Ấn Độ-Thái Bình Dương : Pháp muốn phát huy con đường "thứ ba" giữa Mỹ và Trung Quốc
Trọng Nghĩa, RFI, 24/07/2023
Sau chặng ngừng ở Nouvelle-Calédonie, lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp, tổng thống Emmanuel Macron sẽ tiếp tục chuyến công du của ông tại miền nam Thái Bình Dương qua hai đảo quốc Vanuatu và Papua New Guinea, trong hai ngày 27-28/07/2003. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu cho thấy vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương đang trở thành một ưu tiên ngoại giao của Paris, muốn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, làm một chỗ dựa tốt cho những nước không muốn bị lôi cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ -Trung
Bản đồ về tình hình an ninh tại Ấn Độ Thái Bình Dương do bộ Quân Lực Pháp đăng tải. © franceintheu
Phải nói là đối với nước Pháp, hai chặng Vanuatu và Papua-New Guinea mang tính chất "lịch sử", vì hai nước chưa từng đón tiếp bất kỳ một tổng thống Pháp nào. Vào năm 1966, tổng thống de Gaulle đã từng ghé Vanuatu, nhưng khi ấy lãnh thổ này chưa được độc lập mà vẫn là thuộc địa của Pháp-Anh có tên là New Hebrides.
Theo giới quan sát, tại Vanuatu và Papua-New Guinea, hai quần đảo nằm ở phía bắc nước Úc, tổng thống Macron sẽ nỗ lực quảng bá cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Paris nhằm tăng cường trở lại sự hiện diện của Pháp trong khu vực.
Đối với ông Macron, phát huy vai trò của Pháp tại vùng này dường như đã trở thành một "ưu tiên ngoại giao", mà những biểu hiện gần đây nhất là việc nước Pháp đã trải thảm đỏ đón thượng khách là thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhân dịp lễ Quốc Khánh 14/07 vừa qua, hay trước đó là việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Indonesia, một nước lớn ở vùng Đông Nam Á.
Cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương
Mối quan tâm của Pháp đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng dễ hiểu, vì khu vực này là trung tâm đầu não của thương mại thế giới, là nơi diễn ra cuộc chiến căng thẳng để giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh ngày càng quyết đoán tại Biển Đông, không ngần ngại lấn lướt các nước láng giềng như Việt Nam hay Philippines, đồng thời cố gắng dệt mạng lưới ngoại giao trong khu vực qua các thỏa thuận thương mại và an ninh với Quần Đảo Solomon, Fiji và Vanuatu.
Về phần mình, Washington cũng đang phản công bằng cách tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, phát huy hàng loạt các liên minh như Aukus (kết hợp với Anh và Úc), Quad (với Úc, Nhật và Ấn), hay tăng cường liên kết với các đồng minh truyền thống là Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như gia tăng hỗ trợ Đài Loan.
Cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt đã khiến rất nhiều nước trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn bất an, vì vừa phải dựa vào Bắc Kinh về kinh tế và thương mại, vừa phải dựa vào Washingon về an ninh và quốc phòng.
Đối mặt với tình trạng đó, theo một cố vấn của Điện Elysée, Pháp muốn cung cấp cho các nước trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương "một giải pháp thay thế", một con đường "thứ ba", như tổng thống Macron từng đề cập đến vào tháng Tư vừa qua khi ông kêu gọi Châu Âu không nên "theo đuôi" Washington.
Đối với giới phân tích, ý tưởng của Paris có thể là rất hay, vì dẫu sao Pháp là quốc gia Châu Âu hiếm họi có mặt ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nhờ các lãnh thổ hải ngoại (Nouvelle-Calédonie, Wallis-and-Futuna, Polynésie thuộc Pháp, Réunion...).
Tuy nhiên, câu hỏi chủ yếu đặt ra là liệu Paris có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược của mình hay không. Một báo cáo của Thượng Viện Pháp vào đầu năm 2023 đã chỉ ra rằng các phương tiện tài chính không "đạt đến đỉnh cao của những tham vọng được thể hiện", đặc biệt là trong các vấn đề quân sự.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 24/07/2023
*************************
Tổng thống Pháp đến Nouvelle-Calédonie, bắt đầu chuyến công du Nam Thái Bình Dương
Trọng Nghĩa, RFI, 24/07/2023
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Nouvelle-Calédonie, lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại tây nam Thái Bình Dương vào hôm nay, 24/07/2023, bắt đầu một chuyến công du 5 ngày sẽ đưa ông đến Vanuatu và Papua New Guinea, hai đảo quốc nhỏ trong khu vực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) cùng bộ trưởng Nội Vụ Gerald Darmanin (trái), bộ trưởng Hải Ngoại (phải) đến sân bay quốc tế La Tontouta ở Nouméa, ngày 24/07/2023. AFP – Ludovic Marin
Phát biểu vào chiều nay ngay sau khi đặt chân xuống phi trường quốc tế Nouméa, thủ phủ vùng Nouvelle-Calédonie, tổng thống Pháp đã phác họa ba trọng tâm trong chuyến đi của ông : "Tập hợp", "khôi phục niềm tin chung" và "mở cửa ra quốc tế".
Nhắc lại chuyến thăm Nouvelle Calédonie đầu tiên của ông cách nay hơn 5 năm, chính xác là vào tháng 5 năm 2018, tổng thống Macron khẳng định là Paris đã tuân thủ các cam kết đối với người dân tại vùng lãnh thổ hải ngoại này, cụ thể là cho phép Nouvelle-Calédonie tổ chức 3 cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.
Theo tổng thống Pháp, trên cơ sở ý hướng mà người dân Nouvelle-Calédonie đã thể hiện thông qua các cuộc trưng cầu dân ý – tức là tiếp tục ở lại với nước Pháp – chính quyền trung ương trong năm qua đã nỗ lực chuẩn bị và chuyến thăm lần này là dịp để ông mở ra một "trang mới" cho vùng Nouvelle-Calédonie, cả về định chế lẫn các dự án phát triển tương lai.
Đối với tổng thống Macron, bài toán khó về vùng Nouvelle Calédonie vẫn là xu thế đòi độc lập ngày càng mạnh của người dân, cho dù là cả ba cuộc trưng cầu dân ý vào những năm 2018, 2020 và 2021 đều bác bỏ khả năng vùng này độc lập. Kết quả của cuộc bỏ phiếu vào tháng 12 năm 2021 với chiến thắng áp đảo của câu trả lời "không" (96,50% số phiếu) đã gây tranh cãi dữ dội, vì trưng cầu dân ý đã bị phong trào chủ trương Nouvelle-Calédonie độc lập tẩy chay.
Theo chương trình dự kiến, quy chế tương lai của vùng Nouvelle-Calédonie sẽ được tổng thống Macron đề cập đến trong cuộc gặp vào ngày thứ Tư 26/07 với tất cả các lực lượng chính trị tại lãnh thổ hải ngoại này. Riêng buổi làm việc ngày mai 25/07 sẽ được dành cho hồ sơ môi trường, cụ thể là vấn đề bờ biển bị xói mòn.
Theo đặc phái viên RFI tại Nouméa, cao vọng của tổng thống Macron là biến Nouvelle-Calédonie thành trung tâm phát huy ảnh hưởng quốc tế và lợi ích chiến lược của Pháp ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Trọng Nghĩa
Mỹ đã mất ưu thế quân sự tại Thái Bình Dương ? RFI, 19/08/2019)
Hoa Kỳ không còn ưu thế quân sự ở Thái Bình Dương và có thể ngày càng khó bảo vệ các đồng minh chống lại Trung Quốc, nước có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ trong khu vực.
Đội tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt, và USS Nimitz tại Thái Bình Dương. Ảnh chụp ngày 12/11/2017. James Griffin/U.S. Navy/Handout via Reuters
Theo báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ tại Đại Học Sydney, được công bố ngày 19/08/2019, quân đội Mỹ là một "lực lượng đang bị teo lại", với năng lực đã bị "vượt qua một cách nguy hiểm" và "thiếu chuẩn bị tốt" cho một cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Hãng tin Pháp AFP nhận xét : Nếu sự thực là như vậy, thì đánh giá của các chuyên gia Úc có ý nghĩa hệ trọng đối với nhiều đồng minh của Mỹ như Úc, Đài Loan hay Nhật Bản, những nước phụ thuộc nhiều vào các bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.
Báo cáo nhận định, sự kiện tổng thống Donald Trump với chủ trương "Nước Mỹ trên hết" lên cầm quyền tại Washington, đã làm các đồng minh Mỹ thêm lo ngại về khả năng Hoa Kỳ sẽ bớt mặn mà trong việc bảo vệ các đồng minh trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược chẳng hạn.
Thậm chí báo cáo còn cho rằng ngay cả khi muốn can thiệp, Hoa Kỳ cũng có thể gặp khó khăn.
Về Trung Quốc, các tác giả của công trình nghiên cứu thấy rằng Bắc Kinh ngày càng có khả năng dùng võ lực thách thức trật tự khu vực nhờ vào những khoản đầu tư quy mô lớn vào các phương tiện quân sự tiên tiến.
Dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chẳng hạn, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gần 75% lên thành 178 tỷ đô la. Tuy nhiên con số chính thức này thường bị cho là thấp hơn so với thực tế.
Báo cáo đặc biệt chú ý đến các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào các hệ thống tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao và các hệ thống chống can thiệp. Các loại vũ khí này sẽ gây khó khăn cho Mỹ khi cần đưa lực lượng đến một khu vực tranh chấp.
Theo công trình nghiên cứu Úc, "hầu hết các căn cứ của Mỹ và đồng minh, các phi đạo, hải cảng, cơ sở quân sự, ở Tây Thái Bình Dương" đều thiếu cơ sở hạ tầng và đang bị đe dọa.
Những điểm yếu kể trên có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc đánh chiếm được các vùng lãnh thổ như Đài Loan, các đảo do Nhật Bản quản lý hoặc các khu vực trên Biển Đông trong khi các lực lượng Mỹ không kịp can thiệp.
Đối với các chuyên gia Úc, để chống lại Trung Quốc, Mỹ cần phải cho triển khai hệ thống tên lửa trên bộ và thay đổi vai trò của Thủy Quân Lục Chiến, đồng thời đánh giá lại các chiến lược phòng thủ khu vực, gắn kết hơn với Nhật Bản và Úc.
Mai Vân
*****************
Không quân Mỹ "sẽ không từ bỏ" tuần tra tại Biển Đông (RFI, 19/08/2019)
Hôm 16/08/2019, tổng tham mưu trưởng Không Lực Hoa Kỳ David Goldfein tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp nước này bị tấn công.
Bức ảnh Hải Quân Hoa Kỳ chụp ngày 10/05/2015 : Máy bay của Không quân Hoàng gia Malaysia trong cuộc tập trận chung với khu trục hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Biển Đông.
Theo trang thông tin Philippines Rappler.com, trong chuyến thăm Manila, Philippines ngày 16/08/2019, tướng David Goldfein đã trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế qua điện thoại. Khi được hỏi về mức độ răn đe của hải quân và không quân Mỹ trước các hành động bành trướng của Trung Quốc trong thời gian qua, tướng Golfein tuyên bố "sẽ không từ bỏ khả năng bay hay đi qua" vùng biển mà Mỹ cảm thấy cần thiết.
Người đứng đầu lực lượng không quân Mỹ yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và coi các hành động vi phạm là "điều đáng quan ngại".
Ông khẳng định : các cam kết và sự hiện diện của Mỹ trong khu vực cho thấy Hoa Kỳ bảo đảm duy trì nơi đây thành khu vực chung rộng mở cho tất cả các nước. Và "tất cả các nước, kể cả Trung Quốc, đều hưởng lợi nhờ có tự do lưu thông".
Tình hình Biển Đông những năm gần đây trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Trung Quốc liên tục tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa khu vực này. Hành động tuần tra trên biển của Hoa Kỳ là lời cảnh cáo đối với Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc coi Hoa Kỳ "quốc gia ngoài vùng" và yêu cầu không can thiệp vào các vấn đề khu vực.
RFI tiếng Việt
******************
Tướng Không quân Mỹ khẳng định cam kết tiếp tục tuần tra Biển Đông (RFA, 18/08/2019)
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua khu vực Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc tìm cách kiểm soát tuyến đường biển chiến lược quan trọng này. Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ, tướng David Goldfein cho báo giới biết như vậy trong một họp báo qua điện thoại nhân chuyến thăm đến Philippines hôm 16/8.
Hình minh họa. Tàu sân bay USS Ronald Reagan - Courtesy of FB USS Ronald Reagan
tướng Goldfein và Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương - tướng Charles Brown vừa có chuyến thăm đến Philippines và Việt Nam từ ngày 16/8 vừa qua vào giữa lúc Trung Quốc đang có những hành động gây hấn đối với cả Manila và Hà Nội tại khu vực Biển Đông.
Tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng với đoàn tàu hộ tống vừa quay lại khu vực gần Bãi Tư Chính của Việt Nam hôm 13/8 sau vài ngày rút đi. Trước đó, đoàn tàu này cũng có mặt ở khu vực này từ đầu tháng 7 và ở lại hơn một tháng, bất chấp những phản đối chính thức về mặt ngoại giao của Việt Nam.
Trong cuộc gặp với báo chí ở Hà Nội vào ngày 18/8, tướng David Goldfein một lần nữa nhấn mạnh cam kết của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và phản đối các hành động của Trung Quốc. Ông nói :
"Tôi nhấn mạnh lại tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra. Đó là chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam trong khu vực. Chúng tôi hoàn toàn cam kết ủng hộ hoạt động hợp tác, đảm bảo quyền lợi hai nước.
Về việc Trung Quốc điều tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trước hết chúng tôi tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam. Chúng tôi luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam, chúng tôi sẽ theo sát các hoạt động của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác làm việc với Việt Nam".
Khi được hỏi liệu chuyến thăm của các quan chức cấp cao Không quân Mỹ đến Philippines và Việt Nam lúc này có liên quan gì đến những hành động của Trung Quốc thời gian gần đây ở Biển Đông, tướng Goldfein cho biết kế hoạch thăm đã chuẩn bị từ hơn 1 năm.
Các tướng Không quân Mỹ sẽ có những cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam vào ngày 19/8, trong đó có cuộc gặp với Trung tướng Lê Huy Vịnh - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 7/8, Hoa Kỳ cũng đã điều nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan đến thăm cảng Manila sau chuyến tuần tra Biển Đông của nhóm tàu này.
******************
Hai đại tướng Mỹ đến Hà Nội, giúp Việt Nam bảo vệ bãi Tư Chính ? (Người Việt, 19/08/2019)
Mỹ sẽ giúp Việt Nam bảo vệ bãi Tư Chính trên Biển Đông trước sự chèn ép của Bắc Kinh ? Báo chí của nhà nước cộng sản Việt Nam thuật lời hai vị đại tướng Mỹ nói trong cuộc họp báo với hàm ý như vậy.
Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái bình Dương Charles Brown Jr. (trái) và Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein họp báo tại Hà Nội. (Hình : Thanh Niên)
Đại tướng David L. Goldfein, tham mưu trưởng Không quân Mỹ và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương thăm Việt Nam vào hai ngày 18 và 19/08/2019, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, tại bãi Tư Chính.
Hai vị tướng Mỹ cùng cấp đại tướng của Không quân Hoa Kỳ cùng đến thăm Việt Nam một lúc, một chuyện hiếm thấy xảy ra.
"Về việc Trung Quốc điều tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trước hết chúng tôi tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam, chúng tôi sẽ theo sát các hoạt động của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác làm việc với Việt Nam", báo Người Lao Động thuật lời Đại tướng David Goldfein nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 18/8.
Tờ Tuổi Trẻ tường thuật cuộc họp báo với lời lẽ hơi khác một chút nhưng cùng nội dung khi viết : 7
"Trả lời câu hỏi của phóng viên về hành động của Mỹ trước các hoạt động của Trung Quốc, Đại tướng Goldfein nói : ‘Trước hết, chúng tôi tôn trọng lãnh đạo Việt Nam và quyền chủ quyền của Việt Nam trong việc bảo vệ lãnh thổ. Vì vậy nếu có bất kỳ hành động nào, chúng tôi sẽ trước tiên và quan trọng nhất là nỗ lực phối hợp cùng chính phủ Việt Nam và ủng hộ sự lãnh đạo của họ…’".
Còn tờ Thanh Niên thì viết rằng, trả lời câu hỏi của Thanh Niên về những cảnh báo gần đây trong giới chuyên gia quốc tế về nguy cơ Trung Quốc có thể tấn công và đánh chiếm những thực thể hiện không thuộc quyền kiểm soát của quốc gia nào theo luật quốc tế, cũng như phản ứng của Mỹ trong trường hợp này. Đại tướng Brown cho biết :
"…Về phản ứng của Mỹ, rất khó để tôi trả lời trước về những hoạt động thực tế sẽ tiến hành, nhưng với tư cách tư lệnh của không quân phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhiệm vụ của chúng tôi là đưa ra các phương án để các nhà lãnh đạo chính trị đưa ra quyết định. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ trao đổi với Việt Nam về những phương án mà chúng tôi đề xuất, cũng như cân nhắc sự phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực Biển Đông".
Các báo tại Việt Nam đã đặt các câu hỏi với hai tướng Mỹ về hành động ngang ngược của Trung Quốc đang diễn ra trên Biển Đông, khu vực bãi Tư Chính và các vùng biển phụ cận.
Trong cuộc họp báo, Đại tướng David L. Goldfein cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên của một tham mưu trưởng Không quân Mỹ đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Các ông sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của Việt Nam, trong đó "sẽ có thời gian làm việc nhiều với Trung tướng Lê Huy Vịnh, tư lệnh quân chủng Phòng Không-Không quân", theo báo Người Lao Động thuật lại.
Tờ Người Lao Động kể tiếp rằng, trước câu hỏi về hoạt động mua sắm vũ khí trong tương lai ngoài máy bay không người lái và tàu tuần tra, Đại tướng David Goldfein cho biết :
"Khi nói tới mua sắm vũ khí thì chúng ta nói về nền tảng để trang bị cho vũ khí đó. Khả năng phối hợp hợp tác với nhau giữa các nước quan trọng nhất là con người. Cơ hội tôi nhìn thấy trước mắt và gần nhất của chúng ta là hợp tác đào tạo, nâng cao kỹ năng con người giữa hai nước. Chúng tôi hoan nghênh và chào đón thêm sĩ quan trẻ Việt Nam sang các trường, học viện không quân để học tập và trau dồi kiến thức".
Hồi đầu tháng 6/2019, Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội đưa tin một phi công quân sự của Việt Nam, Thượng úy Đặng Đức Toại là phi công quân sự đầu tiên của cộng sản Việt Nam tốt nghiệp chương trình đào tạo phi công của Không lực Hoa Kỳ.
Trước đó 4 tháng, Đô đốc Philip S. Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Mỹ, ngày 12/02/2019, đã tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về chuyện Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện của Hoa Kỳ.
Hồi giữa tháng 12/2017, tin tức trên báo chí Việt Nam cho biết, khi Đại tướng Terrence J. O’shaughnessy, tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ, thăm và làm việc tại Việt Nam, hợp tác về "huấn luyện, đào tạo phi công" là một trong các chủ để thảo luận. (TN)
Mỹ bày trận chống Trung Quốc tại Thái Bình Dương
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh trả đũa Donald Trump. Không để Trung Quốc múa gậy vườn hoang tại Châu Á, Mỹ gia tăng sức ép ngoại giao và quân sự tại Thái Bình dương. Liệu có một Thiên An Môn thứ hai tại Hồng Kông ? Đó là những chủ đề nóng trên báo Pháp hôm nay.
Vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương (phần màu đậm trong bản đồ), địa bàn chiến lược mới trong chính sách an ninh của Hoa Kỳ. @Wikipedia
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang
Khác với các đồng nghiệp, nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến yếu tố chiến lược trong xung khắc Mỹ-Trung : Trong cuộc mặc cả thương mại này, Bắc Kinh sử dụng vũ khí tiền tệ để mở rộng mặt trận kinh tế và địa chính trị, tựa lớn trên trang nhất.
Chính vì thế mà sự kiện được La Croix chú ý nhất là chuyến công du của tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper và ngoại trưởng Mike Pompeo tại Thái Bình Dương. Washington đã tăng tốc trong cuộc chiến ngoại giao với Bắc Kinh. Tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ dành chuyến công du đầu tiên ở nước ngoài để đi thăm các đồng minh Thái Bình Dương, với mục đích không che dấu là "tăng cường sức mạnh trong khu vực, đối đầu với đe dọa quân sự của Trung Quốc".
Bên cạnh những tuyên bố trấn an, "khẳng định cam kết bảo vệ an ninh cho đồng minh và các nước bạn", là dự án triển khai vũ khí tại Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh. Cụ thể là Mỹ sẽ đưa tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500 km đến 5.000 km đến Châu Á. Theo François Godement, giám đốc Chương trình Châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Montaigne, một chuyên gia am tường tình hình Trung Quốc, những động thái này chỉ là "bước đầu" trong chiến lược đáp trả có phối hợp của chính quyền Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh mưu tính từ lâu, đã bố trí hàng ngàn tên lửa trên lãnh thổ Hoa lục, đã quân sự hóa Biển Đông sau khi đánh lừa, cam kết với tổng thống Obama là "sẽ không có ý đồ như thế".
Tên lửa và chọn bạn
Song song với chuyến công du của chủ nhân mới Lầu Năm Góc, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm và tuyên bố với các quốc đảo Marshall và Palaos là chỉ có những quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và những nền dân chủ khác tại Châu Á, mới là "đối tác tốt nhất và đáng tin cậy nhất".
Theo La Croix, nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong những ngày qua rất ngoạn mục, nhưng phải chờ kết quả. Đồng minh Úc khéo léo từ chối tham gia "tự động" vào dự án tên lửa chống Trung Quốc. Dù vậy, Bắc Kinh cũng nổi cơn thịnh nộ. Phó Thông, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí, đe dọa "sẽ trả đũa". Nhưng hiện giờ Bắc Kinh không nói dùng biện pháp gì.
Đồng tiền Trung Quốc mất giá đưa đến những hệ quả nào và liệu cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài ?
Trả lời trên La Croix và Les Echos :
Theo Stephane Deo, kinh tế gia của Ngân hàng Postale Asset Management, nếu Trung Quốc trả đũa các đòn tấn công của Mỹ bằng biện pháp mạnh Tài Chính Mỹ đã ghi Trung Quốc và danh sách các nước "thao túng tiền tệ", có nghĩa là chính quyền Trump có thêm nhiều biện pháp khả thi để trừng phạt Trung Quốc.
Để ra khỏi vòng xoáy tấn công-phản công này, có khá nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo Les Echos, khó có thể tiên đoán là Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận hay không ? Mục tiêu thấy được là tái lập quân bình trong cán cân thương mại. Nhưng đâu phải chỉ có thế, Washington còn tố cáo Bắc Kinh một loạt hành động phi pháp khác, như "gián điệp kinh tế, đánh cắp phát minh, phân biệt đối xử với các công ty quốc tế đầu tư vào Hoa lục…". Liệu chính quyền Trung Quốc có chấp nhận nhượng bộ, tức là tuân thủ luật chơi quốc tế, để đạt được một hiệp ước thương mại với Mỹ hay không ? Nhật báo công giáo hoài nghi.
Cũng cùng nhận định này, Les Echos tỏ ra lạc quan hơn : Trung Quốc vừa phủ nhận cáo buộc "thao túng tiền tệ" vừa không muốn để cho đồng tiền mất giá thêm, bởi vì sợ vốn đầu tư chạy ra nước ngoài. Có lẽ vì thế mà ngân hàng nhà nước Trung Quốc vội vã can thiệp ủng hộ đồng tiền quốc gia và hệ quả là hầu hết sàn giao dịch trên thế giới tương đối phục hồi. Tương đối, bởi vì thị trường tài chính dự đoán Trung Quốc sẽ để cho đồng tiền xuống giá ít nhất là 1% mỗi năm trong vòng 4 năm tới đây. Do vậy, không nên ngạc nhiên nếu thấy tổng thống Donald Trump tiếp tục đe dọa "những nước thao túng tiền tệ".
Hồng Kông: Bắc Kinh gia tăng giọng điệu đe dọa, nhưng có dám để tái diễn một Thiên An Môn thứ hai ?
Giới phân tích xem đây chỉ là đòn chiến tranh tâm lý. Nhưng nếu hù dọa không xong thì Đảng cộng sản Trung Quốc làm gì ?
Trong bài "Bắc Kinh gia tăng đe dọa Hồng Kông", Le Monde nhắc lại tuyên bố của một viên chức Hoa lục, phát ngôn viên văn phòng đại diện ở Hồng Kông và Macao, hù dọa như sau : những kẻ đùa với lửa sẽ chết cháy vì lửa, và sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Tuy nhiên, cho dù đã bị bắt giam đến 420 người biểu tình từ ngày 09/06 đến nay, phong trào dân chủ tại Hồng Kông không suy giảm. Cuối tuần qua, như mỗi cuối tuần, Hồng Kông biến thành vùng nổi dậy với 300.000 người chia làm 8 cuộc biểu tình, bắt đầu là ôn hoà, cho đến khi đụng độ với cảnh sát đàn áp.
Quy mô tranh đấu này làm cho Bắc Kinh và chính quyền địa phương lo ngại. Trong số các biểu ngữ có khẩu hiệu "Quang phục Hồng Kông". Từ "quang phục" ngoài ý nghĩa "giải phóng" còn có thể hiểu là "tái chiếm lãnh thổ". Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho đây là tín hiệu "cách mạng lật đổ". Thế nhưng, Le Monde khẳng định "không có một biểu ngữ nào kêu gọi độc lập trong các cuộc xuống đường".
Trước thủ đoạn tuyên truyền của chính quyền, phong trào phản kháng quyết định phản công. Sáng ngày 06/09, lần đầu tiên ba thanh niên thuộc Diễn đàn thảo luận trên mạng LIHKG tổ chức họp báo. Đeo khẩu trang, đội mũ vàng, biểu tượng của phong trào bất bạo động, ba thanh niên đáp trả từng điểm cáo buộc của chính quyền và cảnh sát. Một lần nữa, họ nhắc lại các yêu sách chính yếu của phong trào : chính quyền Hồng Kông phải chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ, tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu lãnh đạo hành pháp và lập ủy ban độc lập điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát.
Còn theo nhận định của bà Chloé Froissart, chuyên gia về Trung Quốc tại Hồng Kông, Bắc Kinh tỏ ra thiếu hiểu biết chính trị trong cách quản lý cuộc khủng hoảng hiện nay. Chính quyền Hồng Kông và chính quyền Hoa lục không hiểu gì về dân chủ, mà ý thức dân chủ này đã phát triển mạnh từ sau cách mạng Dù vàng 2014.
Khi gọi giới trẻ Hồng Kông là "kẻ thù của nhân dân", cảnh sát Hồng Kông đã tự đánh mất uy tín trong lòng người dân địa phương và vô tình đặt phong trào chống luật dẫn độ vào thế thách thức chế độ. Khi đến mức này, Bắc Kinh lại dùng vũ khí khủng bố tinh thần, tung đoạn phim quân đội tập dợt chống biểu tình theo kịch bản đàn áp phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989.
Theo chuyên gia Chloé Froissart, tại Hồng Kông, nhiều người xem nhẹ đe dọa của Hoa lục. Nhưng nếu vì lỡ đà, Bắc Kinh không lùi được thì sao ? Hồng Kông sẽ là Thiên An Môn thứ hai ?
Phong tỏa tài sản tổng thống Venezuela
Về thời sự Châu Mỹ, nhật báo thiên hữu Le Figaro tập trung vào quyết định mới của Mỹ phong tỏa tài sản của chính quyền Venezuela của tổng thống Nicolas Maduro, cấm tất cả các công ty thế giới giao dịch, buôn bán với Caracas. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng biện pháp triệt để này đối với một nước được xếp trong vùng Tây phương để trừng phạt một chế độ bị xem là "bất hợp pháp", bầu cử gian lận. Cho tới gần đây, chỉ có Cuba, Bắc Triều Tiên, Iran và Syria nằm trong danh sách.
Le Monde, dành bài xã luận, hướng về Nam Á, cảnh báo chính sách đầy rủi ro của chính quyền Ấn Độ tại Cachemire. Nguy cơ xảy ra chiến tranh Ấn Độ- Pakistan là điều mà giới lãnh đạo Tây phương phải dè chừng.
Những người vô sản mới trên thế giới đoàn kết lại
Lời kêu gọi trên trang nhất của Libération. Sau một thời gian bị bịt miệng, nhân viên của các tập đoàn dịch vụ tiêu dùng trên mạng từ Amazon, Uber cho đến Deliveroo xuống đường tố cáo điều kiện lao động tồi tệ.
Theo một lãnh đạo công đoàn lao động Pháp, giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng nhân công các tập đoàn dịch vụ điện tử bị bóc lột là giúp họ nối kết với nhau để phối hợp hành động. Cụ thể, nếu đầu bếp tuyên bố bãi công, người giao hàng cũng đình công, nếu nhân viên Amazon, Uber phản kháng cùng lúc với nhân viên chuyển hàng, thì không có một ông chủ nào dám ếm lương lao động, điều kiện làm việc và bảo hiểm y tế sẽ được cải thiện.
Tất cả báo Pháp đều dành những dòng trân trọng để vĩnh biệt nữ văn hào người Mỹ da đen Toni Morrison, Nobel Văn học 1993
Libération vĩnh biệt Beloved, người yêu dấu trên trang nhất. Le Figaro tiễn đưa thần tượng của người Mỹ đa đen với bài tưởng niệm "người phụ nữ nổi loạn, khôi nguyên Nobel Văn học" viết văn vì người nô lệ.
Tú Anh
Ngày 6 tháng 8 năm 1945 Hoa Kỳ thả trái bom nguyên tử lên Hiroshima và ba ngày sau thả một trái khác ở Nagasaki giết tổng cộng khoảng 120 ngàn người. Vài chục ngàn người Nhật đã bị tử vong một thời gian sau vì bị nhiễm phóng xạ.
Phái đoàn Nhật Bản do Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu dẫn đầu (cầm gậy). Ông chỉ có một giò vì bị khủng bố đặt bom ám sát hụt mấy năm trước đó.
Hoàng đế Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 15 tháng 8 năm 1945. Hai tuần lễ sau ngày 27 tháng 8 hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tiến vào vịnh Tokyo để làm lễ ký văn kiện đầu hàng của Nhật Bản.
Quyết định đầu hàng của Nhật Bản không đến dễ dàng. Phe chủ chiến vẫn muốn tiếp tục chiến đấu để phe đồng minh nhượng bộ nhiều hơn. Có lúc Hoa Kỳ đã dùng trên 1000 phi cơ trong đó có 400 pháo đài bay B-29 tái oanh tạc và hải pháo để áp lực Nhật Bản đầu hàng.
Ngày 9 tháng 8 khi bom nguyên tử nổ ở Nagasaki và nội các Nhật Bản đang bàn cãi về vấn đề đầu hàng thì một phi công Mỹ, Marcus McDilda, lái chiến đấu cơ P-51 bị bắn rớt và bắt sống một ngày trước đó. Trước sự tra tấn của lính Nhật, viên phi công Mỹ đã nói láo rằng Hoa Kỳ hiện có 100 trái bom nguyên tử và mục tiêu kế tiếp là Tokyo và Kyoto là hai thành phố lớn nhứt của Nhật. Lời khai láo này đã cứu sống Marcus McDilda vì lính Nhật đã không chém đầu anh ta mà phân loại thành tù binh ưu tiên tối mật phải bảo vệ. Thiệt sự Hoa Kỳ chỉ có trái bom nguyên tử thứ 3 vào ngày 19 tháng 8 và trái thứ 4 vào tháng 9 năm 1945.
Ngày Hoàng đế Hirohito quyết định đầu hàng cũng là lúc cung điện của ngài bị phe chủ chiến đảo chánh và đốt cháy. Hai sĩ quan chủ mưu đảo chánh sau đó đầu hàng và bị bắt.
Phái đoàn Nhật Bản bước lên boong chiếc Soái hạm Missouri. Đi qua hàng quân danh dự của Hải quân Hoa Kỳ đang đứng nghiêm chào. Chú ý : trên cột ăng ten ngang cao chót vót có một thủy thủ ngồi vắt vẻo như chim bồ câu. Quả thật đời lính thủy có nhiều mạo hiểm kỳ thú !
Cuối cùng đúng 9 giờ 3 phút ngày 2 tháng 9 năm 1945 phái đoàn của Nhật Bản gồm có 11 người đặt chân lên boong chiếc Soái hạm USS Missouri đang thả neo ở vịnh Tokyo để ký văn kiện đầu hàng. Họ được bí mật di chuyển ra chiến hạm Hoa Kỳ. Xe không treo cờ vì sợ phe chủ chiến ám sát.
Trước đó vài ngày Hải quân Hoa Kỳ đã thực tập buổi lễ ký văn kiện đầu hàng rất thuần thục. Họ biết dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản là Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu phải mang một chân giả vì ông bị ám sát mấy năm trước đó nên cụt mất một giò.
Vài thủy thủ Mỹ phải tập làm phế nhân di chuyển một giò từ ca nô lên cầu treo để lên tới boong thứ hai của chiếc Soái hạm Missouri. Các tướng lãnh Hoa Kỳ muốn biết chính xác thời gian di chuyển của phái đoàn Nhật Bản lên đến bàn ký kết.
Đại tướng Douglas MacArthur Chỉ huy trưởng tối cao của Quân lực Đồng minh ở Thái Bình Dương sẽ cùng với các đại diện đồng minh là Liên Xô, Anh Quốc, Úc, Tân Tây Lan, Philippines và Trung Hoa ký nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản.
Phái đoàn Nhật sau khi ký văn kiện đầu hàng xong đi qua hàng quân danh dự nghiêm trang chào kính. Ban nhạc Hải quân đứng cạnh trổi nhạc. Chú ý hai sĩ quan an ninh mang Colt 45 bên hông phòng hờ cảm tử "Banzai" bất tử !
Đại tướng Douglas MacArthur ra lịnh cho toàn thể thủy thủ mặc đồng phục trắng. Sĩ quan không mặc đại lễ, không thắt cà vạt, áo để hở cổ, không đeo huy chương và không mang súng ngắn bên hông. Ngoại trừ một số quân nhân Thủy quân lục chiến đeo súng Colt 45 để giữ an ninh. Ông nói : "Chúng ta đã mặc đồng phục vải ka ki để chiến đấu và chúng ta sẽ mặc đồng phục này trong ngày tiếp nhận văn kiện đầu hàng của họ".
Phái đoàn Nhật Bản tiến lên boong trước hàng ngàn cặp mắt tò mò nhưng nghiêm trang của sĩ quan và thủy thủ Hoa Kỳ. Không có sự bày tỏ hận thù đối với người thất trận. Người thắng cuộc bảo nhau chiến tranh đã chấm dứt.
Các sĩ quan Nhật Bản cũng nghiêm trang và kỷ luật. Khi ca nô cặp hông chiếc Soái hạm Missouri, họ chào đúng quân cách và báo cáo : "Xin phép được lên boong" (permission to come aboard). Sĩ quan Hải quân Mỹ đứng đón ở cầu thang trang trọng trả lời theo truyền thống Hải quân : "Sự yêu cầu được chấp thuận" (Permission granted). Và phái đoàn Nhật Bản đứng nghiêm chào kính khi ban nhạc Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trổi lên bài quốc ca "The Star-Spangled Banner".
Sau khi ký văn kiện đầu hàng xong, khoảng 400 chiến đấu cơ bay đội hình rợp trời qua kỳ đài của chiếc Soái hạm Missouri thả neo ở vịnh Tokyo để chào mừng và cũng để răn đe.
Phần đông viên chức chính phủ và sĩ quan Nhật du học ở Âu Mỹ trở về nên họ rất thông hiểu văn hóa Tây phương. Như Thống chế Isoroku Yamamoto Chỉ huy trưởng của Hải quân Nhật ở Thái Bình Dương đã du học ở đại học Harvard Hoa Kỳ. Về sau máy bay T1-323 của ông bị các khu trục cơ P-38 Mỹ phục kích bắn hạ ở đảo Solomon Nam Thái Bình Dương. Binh sĩ Nhật đã tìm thấy thi thể của Yamamoto. Bàn tay đeo găng trắng vẫn nắm chặt chuôi kiếm Katana (Samurai). Đầu gục xuống trong một tư thế suy tư.
Tướng Yoshijirō Umezu, Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu Quân đội Hoàng gia Nhật Bản trong phái đoàn ký văn kiện đầu hàng cũng du học từ Đan Mạch và Đức. Sau chiến tranh Umezu bị Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông (International Military Tribunal for the Far East) kết án tù chung thân vì tội phạm chiến tranh. Ông chết ở trong tù. Nhưng phần đông tướng lãnh và sĩ quan của quân đội Nhật không bị truy tố. Nhiều người vẫn ở trong quân đội.
Đại tướng Douglas MacArthur đọc một bài diễn văn ngắn : "… một thế giới tốt đẹp hơn sẽ chớm nở từ máu và giết chóc của quá khứ…"
Buổi lễ ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng đơn giản và kéo dài đúng 23 phút. Đại tướng Douglas MacArthur đọc một bài diễn văn ngắn trích và tạm dịch như sau :
"Chúng tôi là đại diện của các quốc gia tham chiến tập hợp nơi đây, để long trọng thỏa thuận về một nền hòa bình sẽ được phục hồi.
Các vấn đề liên quan đến lý tưởng và ý thức hệ dị biệt đã được thanh toán trên các chiến trường, và do đó không còn là cuộc thảo luận hoặc tranh cãi của chúng tôi.
Chúng tôi cũng không đại diện cho các dân tộc trên trái đất đến đây với sự nghi kỵ, ác ý hoặc thù hận.
Nhưng đối với chúng ta, người chiến thắng và kẻ chiến bại phải vượt lên ở một vị trí cao hơn, để hoàn tất nhiệm vụ cao cả mà nhân dân của chúng ta đã ủy thác.
Đó là niềm hy vọng tha thiết của tôi, và thực sự là niềm hy vọng của cả nhân loại, từ biến cố trọng thể này, một thế giới tốt đẹp hơn sẽ chớm nở từ máu và giết chóc của quá khứ, một thế giới sẽ được cấu tạo dựa trên niềm tin và sự cảm thông, một thế giới dành riêng cho phẩm giá của con người và hiện thực những ước mơ cao quý nhất cho tự do, bao dung và công lý".
Trong khi buổi lễ ký văn kiện đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945 người Mỹ đã không còn ngây thơ kể từ sau trận Trân Châu Cảng. 9 khẩu trọng pháo 406 mm, 20 khẩu đại bác 127 mm và 80 khẩu đại bác liên thanh phòng không 40 mm của chiếc Soái hạm USS Missouri nạp đạn sẵn. Hải quân Hoa Kỳ sợ những chiếc máy bay Kamikaze từ đâu lao xuống rinh hết hàng trăm tướng tá đồng minh đang đứng tập trung trên boong về miền cực lạc.
Soái hạm USS Missouri mới toanh chỉ một tuổi. Hạ thủy vào tháng 6 năm 1944. Là cục cưng của Tổng thống Harry S. Truman (1945-1953). Con gái cưng của Tổng Thống Truman đã ban phép lành cho chiến hạm trong ngày hạ thủy và đặt tên nơi cha cô sinh trưởng : Tiểu bang Missouri. USS Missouri đã tham dự trận Iwo Jima và các trận hải pháo vào bờ biển Nhật Bản. Hình trên là chiếc khu trục cảm tử Kamikaze đang đâm vào hông chiếc USS Missouri. Khi thu dọn đổ nát người ta tìm thấy xác phi công Nhật. Hải quân Hoa Kỳ đã làm lễ thủy táng phi công Nhật với lá cờ Thái Dương Thần Nữ theo truyền thống của hải quân.
Phái đoàn Nhật Bản rời Soái hạm USS Missouri đi qua hàng quân danh dự đứng nghiêm chào kính của Hải quân Hoa Kỳ. Thế Chiến Thứ Hai đã chính thức kết thúc ở giây phút ấy. Có khoảng 70 cho đến 85 triệu người đã mạng vong. Và Nhật Bản ngày hôm nay thành một cường quốc kinh tế và là một đồng minh vô cùng gắn bó với Hoa Kỳ.
Nếu ngày ấy thiết giáp của Đại tướng Douglas MacArthur hung hăng ủi sập cổng của Hoàng Cung Nhật Bản và lính Mỹ rầm rập tranh nhau chạy vào kéo cờ Nhật xuống như một đám thảo khấu trong rừng mới chui ra, rồi bắt sĩ quan Nhật và Hoàng đế Hirohito đi tẩy não thì Nhật Bản đã không dễ mến như ngày hôm nay.
Bông Lau
Nguồn : VNTB, 12/01/2019 (FB Bong Lau)
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản hôm 15/10 bày tỏ quan ngại về những khoản nợ khổng lồ mà một số đảo quốc Thái Bình Dương đang gánh chịu và cho biết Tokyo muốn giúp giải quyết tình trạng này.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono - Ảnh minh họa
Lời đề nghị được đưa ra trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Taro Kono tới New Zealand, nơi ông gặp người đồng cấp Winston Peters.
Trong thời gian gần đây, một vài nhà quan sát báo động về sự gia tăng các khoản vay mà Trung Quốc dành cho các đảo quốc Thái Bình Dương như Tonga hay Vanuatu, biến các quốc gia này thành các con nợ khổng lồ của Bắc Kinh.
Ông Kono không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc trong bài phát biểu của mình, nhưng nhấn mạnh rằng khu vực Thái Bình Dương mang tính quan trọng chiến lược đối với cả Nhật Bản và New Zealand.
Đồng quan điểm với người đồng cấp phía Nhật Bản, ông Peters, Ngoại trưởng New Zealand cho biết nước này cũng quan ngại về các khoản vay, cũng như khả năng trả nợ của các quốc đảo nhỏ trong khu vực. Tuy nhiên, ông cho biết cả Nhật Bản và New Zealand chưa đề nghị trực tiếp giúp các quốc gia này trả nợ.
"Chúng tôi hiểu rõ vấn đề", Ngoại trưởng Peters cho biết.
Đây là lần đầu tiên sau năm năm, một vị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản có chuyến thăm chính thức tới New Zealand. Chuyến đi đánh dấu mối quan hệ đang ấm dần lên giữa hai quốc gia trong suốt một năm qua, kể từ khi bà Jacinda Ardern trở thành Thủ tướng New Zealand.
Mỹ ‘loại’ Trung Quốc, ‘mời’ Việt Nam dự diễn tập hải quân (VOA, 31/05/2018)
Hải quân Mỹ hôm 30/5 thông báo, Việt Nam là một trong 26 quốc gia sẽ tham gia cuộc thao dượt hải quân "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC), ít ngày sau khi rút lại lời mời Trung Quốc vì Bắc Kinh "quân sự hóa" Biển Đông.
Hình ảnh cuộc diễn tập hải quân RIMPAC năm 2016.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự cuộc diễn tập đa quốc gia, dự kiến diễn ra ở Hawaii và miền nam California từ ngày 27/6 tới 2/8.
Theo thông cáo của Hải quân Mỹ, 47 tàu chiến, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25 nghìn quân nhân sẽ xuất hiện tại sự kiện quy mô lớn, được tổ chức hai năm một lần.
Tuần trước, Hải quân Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc thao dượt mà nước này từng dự năm 2014 và 2016 vì các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thủy thủ trên tàu chiến Trung Quốc tham dự RIMPAC năm 2014.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã "phớt lờ sự thật và làm rùm beng cái gọi là quân sự hóa Biển Đông", và lấy đó là cái cớ để không mời Trung Quốc.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng hành động của Trung Quốc ở vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền "trái với các nguyên tắc và mục đích của RIMPAC".
Hải quân Mỹ cho biết rằng "RIMPAC mang lại cơ hội huấn luyện độc đáo nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ hợp tác mang tính sống còn để bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển và an ninh tại các đại dương trên thế giới".
Ngoài Việt Nam, còn có nhiều nước Châu Á khác cũng tham dự cuộc diễn tập hải quân được coi là lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, các đồng minh quân sự của Hoa Kỳ.
****************
Lần đầu tiên Việt Nam tham gia tập trận RIMPAC (RFI, 31/05/2018)
Hôm 30/05/2018, hải quân Hoa Kỳ thông báo có 26 nước tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC năm 2018, trong đó có cả Việt Nam, lần đầu tiên được mời tham gia cuộc tận trận hải quân lớn nhất thế giới này.
Tàu chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2010
Diễn ra từ 27/06 đến 02/08, tại vùng biển xung quanh Hawai, cuộc tập trận RIMPAC năm nay sẽ quy tụ hải quân của 26 quốc gia, huy động 47 chiến hạm, 5 tàu ngầm, 18 lực lượng đổ bộ, hơn 200 phi cơ và 25 ngàn binh sĩ.
Theo hải quân Mỹ, có bốn nước, Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel, lần đầu tiên tham gia RIMPAC 2018.
Hoa Kỳ công bố danh sách các nước tham gia RIMPAC 2018 sau khi vào tuần trước Lầu Năm Góc loan báo quyết định rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận diễn ra 2 năm một lần này. Hải quân Trung Quốc đã từng tham gia RIMPAC trong 2 năm, 2014 và 2016. Theo lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ, quyết định nói trên là "bước đầu tiên" nhằm phản đối việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Phát ngôn viên này cho rằng, hành động của Bắc Kinh trái với những nguyên tắc và mục tiêu của tập trận RIMPAC.
Theo nhận định của tờ nhật báo Mỹ Stars and Stripes hôm qua, việc Hoa Kỳ mời Việt Nam tham gia RIMPAC là một bước phát triển mới trong quan hệ quân sự giữa hai quốc gia cựu thù.
Việt Nam đã từng được mời làm quan sát viên cuộc tập trận RIMPAC 2012. Năm đó Hà Nội chỉ cử 6 sĩ quan đến quan sát hoạt động diễn tập quân y trong khuôn khổ cuộc tập trận này. Hai cuộc tập trận RIMPAC sau đó, 2014 và 2016, không thấy nói đến sự tham dự của Việt Nam.
Thanh Phương
*********************
Việt Nam sẽ tham gia tập trận RIMPAC 2018 tại Hawaii (RFA, 31/05/2018)
Việt Nam lần đầu tiên được mời tham gia cuộc tận trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2018. Hải quân Hoa Kỳ thông báo tin vừa nêu hôm 30 tháng 05 năm 2018.
Lực lượng hải quân Hoa Kỳ tại cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2016. Photo courtesy of US Navy
Hải quân Hoa Kỳ cho biết, cuộc tập trận RIMPAC sẽ diễn ra từ ngày 27 tháng 6 đến ngày 2 tháng 8 tại khu vực quần đảo Hawaii và phía Nam bang California của Mỹ.
Tổng cộng có 26 nước, 47 tàu chiến, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ sẽ tham gia cuộc tập trận này.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam, Brazil, Israel và Sri Lanka tham gia RIMPAC.
Tin cũng cho biết, hồi tuần trước Hoa Kỳ đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC, nước từng tham gia cuộc tập trận này vào năm 2014 và 2016 với nhiều tàu và binh sĩ.
Trung tá Hải quân Christopher Logan, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, việc rút lại lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC là phản ứng sơ khởi về các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo ông Christopher Logan "Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của diễn tập RIMPAC".
Ông Logan cũng cho biết Mỹ có bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc đã thiết lập hỏa tiễn chống chiến hạm, hỏa tiễn đất đối không và các máy phá sóng điện tử trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Theo trang mạng Stars and Stripes, việc Mỹ mời Việt Nam tham gia RIMPAC là một bước tiến trong quan hệ quân sự giữa hai nước.
Việt Nam đã từng được mời làm quan sát viên tại RIMPAC 2012.
Hoa Kỳ 'vẫn muốn là cường quốc Thái Bình Dương' (VOA, 31/01/2017)
Tại hội nghị về liên minh giữa Hoa Kỳ với Australia và Nhật Bản diễn ra hôm 30/1 ở Canberra, Australia, các giới chức Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết là một cường quốc Thái Bình Dương dù có thể có những thay đổi về chính sách dưới chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào công tác tự vệ và mô tả NATO là lỗi thời.
Ông John Hennessey-Niland, cố vấn chính trị tại tòa đại sứ Mỹ ở Australia nói các đồng minh của Mỹ ở vùng châu Á Thái Bình Dương có thể an tâm là Thái Bình Dương vẫn là một trọng tâm trong các lợi ích của Mỹ dưới chính quyền mới. Ông cũng cho biết thêm rằng các cuộc tập trận chung và chia sẻ thông tin sẽ gia tăng.
Đại sứ John Hennessey-Niland phát biểu tại hội nghị được tổ chức ở Trường đại học Quốc gia Australia rằng "Chúng ta đang trong thời kỳ thay đổi và chuyển tiếp. Lợi ích quốc gia Hoa Kỳ không thay đổi. Hoa Kỳ vẫn muốn là một cường quốc Thái Bình Dương và ủng hộ cũng như củng cố những mối quan hệ hai bên, ba bên, đa phương nối kết vùng này với nhau.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào công tác tự vệ và mô tả NATO là lỗi thời, dù Thủ tướng Anh Theresa May trong tuần rồi, sau cuộc họp với Tổng thống Trump, đã tuyên bố là ông Trump ủng hộ NATO "100%".
Bà Amy Searight, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho đến năm 2016, nói ông Trump "dường như rút lại những luận điệu thời tranh cử" liên hệ đến các đồng minh của Mỹ. Bà hoan nghênh chuyến viến thăm Washington D.C của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào đầu tháng 2 tới đây.
Bà Searight nói thêm các kế hoạch của ông Trump gia tăng các chiến hạm Mỹ từ 270 lên 350 chiếc có thể dẫn đến việc xuất hiện thêm nhiều tàu chiến Mỹ nữa tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác đồng minh.
Bà nói tiếp, nguyên nhân đằng sau chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama - sự cần thiết để Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia đáp ứng trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng - là vẫn còn.
Bà Searight hiện là giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhấn mạnh "logic về tái cân bằng tại châu Á vẫn hùng hồn, dựa trên lợi ích lâu dài của nước Mỹ và được sự ủng hộ mạnh mẽ của hai đảng, do đó tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng một sự cam kết và chú trọng vào vùng châu Á-Thái Bình Dương".
*********************
Người Philippines ‘muốn chính phủ cứng rắn về biển Đông’ (VOA, 29/01/2017)
Người Philippines biểu tình chống Trung Quốc.
Phần đông người Phiippines muốn chính phủ phải khẳng định chủ quyền của nước mình ở biển Đông.
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến công bố hôm 27/1 cho thấy rằng 84% trong số 1.200 người trưởng thành ở Philippines cho rằng chính phủ phải giữ vững tuyên bố chủ quyền ở vùng lãnh hải tranh chấp.
Cuộc thăm dò do tổ chức độc lập Pulse Asia tiến hành từ ngày 6 tới 11/12 cho thấy rằng chỉ có 3% không đồng ý với việc trên, và 12% nói không đồng ý hoặc bất đồng.
Về việc 8 trên 10 người Philippines hậu thuẫn chính quyền chứng tỏ sự cứng rắn ở biển Đông, tờ Inquirer dẫn lời một phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng chính quyền "ủng hộ 100%" việc phải giữ vững tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Nhưng theo ông Ernesto Abella, "vấn đề là thời gian".
Theo AP, Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây đã nhanh chóng cải thiện mối quan hệ lạnh nhạt với Trung Quốc, đồng thời từ chối không đề nghị Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ra năm ngoái, theo đó bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ vùng biển Đông.
Trong khi ông Duterte ngả về Trung Quốc, ông từng tuyên bố sẽ "ly khai" với đồng minh Mỹ, đồng thời chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu các quan ngại về nhân quyền đối với chiến dịch chống ma túy chết chóc của ông.
******************
Quân đội Mỹ hiện diện ở phía bắc thủ đô Manila, Philippines (Ảnh chụp tháng 10/2016)TED ALJIBE / AFP
Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines ngày 31/01/2017 khẳng định Mỹ không xây dựng bất kỳ kho vũ khí nào ở Philippines, và phủ nhận cơ sở mà tổng thống Rodrigo Duterte dựa vào để đe dọa bãi bỏ một hiệp ước quốc phòng 2014 cho phép quân đội Mỹ tạm thời đóng căn cứ tại Philippines.
Phát biểu tại một diễn đàn của các nhà lãnh đạo kinh doanh, đại sứ Mỹ cho rằng tổng thống Philippines Duterte đã nhận được một số thông tin sai lệch nên tỏ ra lo ngại rằng có kho vũ khí của Washington tại Philipinnes. Đại sứ Sung Kim khẳng định Mỹ không hề có bất cứ kho cũ khí nào tại Philipinnes và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có kế hoạch xây một kho vũ khí tại Philippines.
Vẫn theo đại sứ Mỹ tại Manila các dự án trong khuôn khổ Hiệp Định Hợp Tác Tăng Cường Quốc Phòng năm 2014 là nhằm cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo.
Đại sứ Kim cũng chỉ ra rằng các thỏa thuận cho phép quân đội Hoa Kỳ xây dựng cơ sở vật chất và cấu trúc tại 5 căn cứ của Philippines và khó tưởng tượng là Mỹ lại có thể làm bất cứ điều gì tại các căn cứ của Philippines nếu không được sự chấp thuận của người dân cũng như nhà chức trách Philippines.
Hôm Chủ Nhật 29/01/2017, tổng thống Philippines Duterte xác định ba khu vực mà lực lượng Hoa Kỳ được cho là mang vũ khí tới, trong đó có tỉnh Palawan ở miền tây, nằm sát vùng biển mà Philippines đang có tranh chấp với Trung Quốc. Ông tuyên bố sẽ không cho phép Washington tích trữ vũ khí trong các căn cứ ở địa phương theo hiệp ước quốc phòng giữa hai nước vì nếu nổ ra giao tranh giữa Trung Quốc và Mỹ thì Philippines sẽ bị ảnh hưởng.
Thùy Dương
**********************
Mỹ-Hàn tái khẳng định ủng hộ dự án lá chắn tên lửa THAAD (RFI, 31/01/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Hàn Quốc, ngày 31/01/2017, cam kết thúc đẩy triển khai dự án lá chắn chống tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc, bất chấp phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ.REUTERS/U.S. Department of Defense
Theo AFP, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và đồng nhiệm Han Min Koo đã điện đàm với nhau. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với dự án lá chắn chống tên lửa THAAD. Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, hai bộ trưởng đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng của Bắc Triều Tiên và nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy việc lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa, như dự kiến.
Năm ngoái, Washington và Seoul đã thông báo ý định này, sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành một loạt vụ bắn thử tên lửa và hai vụ thử hạt nhân.
Ngày 02/02/2017 trong khuôn khổ chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis sẽ tới Hàn Quốc và sau đó sang Nhật Bản.
Thái độ của tân chính quyền Mỹ đối với Châu Á làm cho các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ trong khu vực lo ngại. Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, Donadl Trump đe dọa rút lính Mỹ ra khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu hai nước này không đóng góp thêm tài chính.
Trong khi đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hồi đầu tháng Giêng, tuyên bố là nước này đang ở trong "giai đoạn cuối cùng" trước khi tiến hành bắn thử tên lửa xuyên lục địa (ICBM).
Chính quyền Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc vì lo ngại dự án này làm suy yếu khả năng tấn công, răn đe bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.
Ngay tại Hàn Quốc, người dân ở khu vực dự kiến triển khai hệ thống THAAD cũng phản đối dự án và nhiều ứng viên tổng thống Hàn Quốc cam kết, nếu đắc cử, sẽ xóa bỏ kế hoạch này.
RFI tiếng Việt
*******************
Trung Quốc sẽ tuần tra vùng biển phía Nam Philippines ? (RFA, 31/01/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila hôm 30/1/2017. AFP photo
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua cho biết ông đã lên tiếng nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong cuộc chiến chống các phiến quân Hồi Giáo bằng cách đưa tàu đến tuần tra ở khu vực phía Nam Philippines.
Nói với những tướng lĩnh mới được bổ nhiệm của Philippines vào hôm qua, ông Duterte cho biết ông đã yêu cầu Trung Quốc đưa tầu đến tuần tra ở vùng nước quốc tế mà không nhất thiết xâm phạm vào vùng nước thuộc chủ quyền của các nước khác. Ông cũng nhấn mạnh các tàu tuần tra này không nhất thiết phải là tàu hải quân. Theo ông Duterte đây cũng là cách mà Trung Quốc đã từng làm hồi năm 2009 khi điều một tàu hải quân đến vịnh Aden để bảo vệ các tàu của Trung Quốc trước sự tấn công của hải tặc Somali.
Tổng thống Philippines không cho biết Trung Quốc đã có phản ứng với lời mời này hay chưa.
Chính phủ Philippines cho biết các nhóm phiến quân Hồi giáo tại nước này đang tìm cách thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á, trong đó bao gồm khu vực đảo Mindanao ở miền Nam Philippines. Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf gần đây đã tiến hành bắt cóc các thủy thủ và tấn công các tàu trở hàng trong vùng nước giữa Malaysia, Indonesia và Philippines.