Ngày 7 tháng 4 năm 2016, với số phiếu tán thành là 446 phiếu, chiếm 90% đại biểu, ông Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ thủ tướng, kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ. Ông Phúc sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào giữa năm 2021. Dư luận đồn đoán ông đang nhắm đến chức vụ cao hơn nữa của thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam.
Dư luận đồn đoán Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang nhắm đến chức vụ cao hơn nữa của thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam
Xét bề nỗi, hiện truyền thông đang o bế về thành tích sau 3 năm ngồi vào ghế thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tham nhũng đã giảm toàn diện ?
Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 28/3, ghi nhận ‘tham nhũng lớn’ có dấu hiệu giảm bớt, chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả cho chi phí không chính thức để thúc đẩy nhanh thủ tục đất đai, giảm 32% so với năm ngoái.
Gần 40% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, trong khi năm ngoái là gần 52% [1]. Trong tập hồ sơ điều tra PCI có ghi đây là sản phẩm hợp tác giữa VCCI với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, nhận xét rằng "các xu hướng nổi bật đáng mừng là chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt, môi trường kinh doanh đã bình đẳng hơn, các cấp chính quyền trở nên năng động hơn, cải cách hành chính có bước tiến, đặc biệt là thanh kiểm tra giảm rõ rệt".
Tuy nhiên, vẫn theo người đứng đầu VCCI thì có tới 58% doanh nghiệp trong nước cho biết còn bị nhũng nhiễu. Có 54% doanh nghiệp được khảo sát cho biết vẫn phải trả chi phí bôi trơn [2]. Như vậy liệu có quá lạc quan khi "tham nhũng lớn lẫn tham nhũng vặt đều giảm" là chỉ số cho thấy tài năng quản trị quốc gia của người đứng đầu chính phủ ?
Một số nhà báo chuyên trách kinh tế ở Sài Gòn nói rằng khi đi thực tế viết bài, họ vẫn nghe chủ doanh nghiệp than thở về chi phí hiện đang rất cao không chỉ ở lĩnh vực xuất nhập khẩu như con số mà báo cáo của VCCI đã nêu, mà còn tại nhiều lĩnh vực khác. Trên báo chí thì chính phủ kiến tạo của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đang đặt ra mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng thực chất mọi chi phí vẫn đang tiếp tục được đẩy tăng lên từ các loại thuế, phí.
"Tháng 11 năm ngoái, tôi nhớ tòa soạn có nhận thư yêu cầu của bạn đọc là công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Xây dựng Trung Trí ở khu phố 4, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, tố cáo Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã liên tục nhũng nhiễu buộc chủ doanh nghiệp phải ‘đóng hụi chết’ cho họ. Đây chỉ là tức nước vỡ bờ thôi, vì doanh nghiệp hiểu một khi đã lên tiếng tố cáo, đồng nghĩa sẽ khó thể tiếp tục làm ăn tại địa phương này. Chính thực tế đó nên con số 12.000 doanh nghiệp được lấy ý kiến ở Điều tra PCI năm 2018 của VCCI, tôi nghĩ rằng phía được điều tra cũng đã tiết chế lắm rồi về các uất ức trước đủ mọi kiểu tham nhũng…". Biên tập viên N.D.T, kể.
Tương tự của câu chuyện hai mặt trong một vấn đề, với thông tin công bố hôm sáng 28/3 của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc, CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, là mức thấp nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây : quý I/2017 là 4,96%, quý II/2018 là 2,82%.
Về mặt tích cực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp liên tục trong 3 năm liền cho thấy chính phủ dường như kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, CPI tăng thấp dưới chỉ tiêu cũng là một điều đáng lo ngại, bởi CPI thấp là biểu hiện rõ nhất của tình trạng sức mua giảm, tồn kho tăng cao, tổng cầu nền kinh tế giảm sút. Từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, số doanh nghiệp phá sản vẫn lớn, nguồn thu ngân sách giảm, tăng trưởng kinh tế sẽ không như mong muốn.
Độ chênh cách hiểu
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích cho rằng để có thể nói về thành tựu như tựa đề bài viết này đặt ra, thì cần có chung cách hiểu về cách tính toán trong phát triển với thế giới.
"Thực hư thành tựu xuất khẩu nông sản ?" là câu hỏi của ông Nguyễn Đình Bích trong một tham luận mới đây. "Không ít quan chức khẳng định Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản thứ 15 thế giới. Nhưng mọi chuyện có phải như vậy ?". Ông Bích nói rằng đang có sự chênh lệch trong kim ngạch xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam tuyên bố, với con số do Ngân hàng Thế giới (WTO) xác định những năm gần đây ngày càng lớn, lên tới 23 - 25%. Tất cả là do quan niệm khác nhau về hàng nông sản.
"WTO dựa trên cơ sở pháp lý là Nghị định thư về nông nghiệp (Agreement on Agriculture) được bộ trưởng thương mại các nước thành viên thỏa thuận để xác định đâu là hàng nông sản. Theo đó, hàng nông sản bao gồm 23 mã hàng đầu tiên thuộc danh mục hàng hóa hai chữ số (trừ mã hàng 03. thủy sản) ; 21 mã hàng thuộc danh mục hàng hóa bốn chữ số và 4 nhóm hàng thuộc danh mục hàng hóa sáu chữ số.
Với việc chỉ đích danh những nhóm hàng và mặt hàng được xếp vào nhóm hàng nông sản như vậy, nội hàm của hàng nông sản bao gồm hai phân nhóm : phân nhóm thứ nhất là lương thực và thực phẩm, kể cả thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (food, feed) và phân nhóm thứ hai là nông sản nguyên liệu (raw materials). Như vậy, mọi loại lương thực, thực phẩm, đồ uống và hút cũng như mọi loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bất kể mức độ chế biến sâu nông thế nào, cũng đều thuộc phạm trù hàng nông sản. Trong khi đó, đối với phân nhóm nông sản nguyên liệu, dễ dàng có thể thấy rằng chỉ những sản phẩm thô mới thuộc hàng nông sản". Ông Nguyễn Đình Bích diễn giải.
Sản phẩm cao su theo "thông lệ" quốc tế thì không còn là nông sản bởi nó không phải là sản phẩm của nông nghiệp, mà là của các ngành công nghiệp khác như chế biến nông sản nguyên liệu cao su, nhưng ở Việt Nam nó vẫn được các nhà quản lý coi là nông sản. Không những vậy, điều còn phi lý hơn nữa là nó được tính là hàng nông sản chỉ trong xuất khẩu, còn trong nhập khẩu thì lại không phải là nông sản.
"Khác rất nhiều so với công nghiệp chế biến cao su, công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã phát triển ngày càng mạnh trong khoảng hai thập kỷ qua, nên việc vẫn gán sản phẩm gỗ với quy mô ngày càng lớn, chỉ kém nhóm hàng thủy sản đứng đầu, vào nhóm hàng nông sản là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới xuất khẩu nông sản ngày càng 'nở nồi' hiện nay". Ông Nguyễn Đình Bích nhận xét.
Vẫn còn quá nhiều món nợ với nhân dân
Ngày 7/4 tới đây là đúng 3 năm ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế thủ tướng. Điều 98 của Hiến pháp 2013 đã trao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Xuân Phúc là (trích) : "Lãnh đạo công tác của Chính phủ ; Lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật ; Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia".
Luật Tổ chức chính phủ, Điều 28 quy định chi tiết về các bổn phận của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trích) : "Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ; Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong phạm vi toàn quốc".
Như vậy, chỉ mới xem xét ở Điều 25, Hiến pháp 2013 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định", đã cho thấy thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa thực hiện bổn phận soạn trình các luật liên quan tới quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí đã được hiến định.
Sẽ là một thành tựu đáng được ghi nhận, nếu như ông Nguyễn Xuân Phúc làm tròn được trách nhiệm như luật định trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Khi đó, ghế tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ ‘dễ tranh hơn’...
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 30/03/2019
[2] Đọc thêm :
Nạn nhũng nhiễu và phí bôi trơn vẫn ‘hành’ hơn phân nửa doanh nghiệp Việt (RFA, 28/03/2019)
Báo cáo mới nhất do Phòng Thương Mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 28/3, cho thấy : 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả phí bôi trơn.
Bị nhũng nhiễu và phải trả phí bôi trơn cho các cơ quan chức năng Nhà nước là một thực tế mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt trong nhiều năm qua. Ảnh minh họa. quangninh.gov.vn
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI – nhận định chi phí không chính thức vẫn ở mức cao là một tồn tại đáng lưu ý trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, nguyên nhân làm phát sinh các loại chi phí không chính thức cần được nhìn từ hai góc độ
"Việt Nam thì chưa thể như các nước Châu Âu, Mỹ…Luật pháp nó có những kẽ hở nên nhiều khi người ta lợi dụng. Cái này không chỉ có nhà nước lợi dụng mà nhiều doanh nghiệp lợi dụng".
Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông Nguyễn văn Mỹ nêu ví dụ về một tập quán tâm lý của người Việt :
"Khi qua cửa khẩu Campuchia, hải quan và biên phòng canpuchia, họ buộc khách Việt Nam phải trả một, hai đô la mỹ cho họ và người Việt mình rất vui vẻ chuyện đó. Bù lại sẽ được ưu tiên làm nhanh hơn, nhưng với người nước ngoài, thì (hải quan, biên phòng Campuchia-PV) không dám thu. Người Việt bỏ ra một, hai đồng cho nhanh, để cho ưu tiên cho nó oai hơn là chuyện bình thường. Nhưng với khách Châu Âu, khách Mỹ, họ bảo tiền này, tiền gì, hóa đơn đâu, không đúng họ không chi ?"
Trao đổi với đài RFA ngày 28/3, Kỹ sư Lê Anh, chủ cơ sở nước mắm Lê Gia, cho rằng :
"Những chi phí đó nó làm tăng tổng chi phí lên doanh nghiệp nói chung, đồng thời nó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chi phí ấy không chỉ là tiền bạc mà nó còn là thời gian, là chi phí cả tâm lý nữa nên nó sẽ đè nặng. Nhưng cũng cần nhấn mạnh là hiện tượng này đã cải thiện, nhưng theo cá nhân tôi thì nó vẫn cao. "
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nói với đài RFA về hệ lụy vấn đề chi phí mà các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu :
"Ngoài chi phí hoạt động, thì có những chi phí không chính thức, chi phí kêu bằng ngoài luồng, trên bàn, dưới bàn như thế thì nó tạo ra chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp và từ đó làm trở ngại cho sự phát tiển của nền kinh tế".
Khi được hỏi, giải pháp nào ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu bôi trơn, ông Lê Anh, chủ cơ sở nước mắm Lê Gia, cho hay :
"Việc tiến tới một chính phủ điện tử cũng như các công cụ là cái bắt buộc là cái mà triển khai càng sớm càng tốt. nó sẽ giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan công quyền, thì khi đấy nó giảm sự nhũng nhiễu, gọi là tham nhũng vặt".
"Ngoài ra trong các văn bản pháp luật phải tạo ra môi trường minh bạch, công bằng cho sự phát triển, công bằng giữa các thành phần kinh tế. Cụ thể là chú ý đến các doanh nghiệp yếu thế và đang cần tiếp nhận nguồn lực".
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những rào cản do các loại giấy phép con gây ra.
"Một doanh nghiệp , như chúng ta biết, khi đi vào hoạt động cần có các giấy phép con. Thì cái việc mà phải có giấy phép con trong thời gian vừa qua thì Việt Nam cũng đã tiến triển rất nhiều, bỏ đi nhiều giấy phép con, thế nhưng mà nó còn rất cồng kềnh, vẫn còn có những rào cản".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong việc triệt tiêu nạn nhũng nhiễu, bôi trơn.
"Muốn triệt cái này phải từ hai phía. Phải xử lý nghiêm những người nhũng nhiễu, mà lãnh đạo phải làm gương. Nhưng mà doanh nghiệp cũng phải làm kiên trì các chuyện đó. Còn đằng này mình cứ muốn đi tắt, mình đón đầu, mình có lợi hơn, cho nên là buộc phải bôi trơn để cho được việc thì thành cái thói quen. Nhiều người tự an ủi rằng thôi, ai cũng cho cả, mình cũng cho, cho nó xong. Thì vô hình chung, mình tạo cho người ta cái đó".
Năm nay là năm thứ 14, VCCI và USAID công bố báo cáo thường niên về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam. Và trong báo cáo năm nay, chỉ số về tình trạng nhũng nhiễu, bôi trơn vẫn ở mức trên 50%. Tỷ lệ này trong báo cáo năm ngoái là 66%.
Xuân Nam
Ông Nguyễn Văn Thể có thời gian dài ngồi ghế thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông cũng từng là phó giám đốc sở Giao thông và vận tải tỉnh Đồng Tháp. Ông tốt nghiệp đại học ngành cầu đường tại Liên Xô, được cấp bằng phó tiến sĩ. Học vấn như vậy thì chắc hẳn ông Thể không có dốt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có ngu và dốt hay không ?
Hổm rày trên mạng xã hội, thiên hạ ‘ném đá’ ông Thể nhiều đến độ ‘số đá tảng’ ấy đủ để đắp thêm cho con đê sông Hồng cao cả thước nữa lận (!?).
Số là hôm 6/3, tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018 và đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ Giao thông và vận tải vừa tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo giấy phép lái xe.
"Chúng tôi cũng đang đề xuất theo hướng tất cả những ai mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng viện đủ lý do để xin đổi bằng. Thực tế công tác quản lý còn hạn chế nên có những trường hợp vi phạm đã lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3", ông Thể nhấn mạnh.
Người viết không được tham dự đưa tin về phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nên không rõ vì sao ông Thể đang bàn chuyện tham mưu ban hành nghị định, nhưng lại đề cập một vấn đề thuộc điều chỉnh của thông tư.
Hiện tại, việc cấp lại Giấy phép lái xe bị mất được thực hiện theo hướng dẫn ở Khoản 2 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Việc mất bằng lái xe, buộc phải thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành, được quy định như sau : Người có Giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại các nội dung : Quá hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, phải dự sát hạch lại lý thuyết ; Quá hạn sử dụng từ 01 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.
Còn lo lắng như phát biểu của Bộ trưởng Thể, "Thực tế công tác quản lý còn hạn chế nên có những trường hợp vi phạm đã lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3", thì thật ra đó là lỗi hoàn toàn của ông Thể về khả năng quản lý ngành giao thông vận tải.
Nói có sách, mách có chứng. Thông tư 07/2013/TT-BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Đinh La Thăng ký ban hành ngày 03 tháng 05 năm 2013, có ghi rõ : Thời gian lưu trữ dữ liệu về đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe tại cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch lái xe tối thiểu là 05 năm. Thời gian lưu trữ dữ liệu về đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe tại sở Giao thông và vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tối thiểu là 50 năm. Thời gian lưu trữ dữ liệu về giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam tối thiểu là 100 năm.
Muốn biết người nào đó có giấy phép lái xe ra sao, hiện chỉ cần kết nối máy tính với internet, gõ bàn phím vào trang web của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo địa chỉ http ://gplx.gov.vn/default.aspx, rồi điền vào khung yêu cầu là có ngay kết quả.
Ông Nguyễn Văn Thể 'khoe' trong lý lịch khoa học là vào tháng 8 năm 2001, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (tiếng Nga : кандидат технических наук) 189 trang tại trường Đại học Giao thông Đường bộ Moskva (Московский автомобильно-дорожный институт), và được trao bằng Phó tiến sĩ chuyên ngành Thiết kế và xây dựng đường, tàu điện ngầm, sân bay, cầu và hầm giao thông (tiếng Nga : Проектирование и строительство дорог, метрополитенов, аэродромов, мостов и транспортных тоннелей).
Luận án của ông có tiêu đề "Thiết kế các yếu tố của mặt cắt ngang của xa lộ hai chiều có tính đến chuyển động của xe máy và xe đạp trong các điều kiện của Việt Nam" (nguyên văn tiếng Nga : Проектирование элементов поперечного профиля двухполосных автомобильных дорог с учетом движения мотоциклов и велосипедов в условиях Вьетнама).
Ông Nguyễn Văn Thể không thể là một người học dốt. Thế nhưng vì sao khi lên chức Bộ trưởng, ông Thể lại tiếp tục kiểu đề xuất trật chìa đến như vậy, từ chuyện xử lý BOT đường bộ (ông là người ký duyệt vụ đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy kiểu ‘râu ông nọ, cắm cằm bà kia’ lúc còn là Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải), cho tới vụ bằng lái xe đang bị ‘ném đá’ hiện tại ?
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 11/03/2019
Cuối tháng 6 năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội công bố điều tra, khảo sát, phỏng vấn xã hội học của Công an Hà Nội, thì có từ 84 đến trên 90% người dân đồng ý việc cấm xe máy vào năm 2030. Đầu tháng 3/2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng kết quả khảo sát cho biết gần 63% người dân đồng tình hạn chế xe cá nhân.
Có từ 84 đến trên 90% người dân đồng ý việc cấm xe máy vào năm 2030
Kết quả của hai cuộc khảo sát trên cho thấy một mặt người dân đồng tình cấm/hạn chế xe cá nhân, mặt khác trên thực tế chứng minh bằng số liệu thống kê bán hàng tính thuế, thì người dân vẫn bỏ tiền túi ra mua xe cá nhân mỗi năm mỗi tăng.
Xe máy bán ra tiếp tục tăng
Hồi đầu năm nay, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đưa ra số liệu trong năm 2018, ở 5 đơn vị thành viên của Hiệp hội có tổng doanh số bán 3.386.097 xe các loại, tăng 3,5% so với năm 2017 và đã phá vỡ doanh số kỷ lục bán 3,3 triệu xe của năm 2011. Với tổng doanh số đó, tính bình quân, mỗi tháng của năm 2018, các doanh nghiệp bán được hơn 282.000 xe các loại ; đồng nghĩa mỗi ngày có gần 9.300 xe được cấp bảng số.
Thị trường mô tô, xe máy Việt Nam còn có sự tham gia của các doanh nghiệp khác như Ducati, Kawasaki, BMW, KTM, Benelli, Peugeot, Harley-Davidson... hay mới đây là xe máy điện VinFast nên tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường Việt Nam nếu cộng lại sẽ còn cao hơn rất nhiều. Họ là những đơn vị phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc, không phải là thành viên của VAMM nên không có báo cáo bán hàng cả năm qua.
Những số liệu về doanh số bán hàng nói trên là có thể đảm bảo chắc về con số thực tiêu thụ xe máy ở thị trường Việt Nam. Phía công an quản lý giao thông đường bộ qua thống kê số lượng biển số xe đã phát ra, cũng có thể biết rõ địa phương nào đang tiêu thụ mạnh xe cá nhân.
Xác suất thống kê của khảo sát có sai số là bao nhiêu ?
Câu hỏi đặt ra : liệu con số "gần 63% người dân đồng tình hạn chế xe cá nhân" mà các nhà lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh công bố, đã được lấy mẫu bằng phương pháp thống kê ra sao ? Sử dụng phần mềm gì trong tính toán xác suất ? Những câu hỏi lấy mẫu mà Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với UBND các phường xã, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, có những nội dung cụ thể gì với phương thức thu nhận mẫu theo quy trình ra sao ?
Theo báo chí tường thuật, các đơn vị đã tiến hành phỏng vấn ý kiến hành khách tại 9 đầu mối giao thông, quy mô khảo sát 35.000 phiếu trên địa bàn 24 quận, huyện và các đầu mối giao thông. Kết quả có 62,56% ý kiến cho rằng cần phải hạn chế lưu thông ôtô con, xe máy ; trong đó 40,77% đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Trong 35.000 mẫu phiếu khảo sát, có 30.000 mẫu phát về các quận, huyện và 5.000 mẫu vãng lai được khảo sát tại 9 bến xe. Theo thông báo thì các quận có số lượng mẫu nhiều nhất là quận 1, 3, 5, 6, Phú Nhuận, Tân Phú,... riêng 5 huyện ngoại thành chỉ có 2.523 phiếu khảo sát.
Tuy nhiên không rõ việc các mẫu đã được phát ngẫu nhiên nhưng vẫn phải đảm bảo tính đại diện cho các đối tượng, tầng lớp, độ tuổi cũng như ngành nghề đã được tiến hành như thế nào, sai số dự tính là bao nhiêu ?.
Tiến sĩ Phạm Sanh, giảng viên trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng : "Cần công khai nội dung phiếu điều tra khảo sát trên báo đài để các chuyên gia thống kê và xã hội học góp ý phản biện. Nếu nội dung soạn không tốt, dù thăm dò ngẫu nhiên, kết quả sẽ không chính xác. Tránh hình thức và lãng phí vô ích cho ngân sách".
"Trong hai ngày diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, đầy bất ngờ tại Sài Gòn là địa phương không liên quan, người ta lại cấm xe cộ lưu thông trên đường Lê Duẩn. Hãy thử làm một khảo sát coi người dân phản ứng ra sao chuyện cấm này. Tôi ngờ vực tỷ lệ 40,77% đồng ý hoàn toàn việc phải hạn chế lưu thông ôtô con, xe máy mà phía Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra". Ông Nguyễn Hữu Thọ, một người làm nghề shipper nói.
Bà Vũ Ngọc Bích có quán ăn ở số 100 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường nằm trong đề xuất hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoàn toàn của Sở Giao thông và vận tải. Bà nói rằng hiện đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn này là đường một chiều nên quán ít khách, 90% trong đó là khách đi xe máy và nhân viên văn phòng. Do đó, nếu cấm hẳn xe máy tuyến đường này chắc phải đóng quán ăn vì khả năng thua lỗ.
Những hộ kinh doanh trên trục đường đó cũng có nỗi lo lắng như bà Bích.
Việc lấy mẫu bằng phát 35.000 phiếu dạng thức đánh dấu vào ô "đồng ý", "không đồng ý", "đồng ý nhưng…" xem ra khó cho kết quả đủ sức mang tính đại diện cho số dân ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện ở mức 10 triệu người.
Lỗi quy hoạch đô thị hay lỗi của người đi xe máy ?
Ghi nhận của báo chí, thì với số lượng dân cư và cơ sở hạ tầng như hiện nay thì việc hạn chế xe cá nhân là không thể giải quyết được vấn đề, bởi vì có sử dụng phương tiện nào thì rồi cũng tắc đường hết. Ngoài ra nếu vẫn cứ để xảy ra tình trạng nhà máy, xí nghiệp di dời đến đâu, chung cư mọc lên thay thế đến đó thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cuối cùng cũng chỉ "gây khó" cho dân, chứ không đạt được hiệu quả trong việc chống ùn tắc.
"Trong ngày 20/04/2017, gần 500 bạn đọc gửi phản hồi về báo Người Lao Động xung quanh đề xuất cấm xe máy. Trong đó, trên 95% ý kiến không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng trong điều kiện giao thông công cộng như hiện nay, việc cấm xe máy là không thể. Nhiều người dân sống tại Thành phố Hồ Chí Minh khi được khảo sát ý kiến cũng cho rằng vấn đề trên hoàn toàn không phù hợp. Chị Ngô Thị Hạnh, ngụ quận Thủ Đức, nói : "Lượng xe máy nhiều góp phần gây ùn tắc giao thông. Thế nhưng, không đi bằng xe máy thì bằng phương tiện gì khi tàu điện không có, đường sá chật chội, xe buýt ì ạch". Một bản tin trên tờ Người Lao Động đã viết như vậy.
Tuy nhiên phía Sở Giao thông và vận tải nói rằng họ không đề xuất cấm, mà chỉ hạn chế xe cá nhân lưu thông. Song ‘hạn chế’ ở đây lại là việc sẽ có những tuyến đường mà xe cá nhân không được phép lưu thông.
Người dân có lý khi nói rằng, sao lại không mơ tới việc đi làm bằng xe buýt hay tàu điện ngầm kia chứ. Khổ nỗi, xe buýt thì chạy chỉ theo khung giờ nào đó, từ nhà ra tới trục đường có xe cũng không kém gian nan, sau đó thì phải nối 2, 3 chặng xe mới tới được chỗ cần tới. Đi làm về muộn thì có nước mà lội bộ, còn tàu điện ngầm chắc đợi kiếp sau (nếu có)...
Vấn đề chính ở đây là đến bao giờ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mới đưa ra lộ trình cụ thể về phát triển hạ tầng giao thông phù hợp với đô thị 10 triệu dân ?.
"Nhà tôi thì nhỏ, số lượng người sống chung trong nhà đó thì đông, tạo ra môi trường chật chội. Câu hỏi đặt ra ở đây là đuổi bớt một vài người ra khỏi nhà để cho căn nhà bớt chật chội, hay dùng phương pháp mở rộng căn nhà để mọi người cùng sống chung và ổn định cuộc sống ?". Sinh viên Nguyễn Tùng, Khoa cơ khí ô tô Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 05/03/2019
Trong bài viết của tác giả Minh Châu "Quyền tự do lập hội và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng" đăng trên trang Việt Nam Thời Báo ngày 10/02 [*], có đặt vấn đề là nếu mai đây có luật về quyền tự do lập hội, thì liệu các tôn giáo có được quyền độc lập riêng mình, mà không buộc phải quy về một đầu mối, ví dụ như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay ?
Cần chấm dứt "Đảng hóa" tôn giáo
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, một học giả về Phật giáo, nguyên giáo sư trường Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, trong tham luận "Văn minh tiểu phẩm" trình bày tại chùa Già Lam, quận Gò Vấp, Sài Gòn vào ngày 10/11/2003, ngài đã viết rằng :
"Sự gán ghép đạo pháp vào chủ nghĩa xã hội chẳng khác nào buộc con chó nhà và chó sói vào một sợi dây, để khi có sự biến, một con tìm cách chui xuống gầm giường, một con cố gắng phóng mình trở lại rừng. Hai con thú dằng co nhau bởi một sợi dây oan nghiệt".
Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ (dấu x), Hòa thượng Thích Nguyên Lý (dấu xx) cùng một số đại đức ở chùa Từ Hiếu, mồng 1 Tết Kỷ Hợi.
Từ cách hiểu đó, với Hòa thượng Tuệ Sỹ thì thành ngữ "phép vua thua lệ làng", không có nghĩa mỗi làng xã là một lãnh địa tự quản của dân xã. Ý nghĩa của nó là nêu lên sự điều hòa mâu thuẫn giữa lý tính phổ quát và tình cảm đặc thù, không vì quyền lợi của cộng đồng mà nhân phẩm của cá nhân bị tước đoạt ; cũng không vì quyền lợi của cá nhân mà sự an nguy của cộng đồng bị đe dọa. Do vậy việc cột chặt sợi dây 'đạo pháp' với 'chủ nghĩa xã hội' của đảng cộng sản Việt Nam chỉ mang ý nghĩa của đảng hòa tôn giáo.
Trong tham luận, Hòa thượng Tuệ Sỹ có đoạn viết :
"Pháp sư Thích Trí Độ lần đầu tiên tại miền Nam sau ngày Cộng sản chiến thắng. Trên lễ đài chiến thắng, gồm các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hàng cao nhất. Pháp sư thay mặt Phật giáo miền Bắc, mà trên cương vị người chiến thắng, là chính thức đại diện toàn thể Phật giáo Việt Nam. Đó là vị Pháp sư, mà miền Nam gọi là Đại lão Hòa thượng ; Ngài bận chiếc áo sơ-mi cụt tay như các cán bộ cao cấp khác của Đảng và Nhà Nước. Sự thực như vậy rất rõ : Phật giáo không tồn tại nữa ở Miền Bắc, mà chỉ tồn tại như một bộ phận của Đảng và lãnh đạo Phật giáo chỉ là cán bộ của Đảng và Nhà nước".
Chính điều này giải thích cho việc khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lập tức xác lập ngay phương châm mang đậm màu sắc chính trị của đảng cộng sản : "Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội". Có người nói ý nghĩa của 8 từ này là đạo pháp phải theo xã hội chủ nghĩa, giáo lý nhà Phật phải do đảng soi sáng, lãnh đạo.
Trong tham luận kể trên, Hòa thượng Tuệ Sỹ kể, ngay sau 1975, nhiều tượng Phật lộ thiên bị giựt sập. Gây chấn động lớn nhất là giựt tượng Quan Âm tại Pleiku. Khi ấy Viện hòa đạo đã có những phản ứng quyết liệt, và đích thân Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mang tài liệu phản đối ấy ra gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
"Hòa thượng kể lại cho tôi nghe, sau khi chuyển hồ sơ vi phạm chính sách tôn giáo lên Thủ tướng ; hôm sau Hòa thượng được một Đại tá bên Bộ Nội vụ (tức Bộ Công an hiện nay) gọi sang làm việc. Sau khi nghe Đại tá lên lớp chính trị, Hòa thượng nói :
"Bởi vì Thủ tướng có nhờ tôi sau khi vào Nam trở ra Bắc, báo cáo Thủ tướng biết tình hình Phật giáo trong đó. Vì vậy tôi báo cáo những vi phạm để Chính phủ có thể kịp thời sửa chữa, ngăn chận cán bộ cấp dưới không để vi phạm. Nếu Thủ tướng không muốn nghe thì thôi. Còn viêc lên lớp chính trị như thế này, đối với tôi (Hòa thượng) thì xưa quá rồi".
Dù sao, phản ứng ấy cũng làm chùn tay những đảng viên cuồng tín Mác xít, và tự kiêu về chiến thắng với khẩu hiệu nhan nhãn các đường phố lúc bấy giờ : "Chủ nghĩa Mác Lê-nin bách chiến bách thắng muôn năm !". Nghĩa là, không thể tự do hoành hành như trong những năm sau 1954 trên đất Bắc". Tham luận của Hòa thượng Tuệ Sỹ viết.
Nếu đã chấp nhận hệ thống công đoàn ngoài nhà nước, thì tôn giáo cũng cần sự độc lập
Với việc thực hiện các điều ước quốc tế trong các hiệp định FTA, CPTPP về quyền tự do lập hội của người dân, thì cần thiết tôn trọng các hoạt động tôn giáo, chấm dứt việc buộc các chùa chiền, tu sĩ Phật giáo phải gia nhập duy nhất tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam - thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam với nhiệm vụ mang tính bắt buộc là "tham gia xây dựng Đảng" (Điều 1, Luật Mặt Trận Tổ Quốc ; Điều 4, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo).
Trên thực tế, thì ngay từ thời gian gần 2 năm chuẩn bị cho việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những tu sĩ đại diện cho các hệ phái đã không đạt sự đồng thuận. Trong một trao đổi thân tình với người viết, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phật giáo Bắc tông, trụ trì chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương xác nhận mãi đến nay, các hệ phái vẫn muốn được hoạt động độc lập, không chịu sự phụ thuộc vào tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Một tài liệu liên quan cho biết, vào ngày 24/11/1981, Hòa thượng Thích Đôn Hậu có viết lá thư gửi Hòa thượng Thích Trí Thủ, khi ấy đang là Trưởng ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Trong thư viết (trích) :
"Như Hòa thượng đã biết, từ mùa xuân năm 1980, khi Ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, tuy quí vị có ghi tên tôi vào Ban vận động, với danh nghĩa Cố vấn, nhưng tôi đã không có sự cộng tác gì với Ban vận động cả, kể cả cuộc Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam vừa qua tôi đã vắng mặt. Thế nhưng, qua báo chí và các văn kiện Đại hội phổ biến, lại thấy có tên tôi trong Ban Thường trực Hội đồng chứng minh với chức vụ Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật.
Tôi xin chân thành cảm ơn Hòa thượng và Đại hội đã dành cho tôi vinh dự đó. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nên tôi không thể đảm nhận thêm chức vụ này được nữa, trong khi tôi vẫn còn một trách nhiệm lớn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong cương vị Chánh Thư ký kiêm Xử lý Viện Tăng Thống.
Do đó, nay tôi viết thư này kính tin Hòa thượng rõ, và nhờ Hòa thượng hoan hỷ chuyển đạt tinh thần bức thư này đến quý vị trong Đoàn Chủ tịch cuộc Đại hội vừa qua.
Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an, chúng sanh di độ. Và mong Hòa thượng nhận nơi đây lòng chân thành của chúng tôi".
Tạm kết bài viết này bằng câu chuyện của ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khòa học xã hội Việt Nam), người vừa từ trần hôm mồng 4 Tết Kỷ Hợi. Sinh tiền, khi ông trả lời với báo chí về vấn đề tôn giáo, ông nói [**] :
"Người ta tìm đến tôn giáo, tìm đến với tâm linh là để giải quyết nhu cầu cơ bản của con người đó là hướng tới điều linh thiêng là để noi theo. Không thể phủ nhận, những năm vừa qua chúng ta đã có những bước tiến hết sức to lớn về kinh tế, nhưng câu chuyện chúng ta đang bàn lúc này là thuộc về quyền tự nhiên của con người. Nói thẳng ra là, chúng ta vẫn làm chưa tốt cách thức để giúp người dân hướng đến điều linh thiêng.
Nhưng nhận thức là một quá trình, tôi tin rằng, dần dần chúng ta sẽ nhận ra, đã có những cái đã được cải tiến, cải thiện. Bây giờ có thể nói việc người dân công khai thể hiện niềm tin tôn giáo không còn là điều gì đó xa lạ, cấm kỵ ở xã hội ta nữa. Đó là nhu cầu và các nhà quản lý phải có trách nhiệm làm sao thòa mãn, hướng dẫn hỗ trợ người dân tìm đến với tôn giáo như tâm nguyện của bản thân họ chứ không phải là tìm cách ngăn cản, cấm đoán".
Như vậy với tinh thần đó, cần trả lại cho tôn giáo quyền tự do thành lập hội đoàn tâm linh riêng phù hợp với từng hệ phái. Trước mắt, Nhà nước cần chính thức công nhận về mặt thủ tục hành chính đối với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Các tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cần được khôi phục với tính chính danh vốn có trong suốt quá trình lịch sử hình thành.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 11/02/2019
Chú thích :
[*] http://www.vietnamthoibao.org/2019/02/vntb-quyen-tu-do-lap-hoi-va-quyen-tu-do_10.html
Trong những ngày xuân Kỷ Hợi, khách hành hương viếng Đền Trần (Nam Định) sẽ thấy ngay tại cổng Ngũ Môn ghi khắc câu đối : "Dân vi bang bán thiên niên sách, Công tại nhân tâm vạn cổ trường" (Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm ; Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở).
Ông Huỳnh Thành Lập -Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi góp ý (09/09/2015). Ảnh minh họa.
Tự tin hay đang tự huyễn hoặc ?
Sáng 1/2, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết các vị lão thành cách mạng, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Trung ương và Hà Nội. toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi chúc Tết được báo Nhân Dân đăng tải toàn văn (1).
So với bài viết : "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn" mà các báo đăng tải hôm trước đó 30-1 cũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thì mức độ tự tin về chuyện "Đảng vững mạnh" của ông Nguyễn Phú Trọng kém hẳn (2).
Nếu như ở bài viết hôm 30/1, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay", thì trong bài phát biểu hôm sáng 1/2, khẩu khí đã chùng hẳn xuống khi ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi : "Chúng ta cần quyết tâm, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với thực hiện có chiều sâu việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa".
Câu hỏi đặt ra, để có câu trả lời thuyết phục cho nhận định phải thật là "Đảng vững mạnh", ông Nguyễn Phú Trọng có thể ‘nhờ’ Quốc hội cho tổ chức cuộc trưng cầu ý dân theo Luật Trưng cầu ý dân, đã có hiệu lực từ 1/7/2016.
Trưng cầu ý dân là việc không mới. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này từ lâu. Cách đây hơn 7 thế kỷ, đã có một cuộc trưng cầu ý dân mà bất cứ người Việt nào cũng biết : Năm 1285, Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, dẫn một đội quân 50 vạn người xâm lược Việt Nam lần thứ 2.
Vua Trần Nhân Tông đã cho mời bô lão của các làng xã trên cả nước về điện Diên Hồng. Nhà vua nêu câu hỏi : Tổ quốc lâm nguy. Thế giặc rất mạnh. Xin các cụ cho ý kiến, ta nên hòa (tức đầu hàng) hay nên đánh ? Hàng ngàn phụ lão đã nhất tề hô : Xin bệ hạ cho đánh. Ý chí đó đã củng cố thêm quyết tâm của nhà vua và triều đình. Trước mặt các bô lão, nhà vua hạ chiếu : Đánh.
Kết quả là đạo quân 50 vạn người của giặc đã bị đánh cho không còn mảnh giáp, đến nỗi chủ tướng phải chui vào ống đồng cho quân khiêng chạy mới thoát chết. Hội nghị Diên Hồng sống mãi trong lòng dân tộc, vì nó đã nói lên một chân lý bất biến, rằng "ý dân là ý trời".
Thuận ý dân
Trở lại với câu chuyện hôm nay. Trong sáng 30 Tết, nhằm ngày 4/2, ông Lê Văn Vĩnh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn BOT Xây dựng Đồng Tháp, đơn vị thu phí cầu sông Cái Nhỏ và cầu Tân Nghĩa, cho biết báo chí biết rằng công ty đã ngừng thu phí 2 cầu từ chiều 3/2. Công đoạn tháo dỡ trạm thu phí tiến hành gấp rút tạo điều kiện thông thoáng để người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Trước đó, việc thu phí cầu sông Cái Nhỏ kéo dài đã vấp phải sự phản ứng của người dân. Đỉnh điểm vào cuối tháng 9/2018, hàng trăm người dân đã tập trung phản đối. Tương tự ở cầu Tân Nghĩa cũng bị người dân phản ánh nhiều lần về thời gian thu phí.
Trước phản ứng có cả tình và lý của người dân, ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định dùng ngân sách tỉnh để mua lại trạm BOT này với giá hợp lý nhất.
Theo thẩm định, nếu không mua lại thì cầu sông Cái Nhỏ dự kiến sẽ kết thúc thu phí vào tháng 8/2024, tức thời gian thu phí là 12,8 năm. Tương tự, cầu Tân Nghĩa thời gian thu phí cũng là 12,8 năm tức chấm dứt vào tháng 10/2020. Ông Vĩnh cho biết sẽ nhận khoản tiền vốn mua lại 2 dự án này của chính quyền tỉnh là 14,8 tỉ đồng.
Tương tự, trạm thu phí BOT đường bộ Tân Đệ ở tỉnh Thái Bình bị người dân phản ứng vì đặt nhầm chỗ tương tự như BOT Cai Lậy, Tiền Giang cũng đã được chính quyền tỉnh Thái Bình yêu cầu phải phá dỡ ngay trước Tết nguyên đán 1 tuần lễ, và nhà đầu tư phải đặt trạm thu phí đúng với nơi đã mà dự án đã đầu tư.
Có thật là người dân đang phấn khởi tin tưởng đảng cộng sản ?
Nhìn rộng hơn, quan sát trên mạng xã hội và các trang báo điện tử, có thể thấy rằng người dân Việt Nam đang ủng hộ việc xóa sổ nền chính trị độc tài ở Venezuela. Thể chế xã hội chủ nghĩa ở quốc gia này đang đứng trước bờ vực sụp đổ, và người dân Việt Nam lại hồ hỡi trước những thông tin về khủng hoảng chính trị ấy.
Câu hỏi đặt ra, liệu người dân Việt Nam có phải thực sự mang tâm thế như lời của ông Nguyễn Phú Trọng : "Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng ngày càng lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tác động tích cực mạnh mẽ trên khắp cả nước và được nhiều bạn bè quốc tế ghi nhận" (3) ?
Ghi nhận thực tế là không hề có "một không khí phấn khởi" như nhận định đầy chủ quan của ông Nguyễn Phú Trọng. Đơn cử, thưởng Tết Kỷ Hợi trong ngành bất động sản ở Sài Gòn, theo đánh giá sơ bộ là ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Nhiều công ty kinh doanh địa ốc nói rằng năm 2018 vừa qua họ có doanh số rất thấp, nên thưởng Tết chỉ mang tính tượng trưng.
Giám đốc bộ phận kinh doanh ở một doanh nghiệp bất động sản khá có tiếng tại Sài Gòn, ngậm ngùi kể trong bữa tiệc tất niên đạm bạc với báo chí : "Trong năm vừa qua công ty chỉ có đúng một dự án với hơn 400 căn nhà để bán ra thị trường, mà nhân viên môi giới cũng đã lên gần 2.000 người nên áp lực lương bỗng khá căng. Một số nhân viên kỳ cựu cũng phải bỏ công ty mà ra đi, như tôi đây vẫn bám trụ được là mừng chứ không mong gì nhận lương thưởng".
Ông cho rằng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, và niềm tin vào những nhà quản trị quốc gia cũng vì thế mà ngày càng tuột giảm, chứ không hề đúng như tự tin về "đất nước phát triển" như lời tựa của bài báo ký tên Nguyễn Phú Trọng hôm 30/01/2019.
Trưng cầu dân ý là một quyền dân sự được hiến định. Nếu quả tình ông Nguyễn Phú Trọng tự tin "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn", và ông cũng tự tin là Đảng cộng sản Việt Nam không hề theo đuổi nền chính trị độc tài như Venezuela, thì ông hãy thử một lần dùng quyền là Chủ tịch nước để yêu cầu Quốc hội thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân, về mức độ tín nhiệm sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong vai trò quản trị quốc gia.
Vàng thiệt không sợ lửa. Ông bà mình nói như vậy.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 06/02/2019
Giai cấp công nhân ở Việt Nam vì sao lại sút kém trình độ chính trị để có thể dễ dàng bị kích động xúi giục trong đình công ?
Một cuộc đình công của cá nhân ở Việt Nam - Ảnh minh họa
Chiều ngày 21/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh và các Liên đoàn Lao động các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công nhân, người lao động, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn giáp ranh.
"Nếu suy diễn, tôi nghĩ rằng các ông, bà chủ tịch các Liên đoàn Lao động Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh đã công khai tự diễn biến, khi ngờ vực vào khả năng lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Điều 4.1, Hiến pháp 2013 đã ghi rất rõ rằng, ‘Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’.
Chỉ trong một câu, có đến 2 lần nhắc tới ‘công nhân’ và ‘nhân dân lao động’. Dưới sự lãnh đạo chuyên chính như vậy, thử hỏi ai có thể xúi giục hay kích động công nhân, người lao động đình công ?". Một thân hữu luật gia, hiện là giám đốc doanh nghiệp ngành dệt may đã chia sẻ kiểu ‘trà dư tửu hậu’ với người viết.
Phóng viên dự để đưa tin về buổi lễ hôm chiều 21/12 tại Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, kể là các vị trong Liên đoàn Lao động đã không ngại giấu vẻ lo lắng vài hôm nữa đây khi Luật An ninh mạng hiệu lực, và dự luật về đặc khu hành chính sẽ được xới lại trước kỳ họp Quốc hội, khả năng người dân lại xuống đường biểu tình phản đối. Do đó các quan chức của Liên đoàn Lao động 5 địa phương đã bàn nhau phối hợp để có thể ngăn chặn biểu tình ngay trong giai đoạn manh nha.
Một báo cáo trình bày vào chiều 21/12 tại Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh có đoạn viết :
"Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình an ninh trật tự ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trở nên căng thẳng trong thời điểm Quốc hội thông qua nhiều dự luật quan trọng. Các thế lực phản động đã có những hành động kích động, xúi giục lợi dụng người công nhân, người lao động ngưng việc tập thể, diễu hành thành từng đoàn, từng nhóm trên đường phố gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông. Đồng thời có những hành động phá hoại tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó tình hình có diễn biến phức tạp khi đối tượng kéo vào các nhà máy, xí nghiệp ở ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực giáp ranh nhằm lôi kéo, xúi giục những công nhân đang làm việc phải cúp điện, ngừng làm việc tạo thành một nhóm lớn để biểu tình, gây rối trật tự xã hội, kích động và xúi giục công nhân đình công…".
Từ góc nhìn nói trên, xem ra việc công nhân đình công đã được chính ngành công đoàn mặc định là mang màu sắc của chính trị, chứ không phải xuất phát từ quyền lợi vật chất như quy định ở Bộ Luật Lao động.
"Nhận định này của cả 5 tổ chức Liên đoàn Lao động tỉnh, thành là không phù hợp pháp luật. Hiến pháp có bảo hộ quyền biểu tình, không giới hạn quyền này trong thành phần nào của xã hội. Hiến pháp cũng bảo hộ quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bằng xác lập quyền công dân về chính trị, đó là cơ sở để Đảng cộng sản mạnh miệng cam kết rằng mình là đội tiên phong của giai cấp công nhân.
Ở bối cảnh Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, lẽ ra ngành công đoàn cần hiểu mình phải làm gì cho các quyền lợi vật chất lẫn quyền lợi chính trị của người lao động. Đàng này họ lại hè nhau tìm mọi cách chụp mũ người lao động. Tôi nghĩ rằng đây chính là đòn đánh dưới thắt lưng đối với tất cả các nghiệp đoàn độc lập sẽ hình thành trong tương lai. Bởi họ phải đối mặt với sự chụp mũ chính trị hóa trong các hoạt động, đặc biệt là về đình công". Luật sư Trần Thành dự báo.
"Đúng lý, ở buổi Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và các Liên đoàn Lao động các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, các quan chức đứng đầu 5 tổ chức công đoàn này phải đưa ra kiến nghị Quốc hội Việt Nam sớm ban hành Luật về quyền biểu tình. Bởi có bao nhiêu hội nghị liên tịch kiểu vầy đi nữa về chuyện biểu tình, mà vẫn chưa có luật biểu tình thì vẫn là những hình thức đối phó trong sợ hãi về một quyền hiến định.
Doanh nghiệp tụi tôi mới là những người sợ công nhân đình công nhất, sợ công nhân biểu tình nhất…, mà tụi tôi còn thấy xấu hổ cho kiểu họ bàn nhau chụp mũ biểu tình, vu tiếng xấu cho công nhân trong đòi hỏi quyền công dân của mình…". Vị thân hữu là doanh nhân (kể ở trên), chia sẻ.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 24/12/2018
Trong 11 nước CPTPP chỉ có Việt Nam là phát triển theo hướng "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", các nước còn lại đều theo chủ nghĩa tư bản.
Kinh tế Việt Nam sẽ vẫn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa ? Ảnh minh họa
Ngày 5/12, tại kỳ họp thứ 12, các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khoá IX đã bỏ phiếu tín nhiệm 30 chức danh do Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bầu theo hình thức bỏ phiếu kín với ba mức độ "Tín nhiệm cao", "Tín nhiệm" và "Tín nhiệm thấp". Với CPTPP thì không có kiểu tín nhiệm nước đôi trớt quớt như vậy, mà chỉ có ‘cùng thắng’, hoặc ‘thua một mình’.
‘Cùng thắng’ là Việt Nam bán được hàng hóa do mình sản xuất cho 10 quốc gia trong CPTPP. Còn ‘thua một mình’ là chuyện hàng hóa từ 10 quốc gia đó ồ ạt vào Việt Nam, còn Việt Nam thì bán không ai mua, vì không chỉ chuyện chất lượng món hàng, mà còn là những rào cản hệ lụy từ thể chế của nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Theo tác giả Hoa Nghi ở bài báo "Ông Nguyễn Phú Trọng nên ‘học tập’ ông Tập Cận Bình về kinh tế ?" (1), thì một khi đã mặc định rằng "Về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế" của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản, chủ tịch nước, xem ra khó thể dứt ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Câu hỏi quen thuộc : "định hướng xã hội chủ nghĩa" là gì ? Có phiên bản nào hoàn chỉnh về "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" để Việt Nam tham khảo, học hỏi ?
20 năm nữa Việt Nam ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới ?
Đây là câu hỏi được đặt ra từ đầu năm 2016. Khi ấy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh trong bài tham luận của mình đọc tại Đại hội Đảng XII vào ngày 22/01/2016, có tựa đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ", đã so sánh :
"Có lẽ ít ai biết rằng đầu thế kỷ 19, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 Thái Lan".
Đúng là mọi so sánh đều là khập khiễng, thế nhưng phải trả lời như thế nào đây trước thắc mắc của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh :
"Chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm Đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển. Vậy đến năm 2035, tức sau 2 thập niên kể từ bây giờ và 50 năm sau Đổi mới, Việt Nam sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới ?".
Hoàn thiện thể chế bằng… nghị quyết đảng ?
Ngày 3/6/2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (2).
"Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình phát triển liên tục ; kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta ; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội". Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, phần "Quan điểm chỉ đạo" đã viết như vậy.
Nghị quyết này khá lúng túng khi viết rằng : "Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 : Phấn đấu hoàn thiện một bước đồng bộ hơn hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Cơ bản bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường ; sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững. Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ".
Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cho biết có định nghĩa thế này : "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế ; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Ông Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính thuộc trường Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói thẳng rằng có lẽ trong các khái niệm kinh tế trên thế giới, không có khái niệm kinh tế nào phức tạp bằng khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà các học giả Việt Nam miệt mài nghiên cứu ròng rã trong suốt 30 năm qua. Kết quả nghiên cứu nhiều đến mức không chỉ người bình thường, mà ngay cả người trong cuộc cũng khó có thể nói được ngắn gọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào.
"Có lẽ ít người quên nhận xét của ông Bùi Quang Vinh, về thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhân dịp ông được mời đến nói chuyện tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ông nói : "Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà tìm". Về thời gian chính thức để Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhận định : "Không biết đến hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa". Ông Trần Ngọc Thơ nhận xét.
Thử nhìn qua lăng kính của nghề Y
"Tôi đồng ý với định nghĩa ‘nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế ; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’. Và tôi cũng đồng ý rằng từ năm 1975 đến nay, sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, còn bao trùm tất cả các lãnh vực ở Việt Nam. Nếu đúng như vậy thì Đảng cộng sản xem ra đã chưa thành công trong chăm lo sức khỏe người dân". Một phóng viên mảng y tế chia sẻ với người viết.
Theo phóng viên này phân tích, phải chăng là vì y tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên sinh viên ngành Y ở Việt Nam vẫn khó khăn trong hội nhập với quốc tế ?
Thế giới thì tất cả sinh viên phải thực hành lâu hơn, có nghĩa là tất cả phải làm nội trú bệnh viện. Ở Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì câu hỏi tiếp tục chưa có lời giải : Liệu các bệnh viện có đủ chỗ và nhân lực để tất cả sinh viên Y học tiếp nội trú không (hẳn là không rồi !), họ có trả tiền lương cho sinh viên nội trú (rất đông) không, nếu không thì sống kiểu gì, đi vay tiền à (vì làm thêm là quá khó với 2 chữ nội trú) ?
Như thế giới, nếu sinh viên ngành Y ở Việt Nam cũng theo học 9 năm xong, rồi sau đó tiền lương sẽ được bao nhiêu ?. Lại một câu hỏi chưa có lời giải. Không thể trả lương một người học miệt mài suốt 9 năm với mức khởi điểm 2,34 triệu đồng/ tháng như hiện nay được.
"Nhưng bản chất cái cần thiết không phải là số năm đào tạo, mà là chất lượng đào tạo. Chúng ta còn tồn tại vô số vấn đề trong chất lượng, đó là kỹ năng lâm sàng chưa đảm bảo. Chúng ta đưa ra cả trăm kỹ năng cần đạt, nhưng không ai chứng nhận 100 kỹ năng đó cả, mà không chắc có dạy 100 kỹ năng đó không nữa ?
Kiến thức y khoa rời rạc học trước quên sau, chẳng biết học môn X nào đó để làm gì (do chính trị học rời rạc, không logic và tích hợp, không có định hướng rõ ràng), kỹ năng làm việc nhóm và chuyên nghiệp trong làm việc cực thấp, các kỹ năng mềm cũng không được chú trọng.
Tiếng Anh chưa phải là ngôn ngữ để học và giảng dạy thì sinh viên ra trường khó mà giỏi tiếng Anh chuyên ngành được... Ngoài ra chưa kể trình độ giảng viên, phương pháp đào tạo lạc hậu không sâu sát, đánh giá và lượng giá đào tạo, thi cử còn rất nhiều bất cập, khó khăn. Chúng ta cũng chưa có những môi trường học thuật chuyên nghiệp và đúng nghĩa ngay từ những thứ nhỏ bé nhất.
Song mọi chuyện dường như không còn nhiều ý nghĩa khi được gắn thêm từ tố định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó giống như chuyện khuyên nhủ người dân ‘đã có Đảng và Nhà nước lo’, mỗi khi các cơ quan công vụ giải tán người dân thực hiện quyền biểu tình". Ông bạn phóng viên y tế biện giải.
Những chênh vênh thể chế
Trong 11 nước CPTPP chỉ có Việt Nam là phát triển theo hướng "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", các nước còn lại đều theo chủ nghĩa tư bản. Điều này khiến kinh tế Việt Nam vẫn còn sự chênh lệch lớn so với nền kinh tế thị trường của các nước thành viên CPTPP.
Do đó, làm thế nào để tạo được thế cân bằng, giảm thiểu rủi ro, mà vẫn giữ được định hướng kinh tế chính trị của Việt Nam là vấn đề cần đưa dự thảo luật rộng rãi, lấy ý kiến toàn dân cũng như tất cả bộ ngành để có định hướng chắc chắn.
Nên nhớ là sẽ rất vô lý khi buộc khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp FDI làm ăn ở Việt Nam phải phụ thuộc vào tổ chức Đảng trong vai trò lãnh đạo khuôn phép định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Ai đời đã vào cuộc chơi CPTPP rồi mà hôm 6/12, phóng viên ban thời sự của tụi tôi phải đi làm bản tin đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, với sự tham dự của gần 25.000 cán bộ chủ chốt Công đoàn các cấp tham dự. Làm công đoàn là để bảo vệ quyền lợi của người lao động, chứ đâu phải bảo vệ nghị quyết đâu mà bắt họ quán triệt kia chứ ?", ông N.H.P, trưởng ban của một nhật báo có tòa soạn ở Sài Gòn, lắc đầu nói.
Quyết sách thì phải luôn được điều chỉnh, sửa sai nếu thực tế cuộc sống không chấp nhận. Đó mới là yếu tố quan trọng. "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", cũng không nằm ngoài ý nghĩa ấy.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 08/12/2018
(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/10443-ong-nguy-n-phu-tr-ng-nen-h-c-t-p-ong-t-p-c-n-binh-v-kinh-t
(2) http://bit.ly/2AVeZDY
Luật sư Đặng Trọng Dũng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) kêu gọi cần có tổ chức nghiệp đoàn báo chí độc lập để lên tiếng bảo vệ những người làm báo tự do, nhân trường hợp bà Thư Lê, người vừa bị công an tỷnh Đồng Nai bắt giữ thô bạo kèm các hành động đe dọa tính mạng, và hủy hoại tài sản tác nghiệp của nữ nhà báo tự do này.
Nhà báo tự do Thư Lê bị bắt và bị công an đánh đập
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc kể rằng bà Thư Lê rất xông xáo trong việc đưa tin hoàn toàn bất vụ lợi. Trong phiên tòa phúc thẩm vụ 15 người dân ở thành phố Biên Hòa xuống đường tuần hành hôm chủ nhật 10/06/2018, bà Thư Lê là người chăm chỉ ghi nhận những hình ảnh với các tình tiết phục vụ đắc lực cho việc bào chữa của nhóm luật sư từ Sài Gòn đến Biên Hòa hôm 9/11 vừa rồi.
Câu hỏi đặt ra : Liệu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có thể mở rộng hoạt động với thêm chức năng chuyên sâu như một nghiệp đoàn báo chí, khi mà cuối tháng 11 này, Quốc hội hứa hẹn sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP] ?
Cần thấy rằng bất chấp đây là một quyền được Hiến định, cho đến nay Luật về quyền lập hội vẫn còn dừng ở mức chưa biết bao giờ sẽ được quay trở lại nghị trường Quốc hội. Liệu CPTPP gắn chặt với các quyền lợi kinh tế mà nhà nước Việt Nam đang coi như phao cứu hộ cho cứu vãn sự suy sụp tài khóa quốc gia, thì việc hình thành các tổ chức công đoàn độc lập kỳ vọng sẽ được xúc tiến nhanh hơn, mà vụ việc vài hôm trước đây Bộ Nội vụ đã cấp phép hoạt động Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam có trụ sở đặt tại thành phố Thủ Dầu Một, tỷnh Bình Dương là một dấu chỉ ?
Hiệp hội này chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành có liên quan. Về kinh phí hoạt động, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam hoạt động dựa trên nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tuy vẫn thuộc một Bộ chủ quản về mặt quản lý nhà nước, song với việc Bộ Nội vụ chấp thuận người đứng đầu Hiệp hội này không phải là đảng viên, không từng là một quan chức trong bộ máy công quyền, mà chỉ là một chủ doanh nghiệp, có thể tạm cho rằng đây là bước khởi động của hình thành những nghiệp đoàn độc lập.
Như vậy mô hình nào cho thêm chức năng của công đoàn độc lập trong Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ? (1).
Trước năm 1975, ở miền Nam có Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt được thành lập trước, trước khi có Hiệp định Genève 1954. Các hội viên gồm tất cả các nhà báo hoạt động tại Sài Gòn. Sau 1954, nhiều nhà báo miền Bắc di cư vào Nam xuất bản nhiều tờ báo mới và thành lập Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam.
Có một sự khác biệt ngấm ngầm giữa giới cầm bút tại Sài Gòn và giới cầm bút từ miền Bắc di cư vào. Các ký giả Sài Gòn đa số có thái độ chính trị hoặc độc lập hoặc chống chính quyền, rất nhiều trong số họ là những cựu kháng chiến, không kể một số không ít đang hoạt động bí mật cho cộng sản. Trong khi đó đa số ký giả từ miền Bắc vào năm 1954 đều có lập trường chống cộng và ủng hộ chính quyền, từ thời Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu.
Trước "Ngày ký giả ăn mày", hai Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam hầu như không hợp tác với nhau. Chính do sự ra đời của sắc luật 007/72 đã làm họ xích lại gần nhau.
Một lợi thế dễ thấy ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là có nhiều hội viên quan hệ rất rộng, khắng khít với các nghiệp đoàn báo chí thế giới. Sắp tới đây, nếu bổ sung thêm chức năng của một tổ chức nghiệp đoàn, tin rằng sẽ là bước tiến đáng kể cho đời sống xã hội dân sự ở Việt Nam ; đặc biệt là ở miền Nam vốn từng trải nghiệm qua các nghiệp đoàn báo chí từ trước năm 1975.
Trước mắt, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có thể mở rộng tầm ảnh hưởng qua việc mời gọi sự tham gia hội viên của những người hành nghề phát hành, những doanh nghiệp về truyền thông, truyền hình, các vị đại biểu Quốc hội, kể cả những cựu quan chức từng làm việc trong ngành truyền thông, xuất bản.
(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/10040-nghi-p-doan-d-c-l-p-giup-gi-cho-ng-i-vi-t-nam
Ghi nhận hiện tại, đang có ít nhất hai tổ chức quy củ mang tên nghiệp đoàn : Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam ; Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam (1). Cả hai nghiệp đoàn này tuy có tên Việt Nam, nhưng theo số điện thoại liên lạc, thì lần lượt được đặt tại Anh, và Pháp.
Trang web của Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam. Ảnh : chụp màn hình
Câu hỏi đặt ra, nếu nhà nước Việt Nam thực thi thỏa thuận của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP], thì các lao động Việt Nam sẽ vận dụng theo những mô hình nào cho hình thành công đoàn, hay nghiệp đoàn độc lập ? (2).
Nghiệp đoàn theo quan điểm Nho giáo
Theo tự giới thiệu, thì "Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam là một tổ chức nghiệp đoàn độc lập của những người hành nghề báo chí nói tiếng Việt, ra đời ngày 03 tháng 05 năm 2018, trùng ngày tự do báo chí thế giới.
Trung tâm điều hành của nghiệp đoàn là các sinh viên đã và đang theo học tại đại học Văn khoa Sài Gòn, Việt Nam, hoạt động một cách hợp hiến. Nghiệp đoàn vận hành theo Cơ cấu Việt Nho và có sứ mệnh đưa Việt Nho trở lại thành triết lý chủ đạo cho văn hóa Việt Nam. Nghiệp đoàn không khuyến khích các hoạt động xuống đường biểu tình, không khuyến khích hoặc đình công hoặc bãi công" (3).
Tuy nhiên phần tự giới thiệu trên trang web này lại ghi, "Ban điều hành của Nghiệp đoàn là những nhà báo dưới 35 tuổi" [nguồn đã dẫn], cho thấy không tương ứng với phần giới thiệu "là các sinh viên đã và đang theo học tại đại học Văn khoa Sài Gòn", vì trường đại học này đã khép lại khi đang lỡ dỡ niên khóa 1974/1975.
"Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam" và "Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam" dường như chung một tổ chức sáng lập, khi cùng đưa ra chủ trương "vận hành theo Cơ cấu Việt Nho và có sứ mệnh đưa Việt Nho trở lại thành triết lý chủ đạo cho văn hóa Việt Nam" (4).
Như vậy, với giới hạn trong phạm vi Nho giáo, cả hai tổ chức nghiệp đoàn này khó thể đáp ứng nhu cầu đa chiều tư tưởng của nghề báo, cũng như sự tự do lựa chọn về tín ngưỡng, học thuật, triết lý của các thế hệ
Cả hai nghiệp đoàn lại không đặt tại Việt Nam, nên cũng khó thể xem đây là những nghiệp đoàn xã hội dân sự mà người lao động Việt Nam cần quan tâm tìm hiểu cho việc xúc tiến thành lập những công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập.
Nhìn từ báo chí Sài Gòn trước 1975 : mô hình cần có ở hiện nay
Nếu như Việt Nam thật sự có tự do ngôn luận, thì khi thực hiện CPTPP, các phóng viên làm việc chính thức lẫn cộng tác viên, hoặc nhà báo đã hưu trí có thể cùng tập họp lại với nhau để thành lập một, hay nhiều nghiệp đoàn ký giả theo tính chuyên sâu, như Nghiệp đoàn ký giả chính trị xã hội ; Nghiệp đoàn ký giả văn nghệ ; Nghiệp đoàn ký giả thể thao...
Các nghiệp đoàn này có thể cử ra một ban đại diện mang tính địa phương, như Nghiệp đoàn báo chí Sài Gòn, Nghiệp đoàn báo chí Hà Nội, Nghiệp đoàn báo chí Cần Thơ…
Các nội dung như vừa kể, gần như tương tự với hình thức của tổ chức có tên Hội Nhà báo ở hiện tại, với các chi hội nhà báo mang tính chuyên môn hẹp như chi hội nhà báo chính trị - xã hội, chi hội nhà báo văn hóa – nghệ thuật, chi hội nhà báo thể thao…
Tuy nhiên nếu như Hội Nhà báo là môt tổ chức nghề nghiệp mang tính công đoàn, nằm trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, là tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý các hoạt động của các đoàn thể chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp ; thì Nghiệp đoàn ký giả sẽ là tổ chức thuần xã hội dân sự, không bắt buộc có cấp chủ quản như quy định tại các Nghị định 33/2012/NĐ-CP, 45/2010/NĐ-CP của chính phủ.
Liên quan hội, đoàn độc lập trong nghề báo ở miền Nam trước 1975, tại Sài Gòn có đến 4 tổ chức : Hội Chủ báo, Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam và Hội Ái hữu ký giả.
Báo chí Sài Gòn thời ấy khá đa dạng, từ những tờ là cơ quan ngôn luận của chính quyền, cho đến những tờ đối lập với chính quyền, rồi những tờ thiên về kinh doanh. Có những tờ báo "lá cải" chuyên khai thác những chuyện hoang đường, yêu tinh ma quỷ, tình tiền tù tội. Do đó tùy vào nhu cầu mà các ông bà chủ báo, các ký giả, các cộng tác viên báo chí có thể lựa chọn tham gia vào những tổ chức kể trên.
Việt Nam hiện tại thì chưa có báo chí tư nhân, song công việc phát hành báo đều do tư nhân thực hiện (hệ thống phát hành quốc doanh qua bưu điện hiện rất èo uột), nên có thể thành lập Hội Chủ phát hành báo. Hai tổ chức là Nghiệp đoàn ký giả Sài Gòn, và Hội Ái hữu ký giả Sài Gòn thì hoàn toàn nằm trong tầm tay về nhân sự hình thành. Đó là chưa tính đến Hội Nhà báo độc lập Việt Nam thành lập từ đầu tháng 7/2014, đang là một trong những hội đoàn nghề nghiệp thuần túy xã hội dân sự, thỏa mãn các tiêu chí về công đoàn độc lập của CPTPP.
Nghiệp đoàn độc lập báo chí sẽ mang lợi ích gì ?
Một khi pháp luật báo chí cũng như hình sự, hành chính vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ phóng viên, nhà báo khỏi các cáo buộc phi lý từ một số cá nhân, nhóm lợi ích nắm quyền nhằm duy trì công cuộc phòng chống tham nhũng, nơi mà chỉ có giới này có đủ dũng khí và chuyên môn để theo đuổi, thì với việc hình thành các nghiệp đoàn báo chí độc lập sẽ góp phần giải quyết.
Uy tín của việc tập họp các hội viên của những tổ chức nghiệp đoàn báo chí sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho nền báo chí tự do, kể cả tự do trong khuôn khổ của định hướng từ cơ quan tuyên giáo đảng. Bởi khi không phải bó mình trong nỗi e dè sợ hãi bị kỷ luật thu thẻ nhà báo, đe dọa bị đình bản, đóng cửa báo chí…, thì chắc chắn báo chí sẽ trở về đúng nghĩa là những tiếng nói đa chiều, phản ánh đầy đủ các góc nhìn về bộ mặt của đời sống chính trị, xã hội.
Những đe dọa bị thu hồi thẻ, bị đình bảng, bị đóng cửa sẽ phải đối diện với làn sóng lên tiếng từ các tổ chức như Hội Chủ phát hành báo, Nghiệp đoàn ký giả, Hội Ái hữu ký giả. Sự kiện "Ngày ký giả đi mày" ngày 10/10/1974 để phản đối Sắc luật 007/72 (5) của chính quyền Sài Gòn là một ví dụ dễ thấy nhất (6).
Hồi đầu năm nay, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo Kết luận tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/07/2010 của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới (Chỉ thị 44). Theo đó, Ban Bí thư khẳng định rằng "Việt Nam bảo đảm tốt tự do báo chí theo luật pháp quốc tế về nhân quyền" (7).
Như vậy thì với việc Quốc hội phê chuẩn CPTPP vào cuối tháng 11 này, cho thấy đã hội đủ điều kiện để hình thành những nghiệp đoàn báo chí độc lập. Đây cũng là một quyền Hiến định, "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình" (Điều 25).
Ông tổng giám đốc Ngân khố sau khi nhận được bản án, đương nhiên khấu trừ số tiền ký quỹ. Số tiền ký quỹ phải luôn luôn đầy đủ theo luật định. Khi số tiền ký quỹ bị khấu trừ thì ngay sau khi nhận được thông báo của tổng giám đốc Ngân khố, tờ báo phải đóng thêm cho đủ số tiền ký quỹ trong thời hạn 15 ngày. Nếu không, tờ báo bị coi như tự đình bản, hoặc cơ sở phát hành bị coi như tự ý ngưng hoạt động. Nếu tiếp tục hoạt động sẽ bị truy tố.
Sắc luật 007/72 còn quy định tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.
Một bài báo được cho là "vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng" khi được tòa mở vụ án xét xử và tuyên rõ ràng, chứ không như vụ báo Người Cao Tuổi trước đây, hay báo Tuổi Trẻ phiên bản điện tử ở thời gian vừa qua.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 08/11/2018
(1) https://nghiepdoansinhvien.org/ ; https://nghiepdoanbaochi.org
(2) http://www.vietnamthoibao.org/2018/11/vntb-cong-oan-oc-lap-co-e-doa-su-ton.html
(3) https://nghiepdoanbaochi.org/contact/
(4) https://nghiepdoanbaochi.org/contact/ ; https://nghiepdoansinhvien.org/2018/11/05/vi-sao-nghiep-doan-sinh-vien-viet-nam-van-hanh-theo-co-cau-viet-nho/
(5) Sắc luật 007/72 bắt buộc mỗi tờ nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng (lúc ấy tương đương 47.000 USD), còn báo định kỳ thì 10 triệu. Nếu không nạp đủ số tiền đó, thì tờ báo bị rút giấy phép. Luật có điều khoản ưu đãi đặc biệt cho những tờ báo thân chính quyền, báo của họ chỉ đóng phân nửa tiền ký quỹ, 10 triệu đồng.
Các tờ báo có đủ tiền, đóng ký quỹ tại Tổng nha Ngân khố trong một trương mục có lãi. Trương mục này do chủ nhiệm, chủ bút, hoặc quản lý đứng tên dành để bảo đảm việc thanh toán các "ngân hình án phí", và tiền bồi thường thiệt hại cho dân sự nguyên cáo định kỳ trong những bản án tuyên xử liên quan đến những vi phạm điều khoản luật này.
(6) Ở đây tạm không luận bàn về việc lợi dụng vụ việc này của lực lượng dân tộc giải phóng miền Nam
Dòng tộc nhà Phạm Nhật Vượng tiếp tục gặp vận đen khi cú áp phe sang nhượng AVG – MobiFone đang vướng vòng lao lý, thì mới đây cơ quan điều tra Bộ Công an lại yêu cầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý vụ quy hoạch khu công xưởng Ba Son thành nơi kinh doanh bất động sản, với tên gọi Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn.
Vị trí Vinhomes (thuộc Vingroup) tại khu vực Ba Son. Ảnh : Google Map
Việc cơ quan điều tra của Bộ Công an yêu cầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh gửi toàn bộ hồ sơ pháp lý quy hoạch, chỉ định thầu Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn Ba Son, số 2 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, tuy tiếng là liên quan vụ án Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, song thực tế cho thấy đây là diện tích đang ăn nên làm ra của tập đoàn Vingroup thuộc dòng tộc nhà Phạm Nhật Vượng.
Ba Son bị xóa sổ
Trung tuần tháng 11/2015, báo chí đồng loạt đưa tin UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, phường Bến Nghé, quận 1 do Tổng Công ty Ba Son - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Bộ Quốc phòng) thực hiện và làm chủ đầu tư.
Theo đó, Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son có quy mô 25,29 ha, phía Đông và Đông Nam giáp sông Sài Gòn, phía Tây Nam giáp đường Tôn Đức Thắng và cầu Thủ Thiêm 2, phía Tây và Tây Bắc giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh, phía Bắc giáp rạch Thị Nghè.
Sau đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có quyết định điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm hiện hữu thành phố (930 ha) tại Tiểu khu Ba Son (rộng 42,91 ha). Theo quyết định này, diện tích mặt nước sông Sài Gòn đã giảm từ 20,47 ha xuống còn 17,62 ha (giảm 2,85 ha).
Thế nhưng không bao lâu sau, khi cái tên Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện tại dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, thì báo chí mới nhận ra thực sự thông tin không như đã đăng tải hồi tháng 11/2015.
Hồ sơ công khai trong vụ việc này cho biết vào ngày 24/04/2015, Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng cho phép chỉ định nhà đầu tư mua tài sản trên đất gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son hiện hữu. Thường vụ Quân ủy trung ương [Bí thư Quân ủy Trung ương thời gian đó là ông Nguyễn Phú Trọng] và Bộ Quốc phòng thống nhất chọn Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh là nhà đầu tư mua tài sản trên đất và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son.
Nội dung nói trên được đánh số công văn 2490/BQP-CNQP do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trương Quang Khánh [*] ký gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo tường trình của công văn này, vào ngày 27/03/2015, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tổng Công ty Ba Son triển khai quy trình lựa chọn, đề xuất nhà đầu tư mua tài sản trên đất gắn liền với chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son hiện hữu. Kết quả, Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn là nhà đầu tư mua tài sản trên đất và nhận quyền chuyển nhượng sử dụng khu đất Ba Son.
Đến lúc đó báo chí mới nhận ra một thực tế phủ phàng là sau khi có quyết định di dời cảng Ba Son để phát triển đô thị, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh – cụ thể là chính quyền ông Lê Thanh Hải – Lê Hoàng Quân đã không hề có một thông tin công khai, chính thức và chi tiết về chủ đầu tư thật tế, về nội dung đồ án quy hoạch của dự án, cũng như phương hướng giữ gìn di sản này.
Vingoup chính thức chường mặt
Cuối tháng 3/2016, người ta thấy Vinhomes rao bán dự án rầm rộ ở khu trung tâm phức hợp Ba Son – Sài Gòn, với tên gọi mới là khu phức hợp Vinhomes Ba Son Sài Gòn ; hay còn có tên ‘Vinhomes Golden River Bason’. Nhân danh Khu đô thị Vinhomes, ông chủ Phạm Nhật Vượng đã cho đập hết những nhà xưởng ở Ba Son, cũng như cho lấp luôn ụ tàu ở nơi khởi đầu là xưởng thủy của chúa Nguyễn cuối thế kỷ 18, đến xưởng sửa chữa, đóng tàu của người Pháp thế kỷ 19.
Những quan chức chóp bu liên quan trực tiếp đến ‘Vinhomes Golden River Bason’ ngay lúc ban đầu, theo ghi nhận từ hồ sơ như đã nói ở phần trên, gồm có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Câu hỏi đặt ra là có phải nguyên cớ ‘đốt lò tham nhũng’ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa đến chuyện khui lại toàn bộ vụ việc đất vàng Ba Son ?
Ghi nhận từ giới kinh doanh bất động sản ở Sài Gòn thì lý do đó nếu có cũng chỉ là vẻ bên ngoài. Nhiều nghi vấn phe nhóm chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc (và cũng có thể liên quan đến cả ông tân Chủ tịch nước) mong muốn được chia phần, nhất là trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang đầm đìa nợ.
Tính đến tuần lễ cuối tháng 10/2018, đà giảm của cổ phiếu VIC của Vingroup đã khiến ông Phạm Nhật Vượng trở thành người mất nhiều tiền nhất một tuần giao dịch. Từ mức giá 99.100 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần trước, đóng cửa phiên thứ 6 (26/10), VIC chỉ còn ở mức 96.400 đồng, giảm gần 2,7%. Với lượng cổ phiếu khổng lồ sở hữu tại doanh nghiệp của mình, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng đã giảm tới hơn 2.365 tỷ đồng chỉ trong tuần cuối tháng 10/2018. Hiện tại, hơn 876 triệu cổ phiếu VIC mà vị đại gia này nắm giữ có giá trị trường vào khoảng 84.400 tỷ đồng .
Cổ phiếu VIC giảm giá còn khiến 2 nữ đại gia khác tại Vingroup là bà Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng) và bà Phạm Thúy Hằng (em gái bà Phạm Thu Hương) cũng mất hàng trăm tỷ đồng. Hơn 151 triệu cổ phiếu VIC bà Hương sở hữu tuần qua đã giảm giá hơn 400 tỷ đồng , trong khi giá trị thị trường của hơn 100 triệu cổ phiếu VIC của bà Hằng cũng đã giảm hơn 270 tỷ đồng...
Có yếu tố vốn từ Trung Quốc ?
Giới doanh nghiệp bất động sản ở Sài Gòn nói rằng tuy vẻ ngoài là Vingroup vay vốn làm ăn phần lớn từ Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Suisse (Thụy Sĩ), song dường như báo chí quốc doanh lại hạn chế đưa tin chi tiết về phương thức vay, đưa đến ngộ nhận đồng vốn này không liên quan chi đến nghi ngại của sách lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.
Thực tế là Vingroup dùng tài sản cổ phần trong các công ty con cho những hợp đồng phương thức ‘đảm bảo bằng cổ phần’ ký với Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore. Bên nhận bảo đảm ngoài số cổ phần này ngoài Credit Suisse AG còn có một loạt các ngân hàng khác như TA Chong, Taipei Fubon Commercial, Hua Nan Commercial, First Commercial, Entie Commercial, Chang Hwa Commercial (chi nhánh Hongkong), Mega Ac Mega (chi nhánh nước ngoài) của Đài Loan và ICBC Bắc Kinh, ICBC Asia tại Hong Kong, Bank of China (chi nhánh Singapore) của Trung Quốc, United Nation (Anh) và Maybank International, chi nhánh Labuan (Malaysia).
Thông thường, một hợp đồng đảo bảo bằng cổ phần được sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho một khoản vay thương mại, hoặc một khoản trái phiếu do bên bảo đảm phát hành.
Liệu với dòng tộc nhà Phạm Nhật Vượng - Phạm Nhật Vũ, cái sảy có nảy cái ung từ chuyện "rút hồ sơ vụ quy hoạch Ba Son về Bộ Công an ?".
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 31/10/2018
[*] Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trương Quang Khánh, sinh năm 1953, có anh ruột là ông Trương Quang Được (1940- 2016), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Phó bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội khóa XI. Ông Khánh có người em trai là Trương Quang Nghĩa, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đương kim Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.