Ngày Quốc khánh vừa qua ở Sài Gòn không có cuộc xuống đường biểu tình nào diễn ra. Tuy nhiên trong ngày này, ở trụ sở hành chánh của quận, huyện đều triệu tập các tổ trưởng dân phố có mặt, nhằm để ‘lãnh người’ ở khu xóm mình trong trường hợp có biểu tình.
Chỉ có công an "biểu tình" vào ngày 2 tháng 9.
Vì sao không có cuộc biểu tình nào diễn ra, mặc dù ròng rã trước đó suốt một tháng trời rất nhiều diễn đàn mạng xã hội, và cá nhân liên tục ‘livestream’ kêu gọi biểu tình ? Linh mục Lê Ngọc Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn) và nhà báo Trúc Giang cùng đi tìm câu trả lời.
Có phải vì chính quyền ra tay đàn áp sớm ?
Linh mục Lê Ngọc Thanh nói rằng câu trả lời chính xác thì phải cần đợi một thời gian nữa để có thêm thông tin.
"Nhưng chúng ta có thể nhìn sự việc của ngày 2 tháng chín, với lại ngày 10 tháng sáu để so sánh, thì chúng ta thấy thời điểm của ngày 2 tháng chín, trước đó hơn một tháng bắt đầu có nhiều nhóm khởi động đặt vấn đề có nên biểu tình hay không, cuối cùng đi đến việc cho rằng biểu tình rất là cần thiết. Ngay sau đó có nhiều video ‘livestream’ mang tính tập huấn về kỷ năng biểu tình rất là rầm rộ. Tất cả tạo cảm giác là sẽ có cuộc biểu tình rất là lớn nổ ra ở Việt Nam, ít nhứt là nổ ra ở Sài Gòn và Hà Nội.
Điểm thứ hai cần lưu ý là cái khởi động đó đa số xuất phát từ các anh chị em người nước ngoài gốc Việt, như ở Úc, như ở Mỹ, như ở Âu Châu. Điều đó cho thấy nó khác biệt căn bản với hôm 10 tháng sáu.
Hôm 10 tháng sáu thì cái khởi động của nó chỉ trong vòng 8 ngày thôi. Tức là khoảng mùng 1 đến mùng 8 tháng sáu. Mùng 9 là đã bắt đầu đi vào hoạt động rồi với vụ việc công nhân ở khu công nghiệp Pouchen tại Bình Tân, Sài Gòn. Cái khởi động của đợt đầu tháng sáu đó là xuất phát tại Việt Nam. Một nhóm nào đó cho đến giờ phút này vẫn chưa thể gọi tên chính xác đã tổ chức.
Chính các anh an ninh còn nói ra các mệnh đề như vậy. "Chắc là mình phải đi biểu tình, kẻo mình bị mất nước tới nơi rồi"
Cái nữa mà chúng ta cần chú ý, là ở thời điểm của ngày 2 tháng chín tại Sài Gòn, thì trước đó vài ngày bầu không khí căng thẳng gia tăng, với những tuyên truyền lên án biểu tình của nhà cầm quyền bắt đầu xuất hiện. Từ những tờ rơi gửi vào các công ty giáp quanh Sài Gòn, Bình Dương, Long An, Đồng Nai ; gửi đến từng công nhân nói rằng cuộc biểu tình là do phản động giật dây, bà con không nên tham gia kẻo bị bắt. Rồi một số khu phố ở thành Hồ cũng được phát những tờ rơi này. An ninh và công an khu phố bắt đầu làm nhiều cái việc mang tính đe dọa cộng đồng.
Tối hôm trước ngày 2 tháng chín, khi chúng tôi đến dự sinh nhật con của một người bạn ở bên hông nhà thờ Phú Trung, thì an ninh đi theo và họ dừng xe ngay cái chỗ mình để xe, như thể họ đứng coi xe dùm mình vậy. Có một người chị em còn bị họ đưa lên xe chở tới nơi rồi họ đứng đợi. Khi ra về thì họ cũng lấy xe và đi theo sát vậy thôi. Tức là họ muốn gây ra một sự lo lắng hoảng sợ.
Trong khi thời điểm của ngày mùng 9 tháng sáu, điều ấy không xảy ra. Đúng hơn là chỉ xảy ra với một số nhà hoạt động đặc biệt thôi".
Áp đặt chính trị từ những lời kêu gọi biểu tình
"Tôi nhớ cái bầu không khí ngày mồng 7, 8, 9 tháng sáu, thậm chí là có một số anh an ninh mà hay lãng vãng ở các khu phố dân cư, nhắc khéo chắc là phải đi biểu tình. Chính các anh an ninh còn nói ra các mệnh đề như vậy. "Chắc là mình phải đi biểu tình, kẻo mình bị mất nước tới nơi rồi". Y như có một cò mồi từ phía các giới chức. Và ngay những bà đạo đức ở Hội Legio Mariae, cầu nguyện thôi mà cũng bảo với tôi là chủ nhật này phải đi biểu tình, không mất nước tới nơi rồi. Tức là đã có một cái cách tiếp cận cộng đồng khá hữu hiệu trong chuyện kêu gọi xuống đường biểu tình". Linh mục Lê Ngọc Thanh biện giải.
Vẫn theo lời của linh mục Thanh, ở lần kêu gọi biểu tình dịp đầu tháng chín, xuất phát từ bên ngoài Việt Nam, mặc dù anh chị em ngay tại Sài Gòn cũng muốn biểu tình đòi hỏi những quyền lợi dân sinh và quyền chính trị được Hiến pháp bảo hộ.
"Kêu gọi biểu tình 2 tháng chín vì mục đích gì ? Hoàn toàn chưa rõ ràng. Nếu cụ thể là cần đình hoãn để sửa đổi những điều không hợp lý ở Luật An ninh mạng, nghĩa là cuộc biểu tình phải có mục đích cụ thể, thì chắc là tôi cũng tham gia, vì luật này ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và tự do chính trị của công dân". Linh mục Lê Ngọc Thanh chia sẻ.
Nhà báo Trúc Giang nhìn nhận chính việc một số cá nhân người nước ngoài gốc Việt kêu gọi người Việt trong nước biểu tình, với những mệnh đề mang tính mệnh lệnh cảm tính, xa rời thực tế của đời sống Việt Nam nên khó thể tạo hiệu ứng cộng đồng ủng hộ.
"Tại sao lại kêu gọi biểu tình lật đổ, và cho rằng các thế lực quân sự nước ngoài đang sẳn sàng tham gia vào cuộc lật đổ này ? Ai sẽ lãnh đạo cuộc biểu tình đó ? - Không có câu trả lời. Lật đổ như vậy có phải là đảo chánh ? - Không có câu trả lời. Ở Thái Lan, biểu tình có thể làm nên một cuộc lật đổ, vì đơn giản là quân đội xứ Thái đứng ngoài các đảng phái chính trị". Nhà báo Trúc Giang nhận định.
Cùng quan điểm với linh mục Lê Ngọc Thanh, trong biểu tình hôm 10 tháng sáu rồi, nhà báo Trúc Giang tin chắc là có kịch bản công phu của thế lực đủ mạnh trong chính quyền ngay tại Sài Gòn ; và có thể thế lực ấy được thêm sự yểm trợ của Quân khu 7, mà vụ việc bạo động ở tỉnh Bình Thuận là một liên tưởng.
Thấy gì từ lời kêu gọi của Chủ tịch và cựu Chủ tịch nước ?
Sáng 30 tháng tám, 2018, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức lễ ra mắt "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam".
Chủ tịch Trần Đại Quang phát biểu tại lễ ra mắt "Sách vàng sáng tạo Việt Nam"
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. "Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học" là những cụm từ nhấn mạnh trong diễn văn của ông Trần Đại Quang.
Bài viết về quyền lực và trách nhiệm của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên báo Tuổi Trẻ
Phải chăng việc kêu gọi "Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng", cùng với bài báo "Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta" trên tờ Tuổi Trẻ (báo in, phát hành ngày 1 tháng chín, 2018) của cựu Chủ tịch Trương Tấn Sang, là những dấu chỉ cho một cuộc biểu tình khác về sự cấp thiết điều chỉnh thể chế chính trị của Việt Nam ?
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 04/09/2018
Từ vụ đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền, gồm cả phần phụ âm và nguyên âm, cho đến cách đánh vần theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cho thấy phải chăng đã đến lúc cần có Luật Ngôn ngữ tiếng Việt ?
Phó Giáo sư Tiến sĩ đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ - Bùi Hiền - Ảnh minh họa.
Phải theo Luật chứ không phải ‘lệ’
Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 với cách đánh vần đang gây phản ứng trên mạng xã hội, vốn được triển khai từ năm 1983 của thế kỷ trước ; đến năm 2002 thì dừng vì Luật Giáo dục quy định thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Nhưng sau đó, sách vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho phép thực nghiệm trong nhà trường.
Cái bất thường ở đây là việc "thực nghiệm Công nghệ Giáo dục Hồ Ngọc Đại" kéo dài suốt từ thập niên 80 thế kỷ trước cho tới tận hôm nay vẫn chưa có ai nghiệm thu.
Ngày 5/9 học trò cả nước sẽ dự lễ khai giảng năm học mới, thế nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn nợ câu trả lời, rằng "sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được thẩm định theo đúng quy định tại Khoản 3, Điều 29, Luật Giáo dục 2005 hay chưa ? Hội đồng thẩm định gồm những ai ?".
Ông Hồ Ngọc Đại là con rể của Tổng bí thư Lê Duẩn.
Luật hóa ngôn ngữ để nói đúng, viết đúng Tiếng Việt ?
Đầu tháng 11/2016, tại Hà Nội có Hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" do Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí tổ chức.
Nội dung chính của Hội thảo xoay quanh "Những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí – truyền thông đã tác động tiêu cực, nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền".
Giải quyết sự "lệch chuẩn về ngôn ngữ" này trên báo chí, kết luận của Hội thảo là cần có Luật Ngôn ngữ tiếng Việt ; dĩ nhiên bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác theo kiểu ‘định hướng Tuyên giáo’ để tránh ‘lệch chuẩn’ về tư tưởng thể hiện qua cách rút tít tựa, ‘chapeau’.
Ý kiến chung của các khách dự Hội thảo là Việt Nam có Hiến Pháp 2013, có các Bộ luật Dân sự, có Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ… cùng không ít văn bản pháp quy liên quan đến báo chí, truyền thông, ngôn ngữ. Nhưng luật chuyên ngành ngôn ngữ thì chưa có. Trên thế giới hiện nay có hơn 1.000 bộ luật ngôn ngữ. Trong khi Việt Nam nghìn năm văn hiến thì lại chưa có... Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, được quy định trong Hiến pháp (Điều 5). Đó là cơ sở pháp lý để ban hành Luật Ngôn ngữ.
Nôm na, cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ quốc gia để điều chỉnh kịp thời các hành vi ngôn ngữ, đồng thời phát huy được giá trị của Tiếng Việt.
Ngôn ngữ cần tự do để sinh sôi
Đây là một cách nhìn khác đối với đề xuất Luật Ngôn ngữ quốc gia. Theo đó, chữ viết gắn liền với ký ức, kỷ niệm, tình cảm của con người nên phải hết sức thận trọng nếu muốn thay đổi, chuẩn hóa, hoặc luật hóa nó. Đáp ứng được yêu cầu khoa học, nhưng làm tổn thương đến tâm thức cộng đồng có khi lại là... không khoa học.
Ngôn ngữ là những ký hiệu có tính quy ước, được vận hành dựa vào sự đồng thuận của đám đông, nên có khi tính hợp lý phải lùi bước trước tập quán. Đó là chưa nói những thay đổi đó, việc luật hóa đó có thật sự hợp lý và có tính thuyết phục cao hay không ?
Ở Việt Nam, một dự án luật sẽ ngốn ngân sách tính bằng tiền tỷ. Từ vụ cải tiến chữ Quốc ngữ của Giáo sư Bùi Hiền mới đây, cho tới "Công nghệ Giáo dục Hồ Ngọc Đại" dai dẳng từ thập niên 80 ở thế kỷ trước tới giờ, cho thấy với việc phản ứng gay gắt của người dân, thì xem ra không cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ luôn là một thực thể chuyển động của đời sống, nên đời sống sẽ giúp ngôn ngữ định dạng ở hình thái phổ quát nhất, tiện ích nhất, thông dụng nhất.
Cách chuẩn hóa hiệu quả nhất là sức ảnh hưởng của tri thức, mà cụ thể là giới cầm bút và giới dạy học. Chỉ cần văn bản của họ thuyết phục, sẽ tạo ra quy chuẩn cho xã hội. Đơn cử, tiến sĩ ngôn ngữ Hồ Xuân Mai từng nói với báo chí rằng ông đã tra 5 cuốn từ điển tiếng Việt, mà vẫn không thấy 2 từ "thu giá" của Bộ Giao thông vận tải.
"Trạm thu giá", từ đầu tháng 7-2018, đã quay về tên gọi cũ : Trạm thu phí. Có lẽ cái cần nhất hiện nay là "luật ngôn ngữ tiếng Việt" sử dụng trong hệ thống văn bản hành chánh, văn bản quy phạm pháp luật, cũng như hệ thống giáo dục học đường trên toàn quốc.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 31/08/2018
Xô xát đã diễn ra và có ít nhất 4 người bị đánh đập đến mức độ gây thương tích, trong đêm Liveshow nhạc vàng chủ đề "Sài Gòn kỷ niệm" của ca sĩ Nguyễn Tín vào tối ngày 15 tháng 8 tại quán café Casanova, 61C đường Tú Xương, phường 7, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hình ảnh đêm liveshow của ca sĩ Nguyễn Tín tại quán cafe Casanova đêm 15 tháng 08
Ca sĩ Nguyễn Tín được cộng đồng mạng biết đến với những ca khúc nhạc vàng livestream trên mạng xã hội. Anh cũng thường tham gia các hoạt động thiện nguyện, cũng như giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm. Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, ca sĩ Nguyễn Tín tham gia biểu tình, phản đối 2 dự luật đặc khu và an ninh mạng tại Sài Gòn. Sau đó, vào đêm 15 tháng 6, anh bị công an ập vào phòng trọ cưỡng chế bắt đi. Sau 3 ngày bị giam giữ, anh được trả tự do.
Quyền tự do dân chủ đã bị xâm phạm
Trong một chia sẻ trên trang cá nhân, ca sĩ Nguyễn Tín viết : "Đến hôm nay ngày 17/8/2018 sau 36 tiếng bị hành hung đánh đập như một tên tội phạm khủng bố, bị cướp hết tài sản và giấy tờ tuỳ thân bỗng nhiên trở thành một cú sốc tâm lý đối với Tín nên bản thân vẫn chưa hết bàng hoàng.
Tín không phải là một nhà hoạt động cho tổ chức hay một hội nhóm nào cả, những việc Tín làm chỉ xuất phát từ lương tri của một con người bình thường đang sống trong một xã hội thối nát của Việt Nam thời quá độ.
Vâng ! Các anh chị có quyền im lặng và sống như những gì mình đang sống nhưng Tín không làm được khi chứng kiến cảnh chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt đưa đi trước mặt những đứa con thơ và Mẹ già khi chị lên tiếng trước những thảm hoạ tàn phá môi trường của Formosa, xuống đường chống lại các lần trung quốc mang dàn khoang độc chiếm biển Đông hay điều tra về các nạn nhân chết trong đồn công an...
Những gì Tín đang làm rất nhỏ bé so với chị, nhưng Tín không cho phép bản thân mình sống hèn nhát trong nồi nước sôi đang đun những con ếch vô cảm. Tín cần phải làm gì đó để sau này có thể vỗ ngực tự hào với con mình rằng ba của con ngày xưa không hèn nhát và con thấy đó ba sống tự hào và không vô cảm !".
Nhà báo Nguyễn Nam Dương, người đã có mặt trong đêm nhạc "Sài Gòn kỷ niệm", kể rằng đêm hôm đó không ai trong khán phòng Casanova gây rối trật tự công cộng, không biểu tình, những bài hát cũng không có gì đặc biệt. Liveshow siêu nhỏ vẫn diễn ra bình thường, cho đến khi Nguyễn Tín hát bài "Cho một người nằm xuống" của Trịnh Công Sơn.
Từ ngoài cửa, xuất hiện một người đàn ông mập, trạc ngoài 50, tóc sương, bụng phệ, trên ve áo có gắn huy hiệu cho thấy đây là người của ngành chức năng bước vào quán. Cùng đi với người này, một người mặc áo ca rô nhuyễn, bỏ áo trong quần, dáng đậm người xộc vào với vẻ lạnh lùng. "Bài này đâu được phép hát", người đàn ông của cơ quan chức năng vừa chỉ tay về phía ca sĩ vừa nói. Nhưng ông ta đi kiểm tra... phòng cháy chữa cháy.
Khán giả xung quanh bắt đầu chĩa smartphone đến hai người đàn ông đó.
Khi Nguyễn Tín hát xong hai nhạc phẩm : "Đắp mộ cuộc tình", "Căn nhà ngoại ô", anh tuyên bố dừng liveshow, nhưng khán giả biết câu chuyện đêm nay chỉ mới bắt đầu. Phạm Đoan Trang bước ra đầu tiên khi cánh cửa khán phòng bị đóng chặt. Cô cùng vài người bên trong tông mạnh cánh cửa. Vừa mở cửa, an ninh đã đá cô ngã xấp và còng tay quăng lên xe chở đi.
Giọng một người nói lớn : "Chúng tôi kiểm tra giấy tờ". Cuộc xô xát đã khiến chị Diễm bị đánh. Chị Huyền dù đã lớn tuổi nhưng an ninh cũng đã không nương tay. Một số xô xát sau đó giữa các khán giả và an ninh xảy ra, an ninh đã đánh nhiều người trong khi việc đi xem ca nhạc là một hoạt động không vi phạm pháp luật…
Vì sao phải khởi tố vụ án xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân ?
Trong các giáo trình luật hình sự và một số sách nghiên cứu, bình luận chuyên sâu hiện nay có rất nhiều khái niệm khác nhau về các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, có thể điểm qua như sau :
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Luyện quan niệm :
"Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự gây ra, có lỗi, làm nguy hại đến những quyền tự do dân chủ của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 1992" (1).
Thạc sĩ Đinh Văn Quế viết :
"Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ Luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của công dân" (2).
Tiến sĩ Trịnh Tiến Việt và tập thể tác giả quan niệm :
"Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ Luật hình sự, do những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của công dân được Hiến pháp ghi nhận và pháp luật hình sự bảo vệ" (3).
Như vậy, tình tiết được mô tả từ những người trong cuộc ở đêm Liveshow nhạc vàng chủ đề "Sài Gòn kỷ niệm" của ca sĩ Nguyễn Tín vào tối ngày 15 tháng 8 tại quán café Casanova, cho thấy đã phù hợp quy định Bộ Luật hình sự, tại Điều 157.1 :
"Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm" (4).
Cần phải khởi tố vụ án về xâm phạm quyền tự do dân chủ để giữ gìn kỹ cương của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 20/08/2018
(1) Trần Văn Luyện, Chương XIII - Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, trong sách : Bình luận khoa học Bộ Luật hình sự (phần các tội phạm), tập thể tác giả, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.144.
(2) Đinh Văn Quế, Bình luận chuyên sâu Bộ Luật hình sự, Tập III - Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân ; xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.14.
(3) Trịnh Tiến Việt (chủ biên), Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân theo luật hình sự Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.71-72.
(4) Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Điều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật.
Từ năm 2018, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh : HG
Theo đại diện Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam, như : Các cơ quan chuyên trách về phòng, tham nhũng các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các cơ sở học thuật, các cơ quan truyền thông.
Cựu chuyên viên cao cấp của Thanh tra nhà nước, nguyên trưởng văn phòng đại diện tạp chí Pháp Luật và Môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Minh Mẫn đã trao đổi với phóng viên Việt Nam Thời Báo quanh thắc mắc : "Các thạc sĩ chuyên ngành phòng chống tham nhũng khi học xong ra sẽ làm gì ? Ai nhận ?".
"Lương tôi cũng thấp, nhưng Việt Nam không có tham nhũng" (!?)
Ông Phạm Minh Mẫn kể hồi thời gian ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư hơn một nhiệm kỳ (từ tháng 6 năm 1991 đến tháng 12 năm 1997), Việt Nam tuy cũng có những sai phạm trong quản lý kinh tế nhưng chưa bị coi là tham nhũng (?).
"Mình nhớ chính Tổng bí thư Đỗ Mười đã tự tin trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài trên truyền hình rằng "Lương của cán bộ công chức chúng tôi rất thấp, lương tôi cũng thấp, nhưng Việt Nam không có tham nhũng". Ông Lý Quang Diệu, vị thủ tướng lập quốc đầu tiên của Singapore được mời sang thăm Việt Nam cũng "cố vấn" với Tổng bí thư Đỗ Mười, đại khái : "Việt Nam chưa cần lo vấn nạn tham nhũng, các ngài chỉ nên tập trung vào kiểm tra, chấn chỉnh công tác 'tài chính kế toán'…". Ông Phạm Minh Mẫn chia sẻ câu chuyện cũ, và nhắc người viết nhớ bỏ trong dấu nháy cụm từ 'tài chính kế toán'.
Rồi 20 năm sau đó, vẫn theo lời ông Phạm Minh Mẫn, nhất là 2 nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tham nhũng ở Việt Nam đã "phát triển toàn diện, vững chắc", trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm, không chỉ đe dọa sự tồn vong của chế độ mà còn làm méo mó mọi nguồn lực của đất nước, từ nhân lực, tài nguyên đến đạo đức, lối sống.
"Người ta ăn của dân không từ một thứ gì", lời bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương. Có những vụ tham nhũng thất thoát ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng, hàng ngàn héc ta đất. Hàng chục quan chức cao cấp, hàng chục tướng công an và quân đội dính chàm, hành xử như đám kiêu binh, bị kỷ luật, phải vào tù.
Nhưng mặc kệ, ai tù cứ tù (được nương nhẹ thì càng tốt), còn các đồng chí chưa bị lộ vẫn lặng lẽ tham nhũng ngày càng tinh vi hơn. Mình biết chuyện một chủ doanh nhỏ bị công an bắt giam vì nghi án làm giả giấy tờ buôn bán xe ô tô. Gia đình muốn anh ta được tại ngoại. Chú em rất thân của mình dẫn họ đến gặp một đại tá còn khá trẻ, anh ta ra giá 1 tỷ đồng, đưa trước 500 triệu, sau khi xong việc mới đưa hết số còn lại. Và hai tháng sau vị doanh nghiệp kia được tại ngoại thật". Ông Phạm Minh Mẫn kể với tư cách là ‘người trong cuộc’.
Con bệnh đã nhờn thuốc
Trò chuyện với người viết, viên cựu Thanh tra chính phủ nói rằng cần trả lời tại sao vấn nạn tham nhũng càng chống lại càng bùng phát như một khối u ác tính, vụ sau lớn hơn vụ trước ?
"Chúng ta đã có các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, hạt nhân là Thanh tra chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an… Thanh tra chính phủ cũng đã cử nhiều đoàn cán bộ đi tìm hiểu học tập những nước có kinh nghiệm ít để xảy ra tham nhũng như Na Uy, Singapore… với những bài học về luật pháp, về thiết chế quản lý làm sao để cán bộ công chức không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và cũng không muốn tham nhũng… Nhưng hình như con bệnh đã nhờn thuốc đến giai đoạn di căn khó chữa". Ông Phạm Minh Mẫn trăn trở.
Ông Phạm Minh Mẫn cho rằng sở dĩ tham nhũng tồn tại vì đang có sự hợp lý của nó. "Muốn chống được tham nhũng thì phải phá đi cái gốc tạo nên sự hợp lý đó như cải cách thể chế dân chủ, các nhánh kiểm soát quyền lực phải thực chất, rồi trình độ dân trí, vấn đề đạo đức xã hội và sức mạnh của báo chí với tư cách quyền lực thứ tư, sau các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp... Còn chống tham nhũng của ta, hiện nay chỉ mới giải quyết tình thế, phần ngọn, có thể đạt một số kết quả, nhưng về tổng thể vẫn như việc ném đá ao bèo !". Ông Phạm Minh Mẫn biện giải.
Ai lú, ai hèn, ai mãi quốc…
Trở lại với băn khoăn "Các thạc sĩ chuyên ngành phòng chống tham nhũng khi học xong ra sẽ làm gì ? Ai nhận ?", từ câu chuyện nói trên, cựu chuyên viên cao cấp của Thanh tra chính phủ, ông Phạm Minh Mẫn nói rằng nếu một người chưa biết gì về tham nhũng mà bây giờ dạy họ phòng, chống tham nhũng thì vô lý. Hơn nữa, không ai dạy được một người mà rồi người ấy có thể cầm cân nảy mực, chống được tham nhũng. Nếu thế thì nên dạy cho cả bộ máy còn hơn". Ông Mẫn kết luận.
Trong làng báo Sài Gòn, cựu thanh tra viên Phạm Minh Mẫn còn được biết đến là một thi sĩ trăn trở thời cuộc. Tạm kết câu chuyện về tham nhũng nói trên, ông đọc bài thơ được coi là họa lại cố thi sĩ Tố Hữu :
[Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu
Tố Hữu]
Tôi kể ngày nay chuyện Mỵ Nương
Trái tim lạc chỗ để… chân giường
Mười sáu chữ vàng treo đất Bắc
Để vạn nấm mồ lạnh khói hương
Tôi kể ngày nay chuyện Mỵ Nương
Cam thân làm lẽ chốn cung đường
Biển bờ cương thổ cho Tàu khựa
Dân lành gánh chịu mọi tai ương
Tôi kể ngày nay chuyện Mỵ Nương
Em đi "giúp việc" cả mười phương
Biển độc, vườn hoang, nòi giống mất
Để khổ thân em với dặm trường.
Tôi kể ngày nay chuyện Mỵ Nương…
Chuyện thật mà nghe cứ hoang đường
Lịch sử lùi về thời mạt vận
Nên nỗi cơ đồ… chó gặm xương !
Kể sao cho hết chuyện Mỵ Nương
"Cắt đứt" đi em, hãy can trường
Ai lú, ai hèn, ai mãi quốc
Sóng dữ sẽ vùi dưới đại dương…
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 07/08/2018
******************
Thạc sĩ chống tham nhũng ở Việt Nam : ‘Lố bịch’ hay ‘muộn còn hơn không’ ? (VOA, 07/08/2018)
Chương trình thạc sĩ chống tham nhũng đầu tiên ở Việt Nam đang chịu sự hoài nghi và mỉa mai từ công chúng, các nhà nghiên cứu và một số tờ báo. Ở góc nhìn khác, có những người cho rằng đến bây giờ Việt Nam mới đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng là chậm hơn các nước khác, nhưng chậm còn hơn không.
Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chương trình thạc sĩ chống tham nhũng đầu tiên của Việt Nam hôm 2/8/2018
Có tên đầy đủ là Chương trình Đào tạo Thạc sĩ Luật học về Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng, chương trình được Đại học Quốc gia Hà Nội công bố hôm 2/8, và do Khoa Luật của trường thực hiện.
Báo chí trong nước tường thuật vắn tắt rằng chương trình nhắm mục tiêu đào tạo ra các chuyên gia có kiến thức "toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng" cho các cơ quan tổ chức đang tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Những người theo học trong chương trình cần phải có bằng cử nhân ngành luật hoặc gần với ngành này, như quản lý nhà nước, quản lý công hay chính trị học, theo các báo. Trường bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên vào giữa tháng 9 tới.
Các giảng viên của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đảm nhiệm phần lớn việc giảng dạy, bổ sung cho họ là các giáo sư nước ngoài hoặc từ các trường đại học Việt Nam khác, cũng như các chuyên gia tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác, các báo cho hay.
Dẫn lại thông tin từ lễ công bố chương trình, các báo cho biết, từ năm 2012, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội đã dạy về phòng chống tham nhũng như là một môn học riêng, trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam thực hiện một chỉ thị của thủ tướng về đưa phòng chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy.
Trong suốt 5 ngày kể từ lễ công bố, dư luận trên mạng xã hội liên tục thể hiện nhiều ý kiến hoài nghi về tác dụng của chương trình.
Nhiều người khác nhau cho rằng việc đào tạo này chỉ lãng phí vì tình trạng tham nhũng ở Việt Nam mấy chục năm nay không có gì thay đổi. Một số người gọi chương trình là "trò hề" hoặc "tào lao". Trong khi đó, có những người suy diễn xa hơn rằng kiến thức về chống tham nhũng có thể giúp cho một số kẻ biết cách che đậy để tham nhũng một cách tinh vi hơn, bài bản hơn.
Trên báo chí chính thống, sự hoài nghi tương tự được thể hiện qua các bài báo như "Nói thẳng : ‘Thạc sĩ chống tham nhũng’, buồn cười quá !" trên tờ Người Lao Động, hay bài "Thạc sĩ phòng chống tham nhũng : Đào tạo để làm gì ?" trên Đất Việt.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng, lý giải với VOA rằng sở dĩ nhiều người Việt Nam ngờ vực và châm biếm về chương trình vì lâu nay chính quyền thường "xảo ngôn" khi nói về các sự việc, "làm méo mó" ý nghĩa của các khái niệm.
Trong quan điểm của vị tiến sĩ, cái gọi là chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là "các cuộc thanh trừng phe phái trong nội bộ một đảng cộng sản duy nhất cầm quyền".
Ông nói :
"Tất cả những vụ án vừa rồi, diệt ông này, diệt ông kia, đốt lò, thì đều nhân danh chống tham nhũng, thật ra là chuyện phe phái đấu đá lẫn nhau. Nhưng việc đấu đá đấy được biện minh đó là việc làm trong sạch bộ máy, rồi chống tham nhũng, v.v và v.v… Và trong bối cảnh trớ trêu như vậy, người dân mới thấy chuyện đào tạo thạc sĩ về cái chuyên ngành như thế là cái trò lố bịch".
Quan chức cao cấp nhất của Việt Nam bị xét xử liên quan đến tham nhũng là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị
Theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đứng thứ 107 trong số 180 nước, có tiến bộ một chút so với thứ hạng 113 trên 176 của năm 2016, nhưng vẫn trong nhóm các nước có tình trạng tham nhũng cao.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/3/2016, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra chính phủ, nói : "Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn. Chống lại cơ chế xin cho, chúng tôi chống lại có khi ‘chết’ trước".
Trong các cuộc thảo luận trên mạng Internet, nhiều người dẫn lại phát ngôn cách đây hơn 2 năm của ông Đạt để nhấn mạnh quan điểm rằng việc đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng sẽ không đem lại tác động gì đáng kể, trong bối cảnh tham nhũng diễn ra tràn lan từ cấp trung ương cho đến cấp xã.
Mặc dù vậy, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, có cách nhìn khác. Bà cho hay rằng chương trình ra đời là kết quả của tâm huyết, nhiều nỗ lực, thậm chí là sự khổ công của nhiều người tại Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
So với nhiều nước khác đã có đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng từ lâu, ngay như nước láng giềng Trung Quốc cũng theo thể chế cộng sản đã cho thí điểm đào tạo ngành này từ đầu năm 2011, nữ tiến sĩ cho rằng Việt Nam "đã muộn, nhưng muộn còn hơn không".
Bà nói :
"Giá như nó được triển khai sớm hơn. Lẽ ra phải từ rất sớm thì mới đúng. Lạm quyền và tham nhũng là vấn đề của nhân loại chứ không của riêng Việt Nam. Giảng dạy cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trong hệ thống công quyền nắm được thế nào là tham nhũng, hay tham nhũng có thể bị xử lý như thế nào lẽ ra là nên có lâu rồi".
Nhà xã hội học Khuất Thu Hồng nói thêm rằng, chương trình đào tạo nói riêng và Việt Nam nói chung có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm hay và thành công về chống tham nhũng đã được đúc kết ở nhiều nước, ví dụ như các nước Bắc Âu hay Mỹ.
Trong khi đó, tiến sĩ Quang A nêu ý kiến rằng Việt Nam không cần đi đâu xa mà hãy "học" Singapore ngay trong khu vực. Theo ông, chống tham nhũng hiệu quả không nhất thiết phải gắn với thể chế dân chủ vì thực tế cho thấy có những nước dân chủ nhưng tham nhũng vẫn cao, và ngược lại.
Ông nói :
"Singapore chưa phải là một nước dân chủ, nhưng nền pháp trị của người ta rất rạch ròi. Pháp luật là trên hết, không có ai là ngoại trừ cả. Quản trị đất nước một cách minh bạch, hiệu quả. Chuyện minh bạch là rất quan trọng trong chống tham nhũng. Luật pháp nghiêm minh, minh bạch và quản trị tốt thì lập tức tham nhũng sẽ giảm".
Theo vị tiến sĩ, tuy Việt Nam khác Singapore ở quy mô lãnh thổ và dân số, song nếu các nhà lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính trị quyền lực nhất của Đảng Cộng sản thật sự cứng rắn, họ vẫn có thể kiểm soát hay thậm chí định đoạt số phận của các lãnh đạo cấp tỉnh, những người thường được người dân và đôi khi cả báo chí gọi là "những ông vua con".
Trên mạng Internet, nhiều người kêu gọi phải có các biện pháp quyết liệt hơn, như thay thế luật phòng chống tham nhũng bằng luật "tiêu diệt tham nhũng", các quan chức chính quyền phải kê khai tài sản và công bố một cách nghiêm túc, những tài sản bất minh không thể chứng minh nguồn gốc phải bị tịch thu. Họ khẳng định phải xem cuộc chiến chống tham nhũng là chuyện sống còn với cả quốc gia.
Tại Hội nghị sơ kết ngành Công thương 6 tháng đầu năm 2018, diễn ra hôm 9-7, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ hàng hoá nước này tràn vào thị trường Việt Nam, nhất là các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như đồ gỗ, dệt may, da giày.
Thương mại giữa Trung - Việt đã tăng qua các năm, đạt 71 tỷ USD trong năm 2016
Như vậy, xem ra đã có thể dừng bàn luận trong tu chỉnh dự luật đặc khu.
Vì sao Quảng Ninh hối thúc sớm phê chuẩn dự luật đặc khu ?
Tại Hội nghị Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề xuất Chính phủ hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là dự luật đặc khu) và đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác song phương với Trung Quốc.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, tính thời điểm đầu năm 2018, có 63 dự án có vốn đầu tư của Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án khoảng 2,11 tỷ USD, chiếm 52% tổng số dự án và 35% tổng vốn đăng ký của các dự án FDI.
Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực : Du lịch, dịch vụ, khách sạn, dệt, công nghiệp, khai khoáng, vật liệu xây dựng, nhiệt điện… Có 11 dự án thực hiện bởi các nhà đầu tư đến từ Quảng Tây (Trung Quốc) – địa phương có đường biên giới giáp với Quảng Ninh, tiêu biểu như : Dự án khách sạn và công viên giải trí Hồng Vận của Công ty cổ phần Khách sạn Hồng Vận (vốn đăng ký khoảng 66 triệu USD) ; dự án xây dựng đường dẫn cầu Bắc Luân II của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đắc, tổng số vốn đầu tư khoảng 19,2 triệu USD. Tập đoàn Khâm Hải của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đang xúc tiến xây dựng một bệnh viện tại Móng Cái.
Từ đầu tháng 6/2018, tỉnh Quảng Ninh chính thức mở cửa biên giới cho các loại xe hơi từ 5 đến 7 chỗ ngồi từ Trung Quốc được tự do lưu thông vào Việt Nam với thời hạn lưu trú không quá 5 ngày.
Với diện mạo như hiện nay, việc Quảng Ninh hối thúc sớm phê chuẩn dự luật đặc khu cũng không lạ, vì huyện đảo Vân Đồn nằm trên tuyến đường trung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc ; nằm trong khu vực hợp tác "Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung" ; hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và khu vực hợp tác liên vùng vịnh Bắc bộ mở rộng. Đồng thời, Vân Đồn cũng nằm trong quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ, tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong chuỗi đô thị quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, lên Tây Bắc qua Lạng Sơn, với phía Nam Trung Quốc (Quảng Tây, Quảng Đông).
Arcadis & Callison RTKL của Trung Quốc là tác giả của "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng cho Khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt".
Thế nhưng đó là câu chuyện của thời gian trước ngày 6/7/2018.
Sức ép khủng khiếp khi hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu sau 0 giờ sáng 6/7 (giờ Mỹ) khi quyết định áp thuế của Mỹ với 34 tỉ USD hàng Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Hàng hóa Trung Quốc gặp khó khăn ở thị trường Mỹ sẽ là cơ hội để các nước khác - trong đó có Việt Nam - xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng là đối tác đầu tư lớn thứ 8 của Việt Nam, với trị giá đầu tư khoảng 11-12 tỷ USD.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh lo ngại, việc Mỹ đánh thuế với hàng Trung Quốc sẽ dẫn tới nguy cơ các sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa Việt Nam. "Chúng ta đã áp dụng thuế tự vệ với thép, phân bón. Một khi dệt may, đồ gỗ, da giày của Trung Quốc bị chặn đường xuất khẩu sang Mỹ, họ sẽ đẩy mạnh xuất sang Việt Nam, liệu chúng ta có dễ dàng ngăn chặn không ?", Bộ trưởng đặt câu hỏi tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm diễn ra sáng 9/7.
Một doanh nghiệp ngành dệt may bày tỏ lo ngại khi vào được Việt Nam, hàng Trung Quốc có thể không chỉ dừng lại ở việc cạnh tranh với hàng Việt, mà sẽ tìm cách "núp danh" thương hiệu "made in Vietnam" để xuất sang Mỹ. Ghi nhận tại chợ đầu mối rau của quả Thủ Đức, Sài Gòn, lâu nay nông sản Trung Quốc đội lốt Đà Lạt rất nhiều, nhưng không phải do Trung Quốc làm, mà chính nhiều doanh nghiệp Việt Nam buôn bán chụp giựt đã làm việc đó.
Cũng khó trách. Do muốn đưa hàng sang Việt Nam dễ dàng, doanh nghiệp Trung Quốc bằng mọi cách đã hạ giá, nhiều mặt hàng rẻ hơn hàng Việt 30-40%. Nhìn thấy lợi ích này, nhiều doanh nghiệp Việt đã ồ ạt nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam bán kiếm lời. Thậm chí vì cái lợi trước mắt, không tránh khỏi việc doanh nghiệp Việt sử dụng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất qua Mỹ. Nếu phát hiện, chắc chắn Mỹ sẽ áp thuế hoặc nghiêm trọng hơn là cấm nhập.
Hàng hóa từ Trung Quốc sẽ được thêm cơ hội thống lĩnh thị trường Việt Nam khi có thêm nhiều kho hàng ngay tại cửa ngõ biên giới – nói như đốc thúc của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – một Trọng Thủy của thế kỷ XXI : Chính phủ cần rốt ráo ban hành luật đặc khu và đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác song phương với Trung Quốc.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 12/07/2018
Thông tin ông cựu giám đốc sở công an Hà Nội nói rằng, Hà Nội chuẩn bị bán thông tin cá nhân mà chính quyền thành phố Hà Nội thu thập trong dân chúng thủ đô, cho thấy dường như ngân quỹ của bộ máy hành chính Hà Nội đã cạn kiệt nên tìm mọi cách vơ vét nguồn thu.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất thí điểm việc chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư có thu phí
Viettel đã chi tiền để thu thập dữ liệu về dân cư ?
Trung tuần tháng 11/2017, Bộ Công an có tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhật ký phóng viên cho biết, tại hội nghị này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nói rằng sau một thời gian triển khai thí điểm, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có đủ điều kiện cần thiết để triển khai. Ngoài hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan đã xây dựng xong trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trung tâm dữ liệu dân cư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tướng Vương cho biết Chính phủ cũng đã xác định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án ngân sách nhà nước, là tài sản nhà nước giao cho Bộ Công an quản lý. "Tại sao lại giao cho công an ? Bởi vì công an có đầy đủ nguồn lực từ trung ương đến địa phương, đến tận xã phường. Và công an sẵn có dữ liệu quản lý bằng giấy rồi, từ căn cước công dân, giấy thông hành", Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, nói thêm rằng giao cho cơ quan công an quản lý không có nghĩa là của công an, mà sẽ dùng chung cho các bộ ngành.
Trên cơ sở nguồn dữ liệu thu thập đó từ ngành công an, Thiếu tướng Công an Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhìn nhận nếu Hà Nội thực hiện việc bán dữ liệu dân cư (ông Chung dùng từ chia sẽ) cho một số lĩnh vực như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác, thì dự ước số tiền thu về hàng năm cho ngân sách Hà Nội phải trên 300 tỉ đồng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ 18/04/2018, sở công an triển khai thu thập thông tin theo đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tại hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tập huấn công tác phục vụ triển khai thu thập thông tin dân cư Thành phố Hồ Chí Minh hôm 28/03/2018, Trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc sở công an cho biết, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, quy mô dân số hiện có hơn 2,5 triệu hộ với hơn 10 triệu nhân khẩu. Trong đó có hơn 1,5 triệu hộ với gần 6,3 triệu nhân khẩu thường trú, có 980.418 hộ với 3,4 triệu người tạm trú. Ngoài ra mỗi ngày có khoảng 0,5 triệu lượt người lưu trú.
Theo nội dung một Quyết định do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 26 tháng 11 năm 2015, thì dự án "Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" có tổng mức đầu tư (sau thuế) là 3.367 tỷ đồng do Tập đoàn Viễn thông Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng ứng vốn thực hiện dự án [tải Quyết định này tại http://bit.ly/2KHcj0u].
Ai được quyền ‘bán’ ?
"Theo Luật phí và lệ phí tới đây thì Bộ Công an sẽ quản lý dữ liệu này và tiến hành thu phí. Còn căn cứ vào Luật tổ chức chính quyền địa phương thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm quản lý dân cư trên địa bàn và được phép ban hành giá dịch vụ". Chủ tịch Thành phố Hà Nội – Nguyễn Đức Chung trả lời báo chí như vậy trong một phỏng vấn vào chiều 2/7/2018.
Phát biểu này của ông Nguyễn Đức Chung có lẽ từ niềm tin là dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về "Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính sớm ký ban hành.
Tuy nhiên nếu căn cứ vào Nghị định số 137/2015/NĐ-CP, thì thẩm quyền chia sẻ/‘bán’ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuộc Bộ Công an chứ không phải cơ quan hành chính dân sự là UBND Thành phố như lời của ông Nguyễn Đức Chung.
Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP viết :
Điều 9. Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư :
1. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin về công dân cư trú tại địa phương. 2. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép khai thác các thông tin về công dân trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, Điều 11. Sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP, yêu cầu :
1. Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân.
2. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ được sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc giải quyết thủ tục hành chính.
Như vậy, nếu theo đúng quy định của pháp luật, thì không thể có như lời tuyên bố chắc nịch về con số trên 300 tỉ đồng thu về mà ông Nguyễn Đức Chung cho rằng chính quyền Hà Nội có thể giành quyền từ tay bộ công an, để bán các thông tin cá nhân này cho ngân hàng, công chứng và… một số lĩnh vực khác (!?).
Trong trường hợp chính phủ chấp nhận đề nghị trao quyền ‘bán dữ liệu dân cư’ cho chủ tịch Thành phố Hà Nội, thì vào tháng 4-2019, với việc tổng điều tra dân số và nhà ở trên toàn quốc theo Quyết định 772/QĐ-TTg do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 26-6-2018, cho thấy có đến 10 nội dung mà ông Nguyễn Đức Chung có thể chào bán rất đắt hàng : Thông tin chung về dân số ; Tình trạng di cư ; Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật ; Tình trạng khuyết tật ; Tình trạng hôn nhân ; Mức độ sinh, chết và phát triển dân số ; Tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em ; Tình hình lao động - việc làm ; Thực trạng về nhà ở ; Điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 04/07/2018
Con số này có thể được tính chính xác khi cộng tất cả danh sách các phạm nhân đang thi hành án trong 66 nhà tù trải khắp từ Bắc chí Nam. Tiêu chí cáo buộc ‘không yêu nước’ được căn cứ vào phần kết ở một nội dung văn bản được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho phát tận nhà từng người dân, với dòng chữ in màu đỏ sậm như khẩu hiệu "Người yêu nước là người không vi phạm pháp luật".
Khi Tổ Quốc gọi - Ảnh minh họa
Thế nào là vi phạm pháp luật ?
Theo nội dung của "Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện" được ban hành kèm theo Quyết định số 1461/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, thì từ năm 2008 đến giữa năm 2016, "có 82.398 người được đặc xá, trong đó phần lớn đã ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật và tái phạm tội".
Như vậy, theo cách hiểu của Bộ công an vào năm 2016, thì ở tù mới là vi phạm pháp luật, dĩ nhiên đây là vi phạm pháp luật hình sự, chứ không hù dọa kiểu chung chung "người yêu nước là người không vi phạm pháp luật" như chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang ra sức tuyên truyền.
Theo cách diễn đạt chuyên ngành, thì "vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ" ; và được chia làm 5 loại vi phạm : vi phạm pháp luật hình sự hay còn gọi là tội phạm ; vi phạm hành chính ; vi phạm dân sự ; vi phạm kỷ luật ; vi phạm Hiến pháp.N
Nôm na, vi phạm pháp luật bao gồm : (1) Hành vi trái pháp luật ; (2) Có lỗi ; (3) Do chủ thể có đủ năng lực thực hiện ; (4) Xâm phạm quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ : có quy định chế tài, xử phạt, ngăn cấm….
Như vậy, các hành vi trái pháp luật nếu không thỏa mãn (1), (2), (3), (4) thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Ví dụ, người dân thực hiện quyền biểu tình là hành vi được Hiến pháp bảo vệ tại Điều 25, nên người dân không vi phạm pháp luật. Khi đi biểu tình, người dân có thái độ ôn hòa, không có các hành động đập phá, gây cản trở các sinh hoạt thường nhật khác thì cũng không vi phạm pháp luật. Nếu kẹt xe có diễn ra vì người dân đi bộ xuống lòng đường, thì hành vi này được gọi là vi phạm hành chánh.
Còn nếu nhân viên công lực xúm vào đánh, bắt người dân đang thực hiện quyền biểu tình ôn hòa, thì các nhân viên ấy đã vi phạm pháp luật hình sự. Đó mới đúng là "người không yêu nước" như cách hiểu của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh ở văn bản đã phát tận nhà người dân.
Có phải mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý ?
Câu trả lời là không, mặc dù hàng chữ trên bảng điện tử đặt ở nhiều giao lộ tại Sài Gòn chạy câu hù dọa như sau : "Mọi người dân đều được quyền bày tỏ chính kiến của mình nhưng không vi phạm pháp luật"",Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý".
Sinh viên năm thứ nhất trường luật từng phải làm qua dạng bài tập kiểu đúng, sai như sau : Bất kỳ người nào có hành vi trái pháp luật thì đều phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý. Hãy cho biết quan điểm này đúng hay sai, vì sao ?
Trả lời : Sai. Vì trách nhiệm pháp lý là sự bắt buộc chủ thể vi phạm pháp luật phải gánh những hậu quả pháp lý bất lợi, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước với chủ thể vi phạm pháp luật, được pháp luật xác lập và điều chỉnh, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định.
Nhưng không truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể có hành vi trái pháp luật trong các trường hợp sau : Chủ thể không có năng lực trách nhiệm pháp lý (không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của minh) ; Do sự kiện bất ngờ chủ thể không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra ; Do hành vi phòng vệ chính đáng ; Được thực hiện với tình thế cấp thiết ; Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính, người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Như vậy, không phải bất kỳ người nào có hành vi trái pháp luật thì đều phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý.
Yêu nước là gì ?
Biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm lược. Biểu tình để phản đối một chính sách ban hành đe dọa tước đoạt quyền tự do ngôn luận. Biểu tình để phản đối một dự luật đe dọa chủ quyền quốc gia… Những người tham gia biểu tình vì các mục đích ấy, được nhìn nhận là đang thể hiện lòng yêu nước, và họ muốn kêu gọi cộng đồng cùng góp tiếng nói xây dựng quốc gia Việt Nam cường thịnh.
Lịch sử dạy người ta rõ nguồn gốc của nước, nên khi đọc đến sử ký nước nhà, người ta thấy lòng yêu nước mạnh mẽ hơn, là vì người ta nhận rõ hơn cái tinh thần đoàn kết dân một nước ; những nỗi đau khổ chung, đó là một cái gia tài kỷ niệm có năng lực làm cho người ta cảm thấy rõ sự liên lạc mật thiết của mình với người cùng nước. Và ý tưởng ái quốc đã mạnh mẽ rành rọt khi trong một nước có những câu ca dao như :
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Xin tạm kết bài viết này bằng lập luận đúng theo khuôn mẫu tuyên giáo, là chính quyền cần chuyên cần hơn nữa trong học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cựu bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe (1912-2011) trong bài viết "Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh", đăng trên tờ Tia Sáng 04/05/2007, nói rằng :
"Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh gắn liền lý tưởng độc lập dân tộc với khát vọng dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người thường nói : Nước lấy dân làm gốc, dân là chủ, "Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì" [ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 419].
Vì vậy, yêu nước là phải phấn đấu làm sao cho nước độc lập, thống nhất, dân chủ, giầu mạnh, ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành,… Người nói một cách thống thiết : "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên".
Không có dòng sông nào chảy mãi nếu con người không biết khơi nguồn. Lòng yêu nước của nhân dân cũng có thể bị nguội lạnh đi nếu không được chăm lo nuôi dưỡng, để cho cả "một bày sâu" ra sức đục khoét, làm cho nó trơ rễ, bật gốc, héo mòn đi. Có lẽ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần xem lại cách hiểu và ứng xử về ‘lòng yêu nước’ kiểu dùi cui và nắm đấm bạo lực như hôm Chủ nhật 17/06.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 24/06/2018
Các trang báo đưa tin trong tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm Chủ nhật 17/06, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng "việc Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng với tỉ lệ tán thành 86,86% là rất sáng suốt". Vì "Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi".
Nếu ‘cột được đám mây’, thì…
Trong tư cách là một đại biểu Quốc hội, một nghị sĩ có chức vụ cao nhất của Đảng cầm quyền, dường như sức nặng tuổi tác đã khiến ông Nguyễn Phú Trọng trở nên chậm chạm trong lắng nghe các ý kiến của cử tri, cũng như cập nhật hiện tình đất nước cho dự báo sẽ ra sao nếu như có Luật An ninh mạng.
Hôm 14/06 tại Hà Nội có diễn đàn Blockchain Forum 2018, với chủ đề "Xu hướng và Tầm nhìn phát triển". Đây là diễn đàn đầu tiên về Blockchain với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách về kinh tế, pháp lý, khoa học và công nghệ cùng đại diện các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam.
Luật An ninh mạng có giúp bảo vệ chế độ ?
Luật An ninh mạng mà các vị đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua và được ông Nguyễn Phú Trọng ca ngợi là "rất sáng suốt", lại chứa đựng nhiều điều khoản đe dọa sự phát triển của Blockchain; nhất là với cách hiểu như lời tuyên bố chắc nịch của Thượng tướng Võ Trọng Việt, "doanh nghiệp phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dự liệu tại Việt Nam là hoàn toàn toàn khả thi…".
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Công nghệ này được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu, đặc biệt có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin.
Hôm 16/6, "tuyến cáp quang biển AAG trên nhánh S1H vừa mất lưu lượng không rõ nguyên nhân" mà báo chí đăng tải, cho thấy nếu kéo được đám mây điện toán về Việt Nam như lời của tướng Việt khi nhấn mạnh về tính khả thi của Luật An ninh mạng, thì chắc chắn những nhà quản lý Việt Nam cũng sẽ không ‘cột chặt’ được đám mây ấy, khi mà ngay cả việc tuyến cáp quang AAG liên tục được cho là bị mất lưu lượng cũng ‘không rõ lý do’ như suốt mấy năm qua. An ninh quốc gia trong trường hợp cụ thể đang diễn ra sẽ như thế nào nếu Việt Nam ‘cột được đám mây điện toán’ ?
Bộ Công an sẽ ‘nắm đầu’ Blockchain ?
Trở lại với Blockchain Forum 2018. Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (tiếng Anh : Internet of Things, viết tắt IoT), dự kiến sẽ là một thị trường 15 ngàn tỷ USD vào năm 2030, là một yếu tố quan trọng tác động đến cách mọi người làm việc và đổi mới trong tương lai. Nhược điểm của sự phát triển IoT hiện tại là do các lĩnh vực tăng trưởng nhanh, dẫn đến thông tin cá nhân lẫn các tổ chức dễ bị rò rỉ và xâm hại với tốc độ đáng kinh ngạc.
Trong khi đó, công nghệ blockchain cung cấp khả năng phân quyền quản lý thiết bị IoT. Với kỹ thuật phân phối và kiểm soát an toàn thông tin truyền tải trong các chuỗi độc lập, cá nhân và doanh nghiệp có thể dễ dàng kiểm soát thông tin mà không cần phụ thuộc vào các hệ thống tập trung. Blockchain được xem là công nghệ "chìa khóa" cho chuyển đổi số, và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Blockchain Forum 2018, dưới góc độ từ cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế - Bộ Tư pháp, "Ở góc độ quản lý Nhà nước phải tạo pháp lý để khuyến khích, ủng hộ doanh nghiệp phát triển Blockchain". Theo ông Tú, bốn vấn đề cần giải quyết về mặt pháp lý bao gồm : "Thứ nhất, phải khuyến khích việc sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên Blockchain. Thứ hai, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụngBlockchain. Thứ ba, cần tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, bảo vệ ba bên. Cuối cùng, các bộ ngành phải rà soát về luật, các quy định hạn chế sự phát triển của Blockchain cần loại bỏ, những điều giúp phát triển thì cần phải thêm".
Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thi hành, tuy nhiên giới kinh doanh tin rằng các nội dung của luật này sẽ đe dọa việc doanh nghiệp áp dụng Blockchain; bởi họ có thể bị rò rỉ thông tin khi bị can thiệp quá sâu vào bất kỳ lúc nào từ cơ quan công an từ việc nhân danh ‘bảo vệ chế độ này’ như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội hôm Chủ nhật 17-06.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 20/06/2018
Trong phiên phúc thẩm vụ án Hội Anh em dân chủ, Hội đồng xét xử cho rằng ở Việt Nam chưa có Luật về quyền lập Hội, nên hành vi thành lập Hội Anh em dân chủ mà không tuân thủ các quy định hành chính liên quan, là vi phạm pháp luật hình sự.
Hiến pháp bảo hộ công dân quyền lập Hội, không tuân thủ các quy định hành chính về Quyền lập hội là vi phạm pháp luật hình sự. Ảnh : Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam
Phóng viên Việt Nam Thời Báo đã có trao đổi với luật sư Đặng Đình Mạnh, nguyên luật sư Lê Công Định và luật gia Cao Minh Tâm về cáo buộc này trong thực hiện quyền lập Hội đã được Hiến pháp bảo hộ.
Sao lại cầm tù một quyền Hiến định ?
Luật sư Đặng Đình Mạnh – người tham gia bào chữa cho một bị cáo ở phiên phúc thẩm vụ án Hội Anh em dân chủ, nói rằng quyền lập hội đã được Hiến pháp quy định. "Thế nhưng mà tại phiên tòa phúc thẩm xử các ông trong Hội Anh em dân chủ vừa qua, thì cơ quan truy tố lại cho rằng thành lập hội khi mà chưa có luật về Hội, hành vi như vậy là không hợp pháp.
Tôi trình bày quan điểm khác. Thật ra một khi Hiến pháp đã quy định cái quyền lập Hội của công dân, thì cái quyền đó nó có hiệu lực ít nhất là từ giai đoạn mà Hiến pháp quy định. Nếu mà cho rằng chưa có luật, mà xem hành vi thành lập Hội đó là không hợp pháp, thì điều này là buộc tội không đúng. Tại vì khi mà nói cái điều đó thì vô hình chung là chưa có luật đã vô hiệu hóa đi cái hiệu lực của Hiến pháp. Đây là quan điểm không đúng".
Chi tiết hơn, nguyên luật sư Lê Công Định biện giải : "Lập Hội là một quyền của công dân theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp 2013. Theo Hiến pháp đó, thì tất cả mọi người dân Việt Nam đều có quyền lập Hội. Tất nhiên là Điều 25 cũng có một câu thòng, là việc thực thi các quyền công dân, bao gồm cả quyền lập Hội phải được pháp luật quy định. Tuy nhiên câu thòng đó cũng không cản trở người dân có cái quyền lập Hội, hoặc quyền tham gia vào các Hội, Nhóm.
Nếu Nhà nước muốn chi phối việc lập Hội, cũng như tham gia vào các Hội của công dân thì Nhà nước phải ban hành Luật. Và nếu Nhà nước không ban hành Luật, thì đó là lỗi của Nhà nước, chứ không phải là lỗi của công dân. Và không vì không có Luật, rồi Nhà nước tước đoạt cái quyền lập Hội của công dân.
Nếu có Luật thì người dân sẽ thực thi quyền của mình theo Luật. Nếu không có Luật thì công dân hoàn toàn có quyền thực thi quyền của mình theo Hiến pháp, và theo cách mà người công dân thấy thích hợp.
Trở lại vụ án Hội Anh em dân chủ. Chúng ta thấy Hội Anh em dân chủ là một Hội được thành lập theo ý nguyện hoàn toàn tự nguyện của những thành viên. Vì không có Luật lập Hội, cho nên những thành viên đó họ hoàn toàn có quyền thành lập cái Hội này theo Hiến pháp. Do đó, Hội Anh em dân chủ là một Hội hoàn toàn hợp pháp !".
Cần bình đẳng về quyền tự do thành lập Hội
Hiện nay việc thành lập Hội, Hiệp hội được quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP và Thông tư số 03/2013/TT-BNV. Theo đó, việc lập Hội phải được sự đồng ý của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà Hội dự kiến hoạt động.
Luật gia Cao Minh Tâm cho rằng với quy định như nói trên trong thủ tục hành chính, cho thấy xem ra tổ chức Hội ấy thật ra cũng chỉ là cánh tay nối dài của một đơn vị hành chính nào đó thuộc Nhà nước.
"Hội Anh em dân chủ đã thành lập không đúng quy định hành chính, thì có thể xử phạt hành chính. Quan sát các hoạt động của Hội Anh em dân chủ, tôi không thấy họ có các hành vi mang tính bạo động hay kích động cho mục đích lật đổ chính quyền như cáo buộc. Ở phiên phúc thẩm, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Nguyễn Trung Tôn, ông Trương Minh Đức hay nói rộng ra việc làm của cả 6 bị cáo trong vụ án này, cũng chỉ là hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, theo những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp và theo tinh thần các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Điều quan trọng, các bị cáo trong vụ án không che giấu hành vi của mình, luôn thừa nhận những việc đã làm và tin tưởng rằng mình không vi phạm pháp luật hình sự, không chống Nhà nước, không hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Việc quy kết, truy tố hay buộc tội công dân chỉ vì họ cùng tập hợp lại thành một tổ chức Hội để biểu đạt thái độ ủng hộ thể chế chính trị đa nguyên, hay luận thuyết về Nhà nước tam quyền phân lập, đề cao kinh tế tư nhân là nền tảng…, xem đó là những hành vi vi phạm pháp luật, cấu thành tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", rõ ràng là việc quy kết, truy tố và buộc tội trái với tinh thần pháp luật và quan điểm chính trị hiện hành". Luật gia Cao Minh Tâm, bình luận.
Vẫn theo luật gia Tâm, khi thực hiện quyền tự do thành lập Hội sẽ giúp cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận được hiệu quả hơn, phạm vi tác động sâu rộng hơn, đặc biệt là đối với các chính sách của Nhà nước. Nếu không có sự tập hợp để cùng nhau lên tiếng thì quyền biểu đạt bị giảm hiệu quả đáng kể, tiếng nói của một cá nhân rất khó được tiếp thu. Vấn đề thời hạn cho thuê đất đến 99 năm của dự Luật Đặc khu mà công luận đang phản ứng dữ dội là một ví dụ.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 08/06/2018
Với những gì cam kết giấy trắng mực đen mà lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ‘giao kèo’ lúc kêu gọi đầu tư với Lotte, thì liệu số phận của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm sắp tới đây sẽ giống như chùa Liên Trì đã bị cưỡng chế thô bạo vào tháng 9/2016 ?
Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm - Ảnh : Quý Hòa/NĐT.
"Chỉ còn chờ ‘đất sạch’ để khởi công" !
Cuối tháng 5/2016, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ định Liên danh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và các công ty Nhật Bản làm nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu phức hợp thông minh (Eco Smart City) tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thời điểm được chỉ định đầu tư (thay cho việc phải đấu thầu), Liên danh Tập đoàn Lotte, gồm 4 công ty con : Lotte Asset Development Co., Ltd. (đầu tư và quản lý tài sản) ; Lotte Shopping Co., Ltd. (phát triển mảng bán lẻ gồm Diamond Plaza department store, Lotte Mart, Lotte.vn) ; Hotel Lotte Co., Ltd (quản lý khách sạn), và Lotte Engineering & Construction Co., Ltd (xây dựng), cùng với 3 công ty của Nhật Bản là Mitsubishi Corporation ; Mitsubishi Estate Co., Ltd. và Toshiba Corporation. Tuy nhiên sau đó 3 công ty của Nhật đã rút lui. Hiện chỉ còn mỗi Tập đoàn Lotte là nhà đầu tư của dự án Eco Smart City.
Nằm trong Khu chức năng 2a của Khu đô thị mới Thủ Thiêm có hai công trình tôn giáo trên trăm năm tuổi là Dòng Mến Thánh Giá thành lập năm 1840 và Nhà thờ Thủ Thiêm xây dựng năm 1859.
Theo một đại diện của Lotte Asset Development Co., Ltd., đơn vị này đã hoàn thành đồ án quy hoạch của dự án, và gửi trình duyệt bản đồ án hoàn thiện lần cuối cùng này đến ban ngành chức năng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 4/2018. Phía Lotte cho biết họ đã hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để có thể khởi công Dự án Khu phức hợp thông minh Eco Smart City vào dịp kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam 2/9/2018.
Hồ sơ về đồ án quy hoạch từ phía Lotte cho biết trong phần diện tích đất ở Khu chức năng 2a, họ dành phát triển dự án khoảng 5,012 ha (tại 6 lô đất ký hiệu 2-1, 2-2, 2-3, 2-4, 2-5 và 2-6) để xây dựng các công trình thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 505.000 m2.
Ngoài diện tích xây dựng khu phức hợp thông minh, Lotte còn triển khai đầu tư hoàn chỉnh 4 đoạn đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu phức hợp đồng bộ với hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên diện tích đất gần 2,4ha. Nhà đầu tư được quyền kinh doanh và khai thác công trình này (khả năng lại xảy ra chuyện "trạm thu giá" !). Riêng 4 đoạn đường gồm N15, N16, D8, D10, nhà đầu tư sẽ bàn giao toàn bộ cho cơ quan Nhà nước quản lý. Trong đó, đường N15, N16 sẽ kết nối Đại lộ vòng cung R1 đến đường Ven hồ trung tâm R2.
Như vậy có thể thấy rằng trên bàn của các lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, bản đồ án quy hoạch cuối cùng của dự án Eco Smart City do Lotte trình, không hề có sự hiện diện của những công trình tâm linh là Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm.
Thời gian của những ‘lobby’
Trước đó trong một động thái ngoại giao kinh tế, vào chiều 8/3/2018, Phó chủ tịch Tập đoàn Lotte Hwang Kag Gyu đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Hwang Kag Gyu ‘đánh tiếng’ với Thủ tướng Phúc rằng tập đoàn Lotte đang tích cực chuẩn bị để sớm khởi công xây dựng dự án Eco Smart City Thủ Thiêm. Tường thuật về buổi gặp gỡ, trang tin của Chính phủ cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Lotte đầu tư lâu dài, phát triển bền vững tại Việt Nam".
Liệu số phận của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm sẽ giống như chùa Liên Trì đã bị cưỡng chế thô bạo vào tháng 9/2016 ?
Theo nguồn tin xác tín từ một chức sắc tôn giáo ở Sài Gòn, đang bắt đầu có những vận động hành lang ‘lobby’ đối với các cổ đông của Lotte, về việc yêu cầu nhà đầu tư gìn giữ các giá trị văn hóa tâm linh là Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm khi thực hiện dự án Eco Smart City Thủ Thiêm. Bởi với một quy hoạch biết lưu giữ công trình cổ làm bảo tàng hoặc làm khu nghệ thuật cho người trẻ ; thậm chí là khu thương mại nhưng bên trong cái "kiến trúc cũ" chứ không phải phá đi xây công trình mới, thì "lợi nhuận" từ di sản sẽ đạt được bằng cả kinh tế và văn hóa. Lợi nhuận ấy là bền vững và tích lũy theo giá trị di sản.
Khuyến cáo nói trên cũng phù hợp với bản thuyết trình Quy hoạch tổng mặt bằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Sasaki Associates (Mỹ) thực hiện với sự hợp tác của Viện Quy hoạch Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9-2004, là "những địa điểm nổi bật của khu Lõi trung tâm" có các cơ sở công giáo ở Thủ Thiêm. Xác định công trình tôn giáo lâu đời này là "khu văn hóa chính yếu", đơn vị thiết kế Sasaki Associates đề nghị "giữ lại và kết hợp với thiết kế của Lõi trung tâm".
Liệu những ông lớn như tập đoàn Lotte của Hàn Quốc có hiểu rất rõ điều ở trên khi quyết định dằn cọc tiền tươi đến 2.000 tỷ bạc để được trao quyền xây dựng khu đô thị thông minh Eco Smart City Thủ Thiêm tại Khu chức năng số 2a thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nghĩa là nơi đang có di sản Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm với tuổi đời gần 180 năm ?
Dẫu đô thị có thông minh đến đâu, song khi không có đình, chùa, nhà thờ, chợ, khu dân cư cũ, thì Thủ Thiêm sẽ thành một đô thị vô hồn.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 28/05/2018