khu vực thành phố Marawi giữa quân chính phủ với dân quân Hồi Giáo IS, trong đó số tử vong phía IS là 528 người, phía quân đội là 122 người. Đây là nơi có nhiều người theo Công giáo nhưng lại bị các tay súng IS phát động những vụ đột nhập, đánh phá và giết người hàng loạt núp dưới danh nghĩa thánh chiến.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới chỉ trích hành pháp Donald Trump có ý muốn hỗ trợ cho chính phủ của tổng thống Rodrigo Duterte đang bị phản đối gay gắt vì trận chiến chống ma túy.
Bản tin AP hôm 7 tháng Tám trích dẫn lời ngoại trưởng Rex Tillerson rằng ông không thấy có gì đối chọi hay mâu thuẫn trong việc Washington giúp Manila chống lại IS, quan điểm của ông là Hoa Kỳ tôn trọng quyết định chống những hoạt động ma túy của chính phủ Phi trên lãnh thổ của họ.
Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Việt Nam (RFA, 07/08/2017)
Số bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết ở Việt Nam tính đến nay là 19 người ; ngoài ra thống kê cho thấy có hơn 71.000 người mắc bệnh trên toàn quốc, trong đó trên 60.000 ca nhập viện.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong một phòng thí nghiệm. AFP
Nguồn tin trên báo chí trong nước cho thấy để đối phó với dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, bác sĩ phải túc trực tại bệnh viện và làm việc ngoài giờ mà không có ngày nghỉ phép.
Tin nói hiện tại mỗi ngày bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội tiếp nhận trung bình cả ngàn bệnh nhân sốt xuất huyết, mọi nỗ lực và phương tiện đều dồn cho Khoa Truyền Nhiễm nhằm hỗ trợ việc chuyên trị sốt xuất huyết ở đây được tốt hơn.
Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương, cũng là nơi tiếp nhận cả ngàn ca khám và chữa bệnh mỗi ngày, nhân viên y tế phải làm việc 24/24 để phục vụ người bệnh.
*******************
Mưa lũ vùng Bắc Bộ : hàng chục người chết và thương vong (RFA, 07/08/2017)
Có đến 68 người mất tích và thương vong trong đợt mưa lũ xảy ra trong tuần đầu tiên, từ ngày 1 đến ngày 6 của tháng 8, tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Cao Bằng.
Thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái trong đợt lũ từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm 2017. Courtesy : yenbai.gov.vn
Số liệu vừa nêu được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết vào ngày 7 tháng 8.
Theo đó, đợt mưa lũ còn làm cho hơn 650 căn nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, gần 340 héc-ta lúa bị vùi lấp, 145 công trình thủy lợi bị hư hỏng và mưa lũ còn làm sạt lở hơn 25 ngàn m2 đường quốc lộ cùng xấp xỉ 120 ngàn m2 đường thuộc phạm vi tỉnh và huyện.
Tổng thiệt hại vật chất do mưa lũ gây ra ở 3 tỉnh vùng núi phía Bắc ước tính trên 940 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy lợi, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết hiện có 809 hồ chứa thủy điện nhỏ ở Bắc Bộ đã đầy nước, các hồ chứa vừa và lớn từ khu vực Bắc Bộ kéo dài đến Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều ở mức cao, chiếm 75% dung tích thiết kế.
Tất cả các hồ chứa thủy điện đang đóng toàn bộ các cửa xả đáy. Đồng thời, các hồ chứa nhỏ được địa phương quản lý và trực 24/24.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đưa ra số liệu từ đầu năm 2017 đến nay, thiên tai gây ra tổng cộng 106 người thiệt mạng và mất tích, làm thiệt hại vật chất ước tính trên 5.000 tỷ đồng.