Ngoại giao quốc phòng trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm
Truyền thông trong nước và thế giới chú ý đến một loạt các hoạt động ngoại giao quốc phòng nổi bật của Việt Nam, trước chuyến thăm Trung Quốc từ 18 đến 20 tháng 8 này của tân Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm.
Ông Tô Lâm trong lần tiếp Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, tại Hà Nội, ngày 27/7/2024
Thứ nhất là việc Việt Nam nộp hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) [1].
Việc nộp hồ sơ này diễn ra trước thời điểm tân Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu, với số phiếu được cho là tuyệt đối, giữ cương vị là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 3/8/2024. Trình hồ sơ lên CLCS, Hà Nội không chỉ khẳng định quyền lợi của mình, mà còn tăng cường cơ sở pháp lý quốc tế đối với các yêu sách của mình ở Biển Đông. Điều này giúp phòng ngừa tranh chấp và bảo vệ lợi ích của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều quốc gia khác cũng đang yêu sách chủ quyền trong khu vực. Như đã biết, thời điểm nói trên cũng là lúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp qua đời (vào ngày 19/7). Xem vậy, để thấy, quyết định đối với động thái đối ngoại quan trọng này từ Hà Nội, lúc bấy giờ đã thuộc thẩm quyền của ông Tô Lâm, người được Bộ Chính trị phân công chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định [2].
Thứ hai là việc lần đầu tiên, Việt Nam và Philippines đã cùng nhau tập trận chung trên Biển Đông, liền kề sau Lễ tang của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trong một thông báo rằng, tàu CSB 8002 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 đã xuất phát hôm 30/7/2024 đưa đoàn công tác của Cảnh sát biển Việt Nam lên đường thăm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Hoạt động này có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Cũng trong chuyến thăm này, Cảnh sát biển Việt Nam cho biết tàu CSB 8002 sẽ luyện tập chung với tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ trên biển [3]. Việt Nam và Philippines trước đây đã có những hợp tác trên biển. Vào tháng trước, Hải quân Việt Nam đã tiếp đón Hải quân Philippines tại Đảo Song Tử Tây trong một loạt các hoạt động giao lưu hữu nghị thường niên. Vào tháng 9/2023, Việt Nam và Philippines cùng tham gia cuộc tập trận quân sự chung của các nước ASEAN tại Biển Nam Natuna của Indonesia.
Thứ ba là vào sáng ngày 6/8/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đón và hội đàm tại Hà Nội.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lần này làm sâu sắc hơn mối quan hệ mà Hà Nội và Tokyo thiết lập hồi năm ngoái là "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng Châu Á và trên thế giới" [4]. Dịp này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng quyết định cung cấp hai xe vận chuyển vật liệu đa năng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều hơn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tin tức cho biết thêm, đây là dự án đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng giữa hai nước, có hiệu lực từ năm 2021. Sau Việt Nam, Bộ trưởng Kihara thăm Campuchia ; chuyến thăm trùng với thời điểm Phnom Penh khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo do Trung Quốc tài trợ, bất chấp những lo ngại về môi trường và nguy cơ gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam [5].
Thứ tư là tại một phát biểu từ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao Lê Đình Tĩnh khi trả lời phỏng vấn "The Washington Post", Việt Nam đã gián tiếp thừa nhận việc cơi nới các đảo Trường Sa.
"Trung Quốc chưa cử tàu thách thức nỗ lực xây đảo của chúng tôi. Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh cho rằng, điều đó có thể thay đổi nếu căng thẳng trên quần đảo Trường Sa tiếp tục gia tăng", Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh cho biết. "Nếu Trung Quốc có động thái củng cố quyền kiểm soát đối với Bãi cạn Thomas, hiện là tâm điểm của tranh chấp nóng với Philippines, Việt Nam có thể phải đối mặt với áp lực từ trong nước và sẽ phải trở nên mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ các tiền đồn của mình ở Trường Sa", Thiếu tướng Nguyễn Hông Quân, từ Bộ Quốc phòng tuyên bố như vậy và khẳng định : "Chúng tôi có thể sẽ buộc phải hành động" [6]. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà phân tích quân sự từ Hà Nội cũng cho hay, bằng cách phát triển các tiền đồn này (diện tích nay đã tăng gấp 10 lần, theo "WP"), Việt Nam có thể triển khai thêm tàu và nhân sự tới Trường Sa, tăng cường sự hiện diện ở vùng biển tranh chấp. Theo ông Hợp, các tiền đồn có thể chứa hệ thống radar và vô tuyến phát hiện sự di chuyển của tàu Trung Quốc, thường tắt các thiết bị theo dõi vị trí hoặc "đi trong bóng tối" ở Biển Đông [7].
Thứ năm là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã đến Moskva tham gia Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế (Army 2024), dự khánh thành Đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tham gia bảo vệ Moskva thời kỳ 1941 – 1945, đồng thời hội đàm với người đồng cấp Nga.
Tại hội đàm, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, chuyến công tác lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng nhằm cụ thể hóa chủ trương làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống, "Đối tác chiến lược toàn diện" đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tháng 6/2024 [8]. Chuyến thăm của Đại tướng Phan Văn Giang được cho là nằm trong xung lực mới của sự hợp tác Việt – Nga. Bộ trưởng Giang nêu rõ tượng đài các chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam ở ngoại ô Moskva, cùng với Đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga – Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực tại tỉnh Khánh Hòa vừa là minh chứng của truyền thống lịch sử, vừa là biểu tượng cho những nỗ lực củng cố và làm sâu sắc quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước.
***
Theo Tạp chí The Diplomat, chuyến thăm chính thức Trung Quốc sang tuần sau diễn ra vào thời điểm cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã được xác nhận kế nhiệm người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam lâu năm Nguyễn Phú Trọng, qua đời ngày 19/7 ở tuổi 80. Chuyến công du sẽ diễn ra chưa đầy bốn tháng sau khi ông Lâm được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước Việt Nam. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Lâm có giữ chức Chủ tịch nước và Tổng bí thư cho đến Đại hội toàn quốc tiếp theo của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 1/2026 hay không, hay liệu một Chủ tịch nước khác sẽ được chọn trong những tháng tới ?
Theo Reuters, ông Lâm có thể từ bỏ chức vụ Chủ tịch nước khi Quốc hội họp phiên thường kỳ vào tháng 10. Kể từ khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước, ông Lâm đã đến thăm các nước láng giềng Lào và Campuchia, thường là điểm đến đầu tiên của các lãnh đạo mới nhậm chức ở Việt Nam. Nhưng chuyến thăm Trung Quốc sẽ là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi ông Lâm được Trung ương bầu làm Tổng bí thư đảng [9].
Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho Đảng cộng sản Việt Nam một số di sản gây nhiều tranh cãi [10]. Vào tháng 7/2015, ông Trọng thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ, và lần đầu tiên, một Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam được đón tiếp tại Nhà Trắng và hội đàm với Tổng thống Obama. Nhưng Tổng bí thư Trọng cũng được cho là người đã cản trở việc nâng cấp mối quan hệ đa chiều Mỹ – Việt lên "Đối tác chiến lược". Nhưng nghịch lý là về cuối đời, cũng chính ông lại chủ động thúc đẩy việc nâng vượt cấp mối bang giao ấy lên "Đối tác chiến lược toàn diện". Nghịch lý còn ở chỗ, ông làm điều đó trong khi Trung Quốc luôn luôn cảnh báo, mối bang giao Việt – Mỹ "không được ảnh hưởng đến chiến lược tổng thể của Hà Nội bởi những quan ngại cố hữu và mang tính cấu trúc" [11]. Liên quan đến các chiều kích khác trong chính trị đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trong quan hệ với với Trung Quốc, cố Tổng bí thư luôn cố gắng duy trì một trạng thái "cân bằng động". Sáng 8/12/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu trước các đại biểu Quốc hội Hà Nội tại các quận Ba Đình và Hoàn Kiếm (Hà Nội) : "Nếu để xẩy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức Đại hội Đảng được không ?" [12].
Trong các hoạt động ngoại giao quốc phòng nổi bật nói trên, có những quyết định Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm hoàn toàn có thể lùi lại sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc. Nhưng ông Tô Lâm đã không làm như vậy. Các quyết định vừa rồi của Ban bí thư do ông Tô Lâm cầm trịch liệu có đi ngược với nhận định của Phó Giáo sư Trương Minh Lượng, chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông tại Đại học Kỵ Nam (Quảng Châu) trên tờ "SCMP" ngày 26/7/2024 : "Không như căng thẳng gay gắt giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc đã xoay xở để hòa thuận mà không thổi phồng những khác biệt sâu sắc về vấn đề lãnh thổ… Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ khá thân thiện với Trung Quốc, ít nhất là bề ngoài. Nhưng đồng thời, mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Nga cũng đã được nâng lên mức độ chưa từng có" ? [13].
Trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, các hoạt động ngoại giao quốc phòng nổi bật của Việt Nam liệu có báo hiệu sự điều chỉnh trong chính sách đối với Trung Quốc, hay chỉ là "diễn" để tranh thủ dư luận trong nước và củng cố uy tín cá nhân trong tập thể Trung ương, nhằm chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu tại Đại hội XIV vào tháng 1/2026 ?
Nếu ông Tô Lâm thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh, hệ lụy và phản ứng từ quốc tế sẽ ra sao ?
Giữa sự quyết đoán và thận trọng, cách tiếp cận nào của Tô Đại tướng sẽ chiếm ưu thế ?
Nếu lập trường cứng rắn được thể hiện trong chuyến thăm tới đây (18 – 20/8), ý nghĩa chiến lược mới sẽ là gì ?
Trung Quốc liệu có tiếp tục chấp thuận khái niệm "tương lai chia sẻ", hay sẽ ép Việt Nam điều chỉnh sang một quy chế mới như "vận mệnh chung" hoặc "vận mệnh cùng chia sẻ" theo cách chuyển ngữ từ tiếng Trung ?
Cuối cùng, ảnh hưởng của chuyến thăm này đối với quan hệ Việt – Trung và tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam sẽ như thế nào ?
Các câu trả lời cho những vấn đề này hy vọng sẽ được soi rọi sau chuyến thăm của tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm.
Đinh Hoàng Thắng
Nguồn : VOA, 15/08/2024
Tham khảo :
[4] https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/bo-truong-quoc-phong-nhat-ban-cong-du-viet-nam-va-campuchia.html/amp
[6 & 7] https://www.washingtonpost.com/world/interactive/2024/vietnam-south-china-sea-islands-growth/
[10] https://www.voatiengviet.com/a/di-san-nguyen-phu-trong-/7704697.html
Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ tiếp tục di sản 'dở dang' của người tiền nhiệm thế nào ?
Ông Chủ tịch nước Tô Lâm được Đảng chọn làm Tổng bí thư bởi cương vị Bộ trưởng Công an quyền lực đảm trách an ninh bảo vệ chế độ. Điều này đã được dự đoán trước trong bối cảnh khủng hoảng kế vị. Người tiền nhiệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc dù tuổi cao sức yếu trong những năm tháng cuối đời nhưng vẫn không tìm được người kế vị "xứng đáng". Trong suốt cuộc đời hoạt động công tác Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có hơn 13 năm (từ tháng1/2011 đến 7/2024) ở cương vị người đứng đầu, ông đã nỗ lực thể hiện triết lý toàn trị vận hành dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành "đảng trị" kết hợp với "đức trị" với mong muốn xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh".
Tuy nhiên, "giữa đường đứt gánh" – vì bạo bệnh ông Nguyễn Phú Trọng đã qua đời ngày 19/7/2024 ở tuổi 80. Không ai có thể sống mãi để cai trị theo ý mình, cố Tổng bí thư Trọng ‘ra đi’ khi vẫn ấp ủ "còn nhiều việc phải làm", trong đó có hai di sản nổi cộm liên quan đến sự tồn vong chế độ. Đó là chống tham nhũng và bảo vệ tư tưởng đảng. Nhiều người dân đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng với truyền thống văn hóa trọng tình, đề cao lối sống cá nhân giản dị và nề nếp gia phong trong bối cảnh tham nhũng tràn lan và xuống cấp đạo đức xã hội. Đồng thời, nhiều người dân cũng băn khoăn liệu người kế vị ông Tô Lâm sẽ cai quản họ ra sao ? Và, trước mắt là tiếp tục những di sản của người tiền nhiệm thế nào ?
Loạt bài viết kỳ này lý giải bốn vấn đề chủ yếu sau :
Một là, vì sao khủng hoảng kế vị luôn diễn ra dưới chế độ toàn trị ;
Hai là, Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ bảo vệ chế độ "kiểu Putin" ? ;
Ba là, chống tham nhũng vẫn tiếp tục là công cụ lưỡng dụng : niềm tin dân chúng và thanh trừng phe phái ;
Bốn là, bảo vệ tư tưởng đảng trong bối cảnh tăng trưởng nhờ thị trường để đảm bảo tính chính danh.
Ông Tô Lâm bên linh cữu ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 25/7/2024 - AFP
I. Khủng hoảng kế vị - đặc tính của chế độ đảng toàn trị
Đối với các chế độ tập quyền cao khủng hoảng kế vị là một "lời nguyền", trong đó chế độ chính trị hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo "tuyệt đối và toàn diện", thậm chí trong trường hợp vận hành triết lý đảng trị và đức trị này cũng không là ngoại lệ, khủng hoảng kế vị là đặc tính chung, một hình thức biểu hiện tha hóa quyền lực. Thời phong kiến Việt Nam sự kế vị theo huyết thống, cha truyền con nối, vua "thế thiên hành đạo" và truyền ngôi cho con trai. Việc không có con trai hay người kế vị không "anh minh" thường dẫn chế độ đến suy vong và, thậm chí là sự kết thúc của triều đại đó. Lịch sử mười ba triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy điều này, hơn thế, những thời khắc kế vị luôn có ý nghĩa quan trọng với sự hưng vong của chế độ.
Chế độ Đảng cộng sản toàn trị được duy trì không chỉ bởi một hệ thống chính trị phức tạp, tinh vi, rộng khắp mà còn giữ tính tập quyền rất cao, chức vụ đứng đầu là tổng bí thư đảng, thường có quyền "tuyệt đối" dưới ông ấy là một Ban bí thư với các chức năng cai trị bao trùm các lĩnh vực với nòng cốt là Bộ Chính trị gồm dưới hai mươi người, trong đó "ngũ trụ" : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội và Thường trực Ban bí thư – nhân vật vị trí quan trọng thứ năm điều phối chương trình nghị sự và hoạt động của đảng. Kiểu tổ chức này về cơ bản là mô hình Liên Xô cũ có "cải tiến" cho phù hợp với đặc thù. Lịch sử tồn tại mô hình chính trị này chỉ ra sau sự cầm quyền suốt đời như J. Stalin (1924 -1953) hay L. Brezhnev (1964-82) là sự sùng bái cá nhân, sự khủng hoảng kế vị dẫn đến nguy cơ suy vong chế độ cộng sản.
Cải tiến bước ngoặt là sau khi lãnh tụ Đảng cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông quan đời 1976. Là người kế vị, Đặng Tiểu Bình, được cho là "tổng kiến trúc sư" của "cải cách và mở cửa", đã thực hiện sự thay đổi mang tính cách mạng "thầm lặng", thế chế hóa chuyển giao quyền lực theo các nguyên tắc giới hạn tuổi và hai nhiệm kỳ công tác không quá 10 năm ở một cương vị nhằm kiểm soát xu hướng tuyệt đối hóa quyền lực đảng và sự sùng bái cá nhân lãnh tụ. Bản thân ông Đặng đã "gương mẫu" thực hiện và, sau đó đã "buông rèm nhiếp chính" chỉ với cương vị "Chủ tịch Quân ủy Trung ương" (Lãnh tụ tối cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc). Sau Đặng là ba thế hệ chuyển giao quyền lực khá "êm thấm", Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình… Tuy nhiên, nguyên tắc nêu trên bị phá vỡ dưới thời Tập Cận Bình. Từ khi lên nắm quyền tổng bí thư đảng từ năm 2012, lúc 60 tuổi, đến nay ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba (2022 -2027). Hơn thế, ông ấy đã viết lại lịch sử và thay đổi hiến pháp để có thể tại vị suốt đời. Những giới hạn quyền lực đảng đã bị bãi bỏ, "cách mạng thầm lặng" do Đặng khởi xướng và thực thi, cũng như tư tưởng thực dụng của ông ấy đã kết thúc ?
Với chế độ chính trị tương đồng, Việt Nam đi theo con đường trên từ khi Đổi mới 1986. Từ đó đến nay, mặc dù có "trục trặc" ở nhiệm kỳ nào đó, nhưng việc chuyển giao quyền lực người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đã được thực hiện qua năm thế hệ lãnh đạo từ các cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng, nhân vật được chọn năm 2011 tại Đại hội 11 của Đảng cộng sản Việt Nam làm tổng bí thư dựa trên sự đồng thuận của nhiều bên trong nội bộ đảng, đã vận dụng "trường hợp đặc biệt" để vượt quy định của đảng để ở lại nhiệm kỳ thứ ba, nhưng chưa trọn… như đã nêu trên.
Theo quan sát của giới phân tích chính trị, có sự khác biệt rõ rệt giữa hai Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam về người kế vị. Ở Trung Quốc khi Tổng bí thư ở nhiệm kỳ công tác thứ hai thường phải "giới thiệu" với Đảng người kế vị. Việc quy hoạch này là khá công khai và được thực hiện đúng cho đến thời Tập. Trái lại, ở Việt Nam người kế vị luôn là "bất ngờ" không chỉ với dân mà với cả tất cả đảng viên cộng sản và, chỉ được quyết định ở "phút 89" trong Đại hội đảng toàn quốc. Đặc thù này cho thấy nhiều điều về quyền lực và kiểm soát quyền lực trong nội bộ đảng. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo luôn "tiềm ẩn" các phe phái, điển hình là sự tranh giành ưu thế giữa hai phe "phe đảng" và "phe chính phủ" trong nhiệm kỳ 2011-2016, khi đó cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp thách thức, đến mức "căng thẳng" trong Đại hội 12 năm 2016, để giữ quyền lực đảng trước nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng…
Như đã biết, ông Dũng chịu về làm "người tử tế" khi đã có những dàn xếp nội bộ trong bối cảnh cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không thực sự "làm chủ" mọi nhân sự của Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương khóa 12. Bài học này đã thúc đẩy ông Trọng quyết tâm theo đuổi và củng cố quyền lực tuyệt đối trong khóa 12. Một trong những cách làm trong sạch bộ máy nhà nước là loại trừ những đối tượng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ và chống tham nhũng, tập trung vào các quan chức chính phủ điều hành nền kinh tế, có "nhiều quyền và gần tiền", coi họ là nguồn cơn làm tổn hại sự thống nhất quyền lực đảng (xem mục III).
Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thâm niên cao nhất trong đảng về công tác chuyên trách đảng, là nhà lý luận của Đảng, được đào tạo khoa học chính trị ở Viện Khoa học xã hội trực thuộc Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô (AON), được nhắc đến như "bậc thầy" về các quy tắc đảng [1], là người trong các phát biểu ‘yêu thích’ trích dẫn câu nói của V. Lênin : "Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên" [2]… Dù khi ở vị trí đứng đầu đảng, nhưng "chiếc nhẫn thần quyền" [3] cũng không thể giúp ông ấy sống mãi để theo đuổi tham vọng của mình. Ông ấy đã "ra đi" và để lại những "ước mơ" về một "đảng – nhà nước trong sạch vững mạnh", về xã hội chủ nghĩa…, những di sản và dấu ấn, trong đó nổi bật hai chủ đề chống tham nhũng và tư tưởng đảng còn "dở dang"… Ngoài ra, do không "bồi dưỡng" được người kế vị "như ý" liệu thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục kế thừa những di sản của ông thế nào ? Trước hết, hãy xem chân dung người kế vị là ai và như thế nào trong bối cảnh duy trì chế độ đảng tập quyền.
Ông Tô Lâm viếng ông Nguyễn Phú Trọng hôm 25/7/2024 - AFP
II. Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ duy trì chế độ "kiểu Putin" ?
Không là người kế vị chính thức nhưng một số động thái thể hiện ban đầu của Tân Tổng bí thư Tô Lâm được quan sát với những sự kiện diễn ra đồng thời cho thấy ông ấy sẽ nỗ lực "kiểu Putin" để bảo vệ chế độ toàn trị.
Ngày 20/6/2024 với tư cách Chủ tịch nước, ông Tô Lâm chủ trì lễ long trọng đón chính thức Tổng thống Liên bang Nga V. Putin thăm cấp nhà nước tới Hà Nội theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc đó bệnh tình đã rất nặng). Tiếp theo, ngay sau khi nhậm chức Tổng bí thư đảng, ông Tô Lâm đã thể hiện quan điểm cầm quyền là phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc" [4]. Nguyên thủ quốc gia đầu tiên mà ông ấy điện đàm, được truyền thông trong và ngoài nước đưa tin rộng rãi, là Tổng thống Putin, trong đó nhấn mạnh rằng hai nước có mối quan hệ truyền thống hữu nghị và nay Nga có ‘tầm quan trọng chiến lược’ với Việt Nam [5].
Một cơ sở quan trọng cho nhận định trên là hai nhân vật Tô Lâm và Putin lên nắm quyền tối cao với xuất thân từ ngành an ninh. Một sự tương đồng thú vị có ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp cầm quyền của họ trong thời hiện tại và cung cấp cơ sở ngoại suy trong tương lai. Lưu ý rằng, dưới chế độ toàn trị hay chuyên chế (dictatorship) các lãnh tụ đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại. Hơn thế, hãy cùng xem xét một số sự kiện chủ yếu khi hai nhân vật này trong bối cảnh những ngày đầu tiên kế vị.
Trước tiên là câu chuyện tóm tắt về V. Putin ở nước Nga. Năm 1999 cố Tổng thống Nga Boris Eltsin đã nhiều lần cân nhắc người kế vị. Các ông Anatoly Chubais, Boris Nemtsov, Sergei Stepashin hoặc Nikolai Aksenenko – các chính trị gia quan trọng dưới quyền được B. Eltsin ‘để ý’ nhưng cuối cùng V. Putin đã được lựa chọn. Vì sao một cựu điệp viên KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia, tiếng Nga : Комитет государственной безопасности - KГБ) thay thế mình ?
Lý do quan trọng Putin được lựa chọn, ngoài những phẩm chất cần có ở người lãnh đạo, theo tiết lộ của ông chánh văn phòng Tổng thống Nga, Valentin Yumashev trong cuộc phỏng vấn với hãng BBC, rằng xuất thân từ KGB Putin cứng rắn đến ‘lạnh lùng’ để "sẵn sàng cho những nhiệm vụ khó khăn hơn" [6]. Còn điều không thể ‘tiết lộ’ nhưng ai cũng hiểu là Putin cam kết ‘bảo vệ’ cho gia đình Yeltsin sau khi rời chức vụ.
Tất cả những gì diễn ra sau đó với chế độ Putin như chúng ta đã chứng kiến. Khi trở thành tổng thống, ông ấy tập hợp xung quanh mình những người đồng hương từ St. Petersburg, điển hình là D. Medvedev để tạo thành bộ đôi cầm quyền suốt một phần ba thế kỷ. Ngoài ra, các đồng nghiệp an ninh từ KGB cũng được ưu tiên bố trí vào các vị trí chủ chốt trong guồng máy nhà nước, thay đổi luật pháp để có thể cai trị suốt đời… Trong tình huống khó khăn, chẳng hạn khi sa lầy trong cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, ông ấy đã biến nước Nga thành nhà nước cảnh sát (Police State) [7] đối địch với phương Tây.
Ở Việt Nam trong những năm tháng cuối đời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xảy ra những "diễn biến trời long đất lở trên chính trường Việt Nam" [8], trong đó Bộ Công an và cá nhân Bộ trưởng Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính trị đóng vai trò nổi bật. Điều này giúp ông giành quyền lực và thăng tiến nhanh trở thành chủ tịch nước và tân tổng bí thư. Trước hết, trong thời gian ngắn các lãnh đạo trong "ngũ trụ" bị mất chức :
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc "thôi giữ mọi chức vụ đảng, nhà nước và nghỉ hưu" vào ngày 17/1/2023.
- Sự kiện tương tự cũng xảy ra ngày 21/3/2024 đối với ông chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người lên thay ông Phúc.
- Với ông chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ mất chức vào ngày 2/5/2024.
- Tương tự với bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban bí thư, việc "từ nhiệm" xảy ra ngày 16/5/2024. Đảng không nêu rõ cụ thể lý do nhưng "suy đoán" có liên quan đến tham nhũng…
Hai là, "nhanh chóng kiện toàn" một số "ghế trống" trên của đảng và nhà nước, lần lượt theo thời gian thực, trong đó : ông Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phân công thay bà Trương Thị Mai làm thường trực Ban Bí thư ngày 16/5/2024 ; tất cả các nhân sự bổ sung vào Bộ Chính trị là từ các ban đảng ; tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13 ông Tô Lâm, được Đảng cử và Quốc hội bầu làm chủ tịch nước ngày 22/5, thay ông Võ Văn Thưởng mất chức…
Ba là, một số nhân vật thân tín với ông Tô Lâm từ ngành an ninh được đề bạt nhanh chóng vào các vị trị quan trọng trong bộ máy đảng như Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an, ngày 3/6/2024 "nhận quyết định" làm chánh văn phòng Trung ương Đảng ; ngày 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an, được bầu làm tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ khóa 13.
Bốn là, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư tại Hội nghị bất thường của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào sáng ngày 3/8/2024…
Những biến cố "long trời lở đất" chắc chắn không chỉ giới hạn trong danh sách trên và sẽ tiếp tục trong quá trình tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm theo đuổi quyền lực tuyệt đối để "kiện toàn" bộ máy lãnh đạo đảng. Mới đây, ngày 8/8 thiếu tướng Vũ Hồng Văn, người đồng hương của ông Tô Lâm, vừa được Bộ Chính trị điều động giữ chức phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương. Ông này nguyên là Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ thuộc Bộ Công an…
Chính thức khép lại thời cố Tổng bí thư Trọng, tân tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm cầm quyền và bắt đầu giai đoạn "khó lường" trên chính trường Việt Nam. Trong những tháng cuối đời điều trị bệnh của Tổng bí thư Trọng đã có những tin đồn rằng ông liệu ấy có thể đã bị tiếm quyền [9]. Giả sử như vậy thì việc "tiếm quyền" này là hệ quả tất yếu của quá trình tăng cường an ninh chế độ [10] mà nguồn gốc xuất phát từ "bài học từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu" trước đây [11]. Trong quá trình áp dụng kinh tế thị trường giới cầm quyền luôn "đề phòng" sự "tự chuyển hoá, tự diễn biến" trong nội bộ trước những ảnh hưởng của các giá trị tự do dân chủ phương Tây. Thể chế hoá, xây dựng và áp dụng các luật, như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Phòng thủ dân sự…, để tăng quyền lực cho an ninh đồng thời với bố trí ê-kíp lãnh đạo chủ chốt của hệ thống này từ cương vị cao nhất như tổng bí thư, chủ tịch nước và quá trình kiện toàn nhân sự đảng theo hướng "cảnh sát hóa" đang được nỗ lực thúc đẩy.
Với những "ưu thế" quyền lực rõ ràng thuộc về phái ‘công an’ như nêu trên, tân Tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã sẵn sàng thể hiện là lãnh đạo quyền lực "vô đối" trong đảng. Trong Hội nghị bất thường ngày 3/8/2024 ông ấy đã được bầu với số phiếu tuyệt đối 100% ! Cũng ngay tại Hội nghị này đã có 4 (bốn) ủy viên bị loại khỏi Ban chấp hành trung ương, đồng nghĩa với việc mất chức với những hình thức kỷ luật khác nhau sau này : phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Tài Nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh và hai Bí thư tỉnh ủy là là ông Nguyễn Xuân Ký của tỉnh Quảng Ninh và Chẩu Văn Lâm của tỉnh Tuyên Quang…
Quá trình thâu tóm quyền lực ban đầu đã diễn ra "thuận lợi" và việc củng cố sẽ tiếp tục cho đến và từ Đại hội 14. Tuy nhiên, cai trị nhờ bạo lực bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi không khi nào được coi là giải pháp bền vững, nhưng có tác dụng trong tình huống cấp bách để bảo vệ chế độ. Hệ thống chính trị chỉ có thể duy trì ổn định khi nó được thiết lập và vận hành để phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả. Nếu thất bại, nguy cơ về một nhà nước cảnh sát sẽ là một cảnh báo. Trước mắt, liệu ông Tô Lâm có thể đóng vai trò nhất thể hóa hai chức trong "tứ trụ" của chính trị Việt Nam, kéo dài cho đến khi nào vẫn "rào cản" trong bối cảnh nguyên tắc tập thể lãnh đạo, dựa vào "đồng thuận chung", về hình thức, vẫn còn dưới thời ông Trọng. Bởi vậy, câu hỏi lớn vẫn là liệu tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có thể cải cách thể chế lâu nay của Việt Nam hay không và thế nào ? Trong đó, những thách thức thực sự đối với ông ấy và ê-kíp, cả về đối nội và đối ngoại, đến từ các vấn đề hiện hữu trong giai đoạn thoái trào của chế độ [12] do tích tụ những mâu thuẫn giữa "thượng tầng" chính trị và "hạ tầng" kinh tế, trong đó chống tham nhũng và bảo vệ hệ tư tưởng đảng là hai di sản dở dang có liên quan mật thiết tới tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội…
Ông Tô Lâm và hàng ngũ lạnh đạo cộng sản Việt Nam viếng ông Nguyễn Phú Trọng hôm 25/7/2024 - AFP
III. Chống tham nhũng "tới cùng" là tới khi nào ?
Trong cuộc họp báo sau khi được Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng bầu giữ chức Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm nhấn mạnh : "Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng" [13] và khẳng định, thời gian tới, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được triển khai mạnh mẽ với phương châm, giải pháp như thời gian qua. Đảng khẳng định chống tham nhũng "tới cùng" nhưng công luận băn khoăn "tới cùng" là tới khi nào ?
Di sản chống tham nhũng của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể được khái quát :
Trước hết, thừa nhận thực trạng tham nhũng là nghiêm trọng, mang tính hệ thống và tinh thần "quyết tâm" chống tham nhũng. Giới lãnh đạo đảng thừa nhận rằng ‘tham nhũng quyền lực là dạng tham nhũng phổ biến nhất, ở nhiều tầng nấc nhất’ và "quyết tâm" dùng quyền lực đảng ở "đỉnh tháp" để chống tham nhũng quyền lực của hệ thống. Những diễn ngôn thể hiện quyền lực "đao to búa lớn" của các lãnh đạo được thấy trên ở nhiều nơi, trong các hội nghị đảng hay nghị trường quốc hội và được truyền thông nhà nước đưa tin. Chẳng hạn, nhân Kỳ họp ngày 23/4/2018 Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai, một tờ báo nhà nước đã giật tít "Chống tham nhũng tới cùng" [14]. Tuy nhiên, trong bài này không thể tìm thấy câu trả lời cho vấn đề chống tham nhũng "tới cùng" là tới khi nào ?
Hai là, những con số kết quả chống tham nhũng. Sau hơn 10 năm khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban vào tháng 2/2013 Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 năm 2021 Đảng đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Và "đột phá" trong năm cuối cùng cho đến khi ông Trọng qua đời vào tháng 7/2024, đã có 7 ủy viên Bộ Chính trị, và nhiều cán bộ cao cấp khác bị kỷ luật, cách chức, và thậm chí bị xử lý hình sự… Tuy nhiên, những con số chỉ là ‘phần nổi của tảng băng trôi’ mà phía chìm ở dưới là nhiều ‘cá bự’ không thế bắt được hoặc không được bắt vì những ‘bí mật cung đình.’
Ba là, công tác chống tham nhũng được viết thành sách, được tóm lược thành những điểm sau :
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức ;
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể", "không dám" tham nhũng ;
Thứ ba, kiên quyết xử lý tham nhũng không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ", không có "hạ cánh an toàn" ;
Thứ tư, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ;
Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành thanh tra, kiểm tra đảng có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu được giao ;
Thứ sáu, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người ta gọi đây là "Di sản lý luận nhìn từ công tác chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" [15].
Tuy nhiên, dường như lý luận đi trước "xa" thực tế, những sự kiện, hiện tượng, chứng cứ cho thấy trong bất cứ luận điểm nào nêu trên cũng thấy còn "dở dang".
Thí dụ, về nội dung thứ hai xây dựng, hoàn thiện thể chế chống tham nhũng có tầm quan trọng thiết yếu của nó là không bàn cãi, nhưng khi triển khai trong thực tế đã "bế tắc". Sau khi nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp nhận "thỏa thuận" về hưu làm "người tử tế", chiến dịch "đốt lò" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong phát động, được tăng cường. Học tập kinh nghiệm của Đảng cộng sản Trung Quốc, năm 2017 ông Trọng đã nhấn mạnh cần phải "nhốt quyền lực vào lồng thể chế" [16]. Theo tinh thần này, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (số ký hiệu : 36/2018/QH14) [17] được ban hành năm 2018 bởi Quốc hội Việt Nam khóa 14 đặt ra toàn bộ quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hoặc chưa được ban hành hoặc có nhiều khiếm khuyết khi áp dụng vào thực tế, chẳng hạn, về việc kê khai tài sản của quan chức. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là cơ chế Đảng đứng trên, lãnh đạo Nhà nước" đã hủy hoại nỗ lực xây dựng, cải cách thể chế pháp quyền theo hướng công khai minh bạch.
Công cuộc chống tham nhũng bởi Đảng cộng sản toàn trị ở Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi sẽ tiếp tục đứng trước những thách thức lớn bởi ba nghịch lý chủ yếu. Một là, việc mở cửa nền kinh tế, hội nhập với khu vực và thế giới để thu hút "ồ ạt" đầu tư nước ngoài và mở rộng thương mại đã thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Trong quá trình này với các thể chế "lỏng lẻo" tiền được luân chuyển rất nhiều và nhanh trong tầng lớp tinh hoa, các quan chức của chế độ, với sự kiểm soát quyền lực nội bộ kém hiệu quả khiến cho các trường hợp, vụ việc tham nhũng được nhân lên gấp bội và mang tính hệ thống.
Hai là, chống tham nhũng với phương châm "đập chuột nhưng không làm vỡ bình", nó không chỉ nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những mặt trái của việc mở cửa nền kinh tế với những khó khăn xây dựng thể chế pháp quyền mà Đảng còn phải đặt nhiệm vụ kiểm soát bộ máy chính trị, hạn chế sự thao túng hay chống đối của các đối thủ chính trị, mà theo thời gian mầm mống nguy cơ lớn dần và họ không bỏ lỡ cơ hội để khẳng định vị thế. Đây là lý do khiến tân Tổng bí thư Tô Lâm không thể không tiếp tục chiến dịch "đốt lò", thậm chí giới quan sát suy đoán rằng nó sẽ được tiến hành khốc liệt hơn, thực dụng và ít "đạo đức" hơn thời ông Trọng. Tuy nhiên, những hiệu ứng ngược đang rất mạnh, gây trì trệ trên diện rộng bộ máy hành chính và làm sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế do "gián đoạn, đứt gãy" các động lực thúc đẩy.
Ba là, chiến dịch chống tham nhũng được người dân ủng hộ. Đây cũng là lý do mà nhiều người dân kính trọng cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng đã "dũng cảm" đối diện với "giặc nội xâm", luôn thể hiện chống tham nhũng tới cùng. Họ tỏ ra "thích thú" khi biết có những quan chức cấp cao, những "con cá lớn" bị sa lưới, họ cũng có vẻ "hả hê" khi những chủ doanh nghiệp lớn, những nhà tư bản một thời bị coi là "kẻ bóc lột" bị phanh phui và bị bỏ tù.
Hiện nay đang lan truyền nhanh chóng tin đồn về cái chết "đột ngột" của ông Vũ Tiến Lộc [18], đương kim Đại biểu quốc hội khóa 15, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua đời không rõ nguyên nhân vào sáng 5/8/2024, được cho là có liên quan với tư cách "người môi giới hối lộ" cho một vị quan chức được cho là "trùm cuối" của các vụ đại án tham nhũng Việt Á và Vạn Thịnh Phát. Dư luận "háo hức" chờ đợi vụ việc được "đưa ra ánh sáng", mong muốn Đảng thực hiện cam kết chống tham nhũng "không vùng cấm" sao cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Điều đó chứng tỏ rằng Đảng, dù không có tính chính danh, nhưng "được tiếng" là bảo vệ nhân dân.
Tóm lại, tham nhũng đang hủy hoại chế độ, vì vậy chống tham nhũng không thể không tiếp tục. Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng khi người dân "đứng ngoài cuộc", như những khán giả "thưởng thức" những trận đấu, thậm chí "trò chơi vương quyền", không những chỉ phơi bày gót chân Asin của chế độ mà còn cho thấy không thể có câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi liệu chống tham nhũng đến cùng là đến khi nảo ?
Cội nguồn tham nhũng là do lỗi hệ thống. Bởi vậy, di sản dở dang này đang là gánh nặng không chỉ đối với cải cách chế độ mà còn đối với cá nhân Tổng bí thư Tô Lâm trong thời khắc chuyển giao quyền lực và những năm cầm quyền sắp tới.
Ông Tô Lâm trong chuyến công du Campuchia hôm 13/7/2024 - AFP
IV. Tân Tổng bí thư Tô Lâm bảo vệ tư tưởng của Đảng thế nào ?
Trong nỗ lực cứu Đảng cộng sản, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhân danh một chiến dịch chống tham nhũng nhằm cố gắng thay đổi bản chất con người thay vì thay đổi hệ thống chính trị đầy tham nhũng. Ngoài "đức trị" do ảnh hưởng của khổng giáo ông ấy kiên định vận dụng tư tưởng Mác – Lênin, trong đó đề cao chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa chuyên chế, vào công tác lãnh đạo đảng, bỏ qua các quy tắc và chuẩn mực vốn nhằm kiểm soát quyền lực, tái tập trung quyền lực đảng, lấn át phân quyền cho bộ máy hành chính, thanh trừng các nhà kỹ trị, quan chức chính phủ "tự chuyển hóa", đàn áp giới bất đồng chính kiến, xóa sổ xã hội dân sự và thúc đẩy sự trỗi dậy của ngành công an… Tất cả tạo nên hệ tư tưởng của đảng. Hệ tư tưởng đảng cung cấp cơ sở để lý giải nguyên nhân vì sao Đại tướng công an Tô Lâm, dù không phải là người kế vị chính thức, nhưng đã nhanh chóng và "suôn sẻ" thâu tóm quyền lực để trở thành lãnh đạo "vô đối", Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, ngay sau khi ông Trọng qua đời. Giờ đây, các nhà quan sát đang dõi theo ông Tô Lâm bảo vệ tư tưởng của Đảng thế nào ?
Trước hết, về nguyên lý và thực tế chỉ ra, hệ tư tưởng Đảng cộng sản Việt Nam là "bản sao", rõ nét nhất so với các nước dương ‘ngọn cờ xã hội chủ nghĩa’ như Cuba, Triều Tiên, Lào, Venezuela…, là từ mô hình Đảng cộng sản Trung Quốc. Về nguyên lý, cả hai đảng cầm quyền tương đồng, về cơ bản, hệ thống chính trị dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội, và có chút sự khác biệt là việc diễn giải nó trong bối cảnh lịch sử hay điều kiện đặc thù của mỗi nước. Chẳng hạn, ở Trung Quốc tư tưởng Mao Trạch Đông và ở Việt Nam tư tưởng Hồ Chí Minh được bổ sung thêm hay xã hội chủ nghĩa được xây dựng "mang bản sắc Trung Quốc" còn ở Việt Nam thì "định hướng xã hội chủ nghĩa"… Sự tương đồng này được làm sâu sắc hơn từ đầu những năm 2010 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền song hành với Tổng bí thư Tập Cận Bình, và có thể được nhận biết qua các hành động của mỗi đảng. Điển hình, ở bề nổi dễ quan sát, như chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" ở Trung Quốc thì ở Việt Nam là chiến dịch đốt lò và, ở phần chìm khó nhận biết hơn, như chủ trương, chính sách "an ninh chế độ" [19] được thiết kế và thực thi…
Việc vận dụng vào thực tế Việt Nam và tìm bản sắc dân tộc trong nỗ lực xây dựng cơ sở lý luận bởi cố Tổng bí thư Trọng cho hệ tư tưởng đảng cũng là "thành công". Tuy nhiên, thực tế vận hành, theo quan sát riêng, cho thấy triết lý thực dụng, được cho là của Đặng Tiểu Bình giúp Trung Quốc trỗi dậy nhanh và mạnh mẽ, kéo dài trong hơn 3 thập kỷ, trong khi đó việc vận dụng triết lý thực dụng vào môi trường "Đổi mới" ở Việt Nam dường như không được "đậm nét", thậm chí "sai lệch", trong đó vai trò của Đảng yếu dần trong khi Chính phủ có xu hướng mạnh lên, lấn át. Giai đoạn "trỗi dậy" ở Việt Nam ngắn hơn, nổi bật dưới thời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau đó "biến tướng" bắt đầu từ thời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo được chọn bởi thỏa hiệp phe phái trước Đại hội 11 năm 2011, đã nhận thấy và định danh là những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" kèm theo với nạn tham nhũng. Ông ấy đã nỗ lực giành lại quyền lãnh đạo tập trung của Đảng, trong đó tăng cường chống tham nhũng kết hợp thanh trừng phe phái và củng cố tư tưởng Đảng là hai mũi nhọn đột phá. Đó thực sự mang "dấu ấn" của ông Trọng và, những gì diễn ra từ đó cho đến nay… hình thành các di sản nhưng còn dở dang cho thế hệ lãnh đạo sau, khởi đầu là tân Tổng bí thư Tô Lâm.
Về nguyên lý, việc xây dựng và vận hành hệ tư tưởng đảng cộng sản là quá trình phức tạp, nhưng để làm sáng tỏ thì sự cần thiết phải có tiếp cận từ tính chất toàn trị của chế độ nói chung, từ khởi đầu của nó từ những thập niên đầu thế kỷ 20 dưới hình thức chế độ toàn trị kiểu phát xít Hitler ở Đức hay Mussolini ở Ý đến kiểu toàn trị Đảng cộng sản như mô hình Trung Quốc hiện nay. Giới nghiên cứu đã chỉ ra giữa chúng rất ít sự khác biệt, chủ nghĩa phát xít công khai tuyên bố theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cộng sản, trên lý thuyết, biểu dương chủ nghĩa quốc tế, nhưng trên thực tế, vẫn luôn luôn mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, cũng đều nhắm, trước hết, đến quyền lợi của quốc gia và dân tộc của họ. Và cả hai đều là những chế độ độc tài (cá nhân hay tập thể) vô cùng tàn bạo [20].
Khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ với chính sách cải cách và mở cửa đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và giới chính trị, trong đó bản chất toàn trị trong thực tế được phân tích nghiêm túc. Một trong những vấn đề được nêu ra là vì sao chủ nghĩa cộng sản sống thọ ở một số nước Đông Á mà Trung Quốc là điển hình ? Sau đây là một cách lý giải [21] :
Một là, chủ nghĩa cộng sản mặc dù ra đời từ giữa thế kỷ 19 nhưng vẫn có sức hấp dẫn với đa số người dân, kể cả giới trí thức, ở các nước kém phát triển, trong đó có Việt Nam, sau khi giành được độc lập từ chủ nghĩa thực dân, đế quốc vốn bị ác cảm, thậm chí là "căm thù" sau hàng trăm năm bị đô hộ. Họ tiếp cận với chủ nghĩa cộng sản như là một mô hình xây dựng nhà nước với sự hứa hẹn về tương lai thịnh vượng với "Tự do, Bình đẳng và Bác ái", trước hết là một nhà nước xã hội chủ nghĩa chu cấp cho mọi vấn đề từ y tế, giáo dục đến những nhu cầu cơ bản cá nhân như ăn, ở, mặc…
Hai là, mặc dù lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản của Các Mác còn nhiều "tranh cãi", nhưng khi áp dụng để phổ biến và tuyên truyền, đặc biệt với phương pháp luận biện chứng phức tạp, lại biến thành các câu trả lời khá đơn giản theo ý chí của nhà cầm quyền, cho các vấn đề bao gồm cả độc lập dân tộc, nạn đói, việc làm, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa… Sự nguỵ biện được thấy trong nhiều phạm trù như đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường, bóc lột sức lao động… Ở đây, nhiều giá trị thuộc chủ nghĩa tư bản, từng bị coi đối nghịch với chủ nghĩa xã hội, đã không hề được nói đến ;
Ba là, giới trí thức là thành phần xã hội chịu ảnh hưởng lớn nhất của chủ nghĩa Mác và, khi ở trong hệ thống chính trị họ trở thành giới tinh hoa vận dụng chúng để biến thành hệ tư tưởng đảng cộng sản, truyền bá và dẫn dắt hành động toàn trị và xây dựng và áp đặt một kiểu ý thức hệ cho toàn xã hội :
Bốn là, nho giáo, khổng giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa – xã hội của người dân, được cho là có "mối liên hệ đồng biến" với chủ nghĩa cộng sản". Điển hình là tư tưởng, giáo lý về mục tiêu và kết quả cuối cùng của một xã hội lý tưởng, trong con người được giải phóng khỏi các tham vọng, tư sản và các giá trị vật chất, được sống đúng với bản chất danh nghĩa con người (theo thuyết chính danh Khổng tử), hay đúng với tự nhiên hoàn bị (theo thuyết cộng sản của Mác). Trên cơ sở đó, "mọi cái đều là của chung, mọi người đều có quyền lợi, đều được chăm sóc".
Năm là, như một hệ quả, chủ nghĩa cộng sản được "chấp nhận, dù nó không phải là chủ nghĩa cộng sản". Xã hội cộng sản là thiên đường nhưng trong tương lai, trước mắt là thời kỳ quá độ, bỏ qua tư bản chủ nghĩa, tiến lên chủ nghĩa xã hội, giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Bởi vậy, mọi người hay chờ đợi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng…
Tuy nhiên, quá trình vận hành hệ tư tưởng đảng trong bối cảnh chuyển đổi thị trường đã chỉ ra thực tế không "bền vững" như thế. Thay thế công cụ kế hoạch hóa tập trung kinh tế thị trường đã khiến các quốc gia với chế độ Đảng cộng sản toàn trị tuân theo tính quy luật phát triển với chu kỳ thịnh suy : trỗi dậy, đỉnh cao và thoái trào. Mô hình Trung Quốc đang suy thoái với nhiều vấn đề thách thức và, Việt Nam cũng vậy. Giới cầm quyền đang bảo vệ tư tưởng đảng bằng cách tăng cường chuyên chế, bạo lực theo luật "Quân vương" - cuốn sách về bản chất của chế độ chính trị của Machiavelli [22] với sự tàn bạo của nhà cai trị "thà phụ người chứ không để người phụ ta", trong khi các nỗ lực "lãnh đạo trí tuệ và đạo đức" của Đảng như Gramsci [23] đề xuất "làm chủ văn hóa" thì ngày càng trở nên xa thực tế thị trường và kém thuyết phục bởi tha hóa quyền lực, tham nhũng.
Di sản là di sản, nhưng còn ‘dở dang’, nên sự sẽ thay đổi sẽ khó lường không chỉ tuỳ thuộc vào ý chỉ chủ quan của cá nhân lãnh tụ của chế độ. Một số yếu tố của tư tưởng đảng đang có xu hướng quay về quá khứ toàn trị "kiểu Mao", trong đó nổi bật là hai chủ lưu "chính trị ký ức" và "tôn giáo chính trị" được nỗ lực truyền bá phục vụ duy trì chế độ. Liệu có hy vọng tân Tổng bí thư Tô Lâm và những thế hệ kế tiếp sẽ thực dụng để cải cách hệ tư tưởng phục vụ cho sự phát triển đất nước khi đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của chế độ ?
Huỳnh Trần
Nguồn : RFA, 14/08/2024
Tham khảo :
[1] https://nghiencuuquocte.org/2021/03/10/con-duong-chinh-tri-cua-nguyen-phu-trong/
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Rings_of_Power
[5] https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-dien-dam-voi-tong-thong-nga-vladimir-putin-2309960.html ; https://www.voatiengviet.com/a/tan-tong-bi-thu-to-lam-dien-dam-voi-tong-thong-putin-nga-quan-trong-chien-luoc-viet-nam/7734849.html
[7] https://nghiencuuquocte.org/2022/08/10/nha-nuoc-canh-sat-moi-cua-putin/
[8] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2500v3220zo
[9] https://www.rfi.fr/vi/tạp-ch%C3%AD/tạp-ch%C3%AD-việt-nam/20240325-viet-nam-chu-tich-nuoc-bi-cach-chuc-tong-bi-thu-bi-tiem-quyen
[11] https://nhandan.vn/bai-hoc-tu-su-sup-do-cua-chu-nghia-xa-hoi-o-lien-xo-va-dong-au-post308642.html
[14] https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/Chong-tham-nhung-toi-cung-i47861/
[16] https://nhandan.vn/phai-nhot-quyen-luc-trong-long-the-che-post301366.html?ref=luatkhoa.com
[17] https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=206104
[18] https://plo.vn/dbqh-vu-tien-loc-nguyen-chu-tich-vcci-dot-ngot-qua-doi-post803702.html
[20] https://www.amazon.com/Intellectuals-Society-Thomas-Sowell/dp/0465025226
[21] https://www.luatkhoa.com/2020/02/vi-sao-chu-nghia-cong-san-song-tho-o-dong-a/
[22] https://nghiencuulichsu.com/2013/02/25/quan-vuong-machiavel/
Vì sao Tổng bí thư Tô Lâm muốn thành công cần loại bỏ các lãnh đạo tàn dư của Tổng Trọng ?
Trà My, Thoibao.de, 13/08/2024
Giới phân tích quốc tế cho rằng, sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm nhận chức vụ Tổng bí thư, nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam sẽ dần trở lại ổn định. Trái lại, chỉ vài giờ sau khi tân Tổng bí thư nhậm chức, 4 ủy viên Trung ương trong đó có 1 thành viên Ban Bí thư đã bị loại bỏ.
Ông Tô Lâm, bộ trưởng Công an, vào ghế chủ tịch nhà nước, Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn tất quá trình thay đổi chế độ từ độc tài "đảng trị" sang độc tài "công an trị - Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)
Đây là một điều "vô tiền, khoáng hậu" trong lịch sử của Đảng cầm quyền. Công luận cho rằng, đây là những chỉ dấu cho thấy, Tổng bí thư Tô Lâm sẽ "mượn gió" đốt lò của ông Trọng, để tiếp tục "bẻ măng" là các quan chức tham nhũng.
Vì lẽ đó, có thể nhận thấy, chính trường Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng, các cá nhân và phe cánh trong Đảng sẽ tìm mọi cách để thanh toán lẫn nhau. Với mục đích tối cao là giành bằng được chiếc ghế Tổng bí thư về phe cánh, dẫu rằng, tại thời điểm hiện tại, ông Tô Lâm vẫn đang làm chủ chính trường.
Theo giới phân tích, ông Tô Lâm có một lợi thế là kho tàng thư "nhúng chàm" của các quan chức cấp cao, từ ủy viên Trung ương trở lên. Bởi lẽ, một khi đã leo lên được chức vụ ủy viên Trung ương, thì gần như các quan chức đều đã nhúng chàm, không bê bối chuyện này thì cũng dính líu đến tham nhũng khác. Ngay cả Tổng Trọng trước đây, hay ông Tô Lâm cũng vậy !
Do đó, việc ông Tô Lâm thanh trừng các nhân sự không đồng tình với mình, chỉ là vấn đề muốn hay chưa mà thôi. Hơn ai hết, tân Tổng bí thư hiểu rất rõ thực trạng, trước khi được Ban Chấp hành Trung ương "suy tôn", giữ chức vụ người đứng đầu Đảng, với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối lên đến 100%. Đây là kết quả không có thật, nó chỉ phục vụ cho việc đánh bóng cho một nhân vật, bị đánh giá là "không đủ tư cách và phẩm chất đạo đức, để giữ cương vị người đứng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam".
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội Việt Nam tháng 10/2023, Ủy viên Bộ Chính trị – Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm nhận tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao thấp nhất, là minh chứng không thể bác bỏ.
Cổ nhân có câu "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", có nghĩa là bề ngoài của mỗi con người có thể thay đổi, tuy nhiên bản chất, tính cách thì mãi mãi vẫn giữ nguyên. Đó là lý do vì sao, đa số lãnh đạo cấp cao của Đảng tại thời điểm hiện nay, buộc phải phục tùng và không dám có biểu hiện phản đối tân Tổng bí thư. Nhưng chắc chắn, các thế lực "kình địch" của ông Tô Lâm cũng không ngồi yên chờ đến lượt bị xướng danh, không thể chờ tai họa ập xuống đầu họ.
Tất cả các thế lực đã và đang chống lại ông Tô Lâm từ trước tới nay, chắc chắn sẽ không thay đổi quan điểm, sẽ tiếp tục coi ông Tô Lâm là kẻ thù chung. Từ nay đến Đại hội Đảng 14 còn khoảng 16 tháng, không quá ngắn để các bên nỗ lực tối đa để lật ngược thế cờ.
Một khi cơ hội xuất hiện, chắc chắn họ sẽ chung tay "tiên hạ thủ vi cường", loại bỏ cái gai trong mắt. Nhất là khi, tân Tổng bí thư Tô Lâm là nhân vật ban lãnh đạo Bắc Kinh không ưa thích.
Giới phân tích khẳng định, nếu tân Tổng bí thư Tô Lâm muốn thành công trong việc nắm trọn quyền lực, như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, thì cần thay máu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 – một sản phẩm mang tàn dư của cố Tổng Trọng.
Để điều hành bộ máy Đảng và Nhà nước hoạt động hiệu quả, "nhất hô, bá ứng", ông Tô Lâm ngay lập tức phải loại bỏ các ủy viên Trung ương không ăn cánh.
Thực tế, nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, gồm toàn cánh hẩu của ông Trọng, thuộc phe Nghệ An, Hà Tĩnh, hay các nhân sự dùng tiền để mua ghế ủy viên Trung ương. Việc tân Tổng bí thư tuyên bố, tiếp tục kế thừa cuộc chiến chống tham nhũng, là phương cách cũng như công cụ đắc lực, để ông thanh trừng, "thay máu" nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Trà My
***************************
Từ cạnh tranh đến tranh cướp trong Đảng, di sản tệ hại của ông Nguyễn Phú Trọng !
Trần Chương, Thoibao.de, 13/08/2024
Nguyễn Phú Trọng đang và sẽ được bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chế độ cộng sản sơn phết thành huyền thoại. Hiện nay, nhiều trang mạng không chính thức, chuyên tuyên truyền cho Đảng, đang ghép Nguyễn Phú Trọng vào chung với ngôi đền thiêng của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Hiện nay, nhiều trang mạng không chính thức, chuyên tuyên truyền cho Đảng, đang ghép Nguyễn Phú Trọng vào chung với ngôi đền thiêng của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Việc xây dựng huyền thoại nhằm 3 mục đích : Thứ nhất là ru ngủ toàn dân ; thứ nhì là để Đảng an tâm nấp sau tấm bình phong được làm bằng các huyền thoại, để tha hồ chiếm đoạt lợi ích của người dân ; thứ ba là dùng làm thuốc giảm đau cho Đảng, mỗi khi nội bộ ra tay thanh trừng lẫn nhau.
Khi còn sống, ông Trọng đã nuôi lớn một kẻ "phản nghịch" như Tô Lâm, để giờ đây, Tô Lâm từng bước biến Đảng thành công cụ của ông. Có thể nói, Tô Lâm là sản phẩm tệ hại của ông Trọng, là cái họa lớn do ông Trọng tạo ra và để lại cho Đảng.
Về phương thức hành động trong cuộc chiến quyền lực, ông Trọng cũng làm đảo lộn tất cả.
Trước ông Trọng, các "đồng chí" trong Đảng không thuốc nhau đến chết một cách công khai và phổ biến như thời ông Trọng. Có thể kể ra những người đã bị thuốc chết, như, Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Nguyễn Chí Vịnh và Lê Văn Thành. Ông Trọng chết đi, để lại một Đảng cộng sản Việt Nam tàn ác hơn, không chỉ ác với dân, mà còn ác với nhau nhiều hơn trước.
Trước thời ông Trọng, các "đồng chí" trong Đảng chủ yếu là cạnh tranh, tranh đoạt các vị trí quyền lực, bằng tiền và quan hệ. Đến thời ông Trọng, người ta không từ bất cứ thủ đoạn nào để tranh cướp, kể cả "thuốc" lẫn nhau để đạt mục tiêu. Thời ông Trọng đã tạo ra tiền lệ này, và nó sẽ chỉ phát triển mạnh hơn, chứ không biến mất cùng với sự ra đi của ông.
Tô Lâm lên được Tổng bí thư, cũng là do tranh cướp. Ông đã đánh gục hết những đệ tử ruột của ông Trọng để ngoi lên. Ông Tô Lâm lên ngôi trong sự uất hận không biết bao nhiêu người. Và thực tế, cũng không phải ông lên ngôi bằng sự ủng hộ của đa số trong Trung ương Đảng và Ban Bí thư, cho dù số phiếu bầu cho ông là 100%.
Như thế, liệu Tô Lâm có nguyện ý trao quyền lại cho một người kế nhiệm hay không ? Hay là ông muốn độc chiếm chiếc ghế này, như là một ngai vàng cho gia tộc họ Tô ?
Luật chơi trong Đảng hậu Nguyễn Phú Trọng đã thay đổi, và chính ông Trọng là người đã tạo ra sự thay đổi tồi tệ này.
Rồi đây, những lãnh đạo Tuyên giáo cũng như người đứng đầu Bộ Thông tin Truyền thông cũng phải lựa cách ăn ở sao cho "phải đạo" với Tô Lâm. Không chỉ cần làm tốt cho Đảng, họ còn phải làm vừa lòng Tô Lâm, nếu không muốn bị "lên thớt". Chính vì thế, các cơ quan truyền thông của Đảng giờ đây phải chịu 1 cổ 2 tròng, ấy vậy mà họ vẫn phải hết lời ca tụng ông Trọng, thì có thể nói, đấy là nghịch lý.
Trước đây, các "đồng chí" trong Đảng tranh quyền thì còn có thể nói lý với nhau được. Nay các "đồng chí" chuyển sang tranh cướp, thì mọi lý lẽ là vô nghĩa, chỉ có sức mạnh mới quyết định. Ví dụ như trước đây, khi ông Trọng còn sống, ông Nguyễn Xuân Phúc đem "lá bùa" do Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác nhận, là "vợ con ông không liên quan đến Việt Á", để bảo đảm sự an toàn sau khi hạ cánh. Nhưng nay, "lá bùa : này đang bị Tô Lâm xem lại, rất có thể, Nguyễn Xuân Phúc sẽ bị cho xộ khám như Đinh La Thăng.
Quy luật ngầm trong Đảng đã thay đổi, nó có thể biến những thế lực từng làm mưa làm gió trên chính trường, giờ phải "rút cổ" chịu sai khiến. Đấy là di sản mà ông Trọng để lại, mặc dù người tạo ra luật chơi mới này là Tô Lâm. Bởi chính ông Trọng là người đã tạo ra một Tô Lâm như ngày hôm nay.
Trần Chương
***************************
Vì sao "vua trụ hạng" Phạm Minh Chính vẫn "thách thức" Tô Lâm ?
Thái Hà, Thoibao.de, 13/08/2024
Trong bóng đá, có những đội bóng luôn bị quần cho tơi tả, nhưng cuối cùng vẫn cứ trụ lại ở giải đấu. Một trong những nguyên nhân là cách tính toán chiến thuật, sao cho không bị ép đến mức phải rời giải. Có những đội bóng tưởng như phải xuống hạng, hết mùa này đến mùa khác, nhưng vẫn trụ hạng thành công, trong khi, những kẻ ngang hàng lại lần lượt rớt hạng. Những đội bóng như thế thường tặng danh hiệu "vua trụ hạng".
Ông Phạm Minh Chính có thể được xem là "vua trụ hạng", vì ông là một trong những nhân vật "Tứ trụ" được bầu chọn trong nhiệm kỳ này, giờ đây chỉ còn lại một mình ông.
Trong chính trường Việt Nam hiện nay, Phạm Minh Chính có thể được xem là một ông "vua trụ hạng", khi mà những nhân vật "Tứ trụ" được bầu chọn trong nhiệm kỳ này, giờ đây chỉ còn lại một mình ông. Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng bị ép phải rời ghế. Nguyễn Phú Trọng chết vì bệnh. Cuối cùng, chỉ còn lại một mình Thủ tướng là trụ lại cho tới hôm nay.
Để trở thành một "ông vua trụ hạng" trong "Tứ trụ", Phạm Minh Chính có những ưu thế mà người khác không có. Đó là, ông Chính từng làm việc trong ngành tình báo của Bộ Công an, nên ông am hiểu việc bảo mật, tính trước được những bước đi dự phòng, khiến cho Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm phải bó tay.
Không phải ông Chính trong sạch, ông cũng vấy bẩn như những quan chức khác. Đặc biệt, vụ AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang phơi ra trước bàn dân thiên hạ, nhưng Tô Lâm lại không làm gì được. Đấy mới là sự khác biệt của Phạm Minh Chính so với những nhân vật còn lại.
Đầu mối của vụ án AIC là bà Nhàn thì lại đang trốn rất an kỹ ở nước ngoài. Bà Nhàn được cho là đang ẩn nấp tại Đức – quốc gia rất cảnh giác Tô Lâm. Nếu ông Tô Lâm tung quân hành động, là sẽ bị nắm thóp. Xem như, Tô Lâm bất lực trước bà chủ AIC.
Để hạ gục Phạm Minh Chính, 2 năm qua, Tô Lâm đã tìm mọi cách, kể cả việc lặn lội qua tận Dubai để bắt Kế toán trưởng AIC, nhưng rồi, kết quả cũng là con số không tròn trĩnh. Bà Nhàn không hề dùng nhân sự AIC vào việc giao dịch với Phạm Minh Chính và các nhân vật cao cấp khác, mà bà dùng Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, Tổng cục 2 đến nay vẫn là thành trì bất khả xâm phạm, rất khó để Tô Lâm có thể làm được gì, dù đã nắm được chức Bí thư Quân ủy Trung ương.
Vừa lên ngôi, Tô Lâm đã trảm ngay Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, như là bước thăm dò, tìm đường đến nhà Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, cho dù ông Ký có bị bắt, bị điều tra, thì cũng khó mà khai thác được gì. Bởi với kỹ năng tình báo của Phạm Minh Chính, khó có thể để cho Nguyễn Xuân Ký nắm giữ bí mật của ông, cho dù ông Ký từng là tay hòm chìa khóa của ông Chính, ngay tại giai đoạn mà AIC của bà Nhàn trúng thầu Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Còn Phạm Minh Chính, thì thế độc tôn của Tô Lâm chưa thể vững bền. Thông thường, những kẻ "chết hụt" thì hay sống dai. Nếu ông Chính có thể chẳng hề hấn gì, sau bao nhiêu sóng gió chính trường, thì rất có thể, về sau, ông sẽ trở thành thế lực hùng mạnh.
Cho dù Tô Lâm nắm giữ được Bộ Công an, nhưng cả Bộ Chính trị chẳng ai ưa Tô Lâm. Hơn nữa, nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh đang bị Tô Lâm o ép. Họ là những nhóm mạnh và đang là nạn nhân của Tô Lâm. Nếu có cơ hội, các nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh – Thanh Hóa liên minh lại, thì lúc đó, Tô Lâm cũng không dễ đối phó.
Dù Phạm Minh Chính đã "ngửa bài", nhưng vẫn chưa thua ván nào, Tô Lâm phải làm sao để hạ được ông ? Xem ra, bài toán hạ bệ Phạm Minh Chính đang là bài toán khó giải nhất đối với Tô Lâm hiện nay.
Chính trường lắm thành phần, đâu phải ai cũng dễ để Tô Lâm bắt nạt, mà Phạm Minh Chính là một điển hình. Ông Chính đang là chướng ngại lớn nhất, để Tô Lâm chinh phục "chức vô địch" trên chính trường Việt Nam.
Thái Hà
***************************
Tiếp tục "đốt lò" – nhất cử lưỡng tiện cho tân Tổng bí thư
Quang Minh, Thoibao.de, 12/08/2024
Ngày 9/8, Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân bài bình luận "Việc đầu tiên của tân Tổng bí thư : "Thay máu" Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
Ông Tô Lâm khẳng định : "Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ"
Thoibao.de tóm lược và giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau :
Khi vừa trở thành tân Tổng bí thư, ông Tô Lâm khẳng định : "Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ", khiến nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục công cuộc "Đốt lò", là di sản của ông Nguyễn Phú Trọng.
Đánh giá này là đúng, nhưng chưa đầy đủ.
Đúng, vì một mặt, ông Tô Lâm cần tiếp tục việc chống tham nhũng, để khẳng định tính chính danh của người kế thừa ông Trọng. Đồng thời, trước vấn nạn tham nhũng trầm kha như hiện nay, với tư cách là người đứng đầu, ông ấy không thể thoái thác trách nhiệm phải chống tham nhũng.
Do đó, dù tâm ý thế nào, thì về phương diện hình thức, ông Tô Lâm không thể tuyên bố ngừng, hoặc giảm, mức độ chống tham nhũng.
Mặt khác, vị tân Tổng bí thư có "món nợ" cần phải thanh toán "sạch sẽ".
Tưởng nên nhắc lại. Dịp họp Hội nghị Trung ương 9 vào trung tuần tháng 5/2024, dù không muốn, ông Tô Lâm vẫn phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Thế nên, ông ấy cần có thuộc cấp thân tín ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, để bảo đảm sinh mạng chính trị của chính mình.
Theo đó, ông đã đề cử Thứ trưởng Bộ Công an là ông Lương Tam Quang, để bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Vì chỉ có Ủy viên Bộ Chính trị mới có thể được cử làm Bộ trưởng Bộ Công an.
Thế nhưng, khi bỏ phiếu thì ông Lương Tam Quang không đủ túc số phiếu bầu, để vào Bộ Chính trị. Buộc lòng, Bộ Công an phải làm một việc vô tiền khoáng hậu, là triệu tập Hội nghị Đảng ủy Trung ương Bộ Công an, gồm lãnh đạo từ 63 tỉnh thành, về họp tại Hà Nội, để đề cử Thứ trưởng Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Bộ Công an.
Trước sự đã rồi, ông Trọng, với cương vị Tổng bí thư, phải muối mặt chấp nhận gửi hồ sơ cho Quốc hội phê chuẩn chức Bộ trưởng Bộ Công an cho ông Lương Tam Quang. Theo đó, ông Lương Tam Quang trở thành Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên trong lịch sử Đảng cộng sản, mà không phải là Ủy viên Bộ Chính trị.
Sự việc đã qua, nhưng món nợ từ Hội nghị Trung ương 9 vẫn còn nguyên đó, với ít nhất đa số ủy viên đã công khai ra mặt "chống" lại yêu sách của Tô Lâm. Dĩ nhiên, món nợ nhục nhã này cần phải đòi thanh toán sạch sẽ !
Do đó, khi đã đạt tham vọng nắm giữ chức vụ Tổng bí thư, ông Tô Lâm có cơ hội để đòi thanh toán món nợ này đối với số uỷ viên Trung ương Đảng không ăn cánh, đồng thời, "thay máu" nhân sự, để bảo đảm một Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm toàn cánh hẩu, chấp nhận mọi chủ trương, chính sách ông ấy đưa ra. Vì ông ấy không thể điều hành Đảng suôn sẻ, nếu có một Ban Chấp hành Trung ương với đa số uỷ viên lúc nào cũng bác bỏ các yêu sách của Tổng bí thư.
Thế nên, tiếp tục chống tham nhũng là phương cách để ông Tô Lâm thanh trừng, và để "thay máu" trong nội bộ Đảng. Việc này khá đơn giản, bởi lẽ, leo cao đến uỷ viên Trung ương Đảng, hầu hết đều dính chàm, không bê bối tài chính thì cũng tham nhũng. Việc thanh trừng chỉ còn là thời gian.
Không chỉ thế, tiếp tục chính sách chống tham nhũng còn giúp khẳng định tính chính danh của Tô Lâm trong Đảng và trước công chúng. Thật là, nhất cử lưỡng tiện.
Bên cạnh đó, còn phải tính đến số "con nợ" của Tô Lâm. Họ cũng không thể ngây thơ đến độ, cứ ngồi yên chờ số phận đen đủi rớt xuống đầu mình. Tất cả họ đều xem Tô Lâm là kẻ thù. Khi có cơ hội trừ khử, thì sao lại họ lại không ra tay ?
Cho nên, chính trường xứ này sẽ chẳng còn những ngày yên ả, trái lại, vẫn còn tiếp tục nóng tanh mùi máu, trong những ngày sắp tới là điều khó tránh khỏi.
Quang Minh
***************************
Tổng bí thư Tô Lâm gia tăng củng cố thế lực : Vì sao phe Nghệ Tĩnh phải đề phòng ?
Trà My, Thoibao.de, 12/08/2024
Tại cuộc họp báo chiều 3/8, ngay sau khi được "suy tôn" làm Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã cam kết tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Trọng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu nhậm chức. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN
Cũng trong buổi chiều này, dưới sự chỉ đạo của tân Tổng bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất, đồng ý cho Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và 3 ủy viên Trung ương Đảng khác thôi chức, với lý do vi phạm những điều cấm mà đảng viên không được làm. Trước đó, 4 nhân sự này đã có đơn xin nghỉ.
Việc có đến 4 ủy viên Trung ương Đảng, gồm 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng và 2 Bí thư Tỉnh ủy, bị cho thôi chức ngay trong ngày Tô Tổng nhậm chức, là dấu hiệu cho thấy, công cuộc chống tham nhũng của tân Tổng bí thư sẽ không ngừng nghỉ. Đồng thời, đây cũng là một thông điệp mang tính răn đe, nhằm củng cố quyền lực của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm.
Giới phân tích đánh giá, bằng hành động "cắt tiết gà để dọa khỉ", ông Tô Lâm đã đạt được nhiều mục tiêu. Đó có thể là lời răn đe đối với những lãnh đạo trong Đảng, rằng, kể từ đây cho đến hết Đại hội 13, mọi quyền sinh sát trong nội bộ Đảng đều nằm trong tay tân Tổng bí thư, kể cả việc sắp xếp, bố trí lại nhân sự.
Nguồn tin nội bộ của thoibao.de tiết lộ, ông Tô Lâm sẽ dùng chính sách "cây gậy", mà không cần sử dụng củ cà rốt. Bất kỳ lãnh đạo ở cấp nào, chỉ cần có biểu hiện không đồng tình, hay chống đối Tổng bí thư và phe cánh, sẽ lập tức bị bắt giam, khởi tố, không thương tiếc.
Điều này khiến cho giới lãnh đạo Đảng, nhất là các ủy viên Trung ương, phải khiếp sợ. Kể từ sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Tổng bí thư, các thế lực của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại tướng Lương Cường, Phan Đình Trạc và phe cánh Nghệ Tĩnh… đều tỏ rõ sự "ngoan hiền".
Đây là thành công bước đầu của tân Tổng bí thư, nhưng quan trọng hơn, nó đã tạo ra một nỗi khiếp sợ "thường trực", bao trùm trong nội bộ lãnh đạo cấp cao. Điều đó đồng nghĩa với việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, cũng như "lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách" mà Đảng duy trì hàng chục năm nay, đã bị ông Tô Lâm chính thức xóa sổ.
Tuy nhiên, với sự khôn khéo và nhiều mưu mẹo, cộng với sự lọc lõi của một trùm an ninh, Tổng bí thư Tô Lâm đã tạo ra tính chính danh cho ông ta và phe cánh. Theo đó, nhìn từ bên ngoài, dư luận cảm thấy rằng, ông đang kế thừa công cuộc "đốt lò", vốn là di sản của Tổng Trọng. Từ đó, ông Tô Lâm có thể tiếp tục duy trì cuộc chiến thanh lọc các đối thủ bên trong Đảng, mà không cần e ngại. Trên cơ sở hồ sơ đã chuẩn bị sẵn, vấn đề là, Tô Tổng muốn đá ai, để giành ghế chia chác cho đàn em đệ tử.
Các thủ đoạn như vừa kể của Tô Lâm, khó có thể qua mắt được số đông người dân Việt Nam, vì Việt Nam là quốc gia có số người sử dụng internet thuộc hàng hàng đầu thế giới.
Dù tân Tổng bí thư tuyên bố chống tham nhũng "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", công luận vẫn nghi ngờ, và cho rằng, thực chất việc chống tham nhũng cũng chỉ là vũ khí, để Tô Lâm loại bỏ những người không theo ý mình.
Với quyền lực tuyệt đối, ông Tô Lâm có thể được so sánh với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Với mục đích đưa Việt Nam sang một trang sử mới, tân Tổng bí thư có thể sẽ đưa ra những quyết định thay đổi, kể cả loại bỏ các chính sách do Tổng Trọng để lại.
Một câu hỏi đặt ra là, Tô Tổng có áp dụng mô hình kiểu nước Nga của Tổng thống Putin, hay vẫn áp dụng kiểu Trung Quốc của ông Tập Cận Bình ?
Trà My
Một bài viết ngay sau khi được bầu vào chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy ông Tô Lâm đã hiện nguyên hình một người giáo điều, bảo thủ và hoài nghi trong "hợp tác quốc tế" với các nước.
Ông Tô Lâm, một Đại tướng Công an chuyên về an ninh nội bộ nghi ngờ cả các nước và tổ chức quốc tế có quan hệ với Việt Nam.
Trước hết ông cáo giác : "Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam".
Lời tố cáo này không mới vì chỉ "nói cho có" và "không trưng ra được bằng chứng cụ thể nào", giống hệt như những người tiền nhiệm.
Ông Tô Lâm, một Đại tướng Công an chuyên về an ninh nội bộ còn nghi ngờ cả các nước và tổ chức quốc tế có quan hệ với Việt Nam.
Ông nói bâng quơ rằng các lực lượng này đang : "Ráo riết tiến hành chiến lược "diễn biến hòa bình" với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc ; triệt để lợi dụng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để thâm nhập nội bộ, thúc đẩy các yếu tố "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong" (báo Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 04/08/2024).
Đây là "tố cáo" mạnh nhất của một tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước đối với các quốc gia có quan hệ ngoại giao và kinh tế với Việt Nam. Tuy nhiên, tướng Tô Lâm không dám chỉ đích danh nước nào đã thực hiện kế hoạch "diễn biền hòa bình" chống Đảng cộng sản Việt Nam.
Đáng chú ý là trong tuyên bố này, ông Tô Lâm còn cáo buộc nước ngoài đã "thúc đẩy các yếu tố "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong".
Nên biết "các yếu tố" của tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" đã và đang xẩy ra trong nội bộ Đảng, Công an và Quân đội. Lý do của xoay chiều này là do chính đảng viên đã quay lưng chống lại Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cầm quyền của đảng.
Những đảng viên "chệch hướng" này cho rằng chủ nghĩa cộng sản không đem lại cơm no áo ấm và thịnh vượng cho đất nước. Họ đã trưng dẫn thất bại và tan rã của Nga và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu từ 1988 đến 1991 cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời.
Tìm tòi cái không có
Vậy mà, ông Tổng bí thư Tô Lâm vẫn tiếp tục "Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… và không ngừng tìm tòi, mở ra triển vọng mới to lớn để phát triển con người và xã hội".
Nhưng tìm tòi cái gì ? Chính ông cựu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói : "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" (24/10/2013).
Thế là ông Tô Lâm lôi dân ra làm "bình phong" che đậy thất bại của đảng trong cống tác "xây dựng, chỉnh đốn đảng vá chống tham nhũng".
Ông nói huyên thuyên : "Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc", "nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới" ; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu ; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau".
Ông còn rêu rao chủ trương được gọi là "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo".
Đúng ra là "của Đảng, do Đảng và vì Đảng". Nhân dân chỉ là "hình nộm" của chiêu bài mỵ dân, cầu tài. Nhân dân cũng chỉ là cái bóng mờ sau lưng đảng, không làm gì có chuyện "quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân", hay như câu tuyên truyền "cán bộ đi trước, làng nước theo sau". Có chăng là "cán bộ ăn trước, làng nước theo sau hốt rác".
Chỉnh đốn mệt nghỉ
Cuối cùng, Tổng bí thư Tô Lâm lại ca bài "xây dựng, chỉnh đốn đảng" và "chống tham nhũng" với lời hứa : "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng với phương châm "không ngừng", "không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai".
Nhân dân đã nghe những lới hứa tương tự từ miệng các Tổng bí thư tiền nhiệm, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng. Cũng chính ông Trọng từng than phiền chống nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu vì "những kẻ tham nhũng cứ trơ ra".
Dù vậy, thêm lần nữa, ông Tô Lâm vẫn hứa bừa "xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh".
10 căn bệnh nghiêm trọng
Cả hai tiêu chuẩn "đạo dức" và "văn minh" đã được nói nhiều trong nhiều năm, nhưng thực tế của tình hình suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là thành phần lãnh đạo, đã làm cho đảng mất uy tín trong nhân dân và lạc hậu hơn bao giờ hết.
Đáng chú ý là trong khi Tổng bí thư Tô Lâm "say sưa" với bài viết để giới thiệu mình thì báo điện tử của Trung ương đảng đã nêu ra công khái 10 chứng bệnh "chữa hoài không hết" của cán bộ, đảng viên.
Đó là các chứng bệnh : Quan liêu, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, tham danh, trục lợi, địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại.
Ngoài ra còn có bệnh cận thị : "Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chút những việc vụn vặt".
Cuối cùng là 3 chứng bệnh : Tỵ nạnh xu nịnh a dua : "Những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi".
Thêm vào đó là "bệnh kéo bè kéo cánh : Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người ta xuống".
Với 10 chứng bệnh nghiêm trọng do ông Nguyễn Phú Trọng để lại, liệu tân Tổng bí thư Tô Lâm có khả năng "thanh toán", hay ông cũng sẽ bị "các thế lực nội thù" đánh gục như bao nhiêu người đi trước ?
Phạm Trần
(13/08/2024)
Quyền lực cá nhân tân tổng bí thư không làm thay đổi "ngoại giao cây tre"
Chính sách phi liên kết không phải là hoàn toàn mới nhưng được cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong "ngoại giao cây tre". Một "di sản" được ông cố vun đắp từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (14/12/2021) và được coi là một "trường phái đối ngoại" của Việt Nam.
Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tiếp phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/07/2024. AFP – Nhac Nguyen
Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà tại Singapore, trong một bài viết đăng ngày 24/10/2023 trên trang Fulcrum (1), nhận định "mặc dù thiếu nội dung thực chất, nhưng khái niệm "ngoại giao tre Việt Nam" đã phát triển song song với sự trỗi dậy về mặt chính trị của ông Trọng khi ông củng cố vị trí nổi bật trong hệ thống lãnh đạo tập thể của Việt Nam trong những năm gần đây. Sự trỗi dậy về mặt chính trị của ông cũng phụ thuộc vào cơ may địa-chính trị của Việt Nam, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều cạnh tranh để kéo Việt Nam về phía họ. Người ta có thể lập luận rằng "ngoại giao cây tre" của ông Trọng xuất phát từ sự tình cờ về mặt địa chính trị của Việt Nam hơn là từ sự đổi mới chính sách".
Còn trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày 06/06/2024, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý "khái niệm ("ngoại giao cây tre") là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà đảng cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện với những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước" (2). Tuy nhiên, sau 14 năm, đảng cộng sản Việt Nam có tổng bí thư mới. Đại tướng Tô Lâm, nguyên bộ trưởng Công An, trở thành người quyền lực nhất Việt Nam khi lần lượt giữ chức chủ tịch nước và tổng bí thư, ít nhất cho đến Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIV, dự kiến diễn ra vào tháng 01/2026.
Di sản "ngoại giao cây tre" sẽ được tiếp tục như thế nào ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nghiên cứu sinh Vũ Khang, chuyên về an ninh Đông Á, trường Đại học Boston (Boston Collegue), Hoa Kỳ.
RFI : Đảng cộng sản Việt Nam bước sang trang mới sau 14 năm lãnh đạo của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ có thay đổi như thế nào với sự kiện này ? Chiến lược "ngoại giao cây tre" sẽ vẫn được tiếp tục ?
Vũ Khang : Chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không có thay đổi gì dưới thời của tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm vì có hai lý do chính.
Thứ nhất, ngoại giao Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có mục tiêu đầu tiên, đó chính là kiềm chế và trấn an được Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc vẫn đang ổn định nên Việt Nam không có nhu cầu để phải có những thay đổi lớn trong ngoại giao. Nếu Việt Nam có những hành động thay đổi lớn trong chính sách "ngoại giao cây tre", nhất là Việt Nam muốn mở rộng quan hệ ngoại giao đối với những nước "thù địch" với Trung Quốc thì điều đó có thể khiến Trung Quốc phật lòng. Và trong trường hợp đấy, Việt Nam sẽ phải hứng chịu những đáp trả không cần thiết từ Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp hiện nay, Việt Nam với Trung Quốc hoàn toàn không có những lý do gì để hạ quan hệ ngoại giao song phương. Cho nên Hà Nội không có lý do gì để mà thay đổi đường lối "ngoại giao cây tre" hiện giờ.
Lý do thứ hai, chính sách đối ngoại của Việt Nam từ xưa đến nay vẫn do Bộ Chính trị quyết định chứ không phải là do một cá nhân, bất kể cá nhân đấy có là tổng bí thư hay là chủ tịch nước đi chăng nữa. Cần phải hiểu rõ là chính mô hình của Bộ Chính trị này tạo điều kiện cho một tập thể lãnh đạo, ra quyết sách, quyết định của đất nước, chứ không phải là một cá nhân. Cho nên, chừng nào các thành viên còn lại trong Bộ Chính trị không muốn thay đổi đường lối chính sách "ngoại giao cây tre" hiện giờ thì việc thay đổi nhà lãnh đạo cấp cao nhất là tổng bí thư cũng sẽ không có tác động lớn đối với đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam.
RFI : Như anh vừa nêu phần nào, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm hiện giờ là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam nhưng dường như lại không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, điều này có thác động như thế nào đến ngoại giao của Việt Nam, đặc biệt là với Trung Quốc và Hoa Kỳ ?
Vũ Khang : Thực ra kinh nghiệm đối ngoại không quá quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay. Nhất là khi các quyết sách ngoại giao của Việt Nam được thông qua bởi Bộ Chính trị chứ không phải một cá nhân. Tóm lại, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm có thể không có kinh nghiệm ngoại giao nhiều như những người tiền nhiệm nhưng không có nghĩa là những người đồng chí ở trong Bộ Chính trị hoặc những nhà hoạch định chính sách dưới quyền của ông Tô Lâm trong nước cũng không có kinh nghiệm ngoại giao nào cả.
Có thể hình dung ra rằng ông Tô Lâm như là một người đại diện lớn nhất cho chính sách đối ngoại của Việt Nam chứ ông cũng chỉ là một nhân tố quyết định chính sách đối ngoại. Cho nên kinh nghiệm ngoại giao của ông Tô Lâm, mặc dù về tương lai sẽ quan trọng, nhưng hiện giờ trong bối cảnh Việt Nam đang có sự thay đổi lớn về thượng tầng lãnh đạo, thì kinh nghiệm ngoại giao không phải là ưu tiên quan trọng nhất lúc này. Và cần phải nhấn rõ rằng kinh nghiệm ngoại giao cần phải được đúc kết về lâu về dài. Nhiều nhà lãnh đạo, kể cả những tổng thống của Mỹ hay những nước phương Tây khác, khi họ lên chưa chắc họ cũng đã có kinh nghiệm ngoại giao. Nhưng trải qua những lần công tác hay là những cuộc gặp quốc tế, họ dần trở nên bạo dạn hơn và có những tiếp xúc giúp cho họ có thêm kinh nghiệm để đối đáp với những đối tác nước ngoài.
Điểm tiếp theo, đó là về mặt quan điểm chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Việt Nam không thay đổi, cho nên đấy mới là điều mà Mỹ với Trung Quốc muốn nghe nhất thời điểm này, hơn là kinh nghiệm ngoại giao của ông Tô Lâm. Bởi vì thực ra Mỹ với Trung Quốc đều hiểu rằng là chừng nào Việt Nam còn duy trì một vị trí trung lập, kinh nghiệm ngoại giao của người đứng đầu hệ thống đảng và nhà nước không quá là quan trọng.
RFI : Với nhiều nước Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là Đức và Slovakia, khủng hoảng ngoại giao liên quan vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin cũng như là những vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, có còn là rào cản trong mối liên hệ với nhà lãnh đạo quyền lực nhất hiện nay không ?
Vũ Khang : Các nước phương Tây vẫn giương cao ngọn cờ dân chủ, nhân quyền khi có những trao đổi qua lại với chính quyền Việt Nam. Đây cũng là một cách để họ có thể ép Việt Nam phải có những nhượng bộ về ngoại giao. Họ có thể sử dụng những lá bài này để lên án Việt Nam trên trường quốc tế nhằm làm tổn hại uy tín của Việt Nam. Tuy vậy, việc sử dụng ngọn cờ dân chủ, nhân quyền cũng chỉ là một trong rất nhiều phương thức để phương Tây bảo vệ quyền lợi của họ trong quan hệ với Việt Nam.
Chính việc dân chủ, nhân quyền cũng chỉ là một trong nhiều phương thức tạo điều kiện cho phương Tây. Đôi khi họ đặt những quyền lợi cốt lõi của họ, quyền lợi về kinh tế hoặc là quyền lợi về chính trị, lên trên cả những giá trị phổ quát về dân chủ, nhân quyền. Đơn cử Mỹ chẳng hạn, trong quá khứ, Mỹ cũng đã rất nhiều lần cho thấy là họ cũng không ngần ngại hợp tác, tăng cường quan hệ với nhà nước độc đảng nếu các nhà nước độc đảng đó có chung lợi ích với Mỹ.
Và chính Liên Hiệp Châu Âu cũng đã đánh tín hiệu với chính quyền của tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm là họ coi trọng, muốn hợp tác với chính quyền mới của ông khi phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell đã đến Việt Nam và dự lễ tang của cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi dự lễ tang, ông đã có cuộc gặp với ông Tô Lâm. Chính cuộc gặp với một nhà lãnh đạo mới của Việt Nam cũng khẳng định rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng không muốn những hiểu lầm, những sự kiện trong quá khứ làm tổn hại mối quan hệ giữa EU và nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.
Cần phải nói rõ vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng đi lên, nhất là khi Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến những nước "bớt thù nghịch hơn" như Việt Nam. Trong hoàn cảnh này, chính Liên Hiệp Châu Âu cũng không có lý do gì để một chuyện trong quá khứ hoặc những vấn đề dân chủ, nhân quyền làm tổn hại tương lai, lợi ích của họ khi chính họ cũng nhìn ra được rằng mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam đang là xu thế toàn cầu và đang là một xu thế có lợi cho kinh tế của phương Tây.
RFI : Mới đây, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã điện đàm với tổng thống Nga và hai bên khẳng định về mối quan hệ song phương. Trong thời gian tới, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga sẽ đi theo hướng như nào ?
Vũ Khang : Trước khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, vào tháng 07/2024, ông Tô Lâm đã là người đại diện cho chính quyền Việt Nam đón tổng thống Nga Vladimir Putin. Việc Nga gửi lời trao đổi với ông Tô Lâm trong tuần vừa rồi (ngày 08/08/2024) về việc Việt Nam và Nga muốn tăng cường quan hệ ngoại giao, thực ra không có gì là mới hay bất ngờ bởi vì từ xưa đến nay, chính sách đối ngoại của Nga luôn luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác Châu Á quan trọng song song với Ấn Độ khi mà Nga và Việt Nam có mối quan hệ quân sự từ rất lâu và quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ gặp phải khủng hoảng đến mức trầm trọng như quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ hoặc với Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh Việt Nam cũng nhận thấy rằng "ngoại giao cây tre" cần phải được liên tục phát triển và nhấn mạnh, thông qua việc Việt Nam tăng cường quan hệ với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga, việc Việt Nam và Nga có cuộc điện đàm để tái khẳng định chuyến thăm của ông Putin đến Hà Nội là một điều rất bình thường và cũng là một điều nằm trong chính sách đối ngoại "ngoại giao cây tre" của Việt Nam. Sự kiện đó cũng muốn tái khẳng định rằng chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam dưới thời tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm sẽ không có gì thay đổi so với thời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Vũ Khang, trường Đại học Boston, Hoa Kỳ.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 12/08/2024
*******
(1) Nguyen Phu Trong’s ‘Bamboo Diplomacy’: Legacy in the Making?
(2) Trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam" trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Việc có đến 4 ủy viên Trung ương Đảng bị cho thôi chức ngay trong ngày ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư vừa là dấu hiệu cho thấy công cuộc chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ, vừa là động thái răn đe để củng cố quyền lực của ông Lâm, các nhà quan sát chính trị nói với VOA.
Bốn ủy viên trung ương Đảng mất chức trong buổi chiều sau khi Trung ương Đảng bầu ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư vào sáng ngày 3/8
Các ủy viên Trung ương phải ra đi gồm có Phó thủ tướng Lê Minh Khái đồng thời cũng là Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Bí thư Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm.
Thông cáo được Trung ương Đảng phát đi sau hội nghị toàn thể hôm 3/8 cho biết bốn vị này ‘có một số vi phạm’ theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương nhưng không nói rõ là vi phạm gì.
Trước đó trong ngày, hội nghị Trung ương Đảng đã bỏ phiếu với tỷ lệ tuyệt đối là 100% để ‘suy tôn’ ông Tô Lâm, chủ tịch nước, lên làm người lãnh đạo tối cao của Đảng thay cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin.
Tại cuộc họp báo ngay sau đó, tân Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục công tác phòng, chống tham nhũng một cách mạnh mẽ với phương châm như cũ là ‘không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai’.
‘Cờ đến tay là phất’
Việc một loạt ủy viên trung ương phải ra đi ngay ngày Tổng bí thư mới lên nắm quyền là điều chưa từng thấy trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quang A, nhà quan sát chính trị ở Hà Nội, nó cho thấy ông Tô Lâm ‘cờ đến tay là phất, và phất một cách rất quyết liệt’.
"Nó có thể là lời răn đe đối với những người khác rằng từ nay cho đến Đại hội 14 thì việc sắp xếp lại nhân sự nằm trong tay tổng bí thư mới", ông nhận định.
Theo ông A thì động thái này ‘chắc chắn có tác dụng làm cho các ủy viên trung ương phải sợ ông Tô Lâm’. Ông dẫn ra việc mặc dù 4 ủy viên trung ương buổi chiều bị mất chức nhưng buổi sáng hôm đó vẫn cùng toàn thể Trung ương Đảng bỏ phiếu 100% cho ông Tô Lâm.
Ông A cho rằng đây là ‘điều kỳ lạ’ và nó ‘cho thấy sự kinh sợ của các ủy viên trung ương’ trước ông Tô Lâm.
Tuy nhiên, nhìn bên ngoài thì nó lại gửi thông điệp về cuộc chiến chống tham nhũng vốn là di sản mang dấu ấn của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng theo lời của nhà quan sát này.
"Thông điệp là công cuộc đốt lò vẫn tiếp tục, bởi có những người và những vụ việc đã khởi động từ thời ông Trọng chủ trì công việc chống tham nhũng, nhiều hồ sơ đã có sẵn rồi thì những việc đấy vẫn được tiếp tục", ông A nói và cho rằng việc này có tác dụng tuyên truyền rất lớn đối với người dân.
Nhưng việc Đảng không công bố vi phạm của 4 ủy viên trung ương bị mất chức lại ‘không hề làm cho người dân tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng của tổng bí thư mới’. "Người dân sẽ cho rằng các ông ấy đang đánh nhau", ông nói thêm.
Theo lời nhà quan sát này thì ‘do chế độ độc tài sinh ra tham nhũng và không thể chống tham nhũng’ nên có lý do để tin rằng việc chống tham nhũng ‘là để loại bỏ những người không theo ý mình’.
‘Củng cố quyền lực’
Từ thủ đô Washington D.C., Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà bất đồng chính kiến, nhận định rằng đây là động thái ‘củng cố quyền lực’ của ông Tô Lâm.
"Làm việc bao giờ cũng phải có ê-kíp. Ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư, chủ tịch nước thì cần phải có ê-kíp của riêng mình. Những người nào không hợp với ông hoặc thuộc phe đối lập với ông ấy thì đây là thời điểm ông ấy phải thanh trừng để củng cố quyền lực cho chính mình", ông Quân nói.
Ông lưu ý việc báo chí Việt Nam dùng từ ‘suy tôn’ để mô tả việc ông Tô Lâm được Trung ương Đảng bầu lên làm tổng bí thư với số phiếu được cho là tuyệt đối.
Về việc Đảng ra thông báo kỷ luật ngay ngày ông Tô Lâm lên nắm quyền, ông Quân phân tích : "Nó củng cố quyền lực ngay lập tức, củng cố quyền lực một cách quyết liệt, và đưa ra một thông điệp là sẵn sàng xử lý bất cứ đối tượng nào".
Về thông điệp chống tham nhũng qua động thái trên, luật sư này cũng cho rằng thông điệp chống tham nhũng của ông Tô Lâm ‘là công khai, rõ ràng và mạnh mẽ là ông ấy sẽ đi theo đường hướng của ông Nguyễn Phú Trọng’.
Tuy nhiên, ông nhắc lại việc ông Tô Lâm trong suốt quá trình đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng đã triệt hạ các đối thủ để bây giờ ‘đường ông ấy rộng thênh thang để ông ấy tiếp tục bước lên vị trí cao hơn’.
"Bây giờ dân chúng đã nhìn rất rõ, họ thấy không phải kỷ luật là chống tham nhũng mà chỉ là cái cớ mà thôi, cái cớ để người ta triệt hạ lẫn nhau nhằm củng cố quyền lực".
Nguồn : VOA, 10/08/2024
Sau khi trúng cử chức Chủ tịch nước vào ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm tiếp tục được toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tín nhiệm để đảm nhận vai trò Tổng bí thư vào ngày 3/8/2024.
Ông Tô Lâm tiếp tục được toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tín nhiệm để đảm nhận vai trò Tổng bí thư vào ngày 3/8/2024.
So với ông Võ Văn Thưởng [1] khi trúng cử Chủ tịch nước với tỉ lệ 98,38%, ông Tô Lâm vượt lên theo tỉ lệ 99,97%. So với cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng [2], khi được tín nhiệm chức Chủ tịch nước chiếm tỉ lệ 99,97%, ông Tô Lâm đạt mức 100%.
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, tân Tổng bí thư kiêm tân Chủ tịch nước Tô Lâm là người đầu tiên và duy nhứt đạt được sự tín nhiệm đến mức tuyệt đối.
Trong hai vai trò mới, ông Tô Lâm đã nhận được lời chúc mừng của nhiều quốc gia. Trong các nước, giới quan sát nhận thấy có hai quốc gia "đang khó ở với nhau" vì chiến cuộc Nga - Ukraine, đó là Hoa Kỳ và Nga, họ đều gởi lời chúc mừng. Báo Tuổi Trẻ ra ngày 8/8/2024 cho biết thêm [3] : Dù ngày 3/8/2024, Tổng thống Putin đã có thơ gởi chúc mừng nhưng "...trưa 8/8, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin". Bài báo này kết thúc bằng câu : "Trong không khí trao đổi nồng ấm, Tổng thống Putin bày tỏ vui mừng, mong được đón Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Liên bang Nga". Tuy nhiên, bài báo không nói rõ ông Tô Lâm có nhận lời của ông Putin với thời gian công du hay không.
Báo Thanh Niên cho hay [4], trong cuộc họp báo sáng ngày 3/8/2024 "...Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng như thời gian qua, 'không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm...". Quả thật vậy ! Tin mới ra [5] chiều ngày 8/8/2024, cho biết một loạt cán bộ cấp cao bị đề nghị kỷ luật, trong đó có cựu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Trước đó, ngày 3/8/2024, ông Khái đã bị cho thôi chức cùng nhiều cán bộ cấp cao : Đặng Quốc Khánh (Bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường), Nguyễn Xuân Ký (Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh), Chẩu Văn Lâm (Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang).
Khác với các ông Phó Thủ tướng : Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam khi bị kỷ luật, ông Lê Minh Khái bị chỉ đích danh sai phạm với "khu đô thị Đại Ninh" thuộc tỉnh Lâm Đồng. Điều này gần như đồng nghĩa - ngoài kỷ luật đảng - ông Khái còn phải đối diện với quan tòa về các vi phạm được nêu ra.
Song song đó, báo chí cũng loan tin Thiếu tướng Vũ Hồng Văn nhậm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, do ông Trầm Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban đó trao vào ngày 8/8/2024, theo quyết định của Bộ Chính trị (mới nhứt) gồm 14 người với nhiều vị trí xáo trộn, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời. Trong đó, ông Đinh Tiến Dũng đã mất chức Bí thư thành ủy Hà Nội và được thay bằng bà Bùi Thị Minh Hoài. Từ hàng chục năm trước, số lượng Bộ Chính trị thường là số lẻ để đúng với nguyên tắc bất di bất dịch "tập thể lãnh đạo - cá nhơn phụ trách", để khi ra quyết định trong trường hợp gai góc, chỉ cần hơn 1 phiếu đã mang tính quyết định của tập thể Bộ Chính trị.
Bước đầu ông Tô Lâm cho thấy sự thành công trong vấn đề nội trị như thượng dẫn, với tư cách Tổng bí thư - Chủ tịch nước. Đây cũng là mô hình của Trung Quốc, bởi ông Tập Cận Bình, từ năm 2013 đến nay.
Một trong các ưu điểm của chế độ độc tài toàn trị là tạo ra được ê kíp ưng ý, để khai triển tư tưởng. Ở Trung Quốc, khái niệm "Tư tưởng Tập Cận Bình" được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2012 nhưng đến tháng 10/2017, tại đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc mới chánh thức được công nhận và họ nhứt trí đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vô điều lệ đảng.
Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho đại hội đảng, diễn ra vào tháng 1/2026. Lần đại hội đảng này cũng cho biết, việc sửa đổi điều lệ đảng là một phần quan trọng [8]. Do đó, giới quan sát có lẽ cũng trông ngóng vấn đề này để tìm thấy "Tư tưởng Tô Lâm" ? !
Có thể coi ông Tô Lâm như là nguyên thủ quốc gia có thực quyền đầu tiên của Việt Nam, tính từ nửa thế kỷ qua. Tuy vậy, với vai trò một nguyên thủ quốc gia, hầu hết những nhà nghiên cứu đều đồng thuận sự thành công hay thất bại của họ, phải thể hiện qua 2 lãnh vực "nội trị và đối ngoại".
Với quyết tâm sắt đá chống tham nhũng, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy có hy vọng hơn một chút. Tuy nhiên, văn hóa Việt Nam với tục ngữ "Một người làm quan cả họ được nhờ", tính cho tới nay có vẻ vẫn là rào cản cho ông ta khá cao. Liệu ông Tô Lâm có vượt qua nổi hàng rào kiên cố này không ? Có lẽ cần thêm một khoảng thời gian.
Về "đối ngoại" đã được ghi trong Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam và Hiến pháp, cũng như các bộ luật liên quan : Việt Nam muốn làm bạn với thế giới cùng chánh sách Bốn Không, chắc chắn cũng gây khó khăn rất nhiều cho tân Tổng bí thư - tân Chủ tịch nước Tô Lâm, với hiện tình thế giới vô cùng căng thẳng. Trong đó, cuộc chiến giữa Nga với Ukraine do Hoa Kỳ cùng phương Tây ủng hộ và hỗ trợ cao nhứt, dễ khiến cho ông Tô Lâm rất khó khăn, bởi bên nào cũng là bạn tốt và Nga đã là "đối tác chiến lược toàn diện" từ năm 2012, còn Hoa Kỳ cũng với tư cách đó nhưng mới đây, vào năm 2023. Cũng như vấn đề "nội trị", có lẽ cần thêm một khoảng thời gian, để ông Tô Lâm tỏ rõ tài năng trong vấn đề "đối ngoại". Bởi việc phủ nhận kinh tế thị trường mới đây từ Hoa Kỳ là kết quả từ tiền nhiệm của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nam Gia
Nguồn : RFA, 09/08/2024
Chú thích :
[1] https://thanhnien.vn/ong-vo-van-thuong-duoc-bau-lam-chu-tich-nuoc-185230...
[2] https://vnexpress.net/99-79-dai-bieu-bau-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-la...
[3] https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-dien-dam-voi-tong-th...
[4] https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tiep-tuc-chong-tha...
[5] https://tuoitre.vn/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-de-nghi-ky-luat-pho-thu-tu...
[6] https://dantri.com.vn/xa-hoi/danh-sach-14-uy-vien-bo-chinh-tri-khoa-xiii...
[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0_t%C6%B0%E1%BB%9Fng_T%E1%BA%ADp_C%E...
[8] https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-hoi-xiv-se-sua-dieu-le-dang-bau-bch-tru...
Giới quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ trong nước và hải ngoại thảo luận hiện tình chính trị Việt Nam và xu hướng, chuyển động cùng thách thức chính yếu có thể có tới đây với Đại tướng Tô Lâm sau khi ông nắm giữ cùng lúc hai chức vụ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam.
Nguồn : VOA, 06/08/2024
Hai khách mời của buổi Hội luận tại Studio RFA là ông Lý Thái Hùng - Chủ tịch Việt Tân và Luật sư Đặng Đình Mạnh (tại Hoa Kỳ) cho rằng tranh chấp quyền lực sẽ càng lúc càng lên đến đỉnh điểm, không phải đợi đến năm 2026 mà có khi đến nửa năm 2025, Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều biến động lớn ở các vị trí lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam. Mời quý vị cùng theo dõi
Nguồn : RFA, 07/08/2024
Sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Tổng bí thư, nhiều trang báo quốc tế đã đưa tin về sự kiện này với những lời bình luận khác nhau.
Tờ New York Times cho rằng việc bổ nhiệm này mang lại cho ông Tô Lâm cơ hội để củng cố vị trí của mình trong nội bộ đảng trước Đại hội 14.
Tờ New York Times cho rằng việc bổ nhiệm này mang lại cho ông Tô Lâm cơ hội để củng cố vị trí của mình trong nội bộ đảng trước Đại hội 14.
Trên Reuters, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định việc Việt Nam có Tổng bí thư mới có thể là dấu hiệu cho thấy đấu đá nội bộ sẽ tạm lắng.
Sau khi ông Tô Lâm lên làm Tổng bí thư hôm 3/8, lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Lào và Campuchia, đã gửi điện chúc mừng.
Đánh giá với BBC News tiếng Việt ngày 3/8, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc), cho rằng việc ông Tô Lâm nhậm chức Tổng bí thư "không phải là điều bất ngờ".
‘Tạm ngưng đấu đá nội bộ’ ?
Ngày 3/8, Reuters dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang về việc ông Tô Lâm nhậm chức Tổng bí thư :
"Đây là dấu hiệu cho thấy sự tạm ngưng của các đấu đá nội bộ trong Đảng. Dù ông Lâm đã cam kết thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng, chiến dịch này có thể bị đình trệ bởi ông ấy có thể ưu tiên sự ổn định của hệ thống Đảng trước kỳ đại hội năm 2026".
Giáo sư Thayer cho rằng ông Tô Lâm sẽ "đặc biệt cảnh giác" trong việc loại bỏ nhân sự không phù hợp trước Đại hội 14, cụ thể là "những ứng cử viên liên quan đến tham nhũng hoặc không đạt tiêu chuẩn của đảng".
Trong buổi họp báo sau khi nhậm chức Tổng bí thư, ông Tô Lâm cho biết sẽ tiếp tục công cuộc chống tham nhũng.
"Cá nhân tôi rất may mắn khi còn làm Bộ trưởng Công an cũng đồng thời nhận nhiệm vụ Phó ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng tiêu cực, trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bám sát ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm. Do vậy tôi đã có những kinh nghiệm nhất định", ông Tô Lâm nói.
Ông Tô Lâm được cho là cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch chống tham nhũng, thường được gọi là "đốt lò". Tuyên bố trong cuộc họp báo, ông Tô Lâm nêu phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng".
Nhận xét về tương lai sắp tới của công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với BBC ngày 3/8 :
"Chiến dịch đốt lò sẽ không biến mất bởi tham nhũng vẫn là một vấn đề ở Việt Nam. Và nguyên nhân nó tiếp tục tồn tại vẫn là chính trị.
"Ông Tô Lâm đã sử dụng chiến dịch này để loại bỏ các đối thủ và tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ tiếp tục sử dụng chiến dịch này để kiểm soát các đối thủ.
"Tình hình đốt lò sẽ không trở nên gay gắt hơn, nhưng chắc chắn cũng sẽ không hạ nhiệt vào lúc này".
Tập trung quyền lực kiểu Tập Cận Bình ?
Điều mà nhiều tờ báo nước ngoài quan tâm là việc liệu ông Tô Lâm có tiếp tục giữ chức chủ tịch nước.
Theo Reuters, nhiều chuyên gia nhận định rằng chức chủ tịch nước của ông Tô Lâm chỉ là một bước đệm để ngồi vào ghế Tổng bí thư.
Nếu kiêm nhiệm hai chức, ông Tô Lâm sẽ có cơ hội gia tăng quyền lực và áp dụng phong cách lãnh đạo độc đoán hơn, đài Al Jazeera dẫn đánh giá của các nhà quan sát.
Al Jazeera cũng dẫn lời chuyên gia so sánh ông Tô Lâm với ông Tập Cận Bình – Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc.
Nói với BBC ngày 3/8, Giáo sư Abuza cho rằng "ông Tô Lâm rất thích trường hợp của Chủ tịch Tập Cận Bình".
"Ông Tập Cận Bình vừa là Tổng bí thư, vừa làm chủ tịch nước, đại diện hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế và tôi cho rằng Tô Lâm sẽ làm điều tương tự.
"Cũng có lý luận ngoại giao trong đó, người quyền lực nhất đất nước (tức Tổng bí thư) đại diện cho đất nước đó (chủ tịch nước).
"Nếu có người nào muốn kiêm nhiệm cả hai chức vụ này, đó hẳn sẽ là ông Tô Lâm. Tuy nhiên, tính lãnh đạo tập thể là rất quan trọng. Chúng ta vẫn cần phải chờ xem", ông đánh giá.
Việc kiêm nhiệm hai chức vụ Tổng bí thư và chủ tịch nước đã có tiền lệ mới đây. Sau khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, ông Trọng đã kiêm nhiệm hai chức vụ trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2021.
Theo New York Times, các lãnh đạo đã từng thảo luận về việc tập trung quyền lực bằng cách nhất thể hóa vị trí chủ tịch nước và lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, từ lâu trong đảng đã có sự đồng thuận rằng cần phải duy trì sự ổn định bằng một hệ thống chia sẻ quyền lực, cơ chế có thể giúp ngăn chặn việc trỗi dậy của một lãnh đạo thâu tóm toàn bộ quyền lực.
Nói với NikkeiAsia, ông Nguyễn Khắc Giang cho rằng nếu ông Tô Lâm từ chức chủ tịch nước, người thay thế ông sẽ "là người từ quân đội, chứ không phải một đồng nghiệp từ Bộ Công an".
"Điều này sẽ giúp cân bằng quyền lực của Bộ Công an trong nhóm lãnh đạo cấp cao", ông Giang nói thêm.
Hiện có năm thành viên của Bộ Chính trị xuất thân từ công an.
Reuters dẫn lời một số quan chức và nhà ngoại giao nói rằng Đảng cộng sản Việt Nam đang thảo luận về việc bổ nhiệm một tân chủ tịch nước để ông Tô Lâm tập trung vào vai trò Tổng bí thư.
Từ nay đến ngày Đại hội 14 diễn ra, ông Tô Lâm chỉ còn khoảng 16 tháng ngồi ghế Tổng bí thư.
Khi đó, ông Tô Lâm sẽ hơn 68 tuổi. Chiếu theo quy định hiện nay về độ tuổi tái cử vào Bộ Chính trị, thì ông Tô Lâm sẽ quá tuổi vào thời điểm đó.
"Nếu ông Tô Lâm muốn tiếp tục tại nhiệm, ông sẽ phải được miễn tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65, có thể viện dẫn việc ông có quá trình công tác xuất sắc", ông Thayer nói với BBC.
Khi được hỏi về vấn đề này, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với BBC ngày 3/8 :
"Họ sẽ được đặc cách khi cần thiết. Và thực tế là Việt Nam không thích có sự thay đổi quá lớn. Mọi người sẽ thấy rằng vào Đại hội 14, không quá nửa số lượng ủy viên Bộ Chính trị sẽ thay đổi. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều trường hợp đặc biệt".
Hiện tại, trong 14 ủy viên Bộ Chính trị, chỉ có 6 người sẽ dưới 65 tuổi vào tháng 1/2026.
Dần ổn định ?
Theo bài viết ngày 3/8 trên Financial Times, ông Tô Lâm nhậm chức Tổng bí thư đúng vào thời điểm quan trọng của Việt Nam - quốc gia đang trở thành thế lực sản xuất và hưởng lợi từ chính sách của các doanh nghiệp về đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Giới đầu tư ngày càng lo ngại khi liên tiếp các quan chức cấp cao của Việt Nam mất chức mà không có lý do cụ thể.
"Tôi nghĩ rằng việc ông Tô Lâm giữ chức Tổng bí thư có lợi cho môi trường đầu tư của Việt Nam. Trước đó, việc các phó thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội mất chức là tín hiệu cho thấy sự bất ổn định của tình hình chính trị Việt Nam.
"Đốt lò sẽ không biến mất, nhưng nó sẽ trở nên ổn định và dễ dự đoán hơn một chút.
"Quãng thời gian trước các đại hội đảng thường sẽ yên tĩnh. Sẽ có ít quyết định và chính sách được ban hành. Đảng cộng sản tập trung nhiều hơn vào việc chuẩn bị cho đại hội. Vậy nên thời gian tới sẽ là về nội bộ nhiều hơn", Giáo sư Abuza chia sẻ với BBC.
Việc ông Tô Lâm giữ chức Tổng bí thư được cho là phần nào cho thấy Việt Nam đang dần ổn định hơn về mặt chính trị.
Tuy nhiên, báo Financial Times cho rằng việc ông Tô Lâm trở thành Tổng bí thư "có thể làm dấy lên thêm lo ngại về các quyền tự do dân sự ở Việt Nam".
Trước đó, trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời và quyền lực của ông Tô Lâm đang lên, vào ngày 31/7, ông Claudio Francavilla, đại diện của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Liên minh Châu Âu (EU), đã nói với đài truyền hình DW rằng "sự gia tăng quyền lực của ông Tô Lâm không phải một tin vui cho nhân quyền".
Ông Francavilla nói thêm :
"Sự đàn áp và không hề khoan nhượng của chính phủ Việt Nam trước chỉ trích, cũng như sự thù hằn đối với các quyền dân sự và chính trị cơ bản sẽ gia tăng", ông nói với DW.
Nguồn : BBC, 04/08/2024