Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam tại Quốc hội Mỹ rơi vào tháng Năm cũng là tháng Di Sản Châu Á Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ. Năm nay, Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 25 được tổ chức ngày 9/5/2019 tại tòa nhà Hart của Thượng Viện Mỹ.
Bà Libby Liu, Giám đốc Đài Á Châu Tự Do phát biểu tại buổi lễ RFA
Đây là sự kiện quan trọng trong sinh hoạt hàng năm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Washington DC cũng như các tiểu bang xa, bắt nguồn từ Nghị Quyết chung SJ-168 của Quốc hội Hoa Kỳ và Công Luật số 103-258 do tổng thống Bill Clinton phê chuẩn và ban hành năm 1994, công nhận ngày 11 tháng Năm hàng năm là Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam, Đạo Luật phản ảnh cam kết ủng hộ của chính phủ và người dân Mỹ đối với công cuộc tranh đấu của người Việt hải ngoại cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời thể hiện ý chí và sự vận động, cỗ vũ quyền con người cho người dân trong nước.
Với chủ đề Quyền Tự Do Phát Biểu,Quyền Tự Do Internet, buổi lễ được bảo trợ bởi thượng nghị sĩ Tim Kaine cùng một số các dân biểu và thượng nghị sĩ lưỡng viện quốc hội thường quan tâm lên tiếng, thúc đẩy việc cải thiện nhân quyền cho Việt Nam.
Ngoài ra còn có sự bảo trợ của Tổng Liên Đoàn Lao Công và Lao Động Mỹ (AFL-CIO), các tổ chức nhân quyền quốc tế, phái đoàn các cộng đồng bạn như Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Tây Tạng, Gilgit Baltistan.
Bên cạnh đó là sự tham gia của các cộng đồng, tổ chức, đoàn thể Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu, Úc Châu. Trưởng ban tổ chức, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thi, cho biết :
Năm nay ban tổ chức chọn đề tài Quyền Tự Do Phát Biểu và Quyền Tự Do Internet vì lý do là năm ngoái Việt Nam thông qua bộ Luật về An Ninh Mạng mới, có hiệu lực tháng Giêng năm nay, nói lên sự đàn áp, trấn áp về tự do ngôn luận. Đó là mối quan tâm của ban tổ chức, mình muốn trong dịp sắp tới đây, ông Scott Busby, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ về Việt Nam, và sẽ có những đàm thoại về tự do, một trong những đề tài mà ban tổ chức đã đưa những dữ kiện đó cho ông Busby.
Về thành phần những phai đoàn người Việt từ xa đến tham dự, bác sĩ Diệu Thi nói :
Năm nay rất đông, hơn 12 tiểu bang, trong đó có Massachusetts, New Jersey,Pensylvania, North Carolina, Georgia, Florida, Tenessee, Arkansas, Texas, Washington State, California và đồng thời có phái đoàn của Canada luôn.
Một người trẻ hiện là đương kim chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại Virginia, Maryland và Washington DC, cũng là chủ tịch Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam năm nay, anh Lý Thanh Phi Bảo :
Lâu nay Việt Nam mình ở đây cũng đã đấu tranh rất nhiều, nhưng Bảo thấy năm nay đặc biệt là có sự đoàn kết, nhiều phái đoàn nhiều tiểu bang và rất nhiều người trẻ góp sức với nhau, đó là một chuyện đáng mừng cho cộng đồng của mình.
Đến từ Nam California, ông Tạ Đức Trí, thị trưởng thành phố Westminster :
Chúng ta thấy được Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam hàng năm đã tụ họp được rất nhiều các phai đoàn, các tổ chức cộng đồng từ khắp những tiểu bang xa. Hôm nay chúng tôi phải nói là rất vinh dự được cùng rất nhiều phái đoàn từ nơi xa đến đây. Chúng ta tranh đấu thì chúng ta có hy vọng cho một Việt Nam tự do và dân chủ trong tương lai.
Năm 2020 là tròn 25 năm Hoa Kỳ cùng Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, suốt 25 năm qua thì quan điểm của hành pháp và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn là một nước Việt Nam với một môi trường lành mạnh cho tự do và nhân quyền, vì thế Washington luôn mong muốn đồng hành cũng như thúc đẩy Việt Nam tiến trên con đường dân chủ và nhân bản, Đó là lời tuyên bố của ông Scott Busby, từng phụ tá ngoại trưởng Mỹ chuyên trách dân chủ, nhân quyền và lao động, hiện là quyền cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Quan khách tham dự Ngày nhân quyền - RFA
Là người sẽ dẫn đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ về Việt Nam tuần tới để thảo luận trong vòng đối thoại thường niên về nhân quyền giữa Hoa Kỳ vcho vòng thảo luận thường niên Mỹ Việt về nhân quyền, ông Scott Busby bày tỏ với đài với đài Á Châu Tự Do :
Rằng Hoa Kỳ vẫn thường hy vọng một tình trạng nhân quyền tốt đẹp cho từng quốc gia, và Mỹ cũng đã ghi nhận một số tiến triển về quyền con người ở Việt Nam như tôi nêu lên trong bài nói chuyện của tôi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục áp lực để Việt Nam phải cải thiện nhiều hơn nữa bởi hãy còn quá nhiều vấn đề về quyền con người ở Việt Nam.
Sẽ phải tạo sức ép với Việt Nam hơn nữa trong việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm, trong đó có cả các bloggrs từng viết bài cho đài Á Châu Tự Do nhưng không may một người may đã bị bắt tại Thái Lan và hiện tại đang bị giam giữ ngồi tù ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ nói lên sự quan tâm của chúng tôi về những trường hợp như vậy, đồng thời yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho họ.
Cũng như mọi năm, người được mời làm diễn giả trong Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam là giám đốc đài Á Châu Tự Do, bà Libby Liu.
Trong cung cách người đứng đầu một cơ quan truyền thông với một Ban Việt ngữ mà tiếng nói được gởi về trong nước, bà Libby Liu bày tỏ sự vinh dự cùng niềm hân hoan của bà khi mục kích cảnh tượng của Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam tại Quốc hội Mỹ mà bà đã chứng kiến và dự phần bao năm qua, bà Libby Liu không quên nhắc lại sứ mạng của đài Á Châu Tự Do là cổ vũ cho nhân quyền và tự do ở Việt Nam. Bà cũng nhắc đến những nhà dân chủ, nhà hoạt động nhân quyền, những tổ chức xã hội dân sự đang nở rộ bất kể sự trấn áp của nhà cầm quyền Việt Nam. Nhiều tên tuổi của tù nhân lương tâm được đề cập tới, những hành
động trấn áp của Nhà Nước Việt Nam đối với phong trào dân chủ, kể cả vụ khủng hoảng môi trường Formosa phản ảnh sự tắc trách trong việc bảo vệ quyền con người của chính phủ Việt Nam cũng được bà Lybby Liu lần lượt nhắc nhở lại.
Lần đầu tiên đến sự kiện, cũng là người được mời phát biểu, cựu tù nhân lương tâm, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nói cảm tưởng của cô là xúc động trước quang cảnh trang trọng của Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ :
Thực sự cũng là lần đầu tiên Quỳnh biết có Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam ngay trong Thượng Viện của Quốc hội Mỹ, Quỳnh nghĩ rằng với những người trẻ được bắt đầu từ những viên đá đặt trước của các bác các chú ở đây thì hy vọng các bạn ở bên trong Việt Nam sẽ có thêm động lực, có thêm sự khuyến khích khi biết rằng cộng đồng người Việt hải ngoại luôn đồng hành cùng với nhân quyền Việt Nam và tự do cho Việt Nam.
Đối với Thượng nghị sĩ John Cornyn của tiểu bang Texas, thì đáng tiếc là ngày nay nhiều người Mỹ ở Hoa Kỳ đã quên đi bài học lịch sử. Và bài học mà di dân Việt Nam đã mang theo khi đến đất nước này, là điều kiện ngặt nghèo của đời sống không có tự do tôn giáo, không có tự do biểu đạt lẫn tự do ăn nói. Bởi thế điều vô cùng quan trọng là phải nhắc mọi người hiểu rằng đó là những điều không thể coi thường.
Sau cùng, nói về nhân quyền của Việt Nam thì chừng như không có chọn lựa nào khác hơn là đưa Việt Nam trở lại CPC danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do, dân chủ và nhân quyền, là tuyên bố của dân biểu Chris Smith, tác giả Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam từng được hạ viện thông qua nhưng chưa thành luật vì bị bác ở thượng viện.
Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam tiếp nối qua ngày hôm sau, thứ Sáu 10/5/2019, bằng cuộc vận động tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mục đích là đề đạt nguyện vọng và ý kiến xây dựng nhằm có thể ảnh hưởng đến Vòng Đối Thoại Nhân Quyền Thường Niên Hoa Kỳ-Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội cuối tháng Năm này.
Thanh Trúc tường trình từ Washington DC.
Nguồn : RFA, 09/05/2019
****************
Hà Nội phản bác báo cáo ‘sai lệch’ của Mỹ về tự do tôn giáo Việt Nam (VOA, 09/05/2019)
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/5 phản bác các thông tin trong báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, mà họ cho là "sai lệch" và "thiếu khách quan" trong đánh giá về tình hình tôn giáo của quốc gia Đông Nam Á này.
Người dân tham gia một buổi cầu nguyện tập thể để kêu gọi công lý cho một blogger và một nhà hoạt động bảo vệ quyền đất đai tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội hôm 18/9/2016. Mỹ cho rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam còn bị xâm phạm nhưng Hà Nội phản bác báo cáo đó.
Báo cáo thường niên năm 2019 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố hôm 29/4 nhận định rằng tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục "có khuynh hướng tiêu cực" và "tình trạng chung của các nhóm tôn giáo (ở Việt Nam) đã xấu đi trong năm 2018".
Các vấn đề lớn tại Việt Nam được USCIRF nêu trong bản phúc trình 2019 là : Hội Cờ đỏ, Chi phái Cao Đài 1997, tình trạng vô quốc gia của người Tin Lành H’mong và Tây Nguyên, tù nhân lương tâm, và việc chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa.
"Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ ghi nhận những thành tựu và tiến triển trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, nhưng đáng tiếc trong báo cáo vẫn còn một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng nói trong phần tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/5.
Tuy nhiên bà Hằng không chỉ ra những thông tin "sai lệch" cũng như những đánh giá "không khách quan" trong báo cáo của USCIRF.
Trong kết luận của báo cáo của USCIRF, cơ quan của chính phủ Mỹ cho rằng "Việt Nam rõ ràng đã cải thiện các điều kiện tự do tôn giáo trong 40 năm kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền… nhưng những vi phạm về tự do tôn giáo vẫn nằm trong mức độ của một quốc gia cần được quan tâm đặc biệt (CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA)".
Báo cáo của USCIRF viết rằng : "Trong năm 2018, chính quyền tiếp tục đàn áp trên diện rộng các lãnh tụ tôn giáo, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động ôn hòa, và những người chỉ trích khác trên toàn quốc, đặc biệt là để đáp trả những cuộc phản đối trên diện rộng chống lại Luật An ninh mạng hà khắc và dự luật về đặc khu kinh tế".
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao hôm 9/5 khẳng định rằng : "Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân".
Theo BNG thì khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số ; gần 53 ngàn chức sắc, 134 ngàn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự…
Theo người phát ngôn của bộ, "Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo".
Trong khi đó, một trong những vi phạm của Việt Nam mà báo cáo của USCIRF đề cập đến là việc chính quyền Đà Nẵng cưỡng chế chùa An Cư ở quận Sơn Trà, và tịch thu đất của 7 hộ dân giáo xứ Cồn Dầu vào tháng 11/2018.
Nói với VOA hôm 30/4, các chức sắc tôn giáo độc lập ở Việt Nam cho biết họ đồng tình với báo cáo 2019 của USCIRF và nhấn mạnh rằng Mỹ nên áp dụng Luật Magnistky để trừng phạt quan chức Việt Nam vi phạm luật.
Hôm 29/4, một lần nữa USCIRF đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách Các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt (CPC) dựa trên nhận định rằng Hà Nội vẫn "tiếp tục đàn áp nhiều cá nhân và tổ chức tôn giáo".
*********************
Sinh viên Huỳnh Đức Thanh Bình sau 10 tháng bị giam vẫn chưa được gặp luật sư (RFA, 09/05/2019)
Sinh viên Huỳnh Đức Thanh Bình, người bị bắt gần trọn 10 tháng, vẫn chưa được cơ quan tiến hành tố tụng cho gặp luật sư tham gia bào chữa dù Luật tố tụng quy định việc này phải hoàn thành trong 24 giờ.
Anh Huỳnh Đức Thanh Bình - Courtesy FB Huỳnh Đức Thanh Bình
Luật sư Nguyễn Văn Miếng đăng tải thông tin vừa nêu trên trang cá hôm 8/5, cho biết thêm ông đã gửi văn bản yêu cầu cấp thông báo bào chữa đến cơ quan chức năng.
Trao đổi với RFA vào tối ngày 9/5, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết :
"Tôi gửi qua đường bưu điện. Tôi yêu cầu lên thẳng Viện trưởng Viện Kiểm sát vào ngày hôm qua thì có lẽ hôm nay bên Viện Kiểm sát nhận được, rồi văn thư họ chuyển đến tay Viện Trưởng thế nào thì tôi cũng không rõ lắm".
Vẫn theo Luật sư Miếng, sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ thì trong vòng 24 giờ thì cơ quan tiến hành tố tụng thông báo việc bào chữa xem luật sư có đủ điều kiện tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo đó hay không, nếu đủ thì coi như ông được công nhận, nếu thiếu thì họ nói ông bổ sung hoặc nói ông không đủ điều kiện và không cho tham gia.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng là người được bà Nguyễn Thị Huệ - mẹ của bị cáo Huỳnh Đức Thanh Bình mời bào chữa cho sinh viên này.
Huỳnh Đức Thanh Bình sinh ngày 14/7/1996, bị bắt vào ngày 07/7/2018, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Cơ quan An ninh điều tra - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong vụ án mà cơ quan chức năng nói với thân nhân là "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" do ông Michael Phương Minh Nguyễn ở Hoa Kỳ và những người cùng nhóm thực hiện.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Miếng, ông đã nhiều lần làm thủ tục đăng ký bào chữa cho sinh viên Huỳnh Đức Thanh Bình tại cơ quan an ninh điều tra, nhưng bị phía cơ quan này từ chối quyền tham gia bào chữa, không đúng với luật định.
Giải thích việc này, Luật sư Miếng nói thêm :
"Điều luật có quy định là trong những án an ninh quốc gia, có thể bên Viện trưởng Viện Kiểm sát sẽ quyết định cho luật sư/ người bào chữa tham gia khi vụ án kết thúc điều tra để giữ bí mật điều tra. Tức điều luật nói Viện trưởng Viện Kiểm sát là người quyết định có cho luật sư tham gia ngay từ đầu hay không. Tuy nhiên tất cả những án an ninh từ trước đến giờ, khi luật sư làm thủ tục, tự động cơ quan an ninh điều tra trả lời luật sư không được tham gia giai đoạn điều tra, tức là họ tự động luôn. Họ cũng căn cứ điều luật đó, nhưng quyết định không phải từ ông Viện trưởng Viện Kiểm sát".
Hiện tại, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết đang tiếp tục chờ thư trả lới từ phía Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi liên lạc với bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của nhà hoạt động Huỳnh Đức Thanh Bình, để hỏi thăm tình hình và được bà cho biết lần gần nhất cô được gặp Bình là vào tháng 4 sau khi có kết luận điều tra :
"Cô vô thăm thì Bình vẫn khỏe mạnh bình thường, chỉ hỏi thăm về tình hình sức khỏe thôi, Mình chỉ được gặp khoảng 20 – 30p gì đó, chỉ hỏi thăm tình hình gia đình rồi đồ ăn thăm nuôi nhiêu đó thôi cũng đã kịp hết giờ rồi, với lại công an nhiều lắm và họ cũng đã dặn trước là không được nói gì hết chỉ được hỏi về sức khỏe về gia đình không được nhắc gì về vụ án. Cô không biết về vụ án nên cũng chẳng biết hỏi gì".
Sinh viên Huỳnh Đức Thanh Bình, sinh năm 1996, hiện ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh, bị khởi tố và tạm giam với cáo buộc tham gia tổ chức gọi là ‘Quốc Nội Quật Khởi’, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 109 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Anh Huỳnh Đức Thanh Bình bị bắt cùng cha là ông Huỳnh Đức Thịnh, và ông Michael Phương Minh Nguyễn, facebooker Trần Long Phi, Facebooker Quốc Báo.
Phỏng vấn luật sư Trần Kiều Ngọc, chủ tịch Phong trào Giới trẻ thế giới vì nhân quyền
Trong chuyến thăm thủ đô Washington DC của nước Mỹ, luật sư Trần Kiều Ngọc, đến từ Adelaide Australia, chủ tịch Phong trào Giới trẻ thế giới vì nhân quyền, đã có buổi gặp gở đồng hương người Việt và trình bày đề tài "Làm sao tạo được sức mạnh đấu tranh". Dịp này Luật sư Trần Kiều Ngọc dành cho đài RFA buổi phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện.
Luật sư Trần Kiều Ngọc và Phóng viên Thanh Trúc tại phòng thu hình Đài RFA. Photo : RFA
-------
Thanh Trúc : Thưa Luật sư Trần Kiều Ngọc, trước hết xin cô giới thiệu đôi chút về sự hình thành và hoạt động của Phong trào Giới trẻ thế giới vì nhân quyền.
Trần Kiều Ngọc : Phong trào Giới trẻ thế giới vì nhân quyền của chúng em cũng mới thành lập khoảng hai năm nay thôi. Động lực mà chúng em đến với nhau để thành lập phong trào là bởi chúng em nhìn thấy nhu cầu mà tụi em thấy giới trẻ tại hải ngoại cần phải hỗ trợ cho tiếng nói của giới trẻ trong nước, nhất là dóng lên tiếng nói trung thực về sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Những hoạt động của chúng em, điển hình mới đây nhất là ngày 6 tháng Mười Một vừa rồi thì phong trào đã cùng một số các tổ chức đồng hành cùng một số các sắc tộc như người Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ, Tây Tạng… và chúng em đã tổ chức một cuộc biểu tình quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ, để lên án vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Mới đây hơn nữa, ngày 22/01/2019, phong trào đả cùng một số các tổ chức đã có cuộc biểu tình tầm vóc quốc tế để lên án vấn đề vi phạm nhân quyền của cộng sản Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ, là mới đầu năm nay.
Thanh Trúc : Cô đánh giá thế nào về vai trò của giới trẻ trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước ?
Trần Kiều Ngọc : Thưa bản thân em thì em cảm thấy vấn đề giới trẻ trong nước mà đứng lên, dóng lên tiếng nói về nhân quyền tại Việt Nam thì đó là một chuyện em nghĩ rất quan trọng. Bản thân em cũng như Phong trào Giới trẻ thế giới vì nhân quyền đánh giá rất cao bởi vì chắc chị cũng nhận thấy trong lịch sử giới trẻ luôn luôn làm nhiều cuộc thay đổi và cuộc cách mạng, thay đổi đất nước một cách tốt đẹp hơn. Trong những năm trở lại đây thì chúng ta thấy "Cách Mạng Dù Vàng" tại Hồng Kông hay "Cách Mạng Hoa Hướng Dương" tại Đài Loan, chúng ta thấy rằng các bạn trẻ là tinh hoa của đất nước, có đầy đủ nhiệt huyết và có lòng yêu nước, có thể kêu gọi các bạn trẻ khác dấn thân. Chúng em thấy rằng chúng em cũng đặt cái hy vọng đó nơi giới trẻ quôc nội.
Thanh Trúc : Phong trào giới trẻ thu hút các bạn trẻ trong nước tham gia phong trào thế nào ?
Trần Kiều Ngọc : Đó cũng là một khó khăn cho chúng em chứ không phải không, là bởi vì bọn trẻ chúng em tại đây đa số là sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, và so với giới trẻ trong nước, so với Mỹ, Úc Châu hay Canada nơi tụi em đã sinh ra và lớn lên, nơi tự do và nền giáo dục và tính nhân bản mà chúng em hấp thụ được cũng rất khác so với môi trường giáo dục tại Việt Nam. Vì vậy trong việc mà giới trẻ trong nước với lại giới trẻ hải ngoại dễ dàng hiểu nhau và đến với nhau là chuyện rất khó khăn, bởi sự hiểu biết và môi trường sống rất khác.
Tuy nhiên trong thời gian qua thì cách mà Phong trào Giới trẻ thế giới vì nhân quyền chúng em kêu gọi và thu hút giới trẻ trong nước là chúng em kêu gọi các bạn trẻ trong nước hãy cố gắng dấn thân vì những bất công xảy ra trên quê hương, vì những điều tàn ác đang xảy ra trong xã hội Việt Nam về mọi mặt… Những sinh hoạt cụ thể mà chúng em kêu gọi giới trẻ trong nước đến với chúng em là ví dụ năm 2017 chúng em có tổ chức Đại hội Giới trẻ thế giới với chủ đề "Việt Nam con đường nhân bản". Niềm mơ ước của chúng em là làm sao cho đất nước của chúng ta, tất cả mọi người đều có thể sống và đối xử với nhau tử tế, lấy cái gốc con người làm trụ cột nhân bản. Đại hội Giới trẻ thế giới năm 2017 có trên 200 người tham dự, thì trên dưới khoảng chừng bốn, năm chục bạn trong nước đến tham dự đại hội đó với chúng em. Bắt đầu qua những cuộc gặp gỡ như vậy thì chúng em trao đổi và hy vọng là qua những sinh hoạt như vậy chúng em dễ dàng nối kết và làm việc với nhau.
Thanh Trúc : Cô đã nói về sự khó khăn trong việc thu hút rồi kết hợp người trẻ trong nước với người trẻ ngoài này. Thế thì có điều nào có thể thấy là thuận lợi không thưa cô ?
Trần Kiều Ngọc : Về thuận lợi thì em thấy như thế này, trải qua những biến cố lịch sử của đất nước và sự ra đi của người Việt năm 1975, có nhiều hố ngăn cách giữa giới trẻ trong nước và giới trẻ hải ngoại, tuy nhiên một điểm giống nhau ở chỗ là giới trẻ hải ngoại vì nền giáo dục gia đình nhiều bạn vẫn hướng về quê hương nguồn cội và tự hào về dòng lịch sử Việt Nam chúng ta. Và nhất là qua những sinh hoạt trên Facebook những năm gần đây cũng cho thấy giới trẻ trong nước cũng cố gắng muốn tìm hiểu sự thật về lịch Việt Nam, các bạn cũng muốn tự hào về nguồn gốc lịch sử của chúng ta. Qua đó thì em thấy đôi bên, giới trẻ trong nước và giới trẻ ngoài nước đã tìm đền nhau chung về một mối. Một mối đó là cái gì ? Đó là tình yêu nước và tự hào mình là người Việt, và chúng ta không muốn đất nước mình bị rơi vào tay Trung Quốc. Em thấy điểm đó là một sức hút mà giới trẻ trong nước và hải ngoại tìm đến nhau, dễ dàng thông cảm với nhau được.
Thanh Trúc : Thưa luật sư Trần Kiều Ngọc, ngày 30 tháng Tư đã gần kề, các bạn trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài như cô nghĩ gì về ngày này ?
Trần Kiều Ngọc : Đối với em 30 tháng Tư là một ngày tang thương, mặc dù em không sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử thương đau đó, nhưng khi nhìn lại thì việc đầu tiên em nghĩ tới là cảm thấy xót xa cho thân phận của mình. Mặc dù lớn lên trong một nước tự do tại Úc Châu, được hưởng mọi quyền lợi như bao công dân Úc, chưa bao giờ em cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn.
Là một người Việt Nam, trong lòng em luôn ước ao được sinh ra, lớn lên và được đóng góp ngay trên quê hương mình. Khi nghĩ lại thì bản thân em ước gì và giá gì ở tuổi này em đang được sinh sống, được đóng góp, được hít thở bầu không khí quê hương mình thay vì một đất nước không phải quê cha đất mẹ của mình.
Thanh Trúc : Theo cô, giới trẻ hải ngoại có thể đóng góp gì cho sự phát triển ở Việt Nam ngoài vấn đề về nhân quyền ?
Trần Kiều Ngọc : Đối với em thì em cũng cảm nhận được là đất nước của chúng ta đang trải qua thời kỳ mà em cho là đen tối bởi vì có biết bao nhiêu bất công đang xảy ra. Em nghĩ nếu các bạn có được cái tâm tư, cái lý tưởng muốn thay đổi đất nước của mình để có thể sánh với các nước bạn thì em nghĩ ngoài vấn đề đóng góp cho quyền con người trên quê hương của mình, những việc cụ thể và đơn giản nhất là bắt đầu ý thức ngay từ trong bản thân cá nhân mình.
Việc đầu tiên có thể làm là vào thư viện, hoặc đơn giản lên Google để tìm hiểu sự thật về lịch sử Việt Nam, để mình chuẩn bị những kiến thức đó một cách trung thực và đúng đắn, từ đó có thể tìm ra được con đường và ơn gọi thực sự cho cuộc đời mình hầu đóng góp cho quê hương.
Chuyện thứ hai có thể làm được là với những bạn mà có sự may mắn ra ngoài đất nước tự do, khi các bạn thấy được những điều tốt đẹp, những nét văn minh và nhân bản ở đất nước tự do, thì các bạn hãy trở về và truyền đạt, chia sẻ những gì các bạn đã học ở đất nước tự do cho các bạn trẻ trong nước không biết gì để các bạn hiểu tự do nhân bản là thế nào. Qua những hành động đơn giản đó thì các bạn đã đóng góp rất nhiều vào sự suy nghĩ và thay đổi của người dân trong nước.
Thanh Trúc : Xin cảm ơn Luật sư Trần Kiều Ngọc đã dành cho RFA buổi phỏng vấn này.
Thanh Trúc thực hiện
Nguồn : RFA, 16/04/2019
Những phương tiện sản xuất tinh vi và nhanh chóng, kèm theo điều kiện vận chuyển thuận lợi khiến hàng giả, hàng nhái từ cao cấp như vi tính, máy móc, mỹ phẩm, dược phẩm đến nhu yếu phẩm, thực phẩm, áo quần vân vân… xuất hiện nhan nhản trên thị trường.
Một chiếc đồng hồ Breitling giả được trưng bày Pháp hôm 29/01/2013. AFP
Về mặt hàng cao cấp thì những thương hiệu nổi tiếng bị làm giả hay làm nhái như đồng hồ Rolex, Longines, Piaget, mỹ phẩm thì có Dior, Chanel, thời trang thì có LV, tức Louis Vutton chẳng hạn, giá cả có thể hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Những mặt hàng phổ thông làm giả hay làm nhái với giá mềm thì có đường, bột ngọt hay mì chính, thực phẩm chức năng, nước tương và thậm chí cả nước mắm mà nhiều phần người mua khó có thể nhận chân thật giả.
Trong thực tế hàng giả, hàng nhái được chế biến và đóng gói rất tinh vi không khác gì hàng chính hãng.
Doanh nhân Nguyễn Trọng Thắng chuyên buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam và ngược lại có trình bày về hàng giả, hàng nhái như sau :
Hàng giả là những hàng được làm giả hoàn toàn với mục đích lừa người tiêu dùng, Hàng nhái là hàng bắt chước các thương hiệu nổi tiếng. Thuốc men làm giả là vấn đề liên quan đến đạo đức, còn hàng giả về tiêu dùng là vấn đề liên quan đến kinh tế. Thế nhưng có cái việc là có những người sẵn sàng mua hàng giả, hàng nhái, ví dụ mặt hàng LV Louis Vutton hay hàng giả da cá sấu, có thể người mua cố tình mua những hàng đấy và nghĩ là mình đang được mặc hay sử dụng hàng hiệu. Cũng có người là vô tình thôi, mua mà không quan tâm đến mác ấy là mác gì . Dĩ nhiên cũng có người đủ sức mua hàng hiệu nhưng lại sẵn sàng bỏ một số tiền nhỏ hơn để mua hàng nhái.
Ông Thắng cho biết hầu hết hàng giả hàng nhái như này thường bắt nguồn từ Trung Quốc và được chuyển sang Việt Nam. Thứ hai là những mặt hàng giả xuất phát từ chính bản địa Việt Nam. Ông kể có quen một số người thường lên cửa khẩu trên Lạng Sơn trên Đồng Đăng, khi mua đầu đĩa thì hai người khách đều đưa ra tờ tiền 500.000 đồng. Một người lấy được đầu Samsung, một người thì lấy đầu Sony. Khi người mua được đầu Sony tị nạnh với người mua đầu Samsung, thì người bán hàng lấy ra một vốc những thương hiệu bao gồm LG, Samsung, Sony… bảo thích cái nào thì lấy cái đó gắn vào. Dĩ nhiên trong trường hợp đấy, ông Thắng nói, những người mua biết chắc chắn họ đang mua đồ giả, đồ Trung Quốc, nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
Ông còn cho biết thêm những hàng tiêu dùng như thực phẩm, mì chính, thịt lợn hay những sản phẩm bảo vệ thực vật, hoặc xoong, chảo, nồi, bát đĩa đều có thể làm nhái cả.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, cô Anh Thư, nhân viên lâu năm của IPP Liên Thái Bình Dương, tập đoàn kinh doanh được coi là hàng đầu trong lãnh vực nhập khẩu và phân phối các mặt hàng cao cấp đủ loại, cũng có nhận định về người mua trong thị trường hàng giả, hàng nhái lẫn lộn :
Người dùng hàng hiệu phải biết là đối với những hàng có giá trị như Rolex hay Cartier thì mức tiền của nó có thể vài ngàn cho đến vài chục ngàn đô. Ở Việt Nam có một hệ thống phân phối đồ hiệu của một vài tập đoàn nổi tiếng, mang hàng chính hãng từ các thương hiệu lớn về Việt Nam, từ túi cho tới đồng hồ. Những hàng đó đều kèm theo giấy tờ như hóa đơn, giấy chứng nhận, phiếu bảo hành, trong đó ghi rõ code của sản phẩm mình mua là gì.
Tuy nhiên có nhiều người ham rẻ đi mua đồ xách tay này nọ. Những cái này không có giấy tờ, không có phiếu bảo hành, tâm lý chung của khách hàng tôi mua đồng hồ Rolex của chị này chỉ 5.000 USD trong khi mua ở cửa hàng là 25.000 USD, mà gần như là hầu hết đó là đồ giả hay đồ kém chất lượng.
Ngoài lãnh vực hàng hiệu ra thì thông dụng và đa năng hơn nữa là mỹ phẩm, cô Anh Thư trình bày tiếp :
Đa số mỹ phẩm làm giả ở Việt Nam là dòng sản phẩm làm trắng, thường những hàng giả đó đánh vào thị trường thứ cấp có nghĩa là vùng quê, vùng nông thôn. Người Việt đối với mỹ phẩm phải là hàng ngoại, nên là những sản phẩm giả đó đều là Made In Korea, Made In Thailand, Made In Taiwan…
Ví dụ kem trắng da được làm từ kem dưỡng ẩm trộn với nước tẩy trắng quần áo và thuốc kháng sinh nghiền nhỏ ra. Chất tẩy rất mạnh trong kem khi tiếp xúc với da sẽ làm bong tróc lột hết da, khi ra nắng da sẽ bị nám một cách kinh khủng. Những sản phẩm đó chủ yếu bán về khu vực đồng bằng miền Tây. Hàng giả có thể tồn tại trên thị trường đó là họ nắm chắc yếu tố tâm lý quan trọng là ham rẻ.
Những mặt hàng thực phẩm chức năng làm giả hay làm nhái cũng tràn lan trôi nỗi trên thị trường Việt Nam mà giá nào cũng có, trong lúc bao bì mẫu mã cũng rất bắt mắt làm người tiêu dùng cứ ngở là mình đang mua hàng thật.
Nhưng có thể nói tai hại nhất là dược phẩm giả mạo, tiền mất tật mang cho người tiêu thụ. Bác sĩ Huỳnh Loan, một cư dân từ thanh phố Hồ Chí Minh, nêu trường hợp người nhà của bà mua nhầm thuốc giả Amlodipin trị cao máu :
Thuốc viên Amlodipin trị cao máu mà trộn bột mì không, đó là Dược Sông Bé. Mua thuốc thì mình nên chọn những hãng thuốc có uy tín và chất lượng thí dụ Dược Hậu Giang rồi Roussel chẳng hạn. Theo như thông tin trên mạng thì mình thấy thuốc giả thậm chí lấy mẫu mã của những nhà sản xuất có uy tín luôn. Ở Việt Nam có cái rủi ro là khó thể biết được cái nào thật cái nào giả.
Là người hay đi mua thuốc, tháng nào cũng đi mua thuốc cho công ty hết nên mình có những người bán thuốc tin cậy được và người ta sẽ hướng dẫn cho mình biết. Nếu không thường đi mua thuốc và không có chỗ quen thì chuyện nhầm lẫn là chuyện rất có thể xảy ra. Thậm chí thuốc của Pháp như Pfizer chẳng hạn nó cũng làm giả được, nó quá là nguy hiểm.
Trong lãnh vực thực phẩm, các sản phẩm thông dụng hàng ngày như nước mắm, nước tương, bột nêm, đường cũng bị làm giả hay làm nhái. Đây là những thức ăn thức uống có vấn đề an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhẹ thì có thể gây ngô độc cấp tính, sử dụng về lâu về dài sẽ là nguồn gốc những căn bệnh nguy hiểm như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, huyết áp, tim mạch.
Thí dụ cụ thể là Đường Biên Hòa chất lượng cao chế biến từ mía với công nghệ hiện đại, không sử dụng hóa chất, một sản phẩm uy tín được tin cậy lâu nay. Hàng nhái Đường Biên Hòa có mẫu mã và thiết kế gần như 100% hàng thật :
Cũng có nước mắm giả mà người tiêu dùng không phân biệt được, họ copy quá giống từ chai cho tới nhãn mác. Đó là con dao hai lưỡi, nếu sản phẩm gia bắt chước những thương hiệu lớn thì nó ảnh hưởng đến chất lượng của hàng thật và người tiêu dùng không còn tin tưởng những thương hiệu lớn đó nữa...
Từ góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái đã tác hại lớn đến lợi nhuận, uy tín của những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chân chính.
Theo tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, từng làm việc trong lãnh vực quản lý thị trường, những thông tin về hàng giả hàng nhái thường xuất hiện trên báo đài luôn kèm theo khuyến cáo là người tiêu dùng cần cảnh giác cao, cần chọn lựa những mặt hàng có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác, thành phần chế biến cũng như thời hạn sử dụng.
Ông cũng cho biết quan điểm trước giờ của Nhà Nước trong chuyện hàng giả, hàng nhái là quyết liệt và xử phạt nghiêm minh :
Quan điểm rất rõ ràng là kiên quyết chống và khi phát hiện được sẽ xử lý và chế tài. Thậm chí không chỉ xử phạt hình chính mà cả hình sự, bị đưa ra tòa và bỏ tù.
Để phòng chống hàng giả, hàng nhái, Việt Nam đã có Hội Tiêu Chuẩn Và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng hoạt động 30 năm qua. tháng Mười Một năm 2018, Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam ra đời, được coi là một tổ chức xã hội tách ra từ Hội Tiêu Chuẩn Và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam.
Một thành viên không muốn nêu tên cho biết tính đến lúc này Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng ở trung ương đã lập được hội chi nhánh tại 52 trong tổng số 63 tỉnh thành trên cả nước.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 26/03/2019
Phải thoát bẫy thu nhập trung bình trong mười năm tới và xa hơn thế nữa là nội dung buổi hội thảo chủ đề Mô Hình Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Nam giai đoạn 2021 đến 2030 và tầm nhìn 2040.
Công nhân trong một công ty may mặc ở Hà Nội. AFP
Đó là buổi hội thảo hôm 20 vừa qua, phối hợp giữa Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Ngân Hàng Thế Giới củng với Tổ Tư Vấn Kinh Tế của thủ tướng chính phủ.
Phát biểu của thủ tướng Vương Đình Huệ và của các chuyên gia tham dự được báo chí trong nước cho là hiến kế giúp Việt Nam trở thanh nước thu nhập trung bình cao.
Nói một cách khác, tiến tới thu nhập trung bình cao là mô hình tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình hiện tại. Theo lời phó thủ tướng Vương Đình Huệ, xác định mô hình tăng trưởng là quan trọng, nhưng định hướng lớn về mặt chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu mong muốn còn quan trọng hơn nhiều.
Số liệu chính thức cho thấy năm 2008 thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam sấp sỉ 1.000 USD, được coi là mức thu nhập trung bình. Ngay lúc đó giới quan sát kinh tế đã cảnh báo Việt Nam sẽ bị rơi vào một cái bẫy gọi là bẫy thu nhập trung bình bởi nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc khai thác sức lao động rẻ và đơn giản.
Đến đầu 2019, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư nhắc lại cảnh báo vừa này, nói rằng Việt Nam đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình vì chi phí lao động thấp, sản xuất có giá trị thấp và công nghệ thấp.
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, chuyên gia kinh tế từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, từng làm trong ngành phát triển và cải cách hành chính ở Afghanistan, Iraq và Việt Nam, cho biết dựa theo tỷ lệ của Ngân Hàng Thế Giới thì :
Trong thu nhập trung bình có 2 hay 3 cấp, từ 1.000 tới 2000 là thu nhập trung bình thấp, từ 2000 tới 3.000, 4.000, 5.000 hay 6.000 là trung cấp, trên 10.000 đô la thì mới là mức thu nhập trung bình cao.
Bẫy thu nhập trung bình (middle income trap) là các nước mà thu nhập trung bình không qua được 2.00, 3.000 hay 4.000 nghĩa là không ra khỏi được mức thu nhập trung bình thấp. Từ mức trung bình thấp tới mức trung bình cao hơn nữa là khó, rất nhiều nước trên thế giới đi vào mức trung bình thấp mà không qua được, cứ nằm ở cái độ 2.000, 3.000, 4.000 đô la/ đầu người/một năm. Đó gọi là cái bẫy thu nhập trung bình.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ở Hà Nội nhận định về mức thu nhập trung bình hiện tại của Việt Nam :
Chúng ta đã đạt cái mức trung bình trong một thời gian khá dài rồi, năm nay là sấp sĩ 2.500, nhưng để đạt được mức 12.000 đô la một đầu người lại là một quá trình rất dài và khó khăn.
Thu nhập bình quân 12.000 USD một đầu người một năm được xem là mức thu nhập của một quốc gia đã trở thành giàu có. Theo thủ tướng Vương Đình Huệ, cách để thực hiện chiến lược đưa Việt Nam thành một đất nước có thu nhập trung bình cao hơn thì một là tiệm tiến và hai là đột phá, nhảy vọt, đi tắt đón đầu. Đi con đường này như thế nào là câu hỏi được ông Vương Đình Huệ nêu ra.
Trong khi đó, ông Vũ Viết Ngoạn, tổ trưởng Tổ Tư Vấn Kinh Tế của thủ tướng chính phủ, góp ý rằng giai đoạn 2021 đến 2030 vô cùng quan trọng và có tính cách quyết định cho vấn đề Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không.
Một chuyên gia kinh tế tài chính khác, tiến sĩ Ngô Trí Long, phân tích :
Thực trạng thu nhập trung bình của Việt Nam theo số liệu cuối 2018 là 2.584 USD bình quân một đầu người thì vẫn là mức thu nhập trung bình thấp. Ngay trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam thì đến 2030 sẽ là 3.500 nhưng mà đạt đến mục tiêu ấy rất là khó. Bình quân hàng năm của tốc độ tăng thu nhập trên đầu người vào khoảng từ 100 đến 150, năm nào cao nhất là 150. Thế thì đây là kỳ vọng, là ước vọng của lãnh đạo Việt Nam cũng như người dân Việt Nam.
Ước vọng đó còn rất nhiều những gian nan, những trắc trở, tiến sĩ Ngô Trí Long nói tiếp, nếu không cẩn thận thì Việt Nam không những rơi vào mà còn quanh quẩn mãi trong bẫy thu nhập trung bình thấp :
Là vì trong khi Việt Nam tiến một bước thì người ta đã tiến mấy bước, bây giờ cuộc tọa đàm hội thảo diễn ra như vậy thì mục tiếu là làm sao để Việt Nam cất cánh, có nghĩa là nâng thu nhập trung bình đầu người bằng thu nhập bình quân của thế giới trong những năm tới, có thể là mười mấy nghìn đô.
Đối với giám đốc Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, cuộc hành trình để Việt Nam đi trên con đường có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu, những thành tựu mà Việt Nam đạt được hơn 30 năm qua không chắc bảo đảm thành công trong tương lai.
Chính vì thế, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, Việt Nam cần thay đổi, cần đổi mới mô hình tăng trưởng để trở thành đất nước có thu nhập cao hơn vào năm 2030 cũng như tiếp sau đó. Ông khuyên Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng dựa căn bản vào tăng năng suất..
Đó là bản tin trên báo mạng Dân Trí tiếng Anh hôm 22 vừa qua, dẫn lời các chuyên gia tại hội nghị về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia diễn ra một ngày trước đó, cho thấy Việt Nam đã thất bại trong việc cải thiện năng suất lao động trong 10 năm qua và vẫn đang đứng thứ 3 từ dưới lên trong khối ASEAN.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), cho biết năng suất lao động ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN khác, chưa kể đến Singapore hay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, vẫn theo ông Nguyễn Đức Thành, thiếu nguồn đầu tư, môi trường làm việc trong lúc sử dụng công nghệ thấp khiến Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước thu nhập thấp ở ASEAN và châu Á.
Từng làm việc trong lãnh vực cải cách hành chính ở Việt Nam, tiến sĩ Đinh Xuân Quân cho rằng Việt Nam có thể thoát được mà cũng có thể không thoát được bẫy thu nhập trung bình :
Hiện Việt Nam làm gì, xuất khẩu cái gì, sản xuất cái gì ? Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc, gạo, cà phê vân vân… Đó là những gì mình đã có rồi nhưng chưa có chế tạo cái gì mới hết. Thí dụ làm điện thoại Samsung thì Việt Nam chỉ ráp thôi chứ có chế cái gì mới đâu. Muốn qua được cái bẫy thu nhập trung bình thì mình phải đủ sức tham gia vào chế biến chứ không phải chỉ đi làm công cho người ta thôi.
Hiện giờ kinh tế Việt Nam chỉ một là khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình, hai là đi làm mướn cho người khác, do đó chưa có cái kỹ nghệ công nghiệp gì đặc biệt cho Việt Nam cả.
Nếu có thể so sánh thì thoát bẫy thu nhập trung bình đầu người không chỉ là chuyện khó đối với Việt Nam mà thôi, tiến sĩ Đinh Xuân Quân nêu thí dụ :
Ai cũng tưởng Malaysia đã thoát khỏi mức trung bình được mà rốt cuộc vẫn chưa ra khỏi. Các nước Đông Nam Á ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thì chỉ có Singapore thôi. Singapore tự chế, dùng trí tuệ nhiều hơn là tay chân, do đó họ thoát ra được. Nhưng các nước như là Indonesia, GDP của họ cao hơn Việt Nam, họ chừng 3000, 4.000 thôi nhưng mà họ nằm đó nhiều năm rồi, đó là cái bẫy mà các kinh tế gia gọi là cái bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam và các nước này hiện giờ chưa có nước nào trên 10.000 đô la/ đầu người/ một năm trừ Singapore. Á Châu thì có Đài Loan và Nam Hàn thôi.
Vẫn theo lời ông, muốn vào nguồn có thu nhập trung bình cao thì Việt Nam phải có sự đóng góp của điều gọi là lao động có trí óc, có trí tuệ :
Ở đây thì Việt Nam còn ít về vấn đề trí thức, nghĩa là trí thức công nghiệp còn thấp. Việt Nam vẫn tới được mức thu nhập trung bình thấp hai ba ngàn, nhưng muốn từ 3.000 mà nhay lên 10.000, 11.000, 15.000 thì cần nhiều thay đổi. Trong thay đổi có vấn đề thay đổi tổ chức, về vấn đề doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước vẫn được sản xuất vẫn được vay tiền một cách dễ dàng trong lúc doanh nghiệp tư nhân có đầu óc có trí tuệ muốn vay muốn mượn thì rất khó.
Tại cuối buổi hội thảo Mô Hình Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 mà chủ đề là mức thu nhập trung bình cao hơn, giám đốc Học Viện Chính Trị Quốc Gia Nguyễn Xuân Thắng cũng đồng ý thể chế là yếu tố then chốt để vận hành mô hình kinh tế mới, bao gồm bà trụ cột chính là kinh tế, xã hội và môi trường. Ông nói các cơ quan chức năng sẽ phải tiếp thu và tận dụng ý kiến đóng góp của giới khoa học cũng như các nhà kinh tế nhằm hoàn thiện và định hướng thực hiện cho tương lai của kinh tế Việt Nam.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 22/03/2019
Một thiếu nữ ở Hậu Giang liên lạc với Đài Á Châu Tự Do để báo tin cô theo người môi giới sang Trung Quốc để làm việc nhưng lại bị gạ bán đi lấy chồng bản xứ mà nếu không chịu thì bị bán đi làm gái.
Ảnh minh họa - AFP
Cô sinh năm 1994, tạm gọi tên là Bê như yêu cầu, từ thành phố Vị Thanh tỉnh Hậu Giang lên thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc làm.
Ngày 27 tháng Hai, Bê nghe theo một nam môi giới tên Nhật tầm 30 tuổi, và một nữ môi giới người miền Tây chừng 35 tuổi hướng dẫn cô ra miền Bắc rồi sang Trung Quốc làm việc trong một công ty với mức lương từ 15 đến 20 triệu VND một tháng.
Sang đến Quảng Đông, Bê và một cô gái đi cùng được tách rời ra mỗi người một nơi. Họ đưa Bê vào một ngôi nhà bẩn thỉu như nhà hoang, sau đó vừa thuyết phục vừa dọa dẫm cô phải lấy chồng Trung Quốc còn không thì họ sẽ bị bán cô đi làm gái trong một động mãi dâm gần đó.
Qua Facebook và trang mạng Zalo, Bê tìm cách liên lạc với Đài Á Châu Tự Do để nhờ giúp đỡ. Sau đây là phần trao đổi giữa Bê với phóng viên RFA :
Thanh Trúc : Em đang ở chỗ nào của Trung Quốc em biết không ?
Bê : Dạ Hồ Nam, mấy cô đang tìm người để kết hôn. Đi đường biên qua tới Nam Ninh.
Thanh Trúc : Em phải trả bao nhiêu tiền ?
Bê : Dạ tính ra là 6.000 tiền Trung Quốc… Bọn nó đang ở đây nè…
Thanh Trúc : Họ có đánh đập gì em không ?
Bê : Họ hăm dọa, em không chịu nhưng mà họ đưa đi càng ngày càng xa. Em sợ quá chị ơi, cứu em đi...
Thanh Trúc : Họ có chỉ cho em thấy người chồng mà họ bắt em lấy chưa ?
Bê : Họ đang tìm, tới nay là mười mấy ngày rồi.
Thanh Trúc : Khi đưa em qua họ nói em đi làm việc hay đi gả chồng cho em ?
Bê : Đi làm việc, nếu làm không được sẽ đưa em về. Nhưng mà em nói em về thì họ đưa em đi xa hơn, từ Quảng Đông mà đưa tới Hà Nam.
Thanh Trúc :Bao nhiêu người canh giữ em ở chỗ đó ?
Bê : Hai người. Họ dọa nếu em không chịu lấy chồng họ bán em làm gái mãi dâm, em sợ em không kéo dài được thời gian, cứu em nhanh đi em sợ không kéo được thời gian…
Trong lúc hoảng hốt vì biết mình bị lừa, Bê đã nhanh trí dùng điện thoại để ghi âm lại cuộc nói chuyện của những người đang cầm giữ cô :
Đại khái người phụ nữ nói tiếng Hoa trong đoạn đối thoại với người môi giới nói tiếng Việt là họ chỉ ở cách nhau không xa lắm, nghĩa là trong cùng một làng. Người phụ nữ Hoa này còn cho hay họ nằm trong nhóm gọi là nhóm số 3 nhưng mỗi lần người phụ nữ Việt gọi tới thì bà này không biết.
Vẫn theo lời người đàn bà Hoa khoảng chừng 36 tuổi đó thì bà thuộc gia đình họ Lưu ở trong làng, bà thường mai mối cho người ta lập gia đình. Sau đó hai bên còn đùa cợt với nhau rằng người con trai họ nhắm đến cho Bê rất cao lớn trong lúc Bê hơn 20 mà trông bé xíu, rằng giá mà cô già hơn 10 tuổi cũng còn được nữa là.
Thấy Bê khóc lóc và một mực đòi quay về nhà, những phụ nữ này nói sẽ gởi cô về. Thay vì đưa trở lại Việt Nam, Bê kể tiếp, họ đã đưa cô vào sâu hơn trong nội địa Trung Quốc. Khi nói chuyện với phóng viên Ban Việt Ngữ RFA, Bê cho hay cô đang ở Hồ Nam. Tuy nhiên theo phóng viên Ban Hoa ngữ RFA giúp dịch lời thoại thì đích xác Bê đang ở Henan tức Hà Nam bên Trung Quốc.
Trước đó, hôm 9 tháng Ba, Bê đã text cho một người bạn tên Nguyễn Đức ở thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời gởi kèm định vị nơi cô đang ở cho anh luôn :
"Cô ấy nói là cô đi tầm 12 đến 16 ngày, đi theo chỉ dẫn của một người từ Việt Nam, mua vé từ Tân Sơn Nhất bay đi Hà Nội, bắt xe từ đó hình như là ba đoạn xe. Họ liên lạc với nhau qua 2 trạm xe, có người chở lên một góc núi rồi thả xuống. Có một phụ nữ Việt lại vờ như giúp đỡ em, dắt em đi theo đường rừng, một phút thấy một hàng rào có người Trung Quốc ra đón, dẫn đi chừng khoảng mấy tiếng có một chiếc xe đón chở xuống đó là Nam Ninh hay gì đó ở Trung Quốc".
Do nghi ngờ cô Bê bị gạt, anh Nguyễn Đức đã tức tốc làm đơn trình công an hôm thứ Hai ngày 11 vừa qua nhưng :
"Tôi làm đơn ra công an phường thì công an phường chỉ lên Công an Thành phố luôn. Lên Công an Thành phố thì người ta không nhận đơn kêu là không đủ chứng cứ, kêu là người này đi chơi hay sao đó chứ không phải bị bắt cóc hay bị lừa từ bên đây qua.
Hỏi mấy người từng sống bên đấy thì người ta nói lúc check in cái vị trí thì đấy là Henam là cái chỗ chuyên buôn người về nó tập kết ở đó, Henan Hà Nam gì đó. Trên bộ cũng có hướng dẫn là bây giờ về bảo người nhà làm đơn xong gởi lên Sở Nội vụ cho người ta giúp".
Anh Nguyễn Đức cũng gọi điện báo cho gia đình của Bê ở Vị Thanh, Hậu Giang. Tuy nhiên theo anh thì hình như người chị ruột của Bê không quan tâm lắm. Ngày 12 tháng Ba, đường dây viễn liên được nối về thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, gặp bà Mi là chị ruột của Bê :
"Chỉ mới liên lạc hồi qua nay, nói chung không gọi điện mà nhắn tin rồi kêu ai điện cho tôi. Tôi điện lại thì nó không nghe máy".
"Hiện tại bây giờ họ đã di chuyển em 3 nơi khác nhau, mỗi một nơi càng xa đường về quê hương…" là đoạn text mới nhất mà Bê gời cho RFA rạng sáng thứ Tư 13 tháng Ba giờ Việt Nam.
Cô Bê cho biết cô không dám ngủ vì sợ bị bán đi hay bị mỗ lấy nôi tạng như tin đồn. "Xin hãy cứu em thoát khỏi địa ngục này", Bê kêu cứu như vậy. Cô nói cô rất sợ họ không cho cô sử dụng điện thoại nữa thì lúc đó mọi hy vọng trở về Việt Nam sẽ tắt vì không ai tìm được cô nữa.
Liên quan đến chuyện đưa người sang Trung Quốc bất hợp pháp, bản tin trên VOV.vn hôm 12 tháng Ba cho hay Tòa Án Nhân Dân tỉnh Nghệ An mở phiên xét xử một vụ mua bán trẻ em mà nạn nhân là một cô gái vị thành niên bị người bà con đưa sang Trung Quốc rồi bán cô với giá hơn 200 triệu VNĐ.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 27/10/2018 một phụ nữ Việt Nam và là mẹ của một em gái bị mất tích, nghi là bị bán sang Trung Quốc từ tỉnh Hà Giang. AFP
Theo tin thì bị cáo tên Lang Thị Liên có chồng Trung Quốc, trú quán tại ở xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Năm 2016, nhân dịp về nhà ăn Tết , bà Lang Thị Liên đã dụ dỗ người dì họ tên Hoài An, khi đó mới 14 tuổi, sang Trung Quốc trông con cho bà ta.
Sau đó từ Trung Quốc bà Liên báo tin cho gia đình cô Hoài An là gả chồng đàng hoàng cho cô nhưng thực chất là bán cô cho một người đàn ông bản xứ với giá 210 triệu VNĐ.
Nội vụ đổ bễ do Hoài An báo lại với gia đình, đến tháng Sáu 20017 thì Hoài An được người quen dắt đi trốn nhưng bị phát hiện. Bà Lang Thị Liên bắt họ lại và đòi tiền chuộc 400 triệu đồng. Một tháng sau, Hoài An và người phụ nữ dắt cô đi trốn được công an Trung Quốc giải cứu đưa về Việt Nam.
Tòa Án Nhân Dân Nghệ An tuyên phạt bà Lang Thị Liên 8 năm tù giam vì tội buôn bán trẻ em, bồi thường 62 triệu Đồng cho gia đình cô gái bị hại.
Tháng Mười Hai năm 2018, Blue Dragon Việt Nam, một tổ chức thiện nguyện nước ngoài ở Hà Nội, cho biết đã có 400 nạn nhân phần lớn là phụ nữ hay thiếu nữ bị bán sang Trung Quốc rồi bị ép vào đường mãi dâm hay lấy chống bản xứ, được Blue Dragon giải cứu đưa về Việt Nam từ năm 2007.
Trước đó, từ năm 2016, một bản tin Reuters trích dẫn lời bà Mimi Vũ thuộc Vòng Tay Thái Bình đang hoạt động ở Việt Nam, cho thấy 75% nạn nhân buôn người là phụ nữ và các em gái, bị bán qua Trung Quốc để làm vợ, để hành nghề mãi dâm hoặc làm việc cực nhọc trong các phân xưởng.
Vẫn lời bà Mimi Vũ, trong quá khứ đa phần các cô bị bán qua Trung Quốc là người ở vùng biên giới miền Bắc giáp Trung Quốc, thế nhưng từ 3 năm trở lại đây thì nạn buôn người đã lan xuống các tỉnh phía Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 23/03/2019
Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn lầm lẫn và lúng túng trước định nghĩa về danh xưng và chức năng của doanh nghiệp xã hội, là ý kiến được đưa ra tại buổi hội thảo kỷ niệm 10 năm hoạt động của Tổ chức Giáo dục và tư vấn kinh doanh Hult Prize, hôm 9 tháng Ba tại Đại Học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam định nghĩa doanh nghiệp xã hội một cách chung chung, thí dụ sử dụng 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường như đã đăng ký.Ảnh minh họa. AFP
Khái niệm doanh nghiệp xã hội vẫn chưa được hiểu đúng từ nhiều phía, là nhận định của bà Tôn Nữ Thị Ninh, chủ tịch Quĩ Hòa bình và phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bà, Luật Doanh Nghiệp Việt Nam chỉ đề cập tiêu chí doanh nghiệp xã hội một cách chung chung, thí dụ sử dụng 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường như đã đăng ký.
Chính vì định nghĩa chung chung và không rõ ràng đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh trình bày tiếp, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam tự cho mình là doanh nghiệp xã hội và đang hoạt động vì lợi ích của xã hội nhưng thực chất họ chưa phải là doanh nghiệp xã hội.
Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, chuyên ngành quản trị và kế toán, giáo sư ngành thạc sĩ MBA tại Keller Graduate School Of Management ở Texas, Hoa Kỳ, đưa ra định nghĩa như sau :
Doanh nghiệp xã hội Social Enterprise là khái niệm phổ thông ở Hoa Kỳ và Âu Châu khoảng 12 năm nay, ở Việt Nam thì khoảng 6 năm nay. Doanh nghiệp xã hội có nghĩa là hơn phân nửa, tức 51%, lợi tức lợi nhuận của doanh nghiệp xã hội đó phải đầu tư và đóng góp vào môi trường, vào dân sinh, vào cộng đồng và xã hội.
Ở Việt Nam thì 17 công ty đã được vinh danh là doanh nghiệp xã hội trong năm 2017.Tuy nhiên khái niệm đó đôi khi mơ hồ tại vì muốn cho rõ ràng thì luật lệ của chính phủ Việt Nam phải rõ ràng và có cách kiểm tra để doanh nghiệp không lợi dụng hình thức đó mà tung tiền vào những chuyện khác. Luật Thuế Vụ cũng phải khuyến khích để trừ thuế cho những doanh nghiệp đó.
Theo tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội, đã có nhiều cuộc hội thảo chuyên đề trong nước về vai trò và trách nhiệm doanh nghiệp xã hội, tuy nhiên :
Sự quan tâm của Nhà nước cũng như Cơ Quan, Ban, Ngành đối với vấn đề doanh nghiệp xã hội thực tế vẫn chưa thực sự lớn, chính sách của chính phủ chưa rõ ràng. Tài liệu cũng nhiều, chỉ có điều doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức, quan điểm của công chúng đối với doanh nghiệp xã hội thực sự cũng chưa sâu sắc. Cho nên có thể là có cách hiểu khác một chút so với quan điểm của bên ngoài.
Thực chất hoạt động của doanh nghiệp xã hội phải gắn với hoạt động vì cộng đồng, vì môi trường, gắn liền với những sản phẩm vì môi trường vì xã hội, chứ không phải là những doanh nghiệp sử dụng một số kinh phí để tài trợ cho những hoạt đông từ thiện thì được gọi là doanh nghiệp xã hội. Nhiều khi doanh nghiệp làm từ thiện mang tính chất quảng bá thương hiệu chứ không phải vì trách nhiệm xã hội. Quan điểm về doanh nghiệp xã hội mang tính chất lớn lao hơn.
Giáo sư Hà Tôn Vinh, Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục và đào tạo Stella Management tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng doanh nghiệp xã hội là khái niệm được nhắc đi nhắc lại ở Việt Nam từ hơn một thập niên qua.
Để có thể hội nhập và phát triển bền vững vào nền kinh tế toàn cầu, ông nói tiếp, Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm xã hội của công ty hay doanh nghiệp, cần nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội của công ty hay doanh nghiệp, cần nhấn mạnh đến sự gắn kết giữa kinh doanh với trách nhiệm xã hội một cách cụ thể :
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tiếng Anh gọi là Corporate Social Responsibility CSR, nói chung dựa vào một số yếu tố quan trọng tức là sự hợp tác giữa nhiều tổ chức trong đó có chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các viện và các đại học nhằm đưa đến cái gọi là cho doanh nghiệp tôn trọng xã hội, tôn trọng môi trường, tạo ra một môi trường, tôn trọng vấn đề sử dụng người lao động, không hủy hoại môi trường và đưa vị thế của doanh nghiệp lên cao hơn.
Chính vì thế, cũng như nhận định của bà Tôn Nữ Thị Ninh, giáo sư Hà Tôn Vinh khẳng định doanh nghiệp xã hội không chỉ đơn thuần làm việc từ thiện hay đóng thuế cho chính phủ mà còn những việc xa hơn trong đó có sự phát triển bền vững :
Qua đó chúng ta thấy doanh nghiệp Việt Nam thiếu sự hiểu biết về khái niệm đó. Điểm thứ hai là chưa có qui chuẩn, qui tắc, chưa có chương trình hành động phản ánh được vai trò của doanh nghiệp trong việc đóng góp cho xã hội.
Thực sự là các doanh nghiệp đều muốn phát triển và phát triển bền vững. Khi áp dụng những nguyên tắc qui chuẩn về CSR hay về Social Entrepreneurship hay trở thành Social Enterprise doanh nghiệp xã hội thì uy tín của doanh nghiệp tăng lên, thương hiệu của doanh nghiệp tăng lên. Những tập đoàn lớn ở nước ngoài như Ford, IBM, GM, Toyata hay Coca Cola …thành công là vì được sự hỗ trợ của người tiêu dùng, không những chất lượng tốt, giá phải chăng mà người dân còn thấy rằng những công ty đó thực sự có đóng góp lại cho xã hội.
Đó chính là sự phát triển bền vững, trách nhiệm quan trọng của một doanh nghiệp xã hội, giáo sư Hà Tôn Vinh khẳng định.
Trở lại với buổi hội thảo về ý nghĩa doanh nghiệp xã hội do Hult Prize tổ chức ở Đại Học Bách Khoa Sài Gòn tuần trước, ông Ahmad Askar, người sáng lập Hult Prize, cũng cho rằng ý nghĩ phải làm từ thiện mới được gọi là doanh nghiệp xã hội là một quan niệm sai lầm. Ông nói doanh nghiệp cũng phải tuân thủ phương thức làm ăn cơ bản là bảo đảm lợi nhuận. Vì vậy, ông Ahnad Askar lý giải tiếp, doanh nghiệp không mang tiền cho đi mà là mang lại lợi ích lâu dài và bền vững hơn.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân :
Thực tế có một số nhà quản lý doanh nghiệp đã hiểu sai vấn đề, hoặc họ đọc và họ cố tình hiểu sai. Cho nên nó dẫn đến thức tế là Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp xã hội đúng nghĩa đâu. Nó vẫn mang tính chất hình thức và một số doanh nghiệp lợi dụng cái trào lưu để nộp thuế ít hơn. Rất nhiều doanh nghiệp một mặt vẫn phá hủy môi trường, một mặt vẫn là không quan tâm đến cộng đồng nhưng một mặt vẫn trích một pần lợi nhuận để làm từ thiện. Bản chất vẫn là vì lợi nhuận chứ không mang tính bền vững lâu dài.
Giáo sư Hà Tôn Vinh :
Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp đóng góp cho xã hội, nhưng đóng góp theo qui định của nhà nước cũng như qui định của luật pháp thì có lẽ là chưa. Trong qui định nói rất rõ là để trở thành hay đăng ký trở thành một doanh nghiệp xã hội thì phải cam kết đóng góp 51% lợi nhuận cho những vấn đề của xã hội. Rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp cho xã hội, cho bão lụt, cho những chương trình trẻ em, nhưng mà đóng góp 51% theo qui định của pháp luật thì có lẽ là chưa có doanh nghiệp nào hay chưa có nhiều doanh nghiệp sẫn sàng làm việc đó.
Để trở thành một doanh nghiệp xã hội đích thực, nhất là trong bối cảnh môi trường hiện đại, nhà sáng lập Amad Askar của Hult Prize cho rằng ngoài những giải pháp tạo ảnh hưởng tích cực đến môi trường, cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp xã hội còn là những công ty có thể giải quyết được nạn nghèo đói, duy trì sự ổn định cho môi trường mà kết quả sau cùng là sự thịnh vượng chung cho cả thế giới.
Số liệu của Hult Prize cho thấy những nhà đầu tư nhìn xa trông rộng trên thế giới đổ hàng tỷ đô la vào các doanh nghiệp xã hội. Lý do của việc này là vì khách hàng mà đa phần là giới trẻ, đang chiếm một số lượng lớn thị phần của các doanh nghiệp xã hội đó.
Nói một cách khác, 8 trên 10 khách hàng thuộc giới trẻ có khuynh hướng chọn và tiêu dùng các sản phẩm do các doanh nghiệp xã hội sản xuất, trong lúc khoảng 60% người trẻ sẵn sàng chi tiền cao hơn vào các sản phẩm mang lại sự phát triển bền vững cho xã hội.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 14/03/2019
"Tiền lương không đủ sống và hệ lụy" là chủ đề buổi tọa đàm của tổ chức Oxfam Việt Nam cuối tháng Hai vừa qua , trình bày thông tin và cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống lay lắt kẹt trong đói nghèo của công nhân ngành may bao lâu nay.
Một công nhân đang làm việc tại một xưởng may quần áo, ngoại thành Hà Nội, 2013. AFP
Để thực hiện việc này, Oxfam đã phối hợp với Viện Công nhân và Công đoàn, phỏng vấn hơn 80 công nhân tại các nhà máy thuộc 4 vùng lương cùng với 6 cuộc thảo luận nhóm tại các hãng xưởng may.
Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thu Lan, viện phó Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết mức lương tối thiểu theo qui định của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để trang trải chi phí cho những nhu cầu cơ bản như nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Vẫn theo lời bà, số liệu khảo sát cho thấy 66% công nhân không đủ tiền trang trải nhu cầu sinh hoạt, 31% không thể dành dụm được gì từ tiền lương, 37% luôn trong tình trạng vay mượn nợ nần, còn 28% cho hay tiền lương rẻ không bảo đảm chi tiêu ăn uống cho gia đình trong tháng.
Bà Nụ, một cư dân ở khu công nghiệp Tân Hương tỉnh Tiền Giang, đang làm việc trong một công ty may mặc tại đó :
May giày da, túi xách da, may áo quần. Lương rất thấp, trung bình 4 triệu mấy tới 5 triệu, tăng ca thì tính một tiếng đồng hồ 25.000 ngàn. Cuộc sống của công nhân nếu hai vợ chồng thì đủ còn nếu có con thì không đủ, tiền nhà trọ hết một triệu, rồi cơm nhà mang theo vì cơm công ty chất lượng không bảo đảm vệ sinh, thành thử 15.000 một bữa ăn, làm 7 giờ rưỡi sáng tới 5 giờ chiều, còn nếu tăng ca thì được 6 triệu mà làm tới 7 giờ tối. Nếu tăng ca thường xuyên thì được 7 triệu mấy, nhưng phải tăng đều, ngày nào cũng tăng mới được 7 triệu mấy, cuộc sống không có ổn định.
Chị Hoa, làm trong bộ phận may của công ty Pouchen do người Đài Loan làm chủ ở Biên Hòa, Đồng Nai, có mức lương cơ bản trên 6 triệu Đồng một tháng :
Tám năm rồi thì lương cơ bản là 6 triệu 211 ngàn, còn những người làm mới 4 hay 5 năm thì lương cơ bản của họ thấp hơn, tầm 5 triệu mấy tới 6 triệu. Mình có nhà và không có gia đình thì cũng tạm đủ, còn lương cơ bản mà không có nhà thì không đủ đâu. Một năm công ty lên có 600.000 thì tiền bảo hiểm xã hội lên, bảo hiểm y tế cũng lên, tiền công đoàn năm nay cũng lên, 10.000 lên 15.000, tính ra công nhân đâu còn lại bao nhiêu.
20.000 công nhân công ty Pouchen tiếp tục đình công hôm 26/2/2016. Courtesy LD
Theo chị Hoa thì đa số công nhân ngành may là phụ nữ, ngoài công ty Pouchen còn có những xưởng may lớn khác nữa :
Công ty may Đồng Tiến cũng có, công ty may Đồng Nai cũng có, mấy công ty may mặc đó hình như tăng ca nhiều. Rất nhiều công nhân họ nói ở Biên Hòa, Đồng Nai mức lương của Pouchen so với các công ty khác cũng hơi ổn định chứ nhiều công ty khác lương bổng thấp, tiền tăng ca hay phúc lợi thấy cũng không có được thỏa đáng nữa. Chủ yếu những khu vực như bên Dĩ An có những công ty may của Trung Quốc thì mức lương thấp hơn bên này nhiều mà tăng ca cũng nhiều nữa, nghe nói một ngày ba bốn tiếng.
Mức lương cơ bản thấp trong ngành may ở các tỉnh phía Nam đặc biệt đã gây khó khăn hơn cho công nhân nhập cư so với công nhân ngay địa phương mình. Đó cũng là xác nhận của chị công nhân tên Hoa ở Đồng Nai :
Cực chứ, công nhân không có nhà hay ở ngoài Bắc mà vô đây làm thì phải nói là tiết kiệm tối đa mới có tiền muôi con hay lo lắng cho gia đình. Như bây giờ hai vợ chồng và hai đưa con, lương hai vợ chồng cộng lại mười mấy triệu mà hai đứa con tiền học, tiền trọ tiền ăn uống này kia cộng lại rốt cuộc còn bao nhiêu đâu.
Trường hợp chị Lan, từ 2012 đã làm trong công ty may Sao Vàng của chủ Đài Loan tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, thì cuộc sống không đến nỗi dù cũng mức lương cơ bản năm sáu triệu :
Công ty này khoảng từ 5 đến 6 nghìn người, nếu không tăng ca thì lương cơ bản là 5 triệu 170 nghìn chưa tính phụ cấp tất tần tật vào lương cơ bản. Nói chung ở quê mức độ ấy cũng bình thường, còn nếu ở phố thì không đủ được. Tăng ca thì như bây giờ mỗi ngày tăng ca một tiếng. Ở quê nói chung giá cả nó cũng rẻ, rau quả thì mình trồng mình ăn. Hiện tại công ty này có đóng bảo hiểm và có chế độ đầy đủ hết, nó cao hơn nhất trong các công ty nhỏ ở huyện Quỳnh Phụ này. Hầu như được tuyển vào thì họ ở đấy họ làm luôn, lứa như chị toàn đi công ty này hết.
Theo nhận định của Oxfam Việt Nam, ngay cả mức lương mà hầu hết công nhân may kiếm được tuy có cao hơn mức lương tối thiểu quốc gia nhưng cũng chưa bằng mức được coi là đủ sống.
Số liệu từ Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy hiện tại mức lương tối thiểu trung bình quốc gia tại Việt Nam là 3 triệu 340 ngàn đồng, tính ra chỉ bằng 37% mức lương của sàn lương Châu Á và bằng khoảng 64% mức lương do tổ chức Liên minh Lương đủ sống toàn cầu tính cho Việt Nam.
Hệ lụy của mức lương không đủ sống thì khảo sát của Oxfam chỉ nhắm vào cảnh nghèo đói, nhưng theo một nhà báo trong nước không muốn nêu tên thì ngoài nghèo đói có những hệ lụy khác nữa mà đối tương bị tác động là lao động nhập cư phái nữ ;
Về mặt cơ bản thì Luật của Việt Nam đưa ra một mức lương tối thiểu, họ không làm sai luật đâu, mức lương tối thiểu thực ra rất thấp. Người công nhân không hình dung ra được các vấn đề đâu, người ta làm cật lực, mỗi tháng bốn năm triệu với khoảng 12 tiếng lao động trong một ngày, kể cả 8 tiếng thì cũng không đáng bao nhiêu cả. Câu chuyện ở đây là các nữ công nhân sống không nổi rồi bị tha hương bị rơi vào tệ nạn xã hội các thứ là có thật. Mình cũng có nhiều người quen là phóng viên trong cùng nghề thì họ cũng phản ánh đa phần khá đúng về những chuyện đấy.
Trở lại với buổi tọa đàm của Oxfam Việt Nam tháng trước, phó giám đốc Oxfam tại Việt Nam là bà Nguyễn Thị Lê Hoa cho biết trong số những cuộc đình công xảy ra từ 1995 đến nay thì gần 40% vụ nằm trong ngành may với lý do chính là tiền lương thấp.
Tuy nhiên có điều nghịch lý, vẫn lời bà Nguyễn Thị Lê Hoa, mặc dù phải làm việc nhiều giờ và phải vật lộn với đồng lương không đủ sống, chừng như đa số công nhân ngành may vẫn bày tỏ sự an phận là ít nhất mình còn có việc làm để có đồng lương nhất định so với các lãnh vực khác.
Được hỏi về điều này, chị Nụ ở công ty may tại Tiền Giang nói vắn tắt :
Cũng có đòi tăng lương nhưng ai đòi thì nó kiếm chuyện nó cho nghĩ, bởi vậy không ai dám nói nữa.
Chị Hoa thuộc công ty Pouchen ở Đồng Nai trả lời rõ hơn :
Công nhân đa số không nắm Luật Lao Động, cũng không quan tâm nữa. Có nghĩa họ làm thì họ thấy mỗi ngày kiếm được 3 bữa cơm và có tiền cho gia đình vậy là đủ, họ không quan tâm tới phúc lợi như vậy có thỏa đáng hay chưa, ít người quan tâm lắm.
Nguồn tin từ trong nước cho hay 2 ngày sau buổi tọa đàm với chủ đề Lương không đủ sống và hệ lụy do Oxfam Việt Nam tổ chức, tại Nghệ An hơn 1500 công nhân may mặc thuộc công ty Haivina Kim Liên cũng quyết định ngưng cuộc đình công kéo dài trong 2 ngày 26 và 27 tháng Hai.
Đây là công ty may mặc có 3.000 công nhân, lý do bãi công là vì kiến nghị trước đó đòi tăng lương cơ bản đồng thời yêu cầu chủ đáp ứng những chế độ về quyền lợi, không được bắt thợ ở lại làm thêm khi đã hết giờ làm vân vân… đã không được tập trung giải quyết thỏa đáng.
Đến ngày 28 cuộc nghỉ việc tập thể ở công ty may Haivina Kim Liên kết thúc vì những vấn đề tranh cãi từ phía công nhân đã được chủ thỏa thuận.
Theo khuyến nghị của Oxfam Việt Nam, cần bảo đảm quyền lợi cơ bản trong chuỗi cung ứng , bảo đảm trách nhiệm trả mức lương đủ sống, phải xây dựng, công bố, giám sát và thực hiện lộ trình về mức lương đủ sống cho công nhân.
Về phía các doanh nghiệp may trong nước, phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan về mức lương đủ sống, cần minh bạch về đơn hàng và đơn giá tiền lương cũng như định mức lao động phú hợp.
Về phần chính phủ, cần thiết phải nâng mức lương tối thiểu hiện tại lên mức đủ sống, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi hơn hầu có thể trao quyền cho công đoàn nhằm thực hiện thương lượng tập thể về lương bổng cũng như điều kiện làm việc.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 06/03/2019
Băn khoăn về việc Hà Nội muốn đưa Kinh tế chưa quan sát vào GDP
Chính phủ Hà Nội đã phê duyệt đề án đưa khu vực kinh tế chưa quan sát vào việc tính toán GDP trong thời gian tới. Mục tiêu được nói nhằm thể hiện một cách đầy đủ qui mô của một nền kinh tế theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế đồng thời phù hợp với bối cảnh thực tế.
Nhiều mặt kinh tế Việt Nam, ảnh minh họa - AFP
Nếu khu vực kinh tế chưa quan sát (gồm kinh tế ngầm và kinh tế không chính thức) được phản ánh hết thì qui mô GDP sẽ tăng lên và hiển nhiên dư địa nợ công đầu tư cho nhu cầu phát triển cũng tăng theo.
Đó là phần mở đầu bài viết trên trang Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn số ra ngày Chúa Nhật 24 tháng Hai 2019 của tác giả Phan Minh Ngọc. Theo người viết thì qui mô GDP tăng sẽ kéo theo dư địa đầu tư công tăng nhưng xét kỹ thì tình thế cũng không mấy ổn.
Theo chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, có nhiều ý kiến cho rằng cách tính GDP của Việt Nam là không bao gồm khu vực kinh tế chưa được quan sát. Ông cho biết tổng sản phẩm của khu vực chưa được quan sát tầm 25% đến 30% một năm, vì thế yêu cầu lúc này là nên tính thêm kinh tế chưa quan sát và phải đưa nó vào GDP :
Chính vì vấn đề này mà khi Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF sang Việt Nam thì thủ tướng cũng có đề nghị giúp đỡ. Theo tôi được biết thì chính phủ đang giao cho Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư làm phương án này, hiện nay Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đã có Dự Thảo và đang xin ý kiến các bộ.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Và Chính Sách Đại Học Kinh Tế Quốc Gia Hà Nội, giải thích khái niệm kinh tế chưa quan sát khác với kinh tế chính thức như thế nào :
Gọi là kinh tế chưa quan sát được tức là chưa thống kê được, ta vẫn gọi là kinh tế phi chính thức, là informal sector, Còn khu vực gọi là formal sector tức là những đơn vị kinh tế có đăng ký với chính quyền để được bảo hộ về mặt pháp luật.
Thông qua việc đăng ký để được bảo hộ thì mới thống kê được các cơ sở kinh tế chính thức đó. Nay tôi hiểu là họ đang muốn thống kê luôn cái khu vực informal sector kinh tế phi chính thức mà trước giờ không thống kê được. Bằng bất kỳ hình thức nào thí dụ như thông qua các cơ quan đăng ký của Nhà Nước hay Ngân Hàng. chuyển khoản hay quan thuế vân vân….
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh cần phân biệt rạch ròi khi nhắc đến những thuật ngữ mà báo chí trong nước đang sử dụng với nội dung này như kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm :
Nó khác nhau về mặt phân chia, khu vực kinh tế ngầm hàm ý mang tính chất illegal bất hợp pháp, là những hoạt động mà xã hội hay pháp luật không thừa nhận, Còn phi chính thức thì như một bà bán rau, bà vẫn là người đàng hoàng và sống bằng nghề bán rau, bà không ngầm không phi pháp gì cả nhưng hoạt động bán rau ngoài chợ thì không ai ghi lại cả, bà thuộc về khu vực kinh tế phi chính thức thôi.
Thế còn kinh tế ngầm ví dụ như kinh doanh ma túy hoặc súng đạn hoặc những gì pháp luật không đồng ý thì tôi nghĩ Cục Thống Kê họ không thống kê được, thứ hai là họ cũng không định thống kê những cái đấy. Thống kê là thống kê cái bà bán rau kìa, nói nôm na là như vậy, tức là những người không đăng ký mà vẫn sống lương thiện và có đóng góp cho xã hội.
Vì sao đến giờ Việt Nam mới tính đến việc đưa kinh tế chưa quan sát vào GDP, viện trưởng Nguyễn Đức Thành của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách viện dẫn 2 lý do :
Một là vấn đề kỹ thuật có thể là bây giờ mới bắt đầu có kỹ thuật để tiếp cận khu vực phi chính thức này. Tôi biết nhiều nhà khoa học đã làm việc rất chăm chỉ trong 10 năm qua mới có thể định hình cũng như có nhận định nhất định. Cách thống kê này đòi hỏi Việt Nam phải học hỏi mới làm được.
Lý do thứ hai, ông Nguyễn Đức Thành giải thích tiếp, là có thể bản thân chính phủ cũng không hài lòng với thống kê chính thức về GDP mà lại bỏ qua khu vực phi chính thức :
Bởi vì khi mà không thống kê đủ những giá trị về bản chất của GDP là các giá trị do con người Việt Nam này tạo ra chính thức không thôi và bỏ qua cái phi chính thức, bây giờ tính được phi chính thức vào thì nó giúp GDP được chính xác hơn, biết được thực sự mức sống của người Việt Nam là như thế nào. Các nhà khoa học và bản thân tôi khi nghiên cứu cũng hình dung rằng cái GDP không quan sát được không thống kê được lên đến 30% của cái GDP chính thức và quan sát được.
Như vậy nếu đưa khu vực này vào sẽ cho thấy con số thống kê GDP của Việt Nam cũng như GDP trên đầu người Việt Nam tăng lên, phản ánh gần cái mức
sống thật của người Việt hơn.
Các chuyên gia kinh tế, tài chính và thị trường đồng ý rằng đưa kinh tế chưa quan sát vào GDP thì dư địa đầu tư công tăng, tuy nhiên đây là công việc phức tạp và nếu thiếu chuẩn xác thì hệ lụy của nó không hề nhỏ. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành giải thích khía cạnh tế nhị khá là tế nhị mà phức tạp này :
Dư địa là không gian chính sách, policy space, không gian chính sách rộng hơn cho phép người ta làm cái gì đấy. Nhiều người lo rằng GDP mà bao gồm cả phần không quan sát được, và luật của Việt Nam cho phép nợ công của chính phủ bằng 65% GDP thì bây giờ GDP tăng lên 30% vì cộng thêm 30% phần không chính thức vào.
Đây là thí dụ minh họa mà ông Nguyễn Đức Thành đưa ra, thể hiện điều chuyên gia lo ngại là chính phủ sẽ dựa vào cái GDP mới đó để tăng nợ công lên :
Vấn đề là nợ công hay những khoản chi tiêu của chính phủ và cái khoản để chính phủ trả nợ trong tương lai chỉ có thể thu được từ khu vực chính thức thôi, còn cái không thu được, không thống kê được thì gọi là phi chính thức, vì thế tăng GDP lên cộng thêm khu vực phi chính thức không thu được thuế vào thì khả năng trả nợ không tăng lên.
Tôi cho rằng khu vực không chính thức thống kê được là tốt nhưng tôi không đồng tình là đưa cái đấy vào trong GDP chính thức để từ đó tăng nợ lên. Tôi nhắc lại vấn đề ở chỗ là cái thuế sẽ không tăng được tương ứng.
Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cho rằng ở các nước thường người ta không tính tổng sản phẩm của khu vực chưa quan sát vào với GDP vì thực tế rất khó mà tính toán cho chính xác.
Nếu tính không chính xác thì nó ảnh hưởng rất lớn, nó tạo ra một cái GDP ảo có tác động có những mặt hệ lụy khác. Còn trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam thì sao, khi mà theo tiến sĩ Ngô Trí Long thì những điều như thống kê, số liệu hay đầu vào đều chưa đủ mức độ tin cậy :
Đối với Việt Nam thì ngay những con số chính thức cũng còn chưa chuẩn xác huống chi tính đến khu vực kinh tế chưa được quan sát. Tính không chính xác thì nó gây ảo tưởng cho người ta, thực tế chỉ là 10 nhưng tính lên 30 thì ngoài ảo tưởng phải chăng còn là bệnh thành tích.
Ngoài ra trần nợ công là điều quan trọng thứ hai mà tiến sĩ Ngô Trí Long muốn đề cập tới để củng cố cho quan ngại của ông và nhiều người khác :
Quốc hội qui định trần nợ công là 65% GDP mà nếu tính không thực, ví dụ thực tế chỉ là 5 mà tính lên thành 20 hoặc 30 thì trần nợ công sẽ tăng và không phản ảnh đúng. Nếu tính thì căn cứ vào cơ sở nào để tính chuẩn xác và có mức độ tin cậy, chứ còn theo tôi bối cảnh của Việt Nam cực kỳ là khó khăn, một thách thức rất lớn chứ không hề đơn giản.
Thận trọng, nghiêm túc, chính xác và đáng tin cậy là yêu cầu mà cũng là cảnh báo của giới chuyên gia trong nước đối với đề án đưa kinh tế chưa kiểm soát vào GDP mà Nhà Nước đã phê duyệt.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 27/02/2019
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc hết là "công xưởng toàn cầu" nhờ nhân công nhiều và rẻ. Nhưng đà tăng trưởng suy giảm và viễn ảnh thương chiến dai dẳng với Hoa Kỳ còn khiến giới đầu tư nước ngoài đi tìm thị trường kế cận là các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về trào lưu này.
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, giới quan sát tài chính có thấy một trào lưu mới trong khu vực Đông Nam Á, gồm hơn 650 triệu dân và có sản lượng kinh tế tổng cộng chừng 3000 tỷ đô la một năm, là nơi tiếp nhận rất nhiều đầu tư trực tiếp của nước ngoài, và hiện tượng đó còn tăng tốc rất mạnh trong năm 2018 vừa qua. Đáng chú ý không kém là lượng đầu tư ấy còn cao hơn số đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Như vậy, phải chăng giới đầu tư quốc tế đang rút khỏi Trung Quốc mà dồn tiền vào các nước Đông Nam Á ?
Công nhân tại nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử Samsung Electronics Vietnam - Vietnamnet
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn về dài thì khu vực Đông Nam Á được giới đầu tư quốc tế chú ý từ lâu, với lượng đầu tư tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, trung bình là 7% một năm. Chiều hướng đó được đẩy mạnh từ năm sáu năm trước, khi kinh tế Trung Quốc hết giữ vai trò "công xưởng toàn cầu" nhờ có dân số đông và nhân công rẻ. Diễn đàn này của chúng ta dự báo sự kiện đó hơn năm năm về trước và nói đến triển vọng cho Việt Nam. Ngày nay, nhiều chuyển động khác còn đẩy mạnh chiều hướng đó hơn nữa.
Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng mạnh như xưa ; thứ hai, khó khăn chính trị bên trong và nhiều mâu thuẫn đa diện với Hoa Kỳ ở bên ngoài khiến thị trường Trung Quốc hết là nơi đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, trong năm 2018 vừa qua, lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài đổ vào Đông Nam Á lại cao hơn số đổ vào Trung Quốc… Xin nói thêm rằng người ta quen gọi tắt "đầu tư trực tiếp của nước ngoài" bằng Anh ngữ là FDI.
Thanh Trúc : Thưa ông, thính giả của chúng ta có thể thắc mắc là vì sao kinh tế Trung Quốc có một tỷ 400 triệu dân với đà tăng trưởng dù có sụt và chỉ còn dưới 7% và sản lượng kinh tế chừng 13 ngàn tỷ một năm, lại không thu hút được đầu tư của quốc tế ngoài bằng các nước Đông Nam Á dầu sao cũng chỉ có 650 triệu dân, và sản lượng chừng ba ngàn tỷ, với đà tăng trưởng coi như cao nhất là Việt Nam thì cũng chừng 7% một năm mà thôi ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Câu hỏi rất hay vì cho chúng ta thấy lối tính của các doanh nghiệp khi chọn nơi đầu tư. Về bối cảnh chumg thì năm ngoái, lượng đầu tư trực tiếp của quốc tế ra ngoài giảm gần 20%. Tại sao như vậy ? Thứ nhất, vì Hoa Kỳ dưới chính quyền của ông Donald Trump thay đổi đạo luật thuế khóa và khuyến khích doanh nghiệp Mỹ hồi hương tư bản để đầu tư ở nhà hầu tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ. Thứ hai, trận thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh khiến hàng hóa Trung Quốc có thể bị áp thuế nhập nội cao hơn. Thứ ba là mâu thuẫn Mỹ-Hoa sẽ chi phối các nghiệp vụ đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Trung Quốc, nên họ phải tìm bãi đáp ở nơi khác, nơi đó là khu vực Đông Nam Á gần Trung Quốc. Và yếu tố thứ tư là khả năng xuất khẩu của Đông Nam Á khi mà sức nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm dần.
Thành thử khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành bệ phóng cho việc xuất cảng ra ngoài, cho nên dù lượng đầu tư trực tiếp FDI toàn cầu có giảm 19% năm ngoái, đầu tư vào Đông Nam Á vẫn tăng đến hơn 10% lên tới 145 tỷ đô la, tương đương với 20% của tổng số đầu tư quốc tế. Nói cho gọn thì khu vực Đông Nam Á đang có thế mạnh khi đàm phán và tiếp nhận đầu tư của các nước khác.
Thanh Trúc : Nói về thế mạnh đó của Đông Nam Á, ông cho rằng những yếu tố nào là đáng kể nhất ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung thì thị trường hơn 650 triệu dân có mãi lực cao, lợi tức trung bình một đầu người là 4.600 đô la một năm chứ không ít. Thứ hai là phí tổn trong ngành chế biến tương đối vẫn còn thấp nên đầu tư dễ có lời cao trong một chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiều nước cùng góp phần ráp chế một sản phẩm. Yếu tố thứ ba là 10 nước trong Hiệp Hội Quốc Gia Đông Nam Á, gọi là ASEAN, có giao kết tự do thương mại với các khối kinh tế lớn nên hàng hóa dễ bán hơn.
Thứ tư, khu vực này còn có đặc tính đa năng và đa diện khả dĩ đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau của thiên hạ, tôi xin nêu vài thí dụ : Singapore là một trung tâm tài chính có thể mở ra toàn khu vực ; Indonesia là nơi tiếp nhận đầu tư về công nghệ hay thuật lý cao ; Thái Lan, Malaysia và Philippines là những nơi có sẵn hạ tầng chế biến mặt hàng tiêu dùng, xưa kia là ưu thế của Trung Quốc nay sẽ cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Dù còn nghèo thì Lào vẫn là xứ có tiềm năng vế khoáng sản và thủy điện, Cam Bốt cũng đang bước từ nghề may mặc áo quần lên chế biến hàng điện tử, còn Miến Điện hay Myanmar cũng có thể ra khỏi khủng hoảng mà trở thành cửa ngõ giao dịch với Ấn Độ Dương.
Thanh Trúc : Thưa ông, còn Việt Nam trong khu vực đó có những thế mạnh gì ?
Công nhân xây dựng công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội có vốn trợ cấp của Trung Quốc. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam có dân số gần trăm triệu chứ không ít và với đà tăng trưởng được coi như cao nhất khu vực nên vẫn có hy vọng thu hút đầu tư vào các ngành chế biến sơ đẳng như áo quần, giầy dép, đồ gỗ lẫn ráp chế điện tử tương đối đòi hỏi tay nghề cao hơn. Năm qua, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng được 9%, là điều đáng mừng. Nhưng vì ba trở ngại là hạ tầng cơ sơ vật chất lẫn luật pháp chưa cải thiện bằng xứ khác, tham nhũng vẫn tràn làn và trình độ tay nghề của các nhân viên chuyên môn còn thấp nên Việt Nam chưa khai triển hết lợi thế của mình khi đàm phán và thuyết phục giới đầu tư nước ngoài. Việc cải cách cơ chế và thực thi các cam kết về môi sinh và lao động trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ có sức thuyết phục rất cao.
Nhìn về dài cho một viễn ảnh phát triển trường kỳ thì Việt Nam nên thu hút đầu tư của nước ngoài làm lực đẩy cho đầu tư nội địa, của người Việt Nam. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đều tính toán như vậy.
Thanh Trúc : Nếu nhìn từ giác độ của giới đầu tư ngoại quốc như từ Hoa Kỳ, Âu Châu hay Đông Bắc Á thì họ thấy những gì là ưu thế lâu dài của Đông Nam Á để tới nơi rồi sẽ ở lại thay vì tìm bãi đáp khác ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, việc tìm một bãi đáp khác cũng mất nhiều năm chứ không dễ đâu !
Trước đây, Trung Quốc là nơi hấp dẫn đầu tư để bán hàng ra ngoài cho tới khi kinh tế thay đổi vì yếu tố dân số khiến nhân công không còn rẻ và vì chiến lược của Bắc Kinh là từ bỏ dần các ngành chế biến hạng thấp để tiến lên trình độ sản xuất cao hơn thì Đông Nam Á là cơ hội điền thế vào khoảng trống Trung Quốc.
Bây giờ, khi đà tăng trưởng sút giảm và mâu thuẫn của Trung Quốc với Hoa Kỳ gia tăng thì cơ hội đó càng sáng tỏ. Mặc dù Trung Quốc vẫn còn ưu thế là có chuỗi cung ứng sản phẩm trải rộng nhưng động thái gay gắt của Bắc Kinh càng khiến giới đầu tư muốn tìm nơi khác.
Chẳng hạn như Đài Loan đã đầu tư rất mạnh vào thị trường Trung Quốc nhưng nay khuyến khích các doanh nghiệp của họ tìm xuống hướng Nam cho an toàn. Nam Hàn cũng thấy mức lời từ Trung Quốc giảm dần trong lâu dài nên tìm xuống các thị trường Đông Nam Á và đang thương thuyết hiệp ước tự do mậu dịch với Indonesia, Malaysia và Philippines.
Thanh Trúc : Ông nói tới "chuỗi cung ứng" của Trung Quốc là một ưu thế, thưa ông, thính giả của chúng ta có thể muốn biết cái đó là gì vậy ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một sản phẩm hoàn tất kết hợp nhiều cơ phận và là đóng góp từ nhiều quốc gia. Thí dụ như sản phẩm nói là chế tạo tại Trung Quốc để bán ra ngoài có phần đóng góp của xứ khác khi sản xuất từng cơ phận chế ráp thành một sản phẩm hoàn tất. Nhà đầu tư hội nhập các yếu tố cung cấp từ nhiều nơi và dù có nhãn hiệu "Made in China", phần đóng góp thuần túy của Trung Quốc không là 100%.
Nhưng ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn của nhiều nước Á Châu như Đài Loan, Nam Hàn, thậm chí Việt Nam. Khi mâu thuẫn gia tăng với Mỹ và số xuất khẩu vào Trung Quốc giảm thì giới đầu tư muốn lập ra một hệ thống ráp nối khác, một chuỗi cung ứng khác.
Thanh Trúc : Nói về Việt Nam thưa ông, đâu là lợi thế và đâu là rủi ro của xứ này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh tế Việt Nam có nhược điểm là 1/ quá lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài để xuất khẩu và cơ bản là làm gia công cho xứ khác, 2/ mua nhiều nhất từ Trung Quốc nhưng lại bán nhiều nhất vào thị trường Hoa Kỳ, 3/ thiếu quân bình vĩ mô về công chi thu vả chính sách tiền tệ nên có thể kém sức cạnh tranh nếu so sánh với các lân bang trong khu vực.
Nhưng trận thương chiến Mỹ-Hoa lại mở ra cơ hội mới và đó là lợi thế. Như Tháng Giêng vừa qua, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tăng hơn 50% so với năm ngoái, chủ yếu là vào các khu vực khoa học, điện tử, thông tin và viễn thông. Nói tới "chuỗi cung ứng" thì ta nhớ khái niệm "trị giá gia tăng", mọi quốc gia đều mong góp phần sản xuất với trị giá gia tăng cao hơn của mình. Muốn vậy thì Việt Nam nên nhân cơ hội nâng cấp đóng góp của nhân công và doanh nghiệp nội địa và đấy cũng là cơ hội thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Thanh Trúc : Nói về viễn ảnh lâu dài, thưa ông, Việt Nam nên khai thác cơ hội này như thế nào cho năm bảy năm tới ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn trong trường kỳ, Việt Nam nên nhắm vào mục tiêu hơi trái ngược. Đó là phải ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu để tránh ảnh hưởng thăng giáng bất thường của thị trường quốc tế, chỉ dấu cảnh báo trước mắt là xuất cảng tháng trước đã giảm hơn 1,2%. Mục tiêu thứ hai là gia tăng khả năng đóng góp của doanh nghiệp nội địa hầu bớt lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài.
Nghịch lý hơi khó hiểu ở đây là khi giới đầu tư quốc tế đang nhìn vào Việt Nam như một nơi kiếm lời cao hơn thì Việt Nam phải chuẩn bị cho việc doanh nghiệp của mình sẽ có mức lời cao hơn. Sau Nhật Bản thì Nam Hàn hay Đài Loan cũng đã tính toán như vậy từ nửa thế kỷ trước, để ngày nay là những chủ đầu tư mà các nước Đông Nam Á đều trông ngóng, mời chào.
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Thanh Trúc m xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
Thanh Trúc thực hiện
Nguồn : RFA, 27/02/2019
Trong hai ngày 27 và 28 tháng này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn là Kim Chính Ân tại Hà Nội. Sau thượng đỉnh ngày 12 Tháng Sáu năm ngoái tại Singapore, đây là lần thứ nhì mà lãnh tụ hai nước gặp nhau để thảo luận việc Bắc Hàn từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên, nhưng vì hội nghị được tổ chức tại Việt Nam nên nhiều người hy vọng là lãnh đạo Bắc Hàn có thể học hỏi kinh nghiệm đổi mới kinh tế của Hà Nội. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu triển vọng này.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự Cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương 7 của Đảng Lao động Hàn Quốc (WPK) ở Bình Nhưỡng ngày 18/5/2018 - AFP
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, để chuẩn bị hai ngày hội họp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Hà Nội vào ngày 27 và 28, lãnh tụ Kim Chính Ân của Bắc Hàn sẽ tới Việt Nam từ ngày 25 và nhiều người mong là Bắc Hàn có thể chứng kiến sự đổi mới của Việt Nam mà tiến hành việc cải cách kinh tế ở nhà. Ông nghĩ sao về hy vọng đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu tôi nhớ không lầm thì chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gợi ý này từ Tháng Chín năm ngoái. Quả thật là nền kinh tế quá lạc hậu và sa sút của Bắc Hàn cần được cải cách, miễn là không đe dọa sự tồn tại của một chế độ độc tài, và kinh nghiệm đổi mới kinh tế của Việt Nam từ ba chục năm trước có thể là một giải pháp cho lãnh tụ Kim Chính Ân. Tổng thống Donald Trump cũng dùng ẩn dụ là kinh tế Bắc Hàn có thể nhảy vọt như một hỏa tiễn mà không gây chiến tranh. Khi tới Hà Nội, lãnh tụ Kim Chính Ân có thể chứng kiến một số hình ảnh đổi mới tại Việt Nam mà học hỏi thêm kinh nghiệm về cải cách. Nhưng chúng ta cần đặt vấn đề vào một bối cảnh rộng lớn hơn.
Trước hết, sau Chiến tranh Cao Ly từ năm 1950 tới 1953, hai nước Nam Bắc Hàn vẫn chưa bình thường hóa quan hệ với nhau và Bắc Hàn vẫn chưa có một hòa ước với Hoa Kỳ. Vì vậy, đối thoại giữa hai chế độ Nam-Bắc Hàn là một bước ưu tiên. Thứ hai, chính là Nam Hàn, mà người ta gọi là Đại Hàn Dân Quốc, mới là một mẫu mực cải cách kinh tế cho Trung Quốc và Việt Nam và sau khi cải tổ kinh tế với sự yểm trợ của Hoa Kỳ vào những năm 60 của thế kỷ trước, Nam Hàn còn cải cách về chính trị để có chế độ dân chủ và trở thành một quốc gia tiên tiến hiếm hoi. Trong cuộc đối thoại giữa hai chế độ Hán Thành và Bình Nhưỡng từ năm ngoái, Bắc Hàn có thể cũng đã tìm hiểu và học kinh nghiệm của Nam Hàn.
Thanh Trúc : Như vậy, ông cho rằng Bắc Hàn nên học kinh nghiệm cải cách kinh tế của Nam Hàn ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài khía cạnh đồng văn và ngôn ngữ thì yếu tố quốc gia dân tộc của hai nước cũng là điều nên nhớ : niềm tự hào dân tộc là động lực vô hình mà đáng kể khi một dân tộc vẫn bị chia đôi từ 70 năm qua. Việc Nam Hàn đầu tư mạnh vào Việt Nam, với điển hình là vai trò của tổ hợp Samsung, tất nhiên được Bắc Hàn chú ý. Đáng chú ý hơn vậy là vai trò của tư nhân trong việc phát triển Nam Hàn. Vì vậy, bài học mà Bắc Hàn nên ghi nhận là quyền tư hữu và vị trí của tư nhân, của tư doanh. Bài học đó không đến từ Việt Nam mà đến từ Nam Hàn, một quốc gia tôn trọng dân chủ và quyền sáng tạo của người dân.
Thanh Trúc : Một đặc điểm then chốt của chế độ Bắc Hàn từ năm 1948 cho tới nay là tinh thần họ gọi là "tự chủ" nhưng lại theo phương pháp cộng sản và còn muốn thống nhất hai miền bằng giải pháp quân sự. Nam Hàn cũng có tinh thần tự chủ, chẳng hạn như với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày nay, nhưng người dân của họ lại thịnh vượng và hạnh phúc hơn người dân Bắc Hàn. Thưa ông, đấy có là một yếu tố đáng suy ngẫm hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng như vậy và nếu ra khỏi chế độ bưng bít thông tin để tuyên truyền thì người dân Bắc Hàn cũng có dịp so sánh với đồng bào của họ tại miền Nam. Trở lại nội dung kinh tế, thì lý luận tự chủ của chế độ Bắc Hàn khiến họ hy sinh kinh tế cho quân sự để thành một cường quốc quân sự trong sự lầm than của người dân. Vì vậy, cái gốc của sức mạnh vẫn là kinh tế và các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn có thể giúp Bắc Hàn tái thiết kinh tế. Vấn đề là tái thiết theo hướng nào ?
Thanh Trúc : Như ông nghĩ thì Bắc Hàn nên tái thiết kinh tế theo hướng nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là họ nên đi lại từ đầu và học kinh nghiệm thất bại của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông trong cái gọi là "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" hay "Đại Dược Tiến" làm mấy chục triệu người chết đói từ 1958 tới 1961.
Vấn đề ở đây là lãnh đạo thiếu thông tin về thực tế của đời sống. Vì vậy, hướng cải cách đầu tiên của Bắc Hàn là tìm ra định nghĩa chính xác của Tổng sản lượng GDP làm dụng cụ đo lường xác thực, sau đó là tổ chức bộ máy thu thập thống kê để biết rõ về tình hình thực tế. Bộ máy đó không là thống kê khó tin của Trung Quốc hay Việt Nam.
Chuyện thứ hai là trong nền kinh tế thị trường, người ta có nhiều thông tin chuẩn xác về cung và cầu, kết tụ vào cái giá của hàng hóa hay dịch vụ. Lãnh đạo một quốc gia cần có loại thông tin ấy để lấy các quyết định kinh tế. Nếu Bắc Hàn muốn cải cách thì nên khởi sự từ đó, vì việc lập ra bộ máy thông tin kinh tế sẽ mất cả chục năm mới thành hình. Một ví dụ là chúng ta có ít thông tin về quan hệ giao thương giữa Việt Nam với Bắc Hàn và chỉ nghe nói khi Việt Nam giúp Bình Nhưỡng thoát lệnh cấm vận kinh tế với than đá của Bắc Hàn. Điều ấy thật ra gây bất lợi kinh tế cho Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Singapore ngày 12/06/2018. AFP
Thanh Trúc : Hồi nãy, ông vừa nói về vai trò then chốt của tư doanh Nam Hàn, nếu Bắc Hàn tiến hành cải cách, nếu vậy Bắc Hàn nên làm gì với hệ thống kinh tế quốc doanh của họ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đây là lúc ta trở về bài học của Việt Nam ! Sau khi đổi mới lần hai vào năm 1991 thì từ năm 1992, Việt Nam muốn cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước mà cho tới nay là gần 30 năm sau vẫn chưa xong. Việc cổ phần hóa hay tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế quốc doanh vẫn tiến quá chậm vì hai hiện tượng cấu kết và tham nhũng.
Kinh nghiệm Nam Hàn với tổ hợp Samsung khét tiếng toàn cầu cũng là bài học sau khi Tổng thống Phác Cận Huệ bị truất phế và vào tù cùng nhiều quản trị viên cao cấp của Samsung.
Lý do là mọi cơ sở sản xuất, công lẫn tư, đều muốn bành trướng thị phần về kinh doanh hay ảnh hưởng về chính trị, hệ thống quốc doanh Bắc Hàn và tư doanh Nam Hàn cũng vậy và đấy là vấn đề mà lãnh đạo nên sớm nhìn ra để trù liệu trước. Một lần nữa, Nam Hàn có nhiều bài học về cải cách hay đổi mới kinh tế cho Bắc Hàn. Bài học từ Trung Quốc hay Việt Nam là kinh nghiệm thất bại và Bắc Hàn không nên nhập cảng các "quả đấm thép" của Việt Nam !
Thanh Trúc : Một khía cạnh ngoài kinh tế mà cũng đáng chú ý là quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và với Bắc Hàn. Thưa ông, quan hệ đó có chi phối tiến trình cải cách kinh tế của Bắc Hàn hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Hàn qua ba thế hệ từ ông Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật tới Kim Chính Ân ngày nay vẫn nghi ngờ Bắc Kinh chứ không hoàn toàn là một chư hầu dễ sai khiến. Việt Nam cũng có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc sau cuộc chiến năm 1979 mà 40 năm sau, Hà Nội mới cho báo chí tường thuật lại trong khi báo chí Bắc Kinh lại bỏ qua làm các cựu chiến binh của họ bất mãn không ít.
Quốc gia nào cũng có nhiều khó khăn nội bộ mà họ coi là ưu tiên, khó khăn của Trung Quốc thực ra nghiêm trọng hơn cả, cho nên việc chi phối Bắc Hàn trong quan hệ với Hoa Kỳ là có, nhưng chẳng là ưu tiên số một. Mà ngược lại, viễn ảnh Đại hội đảng vào năm 2021 tại Việt Nam mới là ưu tiên then chốt vì sẽ bầu lên thế hệ lãnh đạo mới. Nghịch lý ở đây là lãnh đạo Bắc Hàn lại chẳng gặp những ưu tiên chính trị đó, cho nên có thể chọn các giải pháp cải cách kinh tế của họ với sự khuyến nghị của Nam Hàn.
Một chuyện nhỏ khác mà cả Hà Nội lẫn Bình Nhưỡng đều muốn bỏ qua là việc một thiếu phụ Việt Nam can dự vào việc Bắc Hàn cho ám sát người anh cùng cha khác mẹ của Kim Chính Ân là Kim Chính Nam cách nay đúng hai năm. Vụ đó làm Hà Nội lúng túng mà chưa biết nói sao vì nghi can này bị xử tại xứ Malaysia.
Thanh Trúc : Trở lại yêu cầu cải cách kinh tế của Bắc Hàn, ông nghĩ là lãnh đạo Bình Nhưỡng nên làm những gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng ưu tiên sinh tử của Bắc Hàn vẫn là sự tồn tại của chế độ và họ có thể tham khảo ý kiến của Việt Nam khi chế độ Hà Nội vẫn tồn tại sau đổi mới nhờ du nhập một số lý luận tư bản chủ nghĩa có chọn lọc.
Nhưng thật ra, Việt Nam vẫn tụt hậu nếu so với nhiều lân bang Đông Nam Á, chưa nói tới Nam Hàn hay Đài Loan. Nếu muốn phát triển thành một cường quốc kinh tế sau này, Bắc Hàn nên học Nam Hàn. Từ năm chục năm trước, Nam Hàn đã có kế hoạch phát triển các khu vực công nghiệp ưu tiên với nhiều thành công chói lọi mà cũng có một số trở ngại nên Bắc Hàn có thể học được. Bài học cơ bản là nên giải phóng sức dân để chính người dân sẽ tạo ra những thay đổi và có lẽ từ cả năm nay, lãnh đạo Nam và Bắc Hàn đã nói về những thay đổi ấy. Với tinh thần tự chủ và tự kiêu, chưa chắc họ đã coi Việt Nam là một mẫu mực mặc dù quốc tế vẫn cứ nói về thành tựu kinh tế rất biểu kiến của Việt Nam.
Thanh Trúc : Nếu như vậy, có lẽ ông hàm ý là Bắc Hàn nên học Nam Hàn hơn là học kinh nghiệm của Việt Nam ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh nghiệm nên học từ Việt Nam là phải tránh một cuộc chiến tương tàn trong nội bộ rồi thống nhất trong lầm than khi người Việt thời ấy chẳng thua kém gì nhiều sắc tộc khác. Ngày nay, Việt Nam thua cả Nam Hàn, Đài Loan lẫn nhiều quốc gia Đông Nam Á khác ở chung quanh như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan hay thậm chí Miên và Lào. Vì vậy, sau nhiều ồn ào của dư luận quốc tế, Bắc Hàn sẽ tìm ra bài học cải cách khác và bài học đó từ Việt Nam là những gì nên tránh. Là người Việt Nam, tôi không vui với kết luận này....
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Thanh Trúc xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
Thanh Trúc thực hiện
Nguồn : RFA, 19/02/2019