Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tám tù nhân vì chống cưỡng chế đất được ra tù trước thời hạn (RFA, 31/08/2017)

Tám người dân chống cưỡng chế đất tại Thạnh Hóa, tỉnh Long An bị bắt và bị kết án tù vào ngày 31 tháng 8 được cho về nhà trước thời hạn 6 tháng.

tu1

Dân oan Phùng Thị Lý - FB Ngọc Anh Trần

Cựu tù nhân lương tâm Trần Ngọc Anh thuộc Phong Trào Liên Đới Dân Oan, nhóm xã hội dân sự độc lập gồm những người cho rằng họ bị thu hồi đất đai, tài sản trái pháp luật, cho Đài Á Châu Tự Do biết về số 8 người vừa về nhà như sau :

“Tám người trong Phong Trào : thứ nhất chị Phùng Thị Ly, Mai Thị Kim Hương, Nguyễn Trung Can, Nguyễn Mai Trung Tuấn, Nguyễn Trung Tài, ông Mai Văn Đạt, Mai Văn Phong, Phùng Văn Lê. Còn một người là chưa về. Tất cả trong vụ án ở Long An 11 người ,có hai người bị án treo.”

Trong số những người vừa nêu có Nguyễn Mai Trung Tuấn bị bắt khi 15 tuổi và nay sau mấy năm tù bước sang tuổi 17.

Ngoài Nguyễn Mai Trung Tuấn, những cựu tù nhân vừa nêu bị tuyên án tù tại phiên xử sơ thẩm diễn ra vào trung tuần tháng 9 năm 2015 với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ khi phản ứng lại đoàn cưỡng chế đất đối với gia đình họ.

Lý do phản đối là vì giá bồi thường quá rẻ mạt.

Đây là một trong những trường hợp khá phổ biến tại Việt Nam lâu nay khi người dân không đồng thuận với việc thu hồi đất của chính quyền để giao cho doanh nghiệp làm dự án mà giá cả bồi thường không được đồng thuận.

***************************

Tù chính trị Lê Thanh Tùng bị chuyển trại đột ngột (RFA, 31/08/2017)

Tù nhân chính trị Lê Thanh Tùng bị chuyển đi khỏi trại giam Ba Sao, tỉnh Hà Nam đến Trại 5, Yên Định, Thanh Hóa hơn cả tháng nhưng thân nhân không hề được thông báo.

tu2

Tù nhân chính trị Lê Thanh Tùng - RFA file

Nhóm Defend The Defenders- Người Bảo Vệ Nhân Quyền, vào ngày 30 tháng 8 loan tin cách đây 1 tháng, bà Nguyễn Thị Thơm, vợ của ông Trần Anh Kim, người bị ra tòa với ông Lê Thanh Tùng trong cùng vụ án, đi thăm ông này và được thông báo cả hai bị chuyển vào Trại Số 5, Yên Định, Thanh Hóa.

Hai tuần sau thì bà Nguyễn Thị Thơm nhận được thư của ông Trần Anh Kim xác nhận về việc chuyển trại như thế.

Biện pháp chuyển tù chính trị từ trại gần nhà đến trại xa là một biện pháp được cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện lâu nay. Gia đình của những tù chính trị nói họ phải rất vất vả, khó khăn khi đi thăm người thân.

Hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng bị Tòa sơ thẩm Tỉnh Thái Bình vào tháng 12 năm ngoái tuyên 13 và 12 năm tù giam, cùng 5 năm và 4 năm quản chế. Cáo buộc đối với hai ông này là ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ theo Điều 97 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, tòa phúc thẩm giữ y án của tòa sơ thẩm đã tuyên đối với hai ông.

Hai ông trước khi bị bắt và bị tuyên án như vừa nêu từng bị kết án tù trước đó do bất đồng chính kiến với chính phủ hiện hành ở Việt Nam. Vào tháng giêng năm 2015, cựu Trung Tá Trần Anh Kim hoàn thành bản án tù 5 năm rưỡi và 3 năm quản chế. Còn cựu chiến binh Lê Thanh Tùng vào giữa năm 2015 hoàn thành án 4 năm tù trước đó.

Sau khi mãn án tù, cựu trung tá Trần Anh Kim tiếp tục đường hướng tranh đấu và có ý định thành lập tổ chức có tên ‘Lực lượng Quốc gia Dựng cờ Dân Chủ’. Ông Trần Anh Kim liên lạc với ông Lê Thanh Tùng về việc thành lập tổ chức này. Ông Trần Anh Kim làm chủ tịch và ông Lê Thanh Tùng làm phát ngôn nhân.

Published in Việt Nam
mercredi, 30 août 2017 19:41

Malaysia đốt tàu đánh cá lậu

Malaysia lần đầu tiên tiến hành đốt tiêu hủy những tàu nước ngoài bị bắt với cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trong vùng lãnh hải của quốc gia này.

malaysia0

Một tàu đánh cá lậu bị đốt, ảnh minh họa.  AFP

Hãng thông tấn Reuters loan tin dẫn nguồn từ Cơ quan Hàng hải Malaysia (MMEA) cho biết một chiếc tàu cá nước ngoài đã bị đốt ngoài khơi bờ biển thuộc bang Kelantan vào hôm 30 tháng 8. Tuy nhiên, MMEA đã không cho biết chiếc tàu cá bị đốt cháy đến từ quốc gia nào.

Trong một thông báo của MMEA, Phó Giám đốc Mohd Taha Ibrahim cho biết chính quyền Malaysia phải áp dụng biện pháp đốt tàu vì tình trạng tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt bất hợp pháp trong lãnh hải của Malaysia.

Ông Mohd Taha còn cho biết Malaysia đã nhấn chìm 285 tàu cá nước ngoài đến xây các bãi đá nhân tạo, nhưng cách thức này không có tác dụng để ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển của Malaysia.

Phó Giám đốc Mohd Taha nói rằng MMEA sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và tuần tra để hạn chế những tội phạm trên biển.

Published in Châu Á

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã "hạ cánh" an toàn ? (RFA, 30/08/2017)

Tin tức vào ngày 30 tháng 8 loan đi, Bộ Công Thương Việt Nam vừa có quyết định bà nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2017.

hâcnh1

Bà Hồ Thị Kim Thoa bắt tay vị đại biểu Liên minh Châu Âu sau khi ký thỏa thuận song phương. Ảnh chụp hôm 25/8/2014 - Photo : AFP

Chấp thuận cho nghỉ hưu

Bà Hồ Thị Kim Thoa được dư luận chú ý đến qua quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách trong vai trò Thứ trưởng Bộ Công thương hồi hạ tuần tháng 1 năm 2017, cùng thời điểm ông Vũ Huy Hoàng nhận quyết định kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo kết luận của của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ trong nhiệm kỳ 2011-2016.

Ngay sau khi Thủ tướng ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Văn phòng Chính phủ gửi công văn hỏa tốc đến bốn cơ quan cấp bộ, gồm Tài Chính, Kế Hoạch & Đầu Tư, Công Thương và Thanh tra Chính phủ yêu cầu phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra và thanh tra tài sản của bà Kim Thoa và phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong Quý II năm nay.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa kê khai tài sản gian dối trong thời gian dài, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Bên cạnh đó, bà Kim Thoa còn có dấu hiệu vi phạm trong thời gian giữ các chức vụ quan trọng tại Công ty Cổ phần Điện Quang, từ năm 2004 đến năm 2010. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định việc làm sai trái của bà Kim Thoa là nghiêm trọng và phải xem xét hình thức kỷ luật.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã nộp đơn xin thôi việc đến Ban lãnh đạo của Bộ Công Thương vào tối ngày 1 tháng 8, đồng thời cũng tạm nghỉ phép từ ngày này.

Qua việc nộp đơn xin thôi việc của bà Kim Thoa, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Thưởng nói với báo giới trong nước rằng "Không có chuyện Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa xin thôi việc là xong". Tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều ngày 3 tháng 8, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết theo quy định, trường hợp đang trong giai đoạn xem xét, điều tra thì không được chấp thuận thôi việc.

Ngày 8 tháng 8, văn phòng Trung ương Đảng ra thông báo miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự Đảng đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và bà Kim Thoa bị miễn nhiệm chức thứ trưởng vào ngày 16 tháng 8. Truyền thông quốc nội dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Bộ Công Thương sẽ giao nhiệm vụ mới cho bà Kim Thoa sau khi bà bị cách chức thứ trưởng.

Dư luận đồn đoán vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh bị Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt cóc đem về nước hồi cuối tháng 7 và những diễn tiến liên quan trường hợp của bà Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa có thể sẽ là một vụ "đại án", mau chóng được lôi ra ánh sáng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tổ chức ở Hà Nội vào sáng ngày 31 tháng 7 tuyên bố rằng "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy".

Hiệu quả của chống tham nhũng ?

hâcnh2

Bản tin ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú của Đài truyền hình VTV1, phát sóng ngày 4/08/2017. Photo : AFP

Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho biết Bộ Công Thương Việt Nam ban hành quyết định đối với nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2017. Tin này làm dấy lên thắc mắc phải chăng đây là dấu hiệu của một "con hổ" đã không sa lưới trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ?

Đài RFA nêu vấn đề với Giáo sư Tương Lai và được Giáo sư chia sẻ quan điểm suy luận cá nhân mà ông cho rằng rất dè dặt để nhận xét về vấn đề này :

"Lúc đầu họ định biến trường hợp của bà Kim Thoa thành vụ án hình sự về chuyện tham nhũng và kê khai tài sản của bà cũng như không cho bà xin thôi việc. Nhưng dần dần trong nội bộ cũng có sự giằng co gì đấy, là một và thứ hai nữa là họ nhận thấy lý lẽ cũng không vững vàng và cứ nếu làm tới thì sẽ gây ra sự căm phẫn thì người ta phải xử hòa trong lúc tình hình bê bối nhiều thứ quá. Bê bối trong chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình, chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, chuyện Đồng Tâm, chuyện ở Bộ Y tế… Cho nên người ta rối bòng bong thì người ta phải làm dịu bớt, cũng là cách ‘rút củi đáy nồi’ thôi".

Chúng tôi cũng trao đổi với một số nhà quan sát tình hình Việt Nam và nhận được câu trả lời không chỉ trường hợp mới nhất của nguyên Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa mà trước đó là trường hợp xử lý ông cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng hay những trường hợp của giới chức lãnh đạo khác như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền…đều có kết cục giống như nhau là "đâu lại vào đó", họ vẫn "bình chân như vại" mà dân chúng gọi là "hạ cánh" an toàn.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, từng lên tiếng với RFA rằng cần phải xử lý các trường hợp sai phạm, tham nhũng của giới chức lãnh đạo theo quy định của luật pháp. Ông Nguyễn Khắc Mai nói :

"Vấn đề là hiện nay nếu có luật pháp thì đưa ra đàng hoàng, tội đến đâu xử đến đấy. Ai xà xẻo bao nhiêu, tiền của tước đoạt thì lấy lại nộp cho công quỹ. Những anh có chức có quyền đều nhà cao cửa rộng. Hãy hỏi nhà tiền đâu ra với đồng lương như thế ? Tước đoạt lại tất cả bọn lưu manh ăn cướp của dân của nước lâu nay, không từ ai hết. Từ Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng đến Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Phú Trọng rồi Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc... phải xem xét lại cho rành mạch chứ còn hiện nay là phe nọ đánh phe kia vậy thôi".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong khi đa số dân chúng trong nước tỏ ra không có niềm tin đối với chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng sẽ mang lại hiệu quả tích cực nào qua vụ tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, giới nhân sĩ trí thức khẳng định nếu như Đảng cộng sản lãnh đạo không xử lý đến nơi đến chốn vụ việc vừa nêu thì rõ ràng Chính phủ Việt Nam chỉ là "rút củi đáy nồi", chứ không phải củi tươi cũng cháy trong lò đã nóng, theo như lời tuyên bố khẳng khái của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

**********************

Bộ Công thương đang xem xét cho bà Thoa nghỉ việc (RFA, 29/08/2017)

Nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương bị kỷ luật, bà Hồ Thị Kim Thoa, không đến cơ quan làm việc.

hâcnh0

Bà Hồ Thị Kim Thoa khi còn là Thứ trưởng Bộ công thương. Ảnh Đầu Tư

Một lãnh đạo của Bộ Công thương ngày 29/8 nói rằng nguyên Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa vẫn muốn nghỉ việc sau khi bị kỷ luật nên Bộ này đang xem xét nguyện vọng của bà Thoa.

Trước đó, ngày 28/7, khi còn giữ chức Thứ trưởng Công thương, bà Thoa đã nộp đơn xin thôi việc nhưng không được chấp nhận vì đang trong thời gian kỷ luật.

Ngày 16/8 vừa qua, bà Thoa bị miễn nhiệm chức Thứ trưởng do các sai phạm liên quan đến công ty Bóng đèn Điện Quang và kê khai tài sản không trung thực nhiều lần. Quyết định kỷ luật bà Thoa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng sau khi bà bị thôi chức Thứ trưởng sẽ được Bộ Công thương giao cho nhiệm vụ mới.

Một nguồn tin khác từ Bộ này nói rằng có khả năng Bộ sẽ không bổ nhiệm vị trí Thứ trưởng thay thế cho bà Thoa vì hiện đã đủ số lượng.

Published in Việt Nam

Hội nghị Tư pháp về biên giới Việt Nam - Campuchia được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, Việt Nam vào ngày 29 tháng 8.

vietmien1

Hội nghị Tư pháp về biên giới Việt Nam - Campuchia được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, Việt Nam vào ngày 29 tháng 8. Courtesy moj.gov.vn

Hội nghị do Bộ trưởng tư Pháp Việt Nam ông Lê Thành Long đồng chủ tọa với người đồng cấp Campuchia, ông Ang Vong Vathana.

Ông Long nói rằng sau khi Bản ghi nhớ về hợp tác tư pháp giữa hai nước được ký vào năm 2009, đã có nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao của viên chức và chuyên gia hai bên. Nhiều thỏa thuận về trợ giúp tư pháp và dẫn độ đã được ký kết.

Ông Long cũng nói rằng các tỉnh biên giới của Việt Nam đã nổ lực tuyên truyền pháp luật cho dân chúng, giải quyết những bất đồng giữa người Việt và Campuchia sống ở khu vực biên giới.

Trong bản tin tiếng Anh của báo chí nhà nước Việt Nam nói rằng hơn 100 đại biểu tham gia hội thảo thúc giục hai nước hoàn tất các thủ tục trao đổi tội phạm hình sự qua biên giới mà hai bên đã ký kết vào tháng 12 năm ngoái.

Việt Nam và Campuchia vẫn đang hoàn tất việc phân định đường biên giới trên bộ và trên biển giữa hai nước. Việc này đôi khi bị phe đối lập tại Phnom Penh chỉ trích là chính quyền Campuchia hiện nay nhân nhượng Việt Nam.

Ngoài ra tại vùng biên giới hai nước còn xảy ra nạn buôn lậu gỗ từ Campuchia, cũng như còn có một số người thiểu số từ vùng Tây nguyên Việt Nam nói bị đán áp tôn giáo chạy sang Campuchia.

Một hội thảo tương tự được dự trù diễn ra ở Campuchia vào năm 2019.

Published in Châu Á

Ai đúng ai sai ?

Vụ việc Đồng Tâm lại khiến dư luận xôn xao khi cơ quan chức năng cả Công An và Quân Đội gửi giấy triệu tập đến người dân.

dongtam1

Một tờ giấy triệu tập của Công an Thành phố Hà Nội - FB Dinh Am Nguyen

Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, ông Lê Xuân Văn, nói về thông tin người dân Đồng Tâm bị triệu tập liên quan đến các hành vi mà cơ quan chức năng cho là vi phạm pháp luật trong vụ tranh chấp đất :

"Chuyện triệu tập là hết sức bình thường, cơ quan điều tra của Thành phố họ triệu tập theo luật, có vấn đề gì đâu".

Một người dân ở xã Đồng Tâm, xin giấu tên xác nhận với chúng tôi thông tin nhiều người địa phương bị cơ quan chức năng triệu tập và cũng nói rằng người dân sẽ không làm theo nội dung tờ giấy này bởi vì họ không làm gì nên tội.

Ngoài ra, anh cũng bày tỏ sự không hài lòng khi chính quyền chỉ muốn quy kết tội cho dân Đồng Tâm vì vụ giam giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động hồi tháng 4, mà không màng đến nguyên nhân vì đâu người dân phản ứng như vậy :

"Nếu người ta triệu tập rồi cố đàn áp thì người ta phải tự hỏi mình xem nguồn cơn từ đâu, chứ đâu có phải cứ như vậy về bắt người là bắt được đâu. Dân người ta không nghe đâu. Sao người ta không khởi tố những người đánh cụ Kình trước đi. Làm như thế là bất công".

Cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người bị công an Hà Nội bắt giữ hồi tháng 4 vừa qua, vào sáng ngày 27/8, xác nhận thông tin cụ nhận được giấy triệu tập từ Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ quốc phòng cũng như nhiều người khác nhận giấy từ phía Công an Hà Nội.

"Tất cả các giấy triệu tập thực ra bây giờ họ cứ đi làm nhũng nhiễu rất đông. Đến hàng trăm người lận. Cả công an huyện, cả công an thành phố, cả công an xã không những đưa giấy triệu tập mà còn bảo đi đầu thú".

Tuy nhiên theo lập luận của vị cao niên lâu nay theo đuổi vụ việc tại Đồng Tâm, người dân bảo vệ đất nông nghiệp họ nên không có tội gì mà đi đầu thú. Cụ cho rằng phía chính quyền không có quyết định thu hồi đất, giao đất, không giải phóng mặt bằng, đền bù nhưng định lấy đất của người ta thì không sao ; đó là một điều hết sức vô lý.

Khi được hỏi vậy người dân có dự tính đến gặp cơ quan chức năng theo nội dụng giấy triệu tập không, cụ Kình cho biết :

"Dân Đồng Tâm người ta bảo người ta không đi đâu cả, người ta chả có tội gì mà đi đâu cả ! Bây giờ muốn giải quyết cái gì thì về văn phòng Đảng ủy xã Đồng Tâm và mời cán bộ và công dân ra đó để đối thoại. Nếu Viettel hay Mỹ Đức mà vẫn cố về tranh chấp, đến khi xảy ra án mạng thì anh nào sai anh ấy chịu trách nhiệm. Mà dân Đồng Tâm thì không bao giờ sai cả".

Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, ông Lê Xuân Văn, nói về thông tin người dân Đồng Tâm có thể sẽ không đến gặp cơ quan chức năng theo giấy triệu tập :

"Theo luật, người ta triệu tập 3 lần mà không đến thì người ta sẽ áp giải.

Nếu có tội thì người ta sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Bọn em đừng có nghe người dân, họ nói thế thôi, chứ bây giờ bắt giữ công an trái phép và giam giữ người trái pháp luật từ ngày 15 đến ngày 22, mà cứ bảo là không vi phạm pháp luật.

Thứ hai, đất là đất quốc phòng. Kết luận thanh tra của Chính phủ và Thành phố có rồi lại cứ bảo là đất của Đồng Tâm.

Người dân cứ ngồi ở nhà bảo không vi phạm gì, nhưng vụ án có hồ sơ, có căn cứ chứ sao bảo không vi phạm gì được.

Còn phạm tội gì thì công an Thành phố và cục điều tra hình sự của Bộ quốc phòng đang thụ lý.

Triệu tập có rất nhiều dạng, có thể triệu tập người bị hại, nhân chứng, có thể anh có liên quan vụ án, có thể anh là bị can, bị cáo,…

Một số đối tượng như ông Kình chẳng hạn, ông đã bị công an thành phố khởi tố rồi. Hay thằng Công, thằng Ba, những nhân vật chính, người ta cũng khởi tố và ra lệnh bắt rồi. Bây giờ người ta tạm thời cho tại ngoại thôi.

Bây giờ người ta triệu tập là theo luật thôi. Nếu anh không chấp hành thì sau này người ta sẽ xử lý theo quy định của pháp luật".

dongtam2

Người dân đặt chướng ngại vật trên một con đường vào xã Đồng Tâm - Courtesy of plo.vn

Quyết giữ đất đến cùng !

Đáp lại những thắc mắc của chúng tôi khi một bên chính quyền muốn gặp người dân để điều tra làm rõ vụ án, còn người dân lại lên tiếng nói rằng họ sẽ không đến gặp, luật sư Hà Huy Sơn, đoàn luật sư Hà Nội giải thích một số khía cạnh pháp lý. Thứ nhất, ông nói rằng phía công an thành phố đã khởi tố vụ án bắt và giam giữ người trái phép và cố ý phá hoại tài sản đối với một số người dân Đồng Tâm. Vì vậy, theo ông, công an có quyền hợp pháp triệu tập người dân. Ông nói thêm :

"Phía Quốc phòng thì tôi không biết người ta đã có quyết định khởi tố hay chưa. Chỉ biết là trong giấy triệu tập người ta ghi là làm rõ vụ án thôi. Nếu có quyết định khởi tố rồi thì triệu tập là hợp pháp.

Trường hợp nếu người dân không đến thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp dẫn giải".

Vị luật sư này cũng gợi ý người dân dân nên thuê luật sư để giúp bảo vệ mình ngay giai đoạn đầu. Thêm nữa, nếu việc đi lại đến trụ sở cơ quan điều tra quá xa, ảnh hưởng đến công việc, đời sống hằng ngày thì có thể làm đơn đề nghị với cơ quan điều tra cho phép làm việc hay hỏi cung tại trụ sở công an xã cho gần. Theo ông, điều này luật pháp cho phép.

Ngày 25/7 vừa qua, Thanh tra thành phố Hà Nội chính thức thông báo kết luận toàn bộ đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là đất quốc phòng.

Ngay sau đó người dân Đồng Tâm đã bày tỏ bất bình với kết luận này và làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng. Đến thời điểm này là hơn một tháng, cụ Kình cho biết thông tin về việc này :

"Đơn khiếu nại gửi lên Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Thủ tướng nhưng người ta chỉ gửi lại giấy nói là họ đã nhận được thôi chứ người ta về để đối thoại với mình hay trả lời mình là chưa có".

Cụ Kình nói với chúng tôi rằng dân Đồng Tâm sẽ cương quyết giữ đất đến cùng, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra :

"Chỉ có khi nào Nhà nước có quyết định thu hồi đúng thẩm quyền đúng pháp luật, giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng thì lúc đó sẽ giải quyết. Còn bây giờ cứ cái kiểu nhận đất nhưng không có quyết định thu hồi gì cả thì người ta sẽ quyết giữ đến cùng. Nếu cố tình như vậy sẽ xảy ra xung đột".

Cụ ông 82 tuổi này cũng tiết lộ rằng hiện tại khu đất đồng Sênh và sân bay Miếu Môn người dân Đồng Tâm đã tiến hành trồng cây để thể hiện quyết tâm giữ đất của họ.

Published in Việt Nam

Gián điệp mạng Trung Quốc mở rộng tấn công Việt Nam (RFI, 31/08/2017)

Các gián điệp mạng làm việc cho chính phủ Trung Quốc đã mở rộng tấn công vào các trang web của chính quyền và doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng. Reuters hôm nay 31/08/2017 dẫn nguồn tin từ công ty an ninh mạng FireEye loan báo như trên.

giandiep1

(Ảnh minh họa). Gián điệp mạng làm việc cho chính phủ Trung Quốc mở rộng tấn công website của chính quyền và doanh nghiệp Việt Nam. Reuters/Kacper Pempel

FireEye nói với hãng tin Anh là các cuộc tấn công đã diễn ra trong những tuần lễ gần đây, và công ty này đã truy ra được thủ phạm là các gián điệp mạng Trung Quốc, nhờ nhận diện cơ sở hạ tầng tương tự đã từng được sử dụng.

Ông Ben Read, lãnh đạo nhóm chống gián điệp của FireEye cho biết : "Nếu trước đây tin tặc Trung Quốc nhắm vào các mục tiêu chính phủ, thì nay họ đánh vào lãnh vực thương mại đầy tiềm năng của Việt Nam, và cố gắng thu thập được một lượng thông tin quy mô".

Theo FireEye, cách thức tấn công là gởi cho những người đang tìm kiếm các thông tin về tài chính những tài liệu bằng tiếng Việt. Khi người sử dụng mở ra, mã độc sẽ xâm nhập máy tính và gởi toàn bộ thông tin cho gián điệp mạng. Một số lớn công ty tại Việt Nam là mục tiêu của tin tặc Trung Quốc, trong đó có các định chế tài chính.

Công ty an ninh mạng FireEye xác định thủ phạm là một nhóm được gọi là Conimes, vì trong quá khứ chúng từng sử dụng tên miền conimes.com. Phương pháp tấn công tương đối đơn giản, nạn nhân thường là những người sử dụng Microsoft Word phiên bản trước 2012. Nhóm gián điệp mạng này tập trung vào Đông Nam Á, nhưng mục tiêu chính là Việt Nam, và càng tăng cường hoạt động khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.

Là tiếng nói gay gắt nhất chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Hà Nội hồi tháng 07/2017 đã phải cho ngưng hoạt động thăm dò dầu khí tại lô 136-3 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam, do bị Bắc Kinh đe dọa. Trung Quốc cũng bực tức trước các nỗ lực của Việt Nam nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia Đông Nam Á trong hồ sơ này, đồng thời tăng cường quan hệ về quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ.

Thụy My

*******************

Gián điệp mạng Trung Quốc mở rộng tấn công Việt Nam (RFA, 31/08/2017)

Những thành phần được cho là gián điệp mạng làm việc cho hoặc nhân danh chính quyền Trung Quốc mở rộng tấn công các mục tiêu Việt Nam trong thời gian có gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.

giandiep2

Ảnh minh họa. AFP photo

Đó là thông tin được công ty an toàn mạng FireEye, có trụ sở tại California, Hoa Kỳ nói với hãng tin Reuters và được hãng này loan đi ngày 31 tháng 8.

Theo công ty này thì các nhóm tin tặc tấn công Việt Nam làm việc cho chính phủ Trung Quốc, sử dụng những phương tiện tin học giống như các nhóm tin tặc Trung Quốc trước đây đã bị các hãng bảo mật nhận diện.

Thời gian mà Việt Nam bị tấn công trùng với những tuần lễ có căng thẳng trên biển Đông, và theo ông Ben Read, người đứng đầu bộ phận do thám của FireEye thì tin tặc Trung Quốc tấn công vào các lĩnh vực có tiềm năng thương mại tại Việt Nam, nhằm thu thập tối đa thông tin.

Bên cạnh đó FireEye cũng nói rằng Việt Nam cũng từng tổ chức những cuộc tấn công mạng vào những nước khác, điều này bị Việt Nam bác bỏ.

Cả hai Bộ Ngoại giao của Bắc Kinh và Hà Nội đều lên án những hoạt động tin tặc.

*******************

Vấn đề lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc cản trở hợp tác hai nước (RFA, 25/08/2017)

Học giả và các nhà ngoại giao hai nước Việt Nam Trung Quốc hôm 25 tháng 8 đưa ra các ý kiến xây dựng lòng tin giữa hai nước nhằm thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, coi đây là một cơ hội mới cho hợp tác Việt Trung.

vntq1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn Vành đai và Con đường ở Trung Quốc hôm 15/5/2017 - AFP

Tại hội thảo với chủ đề ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường : Cơ hội mới cho hợp tác Việt Trung’ vừa được tổ chức ở Hà Nội, chuyên gia về quan hệ quốc tế và ngoại giao hai nước cho rằng việc trao đổi ý kiến, làm rõ các vấn đề liên quan đến Sáng Kiến Vành đai và Con đường có ý nghĩa quan trọng đối với hai nước.

Đại diện Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng những thông tin này giúp cho công chúng, giới học giả và doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về mục tiêu, cơ hội và các vấn đề trong phát triển.

Đại biện lâm thời Đại sứ quan Trung Quốc, bà Doãn Hải Hồng cho biết mục tiêu của sáng kiến là nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng, thương mại ngày càng thông thoáng và giao lưu nhân dân ngày càng sôi động. Theo bà Việt Nam là đối tác toàn diện của Trung Quốc và do đó sáng kiến này sẽ tạo cơ hội hợp tác mới cho cả hai nước.

Học giả Việt Nam cũng đặt ra những vấn đề lớn mà hai nước cần phải làm để thúc đẩy sự hợp tác trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Phùng Thị Huệ thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc, vấn đề lớn nhất trong quan hệ giữa hai nước là lòng tin. Theo bà việc nâng cao lòng tin, ‘thông hiểu’ lẫn nhau là điều tối quan trọng trong hợp tác Vành đai và Con đường. Ngoài ra học giả Việt Nam cũng nói đến vấn đề căng thẳng trong tranh chấp ở biển Đông mà theo bà là làm tổn thương lớn nhất đến lòng tin chính trị của người dân hai nước.

Ngoài ra, học giả Trung Quốc, ông Lăng Đức Quyền, thuộc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa Xã thì cho rằng báo chí hai nước còn nhiều tạp âm. Vì vậy ông đề nghị hai bên phải quản lý tố dư luận của mình.

Sáng kiến Vành đai Con đường được Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đưa ra vào tháng 10 năm 2013 với phạm vi bao phủ gồm 60 nước trong đó có Việt Nam. Học giả quốc tế cho rằng với sáng kiến này, Trung Quốc mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ra khắp thế giới.

****************

Hơn 4.600 trang web Việt Nam bị tin tặc tấn công (RFA, 25/08/2017)

Cả nước có hơn 4.600 trang thông tin có tên miền quốc gia bị tin tặc tấn công, chiếm quyền điều khiển, chỉnh sửa nội dung… trong 6 tháng đầu năm 2017.

vntq2

Hình minh họa - AFP

Thông tin do Cục An Ninh Mạng , Bộ Công An đưa ra tại hội thảo An ninh mạng 2017 tổ chức hôm 25 tháng 8, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cục An Ninh Mạng cho biết các cuộc tấn công mạng diễn ra với cường độ cao, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các hệ thống an ninh quan trọng bị tấn công rất mạnh.

Tại buổi hội thảo, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An Ninh Mạng cho biết sự việc gần đây nhất là vụ tấn công vào Ngành hàng không Việt Nam ngày 27 tháng 7 năm 2016, làm ngưng trệ gần 100 chuyến bay ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Cũng theo trung tướng Thuận, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề an ninh mạng.

Published in Việt Nam

Sau khi có một số thông tin tiết lộ Việt Nam sẽ nhận loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tầm ngắn BrahMos mua của Ấn Độ, hãng tin New Indian Express (Ấn Độ) vào ngày 18/8, dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn đã xác định rằng những thông tin về thương vụ đó "không chính xác".

brah1

Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế ở Saint Petersburg vào ngày 28 tháng 6 năm 2017. AFP

Phía Bộ Ngoại giao Việt Nam không phủ nhận, nhưng cũng không đưa ra thêm những thông tin cụ thể khác.

Điều kiện mua bán chưa đáp ứng đủ

Quan sát sự việc, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho biết trước đây Việt Nam đã từng mua một số vũ khí của Ấn Độ và BrahMos có tính chất đặc biệt hơn. Theo ông, hai bên có thể đang gặp trở ngại nào đó trong quá trình mua bán nên việc chuyển giao BrahMos chưa được thực hiện.

"Cũng có thể là trong quá trình thương thảo và còn 1 số điều kiện nào đó mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Việt Nam cũng nhân cơ hội này muốn công bố cho thế giới và đặc biệt cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam có những đối tác và có những vũ khí đặc biệt, những vũ khí này sẽ nâng năng lực đặc biệt cho Việt Nam".

Theo tin từ OutlookIndia, Ấn Độ từng đề cập đến thương vụ bán hỏa tiễn BrahMos cho Việt Nam từ năm 2011. Sáu năm sau đó, ngày 15 tháng 8, theo thông tin do tờ World Tribune tiết lộ, Việt Nam sẽ nhận loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tầm ngắn BrahMos, một trong những loại tên lửa chống hạm được đánh giá có hiệu quả và nguy hiểm nhất hiện nay trên thế giới.

brah2

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại phủ Chủ tịch, Hà Nội ngày 3 tháng 9 năm 2016. AFP

Chính báo giới Việt Nam cũng dẫn lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khi được hỏi về thương vụ mua BrahMos rằng việc mua bán như thế phù hợp với chính sách an ninh và quốc phòng, bảo vệ hoà bình quốc gia.

Tuy nhiên, vài ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định với tờ Press Trust of India rằng thông tin đó "không chính xác" nói rằng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã bác tin này.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói rằng ông không thể đưa ra bình luận hay biết được chắc chắn là "có hay không thương vụ này", với lý do đây thuộc về bí mật an ninh quốc gia :

"Việc mua bán vũ khí để tăng cường khả năng quốc phòng cho Việt Nam là một câu chuyện thuộc bí mật quốc phòng, quốc gia. Giữa hai bên đã nói là không có chuyện đó thì chúng ta cứ tin như thế thôi. Mình không thể biết được, nhất là về lĩnh vực quốc phòng".

Cùng có tranh chấp với Trung Quốc

Dù thế, ông Trần Công Trục có những chia sẻ khá tương đồng với ý kiến của Thạc sĩ Hoàng Việt khi đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ :

"Tôi nghĩ rằng đây là một mối quan hệ có lịch sử lâu dài lâu đời, rất là khắng khít từ trước.

Trong các mối quan hệ đó, hai bên đã có những thoả thuận, cam kết thông qua các chuyến thăm giữa các cấp hai bên, đều khẳng định rằng đây là mối quan hệ rất chiến lược, toàn diện".

Thêm vào đó, một yếu tố đều được cả hai nhà nghiên cứu về Biển Đông, là Thạc sĩ Hoàng Việt và Tiến sĩ Trần Công Trục nêu ra, là điểm giống nhau của Việt Nam và Ấn Độ, làm cho hai quốc gia dễ dàng có sự hợp tác với nhau, đó chính là sự tranh chấp với Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Công Trục nói rằng hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang có sự tranh chấp về biên giới, giữa Việt Nam và Trung Quốc thì có những vấn đề về Biển Đông :

"Chắc chắn những sự tranh chấp có vấn đề về Trung Quốc đó, hai bên có thể có những đồng cảm và chia sẻ, nếu được thì có sự hợp tác với nhau để tăng cường bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ sự đúng đắn của mỗi bên trong quan hệ về mặt biên giới lãnh thổ với Trung Quốc".

Rất nhiều những người quan sát tình hình tranh chấp Biển Đông giữa các quốc gia liên quan cho rằng thương vụ mua bán hoả tiễn BrahMos giữa Việt Nam và Ấn Độ là một khởi đầu cho động thái chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng ý với nhận định này, Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra phân tích.

"Nhận định đó hợp lý. Bởi vì hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ có thể cùng với nhau chống lại ảnh hưởng Trung Quốc vì hai quốc gia đều có biên giới với Trung Quốc, và có những tranh chấp lãnh thổ biên giới với Trung Quốc. Trong quá khứ hai quốc gia này đã từng có những chiến tranh biên giới với Trung Quốc rồi. Cho nên trước hành động gần đây của Trung Quốc ngày càng hung hăng trên khu vực mà họ cho rằng có quyền kiểm soát cả trên bộ và trên biển, Việt Nam cũng cần 1 quốc gia đủ mạnh để chống lại tham vọng đó".

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, quốc gia đó là Ấn Độ, vì Ấn Độ là một cường quốc không kém Trung Quốc, và về mặt hải quân, Ấn Độ có phần hơn hẳn.

Ngược lại, phía Ấn Độ "cũng cần tìm một đối tác để cùng kềm chế lại ảnh hưởng của Trung Quốc".

Tờ World Tribune hôm 15 tháng 8 trích lời chuyên gia Larkins Dsouza, người sáng lập Cục Hàng không Quốc phòng từ Ấn Độ cho biết Trung Quốc từng phải đối mạnh mẽ việc Hà Nội có thể sở hữu hỏa tiễn BrahMos. Theo vị chuyên gia này thì Bắc Kinh cho rằng việc Ấn Độ cung cấp hỏa tiễn BrahMos cho Việt Nam chẳng khác nào hành động can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

Khi chúng tôi đặt vấn đề với Thạc sĩ Hoàng Việt liệu có phải Việt Nam và Ấn Độ lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc nên đã bác tin về thương vụ mua bán BrahMos ? Ông cho biết cá nhân ông không nghĩ như thế.

"Thật ra trước sức ép của Trung Quốc chăng nữa thì việc Ấn Độ bán BrahMos cho Việt Nam hay Việt Nam mua của Ấn Độ thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Tôi đoán chắc do điều kiện của hai bên, có những điều kiện nào đó mà hai bên chưa thoả mãn yêu cầu của nhau. Đương nhiên Trung Quốc luôn thích Việt Nam phải ngoan ngoãn, yếu ớt và luôn luôn nghe lời họ".

Khó khăn tiềm ẩn

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng có một số học giả phương Tây nhận định vị thế của Việt Nam hiện tại trong việc tranh chấp Biển Đông khá đơn độc. Do đó, ông nói bên cạnh việc đẩy mạnh một mối quan hệ đối tác chiến lược về an ninh quốc phòng với Ấn Độ, chắc chắn sẽ tiềm ẩn những khó khăn cho Việt Nam.

"Hàng loạt những vấn đề về kinh tế chính trị của Việt Nam vẫn chưa ổn định. Chính vì vậy ngoài việc Việt Nam phát triển, đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ có một rủi ro là sẽ bị Trung Quốc trả đũa. Việt Nam sẽ có tính phương án nào ?

Đối với Ấn Độ cũng tương tự như vậy. Ấn Độ là một quốc gia lớn nhưng Ấn Độ vẫn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Không chỉ riêng với Ấn Độ hay Việt Nam mà tất cả các quốc gia muốn có lợi ích về kinh tế đều phải coi trọng quan hệ với Trung Quốc".

Ngày 23 tháng 8, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS ở Jakarta, Indonesia, trong đó ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các nước ASEAN, để cùng giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tuy ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không nêu tên quốc gia nào trong bài nói chuyện, nhưng được ngầm hiểu là ông muốn nói tới Trung Quốc.

Cát Linh

Published in Việt Nam

Dư luận trong và ngoài nước nhiều ngày nay đang quan tâm đến vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình - một doanh nhân Việt Kiều tái khởi kiện nhà nước Việt Nam, yêu cầu bồi thường hơn 1 tỷ USD bởi những oan sai.

tvb1

Ông Trịnh Vĩnh Bình. Ảnh do ông Bình gửi RFA.

Ông Trịnh Vĩnh Bình - một Việt kiều có quốc tịch Hà Lan, đầu những năm 1990 đã đem theo tiền và vàng về Việt Nam đầu tư, theo sự khuyến khích và giúp đỡ ban đầu của Chính phủ Việt Nam. Công việc làm ăn của ông gặt được nhiều thành công, mở rộng nhanh chóng. Cho đến năm 1996, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt giữ ông với nhiều cáo buộc, trong đó có trốn thuế, hối lộ, và kinh doanh địa ốc trái pháp luật.

Ngay khi sự việc trên xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước hết sức quan tâm, đặc biệt là những Việt kiều có ý định về nước đầu tư.

Giáo sư Nguyễn Vi Khải - thành viên Ban nghiên cứu, cố vấn Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó, hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS) cho biết, Ban nghiên cứu của ông đã có ý kiến, kiến nghị tới Thủ tướng Phan Văn Khải về sự việc của ông Trịnh Vĩnh Bình, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, môi trường đầu tư tại Việt Nam, đánh mất cơ hội hội nhập quốc tế.

"Thủ tướng có văn bản gửi xuống cho các ngành an ninh, Bộ trưởng công an lúc đó là ông Lê Minh Hương, để xem xét sự việc và tìm nguyên nhân giải quyết theo luật pháp. Khoảng hai lần Thủ tướng yêu cầu Bộ Công An giải trình".

Tuy có ý kiến của Thủ tướng và sự lên tiếng của nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy khi đó, như Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, nhưng phía cơ quan điều tra - công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan tư pháp đã xử lý vụ việc bất lợi, tuyên ông Trịnh Vĩnh Bình có tội, phải chịu mức án 11 năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản sau 2 lần xét xử.

Giáo sư Vi Khải đánh giá về hệ thống tư pháp Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng tại thời điểm xét xử vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình là áp dụng "án bỏ túi" :

"Cho nên cái án ở Việt Nam xử kiểu gì cũng được. Chánh án Trịnh Hồng Dư cùng thời với tôi nói xử liểu gì cũng được. Án tại hồ sơ, trọng chứng không trọng cung".

Cũng trong thời điểm đó, tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Amsterdam trở thành vị đại sứ "đứng giữa hai làn đạn". Ông ví công việc của ông như những vị sứ thần thời phong kiến, vừa không được làm nhục mệnh vua, ảnh hưởng đến uy tín của triều đình. Khi xảy ra vụ việc của ông Bình, Tiến sĩ Thắng vừa phải làm theo chỉ thị từ trong nước, vừa phải làm sao để tránh ảnh hưởng đến quốc thể, bảo vệ lợi ích quốc gia. Theo ông Thắng, quan điểm của chính phủ Việt Nam khi đó là không thống nhất.

"Thực ra tôi đứng giữa hai làn đạn. Mình là đại sứ của Việt Nam mình phải truyền đạt lại cái chỉ thị, chỉ đạo trong nước, đồng thời mình lại là cái cần ăng ten truyền lại trong nước biết ý kiến, phản ứng từ phía Hà Lan. Thực tế mà nói thì không dễ dàng và gặp rất nhiều xung đột, mâu thuẫn".

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng hồi tưởng lại, phản ứng của Chính phủ Hà Lan khi đó rất gay gắt, yêu cầu chính quyền Việt Nam phải xét xử lại, không được thực thi phán quyết bất lợi đối với ông Trịnh Vĩnh Bình, và phải thực thi đúng cam kết bảo hộ đầu tư song phương. Trên thực tế, vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình khi đó ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ bang giao giữa hai nước Việt Nam - Hà Lan, mà theo Tiến sĩ Thắng là hệ luỵ "hữu hình và vô hình".

"Phải nói rằng việc trao đổi cấp cao thực hiện thoả thuận về kinh tế thời bấy giờ có những cái khó khăn, đặc biệt là vấn đề thương mại. Có những đàm phán hai bên bị gác lại.

Tất nhiên không phải trực tiếp nhưng gián tiếp thì lúc bấy giờ các doanh nghiệp bắt đầu làm quen với thị trường Hà Lan và EU nhưng vụ án đó khiến cả hai bên rất khó triển khai các thỏa thuận. Phía Hà Lan họ sợ xảy ra những vụ tương tự. Đó là những khó khăn hữu hình, còn khó khăn vô hình và lòng tin và tình hữu nghị giữa hai nước có giảm sút".

Cho đến năm 2000, ông Trịnh Vĩnh Bình rời khỏi Việt Nam, trở về Hà Lan và tiến hành khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra toà án tại Thuỵ Điển năm 2003, với sự giúp đỡ của hãng luật Covington Burling của Mỹ. Sau đó, năm 2006, ông Bình và Chính phủ Việt Nam đạt được thoả thuận ngoài toà, ký tại Singapore. Chính phủ Việt Nam chấp thuận xóa án cho ông Bình, bồi thường 15 triệu USD và trả lại toàn bộ tài sản cho ông Bình. Đổi lại, ông Bình rút đơn kiện khỏi Tòa Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.

"Trên thực tế, Việt Nam đã có xử lý, tức là cách nay hơn chục năm thì cũng đã xử một số người, một số vào tù đã hóa điên... tức là có xử lý nhưng xử lý đến đâu, đã triệt để chưa, ổn thỏa chứa thì tôi nghĩ là chưa vì ông Bình vẫn muốn đưa vụ này ra ánh sáng một lần nữa".

Tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện Chính phủ Việt Nam lên Trung tâm Trọng tài quốc tế, trụ sở tại Paris, với lý do chính phủ Việt Nam không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận 2005 và đòi chính phủ Việt Nam bồi thường ít nhất 1,25 tỷ USD.

"Cái lý do mà anh ấy kiện lại thì hóa ra là việc xét xử không công bằng. Ngoài việc đền bù thì tài sản của ông ấy đã không được trả lại. Tài sản không nhỏ nên ông Bình bức xúc và kiện ra Tòa án Quốc tế".

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng phân tích kỹ hơn về nguyên nhân này, Phía chính phủ Việt Nam đã đồng ý trả ông Bình tài sản "theo cách hợp lý" và khó thực hiện bởi điều này.

"Tôi nghĩ là, chỉ một cái chữ thêm bớt trong thoả thuận hợp lý ,mà cái giá của cái bổ sung thêm 1 tỷ, đây là cái giá quá đoau xót cho cả hai bên. Bây giờ rất khó cho Vn để hoàn tghanh2 trách nhiệm trong vụ kiện này.

Ngày 21/8/2017, phiên xử đầu tiên của vụ kiện diễn ra tại Paris. Giáo sư Nguyễn Vi Khải tiên lượng, tuy kết quả thắng cuộc của ông Trịnh Vĩnh Bình là "mong manh", nhưng vẫn có "hệ luỵ nguy hiểm" đối với Việt Nam.

"Nếu như mà nhìn xa, thì hệ luỵ rất nguy hiểm, bởi vì người ta sẽ coi nền chính trị của Việt Nam nói chung và nên tư pháp, lập pháp của Việt Nam là không minh bạch, độc quyền trong kinh doanh. Điều này làm Việt Nam mất uy tín trong quá trình hội nhập".

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhận định, đây là vụ "đại án xuyên thế kỷ", thắng thua trong phiên toà là một chuyện, nhưng cả bên nguyên đơn và bên bị đơn đều chịu những nối đau và thiệt hại.

"Ông Bình cả cuộc đời đã thất bại ở Việt Nam. Tôi có nghe một phỏng vấn là bây giờ có cho tiền ông cũng không trở lại. Về phía Việt Nam thì ảnh hưởng rất xấu về môi trường đầu tư, rất đau xót với Việt Nam".

Một số nhà quan sát cho rằng dù phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Paris có ra sao, thì hình ảnh và uy tín về môi trường đầu tư của Việt Nam đối với thế giới sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu, cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế khi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC 2017 và hàng loạt vấn đề đối ngoại khác.

Published in Việt Nam

Quảng Ngãi dẫn đầu số tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài (RFA, 24/08/2017)

Năm 2016 có 24 tàu cá với 336 thuyền viên, 6 tháng đầu năm 2017 có 13 tàu cá bị bắt giữ với 191 thuyền viên bị bắt vì xâm phạm lãnh hải nước ngoài.

danhca1

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. AFP photo

Đó là số liệu được cung cấp trong buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cùng đoàn công tác với chính quyền xã và ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 23/8.

Bình Châu là xã có số lượng tàu và ngư dân bị bắt giữ do xâm phạm lãnh hải cao nhất. Chỉ trong vòng một tháng qua, xã này đã có tới 14 tàu cá với hàng trăm ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công, đâm chìm hoặc cướp tài sản.

Trong khi đó trong vòng 5 năm qua, cả tỉnh quảng Ngãi có 126 lượt tàu cá với hơn 1.500 ngư dân bị bắt. Tính riêng nửa đầu năm nay, số tàu bị bắt của tỉnh này là 98.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết thời gian gần đây phía Trung Quốc tăng cường tấn công ngư dân Quảng Ngãi trên quần đảo Hoàng Sa. Trong vòng 3 tháng qua, tỉnh này có 21 tàu cá với 136 ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công tại quần đảo này.

Để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo và ngư dân huyện Bình Sơn nói rằng cần phải tăng cường thêm lực lượng kiểm ngư và cảnh sát bảo vệ ngư trường để người dân yên tâm đánh bắt. Ngoài ra, các biện pháp như xử phạt nặng hơn, xử lý mạnh hơn với những đối tượng môi giới, cầm đầu cũng được nêu ra.

**********************

Thêm hai tàu đánh cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông (RFA, 23/08/2017)

Theo thông tin từ Hiệp hội nghề cá Việt Nam thì vào ngày 7 tháng Tám, một tàu đánh cá Việt Nam của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang đánh cá tại khu vực quẩn đảo Hoàng Sa thì bị một tàu Trung Quốc áp sát, người trên chiếc tàu Trung Quốc này đã nhảy sang hai chiếc tàu Việt Nam, cướp lương thực, hải sản, đập phá ngư cụ, rồi sau đó đánh chìm chiếc tàu Việt Nam.

danhca2

Chiếc tàu cá QNg 98459 bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần đảo Cồn Cỏ trong ngày 1 tháng giêng năm 2016 đã được đưa vào bờ chiều hôm 2/1/16. Courtesy photo

Các ngư dân Việt Nam bị rơi xuống biển đã được một chiếc tàu đánh cá khác của tỉnh Quảng Ngãi cứu thoát và đưa vào đất liền.

Sau đó, cũng tại vùng biển này, ngày 18 tháng Tám, một chiếc tàu đánh cá khác của tỉnh Quảng Ngãi lại bị tàu Trung quốc tấn công, cướp phá và đánh chìm. Các ngư dân trên tàu được một tàu cá khác của Quảng Ngãi cứu về đất liền.

Theo ước lượng của Hiệp hội nghề cá Việt Nam thì trị giá tài sản của hai chiếc tàu Việt Nam vào khoảng 6 tỉ đồng.

Tàu đánh cá Việt Nam thường làm bằng gỗ và nhỏ, thường xuyên bị tàu Trung Quốc lớn hơn và có vỏ bằng sắt đâm chìm trên Biển Đông.

Published in Việt Nam

Ân Xá Quốc tế kêu gọi hành động khẩn cấp cho cựu tù Nguyễn Bắc Truyển (RFA, 24/08/2017)

Nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển hiện đang mất tích có nguy cơ chịu tra tấn và cần có hành động khẩn cấp về trường hợp này.

nhanquyen1

Ông Nguyễn Bắc Truyển bị Cục An Ninh A38, A42 và công an Đồng Tháp bắt ngày 9/2/2014 - Ảnh minh họa

Tổ chức Ân Xá Quốc tế, Amnesty International, ra thông cáo với nội dung chính như vừa nêu vào ngày 22 tháng 8.

Theo Amnesty International thì cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được nhìn thấy lần cuối vào ngày 30 tháng 7 sau khi đưa vợ đến văn phòng làm việc ở Sài Gòn. Mặc dù, theo truyền thông chính thức của Nhà Nước thì ông này bị cơ quan chức năng bắt giữ, nhưng sau hơn 3 tuần vợ ông vẫn chưa nhận được văn bản xác nhận nào từ phía cơ quan công an về cáo buộc đối với ông hoặc về nơi ông bị giam giữ.

Ân Xá Quốc Tế nêu rõ ông này có nguy cơ bị tra tấn, bị những hình thức ngược đãi khác hay không được điều trị y tế cần thiết.

Truyền thông chính thức nhà nước Việt Nam loan tin khi bắt giữ 4 cựu tù chính trị Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển vào ngày 30 tháng 7 là ông này bị bắt vì tiến hành những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Ân Xá Quốc Tế nhắc lại tội danh vừa nêu thuộc phần gọi là ‘an ninh quốc gia’ bị cho là mơ hồ của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam ; nhưng nếu bị kết án thì hình phạt có thể bị chung thân hay tử hình.

Những hành động mà Ân Xá Quốc Tế kêu gọi gồm viết thư, gửi email, fax, gọi điện thoại hay tweet với nội dung kêu gọi cho biết nơi đang giam giữ ông Nguyễn Bắc Truyển ; trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông này nếu như đang bị Nhà Nước giam cầm. Lý do là vì ông này bị tước quyền tự do chỉ bởi thực thi một cách ôn hòa quyền bày tỏ và lập hội.

Trong khi chờ đợi ông Nguyễn Bắc Truyển được trả tự do, cần bảo đảm ông được bảo vệ khỏi tình trạng tra tấn, ngược đãi và được phép gặp gia đình, luật sư theo mong muốn, cũng như được chăm sóc ý tế đầy đủ.

Nơi gửi được nêu rõ địa chỉ của thủ tướng chính phủ Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc và đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Vinh.

***********************

Gia hạn điều tra lần 2 nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh (RFA, 24/08/2017)

Cơ quan chức năng Việt Nam gia hạn điều tra lần hai đối với nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Lưu Văn Vịnh.

nhanquyen2

Nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Lưu Văn Vịnh.  Photo : social media

Tổ chức Defend the Defenders cho biết như vừa nêu vào ngày 23 tháng 8. Theo đó trong công văn đề ngày 18 tháng 8 gửi cho vợ ông Lưu Văn Vịnh, thì thời gian điều tra lần thứ hai là từ ngày 4 tháng 7 cho đến cuối tháng 10.

Thời gian điều tra lần nhất đối với ông Lưu Văn Vịnh kết thúc vào ngày 3 tháng 7 vừa qua.

Với quyết định gia hạn điều tra lần thứ hai, nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh sẽ bị biệt giam ít thất cho đến cuối tháng 10 ; trong thời gian này ông không được gặp gia đình cũng như luật sư.

Ông Lưu Văn Vịnh, 49 tuổi bị bắt đi từ tư gia vào ngày 6 tháng 11 năm ngoái. Ông là người sáng lập tổ chức có tên Liên Minh Dân tộc Việt Nam Tự Quyết. Trong cùng vụ có gần 10 người bị bắt với ông Lưu Văn Vịnh.

Published in Việt Nam