Khoảng 1.900 dịch vụ y tế dự kiến sẽ điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2019. Cùng với đó, giá dịch vụ y tế sẽ được tính thêm khoản gọi là ‘chi phí quản lý’. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.
Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.
Lý do tăng : "Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 14818/BTC-QLG ngày 27/11/2018 ; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp" - Thông tư số 39/2018/TT-BYT giải thích như vậy (1).
Tuy gọi là ‘một số trường hợp’ nhưng có tới 1.900 dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng.
Điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở
Lý giải về sự điều chỉnh giá này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết, giá dịch vụ y tế hiện nay bao gồm hai khoản chi phí là chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.
Tiền lương tính trong giá dịch vụ y tế hiện nay vẫn tính theo mức lương cơ sở được ban hành từ năm 2013 là 1.150.000 đồng. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng nhiều lần tăng lương cơ sở, đặc biệt từ ngày 01/07/2019, tăng lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,4 triệu đồng/tháng.
Dĩ nhiên là các khoản phí trích đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn, và… ‘Đảng phí’ cũng tăng theo do tính theo tỷ lệ phần trăm tính trên tiền lương.
Với người dân, giá dịch vụ y tế tăng là chất thêm nỗi lo về gánh nặng kinh tế, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Hiện nay, theo con số từ cơ quan chức năng thì cả nước có khoảng 85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, với nhóm dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ khiến họ gặp khó khăn.
Một điều dưỡng khoa ung bướu ở Bệnh viện Bình Dân làm phép tính, hiện tại bệnh nhân ung thư điều trị và phẫu thuật, chưa đến giai đoạn phải xạ trị, nếu đúng tuyến thì chi phí phần lớn được bảo hiểm y tế chi trả đến 80% ; một số xét nghiệm y khoa có phần đồng chi trả hạn chế, hoặc không chi trả bảo hiểm y tế, như chụp MRI, chỉ đồng thanh toán nếu như bệnh nhân ấy tham gia đóng bảo hiểm liên tục 5 năm liền.
Thông thường, một ca chữa trị ung thư, chưa đến mức xạ trị, nếu không có bảo hiểm y tế, số tiền thực tế phải chi trả có thể hơn 200 triệu đồng. Nhưng với mức phải thanh toán gọi là đồng chi trả với cơ quan bảo hiểm y tế khoảng 60 triệu đồng vẫn là số tiền lớn, với nhiều người nghèo là không dễ xoay xở được.
"Qua đánh giá 1.900 dịch vụ y tế đã được công bố giá, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều dịch vụ có thể giảm giá do các yếu tố đầu vào chưa chuẩn. Cùng một dịch vụ sử dụng dịch truyền nhưng giá lại chênh lệch quá nhiều, dẫn đến giá thay đổi.
Cách tính viện phí theo hướng lương tăng thì phí tăng là đúng theo luật giá, nhưng khi giá đầu vào thay đổi thì cần tính toán lại đầu vào và đầu ra để có giá mới phù hợp. Sẽ có rất nhiều người bệnh bị ảnh hưởng bởi phí dịch vụ y tế tăng. Điều mà người bệnh mong mỏi là được chăm sóc điều trị tốt nhất, tương xứng với đồng tiền họ phải bỏ ra để chữa bệnh". Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến phía bắc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhận xét.
Tiêu chí công bằng của tài chính bệnh viện trong chuyện viện phí tăng
Các cơ chế cấp tài chính cho cơ sở cung cấp dịch vụ y tế gồm có : cấp từ ngân sách nhà nước, từ quỹ bảo hiểm y tế và chi trả viện phí trực tiếp của người bệnh.
Về bản chất, hầu hết các nguồn cấp tài chính này đều do người dân đóng góp. Ngân sách nhà nước được hình thành từ thuế và một phần từ viện trợ quốc tế ; quỹ bảo hiểm y tế được hình thành từ phí bảo hiểm tính theo tỷ lệ thu nhập của người lao động và sự đóng góp của người sử dụng lao động ; chi trả trực tiếp hay còn gọi là chi từ tiền túi của người dân cho dịch vụ y tế và cho hiệu thuốc.
Các nguồn cấp tài chính cho cơ sở dịch vụ y tế thông qua ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế được coi là tài chính công (hay chi tiêu công/ chi từ quỹ chung), còn nguồn chi trả trực tiếp của người dân cho dịch vụ y tế, hoặc để mua thuốc được coi là nguồn tài chính tư (hay chi tư/ chi riêng của từng cá nhân).
Khi nguồn chi tư chiếm hơn 50% tổng chi cho y tế của toàn xã hội, thì đó là dấu hiệu của một cơ chế tài chính mất công bằng quá mức (2).
Bởi vì nếu trên 50% là nguồn chi tư (tức là nguồn chi trả trực tiếp của người bị đau ốm), thì trên thực tế "ai ốm đau nhiều sẽ phải chi trả nhiều", không có sự chia sẻ đầy đủ của các nguồn tài chính được tập hợp thành quỹ, hay tài chính công (ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế), trong đó có sự đóng góp đáng kể của những người khoẻ mạnh và những người có thu nhập cao.
Đây là điểm khác biệt cơ bản của công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Nếu trong kinh tế công bằng là "phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác", thì công bằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không phải như vậy, không có nghĩa là ai đau ốm nhiều thì phải trả nhiều tiền, tức là không thể gắn khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản với khả năng chi trả.
Những lập luận nói trên là căn cứ theo góc nhìn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Ở Việt Nam thì mọi chuyện không như vậy.
Bộ trưởng Y tế cứ như đang sống ở… cõi trên !
Ngày 01/03/2016, đã có hơn 1.800 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá theo quy định của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Lúc đó, bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng khi viện phí tính cả lương bác sĩ, các bệnh viện sẽ phải chạy đua để tăng chất lượng dịch vụ, thay đổi thái độ với người bệnh... vì nếu không bệnh viện sẽ phải ngồi chơi xơi nước.
Chưa hết, trước thắc mắc được báo chí chuyển đến Bộ Y tế : "1.800 dịch vụ y tế đồng loạt tăng thì những người nghèo chúng tôi làm sao có cơ hội chữa bệnh ?", thì ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, hồi đáp đầy chất ‘tuyên giáo’ trong một văn bản có nội dung nguyên văn như sau :
"Theo chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay toàn bộ người nghèo theo chuẩn nghèo do Thủ tướng quy định. Trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn ; người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ; các xã đảo, huyện đảo... được Nhà nước cho phép mua thẻ bảo hiểm y tế nên khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.
Đối với người cận nghèo thì đã được Nhà nước hỗ trợ 70% để mua thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, người cận nghèo chỉ phải bỏ ra 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế (khoảng 186.000 đồng), khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh nên việc tăng giá dịch vụ y tế thì không ảnh hưởng đối với nghèo vì đã được bảo hiểm y tế thanh toán…".
Như vậy, với những người nghèo nếu đã thực hiện các quy định về thủ tục hành chính liên quan chuyện nghèo này thì họ mới cơ may được hưởng những phúc lợi an sinh từ Đảng và Nhà nước như lời trần tình của ông Nguyễn Nam Liên. Giờ thì sắp sửa điều chỉnh tăng hơn 1.900 dịch vụ y tế, chắc chắn người nghèo khi bệnh tật sẽ thêm khốn khó.
Dẫn chứng liên quan về chuyện ‘hộ nghèo/ cận nghèo’ : Trong văn bản có tên "Quyết định số 299/QĐ-UBND về việc phê duyệt số liệu hộ nghèo và hộ cận nghèo cuối năm 2017" của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (3), thì số liệu hộ nghèo và hộ cận nghèo cuối năm 2017 của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau : Số hộ nghèo là 3.206 hộ nghèo trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,09%.
Trong đó số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo là : 1.989 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,68% ; Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là : 1.217 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,41% ; Số hộ cận nghèo là 2.883 hộ trên tổng số 294.573 hộ nhân dân của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,98%".
Ở quyết định kể trên cho biết ở thành phố Thủ Dầu Một chỉ có 29 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội – tức nằm trong diện được Đảng và Nhà nước chăm lo về bảo hiểm y tế như lời của ông Nguyễn Nam Liên.
Những con số liên quan ‘nghèo’ ở tỉnh Bình Dương xem ra khó thuyết phục về độ tin cậy. Tuy nhiên đó lại là chứng cứ pháp lý cho chuyện liên quan bảo hiểm y tế.
Oái oăm hơn là số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì cho rằng ở tỉnh Bình Dương là tỉnh duy nhất của cả nước không còn hộ nghèo căn cứ vào thống kê Tổng hợp diễn biến hộ nghèo cả nước năm 2016. [Nguồn : Quyết định số 945/QĐ-LĐTBXH về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký ban hành ngày 22/06/2017 (4).
Xem ra ‘ở cõi trên’ không chỉ có bà bộ trưởng Y tế, mà còn có cả ông bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội ; hay nói rộng hơn là còn cả Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực nhất quốc gia trong mọi vấn đề sách lược an sinh.
Ước gì các quan chức Bộ Chính trị từng bị… nghèo tiền !
Chuẩn nghèo mà Chính phủ ban hành giai đoạn 2016 - 2020 quy định mức thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị.
Trong khi đó, tháng 10-2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành chuẩn nghèo của tỉnh với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở thành thị. Điều này giải thích cho chuyện chênh lệch số liệu như đã đề cập ở phần trên.
Do khập khiểng về chuyện chuẩn nghèo, nên trước đây gia đình ông Lê Văn Trung 75 tuổi, ngụ khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, thuộc diện hộ nghèo, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, từ tháng 8/2016, gia đình ông được khu phố 8 và UBND phường Tương Bình Hiệp đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, đồng thời cắt luôn chế độ bảo trợ xã hội.
Ông Trung kể vợ chồng ông đều già yếu : "Tôi có 4 người con đều nghèo khó, ở nhà trọ, cũng không có tiền để cho vợ chồng tôi. Bản thân tôi cũng muốn đi làm nhưng lớn tuổi rồi không ai mướn cả". Còn theo bà Bông, vợ của ông Trung, hằng ngày hai ông bà sống nhờ gạo từ thiện của một cơ sở tôn giáo, còn thức ăn thì hàng xóm cho.
Việc đưa gia đình ông Trung ra khỏi danh sách hộ nghèo, ông Lê Văn Chí, Trưởng ban Điều hành khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, phân trần : "Ở khu phố còn nhiều người nghèo hơn, chúng tôi phải đưa những trường hợp như gia đình ông Trung ra khỏi danh sách để đưa những người khó khăn hơn vào cho họ hưởng chế độ bảo hiểm y tế và nhận quà vào những dịp lễ tết".
Ông Chí cũng giải thích : "Do chuẩn nghèo của tỉnh quá cao so với quốc gia nên phải xét như vậy để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo".
"Tỷ lệ hộ nghèo còn bị khống chế theo đề án xây dựng nông thôn mới. Không giảm được hộ nghèo thì ấp không đạt danh hiệu khu ấp văn hóa. Xã không đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó những hộ nghèo như đã nói ở trên chúng tôi xác định là nghèo bền vững". Ông Lê Văn Thanh, Trưởng ban Điều hành ấp Yên Ngựa, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, cho biết.
Người nghèo - đặc biệt là với 'nghèo bền vững' lại phải thắt họng khi khám chữa bệnh kể từ ngày 01/07 tới đây xem ra là điều hiển nhiên trong bối cảnh có những chuẩn nghèo đầy ‘cõi trên’ đến như vậy !
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 24/06/2019
(2) WHO, "Strategy on Health care financing for the countries of the Western Pacific and South – East Asia Regions (2006 – 2010)", Manila, 2005.
Được phép đưa tin liên tục về cuộc biểu tình tại Hong Kong, song những diễn biến biểu tình ở Đài Loan liên quan đến Việt Nam thì báo chí trong nước lại im lặng.
Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh cùng với người ủng hộ khởi kiện Formosa tại Đài Loan ngày 10.06.2019. Ảnh : internet.
Tiến trình tố tụng xuyên quốc gia đã bắt đầu
Sáng ngày 11/6/2019, khoảng 60 người Việt Nam đã tập trung trước Tòa án thành phố Đài Bắc, Đài Loan để họp báo về việc Hội Công lý cho nạn nhân Formosa nộp đơn kiện Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) ra tòa, vì công ty này từng thừa nhận là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường cho 4 tỉnh miền Trung Việt Nam hồi năm 2016. Một cuộc biểu tình với cùng nội dung cũng diễn ra tại đây, và tại trụ sở Formosa ở Đài Bắc được nhiều cá nhân trực tiếp qua tài khoản mạng xã hội.
Báo chí Việt Nam hoàn toàn không có dòng tin nào về sự kiện đang diễn ra tại Đài Bắc nói trên. Thực tế này đang tạo làn sóng ngầm về lo ngại môi trường đầu tư ở Việt Nam ẩn chứa quá nhiều rủi ro nằm ngoài các luật định ; đặc biệt là các vấn đề tư pháp của Tòa án, và quyền hành pháp của Chính phủ.
Trên trang của Đoàn Luật sư Đài Bắc (1) cho biết có hai tổ hợp Luật sư Đài Loan, sẽ thay mặt gần 10.000 nạn nhân của thảm họa môi trường do Công ty FHS gây ra vào đầu tháng 6/2016, chính thức khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh cùng 18 công ty liên đới chịu trách nhiệm trước tòa án Đài Loan tại Đài Bắc. Mục đích khởi kiện là yêu cầu Tập đoàn FHS phải bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân, và làm sạch vùng biền bị ô nhiễm chất độc do công ty FHS gây nên.
Hội Công lý cho nạn nhân Formosa (JfFV) là tổ chức đứng ra thực hiện các công việc liên quan đến thưa kiện đó tại Đài Loan. JfFV đã làm việc hơn 2 năm nay với các nạn nhân ở Việt Nam để lập hồ sơ với gần 10.000 ngư dân, và những người thuộc các ngành nghề khác nhau ở 4 tỉnh bị thiệt hại trực tiếp từ việc xả thải của Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Hệ lụy ‘domino’ hoài nghi những phát ngôn từ người đứng đầu Chính phủ
Bàn luận về sự kiện pháp lý kể trên, một luật sư đề nghị không nêu tên, nói rằng nhiều khách hàng doanh nghiệp đang đầu tư vốn FDI vào Việt Nam, nói rằng họ thật sự hoang mang vì sao một nhà đầu tư nước ngoài khi sai phạm tại Việt Nam lại không được xét xử tại quốc gia diễn ra sai phạm, mà phải chờ đợi phiên tòa ngay tại đất nước của họ ?
Vấn đề khác, trong vụ việc ở Formosa Hà Tĩnh, người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có phát ngôn được rất nhiều báo chí cả trong lẫn ngoài nước nhắc tới, như "Sẽ đóng cửa Formosa nếu tái phạm", được ông Phúc nói tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng ngày 03/8/2016. "Nếu lại vi phạm, nhất quyết đóng cửa" là một tuyên bố khác của ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi thị sát các hạng mục tại FHS ngày 24/7/2017.
"Một là Formosa phải dừng lại, hai là phải khắc phục hậu quả. Ở đây họ không dừng mà cũng không có động thái gì khắc phục cả, họ vẫn đang tiếp tục làm ô nhiễm môi trường Việt Nam. Formosa nên bị đóng cửa, nếu chính phủ làm mạnh tay", bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Bền vững nói với phóng viên Mỹ Hằng của BBC hôm 14/5/2019 (2). Bình luận của bà Phương được đưa ra trong bối cảnh Formosa Hà Tĩnh bị phát hiện thải ra hơn 3 triệu tấn phế phẩm mỗi năm, và có nhiều sai phạm trong buôn bán các chất thải này. Cùng lúc đó tiếp tục có tin cá chết ở các tỉnh ven biển miền Trung.
"Chúng tôi có quyền hoài nghi về những tuyên bố và hành động thiếu nhất quán của ngài Thủ tướng. Chúng tôi đã tôn trọng pháp luật Việt Nam khi đầu tư vào đất nước này. Ngân khoản mà chúng tôi đã dành cho phần công nghệ cùng các vấn đề an toàn môi trường, môi sinh tại Việt Nam là rất lớn. Điều đó liệu có công bằng trong cạnh tranh làm ăn tại Việt Nam, nếu như FHS dường như được ưu ái về quyền miễn trừ nào đó từ Chính phủ Việt Nam ?". Vị luật sư ẩn danh cho biết một doanh nghiệp quốc tịch Pháp đang là khách hàng của văn phòng luật sư nơi ông làm việc, đã thắc mắc như vậy.
Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục đầu độc môi trường biển miền Trung
Trong công văn số 495, ngày 6/4/2019 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc "Kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc xử lý chất thải của Công ty Formosa", do Giám đốc Công an Hà Tĩnh, Đại tá Võ Trọng Hải ký, cho biết quá trình hoạt động của Dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải ; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm là hơn 3 triệu tấn.
Trong đó, các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn, cụ thể : Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10.700 tấn ; bùn phối trộn tồn kho 28.737 tấn ; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70 nghìn tấn ; bùn lò chuyển phát sinh 303 tấn/ngày ; xỉ thép phát sinh 2.500 tấn/ngày, lượng tồn kho khoảng 780.000 tấn.
Việc phân định các loại bùn bụi đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép) để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và căn cứ vào đó để phân loại có nguy hại hay không. Các cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác trong kết quả phân tích, do đó việc phân định chất thải rất khó mang tính khách quan, chính xác - như việc bùn lò cao trước đây phân tích là chất thải nguy hại, nhưng sau đó phân tích lại kết quả là chất thải thông thường ; Các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Công ty Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý...
Giáo sư Lê Huy Bá, tiến sĩ chuyên ngành Độc học sinh thái ở Viện Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên Sofia, Bulgaria, hiện là giảng viên trường Đại học Công nghiệp, bình luận về nội dung ở công văn số 495, ngày 6/4/2019 của Công an Hà Tĩnh, như sau : "Các giải pháp chúng ta sử dụng cho đến nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Hoặc tái sử dụng các chất thải bùn, xỉ để làm đường, san lấp nền. Nhưng các cách này không ngăn chặn được các chất độc hại tồn dư trong bùn, xỉ ngấm vào nước, gây ô nhiễm nguồn nước. Những nhà khoa học như chúng tôi hiện lực bất tòng tâm. Chúng tôi đã từng đóng góp các ý kiến về các tác hại tiềm ẩn đến môi trường của hoạt động của nhà máy thép Formosa, những mặt trái, mặt tiêu cực…. song dường như chẳng mấy ai ở cấp quản lý chịu lắng nghe…".
Giáo sư Lê Huy Bá nằm trong nhóm các nhà khoa học từng đưa ra những luận cứ phản đối dự án Bauxite ở tây nguyên.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 14/06/2019
(1) https://www.tba.org.tw ,
Trên trang http://duthaoonline.quochoi.vn của Thư viện Quốc hội, nơi chuyên đăng những dự án luật, cho đến nay vẫn chưa thấy đăng dự luật biểu tình. Trên trang Thư viện pháp luật https://thuvienphapluat.vn, cũng không đăng tải dự luật đó.
Như vậy trên thực tế cơ quan nào đã thực sự chấp bút soạn thảo dự luật này ? Báo chí đưa tin đó là Bộ Công an, nhưng ngay cả trên website của họ cũng không đưa ra về diện mạo dự luật ấy.
Một Đảng của dân thì sao lại cứ mãi sống trong lo sợ ?
"Với luật biểu tình, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án luật biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta".
Trên đây là đoạn trích nằm trong Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội "đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019" của Chính phủ trình Quốc hội hồi đầu quý 2/2019.
Bốn năm về trước, ở buổi thảo luận tại Hội trường Diên Hồng của Quốc hội vào sáng 27/5/2015 về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, đối với luật biểu tình, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Thành phố Hải Phòng) cho rằng, việc đề nghị cho lùi thời gian trình dự án luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 (dự kiến 5/2015) sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (10/2016) là quá lâu.
"Quốc hội nên xem xét cho ý kiến về luật biểu tình vào kỳ họp thứ 10 diễn ra vào tháng 10 tới và thông qua vào kỳ họp 11 để luật sớm có hiệu lực ngay trong năm 2016", đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.
Với mong muốn luật biểu tình được Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo lịch trình trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh nhu cầu có luật biểu tình nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đã được nêu trong Hiến pháp 2013.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Thành phố Hà Nội) chia sẻ : "Nếu các đại biểu Quốc hội không được bấm nút thông qua luật biểu tình trong nhiệm kỳ lần này sẽ cảm thấy rất nuối tiếc. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật để Quốc hội khóa XIII thông qua".
Bày tỏ mong muốn sớm được thông qua luật biểu tình, khi ấy Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là đại biểu Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh : "Trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, người dân rất muốn có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình".
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) nhấn mạnh : "Cử tri rất mong mỏi, quan tâm có luật biểu tình, họ đều đặt câu hỏi vì sao Quốc hội mãi không đưa vào chương trình, trình lấy ý kiến và thông qua luật này ?".
Sao không bỏ tù những ai đang cản trở quyền biểu tình ?
Câu hỏi đặt ra, nếu như Bộ Luật hình sự 2015 đã có điều khoản quy định : "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm" (Điều 167.1), thì vì sao khi người dân biểu tình bị ngăn trở bởi công an sắc phục và các lực lượng dân sự khác lại chưa thấy ai bị khởi tố về tội hình sự ?.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Hãng luật Hưng Yên, nhìn nhận về lý thuyết thì công dân Việt Nam hiện tại có quyền biểu đạt, biểu tình, pháp luật không cấm. Nhưng hoạt động biểu tình, biểu đạt, không được vi phạm các quy định khác của pháp luật.
Khi biểu tình phải chọn địa điểm, thời điểm phù hợp, không được tụ tập đông người gây ách tắc giao thông, trật tự an toàn xã hội, nếu có hành vi này thì đã vi phạm quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Cho nên hiện nay, biểu tình là quyền của công dân, nhưng công dân phải có nghĩa vụ chấp hành và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật, nếu có vi phạm họ sẽ bị xử lý theo văn bản điều chỉnh tương ứng, chứ không phải bị xử lý vì hành vi biểu tình.
Tuy nhiên trên thực tế chỉ cần tụ tập nhóm người ở khu vực quảng trường, công viên và không hề gây cản trở giao thông, trật tự xã hội cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động công cộng khác, thì với những băng rôn như phản đối Trung Quốc tấn công, cướp bóc tàu cá của ngư dân Việt Nam… là lập tức bị công an sắc phục lẫn thường phục trấn áp, tạm giữ ; thậm chí cả đánh đập người biểu tình ôn hòa ngay tại chỗ lẫn khi bị ‘mời’ về đồn công an.
Có ý kiến sở dĩ dự luật biểu tình vẫn chưa thể công khai trước bàn dân thiên hạ, vì vẫn còn nguyên vẹn đó tâm lý sợ đám đông trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Việc dùng các thủ đoạn để giải tán đám đông càng làm cho mâu thuẫn xã hội nhiều khi trở nên rất gay gắt, gây bức xúc trong nhân dân, vi phạm quyền tự do hiến định của người dân.
Một cuộc biểu tình ở Sài Gòn phản đối Formosa đầu độc môi trường biển miền Trung Việt Nam. Clip do nhóm phóng viên VNTB thực hiện
Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng đến đâu ?
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi thêm ghế Chủ tịch nước, cũng đồng nghĩa ông gánh luôn trọng trách là Trưởng Ban cải cách tư pháp quốc gia. Là người có học hàm tiến sĩ xây dựng Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đương nhiên hiểu rằng việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về biểu tình hiện đang là sứ mệnh của Nhà nước, là phép thử về bản chất dân chủ và tính chất nhân dân của Nhà nước trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Còn với tư cách là người đứng đầu đảng chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng quá hiểu về một chính quyền của dân, do dân và vì dân, thì không những không sợ và không thể sợ biểu tình, mà ngược lại phải biết lấy biểu tình làm sức mạnh gốc, coi biểu tình như sức mạnh của chính quyền nhân dân, như một chiếc cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, coi đó là phương tiện hữu hiệu để khắc phục tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các căn bệnh tham nhũng, lãng phí.
"Cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân từ phía cơ quan công quyền phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp và thể hiện văn hóa pháp lý trong quan hệ giữa nhà nước và công dân. Biểu tình là một kênh đối thoại quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, chính quyền ngày càng hoàn thiện qua việc lắng nghe dân, cân nhắc, điều chỉnh và hoạch định các chính sách liên quan sao cho hợp với lòng dân hơn, đồng thời có kế hoạch đưa hoạt động này trở nên có nề nếp, trật tự, thực sự là sinh hoạt xã hội thiết thực và bổ ích của người dân, nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng và đời sống tinh thần của nhân dân".
Ông Chu Hồng Thanh, nguyên Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật, đã có nhận định như vậy.
Vào sáng 4/6, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch UBND quận 1, về công tác tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Đầu giờ chiều cùng ngày, ông Đoàn Ngọc Hải đã gửi đơn xin từ chức.
Đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải.
13g45 ngày 4/6, ông Đoàn Ngọc Hải - tân phó tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn cho biết đã gửi đơn đến Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND Thành phố và lãnh đạo nơi ông đang công tác xin từ chức.
"Nếu tôi miễn cưỡng nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng do không có chuyên môn, điều đó sẽ làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc và tài sản của nhân dân nên tôi từ chức. Trong lúc đợi quy trình giải quyết chế độ nghỉ việc sớm 10 năm theo quy định, tôi sẽ xin nghỉ việc 2 tháng không hưởng lương", ông Hải trình bày trong đơn.
Theo báo chí tường thuật, lúc trao quyết định bổ nhiệm cho ông Hải, Phó chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến có đoạn phát biểu đầy ẩn ý vầy : "Anh Hải từ xưa nay vẫn là người luôn năng nổ, sẽ tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm. Trong quá trình làm việc nếu có gì khó khăn, thậm chí nếu khó đến mức không thể tiếp tục nhiệm vụ thì nhanh chóng báo cáo lãnh đạo thành phố tháo gỡ. Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe, chia sẻ để nhằm tạo điều kiện cho từng cán bộ, từng đơn vị hoàn thành thật tốt nhiệm vụ vì sự phát triển của thành phố".
Từ quan chức hành chánh chuyển sang quan chức kinh doanh
Ông Đoàn Ngọc Hải được nhiều người biết đến từ khi ông thực hiện chiến dịch dọn dẹp, chống lấn chiếm vỉa hè, trả lại lối đi cho người đi bộ bắt đầu từ năm 2017. Từ quận 1, phong trào "Giành lại vỉa hè" đã lan tỏa sang nhiều quận huyện khác của Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trên cả nước.
Lý lịch của ông Đoàn Ngọc Hải, thấy ghi gần như ông chỉ chuyên làm ‘các loại quan chức’ : Trước khi làm phó chủ tịch UBND quận 1, ông Hải là chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 ; phó trưởng Phòng kinh tế quận 1 ; bí thư Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 ; chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 1.
Nơi mà ông Hải về làm phó tổng giám đốc, có ‘tiểu sử’ như sau : Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn – Sageco, doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo quyết định số 6211/QĐ-UB-KT ngày 31/12/1996 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quyết định số 168/2003/QĐ-UB-KT ngày 10/09/2003 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định sát nhập Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Thành phố – CMC vào Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn – SAGECO và lấy tên là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn – SGC.
Ngày 15/09/2006 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số : 4198/QĐ-UBND về việc chuyển Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con. Thực hiện theo nghị định số 25/2010/ NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên, UBND đã có quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 31/07/2010 về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.
Một số nhà báo kể rằng hôm nhận quyết định bổ nhiệm, ông Đoàn Ngọc Hải đã… buồn ra mặt. Giới thạo tin giải thích về ‘khuôn mặt buồn’ ấy dường như có liên quan tới chuyện phía các sếp lớn ở thành phố này muốn mượn tay ông Hải để… ‘thu xếp tàn cuộc’.
"Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh liên quan tới vụ án Út Trọc, tức thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ, chính là một đối tác làm ăn với Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Tại dự án xây dựng trên lô đất 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, được thành phố cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn thuê từ năm 2012 để đầu tư xây văn phòng, hình thức thu tiền thuê đất hàng năm. Đến năm 2013, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh.
Theo hợp đồng số 23 được ký kết giữa hai bên, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn sẽ góp vốn thực hiện dự án bằng tiền thuê đất nộp ngân sách nhà nước, tương đương tỷ lệ góp vốn đầu tư 45%. Đổi lại Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn được hưởng lợi nhuận cố định tương đương 15 USD/m2 đất/tháng, tức Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn thu được lợi nhuận 7.905 USD/tháng kể từ khi dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động.
Cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc thực hiện hợp tác đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê của Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn là trái quy định Luật đất đai 2013". Nhà báo Cao Minh Tâm viện dẫn một tài liệu của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cho biết như vậy.
Quân bài di động của ai ?
Số là tại kỳ họp lần thứ 95 của Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã Quyết định thi hành kỷ luật 5 đảng viên thuộc Đảng bộ Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn.
Theo đó, thi hành kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối với Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng công ty và 1 Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty về khuyết điểm, vi phạm trong công tác phát triển đảng viên, có biểu hiện nể nang, không kiểm tra, giám sát dẫn đến hậu quả một số cán bộ vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thi hành Kỷ luật cảnh cáo về Đảng và đề nghị kỷ luật cảnh cáo về chính quyền 3 Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty có liên đới trách nhiệm trong những vi phạm về công tác phát triển đảng viên ; có khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện các gói thầu san lấp và cho thuê đất tại Dự án Khu công nghiệp Cái Mép.
Hai khu đất sau đây do Tổng Công ty Xây Dựng Sài Gòn quản lý đang được cho là ‘trong tầm ngắm’ liên quan chuyện ‘củi – lò’ : số 104 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, có diện tích 560m2, nằm tại vị trí đắc địa, ngay góc đường Nguyễn Du giao Nam Kỳ Khởi Nghĩa ; số 1-3-5 Nam Quốc Cang (giao Nguyễn Trãi), phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Đầu năm 2018, Kiểm toán Nhà nước công bố kết luận về việc thực hiện kiểm toán tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Có ba khu đất đã được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn nhiều năm nhưng chưa đưa vào sử dụng, khai thác, theo kết luận kiểm toán đó là khu đất rộng 1.142,7m2 tại địa chỉ 267 - 269 Gia Phú, phường 1, quận 6 ; khu đất rộng 9.321m2 tại 42B Tỉnh lộ 10, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh ; và khu đất tại 679 Hậu Giang, phường 11, quận 6.
Tháng 12/2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã "phê bình nghiêm khắc" : ông Nguyễn Văn Khởi - nguyên thành viên không chuyên trách hội đồng thành viên, tổng giám đốc, ông Nguyễn Lê Phong - nguyên phó tổng giám đốc và ông Dương Dũng Nhân, phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Các cá nhân này bị phê bình vì chưa thực hiện chặt chẽ, đầy đủ các quy định về thủ tục trong công tác đấu thầu đối với 3 dự án : dự án cao ốc SGCC Bình Quới 1, dự án cao ốc SGCC Bình Quới 2 và cự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cái Mép. Theo kết quả kiểm tra, tại các dự án này cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, thành lập tổ chuyên gia đấu thầu không đủ năng lực theo quy định, không đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu…
Trước đó, tháng 6/2013, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh có kết luận về các gói thầu san lấp và cho thuê đất tại dự án Khu công nghiệp Cái Mép, do Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên làm chủ đầu tư. Một trong những nội dung được xác định qua thanh tra là hợp đồng của Tổng công ty cho Công ty Lê Vũ thuê đất có dấu hiệu làm thiệt hại cho Tổng công ty số tiền lên đến cả triệu USD. Thanh tra còn phát hiện giá trị khối lượng san lấp thiếu đối với hàng chục nghìn mét vuông trong ba gói thầu san lấp (16, 17, 18).
Tuy nhiên không có bất kỳ vụ án liên quan nào được khởi tố, vì có đồn đoán thế lực đàng sau đó chính là ông Lê Thanh Hải. Lúc đó ông Lê Thanh Hải là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Xem ra lần này ông Đoàn Ngọc Hải đã buộc phải ngồi vào ghế rất nóng ở Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Dường như hiểu rõ mọi chuyện nên ông đã từ chức ngay trong ngày nhận được quyết định điều chuyển.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 06/06/2019
Ngày 31/5, trước tuyên bố ‘nhận trách nhiệm’ của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ở nghị trường Quốc hội, nhưng không nêu rõ ‘nhận xong thì thế nào’, thầy Trần Chút, cựu chủ tịch Hội Ngôn ngữ học (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh), đặt vấn đề, phải chăng đây là hệ lụy tất yếu của nền giáo dục Việt Nam vốn chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cộng sản ?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ - Ảnh minh họa
Nếu là nền giáo dục thích hợp cho việc đào tạo cán bộ của đảng cầm quyền, thì trách nhiệm của người đứng đầu đảng sẽ ra sao, trong trường hợp Phùng Xuân Nhạ, cũng như hàng loạt quan chức đảng viên trong vụ gian lận điểm thi được cơ quan điều tra xác nhận là ‘sai phạm cố tình’ ?
Chưa có chủ nghĩa xã hội thì làm sao có nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ?
"Trong Luật Giáo dục hiện hành ghi rằng :
‘Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng’.
Nội dung này có thể phù hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cơ sở chuyên đào tạo cán bộ của đảng cộng sản Việt Nam. Còn nền giáo dục cho toàn dân thì không thể như vậy. Đó phải là nền giáo dục nhân bản, khai phóng, đào tạo người lao động Việt Nam tự do sáng tạo, tự chủ, tự lập, tự trọng". Thầy Trần Chút biện giải.
Như vậy vấn đề có tính nguyên tắc của kim chỉ nam : Thế nào là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, trong khi trên thực tế ở lần góp ý sửa đổi Hiến pháp phiên bản 1992, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu (trích) : "Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Cho nên nếu có sửa thì phải nói là "đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội" sẽ chuẩn hơn" [1].
Liên Xô đã tan rã. Phần lãnh thổ Đông Âu của nó bây giờ thuộc về Liên minh Âu Châu. Trung Quốc được cho là có một nền kinh tế thị trường, song với những diễn biến thời sự chính trị - kinh tế hiện tại, cho thấy diện mạo chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc là mớ hổ lốn của nền công nghiệp ‘đánh cắp’. Còn các nhà nước "xã hội chủ nghĩa" Bắc Hàn, Cuba và Venezuela đang trong đống đổ nát về kinh tế.
Hình mẫu tốt đẹp ra sao về cái gọi là ‘nền giáo dục xã hội chủ nghĩa’, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy ở bất kỳ quốc gia xã hội chủ nghĩa nào. Các từ tố gắn theo ‘có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác_Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng’, càng khó hiểu hơn. Bởi nói như lời của giáo sư triết học Nguyễn Đức Bình (1927 – 2019), "Không thể vừa là chiến sĩ cộng sản lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng đời mình, lại vừa làm ông chủ tư bản lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống. Thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ! Quần chúng công nông, các lực lượng vũ trang con em công nông sẽ hỏi chúng ta ngay : vậy các anh là Đảng của ai ?".
Bàn luận thuần góc nhìn học thuật, ông Hồ Bá Thâm, nguyên giảng viên của trường Tuyên huấn Trung ương, cũng bày tỏ phân vân quanh vấn đề chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam theo đuổi, có hình hài ra sao để có thể làm kim chỉ nam cho giáo dục như nhận xét của thầy Trần Chút.
"Dù là sở hữu công cộng và nhà nước của dân nhưng đất nước còn nghèo thì chưa phải là chủ nghĩa xã hội, hay cùng lắm là chủ nghĩa xã hội cổ điển, nguyên thủy. Nhưng một nước giàu mạnh cũng chưa hẳn là chủ nghĩa xã hội, nếu dân không được hưởng và làm chủ thật sự". Ông Hồ Bá Thâm, nhận xét.
Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng đến đâu ?
Với mối bùng nhùng nói trên, cho thấy việc bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuyên bố suông ở nghị trường hôm 31-5, (về giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của Quốc hội, đề cập vụ gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình) : "Bộ và cá nhân tôi là bộ trưởng, phụ trách ngành, xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số việc" [2] ; song không nêu bất kỳ đề xuất tự kỷ luật nào, cho thấy mặc dù như lời nhận xét của thầy Trần Chút "giáo dục ở Việt Nam chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cộng sản", thì việc đào tạo đó cũng đang hư hỏng, cần mạnh dạn thay đổi.
"Nhận trách nhiệm rồi sao nữa bộ trưởng ?" là câu hỏi đang đặt ra. Bởi bộ trưởng không nhận trách nhiệm thì ai nhận ?. Nếu lứa được nâng điểm năm 2018 sau 4 - 5 năm sau sẽ trở thành bác sĩ, công an, kỹ sư... thì sao nhỉ ? Chưa chắc những năm tiếp theo hoặc những năm trước đó trong sạch.
Tội cho con em thường dân nỗ lực hết mình, vượt nghèo vượt khó để kiếm được kiến thức vững chắc mong về phục vụ nhân dân, quê hương đất nước, nhưng không có cơ hội khi mà con cháu quan chức, đại gia được trải thảm đỏ từ nhỏ đến khi ra đi làm. Tất cả những điều ấy phải chăng là hệ lụy tất yếu, điều không thể tránh khỏi và vẫn đang tiếp tục xảy ra, khi mà Việt Nam vẫn chăm bẳm vào nền giáo dục vốn chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cầm quyền ?
Với một nền giáo dục ‘vì đảng’ đến như vậy, chỉ xét từ năm 2004 đến nay, gần như tất cả những lần bộ trưởng rời khỏi chức vụ đều là do Quốc hội phê chuẩn đề nghị từ Thủ tướng với xuất phát điểm từ yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị ; kể cả trường hợp gần đây của ông Trương Minh Tuấn. Chỉ có số ít trường hợp Quốc hội (hoặc cơ quan thuộc Quốc hội) chủ động xóa bỏ tư cách của một người do mình bầu. Đó là khi Quốc hội xóa bỏ tư cách nguyên bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng và ông Nguyễn Bắc Son (do Ủy ban thường vụ Quốc hội làm). Và cũng xuất phát từ chỉ đạo mang tính bắt buộc từ Bộ Chính trị.
Lần thứ hai là khi Quốc hội chủ động miễn nhiệm... các đời chủ tịch nước để dọn đường cho chủ tịch nước mới lên. Ông Trương Tấn Sang được miễn nhiệm khi Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị miễn nhiệm để ông Trần Đại Quang lên thay. Bãi nhiệm thì chưa xảy ra.
Luật sư Phạm Công Út, diễn giải thêm câu chuyện của nền giáo dục ‘vì đảng’ : "Vụ việc ở Sơn La, Lào Cai... phải do thường trực tỉnh ủy chỉ đạo, UBND tỉnh triển khai. Có lẽ cấp dưới họ vẫn chờ ý kiến chỉ đạo đấy thôi. Kiểm điểm rút kinh nghiệm. Thanh tra xử lý kỷ luật. Khởi tố vụ án. Đình chỉ chức vụ từ trưởng ban chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh, giám đốc sở, thư ký hội đồng thi, giám khảo, chuyên viên... Cuối cùng là ban nội chính tỉnh ủy có đề nghị xử lý với các phụ huynh hay không". Nhận thức tới đâu ý kiến tới đâu đều có thường trực cân nhắc. Cấp thi hành chờ cho ý kiến chỉ đạo.
Tất nhiên là với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục, ông Nhạ có thể phải có công văn yêu cầu điều tra, xác định phạm vi xử lý, đề nghị đại biểu quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội cùng vào cuộc giám sát, kêu nài phó thủ tướng, thủ tướng chỉ đạo, đề nghị ban nội chính trung ương, ban chỉ đạo chống tham nhũng, ban bí thư, tổng bí thư đưa vào chương trình trọng điểm phòng chống tham nhũng...
Tất nhiên, ông Nhạ tin tưởng tổng bí thư chưa chỉ đạo hẳn còn cân nhắc chuyện gì đó. Chứ tổng bí thư đã chỉ đạo thì cũng chưa tới phiên ông Nhạ có việc...".
Như vậy, liệu trách nhiệm của người đứng đầu đảng cộng sản sẽ được quy kết thế nào, và liệu có ai dám đứng ra kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng hãy tự trọng từ chức, giống như làn sóng yêu cầu bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ở hiện nay ?
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 02/06/2019
(2) https://vtc.vn/video-bo-truong-phung-xuan-nha-nhan-trach-nhiem-vu-gian-lan-thi-cu-d477828.html
Có quá nhiều bê bối trong lãnh vực giáo dục đã và đang tiếp tục xảy ra, liệu ông Vũ Đức Đam có nghĩ tới việc từ chức, bởi đó còn là lòng tự trọng và tư cách cần có của một chính khách.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ (trái) và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018. Ảnh: Thanh Hùng
Dĩ nhiên nếu ông Vũ Đức Đam tự nguyện rời ghế Phó Thủ tướng, thì tương ứng, cần xem xét đến trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Phúc, người đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục.
Tay trái đánh tay mặt à ?
Theo Quyết định số 1527/QĐ-TTg ngày 01/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ được phân công nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác : Giáo dục, đào tạo và dạy nghề ; Khoa học và công nghệ ; Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội ; Thông tin và truyền thông ; Văn hóa ; du lịch ; thể dục, thể thao ; Y tế, dân số, gia đình và trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo.
Với hàng loạt ‘bổn phận’ nêu trên, câu hỏi đặt ra là vì sao ông Vũ Đức Đam không đưa ra đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thay đổi nhân sự đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ?
Giả dụ ông Vũ Đức Đam có ‘tham mưu’ việc thay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thì trên thực tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫu muốn, cũng phải thông qua ý kiến chấp thuận của một tổ chức có tên "Bộ Chính trị" với quyền lực tập trung cao nhất vào 3 vị có thứ tự sau đây : Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính. Đó là yêu cầu của Quyết định 105-QĐ/TW "về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử", do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành ngày 19/12/2017.
Các chức danh cán bộ do Bộ Chính trị quyết định bao gồm : Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành Trung ương ; Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng... Bộ Chính trị cũng quyết định : Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng các ban của Trung ương Đảng ; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ...
Như vậy, nếu có trách cứ về bất kỳ ai trong bộ máy nhân sự quản trị quốc gia, thì địa chỉ đúng nhất, cần thiết nhất phải nhận mọi búa rìu dư luận chính là Bộ Chính trị, có trụ sở đóng tại số 1A, Hùng Vương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Kỷ luật của đảng : nói hay, làm thì…
Trở lại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ - người còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Vụ việc mua điểm thi với giá từ 1 tỷ đồng cho một thí sinh ở tỉnh Sơn La mà cơ quan công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, cho thấy chỉ xét riêng về sai phạm trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, trước mắt là đã hội đủ lý do để kỷ luật khai trừ hàng loạt đảng viên, tính từ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trở xuống.
Quy định số 08-QĐi/TW "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10/2018, tại "Điều 2. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện", ở khoản 8, ghi : "Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình ; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh ; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ".
Vụ án nâng điểm thi tốt nghiệp trung học phố thông quốc gia 2018 được xem là bê bối thi cử lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 222 thí sinh được nâng điểm. Trong đó Hà Giang có 114 thí sinh, Sơn La và Hòa Bình lần lượt có 44 và 64 thí sinh.
Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La có cán bộ 8 ngành giáo dục và công an liên quan.
Theo kết quả điều tra (đã được tống đạt đến các bị can), trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Yến được phân công là ủy viên ban chỉ đạo thi của tỉnh, phó chủ tịch hội đồng thi, trưởng ban vận chuyển và bàn giao đề thi, phó trưởng ban thường trực ban coi thi, phó trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Kết quả điều tra cho thấy vị phó giám đốc sở này đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh đó có 8 trường hợp do chính giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La ‘gửi gắm’.
Kết luận điều tra cho biết, theo ông Yến, ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, gọi ông Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo ‘đặt hàng’. Cũng ngày 28/6, ông Nguyễn Ngọc Hà - trưởng Phòng giáo dục trung học Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La - đến gặp ông Yến tại phòng làm việc và đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm. Trong số này có 2 trường hợp trùng với danh sách giám đốc sở đã nhờ trước đó.
Sau khi có thông tin của 13 thí sinh, ông Yến tổng hợp thành một danh sách, trong đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, các mã đề, tổng số điểm cần phải đạt được của từng thí sinh. Sau đó, ông Yến trực tiếp đưa danh sách này cho Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm - để bà Nga giải quyết…
Tất cả các ông, bà có tên nói trên đều là đảng viên đảng cộng sản, thuộc Chi bộ đảng Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La. Chính điều đó cho thấy nếu phải thực hiện theo Quy định số 08-QĐi/TW để buộc ông Phùng Xuân Nhạ phải từ chức, thì xem ra sẽ dắt dây đến hàng loạt trách nhiệm khác của Tỉnh ủy Sơn La. Điều này cho thấy gần như là bất khả thi.
Với mối bùng nhùng như đèn cù trong các quy định đan xen giữa luật pháp quốc gia với ‘luật riêng’ của đảng cộng sản, thì chuyện ‘từ chức’, ‘cách hết mọi chức vụ trong đảng’ quả tình là một hình thái chính trị 'đặc sắc' của riêng Việt Nam.
Danh dự của chính khách là đảng viên đảng cộng sản ?
Có ý kiến rằng nhiều khi chuyện từ chức dựa trên cơ sở danh dự, văn hóa chứ không cần đến các quy định kiểu như Quy định số 08-QĐi/TW.
Đơn cử việc một bộ trưởng của Nhật, chỉ vì có ì xèo về nguồn tài chính thiếu minh bạch, không ổn khi tranh cử, người ta đã từ chức ngay rồi ; hay bộ trưởng môi trường Mexico đã nộp đơn từ chức ngày 25/5/2019, sau khi bị chỉ trích vì làm một chuyến bay khởi hành trễ khoảng 40 phút. Trước đó, năm 1993, tại Nhật Bản có 3 thủ tướng từ chức. Nhiều vị thủ tướng nhậm chức trong 3 tháng thấy không làm được thì từ chức…
Có thể thấy đây chính là việc tất yếu của một hệ thống chính trị hết sức có lương tâm. Chưa chắc người từ chức đã có vi phạm gì, mà chỉ là người ta cảm thấy không còn uy tín thì người ta xin từ chức thôi. Việc từ chức để nhận trách nhiệm, từ chức vì thấy cắn rứt, từ chức vì thấy đáng ra bản thân phải làm tốt hơn hoặc để người khác làm sẽ tốt hơn mình thì đó là chuyện của đạo đức, không phải chuyện của pháp luật.
Xem ra nếu nhận xét từ những dẫn chứng vừa nêu là có thể chấp nhận, thì phải chăng đạo đức của những quan chức là đảng viên cộng sản lại thuộc chuyện "ăn không từ thứ gì" ? [*]
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 28/05/2019
Chú thích :
[*] "Người ta ăn của dân không từ cái gì nữa, từ liều vacxin con con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm". Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu như vậy tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/9/2013.
Quyền tài sản đất đai của người dân Sài Gòn đã không được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ
Cuộc gặp gỡ mang tên Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ thường niên diễn ra vào ngày 15-5-2019, dường như không đề cập đến thực trạng về quyền sở hữu tài sản của người dân Việt Nam, là một thứ quyền lâu nay chỉ mới dừng lại ở ý nghĩa ‘mỹ từ trang sức’ của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quyền sở hữu đất đai của người dân đã không được chính quyền Thành phố - Công văn nói một đằng, thực hiện một nẻo.
Quyền tài sản theo định nghĩa tại Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015, đó là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Đại biểu của nhân dân nhưng lại là tiếng nói của chính quyền
Phân tích pháp lý, thì quyền là một quyền năng dân sự chủ quan của chủ thể và được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền tài sản hiểu theo nghĩa rộng là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình và yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình. Xét theo ý nghĩa này, quyền sở hữu (vật quyền) cũng là một loại tài sản.
Tuy nhiên các quy định và cách hiểu, vận dụng pháp luật nói trên đã không được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Vụ khiếu kiện kéo dài suốt hơn 20 năm qua ở Thủ Thiêm, quận 2 và mới đây là ở vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình là một minh chứng.
Tại kỳ họp thứ 14 diễn ra vào tuần trước, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã thông qua tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án hỗ trợ thu hồi đất trên khu đất công trình công cộng (vườn rau Lộc Hưng) ở phường 6, quận Tân Bình. Theo đó, dự án sẽ tăng tổng mức đầu tư từ 300 tỷ đồng lên 401 tỷ đồng. Dự án gọi là bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2015, do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 300 tỷ đồng, với thời gian thực hiện từ 2016 - 2020. Mức chi phí hỗ trợ cho các hộ dân được thông qua ban đầu là 4 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên văn kiện pháp lý liên quan vào năm 2015 cho biết không hề có dự án trường học được xây dựng ở nơi được gọi là "khu đất công trình công cộng", mà là dự án công viên, và trước đó nữa là dự án nhà ở.
Cái đáng chú ý nhất ở đây là các vị đại biểu của nhân dân có mặt hôm 11/05 đã ‘hồn nhiên’ đồng ý với lập luận mà chính quyền đưa ra thể hiện trong nội dung tờ trình (trích) : Trong quá trình rà soát pháp lý khu đất nói trên, Ủy ban nhân dân quận Tân Bình và các sở/ ngành nhận thấy đây là khu đất do nhà nước quản lý, không thực hiện bồi thường về đất mà chỉ giải quyết hỗ trợ cho các hộ dân di dời.
Từ lý do đó, dự án cần thiết điều chỉnh tên từ "Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình", thành "Dự án hỗ trợ để thu hồi đất thực hiện đầu tư xây dựng cụm trường học công lập" theo tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình.
Hỗ trợ là hành vi ‘tùy tâm’, không chịu ràng buộc của quy phạm pháp luật
Luật Đất đai 2013, Điều 166 quy định về các quyền chung của người sử dụng đất như sau : 1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. 3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp. 4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp. 5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. 6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này. 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Như vậy, với việc người dân có nhà cửa, đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng từ năm 1954 đến nay, theo luật định, nếu các quy trình thu hồi đất đai của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh là tuân thủ đúng, thì người dân vườn rau Lộc Hưng phải có quyền được Nhà nước bồi thường, chứ không phải là ‘hỗ trợ’ mang tính tùy tâm đầy cảm tính của các viên chức nhân danh chính quyền.
Đất đai không chỉ là "phương tiện" hay "tài sản", mà hơn thế, nó là không gian sống thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Không gian sống đó không chỉ là hiện hữu, mà còn bao gồm đầy đủ cả các yếu tố : quá khứ, hiện tại và tương lai. Đối với văn hóa người Việt, đất đai còn đồng nghĩa với "hương hỏa, tổ tiên và dòng họ". Điều này lý giải vì sao những phản ứng hết sức mạnh mẽ của người dân mỗi khi bị thu hồi đất, đặc biệt là đất dành cho các dự án kinh doanh, bao gồm cả kinh doanh trá hình với tên gọi "thu hồi đất thực hiện đầu tư xây dựng cụm trường học công lập".
Sở dĩ dùng từ ‘trá hình’, vì theo tài liệu liên quan cho biết, ở khu đất vườn rau Lộc Hưng sẽ có hai công trình là trường học và nhà ở thương mại. Ngoài ra, tương tự như nhiều vụ việc từng xảy ra khi chính quyền tiến hành thu hồi đất, khi thu hồi xong, họ chuyển đổi nội dung dự án. Đơn cử vụ việc ngày 25-8-2003, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định số 3503, thu hồi đất tại phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, có tên là dự án 12,28 ha. Hơn 100 hộ dân buộc lòng phải dời khỏi nơi đất ở mà họ đã sinh sống từ năm 1976, vì lực lượng chức năng tới cưỡng chế, san phẳng.
Đến ngày 20/10/2005, tại khu đất này có tấm biển treo và ghi rõ nội dung : "Khu đất của quỹ phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên thu nhập thấp của Thành phố Hồ Chí Minh theo công văn số 6756/Ủy ban nhân dân-TM ngày 20/10/2005 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh". Thế nhưng, trước đó, ngày 18-4-2005, chủ đầu từ chính là Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, rao bán dự án trên với giá là 181 tỷ.
Công văn nói một đằng, thực hiện một nẻo. (xem ảnh) Và đến nay vụ việc vẫn còn treo lơ lững, bất chấp những khiếu nại kéo dài suốt từ đó đến nay.
Dự án Cụm công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy ở Củ Chi là một ví dụ khác. Khi vấp phản ứng quyết liệt của người dân, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thay vì sửa sai, thì lại ban hành quyết định điều chỉnh cụm từ "đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy" thành "Dự án đầu tư Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi" để tiếp tục ‘cướp’ đất đai của người dân. Điều này tương tự như đã và tiếp tục xảy ra ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cần trả lại quyền tư hữu đất đai cho người dân
Đang có một nghịch lý, khi Nhà nước đấu giá thì gọi là bán quyền sử dụng đất, còn khi dân bán thì lại phải gọi là chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà không được gọi là bán, mặc dù rõ ràng là họ có quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, quyền sử dụng đất nếu như chỉ là quyền sử dụng, thì cơ quan hành chính mới có quyền thu hồi, còn đã là quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự thì không thể thu hồi, chỉ Tòa án mới có quyền quyết định.
Như vậy, cần xử lý đúng bản chất, quy định về đất đai theo nguyên lý tài sản và cuộc sống đòi hỏi, không nên đánh tráo khái niệm giữa việc "sử dụng đất" và "quyền sử dụng đất". Đã đến lúc phải thừa nhận quyền sở hữu đất của người dân trong Hiến pháp, nếu không muốn luật pháp tiếp tục rối loạn. Sau đó, soạn thảo lại Luật Đất đai, chứ không nên sửa chữa lặt vặt, trong khi lại bỏ qua vấn đề cốt yếu của quản lý đất đai. Đây là yêu cầu, là đòi hỏi của cuộc sống.
Ý nghĩa lớn nhất của đất đai từ muôn đời nay là không gian sinh tồn thiêng liêng của từng cá nhân và cả cộng đồng. Chính điều đó đòi hỏi trong số các vấn đề liên quan nhân quyền, thì vấn đề quyền về đất đai cũng cần phải được đặt lên bàn nghị sự của quá trình đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 16/05/2019
Trả lời : đó là những ‘rừng củi gộc’ trong cướp đất đai của người dân. Lâu nay, ‘củi’ dùng để ‘đốt lò’ là ‘củi’ trong ‘cướp bóc’ lẫn nhau ở các tập đoàn quốc doanh, những doanh nghiệp nhà nước. Còn cướp đất của dân chúng như ở Thủ Thiêm, ở vườn rau Lộc Hưng… thì không sao cả.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là ‘người đốt lò vĩ đại’.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là ‘người đốt lò’. Ông còn giữ chức vụ Trưởng ban cải cách Tư pháp Trung ương, thế nhưng với những sai phạm rất rõ ràng về việc Đảng bộ cùng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cướp đất đai của người dân ở quận 2, quận 9, quận Tân Bình…, ông Nguyễn Phú Trọng đã chọn giải pháp ngậm tăm.
Ở đây, trên cương vị Chủ tịch nước, lẽ ra ông Nguyễn Phú Trọng hiểu nên giải quyết căn cơ chuyện tham nhũng chính sách về đất đai, bằng việc đề nghị Quốc hội sửa đổi, thừa nhận về quyền sử dụng đất của tư nhân, chấm dứt cách hiểu vốn chỉ thích hợp trong thời chiến ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là "đất đai thuộc sở hữu toàn dân".
Thủ Thiêm - món nợ về niềm tin vào công lý
Tin rằng dẫu đang trên giường bệnh, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn được thư ký báo chí tóm tắt đầy đủ các tin tức ‘nóng’, trong đó có việc cử tri từ quận 2 Sài Gòn yêu cầu hôm 07/05 về "đại án Thủ Thiêm".
Hôm 07/05, đơn vị số 7, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố), ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Theo tường thuật của báo chí, cầm đơn kiến nghị có chữ ký của 708 hộ dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Hồng Quang cho rằng chính sách đền bù tại Thủ Thiêm là không đúng theo quy định của pháp luật. "Đề nghị đưa vụ việc ra nghị trường Quốc hội, Thanh tra chính phủ lập đoàn thanh tra toàn diện mới giải quyết được. Vì một năm đã trôi qua từ lần chị Quyết Tâm, anh Nhân hứa sẽ giải quyết cho bằng được vấn đề Thủ Thiêm nhưng chưa có tiến triển", ông Quang nói và cho biết có đầy đủ bằng chứng chứng minh kiến nghị của tất cả hộ dân là đúng. Người dân đồng loạt vỗ tay.
Đến lượt mình, ông Cao Thăng Ca giọng rành rọt : "Tôi không nói về các sai phạm ở Thủ Thiêm nữa, vì điều này đã quá rõ ràng. Còn về hướng giải quyết của thành phố, sau một năm lãnh đạo thành phố gặp bà con nghe khiếu nại, kết quả là : làm bà con bức xúc hơn". Ông đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội đưa ‘đại án Thủ Thiêm’ (từ của ông Cao Thăng Ca) ra nghị trường Quốc hội lần này để thảo luận và khởi tố vụ án sai phạm tại Thủ Thiêm.
Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, một lần nữa người dân lại nghe câu hứa hẹn quen thuộc của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm : "Chúng tôi nói là làm, không phải hứa cho có với bà con đâu. Không phải tự nhiên mà Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh xuống gặp bà con đâu. Sau khi mọi việc được thanh tra, việc gì chính quyền làm sai thì phải sửa và ai làm sai phải bị xử lý. Đó là quan điểm nhất quán của thành phố".
Để xác định có phải là ‘củi’ hay không, với tư cách là Trưởng ban cải cách Tư pháp Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng ngay trên giường bệnh đã có thể bút phê đề xuất chuyển cơ quan điều tra xem xét vụ việc này, giống như chuyện trên giường bệnh, ông vẫn đủ sức ký các văn bản ngoại giao chúc tụng, chia buồn mà báo chí đăng hổm rày.
Vườn rau Lộc Hưng : phiên bản ‘bá đạo’ của Thủ Thiêm
Gọi là ‘bá đạo’ vì sai phạm mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cố tình gây ra ở khu phường 6, quận Tân Bình, hay còn gọi với tên quen thuộc "vườn rau Lộc Hưng" là rất rõ ràng và mang tính thách thức vào nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng được khai phá, canh tác từ năm 1954 với cư dân đến từ cuộc di cư của gần một triệu người Việt từ miền Bắc Việt Nam đến miền Nam Việt Nam trong những năm 1954–1955. Ước tính có khoảng 800 ngàn dân di cư là theo đạo Công giáo. Khu vườn rau Lộc Hưng còn được xem là vùng đất Thánh của người miền Bắc di cư nghèo khó.
Theo các quy định ở Bộ Luật Dân sự của chính nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thì việc sinh sống, mưu sinh, thừa kế, chuyển nhượng của cư dân Lộc Hưng được pháp luật bảo hộ. Mọi việc di dời, cưỡng chế vì mục đích quy hoạch đều bắt buộc phải tuân thủ theo những bước quy trình luật định.
Nếu như ở Thủ Thiêm, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh còn chịu khó bỏ công sức, thời gian để ban hành các nội dung văn bản mà sau này được cho là trái thẩm quyền, trong việc chiếm đất đai của người dân, thì ở khu vườn rau Lộc Hưng, chính quyền thẳng tay theo đúng nghĩa đen, cho xe xúc cơ giới cùng lực lượng sắc phục đến đây để đập phá nhà cửa của dân chúng, san bằng hoa màu đang canh tác. Và sự việc diễn ra trong tháng cận kề Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019.
Người dân bàng hoàng. Giới luật sư cả nước sửng sốt và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ‘đổ’ các lực lượng thường phục cùng sắc phục cắm chốt, và sẳn sàng sử dụng sức mạnh cơ bắp để trấn áp người dân trên khu đất vườn rau Lộc Hưng.
Bốn tháng đi qua. Tập hồ sơ vụ việc ngày càng dày đã được nhóm luật sư đệ trình nhiều cấp chính quyền và cả Thanh tra chính phủ. Bất chấp, Đảng bộ và chính quyền vẫn chọn sự im lặng như một sự công khai thỏa hiệp với cái ác, cái côn đồ giờ đây đã trở thành bản chất của những người cầm quyền.
Không có bất kỳ ‘khúc củi’ nào trong ‘rừng cây’ đó được ông chủ đốt lò để mắt tới.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 10/05/2019
Sách sử ghi, cục diện loạn sứ quân thực sự diễn ra với sự cướp quyền của Lã Xử Bình sau cái chết của Ngô Xương Văn năm 965. Năm 967, với hai, ba chiến thắng quan trọng trước quân đội của nhà Ngô, tiêu diệt phe tiếm quyền của Lã Xử Bình và buộc các sứ quân còn lại phải quy thuận, Đinh Bộ Lĩnh đã chấm dứt sự tại vị của nhà Ngô và mở ra một triều đại mới – triều đại nhà Đinh.
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệtc: Không nên lập đặc khu trên biển?
Liệu lịch sử Việt Nam hiện đại lại tái diễn ‘loạn 12 sứ quân’, một khi "Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" sẽ được ban hành trong tương lai ?
Đặc biệt là trong bối cảnh sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng đang có vấn đề.
Từ 3 ‘đơn vị’, giờ sẽ là 18 ?
"Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật theo hướng xây dựng một luật chung. Hiện nay, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật". Bộ trưởng Tư pháp, ông Lê Thành Long đã thông tin như vậy tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ba đặc khu - ba đại hiểm họa
Trước đó, định hướng xây dựng dự luật này gắn liền với việc ấn định xây dựng 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Các địa phương đó cũng đã hoàn thành đề án thành lập các đặc khu hành chính, kinh tế nơi đây để gửi, thẩm định song song với bản dự thảo luật. Tuy nhiên trước phản đối của nhiều chuyên gia và công chúng, dự luật được tạm dừng ngay trước thời điểm dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 5, tháng 6/2018 (1).
Bài viết này thử phân tích trong trường hợp "hoàn thiện dự án luật theo hướng xây dựng một luật chung" như lời của Bộ trưởng Lê Thành Long.
Theo bản dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, thì, "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (sau đây gọi là đặc khu) là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập, có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, có tổ chức chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Điều 3.1, Giải thích từ ngữ).
Nếu không giới hạn ở 3 vị trí Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc như trước, thì có nghĩa sẽ ít nhất có tới 18 vị trí đã được quy hoạch là "khu kinh tế ven biển" có thể nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này.
Theo con số báo cáo của Bộ Công thương, hiện có khoảng 18 khu kinh tế ven biển, trong đó có 15 khu đã và đang được xây dựng, 3 khu khác chuẩn bị đi vào triển khai, chiếm hơn 730 ngàn ha mặt đất, mặt nước. Báo cáo của Bộ Công thương còn cho biết, dự báo đến năm 2020, tại các khu kinh tế ven biển sẽ có 15 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất là 16.629 MW theo phương án sản xuất điện cao ; 13 nhà máy hoạt động với tổng công suất 11.678 MW theo phương án sản xuất điện trung bình và 11 nhà máy với tổng công suất 9.767 MW theo phương án sản xuất điện thấp. Như vậy, mức độ phát thải khí nhà kính của các nhà máy nhiệt điện tại các khu kinh tế ven biển sẽ rất lớn, dự tính vào năm 2020 sẽ tăng gấp 5,76 lần đối với phương án sản xuất điện thấp ; 7,54 lần đối với phương án sản xuất điện trung bình và 11,09 lần đối với phương án sản xuất điện cao.
Các dự án nhà máy nhiệt điện này phần lớn là dùng nhiên liệu than, do Trung Quốc đầu tư.
Điều này cho thấy nếu như trước đây người dân chỉ lo lắng ở 3 nơi là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì sắp tới đây việc lo lắng tăng gấp nhiều lần, khi những khu kinh tế ven biển này sẽ thụ hưởng những đặc quyền mà những nhà soạn thảo dự luật đã đề ra.
18 chính quyền có cùng kiên định con đường xã hội chủ nghĩa ?
Có thể trả lời ngay là rất khó xảy ra việc ‘kiên định’ này, nếu như vì vấn đề sức khỏe buộc ông Nguyễn Phú Trọng phải rời chính trường.
18 chính quyền có cùng kiên định con đường xã hội chủ nghĩa ?
Giả dụ chấp nhận điều luật "Chính quyền địa phương ở đặc khu có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn ; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả ; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân" [trích dự thảo, Điều 4 Chính sách của Nhà nước về phát triển đặc khu], có nghĩa là Việt Nam sẽ có thêm ít nhất 18 chính quyền khác nhau.
Ở một góc nhìn khác, nếu như sớm giải mật Hiệp ước Thành Đô để có thể khẳng định loại trừ được yếu tố Trung Quốc, thì về cơ bản cho thấy những nhà chấp bút soạn thảo dự luật đang hướng tới một thể chế chính trị không còn dáng dấp của "định hướng xã hội chủ nghĩa" nữa. Có thể nhận ra điều đó qua các nội dung như sau :
"Điều 5. Áp dụng các luật có liên quan và điều ước quốc tế : (…) 5. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là điều ước quốc tế) có quy định khác với quy định tại Luật này và luật khác có liên quan thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ trường hợp quy định tương ứng của Luật này và luật khác có liên quan thuận lợi hơn về ưu đãi đầu tư, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động tại đặc khu. 6. Nguyên tắc áp dụng pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế quy định tại khoản 5 Điều này không được cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của Việt Nam theo các điều ước quốc tế".
"Điều 6. Áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài : 1. Đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động được ký kết giữa tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên tham gia là tổ chức, cá nhân nước ngoài, các bên được thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế.
Trường hợp đối tượng của hợp đồng là bất động sản tại Việt Nam hoặc hợp đồng lao động ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, hợp đồng tiêu dùng ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật Việt Nam.
2. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế theo quy định tại khoản 1 Điều này không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật và không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam".
Như vậy, nếu thực sự tuân thủ các quy định trên sẽ khó thể tái diễn những phiên bản Trịnh Vĩnh Bình trong thời gian tới.
Trở lại một chút với câu chuyện lịch sử. Về nguyên nhân của loạn sứ quân, có một ý kiến rất thú vị của cố giáo sư Trần Quốc Vượng (2) : "Chính quyền quân chủ trung ương nhà Đường suy tàn rồi biến mất, tạo ra một "khoảng trống quyền lực" ở đất Việt một cái "hẫng hụt trung ương" mà nhiều hào trưởng địa phương có tham vọng điền vào chỗ trống ấy".
Khi mất chỗ dựa Bắc Kinh, nhiều khả năng Hà Nội không còn động lực để kiên định con đường chủ nghĩa xã hội, mà ngay chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải hoài nghi qua phát biểu : "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" (3).
Không chỉ vậy, một kịch bản như dưới thời Liên Xô, đời tổng bí thư cuối cùng Mikhail Sergeyevich Gorbachyov (Михаи́л Серге́евич Горбачёв) rất có thể xảy ra với thể chế chính trị ở Việt Nam, khi một người ‘cuồng đảng’ như ông Nguyễn Phú Trọng vì để giữ gìn tính mạng, đành phải ‘cáo lão hồi hưu’.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 18/04/2019
(3) Tuổi Trẻ, 23/10/2013.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị các nội dung cụ thể như sau : dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Quyền tự do lập hội - Ảnh minh họa
Như vậy, dự án Luật về Hội tiếp tục bị ách lại, chưa rõ bao giờ mới tái khởi động ở cấp Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên trong diễn biến gần đây về vụ ‘nước mắm truyền thống – nước mắm/ nước chấm công nghiệp’, cho thấy bắt đầu có sự thay đổi trong nếp nghĩ về quyền tự do lập hội ở Bộ Nội vụ, nơi chấp bút soạn thảo dự án Luật về Hội.
Số là hồi tháng 3 vừa rồi, khi vụ việc dự thảo bộ tiêu chuẩn nước mắm đã đánh đồng hai loại nước mắm sản xuất thủ công truyền thống, với loại nước chấm sản xuất quy mô công nghiệp, thì 'lòi' ra vụ năm trước đó Bộ Nội vụ đã cố tình làm khó, cố tình ngăn trở việc xúc tiến thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam.
Vụ việc tóm tắt như sau : Ngày 23-4-2018, Bộ Nội vụ ký công văn số 1714/BNV- TCPCP trả lại hồ sơ xin lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống, do cùng lúc nhận được hai hồ sơ xin thành lập hội của một ngành là không được.
Phía chủ sản xuất nước mắm theo phương thức thủ công truyền thống đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với bên đang làm bộ hồ sơ thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam do tập đoàn Masan, doanh nghiệp sản xuất nước chấm công nghiệp làm ‘chủ xị’.
Tuy nhiên phía Masan từ chối quyết liệt với việc gắn hai chữ "Truyền thống" vào tổ chức Hiệp hội Nước Mắm. Bộ Nội vụ thì tiếp tục bảo lưu nguyên tắc không cho phép thành lập 2 hiệp hội nghề nghiệp trong cùng 1 ngành. Thời điểm này Việt Nam đã thỏa thuận hoàn tất các yêu cầu liên quan về quyền tự do lập hội trong CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Lưu ý, xét về mặt thủ tục hành chính cho xúc tiến thành lập Ban vận động, thì ở Hiệp hội Nước mắm Truyền thống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký quyết định thành lập, và đây là nơi nộp đơn trước về mặt thủ tục với Bộ Nội vụ theo đúng trình tự pháp luật. Ban vận động của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam thì Bộ Y tế ký quyết định, và sau đó họ cũng thực hiện các bước với Bộ Nội vụ ; và thay vì nếu có từ chối thì phải xét ‘ai đến trước’, đàng này Bộ Nội vụ lại yêu cầu ‘hai nhập một’ và phải theo nội dung của ‘người tới sau’.
Đàm phán giữa hai tổ chức xúc tiến thành lập hiệp hội một khi thất bại đã tạo tiền lệ : nếu mai đây có một hội chuẩn bị thành lập, thì tổ chức khác muốn phá bỉnh, cứ việc đứng ra thành lập hội đoàn tương tự và không đồng ý ‘thỏa hiệp’, khi ấy cả hai đều không được cấp phép thành lập. Dĩ nhiên điều này nếu so với cam kết của CPTPP thì Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng.
Tình hình là sau vụ quy phạm sản xuất nước mắm bất ngờ bùng ra công luận, mổ xẻ các bất hợp lý và cũng đáng ngờ từ một số cơ quan chuyên trách, thì phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Nội Vụ tiến hành thủ tục cho lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống (đúng pháp luật). Đến giai đoạn này thì phía Bộ Nội vụ lại đưa ra ý kiến là nếu đã có Hiệp hội Nước mắm Truyền thống, thì nên cấp phép luôn cho tên gọi Hiệp hội Nước mắm Việt Nam. Lý do : giới chủ nhà thùng sản xuất thủ công có tổ chức đại diện, thì những doanh nghiệp sản xuất nước chấm theo quy trình công nghiệp, cũng phải có tổ chức đại diện.
Đề xuất đó của Bộ Nội vụ là phù hợp với nội dung CPTPP, và tạo ra một tiền lệ khác : doanh nghiệp có thể tự mình thành lập một Hiệp hội, mà không cần qua đầy đủ các bước thủ tục hành chính rườm rà như lâu nay. Vấn đề giờ đây là tên gọi ‘nước mắm’ đối với loại ‘nước chấm công nghiệp’ là nhập nhèm kiểu đánh lận con đen.
Như vậy, trong thời gian chờ đợi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội nội dung dự án Luật về Hội, nếu có hai tổ chức cùng được cấp giấy phép thành lập, là "Hiệp hội Nước mắm Truyền thống", và "Hiệp hội Nước mắm Việt Nam" thì về nguyên tắc đối xử bình đẳng, cũng như tuân thủ thỏa thuận CPTPP, buộc Bộ Nội vụ phải công nhận về mặt hành chánh tổ chức Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một hội nghề nghiệp song song với Hội Nhà báo Việt Nam.
"Từ chuyện nước mắm truyền thống, nước chấm công nghiệp đang đòi quyền tự do lập hội và được sự chấp thuận của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc, thì với trường hợp các phóng viên, nhà báo nếu không còn làm việc trong một cơ quan báo chí nữa, họ bị buộc trả lại thẻ nhà báo. Khi ấy, họ cũng không còn là thành viên của chi hội nhà báo nữa. Vậy họ sẽ tham gia vào tổ chức nào cho bảo vệ quyền hành nghề của họ ?
Tôi nghĩ rằng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một gợi ý của địa chỉ tín nhiệm. Dĩ nhiên trên hết, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chí tiên quyết là nơi tập họp những người làm báo theo nghĩa rộng, từ viết báo in, báo điện tử, truyền hình trên kênh Youtube, đa truyền thông… Họ có thể là những cộng tác viên báo chí, cho đến những nhà báo, phóng viên đang mưu sinh bằng nghề này. Hãy nhớ là Hiến pháp trao cho họ những quyền tự do lựa chọn tham gia hội, đoàn !". Nhà báo Cao Minh Tâm, biên tập viên (tạp chí) Shipping Times, chia sẻ.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 03/04/2019