Ông Trần Huỳnh Duy Thức được cho ra tù trước thời hạn, khiến cộng đồng mạng xôn xao về sự "nhân đạo" bất thường, của chính quyền Cộng sản.
Trần Huỳnh Duy Thức gặp lại cha sau hơn 16 năm trong tù
Điều đáng nói là, trong gần 16 năm tù đằng đẵng, ông Thức chưa từng xin một ngày đặc xá nào. Nay, bỗng dưng, ông lại "được đặc xá", thì rõ ràng, có sự bất thường đằng sau.
Vừa ra tù, ông Thức đã công khai sự thật rằng, ông bị "cưỡng bức đặc xá". Và câu chuyện đã nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, trong những ngày qua. Là người trong cuộc, ông Thức chỉ kể lại sự thật, nhưng sự thật đó lại là lời tố cáo đanh thép, đối với hành động cưỡng bức vô pháp của nhà cầm quyền.
Chuyện "cưỡng bức đặc xá" kỳ lạ này, chỉ có ông Thức, công an, và một số bạn tù của ông chứng kiến. Không có bên thứ 3 làm chứng.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là, không có việc ông Thức xin đặc xá, bởi ông đã bất khuất không nhận tội tại tòa, kể cả trong suốt thời gian bị cầm tù, với mức án rất nặng so với các tù nhân lương tâm khác. Hơn nữa, ông đã thụ án hơn 15 năm, so với bản án 16 năm mà ông phải nhận. Nghĩa là, ông sắp được trả tự do theo luật định. Vì vậy, không lý do gì, ông Thức lại đi xin vài tháng đặc xá.
Ngược lại, nhà cầm quyền lại cần phải đặc xá cho những nhân vật có ảnh hưởng quốc tế, như ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Thị Minh Hồng, hay ông Hoàng Ngọc Giao, để lấy điểm với phía Hoa Kỳ, cho chuyến công du Mỹ của ông Tô Lâm. Và quả thật, sau khi bị từ chối gặp, vào phút cuối, có thông tin rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp ông Tô Lâm bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Từ những căn cứ trên, có thể thấy, nhà cầm quyền cần ban ra lệnh đặc xá, để được cái mác "nhân đạo", làm công cụ cho mục đích ngoại giao, hơn là phía ông Thức có nhu cầu muốn đặc xá.
Tuy nhiên, vì không có bên trung gian chứng kiến "quá trình đặc xá" này, nên chính quyền chối bay chối biến hành động cưỡng bức của mình. Với bộ máy tuyên truyền khổng lồ, không cho báo chí tự do tồn tại, thì Tuyên giáo Cộng sản cứ vô tư chối bỏ những việc họ đã làm. Hơn nữa, chưa bao giờ chính quyền Cộng sản Việt Nam thừa nhận họ sai.
Sau bài viết của ông Trần Huỳnh Duy Thức, ngày 23/9, báo Công an Nhân dân viết bài "Cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc, bôi lem chính sách đặc xá", nhằm phản pháo lại ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Điều đáng nói là, bài viết này dùng luận điệu rất quen thuộc, chụp mũ những lời chỉ trích chế độ, và gán ghép thành "phá hoại đất nước". Đảng cộng sản và đất nước Việt Nam là 2 khái niệm khác nhau, tuy nhiên, gần 80 năm qua, Đảng vẫn chơi trò đánh tráo khái niệm, để chụp mũ những người dám nói lên sự thật.
Báo Công an Nhân dân là tờ báo ngành, là tiếng nói của Bộ Công an. Việc tờ báo này lồng lộn lên sau lời trần thuật của ông Trần Huỳnh Duy Thức, cũng có thể xem như, đó là thái độ của ông Tô Lâm, và rộng hơn là thái độ của nhóm Hưng Yên trong Bộ Công an. Bởi chủ soái của họ bị lật mặt, nên họ đã lồng lộn, điên cuồng chống trả.
Với thái độ hung hăng phản pháo, chụp mũ như thế, cho thấy, Tô Lâm vẫn là Tô Lâm. Ông vẫn không chịu tiếp thu ý kiến khác biệt, vẫn chưa có thái độ hòa nhã với dân, đặc biệt là với những người bất đồng chính kiến. Với bản chất như vậy, rất khó có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực ở ông Tổng bí thư mang hàm Đại tướng Công an này.
Việc chối bỏ hành động cưỡng bức dân, rồi đánh tráo khái niệm, để chụp mũ người dám nói lên sự thật, cho thấy, còn rất rất lâu, Đảng cộng sản Việt Nam mới có thể thay đổi. Họ không bao giờ tự soi chính mình, mà chỉ luôn lồng lộn lên như con thú, khi bị chỉ trích.
Trần Chương
Phải làm gì đó để bảo vệ con mình khi con bị ức hiếp vì làm điều đúng đắn, bất luận kẻ ức hiếp là ai, một tên du côn hay một đám bạo quyền.
Bác Huỳnh (bên trái), cùng cô Liên và cô Trâm – hai người mẹ tù nhân lương tâm khác, ở phi trường Manila, Philippines tháng 12/2013 trước khi khởi hành chuyến vận động không ngờ sẽ kéo dài tận 3 tháng, kéo dài từ Bờ Tây sang Bờ Đông nước Mỹ, tiếp nối ở Geneva, Thuỵ Sĩ và Melbourne, Sydney, Canberra nước Úc. Ảnh chụp lúc này bác Huỳnh 80 tuổi, và nay đã 91 tuổi.
Đọc bài viết đầu tiên sau khi ra tù của anh Thức về việc anh bị "cưỡng bức đặc xá" và đã phản đối hành động đó ra sao ngay cả khi đang phải thụ án 16 năm tù, mới thấy hết được lòng quả cảm và sự kiên cường nơi anh.
Một số người có thể sẽ thấy khó hiểu. Ra tù sớm ngày nào tốt ngày đó, sao anh lại phản đối ? Nhưng những ai dõi theo hành trình 16 năm của anh sẽ hiểu. Đó là phản kháng của lương tri một con người, không bao giờ chấp nhận phẩm giá của mình bị rẻ rúng như một món hàng để đem ra đổi chác.
Đó còn là phản ứng đầy tinh tường. Anh nhắc công chúng nhớ rằng anh hoàn toàn không chấp nhận cái gọi là sự khoan hồng của chính quyền, bởi lẽ đây đơn thuần là sự tính toán : Đợi 8 tháng nữa anh mãn hạn tù thì mang tiếng đày đọa một con người 16 năm, chi bằng trả tự do bây giờ sẽ được tiếng là nhân đạo, lại thuận lợi cho công du quốc tế.
Nhưng khi nói về sự kiên cường của anh, tôi không muốn bàn về chính quyền, mà về một người khác.
Tôi nhớ đến ba anh, bác Huỳnh, những ngày rong rủi ở DC và New York vận động cho anh đúng 10 năm về trước. Cái tuyết đầu tiên trong đời của bác Huỳnh không may lại là bão tuyết ở những thành phố xa lạ bờ Đông nước Mỹ, và người đàn ông bát tuần với nhiều chứng bệnh trong người đã ngã xuống tuyết không biết bao nhiêu lần mỗi khi buộc phải cuốc bộ cho kịp các buổi hẹn của một lịch trình dày đặc.
Hành trình 3 tháng qua 3 châu lục đã không biết bao lần trắc trở như thế, nhưng lần nào bác Huỳnh cũng đứng dậy và bước tiếp, chưa bao giờ có một lời phàn nàn. Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết ở độ tuổi 80, bác lấy đâu ra nghị lực để hoàn thành một hành trình như thế. Tôi đồ rằng nghị lực đó chỉ có thể đến từ niềm tin tưởng xen lẫn tự hào từ gan ruột của một người cha rằng con mình chẳng những không làm gì sai, mà còn đang làm điều đúng đắn.
Những bước chân của bác Huỳnh, bởi vậy, có thể không được thôi thúc bởi những lời hiệu triệu dân chủ, nhân quyền quen tai, mà từ những điều nguyên sơ giản dị hơn nhiều : Phải làm gì đó để bảo vệ con mình khi con bị ức hiếp vì làm điều đúng đắn, bất luận kẻ ức hiếp là ai, một tên du côn hay một đám bạo quyền.
Anh Thức từng đề xướng mọi người nghĩ về Con đường Việt Nam – con đường đi đến một tương lai tươi sáng hơn của đất nước. Dù chưa rõ hết hình thù con đường đó thế nào, nhưng tôi tin chắc giữa rất nhiều bước chân trên đó, có bước chân của ba anh, bác Huỳnh.
—
Dưới đây là đoạn trích bài viết 9 năm về hành trình của bác Huỳnh :
Hơn mọi chứng cứ
Cuối năm 2013, người ta thấy một người đàn ông Việt Nam chừng 75 tuổi chậm rãi từng bước chân trong phòng lãnh sự của sứ quán Hoa Kỳ ở Manila, Philippines.
Ông đến đây với hi vọng xin được visa sang Mỹ để vận động quốc tế đòi tự do cho con trai ông, người đang thụ án tù chỉ vì viết ra những trăn trở với hiện tình và tương lai đất nước.
"Sao ông không xin visa ở Việt Nam, mà lại sang đây ?", nhân viên lãnh sự người Mỹ, giọng lạnh lùng, hỏi.
"Bởi nếu lấy visa từ Việt Nam, công an sẽ không để tôi đi", người đàn ông đáp.
"Nhưng làm sao chúng tôi tin được là sau khi sang Mỹ ông sẽ trở về ? Làm sao chắc chắn được ông sẽ không ở lại đất nước của chúng tôi ?", nhân viên lãnh sự tiếp tục hỏi, vẫn với một giọng phớt tỉnh.
Người đàn ông sững lại vài giây, hồ như lòng ông đang tràn ngập niềm thất vọng, vì ông đào đâu ra bây giờ những giấy tờ nhà đất, công ty hay tài khoản ngân hàng làm chứng cứ cho việc ông sẽ quay lại Việt Nam, như yêu cầu của đa số những trường hợp xin visa đi Mỹ.
Rớm vài giọt nước mắt. Hai bàn tay nắm chặt. Thoáng một nụ cười đắng ngắt trên môi, ông đáp với giọng run run : "Thưa ông, tôi ở lại nước Mỹ của ông làm gì kia chứ khi con trai tôi đang thụ án 16 năm trong tù ? Không phải 1 năm, 2 năm, mà là… 16 năm tù, thưa ông. Tôi phải về lại Việt Nam để làm mọi điều có thể, giúp nó sớm được ra tù chứ".
Không gian bỗng nhiên lắng lại và đến lượt nhân viên sứ quán là người phải lặng đi chốc lát. Có vẻ như áy náy với những câu hỏi đầy thực dụng trước đó theo thói quen nghề nghiệp, và nhận ra niềm nghi hoặc của mình quá nhỏ bé trước tấm lòng của một người cha đang đi đòi công lí cho con trai, người nhân viên lãnh sự bỗng thay đổi thái độ. Ân cần, từ tốn, ông gửi lời chúc may mắn và báo rằng visa sẽ được cấp trong một vài ngày tới, với một giọng trầm ấm lạ thường.
Người đàn ông này Việt Nam này không ai khác chính là Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Việt Nam, đã ở trong tù tính đến nay là 6 năm cho bản án kéo dài 16 năm".
—
PS – Lời nhắn gửi bác Huỳnh : Con không biết bác có đọc được bài viết này không, nhưng con có thể hình dung được nụ cười của bác ngày sum họp. Con tin chắc anh Thức có yêu đất nước này nhiều như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ ngang tình yêu của bác dành cho anh ấy. Con chúc bác khoẻ.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : VNTB, 24/09/2024
Chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa "đặc xá" cho hai tù nhân lương tâm (cách gọi những cá nhân bị tống giam chỉ vì hành động theo lương tâm nhưng phi bạo lực) : Bà Hoàng Thị Minh Hồng và ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức (thứ hai từ phải) và Luật sư Lê Công Định (bìa phải) tại một quán hủ tíu ở quận Tân Bình, Sài Gòn. Hình Facebook Lê Công Định
Trước mắt, chỉ xin bàn vài điều liên quan đến riêng ông Thức. Trần Huỳnh Duy Thức, 58 tuổi, từng là một doanh nhân thành đạt nhờ biết cách ứng dụng kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin để lắp ráp, cung cấp máy tính cá nhân ngay từ đầu thập niên 1990 (thương hiệu EIS), đến đầu thập niên 2000 là dịch vụ viễn thông ứng dụng công nghệ digital (One Connection). One Connection của ông Thức đã từng vói tay sang cả Singapore (One Connection Singapore) lẫn Mỹ (One Connection USA).
Tháng 5/2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc "trộm cước viễn thông" nhưng đó không phải là lý do thực. Sau đó vài tháng, ông Thức bị cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", phải ra tòa cùng với các ông Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung vì đã thành lập một nhóm nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy cải cách chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam. Tháng 1/2010, tất cả cùng bị phạt tù, riêng ông Thức bị phạt 16 năm tù và bị tịch thu một phần tài sản.
Việc tống giam – phạt tù ông Thức và những người cùng chí hướng đã khiến chính quyền Việt Nam bị chỉ trích mạnh mẽ ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã vài lần muốn tống xuất Trần Huỳnh Duy Thức sang Mỹ nhưng ông từ chối ! Thế rồi đột nhiên ông Thức được "đặc xá" vào ngày 20/9/2024, được trả tự do trước khi thi hành xong bản án 16 năm tù (5/2009 – 5/2024) tám tháng, bất kể có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Trần Huỳnh Duy Thức không cần "khoan hồng" hay "nhân đạo"...
***
Tháng 11/2018, Quốc hội khóa 14 của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Đặc xá mới, thay thế cho Luật Đặc xá đã được ban hành năm 2007. Theo Khoản 1, Điều 12 của luật này thì Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được phép "đặc xá" cho ông Thức vì ông là phạm nhân, bị kết án do "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" [1]. Nếu cứ làm như không hề có Điều 12 trong Luật Đặc xá hiện hành thì ông Thức cũng không hội đủ các điều kiện đã được đặt định để được đặc xá !
Chẳng hạn có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Trần Huỳnh Duy Thức không nằm trong diện "có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự" như Luật Đặc xá quy định tại Khoản 1, Điều 11. Ví dụ, trong thời gian thi hành hình phạt tù, ông Thức nhiều lần tuyệt thực để phản đối việc tống xuất ông sang Mỹ (tháng 5/2016), hay để phản đối việc hệ thống trại giam gây sức ép nhằm buộc ông nhận tội nhằm tạo điều kiện cho "chính quyền nhân dân" thực thi "đặc xá" (tháng 8/2018), hoặc để đòi hệ thống tòa án phải thực thi quy định của Bộ Luật Hình sự hiện hành, trả tự do cho ông ngay lập tức vì mức án mới cho tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" ở giai đoạn "chuẩn bị phạm tội" chỉ có 5 năm (tháng 10/2020)... Chưa kể mỗi khi được gặp hoặc có dịp trò chuyện với thân nhân, Trần Huỳnh Duy Thức còn gửi các thông điệp mà cứ đọc ắt sẽ thấy hoang mang về ý nghĩa của đòi hỏi... "có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt" [2] !
Đặc biệt là chỉ vài giờ sau khi được trả tự do, trên trang Facebook Trần Huỳnh Duy Thức, những người quan tâm đến ông đều có thể đọc được thông tin được cho là do chính ông cung cấp. Theo đó ông Thức đã bị "cưỡng bức" hưởng "đặc xá"...
Ngày 19/9/2024, đại diện Trại giam số 6 của Bộ Công an thông báo với ông Thức rằng Chủ tịch nước muốn đặc xá cho ông nên Bộ Công an yêu cầu ông làm đơn xin ân xá. Ông Thức từ chối như đã từng từ chối. Tuy nhiên đến cuối buổi chiều hôm sau (20/9/2024), lãnh đạo trại giam vẫn điều động khoảng 20 người đến phòng giam ông Thức để công bố Quyết định "đặc xá" của Chủ tịch nước. "Lực lượng chức năng" không màng đến chuyện ông Thức không muốn tiếp nhận thịnh tịnh của Chủ tịch nước. Do quyết định "đặc xá" đã biến ông Thức từ phạm nhân thành người tự do, Trại giam số 6 tuyên bố tước quyền tiếp tục "cư trú" trong trại giam của ông Thức. Ông Thức trở về do không thể cự tuyệt sự "khoan hồng, nhân đạo" của chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bởi trại giam tổ chức khiêng ông ra khỏi nhà tù, đưa ông lên xe chở ra phi trường Vinh ! Khi ông Thức lên phi cơ để vào Sài Gòn, có thể do rất vui bởi đã "hoàn thành nhiệm vụ", những người áp giải ông đã đề nghị ông chụp hình chung với họ [3] !
***
Luật pháp hiện hành xác định "đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt". Bên cạnh các điều kiện như đã dẫn để được hưởng "đặc xá", Luật Đặc xá còn nhấn mạnh việc đề nghị, xem xét, ban hành quyết định đặc xá phải "tuân thủ Hiến pháp, pháp luật" và phải thực hiện đúng "trình tự, thủ tục" luật định.
Trường hợp "đặc xá" cho ông Trần Huỳnh Duy Thức không những không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành mà còn không tôn trọng ý chí, nguyện vọng của ông Thức. Vì sao lại thế ? Nếu chịu khó đọc Luật Đặc xá hiện hành thật kỹ, sẽ pháp giác, chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có gài vào đấy yếu tố "trường hợp đặc biệt" (Khoản 1, Điều 3) và xem "đặc xá" còn là công cụ nhằm "bảo đảm lợi ích nhà nước" (Khoản 1, Điều 4), "bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại" (Khoản 3, Điều 4).
Dường như "tự do, dân chủ, nhân quyền" là một loại "mỡ" và chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rất thạo việc "lấy ‘mỡ’ nó rán nó". Trần Huỳnh Duy Thức không phải là trường hợp đầu tiên và chắc chắn không phải trường hợp cuối cùng có thể dùng để minh họa cho "khoan hồng, nhân đạo" của chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chẳng lẽ "khoan hồng, nhân đạo" hay "thiện chí" gì đó có thể để dành rồi thỉnh thoảng trích ra một ít để thanh toán như trả phí ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/09/2024
Chú thích
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Luat-Dac-xa-2018-373731.aspx
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm
BBC, 21/09/2024
Ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng vừa được trả tự do, trở về nhà vào rạng sáng 21/9/2024.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức (hình trên, thứ hai từ phải) và bà Hoàng Thị Minh Hồng (ảnh phải, bên phải) sáng 21/9/2024 sau khi được trả tự do
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966 tại Sài Gòn, bị bắt giữ vào tháng 5/2009. Vào đầu năm 2010, ông bị kết án 16 năm tù giam với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, sinh năm 1972 tại Hà Nội, bị khởi tố vào tháng 6/2023 và bị kết án ba năm tù giam với tội danh trốn thuế vào tháng 9 cùng năm.
1. Trần Huỳnh Duy Thức
Việc trả tự do cho ông Thức và bà Hồng được chính quyền Việt Nam thực hiện ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã lên đường đi Mỹ vào sáng 21/9 để dự các sự kiện của Liên Hiệp Quốc, tham gia một số hoạt động tại Mỹ và thăm cấp nhà nước tới Cuba. Chuyến công tác kéo dài đến ngày 27/9.
Trang Facebook của ông Thức do gia đình quản lý đăng một thông điệp mới vào ngày 21/9 : "Tôi không lật đổ chính quyền gì cả, tôi chỉ chống cường quyền và tôi sẽ còn chống cho đến khi nào còn thấy nó".
'Sẽ tiếp tục đấu tranh'
Ông Trần Huỳnh Duy Thức (hai, trái qua) cùng luật sư Lê Công Định (phải) và ông Lê Thăng Long (trái), cựu đồng nghiệp của ông Thức hôm 21/9/2024
Gia đình ông Thức nói với BBC tiếng Việt vào sáng 21/9 rằng tinh thần ông rất tốt, tuy có sụt ký nhiều.
"Anh Thức xuống sân bay lúc 12 giờ đêm 20/9, tức rạng sáng 21/9. Sau đó công an đưa anh về phường thẩm vấn tới bốn tiếng đồng hồ, gia đình ra đón mà không gặp. Tới 5 giờ sáng mới đón được anh", ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, nói với BBC tiếng Việt sáng 21/9.
"Sáng 20/9, công an địa phương báo cho vợ anh Thức là anh Thức sắp về, rồi chiều họ gọi nữa, nói cả nhà chuẩn bị. Lúc đó gia đình mới chắc chắn anh sắp về".
"Gia đình cũng bất ngờ. Dù đã biết là anh sẽ được về sớm. Vì hôm gia đình đi thăm có được phía trại giam nói thông tin là anh sẽ về sớm nhưng không biết cụ thể ngày nào".
Ra đón ông Thức, ngoài gia đình còn có luật sư Lê Công Định và ông Lê Thăng Long, cựu đồng nghiệp của ông Thức và từng bị xét xử trong cùng một vụ án với ông Thức. Cả ba đều bị kết án trong một phiên tòa năm 2010 với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Còn một người nữa cùng bị xét xử trong phiên tòa này là kỹ sư tin học Nguyễn Tiến Trung hiện đang tị nạn tại Đức.
"Vui quá ! Đón được anh Thức về rồi trên đường các anh ghé ăn tô hủ tiếu Nam Vang", ông Tân nói với BBC và cho biết thêm rằng gia đình hiện đang rất hân hoan, hạnh phúc, đặc biệt là việc cha của ông Thức hiện đã già yếu nhưng vẫn còn đợi được tới ngày con trai được trả tự do.
Ông Tân chia sẻ thêm rằng gia đình "sẽ còn đấu tranh nữa vì họ [chính quyền] chưa làm đúng".
"Anh Thức vẫn còn chịu án quản chế tới năm năm. Như vậy là sai. Vì anh Thức không có tội".
"Anh Thức luôn thượng tôn pháp luật, nhân quyền, buộc họ phải làm đúng".
"Gia đình luôn tin tưởng vào con đường đấu tranh của anh Thức, con đường công lý đang sáng lên và đang được thực hiện thành công".
"Trong một đời người thì 16 năm trời là khủng khiếp lắm, nhưng giá trị mà tôi nghĩ là anh Thức làm chưa ai làm được, anh đấu tranh vì công lý thì đó là cái giá xứng đáng".
Như vậy, đối với bản án 16 năm thì ông Thức đã ở tù 15 năm 4 tháng (kể cả tạm giam), ông được trả tự do sớm 8 tháng.
Qua việc ông Thức được trả tự do, ông Tân nói rằng ông "mong những tù nhân lương tâm hiện vẫn đang trong tù sẽ có thêm hi vọng, sức mạnh, con đường, lý lẽ, niềm tin để tiếp tục đấu tranh".
"Từ lúc đi tù tới giờ anh Thức không có nhận tội".
"Anh ổn, ở trong tù ý chí của anh rất mạnh, nên không bị suy sụp. Dù anh có bị sụt ký nhiều".
Cũng theo ông Tân, việc ông Thức được trả tự do vào thời điểm này có lẽ "có liên quan" tới chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.
Không nhận tội
Bản án tù giam 16 năm của ông Trần Huỳnh Duy Thức thu hút sự chú ý của Việt Nam và quốc tế trong nhiều năm qua.
Trước khi bị bắt, ông Thức là một doanh nhân thành đạt và một người đấu tranh dân chủ nổi tiếng.
Tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thức sau đó thành lập công ty tin học cùng với ông Lê Thăng Long và được ghi nhận là người có công đưa internet tốc độ cao vào Việt Nam, sau đó tiến ra quốc tế với công nghệ gọi điện thoại giá rẻ ra nước ngoài tại thị trường Mỹ và Singapore.
Bên cạnh đó, cùng với ông Long, ông Thức lập ra Nhóm nghiên cứu Chấn vào năm 2005 để nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Năm 2008, ông lập hai blog Change We Need và Trần Đông Chấn với các bài viết và bình luận về kinh tế, chính trị, xã hội và lãnh đạo Việt Nam.
Ông chính thức bị chính quyền Việt Nam bắt vào tháng 5/2009 với tội danh ban đầu là trộm cắp cước điện thoại, sau đó với các cáo buộc hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Trong quá trình thụ án, ông Trần Huỳnh Duy Thức luôn từ chối nhận tội để được xem xét giảm án.
Ông cũng tuyệt thực nhiều lần để phản đối chế độ hà khắc của trại giam.
Ông Thức luôn kiên định lập trường của mình là không ra nước ngoài tị nạn, không nhận tội để được xem xét giảm án. Ông Thức luôn khẳng định ông "không có tội để phải nhận tội".
Liên Hiệp Quốc, Mỹ và nhiều nước Châu Âu cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế thời gian qua đã nhiều lần lên án bản án dành cho ông Thức, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông vô điều kiện.
2. Anh hùng khí hậu
Bà Hoàng Thị Minh Hồng
Rạng sáng ngày 21/9, nhà báo Mai Phan Lợi, người từng bị án tù 48 tháng cũng với tội danh trốn thuế, chia sẻ thông tin bà Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do.
BBC đã liên hệ với gia đình bà Hồng và một số người có mối quan hệ với bà Hồng trong sáng 21/9 nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bà Hồng là người sáng lập tổ chức CHANGE hoạt động trong lĩnh vực vận động chính sách về môi trường, khí hậu.
Bà bị khởi tố vào tháng 6/2023 và, vào tháng 9 cùng năm, bị kết án ba năm tù giam với tội danh trốn thuế.
Việc bắt giữ bà Hồng đã bị Mỹ, một số nước phương Tây và các tổ chức như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án.
Trước khi bị bắt, bà Hồng từng được đưa vào danh sách "Anh hùng Khí hậu" của Liên Hiệp Quốc. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực và từng nhận học bổng Quỹ Obama tại Đại học Columbia của Mỹ.
Đại học Columbia là nơi ông Tô Lâm sẽ có cuộc tọa đàm vào ngày 23/9/2024.
Bà Minh Hồng cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes bình chọn.
Trên tài khoản Twitter, vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chia sẻ bài viết giới thiệu về bà Hồng từ website Obama.org của Quỹ Obama, tổ chức đã cấp học bổng cho bà Hồng.
Ông Obama viết : "Những nhà lãnh đạo như Hong Hoang, người đã huy động một phong trào do người trẻ dẫn dắt để tạo lập một thế giới xanh hơn sau khi trở thành người Việt Nam đầu tiên tới Nam Cực".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn BBC năm 2019, bà Hồng từng chia sẻ : "Tôi là nhà hoạt động môi trường, thích lôi kéo giới trẻ vì tôi tin vào tương lai lãnh đạo của các bạn. Tôi là một người lạc quan, tin vào lòng tốt của con người và sức mạnh cộng đồng trong việc thay đổi xã hội".
Bà Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ sáu tại Việt Nam bị bỏ tù trong vòng hai năm qua, chủ yếu với tội danh "trốn thuế".
Dư luận từng hi vọng bà Hồng được trả tự do nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9/2023. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
Trao đổi với BBC tiếng Việt thời điểm đó, ông Phil Robertson, cựu Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định rằng bà Hồng chính xác là "kiểu nhà hoạt động môi trường sáng tạo và lão luyện trên trường quốc tế, khiến các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền lo lắng".
Giám đốc một tổ chức NGO thời điểm nói trên chia sẻ với BBC với điều kiện giấu tên rằng luật thuế Việt Nam rất "mù mờ".
Vị này nói rằng luôn luôn có những hoạt động phát sinh mà cán bộ thuế có thể khép ngay tổ chức NGO vào tội trốn thuế vì đã sử dụng nguồn tiền tài trợ "sai mục đích".
Các điều khoản quy định về thuế lại mù mờ khiến nhiều NGO không rõ mình được xếp vào loại hình thuế nào và ngay cả khi liên lạc với cơ quan thuế để hỏi thì cũng nhận được hướng dẫn chung chung.
Việc này càng dễ dàng đẩy các nhà quản lý NGO vào vòng lao lý.
Nguồn : BBC, 21/09/2024
***************************
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bị cưỡng bức đặc xá trước chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Tô Lâm
RFA, 21/09/2024
Ông Trần Huỳnh Duy Thức tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong phiên xử hôm 20/1/2010 khi ông bị kết án 16 năm tù - AFP/Vietnam News Agency
Ngày 20/9/2024, một ngày trước chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, tù nhân lương tâm nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức (sinh năm 1966) - người đang thụ án tù 16 năm với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" - bất ngờ được trả tự do trước thời hạn tám tháng. Tuy nhiên, cách ông về nhà không bình thường mà là "đặc xá cưỡng bức", theo như ông miêu tả trong dòng trạng thái mới nhất được đăng trên Facebook cá nhân vào ngày 21/9 sau khi ông về nhà.
Trong đoạn viết trên Facebook để bày tỏ lòng cảm ơn tới gia đình, bạn bè, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, báo chí quốc tế, những người đã quan tâm đến mình, Trần Huỳnh Duy Thức nói ông có rất nhiều chuyện để kể với mọi người về 16 năm tù với nhiều cuộc tuyệt thực và đấu tranh, nhưng trước hết là một chuyện "khá khôi hài" và "vô tiền khoáng hậu" - điều mà ông mô tả cách ông được trả tự do. Trần Huỳnh Duy Thức viết về khởi điểm của câu chuyện ông được trả tự do trên Facebook :
"Ngày 19/9/2024, đại diện của trại giam số 6 thừa lệnh Bộ Công an thông báo với tôi rằng Chủ tịch nước muốn đặc xá cho tôi trước thời hạn và yêu cầu tôi làm đơn xin đặc xá.
Tất nhiên, ngay lập tức tôi từ chối nhận đặc xá và không ký vào đơn từ nào cả. Lý do là vì tôi phải được trả tự do theo đúng quy định mới của Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi mà tội bị cáo buộc vi phạm, chứ tôi không cần ra tù nhờ sự đặc xá đó".
Trần Huỳnh Duy Thức cùng gia đình những năm qua đã nhiều lần làm đơn đề nghị xem xét lại bản án và gần nhất là đơn đến Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu theo Bộ luật Hình sự mới 2015. Tuy nhiên, các đơn của ông đã không được xem xét hoặc bị từ chối.
Một văn bản của Tòa án Nhân dân Tối cao gửi gia đình ông Thức vào tháng 7/2023 khẳng định ông Thức là người phạm tội theo Khoản 1 của Điều 79 Bộ luật Hình sự 1999 vì ông có vai trò là người tổ chức (người chủ mưu, người cầm đầu, người chỉ huy thực hiện tội phạm…) và thuộc trường hợp tội phạm đã hoàn thành, không thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội theo Khoản 3 của Điều 109 Bộ luật Hình sự 2015. Theo văn bản trả lời này, ông Thức không thuộc đối tượng được áp dụng các điều khoản có lợi theo quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/7/2017 của Quốc hội để xem xét miễn phần hình phạt còn lại.
Ông Thức và gia đình không chấp nhận trả lời này của Tòa án Nhân dân Tối cao và tiếp tục khiếu nại để được trả tự do theo đúng luật định.
Cũng trong suốt quãng thời gian từ năm 2018 khi bắt đầu gửi lá đơn đầu tiên đề nghị được giảm án theo đúng luật định, ông Thức cũng nhiều lần tuyệt thực để phản đối việc đối xử bất công trong tù và việc ông không được trả tự do theo luật.
Ông Thức cũng kiên quyết từ chối những đề nghị ra nước ngoài để đổi lấy tự do và nói với gia đình mình rằng ông muốn được sống và chết cho lý tưởng, trên quê hương của mình.
Vào chiều ngày 20/9/2024, một ngày trước chuyến thăm Mỹ đầu tiên trên cương vị Tổng bí thư - Chủ tịch nước của ông Tô Lâm - Trần Huỳnh Duy Thức bị khoảng hơn 20 người "khiêng ra khỏi cổng nhà tù trước sự phản đối của của các anh em tù chính trị ở đó" - ông Thức cho biết trên Facebook. Ông viết :
"Vào lúc 17g45 ngày 20/9/2024, hơn 20 người của Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam đọc thông báo rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 940 ngày 20/9/2024 về việc "đặc xá" cho tôi. Vì vậy tôi trở thành người tự do và không có quyền tiếp tục ở lại trại giam. Tôi phản ứng ngay rằng tôi không có tội cũng như lý do gì để nhận đặc xá và sẽ không đi đâu cả.
Thế là họ cưỡng bức, khiêng tôi ra khỏi cổng nhà tù trước sự phản đối của các anh em tù chính trị ở đó, rồi đưa tôi lên xe ra sân bay Vinh. Cuối cùng tôi bị buộc phải lên máy bay trong chuyến muộn vào Sài Gòn".
Ông Thức gọi vụ "cưỡng bức đặc xá" này là "góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước, một chuyến đi mang hy vọng về sự chuyển đổi mạnh mẽ cho đất nước trong tương lai".
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 21/9 lên đường sang New York, Mỹ để dự hội nghị tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc từ ngày 22 và 23/9 và sẽ có bài phát biểu đầu tiên của ông tại diễn đàn này trên cương vị mới.
Ngay trước chuyến thăm, ngoài Trần Huỳnh Duy Thức, còn một tù nhân lương tâm nổi tiếng khác cũng được trả tự do đồng thời là nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng (sinh năm 1972). Bà Hồng bị kết án tù ba năm vào tháng 9/2023 với cáo buộc tội trốn thuế. Việc kết án bà Hồng đã bị nhiều tổ chức quốc tế lên án là nguỵ tạo.
Theo Human Rights Watch, Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng hơn 160 tù chính trị. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay luôn khẳng định không có bất cứ tù chính trị nào.
Trong các chuyến công du Mỹ của các lãnh đạo Việt Nam từ trước đến nay, đã có những trường hợp tù chính trị được trả tự do nhưng thường họ được đưa thẳng sang Mỹ như là một cách trao đổi của Chính phủ Việt Nam trước sức ép của chính phủ Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Trong dòng trạng thái đầu tiên trên Facebook cá nhân sau khi về nhà, ông Trần Huỳnh Duy Thức một lần nữa khẳng định mình vô tội.
"Tôi không lật đổ chính quyền gì cả, tôi chỉ chống cường quyền, và tôi sẽ còn chống cho đến khi nào còn thấy nó" - Trần Huỳnh Duy Thức viết.
Nguồn : RFA, 21/09/2024
*****************************
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do sớm 20 tháng
RFA, 21/09/2024
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, sáng lập viên và giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), vừa được trả tự do sớm hơn 20 tháng so với bản án ba năm tù giam về tội "trốn thuế".
Bà Hoàng Thị Minh Hồng trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa xả thải gây ô nhiễm bốn tỉnh miền Trung năm 2016 - Citizen Fb
Thông tin bà Hồng được tha tù trước thời hạn đến cùng lúc với việc tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức bị cưỡng bức đặc xá một ngày trước chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Nhiều dòng trạng thái tỏ vẻ vui mừng trước tin bà Hồng được thả trước thời hạn được đăng tải trên mạng xã hội trong ngày 21/9. RFA cũng nhận được thông tin trên trong cùng ngày.
Bà Hồng bị bắt vào ngày 31/ 5/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh vì bị cho là chỉ đạo nhân viên của tổ chức không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn, chứng từ... cho khoản thu 69 tỷ đồng.
Đây là khoản tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho những dự án của tổ chức CHANGE trong thời gian từ 2012 cho đến khi giải thể năm 2022. Số tiền bị cho là trốn thuế lên tới 6,7 tỷ đồng.
Đến ngày 28/9/2023, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bà ba năm tù giam cùng hình phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Bình luận về bản án ba năm tù vì tội "trốn thuế" của bà Hồng, phát ngôn nhân Văn phòng khu vực Châu Á của tổ chức Ân xá Quốc tế khi đó nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email :
"Chính quyền Việt Nam phải chấm dứt việc đàn áp các nhà vận động môi trường ngay lập tức. Bằng cách giam giữ những người cống hiến cho công lý khí hậu, chính quyền đã hạn chế khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết một trong những vấn đề gây hậu quả nặng nề nhất của thời đại chúng ta".
Trước khi bị bắt, bà Hồng từng được truyền thông Nhà nước đăng bài tôn vinh khi vào năm 2015 bà được tổ chức climateheroes.org đưa vào danh sách "Các anh hùng Khí hậu" nhân Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu COP21. Bà là một trong năm người được trao giải Đại sứ truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2019, và giải Chiến binh Xanh của Năm của giải Elle Style Awards. Ngoài ra, bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực.
Trong hai năm từ 2021-2023, Việt Nam đã tăng cường đàn áp và bỏ tù nhiều nhà hoạt động môi trường, lãnh đạo một số tổ chức xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước như các ông bà Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Ngụy Thị Khanh, Bạch Hùng Dương và Hoàng Thị Minh Hồng.
Đến thời điểm này, đã có ba người được ra tù trước thời hạn gồm ông Mai Phan Lợi (10/9, sớm 18 tháng so với bản án 45 tháng tù giam) ; bà Ngụy Thị Khanh (13/5, sớm 5 tháng) và bà Hoàng Thị Minh Hồng.
Hôm 23/8, Dân biểu quốc hội Liên bang Đức Andreas Jung nhận bảo trợ cho Đặng Đình Bách - nhà hoạt động bảo vệ môi trường và khí hậu ở Việt Nam hiện đang phải thi hành án tù 5 năm về tội danh trốn thuế.
Việc bắt giam ông Bách bị các nhà quan sát độc lập xem là một biện pháp chính trị để triệt hạ các tiếng nói phản biện về chính sách khí hậu, và sáu báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc kêu gọi trả tự do cho ông.
Nguồn : RFA, 21/09/2024
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức từ chối gặp gia đình và không nhận đồ tiếp tế
Ông Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục bị gây khó dễ trong trại giam và phải phản đối bằng hình thức từ chối thăm gặp và không nhận thức ăn của gia đình gửi vào.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một phiên tòa năm 2009
Ông Thức có cuộc gọi điện thoại bất thường về cho gia đình vào ngày 30/7 để báo về sự việc, quản giáo Trại giam số 6 tịch thu các thiết bị y tế cá nhân sau khi ông lên tiếng đòi trả tự do cho bản thân trước hạn, căn cứ theo quy định pháp luật.
Đến ngày 16/8, gia đình đến Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An) để thăm gặp ông Thức nhưng cán bộ trại giam thông báo ông này từ chối gặp, tuy vậy gia đình được phép gửi đồ vào trong.
Trại giam cho gửi thức ăn nhưng từ chối nhận một số thứ thiết yếu như thuốc trị viêm xoang, trị đau răng, cũng như pin và đồ dùng hỗ trợ sức khỏe, đây đều là những thứ mà nhiều tháng trước đó ông được trại giam cho nhận để điều trị bệnh.
Sau đó, ông Thức cũng thông báo từ chối nhận thực phẩm của gia đình gửi vào, em trai của ông cho rằng điều này phù hợp với cuộc gọi trước đó, ông thông báo sẽ "phản đối sự ngược đãi của trại giam và sự im lặng của Tòa án nhân dân tối cao".
Ông Trần Huỳnh Duy Tân hôm 18/8 nói với phóng viên RFA như sau :
"Bây giờ, sức khỏe của anh Thức cũng có vấn đề : anh bị tiểu đường, cao huyết áp trong điều kiện nóng bức, thiếu nhiều thứ mà trại giam còn tịch thu, lấy lại những thiết bị đo đường huyết, đo huyết áp và quạt dùng pin. Họ thu lại hết và cho đến bây giờ chắc chắn họ cũng chưa trả lại.
Những thứ gia đình gửi vô tiếp tế họ cũng trả ra, bây giờ anh Thức ở trong điều kiện như vậy thì trong thời gian tới cũng có khả năng rất nghiêm trọng, gia đình cũng rất lo lắng về chuyện này.
Không biết là trong trại giam có tệ như những lần tuyệt thực trước đây của anh Thức không, nhưng lần này có lẽ anh không tuyệt thực nhưng anh tuyệt đối không nhận đồ tiếp tế của gia đình cũng như là sự thăm gặp lần này. Sự phản đối rất là mãnh liệt, có lẽ là ảnh hưởng tới sức khỏe của anh rất nhiều".
Phóng viên gọi điện thoại cho Trại giam số 6 để hỏi về các cáo buộc nêu trên nhưng không có người nhấc máy.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, 57 tuổi, là một doanh nhân và kỹ sư về công nghệ thông tin đang thụ án 16 năm tù về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" và chỉ còn hơn một năm nữa sẽ hết án.
Ông nhiều lần tuyệt thực trong trại giam để phản đối các sự áp bức và đòi được trả tự do trước thời hạn.
Nguồn : RFA, 18/08/2023
Trang Dân Luận có đăng tải một bài viết ngắn ("Tại sao báo chí chính thống không có một dòng nào về chuyện Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực") của nhà báo Nguyễn Công Khế, với phần kết luận – như sau :
"Còn một việc nữa, mấy hôm nay, râm rang trên mạng xã hội, và các cơ quan báo chí nước ngoài đang nói chuyện tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực 27 ngày có nguy cơ dẫn đến nguy hiểm tính mạng. THDT cũng được trên mạng xã hội và truyền thông nước ngoài đánh giá là một người có trí tuệ trong giới bất đồng chính kiến. Thế thì tại sao trước một tin tức như vậy, phía Nhà nước và báo chí chính thống không hề có một dòng nào, hoặc có việc đó, hay không có ?
Tôi luôn nghĩ rằng, và luôn nhắc lại rằng, bài toán minh bạch thông tin sẽ giải quyết được rất nhiều vấn nạn trong xã hội ta, và từ đó mới loại được những tin giả, tin ‘bịa như thật’ trên mạng xã hội.
Và tôi cũng tin rằng, hai nhân vật chủ yếu nắm công tác tư tưởng hiện nay làm được việc này. Đó là ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Mạnh Hùng".
Ngay bên dưới bài viết này là phản hồi của hai vị độc giả vô cùng nhanh nhảu :
Nguyễn Phương : Sao nó tuyệt thực lâu vậy mà chưa chết nhỉ ?
Đức Cường : Nó có dám tuyệt thực đéo đâu, nó lừa cho mấy thằng ngu hải ngoại tin để cho tiền nó mà.
Hai ông Nguyễn Phương và Đức Cường đã giúp cho người đọc lý giải được, phần nào, nỗi băn khoăn ("Tại Sao Báo Chí Chính Thống Không Có Một Dòng Nào Về Chuyện Trần Huỳnh Duy Thức Tuyệt Thực") của nhà báo Nguyễn Công Khế. Ngoài những phản ứng kịp hời (thượng dẫn) còn có rất nhiều trang trang mạng, với vô số những bài viết có liên quan đến Trần Huỳnh Duy Thức :
– Diễn Đàn Dân Chủ : Màn Tuyệt Thực Làm Hàng Của Trần Huỳnh Duy Thức
– Tre Làng : Trần Huỳnh Duy Thức Bị Tố Tuyệt Thực Đểu
– Nền Dân Chủ : Tuyên bố tuyệt thực đến chết – Có phải Trần Huỳnh Duy Thức đang muốn đi Mỹ ?
– Mõ Làng : Đám Ăn Theo Trò Tuyệt Thực Của Trần Huỳnh Duy Thức
– Việt Nam Mới : Trần Huỳnh Duy Thức Tung Tin Tuyệt Thực Để Làm Gì ?
– Người Con Yêu Nước : Trần Huỳnh Duy Thức "tuyệt thực" và trò tung hứng của các nhà rận chủ
– Chống Luận Điệu Xuyên Tạc : Về vụ Trần Huỳnh Duy Thức tung tin tuyệt thực …
– Loa Phường : Trần Huỳnh Duy Thức Có Thực Sự Nhịn Đói ?
Giọng điệu, cũng như lời lẽ, của những cái "loa phường" kể trên (nghe) quen lắm, cũng y như cách ăn nói của đám dư luận viên thuộc Binh Đoàn 47 vậy thôi. Bởi vậy, hai ông ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Mạnh Hùng khó mà chối được rằng mình (hoàn toàn) vô can với cái thứ ngôn từ "đầu đường xó chợ" này.
Trong nhiều "trường hợp nhậy cảm", nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn thường dùng "quần chúng tự phát" (hay đám dân phòng) vào việc "trị an", thay vì lực lượng công an sắc phục. Tương tự, Ban Tuyên Giáo và Bộ Thông Tin đang xử dụng đám dân phòng trên mạng – thế cho báo chí chính thống – là điều hoàn nhất quán với đường lối và chính sách của Đảng hiện nay.
Có thể vì bận rộn công việc gia đình (vì phải xuất ngoại thường xuyên) ông Khế đã không nắm vững tình hình nên đặt vấn đề trật (lất). Trong khi Nguyễn Công Khế chất vấn "hai nhân vật chủ yếu nắm công tác tư tưởng hiện nay" thì dưới bài viết (thượng dẫn) của ông, cũng có vị độc giả nêu câu hỏi như sau :
Xuan Nguyen Van : Nguyễn công khế từ thằng chiêu hồi đến kẻ cơ hội nay trở thành kẻ biến chất. Không đủ tuổi và tư cách để chém gió về vấn đề dân chủ và minh bạch chính hắn môi giới để Thằng Phước tặng sách cho nguyên chủ tịch nước rồi tung lên mang thực hiện cáo mượn oai hùm bị cựu chủ tịch nước nổi giận yêu cầu rỡ xuống không hiểu ông khế có thấy sấu hổ không ?
Tôi hoàn toàn không biết chi về những chuyện lùm xùm ("tặng sách cho nguyên chủ tịch nước, cáo mượn oai hùm") vừa dẫn. Lời than phiền của ông Nguyễn Văn Xuân chỉ khiến tôi chợt nhớ đến một trường hợp khác, một nghi vấn khác, theo như cách nhìn (khe khắt) của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn :
"Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết Đi tìm cái Tôi đã mất ? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết Di cảo thơ, và Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông ‘cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình’ như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa.
Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng)".
Tôi chả có sống "ở Hà Nội thời bao cấp" ngày nào cả nhưng vẫn thông cảm được cái "tâm trạng" xếp hàng hai cửa, nếu đúng, của một người ở hoàn cảnh (chân trong/chân ngoài) như ông Nguyễn Công Khế. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ mọi nỗi khó khăn, với hai ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Mạnh Hùng, nơi chốn quan trường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nói một đằng làm một nẻo là chủ trương xuyên suốt của Đảng cầm quyền. Do đó, tuy tuyên bố là "tổ chức đối thoại" nhưng ông Trưởng Ban Tuyên Giáo và ông Bộ Trưởng Thông Tin Tuyên Truyền vẫn thản nhiên xua đám lâu la ra "đối thụi" bằng cái thứ ngôn ngữ của bọn đầu đường xó chợ.
Trong một xã hội mà không có nhân cách người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn nên qúi ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Công Khế … có thể dùng mọi phương tiện để biện minh cho cứu cánh của mình. Điều an ủi là giữa lúc nhiễu nhương như hiện cảnh tổ quốc vẫn còn có những người từ chối sống béo tốt, và sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì lẽ phải như ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Nhà báo Mạnh Kim nhận xét : "Ông Trần Huỳnh Duy Thức sẳn sàng chấp nhận cái chết đến, vì biết khó mà thuyết phục một nhà cầm quyền như Việt Nam biết thượng tôn pháp luật một cách đơn giản theo lẽ nhân loại văn minh".
Nếu chả may mà sự việc có xẩy ra bi thảm như vậy chăng nữa thì cái chết của ông cũng khiến cho đám thường dân đỡ phần tủi hổ. Chúng tôi cảm thấy vô cùng yên ủi khi biết rằng dù quê hương rơi vào hoàn cảnh bi đát đến thế nào chăng nữa thì đất nước này vẫn còn có những vị nhân sĩ đáng kính, hết lòng vì dân tộc, chứ không chỉ thuần là một lũ trí thức trùm chăn hay một đám cơ hội ăn theo.
Tưởng Năng Tiến (13/09/2018)
Nguồn : Đàn Chim Việt, 26/05/2023
Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức và cuộc tuyệt thực có thể gần 40 ngày
RFA, 31/12/2020
Tính đến ngày cuối cùng của năm 2020, Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức có thể đã tuyệt thực đến ngày thứ 38 theo như thông tin mà gia đình có được hồi tháng 11 vừa qua.
Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức. RFA Edited
Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, khi trao đổi với chúng tôi hôm 31/12/2020 từ Sài Gòn, cho biết thông tin mới nhất về em trai mình :
"Nếu tính từ ngày 24/11 đến hôm nay là 31/12 thì Thức đã tuyệt thực 38 ngày. Nhưng gia đình vẫn không nhận được tin tức hoặc là thông tin gì từ anh Thức từ ngày ảnh gọi về hôm 2/12, mặc dù gia đình đã liên tục gọi điện thoại đến trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An, trại 6 đó… gọi rất nhiều số điện thoại, nhưng vẫn không liên lạc được với họ".
Bà Liên cho biết, hiện Ban Quản lý trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An vẫn chưa có lệnh được cho thân nhân tù đi thăm trong dịch Covid-19. Tuy nhiên Bà nói sắp tới gia đình sẽ vẫn đi thăm ông Thức, để yêu cầu họ thông báo xem tình hình sức khỏe của ông Thức hiện như thế nào, và cuộc tuyệt thực đã dừng chưa ? Bà giải thích thêm :
"Tại vì thật sự mình không có thông tin gì trong đó nên sắp tới gia đình phải đi thăm. Lần cuối cùng đi thăm là ngày 30/11 năm 2020, lúc đó thì sức khỏe của Thức rất suy yếu vì thời tiết lạnh. Lúc đó Thức nghĩ không vượt qua được mốc 5, 6 ngày do sức khỏe rất yếu. Nhưng đến giai đoạn ảnh gọi về tháng 12 thì ảnh nói là ảnh đã vượt qua được và có trạng thái cân bằng mới. Ảnh nói có thể tuyệt thực được hơn 33 ngày so với lần trước, ảnh nói không còn thấy nguy cơ nữa".
Nếu với 38 ngày tuyệt thực chưa dừng lại, người thân và những người quan tâm tiếp tục lo lắng cho sức khỏe của ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Bà Lê Đính Kim Thoa, vợ ông Thức vào ngày 23/12 khi trả lời RFA cho biết, gia đình mong muốn các cơ quan trả lời khẩn cấp lá đơn để cứu mạng ông Thức :
"Tôi cũng chỉ mong là nhà nước Việt Nam trả lời khẩn cấp để cứu ảnh, giờ ảnh đã quyết định như vậy. Tại vì anh cũng không có tội, mà nếu có tội đi nữa thì cũng đã quá thời gian thụ án rồi. Yêu cầu Nhà nước trả lời sớm và cũng mong mọi người hỗ trợ… Trên trang mạng có in sẵn đơn và mong mọi người viết cái đơn đó gửi đến các địa chỉ cũng ở trên trang Facebook để hỗ trợ giúp cho ảnh được tự do sớm".
Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một nhân vật bất đồng chính kiến, một trí thức được đánh giá có tầm, toàn tâm- toàn ý đóng góp cho một đất nước Việt Nam phát triển. Ông sinh ngày 29 tháng 11 năm 1966, tại Sài Gòn. Ông là cựu Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI. Ông bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giam và Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010 và kết án 16 năm tù với tội danh bị cho là ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Bà Trần Thị Diệu Liên cho biết thêm thông tin nhận được từ ông Trần Huỳnh Duy Thức :
"Anh Thức cũng có nhắn chỉ có một trong hai trường hợp mà ảnh dừng tuyệt thực. Một là Tòa án Tối cao thượng tôn pháp luật, giải quyết đơn theo đúng pháp luật và trả tự do cho ảnh. Còn trường hợp thứ hai là nếu ảnh cảm thấy bất trắc về sinh mạng, thì ảnh sẽ dừng tuyệt thực, đó là tình huống xấu nhất mà ảnh phải dự phòng. Ảnh nói rất quyết đoán là khả năng xấu nhất đó khó có thể xảy ra và yêu cầu mọi người gởi thật nhiều đơn đến tòa án, càng nhiều càng tốt. Đây là một hình thức áp lực trong nước, ảnh nói nước ngoài thì mình rất cần sự hỗ trợ, nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ từ người dân trong nước. Theo anh Thức, đó là sự khai phá, là nền tảng thay đổi cho Việt Nam sau này, để có tự do và dân chủ thật sự".
Vào năm 2015, Việt Nam có sửa đổi điều 79 thành 109 trong Bộ luật hình sự 2015, có thêm khoảng 3 là người chuẩn bị phạm tội thì mức án từ 3 đến 5 năm tù. Theo phân tích của các luật sư thì Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức nằm trong trường hợp này. Ông Thức cùng gia đình vào năm 2018, đã làm đơn gởi lên Tòa án Nhân dân Tối cao để đề nghị miễn hình phạt còn lại cho mình. Nhưng tính đến nay thì rõ ràng chính quyền đã giam ông quá thời hạn 5 năm, mà ông vẫn không nhận được trả lời từ Tòa án Nhân dân Tối cao.
Phong trào tiếp sức cùng Trần Huỳnh Duy Thức. Courtesy FB Trần Huỳnh Duy Thức. Hình minh họa
Hiện rất nhiều cá nhân, tổ chức, hội đoàn trong nước đã vận động đồng hành cùng Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức với nhiều hình thức khác nhau, trong số đó có Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Trả lời RFA hôm 31/12 từ Sài Gòn, Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nói về công việc vận động này :
"Cái này thông thường họ rất ít khi trả lời, cái khác góp ý thì họ có trả lời, riêng cái này họ không có trả lời. Cái bản chúng tôi gởi thì chúng tôi căn cứ luật hình sự 2015, trong đó có điều khoảng là việc chuẩn bị thực hiện chỉ ở tù 5 năm. Xét lại trường hợp anh Trần Huỳnh Duy Thức, nếu căn cứ theo bản án của tòa, thì anh Thức chỉ ở mức độ chuẩn bị chứ chưa phạm tội, như vậy chỉ 5 năm tù thôi, mà ảnh đã ở tù trên 10 năm thì đương nhiên phải được ra mà không bị cưỡng chế".
Tuy nhiên ông Thân bày tỏ lo lắng về phương thức đấu tranh bằng cách tuyệt thực mà ông Thức đã chọn :
"Tôi thấy là hình thức này khó thành công. Tất nhiên khi mình tuyệt thực thì đó là giai đoạn đấu tranh tận cùng rồi, không còn con đường nào khác thì mình mới tuyệt thực, nhưng nếu còn con đường khác thì cái đó cũng không nên. Bởi vì sứ mạng của anh Thức không phải là ở trong nhà tù, mà sứ mạng của ảnh là ở ngoài xã hội, ảnh còn sứ mạng là phải góp sứ xây dựng đất nước này, làm thay đổi đất nước này. Đó là sứ mạng của ảnh, nhưng bây giờ ảnh quay sang ảnh tuyệt thực, nhưng làm như vậy thì sức khỏe sẽ suy giảm, suy sụp. Mà sự suy giảm về vấn đề sức khỏe thì cũng dễ dẫn đến vấn đề suy sụp về tinh thần. Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, nên chúng tôi cũng đã nhiều lần khuyên ảnh nên dừng".
Bà Liên cho biết, cùng với Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng còn có rất nhiều cá nhân trên mạng đồng hành ủng hộ vận động cho ông Thức, họ cũng làm đơn yêu cầu tòa án phải trả lời đơn và thượng tôn pháp luật, yêu cầu trả tự do cho anh Thức. Bà cho biết, ban đầu ít có ý kiến không đồng thuận việc ông Thức tuyệt thực, nhưng gần đây mọi người yêu cầu Thức phải dừng tuyệt thực để bảo toàn tính mạng để lo cho Việt Nam sau này. Nhưng gia đình Bà cùng anh Thức vẫn giữ quan điểm, kêu gọi mọi người đừng lo lắng, hãy ủng hộ cuộc chiến pháp lý của ông Thức, và quan trọng là hướng đến việc khai sáng cho người dân.
Ông Ngô Hoàng Phong, một nhà hoạt động ở Đức, đại diện cho Tổ Chức Bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa tại Âu Châu và cũng là người đã vận động để đại diện chính phủ Đức đến thăm ông Trần Huỳnh Duy Thức trong tù năm 2018. Gần đây ông cũng đã viết thư cho Bộ Ngoại Giao Âu Châu nêu lên trường hợp của ông Thức. Vào ngày 30/12, ông Phong cũng đã nói chuyện với Bộ Ngoại giao Đức về tình hình của ông Thức. Khi trả lời RFA hôm 31/12, ông Phong cho biết tuyệt thực là phương pháp duy nhất để các tù nhân phản kháng, dù phải đặt cược sức khỏe và mạng sống của mình :
"Theo tôi vấn đề tuyệt thực là truyền thống cả ngàn năm nay rồi. Theo tôi đó là phương pháp duy nhất để họ phản kháng, để có khả năng chống đối. Họ đã hy sinh sức khỏe của mình cũng như tính mạng, nhưng theo tôi đó là phương tiện độc nhất, duy nhất để người ta nói lên tiếng nói phản kháng những điều bất công và phi lý đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi thấy đó là một việc làm chính đáng, thông qua như vậy thế giới sẽ để tâm đến, do vậy tôi nghĩ với chính quyền Việt Nam đây cũng là một ván cờ hết sức khó khăn".
Nhà hoạt động Ngô Hoàng Phong cho biết thêm về việc vận động từ bên ngoài, đòi trả tự do cho Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức :
"Như chúng tôi đã thông báo, hiện nay việc vận động cho anh Trần Huỳnh Duy Thức rất mạnh mẽ, Quốc hội Âu Châu, cũng như Quốc hội của Đức, văn phòng của bà Thủ tướng Merkel, Bộ Tư pháp cũng như các chính trị gia ở Đức... các Hội đoàn, Ủy ban Công lý và Hòa bình, Nhà thờ, các Hội N.G.O. ở Đức cũng đã vào cuộc lên tiếng can thiệp để thả anh Thức. Chính phủ Đức cũng đã nói chuyện này với phía Việt Nam ở cấp độ cao nhất và họ vẫn tiếp tục. Hôm qua tôi có nói chuyện với Bộ Ngoại giao của Đức, thì Tòa Đại sứ Đức ở Việt Nam tiếp tục nói chuyện nhưng chưa đạt kết quả mong muốn thả anh Thức ngay lập tức. Họ hy vọng phía Việt Nam sẽ giải quyết trong thời gian ngắn".
Hồi năm 2018, ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã từng tuyệt thực đến 34 ngày để phản đối những áp bức của cán bộ trại giam trái quy định pháp luật. Dư luận quan tâm hiện rất lo ngại cho tình hình sức khỏe của ông Thức khi phải tuyệt thực quá lâu, trong khi chính quyền Việt Nam vẫn chưa có phản hồi gì về yêu cầu của Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức.
Nguồn : RFA, 31/12/2020
VOA, 04/12/2020
Nhà văn Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe, đã bị chuyển từ trại tạm giam sang bệnh viện tâm thần. Người nhà của nhà văn bất đồng chính kiến cho VOA biết động thái này gây thêm hoang mang và lo lắng cho gia đình khi nhà chức trách thông báo mục đích việc nhập viện là để "giám định và kiểm tra sức khoẻ".
Nhà văn Phạm Thành, tên đầy đủ là Phạm Chí Thành, 68 tuổi, bị bắt vào ngày 21/5/2020 với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật Hình Sự năm 2015. Ông bị bắt chỉ vài tháng sau khi viết sách chỉ trích Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Từ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ của nhà văn Phạm Thành, nói với VOA :
"Ngày 24/11, họ chuyển anh ấy từ trại số 1 Hỏa Lò thuộc Công an thành phố Hà Nội đến Viện pháp y Tâm thần Trung ương ở huyện Thường tín.
"Ngày 25/11, Điều tra viên báo với tôi rằng như vậy. Trong lòng tôi rất hỗn loạn. Tôi không biết làm thế nào cả.
"Tôi sống với anh ấy bao nhiêu năm thì tinh thần, sức khỏe của anh ấy bình thường, không có vấn đề gì về tâm thần cả. Bây giờ chuyển xuống Viện thì tôi không rõ họ thẩm định sức khỏe hay làm gì khác".
VOA đã liên lạc Công an thành phố Hà Nội và Viện pháp y Tâm thần Trung ương ở huyện Thường tín để tìm hiểu về việc chuyển viện này của ông Thành nhưng chưa được phản hồi.
Bà Nghiêm cho biết hôm 27/11 bà có đến Viện đã gửi tiền lưu ký và quà nhưng không được gặp trực tiếp ông Thành. Bà viết trên Facebook : "Tôi vô cùng lo lắng nếu có sự cố bất ổn xảy ra".
Bà Nghiêm bày tỏ sự lo ngại với VOA :
"Tôi rất lo ngại một việc là chồng tôi vào viện tâm thần đó mà anh ấy không mắc bệnh. Người ta hành xử cho dùng thuốc men về tâm thần thì tôi rất lo ngại.
"Tôi kêu gọi công an và nhà chức trách rằng [chồng tôi] không có bệnh thì không làm thế nọ thế kia, áp chế đối với chồng tôi. Không nên có những hành xử không tốt hay gây lo ngại cho gia đình".
"Tôi cũng kêu gọi trả tự do cho chồng tôi bởi vì chồng tôi không có tội gì cả", bà Nghiêm nói.
Truyền thông Việt Nam cho rằng ông Phạm Thành là "kẻ chống phá Đảng, Nhà nước có hệ thống".
Báo Yên Bái Online vào tháng 7/2020 viết : "Thành nhiều lần liên lạc, trả lời phỏng vấn đài BBC, VOA, RFA vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc tình hình đất nước. Báo chí chống cộng ở nước ngoài ra sức khích lệ, thường xuyên ngoáy vào cái họng ngứa ngáy của những kẻ đầu óc không bình thường để họ phun ra những lời chống lại Tổ quốc, cho chúng lợi dụng chống phá Việt Nam".
Vào tháng 9/2019, ông Thành cho ra mắt cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo" được xuất bản ở nước ngoài và phát hành trên mạng xã hội. Có nhiều đồn đoán trên Facebook rằng nhà văn Phạm Thành bị bắt là vì cuốn sách này.
Nhà báo Phạm Thành có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016, và đồng thời là tác giả của sách Nền Kinh tế Thị trường Định hướng xã hội chủ nghĩa Xuống hố cả lũ và tiểu thuyết Cò hồn Xã nghĩa.
Một vài blogger và người bất đồng chính kiến trước đây đã từng bị chính quyền đưa vào bệnh viện tâm thần trong thời gian bị giam giữ vì bị cho rằng họ là những người "có đầu óc không bình thường". Gần đây nhất có trường hợp blogger Lê Anh Hùng, một cộng tác viên của đài VOA, hay trước đây là trường hợp của mục sư Thân Văn Trường, nhà hoạt động Nguyễn Trung Lĩnh, luật sư Bùi Kim Thành…
**********************
VOA, 03/12/2020
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhà hoạt động dân chủ hàng đầu của Việt Nam đang thụ án tù 16 năm, đã tuyệt thực từ ngày 24/11 để phản đối việc Tòa án Tối cao không phản hồi đề nghị miễn hình phạt còn lại của ông, và ông quyết sẽ tuyệt thực "cho đến chết", theo tin từ gia đình.
Bà Trần Diệu Liên ở thành phố Hồ Chí Minh, chị của ông Thức, cho VOA biết như trên hôm 2/12, hai ngày sau khi thăm ông ở trại giam số 6 tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
"Tôi và gia đình có đi thăm Thức hôm 30/11, biết rằng Thức đã bắt đầu tuyệt thực từ 24/11. Hôm đó thấy Thức rất yếu, lúc ra có các nhân viên an ninh đi kèm, lúc nói chuyện thì Thức bị hụt hơi. Thức cho biết đã tuyệt thực đến ngày thứ 7, trong người thấy rất mệt".
Trả lời phỏng vấn của VOA về lý do tuyệt thực của ông Thức, bà Liên nói :
"Thức tuyệt thực là vì Tòa án Tối cao không trả lời đơn của Thức về đề nghị miễn hình phạt còn lại mà Thức đã làm từ 7/7/2018. Đến 19/8/2020, Thức có làm đơn đề nghị Tòa án Tối cao phải phúc đáp. Nhưng cho tới nay Tòa án vẫn im lặng".
"Thức tuyên bố tuyệt thực để yêu cầu nhà nước và Tòa án Tối cao phải thượng tôn pháp luật".
"Thức nói là sẽ tuyệt thực vô thời hạn, và có thể là tuyệt thực cho đến chết, đến khi nào mà Tòa án Tối cao trả lời đơn".
Bà Liên cho biết Bộ luật hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2015 đã quy định rõ ràng, trường hợp của Thức đáng ra phải được trả tự do ngay nhưng nhà cầm quyền "cố tình" không áp dụng các quy định đó mà tìm cách diễn giải luật theo cách riêng của họ để duy trì bản án 16 năm như đã tuyên vào năm 2009.
"Điều này không những không đúng với luật pháp hiện hành mà còn đi ngược sự văn minh và tiến bộ của nhân loại", bà Liên nói.
VOA đã liên lạc Bộ Công an Việt Nam, cơ quan quản lý trại giam số 6, và Tòa án Nhân dân Tối cao để tìm hiểu thêm về việc ông Thức tuyệt thực và thư đề nghị của ông, nhưng cả hai cơ quan này đều chưa phản hồi.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 5/2018, luật sư Ngô Ngọc Trai, người tư vấn pháp lý cho gia đình ông Thức, cho VOA biết nỗ lực mới đây xin Chủ tịch nước đặc xá cho ông dựa trên cơ sở là sự thay đổi về luật pháp được xem là "có lợi" cho ông Thức.
Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày đầu năm 2018, có điểm thay đổi trong điều luật về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Một khoản bổ sung của điều luật nói về "chuẩn bị phạm tội" với mức hình phạt 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook hôm 2/12 : "Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực hơn 10 ngày để đòi hỏi tòa án phải trả lời các đơn khiếu nại của anh. Tòa án xứ này đang chơi chiêu ‘im lặng là vàng’, giả câm giả điếc giả mù".
Bà Liên cho VOA biết về thông điệp của ông Thức :
"Thức dặn dò gia đình rằng phải tính đến trường hợp xấu nhất. Thức nhờ chúng tôi gửi lời nhắn nhủ đến mọi người".
Bà Liên đọc mẩu giấy mà ông Trần Huỳnh Duy Thức, năm nay 54 tuổi, viết từ trại giam gửi cho gia đình và cộng đồng :
"Con xin lỗi ba, cả nhà và mọi người.
Tôi xin lỗi vì đã không đi được đến thành công với các bạn, hãy tiếp tục con đường khai sáng cho dân tộc và cho nhân loại, các cuộc đấu tranh cần hướng đến thượng tôn quyền con người, hãy tận dụng sự ra đi của tôi để đẩy cuộc đấu tranh này đến cuối cùng trong năm nay và năm sau.
Cảm ơn mọi người, tôi sẽ luôn nhớ theo các bạn".
Vào năm 2009, ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân trong ngành viễn thông và sáng lập viên phong trào dân chủ mang tên Con đường Việt Nam, bị một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án 16 năm tù giam, 5 năm quản chế với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Trong vụ án này còn có các nhà hoạt động Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và cả ba người này đều đã mãn án tù.
Ngày 5/5/2016, ông Thức bị cưỡng bức chuyển trại từ trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An sau khi có đơn tố cáo phạm nhân bị ngược đãi tại trại giam.
Tại nhà tù số 6 ở Thanh Chương, ông Thức tuyệt thực một vài lần để kêu gọi thượng tôn pháp luật và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về thể chế chính trị.
Vào tháng 5/2019, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ cho biết Dân biểu Zoe Lofgren đã bảo trợ cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.
Chị Trần Diệu Liên là chị gái của anh Trần Huỳnh Duy Thức. Trong quá khứ, chị Liên đã có dịp trình bày về hoàn cảnh của anh Thức trong tù, điển hình là những lần anh quyết định tuyệt thực nhiều ngày.
Trần Huỳnh Duy Thức. Ảnh minh họa
Hôm nay, mời quý độc giả theo dõi buổi trò chuyện sau đây giữa tôi, Phạm Phú Khải, và chị Trần Diệu Liên.
Phạm Phú Khải : Thưa chị, xin chị cho biết lần mới nhất chị gặp anh Thức là lúc nào ? Và lần đó là một buổi thăm em bình thường hay có gì đặc biệt khác hơn không ?
Trần Diệu Liên : Dạ xin chào Phú Khải, lời đầu tiên, tôi rất hân hạnh được cơ hội trò chuyện cùng Phú Khải ngày hôm nay.
Lần mới nhất gia đình được gặp Thức là vào ngày 16 tháng 7 năm 2020. Mục đích của buổi thăm gặp này cũng không có gì đặc biệt hơn các lần khác. Tuy nhiên, trước đó đã lâu rồi, hơn 5 tháng, gia đình không được thăm Thức sau lần thăm vào mùng 2 Tết Âm Lịch năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid, trại giam không tổ chức cho thân nhân thăm gặp tù nhân để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy buổi thăm gặp hôm 16/07/2020 đem lại nhiều cảm xúc và những câu chuyện thật đặc biệt cho hai chị em.
Phạm Phú Khải : Sức khỏe của anh Thức trong thời gian gần đây ra sao chị ? Chị có những lo âu gì về mặt sức khỏe hay tinh thần của anh Thức không ?
Trần Diệu Liên : Tôi nhận thấy thể chất và tinh thần của Thức đều ổn định, sức khỏe của Thức luôn là mối quan tâm hàng đầu của gia đình, cả thể chất lẫn tinh thần. Nhân đây nhắc đến việc chăm sóc tinh thần, có một việc khá ngộ nghĩnh là trong quá trình ở tù đôi khi Thức lại chính là nguồn động viên tinh thần ngược lại cho cả gia đình. Những nhận định về tình hình chính trị thế giới, trong nước, tình hình biển Đông, đại dịch Covid 19 và Đại hội 13 mà Thức chia sẻ rất thú vị và "thời sự", ngay cả mình ở bên ngoài mà đôi khi còn không có được những nhận định như vậy, cách lập luận và viễn kiến của Thức giúp tôi hy vọng về tương lai đất nước nhiều hơn.
Phạm Phú Khải : Anh Thức là người đọc nhiều, theo dõi sát các vấn đề thời sự tại Việt Nam và trên thế giới, dù ở trong tù. Anh có vẻ là người có cái nhìn tích cực về nhiều khía cạnh trong cuộc sống, ngay cả khi anh đã ở tù nhiều năm. Có phải anh là mẫu người lạc quan không thưa chị ?
Trần Diệu Liên : Như tôi vừa chia sẻ, Thức thường xuyên có cách tiếp cận cuộc sống và sự việc một cách tích cực. Nhưng đó không phải là sự gượng ép để gia đình không phải lo lắng, cũng không phải là một siêu năng lực đặc biệt gì cả, mà theo lời Thức đó chỉ là kết quả tự nhiên khi con người sống thuận theo quy luật.
Thức từng nói Công lý không chỉ là lẽ phải mà còn là quy luật tiến đến lẽ phải. Thức hiểu rõ quy luật này nên biết được con đường đấu tranh cho công lý đang ở đâu, và khi nào đến đích. Thời gian tiến triển của dòng chảy thời đại cũng vậy, Thức hiểu rõ quy luật của nó nên có những suy nghĩ và hành động tích cực. Thức từng chia sẻ với ba mình rằng : "Những con đường của con đi luôn dựa theo quy luật nên không chỉ chắc chắn về đích mà còn giúp đạt được nhiều mục tiêu. Con đường Việt nam cũng vậy, Công lý sáng tỏ thì Chân lý sẽ bừng sáng."
Phạm Phú Khải : Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực đối với anh Thức kể từ ngày 1/1/2018, như vậy đáng lẽ ra anh chỉ ở tù 5 năm thôi. Nhưng họ vẫn chưa xét xử trường hợp của anh ?
Trần Diệu Liên : Bộ luật hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2015 đã quy định rõ ràng, trường hợp của Thức đáng ra phải được trả tự do ngay nhưng nhà cầm quyền cố tình không áp dụng các quy định đó mà tìm cách diễn giải luật theo cách riêng của họ để duy trì bản án này. Điều này không những không đúng với luật pháp hiện hành mà còn đi ngược sự văn minh và tiến bộ của nhân loại. Có thể không phải là họ hoàn toàn cố tình không tôn trọng luật pháp. Tôi nghĩ là họ cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều áp lực trong việc nhìn nhận và sửa chữa sai lầm.
Phạm Phú Khải : Gia đình và luật sư của anh Thức có dự trù tiếp tục kháng cáo trường hợp này nữa không chị ?
Trần Diệu Liên : Gia đình vẫn luôn đồng hành với Thức trên con đường đấu tranh công lý và giúp Thức hoàn thành sứ mạng là giúp cho Việt Nam thật sự có tự do, dân chủ, trong thời điểm quyết định của thế giới toàn cầu hóa này.
Phạm Phú Khải : Anh Thức, tính đến nay, đã ở tù hơn 11 năm kể từ ngày 24 tháng 5 năm 2009. Anh đã có nhiều cơ hội để được tự do nhưng với điều kiện phải rời khỏi Việt Nam, điều mà cho đến nay anh vẫn không chấp nhận. Nếu theo bản án cũ thì anh vẫn phải tiếp tục ở tù thêm gần 5 năm nữa. Còn có một viễn ảnh nào khác hơn là ở tù không, thưa chị ?
Trần Diệu Liên : Tác động chính trị, xã hội với việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm là rất lớn và lâu dài, nhất là sẽ tạo ra án lệ, tạo tiền đề cải cách cho nền tư pháp Việt Nam, buộc nhà cầm quyền phải Thượng tôn pháp luật và tôn trọng nhân quyền. Đó là mục tiêu mà Thức luôn tranh đấu để làm nền tảng xây dựng nhà nước pháp quyền, để Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập thế giới trong môi trường toàn cầu hóa. Sửa luật thì khó, có thể họ sẽ sửa thông tư hay nghị quyết để đáp ứng với sự thay đổi thể chế chính trị, phù hợp với điều kiện xây dựng nền tảng dân chủ hóa cho Việt Nam trong tương lai.
Phạm Phú Khải : Chị là một trong những người gần gũi nhất với anh Thức và hiểu rõ nguyện vọng của anh. Vì nguyên do gì mà anh Thức kiên quyết trước sau như một không rời Việt Nam, dù được tự do ?
Trần Diệu Liên : Thức chỉ chấp nhận về bằng con đường công lý, vì con đường đấu tranh cho công lý không chỉ trả tự do cho Thức mà còn làm cho luật pháp phát huy được giá trị thật sự của nó và được thượng tôn. Thức mong muốn việc trả tự do cho mình sẽ dẫn đến sự xác lập một án lệ, chứng minh tội danh lật đổ chính quyền chỉ hình thành khi có sử dụng đến sức mạnh vật lý. Bởi lẽ nếu Thức chấp nhận được tự do bằng con đường khác, thì việc Thức được tự do vẫn không thay đổi được điều gì cho những trường hợp tương tự như Thức đang bị giam giữ hoặc sẽ bị kết án trong tương lai. Như thế thì luật pháp vẫn chưa thực hiện được nhiệm vụ là bảo vệ quyền con người, công lý không thể được thực thi một cách có chọn lọc và có điều kiện. Công lý là lẽ phải nên bất kỳ con đường nào khác cho Thức được tự do mà làm suy giảm lẽ phải thì Thức không chấp nhận. Vì vậy việc ra nước ngoài hay vận động đặc xá không phải là mục tiêu đấu tranh của Thức.
Phạm Phú Khải : Xin chị chia sẻ một kỷ niệm từ thưở bé mà nói lên được tính cách con người của anh Thức hôm nay.
Trần Diệu Liên : Tôi nhớ hoài kỷ niệm lúc nhỏ ba tôi thường hay mua cho chúng tôi những cuốn truyện tranh, lúc đó Thức chưa đầy năm tuổi. Một lần khi ba đang đọc cho chúng tôi nghe câu chuyện về một ông tiều phu bị những kẻ ăn thịt bắt, chuẩn bị cho vào nồi nước sôi làm thịt, bất ngờ Thức giựt lấy quyển truyện rồi nhằm vào hình ảnh của kẻ xấu mà bấu mà véo rồi bứt ra. Lúc đó ba hỏi Thức vì sao con làm vậy. Thức nói để cứu ông tiều phu. Cả nhà cười vang với phản ứng thuần khiết pha chút ngộ nghĩnh của Thức, vừa phẫn nộ vừa thương xót ông tiều phu.
Từ nhỏ Thức thường hay đặt câu hỏi khi nghe ba kể những câu chuyện về tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, những câu chuyện về cuộc cách mạng Pháp. Thức hỏi ba làm sao để có công bằng hả ba, ba nói thì phải có những người có lòng bác ái nắm giữ quyền hạn để bảo đảm sự công bằng đó cho mọi người. Thức lại hỏi : nhưng nếu đã có những người có quyền để cho người khác công bằng thì không còn công bằng nữa. Ba nói thì cái gì cũng tương đối thôi. Thức đã không bằng lòng câu trả lời của ba. Thức lúc đó mới chín tuổi đã bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu để thấu hiểu được bản chất và nguyên lý của sự công bằng.
Phạm Phú Khải : Được biết anh Thức là người con hiếu thảo với ba mẹ. Có phải vậy không thưa chị ? Chị có kỷ niệm nào nói lên được đức tính này của anh Thức không ạ ?
Trần Diệu Liên : Thức rất yêu thương ba má và gia đình. Trước khi bị bắt Thức ít thể hiện tình cảm bằng lời nói lắm, tuy nhiên qua hành động của Thức gia đình có thể hiểu được. Tình yêu thương Thức dành cho ba má và gia đình không khoa trương, cứ thế lặng lẽ và chân thành.
Vào năm 2005, má trải qua một cơn thập tử nhất sinh, các bệnh viện và thầy thuốc giỏi nhất đều khuyên đưa má về nhà để ra đi cho thanh thản. Rất bất ngờ là sau đó má bỗng nhiên khỏe lại và ăn uống ngon miệng. Thế là má sống cùng con cháu thêm được sáu năm nữa. Mãi đến sau này khi Thức đã bị bắt, trong thư 76B gửi về nhà, gia đình mới biết được rằng vào lúc đó Thức đã cầu nguyện xin cho má được sống thêm và sẵn sàng chấp nhận tổn thọ mười năm hoặc hơn nữa. Thức viết rằng chính việc má có thể sống tiếp sau cơn bạo bệnh đó đã thay đổi sâu sắc đức tin của Thức vào Thế giới siêu thực – Tâm linh của vũ trụ. Và cũng trong thư này, Thức nói rằng kể từ khi má mất, Thức đã tâm nguyện nếu có gì không may xảy đến với ba, Thức cũng sẽ cầu nguyện cho ba và sẵn sàng gánh lấy mọi thứ miễn là ba được khỏe mạnh. Bên cạnh đó, Thức nói mình cũng sẵn sàng làm điều tương tự cho Việt Nam, vào thời khắc quyết định, Thức sẵn sàng nhận mọi thử thách, chông gai hơn nữa để giúp Việt Nam vượt qua thời khắc đen tối.
Khi Thức còn ở nhà, Thức luôn cố gắng dành thời gian cho má dù là trong những việc nhỏ nhặt nhất. Ngày nào trước khi đi làm và đưa hai con đi học Thức cũng ghé qua phòng má để thưa má đi làm và hai cháu thưa bà đi học. Chiều về tới nhà lại ghé vào thưa má con mới về, luôn đều đặn như vậy cho đến khi Thức vắng nhà. Mặc dù công việc có bận thế nào thì Thức cũng không bao giờ quên hỏi han, trò chuyện với má, khi nào Thức không đi công tác thì sẽ luôn ăn cơm cùng má.
Suốt bao năm vắng nhà, Thức làm rất nhiều bài thơ và phổ thành nhạc để tặng cho gia đình. Trong mỗi cuộc thăm gặp với gia đình hoặc mỗi lần gọi điện thoại về nhà hàng tháng, chỉ vỏn vẹn năm phút thôi, câu đầu tiên Thức luôn hỏi là ở nhà ba có khỏe không ? Thức cũng không quên nhờ các chị chăm sóc cho ba thật chu đáo, chờ ngày em về. Vào dịp sinh nhật lần thứ tám mươi lăm của ba. Trước đó là thời điểm Thức vừa ngưng tuyệt thực sau ba mươi bốn ngày, sức khỏe chưa hồi phục, nhưng vẫn dành thời gian, nuôi ý tưởng sáng tác bài hát Tình cha dẫn bước con về, những mong sẽ gửi thư về kịp tặng cho ba. Nhưng do thời gian kiểm duyệt của trại giam quá lâu, Thức đã phải cố gắng hát bài hát này trong năm phút ngắn ngủi được gọi về nhà để kịp làm quà tặng sinh nhật cho ba. Trong giọng hát tôi nghe được tiếng nấc nghẹn của em mình. Đó là nỗi niềm thương nhớ người thân sau bao năm xa cách.
Thức luôn nói với gia đình rằng mình không có bất kỳ hối tiếc nào khi chọn con đường này. Nhưng chắc có lẽ điều hối tiếc duy nhất của Thức là không được đội tang má và được lo cho ba lúc tuổi già.
Phạm Phú Khải : Anh Thức viết khá nhiều trong tù, và cũng gửi thư về cho gia đình thường xuyên phải không chị ?
Trần Diệu Liên : Thức rất yêu thích viết lách và những hoạt động nuôi dưỡng tinh thần khác như là đọc sách, sáng tác truyện, thơ, âm nhạc, tiểu thuyết, cổ súy cho việc tôn trọng và thực thi quyền con người, tình yêu thương nhân loại.
Nhiều nhất là các bài viết và cảnh báo, nhận định về chế độ chính trị, kinh tế và nhiều mặt khác của xã hội Việt Nam, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, nhất là mối quan hệ Việt – Trung, cuộc chuyển trục sang Đông Nam Á của Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, tình hình Biển Đông, đưa ra giải pháp và những lời khuyên giành cho lãnh đạo, đấu tranh yêu cầu nhà cầm quyền phải thượng tôn pháp luật và thực hiện trưng cầu dân ý ; những mối nguy tiềm ẩn cho đất nước mà Thức từng cảnh báo, đề ra mục tiêu phát triển đất nước trong tương lai và vai trò của Việt Nam trong sự phát triển của thế giới.
Qua những lá thư gửi về gia đình, Thức luôn viết với tâm niệm vững tin vào sự thay đổi tất yếu của vận mệnh đất nước, khiến cho người đọc luôn có thêm nhiều hy vọng vào tương lai của đất nước. Thức tranh thủ thời gian, viết rất nhiều. Những lá thư được đánh số thứ tự, cho ra đời những bài phân tích chính xác có giá trị thời cuộc. Ngoài ra Thức cũng đã hoàn thành xong mười tập thơ Thương Ơi Là Thương, rất tiếc là mới chỉ có tập một được gửi ra và đã được gia đình in thành sách xuất bản.
Phạm Phú Khải : Có những lá thư đến, nhưng cũng có những lá không đến. Được biết ông Trần Văn Huỳnh, ba chị, đã khiếu nại về việc này. Họ có giải quyết rốt ráo chuyện này cho gia đình chị không ?
Trần Diệu Liên : Hơn 10 năm Thức ở tù và tranh đấu thì phương pháp đấu tranh chủ yếu, và được Thức sử dụng nhiều nhất, là quyền khiếu nại, tố cáo. Đây là một quyền vô cùng quan trọng không chỉ đối với người tù mà còn đối với mọi công dân tự do trong bất kỳ quốc gia nào. Bởi vì đứng trước một nhà nước nắm mọi tài lực quốc gia và ba quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp thì quyền khiếu nại, tố cáo là một phương tiện quan trọng để người dân đảm bảo rằng những việc làm của nhà nước không đi trái mục đích bảo vệ quyền con người. Chính bởi sự quan trọng đó, quyền khiếu nại, tố cáo đã được Hiến pháp Việt Nam công nhận và bảo vệ. Cách đấu tranh này đã được Thức sử dụng từ trước khi về nhà tù Nghệ An và đến giờ. Chính vì không thể từ chối hay phủ nhận quyền này mà trại giam đã tìm đủ mọi cách gây khó dễ, không cho Thức thực hiện. Khi mà những yêu cầu, đòi hỏi tuân theo pháp luật bị chính những người đại diện cho nhà cầm quyền, có nhiệm vụ bảo đảm cho luật pháp được thực thi từ chối, thì Thức buộc phải chọn cách tuyệt thực, như một hình thức thể hiện sự phản kháng m ột cách ôn hòa trước những hành động vô lý.
Sử dụng luật pháp một cách tùy tiện luôn là đề tài nổi bật từ các trại giam. Họ đá bóng và đổ lỗi cho nhau rất tài tình và cũng chưa bao giờ họ giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng cho đơn khiếu nại nào. Gia đình tôi đã làm không biết bao nhiêu đơn khiếu nại, tố cáo về việc vi phạm luật của trại giam. Chưa lần nào trại giam giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý, nhưng chúng tôi vẫn luôn kiên trì sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng và lẽ phải, dù biết là luật pháp chưa hoàn chỉnh. Nhưng như Thức thường nói : chỉ khi nào hầu hết người dân biết sử dụng pháp luật để bảo vệ mình và đòi hỏi pháp luật thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người thì lúc đó luật pháp mới được cải thiện.
Phạm Phú Khải : Trong suốt 11 năm qua, anh Thức ở trong tù, tuy mất tự do, anh đã chấp nhận bản án chế độ dành cho mình. Nhưng còn gia đình chị, đến vợ con anh Thức, và nhất là chị, hẳn lo lắng cho anh từng ngày từng giờ. Chị có thể cho biết những gì đang nằm trong suy tư của gia đình chị và vợ con anh Thức được không ạ ?
Trần Diệu Liên : Điều mà gia đình chúng tôi luôn quan tâm là tinh thần và sức khỏe của Thức luôn bình an, tuy mong muốn của gia đình tất nhiên là Thức được tự do càng sớm càng tốt, mong chờ ngày đoàn tụ sau khoảng thời gian dài xa cách. Nhưng gia đình chỉ mong làm được mọi cách có thể để bảo vệ an nguy tốt nhất cho Thức, bất kể là Thức chọn điều gì. Nói gì đi nữa thì có một điều chắc chắn là đến hôm nay ai trong gia đình cũng hiểu được giá trị tự do mà Thức đang đấu tranh không dừng lại ở cá nhân Thức mà là nền tảng tự do, dân chủ cho Việt Nam trong tương lai.
Phạm Phú Khải : Còn chị Liên thì sao ? 11 năm qua những tâm tư tình cảm của chị, nhất là hai lần mà anh Thức đã kiên quyết tuyệt thực nhiều ngày, thì lúc đó cảm nghĩ của chị như thế nào ?
Trần Diệu Liên : Trước đây tôi cũng là người thờ ơ với thời cuộc như nhiều người. Nhưng từ khi Thức bị kết án oan, tôi và gia đình bắt đầu cuộc hành trình đòi công lý cho em mình. Kể từ đó làm thay đổi nhận thức của tôi về xã hội, về tình hình chính trị đất nước, và tôi đã có cái nhìn chân thật hơn về đất nước của mình. Ban đầu tôi chỉ hành động theo sự thôi thúc tình thân, mặc dù không hiểu gì nhiều nhưng tôi tin em mình không phải là người có toan tính bạo tàn. Một thời gian sau đó tôi hiểu ra con đường của Thức là để cống hiến cho Việt Nam, để thế hệ con cháu có được một tương lai tươi sáng, tự do và phát triển bền vững thật sự.
Hơn 11 năm qua, có biết bao nhiêu là sự khó khăn vất vả về vật chất cũng như tinh thần. Không giấy mực nào tả hết được khi mà chúng tôi phải đối mặt với cả hệ thống luật pháp không thượng tôn, luôn ngồi xổm trên Hiến Pháp và vô vàn những khó khăn liên tục phát sinh trong cuộc sống đầy bất an.
Khó khăn lớn nhất vẫn là sự sợ hãi trong lòng mỗi người, sự mập mờ giữa sự thật và dối trá. Khi mà công lý bị bóp nghẹt thì lương tâm con người cũng bị dị dạng, tật nguyền, không được sống thẳng, nói thật, quyền con người luôn bị kiểm soát và chà đạp. Thử thách nhất trong tất cả là thấu hiểu và thật sự sống đúng với tinh thần đấu tranh bất bạo động. Có nghĩa là sẵn sàng chịu đựng đau khổ và hy sinh, thấu cảm cho người khác, và không chủ động tổn thương họ. Nó đồng nghĩa với việc có thể đi tù.
Những lần Thức tuyệt thực để yêu cầu nhà nước phải thượng tôn pháp luật và trưng cầu dân ý, tôi hiểu và ý thức được đây là chiến dịch phản đối phi bạo lực mà Thức buộc phải sử dụng khi mà luật pháp bị chà đạp và quyền con người bị xâm hại. Tôi nghĩ đây là phương pháp hợp lẽ phải và duy nhất giành cho những người bị áp bức trong quá trình đấu tranh cho tự do, cho công lý.
Tôi hiểu rằng bằng cách nào đó Thức muốn mọi người biết và sử dụng luật pháp một cách tối ưu để bảo vệ mình , bảo vệ công lý, từ đó thúc đẩy sự chuyển mình và thay đổi nhận thức từ người dân. Nó mang ý nghĩa rất lớn, tìm kiếm sức mạnh từ chân lý và tình thương. Cho dù biết là vậy nhưng khi đối diện với thực tế thì không dễ dàng gì. Tôi đã không thể chấp nhận và bình tâm khi biết em mình đang phải hàng ngày đối mặt với cái chết. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thức đã tuyệt thực lên đến hơn 30 ngày.
Tôi đã phải vượt qua sự sợ hãi của bản thân và của gia đình, đối mặt với sự đàn áp của trại giam 6, yêu cầu được vào gặp Thức với bất cứ giá nào để biết thực tế tình hình sức khỏe của em mình. Tôi đã nhiều đêm không ngủ được, hết trăn trở này lại đến trăn trở khác, tự động viên tinh thần mình và mọi người để chuẩn bị cho cuộc đối đầu đầy khó khăn, thách thức. Tôi có thể làm gì đây để có thể giữ cho mình sự gan dạ, có thể sẵn sàng cùng mọi người tọa kháng trước cổng trại giam nếu hôm đó họ không cho gặp Thức và có thể bị đàn áp, bắt bớ, thậm chí bị đánh đập, hoặc đi tù. Thật là rùng rợn khi nghĩ đến điều đó. Lúc đó tôi không nghĩ được là mình sẽ ra sao nữa. Liệu ngọn lửa trong tôi có đủ để còn thắp sáng niềm tin là "công lý vẫn luôn tồn tại" để có thể cùng đồng hành với Thức trên con đường Việt Nam. Một điều an ủi và may mắn là tôi không hoàn toàn cô độc. Đã có những người bạn, bằng hữu không ngại nguy hiểm để hỗ trợ, đồng hành cùng chúng tôi trong giai đoạn khó khăn đó. Tôi r ất cảm kích sự hỗ trợ và dõi theo của mọi người dành cho Thức và gia đình trong suốt thời gian qua.
Tôi luôn có niềm tin vào con đường đấu tranh cho công lý và hướng đến chân lý. Trong suốt thời gian qua, đồng hành với Thức tôi cũng đã tỉnh thức, được khai sáng tư duy, có được niềm tin độc lập, không còn sợ hãi trước cường quyền và bất công nữa. Từ đó tôi nhìn thấy mục tiêu sống là để hướng đến đấu tranh cho công bằng và lẽ phải, sử dụng tình yêu thương nhân loại. Tôi hiểu ra rằng công lý có tồn tại hay không là do sự vận động của con người. Làm ngơ trước bất công là đồng lõa với nó. Nếu con người còn sợ hãi, lệ thuộc, chỉ biết nghe theo sự sai khiến thì bất công, độc tài sẽ ngự trị.
Nhưng cho dù sự đàn áp có tàn bạo như thế nào đi nữa thì cũng không giết được công lý. Sẽ luôn có những người dũng cảm, bất chấp thiệt thòi, thậm chí là thiệt mạng để bảo vệ công lý. Trần Huỳnh Duy Thức là người như vậy, đã bất chấp 16 năm tù đày khắc nghiệt trong lao tù, và vẫn đang kiên định niềm tin vào chân lý. Thức không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng. Con người có thể trì hoãn sự vận hành của quy luật trong một vài trường hợp. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể chống lại quy luật.
Phạm Phú Khải : Còn hiện bây giờ, những suy nghĩ lo âu của chị dành cho anh Thức có thay đổi gì không ?
Trần Diệu Liên : Tôi rất vui sau lần đi thăm Thức và đọc được lá thư 127A Thức viết cho ba và cho gia đình :
"Ba yêu cố lên nữa nha ! Chặng đường này của con đang đến những ngày tháng cuối cùng rồi. Dòng chảy đang tiến đến quyết định bản lề. Cái chốt cuối cùng đang sắp được tháo ra. Đó sẽ là sự chuyển biến đột ngột – là kết quả đột phá của cả một quá trình vận động nhiều năm rồi, đã tích tụ đủ năng lượng để vượt phá vào thời điểm quyết định. Sẽ có rất nhiều người bất ngờ đến choáng váng vì nó. Không sức mạnh nào đủ sức ngăn cản nổi nó cả.
Con vẫn ổn, cho dù điều kiện thế nào thì con vẫn sẽ vượt qua hết như con luôn như vậy hơn 11 năm qua nên ba và mọi người đừng quá lo. Rồi những điều tốt đẹp sẽ đến nhanh thôi."
Phạm Phú Khải : Nếu chị có một điều mong ước ngay lúc này cho anh Thức thì điều đó là gì, thưa chị ?
Trần Diệu Liên : Thức sẽ đạt được mong muốn của mình : tự do cho Thức và tự do cho Việt Nam.
Phạm Phú Khải : Cảm ơn chị Trần Diệu Liên đã dành cho tôi cuộc trò chuyện này. Trước khi dứt lời, chị có điều gì chia sẻ thêm không chị ?
Trần Diệu Liên : Cảm ơn Phú Khải đã cho tôi cơ hội được chia sẻ câu chuyện của Thức và gia đình trong suốt 11 năm vừa qua.
Tôi chúc Phú Khải và mọi người thật nhiều sức khỏe và vững tin. Mặc dù đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, cho Việt Nam nói riêng và cho cả thế giới nói chung, nhưng mọi người đừng nản lòng. Mọi hành động tốt đẹp cho dù là nhỏ nhặt nhất đều sẽ làm cho cuộc sống này đáng yêu hơn một chút. Chúng ta sẽ cố gắng cùng nhau vượt qua nút thắt này vì chúng ta còn có rất nhiều việc phải làm ở phía trước.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 15/09/2020
Một điều rất khích lệ là gần đây cộng đồng mạng xã hội mà nhất là FaceBook quan tâm sâu sát diễn biến phong trào sinh viên Hồng Kông với sự đồng cảm, khích lệ, chia sẻ tinh thần quả cảm của các bạn trẻ yêu tự do, dấn thân đấu tranh cho dân chủ, chống lại bạo quyền.
Tự do không cho không, phát không
Hình ảnh Hoàng Chí Phong được cập nhật, lan truyền với sự ngưỡng mộ, tôn vinh. Đó là tình cảm đáng trân trọng, là nhận thức về cái đẹp, sự tôn vinh, định hướng lý tưởng sống đúng đắn. Thước đo thương ghét đúng sai của các bạn trẻ khá chuẩn mực theo trào lưu chung của xã hội và cũng theo bối cảnh thực tại của đất nước hiện nay.
Tự do, dân chủ không phải là thứ có thể cầu xin nhất là trong một đất nước đang bị cai quản bởi chế độ toàn trị mọi quyền của người dân từ quyền nói ra sự thật, nói ra điều thương ghét đều bị bóp nghẹt, bị kiểm soát. Sự thật bị đắp chiếu bởi guồng máy tuyên truyền và an ninh.
Chính vì vậy, đất nước Việt rất cần những Hoàng Chí Phong và cần cả những người tiếp bước Hoàng Chí Phong Việt. Việt Nam hiện có những Hoàng Chí Phong hay không ? Đương nhiên không thể có một hóa thân y hệt, không thể có phiên bản Hoàng Chí Phong 2.0 hoàn hảo. Chúng ta chưa có những tuyên ngôn đòi hỏi quyền tự do tuyệt đối, sự dân chủ tuyệt đối nhưng chúng ta không thiếu những tấm gương nhiệt huyết đấu tranh cho từng lĩnh vực, từng vấn đề sự kiện cụ thể đòi hỏi sự công bằng, đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho một bộ phận người dân.
Đó là một Hà Văn Nam đấu tranh với BOT bẩn, đó là anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đấu tranh và xây dựng nền báo chí tự do, đó là Trần Huỳnh Duy Thức, Luật sư Lê Công Định đấu tranh cho nền luật pháp minh bạch,… gần đây nhất là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng người dấn thân cho quyền lập hội, quyền tự do báo chí… Tất cả những người ấy đều đã đang bị bắt, bị tù đày, bị bôi bẩn đời tư…bởi chính quyền chuyên chế và hệ thống cai trị bạo lực.
Những người ấy đều học hành, kinh doanh thành đạt, họ có sẳn và sẽ tiếp tục có tương lai vinh thân, nhàn nhã cho cá nhân, gia đình nếu chỉ cần nhắm mắt, bịt tai trước các oan trái, bất công của xã hội. Anh Ba Sàm, Phạm Chi Dũng còn là những hạt giống đỏ, là thái tử đảng con của Ủy viên Trung ương, Thường vụ Thành ủy, họ có đủ ưu quyền và tài năng để nắm giữ những vị trí then chốt trong bộ máy cai trị. Thế nhưng họ đã từ bỏ "thế giới vàng" để dấn thân vào con đường chông gai đấu tranh cho những giá trị chung của xã hội, của đất nước.
Rất tiếc, họ thiếu hoặc chưa được hậu thuẫn mạnh mẽ của xã hội như Hoàng Chí Phong. Lần lượt, từng người bị chính quyền bắt giam, bị xử án mà chưa vấp phải một phản ứng đáng kể, khả dĩ nào từ xã hội, từ những người đang bị đàn áp mà họ đang đấu tranh. Bó đũa bị bẻ gãy lần lượt từng chiếc thì sẽ không bao giờ tụ lại được thành một ngọn cờ.
Ai có dám chắc rằng những Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Trung Bảo, Bạch Hoàn… những nhà báo sạch đang nói thẳng về những sai trái cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế, hành chính một ngày nào đó không bị bắt vì những tôi phạm rất trừu tương như tuyên truyền chống phá nhà nước… ?
Trấn áp, tạo sự sự hãi trong toàn xã hội, trong mỗi con người là phương pháp là mục tiêu của chế độ toàn trị. Với hệ thống pháp luật mà ngay cả ý tưởng phản biện của người dân với chính quyền cũng bị xem là hành vi phạm tội, khi mà phiên tòa là nơi trình diễn thảm cảnh pháp luật bị chà đạp thì ai cũng có thể bị bắt.
Nhưng qua phiên tòa xử Luật sư Trần Vũ Hải cho thấy mặc dù công khai trình diễn bạo quyền, khám xét thu giữ phương tiện nghề nghiệp của các Luật sư, cưỡng chế lôi kéo Luật sư bào chữa ra khỏi phiên tòa… cuối cùng, tòa vẫn phải chỉ tuyên bản án gượng gạo cải tạo không giam giữ với Luật sư Hải. Có người giải thích cho rằng bao nhiêu đó cũng đủ mục đích của nhà cầm quyền là loại bỏ Luật sư Trần Vũ Hải ra khỏi một số phiên tòa nhạy cảm sắp tới, không cho Luật sư Hải tham gia Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội… E rằng không đơn giản như vậy. Con mèo không bao giờ tha mạng con chuột chỉ vì đã ăn no, dù no nó vẫn giết chuột mà không ăn thịt. Mèo không tha chuột mà chuột chỉ sống vì mèo không thể giết. Con số 60 Luật sư bào chữa mới chính là sức nặng thách thức bảo vệ cho Luật sư Trần Vũ Hải. Bởi vì mục đích cuối cùng việc khởi tố xét xử hoàn toàn trái pháp luật với Luật sư Trần Vũ Hải nhằm vào mục đích lớn hơn là trấn áp, đe dọa giới Luật sư dấn thân vào các vụ việc bảo vệ dân oan, bảo vệ những giá trị công bằng như vườn rau Lộc Hưng, Thủ Thiêm, Đồng Tâm…
Việc khởi tố bắt giam Tiến sĩ Phạm Chí Dũng lần này cũng vậy. Dù từ cổng thông tin điện tử của Công An Thành phố Hồ Chí Minh hay các báo lề phải là về hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam theo Điều 117 BLHS 2015. Ông Dũng bị cho là có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm đến an ninh trật tự". Ai cũng biết rằng một trong những phương tiện hoạt động công khai của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng là trang fb cá nhân nơi phổ cập các bài viết của ông và của tờ Việt Nam Thời Báo. Hơn 24 giờ sau khi ông bị bắt trang này vẫn hoạt động bình thường không bị đóng như những Fb khác của Bác sĩ Hồ Hải hay Trương Duy Nhất. Để cho trang này tồn tại chứng tỏ nó không nguy hiểm cho an ninh trật tự như công an công bố.
Chia sẽ với những người trẻ đấu tranh ở nước khác là cần thiết là nung nấu tình cảm tri thức đúng đắn nhưng im lặng với việc trấn áp người đấu tranh ngay tại nước mình, xã hội của mình là bạn đang thờ ơ với số phận của chính mình, gia đình mình.
Những nguy cơ độc hại của chế độ toàn trị sẽ đè lên số phận của mỗi người dân không chỉ về sự áp bức tự do, sự bất công mà còn trên từng đồng thuế, từng dịch vụ xã hội bạn giao tiếp và trong từng hơi thở không khí nặng mùi ô nhiểm.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài và những người yêu chuộng tự do dân chủ trên thế giới cũng cần lên tiếng tiếp sức cho những Phạm Chí Dũng, Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi Văn Nam… để những Hoàng Chí Phong của Việt Nam không bị bức hại đàn áp trong đơn độc.
Có như thế mới hy vọng tuổi trẻ Việt Nam tiếp bước tuổi trẻ Hồng Kông
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 22/11/20198 (Gió Bấc's blog)